Powered By Blogger

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

Trống đồng không quan trọng trong lịch sử Việt


Le Minh Khai

Người dịch: Hà Hữu Nga

Trong nửa sau của thế kỷ XX, trống đồng đã trở thành biểu tượng của “thời cổ đại của dân tộc Việt.”

Tuy nhiên, từ thời điểm mà
nhóm người chúng ta gọi là người Việt bắt đầu ghi lại thông tin về bản thân cho đến thời điểm hiện tại - một khoảng thời gian tương đương với hàng nghìn năm của thiên niên kỷ thứ hai SCN - trống đồng chưa bao giờ là một phần của đời sống văn hóa người Việt. Thay vào đó, lại chính những người mà người Việt nhìn nhận là khác với mình, và những người mà người Việt coi thường – chính họ mới là người sử dụng trống đồng trong đời sống văn hóa của mình.

Như vậy, không có
người Việt trước thế kỷ XX từng coi trống đồng như một biểu tượng thời cổ đại của dân tộc Viêt. Thật vậy, trong nhiều thế kỷ hầu hết người Việt hầu như chắc chắn đã sống và chết mà không bao giờ nhìn thấy, hoặc nghe nói về một cái trống đồng.

Đối với người Việt đã viết về trống đồng trước thế kỷ hai mươi, họ cũng không biết gì về chúng. Trong một số trường hợp khi viết về trống đồng, họ đã
viết bằng cách trích dẫn thông tin từ các nguồn Trung Quốc còn tồn tại. Đó là bởi vì bản thân họ không biết bất cứ điều gì về trống đồng.

Hãy xem, những gì Lê Tắc nói về trống đồng trong
sách An Nam chí lược 安南志略 thế kỷ thứ mười bốn của ông. Trong tác phẩm đó, Lê Tắc liên hệ trống đồng với một nhóm sắc tộc khác, người Lão / Liêu Tử 獠子, một nhóm người mà Lê Tắc gọi là “man” (man tử 蠻子). Ông đã viết:

獠子者蠻子異名也, 多隸湖廣雲南, 有服役於交趾, 又有彫鑿歯者, 種類頗, 古載有頭形獠子, , 鼻飲獠子, 皆居巖窟橧巢蘆酒, 好戰敵, 多操弩, 擊銅皷, 以高大者為貴;鼓初成,置中庭,設酒招同類,來者盈門;豪富女子以金銀釵擊鼓,竟即留與主人. 或云:銅鼓乃諸葛亮征蠻鉦也。[HHN dẫn đoạn chữ Hán này ở phần nguyên bản chữ Hán, An Nam Chí lược, Viện Đại học Huế, Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Toàn bộ 19 quyển. Viện Đại học Huế 1961, tr. 31-32 tính từ cuối cuốn sách]   

Liêu tử giả man tử dị danh dã, đa lệ Hồ Quảng Vân Nam, hữu phục dịch ư Giao Chỉ, hựu hữu điêu đề tạc xỉ giả, chủng loại phả đa, cổ tải hữu đầu hình liêu tử, xích côn liêu tử, tỵ ẩm liêu tử, giai cư nham khóc [1], hoặc lỗ [2] sào, ẩm lô tửu [3], hiếu chiến địch, đa thao nỗ, kích đồng cổ, dĩ cao đại giả vi quý, cổ sơ thành, trí trung đình, thiết tửu chiêu đồng loại, lai giả dinh môn, hào phú nữ tử dĩ kim ngân xoa kích cổ, cánh tức lưu dữ chủ nhân. Hoặc vấn đồng cổ nãi Gia Cát Lượng chinh man [4] chinh dã. [HHN dẫn đoạn phiên âm Hán này ở phần nguyên bản chữ Hán, An Nam Chí lược, Viện Đại học Huế, Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Toàn bộ 19 quyển. Viện Đại học Huế 1961, tr. 48 tính từ đầu cuốn sách]   

“Lão / Liêu Tử là một tên khác của giống man di. Phần đông sống ở Hồ Quảng và Vân Nam, nhưng có một số phục tùng Giao Chỉ. Lại có những bọn xăm trán, cà răng, có khá nhiều chủng loại khác nhau. Cổ thư ghi lại có thứ Liêu tử “đầu hình” [5] (頭形獠子 – đội mũ hình đầu người), có bọn Liêu tử xích côn [6] (獠子 Liêu tử quần cộc đỏ), có bọn Liêu tử tị ẩm (鼻飲獠子 – uống bằng mũi). Tất cả lũ chúng đều sống trong hang động vách đá hoặc lều tổ. Chúng uống rượu sậy, rất thích đánh giết, đa phần thạo cung nỏ và đánh trống đồng. Chúng quý trọng những chiếc trống lớn. Khi trống mới đúc xong, chúng đặt giữa sân, bày rượu thết tiệc và mời đồng loại đến đầy nhà. Con gái nhà hào phú dùng những chiếc thoa bằng vàng hoặc bạc để đánh trống, sau đó để lại cho gia chủ. Có kẻ nói trống đồng là chiêng của Gia Cát Lượng dùng khi đánh dẹp người man vậy”.

Vì vậy, trong văn bản này, trống đồng được gắn với một nhóm người khác với Việt, là Lão / Liêu Tử, mà Lê Tắc xúc phạm gọi là “man di”. Thật thuận tiện khi nói rằng cái tên này đề cập đến cùng một nhóm người mà ngày nay chúng ta gọi là "Lao" [7], nhưng điều đó có lẽ không chính xác, vì việc sử dụng trống đồng có lẽ không chỉ giới hạn tổ tiên của những người mà ngày nay chúng ta gọi là người Lao.

Trong mọi trường hợp, không có chi tiết nào được Lê Tắc đưa ra là của riêng ông. Thay vào đó, chúng có thể được tìm thấy trong các nguồn "Hán" trước đó. Một số người cho rằng chắc là Lê Tắc phải viết theo cách này bởi vì ông viết cuốn sách này khi ông ở "Trung Quốc", nhưng sách Đại Nam Nhất thống chí thế kỷ 19, cũng trích dẫn các nguồn "Hán" để giải thích trống đồng là gì.

Có một đoạn trong tác phẩm đó ghi lại từ một ngôi miếu được gọi là Đồng cổ Thần từ -銅鼓神祠, mà sau này tôi sẽ đề cập [8], ở cuối đoạn văn đó, một vài bản văn "Hán" được trích dẫn để giải thích trống đồng là gì. Và tôi nghĩ điều quan trọng cần lưu ý là bản dịch tiếng Việt của văn bản này đã bỏ qua thông tin ấy (một ví dụ nữa về lý do tại sao các phiên bản quốc ngữ của các bản Hán văn lại vô dụng).

Đây là nội dung mà văn bản nói:

“Theo
sách Hậu Hán thư [後漢書], Mã Viện thu được trống đồng Lạc Việt Giao Chỉ. Sách Quảng Châu [廣州記] chép người Língười Liêu đúc trống đồng. Chỉ những chiếc trống cao và rộng hơn một mét mới có giá trị. Khi đúc xong, trống được treo ngoài sân. Chúng bày tiệc rượu ở đó và mời đồng loại. Con gái các nhà hào phú lấy trâm vàng hốt bạc đánh trống, sau đó để lại cho gia chủ. Ngoài ra, Tùy thư [隋書] cũng chép các rợ man khác nhau thảy đều đúc trống đồng lớn. Khi có sự việc xảy ra chúng nghe tiếng trồng mà kéo đến đông như mây…”

Vậy, trước thế kỷ XX, trống đồng, mà bây giờ là biểu tượng của "thời cổ đại của Việt Nam", về cơ bản không được người Việt biết đến.

Thế thì tại sao chỉ sau khi người châu Âu khai quật trống đồng khỏi mặt đất vào thế kỷ hai mươi và giới thiệu khái niệm chủ nghĩa dân tộc với Việt thì người Việt mới bắt đầu coi trống đồng là những biểu tượng quan trọng đến như vậy?

Ồ, tôi nghĩ tôi vừa trả lời câu hỏi của chính mình
_______________________________________

Nguồn: https://leminhkhai.wordpress.com/2013/09/15/the-unimportance-of-bronze-drums-in-viet-history/?wref=tp

Ghi chú của người dịch:

1. Không hiểu tại sao chữ quật này lại được các cụ trong Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam phiên là “khóc”, có lẽ do bính âm [] chăng?

2. Chữ lỗ (chòi canh, mái chèo, cái khiên/ mộc) này và chữ tăng (chuồng lợn, lều tổ trên cây) có tự dạng giống nhau, bản chữ Hán của sách An Nam Chí lược, Viện Đại học Huế dùng chữ lỗ, còn có những bản An Nam Chí lược khác [9] dùng chữ tăng, ví dụ 安南志畧, 維基文庫,自由的圖書館 - An Nam Chí lược [Duy cơ văn khố, Tự do đích đồ thư quán].

3. Mấy từ 飲蘆酒 ẩm lô tửu này cũng dễ gây nhầm lẫn, ví dụ trong bài thơ “送從弟亞赴河西判官” - Tống tòng đệ á phó hà tây phán quan - của nhà thơ Đỗ Phủ làm năm 757 có hai câu như sau: “黃羊飫不膻,魯酒多還醉.Hoàng dương ứ bất thiên, Lỗ tửu đa hoàn túy” - Thịt bò vàng ăn không hoi, Rượu Lỗ uống nhiều cũng say. (https://www.thivien.net/). Một phiên bản khác lại cho rằng hai câu thơ đó phải là:黃羊飫不羶,蘆酒多還醉” “Hoàng dương ứ bất thiên, Lô tửu đa hoàn túy”. Cả hai phiên bản trên xem ra đều có nghĩa: Người Trung Quốc xưa mời khách uống rượu thường khiêm xưng rượu của mình là 魯酒 “Lỗ tửu” – rượu nhạt – phiếm chỉ các lò rượu ở Sơn Đông (nước Lỗ xưa). Trong khi đó, 蘆酒 lô tửu là cách uống lấy cọng sậy rỗng ruột cắm vào hũ rượu rồi hút như uống rượu cần vậy. (蘆酒,芦酒:  https://cidian.wenku1.com/)

4. Chữ man trong sách An Nam Chí lược, Viện Đại học Huế (tr.48) ghi nhầm là “nam”.

5. Le Minh Khai có một ý tưởng lạ cho rằng 頭形獠子 – đầu hình Lão/ Liêu tử - có lẽ ghi nhầm của 飛頭獠子 phi đầu Lão/Liêu tử. Không biết Le Minh Khai cho là Lê Tắc nhầm hay những người biên tập An Nam Chí lược ghi nhầm?. Trong khi đó cụm từ 飛頭獠子phi đầu Lão/Liêu tử lại đồng nghĩa với các cụm từ 飛頭蠻 phi đầu man, 辘轳首 lộc lô thủ, 头蛮thi đầu man, 头民 lạc đầu dân. Riêng cụm từ 飛頭蠻 thấy có trong sách百鬼夜行 (ひゃっきやぎょう) - Bách quỷ dạ hành, là truyền thuyết dân gian Nhật Bản.

6. Cụm từ 獠子 Xích côn Liêu tử trong ảnh chụp chữ Hán ở bài của Le Minh Khai cũng ghi là 獠子,nhưng không hiểu sao ở cụm từ dịch ra tiếng Anh và tiếng Việt “Red-Pants Lão/Liêu Tử Le Minh Khai lại chú chữ Hán là 獠子Xích khỏa/lõa Liêu/Lão tử. Trong khi đó chúng ta đều biết rằng chữ khỏa/lõa này có nghĩa là “cởi trần, trần truồng” nên không thể dịch ra tiếng Anh là “Red-Pants” được.

7. Đoạn này vì chữ “Lao” không dấu, không địa danh, nên không thật rõ Le Minh Khai định nói là Lao, Lão, hay Lào đây? Nhưng có lẽ “the same people” trong ngữ cảnh này là người Lão!

8. Đó là bài: "Việt, “Hán”, Man và Trống đồng" (Tiếng vọng Kattigara Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015) và tôi đăng lại vào hôm nay, Chủ nhật, ngày 19 tháng 8 năm 2018 để người đọc tiện theo dõi. 


9. 獠子(獠子者,蠻子異名也。多隸湖、廣、雲南。有服役於交趾,又有雕題鑿齒者,種類頗多。周載有頭形獠子、赤棍獠子、鼻飲獠子,皆居岩窟或橧巢。飲蘆酒,好戰敵,多操弩,擊銅鼓。以高大者為貴。鼓初成,置庭中,設酒召同類,來者盈門;豪富女子以金銀釵擊鼓,竟,即留與主人。或云:銅鼓乃諸葛亮征蠻鉦也)。

Liêu tử (Liêu tử giả, man tử dị danh dã. Đa lệ hồ, quảng, vân nam. Hữu phục dịch ư giao chỉ, hựu hữu điêu đề tạc xỉ giả, chủng loại pha đa. Chu tái hữu đầu hình Liêu tử, xích côn Liêu tử, tị ẩm Liêu tử, giai cư nham quật hoặc tăng sào. Ẩm lô tửu, hiếu chiến địch, đa thao nỗ, kích đồng cổ. Dĩ cao đại giả vi quý. Cổ sơ thành, trí đình trung, thiết tửu triệu đồng loại. lai giả doanh môn; hào phú nữ tử dĩ kim ngân thoa kích cổ, cánh, tức lưu dữ chủ nhân. Hoặc vân: đồng cổ nãi chư cát lượng chinh man chinh dã). [安南志畧, 維基文庫,自由的圖書館 - An Nam Chí lược, Duy cơ văn khố, Tự do đích đồ thư quán]




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét