Powered By Blogger

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

Chính trị Làng xã (IV)

(HHN-Tổng quan Tài liệu cho BCN CTKHCN NTM 2016-2020, vì vậy Tài liệu này thuộc quyền của BCN, và mọi cách trích dẫn, sử dụng đều không hợp thức nếu chưa được sự đồng ý của BCN CTKHCN NTM) 

4. Biến đổi trong Quan hệ Người bảo trợ-Khách hàng

Người ta có thể tạo ra những khác biệt gần như vô hạn giữa các mối quan hệ người bảo trợ-khách hàng. Các chiều góc của sự biến đổi xem xét ở đây được lựa chọn bởi vì chúng có vẻ đặc biệt phù hợp với mục tiêu phân tích đánh giá những thay đổi trọng tâm trong các mối quan hệ như vậy ở những khu vực khác nhau trên thế giới, đối với hầu hết trường hợp các quốc gia tiền công nghiệp.

4.1. Cơ sở Nguồn lực của người Bảo trợ

Một người bảo trợ tiềm năng tập hợp khách hàng trên cơ sở khả năng bảo trợ cho họ. Đối với việc đầu tư tài sản của mình, người bảo trợ kỳ vọng sẽ thu lợi được các nguồn nhân lực - dưới dạng sức mạnh của bổn phận và số lượng khách hàng có nghĩa vụ đối với ông ta. Cơ sở nguồn lực hoặc bản chất của tài sản mà người bảo trợ có thể sử dụng thường rất khác nhau. Cơ sở hữu ích để phân biệt giữa các nguồn lực là tính trực tiếp mà chúng được kiểm soát. Theo nghĩa này, những người bảo trợ có thể dựa vào a) tri ​​thức và kỹ năng của riêng họ, b) quyền kiểm soát trực tiếp tài sản bất động sản cá nhân, hoặc c) quyền kiểm soát gián tiếp đối với tài sản hoặc quyền hạn của những người khác (thường là của công chúng). Các nguồn lực về kỹ năng và tri ​​thức dễ nhận thấy nhất trong các vai trò của luật sư, bác sĩ, người biết chữ, chỉ huy quân sự địa phương, các thầy – có đạo hoặc thế tục. Những người được trang bị những kỹ năng này kiểm soát các nguồn lực khan hiếm hơn là có thể nâng cao địa vị xã hội, sức khỏe hoặc phúc lợi vật chất của những kẻ khác. Vì những nguồn tài nguyên đó dựa vào tri ​​thức nên chúng ít bị hư hỏng hơn những nguồn tài nguyên khác - mặc dù vòng đời của chuyên gia là hữu hạn - nhưng có thể được sử dụng lại nhiều lần mà không bị suy giảm. Những nguồn lực đó là tương đối, chứ không tuyệt đối, an toàn. Ví dụ, trong trường hợp luật sư và người có học, giá trao đổi của các dịch vụ của họ phụ thuộc vào sự tồn tại liên tục của hệ thống tòa án và sự tôn sùng một truyền thống hiếu học cụ thể, mà cả hai đều phụ thuộc vào những thay đổi. Tương tự như vậy, giá trị của sự bảo vệ của một thủ lĩnh quân sự địa phương cũng dễ bị mất giá khi nhà nước dân tộc đã thiết lập luật pháp và trật tự cho cả địa phương của ông ta. (Scott, James C., 1972: 97-98)

Phụ thuộc vào quyền kiểm soát trực tiếp bất động sản là phương tiện phổ biến thứ hai để tạo dựng được những tập hợp khách hàng. Theo truyền thống, người bảo trợ chủ chốt kiểm soát nguồn đất đai khan hiếm. Những người mà ông ta cho phép canh tác khoảng đất đó với tư cách là người chia sẻ-hoa lợi hoặc người thuê đất trở nên có nghĩa vụ vĩnh viễn đối với ông ta trong việc cung cấp các phương tiện sinh sống của họ. Bất kỳ kẻ kinh doanh nào cũng ở vào lập trường tương tự; với tư cách là chủ của một nhà máy sản xuất thuốc lá, một nhà máy xay xát gạo hoặc một cửa hàng nhỏ, ông ta có thể bắt buộc nhiều người trong số những người có địa vị thấp hơn mà ông ta thuê, người mà ông ta cung cấp tín dụng cho hoặc người mà ông ta cung cấp việc làm phải có nghĩa vụ với ông ta. Nói chung, loại nguồn lực này dễ hỏng hơn các kỹ năng cá nhân. Chỉ những chủ đất có quá nhiều diện tích đất canh tác, một doanh nhân có nhiều việc làm, một chủ cửa hàng có rất nhiều tiền mặt, thì họ đều phải đầu tư cẩn thận những nguồn lực đó để mang lại lợi nhuận tối đa. Hơn nữa, giống như bất kỳ tài sản bất động sản nào, bất động sản tư nhân cũng có thể bị trưng thu hoặc bị hạn chế sử dụng. (Scott, James C., 1972: 98)

Cơ sở tài nguyên thứ ba có sẵn cho khách hàng tiềm năng là thứ có thể được gọi là tài sản gián tiếp, dựa trên-chức vụ. Ở đây, chúng tôi đề cập đến những người bảo trợ tạo dựng tập hợp khách hàng dựa trên sức mạnh của quyền tự do phân phối phần thưởng do một bên thứ ba (các bên) nào đó đặt cho sự tin tưởng của họ. Một trưởng làng sử dụng quyền hạn của mình trong việc phân chia đất đai của công xã cho người nghèo hoặc phân bổ lao động bắt buộc và gánh nặng thuế má để mở rộng tập hợp khách hàng cá nhân của mình có lẽ là một ví dụ điển hình của quan hệ gia trưởng dựa trên-chức vụ truyền thống. Người ta có thể phân loại những người nắm giữ chức vụ tương tự ở các môi trường thuộc địa hoặc đương đại, những người có các loại quyền lực tùy ý đối với việc làm, thăng chức, hỗ trợ, phúc lợi, cấp phép, cho phép và đối với các giá trị khan hiếm khác có thể đóng vai trò là cơ sở của một mạng lưới những người tùng phục theo bổn phận cá nhân. Các chính trị gia và các nhà cai trị sử dụng chức vụ của họ theo cách này để tưởng thưởng cho khách hàng trong khi vi phạm các chuẩn mực chính thức về ứng xử nơi công cộng, tất nhiên đang hành động theo các nhũng lạm. (Scott, James C., 1972: 97-98)

Cuối cùng, nên bổ sung thêm những người nắm giữ các chức vụ thuộc khu vực tư nhân trong khu vực tư như quản lý đồn điền, đại lý thu mua và các ông chủ được thuê theo hợp đồng, những người cũng có thể sử dụng quyền hạn tùy ý của mình để nuôi dưỡng một tập hợp khách hàng. Tài sản gián tiếp dựa trên-chức vụ kém an toàn nhất ở nhiều khía cạnh, vì tính khả dụng của nó phụ thuộc vào tính liên tục vào cái địa vị dẫu sao cũng chỉ là được các bên thứ ba trao cho hoặc thu hồi lại bất kỳ lúc nào. Một chủ đất thường vẫn giữ lại được cơ sở địa phương của mình trong khi một người có chức vụ nào đó có khả năng bị một kẻ khác đánh bại tại các cuộc bầu bán, hoặc chỉ đơn giản là bởi một cuộc tranh giành quyền lực trong nhóm cầm quyền. Bất chấp các rủi ro liên quan, những vị trí này vẫn hấp dẫn bởi vì các nguồn lực được kết nối với nhiều người trong số họ lớn hơn nhiều so với những nguồn lực mà một cá nhân có thể tích lũy trực tiếp. Các loại nguồn lực vừa thảo luận không loại trừ lẫn nhau. Ví dụ, một người bảo trợ thường có một khách hàng có bổn phận đối với ông ta bằng cách trở thành người thuê đất của ông ta và còn bằng cách đảm bảo một khoản vốn vay nông nghiệp thông qua quyền lực của địa vị chủ tịch đảng cầm quyền địa phương của người bảo trợ. Do đó, các nguồn lực củng cố mối quan hệ mang tính chất cặp đôi có thể là vô số - mà vấn đề thường là quyết định những gì là các nguồn lực chiếm ưu thế. Phần lớn có thể áp dụng phân tích tương tự đối với cụm khách hàng hoặc mạng khách hàng, vì một người bảo trợ có thể có các khách hàng bị ràng buộc với ông ta bởi các loại nguồn lực khá khác nhau, và điều quan trọng là phải xác định xem nguồn lực chính là gì để sử dụng làm công cụ kết nối cụm khách hàng lại với nhau. (Scott, James C., 1972: 98)

4.2. Cơ sở Nguồn lực của Khách hàng

Với tư cách là thành viên khác của một cặp quan hệ có đi có lại, khách hàng có nghĩa vụ phải cung cấp hỗ trợ và dịch vụ khi người bảo trợ yêu cầu. Sự khác biệt về bản chất của sự hỗ trợ như vậy là một phương tiện khác để phân biệt một cặp quan hệ người bảo trợ-khách hàng với một cặp khác. Ở đây vấn đề cần phải phân biệt là: (1) dịch vụ lao động và hỗ trợ kinh tế do người thuê đất hoặc người làm mướn cung cấp; (2) nhiệm vụ quân sự hoặc các vụ chém giết, chẳng hạn như những vụ việc do các thành viên của một băng nhóm thực hiện cho thủ lĩnh của họ; và (3) các nhiệm vụ chính trị như vận động bầu cử hoặc hoạt động như một người đại diện cho một chính trị gia. Trong phạm vi “nhiệm vụ chính trị”, cần phải tách các nhiệm vụ bầu cử ra khỏi sự trợ giúp chính trị không liên quan đến bầu cử. Cần phải nhấn mạnh thêm là thuật ngữ “khách hàng” có thể bao gồm cả những người ở giữa kim tự tháp quan hệ người bảo trợ-khách hàng - là khách hàng của ai đó có địa vị cao hơn, và là người bảo trợ cho những ai đó có dịa vị thấp hơn. Trong trường hợp này, người bảo trợ cao hơn sẽ quan tâm đến các dịch vụ tiềm năng của khách hàng của mình, mà các dịch vụ đó sẽ bao gồm quy mô, kỹ năng, tài sản và vị thế của chính nhóm tùng phục của riêng người khách hàng cấp dưới. Cũng giống như một cặp quan hệ người bảo trợ-khách hàng có thể được phân biệt bằng cơ sở nguồn lực chính của tập hợp khách hàng, do đó, có thể phân loại một cụm người bảo trợ-khách hàng theo mô thức hình thái của các dịch vụ khách hàng cho toàn bộ cụm hoặc kim tự tháp quan hệ người bảo trợ-khách hàng. (Scott, James C., 1972: 98)

4.3. Cân bằng Quan hệ Tình cảm và Công cụ

Theo định nghĩa, các mối quan hệ công cụ đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ người bảo trợ-khách hàng. Tuy nhiên, có thể phân loại các cặp quan hệ như vậy theo mức độ mà các ràng buộc tình cảm cũng tham gia vào mối quan hệ đó. Ở một đầu của chuỗi liên tục này, người ta có thể đặt các ràng buộc người bảo trợ-khách hàng, ngoài đặc tính công cụ của chúng, còn được củng cố bởi các gắn kết tình cảm ngày càng phát triển, chẳng hạn, từ người bảo trợ và khách hàng từng là bạn học, là đồng hương, là họ hàng xa, hay chỉ đơn giản là yêu thương quý mến nhau. Một mặt, phần thưởng tình cảm khả dĩ so sánh cũng có thể bắt nguồn từ việc trao đổi sự tôn quý, và mặt khác, càng cao sang thì trách nhiệm càng lớn trong một mạng vị thế của xã hội nông dân ổn định - phần thưởng có giá trị vượt ra ngoài sự trao đổi vật chất mà chúng thường bao hàm. Không có gì mâu thuẫn khi cho rằng mối liên kết người bảo trợ-khách hàng bắt nguồn từ mối quan hệ quyền lực, và mối quan hệ tình cảm chân thực cũng củng cố mối liên kết đó. Mối quan hệ tình cảm thường giúp hợp thức hóa một mối quan hệ bắt nguồn từ sự bất bình đẳng. Vì trái lại, có lập luận bắt đầu với giả định cho rằng một số nền văn hóa tạo ra nhu cầu tâm lý về sự phụ thuộc. (Scott, James C., 1972: 99) Nhà triết học và phân tâm học Mannoni cho rằng người châu Âu ở Madagascar thể hiện nhu cầu cảm thấy được người khác đánh giá cao. Mối quan hệ phụ thuộc và thấp kém đã được thiết lập trước khi mỗi cá nhân người châu Âu bước vào hoàn cảnh thuộc địa. Một mặc cảm tự ti xuất hiện đặc biệt đối với những người thực dân mà “sự thiếu hòa đồng nghiêm trọng kết hợp với sự thôi thúc bệnh hoạn để thống trị” thúc giục họ tìm cho ra một hoàn cảnh với những người lệ thuộc. Mặc cảm này đặc biệt phổ biến ở những người thực dân với lòng tự tôn khó làm nguội lạnh, cụ thể hơn càng được nâng lên, khi có sự hiện diện của chính những kẻ tòng phục của mình, nơi ông ta cảm thấy rằng ông ta không thể cạnh tranh. (Mannoni D. O., 1964: 102).

Ở đầu khác của chuỗi, có một mối ràng buộc mang tính cặp đôi gần hơn nhiều với sự trao đổi hàng hóa và dịch vụ gần như trung tính. Mối quan hệ càng thuần túy mang tính cưỡng chế và càng ít tính hợp thức truyền thống, thì khả năng ràng buộc tình cảm sẽ càng ít. (Scott, James C., 1972: 99) Nếu xem xét toàn bộ những đám tùng phục của một người bảo trợ, chúng ta sẽ có thể phân loại từng loại ràng buộc chiều dọc theo tỷ lệ tình cảm so với phần thưởng công cụ có liên quan. (Tất nhiên, người ta có thể làm điều tương tự đối với các liên minh ngang. Sử dụng tiêu chí này, có thể xác định một tập hợp những người tùng phục, trong đó tỷ lệ quan hệ tình cảm so với các mối quan hệ công cụ là tương đối cao, có thể phản ánh quan hệ họ hàng xa, mối quan hệ làng xã, hàng xóm cũ hoặc các ràng buộc có thể so sánh được. Lòng trung thành của nhóm người tùng phục này có lẽ ít phụ thuộc vào dòng lợi ích vật chất liên tục, đơn giản bởi vì lòng trung thành của họ một phần dựa trên những trao đổi phi vật chất. Khi vượt ra ngoài quan hệ tùng phục về phần tình cảm đối với những người ủng hộ khác của một người bảo trợ, thì trọng lượng của các quan hệ dụng cụ, thường là vật chất, trở nên tương đối quan trọng hơn. Bản chất của việc tùng phục/ đi theo một người - sự cân bằng giữa các mối quan hệ tình cảm với các ràng buộc công cụ buộc khách hàng của ông ta phải có nghĩa vụ với ông ta - có thể cho chúng ta biết điều gì đó về sự ổn định của nó trong các điều kiện khác nhau. Khi một người bảo trợ gia tăng cơ sở nguồn lực vật chất của mình, thì lượng tùng phục mang tính công cụ của ông ta sẽ có xu hướng phát triển nhanh chóng, còn khi ông ta suy giảm nguồn lực vật chất, thì lượng tùng phục kia cũng sẽ giảm đi nhanh chóng, vì lúc đó khách hàng sẽ tìm kiếm một nhà lãnh đạo có triển vọng hơn. Về nguyên tắc, mức độ phụ thuộc vào các biện pháp khuyến khích vật chất trong phạm vi tùng phục chính là một phẩm chất mà người ta có thể đo lường bằng cách thiết lập mức độ lớn hơn mức phần thưởng vật chất hiện tại mà một người bảo trợ đối địch sẽ phải cung cấp để loại bỏ một số lượng nhất định khách hàng của người bảo trợ khác. (Scott, James C., 1972: 99) 

Sự phân biệt tình cảm - công cụ vừa được thực hiện dẫn đến sự phân biệt tương tự, nhưng không giống hệt nhau, giữa nhóm tùng phục hạt nhân và nhóm tùng phục ngoại vi của một người bảo trợ. Những hạng mục này thực sự được phân phối dọc theo một chuỗi liên tục; ở nhóm ngoại vi của một người bảo trợ là những khách hàng tương đối dễ tách rời trong khi nhóm hạt nhân lại là những người có mối gắn bó chặt chẽ hơn với ông ta. Nhóm ngoại vi bao gồm các khách hàng bị ràng buộc phần lớn bởi các phần thưởng công cụ, trong khi nhóm hạt nhân lại bao gồm các khách hàng gắn kết bởi các mối quan hệ tình cảm bền chặt, cũng như các khách hàng bị thu hút bởi một người bảo trợ nhờ vào các mối ràng buộc công cụ mạnh mẽ đến mức các ràng buộc đó dường như không thể phá vỡ. (Scott, James C., 1972: 99) Cơ cấu chính trị một cấp - mà chính trị làng xã thuộc lĩnh vực này - bao gồm các quy tắc về: i) Giải thưởng - tức là định nghĩa về các quy tắc nào mang lại danh dự; ii) Nhân sự - tức là xác định các quy tắc đủ điều kiện để một người đàn ông tìm kiếm danh dự và các quy tắc khác về thành phần của các đội; iii) Chiến thuật thủ tục, được phân loại thành lật đổ, đối đầu và chạm trán.

Một tập hợp các khẳng định nảy sinh từ sự phân biệt giữa cấu trúc chính trị và môi trường của nó, đó là: i) Chính trị là sự cạnh tranh có trật tự cho một số loại mục đích có giá trị nhất định; ii) Các cấu trúc chính trị xác định có thể được phân biệt khỏi môi trường của chúng, bao gồm các cấu trúc xã hội phi-chính trị, một số cấu trúc phi-xã hội và đôi khi là cấu trúc chính trị đối địch; iii) Mối quan hệ giữa cấu trúc chính trị và môi trường của nó được nhìn nhận dưới khía cạnh phản hồi tích cực cũng như tiêu cực; iv) Cuối cùng, những quy định này là những tuyên bố kết nối các biến số trong một cấu trúc chính trị với các biến môi trường. (Bailey, F. G., 1968: 281-294).

Điều đó, thực tế, rốt cuộc là để phân biệt giữa sự tùng phục hầu như không thể cưỡng lại đối với một người bảo trợ và sự sự tùng phục ít ​​nhiều dao động, tùng phục theo kiểu “phù thịnh” (fair-weather) đối với một người bảo trợ. Theo đó, những người bảo trợ có thể được phân biệt bằng kích cỡ nhóm hạt nhân - so với kích cỡ nhóm ngoại vi của họ. Một chủ đất hoặc một doanh nhân nói chung sẽ có một nhóm nhóm hạt nhân khá lớn bao gồm cả bạn bè, người thân của anh ta, v.v. và những người thuê đất hoặc người làm của ông ta. Nhóm hạt nhân này là nhóm theo ông ta ngay từ đầu; tập hợp khách hàng của ông ta có thể phát triển lớn hơn, nhưng lại không có khả năng gắn kết hơn so với nhóm hạt nhân bền chặt này. (Scott, James C., 1972: 99) Mặt khác, một chính trị gia hoặc quan chức, còn có khả năng có một nhóm hạt nhân tương đối nhỏ hơn bao gồm chủ yếu là những người mà anh ta có mối ràng buộc tình cảm mạnh mẽ và do đó, còn lại một tỷ lệ tương đối lớn là loại khách hàng “phù thịnh”. Những tai họa may rủi mà một chính trị gia hoặc kẻ cai trị như vậy phải gánh chịu nhiều khả năng được bộc lộ ngay lập tức và bộc lộ hết qua thực trạng suy giảm quy mô khách hàng của ông ta, mà phần lớn là một sự suy giảm có tính toán. Các chính trị gia và quan chức, bởi vì họ có lượng khách hàng thuộc nhóm hạt nhân nhỏ hơn, và bởi vì họ có thể, thông qua chức vụ của mình, thường khai thác các nguồn lực to lớn, có xu hướng có những phẩm chất hoạnh phát (meteoric qualities) với tư cách là những người bảo trợ; ngược lại, chủ đất nếu có lu mờ đi thì vẫn có khả năng tạo ra thứ ánh sáng ổn định hơn. (Scott, James C., 1972: 99)

 

4.4. Cân bằng giữa Tự nguyện và Ép buộc trong Quan hệ Người bảo trợ-Khách hàng 

 

Có sự khác biệt rõ ràng và quan trọng về mức độ ép buộc liên quan đến mối quan hệ người bảo trợ-khách hàng. Ở một đầu, các khách hàng hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc đi theo người bảo trợ, là người trực tiếp kiểm soát các phương tiện sinh tồn của họ. Ở đây, người ta có thể đặt một tá điền mà chủ đất của ông ta đảm bảo cung cấp an ninh vật chất, đất đai, nông cụ và hạt giống cho ông ta, trong một bối cảnh xã hội mà đất đai khan hiếm và đầy rẫy bất an. Gần gũi nhất với trung tâm của chuỗi liên tục này có lẽ là các mối ràng buộc giữa các tiểu nông độc lập, những người phụ thuộc vào chủ đất để thu hoạch mùa màng và bán được hoa màu của họ, để thanh toán cho các khoản vay nhỏ và để có được sự hỗ trợ của cảnh sát và chính quyền địa phương. Những ràng buộc như vậy vẫn dựa trên sự bất bình đẳng, nhưng khách hàng cũng có một số năng lực để thương lượng, chứ không chỉ đơn giản là lọt thỏm trong tay người bảo trợ của mình. Cuối cùng, có lẽ là hệ thống bầu cử đã cung cấp cho khách hàng một nguồn lực mới và đã thúc đẩy sự cạnh tranh giữa những người bảo trợ để thu hút được những người đi theo vốn có thể xoay chuyển được kết quả cuộc bầu cử có lợi cho họ. Trong trường hợp này, sự bất bình đẳng về sức mạnh thương lượng càng bị giảm đi và khách hàng gần như trở thành một tác nhân chính trị độc lập mà những yêu cầu của họ sẽ phải được lắng nghê và xem xét đầy đủ từ người bảo trợ của mình. Nói chung, mức độ áp lực của khách hàng trở nên lớn hơn khi các dịch vụ của người bảo trợ mang tính sống còn, khi ông ta thực hiện độc quyền phân phối hàng hóa và nguồn lực của mình và khi ông ta có ít nhu cầu đối với bản thân khách hàng. Quyền tự do của khách hàng được nâng cao nhất khi có nhiều nhà bảo trợ mà dịch vụ của họ không quan trọng và bản thân họ phải cạnh tranh với nhau để tập hợp được một nhóm khách hàng lớn - chẳng hạn như vì mục đích bầu cử. Quyền lực cưỡng chế của người bảo trợ đối với khách hàng của mình càng lớn, thì số phần thưởng mà người bảo trợ phải cung cấp để giữ chân khách hàng càng ít. (Scott, James C., 1972: 99 - 100) 

 

Người bảo trợ ở vào vị thế mạnh mẽ sẽ có nhiều khả năng sử dụng các biện pháp khống chế -đe dọa để trừng phạt khách hàng hoặc rút lại các lợi ích mà khách hàng đang hưởng – trong trường hợp người bảo trợ tương đối yếu hơn thì có nhiều khả năng ông ta sẽ đưa ra những lời dụ dỗ - hứa hẹn tưởng thưởng cho khách hàng những lợi ích mà khách hàng hiện không được hưởng. Đó chính là tiềm năng phân phối trao đổi xã hội được sử dụng như một trò chơi quyền lực tư lợi (Blau P.M., 1964: 106-112) Blau (1964) đã định nghĩa trao đổi xã hội là “các hành động tự nguyện của các cá nhân được thúc đẩy bởi lợi nhuận mà họ dự kiến ​​sẽ có được và thường có được từ những người khác (tr. 91).” Ông nhấn mạnh rằng hành động này là tự nguyện để phân biệt với hành vi bị ép buộc, chẳng hạn như đưa ví của bạn cho tên móc túi. Định nghĩa này nhấn mạnh mọi người phải gánh chịu chi phí một cách có ý thức với kỳ vọng nhận được phần thưởng, và phần thưởng phải tạo ra lợi nhuận hoặc ít nhất cũng là vốn chủ sở hữu. Phần thưởng chúng ta nhận được trong một trao đổi xã hội có thể là nội tại (tình yêu thương) hoặc ngoại tại (đỡ đần công việc). Ít nhất một bên phụ thuộc vào bên kia, là điều thúc đẩy trao đổi xã hội; nghĩa là, mục tiêu cá nhân của một người chỉ có thể đạt được thông qua tương tác với một người khác (Blau, 1964: 90). Được yêu mến, được giúp đỡ trong một sự vụ mà bạn không đủ khả năng, hoặc được nhận tiền công, tất cả đều đòi hỏi sự giao lưu xã hội. Đối với Blau, đó là hai chức năng chung của giao lưu xã hội: “thiết lập mối quan hệ bạn hữu, và thiết lập sự thống nhất cao hơn những người khác”. Tham gia vào các hoạt động giao lưu xã hội đang diễn ra có thể tạo ra một khuôn mẫu tin cậy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các mối quan hệ thân thiết. Khi cả hai đối tác đều đáp ứng các mục tiêu cá nhân của nhau, họ tạo ra một mối quan hệ cân bằng, tương hỗ, phụ thuộc lẫn nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt về địa vị hoặc thứ bậc cao được tạo ra khi các trao đổi xã hội tạo ra sự phụ thuộc liên tục vào người cung cấp phần thưởng mong muốn. (Blau, 1964: 89 - 90)

Trong mỗi trường hợp, quyền kiểm soát tối thượng đối với các nguồn lực được sử dụng để đạt được sự tuân thủ của những khách hàng tòng phục, nhưng việc sử dụng các biện pháp trừng phạt cho thấy một trật tự quyền lực cao hơn so với việc sử dụng thủ pháp dụ dỗ. Việc đánh giá về sự cân bằng mang tính cưỡng chế và về tỷ lệ giữa thủ pháp trừng phạt so với thủ pháp dụ dỗ có thể được thực hiện không chỉ đối với một cặp quan hệ mà còn đối với một cụm hoặc kim tự tháp quan hệ người bảo trợ-khách hàng. Cụm của một thủ lĩnh hùng mạnh địa phương với một lực lượng quân đội tư nhân có thể được giữ nguyên vẹn bằng sự kết hợp giữa lòng tôn kính và các biện pháp trừng phạt, trong khi một chính trị gia vận động tranh cử có thể xây dựng một cụm khách hàng đi theo chỉ đơn giản với sự ủng hộ nếu ông ta không có quyền lực cưỡng bức hoặc tính hợp thức truyền thống. Mỗi cụm hoặc kim tự tháp quan hệ người bảo trợ-khách hàng đều có tính đặc biệt dễ bị tổn thương của nó. Cụm ép buộc sẽ bị hủy hoại bởi sự vi phạm độc quyền quyền lực địa phương của người bảo trợ, còn cụm dựa trên thủ pháp dụ dỗ sẽ gặp nguy hiểm nếu thu nhập hoặc quyền tiếp cận công quỹ của người lãnh đạo bị cắt mất. (Scott, James C., 1972: 100)

Các cặp quan hệ người bảo trợ-khách hàng có thể là phù du sớm nở tối tàn, hoặc cũng có thể tồn tại trong thời gian dài. “Mỗi cá nhân tiếp xúc với một số người, một số người trong số họ trực tiếp tiếp xúc với nhau, còn một số người thì không… Tôi thấy thật thuận tiện khi nói về lĩnh vực xã hội kiểu này như một mạng lưới. Hình ảnh tôi có là một tập hợp các điểm, một số điểm được nối bằng các đường. Các điểm của hình ảnh đó là những cá nhân hoặc đôi khi là các nhóm, còn các đường biểu thị các cá nhân tương tác với nhau. Tất nhiên, chúng ta có thể nghĩ đến toàn bộ đời sống xã hội đang tạo ra một mạng lưới kiểu này”. (Barnes, J. A. 1954: 43)

Khái niệm mạng xã hội nằm giữa sự nhấn mạnh của xã hội học vào nhóm, còn nhân học xã hội thì nhấn mạnh vào cấu trúc xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng là các hình ảnh phức tạp về các chuỗi cá nhân mà một cá nhân nào đó tương tác với họ có các đặc điểm cấu trúc có thể đo lường được. Phân tích mạng tuân theo các tương tác này sao cho đơn vị phân tích trong nghiên cứu mạng không phải là hành vi cá nhân hay thậm chí là các liên kết cặp đôi, mà là bối cảnh xã hội, trong đó xuất hiện các hành vi cá nhân và các liên kết cặp đôi. Mô hình ấy có thể ứng dụng cho các lĩnh vực chính trị, quan hệ họ hàng và các nhóm chính thức để xem xét cụ thể hàng loạt chuỗi liên kết có thể tạo cơ sở cho việc huy động mọi người vào các mục đích cụ thể trong một số tình huống nhất định. (Whitten N., and Alvin Wolfe, 1973: 717-746)

Trong môi trường truyền thống, chúng có khả năng tồn tại cho đến khi một trong các đối tác chết đi. Việc biết rõ về độ bền của những mối quan hệ như vậy cũng có thể cho chúng ta biết điều gì đó về cấu trúc của sự cạnh tranh theo thời gian. Ở những nơi các quan hệ cặp tồn tại dai dẳng, chúng có xu hướng tạo ra các cấu trúc bè phái bền chặt, liên tục về nhân sự theo thời gian, ít nhất là các cụm hoặc kim tự tháp quan hệ ổn định có thể tái hợp theo nhiều cách khác nhau nhưng được xây dựng từ các thành phần giống nhau. Ở những nơi mà các quan hệ cặp đôi mong manh, thì các liên kết cá nhân có thể trải qua một quá trình sắp xếp lại gần như hoàn toàn trong vòng một thập kỷ. Vì các cụm quan hệ người bảo trợ-khách hàng suy cho cùng đều dựa trên các mối quan hệ quyền lực, nên chúng sẽ tồn tại ổn định nhất trong một bối cảnh ổn định nhằm duy trì các vị trí quyền lực hiện có. Do đó, một người bảo trợ cụ thể sẽ giữ chân khách hàng của mình chừng nào ông ta vẫn tiếp tục thống trị việc cung cấp các dịch vụ mà khách hàng cần. Một người bảo trợ cũng có khả năng giữ những người tòng phục mình nếu phạm vi mối quan hệ có đi có lại ràng buộc họ lớn hơn. Nghĩa là, người bảo trợ càng đáp ứng được nhiều nhu cầu sống còn của khách hàng (tức là, nếu ông ta có thể không chỉ cung cấp đất đai và an ninh mà còn có ảnh hưởng đến hệ thống quản lý, giúp thu xếp thế chấp hoặc việc học hành của con cái họ, v.v.), thì mối gắn kết thường xuyên và bền chặt càng có xu hướng phát triển lâu dài. So với những người bảo trợ chỉ có thể cung cấp các dịch vụ pháp lý, chỉ hỗ trợ tài chính, hoặc chỉ đem lại các lợi thế về giáo dục, thì mối liên kết đa dạng giữa người bảo trợ và khách hàng là một liên kết vững chắc phục vụ nhiều nhu cầu; vì nó mang tính chất gắn kết cá nhân-tổng thể hơn, nó sẽ tạo thành hành động thường xuyên. (Scott, James C., 1972: 100)

4.5. Tính Đồng nhất và Bản sắc của các Nhóm Khách hàng

Một người bảo trợ có thể có một nhóm người tùng phục không đồng nhất thu hút từ mọi tầng lớp xã hội, hoặc ông ta có thể có một nhóm tùng phục, bao gồm, chẳng hạn, chỉ những người lĩnh canh nghèo (share-croppers) của ông ta hoặc chỉ những thuộc hạ giúp việc trong văn phòng của ông ta. Do đó, biến này không liên quan đến một quan hệ cặp mà liên quan đến những người tùng phục trong một quan hệ cụm hoặc kim tự tháp giữa người bảo trợ-khách hàng. Tỷ lệ những người ủng hộ một người bảo trợ có chung các đặc điểm xã hội và nét nổi bật của những đặc điểm xã hội đó đối với họ tạo thành thước đo mức độ đồng nhất của một nhóm người tùng phục. Theo định nghĩa, vì một người bảo trợ có địa vị xã hội cao hơn so với các khách hàng của ông ta, nên tính đồng nhất của nhóm tùng phục càng lớn, thì lợi ích tiềm ẩn được chia sẻ giữa những người tùng phục có thể càng đe dọa mối quan hệ đó. Ví dụ, khi một người bảo trợ là chủ đất, có các khách hàng là thuê đất của ông ta, bán tháo những khoảng đất đồng cỏ chung, thì tất cả những người thuê đất của ông ta đều bị ảnh hưởng như nhau. Tình huống và những trải nghiệm chung của họ trong bối cảnh đó tạo ra tiềm năng cho các mối quan hệ theo chiều ngang, trong khi một nhóm khách hàng không đồng nhất lại thiếu tiềm năng này. (Scott, James C., 1972: 100 - 01)

Tính đồng nhất của các khách hàng nói chung, và nhóm tùng phục nói riêng, cũng có thể xác định cơ hội hành động tập thể thành công của các nhóm khách hàng khác nhau. Quan trọng hơn, về phương diện kinh tế, tính đồng nhất của các nhóm cụ thể có thể xác định chi phí giao dịch tương đối mà các quan chức nhà nước hoặc những người bảo trợ chính trị phải đối mặt trong việc nhận lại quả từ nhóm đó. Nếu một số khách hàng giao dịch tương đối dễ dàng - giả sử vì họ có tính đồng nhất như cùng nhóm sắc tộc, đồng hương, hoặc họ hàng, với người bảo trợ - thì người bảo trợ có thể thích giao dịch với họ hơn ngay cả khi những người khác có thể sẵn sàng trả nhiều tiền hơn. Vì vậy, ví dụ tính đồng nhất tương đối của các nhóm nhỏ đòi hỏi các quyền giảm-giá có thể thành công trong khi các nhóm lớn hơn ít đồng nhất hơn đòi quyền nâng-giá lại có thể thất bại. Chi phí giao dịch tương đối của việc giao dịch với các nhóm khách hàng khác nhau có thể liên quan đến việc giải thích một số kết quả của việc trao đổi khách hàng quen ở các nước đang phát triển (Khan, 1997; 1998: 20-21).

Lý thuyết bản sắc xã hội được Henri Tajfel và John Turner (1979) phát triển để hiểu cơ sở tâm lý cho sự phân biệt giữa các nhóm. Theo lý thuyết này, bản sắc xã hội có các thành phần chính: i): Phân nhóm xã hội: Con người có một xu hướng tự nhiên để nhóm mọi thứ. Có vô số loại bàn và ghế, nhưng gộp chúng lại với nhau cho phép chúng ta dễ dàng suy nghĩ về chúng, nói về chúng và thậm chí sử dụng chúng. Chúng ta cũng làm như vậy với con người: nam giới theo đạo Tin lành, tiểu chủng Anglo-Saxon da trắng, người da màu, bác sĩ, luật sư, thành viên công đoàn chẳng hạn. Chúng ta đưa ra những khái quát sâu rộng về chúng, và cuối cùng chúng ta dựng lên và áp dụng các khuôn mẫu cho vạn vật. Phân nhóm xã hội có thể sẽ tạo ra một số lượng lớn các danh mục, nhóm chồng chéo, số lượng chỉ giới hạn bởi những gì hữu ích đối với mỗi cá nhân. Nhóm là một phạm trù xã hội. Phân nhóm giúp hệ thống hóa thế giới xã hội và cung cấp một hệ thống định hướng để tự tham chiếu, định vị mỗi con người trong xã hội. Khi phân nhóm xã hội được tạo dựng, thì các thành viên có xu hướng phóng đại khác biệt giữa các nhóm và có xu hướng phóng đại những tương đồng của các cá nhân nội nhóm. Các cá nhân có xu hướng coi các thành viên ngoại nhóm là những kẻ có thể hoán đổi cho nhau hơn là những cá nhân duy nhất. “Nhận thức duy nhất về sự hiện diện của một ngoại nhóm là đủ để kích động phản ứng cạnh tranh giữa các nhóm, hoặc phân biệt đối xử trong nội nhóm.” (Tajfel, Henri, and John Turner, 1979: 38); ii) Đồng nhất hóa xã hội: Sau khi sắp xếp mọi người vào các nhóm, tiếp đó các cá nhân xác định mình thuộc một hoặc nhiều nhóm. Tự đánh giá được thực hiện thông qua bản sắc xã hội. Là thành viên của một nhóm, các cá nhân chấp nhận các khía cạnh nổi bật của hành vi của nhóm đó, bao gồm cả sự hiểu biết về hành vi chuẩn mực. Ví dụ: các chuyên gia, như bác sĩ và luật sư, có các quy tắc ứng xử rõ ràng. Vi phạm đạo đức nghề nghiệp có thể bị đình chỉ hoặc loại khỏi nghề nghiệp. Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp giúp tăng cường lòng tự trọng và sự tôn trọng của bạn bè. Ngoài áp lực của cha mẹ và xã hội, thành viên nhóm có thể áp đặt thêm một số hạn chế đối với hành vi bản năng. (Tajfel, Henri, and John Turner, 1979); iii) So sánh xã hội: Được trang bị công cụ phân nhóm và đồng nhất hóa với một hoặc nhiều nhóm, tiếp đó các cá nhân chuyển sang so sánh xã hội giữa các nhóm, tức là so sánh nội-nhóm của họ với các ngoại-nhóm có liên quan bằng cách tìm kiếm các khía cạnh tích cực của nội- nhóm hoặc các khía cạnh tiêu cực của ngoại nhóm, giúp nâng cao hình ảnh bản thân của một người. Mỗi cá nhân đều cố gắng đạt được và duy trì bản sắc xã hội tích cực, và bản sắc xã hội tích cực phần lớn dựa trên sự so sánh thuận lợi giữa các nhóm. Chúng ta có động lực để duy trì lòng tự trọng của mình và sẽ tìm kiếm sự so sánh tích cực với các nhóm khác. Các nhóm trở thành đối thủ và so sánh dẫn đến cạnh tranh hoặc thậm chí xung đột. (Tajfel, Henri, and John Turner, 1979); v) Hệ thống phân cấp xã hội. Phù hợp với phân tích trước đó, phân cấp trạng thái nhóm được giả định là luôn tồn tại. So sánh tạo ra một thứ tự phân cấp của trạng thái nhóm. “Mục đích của khác biệt là duy trì hoặc vượt trội so với ngoại nhóm trên một số khía cạnh.” (Tajfel, Henri, and John Turner, 1979: 41) Địa vị xã hội được định nghĩa là “một thứ hạng hoặc thứ bậc về uy tín được nhận thức,” phản ánh vị trí tương đối trên một số khía cạnh đánh giá. (Tajfel, Henri, and John Turner, 1979: 37)

Thành phần xã hội của bản sắc có thể bắt nguồn từ việc là thành viên của nhiều nhóm khác nhau bao gồm giới tính, chủng tộc và / hoặc sắc tộc, khuynh hướng tình dục, nhóm nghề nghiệp, tôn giáo, các nhóm cộng đồng, các nhóm thân tộc. Bản sắc xã hội đề cập đến cách thức nhìn nhận của người ta đối với các nhóm mà họ thuộc về (Tajfel & Turner, 1986). Tajfel và Turner (1986) đưa ra giả thuyết cho rằng hiểu biết của chúng ta về thế giới dựa vào việc phân loại mọi người thành các nhóm dựa trên các đặc điểm chung và cho rằng việc thuộc về một nhóm những người khác giống với chúng ta sẽ tạo ra tình cảm gắn bó – đó là cái cảm giác “chúng ta”, những người trong nhóm và “chúng/ họ”, những kẻ ngoài nhóm. Tình cảm gắn bó được định nghĩa là sự hấp dẫn của một nhóm đối với các thành viên và được coi là cần thiết để đạt được kết quả tích cực trong hợp tác hành động (Yalom, 1995). Lý thuyết bản sắc xã hội khẳng định rằng các cá nhân tìm kiếm sự kết nối với những kẻ khác, tương tự với họ ở một số khía cạnh nổi bật để nuôi dưỡng và duy trì một bản sắc xã hội tích cực. Điều đó cho thấy rằng các cá nhân có thể tìm kiếm (và hài lòng hơn với) các nhóm đồng nhất về các đặc điểm quan trọng đối với họ (ví dụ: đồng giới tính, đồng văn hóa, đồng hương, đồng ngôn ngữ, đồng môn, đồng tuế, đồng tộc, v.v.). (Perrone K. M. & William E. Sedlacek, 2000: 243-251).

4.6. Biến đổi Xã hội của các Nhóm Khách hàng

“Các nhóm cấp thấp dường như thường coi trọng sự đánh giá của xã hội rộng rãi hơn về bản thân họ là “thấp kém” hoặc “giai cấp thứ hai”, tạo ra đồng thuận tự ty ổn định. (Tajfel, Henri, and John Turner, 1979: 37) Nhưng khi hệ thống được phân tầng rõ ràng và bị coi là bất công, thì điều đó là “không thể hoặc rất khó đối với các cá nhân, với tư cách cá nhân, để tự coi mình là thành viên của một nhóm không thỏa đáng, bị tước đoạt hoặc bị kỳ thị.” (Tajfel, Henri, and John Turner, 1979: 35) Lý thuyết bản sắc xã hội đặt ra bốn câu hỏi: Hệ thống phân cấp có thẩm thấu được không? Hệ thống đó có ổn định không? Hệ thống đó có hợp thức không? Chiều góc giá trị nào phục vụ cho việc so sánh và xếp hạng giữa các nhóm trong hệ thống phân cấp xã hội? Câu trả lời cho những câu hỏi này dẫn đến ba chiến lược để cải thiện bản sắc xã hội của mỗi thành viên của nhóm: a) Tính di động của cá nhân: Nếu hệ thống phân cấp được coi là ổn định và có thể thẩm thấu được, thì tính di động của cá nhân, hoặc tính di động đi lên, cung cấp cho cá nhân một con đường khả thi để leo lên nấc thang xã hội. Hệ thống niềm tin về tính di động của cá nhân phụ thuộc vào nhận thức rằng hệ thống là một chế độ tài chính xứng đáng. Ví dụ, cá nhân không bị ràng buộc bởi chủng tộc, giới tính, tôn giáo hoặc hoàn cảnh kinh tế; cá nhân chỉ bị giới hạn bởi tài năng và nỗ lực. Sự di chuyển của cá nhân đòi hỏi các cá nhân phải phá vỡ liên kết nhóm và bỏ lại những người đồng nghiệp cũ của họ ở lại phía sau; Tuy nhiên, thay đổi xã hội vẫn duy trì sự đồng nhất của các cá nhân với nhóm của họ. b) Tính cạnh tranh xã hội: Nếu ranh giới giữa các nhóm có thể thay đổi, thì chiến lược cạnh tranh xã hội yêu cầu các thành viên trong nhóm đoàn kết với nhau để đạt được kết quả tốt hơn trong điều kiện tiếp cận các nguồn tài nguyên khan hiếm. “Khi nhóm thống trị hoặc các bộ phận của nó nhận thấy ưu thế của họ là hợp pháp, họ có thể sẽ phản ứng theo kiểu phân biệt đối xử gay gắt trước bất kỳ nỗ lực nào của nhóm cấp dưới nhằm thay đổi tình hình giữa các nhóm.” (Tajfel, Henri, and John Turner, 1979: 45-46) Sự phân bổ không đồng đều các nguồn lực khách quan thúc đẩy sự đối kháng giữa nhóm thống trị và nhóm cấp thấp. Nhóm thống trị có thể phản ứng bằng cách làm cho mọi thứ có thể duy trì và biện minh cho hiện trạng hoặc bằng cách cố gắng tìm kiếm và tạo ra những khác biệt mới có lợi cho riêng mình, hoặc cả hai. (Tajfel, Henri, and John Turner, 1979: 38). c) Tính sáng tạo xã hội: Nếu hệ thống được coi là tương đối không thể thẩm thấu và hệ thống ổn định, có khả năng chống lại sự thay đổi, thì tính sáng tạo xã hội đưa ra ba phương pháp để cải thiện hình ảnh tự hình dung tích cực của một nhóm: i) So sánh nội-nhóm với ngoại-nhóm trên một số chiều góc mới. Nhóm cấp thấp phải hợp thức hóa sự so sánh theo chiều góc mới và có thể mong đợi nhóm thống trị phản ứng; ii) Thay đổi các giá trị được gán cho các thuộc tính của nhóm, sao cho các so sánh trước đây được coi là tiêu cực, thì nay được coi là tích cực. Một lần nữa, nhóm thống trị có khả năng sẽ phản đối; iii) Thay đổi ngoại-nhóm. “Lòng tự trọng có thể được nâng cao bằng cách so sánh với các nhóm có địa vị thấp hơn khác thay vì với những nhóm có địa vị cao hơn.” (Tajfel, Henri, and John Turner, 1979: 44)

_________________________________________

Tài liệu dẫn

Bailey, F. G. (1968). Parapolitical systems. In Swartz, M. J. (ed.), Local Level Politics, Aldine, Chicago, pp. 281–294. 

Barnes, J. A., (1954). Class and committees in a Norwegian island parrish, In Human Relations 7, pp. 39-58. 

 

Blau P.M., (1964). Exchange and Power in Social Life, New York: Wiley. 

Khan, M.H. (1997). Rent-Seeking as Process: Its Inputs, Outputs and Differential Effects, in Khan, M.H. & Jomo, K.S. eds. Rents and Rent-Seeking. forthcoming.

Khan, M.H. (1998). Patron—Client Networks and the Economic Effects of Corruption in Asia, In European Journal of Development Research, June 1998, 10 (1): 15-39.

 

Mannoni, Dominique O. (1964). Prospero and Caliban: The Psychology of Colonization (New York: Praeger, 1964).

Perrone, Kristin M. & William E. Sedlacek (2000). A comparison of group cohesiveness and client satisfaction in homogenous and heterogenous groups, In The Journal for Specialists in Group Work, 25:3, 243-251.

Scott, James C. (1972). Patron-Client Politics and Political Change in Southeast Asia, In American Political Science Review, 1972, vol. 66, issue 1.      

Tajfel, Henri and John Turner (1979). An Integrative Theory of Intergroup Conflict. In Stephen Worchel and William Austin, eds., The Social Psychology of Intergroup Relations, Monterey, CA: Brooks/Cole.

Tajfel, Henri and John Turner (1986). The social identity theory of intergroup behavior. In S. Worchel & W.G. Austin (Eds.), Psychology of intergroup relations (2nd ed., pp. 7-24). Chicago: Nelson-Hall. 

Whitten, Norman and Alvin Wolfe (1973). Network analysis. Pp. 717-746 in John J. Honigman (ed.), Handbook of Social and Cultural Anthropology. Chicago: Rand McNally Publishing Co.

Yalom, I. D. (1995). Theory and practice of group psycho-therapy (4th ed.). New York Basic Books