Powered By Blogger

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

Bản sắc tộc người và Kinh tế sáng tạo Hộ gia đình Dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc

Hà Hữu Nga

Lưu ý: Đây là Bản thảo lần I bài tham gia Hội thảo Khoa học Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế hộ gia đình vùng núi phía Bắc” của khoa Kinh tế - Du lịch, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai, dự kiến tổ chức vào cuối tháng Tư năm 2024, vì vậy mong bạn đọc không sử dụng dưới bất cứ hình thức nào ngoài việc góp ý cho người viết để hoàn thiện. 

Tóm tắt: Ngày nay trên phạm vi toàn cầu, kinh tế sáng tạo đã trở thành xu hướng không thể đảo ngược. Nền tảng của kinh tế sáng tạo là các ý tưởng sáng tạo thúc đẩy việc làm, thu nhập, tăng trưởng và phát triển kinh tế, tăng cường hòa nhập xã hội, đa dạng văn hóa và phát triển con người. Kinh tế sáng tạo bao gồm mọi các khía cạnh môi trường sinh thái, kinh tế, xã hội, văn hóa, con người và thể chế trong mối tương tác với các mục tiêu phát triển công nghệ, sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế văn hóa, kinh tế di sản, kinh tế nghi lễ, và kinh tế du lịch. Kinh tế sáng tạo còn là tập hợp các hoạt động sáng tạo kinh tế tri thức, động lực chính của tăng trưởng nội sinh, hướng đầu tư vào vốn con người dựa trên nền tảng bản sắc của các cộng đồng và nhóm xã hội khác nhau. Ở quy mô hộ gia đình, kinh tế sáng tạo gắn kết các cá nhân, gia đình, các nhóm xã hội gần gũi về bản sắc, phát triển dựa trên tính độc đáo của hệ sinh thái địa phương, vốn tri thức bản địa, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ đa dạng, nhưng không có ở đâu khác. Và đó cũng phải là đặc trưng của kinh tế sáng tạo hộ gia đình DTTS (Dân tộc thiểu số) Miền núi phía Bắc.

1. Bản sắc tộc người

1.1. Khái niệm bản sắc

Trong hầu hết các ngôn ngữ châu Âu, khái niệm bản sắc có nguồn gốc trực tiếp từ các từ Latin thời đế quốc La Mã muộn (thế kỷ III - VI), là identitat, identitats. Và các từ này lại có nguồn gốc cổ xưa hơn, đó là từ idem, có nghĩa là cũng thế, giống như thế. Trong tiếng Pháp, danh từ bản sắc là identité, và trong tiếng Anh là identity. Các động từ identifier (tiếng Pháp) và to identify (tiếng Anh) đều có nghĩa là đồng nhất hóa. Vì vậy một câu hỏi được đặt ra là: Bản sắc có liên quan gì tới tính đồng nhất không? Câu trả lời là: bản sắc được tạo nên bởi tính đồng nhất. Khi coi bản sắc là đồng nhất, có nghĩa là chúng ta đang đề cập tới vấn đề bản thể - một vấn đề tồn tại, nhưng thuần túy trừu tượng, được coi là cội nguồn tối hậu của mọi sự vật, hiện tượng, và người ta chỉ có thể nhận biết được thông qua các biểu hiện của nó. Như vậy là ở đây ta có cặp khái niệm bản thể như là cái đồng nhất, còn sắc thái như là cái hiện tượng, vô cùng đa dạng. Vì là đồng nhất cho nên phương diện bản thể của bản sắc, chính là cái thống nhất tuyệt đối, là MỘT. Trong khi đó hiện tượng hay các sắc thái là biểu hiện của bản thể trong vô vàn trạng huống, nên hiện tượng là vô cùng phong phú. Vì là phong phú và đa dạng, có nghĩa là khác nhau, không phải là MỘT, nên chúng ta có thể nhận biết nó trực tiếp bằng giác quan. Và tính đồng nhất tương đối của những khác biệt ấy chính là dựa trên tính đồng nhất tuyệt đối của bản thể.

1.2. Bản sắc - tính đồng nhất cá nhân và các nhóm xã hội

Bản sắc của một cộng đồng người được tạo bởi sự đồng nhất giữa các cá nhân, các nhóm lại với nhau. Nguyên lý của sự đồng nhất ấy chính là tôi (ego) tìm thấy bản thân mình (sự giống hệt) trong các cá thể khác, và tìm thấy tôi trong cả cộng đồng. Có rất nhiều phương thức đồng nhất, nhưng về nguyên tắc, có thể qui vào hai dạng thức chính: i) Đồng nhất cảm tính bằng yêu thương, thông cảm, gần gũi, hòa hợp, tin tưởng, hy vọng…v.v. Loại đồng nhất này thể hiện ở một tình yêu chung nào đó: yêu đồng bào, yêu quê hương bản quán, yêu nước, yêu tự do…v.v; hoặc thể hiện ở niềm tin, đặc biệt là niềm tin mang tính tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng nhất cảm tính thường được các cộng đồng củng cố bằng những hoạt động cộng cảm dựa trên mọi hình thức giao tiếp, đặc biệt là trong các nghi lễ (cưới hỏi, sinh đẻ, đầy tháng, đầy năm, mừng thọ, tang ma, giỗ chạp, tân gia, v.v…), lễ hội và các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng; ii) Đồng nhất lý tính thường thông qua quá trình nhận thức rõ ràng, có suy tính về lợi ích/các mối quan tâm của các cá nhân, gia đình, nhóm xã hội, giai cấp liên quan đến quyền lực kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo …v.v. Loại đồng nhất này thường được củng cố bằng những hình thức tổ chức chặt chẽ và có hệ thống như hệ tư tưởng, hệ thống giáo lý, các tổ chức chính trị, tôn giáo, hệ thống nhà nước, hệ thống quân đội, tổ chức chiến tranh …vv.

Bản sắc mang tính đồng nhất, và nguyên lý của sự đồng nhất ấy chính là việc đối tượng hóa bản thân để nhận biết đối tượng, tìm thấy mình ở đối tượng. Cho nên nói tới bản sắc của một cộng đồng cũng chính là nói tới ý thức tập thể về một niềm tin chung được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và các niềm tin ấy được đối tượng hóa, trở thành những biểu tượng mang thông tin về những giá trị, những hệ quy chiếu. Có nghĩa là trở thành vật mang chính niềm tin tập thể ấy. Đó chính là các sắc thái, nói cách khác là các khác biệt trong sáng tạo văn hóa. Phải khẳng định rằng tính đồng nhất, cái bản thể, cái bất biến bao giờ cũng là loại giá trị tiềm ẩn sâu kín nhất, bởi một điều rất đơn giản là nó bị che lấp bởi tính muôn mầu, muôn vẻ của hiện tượng. Trong khi đó, trước mắt mọi người, tất cả đều chỉ là hiện tượng, là đa dạng và khác biệt. Khi nhận ra sự khác biệt có nghĩa là người ta cũng nhận ra toàn bộ thế giới đều khác với bản thân mình. Và điều đó thật dễ dàng và hiển nhiên. Ngược lại, nhận ra được sự giống nhau, hay là tính đồng nhất giữa các sự vật, hiện tượng được quan sát, kể cả tính đồng nhất với chính bản thân người quan sát phải là một quá trình phân tích, tổng hợp, trừu tượng hóa lâu dài của trí tuệ thông qua một số lượng nhất định những con người ưu tú của từng thời kỳ lịch sử nhất định.

Về thực chất, điều sâu kín của tính đồng nhất chính là bí mật của sáng tạo văn hóa theo nghĩa rộng nhất, bao gồm toàn bộ các hoạt động sống và mọi mối quan hệ của một cộng đồng tạo thành một cấu trúc tộc người/dân tộc xoay quanh [các] yếu tố trung tâm nào đó. Diễn đạt theo cách khác, ta gọi đó là sự hóa thân – tạo nên đồng nhất tính giữa mọi thành viên có liên quan (các cá nhân, các nhóm tập hợp thành cộng đồng) với [các] sản phẩm văn hóa (yếu tố trung tâm) được sáng tạo ra để tạo thành bản sắc cộng đồng tộc người/dân tộc. Chẳng hạn các nhà tư tưởng Việt xưa đã tạo ra yếu tố trung tâm trừu tượng Bố Rồng-Mẹ Tiên/Lạc Long-Âu Cơ để tạo nên cấu trúc cộng đồng dân tộc Lạc Việt và các cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng có liên quan đã sáng tạo nên cả một vũ trụ văn hóa Lạc Việt với một trung tâm không còn là trừu tượng nữa mà đã có địa chỉ cụ thể là Kinh đô Phong Châu, với trục vũ trụ là núi Nghĩa Lĩnh/Đền Hùng.

1.3. Bản sắc tộc người

Thuật ngữ ethnikas có nguồn gốc Hy Lạp ethnicus, trong tiếng Latin có nghĩa là tộc người/ dân tộc. Về phương diện lịch sử, trong các thành bang Hy Lạp và Đế quốc La Mã thuật ngữ này đã được sử dụng để đề cập đến những nhóm man rợ, chưa được khai hóa. Ethos, từ căn của ethnikas, có nghĩa là phong tục, tính khí hoặc đặc tính. Vì vậy, ethnikasethos được kết hợp với nhau để chỉ một nhóm tộc người/dân tộc có cùng các tập quán chung. Trong cấu trúc bản sắc tộc người, thì đó chính là tính chất giống hệt, hoặc tính đồng nhất. Chính xác hơn, bản sắc có nghĩa là “tính tương đồng của người hay vật mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh; đó luôn luôn là chính bản thân nó chứ không phải là kẻ khác(Simpson & Weiner, 1989, tr. 620). Bằng cách kết hợp các định nghĩa và những cách giải thích về bản sắc đặc tính tộc người (ethnicity) có thể kết luận rằng, các thuật ngữ này có nghĩa là, hoặc ít nhất cũng hàm nghĩa là, tính tương đồng của một nhóm hoặc tộc người có chung phong tục, truyền thống, kinh nghiệm lịch sử, và trong một số trường hợp, còn là nơi cư trú về phương diện địa lý. Ở cấp độ diễn giải, định nghĩa kết hợp này đủ để nắm bắt được cách thức khái niệm hóa thuật ngữ bản sắc và sử dụng để nhận thức được những ảnh hưởng văn hoá-tộc người đối với sự hình thành và phát triển của nó. Thông thường, bản sắc tộc người là một cấu trúc có tính quy thuộc, trong đó các cá nhân tự nhìn nhậnđược những người khác nhìn nhận là thuộc về một nhóm tộc người hoặc văn hoá cụ thể. Một cá nhân có thể chọn quy thuộc vào một nhóm, đặc biệt là khinhững lựa chọn khác nữa, chẳng hạn người đó có di sản chủng tộc hoặc tộc người hỗn hợp. Động thái quy thuộc có thể chịu tác động của các nhân tố chủng tộc, dân tộc, nơi chốn và tình trạng sinh đẻ, tính biểu trưng và bản sắc văn hoá (Cheung, 1993). Các yếu tố chủng tộc liên quan đến việc sử dụng các đặc trưng diện mạothể chất, các yếu tố sinh đẻ liên quan đến “bản quán”, nguồn gốc của tổ tiên, hoặc nguồn gốc của cá nhân, cha mẹ và họ hàng cũng như các yếu tố tượng trưng bao gồm những nhân tố điển hình hóa hay mô thức hóa một nhóm tộc người, chẳng hạn ngôn ngữ, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ thức, thực phẩm, ẩm thực, nhà ở, quần áo, vật dụng, lối sống… vv. (Trimble J. E. and R. Dickson 2005)

Bản sắc tộc người thường mang tính bối cảnh và tình huống vì nó xuất phát từ các cuộc va chạm xã hội, ở đó người ta khẳng định một bản sắc tộc ngườithể hiện các đặc trưng của nhóm tộc người được chấp nhận. Các tuyên bố tộc người thể hiện một ý thức về tộc người gắn liền với các yếu tố văn hoá của nhóm tộc người mà họ quy thuộc để đồng nhất. Hình thức tối hậu của ý thức tộc người là sự kết hợp chính đáng của quá trình đồng nhất hóa cá nhân một người với một cộng đồng. Vì vậy, sẽ là hợp lý khi cho rằng có sự phù hợp giữa bản sắc cá nhân và ý thức về bản sắc của một người bên ngoài, mà tầm quan trọng của nó được đặt vào những thể loại và ý định tự đồng nhất của người đó. Để thúc đẩy sự kết hợp giữa bản thân và người khác, các cá nhân thường sử dụng các mô thức diễn ngôn và cử chỉ dân tộc học để thúc đẩy tính xác thực sự khẳng định của họ. Ở cấp độ cá nhân hoặc xã hội, người ta có thể dựa vào các loại nhãn để mô tả sự quy nhập tộc người và sau đó là bản sắc của họ. Tuy nhiên, việc sử dụng nhãn là một phần nhỏ của qui trình đồng nhất, vì người ta có khả năng mở rộng việc gắn nhãn để bao gồm các nhân tố đồng nhất khác như nguồn gốc sinh đẻ, tình trạng tích hợp văn hóa (acculturation), quy nhập tự ngã (ego-involvement) các thái độ đối với nhóm của mình và các nhóm khác; các sở thích hành vi như sử dụng ngôn ngữ, trang phục, âm nhạc, vũ đạo, đặc biệt là sở thích về ẩm thực cũng như các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo (Trimble, 2000).

Những người có nguồn gốc tộc người hỗn hợp lại thể hiện các trường hợp đồng nhất tộc người rất đáng chú ý, vì họ có ít nhất hai tộc người để tuyên xưng và thương lượng tuyên xưng tộc người. bốn lý do cơ bản khiến một người đa sắc tộc quyết định đồng nhất với một nhóm riêng biệt bất kể người khác có thể nhìn nhận họ ra sao. Đó là: i) Người ta củng cố cảm giác an toàn của họ bằng cách hiểu biết một phần riêng biệt về di sản tộc người của mình; ii) Các ảnh hưởng từ cha mẹ được kích thích bằng sự cổ vũ của ông bà thúc đẩy tính đồng nhất, qua đó cho phép con cái chọn lựa; iii) Phân biệt sắc tộc và định kiến ​​gắn liền với một số nhóm nhất định dẫn đến việc chia sẻ kinh nghiệm với gia đình, qua đó hỗ trợ cá nhân phát triển kỹ năng tâm lý và phòng thủ để bảo vệ bản thân; và iv) Mối gắn kết giữa cha mẹ và con cái có thể ảnh hưởng đến quá trình xã hội hóa chủng tộc và tộc người, đặc biệt là khi họ có mối quan hệ tốt và tôn trọng nhau (Root 1994, tr. 15).

Weber dựa trên yếu tố nhận thức để định nghĩa các nhóm tộc người như sau: Những nhóm người này có niềm tin chủ quan vào dòng dõi chung của họ vì những tương đồng về loại thể chất, phong tục tập quán, hoặc vì những ký ức về di dân, cư trú; niềm tin này phải rất quan trọng đối với việc hình thành nhóm; hơn nữa không hề có vấn đề là liệu có tồn tại một mối quan hệ dòng máu khách quan hay không. (Weber 1922/1955) Mặc dù ông đã viết về tầm quan trọng của đặc tính tộc người nói chung, nhưng Weber không bao giờ thừa nhận sự cần thiết phải tham gia tích cực của cá nhân vào việc hình thành bản sắc (tính đồng nhất) tộc người của họ, và ông cũng không khai thác cái cấu trúc này vượt khỏi quá trình khái niệm hóa mang tính định nghĩa. Để có được một cách nhận thức nào đó và có lẽ để bổ sung thêm cấu trúc và ý nghĩa, nhiều người đang tìm kiếm những ý vị của họ về những bộ hồ sơ bị mất đã lâu, trong đó mô tả lịch sử xã hội của họ. Và từ những khám phá này, người ta tạo dựng một bản sắc (đồng nhất tính) tượng trưng. Trong quá trình tạo dựng và duy trì bản sắc, các biểu tượng lịch sử chung được đồng nhất, chia sẻ và truyền lại cho các thế hệ tương lai. (Trimble J. E. and R. Dickson 2005) Các biểu tượng cũng có thể được coi là một khẳng định công khai về yêu sách tộc người của một cá nhân kể cả trang phục, nhãn mác, đồ trang sức, cờ quạt, ẩm thc, ngôn ngữ, lễ hội. Đối với các dân tộc ở Á Đông, bản sắc tộc người được tạo dựng trên các cơ sở các hình thái vốn hay còn gọi là nguồn lực xã hội, con người, văn hóa, biểu tượng và tri thức bản địa cần phải được bảo tồn và phát huy, đặc biệt là trong kinh tế sáng tạo ở quy mô hộ gia đình.

2. Hộ gia đình và Kinh tế sáng tạo trên cơ sở bản sắc tộc người

2.1. Khác biệt giữa gia đình và hộ gia đình trong xã hội hiện đại

Gia đình (family) được định nghĩa là một nhóm người có quan hệ huyết thống hoặc pháp lý; họ ở bên nhau thông qua việc sinh ra, kết hôn và/hoặc nhận con nuôi. Gia đình có thể bao gồm những người thân thích không sống chung dưới một mái nhà như cô dì, chú bác, ông bà, anh chị em họ. Mặt khác, hộ gia đình (household) là một hoặc nhiều người sống trong một nơi cư trú (nhà, căn hộ, chung cư) nhưng lại có thể không có quan hệ họ hàng. Các gia đình có thể là một phần của một hộ gia đình lớn hơn và các hộ gia đình có thể bao gồm các thành viên của một số gia đình không có quan hệ họ hàng không sống cùng nhau. Các cá nhân liên hệ với xã hội thông qua gia đình và hộ gia đình của họ. Khi các đơn vị này thêm hoặc bớt thành viên, hoặc khi các thành viên trong gia đình già đi, ly hôn hoặc kết hôn, tất cả đều có thể tạo ra các hệ quả kinh tế và xã hội sâu sắc. Ly hôn có thể đưa đến những khó khăn về tâm lý, lối sống, kinh tế, tài chính. Kết hôn có thể giúp tăng thêm thu nhập, cũng như con cái, cha mẹ bên vợ hoặc chồng. Sự ra đời của một đứa trẻ đòi hỏi các  chi phí tài chính mới nhưng nó cũng có thể tạo động lực sắp xếp một gia đình ổn định. Hộ gia đình và các gia đình là đơn vị phân tích cơ bản trong nhân khẩu học, và hai loại hình đó không giống nhau. Cái thường được gọi là gia đình chuẩn mực giờ đây được các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách gọi là “gia đình chuẩn mực cũ”, và như vậy có nghĩa là đã có sự xuất hiện của loại hình “gia đình chuẩn mực mới”. Chẳng hạn tại Mỹ vào năm 1900, 57% số người trên 65 tuổi sống trong một ngôi nhà nhiều thế hệ, nhưng từ sau Thế chiến II xu hướng hộ gia đình hạt nhân chỉ có cha mẹ và con cái của họ đã xuất hiện, và xu hướng đó thống trị cả về mặt nhân khẩu học và ý thức hệ. Đến năm 1980, chỉ còn 11% hộ gia đình có nhiều thế hệ. (Silbaugh K., 2016, tr.1075)

Khác với gia đình chuẩn mực cũ, các thuộc tính của gia đình chuẩn mực mới thường bao gồm các hộ gia đình nhiều thế hệ, không có hôn nhân, các thành viên trong gia đình có nguồn gốc từ nhiều hộ gia đình, gắn bó với nhiều đối tác và liên quan đến khả năng sinh sản của nhiều đối tác theo thời gian, họ thường là người lớn có nhiều hơn một cặp đồng-cha mẹ. Đây là loại hộ gia đình mà tính xã hội nổi trội hơn là tính thân tộc qua hôn nhân. Vẫn tại Mỹ, sự kết hợp giữa các loại hình hộ gia đình đã thay đổi rất nhiều trong ba thập kỷ qua. Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là tỷ lệ hộ gia đình ngày càng giảm và tỷ lệ hộ độc thân gia tăng. Năm 1970, 81% tổng số hộ gia đình là hộ gia đình, nhưng con số này đã giảm xuống còn 68% vào năm 2003. Việc rút lui khỏi hôn nhân và tình trạng già hóa dân số nói chung đang làm tăng số lượng hộ gia đình độc thân. Người Mỹ đang chờ đợi lâu hơn để kết hôn, nếu họ chọn kết hôn. Các cặp vợ chồng có nhiều khả năng ly hôn hơn so với những năm 1970. Ngày càng có nhiều người già ở Mỹ sống một mình sau cái chết của vợ/chồng. Năm 2003, 26% tổng số hộ gia đình ở Mỹ chỉ có một người, so với 17% vào năm 1970. Nhiều nước châu Âu đã chứng kiến sự gia tăng tương tự về số lượng hộ gia đình độc thân vì những lý do tương tự. (Borell K., 2003, tr.468-470)

2.2. Kinh tế sáng tạo hộ gia đình trên cơ sở bản sắc tộc người

2.2.1 Kinh tế sáng tạo

Khái niệm “sáng tạo” luôn luôn phát triển; việc xác định về tính sáng tạo được xây dựng dựa trên sự tương tác giữa các ý tưởng, sở hữu trí tuệ, tri thức và công nghệ của con người. Tính sáng tạo nói chung có thể được phân chia thành những lĩnh vực cơ bản sau i) Sáng tạo nghệ thuật bao gồm trí tưởng tượng và khả năng tạo ra những ý tưởng độc đáo cũng như những cách diễn giải mới về thế giới, thể hiện bằng các loại hình văn bản, âm thanh và hình ảnh; ii) Sáng tạo khoa học bao gồm đặc tính ham hiểu biết và sẵn sàng thử nghiệm cũng như tạo ra những kết nối mới trong việc giải quyết vấn đề; và; iii) Sáng tạo công nghệ là một quá trình năng động hướng tới đổi mới mọi loại hình công nghệ đã có để có được các loại hình công nghệ mới; iv) Sáng tạo kinh tế là quá tìm kiếm chuyển đổi vạn vật thành nguồn lực trong sản xuất sản phẩm, dịch vụ, kinh doanh, tiếp thị, v.v…; v) Sáng tạo tri thức gắn liền với khái niệm “kinh tế tri thức”, động lực chính của tăng trưởng nội sinh thông qua đầu tư vào vốn con người dựa trên nền tảng bản sắc của các cộng đồng, các nhóm xã hội khác nhau. (UNCTAD, 2008)

Có sự khác nhau rất lớn giữa các quốc gia, vì không có định nghĩa đơn giản nào về “tính sáng tạo” bao hàm hết được tất cả các khía cạnh khác nhau của hiện tượng này. Ngày nay, các hoạt động sáng tạo đã dịch chuyển chủ yếu từ lĩnh vực nghệ thuật và thủ công truyền thống sang thiết kế các ứng dụng thiết bị trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là điện thoại thông minh. Xu hướng này tạo ra hàng nghìn việc làm cho các nhà thiết kế và lập trình viên trên toàn thế giới ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Nhiều hoạt động truyền thống hơn như thời trang cũng bị ảnh hưởng bởi công nghệ mới. Các nhà thiết kế đã chuyển từ cọ vẽ sang pixel (viết tắt picture element vẽ bằng kỹ thuật số). Ngay cả các hoạt động bảo tồn di sản bằng các kỹ thuật truyền thống cũng có thể được hưởng lợi từ những tiến bộ trong công nghệ đối với các khía cạnh khác nhau của chu trình sản phẩm, từ đào tạo và chia sẻ kiến thức đến thu hút khách hàng và thương mại hóa. (UN-United Nations 2022,  tr.16).

Trong lĩnh vực sáng tạo, trước hết cần phải hiểu sự khác biệt giữa các ngành công nghiệp sáng tạo và nền kinh tế sáng tạo. Thuật ngữ “các ngành công nghiệp sáng tạo” đã được sử dụng từ những năm 1990, khi chính phủ Vương quốc Anh cố gắng xác định và phân tích tác động trực tiếp của các ngành công nghiệp sáng tạo đối với nền kinh tế Anh (Newbigin, 2014). Công nghiệp sáng tạo có thể bao gồm vô số lĩnh vực: du lịch, dịch vụ, quảng cáo, kiến trúc, thủ công, nghệ thuật, thiết kế, thời trang, phim ảnh, video, nhiếp ảnh, âm nhạc, trình, xuất bản, nghiên cứu và phát triển, phần mềm, máy tính trò chơi, phát thanh, truyền hình, vốn là huyết mạch của nền kinh tế sáng tạo. Những ngành này tạo ra vô số việc làm và không ngừng thúc đẩy đổi mới. Mặt khác, chúng còn góp phần đem lại hàng loạt lợi ích phi kinh tế bằng cách duy trì và phát huy các giá trị lịch sử, bản sắc, văn hóa, nghệ thuật góp phần vào sự thịnh vượng và hạnh phúc của xã hội. Khái niệm “nền kinh tế sáng tạo” được John Howkins phát triển vào năm 2001. Theo ông, sáng tạo là việc sử dụng một ý tưởng để tạo ra một ý tưởng khác, một quá trình sáng tạo, khám phá và đổi mới vô tận về nhận thức và cảm xúc. Nền kinh tế sáng tạo bao gồm tất cả các ngành công nghiệp sáng tạo tương liên với nhau. (Howkins, 2001)

Ngày nay, các ngành công nghiệp sáng tạo và kinh tế sáng tạo được xem xét phổ biến ở các lĩnh vực sau: 1) Các ngành công nghiệp sáng tạo: i) Là các chu kỳ sáng tạo, sản xuất và phân phối hàng hóa và dịch vụ sử dụng tính sáng tạo và vốn trí tuệ làm đầu vào chính; ii) Tạo thành một tập hợp các hoạt động dựa trên tri thức, tập trung nhưng không giới hạn vào văn hóa và di sản, có khả năng tạo ra doanh thu từ thương mại và quyền sở hữu trí tuệ; iii) Bao gồm các sản phẩm hữu hình và dịch vụ trí tuệ hoặc nghệ thuật vô hình có nội dung sáng tạo, giá trị kinh tế và mục tiêu thị trường; và; iv) Là giao điểm của các ngành thủ công, dịch vụ và công nghiệp; v) Là tâm điểm của nền kinh tế sáng tạo. 2) Nền kinh tế sáng tạo: i) Là một khái niệm đang phát triển dựa trên các tài sản sáng tạo có khả năng tạo ra tăng trưởng và phát triển kinh tế; ii) Thúc đẩy tạo thu nhập, tạo việc làm và thu nhập từ xuất khẩu đồng thời thúc đẩy hòa nhập xã hội, đa dạng văn hóa và phát triển con người; iii) Bao gồm các khía cạnh kinh tế, văn hóa và xã hội tương tác với các mục tiêu công nghệ, sở hữu trí tuệ và du lịch; iv) Là tập hợp các hoạt động kinh tế tri thức có chiều hướng phát triển và có mối liên kết xuyên suốt ở cấp độ vĩ mô và vi mô với tổng thể nền kinh tế; v) Là mọi phương án phát triển khả thi cần thiết có các phản hồi chính sách mang tính đổi mới, đa ngành và hành động liên ngành. (UN-United Nations 2022, tr.18)

2.2.2. Kinh tế sáng tạo ở quy mô hộ gia đình

Danh mục kinh tế hộ gia đình có thể được xác định là i) Tập hợp các nguồn lực của hộ gia đình; ii) Tập hợp các hoạt động của hộ gia đình; và iii) Lưu lượng tuần hoàn giữa các nguồn lực của hộ gia đình và các hoạt động của hộ. Khác với hoạt động kinh tế thông thường chủ yếu dựa trên nguồn nhân lực, vốn vật chất và vốn tài chính, đối với kinh tế sáng tạo hộ gia đình dân tộc thiểu số, nguồn lực hộ gia đình còn là tập hợp mọi nguồn vốn sinh thái, xã hội, con người, văn hóa, biểu tượng và tri thức bản địa để hộ gia đình sử dụng. Trong kinh tế học cỏ điển, nguồn nhân lực bao gồm thời gian, sức lao động và kỹ năng của các thành viên trong hộ, những yếu tố này phụ thuộc vào thành phần hay cấu trúc hộ gia đình, chẳng hạn có nguồn nhân lực thuộc một (chẳng hạn làm nông) hay một số lĩnh vực khác nhau (công nhân, viên chức, thủ công, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, v.v…). Nguồn lực vật chất bao gồm bất kỳ hạng mục hữu hình nào mà các thành viên trong hộ có thể sử dụng như đất đai, nhà cửa, công cụ, nguyên vật liệu thô, nguồn cung đầu vào, hàng tồn kho, thiết bị, vật nuôi, các hạng mục cá nhân, v.v. Nguồn tài chính bao gồm tiền mặt và các hình thức tiết kiệm thanh khoản khác. (Chen M. A. and E. Dunn 1996).

Trong mô hình này, các nguồn lực có thể do các thành viên trong hộ cùng nắm giữ hoặc có thể do từng thành viên trong hộ nắm giữ riêng. Ngoài ra, điều quan trọng cần lưu ý là các nguồn lực có thể được sở hữu hoặc có thể được tiếp cận thông qua việc vay mượn hoặc thông qua các mối quan hệ xã hội và mạng lưới xã hội. Nghĩa là, tập hợp các nguồn lực sẵn có của hộ gia đình có thể bao gồm nhiều thứ chứ không chỉ có các nguồn lực do các thành viên trong hộ sở hữu riêng hoặc chung. Các hộ gia đình có thể tiếp cận các nguồn lực quan trọng thông qua mạng xã hội hoặc thông qua quỹ nguồn lực chung (hộ gia đình mở rộng, họ hàng, cộng đồng). Có thể dựa vào các mối quan hệ và mạng lưới xã hội để đảm bảo các nguồn lực con người, vật chất hoặc tài chính trên cơ sở có đi có lại hoặc không có đi có lại. Ví dụ về mạng xã hội, có thể khác nhau tùy theo bối cảnh, bao gồm mạng lưới gia đình và họ hàng, mối quan hệ người bảo trợ-khách hàng, lòng trung thành theo các hội đoàn chính trị-xã hội, và mạng lưới tổng hợp hoặc trao đổi rộng hơn. Ngoài ra, hộ gia đình có thể tiếp cận được hàng hóa tập thể hoặc các nguồn lực chung thông qua khu vực công hoặc từ các nguồn tài sản chung. (Scott, James C., 1972; Chen M. A. and E. Dunn 1996; Khan, M.H.,1998) Tóm lại, hoạt động của hộ gia đình là tập hợp các hoạt động tiêu dùng, sản xuất và đầu tư mà các thành viên trong hộ gia đình thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định.

Hoạt động tiêu dùng hộ gia đình được định nghĩa là sự thỏa mãn những mong muốn và nhu cầu vật chất thông qua việc cung cấp các mặt hàng như thực phẩm, đồ uống, quần áo, dịch vụ y tế, nghi lễ và giải trí. Các hoạt động tiêu dùng thường không được kỳ vọng sẽ đóng góp vào cơ sở nguồn lực vật chất hoặc tài chính của hộ gia đình, ngoại trừ ở mức độ các mặt hàng tiêu dùng lâu bền hoặc dư thừa sẽ được chuyển sang sử dụng trong giai đoạn sau. Tuy nhiên, tiêu dùng đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và sinh lực của nguồn nhân lực. (Chen M. A. and E. Dunn 1996) Việc tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của các cá nhân và hộ gia đình là thành phần cơ bản của phúc lợi kinh tế và là chỉ số cơ bản về mức sống. Của cải và thu nhập sẵn có để hỗ trợ tiêu dung cho hôm nay và cho tương lai - thông qua tiết kiệm mà thu nhập tạo ra. Thu nhập, Tiêu dùng và Của cải (Khung ICW Income, Consumption and Wealth) là ba khía cạnh của khái niệm rộng hơn về phúc lợi kinh tế và điều quan trọng là phải hiểu mối quan hệ giữa chúng. Nhu cầu tiêu dùng có thể được đáp ứng thông qua việc tiêu dùng thu nhập, thông qua việc giảm bớt của cải và thông qua vay mượn. “Tiêu dùng là mục đích và mục đích duy nhất của mọi hoạt động sản xuất và phúc lợi của nhà sản xuất phải được quan tâm chỉ trong chừng mực nó có thể cần thiết để thúc đẩy lợi ích của người tiêu dùng”. (Smith A., 1937) Khung ICW kết hợp khái niệm chi tiêu tiêu dùng như một cách đánh giá mức tiêu thụ tất cả hàng hóa và dịch vụ, cả những hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong hộ gia đình và những hàng hóa được mua trên thị trường. Khái niệm tiêu dùng trong Khung ICW được phát triển song song với các khái niệm về thu nhập và của cải để cho phép tích hợp ba loại thước đo, cho phép phân tích toàn diện và sâu sắc về các khía cạnh khác nhau của phúc lợi kinh tế. (OECD, 2013) Như vậy có thể thấy rằng chính nhu cầu vô tận của tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế ở quy mô hộ gia đình, kể cả các gia đình dân tộc thiểu số, đặc biệt là kinh tế sáng tạo.

Hoạt động sản xuất hộ gia đình có thể được chia thành ba loại: i) Hoạt động tạo thu nhập trong phạm vi hộ gia đình; ii) Hoạt động duy trì hộ gia đình; và iii) Hoạt động kiếm tiền công và công việc bên ngoài phạm vi hộ gia đình. Việc phân loại các hoạt động này của hộ gia đình nhất quán với ý tưởng coi hộ gia đình như một tập hợp đa dạng, và các hoạt động sản xuất của hộ gia đình ở nông thôn bao gồm: i) Hoạt động sản xuất để tiêu dùng tại nhà; ii) Chăn nuôi, trồng trọt thương mại để bán trên thị trường; iii) Hoạt động kinh doanh phi nông nghiệp tự doanh; và iv) Lao động phi nông nghiệp. (Kusterer K., 1989) Hoạt động tạo thu nhập là bất kỳ hoạt động kinh doanh sản xuất nào tạo ra hàng hóa hoặc dịch vụ có thể bán được trên thị trường. Danh mục này sẽ bao gồm tất cả các loại hình doanh nghiệp vi mô, cũng như các hoạt động như cho thuê cơ sở vật chất như công cụ, phương tiện, đất đai, kho bãi, cửa hàng, và nhà ở, v.v... Sản phẩm của hoạt động tạo thu nhập có thể là sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp và có thể được hộ gia đình bán hoặc tiêu dùng. Đặc điểm nổi bật của hoạt động tạo thu nhập là nó tạo ra các sản phẩm và dịch vụ được bán trên thị trường một phần hoặc toàn bộ. Hoạt động duy trì hộ gia đình tạo ra hàng hóa hoặc dịch vụ chỉ được tiêu dùng trong nội bộ hộ gia đình. Ví dụ về các hoạt động duy trì hộ gia đình bao gồm chuẩn bị bữa ăn hàng ngày cho gia đình, giặt rũ, khâu vá quần áo, giày dép, bảo trì và cải tạo nhà cửa, chăm sóc trẻ em, lấy nước và chất đốt (củi đuốc, nhiên liệu). Hoạt động kiếm tiền công và công việc bên ngoài được thực hiện bên ngoài hộ gia đình nhằm mục đích kiếm tiền hoặc thực hiện các nghĩa vụ bên ngoài phạm vi hộ. (Chen M. A. and E. Dunn 1996)

Hoạt động đầu tư hộ gia đình liên quan đến việc sử dụng các nguồn lực của hộ gia đình nhằm tạo ra tiềm năng thu nhập bổ sung trong các giai đoạn tương lai. Sản phẩm của hoạt động đầu tư là các khoản đầu tư có kết quả hoặc tài sản có được. Những khoản đầu tư này có thể có nhiều hình thức, cả hữu hình và vô hình, nhưng chúng được đặc trưng bởi khả năng tồn tại dự kiến trong giai đoạn tiếp theo và bằng việc tăng cường cơ sở nguồn lực của hộ gia đình trong giai đoạn tương lai. Sản phẩm của hoạt động đầu tư có thể là bất động sản (như đất đai, nhà cửa, kho bãi), các tài sản vật chất (như đồ trang sức, vật nuôi), cổ phiếu tài chính hoặc các tài khoản sinh lãi (như tài khoản tiết kiệm, tiền cho vay), tài sản sản xuất (như máy móc, phương tiện, cộng cụ, xe cộ, hàng tồn kho), củng cố các mạng lưới xã hội hoặc cải thiện nguồn nhân lực thông qua đào tạo hoặc giáo dục. Trong phạm vi các mặt hàng tiêu dùng lâu bền như xe đạp, bếp ga, tủ lạnh được sử dụng trong các hoạt động tạo thu nhập hoặc hoạt động duy trì hộ gia đình, chúng cũng có thể được coi là đầu tư. Tóm lại, hoạt động đầu tư có tác dụng xây dựng nguồn lực và cơ sở tài sản của hộ gia đình. (Chen M. A. and E. Dunn 1996; Bertaut C., and M. S.-McCluer 2001)

Đối với việc sử dụng nguồn lực, các hoạt động có thể được thực hiện chung hoặc riêng lẻ. Ví dụ, cả vợ và chồng có thể phân bổ sức lao động và các nguồn lực khác của mình cho hoạt động tạo thu nhập chung. Ngoài ra, hoạt động tạo thu nhập có thể là lĩnh vực riêng biệt của chỉ vợ hoặc chồng. Vai trò giới và giới tính phổ biến có thể quy định rằng một số hoạt động duy trì hộ gia đình, chẳng hạn như dệt vải, nấu ăn hoặc sửa sang nhà cửa, chỉ là việc của một thành viên trong hộ gia đình. Đầu tư cũng có thể là chung hoặc cá nhân riêng rẽ. Có hai mối liên hệ giữa các hoạt động của hộ gia đình và nguồn lực của hộ gia đình và được minh họa bằng các lưu lượng theo cả hai hướng. Một là lưu lượng A chảy từ nguồn lực đến hoạt động, thể hiện sự phân bổ nguồn lực chung hoặc riêng lẻ của hộ gia đình để hỗ trợ các hoạt động chung và riêng lẻ khác nhau của hộ. Dòng này bao gồm chi tiêu tiền mặt, đầu vào lao động và các đầu vào hữu hình khác. (Chen M. A. and E. Dunn 1996; Haddad L. J. H. and H. Alderman 1996). Các nguồn lực con người, vật chất và tài chính của hộ gia đình cung cấp cơ sở hỗ trợ cho các hoạt động của hộ gia đình và được phân bổ cho các hoạt động khác nhau của hộ thông qua các quá trình ra quyết định chung và cá nhân khác nhau. Tất cả các hoạt động của hộ gia đình phải được hỗ trợ bởi tập hợp nguồn lực sẵn có. Một loại nguồn lực (ví dụ lao động) có thể được phân bổ cho nhiều hoạt động và mỗi hoạt động thường yêu cầu một số loại nguồn lực khác nhau. Lưu lượng hay dòng B chảy từ các hoạt động đến nguồn lực, thể hiện thu nhập và các nguồn lực bổ sung khác được tạo ra bởi hoạt động sản xuất và đầu tư của hộ gia đình. Dòng này phản ánh kết quả đạt được từ các quyết định chung và cá nhân trong gia đình. (Gittlesohn, Joel. 1992)

Tóm lại, các thành viên hộ gia đình phân bổ nguồn lực cho các hoạt động tiêu dùng, sản xuất và đầu tư, từ đó đáp ứng nhu cầu và mong muốn hiện tại của hộ gia đình, đồng thời trả lại nguồn lực cho hộ gia đình để sử dụng trong tương lai. Trong mô hình này, hộ gia đình được thể hiện bằng một vòng lưu lượng giữa các nguồn lực của hộ và các hoạt động của hộ. Tập hợp nguồn lực của hộ gia đình cung cấp cơ sở hỗ trợ cho các hoạt động của hộ. Những nguồn lực này có sẵn thông qua sở hữu cá nhân và sở hữu chung, sở hữu tập thể (siêu hộ gia đình), vay mượn và mạng lưới xã hội. Các nguồn lực con người, vật chất và tài chính của hộ gia đình được phân bổ thông qua việc ra quyết định chung và cá nhân cho các hoạt động khác nhau của hộ gia đình. Các hoạt động tiêu dùng, sản xuất và đầu tư của hộ gia đình được thực hiện nhằm đáp ứng mong muốn và nhu cầu hiện tại của hộ gia đình và hoàn trả các nguồn lực cho hộ gia đình để sử dụng trong tương lai. (Thomas, Duncan 1991; Chen M. A. and E. Dunn 1996)

2.3. Bản sắc văn hóa tộc người - nguồn lực của kinh tế sáng tạo hộ gia đình

2.3.1. Khái niệm nguồn lực

Nguồn lực trước hết là khái niệm kinh tế học, được định nghĩa rõ ràng là nguồn cung ứng nhằm tạo ra lợi ích. Nguồn lực được chia thành hai loại dựa trên tính sẵn có của chúng là nguồn lực tái tạo và nguồn lực không tái tạo. Các nguồn lực điển hình là các loại vật chất, năng lượng, dịch vụ, con người, tri ​​thức, hoặc các tài sản khác được biến đổi để tạo ra lợi ích và trong quá trình này có thể bị tiêu hao hoặc không có sẵn. Các lợi ích do việc sử dụng các nguồn lực mang lại có thể bao gồm sự gia tăng giàu có hoặc nhu cầu, sự vận hành chính xác của một hệ thống, hoặc nâng cao phúc lợi cho con người. (Ricklefs, R.E., 2005). Từ kinh tế học, khái niệm nguồn lực đã được áp dụng cho rất nhiều lĩnh vực liên quan như sinh học, sinh thái học, khoa học quản lý nhân lực, và liên quan đến các khái niệm về cạnh tranh, tính bền vững, bảo tồn và khoa học phát triển. Nguồn lực có ba đặc điểm chính: tiện ích, tính khan hiếm, và khả năng cạn kiệt. Các nguồn lực được phân loại khác nhau như nguồn lực sinh học và nguồn lực phi sinh học, nguồn lực có thể tái tạo và nguồn lực không thể tái tạo; nguồn lực tiềm năng và nguồn lực thực tế, hoặc nhiều cách phân loại phức tạp hơn. Bản thân kinh tế học cũng được định nghĩa là khoa học nghiên cứu về cách thức quản lý và sử dụng các nguồn lực khan hiếm (Mankiw, N.G. 2008).

Nguồn lực còn được chia thành hữu hình và vô hình, các nguồn lực hữu hình như nhà xưởng, thiết bị, máy móc, vật tư thì có sự tồn tại vật chất thực tế, còn  các nguồn lực vô hình như hình ảnh của đơn vị, công ty, nhãn hiệu, bằng sáng chế, và các tài sản trí tuệ khác thì lại tồn tại một cách vô hình, trừu tượng. Giá trị kinh tế của một nguồn lực được kiểm soát bởi cung và cầu. Đây được coi là một cách nhìn hẹp về các nguồn lực bởi vì có rất nhiều thứ vô hình không thể đo bằng tiền, ví dụ các nguồn tài nguyên thiên nhiên như rừng núi đều có giá trị thẩm mỹ, và thậm chí cả giá trị đạo đức nữa (Berry, John 2004) Đối với kinh tế học, khái niệm nguồn lực vốn đã được mở rộng và bao hàm nhiều nghĩa và được chia thành nhiều loại khác nhau. Trước hết, nguồn lực “vốn” có nghĩa là các hàng hoá có thể giúp sản xuất ra các hàng hoá khác trong tương lai, là kết quả của đầu tư.

2.3.2. Các loại hình nguồn lực bản sắc văn hóa tộc người của kinh tế sáng tạo

Theo cách phân loại của kinh tế học truyền thống, nguồn lực còn được gọi là các nguồn vốn gồm có ba loại: i) Vốn cố định; ii) Vốn lưu động; và iii) Vốn tài chính. Gần đây các nhà kinh tế học đã cố gắng tìm kiếm, mở rộng các nhân tố mới để bổ sung thêm vào bản danh sách các yếu tố sản xuất của kinh tế học cổ điển. Hầu hết đều coi đó là các nguồn vốn xã hội, vốn con người, vốn văn hóa, vốn biểu tượng, và tri thức bản địa – bao gồm mọi hiểu biết về môi trường sinh thái, kỹ năng lao động, giáo dục, mạng quan hệ và kết nội xã hội, và tài sản trí tuệ - có thể là nhân tố thứ tư của quá trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ (Ayres Robert U; Benjamin Warr 2009). Ở Việt Nam, các loại hình vốn trên còn được giới chính trị, học giả gọi là các giá trị và nguồn lực nhân văn.

Vốn xã hội: Là một khái niệm cốt lõi trong các lĩnh vực chuyên môn kinh tế học, xã hội học, tâm lý học, chính trị học, khoa học tổ chức, v.v...và được coi là một lợi thế do vị trí của một cá nhân, một nhóm, một cộng đồng xã hội trong cấu trúc các quan hệ giữa con người với con người. Nhà triết học và xã hội học Pháp Bourdieu cho rằng vốn xã hội là tổng hợp của các nguồn tiềm năng và hiện thực gắn liền với việc có được một mạng quan hệ quen thân ít nhiều được thể chế hoá (Bourdieu, Pierre. 1983: 183-198). Còn theo nhà xã hội học Mỹ Robert Putnam thì vốn xã hội là giá trị tập thể của toàn bộ các mạng lưới xã hội và các sở thích xuất hiện từ các mạng lưới đó để mọi người có thể giúp đỡ lẫn nhau; vốn xã hội là một thành tố chủ chốt để duy trì dân chủ (Fukuyama 1999; Putnam R., 2000). Việc lượng hoá vốn xã hội thực sự là một thách thức và còn gây nhiều tranh cãi. Trong các hoạt động chính trị - xã hội loại vốn này thường được đo bằng tổng số các thành viên của mỗi nhóm. Các nhóm có đông số thành viên hơn thì thường được coi là có số vốn xã hội lớn hơn. Mức độ cố kết của một nhóm cũng tác động đến vốn xã hội của nó, cho dù cho đến bây giờ vẫn chưa có cách lượng hoá đáng tin cậy nào về mức độ cố kết đó. Nhưng dù sao vốn xã hội vẫn là một nguồn lực không thể thiếu trong phát triển bền vững.

Vốn con người: Dùng để chỉ nguồn trữ lượng kỹ năng sản xuất và tri thức kỹ thuật hàm chứa trong lao động. Người xây dựng hệ mẫu sớm nhất cho khái niệm vốn con người là nhà kinh tế học đoạt giải Nobel người Mỹ, G. Becker với tác phẩm Vốn con người nổi tiếng của ông. Cách tiếp cận vốn con người của Becker bao gồm cả tác động của những thói quen tích cực và tiêu cực chẳng hạn như kỹ năng, sự chấp hành giờ giấc lao động; ngược lại là chứng nghiện rượu, thuốc phiện, cờ bạc của loại hình vốn con người. Ngày nay một bộ phận vốn con người đã được đồng nhất với kinh tế tri thức thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi lao động có kỹ năng và được đào tạo bài bản, và bộ phận ưu tú nhất của trữ lượng vốn con người trong một quốc gia được coi là lượng chất xám của quốc gia đó. Và càng ngày phát triển bền vững càng được coi là đồng nghĩa với phát triển vốn con người, với các cấu trúc bao gồm cả tuổi tác, mức độ giáo dục, sức khoẻ, bình đẳng giới, việc chăm lo đến con người, và đặc biệt là việc đầu tư vào chăm sóc vốn con người ngay từ giai đoạn còn là trẻ thơ. (Becker G., 1964)      

Vốn văn hoá: Là một khái niệm xã hội học do Pierre Bourdieu đề xuất đã được sử dụng rộng rãi. Lần đầu tiên thuật ngữ vốn văn hoá xuất hiện trong tác phẩm Tái sản xuất văn hoá và Tái sản xuất xã hội. Trong công trình này Bourdieu và đồng nghiệp đã cố gắng lý giải các khác biệt về tác động của giáo dục ở Pháp trong những năm 1960. (Bourdieu et Jean-Claude Passeron 1970) Đối với Bourdieu vốn tác động với tư cách là mối quan hệ xã hội trong một hệ thống trao đổi, và thuật ngữ này đã được mở rộng cho tất cả các loại hàng hoá vật chất và biểu tượng, không có sự khác biệt, được tạo thành trong những điều kiện xã hội đặc biệt hiếm khi được mua bán, vì nó thường là vô giá, và được tích luỹ cùng quyền lực và vị thế xã hội to lớn. (Bourdieu 1980) Bourdieu phân biệt ba loại hình vốn: i) Vốn kinh tế bao gồm các nguồn lực kinh tế như tiền, tài sản, các nguồn lực v.v...; ii) Vốn xã hội là các nguồn lực dựa vào tư cách thành viên của một nhóm xã hội nhất định, các mối liên hệ, các mạng lưới ảnh hưởng và trợ giúp, là “tổng các nguồn lực thực sự hoặc tiềm tàng gắn liền với việc sở hữu một mạng lưới bền vững các mối quan hệ quen biết và thừa nhận lẫn nhau đã ít nhiều được thể chế hoá”; iii) Vốn văn hoá là các loại hình tri thức, kỹ năng, giáo dục, hoặc bất cứ lợi thế nào khiến cho vị thế xã hội của người sở hữu cao hơn, có tương lai hứa hẹn hơn; cha mẹ cấp vốn văn hoá cho con cái bằng tri thức, thái độ, phong cách sống làm cho hệ thống giáo dục trở thành một vị trí thân thuộc, thuận tiện giúp chúng có thể dễ dàng thành công. (Bourdieu 1983)

Vốn biểu tượng: Vốn biểu tượng là loại hình vốn được nhận thức thông qua các dấu hiệu biểu đạt ý nghĩa và vị thế xã hội, như uy tín, danh dự, tiếng nói, và là một nguồn quyết định của quyền lực. Bourdieu cho rằng khi ai đó có một nguồn vốn biểu tượng sử dụng quyền lực đối với một người có ít quyền lực hơn, và vì vậy mà tìm cách làm biến đổi các hành động của họ, thì như vậy có nghĩa là người đó đã thực hiện một loại bạo lực tượng trưng. Bạo lực tượng trưng về cơ bản là sự áp đặt các loại tư duy và hành động phụ thuộc vào các tác nhân xã hội thống trị; loại vốn này có khả năng buộc người khác phải thừa nhận trật tự xã hội hiện hành là chính đáng (Bourdieu 1980). Nó là sự tổng hợp của việc duy trì lâu dài các cấu trúc hành động của kẻ thống trị, buộc kẻ bị trị phải chấp nhận vị thế của họ là “phải” như vậy. Bạo lực tượng trưng theo một nghĩa nào đó còn mạnh hơn cả bạo lực vật thể trong đó có rất nhiều mô thức hành động và các cấu trúc nhận thức của các cá nhân, và áp đặt nhãn quan về tính chính đáng của trật tự xã hội. Trong các công trình lý thuyết của mình, Bourdieu đã khai thác một số thuật ngữ kinh tế học để phân tích các quá trình tái sản xuất văn hoá và xã hội, trong đó các loại hình vốn khác nhau có khuynh hướng được trao truyền từ thế hệ này cho các thế hệ kế tiếp. Đối với Bourdieu, giáo dục thể hiện rất rõ quá trình này. Theo ông, sự thành công về phương diện giáo dục đưa đến hàng loạt hành vi văn hoá bằng cách mở rộng đến các đặc điểm về bề ngoài không mang tính chất học thuật như phong thái hoặc giọng nói chẳng hạn (Bourdieu 1980).

3. Phát huy bản sắc và văn hóa tộc người trong kinh tế sáng tạo hộ gia đình

Việc phát huy, ứng dụng giá trị và nguồn lực bản sắc và văn hóa tộc người - nói cách khác là các giá trị và nguồn lực nhân văn phục vụ phát triển vùng DTTS - đã được thực hiện từ khá sớm và ngày càng mở rộng với nội dung rất phong phú ở tất cả mọi lĩnh vực môi trường, kinh tế, xã hội, văn hóa, thể chế và con người. Vì vậy, trong phạm vi mục này, bài viết chỉ có thể lựa chọn mô tả một số lĩnh vực mang tính đại diện sau:

3.1. Phát huy, ứng dụng trong lĩnh vực nâng cao nhận thức 

Các vùng, tỉnh, địa phương có các hộ gia đình DTTS sinh sống cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư về phát triển bền vững, phát triển toàn diện vùng dựa trên các giá trị, nguồn lực bản sắc và văn hóa tộc người thông qua sự phát triển kinh tế sáng tạo hộ gia đình. Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của các giá trị, nguồn lực bản sắc và văn hóa tộc người; nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hộ gia đình, trong việc đầu tư cho phát huy và ứng dụng các giá trị, nguồn lực bản sắc và văn hóa tộc người cho phát kinh tế sáng tạo hộ gia đình DTTS. Việc phát huy, ứng dụng trong lĩnh vực nâng cao nhận thức bao gồm các hoạt động sau: 1) Đẩy mạnh tuyên truyền về các giá trị, nguồn lực bản sắc và văn hóa tộc người thông qua các hệ thống phương tiện: i) Báo chí, đài phát thanh, truyền thanh, truyền hình bằng tiếng Kinh và tiếng dân tộc; ii) Thiết chế văn hóa đặc biệt là các sinh hoạt cộng đồng, dòng họ tại gia đình, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn bản, hệ thống thư viện, bảo tồn, bảo tàng, di tích, di sản; 2) Đẩy mạnh phát huy và ứng dụng các giá trị và nguồn lực bản sắc và văn hóa tộc người thông qua các hoạt động thực tiễn: i) Ở mọi không gian công cộng dành cho cộng đồng trong các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán (ma chay, cưới xin), lễ hội, mọi hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, gắn kết cộng đồng, nhằm lan tỏa mọi ý nghĩa vai trò của các giá trị, nguồn lực bản sắc và văn hóa tộc người trong phát triển; ii) Trong mọi cuộc vận động, mọi phong trào liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán, và văn hóa như: gia đình văn hóa, thôn bản văn hóa, tổ dân phố văn hóa; 3) Đẩy mạnh phát huy và ứng dụng các giá trị, nguồn lực bản sắc và văn hóa tộc người trong phát triển kinh tế sáng tạo hộ gia đình thông qua các hoạt động lồng ghép văn hóa vào các lĩnh vực thể chế, bao gồm: i) Văn hóa chính trị; ii) Văn hóa công quyền; iii) Văn hóa doanh nghiệp hộ gia đình, v.v… 4) Đẩy mạnh phát huy và ứng dụng giá trị và nguồn lực nhân văn bằng cách lồng ghép và thông qua các loại hình sản phẩm kinh tế sáng tạo hộ gia đình như: i) Hệ thống sản phẩm OCOP (One Commune One Product - Mỗi xã một sản phẩm) và OKOP (One Kinship One Product - Mỗi dòng họ/hộ gia đình một sản phẩm) của các xã Nông thôn mới (Hà Hữu Nga 2019); ii) Hệ thống sản phẩm và dịch vụ du lịch của kinh tế sáng tạo hộ gia đình; iii) Hệ thống sản phẩm và dịch vụ ẩm thực (các loại đồ ăn thức uống) kinh tế sáng tạo hộ gia đình; iv) Hệ thống tiếp thị, quảng cáo kinh tế sáng tạo hộ gia đình; v) Hệ thống công nghiệp văn hóa kinh tế sáng tạo hộ gia đình DTTS, v.v...

3.2. Phát huy và ứng dụng trong kinh tế sáng tạo hộ gia đình

3.2.1. Phát triển kinh tế du lịch sinh thái/văn hóa

Các nhà kinh tế sinh thái đã đề xuất xây dựng các mô hình tăng trưởng xanh giúp bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho các hộ gia đình dựa trên tri thức bản địa và nguồn lực nhân văn DTTS mang đặc trưng của vùng DTTS (Nguyễn Văn Lưu và Nguyễn Quốc Hưng, tr. 6-26). Trên cơ sở đó, có thể lồng ghép phát triển kinh tế sáng tạo hộ gia đình như sau: i) Xây dựng các mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh áp dụng cho các khu dự trữ sinh quyển, các vườn quốc gia, các khu bảo tồn trong vùng đồng bào DTTS (theo tính chất hoạt động du lịch của điểm đến) cho tất cả các khu dự trữ sinh quyển, các vườn quốc gia, các khu bảo tồn kết hợp với các sản phẩm du lịch có sự tham gia của các hộ gia đình DTTS nhằm khai thác, ứng dụng tri thức bản địa vào kinh tế sáng tạo hộ gia đình; ii) Xây dựng mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh cho các di sản văn hóa, các giá trị văn hóa lịch sử tiêu biểu trong vùng; có thể mở rộng mô hình áp dụng (theo tính chất hoạt động du lịch tại điểm đến) cho các di sản văn hóa, các giá trị văn hóa lịch sử tiêu biểu trong các hoạt động kinh tế sáng tạo hộ gia đình DTTS; iii) Nâng cao trách nhiệm của khách du lịch: trách nhiệm trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch; sử dụng có trách nhiệm, hiệu quả tài nguyên du lịch, tiết kiệm điện, nước, vứt rác thải đúng nơi quy định, phân loại rác thải trước khi đưa vào thùng rác; trách nhiệm tuyên truyền trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường; trách nhiệm trong việc mua bán các sản phẩm hàng lưu niệm gây hại đến đa dạng sinh học thông qua kinh tế sáng tạo hộ gia đình DTTS; iv) Nâng cao trách nhiệm của các cộng đồng DTTS tại điểm đến: trách nhiệm bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch; Thực hiện lối sống xanh trong cộng đồng; Tăng cường tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ sự đa dạng sinh học; trách nhiệm tuyên truyền trong chính cộng đồng và du khách về bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch thông qua kinh tế sáng tạo hộ gia đình DTTS.

3.2.2. Phát triển kinh tế di sản

Khu vực miền núi phía Bắc có tổng diện tích là 158.750km2, bao gồm 14 tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang và một phần Bắc Giang. Nơi đây là địa bàn cư trú của hơn 40 trong số 53 thành phần dân tộc thiểu số ở nước ta, gồm: Tày, Mường, Thái, Nùng, Mèo, Dao, Hoa, Cao Lan - Sán Chỉ (Sán Chay), Sán Dìu, Khơ Mú, Giáy, Lô Lô, Xinh Mun, Hà Nhì, La Chí, Kháng, La Hủ, La Ha, Chứt, Phù Lá, Mảng, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lào, Lự, Tu Dí, Si La, Pu Péo, Cống, Bố Y, Pu Nà (Quí Châu), Ơ Đu, Thủy, Tống… Các dân tộc này thuộc 7/8 nhóm ngôn ngữ có ở nước ta, gồm các nhóm: Việt-Mường, Tày-Thái, Kađai, Mông-Dao, Môn-Khmer, Hán, Tạng-Miến và Nam Đảo. (Hoàng Hữu Bình 1998, tr.9)

Miền núi và vùng DTTS phía Bắc có hệ thống di sản tự nhiên nổi tiếng như Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén thuộc Cao Bằng; Vườn quốc gia Du Già - Cao nguyên đá Đồng Văn thuộc Hà Giang; Vườn quốc gia Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Kạn, Vườn quốc gia Hoàng Liên thuộc tỉnh Lai Châu và Lào Cai; Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La, tỉnh Sơn La; Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên tỉnh Lạng Sơn; Vườn quốc gia Tam Đảo tại Thái Nguyên, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc; Vườn quốc gia Cúc Phương thuộc tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa; Vườn quốc gia Ba Vì thuộc Hà Nội; Vườn quốc gia Xuân Sơn tỉnh Phú Thọ. Nơi đây còn là cái nôi của các di chỉ và nền văn hóa Tiền sử nổi tiếng: Thẩm Hai, Thẩm Khuyên, Ngườm, Thần Sa, Sơn Vi, Hòa Bình, Bắc Sơn, Soi Nhụ, Hà Giang, Mai Pha, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn, v.v...Không thể không kể đến hệ thống di tích lịch sử của miền đất này, đó là: Di tích Quốc gia Đặc biệt Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Di tích lịch sử cấp Quốc gia bãi đá cổ Sa Pa ở Lào Cai; Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Chi Lăng ở Lạng Sơn; bia ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ khắc tại núi Phja Tém, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, Cao Bằng; bài minh văn của vua Lê Thái Tổ khắc năm 1431 trên vách đá của bờ bắc sông Đà dưới chân dãy núi Pú Huổi Chỏ, Lai Châu; v.v... Tiếp đến là Khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia - đặc biệt Pác Bó tỉnh Cao Bằng; Khu di tích lịch sử Khởi nghĩa Bắc Sơn; các di tích lịch sử cấp quốc gia như An toàn khu Định Hóa – Thái Nguyên và An toàn khu Sơn Dương – Tuyên Quang; Khu di tích lịch sử Chiến dịch Biên giới 1950; và đặc biệt là khu di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ; Tiếp đến là Đền thờ các Anh hùng Liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, v.v…

Ngày nay, các dân tộc miền núi phía Bắc còn bảo lưu được nhiều truyền thống văn hóa, phong tục tập quán liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng vòng đời, tín ngưỡng nông nghiệp và nhiều lễ hội tín ngưỡng khác. Tiêu biểu, một số dân tộc thiểu số còn bảo lưu một số lễ hội dân gian hết sức đặc sắc, như: người Thái có lễ xên bản, lễ xên mường; người Mường có lễ thượng điền, lễ hạ điền, lễ cơm mới; người Mông có lễ ăn thề, lễ cầu may, lễ gọi hồn, lễ sải sán, lễ gầu tào; người Tày và người Nùng có lễ lồng tồng; người Dao có lễ cấp sắc, lễ tết nhảy; người Pà thẻn có lễ nhảy lửa, v.v…Thực hành Then là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía bắc của Tổ quốc như Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang; ở vùng Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và một số địa phương khác ở Việt Nam. (Hoàng Thị Linh 2014)

Từ năm 2017 đến nay, Cục Văn hóa cơ sở đã triển khai xây dựng được nhiều mô hình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở một số tỉnh như: “Mô hình bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống của dân tộc Lự gắn với phát triển du lịch” tại xã Bản Hon, huyện Tam Đường (Lai Châu); mô hình “Bảo tồn và phát huy nghề thêu dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Phù Lá gắn với phát triển du lịch” tại xã Liên Minh, thị xã Sa Pa (Lào Cai); mô hình “Bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, Lô Lô gắn với phát triển du lịch” tại tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang; “Mô hình bảo tồn và phát triển các làn diệu dân ca, dân vũ của dân tộc Si La, Na Ha, Xá Phó, Pà Thẻn... gắn với phát triển du lịch tại tỉnh Sơn La, Điện Biên”… Trong đó, mô hình Câu lạc bộ văn nghệ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang… trở thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, tạo sự phát triển rõ rệt, cơ cấu kinh tế địa phương có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện. (Nguyễn Hồng Hải, 2022) Các mô hình này góp phần tạo điều kiện để các hộ gia đình DTTS khai thác những lợi ích hoặc giá trị sử dụng di sản tạo ra. Giá trị sử dụng của kinh tế di sản là những lợi ích thu được từ việc sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp một di sản. (Hà Hữu Nga 2019, tr.10-11) Chúng bao gồm: i) Lợi ích tài chính; ii) Lợi ích thẩm mỹ; iii) Cải thiện hình ảnh cộng đồng; iv) Làm tăng giá trị địa điểm di sản cho các mục đích sinh sống, thương mại, du lịch, giải trí hoặc các mục đích xã hội thông qua các hoạt động kinh tế sáng tạo hộ gia đình DTTS.

3.2.3. Phát triển kinh tế nghi lễ

Càng ngày các giá trị lịch sử, văn hóa, bản sắc và giá trị kinh tế của các cộng đồng người trên thế giới, kể cả các cộng đồng nhỏ bé, càng cho thấy tính độc đáo và đa dạng vô tận của mình. Và chính điều đó đã làm cho tính vật chất duy lý đơn thuần của kinh tế học bị đặt thành vấn đề. Vì vậy, người ta phải cố gắng tìm kiếm các cách diễn giải mới, vừa liên quan đến thực chất kinh tế lại vừa liên quan đến các giá trị khác, trong đó có giá trị nhân văn của các cộng đồng người. Trong bối cảnh đó kinh tế nghi lễ nổi lên như một cách tiếp cận thay thế hữu hiệu có thể giúp trả lời nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Theo các học giả Mỹ Patricia McAnany và Christian Wells kinh tế nghi lễ là một cách tiếp cận để thấu hiểu và giải thích các cách thức mà quyền lực siêu nhiên gắn kết với con người, chi phối con người trong các xã hội bộ lạc tiền công nghiệp, trong đó bao gồm các quá trình cung cấp và tiêu thụ mang tính nghi lễ nhằm vật chất hóa và chứng minh thế giới quan và các giá trị văn hóa của cộng đồng để “quản lý ý nghĩa và định hình diễn giải” thế giới. Cách tiếp cận này đi đầu trong nghiên cứu về sự gắn kết của con người với các lĩnh vực siêu nhiên, tự nhiên, xã hội, vật chất và nhận thức thông qua trải nghiệm của bản thân mình. Bằng cách kết hợp hai lĩnh vực nghiên cứu thường bị cô lập bởi tình trạng phân đôi mang tính bản chất là kinh tế và nghi lễ thành các lĩnh vực tri thức riêng biệt, kinh tế nghi lễ được sử dụng để phân tích các cách thức mà quá trình hiện thực hóa thế giới quan thông qua thực hành nghi lễ đã cấu trúc nên hành vi kinh tế (McAnany, P.A. and Ch. Wells, E. 2008, tr.1-2). Kinh tế nghi lễ bao gồm ba lĩnh vực nghiên cứu chủ chốt: i) Thực tiễn kinh tế, tức là cung cấp và tiêu dùng ở cấp độ nhu cầu đối với cá nhân và hộ gia đình; ii) Các kết quả của thực hành, tức là vật chất hóa và chứng minh sự tồn tại của thế giới siêu nhiên thông qua các hoạt động nghi lễ liên quan đến nền kinh tế sinh nhai của cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng; iii) Vai trò xã hội quan trọng của thực hành nghi lễ trong việc xác lập ý nghĩa và diễn giải kinh nghiệm sống của các cá nhân và hộ gia đình (Hà Hữu Nga 2023a,b,c). Kinh tế nghi lễ giúp diễn giải thấu đáo mọi hành vi nghi lễ liên quan đến các hoạt động kinh tế sáng tạo gia đình và cộng đồng.

3.2.4. Phát huy và ứng dụng tri thức trong kinh tế sáng tạo hộ gia đình

Đối với việc phát huy bản sắc và văn hóa tộc người trong kinh tế sáng tạo hộ gia đình, nói tới tri thức trước hết là nói tới tri thức bản địa. Đó là các các kinh nghiệm truyền thống lâu đời, các trải nghiệm sống của một cộng đồng liên quan đến môi trường tự nhiên, xã hội, đời sống, tư duy của cộng đồng đó. Tri thức bản địa bao gồm các loại trí khôn, kinh nghiệm, phong tục, lề thói ứng xử, các bài học của một cộng đồng. Tri thức bản địa được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ người này qua người khác, thông qua truyện kể, huyền thoại, văn học dân gian, các nghi lễ, lễ thức, tập quán, lề thói, quy định, luật tục, v.v.. Số lượng và chất lượng của tri thức bản địa mà các cá nhân nắm được có khác biệt nhau tuỳ thuộc vào giới, tuổi tác, mức độ được dạy dỗ, vị thế kinh tế, xã hội, mức độ trải nghiệm cuộc sống hàng ngày (Grenier 1997). Hầu hết giới khoa học đều đồng thuận rằng việc ứng dụng tri thức bản địa vào phát triển phải tuân thủ 4 nguyên tắc sau: i) Thái độ thích hợp: Trong kinh tế sáng tạo hộ gia đình, để ứng dụng các hệ thống tri thức bản địa các thành viên có liên quan phải hiểu rõ giá trị, tính hữu ích và tính thích hợp cao của các sản phẩm tạo ra từ tri thức bản địa; ii) Phương pháp thích hợp: Trong kinh tế sáng tạo hộ gia đình, việc ứng dụng tri thức bản địa phải đảm bảo rằng các nguồn lực, phương thức, quy trình phải thích hợp với bối cảnh sinh thái, văn hoá, năng lực, và các hiểu biết, trải nghiệm thực hành của người dân địa phương; iii) Đa phương pháp: Trong kinh tế sáng tạo hộ gia đình, việc ứng dụng tri thức bản địa đòi hỏi sự kết hợp các kỹ thuật khác nhau nhằm tạo thuận lợi cho việc thu thập các loại nguyên vật liệu, dữ liệu giúp khẳng định hoặc phủ định các bối cảnh ứng dụng bằng các quá trình kiểm tra chéo, đặc biệt là đối với các nhóm phi bản địa như du khách, khách hàng bên ngoài cộng đồng tộc người chủ nhân của tri thức bản địa đó; iv) Tham gia rộng rãi: Trong kinh tế sáng tạo hộ gia đình, tham gia có nghĩa là cuốn hút được sự cộng tác thực hiện của mọi gia đình, mọi thành viên gia đình trong cộng đồng; cách thức hiệu quả nhất để tìm kiếm ứng dụng được tri thức bản địa là lôi cuốn được người dân và các bên liên quan khác, kể cả các nhà khoa học, tham gia rộng rãi nhằm phát huy hiệu quả của tri thức trong phát triển kinh tế hộ gia đình (Wickham 1993).

Dưới đây là một trong những trường hợp điển hình về việc phát huy và ứng dụng tri thức bản địa trong kinh tế sáng tạo hộ gia đình DTTS. Năm 2007, Công ty cổ phần Kinh doanh các sản phẩm bản địa Sapa (tên gọi là công ty Sapa Napro) được thành lập với mục tiêu: Phát triển nhân rộng mô hình “doanh nghiệp cộng đồng” với giải pháp ứng dụng tri thức bản địa, trong đó nổi bật vai trò của các bà mế nắm giữ các tri thức sử dụng cây thuốc và bài thuốc tắm của người Dao đỏ ở Sa Pa. Các thầy lang - các bà mế là người nắm rõ nhất các bài thuốc cũng như cách sử dụng nhiều loài cây thuốc để tạo ra các sản phẩm thuốc tắm khác nhau. Với vai trò là cố vấn trong công ty, hai bà mế Chảo Sử Mẩy và Lý Mẩy Chạn, là những người nắm giữ những bài thuốc tắm tốt nhất, có từ 40 đến hơn 120 loài cây thuốc. Hiện nay Công ty Sapa Napro đã phát triển với 6 sản phẩm dịch chiết đóng hộp bán ra thị trường gồm: i) Sản phẩm tắm giành cho phụ nữ; ii) Sản phẩm tắm cho phụ nữ sau sinh; iii) Sản phẩm tắm thư giãn, trị liệu; iv) Tinh dầu mát xa trị liệu; v) Sản phẩm ngâm chân; và VI) Bài thuốc tắm cho trẻ em. Do lôi cuốn được sự tham gia của các hộ gia đình người Dao, và chính sách thu mua có kế hoạch, giá cả thỏa thuận, quan tâm đời sống người dân, tạo thu nhập ổn định nên đến năm 2015 đã có 105 hộ tham gia cổ đông và họ chính là những người cung cấp vật liệu cho công ty. Các cổ đông tham gia khai thác và cung cấp cây thuốc cho Công ty đều phải cam kết khai thác bền vững. Các khu rừng được khai thác theo hình thức quay vòng, nhiều loài bị khai thác gần như cạn kiệt ngoài tự nhiên đã được Công ty vận động bà con trồng trong rừng và vườn nhà. Do vậy diện tích rừng được trồng mới và bảo vệ, diện tích cũng như độ che phủ của rừng hàng năm tăng, năm 2010 đạt 45,74%, năm 2013 đạt 48,35%, năm 2015 đạt 49,12%. Bên cạnh đó, số hộ nghèo của Tà Phìn giảm dần: năm 2010 có 304, năm 2012 còn 162 hộ, năm 2014 còn 70 hộ, và năm 2015 còn 55 hộ. (Lê Văn Hưng, Lê Ngọc Hưng 2016, tr. 103)

3.2.5. Phát triển nghệ thuật trong kinh tế sáng tạo hộ gia đình 

Các hộ gia đình DTTS có thể sáng tạo ra vô số mô hình kinh tế sáng tạo hộ gia đình dựa trên cơ sở khai thác các giá trị, nguồn lực, di sản và bản sắc văn hóa tộc người nhằm phục vụ cho nhu cầu của bản thân hộ gia đình, cộng đồng và du khách. Trong vô số loại hình nghệ thuật trình diễn của các DTTS Miền núi phía Bắc, dưới đây chúng tôi muốn giới thiệu một loại hình như một trường hợp tiêu biểu, đó là nghệ thuật Hát Then. Nghệ thuật trình diễn nghi lễ Then do các thầy cúng nhóm tộc người Tày Thái thực hành trong phạm vi gia đình như: Lễ giải hạn, chữa bệnh, cầu an, chúc thọ, chúc tụng, đặc biệt là các đại lễ của bản thân thầy Then như: lễ cấp sắc, lễ tăng sắc, lễ cáo lão với kết hợp hài hòa của vô số yếu tố không gian, thời gian, mối tương tác giữa các bên liên quan đến nghi lễ. Đó còn là sự phối hợp chặt chẽ của các thành tố nghệ thuật trình diễn đa sắc gồm âm nhạc, múa, thiết kế mỹ thuật trong môi trường diễn xướng tâm linh, giúp người tham dự cảm nhận được ý tưởng nội dung của nghi lễ bằng cả thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác, súc giác và linh giác, v.v... nghệ thuật trình diễn nghi lễ Then chuyển tải nội dung, mục đích nghi lễ thông qua cách biểu đạt bằng vô số động tác, dấu hiệu thể hiện hệ thống ý nghĩa nghi lễ tạo nên đặc trưng riêng có của loại hình này, là phương tiện giúp những người tham gia cuộc lễ thể hiện tâm tư tình cảm, giao lưu giải trí và cố kết tình cảm gia đình, cộng đồng. (Nguyễn Thị Tuyết Nhung 2017, tr.1) Ngày nay nghệ thuật trình diễn nghi lễ Then đã được khai thác thông qua rất nhiều hình thức tổ chức như các Liên hoan nghệ thuật hát Then trong nước, “Đưa Then xuống Phố” vào các tối thứ Bảy tại Bích Câu Đạo Quán ở số 14 Cát Linh, Hà Nội, trình diễn nghệ thuật Hát Then tại “Lễ hội Âm nhạc Thế giới” tổ chức tại Paris năm 2017; tổ chức Hát Then tại các khu du lịch, v.v... Bên cạnh đó, di sản Then của 11 tỉnh gồm Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu và Lào Cai lần lượt được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia kể từ năm 2012; đặc biệt UNESCO đã ghi danh di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Nhiều địa phương đã xây dựng các Câu lạc bộ, các tổ đội văn nghệ dân gian, trong đó có Hát Then (Lý Thị Chiên, 2015). Tuy nhiên, để cho Then khỏi “nhạt vị” dưới các hình thức trình diễn “đại trà”, các tỉnh có nghệ thuật trình diễn Hát Then hoàn toàn có thể xây dựng mô hình kinh tế sáng tạo của các hộ gia đình trình diễn Hát Then chuyên nghiệp trong chính những cái nôi của nghệ thuật Hát Then tại các bản làng Tày Nùng Thái vừa để phục vụ nhu cầu tâm linh của cộng đồng, vừa để phát triển loại hình du lịch văn hóa của các hộ gia đình DTTS, do các hộ gia đình DTTS tự tổ chức, để phục vụ cho nhu cầu tâm linh, văn hóa, xã hội của chính các hộ gia đình DTTS. 

3.2.6. Phát triển kiến trúc nhằm thúc đẩy kinh tế sáng tạo hộ gia đình 

Kiến trúc bản làng Hà Giang, trường hợp làng Lô Lô Chải: Thôn Lô Lô Chải, cách cột cờ Lũng Cú 1.5 km, vào năm 2017, cả thôn có 106 hộ gia đình, trong đó có 42 hộ gia đình cận nghèo, 7 hộ gia đình nghèo. Đầu năm 2012, nhờ sự giúp đỡ của Đại sứ quán Luxembourg, một số hộ bắt đầu mở mô hình homestay. Năm 2018, thôn Lô Lô Chải có tổng 9 hộ gia đình chuyên hoạt động về du lịch gồm các dịch vụ như ăn, uống, nghỉ và chăn nuôi gia cầm, trong đó 03 hộ phục vụ lưu trú. Khách hàng chủ yếu lưu trú ngắn ngày. Hoạt động du lịch mang lại 80% thu nhập cho các hộ dân kinh doanh homestay và khoảng 10% cho các hộ dân khác trong thôn. Thôn hiện đang có các chính sách riêng để phát triển du lịch và homestay. Hướng nhà chính ở thôn Lô Lô Chải thường quay về hướng đông bắc và tập trung thành cụm, dựa lưng vào núi và nhìn ra thung lũng phía trước. Kiến trúc đặc trưng bởi nhà trình tường truyền thống của người Lô Lô với màu vàng đất chủ đạo. Một đơn vị nhà ở truyền thống thường bao gồm: nhà chính, bếp, khu vệ sinh, nhà tắm, sân, vườn rau, kho. Nhà chính có ba gian: gian giữa dùng để thờ cúng, tiếp khách, ăn uống; hai gian còn lại là gian ngủ. Gác xép và kho giúp tích trữ lương thực trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Vị trí bếp thuận tiện, nhà chính không bị ám mùi bếp, người dân sử dụng bếp củi nhiều. Sân hàng ngày là nơi giặt giũ, để xe, phơi đồ, và là nơi tổ chức ăn uống trong các dịp đặc biệt. Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất ba mô hình homestay (homestay văn hóa, homestay nghỉ dưỡng, homestay nông nghiệp) phù hợp với đặc điểm khu vực nghiên cứu. Thực trạng du lịch homestay tại thôn Lô Lô Chải đang phát triển khá thuận lợi nhờ có sự nhanh nhạy của người dân và những chính sách hợp lý của chính quyền. (Lê Thị Ngọc Anh và cộng sự 2021, tr. 79-80). Thôn Lô Lô Chải có thể là ví dụ tham khảo cho các hộ gia đình DTTS phát triển kinh tế sáng tạo về phương diện kiến trúc trên cơ sở bản sắc văn hóa đặc trưng tộc người.

3.2.7. Phát triển công nghiệp văn hóa trong kinh tế sáng tạo hộ gia đình 

Cách tiếp cận công nghiệp văn hoá hiện nay đã được phát triển theo ba hướng khác biệt. Thứ nhất, việc tập trung vào phân phối và các liên kết của ngành với ngành điện tử tiêu dùng đã dẫn đến việc tập trung vào tác động của sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các vấn đề chính sách liên quan ở quy mô hộ gia đình. Thứ hai, kinh tế học công nghiệp thông tin đã dẫn tới việc phát triển công nghiệp văn hóa nói chung đáp ứng các nhu cầu phi vật chất (và do đó là các nhu cầu văn hoá) của mỗi cá nhân và hộ gia đình. Thứ ba, thuật ngữ các ngành công nghiệp văn hoá đã làm xuất hiện hàng loạt thuật ngữ khác nữa như công nghiệp giải trí, công nghiệp thông tin, công nghiệp tri thức, và đặc biệt là các ngành công nghiệp sáng tạo ở quy mô hộ gia đình. Đặc biệt, vai trò và sự hình thành của các lao động “tri thức hay sáng tạo trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu. Hiện các ngành công nghiệp văn hóa trong nước đang phân nhánh và hình thành các nhóm: văn hóa, văn học-nghệ thuật, điện ảnh, truyền thông (phát thanh, truyền hình, âm nhạc, báo chí, xuất bản), du lịch, ẩm thực và vô số dịch vụ sáng tạo như thiết kế, quảng cáo, phương tiện truyền thông mới, kiến trúc, phần mềm, thời trang, v.v… ở quy mô cá nhân và hộ gia đình. Trên cơ sở đó, các hộ gia đình DTTS phía Bắc hoàn toàn có thể phát triển các ngành công nghiệp này để hình thành những trung tâm công nghiệp văn lớn của vùng và cả nước dựa trên các giá trị và nguồn lực nhân văn nơi đây, đặc biệt trong lĩnh vực di sản văn hóa, trong văn học, trong hội họa, điêu khắc, trong thiết kế thời trang, trong xuất bản điện tử, điện ảnh, v.v.. Điều đó đã bắt đầu được thực hiện ở các hộ gia đình DTTS tại nhiều khu vực phát triển du lịch, điển hình như Hà Giang với Quản Bạ, Hoàng Su Phì; Lao Cai với Sa Pa; Yên Bái với Mù Cang Chải, v.v...

3.3. Phát triển giới trên cơ sở kinh tế sáng tạo hộ gia đình 

Phân biệt xã hội về giới liên quan đến phụ nữ các DTTS ảnh hưởng lớn đến phát triển nguồn lực nhân văn nói chung và nhân lực nữ giới nói riêng. Mặc dù các chính sách của Đảng và Chính phủ đã cải thiện đáng kể tình trạng kinh tế - xã hội của phụ nữ các DTTS, nhưng vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa họ so với nam giới và so với phụ nữ người Kinh về mức thu nhập, về tình trạng bệnh tật và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế. Các nghiên cứu về giới cho thấy đây là vấn đề có nguồn gốc rất xa xưa, ngay từ thời tiền sử (Hà Hữu Nga 2004). Vì vậy từ góc độ chính sách phát triển giới thông qua các hoạt động kinh tế sáng tạo hộ gia đình, cần có các can thiệp nhằm tác động vào những nhân tố dẫn đến sự tách biệt nói trên. (Đặng Nguyên Anh 2017, tr.7) Đó là: i) Cần tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của đồng bào ngay ở cơ sở, và nhất là phụ nữ người DTTS trên cở thúc đẩy các hoạt động kinh tế sáng tạo ở cấp độ hộ gia đình; ii) Chú trọng mục tiêu bình đẳng giới song song với bảo đảm bình đẳng về cơ hội và khả năng tiếp cận nguồn lực giữa các nhóm DTTS bằng các hoạt động kinh tế sáng tạo ở cấp độ hộ gia đình; iii) Hạn chế tối đa tiến tới xóa bỏ tách biệt xã hội, loại trừ các xung đột xã hội khó kiểm soát trên cơ sở bình đẳng kinh tế-xã hội bằng các hoạt động kinh tế sáng tạo ở cấp độ hộ gia đình; iv) Quản lý phát triển xã hội đòi hỏi phải ứng phó và giải quyết kịp thời mâu thuẫn phát sinh do những nguyên nhân khác nhau, trong đó có vấn đề tách biệt xã hội về phương diện giới thông qua chiến lược phát triển kinh tế sáng tạo ở cấp độ hộ gia đình.

4. Vài lời tạm kết

Bản sắc tộc người và kinh tế sáng tạo hộ gia đình DTTS là những lĩnh vực học thuật, nghiên cứu ứng dụng, và nghiên cứu triển khai (R&D) vô cùng rộng lớn. Vì vậy các nội dung được trình bày trong phạm vi bài viết nhỏ này chắc chắn không thể tránh khỏi sơ lược và hạn hẹp. Tuy nhiên, mục đích chính của bài viết là sới lên vấn đề chủ đạo của kinh tế sáng tạo mà nền tảng của nó không chỉ là, thậm chí không phải chủ yếu là các nguồn lực truyền thống của kinh tế học cổ điển bao gồm vốn cố định, vốn lưu động, và vốn tài chính. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập vùng, quốc gia, và quốc tế của các cộng đồng DTTS miền núi phía Bắc Việt Nam hiện nay, đã đến lúc sứ mệnh sáng tạo của kinh tế hộ gia đình phải được đặt trên đôi vai tưởng chừng vô hình nhưng lại hết sức vạm vỡ của bản sắc văn hóa các tộc người nơi đây. Và người viết cũng kỳ vọng rằng trong tương lại gần, với sự tham gia hữu hiệu của các bên liên quan, bao gồm hệ thống chính sách, các cấp bộ Đảng, Chính quyền, Đoàn thể, hệ thống doanh nghiệp, đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học và đặc biệt là các cá nhân, gia đình và cộng đồng địa phương thì chắc chắn nền kinh tế sáng tạo hộ gia đình DTTS Miền núi phía Bắc sẽ gặt hái được những thành quả đáng mong ước.             

___________________________________

Tài liệu dẫn

Ayres Robert U; Benjamin Warr (2009). The Economic Growth Engine: How Energy and Work Drive Material Prosperity. Edward Elgar Publishing.

Becker Gary S. 1964, 1993, (3rd ed.). Human Capital: A Theoretical and Empirical Analysis, with Special Reference to Education. Chicago, University of Chicago Press.

Berry, John. (2004). Tangible Strategies for Intangible Assets. McGraw-Hill.

Bertaut, Carol, and Martha Starr-McCluer (2001). Household Portfolios in the United States, in Guiso, Luigi, Michael Haliassos, and Tulio Japelli eds., 2001, Household Portfolios: Theory and Evidence, MIT Press, Cambridge, MA, USA.

Bourdieu Pierre (1980). L’identité et la représentation. Éléments pour une réflexion critique sur l’idée de région. Actes de la recherché en Scienes sociales,35(nov.) pp. 63-72.

Bourdieu, Pierre. (1983). Ökonomisches Kapital, kulturelles Kapital, soziales Kapital. In Soziale Ungleichheiten (Soziale Welt, Sonderheft 2), edited by Reinhard Kreckel. Goettingen: Otto Schartz & Co. pp. 183-98.

Bourdieu, Pierre et Jean Claude Passeron (1970). La Reproduction. Éléments pour une théorie du système d'enseignement, Paris, Éditions de Minuit, “Le sens commun” 1970.

Chen, Martha A. and Elizabeth Dunn (1996). Household Economic Portfolio, AIMS, Washington, 1996.

Cheung, Yuet W. 張越華 Trương Việt Hoa (1993). Approaches to ethnicity: Clearing roadblocks in the study of ethnicity and substance use. International Journal of the Addictions 28 (12): 1209-1226.

Fukuyama, Francis (1999). Social Capital and Civil Society. The Institute of Public Policy; George Mason University; October 1, 1999 Prepared for delivery at the IMF Conference on Second Generation Reforms.

Gittlesohn J., (1992). Applying Anthropological Methods to Intrahousehold Resource Allocation. In Understanding How Resources are Allocated Within Households, Washington, DC.: IFPRI Policy Briefs (8).

Grenier, Louise (1997). Working with Indigenous Knowledge – A Guide for Researchers. IDRC BOOKS. Ottawas – Cairo – Montevideo – Nairobi - New Delhi – Singapore.

Hà Hữu Nga (2019). Khái niệm giá trị trong kinh tế học di sản và vài gợi ý ứng dụng ở Nghệ An. In trong: Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, Tài liệu hội thảo khoa học Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế di sản tỉnh Nghệ An. Vinh, ngày 8 tháng 5 năm 2019, tr. 9-23.

Hà Hữu Nga (2023a). Khảo cổ học Tôn giáo: Siêu việt - Nội tại và Nghi lễ. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Khảo cổ học Tôn giáo – Nghi lễ, Đại học KHXH&NV-ĐHQGHN, Hà Nội tháng 4 năm 2023, tr.21-40.

Hà Hữu Nga (2023b). Kinh tế nghi lễ - Nội hàm Khái niệm và gợi ý Ứng dụng cho Lễ hội Đền Bảo Hà. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Thần vệ quốc Hoàng Bẩy – Bảo Hà: Công tác Quản lý và Phát huy Giá trị Di tích Lịch sử, Bảo Yên, Lào Cai ngày 26/8/2023 do UBND huyện Bảo Yên tổ chức, tr.71-86.

Hà Hữu Nga (2023c). Kinh tế Nghi lễ và Xã hội Truyền thống người Dao. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Vận dụng Lý thuyết Nhân học, Tôn giáo học Đương đại trong Nghiên cứu Nghi lễ người Dao. Viện Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa - Du lịchĐại học Thái Nguyên-Phân hiệu Lào Cai  tổ chức, Hà Nội 29/12/2023. Tr. 25-49.

Haddad L. J. H. and H. Alderman (1996). Intrahousehold Resource Allocation in Developing Countries: Methods, Models and Policies. Baltimore: Johns Hopkins University Press.

Hoàng Hữu Bình (1998). Các tộc người miền núi phía Bắc Việt Nam và môi trường, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 9.

Hoàng Thị Linh (2014). Khảo sát lễ hội Xên bản xên mường của dân tộc Thái Tây Bắc, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

Khan, M.H. (1998). Patron—Client Networks and the Economic Effects of Corruption in Asia, In European Journal of Development Research, June 1998, 10 (1): 15-39.

Klas Borell (2003). Family and Household. Family Research and Multi-Household Families, In International Review of Sociology: Revue Internationale de Sociologie, 13:3, pp. 467-480.

Kusterer K., (1989). Small-Farmer Attitudes and Aspirations. USAID Program Evaluation Discussion Paper No. 26. Washington, D.C.

Lê Thị Ngọc Anh và cộng sự (2021). Hình thái kiến trúc nghỉ dưỡng dạng Homestay phù hợp với đặc trưng văn hóa và khí hậu tại thôn Lô Lô Chải, tỉnh Hà Giang. Tạp chí Khoa học Kiến trúc – Xây dựng, số 42, năm 2021., tr.74-81

Lê Văn Hưng, Lê Ngọc Hưng (2016). Một số kết quả nghiên cứu về sự tham gia của các bên liên quan trong tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ cây thuốc tắm tại Công ty Sapa Napro, Sa Pa, Lào Cai. Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 2(63)/2016

Lý Thị Chiên (2015). Bảo vệ và phát huy giá trị Hát Then trong An toàn khu (ATK) Định Hóa, Thái Nguyên. http://dsvh.gov.vn/Upload/files/

Mankiw, N.G. (2008). Principles of Economics, SW. College Publishing, Boston.

Newbigin, J. (2014). What is the Creative Economy? British Council. Website.

OECD (2013). Household consumption, in OECD Framework for Statistics on the Distribution of Household Income, Consumption and Wealth, OECD Publishing, Paris.

Nguyễn Hồng Hải (2022). Bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số rất ít người gắn với phát triển du lịch bền vững khu vực miền núi phía Bắc. Trang https://hvdt.edu.vn/

Nguyễn Thị Tuyết Nhung (2017). Nghệ thuật trình diễn nghi lễ Then của người Tày ở huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Hà Nội.

Nguyễn Văn Lưu và Nguyễn Quốc Hưng (2021). Xây dựng mô hình tăng trưởng xanh cho điểm đến du lịch của vùng Tây Nguyên. Trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Xây dựng mô hình phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh khu vực Tây Nguyên, do Bộ Văn hóa Thể thao & Du Lịch và Trường Cao đẳng Du lịch Huế tổ chức, Thừa Thiên - Huế, tháng 12/2021.

Putnam R. (2000). Bowling Alone: The Collapse and Revival of American Community. Simon and Schuster.

Ricklefs, R.E. (2005). The Economy of Nature (6th ed.). New York, NY: WH Freeman.

Root, M. P. (1992). Back to the drawing board: Methodological issues in research on multiracial people. In M. P. Root (Ed.), Racially mixed people in America (pp. 181-189). London: Sage Publications.

Scott, James C. (1972). Patron-Client Politics and Political Change in Southeast Asia, In American Political Science Review, 1972, vol. 66, issue 1.      

Silbaugh K., (2016). Distinguishing Households from Families, In Fordham Urban Law Journal Volume 43.

Simpson, J. A., & Weiner, E. S. (1989). The Oxford English dictionary (2nd ed., Vol. VII). Oxford: Clarendon Press.

Smith, Adam (1937). An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations. Edward Cannon, ed. New York: The Modern Library.

Thomas, Duncan (1991). Gender Differences in Household Resource Allocations. LSMS

Working Paper No. 79. The World Bank. Washington, D. C.

Trimble, J. E. (2000). Social psychological perspectives on changing self-identification among American Indians and Alaska Natives. In R. H. Dana (Ed.), Handbook of Cross-Cultural and Multicultural Personality Assessment, (pp. 197-222). Mahwah, NJ: Lawrence Erlbaum Associates.

Trimble, Joseph E. and Ryan Dickson (2005). Ethnic Identity. In C. B. Fisher & Lerner, R. M. (Eds.), Applied developmental science: An encyclopedia of research, policies, and programs. Thousand Oaks: Sage.

UN/United Nations (2022). Creative Economy Outlook 2022. United Nations publication issued by the United Nations Conference on Trade and Development.

Weber, M. (1922/1955). Theories of ethnicity. In G. Roth & C. Wittich (Eds.), Economy and society: An outline of interpretive sociology. New York: Bedminster (Original work published 1922).

UNCTAD (2008). Creative Economy Report 2008: The challenge of assessing the creative economy towards informed policymaking. United Nations publications, Geneva.

UNCTAD (2010). Creative Economy Report 2010: Creative Economy: A Feasible Development Option. United Nations publications, Geneva.

Wickham T.W. (1993). Farmers ain’t no fools: exploring the role of participatory rural appraisal to access indigenous knowledge and enhance sustainable development research and planning. A case study of Dusun Pausan, Bali, Indonesia, Faculty of Environmental Studies, University of Waterloo, ON, Canada. Master’s thesis, 211 pp.