Powered By Blogger

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

Ứng dụng Lý thuyết của Talcott Parsons trong Nghiên cứu Tết cổ truyền của các Dân tộc Thiểu sổ Việt Nam*

Hà Hữu Nga

Tóm tắt

Lễ tết cổ truyền của các DTTS là một thực tiễn hoạt động sống nảy sinh, tồn tại và vận động cùng với lịch sử của toàn dân tộc, vì vậy nó hiện diện một cách khách quan trong suốt tiến trình phát triển của đất nước ta. Và đó cũng là một trong những chủ đề quan trọng của nhiều ngành khoa học xã hội như lịch sử, dân tộc học, nhân học xã hội, nhân học văn hóa, văn hóa học, kinh tế-chính trị học, kinh tế học phát triển, luật học, nghiên cứu tôn giáo, nghiên cứu phát triển, chính sách công…v.v, và đặc biệt là nhân học, lao động và khoa học quản lý. Lễ tết cổ truyền tác động và chịu sự tác động không ngừng về mọi mặt của đời sống vật chất và tinh thần của con người, và đặc biệt tác động vừa trực tiếp vừa gián tiếp đến sự ổn định và phát triển của các cộng đồng DTTS nước ta hiện nay. Vì vậy về phương diện quản lý và hoạch định các chính sách có liên quan, việc ứng xử với lễ tết cổ truyền phải được thực hiện một cách tinh tế, bài bản, theo một lộ trình thích hợp. Và chức năng luận cấu trúc cùng lý thuyết hành động xã hội của nhà xã hội học lừng danh Talcott Parsons có thể được sử dụng như những công cụ hữu dụng giúp thực hiện lộ trình này.

Giới thiệu

Lễ tết cổ truyền của các dân tộc thiểu số (DTTS) và những vấn đề liên quan là một trong những chủ đề quan trọng của nhiều ngành khoa học xã hội như lịch sử, dân tộc học, nhân học xã hội, nhân học văn hóa, văn hóa học, kinh tế-chính trị học, kinh tế học phát triển, luật học, nghiên cứu tôn giáo, nghiên cứu phát triển, chính sách công…v.v, và đặc biệt là nhân học, lao động và khoa học quản lý. Về phương diện này còn cần phải tiếp tục làm sáng tỏ về những vấn đề lý thuyết và thực tiễn có liên quan, đặc biệt là việc ứng dụng lý thuyết bình đẳng giữa các tộc người, dân tộc, quốc gia, lý thuyết về quyền của các dân tộc thiểu số trong các công ước quốc tế, lý thuyết tổ chức lao động, lý thuyết phát triển bền vững tại các vùng bản địa và dân tộc thiểu số vào việc xây dựng khung lý thuyết tổ chức lễ tết cổ truyền. Cần xây dựng khung lý thuyết khoa học dựa trên các khoa học liên quan, nhất là lịch pháp học, phong tục học, tôn giáo học, luật học, tổ chức lao động và đặc biệt là nhân học văn hóa nhằm đề xuất giải pháp chính sách tổ chức lễ tết cổ truyền sao cho có thể đóng góp vào việc ổn định và phát triển bền vững vùng DTTS. Cuối cùng là việc tìm kiếm và sử dụng các công cụ nghiên cứu thích hợp vào đánh giá thực trạng, đánh giá các tác động, phân tích nguyên nhân và nhận diện những vấn đề cơ bản, cấp bách liên quan đến việc tổ chức lễ tết cố truyền trong các vùng DTTS hiện nay, nhằm đảm bảo ổn định và phát triển hài hòa vùng DTTS nước ta trong thời gian tới; đề xuất được các quan điểm, giải pháp tổ chức lễ tết cổ truyền theo định hướng phát triển bền vững cho các DTTS Việt Nam.

I. Khái niệm Lễ Tết Cổ truyền của các Dân tộc Thiểu số

1.1. Khái niệm lễ tết cổ truyền

Lễ tết là một sự kiện thường được tổ chức bởi một cộng đồng và tập trung vào một số khía cạnh đặc trưng lịch sử, đời sống, văn hóa, tôn giáo của cộng đồng đó. Lễ tết thường là một hoặc một số ngày lễ hội địa phương, vùng hoặc quốc gia. Bên cạnh nguồn gốc tôn giáo tín ngưỡng và văn hóa dân gian, một nguồn gốc quan trọng khác của lễ tết là nông nghiệp. Thực phẩm là một tài nguyên quan trọng vốn là cội nguồn của nhiều loại lễ tết và thường liên quan đến thời gian thu hoạch. Các lễ tết tôn giáo, các loại lễ hội tạ ơn mùa thu hoạch được pha trộn trong nhiều sự kiện lễ tết diễn ra vào mùa thu, chẳng hạn như lễ Halloween ở Bắc bán cầu và lễ Phục sinh ở các vùng phương Nam. Lễ tết thường phục vụ các mục đích xã cụ thể, đặc biệt là để kỷ niệm hoặc tạ ơn. Lễ kỷ niệm củng cố tình cảm gắn bó giữa các thành viên cộng đồng tôn giáo, xã hội hoặc địa lý, góp phần cố kết nhóm. Lễ tết còn là các hoạt động giải trí, đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng địa phương trước khi xuất hiện các loại hình giải trí sản xuất hàng loạt trong xã hội hiện đại. Lễ tết tập trung vào các chủ đề văn hóa hoặc dân tộc là cách thức thông báo cho các thành viên cộng đồng về truyền thống của họ; sự tham gia của những người lớn tuổi chia sẻ những câu chuyện và kinh nghiệm cung cấp một phương tiện cho sự thống nhất giữa các thành viên, gia đình và các nhóm xã hội đa dạng. Trong thời hiện đại, các loại lễ tết có thể có sự tham dự của những người ngoài cộng đồng, hoặc xa lạ như khách du lịch. Trong nhiều ngôn ngữ phương Tây, tlễ tết (festival) vào cuối thế kỷ XIV được sử dụng như một tính từ xuất phát từ tiếng Latin rồi du nhập vào tiếng Pháp cổ. Trong tiếng Anh thời trung đại, một “festival dai” là một ngày lễ tôn giáo (Middle English Dictionary 2014). Bản ghi đầu tiên từ festifall, được sử dụng như một danh từ là năm 1589. Từ l(feast) đầu tiên được đưa vào sử dụng như một danh từ khoảng năm 1200, việc sử dụng làm động từ, lần đầu tiên được ghi nhận là vào khoảng năm 1300 (Oxford University Press, 2014). T lễ (feast) cũng được sử dụng trong cách nói thế tục như một từ đồng nghĩa cho bất kỳ bữa ăn lớn nào. Khi được sử dụng như ý nghĩa của một lễ hội, thường mang ý nghĩa một lễ hội tôn giáo nhiều hơn là một loại hình liên hoan, chẳng hạn như nghệ thuật, phim ảnh). Ở nhiều thuộc địa Tây Ban Nha cũ, từ tiếng Tây Ban Nha fiesta được sử dụng để biểu thị một buổi lễ tôn giáo chung để tôn vinh một vị thánh bảo trợ (Picard, David; Robinson, Mike 2006).

Ở Trung Quốc, Tết cổ truyền là Tết Nguyên Đán và được quan niệm là có từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế, vào năm 2879 (TCN) và thay đổi theo từng thời kỳ. Theo truyền thuyết, khởi đầu của Tết Nguyên Đán Trung Quốc là một cuộc chiến chống lại con niên (- nián). Con niên hay đến vào dịp đầu năm mới để phá hoại gia súc, mùa màng và dân làng, đặc biệt là trẻ con. Để bảo vệ mình, dân làng đặt thức ăn trước cửa nhà vào dịp đầu năm. Mọi người tin rằng sau khi ăn những thức ăn đó, nó sẽ không làm hại con người nữa. Một lần, mọi người nhìn thấy con niên rất sợ một em bé mặc bộ đồ đỏ, người ta mới biết rằng hóa ra con niên sợ màu đỏ. Do đó, sau này, vào những ngày đầu năm mới, dân làng đều treo đèn lồng đỏ, dán giấy đỏ trên cửa sổ, cửa ra vào. Mọi người cũng dùng pháo hoa để làm cho con niên khiếp sợ. Từ đó, con niên không bao giờ tới làng nữa. Cuối cùng, con niên bị Hồng Quân Lão Tổ - thầy dạy của Tam Thanh là ba vị thần tiên tối cao trong Đạo giáo – bắt sống. Con niên trở thành vật cưỡi của Hồng Quân Lão Tổ (Từ Hải biên tập ủy viện hội - 辞海编辑, 2009).

Tuy còn nhiều tranh cãi, nhưng từ Tết trong tiếng Việt được nhiều người coi là âm Hán Việt cổ của chữ tiết. Tết và tiết đều bắt nguồn từ âm đọc trong tiếng Hán trung cổ của chữ “”. “Tết” xuất hiện trước “tiết”, vào giai đoạn chữ “tiết” có âm đọc trong tiếng Hán trung cổ là /tset/. “Tiết” xuất hiện sau “tết”, vào giai đoạn âm đọc trong tiếng Hán trung cổ của chữ “tiết” đã biến đổi thành /tsiet/. Ban đầu cả “tết” và “tiết” đều được phát âm giống như âm đọc của chữ “tiết” trong tiếng Hán ở thời điểm chúng được tiếng Việt vay mượn, về sau do sự biến đổi của ngữ âm tiếng Việt cách phát âm của chúng đã thay đổi thành “tết” và “tiết” như hiện nay. “Tết Nguyên Đán” vốn không phải là “Tiết Nguyên Đán” trong 24 bốn “Tiết khí” (chữ Hán: 節氣 pinyin: jiéqì) của Thời tiết phân chia theo lịch Mặt trăng (Nông lịch). Từ “nguyên” trong “Nguyên Đán” 元旦 có nghĩa là đầu, đầu tiên, còn “đán” có nghĩa là ngày. Nghĩa gốc của từ “Nguyên Đán” 元旦 là chỉ “Ngày đầu tiên (tức ngày mồng một) của một năm theo Nông lịch” (Aslaksen, Helmer 2010).

Các tác giả Việt Nam sử dụng nhiều khái niệm khác nhau để nói về tết cổ truyền nói chung và tết cổ truyền của các tộc người thiểu số nói riêng. Một số gọi đơn giản là “Tết” , “Lễ tết”, một số khác gọi là “Tết cổ truyền”, Tết Nguyên đán, Tết năm mới hoặc những cái tên cụ thể như  “Tết Cha Kchah của dân tộc Giẻ Triêng”, “Nào pê tràu của dân tộc H’mông (Đoàn Văn Chúc 1997; Trần Ngọc Thêm 1997; Chu Thùy Liên 2009; Huỳnh Ngọc Trảng 2018…). Đáng chú ý, “trong nhiều dân tộc ở Tây Bắc, Tây Nguyên không có danh từ Tết, thế nhưng hình thức và nội dung của các cuộc lễ, ngày hội lớn nhỏ được tiến hành sau khi thu hoạch vụ mùa cuối năm, vào thơi gian nửa mùa đông đầu mùa xuân, bao gồm nhiều tập tục về chúc tụng, cúng viếng, kiêng cữ, nhiều sinh hoạt văn hóa văn nghệ thể thao thể dục phong phú đều là hiện tượng của những ngày tết, trong một bầu không khí rất tết, cho nên có thể coi đó là những ngày tết của các dân tộc vùng cao” (Trần Quốc Vượng, Lê Văn Hảo, Dương Tất Từ 2006). Nói tóm lại, nội hàm khái niệm Tết cổ truyền của các DTTS được quan niệm như sau: i) Tết cổ truyền là thời điểm đánh dấu một năm mới bắt đầu theo lịch pháp của từng tộc người; dù được tổ chức vào thời điểm nào trong năm đi nữa thì cũng được các tộc người xem là lễ hội lớn nhất, là thời điểm để “tống cựu nghênh tân”; ii) Tết cổ truyền có từ lâu đời và được lưu truyền, được thực hành bởi các tộc người cho đến tận hiện nay; là bản sắc của mỗi dân tộc; iii) Tết cổ truyền là thời điểm con người thực hiện các nghi lễ  thờ cúng lớn nhất trong năm và cũng là thời điểm nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, thực hành lễ hội (Trần Hữu Sơn 2018).

1.2. Loại hình học lễ tết cổ truyền

Lễ tết cổ truyền thuộc phạm trù lễ hội và học giả danh tiếng Falassi đã đề xuất một định nghĩa trở thành kinh điển như sau: “Lễ hội là một sự kiện xã hội tái diễn định kỳ, thông qua nhiều hình thức và hàng loạt sự kiện phối hợp, với sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp, ở nhiều mức độ khác nhau của tất cả các thành viên của cả một cộng đồng, thống nhất bởi các ràng buộc tộc thuộc, ngôn ngữ, tôn giáo, lịch sử,đều có chung một thế giới quan. Cả chức năng xã hội và ý nghĩa cộng sinh của lễ hội đều liên quan mật thiết đến hàng loạt giá trị công khai mà cộng đồng thừa nhận là thiết yếu đối với hệ tư tưởng và thế giới quan, đối với bản sắc xã hội, tính liên tục lịch sử và sự tồn tại vật chất của họ, suy cho cùng đó chính là cái mà lễ hội kỷ niệm.” (Falassi, Alessandro 1987). Từ định nghĩa trên, Falassi đã xem xét một số loại hình học lễ hội như sau: i) Loại hình học lễ hội dựa trên sự đối lập giữa các lễ hội nông thôn với các lễ hội đô thị; các lễ hội nông thôn được cho là lâu đời hơn, mang tính điền địa, tập trung vào các nghi thức sinh sản phồn thực và huyền thoại vũ trụ, trong khi gần đây, các lễ hội đô thị tôn vinh sự thịnh vượng bằng các hình thức ít cổ xưa hơn và có thể được gắn liền với các truyền thuyết nền móng cũng như các sự kiện lịch sử và các kỳ công; ii) Loại hình học lễ hội dựa trên quyền lực, cấu trúc giai cấp và các vai trò xã hội, bằng cách phân biệt các lễ hội do người dân, vì người dân; những lễ hội được thể chế tổ chức, vì bản thân thể chế; và những lễ hội được người dân tổ chức, vì thể chế; những lễ hội được thể chế tổ chức vì người dân, và những lễ hội được tổ chức bởi người dân ngược lại với thể chế. Đặc biệt, ông còn nhấn mạnh đến yếu tố hành vi lễ hội cũng đã được nghiên cứu như một tổng thể phức tạp với một đặc điểm tượng trưng cơ bản. Đó là các hành vi sau: i) Sự đảo ngược mang tính tượng trưng thể hiện rất rõ trong các lễ hội như Lễ hội thờ Thần Nông Saturnalia của người La Mã, hay Lễ hội Lũ hề (Feast of Fools); ii) Hành vi lễ hội tương đồng với hành vi hàng ngày nhưng với một hình thái cách điệu hơn, và với ý nghĩa ngữ nghĩa tăng lên rất nhiều. Sở dĩ có hai cách tiếp cận trái ngược ấy là vì chức năng chính yếu và chung nhất của lễ hội là chối bỏ và sau đó là xác lập văn hóa, đổi mới định kỳ dòng mạch sống của một cộng đồng bằng cách tạo ra năng lượng mới và đưa ra hình phạt cho các thể chế của nó, thì phương tiện biểu tượng để đạt được điều đó chính thể hiện sự hỗn loạn nguyên thủy trước khi sáng tạo, hoặc một rối loạn mang tính lịch sử trước khi thiết lập văn hóa, xã hội hoặc chế độ nơi lễ hội diễn ra (Falassi, Alessandro 1987). Sự thể hiện như vậy không thể được thực hiện một cách chính xác bằng hành vi đảo ngược hoặc chỉ bằng các nghi thức tăng cường, mà còn bằng sự hiện diện đồng thời của tất cả các phương thức hành vi cơ bản của đời sống xã hội hàng ngày trong cùng một lễ hội, tất cả được biến đổi - bằng cách bóp méo, đảo ngược, cách điệu hoặc ngụy trang - theo cách mà họ đảm nhận một nhân vật tượng trưng đặc biệt có ý nghĩa. Do đó, cả sự nghịch đảo tượng trưng và sự tăng cường đều phải hiện diện trong lễ hội, và ngoài ra còn có yếu tố kiêng kị tượng trưng - ví dụ như kiêng làm việc, kiêng chơi, kiêng nghiên cứu, kiêng các nghi thức tôn giáo. Tóm lại, lễ hội trình hiện trọn vẹn một loạt phương thức hành vi, mỗi phương thức liên quan đến các phương thức sống bình thường hàng ngày. Vào thời điểm lễ hội, mọi người thường làm một việc gì đó mà thường ngày họ không làm; nhưng họ lại kiêng những thứ mà hàng ngày họ thường làm; họ thực hiện các hành vi cực đoan, mà những hành vi này thường được điều chỉnh theo chừng mực; họ đảo ngược các thức của cuộc sống xã hội hàng ngày. Đảo ngược, tăng cường, vi phạm và kiêng k là bốn điểm chính của hành vi lễ hội (Falassi, Alessandro 1987).

1.3. Một số loại hình lễ tết cổ truyền cơ bản

Lễ tết tôn giáo: Trong nhiều tôn giáo, lễ tết là một tập hợp các lễ kỷ niệm để tôn vinh các vị thần, Phật, Thượng đế hay Thiên Chúa (Bleeker, C. J. (1967 [1968]). Một nghi lễ tiệc tùng và một lễ hội trong lịch sử có thể hoán đổi cho nhau. Hầu hết các tôn giáo đều có lễ hội tái diễn hàng năm và một số, như Lễ Vượt Qua, Lễ Phục Sinh và Eid al-Adha là những tiệc tùng có thể dịch chuyển - đó là những lễ tết được xác định theo âm lịch, chu kỳ nông nghiệp hoặc lịch pháp sử dụng vào thời kỳ đó. Trong lịch phụng vụ Kitô giáo, có hai lễ tết chính, được gọi là Lễ Giáng sinh và Lễ Phục sinh. Trong các lịch pháp phụng vụ Công giáo thuộc Dòng Chính thống giáo phương Đông, và Anh giáo, có một số lượng lớn các lễ tết nhỏ hơn trong suốt năm để kỷ niệm các vị thánh, các sự kiện thiêng liêng hoặc các giáo lý. Ở nhiều vùng, mỗi ngày trong năm có ít nhất một lễ hội tôn giáo cụ thể, hoặc là từ nguồn gốc Công giáo, Hồi giáo hoặc bản địa. Các lễ hội tôn giáo Phật giáo, như Esala Perahera được tổ chức tại Sri Lanka và Thái Lan (Gerson, Ruth 1996). Lễ hội Hindu, chẳng hạn như lễ Holi rất cổ đại. Cộng đồng người Sikh kỷ niệm lễ hội Vaisakhi đánh dấu năm mới và sự ra đời của các bậc thầy Khalsa (Roy, Christian 2005).  

Hội mùa và Tết cơm mới: Hội mùa và Tết cơm mới, như Lễ hội lửa Beltane của người Scotland, được xác định bởi cả âm – dương lịch, theo chu kỳ của các mùa, đặc biệt là do ảnh hưởng của mùa màng đối với nguồn cung cấp thực phẩm, kết quả là có vô số lễ hội mùa và tết cơm mới cổ đại và hiện đại. Người Ai Cập cổ đại dựa vào ngập lụt theo mùa do sông Nile, một dạng thủy lợi, cung cấp đất màu mỡ cho cây trồng để tổ chức hội mùa (Bunson, Margaret 2009). Trong dãy núi Alps, hội mùa Almabtrieb được tổ chức vào mùa thu khi người ta đưa gia súc từ đồng cỏ trên núi về chuồng tránh đông trong thung lũng. Tương tự như vậy, ở Việt Nam có tết cơm mới mồng 10 tháng 10 hàng năm theo lịch âm. Lễ hội Dree của người Apatanis sống ở Hạ Arunachal Pradesh được tổ chức hàng năm từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 7 bằng cách cầu nguyện cho một vụ mùa bội thu (Govt. of Arunachal Pradesh 2004). Ngày thánh John hoặc Lễ Hạ chí, là một ví dụ về một lễ hội mùa, liên quan đến ngày lễ của một vị thánh Kitô giáo cũng chính là để ghi nhớ ngày hạ chí ở bán cầu bắc, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mùa màng ở Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan (Liman, Ingemar 1983). 

Lễ tết ẩm thực: Một lễ tết ẩm thực là một sự kiện tổ chức tôn vinh thức ăn hoặc đồ uống. Các lễ hội này thường để tuyên dương các sản phẩm của các nhà sản xuất của một khu vực nhất định. Một số lễ hội ẩm thực được tập trung vào một món ăn đặc biệt, chẳng hạn như Lễ hội đậu phộng quốc gia ở Hoa Kỳ, hoặc Lễ hội hàu quốc tế Galway ở Ireland. Ngoài ra còn có các lễ hội đồ uống đặc biệt, chẳng hạn như lễ hội bia Oktoberfest nổi tiếng ở Đức. Nhiều quốc gia tổ chức lễ hội để tôn vinh rượu vang. Điển hình là lễ kỷ niệm toàn cầu về sự xuất hiện của Beaujolais Nouveau – Lễ Rượu vang tươi, trong đó bao gồm vận chuyển rượu vang mới trên toàn thế giới cho buổi lễ tiến hành vào ngày Thứ năm thuộc tuần thứ ba của tháng mười một hàng năm. Cả Beaujolais Nouveau và rượu sake gạo Nhật Bản đều có liên quan đến thời gian thu hoạch (Hyslop, Leah 2013; Haine, W. Scott 2006). 

 

Lễ hội nghệ thuật: Trong số rất nhiều loại hình trình diễn thì lễ hội nghệ thuật nói chung, bao gồm các lễ hội thể hiện thành tựu trí tuệ hoặc sáng tạo như lễ hội khoa học, lễ hội thi ca, văn học và lễ hội âm nhạc (Ali‐Knight, J. and Robertson, M. 2004).  Các tiểu thể loại bao gồm các liên hoan phim hài, lễ hội nhạc rock, lễ hội nhạc jazz và lễ hội hát rong, xiếc rong; lễ hội thơ, lễ hội nhạc kịch, lễ hội kể chuyện; tái dựng các lễ hội truyền thống như hội chợ thời Phục hưng (Getz, D. 1991). Ở nhiều nước, ngoài các lễ hội nghệ thuật nằm rải rác trong suốt cả năm, còn có những tháng được gọi là tháng nghệ thuật quốc gia, đỉnh cao của tất cả các lễ hội nghệ thuật trong toàn bộ đất nước. Các lễ hội điện ảnh thể hiện qua các Liên hoan phim, tổ chức chiếu nhiều thể loại phim khác nhau và thường được tổ chức hàng năm. Một số liên hoan phim quan trọng nhất bao gồm Liên hoan phim quốc tế Berlin, Liên hoan phim Venice và Liên hoan phim Cannes. Tất cả đang tạo dựng thành một truyền thống trong xã hội hiện đại (Wong, Cindy Hing-Yuk 2011).

II. Ứng dụng Lý thuyết của Talcott Parsons trong nghiên cứu Lễ Tết

2.1. Ứng dụng hệ thống GAIL của Talcott Parsons

Chức năng luận cấu trúc và lý thuyết hành động xã hội của Talcott Parsons được kết tinh trong tập hợp Biến mô thức (Pattern Variables) nổi tiếng của ông và được thể hiện trong mô hình bốn hệ thống con của hệ thống xã hội. Parsons bắt tay vào phát triển một mô hình bốn hệ thống con xoay quanh bốn “nhiệm vụ”, đối mặt với một hệ thống xã hội liên quan đến môi trường của nó. Bốn hệ thống con này (hệ thống GAIL) được thể hiện như sau: i) Việc đạt được mục tiêu (goal-attainment) trước hết là thể chế, chính thể; ii) Sự thích ứng (adaptation), chủ chốt là kinh tế; iii) Mức độ hội nhập (integration), điển hình là hệ thống văn hóa: các giá trị chung liên quan đến pháp luật và kiểm soát xã hội), và iv) Tính ẩn (latency): vấn đề định chuẩn của động lực để thực hiện các vị trí trong hệ thống xã hội. (Parsons, T., & Shils, A., (eds) (1976).

Để ứng dụng hệ thống GAIL trong nghiên cứu lễ tết cổ truyền của các DTTS trước hết cần xác định đối tượng nghiên cứu. Ở đây, đối tượng nghiên cứu chính là hành động “Tổ chức Tết cổ truyền của một số DTTS”. Đối với Talcott Parsons, đây thực sự là một hành động xã hội, và thuộc lĩnh vực khoa học thể chế, mà cụ thể là thuộc hệ thống chính sách liên quan. Vì vậy đối tượng nghiên cứu này vừa thuộc lĩnh vực xã hội học lại vừa thuộc lĩnh vực khoa học thể chế. Khi đã có đối tượng nghiên cứu thì cần phải xác định đơn vị phân tích (Unit of Analysis): do đặc trưng kép của việc “tổ chức lễ tết cổ truyền” vừa với tư cách là một hành động xã hội, vừa với tư cách là một thể chế xã hội của cộng đồng, nên việc xác định đơn vị phân tích cũng mang tính chất kép: Về phương diện xã hội học thì đơn vị phân tích ở đây là hành động xã hội, và về phương diện thể chế thì đơn vị phân tích ở đây là Tết cổ truyền của các DTTS; chúng trả lời cho các câu hỏi nghiên cứu sau: i) Lễ tết cổ truyền của các DTTS là gì? Đây là một câu hỏi đặc biệt quan trọng, vì nếu không làm rõ nội hàm của vấn đề này thì sẽ không thể thấy được tính chất khác biệt của nó với khái niệm thông dụng ở Việt Nam: Tết cổ truyền thường được đồng nhất với tết Nguyên đán của người Kinh. Khi ứng dụng vào xây dựng chính sách về tết cổ truyền cho các DTTS, chắc chắn cách hiểu này sẽ khó tránh khỏi dẫn đến những sai lệch nghiêm trọng về phương diện thể chế: theo hệ thống GAIL của Talcott Parsons thì cách làm đó sẽ không đạt được mục tiêu của thể chế (phụ hệ thống G); không đạt được mục tiêu thích ứng kinh tế (phụ hệ thống A) mà điển hình là nền kinh tế sinh thái, kinh tế du lịch đầy tiềm năng từ các lễ hội của các DTTS; không đạt được mục tiêu hội nhập văn hóa (phụ hệ thống I), vì hầu hết các dân tộc thiểu số sẽ không chối bỏ tết cổ truyền của mình để đổi lấy Tết Nguyên đán; và cũng không đạt được mục tiêu định chuẩn để thực hiện các vị trí trong hệ thống xã hội (phụ hệ thống L), vì cho đến nay hàng loạt vị thế xã hội, kể cả của thần và người của hầu hết các DTTS vẫn được định chuẩn căn cứ vào các tiêu chí lễ tết cổ truyền của họ. Như vậy chỉ với câu hỏi “Lễ tết cổ truyền của các DTTS là gì?” khi đặt trong hệ thống GAIL của Talcott Parsons, chúng ta đã thấy xuất hiện vô số vấn đề nghiên cứu liên quan. Ấy là chưa kể đến việc trả lời các câu hỏi: Nó tồn tại ở đâu? Nó tồn tại khi nào?; ii) Tại sao lại phải tổ chức Tết cổ truyền của các DTTS? iii) Tổ chức Tết cổ truyền của các DTTS như thế nào? Ở đây, câu hỏi trung tâm giúp cho việc đề xuất được các quan điểm, định hướng của vấn đề chính là: Tổ chức Tết cổ truyền của các DTTS như thế nào? Với câu hỏi này, trong số ba loại hình nghiên cứu: i) Nghiên cứu thăm dò (Exploratory research) được thực hiện bằng các nghiên cứu trường hợp, ii) Nghiên cứu mô tả (Descriptive research) được thực hiện bằng phương pháp quan sát, và iii) Nghiên cứu giải thích (Explanatory research) thực hiện ở trong phòng và trả lời cho các câu hỏi Tại sao & Như thế nào) thì loại hình Nghiên cứu giải thích là bước quan trọng cuối cùng. Vì vậy, để có thể thu thập đầy đủ thông tin thì chúng ta cần làm rõ nội hàm của hai đơn vị phân tích trên bằng việc thao tác các phạm trù, khái niệm, biến số liên quan.

2.2. Diễn giải các khái niệm chủ chốt liên quan

Phạm trù (Construct): “Tổ chức Tết cổ truyền của các DTTS” (thực chất là xây dựng một loại hình thể chế về tổ chức Lễ hội của người DTTS kết hợp cả đặc trưng phi chính thức của cộng đồng và chính thức của nhà nước) bao gồm hai tác nhân xã hội (social actor) tương tác với nhau: i) Tác nhân cộng đồng các cộng đồng làng xã tổ chức Lễ hội theo truyền thống (hương ước, khoán ước, lệ làng, phong tục), vì vậy hành động xã hội này (social act) thuộc lĩnh vực thể chế phi chính thức (xem định nghĩa thể chế phi chính thức ở dưới); ii) Tác nhân Nhà nước  [quản lý] tổ chức  việc Tổ chức Tết cổ truyền bằng các thể chế chính thức (bao gồm hệ thống chính trị (đảng, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến thôn bản); Quốc hội – Hội đồng Nhân dân; Chính quyền (4 cấp Trung ương – Tỉnh – Huyện - Xã); hệ thống thể chế: Chủ trương, Đường lối, Chỉ thị, Hiến pháp, Luật pháp, Pháp lệnh, Quy định, Quyết định, cơ chế, chính sách, Chương trình, Kế hoạch, Dự án,…vv. Vì vậy khung phân tích hành động Tổ chức Tết cổ truyền trước hết phải bao quát được cả hai tác nhân xã hội trên. Vì vậy không thể chỉ chú trọng vào việc Tổ chức Tết cổ truyền của tác nhân cộng đồng làng xã mà bỏ qua tác nhân nhà nước được. Tổ chức Tết cổ truyền là một phạm trù hành động xã hội (social act) là đối tượng của Xã hội học, nên cần phải tìm một khung lý thuyết xã hội học cho hành động xã hội này. Trong trường hợp này, khung lý thuyết chức năng luận cấu trúc (structural functionalism) với hệ mẫu AGIL của nhà xã hội học Talcott Parsons có thể phù hợp. Để có thể ứng dụng được lý thuyết này, chúng ta tóm lược nội dung của hệ mẫu AGIL (AGIL paradigm) như sau: A - Thích ứng Adaptation, G - Đạt được mục tiêu Goal Attainment, I - Hòa nhập Integration, L - Duy trì các mô thức ẩn tàng (Latent-Pattern Maintenance). Khung phân tích này gồm 4 biến số độc lập như sau: i) Sự thích ứng (Adaptation) trong việc Tổ chức Tết cổ truyền; ii) Việc đạt được các mục tiêu (Goal Attainment) trong việc Tổ chức Tết cổ truyền; iii) Sự Hòa nhập (Integration) trong việc Tổ chức Tết cổ truyền; iv) Việc duy trì các mô thức truyền thống ẩn tàng (các thể chế phi chính thức) giúp đảm bảo ổn định xã hội cộng đồng Latent-Pattern Maintenance) thông qua việc Tổ chức Tết cổ truyền.

Khung lý thuyết Thể chế: Như trên đã nói, Tổ chức Tết cổ truyền của cộng đồng cư dân làng xã bao gồm hai tác nhân là cộng đồng và nhà nước tương tác với nhau thông qua các thể chế phi chính thức của cộng đồng và các thể chế chính thức của nhà nước, cho nên đối tượng nghiên cứu này còn yêu cầu phải có Khung lý thuyết Thể chế nữa (North, Douglas 1989). Về phương diện này, Khung lý thuyết 4 loại hình tương tác giữa các thể chế phi chính thức của cộng đồng và các thể chế chính thức của Nhà nước của các học giả Mỹ Gretchen Helmke và Steven Levitsky có thể phù hợp. Đó là: i) Vai trò bổ sung của hệ thống thể chế phi chính thức, góp phần khắc phục những thiếu hụt hoặc làm tăng thêm hiệu quả và sức mạnh thực thi của hệ thống thể chế chính thức; ii) Vai trò điều chỉnh của hệ thống thể chế phi chính thức, góp phần khắc phục tình trạng lệch hướng và/ hoặc tăng cường tính phù hợp của hệ thống thể chế chính thức; iii) Vai trò cạnh tranh của hệ thống thể chế phi chính thức tạo môi trường đua tranh cho quá trình bổ sung và đổi mới hệ thống thể chính thức, hoặc cản trở, làm lệch hướng quá trình bổ sung và đổi mới hệ thống thể chính thức; iv) Vai trò thay thế của hệ thống thể chế phi chính thức, luôn là cặp bài trùng và luôn song hành với vai trò cạnh tranh của hệ thống thể chế phi chính thức (Helmke G. and S. Levitsky 2004), trong đó nguồn vốn xã hội và văn hóa như quan hệ cộng đồng, gia đình, dòng họ, thể chế già làng, đặc biệt là phong tục tập quán; tín ngưỡng, tôn giáo có thể được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau (Hà Hữu Nga 2014).

Lựa chọn Khung lý thuyết nghiên cứu Tết cổ truyền của các DTTS Việt Nam: Khung lý thuyết này phải đảm bảo kết hợp được cả Khung lý thuyết Xã hội học và Khung lý thuyết Thể chế bằng cách trả lời câu hỏi xuyên suốt của chủ đề và đơn vị phân tích: Tổ chức Tết cổ truyền như thế nào? (Có thể coi đây là một mô hình, một mẫu tham chiếu thể hiện các khía cạnh cơ bản của một hệ thống hiện tồn - có sẵn trong tự nhiên hoặc được con người tạo ra - có thể nhân rộng để sử dụng cho các mục đích nào đó (Eykhoff, Pieter 1974). Đó phải là việc Tổ chức Tết cổ truyền tốt, đảm bảo các thuộc tính, hoặc các tiêu chí sau: i) Tính kế thừa (Latency); ii) Tính phù hợp (Adaptation); iii) Tính hòa nhập (Integration) và iv) Tính hiệu quả (Goal Attainment). Các thuộc tính được gán cho (nói cách khác là được giả định) để Tổ chức Tết cổ truyền thành một mô hình lễ hội tốt ấy tạo thành khung lý thuyết cho việc phân tích hành động xã hội “Tổ chức Lễ tết cổ truyền của các DTTS”. Việc làm rõ các đơn vị phân tích là rất quan trọng, bởi vì nó sẽ quy định loại thông tin, tài liệu nào nào cần thu thập và thu thập từ đâu. Sau đó là việc thao tác các thuộc tính trên với tư cách là mối quan hệ giữa các biến độc lập để xác định được các biến phụ thuộc (các biến giải thích – được giải thích; các biến nguyên nhân – kết quả).

Kết luận

Lễ tết cổ truyền là một thực tiễn hoạt động sống nảy sinh, tồn tại và vận động cùng với lịch sử của mọi cộng đồng người trên toàn thế giới, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng của đời sống xã hội của loài người, vì vậy nó hiện diện một cách khách quan trong suốt tiến trình phát triển của các cộng đồng người khác nhau. Lễ tết cổ truyền tác động và chịu sự tác động không ngừng về mọi mặt của đời sống vật chất và tinh thần của con người, và đặc biệt tác động vừa trực tiếp vừa gián tiếp đến sự ổn định và phát triển của các dân tộc, các cộng đồng người, trong đó có các cộng đồng DTTS (dân tộc thiểu số) nước ta hiện nay. Vì vậy về phương diện quản lý và hoạch định các chính sách có liên quan, việc ứng xử với lễ tết cổ truyền phải được thực hiện một cách tinh tế, bài bản, theo một lộ trình thích hợp. Và chức năng luận cấu trúc cùng lý thuyết hành động xã hội của Talcott Parsons có thể trở thành những công cụ thích hợp giúp thực hiện lộ trình này.

___________________________________________

* Tạp chí Văn hóa học, số 5(51), Hà Nội 2020, tr.15-23.

Summary

Traditional festivals of ethnic minorities are a living practice that arose, existed and campaigned along with the history of the entire nation, so it is objectively present throughout the development process of our country. And it is also one of the important topics of many social sciences such as history, ethnography, social anthropology, cultural anthropology, cultural studies, politico-economics, development economics, jurisprudence, religious studies, development studies, public policy...etc., and especially anthropology, labor sciences and management sciences. Traditional festivals impact and are constantly influenced by all aspects of human spiritual and material life, and especially affect both directly and indirectly the stability and development of ethnic minorities communities in our country today. In terms of management and planning of relevant policies, therefore, the treatment of traditional festivals must be done in a delicate, methodical manner, according to an appropriate roadmap. And the structural functionalism and social action theory of renowned sociologist Talcott Parsons can be used as useful tools to help with this roadmap.

Tài liệu dẫn

Ali‐Knight, J. and Robertson, M. (2004). Introduction to arts, culture and leisure. In Festival and events management. An international arts and culture perspective, Edited by: Yeoman, I., Robertson, M., Ali‐Knight, J., Drummond, S. and McMahon‐Beattie, U. 313. Oxford/Burlington, MA: Elsevier Butterworth‐Heinemann.

Aslaksen, Helmer (2010). The Mathematics of the Chinese Calendar, National University of Singapore, p. 31

Bleeker, C. J. (1967 [1968]). Egyptian festivals. Enactments of religious renewal. Leiden, The Netherlands: E. J. Brill.

Bunson, Margaret (2009). Nile festivals. Encyclopedia of Ancient Egypt. Infobase Publishing.

Chu Thùy Liên (2010). Nào Pê Tràu của dân tộc Hmông, In trong Thông báo văn hóa dân gian năm 2009, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Đoàn Văn Chúc 1997. Văn hóa học. Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

Eykhoff, Pieter (1974). System identification: parameter and state estimation. London: Wiley-Interscience).

Falassi, Alessandro (1987). Festival - Definition and Morphology, In Time Out of Time: Essays on the Festival, edited by Alessandro Falassi, Publisher: University of New Mexico Press; 1st edition (April 1, 1987)., pp. 1-10.

Gerson, Ruth (1996). Traditional festivals in Thailand. Kuala Lumpur; New York: Oxford University Press. ISBN 9676531111.

Getz, D. 1991. Festivals, special events and tourism, New York: Van Nostrand Reinhold.

Govt of Arunachal Pradesh (2004). Press release – Dree festival. Directorate of Information, Govt of Arunachal Pradesh.

Hà Hữu Nga 2014. Mối tương tác giữa các thể chế chính thức và phi chính thức ở Tây Nguyên. Bài viết cho Đề tài cấp Nhà nước: Xây dựng luận cứ khoa học cho việc bổ sung và đổi mới hệ thống thể chế phát triển bền vững vùng Tây Nguyên. Mã số TN3/X09. 2013-2014.

Haine, W. Scott (2006). Culture and Customs of France. Greenwood Publishing Group. p. 103.

Helmke, Gretchen and Steven Levitsky (2004). Informal Institutions and Comparative Politics: A Research Agenda. Perspectives on Politics, Vol. 2, No. 4 (Dec., 2004), pp. 725-740, Published by: American Political Science Association. 

Huỳnh Ngọc Trảng 2018. Khảo luận về Tết. Nxb. Văn hóa - Văn nghệ Tp. HCM. Thành phố Hồ Chí Minh.

Hyslop, Leah (2013). Beaujolais Nouveau day: 10 facts about the wine. The Telegraph, (21 November 2013).

Liman, Ingemar (1983). Traditional Festivities in Sweden. Stockholm: Swedish Institute, 1983..

Middle English Dictionary (2014). Festival, adj.”. Accessed April 16, 2014.

North, Douglas (1989). Institutions and Economic Growth: An Historical Introduction, World Development, Vol. 17, No. 9, pp. 1319-1332.

Oxford University Press (2014). OED Online. “Festival, adj. and n.”. OED Online. March 2014.

Parsons, Talcott (1949). The Structure of Social Action – A Study in Social Theory with Special Reference to a Group of Recent European Writers. Harvard University, The Free Press Glencoe, Illinois 1949, pp. 43-51; (Chapter II, Action Theory).

Parsons, T., & Shils, A., (eds) (1976). Toward a General Theory of Action, Harvard University Press, Cambridge

Picard, David; Robinson, Mike (2006). Remaking Worlds: Festivals, Tourism and Change. In David Picard and Mike Robinson. Festivals, Tourism and Social Change. Channel View Publications. pp. 1–3.

Roy, Christian (2005). Sikh Vaisakhi: Anniversary of the Pure. Traditional Festivals, Vol. 2 [M – Z]: A Multicultural Encyclopedia. ABC-CLIO. p. 480.

Trần Hữu Sơn (2018). Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổ chức Tết cổ truyền của một số dân tộc thiểu số Việt Nam (Tổng quan Thuyết minh Đề tài nghiên cứu khoa học). Hà Nội.

Trần Ngọc Thêm 1997; Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 1997.

Trần Quốc Vượng, Lê Văn Hảo, Dương Tất Từ (2006). Mùa xuân và phong tục Việt Nam. Nxb. Văn Hoá - Thông Tin, Hà Nội 2006.

Từ Hải biên tập ủy viện hội - 辞海编辑 (2009).

Wong, Cindy Hing-Yuk (2011). Film Festivals: Culture, People, and Power on the Global Screen. New Brunswick, NJ: Rutgers University Press, 2011.