Powered By Blogger

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

Việt Nam trước những tấm gương (VI)


Việt Nam trước những tấm gương (VI)

Hà Hữu Nga

Tâm lý về địa vị*

Các nhà phân tâm học cho rằng tình dục và quyền lực là hai động lực chính yếu thúc đẩy người ta sống và hành động. Ở đây chúng ta không bàn cãi về vấn đề đó, nhưng có thể chấp nhận nó như là một tiên đề để xem xét động lực nguyên ủy sản sinh ra một loại tính cách Việt truyền thống rất điển hình, đó là sự quan tâm, lo lắng đến địa vị của mình trong cộng đồng.

Từ trước tới giờ, vì một góc độ đạo đức hoặc tính tế nhị cố hữu nào đó mà giới nghiên cứu Việt Nam rất ít khi bàn cãi hoặc nghiên cứu một cách hệ thống vấn đề này. Nhưng thật ra, từ trong bản chất của vấn đề, mối bận tâm tới địa vị của mình trong một cộng đồng nào đó chẳng có gì là xấu cả; ngược lại, điều đó là phù hợp với bản tính của con người nói chung. Đương nhiên, đối với người Việt, địa vị có nghĩa là quyền lực và danh dự. Và chúng ta cũng hiểu rõ rằng tình dục và quyền lực có thể là động lực của hành động không đồng nghĩa với bản chất xã hội của con người. Như chúng ta đã chọn ở trên, làm một tiền đề để phân tích, cái sâu xa nhất trong bản chất xã hội của con người, đó là nỗi khát khao đối tượng hóa** bản thân mình để có thể được chiêm ngưỡng, được nhìn ngắm, được gặp gỡ chính mình ở những cá thể khác trong những cộng đồng xã hội nào đó. Nhưng vấn đề là ở phương cách đối tượng hóa.

Có thể nói rằng phương cách đối tượng hóa cũng vô cùng như chính bản thân các nhu cầu của con người vậy. Như vậy đối tượng hóa bản thân chính là quá trình thỏa mãn nhu cầu của người khác. Khi tôi là một người thợ giỏi, có nghĩa là trong tôi tiềm ẩn một lực lượng vật chất. Tôi vật thể hóa lực lượng ấy ra thành các sản phẩm nào đó bằng chính bàn tay và khối óc của tôi để thỏa mãn người tiêu dùng, có nghĩa là tôi đã được chiêm ngưỡng chính bản thân mình trong nhu cầu của người khác. Trong bối cảnh ấy, tính chất xã hội hóa của chính bản thân tôi rõ ràng cao hơn những người thợ có tay nghề kém tôi. Đó chỉ là một ví dụ hoặc là một khía cạnh nhỏ của một vấn đề rất rộng rãi và trừu tượng giúp chúng ta có thể hình dung rõ hơn cái cung cách mà người Việt đã đối tượng hóa bản thân mình như thế nào, trong những lĩnh vực nào, điều đó đúng hay sai, chính xác hay lầm lạc, v.v…để từ đó tính cách Việt được thể hiện rõ nét hơn.

Ví dụ trên cho ta thấy rằng đối tượng hóa bản thân để trở nên có tính xã hội hóa cao hơn chỉ có thể thực hiện được thông qua quá trình lao động, sản xuất, kể cả sản xuất vật chất lẫn tinh thần. Như chúng ta đều biết, quá trình sản xuất của con người đi từ thấp đến cao, từ giản đơn đến phức tạp, từ thô sơ đến tinh vi, nhưng tóm lại có thể qui thành 5 bước phát triển, hoặc 5 trình độ phổ biến** sau: i) sản xuất mang tính cơ học; ii) sản xuất mang tính vật lý; iii) sản xuất mang tính hóa học; iv) sản xuất mang tính sinh học; và v) sản xuất mang tính chất tinh thần (ngày nay các máy điện toán đang thực hiện chức năng này, con người đã bước đầu chế tạo ra bộ óc, một hệ thống thần kinh không phải sinh học).   

Đối với xã hội Việt truyền thống, về cơ bản người ta đã đạt tới được trình độ sản xuất mang tính hóa học ở một vài khía cạnh nào đó. Bằng nghề làm gốm, luyện kim và có thể cả điều chế các loại thuốc cổ truyền nữa, người ta không chỉ làm thay đổi cấu trúc vật lý của vật chất, mà còn có thể thay đổi cả thành phần hóa học của chúng, tạo ra được cả những chất không có trong điều kiện tự nhiên nữa. Tuy nhiên trình độ sản xuất đó chưa phải là phổ biến trong xã hội Việt cổ, ngược lại, nó chỉ là những biệt lệ mà thôi. Và nói chung, trình độ sản xuất đó ở người Việt được duy trì cho tới tận bây giờ, khi có sự bắt đầu của nền công nghiệp hóa, và đặc biệt là những thành tựu của cuộc cách mạng xanh. Trong một trình độ sản xuất như vậy, người ta không thể đòi hỏi việc hoàn toàn có những thay đổi cơ bản tính cách Việt được. Trong khi trình độ sản xuất không thay đổi là mấy thì những mối quan hệ xã hội lại thường xuyên biến đổi, và biến đổi rất nhiều, đôi khi rất sâu sắc nữa. Chính điều đó đã làm nảy sinh một mâu thuẫn lớn trong cuộc sống xã hội, tinh thần Việt.  

Bản chất con người đòi hỏi phải được ngày một xã hội hóa, nhưng lực lượng lao động, sức sản xuất lại không phát triển tương ứng với nhu cầu đó. Và điều tất yếu phải xảy ra là quá trình đối tượng hóa đã không xảy ra theo đúng bản chất xã hội của con người. Trong tình thế đó con người tìm tới những ảo tưởng hoặc những viễn tưởng mà nghệ thuật và tôn giáo là hai trong các loại hình đó. Nhưng đáng tiếc thay, đối với truyền thống và lối sống cộng đồng Việt, nghệ thuật và tôn giáo đều không vượt khỏi vòm trời thôn xã. Và thế là một lối thoát khác được bản chất xã hội của con người tìm tới, đó chính là địa vị. Từ góc độ bản thể luận xã hội, có thể nhìn nhận rằng địa vị là một loại thước đo giá trị xã hội. Tất nhiên cái thước đo đó chỉ có ở những xã hội nào mà ở đó nhân cách thực sự của con người chưa được giải phóng.

Nhân cách ở đây được quan niệm là mức độ xã hội hóa của mỗi cá nhân. Và đây mới là thước đo giá trị xã hội thực sự của con người. Trong các xã hội Việt Nam truyền thống, nơi giao nhau của những yếu tố công xã nông thôn và chế độ phong kiến thì chắc chắn rằng thước đo giá trị con người không thể nào là mức độ xã hội hóa của mỗi cá nhân được, bởi vì trong các xã hội đó không có đất cho sự giải phóng cá nhân với năng lực thực sự của mỗi con người, mà phải là một loại thước đo giả giá trị. Đó chính là địa vị, hay nói một cách chính xác hơn là ngôi thứ của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Có thể nói rằng đó là loại thước đo giá trị số một, nếu không nói là duy nhất trong xã hội truyền thống. Trong các xã hội đó nếu giàu có và hiền tài mà không có một ngôi thứ trong cộng đồng thì sự giàu có và hiền tài ấy cũng hoàn toàn trở nên vô nghĩa. Trong bối cảnh đó, chúng ta không lấy gì làm lạ khi thấy rằng định hướng địa vị hay ngôi thứ đã trở thành lẽ sống của không biết bao nhiêu kiếp người. Người ta đã đuổi theo nó như con ngựa đuổi theo cây ngô buộc trên chính đầu mình; như mỗi người đuổi theo cái bóng của chính mình.

Tâm lý địa vị trong xã hội truyền thống có rất nhiều cung cách biểu hiện, và có rất nhiều biến tướng. Ta có thể quy nó về hai mặt: tốt và xấu. Trong một bối cảnh lành mạnh, tâm lý địa vị có thể tạo nên những đua tranh trong các phong trào có ích cho xã hội, trong việc học hành, mở mang tri thức …v.v. Nhưng ngược lại, và đây là điều rất đáng quan tâm khi xem xét tính cách dân tộc: tâm lý địa vị cũng có thể dẫn tới tính bon chen, ganh ghét, dèm pha, vu khoát và thậm chí cả trù dập nữa. Trong xã hội truyền thống, thực tế đó đã tứng xảy ra, và xảy ra rất nhiều, khi ở đó, địa vị chính là mục đích thì mọi thứ sẽ trở thành phương tiện hoặc có khả năng trở thành phương tiện để cho người ta đạt tới mục đích.

Trong các cộng đồng xã thôn Việt Nam truyền thống, địa vị và ngôi thứ gắn liền với danh và lợi. Nhưng cặp danh lợi này đặt trên nền tảng quan hệ cộng đồng thì bao giờ danh cũng được tôn trọng hơn lợi. Người ta có thể vì danh mà hy sinh lợi, điều đó rất phổ biến. Nhưng vì lợi mà bỏ danh thì tương đối hãn hữu và điều đó chỉ xảy ra với những loại người cá biệt, trong những hoàn cảnh cũng cá biệt. Dư luận cộng đồng cũng sẽ lập tức can thiệp mãnh liệt vào những trường hợp này và loại người này sẽ bị lên án, thậm chí sẽ bị rủa xả truyền đời với cái án mà người ta gọi là “bia miệng”. Nhìn từ quan điểm lợi ích thì rõ ràng là việc đặt danh trên lợi là không thực tế, là vô lý. Thế nhưng cuộc sống ở các cộng đồng thôn xã truyền thống có một thực tế khác, đó chính là cái thực tế xuất phát từ thước đo giá trị của cộng đồng. Trong cuộc sống cộng đồng ấy, người ta không cần gì hơn sự ổn thỏa và lòng kính trọng. Và như vậy thì trước hết danh mới là cái đem lại cho người ta điều đó. Người Việt nào cũng dạy con cái mình bằng câu phương ngôn: “Một miếng giữa làng bằng cả xàng xó bếp”. Điều đó không chỉ đơn thuần là một phương châm xử thế, mà còn là một lẽ sống. Mày có thể có đầy của cải ở nhà – được tượng trưng bằng một xàng thức ăn ở bếp – nhưng khi ra tới chốn đình chung thì cả đống của cải đó cũng chẳng hơn gì một góc chiếu mà mày được dân làng giành cho. Không có đống của cải kia mày có thể vẫn là người, nhưng không có được một góc chiếu giữa đình thì mày không còn là người nữa.

Cũng trên tinh thần ấy, khi người Việt nói rằng “có thực mới vực được đạo” thì người ta không phải nói rằng đạo không đáng trọng bằng thực, mà cái ý nghĩa bên ngoài ý thực của câu nói đó chính là đạo là cái đích phải đạt tới. Thực là phương tiện để đạt tới đạo. Vì vậy đạo cao hơn thực. Người ta muốn vươn tới đạo để mà có danh*.  
__________________________________________

Còn nữa...

Ghi chú

* Những chuyển biến xã hội quá nhanh trong vòng 20 năm nay đã buộc người viết phải nhìn nhận lại rất nhiều nhận định được đưa ra 17 năm trước đây trong phần này. Tuy nhiên cũng xin lưu ý người đọc là khi đề cập đến tâm lý địa vị, người viết chủ yếu xem xét nó trong bối cảnh các xã hội truyền thống, chứ không phải là trong xã hội Việt hiện đại.

** Những ý tưởng này là của người bạn cùng khóa, tiến sĩ Phan Chí Thành, được đào tạo nghề dân tộc học, sau đó theo ngạch trường đảng, và chuyển sang dạy khoa triết, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong những năm 1975 - 1985 chúng tôi đã cùng với một người bạn khoa ngữ văn, quê Phát Diệm rủ nhau đi buôn: buôn cái chượp từ Phát Diệm lên Hà Nội; buôn chiếu từ Phát Diệm lên Sơn La; mua sắn ở Sơn La về bán cho trại chăn nuôi lợn ở Thường Tín; thuê nghệ nhân chượp Phát Diệm lên trại lợn Thường Tín nấu nước mắm từ món chượp Phát Diệm đó rồi bán cho ai tôi cũng không nhớ, còn bã chượp thì bán (hoặc biếu) cho trại lợn. Tôi chẳng có xu vốn nào nên chỉ đi theo để học nghề đời; người bạn Phát Diệm là trung gian giao dịch; còn anh Thành xin vàng của mẹ làm vốn thì toàn lỗ, lỗ rất nặng, vì nhà máy chiếu toàn gạ bán hàng cho anh vào giáp Tết, đúng mùa mưa phùn (loại thời tiết này giờ đây rất hiếm gặp), nên chiếu thường bị mốc, rất khó bán. Trên đường đi buôn, anh không bao giờ nói về buôn bán, mà toàn thảo luận về triết, chủ yếu là Đạo Phật, triết học Hegel và Chủ nghĩa Hiện sinh, đôi khi nói một mình bằng tiếng Pháp và tiếng Hoa. Anh thường đòi tôi dẫn đến để thảo luận với nhà thơ Trần Dần về Jean Paul Sartre, đến Trần Đức Thảo để tranh luận về Logic học Hegel (riêng với Trần Đức Thảo thì câu chuyện có đôi chút bi hài). Anh đã từng nhiều lần trầm ngâm: Trên đời này chỉ có mỗi Tao, Quất và Hegel. Một anh bạn cùng lớp, người Ba Vì, cười cười dịch nôm lời tuyên đó của anh một cách không thể nào súc tích hơn: NHÕN TAO, QUẤT, HEGEL!. Tôi thấy cách dịch như thế thật hoàn hảo, xứng đáng với thiên tài của anh Thành, anh Quất (Giáo sư, Chủ nhiệm Khoa triết, chuyên về Logic học, được đào tạo ở Liên Xô đầu những năm 60 của thế kỷ XX). Sau đó anh Thành đi Congo dạy môn triết học Mác Lê để các bạn người Phi xây dựng chủ nghĩa xã hội; không ngờ anh lại có duyên với nghiệp Mác Lê, và gắn bó với nó cho đến tận bây giờ: sau khi nghỉ hưu anh vẫn còn được mời đi dạy Mác Lê cho một đại học ở Thái Bình; còn tôi thì lang thang các vùng rừng núi theo đòi nghề khảo cổ và nghề tư vấn dân tộc thiểu số cho các dự án của WB và ADB; bạn buôn người Phát Diệm trở thành Tổng biên tập cho một tờ báo của Chính phủ và nghe nói hiện là một yếu nhân phụ tá cho ông tể tướng về các vấn đề báo chí và công luận.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét