Powered By Blogger

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

Chính trị Làng xã (VII)

(HHN-Tổng quan Tài liệu cho BCN CTKHCN NTM 2016-2020, vì vậy Tài liệu này thuộc quyền của BCN, và mọi cách trích dẫn, sử dụng đều không hợp thức nếu chưa được sự đồng ý của BCN CTKHCN NTM)

6.3.3. Mua Phiếu bầu và các Chiến lược khác

Ở cả hai làng, các ứng cử viên đều sử dụng chung một số kỹ thuật vận động cơ bản là tiêu chuẩn trong các cuộc bầu cử trưởng làng, trong đó một số kỹ thuật đã được sử dụng thời Suharto. (Hüsken F., 1994). Trên hết, các ứng cử viên thể hiện trước cử tri sự kết hợp giữa lòng hào hiệp và sự khiêm tốn, đồng thời chứng tỏ rằng họ có mối quan hệ thân thiện với mọi người, và họ có thể đem lại các lợi ích và quà tặng trực tiếp - đặc biệt là tiền mặt - cho dân làng. Tuy nhiên, hầu như ít có sự chuẩn bị mang tính chương trình rõ ràng trong chiến dịch tranh cử. Để chắc chắn, các ủy ban bầu cử ở cả hai làng đã khởi động các giai đoạn tranh cử với các sự kiện chính thức, trong đó các ứng cử viên có bài phát biểu nêu rõ “tầm nhìn và sứ mệnh” của họ. Tuy nhiên, không ai nghĩ rằng nội dung của những bài phát biểu này lại có nhiều ảnh hưởng. Hầu hết các cử tri đều cảm thấy rằng họ đã có được thước đo về tính cách và khả năng của các ứng cử viên, mặc dù có thể hơi khác so với những gì họ đã hứa - sửa một con đường làng ở đây, nạo vét một đoạn kênh ở đó - hầu hết đều tin rằng đó không phải là kế hoạch được tính toán của họ, mà là khả năng tiếp cận tài trợ, khả năng quản trị, tính cách đáng tin cậy và các thuộc tính tương tự của họ. Các ứng cử viên đã sử dụng các kỹ thuật vận động cho thấy họ có thể tương tác nồng nhiệt với những người dân làng bình thường. Tất cả đều đi thăm hỏi dân làng, cùng với vợ đến tất cả hoặc hầu hết các hộ gia đình trong làng. Mục đích chính của những chuyến thăm này là nhằm tạo ra một tư thế thoải mái, thân thiện và khiêm tốn. (Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017:31-52)

Các ứng cử viên đều biết rõ họ phải chứng tỏ rằng mình không tạo ra những trò bông phèng trong tương tác với những người dân làng bình thường. Các ứng cử viên cũng thể hiện tính cởi mở và hào phóng của họ bằng cách tổ chức các ngôi nhà thoáng đãng (mele'an), mở cửa nhà họ vào các buổi tối trong các tuần gần đến cuộc bầu cử, vì vậy những người ủng hộ có thể đến và cùng thảo luận về chiến dịch tranh cử hoặc chỉ trò chuyện trong một bầu không khí vui vẻ, với đồ ăn, thức uống và thuốc lá thoải mái. Mỗi ứng cử viên thành lập một đội môi giới bầu cử. Các nhà môi giới này được gọi là thành viên của nhóm thành công (tim sukses) - một thuật ngữ chung của Indonesia được sử dụng trên khắp đất nước - hoặc sabet (một thuật ngữ địa phương của người Java có nghĩa là “roi da”, người tổ chức thúc đẩy, vận động cho một ứng viên nào đó). Các đội như vậy được tổ chức theo cấu trúc hình chóp cũng được sử dụng trong các cuộc bầu cử cấp cao hơn. (Aspinall E., 2014: 545–70) Các ứng cử viên được tổ chức tốt hơn có các điều phối viên thôn xóm để giám sát những người môi giới cấp cơ sở. Đến lượt mình, những người môi giới cơ sở phải tuyển dụng một số lượng - thường từ 5 đến 20 người - gồm các thành viên trong gia đình, họ hàng và hàng xóm của họ để bỏ phiếu cho ứng cử viên. Nhóm lớn nhất và có tổ chức tốt nhất là của Najib ở Ageng: ở trên đỉnh, nhóm bao gồm một chủ tọa, một thủ quỹ, một thư ký và sau đó là 3 điều phối viên thôn xóm, dưới đó là 29 điều phối viên xóm giềng và sau đó là tổng cộng khoảng 260 sabet, mỗi người chịu trách nhiệm tuyển dụng tối đa 12 cử tri. (Phỏng vấn của nhóm nghiên cứu với Faris ngày 25/3/2015) Anto có một nhóm thành công lớn tương tự, mặc dù không được cho biết con số chính xác. Ở Alit, các nhóm thành công nhỏ hơn và được tổ chức ít chặt chẽ hơn. Nhóm của Farid được tổ chức công phu nhất ở đây, với 5 thành viên cốt cán và tổng số khoảng 20 người môi giới. (Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017:31-52)

Phân phối bảo trợ là trọng tâm của các chiến dịch tranh cử. Nó có hai loại: Thứ nhất là “hàng hóa câu lạc bộ” (Kitschelt H., and Steven I. Wilkinson, 2007: 11) – những món quà tặng được nhắm vào mục tiêu nhóm hơn là vào cá nhân. Chỉ có hai ứng cử viên có đủ nguồn lực để hào phóng trong lĩnh vực này. Ở Alit, Farid, hay đúng hơn, cha của anh ấy là Supomo, đã cung cấp một số món quà như vậy, dựng 41 cột đèn đường, trả tiền phân bổ thuế Đất và Xây dựng cho cả làng trong năm, mua thiết bị thể thao và đồng phục cho tất cả thanh niên nào trong làng muốn có, và cung cấp một chuyến đi miễn phí cho tất cả phụ nữ trong làng để thăm thú các thắng cảnh ở thủ phủ tỉnh là Semarang. Trong khi đó, ở Ageng, Najib đã trình bày một số dự án cơ sở hạ tầng như một phần của chiến dịch tranh cử của mình. Tuy nhiên, thay vì sử dụng tiền của tư nhân, vợ anh đã chỉ đạo một loạt các dự án cho ngôi làng như một phần trong việc phân bổ “quỹ nguyện vọng” (quỹ tùy ý sử dụng được phân bổ cho các nhà lập pháp cá nhân để thực hiện các dự án ở khu vực bầu cử của họ). (Muhammad Mahsun, 2016: 120-136) Najib đã tặng lưới cho một số hợp tác xã đánh cá, hứa cấp xe cứu thương cho từng thôn xóm và đào các con kênh. Khi Najib thua cuộc bầu cử, vợ ông đã trả đũa bằng cách rút tất cả các dự án này và chuyển nguồn vốn sang các làng lân cận. Thứ hai là hình thức bảo trợ quan trọng hơn - mua phiếu bầu – phân bổ các khoản tiền mặt cá nhân cho các cử tri. Tất cả năm ứng cử viên đều tham gia vào hành động này. (Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017:31-52)

Tất cả họ đều sử dụng cùng một phương pháp cơ bản để phân phối tiền của họ, đặt nó vào những phong bì mộc mạc để mang đến từng nhà vào một hoặc hai ngày trước cuộc bầu cử. Đôi khi các ứng viên tự phân phát tiền; thông thường họ giao công việc cho các nhà môi giới. Việc phân phát sangu (tiền tiêu vặt), những khoản thanh toán này thấy ở đây, đã ăn sâu vào văn hóa chính trị địa phương. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc phân chia tiền mặt cho các cử tri đã được đưa ra trong các cuộc bầu cử trưởng thôn ở vùng nông thôn Java trong thời kỳ Trật tự Mới. (Antlöv H., 1995: 190-191; Hüsken F., 1994: 134) Những người cung cấp thông tin trong làng cho nhóm nghiên cứu cũng đồng ý như vậy; một số người khẳng định việc phân phối sangu đã diễn ra trong các cuộc bầu cử trưởng thôn từ thời xa xưa. Mua phiếu bầu cũng phổ biến trong các cuộc bầu cử cấp cao hơn trong khu vực này của Java. (Noor R., 2016: 233-248) Thật vậy, các ứng cử viên lập pháp trong khu vực đã được nhóm nghiên cứu phỏng vấn  trong một dự án nghiên cứu liên quan giải thích rằng khi thiết kế các chiến lược mua phiếu bầu, hầu hết bọn họ đều điều chỉnh các kỹ thuật đã được sử dụng từ lâu trong các cuộc bầu cử trưởng làng. (Aspinall E., Noor Rohman, et al., 2017: 1-27) Do đó, chúng ta cần thận trọng không nên hiểu việc mua phiếu bầu được mô tả dưới đây như là một di sản thẩm thấu các tập quán nhơ nhớp mang tính dân tộc thời hậu Suharto vào chính trị của làng xã. Nếu có bất cứ điều gì, thì quá trình này lại hoàn toàn ngược lại, với các hoạt động mua phiếu bầu đã có từ lâu ở cấp làng được nâng lên thành các cuộc bầu cử quốc gia sau khi dân chủ hóa. (Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017:31-52)

Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sức mạnh của đồng tiền trong các cuộc bầu cử này là chiến thắng của Farid, điều mà mọi người ở Alit đều đồng ý về nguồn tài chính vượt trội mà Supomo đã huy động thay mặt con trai mình. Ngay cả Supomo cũng chia sẻ quan điểm này. Khi chúng tôi yêu cầu ông giải thích về chiến thắng của con trai mình, Supomo thẳng thừng: “Bản thân tôi sẽ không nói điều đó, vì điều đó nghe có vẻ tự phụ. Nhưng mọi người ở đây nói rằng tôi có rất nhiều tiền.” Thật vậy, ông nghĩ rằng có một bài học rộng lớn hơn cần phải biết: “Mọi người đều ca ngợi nền dân chủ Indonesia. Nhưng trên thực tế, tiền mới là số một ở đây.” Ngay từ đầu, Supomo đã nói rõ rằng ông sẽ không cho phép mình phải cường điệu hơn. Như ông ấy đã nói, “tôi chỉ dùng một từ duy nhất: “Có”. Tôi chưa bao giờ nói “không”. Bất cứ thứ gì mọi người yêu cầu, tôi đều đưa cho họ.” (Phỏng vấn của nhóm nghiên cứu ngày 15/4/2015)

Các phát hiện từ mấy làng lân cận đều khẳng định sức mạnh của đồng tiền. Mặc dù không tiến hành nghiên cứu có hệ thống bên ngoài hai làng trên, nhưng thông tin đã thu thập được về chín cuộc bầu cử trưởng làng khác được tổ chức cùng ngày ở cùng một xã bên cạnh. Trong mỗi trường hợp, mô thức mua phiếu bầu là tương tự nhau, với tất cả các ứng cử viên trả tiền cho cử tri, dao động từ 50.000 rupiah đến 250.000 rupiah / người. (Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017:31-52) Nói chung, chiến thắng thuộc về ứng cử viên thực hiện trả cao nhất hoặc thuộc về một trong hai / nhiều ứng cử viên có số tiền thanh toán bằng nhau. Ứng cử viên thực hiện khoản thanh toán nhỏ hơn chỉ giành chiến thắng ở hai trong số những ngôi làng này, và trong một ngôi làng, anh ta là một người Hồi giáo chạy đua với một người Cơ đốc giáo trong một ngôi làng đa số là người Hồi giáo. Một nghiên cứu được thực hiện ở những nơi khác của Java (một tài liệu tiếng Indonesia cho biết về việc mua phiếu trong các cuộc bầu cử trưởng làng (Amanu M., 2015; Hasan H., 2009: 99-112), trong đó mô hình mua phiếu này là đặc hữu của các cuộc bầu cử trưởng làng trên khắp hòn đảo, và những ứng viên chi nhiều tiền nhất thường giành chiến thắng. Nhìn chung, khó có thể tránh khỏi kết luận rằng “chính trị tiền tệ” ít nhất là không thể thiếu được đối với chính trị cấp làng xã cũng như đối với chính trị ở cấp huyện, tỉnh và quốc gia. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu kết luận rằng các cuộc bầu cử này chỉ xoay quanh vấn đề tiền bạc, vì các yếu tố khác cũng định hình hành vi bỏ phiếu. (Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017:31-52)

Ở Ageng, ứng cử viên chi nhiều tiền hơn, Najib, đã bị đánh bại. Kết quả này một phần là do yếu tố tôn giáo bất thường trong cuộc bầu cử này. Mặc dù các mối quan hệ giữa các tôn giáo trong làng nói chung là hài hòa, bao gồm nhiều cuộc hôn nhân giữa những người theo các tôn giáo khác nhau, các linh mục và những người lao động thế tục truyền nhau rằng càng có nhiều người theo đạo Thiên Chúa thì càng nên bỏ phiếu cho một người đồng tôn giáo, và hầu hết đều tuân theo. Một chiến dịch tương tự của một số người Hồi giáo ủng hộ Najib đã phản tác dụng khi có tin đồn lan truyền rằng một số người Hồi giáo nói rằng việc bỏ phiếu cho một kafir – người không phải Hồi giáo - thì bị cấm. Các ứng cử viên từ nhóm đa số thường giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử phân cực như vậy ở các cấp cao hơn; (Aspinall E., Eve Warburton and Sebastian Dettman, 2011: 27-58) 41 không có gì đáng ngạc nhiên khi điều tương tự xảy ra ở một ngôi làng. Đồng thời, Anto đã nhận được sự ủng hộ của cả cư dân Hồi giáo và Cơ đốc giáo vì phong cách dễ gần, thành tích giải quyết vấn đề của anh ấy và, chủ yếu là những thành tựu của anh ấy trong việc phát triển làng. Ngược lại, ở Alit, các cử tri bị ảnh hưởng bởi hàng loạt khoản thanh toán chớp nhoáng do Supomo thực hiện, ít nhất một phần vì không có ứng cử viên thay thế nào đặc biệt hấp dẫn: Sukardi, người đương nhiệm, bị mất uy tín bởi khoản đút lót gần đây của anh ta, trong khi Rusdi được nhiều người coi là một người duy tâm phi thực tế. Trên thực tế, có thể lập luận rằng các khoản thanh toán bằng tiền mặt cho cử tri ở Indonesia hiếm khi quyết định kết quả bầu cử, mà chỉ giống như một “tấm vé vào cửa” (Aspinall E., Michael Davidson, Allen Hicken and Meredith Weiss, 2015) - các ứng cử viên phải thanh toán để thể hiện rằng họ là những ứng cử viên nghiêm túc và để báo hiệu rằng họ đang thực sự quan tâm đến các cử tri của mình và sẵn sàng giúp đỡ họ. Tiền mặt là đương lượng vật chất của các cuộc thăm viếng từng nhà mà các ứng cử viên thực hiện, và chỉ khi được trả tiền thì cử tri mới xem xét ứng cử viên một cách nghiêm túc. Điều này không có nghĩa là chính trị tiền bạc là không quan trọng, đúng ra nó đưa ra khuôn khổ mà trong đó các yếu tố khác - hồ sơ của ứng cử viên, phong cách cá nhân, v.v. - được cử tri đánh giá. (Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017:31-52)

6.3.4. Vai trò của nhà nước và môi giới nông thôn

Như đã đề cập ở trên, một tập tư liệu quan trọng cho rằng giới tinh hoa làng xã thời Trật tự Mới ngày càng phụ thuộc vào các mối liên hệ bên ngoài cộng đồng của họ. Đặc biệt, họ trở nên phụ thuộc vào thẩm quyền và sự bảo trợ của nhà nước và kết quả là họ trở nên phụ thuộc vào nó. Theo dõi kỹ hai cuộc bầu cử cho thấy, mặc dù dân chủ hóa và trách nhiệm giải trình theo chiều dọc lớn hơn kết nối trưởng thôn với dân làng bình thường, nhưng sự phụ thuộc của giới tinh hoa trong làng vào các nguồn hỗ trợ bên ngoài, đặc biệt là các quan chức nhà nước cấp cao hơn, vẫn tiếp tục và thậm chí ngày càng sâu sắc. Tuy nhiên, sự phụ thuộc này không còn làm phát sinh mối quan hệ phân cấp đơn giản về sự quy phục như trước đây, mà giờ đây mang lại đòn bẩy đáng kể - và cả những cạm bẫy - cho giới tinh hoa trong làng. Một thực tế nổi bật về hai cuộc bầu cử này là tất cả các ứng cử viên đều dựa trên các mối liên hệ và nguồn lực bên ngoài ngôi làng của mình. Điều đó thể hiện rất rõ bằng cách xem xét câu chuyện cuộc đời của các ứng cử viên và số tiền họ mà đã sử dụng để tài trợ cho các chiến dịch của mình. Tất cả họ đều đã trải qua những khoảng thời gian quan trọng bên ngoài ngôi làng, những giai đoạn góp phần tạo nên sự nổi bật của họ khi họ trở về. Nguồn tài chính của họ cũng phần lớn đến từ bên ngoài biên giới làng. Ở Alit, số tiền mà Supomo kiếm được từ chiến dịch tranh cử của con trai ông đã được tích lũy trong suốt sự nghiệp quan liêu của ông, được bổ sung bằng những khoản đóng góp từ những người con khác của ông, những người đã làm ăn phát đạt ở xa quê hương mà có. Chúng ta không biết được rõ ràng về cách Sukardi tài trợ cho chiến dịch của mình, mặc dù hầu hết dân làng cho rằng anh ta đã rút ít nhất một phần từ quỹ dự án của chính phủ mà anh ta đã tiếp cận bất hợp pháp. Ngay cả Rusdi, ở một khía cạnh nào đó, là người kém nhất trong số các ứng cử viên của chúng ta, cũng nhờ thời gian ở nước ngoài mà thành công trong kinh doanh. Ở Ageng, Anto bắt đầu cuộc sống ở tỉnh Lampung xa xôi, và anh cũng có những mối kết nối với mình ở đó. Trong khi đó, Najib đã có cuộc hôn nhân với một gia đình nổi tiếng quyền lực nhất trong làng, nhưng lại phụ thuộc một phần vào nguồn lực mà vợ anh có thể huy động với tư cách là nhà lập pháp trong Hội đồng hàng huyện. (Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017:31-52)

Chính xác hơn, kết quả của các cuộc bầu cử này ít nhất một phần được xác định bởi mối quan hệ của các đối thủ cạnh tranh với nhà nước địa phương, đặc biệt là các quan chức và các chính trị gia được bầu ở cấp huyện (kabupaten) – là tâm điểm của quyền lực chính trị và ngân sách ở một nước Indonesia mới giải-tập trung. Đặc biệt, một tiêu chí mà dân làng đánh giá các ứng cử viên là thành tích hoặc tiềm năng của họ trong việc thúc đẩy sự phát triển của làng bằng cách thu hút các dự án từ các cấp chính quyền cao hơn. Ở khắp mọi nơi, cũng như ở hầu hết các vùng nông thôn Indonesia vào thời điểm bầu cử, phần lớn nội dung các cuộc thảo luận là về tình trạng của đường làng, kênh mương thủy lợi, các công trình công cộng, nơi thờ cúng và các cơ sở khác, cùng những gì đã, hoặc có thể được chuyển giao để cải thiện các hạng mục đó. Về vấn đề này, sự khác biệt giữa hai người đương nhiệm là rất đáng chú ý. Ở Ageng, Anto được hầu hết dân làng đánh giá là đã thành công trong việc thu hút các dự án nhằm giải quyết nhu cầu phát triển và phúc lợi của cư dân. Ví dụ, những con đường làng lần đầu tiên được trải nhựa dưới thời anh nắm quyền, và anh được khen ngợi vì đã thu hút và điều hành thành công nhiều kế hoạch kinh doanh nhỏ từ huyện. Dân làng nồng nhiệt nói về mối quan hệ tốt đẹp của anh với các quan chức và chính trị gia cấp cao hơn và về kỹ năng vận động hành lang (melobi) của anh cho các dự án được đưa về làng. Tại Alit, Sukardi phải lần mò trong lĩnh vực này. Nhiều người không chỉ cho rằng thành tích thu hút dự án của anh ấy kém và lại thường thiên vị hẳn về cho xóm nhà mình, không những thế, anh còn làm xáo trộn các dự án đã thu hút được để đến nỗi bị bắt tận tay, day tận trán. Khi làm như vậy, anh ta đã vi phạm một chuẩn mực đã được quan sát để hạ bệ các nhà lãnh đạo chính trị trong các cuộc bầu cử cấp cao hơn - trong khi một mức độ hối lộ nhất định được coi là có thể chấp nhận, thì tham nhũng “quá mức”, đặc biệt là kết hợp với việc thực thi chính sách kém, có thể làm suy yếu nghiêm trọng tính hợp pháp của nhà lãnh đạo. (Mietzner M., 2010: 184-185) Dân làng cũng đánh giá các ứng cử viên khác theo khía cạnh này. Ở Ageng, lịch sử liên kết nhà nước của Supomo được coi như một tài sản, cũng như lý lịch của Farid với tư cách là một nhà thầu khoán; ngược lại, Rusdi bị một số người xem là quá ‘trực tính’ (lurus) nên không dễ quan hệ thành công với chính quyền. Ở Ageng, Yuningsih đồng thời là sức mạnh to lớn của Najib, bởi vì cô ấy có thể đảm bảo một loạt các dự án, và gót chân Achilles của anh ấy, khiến cho một vài người làng lo sợ rằng ngôi làng sẽ “thuộc sở hữu của một gia đình” (Phỏng vấn của nhóm nghiên cứu ngày 17/4/2015) vì trưởng làng có vợ là người đại biểu Hội đồng hàng huyện duy nhất của họ. (Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017:31-52)

Những yếu tố như vậy nhấn mạnh tầm quan trọng liên tục của các liên kết với các cấu trúc nhà nước bao trùm trong các động lực nội tại của chính trị làng xã. Hệt như dưới thời Trật tự Mới, để thành công các trưởng làng cần có sự bảo trợ của các quan chức và công chức nhà nước cấp cao hơn. Tuy nhiên, phương thức tương tác của họ với các quan chức như vậy đã thay đổi đáng kể. Trong thời kỳ Trật tự Mới, giới tinh hoa của làng được tích hợp vào một cấu trúc từ trên xuống có thứ bậc cứng nhắc. Các quan chức nhà nước cấp cao hơn đánh giá họ về khả năng duy trì trật tự trong làng, thực hiện các chương trình của chính phủ và mang lại chiến thắng bầu cử cho Golkar (Đảng các nhóm chức năng - tiếng Indonesia: Partai Golongan Karya - thường được biết đến với tên viết tắt Golkar, là một đảng chính trị ở Indonesia - HHN). Mặc dù giới tinh hoa trong làng đôi khi có thể làm hỏng các chương trình của chính phủ, tạo ra mâu thuẫn với lợi ích của chính họ, nhưng họ có tương đối ít khả năng thương lượng trong các mối quan hệ này. Phương thức tích hợp mới xuất hiện trong một bối cảnh, không chỉ là phương thức giải tập trung hóa, mà ở đó còn có một tỷ lệ đáng kể các nguồn lực nhà nước được phân phối thông qua các “dự án” – các gói quỹ được thiết kế cho các mục đích cụ thể và ít nhất phải trải qua một cuộc đấu thầu, đệ đơn và / hoặc quy trình xác minh chính thức. (Aspinall E., 2013: 27-54; Li, Tania Murray 2016: 79-94) Các dự án đua nhau sinh sôi nảy nở ở vùng nông thôn Indonesia, cũng như các vùng khác của đất nước. Như Li đã nói, “các ngôi làng tràn ngập các dự án nhỏ được tài trợ bởi hàng chục cơ quan quốc gia và xuyên quốc gia khác nhau để phân phát dê miễn phí, máy khâu, hệ thống nước và các chương trình tín dụng vi mô”. (Li, Tania Murray 2016: 4-5) Giới tinh hoa của làng coi trọng các dự án không chỉ vì sự phát triển hoặc phúc lợi đưa lại cho dân chúng, mà còn vì tiện ích của họ với tư cách là các nguồn lực bảo trợ có thể được phân phối cho những người ủng hộ. (Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017:31-52)

Để thành thạo trong việc kiếm được các dự án, trưởng làng và những người ưu tú khác cần có hai bộ kỹ năng. Trước hết, họ cần có kỹ năng đọc viết và tính toán chuyên biệt - khả năng viết các đề xuất dự án thuyết phục và báo cáo trách nhiệm giải trình hiện là một năng lực được đánh giá cao trên khắp Indonesia (tại một huyện bên cạnh, nhóm nghiên cứu đã gặp một nữ doanh nhân tự hào khoe rằng cậu con trai nhỏ của cô ấy – là học sinh tiểu học - đã tự mày mò viết các đề xuất dự án tốt, phù hợp với yêu cầu của các cơ quan chính phủ cụ thể). Bộ kỹ năng thứ hai, thậm chí còn quan trọng hơn là những kỹ năng cần thiết để thương lượng với cái bản đồ chính trị rối rắm cấu thành cơ quan quyền lực nhà nước ở cấp địa phương, nhằm xác định, tạo dựng các mối gắn kết và thu hút các dự án từ các quan chức phụ trách phân phối chúng. Thay cho đường lối quan liêu mệnh lệnh rõ ràng thời trước, giới tinh hoa làng xã giờ đây đối đầu với giới tinh hoa cạnh tranh trong các thể chế nhà nước phân tán và đa dạng - họ có thể trích xuất các dự án, không chỉ từ bupati huyện trưởng hoặc cấp phó của họ, mà còn thường trực tiếp từ các chánh văn phòng, huyện/xã trưởng, hoặc các công chức khác, cũng như từ các thành viên của Hội đồng hàng huyện, ấy là chưa kể đến các quan chức hoặc chính trị gia từ chính quyền cấp tỉnh và trung ương. Điều hướng thành công các mạng chằng chịt này đòi hỏi sự kết hợp giữa khả năng phán đoán chính trị, kỹ năng xã hội tinh tế và năng lực bắt nhịp nhay nhậy để đánh giá rủi ro chính trị và pháp lý. (Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017:31-52)

Theo đó, trong khi một số nhà phân tích coi các dự án hoạt động chủ yếu để phi chính trị hóa đời sống nông thôn (Li, Tania Murray 2016: 5), thì vẫn có thể tin chắc rằng chúng phải được coi là trung tâm của chính trị nông thôn mới. Đặc biệt, các dự án là một loại tiền tệ mới mang tính sống còn trong việc xây dựng liên minh, chính trị bảo trợ và hòa giải giữa các cấp chính quyền khác nhau. Điều quan trọng là, giới tinh hoa cấp huyện hiện nay cần đến giới tinh hoa làng xã chẳng kém gì giới tinh hoa làng xã cần họ. Vào thời điểm bầu cử, những người muốn đạt tới địa vị công chức cần có sự kết nối với các làng. Cũng giống như các ứng cử viên của chúng ta trong các cuộc bầu cử làng đã làm việc thông qua các nhà môi giới cấp cơ sở, vì vậy các ứng cử viên lập pháp và hành pháp cấp cao hơn cũng sẽ phải huy động cử tri theo cách của các “đội thành công” rộng lớn. Hầu hết các trưởng làng đều là những người môi giới bầu cử xuất sắc, và trên khắp Indonesia, các ứng cử viên chính trị đều cố gắng hết sức để thu hút sự ủng hộ của họ. Các trưởng làng thành công thường có thể tận dụng các kỹ năng vận động và kết nối với các chính trị gia cấp huyện hoặc cấp tỉnh bằng cách khởi động sự nghiệp chính trị nhắm đến cấp cao hơn; đặc biệt là thường thấy các cựu trưởng làng tranh cử các ghế trong Hội đồng hàng huyện vào thời điểm bầu cử, và họ thường làm như vậy với sự hậu thuẫn của các chính trị gia mà họ đã hỗ trợ trong quá khứ. (Paskarina C., 2016: 203-216)

Trưởng làng là những người quy tụ phiếu bầu đặc biệt hiệu quả, một phần vì với tư cách là quan chức được bầu, họ có quyền phát biểu thay mặt cộng đồng của mình, nhưng cũng vì bản thân dân làng phụ thuộc vào trưởng làng để được hỗ trợ trong việc giao dịch với các cơ quan chính quyền và tiếp cận các chương trình phúc lợi. (Berenschot W., 2015; Sambodho P., 2015) Ở một số nơi, trưởng làng có thể tham gia vào các mối quan hệ người bảo trợ - khách hàng trực tiếp với một bupati ông huyện trưởng, bắt chước mối quan hệ thứ bậc mà họ đã phát triển với các quan chức nhà nước dưới thời Trật tự Mới, để một bupati ông huyện trưởng trở thành người bảo trợ cung cấp cho họ một loạt các dự án và các phần thưởng khác, còn họ thì trả ơn bằng lòng trung thành chính trị. (Paskarina C., 2016: 203-216) Nhưng các mối quan hệ trực tiếp có thể khiến các trưởng làng bị phơi bày nguy hiểm nếu có sự thay đổi ở cấp trên, vì vậy nhiều trưởng làng thành công đã tự giải nguy bằng cách đa dạng hóa các mối kết nối chính trị của họ và do đó, đa dạng hóa các nguồn dự án của họ. Ở hai ngôi làng của chúng ta, người thể hiện nổi bật năng lực này, một lần nữa lại là Anto - trong ba cuộc bầu cử gần đây nhất, anh ấy đã ủng hộ một loạt các ứng cử viên lập pháp và bupati, từ nhiều đảng phái khác nhau. Chỉ với một trong số những ứng cử viên này không trúng cử, anh ta dường như rất khéo léo trong việc chọn ra những kẻ chiến thắng, sau đó sẽ đem đến cho anh ta vô số ưu đãi từ các cấp chính quyền và hội đồng hàng huyện. (Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017:31-52)

Ở Alit, Sukardi không mấy thành công trong việc xây dựng các liên minh, chỉ dựa vào sự hỗ trợ của một ông nghị quyền lực địa phương, nhưng lại bị khóa chặt trong cuộc đấu tranh gay gắt với chính đảng của mình, dù đã cố gắng, nhưng không thành công, để trở thành bupati. Một điểm tiếp xúc khác mà giới tinh hoa trong làng có được sức bật đáng kể trong giao dịch với các quan chức cấp cao hơn, đó là ở hệ thống bảo trợ bao quanh các dự án. Như trước đây, một nguồn chính của việc giật lấy phần béo bở và gia tăng giá trị, thúc đẩy hệ thống bảo trợ của Indonesia, đều xuất phát từ các dự án địa phương. Do việc giao dự án thường diễn ra ở cấp làng, nên các quan chức huyện cần có sự tham gia hoặc ít nhất là được sự đồng ý của các quan chức làng, đặc biệt là trưởng làng, để bòn rút các quỹ. Sự cần thiết này làm tăng giá trị của trưởng làng đối với các quan chức cấp cao hơn, nhưng cũng khiến họ phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến tham nhũng (hình ảnh trưởng làng tham nhũng đã trở thành một thứ sáo rỗng ở Indonesia sau cải cách, với việc phương tiện truyền thông thường xuyên phơi bày những cá nhân như vậy). Bí thư làng ở Alit giải thích về hệ thống đó như sau: “Thường thì các thành viên hội đồng [lập pháp cấp huyện] là những người tích cực vận động hành lang cho các dự án. Họ là những người biết cấp trên có những chương trình gì, và nếu họ biết ai đó ở cơ sở, họ sẽ kể cho kẻ kia nghe về chương trình đó, và bảo đưa ra đề xuất, rồi hứa với kẻ nọ: “Tôi sẽ là người chuyển giao dự án đó”. Sau đấy, thường có một khoản hối lộ 10 hoặc 20% [giá trị dự án], đôi khi nó có thể lên đến 50%, còn thông thường là 10–20%. Đến lúc thực hiện báo cáo trách nhiệm giải trình [với tư cách là người nhận dự án], có thể sẽ gặp rắc rối nếu kẻ kia phải tính đủ 100 triệu [thay vì 50–90 triệu mà làng thực sự nhận được]. Thường thì trưởng làng sẽ tự lập báo cáo và tự đóng dấu [tức là giữ các quan chức khác của làng trong bóng tối]. Nhưng nếu không tham gia vào “vận động hành lang”, thì sẽ chẳng bao giờ nhận được dự án. (Phỏng vấn của nhóm nghiên cứu ngày 15/4/2015) 

Do đó, một mặt, hệ thống tạo đòn bẩy cho các trưởng thôn, giúp họ có thể sử dụng sự hỗ trợ của họ cho các kế hoạch của cán bộ cấp cao hơn, không chỉ để thu hút các dự án mà còn để kiếm được một phần tiền thuê. Mặt khác, hệ thống khai thác và phân phối bảo trợ xung quanh việc phân phối dự án có thể là một cái bẫy - như chúng ta thấy chính Sukardi đã bị rơi vào. Chúng ta không thể chắc chắn liệu Sukardi có bị tóm gọn trong một pha giao bóng kép hay liệu anh ấy có quá tham lam và thiếu kỹ năng để che lấp dấu vết của mình một cách hiệu quả hay không. Ở Ageng, chúng ta nên nhấn mạnh rằng Anto đã không thể tránh được những khoản lại quả để đảm bảo có được các dự án. Trong một cuộc phỏng vấn, anh ấy xoay quanh việc định giá “phí” cho các loại dự án khác nhau. Nhưng anh cũng nói rõ rằng anh sẽ từ chối các dự án nếu mức lại quả quá cao, (Phỏng vấn của nhóm nghiên cứu ngày 16/4/2015) và dường như anh có thể đàm phán hiệu quả hơn với các quan chức cấp trên và biết khi tuân thủ các quy tắc chính thức sẽ mang lại cho mình lợi thế chính trị. Như một điển hình của bài học vừa nêu, Ageng là ngôi làng duy nhất trong xã mà ở đó gạo trợ cấp chỉ được phân phát cho những dân làng nghèo được cơ quan chính phủ có trách nhiệm xác định là người dự kiến được nhận. Ở các làng khác - cũng như phần lớn Indonesia (Mulyadi S., 2013) - các trưởng làng và trưởng xóm không chịu nổi áp lực của dân chúng và phân phối gạo bình quân cho tất cả dân làng, hoặc chuyển gạo cho chính những người ủng hộ họ. Anto đã biến chương trình này thành một kế hoạch trọng tâm trong chiến lược tranh cử của mình, bằng cách nói với hơn 500 hộ gia đình thuộc diện được nhận tài trợ là nếu Najib thắng thì phần chia cho họ sẽ bị giảm đi. (Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017:31-52)

6.3.5. Nhận xét

Phân tích về hai cuộc bầu cử này cho thấy rằng trong đời sống chính trị của Indonesia, có những yếu tố mang tính liên tục và thay đổi trong quan hệ quyền lực nông thôn thời kỳ hậu Suharto. Liên quan đến dân chủ hóa chính trị nông thôn, nghiên cứu trên xác nhận rằng các cuộc bầu cử trưởng làng thực sự mang tính cạnh tranh. Chính quyền cấp cao hơn không có vai trò công khai nào đối với họ: các quan chức dân sự cấp huyện và dưới huyện, không nói gì đến bộ máy an ninh, không quyết định ai có thể tranh cử cũng như hướng dân làng về phía ứng cử viên nào. Thay vào đó, cả hai cuộc bầu cử đều là những cuộc chạy đua thực sự, trong đó các ứng cử viên phải cống hiến – trong khuôn khổ làng quê – các mạng nguồn lực to lớn, trí tuệ sáng tạo, nỗ lực thể chất và của cải vật chất để thu hút sự ủng hộ của người dân trong làng, kể cả những người nghèo nhất. Mặt khác, như đã được chứng minh và tranh biện rốt ráo trong các văn liệu liên quan đến chính trị cấp cao hơn, có sự liên tục lớn trong các mối quan hệ quyền lực cơ bản. Tính ưu việt của việc mua phiếu bầu cho thấy chỉ những người dân làng giàu có nhất mới có thể cạnh tranh, và cũng giống như nền chính trị Indonesia, hiển nhiên có rất ít cuộc tranh luận về chính sách trong các cuộc tranh cử này. Nhưng chúng ta không nên phóng đại tính liên tục này. (Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017:31-52)

Không phải tất cả các ứng cử viên, cũng không phải tất cả những người đương nhiệm, đều được thu hút từ các nhóm nhỏ các gia đình ưu tú, những người đã cai quản việc làng từ lâu ở cả hai làng. Họ giàu có hơn những người dân làng khác, nhưng một số là dân mới phất lên – họ là những cá nhân làm ăn phát đạt nhờ có nhiều cơ hội đi lại bên ngoài làng nhiều hơn, đồng thời còn là phong trào tái thiết nền kinh tế nông thôn diễn ra mạnh mẽ trong những thập kỷ gần đây. Tầng lớp tinh hoa chính trị làng quê không đồng nhất và ranh giới của nó rất mềm, giống như với các tầng lớp tinh hoa cao hơn vậy. (Choi N., 2014: 364-407) Hơn nữa, mặc dù tình trạng phổ biến của việc mua phiếu bầu là một dấu hiệu nghiêm trọng cho thấy tầm ảnh hưởng của chính trị tiền tệ đối với chính nền tảng của hệ thống chính trị, nhưng đó nhất định không phải là điều duy nhất quyết định kết quả, và không nên hiểu đó là biểu hiện của tình trạng thiếu năng lực cạnh tranh. Ngược lại, các ứng cử viên dành những nguồn lực đó để mua sự ủng hộ chính vì họ không thể coi thường lá phiếu của dân làng. Tương tự như vậy, cả tính liên tục và sự thay đổi đều thể hiện rõ ràng trong mối quan hệ của giới tinh hoa trong làng với nhà nước ở cấp địa phương. Ở một số khía cạnh, giới tinh hoa trong làng, chẳng hạn như những người cạnh tranh trong các cuộc bầu cử này vẫn là “khách hàng do nhà nước bảo trợ”. Hầu hết những người dân làng giàu có và thành đạt đều tìm cách có được chức vụ nhà nước cấp làng, các vị trí trong perangkat desa bộ máy quản trị làng hoặc các ghế trong BPD Cơ quan Tư vấn Làng, và hầu hết mọi người đều để mắt đến cơ hội thu được các khoản tiền thầu từ các dự án tràn ngập cuộc sống nông thôn. (Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017:31-52)

Các ứng cử viên mạnh mẽ trong các cuộc bầu cử này có thể thu hút được các đồng minh và các nguồn lực mà họ đã xây dựng thông qua các tương tác của họ với các quan chức nhà nước cấp cao hơn. Khả năng bẫy được các dự án từ các cơ quan nhà nước là một yếu tố quan trọng trong thành công chính trị của làng. Do đó, mặc dù chính quyền nhà nước cấp cao hơn không đóng vai trò trực tiếp trong các cuộc bầu cử này, nhưng vai trò gián tiếp của họ là rất đáng kể - bằng cách quyết định những làng hoặc cá nhân nào sẽ hưởng đặc ân các dự án hoặc các nguồn lực khác, thì họ có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả bầu cử của làng. Tuy nhiên, bất chấp tính liên tục cơ bản này, bản chất của mối quan hệ giữa giới tinh hoa làng xã và quyền lực nhà nước đã thay đổi rất nhiều. Thay vì một hệ thống phân cấp theo chiều dọc cứng nhắc, giờ đây có thể thấy một khu vực hỗn độn gồm vô số kết nối giữa làng và nước. Giới tinh hoa làng phải đối mặt với nhiều vị trí có khả năng tiếp xúc ở chính quyền địa phương khi họ tìm kiếm các dự án và các nguồn lực khác để phát triển làng xóm và cải thiện hoàn cảnh chính trị và vật chất của chính họ. Hơn nữa, không chỉ giới tinh hoa trong làng cần các quan chức nhà nước, mà các quan chức nhà nước đó cũng cần các đối tác trong làng để họ đạt được quyền lực và thực thi bảo trợ. Trong bối cảnh như vậy, sự khéo léo và tinh tế trong cách họ vun đắp các mối quan hệ với nhà nước đối với giới tinh hoa làng còn quan trọng hơn là chỉ đơn giản thể hiện lòng trung thành. Vì vậy có thể khẳng định rằng giao dịch và môi giới là chìa khóa dẫn đến thành công chính trị trong nền dân chủ bảo trợ ở nông thôn Indonesia. (Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017:31-52)

__________________________________________

Tài liệu dẫn

Amanu, Mohamad (2015). Politik uang dalam pemilihan kepala desa (Studi kasus di desa Jatirejo kecamatan Banyakan kabupaten Kediri)’ [Money politics in village head elections (A case study of Jatirejo village, Banyakan subdistrict, Kediri district)], In Jurnal Mahasiswa Sosiologi 1, 2 (2015)

Antlöv, Hans (1995). Exemplary centre, administrative periphery: Rural leadership and the New Order in Java (Richmond: Curzon, 1995).

Aspinall E., (2013). A nation in fragments: Patronage and neoliberalism in contemporary Indonesia, In Critical Asian Studies 45, 1 (2013): 27–54;

Aspinall E., (2014). When brokers betray: Social networks and electoral politics in Indonesia, In Critical Asian Studies 46, 4 (2014): 545–70.

Aspinall E., Eve Warburton and Sebastian Dettman (2011) When religion trumps ethnicity: Local elections in Medan, Indonesia, In South East Asia Research 19, 1 (2011): 27–58.

Aspinall E., Michael Davidson, Allen Hicken and Meredith Weiss (2015). Inducement or entry ticket? Broker networks and vote buying in Indonesia, Paper presented at The annual meeting for the American Political Science Association, San Francisco, 3–6 Sept. 2015.

Aspinall, Edward and Noor Rohman (2017). Village head elections in Java: Money politics and brokerage in the remaking of Indonesia's rural elite. February 2017, Journal of Southeast Asian Studies 48(01):31-52.

Berenschot W., (2015). Comparing patronage networks: Party, state and notable in Indonesia and India, Paper presented at Politics as Usual workshop, 10 July 2015, University of Bristol.

Choi, Nankyung (2014). Local political elites in Indonesia: “Risers” and “Holdovers”, Sojourn: Journal of Social Issues in Southeast Asia 29, 2 (2014): 364–407.

Hasan, Halili (2009). Praktik politik uang dalam pemilihan kepala desa (Studi di desa Pakandangan Barat Bluto Sumenep Madura)’ [Money politics practices in village head elections (A study of Pakandangan village, Bluto, Sumenep, Madura)], Humaniora 14, 2 (2009): 99–112.

Hüsken F., (1994). Village elections in Central Java: State control or local democracy?’, In Leadership on Java: Gentle hints, authoritarian rule, ed. Hans Antlöv and Sven Cederroth (Richmond: Curzon, 1994), p. 126.

Kitschelt H., and Steven I. Wilkinson (2007). Citizen–politician linkages: An introduction, In Patrons, clients and policies: Patterns of democratic accountability and political competition, ed. H. Kitschelt and S.I. Wilkinson (Cambridge: Cambridge University Press, 2007), p. 11.

Li, Tania Murray (2016). Governing rural Indonesia: Convergence on the project system, In Critical Policy Studies 10, 1 (2016): 79–94.

Mietzner M., (2010). Indonesia’s direct elections: Empowering the electorate or entrenching the New Order oligarchy?, In Indonesia: Soeharto’s New Order and its legacy: Essays in honour of Harold Crouch, ed. Edward Aspinall and Greg Fealy (Canberra: ANU E-Press, 2010), pp. 184–5. 

Muhammad Mahsun (2016). Palembang, South Sumatra: Aspiration funds and pork barrel politics’, in Aspinall and Sukmajati, Electoral Dynamics in Indonesia: Money Politics, Patronage and Clientelism at the Grassroots, pp. 120–36.

Mulyadi S., (2013). Welfare regime, social conflict, and clientelism in Indonesia (Ph.D. diss., The Australian National University, 2013).

Noor, Rohman (2016). Pati, Central Java: Targets, techniques and meanings of vote buying, In Aspinall and Sukmajati (2016). Electoral dynamics in Indonesia, pp. 233–48; Zusiana Elly Triantini, ‘Blora, Central Java: Local brokers and vote buying’, in ibid., pp. 249–63.

Paskarina C., (2016). Bandung, West Java: Silaturahmi, personalist networks and patronage politics, In Aspinall and Sukmajati, Electoral dynamics in Indonesia, pp. 203–16.

Sambodho P., (2015). Can clients become citizens? Evaluating the new democracy in Indonesia, In Opendemocracy.net, 23 Jan. 2015.

 

 

 

 

 

 

 

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2022

Chính trị Làng xã (VI)

(HHN-Tổng quan Tài liệu cho BCN CTKHCN NTM 2016-2020, vì vậy Tài liệu này thuộc quyền của BCN, và mọi cách trích dẫn, sử dụng đều không hợp thức nếu chưa được sự đồng ý của BCN CTKHCN NTM)

6. Chính trị Nông dân và Dân chủ 

6.1. Dân chủ hóa Chính trị Làng xã thông qua Bàu cử  

Trong chính trị nông dân, dân chủ và quá trình dân chủ hóa thường được thể hiện bằng cách ra quyết định tập thể, trong đó tất cả các thành viên của xã hội đưa ra quyết định nhằm bầu ra các quan chức để điều hành xã hội tương ứng nhằm đạt được những gì được coi là lợi ích công cộng. Việc ra quyết định tập thể thường được thực hiện thông qua cơ chế bỏ phiếu trực tiếp và người chiến thắng là ứng cử viên có đa số phiếu. (Harimurti Y. W., et al., 2020: 84-110).

Ngày càng có nhiều quan tâm đến việc nghiên cứu vai trò của các thể chế chính trị địa phương trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bình đẳng. Bên cạnh những hậu quả có thể xảy ra đối với công bằng xã hội, một chủ đề thường xuyên được đề cập ở cấp quốc gia, bất bình đẳng thu nhập có thể dẫn đến những tác động tiêu cực hơn trong cộng đồng địa phương về cung cấp hàng hóa công cộng (Bardhan và Mookherjee, 2005), về y tế, và tăng trưởng kinh tế địa phương (Deaton A., 2003). Bên cạnh đó các kênh bầu cử làng xã đã góp phần cải thiện phân phối thu nhập; dân chủ có thể làm giảm bất bình đẳng thu nhập bằng hai cách. Một là lãnh đạo chính quyền phục vụ lợi ích của cử tri trung lưu, những người nói chung thích phân phối lại thu nhập (Alesina và Rodrik, 1994; Benabou, 1996). Hai là thúc đẩy chính quyền chi tiêu nhiều hơn cho các dự án công nhằm nâng cao khả năng thu nhập của những người nghèo hơn. Kênh thứ hai được ưu tiên hơn so với kênh thứ nhất trong những trường hợp bình thường vì kênh thứ nhất có nhiều khả năng dẫn đến việc phân phối lại không hiệu quả, nhưng kênh thứ hai lại giúp nâng cao năng suất trong xã hội. (Yan Shen and Yang Yao, 2008: 2182-2198). Các bằng chứng hiện có cho thấy dân chủ cơ sở nâng cao khả năng phản ứng của chính quyền địa phương và dẫn đến các chính sách vì người nghèo ở cấp địa phương. Về phương diện giới, việc bầu cử trưởng thôn là phụ nữ ở các làng quê ở Ấn Độ đã dẫn đến việc đưa ra các chính sách ủng hộ phụ nữ (Chattopadhyay R., và Esther Duflo, 2004). Các cuộc bầu cử thôn bản ở Ấn Độ đã làm tăng đầu tư của chính quyền địa phương vào việc xây dựng đường xá và giảm đầu tư của họ vào các công trình thủy lợi (Foster A., và Mark Rosenzwig 2001). Họ giải thích phát hiện này là bằng chứng cho chính sách vì người nghèo vì thủy lợi mang lại lợi ích cho chủ đất và việc xây dựng đường sá mang lại công ăn việc làm cho những người không có đất. Ở Trung Quốc, các cuộc bầu cử ở thôn đã làm tăng tỷ trọng đầu tư công trong chi tiêu của thôn (Zhang Xiaobo, Shenggen Fan, Linxiu Zhang và Jikun Huang, 2004; Wang Shuna và Yang Yao, 2007). Các cuộc bầu cử thôn bản đã giúp giảm tác động tiêu cực của những cú sốc về y tế đối với thu nhập và tăng cường khả năng tiêu dùng của nông dân (Li Gan, Lixin Xu và Yang Yao, 2005, 2006; Yan Shen and Yang Yao, 2008: 2182-2198). Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm bầu cử làng vào năm 1987 và ban hành Luật tổ chức của các Ủy ban Thôn để chính thức hóa chúng vào năm 1998. Kể từ đó, hầu như tất cả các làng của Trung Quốc đều tổ chức ít nhất một cuộc bầu cử. (Riskin et. al., 2002). Cũng cần lưu ý rằng bầu cử diễn ra trong cái mà Daron Acemoglu gọi là “một chính thể được thể chế hóa yếu kém” (Acemoglu, 2005). Về vấn đề này, các nghiên cứu liên quan đóng góp vào sự hiểu biết về quản trị phi tập trung trong một chính thể được thể chế hóa yếu kém. (Yan Shen and Yang Yao, 2008: 2182-2198). Tất cả những phát hiện này cho thấy rằng dân chủ cơ sở có thể hoạt động để giảm bất bình đẳng thu nhập ở cấp địa phương. Tuy nhiên, mặt khác, phân quyền gắn với dân chủ cơ sở cũng có thể làm cho việc thu phục giới tinh hoa dễ dàng hơn ở cấp địa phương khi xã hội địa phương bị phân chia về mặt kinh tế hoặc xã hội (Bardhan và Mookherjee, 2005).

6.2. Dân chủ hóa Chính trị Làng xã là Quản trị tốt

Theo Kooiman, quản trị là một chuỗi các quá trình tương tác chính trị xã hội giữa chính phủ và xã hội trong các lĩnh vực khác nhau liên quan đến lợi ích của cộng đồng và sự can thiệp của chính phủ vào những lợi ích đó. Quản trị là các cơ chế, quy trình và thể chế thông qua việc công dân nêu rõ lợi ích của họ, hòa giải những khác biệt và sử dụng các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của họ. Quản trị là một quá trình của các tổ chức dịch vụ, quản lý các nguồn lực công và đảm bảo các quyền con người được thực thi. Trong bối cảnh đó, quản trị tốt với tư cách chính quyền là tạo điều kiện cho công chúng tham gia vào quá trình điều hành chính quyền, nêu rõ lợi ích của mình nhằm đưa lợi ích công đến gần hơn với các quy định do chính phủ đưa ra. (Kooiman J., 2003: 24) Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) trong tài liệu chính sách của mình mang tên “Quản trị vì sự phát triển bền vững của con người”, định nghĩa như sau: “Quản trị là việc thực hiện quyền kinh tế, chính trị và hành chính đối với các vấn đề của một quốc gia tại tất cả các cấp và các phương tiện thúc đẩy sự gắn kết, hội nhập xã hội và đảm bảo cuộc sống của người dân” (Quản trị là việc thực hiện quyền / quyền hạn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và hành chính để quản lý các công việc của Nhà nước ở mỗi cấp và là một chính sách nhà nước công cụ để khuyến khích việc tạo ra các điều kiện về sự toàn vẹn phúc lợi và sự gắn kết xã hội trong xã hội). (UNDP 1997) Như vậy, có thể hiểu là thực hành quản trị tốt bao gồm cả quá trình và kết quả. Là một quá trình liên quan đến việc sử dụng chức vụ, quyền hạn trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống cộng đồng cả về kinh tế, xã hội, chính trị và hành chính để họ cùng phát huy tiềm năng của xã hội. Trong khi đó, kết quả phải liên quan đến hoạt động của chính phủ sao cho có đủ khả năng hiện thực hóa cuộc sống của một xã hội công bằng và thịnh vượng. (Harianto M. R, and Bambang M. Baru, 2019: 62)

Dân chủ hóa phải gắn liền với quản trị tốt, đó là mong muốn và hy vọng của mọi cộng đồng làng xã, bởi vì với các thông lệ quản trị tốt có thể mang lại các dịch vụ công chất lượng tốt hơn. Ở cấp độ cộng đồng làng xã, việc thực hiện các dịch vụ công rất phức tạp, đặc biệt là trong công việc quản lý và đáp ứng thời gian, thời vụ; do đó khi giải quyết các dịch vụ công, nhiều người tìm kiếm lối tắt thông qua kết nối với cán bộ dịch vụ công. Thực hành quản trị tồi khiến cho cộng đồng trở thành đối tượng hoặc mục tiêu lợi dụng vì lợi ích riêng của bộ phận nhân viên hành chính. Sự kém cỏi của các dịch vụ công đòi hỏi sự cần thiết phải cải cách toàn diện bộ máy hành chính và bao gồm cả việc cải tiến các thông lệ quản trị tốt. Các yêu cầu của cộng đồng trong chính trị làng xã đối với việc thực hiện quản trị tốt không chỉ giới hạn ở cấp quản lý của cấp trung ương hoặc cấp khu vực, mà còn ở cấp chính quyền thôn bản, bởi vì cộng đồng vẫn nhận thấy rất rõ hiệu quả hoạt động thấp của chính quyền thôn bản được phản ánh trong chương trình phát triển thôn bản. Nhiều chương trình phát triển làng xã chỉ đề cập đến lợi ích của giới tinh hoa trong làng so với lợi ích của dân làng. Do đó, việc thực hiện một số chương trình phát triển chưa nhận được sự hưởng ứng tích cực của hầu hết người dân trong làng. Tuy nhiên, các nỗ lực nhằm hiện thực hóa quản trị tốt luôn được mọi cấp chính quyền vùng và trung ương thực hiện, mặc dù cho đến nay ở nhiều nơi vẫn chưa có nỗ lực tối đa và có hệ thống để hiện thực hóa thực hành quản trị trong điều hành của chính phủ. Chính phủ luôn phải đối mặt với nhiều trở ngại khác nhau trong việc phát triển các chính sách và chương trình nhằm cải thiện các thông lệ quản trị. (Dwiyanto 2006: 2) Thứ nhất, thực tiễn quản trị là một lĩnh vực rộng nên có nhiều khía cạnh phải can thiệp nếu chúng ta muốn cải thiện thực hành quản trị hiệu quả. Thứ hai, không có nhiều thông tin có sẵn về các khía cạnh chiến lược cần được ưu tiên làm đầu vào trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động quản trị. Thứ ba, điều kiện rất đa dạng giữa các làng xã ở Đông Nam Á khiến mỗi khu vực có những vấn đề quản trị phức tạp khác nhau. Thứ tư, cam kết và mối quan tâm của các bên liên quan đến cải cách quản trị khác nhau và nhìn chung vẫn còn thấp. Tương tự như vậy, trong việc thực hiện quản trị tốt ở cấp chính quyền thôn, còn có sự phức tạp của các vấn đề khác nhau về điều kiện, hoàn cảnh. Điều đó liên quan đến các khía cạnh của văn hóa, truyền thống, phong tục, cũng như các điều kiện kinh tế, chính trị xã hội phức tạp khác. Cho đến nay, việc cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền thôn làng chỉ mang tính lẻ tẻ và chưa được lồng ghép hợp lý nên chưa được cộng đồng rộng rãi cảm nhận được kết quả. (Dwiyanto 2006: 2)

Trong bối cảnh dân chủ hóa, quản trị tốt thường truyền cảm hứng cho các nhà hoạt động kiến tạo một chính quyền cung cấp không gian tham gia rộng rãi cho các tác nhân từ các thể chế bên ngoài chính quyền để có sự phân chia cân bằng về vai trò và quyền hạn giữa nhà nước, xã hội dân sự và cơ chế thị trường (Dwiyanto , et. al, 2006: 18). Đối với UNDP, các đặc điểm hoặc nguyên tắc phải được tuân thủ và phát triển trong thực tiễn thực hiện quản trị tốt bao gồm: (a) Tham gia, mọi người hoặc công dân, cả nam và nữ , có quyền biểu quyết như nhau trong quá trình ra quyết định, cả trực tiếp và thông qua các tổ chức đại diện, phù hợp với ests và nguyện vọng; (b) Nhà nước pháp quyền, khuôn khổ pháp quyền và pháp chế phải được công bằng, thực thi và tuân thủ một cách toàn diện, nhất là pháp quyền liên quan đến quyền con người; (c) Tính minh bạch, phải được xây dựng trong khuôn khổ quyền tự do thông tin; (d) Tính đáp ứng, mỗi tổ chức và quá trình phải hướng vào nỗ lực phục vụ các bên liên quan khác nhau; (e) Định hướng đồng thuận, quản trị tốt sẽ đóng vai trò trung gian cho nhiều lợi ích khác nhau để đạt được sự đồng thuận hoặc cơ hội tốt nhất cho lợi ích của mỗi bên, và nó cũng có thể được áp dụng cho các chính sách và thủ tục khác nhau sẽ do chính phủ quyết định; (f) Công bằng (bình đẳng), quản trị tốt sẽ tạo cơ hội tốt cho cả nam và nữ nhằm nỗ lực cải thiện và duy trì chất lượng cuộc sống; (g) Hiệu quả hiệu lực, mọi quy trình hoạt động và thể chế đều hướng đến việc tạo ra sản phẩm thực sự phù hợp với nhu cầu thông qua việc sử dụng nhiều nguồn lực sẵn có nhất có thể; (h) Trách nhiệm giải trình, những người ra quyết định trong khu vực công, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự có trách nhiệm giải trình (công khai), cũng như các bên liên quan; (i) Tầm nhìn Chiến lược (những người nắm giữ chiến lược), các nhà lãnh đạo và cộng đồng có tầm nhìn rộng và dài hạn về việc thực hiện quản trị tốt và phát triển con người, cùng với nhận thức về nhu cầu phát triển. (UNDP, 1997) Vì vậy, thách thức đặt ra là làm thế nào để hiện thực hóa các đặc điểm trên trong thực tiễn quản trị. Mặc dù việc quản lý nhà nước ở cấp thôn làng vẫn còn nhiều thực hành quản trị tồi, nhưng việc xây dựng nền quản trị tốt có thể bắt đầu thông qua việc tăng cường dân chủ bằng cách phát triển năng lực của cộng đồng trong lĩnh vực chính trị để khuyến khích nhận thức tham gia tích cực vào mọi chương trình của chính phủ. (Harianto M. R, and Bambang M. Baru, 2019: 62-64)

Những năm 1990 chứng kiến ​​một số nghiên cứu nhằm cung cấp phương thuốc cho cơn sốt phân quyền thái quá. Các nghiên cứu so sánh trong nhiều bối cảnh quốc gia, đã chỉ ra khá rõ ràng tác động cuối cùng của phân quyền phụ thuộc đáng kể như thế nào vào cấu trúc quyền lực mà các nguồn lực và vai trò đang được phân bổ (Crook and Manor, 1994, 1998; Manor 1998; Harriss, 2001; Fox, 1995). Những nghiên cứu này rất quan trọng, tuy nhiên, họ có xu hướng nhấn mạnh những cách thức mà các cấu trúc xã hội và cơ sở vật chất của quyền lực ảnh hưởng đến các quá trình phân quyền chủ yếu ở quy mô cấp hành chính trực thuộc trung ương hoặc tỉnh. Thay vào đó, người ta ít chú ý đến mức độ căng thẳng giữa các loại hình văn hóa khác nhau ở nhiều cấp thôn làng cũng có thể ảnh hưởng đến cách thức mà các cơ quan quản lý địa phương thực hiện và phân bổ nguồn lực. Có nhiều lý do có thể giải thích cho sự thiếu quan tâm có liên quan này. Trong khi đó, những người hài lòng hơn với các câu hỏi về văn hóa có thể lại tránh tham gia vào các cuộc thảo luận về “văn hóa và phát triển” vì những cách thức máy móc và đơn giản trong đó văn hóa thường được coi như một “nguồn lực”, một kho lưu trữ kiến ​​thức, kỹ thuật và thực hành có thể được huy động để theo đuổi các mục tiêu phát triển (Radcliffe, 2001; xem thêm Escobar, 1991). Thật vậy, chương về Phát triển dựa vào Cộng đồng trong sách Nguồn lực về Chiến lược Giảm nghèo của Ngân hàng Thế giới đề cập đến văn hóa như một nguồn tiềm năng của các kỹ năng, sắc tộc và các giá trị - không phải là một lĩnh vực tranh cãi (Dongier et. all, 2002). Thông thường, văn hóa được đưa ra mà không đồng thời chú ý đến các câu hỏi về quyền lực (Lewis et. all, 2003). Một số nhà nhân học văn hóa đã theo đuổi các mối quan hệ phức tạp giữa văn hóa, quyền lực và sự phát triển theo những cách chặt chẽ và nhiều sắc thái hơn (Gupta and Ferguson, 1997; Moore, 1999), với mục tiêu tranh luận lý thuyết nhiều hơn về văn hóa / quyền lực và chính trị (Dirks and Ortner, 1994). Về phương diện chính trị, chúng ta hiểu văn hóa là một lĩnh vực của ý nghĩa, giá trị và bản sắc, nhưng ý nghĩa của nó không bao giờ có thể tách rời khỏi các mối quan hệ quyền lực. Có thể hiểu rằng quản trị cũng là một quy trình văn hóa giống như một quy trình hành chính, và nhận thức được điều này sẽ mở ra những con đường phản ánh các tác động có thể có của các sáng kiến ​​phát triển do cộng đồng thôn làng định hướng ở cấp cơ sở. (Bebbingtona A., et al., 2004: 187-205)

6.3. Dân chủ hóa và Tầng lớp Tinh hoa Làng thôn – Trường hợp Indonesia

Bất chấp tính cạnh tranh của các cuộc bầu cử ở cấp làng thôn, các phương thức vận động được các ứng cử viên sử dụng, đặc biệt là mua phiếu, chỉ ra tính liên tục của giới tinh hoa, bởi vì chỉ những người dân làng giàu có mới có thể cạnh tranh cho chức vụ. Hơn nữa, liên kết với các quan chức nhà nước cấp cao vẫn quan trọng đối với giới tinh hoa trong làng, cho phép họ giành được sự ủng hộ chính trị bằng cách nhận được các dự án từ chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thay vì được kết hợp với tư cách là cấp dưới trong một hệ thống phân cấp quan liêu như trong thời kỳ cai trị độc đoán trước đây, giới tinh hoa làng thôn giờ đây trở thành những người môi giới thực sự ở nông thôn, thực hiện đòn bẩy đáng kể trong quan hệ của họ với nhà nước, các cuộc bầu cử tự do hiện được sử dụng để bổ sung các vị trí quan trọng của chính phủ ở cấp địa phương và thậm chí cả cấp quốc gia. Quyền lực tập trung đã nhường chỗ cho sự phân quyền, với quyền lực chính trị và ngân sách rộng rãi được chuyển từ các bộ đến chính quyền các cấp địa phương trên khắp đất nước. Trong khi các học giả dành nhiều sự quan tâm để tìm hiểu về dân chủ hóa và phân quyền ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, thì một số tài liệu tương đối ít tập trung vào việc những thay đổi này đã biến đổi các mối quan hệ quyền lực ở cấp thấp nhất của chính quyền ở khoảng 80.000 ngôi làng của Indonesia. (Aspinall, Edward and Noor Rohman, 2017: 31-52)

6.3.1. Chính trị làng xã ở Indonesia Thời độc tài và Thời dân chủ

Thời Trật tự Mới, chính quyền Trung ương tổ chức quản lý làng theo những cách tăng cường khả năng giám sát và kiểm soát dân cư nông thôn. Đạo luật số 5 năm 1979 về Quản trị Làng thôn không chỉ đồng nhất các cấu trúc làng thôn trên khắp đất nước, bãi bỏ hoặc loại bỏ các thể chế truyền thống đa dạng, mà còn đưa chúng “vào sự giám sát và kiểm soát chặt chẽ của chính quyền cấp trên”, định vị làng xã là cấp thấp nhất của cấu trúc chính quyền Indonesia, với trưởng làng là “công cụ của chính quyền trung ương”. (Antlöv H., 2003: 195) Vị trí trưởng làng là do bầu cử, và các cuộc bầu cử trưởng làng tiếp tục được tổ chức. Tuy nhiên, các ứng cử viên đã trải qua quá trình “sàng lọc” để đảm bảo rằng họ không gây ra mối đe dọa an ninh cho chế độ, và phải được chính quyền cấp cao hơn chấp thuận thì họ mới được ứng cử. Trưởng làng được một thư ký làng và một số quan chức (pamong desa) hỗ trợ, một cơ quan tham vấn, những người đứng đầu khu dân cư và các tiểu khu dân cư cùng một loạt các hiệp hội nghiệp đoàn hỗ trợ. (Antlöv H., 1995) Những cơ cấu này đóng một vai trò kép: chúng là những kênh mà chính phủ chuyển giao cơ sở hạ tầng nông thôn, kiểm soát sinh đẻ, y tế cơ bản, khuyến nông và các chương trình khác, và chúng cũng là cơ chế giám sát và kỷ luật dân cư. Nhìn chung, mô hình quản trị độc đoán này, đặc biệt là chuỗi trách nhiệm giải trình theo chiều dọc kết nối các làng thôn với các cơ quan nhà nước cấp cao hơn, đã tạo ra khoảng cách giữa chính quyền làng thôn và người dân. Một kết quả nghiên cứu từ 48 ngôi làng ở ba tỉnh vào giai đoạn cuối Trật tự Mới đã kết luận: “Người dân trong làng không mong đợi trách nhiệm giải trình, khả năng đáp ứng, và hệ thống cho phép các nhà lãnh đạo bỏ qua điều đó. Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, thường có sự xa lánh hoàn toàn giữa dân làng và đội ngũ lãnh đạo chính thức của làng.” (Evers P. J., 2000: 75)  

Một phần, điều khiến các trưởng làng và những người giữ chức vụ khác hoạt động hiệu quả là họ thường xuất thân từ các gia đình ưu tú địa phương, những người từ lâu dựa vào các nguồn quyền lực đã ăn sâu bám rễ trong cộng đồng của họ. Ở một số nơi, chính quyền này được các cấu trúc truyền thống phê chuẩn, chẳng hạn như những cấu trúc dựa trên luật lệ cha truyền con nối, luật tục, hoặc tục lệ. (Cederroth S., 2004: 77-110) Nói chung, các thành viên của tầng lớp tinh hoa thống trị nông thôn được phân biệt bởi sự giàu có của mình: họ là những chủ đất lớn nhất trong làng, các giáo viên hoặc các quan chức chính phủ, những người bán buôn gạo và các doanh nhân nông thôn. Do đó, theo Frans Hüsken, ở vùng Trung Java nơi ông tiến hành nghiên cứu, lịch sử chính trị địa phương có mối liên hệ chặt chẽ với sự cạnh tranh giữa một số gia đình khá giả mà các thành viên đã thống trị chính quyền làng trong nhiều thập kỷ. Trong một số trường hợp, những người đứng đầu làng thôn ngày nay là thế hệ thứ năm hoặc thứ sáu trong một dòng có niên đại từ cuối thế kỷ XIX. (Hüsken F., 1994: 126) Khả năng phục hồi của chế độ Trật tự Mới một phần không nhỏ là do khả năng kết nạp giới tinh hoa bắt nguồn từ địa phương như vậy vào bộ máy kiểm soát của chính họ. Có một sự chuyển đổi quan trọng là tầng lớp tinh hoa nông thôn này đã trở nên hòa nhập triệt để vào các cấu trúc quyền lực và đặc quyền bên ngoài cộng đồng làng xã, thể hiện qua một loạt các nghiên cứu dân tộc học được thực hiện trong thời kỳ này. Như G. Hart đã giải thích trên cơ sở nghiên cứu ở Trung Java vào những năm 1970: “Chìa khóa để hiểu các đặc điểm nổi bật của sự phân hóa nông thôn ở Java là ở chỗ nhận ra rằng tầng lớp tinh hoa nông thôn không chỉ đơn giản là một giai cấp tư bản đã xuất hiện để đáp ứng với quá trình thương mại hóa xác định về phương diện công nghệ. Về bản chất, họ là một giai cấp khách hàng được ưu ái của người bảo trợ-nhà nước, những người có cơ hội tích lũy bản lề theo những cách cực kỳ quan trọng trong mối liên hệ của họ với bộ máy nhà nước. Xu hướng chung trong suốt quá trình của Chế độ Trật tự Mới là để nhà nước phục vụ trực tiếp cho lợi ích của tầng lớp tinh hoa nông thôn và đồng thời củng cố quyền kiểm soát đối với họ.” (Hart G. P., 1986: 199)

Bất chấp tầm quan trọng của giới tinh hoa trong làng đối với sự tồn tại của chế độ Trật tự Mới, cá nhân họ có tương đối ít khả năng thương lượng trong mối quan hệ với các quan chức cấp cao hơn. Để tiếp tục giữ chức vụ, trưởng thôn và các quan chức nông thôn khác phải thể hiện lòng trung thành với nhà nước và tính hữu dụng đối với cấp trên quan liêu của họ. Do đó, các nhà phân tích đã mô tả mối quan hệ của nhà nước với giới tinh hoa trong làng về cơ bản là có thứ bậc và từ trên xuống. Hans Antlöv, viết trên cơ sở những quan sát của ông về một ngôi làng ở Tây Java sau Hart một thập kỷ, đồng tình với phân tích của bà, chỉ định các quan chức chính của làng và giới tinh hoa là “khách hàng của nhà nước”: “Trưởng làng là chìa khóa cho sự phát triển của làng (kunci pembangunan ) và là người gác cổng (perantara) giữa nhà nước và làng. Như vậy, nhìn từ phía nhà nước, vị thế cốt yếu của cán bộ làng không xuất phát từ khả năng lãnh đạo hành chính của họ mà từ khả năng của họ trong việc định hình cuộc sống làng xã phù hợp với các chuẩn mực do nhà nước đặt ra và giám sát dân cư. Chính sự bảo trợ của họ là quyền lực của họ.” (Antlöv H., 1995: 58) Tất nhiên, những giới tinh hoa làng này đã thu được nhiều lợi nhuận từ lòng tận tụy của họ. Các quan chức cấp cao hơn không chỉ làm ngơ trước nạn tham nhũng vặt của họ, mà còn tích cực tham gia vào việc phân bổ tiền thuê, vốn là nguồn dầu bôi trơn giữ cho “bộ máy nhượng quyền thương mại” của Suharto hoạt động. (McLeod, R., 2011: 45-64) Giới tinh hoa trong làng trở nên gắn bó mật thiết với nhau bằng một mạng lưới quan hệ quan liêu và kinh tế với các quan chức cấp cao hơn, và sử dụng những mối quan hệ đó để hớt váng từ ngân sách làng, giành quyền bảo vệ đất đai hoặc các giao dịch kinh doanh và tiếp cận các khoản trợ cấp, các chương trình, giấy phép và hợp đồng mà nhà nước cung cấp. Theo Hart, “mối quan hệ của tầng lớp tinh hoa nông thôn với các cơ quan quản lý siêu làng đã đem đến cho họ khả năng tiếp cận ưu đãi với các yếu tố đầu vào và tín dụng nông nghiệp, thậm chí còn quan trọng hơn, tiếp cận với một loạt các hoạt động phi-nông nghiệp được trả công cao, chẳng hạn như xay xát lúa gạo, giao thông vận tải và thương mại quy mô lớn.” (Hart G., 1986: 200) Thật ra, chúng ta có thể thấy những mối liên hệ như vậy là một phần của quá trình thay đổi xã hội sâu sắc hơn đang diễn ra trong Trật tự Mới, một quá trình được gọi là “đô thị hóa nông thôn”, (Young K. R., 1994: 248-257) qua đó việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và thông tin liên lạc làm giảm bớt khoảng cách xã hội giữa các làng và các thị trấn nhỏ, các hoạt động kinh tế phi-nông nghiệp trở nên quan trọng hơn ở các vùng nông thôn, và dân làng bắt đầu chấp nhận lối sống ngày càng thành thị và gắn kết hơn do di cư và các mối quan hệ kinh tế xã hội với các thị trấn và thành phố. Cũng giống như sự sắp xếp lại quyền lực chính trị ở nông thôn của chính sách Trật tự Mới đã biến giới tinh hoa trong làng thành tác nhân của nhà nước độc tài, những thay đổi xã hội đang khiến họ ngày càng phụ thuộc vào các mối kết nối được tạo dựng bên ngoài cộng đồng quê hương của họ. (Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017: 31-52).

Trong cuộc cải cách hậu Suharto từ năm 1998, các nhà lãnh đạo của Indonesia đã tổ chức lại việc quản lý làng xã, lặp lại những thay đổi đang diễn ra ở các cấp cao hơn. Đạo luật Số 22 về Chính quyền Vùng năm 1999 đã tạo ra những thay đổi tạo thành “một cuộc cách mạng tĩnh lặng ở nông thôn”. (Antlöv H., 2003: 200) Làng, về lý thuyết, ít nhất đã trở thành các đơn vị tự quản hơn là cấp thấp nhất trong bộ máy kiểm soát của chính phủ. Các trưởng làng không còn được chính quyền cấp trên kiểm tra và phê duyệt, mà trở thành người chịu trách nhiệm giải trình, không phải trước huyện trưởng (bupati), mà trước một hội đồng được bầu cử, Badan Pemusyawaratan Desa (BPD; Cơ quan Tham vấn Làng). Sau đó đã có một số thay đổi, BPD đã bị suy yếu đáng kể và hiện được “bổ nhiệm thông qua sự đồng thuận”, thay vì được bầu chọn. (Antlöv H., and Eko Sutoro, 2012: 3) Các cách tiếp cận mới trong phát triển làng có sự tham gia cũng được triển khai, với việc chính quyền Trung ương điều hành một chương trình lớn, ban đầu là với Ngân hàng Thế giới tài trợ và hỗ trợ: các cộng đồng làng sẽ quyết định thông qua các quá trình tham vấn những dự án mà họ muốn thực hiện, quản lý và giám sát. (Gibson, Christopher and Michael Woolcock, 2008: 151-180; Guggenheim S., 2006: 111-144; Li Tania, Murray, 2007: 230-269) Những thay đổi như vậy chắc chắn đã ảnh hưởng đến chính trị nông thôn. Có nhiều bằng chứng cho thấy các cuộc bầu cử làng diễn ra trong một môi trường cởi mở đáng kể, dân làng quyết đoán hơn khi đối xử với các quan chức nông thôn, (Bebbington A., L. Dharmawan, E. Fahmi and S. Guggenheim, 2006: 1958-1976) và các quan chức làng tham nhũng dễ bị phơi bày và trừng phạt hơn so với thời Trật tự Mới. Tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi về mức độ thay đổi đã sắp xếp lại cơ bản các mối quan hệ quyền lực ở nông thôn đến đâu. Có lẽ đánh giá hiệu quả nhất được đưa ra cho đến nay là của Takeshi Ito. (Takeshi Ito, 2011: 413-433) Trên cơ sở nghiên cứu thực địa dân tộc học ở Tây Java đầu thời kỳ cải cách, kết luận của Ito về chính trị làng giống với những kết luận của những người ủng hộ “luận điểm chính trị đầu sỏ”, cho rằng ở các cấp chính quyền cao hơn, những kẻ hưởng lợi chính của cải cách chính trị là những kẻ đã trở thành kẻ nắm quyền thời Trật tự Mới, và những kẻ được hưởng lợi từ sự vướng víu của đặc quyền tư nhân và chức vụ công đặc trưng cho chế độ đó. (Robison R., and Vedi R. Hadiz, 2004; Ford M., and Thomas B. Pepinsky 2014; Winters J., 2014) Theo Ito, những người được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​cải cách ở nông thôn là những tầng lớp tinh hoa trong làng mà ảnh hưởng của họ trước đây được củng cố dưới sự bảo trợ của nhà nước. Ông cho rằng “các mối quan hệ quyền lực trong làng dường như không hề bị ảnh hưởng” bởi những thay đổi dân chủ. (Takeshi Ito, 2011: 428) Chế độ bảo trợ không chỉ là chất keo kết dính giữa làng và giới tinh hoa cấp cao hơn, mà việc chuyển giao quyền lực và nguồn lực cho các tổ chức địa phương đã củng cố quyền lực thống trị của các quan chức làng, những kẻ đóng vai trò là người đối thoại giữa nhà nước và nông thôn, đã ngăn cản người dân địa phương sử dụng quyền của họ để tham gia vào các quá trình ra quyết định do các thể chế dân chủ đảm bảo. (Takeshi Ito, 2011: 415-416)

6.3.2. Trường hợp Bầu cử ở Hai làng thuộc Trung Java

(được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu: Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017:31-52)

Làng Alit (không phải tên thật) gồm ba xóm (dusun), tương đối nhỏ, với dân số khoảng 1.200 người, trong đó có 920 cử tri đã đăng ký. Nằm cách con đường chính ven biển vài km, nơi đây được cư dân các làng lân cận coi là tương đối nghèo. Khoảng 1/5 trong số 500 hộ gia đình không được kết nối trực tiếp với lưới điện, một con số cao đối với vùng này của Java. Hầu hết dân làng đều làm nông, trồng lúa nước và trồng sắn, dưa hấu trên nương rẫy. Mặc dù có một số dân làng có của cải như đất đai tương đối lớn, nhà cửa, xe hơi và các tài sản khác, nhưng Alit lại có rất ít người thực sự giàu có. Không có nhà bán buôn gạo lớn nào sống ở đây, không có nhà bán lẻ lớn, thậm chí cũng không có ngành công nghiệp gia đình quan trọng nào. Alit, giống như hầu hết các ngôi làng ở vùng này của Java, theo đạo Hồi áp đảo, chỉ có khoảng 12 người theo đạo Thiên chúa. Tuy nhiên, hầu hết người Hồi giáo thuộc chủng tộc abangan trên danh nghĩa. (Geertz C., 1960) Làng Ageng, nằm trên con đường chính nối quận lỵ với quận lỵ, có dân số 6.000 người, trong đó có 4.400 cử tri đã đăng ký. Phần lớn dân số là nông dân trồng lúa nước, hoặc nuôi cá tại các ao gần bờ biển. Không giống như Alit, có một số người rất khá giả trong làng, đáng chú ý là một số thương nhân đã rất thành công trong việc thu mua và xay xát gạo. Ngoài ra còn có một số chủ cửa hàng và những người khác điều hành các doanh nghiệp nhỏ dọc theo con đường chính, cũng như các giáo viên trường học, những người buôn bán lặt vặt và những người nông dân giàu có hơn. Điều khiến Ageng trở nên khác thường là khoảng 70% dân số là người theo đạo Thiên chúa, khiến nó trở thành một trong số rất ít làng theo đạo Thiên chúa ở vùng này của Java. Hầu hết những người theo đạo Thiên Chúa sống ở một trong ba xóm của ngôi làng. (Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017:31-52)

Ở Alit, có ba ứng cử viên cho chức vụ trưởng làng. Người đầu tiên, tạm gọi tên Sukardi, là người đương nhiệm. Là con trai của một gia đình lớn và tương đối quan trọng trong làng, Sukardi không phải là người rất giàu có. Sau khi học xong trung học cơ sở, anh đã dành phần lớn tuổi trẻ của mình để làm việc ở Jakarta. Giờ đây, anh ta thuê đất của những người khác trong làng để trồng trọt - trong năm bầu cử này, vụ thu hoạch dưa hấu của anh thất bại, khiến anh túng quẫn đúng vào lúc cần tiền mặt nhất. Mặc dù được nhiều người lớn tuổi kính trọng, nhưng anh nổi tiếng là người được một số thanh niên cuồng nhiệt trong làng ủng hộ. Một vụ bê bối tham nhũng được đưa ra ánh sáng vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ, khi anh sử dụng tài trợ từ một chương trình phát triển cơ sở hạ tầng làng của chính phủ và từ ngân sách của chính làng để xây dựng một con đường nhưng chất lượng lại kém. Như một người có uy tín trong làng đã giải thích, “ai cũng có thể tự mình nhìn thấy từ chiều dài và độ dày của lớp nhựa đường đó chỉ đáng giá một phần nhỏ so với cái giá mà con đường đã được thanh toán.” (Phỏng vấn của nhóm nghiên cứu ngày 14/4/2015) Cũng trong thời gian đó, Sukardi lại xây một ngôi nhà lớn cho gia đình mình, mặc dù các quan chức làng đã cảnh báo rằng việc làm đó có lẽ sẽ có kết cục tồi tệ. Vụ bê bối này được các thành viên của BPD và phần còn lại của giới tinh hoa trong làng bưng bít, họ đã tổ chức một cuộc họp và tập thể quyết định rằng họ sẽ không báo cảnh sát, để Sukardi giữ được thể diện. Tuy nhiên, tin tức về vụ bê bối chắc chắn bị rò rỉ khắp làng, gây bất lợi đáng kể cho Sukardi, trong khi anh có hai đối thủ. Người đầu tiên, cuối cùng đã chiến thắng, với khoảng 360 phiếu bầu trong tổng số 800 phiếu bầu (khoảng 43%) so với khoảng 260 phiếu bầu (32%) cho Sukardi, chúng ta sẽ gọi là anh ta là Farid. Farid là con trai út của một người giàu có nhất làng, là kiến ​​trúc sư tại trường đại học công lập chính của tỉnh, anh là một trong số ít người trong làng có trình độ đại học. Ở tuổi 40, anh ta thiếu sức hút và khá vô chính phủ, chật vật trong các cuộc phỏng vấn để giải thích các nhiệm vụ của một trưởng làng, hoặc các kế hoạch cải thiện thôn làng của anh ta. Tuy nhiên, những thiếu sót này cuối cùng cũng chẳng có ý nghĩa gì lớn, vì chính cha anh, Supomo, là động lực trong chiến dịch của Farid - thực ra thì, nhiều người làng nói về việc họ ủng hộ hoặc phản đối “Supomo” hơn là “Farid”. Supomo là một công chức đã nghỉ hưu, từng làm việc tại văn phòng cấp huyện của Bộ Giáo dục và Văn hóa. Trong những năm dưới chính sách Trật tự Mới, ông từng là lãnh đạo của Golkar, bộ máy bầu cử của nhà nước, trong làng, và còn là con rể của một trưởng xóm lâu năm và được kính trọng. Hiện ông sở hữu khoảng 5 ha đất ở đó, khiến ông trở thành một trong những chủ đất lớn. Một số trong giới tinh hoa làng mắc nợ hoặc liên quan đến ông ta: thư ký làng, chẳng hạn, là một người bà con xa, có được chức vụ với sự đảm bảo của Supomo về anh ta đối với các nhà lãnh đạo Golkar khoảng hai mươi năm trước. Do đó, hầu hết các perangkat desa (quan chức làng) và các gia đình hàng đầu khác đã ủng hộ Farid. (Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017:31-52)

Điều quan trọng là Supomo đã tận dụng quyền lực quan liêu của mình để thăng tiến cho các con của mình bằng cách đảm bảo rằng mỗi đứa đều được học hành tử tế bên ngoài làng: con trai cả của ông là giảng viên một trường đại học danh tiếng ở tỉnh lỵ, và hai con gái của ông đã lấy chồng, một là quan chức ở Bulog - cơ quan hậu cần nhà nước ở Đông Java, và một con rể khác là thẩm phán của Tòa án Tối cao ở Jakarta. Cả ba đều có thể giúp tài trợ cho chiến dịch của em trai và anh vợ Farid. Nói tóm lại, Supomo là một “khách hàng nhà nước” kinh điển, kẻ có được sự giàu có và địa vị trong sự nghiệp của mình nhờ bộ máy hành chính và Golkar. Các nguồn lực của ông ta có được từ bên ngoài làng, nhưng giờ đây ông ta đang tái đầu tư một phần ở quê nhà, vào đất đai và vào chiến dịch tranh cử của con trai mình. Như Supomo giải thích, việc Farid được bầu làm trưởng làng là một phần trong kế hoạch nghỉ hưu của chính ông ta: “Tôi có bốn đứa con; ba đứa đã thành đạt và chuyển đi nơi khác. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tôi cần một đứa ở đây - tôi đã già và nếu tôi bị ốm sẽ không có ai chăm sóc tôi.” (Phỏng vấn của nhóm nghiên cứu ngày 13/4/2015) Ứng cử viên cuối cùng là Rusdi, người đã giành được khoảng 190 phiếu bầu, tương đương khoảng 23%. Ở tuổi 50, thời trẻ, ông từng là quản đốc cho một nhà máy đường địa phương, sau đó làm việc vài năm trong một nhà máy sản xuất kim tiêm ở Hàn Quốc. Trở về từ Hàn Quốc, ông ta dùng số tiền tiết kiệm được để đầu tư vào sản xuất đường, thuê đất để trồng mía. Vào thời gian bầu cử, mỗi năm ông ta đã thuê khoảng 20 ha đất, khiến ông trở thành một trong những doanh nhân nông nghiệp thành công nhất ở làng này và các làng lân cận, và là một trong những người giàu nhất làng. Ông cũng là một quan chức làng, với tư cách là trưởng bộ phận hành chính của làng (Kaur Administrasi Umum). Rusdi là một tín đồ Hồi giáo sùng đạo và được tôn trọng vì sự trung thực. Ông sống trong một ngôi nhà khiêm tốn và ăn mặc giản dị. Những người ủng hộ chính của ông là các hàng xóm gần gũi và những dân làng ngoan đạo, đặc biệt là những người ông cầu nguyện cùng trong các buổi cầu nguyện Hồi giáo - một nhóm thiểu số ở ngôi làng chủ yếu là abangan đa thần giáo này. Như chúng ta sẽ thấy, sự đơn giản trong phong cách cá nhân của ông đã khiến ông áp dụng một chiến lược mua phiếu bầu độc đáo. (Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017:31-52)

Ở ngôi làng thứ hai, trưởng làng đương nhiệm, tạm gọi là Anto, cũng không xuất thân từ một gia đình đặc biệt giàu có hoặc nổi bật. Là một người theo đạo thiên chúa, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông vào đầu những năm 1990 và làm công việc điều khiển phương tiện giao thông công cộng một thời gian, sau đó anh đến tỉnh Lampung ở nam Sumatra làm công nhân thu hoạch mía. Một số thanh niên trong làng đã chuyển đến Lampung trong khoảng thời gian này, và ở đó một số ít trở nên giàu có. Anto đã kêu gọi một số mối quan hệ này trong chiến dịch tranh cử của anh vào năm 2015: một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất của anh ấy đã thành công lớn trong việc nuôi tôm ở Lampung, và trả tiền cho ba hoặc bốn xe buýt nhỏ của công nhân nhập cư, tổng cộng khoảng 50 hoặc 60, để trở về nhà tham gia cuộc bầu cử. Họ không chỉ là một khối cử tri “người nhà” mà còn là những người môi giới nhiệt tình, được giao những nhiệm vụ đặc biệt như trả tiền cho lực lượng an ninh địa phương. Như chúng ta sẽ thấy, một số câu chuyện kịch tính hơn về việc mua phiếu tập trung vào mối liên hệ với tỉnh Lampung này. Khi trở về nhà vào giữa những năm 1990, Anto làm công việc lao động nông nghiệp và làm nghề lĩnh canh ở một ngôi làng kề bên, và kết hôn với một phụ nữ thuộc một gia đình Cơ đốc giáo khá giả trong làng. Anh giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đầu tiên với chức vụ trưởng làng vào năm 1998, khi anh có lợi thế là ứng cử viên duy nhất từ ​​một thôn có đa số người theo đạo Thiên chúa, trong khi phiếu bầu của người Hồi giáo và các thôn khác bị chia cho ba đối thủ cạnh tranh. Anto tái đắc cử năm 2008, và năm 2015 đang tham gia ứng cử nhiệm kỳ thứ ba. Vào thời điểm bầu cử năm 2015, vợ anh và anh cùng sở hữu 4 ha trang trại cá, nửa ha ruộng lúa, và họ trở thành một gia đình giàu có, đặc biệt là sau khi cộng thêm tiền lương trưởng làng hàng năm của Anto vào khoảng 12 triệu rupiah. Nhiều người dân trong làng ngưỡng mộ Anto vì phong cách lịch thiệp và sự trung thực nổi tiếng của anh. Họ tán thành việc anh sẵn sàng “tự xuống tay” (turun langsung) để giải quyết các tranh chấp, chẳng hạn như ẩu đả giữa những thanh niên say xỉn. Những người ngưỡng mộ đã nói về anh bằng những từ ngữ mà chúng ta thường nghe dùng để mô tả các chính trị gia thành công ở các cấp chính quyền cao hơn, chẳng hạn như khả năng merakyat (hòa đồng với nhân dân) của anh ấy và thực tế là anh không hề ngông nghênh, kiêu ngạo. Như chúng ta sẽ thấy, anh cũng được đánh giá cao vì khả năng cải thiện cơ sở hạ tầng của làng. (Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017:31-52)

Ứng cử viên thứ hai, Najib, một người theo đạo Hồi, không phải là người bản địa trong làng, nhưng anh ta là ứng cử viên ưa thích của hầu hết các tầng lớp ưu tú trong làng, đặc biệt là perangkat desa bộ máy quản trị làng. Sinh ra trong một gia đình hàng đầu ở một ngôi làng gần đó, Najib đã kết hôn với con gái một gia đình giàu có nhất làng. Vợ của ông, Yuningsih, có quan hệ thông gia với một haji Trưởng lão giàu có, người đã từng là trưởng làng trong khoảng 20 năm kể từ khi Thành lập Trật tự Mới vào năm 1965. Anh rể của Yuningsih, Trưởng lão Haji Zul, là một người bán buôn và xay xát gạo nổi tiếng cho sự giàu có của mình trong toàn vùng. Haji Zul cũng là chủ đất lớn nhất của làng, với khoảng 10 ha. Yuningsih có quan hệ họ hàng với nhiều gia đình hàng đầu khác - ví dụ như thư ký làng là cháu nội của cựu trưởng làng, và do đó họ có họ hàng với cả Yuningsih và Najib. Yuningsih là một doanh nhân năng nổ, người đã được bầu vào cơ quan lập pháp quận năm 2009, đại diện cho một trong những đảng nhỏ hơn, và đã giành lại ghế của mình, sau khi thay đổi đảng vào năm 2014. Vì vận may của Yuningsih và Haji Zul đã được cải thiện nên vận may của Najib cũng được cải thiện. Vào khoảng năm 2009, anh đã trở thành một thành viên perangkat desa, đảm nhận vị trí Kasi Pemerintahan (người đứng đầu bộ phận kinh doanh của chính quyền), một công việc khiến anh phải chịu trách nhiệm cả việc phát hành KTP - Kartu Tanda Penduduk, Thẻ căn cước công dân, và KK - Kartu Keluarga, Thẻ Căn cước Hộ gia đình, mà công dân cần để tiếp cận các dịch vụ của chính phủ. (Aspinall, Edward and Noor Rohman 2017:31-52)

Điều này cho anh ta cơ hội để bồi đắp các khoản nợ nghĩa vụ với những người hàng xóm của mình. Najib do đó có một số lợi thế, bất chấp đức tin Hồi giáo thiểu số của anh. Anh được sự hậu thuẫn của hai người giàu có nhất trong làng, vợ và anh rể của anh, những người đã tài trợ cho một nỗ lực tham gia chiến dịch bàu cử rất tốn kém. Anh có thể thu hút các nguồn lực chính trị của vợ mình, đặc biệt là mạng lưới các nhà môi giới của cô ấy và các dự án chính phủ mà cô ấy có thể thực hiện. Najib cũng được những người nổi tiếng khác trong làng hỗ trợ, đặc biệt là perangkat desa đội ngũ cán bộ đồng nghiệp của anh. Nhưng bất chấp những lợi thế này, Najib đã không thắng cử khi chỉ đạt được khoảng 1.450 phiếu bầu (42%) so với 1.960 phiếu bầu của Anto (58%). Sự thua cuộc của Najib cho thấy sức mạnh không chỉ thuộc về bản sắc tôn giáo, như chúng ta sẽ xem xét bên dưới, mà còn của mối kết nối chung của Anto. Một trong những người ủng hộ chủ chốt của Najib, thư ký làng, phản ánh một cách cay đắng về sự thua cuộc này, nói rằng kết quả cho thấy dòng dõi gia đình không còn quan trọng trong các cuộc bầu cử ở làng nữa; điều quan trọng bây giờ là khả năng thiết lập mối quan hệ tốt đẹp của ứng viên với cộng đồng (bermasyarakat),như viên thư ký đã nói về Anto: “Anh ấy thiếu mạng quan hệ bên trên, nhưng mạng quan hệ bên dưới của anh ấy lại rất tốt.” (Phỏng vấn của nhóm nghiên cứu ngày 16/4/2015)

__________________________________________

Tài liệu dẫn

Acemoglu, Daron (2005). Constitutions, politics, and economics: a review essay on Persson and Tabellini’s, “The Economic Effects of Constitutions”. In Journal of Economic Literature. 2005;XLIII (4):1025–1049.

Alesina Alberto, Rodrik Dani (1994). Distributive politics and economic growth. In Quarterly Journal of Economics. 1994;109(2):465–490.

Antlöv, Hans (1995). Exemplary centre, administrative periphery: Rural leadership and the New Order in Java (Richmond: Curzon, 1995).

Antlöv, Hans (2003). Village government and rural development in Indonesia: The new democratic framework, In Bulletin of Indonesian Economic Studies 39, 2 (2003): 195.

Antlöv H., and and Eko Sutoro (2012). Village and sub-district functions in decentralized Indonesia, paper presented at the Decentralization Support Facility’s Closing Workshop on Alternative Views for Decentralization in Indonesia, Jakarta, 12–13 Mar. 2012, p. 3.

Aspinall, Edward and Noor Rohman (2017). Village head elections in Java: Money politics and brokerage in the remaking of Indonesia's rural elite. February 2017, Journal of Southeast Asian Studies 48(01):31-52.

Bardhan Pranab, Mookherjee Dilip (2005). Decentralizing antipoverty program delivery in developing countries. In Journal of Public Economics. 2005;89(4):675–704.

Bebbingtona A., Leni Dharmawanb, Erwin Fahmic and Scott Guggenheimb (2004). Village politics, culture and community-driven development: insights from Indonesia, In Progress in Development Studies, vol. 4(3), pp. 187-205.

Bebbington A., Leni Dharmawan, Erwin Fahmi and Scott Guggenheim (2006). Local capacity, village governance, and the political economy of rural development in Indonesia’, World Development 34, 11 (2006): 1958–76.

Benabou, Roland (1996). NBER Working Paper 5658. In Inequality and growth.

Cederroth S., (2004). Traditional power and party politics in North Lombok, 1965–1999, In Elections in Indonesia: The New Order and beyond, ed. Hans Antlöv and Sven Cederroth (London: RoutledgeCurzon, 2004), pp. 77–110.

Chattopadhyay Raghabendra, Duflo Esther (2004). Women as policy makers: evidence from a randomized policy experiment in India. In Econometrica. 2004;72(5):1409–1443.

Crook, R. and Manor, J. (1994). Enhancing participation and institutional performance: democratic decentralization in South Asia and West Africa. Brighton/London: Report to ESCOR, Overseas Development Administration.

Crook, R. and Manor, J., editors (1998). Decentralization and democracy in South Asia and West Africa: participation, accountability and performance. Cambridge: Cambridge University Press.

Deaton, Angus (2003). Health, inequality, and economic development. In Journal of Economic Literature. 2003;41(1):113–158.

Dirks, N. and Ortner, S., editors (1994). Culture/ power/history: a reader in contemporary social theory. Princeton NJ: Princeton University Press.

Dongier, P., Van Domelen, J., Ostrom, E., Risvi, A., Wakeman, W., Bebbington, A., Alkire, S., Esmail, T. and Polski, M. (2002). Community driven development. In Poverty Reduction and Economic Management (PREM) editor, Poverty reduction strategy sourcebook Washington DC: World Bank, 303–31.

Dwiyanto, Agus (2006). Mewujudkan Good Governance Melayani Publik. Yogyakarta: Gadjah Mada University.

Dwiyanto, A., et al, (2006). The Public Bureaucracy Reform In Indonesia. Second Edition, Gajah Mada University Press. Yokyakarta.

Escobar, A. (1991). Anthropology and the development encounter: the making and marketing of development anthropology. American Ethnologist 18, 16–40.

Evers, Pieter J., (2000). Resourceful villagers, powerless communities (Rural village government in Indonesia), In Local Level Institutions Study/ Indonesia: A World Bank Bappenas Research Project (Jakarta: World Bank, 2000), p. 75.

Ford M., and Thomas B. Pepinsky (2014). Beyond oligarchy: Wealth, power and contemporary Indonesian politics, ed. (Ithaca: Southeast Asia Program Publications, Cornell University).

Foster A., Rosenzwig Mark. (2001). Democratization, Decentralization and the Distribution of Local Public Goods in a Poor Rural Economy. Mimeo, Department of Economics, Brown University.

Fox, J. (1995). Governance and rural development in Mexico: state intervention and public accountability. Journal of Development Studies 32, 1–30.

Geertz, Clifford (1960). The Religion of Java. Glencoe: The Free Press, 1960.

Gibson, Christopher and Michael Woolcock (2008). Empowerment, deliberative development, and locallevel politics in Indonesia: Participatory projects as a source of countervailing power,  Studies in Comparative International Development 43, 2 (2008): 151–80;

Guggenheim S., (2006). Crises and contradictions: Understanding the origins of a community development project in Indonesia, In The search for empowerment: Social capital as idea and practice at the World Bank, ed. Anthony Bebbington, Michael Woolcock, Scott E. Guggenheim and Elizabeth A. Olson (Bloomfield: Kumarian, 2006), pp. 111–44;

Gupta, A. and Ferguson, J., editors, (1997). Culture, power and place. Explorations in critical anthropology. Durham: Duke University Press.

Harianto M. R, and Bambang M. Baru (2019). Village Democracy Strengthening in Realizing Good Governance, In Developing Country Studies, ISSN 2224-607X (Paper) ISSN 2225-0565 (Online) DOI: 10.7176/DCS Vol.9, No.6, 2019.

Harriss, J. (2001). Social capital construction and the consolidation of civil society in rural areas (or public action and rural development). In Development Studies Institute (DESTIN) Working Paper 00-16. London: London School of Economics.

Hart G. P., (1986). Power, labor, and livelihood: Processes of change in rural Java. Berkeley: University of California Press.

Hüsken F., (1994). Village elections in Central Java: State control or local democracy?’, In Leadership on Java: Gentle hints, authoritarian rule, ed. Hans Antlöv and Sven Cederroth (Richmond: Curzon, 1994), p. 126. 

Kooiman, Jan (2003). Governing as Governance, Erasmus University, Rotterdam, First Edition, February 2003, SAGE Publications Ltd.

Li Gan, Xu Lixin, Yao Yang (2005). Local Governance, Finance, and Consumption Smoothing. The World Bank Research Group, Memo.

Li Gan, Xu Lixin, Yao Yang (2006). Health shocks, village elections, and long-term income: evidence from rural China, NBER Working Paper, Nov, 2006.

Li Tania, Murray (2007). The will to improve: Governmentality, development and the practice of politics (Durham: Duke University Press, 2007), pp. 230–69.

Manor, J. (1998). The political economy of democratic decentralization. Washington DC: World Bank.

McLeod, Ross (2011). Institutionalized public sector corruption: A legacy of the Suharto franchise, In The state and illegality, ed. Edward Aspinall and Gerry van Klinken (Leiden: KITLV Press, 2011), pp. 45–64.

Moore, D.S. (1999). The crucible of politics: reworking ‘development’ in Zimbabwe’s Eastern Highlands. In American Ethnologist 26, 654–99.

Radcliffe, S. (2001). Development the state and transnational political connection: state formation and networks in Latin America. In Global Networks 1, 19–36.

Riskin Carl, Zhao Renwei, Li Shi (2002). China’s Retreat from Equality. The University of Michigan Press; Ann Arbor.

Robison R., and Vedi R. Hadiz (2004). Reorganising power in Indonesia: The politics of oligarchy in an age of markets (London: Routledge Curzon, 2004);

Takeshi Ito (2011). Historicizing the power of civil society: A perspective from decentralization in Indonesia, In Journal of Peasant Studies 38, 2 (2011): 413–33.

UNDP (1997). Governance for sustainable human development: a UNDP policy document. New York: United Nations Development Programme.

Wang Shuna, Yao Yang (2007). Grassroots democracy and local governance: evidence from rural China. World Development. 2007; 29(10): 1635–1649.

Winters J., (2014). Oligarchy, Cambridge: Cambridge University Press.

Zhang Xiaobo, Fan Shenggen (2004). Public investment and regional inequality in rural China. In Agricultural Economics. 2004; 30(1): 89–100.

Yan Shen and Yang Yao (2008). Does grassroots democracy reduce income inequality in China?, Published in final edited form as: J Public Econ. 2008 October ; 92(10-11): 2182–2198.

Young K. R., (1994). A new political context: The urbanisation of the rural, in Democracy in

Indonesia: 1950s and 1990s, ed. David Bourchier and John D. Legge (Clayton: Centre of Southeast Asian Studies, Monash University, 1994), pp. 248–57.