Powered By Blogger

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

Các thương nhân Nusantao* bên ngoài Đông Nam Á


Các thương nhân Nusantao* bên ngoài Đông Nam Á

Willhelm G. Solheim II

Người dịch: Hà Hữu Nga


Khoảng 10 năm trước đây tôi đã đề xuất khái niệm Nusantao cho những người nói tiếng Austronesian [Solheim 1975a: 158] với ngụ ý rằng họ và ngôn ngữ của họ đều bắt nguồn từ ĐNA (Đông Nam Á). Trong bài này, tôi đặc biệt dành để nói về thương mại biển của những người Nusantao với các vùng ngoài ĐNA, mà tôi coi là khu vực ven biển Trung Quốc từ vùng nam sông Dương Tử, là một phần của ĐNA như trước đây tôi đã đề cập [Solheim 1973; 1975b; 1979a,b; 1980; 1984a,b…].

Tôi nghĩ rằng lẽ ra tôi đã đưa ra được một trường hợp điển hình về thương mại biển của người Nusantao với những vùng ngoài ĐNA của những người ĐNA, và không liên quan tới khu vực bên ngoài thì cũng có thương mại giữa ĐNA và các vùng không phải ĐNA. Để chứng tỏ thương mại với các vùng ngoài ĐNA do các thương nhân Nusantao tiến hành thì cần phải chỉ ra các thương nhân này đã nói một thứ tiếng Austronesian. Tôi tin rằng tôi có thể trình bày tương đối trực tiếp các bằng chứng cho một số tiên đề trên và không trực tiếp nhưng lại là bằng chứng ủng hộ cho những tiên đề khác.

Thương mại biển sớm ở ĐNA

Chứng cớ rõ ràng nhất về thương mại biển ở ĐNA vào thiên niên kỷ I TCN (trước công nguyên), là sự phân bố của các đồ trang sức bằng ngọc hai đầu thú và ngọc ling ling-o. Các khuyên tai (có thể) này cũng rất khác nhau và các đồ trang sức hai đầu cũng quá hiếm hoi. Sự hiện diện của chúng ở đảo Orchid (Botol Tobago) ngoài khơi cực nam Đài Loan, ở Palawan, Philippines, tại một vài di chỉ Trung và Nam Việt Nam và gần U Thong, Trung Thái Lan, tối thiểu cũng biểu hiện sự tiếp xúc đường biển giữa các vùng này. Ngọc ling ling-o cũng được phát hiện ở chính những vùng đó cũng như tại thung lũng Cagayan Bắc Luzon và Batagas gần Manila ở Philippines, ở hang Niah tại Sarawak và ở vùng ven biển trung tâm phía đông Thái Lan. Những phân bố đầu tiên cho thấy một niên đại khoảng 700 – 200 năm TCN. Một số nhà khảo cổ đã viết về các đồ trang sức này [Davidson 1975, Fontaine 1980, Fox 1970, Kaneko 1983, Loofs-Wissowa 1980, 1981; Solheim 1982, 1982-3, Tan and Trinh 1977, You-di 1978, Glover 1990]. Chúng ta cần thực hiện một số phân tích về ngọc chế tác các đồ trang sức này để xem chúng đến từ một hay nhiều nguồn, nguồn đó ở đâu.

Sự phân bố rộng rãi của truyền thống gốm Sa Huỳnh – Kalanay lần đầu tiên khiến tôi suy nghĩ về một nền văn hóa biển ở ĐNA [Solheim 1964a, 204]. Ý tưởng về sự phổ biến của truyền thống gốm này thông qua sự di cư của một nền văn hóa duy nhất đã dần dần làm thay đổi về ý tưởng rằng nó đã được người Nusantao phổ biến, không phải với tư cách là một mặt hàng, mà là các thương nhân đã mang thông tin về loại gốm đó từ vùng này tới vùng khác. Các loại gốm khác cũng như vậy. Những đồ đựng bằng đất nung đặc trưng từ một di chỉ trên một hòn đảo phía đông bán đảo Thái Lan [Solheim 1964b, 201-202] rất giống với đồng loại của nó ở Philippines (di chỉ hang Kalanay) mà chúng đã được làm bởi cùng một nhóm thợ gốm. Tôi cho rằng niên đại của các di chỉ này là khoảng 2000 năm cách ngày nay. Nơi nào có ngọc ling ling-o và đồ trang sức hai đầu thấy ở Philippines, Sarawak và Việt Nam đã được biết thì đều thấy gốm thuộc truyền thống Sa Huỳnh – Kalalay.

Cách đây đã lâu, H. Otley Beyer [1948] đã lưu ý về tính chất gần gũi của những chiếc bôn nấc đặc trưng và mũi lao có chuôi được mài bóng ở trung Luzon Philippines, vùng biển Nam Trung Quốc xung quanh vùng Hồng Kông và Đài Loan. Chúng ta có thể them Bắc Việt Nam vào các vùng này và có thể gán các mũi lao tam giác đáy lõm vào đó, ngoại trừ Philippines. Hiện tượng phân bố này có lẽ xảy ra vào khoảng cuối thiên niên kỷ II TCN và đầu thiên niên kỷ I TCN dù rằng chúng ta chưa suy nghĩ được kỹ về nguồn gốc của nó, trừ trường hợp bôn có nấc. Một chiếc bôn có nấc tìm được tại Shamwan (Thâm Loan) Hồng Kông cùng các hiện vật trung kỳ đá mới có niên đại là 3500 – 2500 năm TCN (Meacham 1976-78, 37). Điều đó không biểu hiện riêng về thương mại, mà nó gợi lên các mối tiếp xúc gần gũi giữa các vùng chứ không phải là các tương đồng này là do di cư.

Tiếp xúc và thương mại với phương Bắc

Tôi không tin rằng trong thời gian này lại có thể có thương mại (trao đổi) mạnh mẽ giữa ĐNA và Triều Tiên/Nhật Bản vào thiên niên kỷ I TCN, nhưng tôi tin là có thể chỉ ra một giai đoạn dài tiếp xúc giữa hai vùng đó mà không thấy những dấu hiệu về di cư. Một giai đoạn tiếp xúc lâu dài không có di cư có thể được lý giải bằng hoạt động thương mại ở mức độ tương đối thấp và đa dạng. Tiếp xúc giữa Nhật Bản – Triều Tiên và ĐNA được gợi ý bởi sự có mặt của những hiện vật đặc trưng ở một hoặc nhiều nơi trong cả hai vùng vào gần như cùng một thời gian với những loại hình rõ ràng là do tổ tiên truyền lại trong một vùng chứ không phải là vùng kia.

Tiền sử Triều Tiên vẫn chưa được biết nhiều. Có những hoạt động đáng kể nghiên cứu khảo cổ học tiền sử của các nhà khảo cổ ở cả bắc và nam Triều Tiên, nhưng lại có tương đối ít các xuất bản phẩm về các hoạt động này bằng tiếng Anh. Cái gọi là giai đoạn “Đá mới” ở Triều Tiên với gốm và các công cụ đá mài như Văn hóa gốm hình kỷ hà, hoặc văn chải, nhưng lại không có các dấu hiệu về nông nghiệp. Nói chung gốm có miệng rộng, đáy tròn nhỏ hoặc nhọn. Bắt đầu vào khoảng trước 4000 năm TCN, chúng tiếp tục tới khoảng 1000 năm TCN. Nhìn chung người ta có cảm tưởng rằng sự hiểu biết về loại gốm này cũng như người chế tạo ra nó có nguồn gốc từ miền Bắc và miền Tây [Kim Jeong-Hak 1978, 10-52]. Mới đây gốm sớm hơn loại gốm văn chải đã được phát hiện tại miền Nam, ở di chỉ Tongsamdong, sau đó được tiếp tục bởi gốm văn chải. Gốm trang trí văn chắp thêm này được định niên đại khoảng 5000 năm TCN và tương đồng với loại gốm sớm nhất tại Nhật Bản, trên đảo Kyushu liền kề [Kim, Wong-yong 1983, 10-19].

Giai đoạn tiếp theo được gọi là Văn hóa Gốm mộc thuộc thời đại Đồ đồng, nhưng có lẽ gồm hai hoặc ba văn hóa. Có hai loại gốm mộc khác nhau. Một loại có những loại hình miệng rộng giống như loại gốm sớm hơn, nhưng có đáy nhỏ và bằng chứ không phải là đáy nhọn và rất ít được trang trí. Gốm đỏ miết láng thì rất khác nhau với miệng hẹp, mép miệng thường cao và đáy tròn, phẳng hoặc có chân đế thấp. Cả hai loại gốm thường được phát hiện trong các di chỉ mộ đá bên dưới các dolmen hoặc với các mộ vò đôi. Các hiện vật kèm theo là những chiếc bôn có nấc với những biến thể khác nhau, các con dao đá hình bán nguyệt, các đĩa đá được khoan ở giữa, những mũi lao tam giác đáy lõm, các mũi nhọn có chuôi tra cán và các lưỡi dao găm đá được mài. Phức hợp này kèm theo việc đưa lúa vào Triều Tiên vào khoảng 1000 năm TCN [Kim Jeong-Hak 1978, 53-117]. Ngẫu nhiên các hiện vật bằng đá hình bàn chân và gốm in đập cũng được phát hiện cùng phức hợp này. “Văn hóa” này có niên đại cuối thiên niên kỷ II đến thế kỷ IV hoặc III TCN.

Chúng ta có thể đi xa hơn thế. Tại di chỉ O-Luan-Pi, cực nam Đài Loan, từ giai đoạn văn hóa III có niên đại carbon phóng xạ là 2730 ± 120 năm TCN đã phát hiện được các mộ quan tài đá, các hiện vật đá hình bàn chân, gốm bàn đập tô màu đỏ, đồ gốm màu hơi đỏ, đĩa đá khoan thủng hình chữ nhật hoặc hình bán nguyệt [Li 1983, 80; Sung 1967, 45] với một số loại hình gốm tương tự với loại hình gốm đỏ miết láng của Triều Tiên. Một số yếu tố văn hóa thường xuyên được thấy ở O-Luan-Pi và giai đoạn gốm đỏ của Feng Pi Tou ở Tây Nam Đài Loan. Cùng với đồ gốm đỏ mịn ở Feng Pi Tou là các hiện vật bằng đá hình chân, các dao đá hình bán nguyệt [Chang 1969, fig 35-37], các mũi lao đá có chuôi tra cán, các đãi đá có khoan lỗ ở giữa và có lẽ cả những con dao găm đá. Tại Bắc Đài Loan, đè lên lớp thuộc giai đoạn gốm đỏ mịn miền Nam, văn hóa Yuan-shan bao gồm những chiếc bôn có nấc giống bôn có nấc Triều Tiên, những chiếc mũi lao mài, đế lõm hình tam giác và những đĩa đá khoan lỗ ở giữa. Các mộ vò đôi được phát hiện ở Nam Đài Loan, nhưng lại hoàn toàn muộn, có niên đại 1170 ± 145 năm CNN (cách ngày nay). Các mộ vò đúp muộn hơn và sớm hơn được phát hiện ở các đảo Batanes và Babuyan giữa Đài Loan và Luzon ở Philippines. Mộ vò thường thấy ở các di chỉ có gốm Sa Huỳnh – Kalanay và quay lại trước 1000 năm TCN ở Palawan, Philippines [Fox 1970, 67; Solheim 1982, 44, 47]. Nhiều khuyên tai hai đầu thú bằng ngọc ling ling-o và ngọc bích được phát hiện trong các hang đá có mộ vò ở Palawan [Fox 1970, 125-29]. Những biến thể sớm của ngọc ling ling-o được làm từ một loại ngọc địa phương đã được phát hiện từ những ngôi mộ được kè bằng những phiến đá mỏng ở Peinam, Đông Nam Đài Loan, có niên đại 1000 năm TCN [Sung, thông tin riêng; Soheim 1982-3]. Một con dao rất giống với con dao bán nguyệt được phát hiện ở Thâm Loan, Hồng Kông, trong một kho chứa có những mũi lao đá được mài bóng, đế lõm hình tam giác [Bard 1974, 13].

Giai đoạn Jomon ở Nhật Bản kéo dài từ 11.000 năm TCN đến 3000 năm TCN. Phương thức sống săn bắn và hái lượm, chủ yếu tập trung vào sản phẩm biển dọc theo các bờ biển được thiết lập vào khoảng 7000 năm TCN và tiếp tục với đôi chút thay đổi công nghệ cho tới gần điểm kết thúc của nó [Aiken and Higuchi 1982: 183; Chard 174: 141]. Có một cách chia Jomon thành các giai đoạn như sau: Phôi thai, Khởi đầu, Sớm, Giữa, Muộn, và Kết thúc. Những biến đổi xã hội và phong cách bắt đầu tăng tốc vào giai đoạn Jomon muộn (2500 – 1000 năm TCN) và bắt đầu đặc biệt mạnh vào Jomon kết thúc (1000 – 300 năm TCN; Aiken and Higuchi 1982: 156-86). Một số ít loại hình gốm phát triển trong giai đoạn Jomon muộn không có các tiền đề từ gốm Jomon riêng biệt từ 9000 năm trước. Một loại hình vòng tay đặc biệt đã được phát hiện tại Kyushu mà sau này đã được trao đổi rộng rãi hơn, có lẽ là từ một nguồn thương mại biển ngoại quốc [Hayashi n.d: 9]. Loại vòng tay này được làm bằng một loài hai mảnh vỏ hoặc một loại lambis thấy ở người Ryukyus miền nam Nhật [Takamiya 1983: 57], và được phát hiện ở O Luan Pi Nam Đài Loan [Sung et.al. 1967: pl.20]. Tôi không hề thấy loại vòng tay này ở bất cứ nơi nào khác. Lúa xuất hiện đầu tiên tại Kyushu vào cuối Jomon muộn, vào khoảng 1000 năm TCN [Akazawa 1983: 5-6]. Trong giai đoạn Jomon Kết thúc, nhiều loại hình gốm mới đã xuất hiện với các mô thức trang trí hoa văn khắc vạch mới, mà nhiều loại được làm bằng một vật cuộn xoắn cong liên động. Một cặp hai cái magatama 八尺瓊曲玉 [bát xích quỳnh khúc ngọc] buộc vào nhau trông rất giống những chiếc khuyên tai cùng ngọc ling ling-o ĐNA đã được phát hiện trong tập hợp Jomon Kết thúc trong một di chỉ Honshu Nam Trung. Jina Barne đã thong báo rằng việc thắt hai chiếc magatama theo cách này đã xuất hiện sớm hơn nhiều so với giai đoạn Jomon Kết thúc.

Giai đoạn Yayoi ở Nhật Bản tiếp nối Jomon thường được định niên đại từ 200 – 300 năm TCN đến 300 năm SCN (Sau công nguyên) có niên đại C14 đi cùng với tập hợp gốm lên tới khoảng 700 năm TCN. Bước vào giai đoạn Yayoi đã có một phong cách gốm mới và nông nghiệp lúa nước dựa vào việc canh tác các ruộng ngập nước, những con dao đá hình bán nguyệt, khung cửi dệt, con lăn cọc sợi bằng đĩa đá có khoan lỗ ở giữa và tại các dolmen Kyushi, các mộ đá, mộ vò đôi và các lưỡi dao găm bằng đá mài.

Nhiều học giả Nhật Bản nhận thấy rằng gốm Yayoi là một tiến hóa trực tiếp từ gốm Jomon Giai đoạn Kết thúc. Tôi đồng ý với quan điểm này, miễn là chúng ta chấp nhận một ảnh hưởng chủ yếu từ gốm mộc Triều Tiên, Yayoi bắt đầu ở Bắc và Tây Kyushu và phát triển từ đó tới Kyushu và về phía đông bắc tới Shikoku và Honshu. Gốm Yayoi sớm nhất Itatsuke I , ở Fukuoka, bắc Kyushu và có lẽ ảnh hưởng bởi gốm mộc Karak-ni nam Triều Tiên (Kim, Jeong-hak 1978: 93) và điều đó cũng đúng với cả những hiện vật không phải gốm [Kaneko 1964: 26-9]. Dolmen Nhật Bản đầu tiên được phát hiện ở tây bắc Kyushu và rất giống các dolmen Nam Triều Tiên. Chúng cũng được phát hiện cùng mộ vò đôi, các mộ đá và các hiện vật giống ở Nam Triều Tiên, gồm lưỡi dao găm đá và một đồ gốm văn in bàn đập giống gốm Đài Loan, Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam.

Có nhiều yếu tố văn hóa vật chất đến Nam Triều Tiên và Bắc Nhật Bản, bao gồm văn hóa lúa nước trong nửa cuối của thiên niên kỷ II và nửa đầu thiên niên kỷ I TCN có nguồn gốc từ ĐNA. Sự tiếp xúc chặt chẽ giữa Triều Tiên và Nhật Bản được tiếp tục trong nhiều thế kỷ. Nhìn lại từ các tư liệu lịch sử sớm nhất ở Nhật Bản và Triều Tiên (việc lý giải các tư liệu này còn gây tranh luận) chúng ta sẽ thấy một khả năng là giai cấp quí tộc Nhật Bản đã đến từ Nam Triều Tiên vào giai đoạn Yayoi muộn hoặc Kofun sớm (giai đoạn kế tiếp ở Nhật Bản). Wa [“nhà nước” Hòa quốc đầu tiên ở Nhật Bản theo sử liệu của Trung Quốc là 240 SCN], bao gồm góc tây bắc Kyushu và các đảo Iki, và Tsushima. Có mối quan hệ gần gũi với những người sống ở Nam Triều Tiên. “Có lẽ đã rõ là vào giai đoạn Hòa quốc đó, chính văn hóa Yayoi nói chung đã phát triển từ vùng biển phía nam Triều Tiên qua Kyushu hướng về phía đông tới vùng Kinai…Về cơ bản đó là một vùng được liên hệ với nhau bằng đường thủy, không có đường bộ, và một trong những cảnh quan thông thường nhất là người ta đi lại bằng thuyền (như thấy trong một số bức tranh tường trong mộ ở Kyushu). Đó là một quốc gia biển…[Ledyard 1975: 231].

Nhật Bản, theo con đường Kyushu tiếp xúc liên tục với nam Triều Tiên từ Giai đoạn Jomon Kết thúc ít nhất là cho đến thế kỷ V SCN [Edward 1983: 288-91]. Cả tiếng Nhật và tiếng Triều Tiên đều thuộc ngữ hệ Antai. Thậm chí trong biểu hiện chung đó cũng có ít sự đồng ý giữa các nhà ngôn ngữ Triều Tiên và Nhật Bản [Miller 1976], trong khi cho rằng tiếng Nhật là ngôn ngữ Antai thì dường như lại đồng ý với Murayama rằng có những cội rễ Malayo-Polynesian trong ngôn ngữ Nguyên-Triều Tiên – Nhật Bản. Một phàn của vấn đề là ở chỗ có một sự hòa trộn tiếng Nam Đảo quá lớn, vì vậy, một số người cho rằng tiếng Nhật là một ngôn ngữ pha trộn [Murayama 1976: 427]. Murayama cho rằng: “Khi ai đó đọc lại công trình của Martin về vấn đề này thì sẽ bị sốc bởi sự hiện diện của các yếu tố Malayo-Polynesian trong vốn từ vựng của cả hai ngôn ngữ này mà ông đã so sánh”. Murayama dẫn Nicolas Pope “…vị lão thành trong số các học giả về ngôn ngữ Antai. Tiếng Nhật là một thứ ngôn ngữ lai, bao gồm tiếng Malayo-Polynesian, Antai và ngôn ngữ khác, các thành tố không xác định…vấn đề các ngôn ngữ lai không thể được thảo luận ở đây, dù hoàn toàn có thể tiếng Nhật đã có một cơ tầng Malayo-Polynesian”. Trong một bài báo khác, Murayama nói: “…về giải pháp quan hệ di truyền của tiếng Nhật cả hai cách tiếp cận Antai và Malayo-Polynesian đều cần thiết. Và một vấn đề tương tự có thể nói, liên quan đến việc nghiên cứu so sánh tiếng Nhật và tiếng Triều Tiên”. Djarygasinova [1964, 8] trong một bài viết về nguồn gốc của tiếng Triều Tiên đã nói: “Sự tồn tại của các mối quan hệ xác định được chỉ rõ bởi các song hành ngôn ngữ Triều Tiên và Indonesian (trong đó có một loạt gồm các ngữ vựng liên quan đến văn hóa lúa gạo”.

Căn cứ vào các trình bày trên, tôi cho rằng sẽ là có lý khi giả định sự tiếp xúc với Nhật Bản bởi các thương nhân Nusantao từ phía nam trong khoảng thời gian từ thiên niên kỷ II TCN đến giữa thiên niên kỷ I SCN. Giả thuyết này rõ ràng cần được kiểm tra. Trong khi tôi tập trung vào các yếu tố văn hóa được đem từ vùng đông bắc ĐNA tới Triều Tiên và Nhật Bản thì cũng có những yếu tố hoàn toàn rõ ràng được chuyển đi theo hướng khác. Các mũi lao tam giác đế lõm có một truyền thống lâu dài ở cả Nhật Bản và Triều Tiên, trong khi lại hoàn toàn có loại đó ở ĐNA trước khi nó xuất hiện ở Đài Loan và vùng ven biển Nam Trung Quốc, trừ trường hợp văn hóa Toalian ở Nam Sulaweisi. Các mũi lao tam giác chế từ mảnh tước đá có đáy lõm đã được phát hiện tại di chỉ Jomon sớm nhất ở Natsushima trước 7000 năm TCN. Muộn hơn, ở Triều Tiên, loại này phát hiện được cả bằng mài lẫn ghè đẽo. Các mũi lao có cán thấy cả ở miền bắc lẫn miền nam sớm hơn 1000 năm TCN, vì vậy loại mũi lao được mài có lẽ là sớm nhất ở Triều Tiên, và sau đó được đưa tới Nhật Bản và xuống phía nam. Sự xuất hiện đột ngột của nó ở cả Triều Tiên và Nhật Bản cùng với nền nông nghiệp lúa nước đã gợi ý về điều khác nữa.

Tiếp xúc và buôn bán với phía Tây

Buôn bán trên biển của các thương nhân Nusantao với phía tây ĐNA thì không khó thể hiện khi sử dụng cách tiếp cận khác với cách giả thuyết hóa việc buôn bán với phía bắc. Ai cũng biết rằng Madagascar đầu tiên được cư chiếm bởi những người nói tiếng Indonesian [Valette 1965]. Mối liên hệ với Indonesian có thể được thể hiện cả ở phương diện văn hóa lẫn ngôn ngữ. Vẫn có một vài vấn đề chẳng hạn như có phải đợt di cư đến Madagascar đầu tiên xảy ra khoảng 2000 năm hoặc 1000 năm trước và có phải chỉ có một giai đoạn duy nhất hay hai giai đoạn vận động đến đó [Poirier 1982, 99-104; Ottino 1974: 16; Solheim 1975c, 179-80]. Piere Verin cho rằng những người đầu tiên đến Madagascar là các thương nhân, cũng như tôi nghĩ, nhưng có một điểm bất đồng. Tiếng Malay và tiếng Swahili sau tiếng Arab cho tới thế kỷ này vẫn là những ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất ở người Hadramaut [Ottino 1974: 36]. Theo bờ biển phía tây Ấn Độ, những người Indonesian thường xuyên có mặt, từ các thế kỷ IV – V với một truyền thống Indonesian phi Ấn và sau sự phát triển của Srivijaya với một truyền thống Ấn – Indonesian, và sau thế kỷ XIII – XIV với một truyền thống Hồi – Indonesian [Ottino 1974: 37]. Trước đây tôi đã bình luận về tính chất tương đối hiếm các dữ kiện KCH ở Madagascar để nói về nguồn gốc Indonesia [Solheim 1975c].

Câu hỏi: Thương nhân Nusantao tới Ấn Độ sớm đến mức nào vẫn còn để mở. Tôi đã giả thuyết rằng họ tới bờ biển Ấn Độ gần Madrad vào khoảng 1000 năm TCN. Alastair Lamb [1965: 88-91,124] đã lưu ý đến việc chế tác một số lượng lớn hạt chuỗi gần Cambay và Madrad. Đó là các hạt chuỗi mã não sớm hơn 1000 năm TCN, và vẫn tiếp tục được sản xuất cho đến ngày nay. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng họ bắt đầu chế tác các loại hạt chuỗi mới ở Ấn Độ trước hết là các hạt chuỗi thủy tinh một màu, sau đó thì nhiều màu, bắt đầu với hạt chuỗi mã não theo một trật tự xuất hiện giống như ở ĐNA. Tôi hiểu rằng có một số địa điểm ở Ấn Độ có những hạt chuỗi được làm giống nhau trong một thời gian dài. Nguồn gốc của các hạt chuỗi này ở ĐNA, cho đến khi chúng bắt đầu được chế tác tại địa phương thì không nhất thiết phải gần Madrad. Chúng ta cần có các phân tích hóa học và thạch học về nhiều loại hạt chuỗi sớm để định vị những nguồn khác nhau.

Tôi đã từng nghiên cứu sơ bộ các nền văn hóa biển ở Ấn Độ và thấy rằng không có những truyền thống biển phát triển ở đó. Họ chỉ đánh cá ven bờ cho đến thời Chola. Các truyền thống lịch sử Malay sớm đã cho thấy có những cuộc liên hôn nhân giữa quý tộc Malay và Chola chỉ từ 1000 năm SCN. Điều đó cho thấy có những mối quan hệ sớm hơn giữa hai vùng, và có lẽ cơ sở, nguồn gốc của cường quốc biển Chola là người Malay. Đến khi những người Arab can dự mạnh hơn vào thương mại Trung Quốc, tôi nờ rằng buôn bán trên biến Ấn Độ Dương chủ yếu nằm trong tay thủy thủ, hàng hải và thương nhân người Nusantao. 
____________________________________

Nguồn: Willhelm G. Solheim II 1985. Nusantao  traders beyond Southeast Asia,  in Research  Conference  on  Early  Southeast Asia  (Proceedings of  the Conference, Bangkok and Nakhon Pathom, April 1985),  ed.  In  press.

Tác giả: Willhelm G. Solheim II là một nhà nhân học Mỹ, chuyên về khảo cổ học Đông Nam Á, đặc biệt là khảo cổ học tiền sử Philippine và Đông Nam Á. Solheim II bắt đầu theo nghề Khảo cổ học tại Đại học Berkeley, California, sau đó thực tập tại Đại học Philippines dưới sự hướng dẫn của Giáo sư H. Otley Beyer, hoàn thành luận án Tiến sĩ tại Đại học Arizona năm 1959. Sau khi nghỉ hưu, ông là Giáo sư Danh dự của Khoa Nhân học, Đại học Hawaii at Manoa, từ 1991.


* Ghi chú của người dịch:

Để khỏi nhầm lẫn các khái niệm Malayo-Polynesian hoặc Austronesian với thuật ngữ Nusantao của Solheim, cần nhớ rằng Nusantao là một từ ghép tiếng Nam Đảo: nusa là đảo, còn tau/tao là người, vì vậy nghĩa khái quát của cái tên này là “người dân các đảo”. Vì vậy Austronesian và Nusantao không thể sử dụng thay thế cho nhau được, khi Solheim đã thay đổi định nghĩa cũ để loại người nói tiếng Nam Đảo nhưng lại không phải là những người đi biển ra, nhưng lại bao gồm những người đi biển, nhưng không nói tiếng Nam Đảo vào tên gọi Nusantao: “Giờ đây tôi định nghĩa Nusantao là những dân bản địa Đông Nam Á, và con cháu họ, có một nền văn hóa định hướng biển ngay từ những buổi đầu, những buổi đầu ấy có thể ở vùng đông nam của ĐNA hải đảo vào khoảng 5000 năm TCN hoặc có thể sớm hơn”. [Solheim, Wilhelm G. II. 2006. Archaeology and Culture in Southeast Asia: Unraveling the Nusantao. Quezon City: The University of the Philippines Press.]


Tài liệu dẫn

Aikens , Melvin C. and Takayasu Higuchi 1982. Prehistory of Japan. New York Academic Press.

Akazawa, Takeru 1983. An Outline of Japanese Prehistory, in Recent Progress in Natural Science in Japan 8: 1-11.

Bard S.M. 1974. Sham Wan, Phase III, Plot 3. Journal of the Hong Kong Archaeological Society 5: 9-13.

Beyer H. Otley 1948. Philippine and East Asian archaeology,  and its relation to  the origin of  the Pacific Islands population. National Research Council of  the Philippines, Bull. No. 29.

Chang kwang - chih 1969. Feng Pi Tou, Ta Pen Keng and the Prehistory of Taiwan. New Haven; Yale Publications in Anthropology.

Chard, Chester S. 1974. Northeast Asia in Prehistory. Madison: The University of Wisconsin Press.

Davidson, Jeremy H.C.S. 1975. Recent archaeological activity in Vietnam,  Journal of the Hong Kong Archaeological Society 6: 80-99.

Djarygasinova, R. Sh. 1964. Correlation of the Northern and Southern components in the ethnogenesis of the Koreas. Printed at the VII International Congress of Anthropological and Ethnological Sciences, Moscow, Aug. 1964. Moscow: Nauka Publishing House.

Edwards W. 1983. Event and Progress in the Founding of Japan: the Horse Rider Theory in Archaeological Perspective. Journal of Japanese Studies 9(2): 265-95.

Fontaine, Henri 1980. On the Extent of the Sa Huynh Culture in Continental Southeast Asia. Asian Perspectives 23(1): 67-9. 

Fox, Rober 1970. The Tabon Caves: archaeological explorations and excavations on Palawan Island, Philippines, Manila, National Museum of the Philippines.

Glover, I.C. 1990. Early Trade between India and South – East Asia. (2nd revised ed.) Occasional Paper 16, University of Hull: Centre for Southeast Asian Studies.

Hayashi, Kensaku n.d. 1983. Jomon Culture : a Product of a Sedentary Foraging Society. Paper presented in Seminar A.2 of the XXX1st International Congress of Human Sciences in Asia and North Africa, Tokyo and Kyoto, August September 1983.

Junzo, Shimizu 1959. Kamegaoka: A Study of the Kamegaoka Neolithic Site, Aomori Prefecture, Japan, Tokyo: History Department, Faculty of Literature, Keio University, Archaeology Series No.5.

Kaneko, Erica 1964. Japan. Asian Perspectives 8(1): 24-68.

Kaneko, Erica 1983. Concerning the Bicephalous Ornament. Ethnos in Asia 20: 126-37, (in Japanese).

Kim, Byong-mo 1982. A New Interpretation of Megalithic Monuments in Korea, in Megalithic Monument in Asia. Ed. Kim Byung-mo: 164-88. Seoul: Hanyang University, Monograph No2.

Kim Jeong-hak 1978. The Prehistory of Korea. Translated and Edited by Richard J Pearson and Kazue Pearson. Honolulu: University Press of Hawaii.

Kim Won-yong 1983. Recent Archaeological Discoveries in the Republic of Korea. UNESCO and the Centre for East Asian Cultural Studies.

Domoto, Masayuki 1982. Megalithic Monuments in Ancient Japan, in Megalithic Monument in Asia. Ed. Kim Byung-mo: 4-40.

Lamb, Alastair 1965. Some Observations on Stone and Glass Beads in early Southeast Asia. Journal of the Malaysian Branch Royal Asiatic Society 36(2):87-124.

Ledyard G. 1975. Galloping along with the Horseriders: Looking for the Founders of Japan. Journal of Japanese Studies 1/2, 217-54.

Li, Kwang-chou 1983. Report of Archaeological Investigations in the O-Luan-Pi Park at the Southern Tip of Taiwan. Taipei: Department of Anthropology National Taiwan University.

Loofs-Wissowa. H.H.E. 1980-1. Prehistoric and Protohistoric Links between the Indochinese Peninsula and the Philippines, as Exemplified by two Types of Ear Ornaments. Journal of the Hong Kong Archaeological Society 9:57-76.

Meacham, William (ed) 1976-8. Sai Wan, Journal of the Hong Kong Archaeological Society 7:36-7.

Meacham, William (ed) 1978. Sham Wan , Lamma Island: An Archaeological Site Study, Hong Kong Archaeological Society Journal Monograph III.

Mikami, Tsugio 1961. The Dolmen and Stone Cists in Manchuria and Korea, Tokyo: Yoshikawa Kobunkau.

Millier, Roy Andrew 1976. The Relevance of Historical Linguistics for Japanese Studies. Journal of Japanese Studies 2(2):335-8.

Mizuno, Seeichi, Takayasu Higuchi and Takashi Okazaki 1953. Tsushima, Tokyo and Kyoto: Toa:koko-gakukwai (The Far-Eastern Archaeological Society).

Murayama, Shirchiro 1976. The Malayo-Polynesian Component in the Japanese Language. Journal of Japanese Studies 2(2):413-36.

Murayama, Shirchiro n.d. The Japanese – Korean Relationship viewed from the Standpoint of Language Mixture. Manuscript Copy Notes as “Material for Discussion”.

Ottino, Pual 1974. Madagascar, les Comores et Sud-Ouest de l’Océan Indien. Tananarive: Université d Madagascar.

Poirier, Jean 1982. Glottochronologie et histoire culturelle Malgache. Taloha 9 : 97-120.

Solheim, Wilhelm G. 1960. Jar burial in the Babuyan and Batanes Islands and in Central Philippines, and  its  relationship to  jar burials elsewhere in the Far East. Philippines Journal of Science 89(1): 115-148.

Solheim, Wilhelm G. 1964a. Archaeology of central Philippines : a study chiefly of the Iron Age and its relationships, Manila : National Science Development Board, National Institute of Science and Technology, No. 10, 1964.

Solheim, Wilhelm G. 1964b. Further relationships of the Sa Huynh – Kalanay Pottery Tradition. Asian Perspectives 8(1): 192-211.

Solheim, Wilhelm G. 1973. Remarks on the Neolithic in South China and Southeast Asia. Journal of the Hong Kong Archaeological Society 4:25-9.

Solheim, Wilhelm G. 1975a. Reflections on the new data of Southeast Asian Prehistory, Austronesian Origin and consequence. In Asian Perspectives 18(2): 146-16.

Solheim, Wilhelm G. 1975b. The Nusantao and South China. Journal of the Hong Kong Archaeological Society 6: 108-15.

Solheim, Wilhelm G. 1975c. Madagascar, the Indian Ocean, and Southeast Asia, a review article. In Asian Perspectives 18(2): 177-82.

Solheim, Wilhelm G., et al. 1979a. New Data on Late Southeast Asian Prehistory and their Interprestation (excerpts). Journal of the Hong Kong Archaeological Society 8: 73-87.

Solheim, Wilhelm G., et al. 1979b. A look at “L’Art préboudhique de la Chine et de L’Asie du Sud-est et son influence en Océanie” forty years after. In Asian Perspectives 22(2): 165-205.

Solheim, Wilhelm G., et al. 1980. New Data on Late Southeast Asian Prehistory and their Interprestation. Saeculum 31(3-4): 409, (in German).

Solheim, Wilhelm G., et al. 1982. Philippines Prehistory, in The People and Art of the Philippines, by Gabriel Casel & Regalado Trota Jose, Jr., Eric S. Casino. George R. Ellis and Wilhelm G. Solheim II: 16-83. 

Solheim, Wilhelm G., et al. 1982-3. Remark on the ling ling-o and bicephalous ornaments. Journal of the Hong Kong Archaeological Society 10: 107-11.

Solheim, Wilhelm G. 1984a. Prehistoric South China, Chinese or Southeast Asian ? Computational Analysis of Asian and African Languages No. 22: 13-9.

Solheim, Wilhelm G. 1984b. Prehistoric South China, Chinese or Southeast Asian? Proceeding of the 31st International Congress of Human Sciences in Asia and North Africa II, ed. Kamamoto, Tatsuro: 803-4, Tokyo: The Toho Gakkai.

Solheim, Wilhelm G. II n.d.a. Reflections on Prehistoric Southeast Asian Pottery and Position of South China: Southeast Asian or Chinese. Submitted to Shigian Yanjiu.

Solheim, Wilhelm G. II n.d.a. Problems in the Relationship of the Prehistoric Pottery of Vietnam to that of Island Southeast Asian. (Submitted to Khảo cổ học in 1984, but not published by 1990.

Stamps, Richard B. 1980. Jar Burials from the Lobussan Site, Orchid (Botol Tobago) Island. Asian Perspectives 23(2): 181-92.

Sugihara, Sokuke and Chosuke Serizawa 1957. Shell Mounds of the Earliest Jomon Culture at Natsushima Kanagawa Pref. Japan, Tokyo: Meoko University.

Sung, Wen-hsun, Huang Shi-chiang, Lien Chao –mei and Li Kuang-chou 1967. O-luan-pi: A Prehistoric Site at the Southern Tip of Formosa. Reprinted from Annual Bulletin of the China Coucil for East Asian Studies No.6 (in Chinese with English Summary).

Takamiya, Hiroe 1983. The Historical Atlas of Okinawa, Japan (in Japanese).

Tan, Ha Van 1974. Contributions to Studying the History of an Ear-ring Variety. In Khảo cổ học 24(4): 62-7. (in Vietnamese).

Valette, Jean 1965. De l’origine des Malgaches. Taloha : 1 :15-32.

You-di, Chin 1978. Nothing in New, Muang Boran Journal 4(4):7-17.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét