Powered By Blogger

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

Quan hệ văn hóa thời tiền sử giữa Nam Trung Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á: Vị trí sinh thái, tương tác văn hóa và quá trình lịch sử (I).

GS.VS. Tang Chấn Hoa

1. Lời nói đầu

Liên quan đến các diễn ngôn về khảo cổ học Hoa Nam – Đài Loan và Đông Nam Á, có khá nhiều nghiên cứu về mối quan hệ văn hóa tiền sử giữa ba khu vực này. Người đầu tiên đề cập đến vấn đề này là học giả người Nhật Điểu Cư Long Tàng (Ryuzo Torii [1]). Ông đến Đài Loan vào năm 1896 để khảo sát các di tích và di vật Thời đại đá mới, được cho là có liên quan đến các di tích và di vật của các đảo Đông Nam Á, Nam Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. (1) Nhưng nghiên cứu có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực này là lý thuyết “sóng văn hóa” của nhà nhân chủng học người Áo Heine-Geldern [2] vào năm 1932. (2) Ông lấy khu vực Đông Á và Đông Nam Á là nơi thường phát hiện được một chủng công cụ đá – đó là chiếc bôn đá với ba loại hình, để minh họa ba làn sóng văn hóa tiền sử ở Đông Nam Á và sự di cư của các nhóm người ở khu vực này. Lý thuyết này đã ảnh hưởng đến nghiên cứu tiền sử ở Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ. Kể từ đó, đã có những nghiên cứu về các mối quan hệ văn hóa tiền sử giữa Nam Trung Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á, nghĩa là, không có sự gián đoạn, và đã có không ít các cuộc tranh luận liên quan. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, một vấn đề như vậy, mặc dù sau hơn một thế kỷ nghiên cứu, vẫn chưa được làm rõ. Ngay cả khi Đài Loan và đại lục, cũng như Đài Loan và Philippines, bị ngăn cách bởi đại dương, thì liệu có phải mối quan hệ văn hóa thời tiền sử giữa hai nơi này là di dân? Đó là truyền bá hoặc tiếp xúc văn hóa? hay là sự phát triển và tiến hóa độc lập? Ngoài ra còn có rất nhiều cuộc thảo luận, nhưng không ai có thể đưa ra một câu trả lời rõ ràng hơn. Tác giả tin rằng lý do của tình huống này là, ngoài việc thiếu cả về chất lượng và số lượng tư liệu khảo cổ và những hạn chế của chúng trong kiến tạo quá trình lịch sử, thì các phương pháp nghiên cứu và mô hình giải thích được các nhà khảo cổ học sử dụng có thể không tạo cơ sở cho nguyên nhân đột phá. Mục đích của bài viết này là trình bày và thảo luận về vấn đề này để truyền thụ cho cộng đồng khảo cổ học tiền sử liên quan.

2. Vị trí sinh thái của Nam Trung Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á

Nam Trung Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á là ba khu vực liền kề. Về mặt địa lý học, về một phương diện nào đó, Nam Trung Quốc thuận theo điều kiện tự nhiên và nhân văn, chủ yếu liên quan đến các dải núi phía đông nam, dãy Lĩnh Nam và cao nguyên Vân Nam - Quý Châu. Dải đông nam địa hình chủ yếu là núi, đồng bằng nhỏ hẹp, bờ biển khúc khủy, nhiều hải cảng tốt, khí hậu cận nhiệt đới kiểu gió mùa, ấm áp và ẩm ướt, giàu tài nguyên nông nghiệp và ngư nghiệp, nhiều lúa gạo và dân cư đông đúc. Khu vực Lĩnh Nam địa hình chủ yếu là đồi núi. Chỉ có địa hình vùng ven biển là có đồng bằng lớn, khí hậu nhiệt đới và nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ cao và nhiều mưa, nông nghiệp kết hợp vườn cây ao cá, và nông nghiệp trồng lúa là hình thức sản xuất chủ yếu. Cao nguyên Vân Nam - Quý Châu nằm ở phía đông của cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng. Môi trường tự nhiên rất phức tạp và đa dạng, địa hình gồ ghề, khí hậu nhiệt đới gió mùa và cận nhiệt đới, vũ thủy phong phú, tài nguyên động thực vật đa dạng, dân cư đông đúc và phong cách sống độc đáo. Cây trồng chính bao gồm lúa ở vùng thấp, lúa mì và ngô ở vùng núi cao.

Đài Loan là hòn đảo lớn nhất ở phía đông của lục địa châu Á, và nó liên kết vòng cung đảo Thải Hoa ở Đông Á. Địa hình chủ yếu là những ngọn núi cao hơn 3.000 mét, trước núi là các vùng đồi và đồng bằng rải rác, khí hậu nóng và mưa nhiều, lấy Chí tuyến bắc làm ranh giới, nó được phân chia bởi gió mùa nhiệt đới và cận nhiệt đới, phát triển trồng lúa và dân cư chủ yếu tập trung ở các vùng ven biển, trên địa hình đồng bằng nhỏ hẹp. Đông Nam Á bao gồm bán đảo Đông Dương và Quần đảo Nam Dương. Địa hình của bán đảo Đông Dương chủ yếu là các dãy núi và thung lũng dọc theo hướng bắc-nam, bắc cao, nam thấp, địa hình không hoàn chỉnh, có các đồng bằng trung và hạ du và các tam giác châu là nơi tập trung đông dân cư, khí hậu là kiểu gió mùa nhiệt đới, ấm áp và ẩm ướt, lượng mưa dồi dào, nhiều loại thực vật và động vật, dễ dàng tiếp cận với nguồn sống, nông nghiệp trồng lúa là chính.  Quần đảo Nam Dương được chia thành hai phần, Đông Ấn và Quần đảo Philippine, trên đảo chủ yếu là núi, với những khu rừng rậm và đồng bằng hẹp. Khí hậu nhiệt độ cao quanh năm, lượng mưa dồi dào, đây là loại khí hậu gió mùa, giàu tài nguyên thực vật, động vật và thủy sản, nông nghiệp nhiệt đới phát triển và giàu lúa gạo.

Môi trường sinh thái của ba khu vực trên có những khía cạnh giống nhau và khác nhau, nhưng nhìn chung địa mạo, khí hậu, đất đai, thảm thực vật, động vật và các loại cây trồng của chúng khác biệt đáng kể so với Trung và Bắc Trung Quốc. (3) Còn vùng duyên hải đông nam Hoa Nam, các đảo Đài Loan và Đông Nam Á đều thuộc môi trường cận hải, với khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới ảnh hưởng từ Thái Bình Dương, đồi núi nhiều, và đồng bằng ít, địa hình bị chia cắt, hệ động thực vật và tài nguyên thủy sản phong phú, và mùa sinh trưởng dài, thuận lợi để trồng lúa, đất chật người đông.

Trên thực tế, Đài Loan và quần đảo Nam Dương là một phần của lục địa Đông Á trước khi kết thúc kỷ Pleistocene. Sau đó, do sự kết thúc của kỷ băng hà, nước biển dâng cao dần biến nơi này trở thành các đảo. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc di thực của thực vật, động vật và quá trình di cư của con người trên những hòn đảo này. (4) Do đó, từ góc độ tiền sử, các khu vực bao gồm Nam Trung Quốc, Đông Dương, Quần đảo Nam Dương và Đài Loan có thể được đưa vào phạm trù Đông Nam Á. Do đó, nhà dân tộc học Lăng Thuần Thanh theo quan điểm cổ văn hóa đã đưa Nam Trung Quốc vào phạm vi phân bố của các nền văn hóa cổ đại ở Đông Nam Á. Ông tin rằng nền văn hóa cổ xưa của người Indonesian, hiện phân bố ở khu vực Nam Dương, "không chỉ có ở bán đảo và các đảo Đông Nam Á, mà còn ở cả lục địa, từ bán đảo đến phía nam Trung Quốc, phía bắc đến sông Dương Tử, và thậm chí vượt qua Dương Tử xa về phía bắc, cho đến nam dãy núi Tần Lĩnh. Phía đông khởi từ Hải, Hoành qua trung và nam Trung Quốc, phía tây qua Miến Điện và đến Assam, Ấn Độ. (5) Quan điểm này sau đó thực sự hỗ trợ dáng kể cho nghiên cứu về nhân chủng học, khảo cổ học và ngôn ngữ học. Nhà nhân chủng học người Mỹ A. Kroeber cho biết:

"Bán đảo Đông Dương và quần đảo Đông Ấn đã hình thành một khu vực văn hóa trong quá khứ, cho đến nay, văn hóa Indonesian đã tương đối lạc hậu, nhưng nó vẫn là nền văn hóa nguyên bản được bắt gặp ở khắp mọi nơi. Ở Philippines, Đông Ấn, Assam và ở bán đảo Đông Dương và những nơi khác. Nền văn hóa này cũng bảo tồn các đặc trưng văn hóa tương đồng. Ví dụ: phát nương đốt rẫy (đao canh hỏa chủng) ruộng bậc thang, lễ hiến sinh, nhai trầu, nhà sàn cỏ tranh, nhà trên cây, chăn áo vỏ ây, trồng bông, dệt nhuộm vải, không đội mũ, cà răng, xăm mình, kéo lửa, ống lửa, quý trọng cồng chiêng, dùng cung tre, ổng thổi mũi tên, trọng tế lễ, săn đầu người, hiến tế người, thờ cúng tổ tiên, đa thần giáo. Trong đó có nhiều đặc điểm tạo thành chất liệu cho văn hóa cổ đại Đông Nam Á, mà khu vực phân bố không chỉ ở các đảo thuộc Đông Nam Á, mà còn vươn xa vào đại lục. (6)

Ling Chunsheng đặc biệt chỉ rõ:Đài Loan có một vị trí rất quan trọng trong khu vực văn hóa cổ đại của Đông Nam Á. Đài Loan giáp với Thái Bình Dương ở phía đông, và lục địa Đông Á nằm ở phía đông. Nó cũng nằm ở giữa quần đảo Thải Hoa ở rìa phía đông của Địa Trung Hải châu Á, đó là giao điểm của Đông Nam Trung Quốc và biển Nam Hải, là vị trí trao đổi trọng yếu của hai nền văn hóa đại dương và đại lục, mà Đài Loan là trục chính của con đường giao lộ đó.” (7)

Do đó, tại Hội nghị Khoa học Thái Bình Dương lần thứ 11 tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản năm 1966, các nhà nhân học đã xác định phạm trù không gian của "Đông Nam Á" là phía Bắc tính từ 30 độ vĩ bắc (tương đương với cửa sông Dương Tử), phía Nam đến Sumatra của Indonesia, phía Tây là sông Irrawaddy, phía Đông đến biển Hoa Đông. (8) Do đó, các nghiên cứu về tiền sử ở Nam Trung Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á, đặc biệt là nghiên cứu về quan hệ văn hóa tiền sử, chủ yếu dựa trên tổng thể khu vực văn hóa sinh thái này.

3. Đánh giá các nghiên cứu văn hóa tiền sử ở Nam Trung Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á

Nghiên cứu lịch sử tiền sử của loài người phải phụ thuộc vào khảo cổ học. Có ba mục tiêu chính trong nghiên cứu khảo cổ học hiện đại. Thứ nhất là tái cấu trúc lịch sử văn hóa, thứ hai là tìm hiểu lối sống của con người cổ đại và thứ ba là giải thích những biến đổi văn hóa cổ đại. Tiền sử dựa trên thành tựu của ba mục tiêu này. Nghiên cứu tiền sử Nam Trung Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á đương nhiên phải được thực hiện trên cơ sở khảo cổ học. Phần này bắt đầu với một đánh giá ngắn gọn về sự phát triển của các nghiên cứu khảo cổ ở Nam Trung Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á.

Nam Trung Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á, mặc dù thuộc các khu vực khác nhau, nhưng lại có sự tương đồng đáng kể trong việc phát triển nghiên cứu khảo cổ. Tác giả chia sự phát triển khảo cổ của ba vùng này thành bốn giai đoạn: giai đoạn đầu tiên là từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đến những năm 1910, và là giai đoạn manh nha nghiên cứu khảo cổ học. Giai đoạn thứ hai, từ những năm 1920 đến 1940, là nền tảng cho nghiên cứu khảo cổ học. Giai đoạn thứ ba là sự phát triển từ những năm 1950 đến những năm 1970, là thời kỳ trưởng thành của nghiên cứu khảo cổ. Giai đoạn thứ tư là từ những năm 1970 đến hiện tại, đó là thời kỳ đổi mới của công tác khảo cổ học. Có thể tóm tắt như sau:

3.1. Giai đoạn manh nha

Các nghiên cứu khảo cổ ở Nam Trung Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á đã bắt đầu vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Công việc khảo cổ ở Nam Trung Quốc bắt đầu vào những ngày đầu chủ yếu ở Tứ Xuyên. Năm 1882, E. Colborne Baber đã phát hiện ra hai chiếc rìu đá ở Trùng Khánh, Tứ Xuyên, nhưng việc điều tra khảo cổ chính thức hơn bắt đầu vào năm 1913; J. Hudson Edgar đã phát hiện ra hàng chục địa điểm tiền sử ở khu vực sông Dân Giang Tứ Xuyên, khu vực sông Dương Tử và vùng núi Tây Khang, và các phát hiện đó đã thu hút sự chú ý của nhân sĩ Trung Quốc và thế giới.(9)

Tại Đài Loan, nghiên cứu khảo cổ học bắt đầu vào năm 1896, khi Trường Ngôn ngữ Quốc gia Nhật Bản dạy
Kurino Hiroyuki thu thập các công cụ bằng đá ở Chi Sơn Nham, ngoại ô Đài Bắc. Năm 1897, lần đầu tiên Kurino Hiroyuki nhặt được dụng cụ bằng đá ở núi Viên Sơn của thành phố Đài Bắc, và cũng tại Viên Sơn Inō KanoriMiyamura Ryūichi đã phát hiện được đống vỏ sò. Việc phát hiện ra đống vỏ sò ở Viên Sơn khiến các học giả bắt đầu chú ý đến văn hóa tiền sử của Đài Loan và trở thành đầu mối cho nghiên cứu khảo cổ tiền sử của Đài Loan. Kể từ đó, Tanaka Shotaro, Torii Ryuzo, Mori Ushinosuke và Kano Tadao cũng đã công bố các cuộc điều tra và phát hiện của họ tại vùng ven biển thuộc Đài Loan ở Đại Khoa Khảm, cho đến Cao Sơn (Ngọc Sơn), cùng các cuộc khảo sát và phát hiện được thực hiện ở vùng núi cao thuộc khu vực cư trú của tộc người Cao Sơn; điều đó cho thấy công tác khảo cổ học điền dã trong giai đoạn này, vì đống vỏ sò Viên Sơn thuộc trung tâm của đồng bằng Đài Bắc, nên đã mở rộng điều tra đến vùng thung lũng sông và những vùng sơn dã của toàn bộ đảo Đài Loan (10).

Việc nghiên cứu khảo cổ học ở Đông Nam Á có thể tìm về nguồn cội từ thế kỷ 17, cho đến năm 1891, bác sĩ quân y người Hà Lan, ông Eugene Dubois đã phát hiện ra một hóa thạch người trên đảo Java, Đông Ấn thuộc Hà Lan, nay là Indonesia, và ông đặt tên loài này là Pithecanthropus erectus (từ tiếng Hy Lạp πίθηκος, pithecos - vượn, và ἄνθρωπος, anthropos - người, một loài trung gian giữa người và vượn, dựa trên một phần hộp sọ và một xương đùi giống như của Homo sapiens tìm thấy trên bờ sông Solo ở Trinil, Đông Java. Loài này hiện nay được coi là phân loài Homo erectus, và được gọi là người Java*) nhờ đó việc nghiên cứu khảo cổ học ở Đông Nam Á bắt đầu thu hút sự chú ý. Và phải đến năm 1901, sau khi Henry Mansuy khai quật di chỉ Samron-seng ở Campuchia thì việc việc nghiên cứu khảo cổ học ở Đông Nam Á mới được coi là chính thức. Kể từ đó, Mansuy cũng đã phát hiện ra một số công cụ bằng đá thuộc thời kỳ đồ đá giữa và thời đại đồ đá mới ở Đông Dương. (11) Theo cách nhìn nhận công việc như vậy, nên hầu hết người ta ưu tiên tìm kiếm các di chỉ và di vật, trong khi đó các cuộc khai quật khảo cổ một cách khoa học vẫn chưa thực sự bắt đầu.

3.2. Giai đoạn hình thành

Trong thời kỳ này, việc nghiên cứu khảo cổ có tổ chức hơn đã diễn ra ở Nam Trung Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á. Ở Nam Trung Quốc, một đoàn công tác người Mỹ do Tiến sĩ Walter Granger dẫn đầu đã thực hiện một cuộc khảo sát cổ sinh vật học ở phía đông Tứ Xuyên vào các năm 1921 - 1922, 1922 - 1923 và 1925 - 1926 và đã phát hiện ra một số di vật do con người tạo tác. Các phát hiện này đã thu hút sự quan tâm của một người cùng đội điều tra thực địa là N. C. Nelson. Từ năm 1925 đến 1927, ông đã tiến hành một cuộc điều tra chuyên sâu dọc theo hẻm núi Tứ Xuyên và phát hiện ra một số lượng lớn đồ gốm và đồ đá mới. Ông cũng phát hiện ra các địa điểm đá mới và một vài công cụ bằng đá ở ven bờ cực nam của sông Dương Tử ở phía bắc Vân Nam. Kể từ đó, vào những năm 1940, Arnold Heim thuộc Đại học Quốc gia Trung Sơn ở Quảng Đông, Gordon T. Bowles của Viện Harvard Yenching và David C. Graham của Đại học Hoa Tây, nhà địa chất học và khảo cổ học Thụy Điển J. G. Anderson, Tề Diên Bái của Viện nghiên cứu Trung ương, Ngô Kim Đỉnh và Tăng Chiêu của Bảo tàng Trung ương cũng đã phát hiện ra các địa điểm và di vật thời tiền sử ở Tứ Xuyên, Tây Khang và Vân Nam. (12)
  
Ngoài ra, từ những năm 1920, một số người phương Tây sống ở Hồng Kông, C. M. Heanley, J. A. Shellshear và W. Schofield, đã bắt đầu điều tra khảo cổ ở Hồng Kông để thu thập mẫu vật trên mặt đất. Vào những năm 1930, các cuộc khai quật khảo cổ bắt đầu ở Hồng Kông, bao gồm D. J. Finn khai quật ở đảo Lamma, W. Schofield khai quật di chỉ Đồng Cổ Châu và di chỉ Đại Tự sơn, Thạch Bích, Đông Loan; Trần Công Triết khai quật các di chỉ Thạch Bích, Đông Loan, Sa Cương Bối và Đại Loan (13). Ngoài ra, các cuộc điều tra khảo cổ hoặc khai quật cũng đã diễn ra ở Phúc Kiến, Quảng Đông và Quảng Tây, và quan trọng hơn nữa cần phải kể đến là các cuộc điều tra khảo cổ của Rafael Maglioni ở phía đông Quảng Đông trong khoảng thời gian từ 1938 đến 1940. (14) Tại Đài Loan, từ khi thành lập Phòng Nghiên cứu Nhân chủng học, Thổ tục Đế đại Đài Bắc năm 1928, đến cuối năm 1938, các cuộc khai quật khảo cổ có tổ chức đã bắt đầu được thực hiện.

Năm 1930, di chỉ Thạch Quan được phát hiện ở khu vực Khẩn Đinh phía nam Đài Loan. Trong khoảng thời gian này Utsurikawa Nenozo, Miyahara và Miyamoto Nobuto đã thực hiện ba cuộc khai quật, đây là các cuộc khai quật khảo cổ đầu tiên ở Đài Loan. Năm 1934, Utsurikawa NenozoMiyamoto Nobuto đã khai quật di chỉ quan tài đá Tô Áo (Tân Thành). Vào năm 1938,  Asai Erin, Miyamoto NobutoKanaseki Takeo đã khai quật di chỉ quan tài đá Phố Lý Đại Mã Lân. 

Ngoài việc khai quật các địa điểm nói trên, nhiều địa điểm quan trọng đã được phát hiện trong giai đoạn này, bao gồm Takkili ở huyện Hoa Liên, Đô Loan huyện Đài Đông, Tây Vân Nham ở huyện Đài Bắc, Viên Sơn Cung ở thành phố Đài Bắc, Uyển Lý huyện Tân Trúc (nay là huyện Miêu Lật), Bát Quái Sơn ở thành phố Chương Hóa, Ô Sơn Đầu huyện Đài Nam, Xa Lộ Can, Ngưu Trù Tử huyện Đài Nam, Thập Tam giáp ở ngoại ô Đài Nam, Đại Hồ huyện Cao Hùng và chùa Long Tuyền ở Thọ Sơn, thành phố Cao Hùng. Kể từ đó, các nhà khảo cổ học Nhật Bản đã tiếp tục tiến hành các cuộc điều tra khảo cổ trên khắp Đài Loan vào cuối những năm 1940. Kết quả là, đã xây dựng được một cấu trúc không - thời gian sơ bộ của văn hóa tiền sử Đài Loan. (15)

Trong những năm 1920 và 1950, các hoạt động khảo cổ học cụ thể đã diễn ra ở Indonesia, Malaya, Thái Lan, Đông Dương thuộc Pháp và Philippines. Trong đó, nhiều nơi đã phát hiện được di vật thời đại đá cũ, bao gồm từ năm 1931 đến 1941, Ralph von Koenigswald
Franz Weidenreich tiếp tục khai quật nhiều hóa thạch người ở trung Java. Vào năm 1935, M.W.J. Tweedie và Koenigswald đã phát hiện ra kỹ nghệ đá cũ Patjitanian trung kỳ Pleistocene ở trung nam Java. Vào những năm 1930, T.O. Morris của Cơ quan Khảo sát Địa chất Ấn Độ đã phát hiện được di vật đá sơ kỳ Pleistocene ở Myanmar. Năm 1937, H.L. Movius đã phát hiện được nền công cụ đá thuộc thời đại đá cũ trên thềm sông Irrawaddy, Myanmar. Từ năm 1943 đến 1944, học giả người Hà Lan H.R.van Heekeren đã phát hiện được công cụ đá cũ ở Thái Lan. Năm 1938, học giả người Anh H.D. Collings đã phát hiện được công cụ đá cũ tại Koita Tampan ở Malaysia. Năm 1948, Beyer đã phát hiện ra các công cụ đá cuối kỷ Pleistocene ở Luzon, Philippines. Ngoài ra, các nhà khảo cổ của Viện Viễn Đông Bác cổ, và H. Beyer cũng đã tiến hành các cuộc điều tra khảo cổ có hệ thống hơn tại Đông Dương và Philippines. (16) Nói chung, mặc dù nghiên cứu khảo cổ trong thời kỳ này đã dần xuất hiện các hoạt động có tổ chức, nhưng vẫn tập trung vào các sưu tập hiện vật, và các chủ đề nghiên cứu chủ yếu là niên đại và quan hệ văn hóa.

3.3. Giai đoạn trưởng thành

Từ năm 1950 đến 1970, hoạt động nghiên cứu khảo cổ ở Nam Trung Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á đã được triển khai tích cực. Đặc biệt, đã xuất hiện một số dự án nghiên cứu dài hạn và có hệ thống, và một số địa điểm khảo cổ quan trọng đã được phát hiện. Ở Nam Trung Quốc, nơi hoạt động nghiên cứu khảo cổ vốn nghèo nàn, thì kể từ những năm 1950, đã bắt đầu các cuộc điều tra toàn diện hơn và nhiều di tích văn hóa tiền sử đã được phát hiện và định danh, ví dụ, năm 1951, Viện Bảo tàng Nam Kinh đã khai quật di chỉ Hồ Thục, huyện Giang Ninh, tỉnh Giang Tô, và đặt tên là văn hóa Hồ Thục, năm 1954, Hội Quản lý Văn hóa tỉnh Hồ Bắc và Viện Khảo cổ học của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã khai quật di chỉ Khuất Gia Lĩnh ở Kinh Sơn, Hồ Bắc và đặt tên là Văn hóa Khuất Gia Lĩnh; cùng năm, Hội Quản lý Văn hóa tỉnh Phúc Kiến khai quật di chỉ Đàm Thạch Sơn, huyện Mân Hầu và đặt tên là Văn hóa Đàm Thạch Sơn. Năm 1959, Bảo tàng tỉnh Tứ Xuyên đã khai quật di chỉ Đại Khê, huyện Vu Sơn và đặt tên cho nó là Văn hóa Đại Khê. Cùng năm đó, Hội Quản lý Văn hóa tỉnh Chiết Giang đã phát hiện địa điểm Mã Gia Tân ở huyện Gia Hưng và đặt tên là Văn hóa Mã Gia Tân (17). Việc thiết lập các văn hóa tiền sử khu vực này trong cấu ​​trúc không - thời gian và khám phá ý nghĩa của chúng là những tiến bộ cực kỳ quan trọng trong việc phân tích các loại hình văn hóa tiền sử ở Nam Trung Quốc và nghiên cứu về mối quan hệ của chúng.

Sau chiến bại của Nhật Bản ở Thế chiến II, Chính phủ Quốc gia chuyển sang Đài Loan, Khảo cổ học của Đài Loan bắt đầu một giai đoạn mới. Năm 1949, Đại học Quốc gia Đài Loan đã thành lập Khoa Khảo cổ học và Nhân chủng học, tiếp quản bộ phận nghiên cứu đã có từ trước của Đại học Đế quốc Đài Bắc và bắt đầu công tác khảo sát, khai quật và nghiên cứu do người Trung Quốc lãnh đạo. Từ năm 1950 đến 1970, các nhà khảo cổ học Đài Loan đã tiến hành điều tra và khai quật nhiều địa điểm quan trọng. Bao gồm vùng phụ cận Đài Bắc với các di chỉ Viên Sơn, Giang Đầu (Quan Độ), Cẩu Đề Sơn, Thập Tam Hành, Tiêm Sơn ở Đào Viên, Cảng Hồng Mao ở Tân Trúc, Tân Cảng ở Miêu Lật, Doanh Phố ở Đài Trung, Đại Mã Lân ở Nam Đầu, Đỗng Giác và Quân Công Liêu, Lục Giáp Đính và Tam Phân Tử của Đài Nam (trước đây gọi là Cao nguyên Tam Bản Mộc), Bán Bình Sơn ở Cao Hùng, Khẩn Đinh ở Bình Đông, Ti Nam ở Đài Đông, Bình Lâm và Hoa Cương Sơn ở Hoa Liên cùng các di chỉ khác. Ngoài ra, những thành tựu chính của giai đoạn này là phát hiện và xác nhận các di chỉ và bước đầu xác định niên đại văn hóa khu vực. Điều đó đã tạo ra một nền tảng tốt cho việc xác lập toàn bộ niên đại văn hóa tiền sử Đài Loan. Nền tảng này cũng là do “Chương trình Hợp tác Nghiên cứu Tiền sử Đài Loan” do Khoa Khảo cổ học và Nhân học của Đại học Quốc gia Đài Loan và Khoa Nhân học của Đại học Yale Hoa Kỳ hợp tác tiến hành vào các năm 1964 - 1965 và cơ sở đó còn được củng cố thêm bởi việc phát hiện “Văn hóa Tiên Đào” ở Bát Tiên Đỗng, thị trấn Trường Tân, huyện Đài Đông năm 1968. Trước đây mục đích chủ yếu là chọn một số địa điểm ở Đài Loan để điều tra và khai quật để có thêm thông tin về văn hóa tiền sử của Đài Loan. Chương trình này là nỗ lực đầu tiên nhằm tiến hành nghiên cứu khảo cổ theo cách phương pháp liên ngành và sử dụng phương pháp tính niên đại carbon phóng xạ C14 để xác lập văn hóa tiền sử Đài Loan. Các phát hiện sau này đã bổ sung cho giai đoạn sớm nhất của cấu ​​trúc văn hóa tiền sử Đài Loan. (18)

Ở Đông Nam Á, các cuộc khai quật có hệ thống dài hạn đã xuất hiện ở một số quốc gia trong suốt 20 năm sau năm 1950. Ví dụ, Tom Harrison của Bảo tàng Sarawak đã tiến hành nghiên cứu dài hạn ở đồng bằng sông Santubong và hang động Niah ở Sarawak. Đặc biệt là tại khu vực hang động Niah, từ năm 1957 đến 1967, hàng trăm hang động lớn nhỏ đã được điều tra. (19) Trong khoảng thời gian từ 1950 đến 1954 Solheim bắt đầu một cuộc điều tra một cách hệ thống về táng thức mộ vò ở Philippines. (20) Và dự án khảo cổ học lớn nhất ở Philippines trong những năm 1950 là cuộc khai quật dài hạn của Robert Fox tại địa điểm Calatagan ở tỉnh Batangas, Luzon, với hơn 500 ngôi mộ và hơn 1.000 đồ sứ thương mại từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 16 đã được khai quật. (21) Năm 1962, Fox đã phát hiện ra một số hang động ở khu vực núi đá vôi gần thành phố Quezon ở bờ tây đảo Palawan ở Philippines. (22) Kể từ đó, vào năm 1966, ông đã tiến hành các cuộc khai quật chuyên sâu ở đây và các tư liệu khảo cổ được khai quật có niên đại tới 30.000 năm trước. Ở Thái Lan, từ năm 1960 đến 1962, và từ năm 1965 đến năm 1966, nhóm các nhà khảo cổ Thái Lan và Đan Mạch đã thực hiện các cuộc điều tra và khai quật các địa điểm Đá cũ và Đá mới trong Hang Ong Ba ở thung lũng Ban Kao và Kwae Yai của thung lũng Kwae Noi, tỉnh Kanchanaburi (23). Năm 1963, nhà khảo cổ học người Mỹ Solheim II đã phát hiện ra nhiều di chỉ trong một cuộc khảo sát khảo cổ quy mô lớn ở bốn khu vực hồ chứa ở đông bắc Thái Lan. Trong số đó, Non Nok Tha và Spirit Cave đã được khai quật trong những năm sau đó. (24) Tóm lại, vào cuối những năm 1960, các nghiên cứu khảo cổ ở Đông Nam Á đã tập trung ở một số vùng và các phương pháp khoa học hiện đại đã được sử dụng để cố gắng xác lập trật tự niên đại văn hóa trong khu vực.

3.4. Giai đoạn đổi mới

Sau những năm 1970, các nghiên cứu khảo cổ ở Nam Trung Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á đã cho thấy những thay đổi đáng kể. Sự thay đổi này là phát hiện ra các dữ liệu khảo cổ mới, xác lập các văn hóa khảo cổ mới và ứng dụng rộng rãi phương pháp Carbon phóng xạ C14, lấp đầy khoảng trống trong văn hóa và xác lập văn hóa khảo cổ học khu vực rõ ràng hơn, đồng thời, ứng dụng phổ biến khảo cổ học môi trường và các phương pháp khoa học tự nhiên vào nghiên cứu khảo cổ học để cung cấp thêm nhiều thông tin và chủ đề nghiên cứu mới cho văn hóa tiền sử của khu vực, ngoài ra, các lý thuyết và khái niệm mới do cộng đồng khảo cổ học phương Tây phát triển cũng đã được giới thiệu vào nghiên cứu khảo cổ học khu vực.

Theo xu hướng này, sự phát triển rõ ràng nhất ở khu vực Nam Trung Quốc là phát hiện ra một số lượng lớn các nền văn hóa mới và xác lập một chuỗi phát triển văn hóa khu vực. Ví dụ, trong trường hợp của Phúc Kiến và Quảng Đông, đầu tiên là phát hiện văn hóa Đàm Thạch Sơn ở tỉnh Phúc Kiến vào những năm 1960, sau năm 1978, các cuộc khai quật quy mô lớn ở một số địa điểm không chỉ làm phong phú thêm nội dung của văn hóa Đàm Thạch Sơn, mà còn cả nội hàm, đặc trưng, niên đại, phân bố địa lý và bản chất văn hóa v.v., có một sự hiểu biết sâu sắc hơn, do đó nghiên cứu khảo cổ học về “văn hóa Đàm Thạch Sơn” đã bước sang một giai đoạn mới. (25) Nhưng sau những năm 1980, một số di chỉ đồ đá mới quan trọng, chẳng hạn Trang Biên Sơn ở Mân Hầu (26) Ngưu Tị Sơn ở Phổ Thành (27) và Hoàng Qua Sơn ở Hà Phổ (28) đã được điều tra và phát hiện, làm phong phú thêm nội hàm văn hóa thời đại đồ đá mới ở Phúc Kiến. Ngoài ra, việc phát hiện hóa thạch người và các công cụ bằng đá vào cuối thời đại đá cũ không chỉ lấp đầy những khoảng trống trong thời đại đá cũ ở Phúc Kiến, mà còn cung cấp thông tin mới để khám phá sự phát triển của văn hóa đá cũ ở Nam Trung Quốc. (29)

Ở khu vực Quảng Đông, các di chỉ đá mới được phát hiện sau những năm 1970, sự phong phú về số lượng, quy mô và nội hàm văn hóa của khu vực đồng bằng Châu Giang là quan trọng nhất. Theo báo cáo của hai vị tiên sinh Đặng Thông và Âu Gia Phát, có gần 20 địa điểm được khai quật vào giai đoạn trước sau năm 1990, “Các cuộc khai quật khảo cổ bùng nổ và gia tăng đã đưa chúng ta vào thời kỳ hoàng kim của khảo cổ học ở vùng đồng bằng sông Châu Giang”. (30)
_____________________________________

Nguồn: 臧振華 (2003),  華南、台灣與東南亞的史前文化關係:生態區位、文化互動與歷史過程, 國立臺灣史前文化博物館,中央研究院歷史語言研究所,「新世紀的考古學-文化、區位、生態的多元互動」學術研討會, 2003 10 22-24 . tang chấn hoa, hoa nam - đài loan dữ đông nam á đích sử tiền văn hóa quan hệ: sinh thái khu vị, văn hóa hỗ động dữ lịch sử quá trình. Quốc lập đài loan sử tiền văn hóa bác vật quán, trung ương nghiên cứu viện lịch sử ngữ ngôn nghiên cứu sở, tân thế kỉ đích khảo cổ học - văn hóa, khu vị, sinh thái đích đa nguyên hỗ động học thuật nghiên thảo hội, 2003 niên 10 nguyệt 22 - 24 nhật.

Người dịch: Hà Hữu Nga

Tác giả: Tang Chấn Hoa (臧振華 1947 - ) là nhà khảo cổ học dưới nước Đài Loan, nhà Nghiên cứu, Viện sĩ của Viện Lịch sử và Ngôn ngữ, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Sinica, Đài Loan. Ông sinh ra tại quê gốc là thành phố Thanh Đảo, Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, năm 1949 ông theo gia đình đến Đài Bắc, Đài Loan. Sau khi tốt nghiệp trường trung học Ban Kiều, Chấn Hoa vào khoa Khảo cổ học và Nhân chủng học của Đại học Quốc gia Đài Loan (nay là Khoa Nhân chủng học, Đại học Quốc gia Đài Loan). Sau đó, ông làm việc tại Viện Lịch sử và Ngôn ngữ của Viện Hàn lâm Khoa học Sinica, nhận học vị tiến sĩ của Viện Lịch sử và Ngôn ngữ, sau đó ông tiếp tục làm việc tại Đại học Harvard. Trở về Đài Loan, ông tiếp tục làm việc tại Viện Lịch sử và Ngôn ngữ, làm giám đốc Bảo tàng Văn hóa Tiền sử Quốc gia Đài Loan, và là giáo sư của Viện Nhân chủng học Quốc gia tại Đại học Thanh Hoa.

Chú thích của người dịch:

[1] Ryuzo Torii (1870 - 1953) là một nhà nhân chủng học, nhà dân tộc học, nhà khảo cổ học và nhà dân gian học Nhật Bản. Ông sinh ra tại đảo Shikoku trong một gia đình thương gia. Torii sử dụng tám ngôn ngữ khác nhau trong công việc nghiên cứu của mình, ông nổi tiếng với các công trình nghiên cứu được thực hiện bên ngoài Nhật Bản, tại Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nga, Châu Âu, Nam Mỹ. Torii lần đầu tiên sử dụng máy ảnh trong khi tiến hành công việc tại hiện trường ở Đông Bắc Trung Quốc vào năm 1895. Năm 1898, ông trở thành trợ giảng tại Đại học Đông kinh Tokyo, và năm 1905, ông trở thành giảng viên ở đây. Năm 1921 Torii lấy bằng tiến sĩ nhân chủng học của Đại học Đông kinh. Năm 1924 Torii rời Đại học Đông kinh và thành lập Viện Ryuzo Torii. Năm 1928 ông xúc tiến việc thành lập Đại học Sophia ở Tokyo. Đó là một thành tựu lớn của Torii trong việc quốc tế hóa các trường đại học Nhật Bản. Năm 1939, ông được mời làm Giáo sư thỉnh giảng của Viện Harvard–Yenching thuộc Đại học Harvard, đến 1951 Torii trở lại Tokyo, Nhật Bản và mất năm 1953.

[2] Robert Freiherr von Heine-Geldern (1885 - 1968) là một nhà Nhân học, Dân tộc học, Cổ sử học, và Nhà khảo cổ học người Áo, là cháu của nhà thơ Heinrich Heine (ông nội Heine-Geldern là em trai của Heinrich Heine). Ông học tại Đại học Munich, sau đó nghiên cứu lịch sử nghệ thuật và dân tộc học dưới sự hướng dẫn của Cha cố Wilhelm Schmidt (1868-1954) tại Đại học Vienna. Năm 1910, ông đến biên giới Ấn Độ - Miến Điện để nghiên cứu về dân cư địa phương, hoàn thành luận án của mình vào năm 1914 về các bộ lạc miền núi ở Đông Bắc Miến Điện. Heine-Geldern thực hiện nghĩa vụ quân sự trong Thế chiến I, sau đó làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Vienna. Nghiên cứu của ông đã kết hợp các khái niệm dân tộc học, tiền sử và khảo cổ học, và vào năm 1923 ông đi tiên phong trong lĩnh vực nhân chủng học Đông Nam Á. Ông bắt đầu giảng dạy tại Đại học Vienna năm 1927, và trở thành Giáo sư năm 1931. Từ năm 1938 đến hết Thế chiến II, ông sống như một người tị nạn ở thành phố New York, nơi ông làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ. Tại thời điểm này, ông có công trong việc thành lập Viện Đông Nam Á tại Hoa Kỳ (1941). Ông trở lại Vienna năm 1950, và làm việc tại Viện Dân tộc học. Heine-Geldern đã tích cực sớm bắt tay vào nghiên cứu Đông Nam Á, đặc biệt tiểu luận Các quan niệm về Nhà nước và Vương quyền ở Đông Nam Á (“Conceptions of State and Kingship in Southeast Asia," Far Eastern Quarterly (II), 1942, pp. 15–30. Revised version: Ithaca: Southeast Asia Program Data Paper #18, Cornell University, 1956) của ông hiện đã trở thành kinh điển. Ông đã được trao tặng huy chương của Viking Fund, và là viện sỹ của Viện Hàn lâm Khoa học Áo, thành viên của Hội Hoàng gia Nghiên cứu Châu Á, của Viện Nhân học Hoàng gia và Trường Viễn đông Pháp (École française d'Extrême-Orient).

Chú thích

(1) 鳥居龍藏,〈圓山貝塚する通信〉,東京人類學會雜誌, 13141):116-117。又見,宋文薰,〈由考古學看台灣〉,收入陳奇祿編《中國的台灣》,116. 台北:中央文物供應社, 1980điểu cư long tàng, “viên san bối trủng quanする thông tín”, đông kinh nhân loại học hội tạp chí, 13 (141): 116 – 117. hựu kiến, tống văn huân, “do khảo cổ học khán đài loan”, thu nhập trần kì lộc biên “trung quốc đích đài loan”, hiệt 116. đài bắc: trung ương văn vật cung ứng xã, 1980.

(2) R. von Heine Geldern, Urheimat und früheste Wanderungen der Austronesier. Anthropos vol.27, nos.3/4, 1932, pp. 543-619, Vienna.

(3) 參見馮繩武主編《中國自然地理》,(高等教育出版社,1989 年)。另參見施添福等編《地理(二)》(台北:龍騰文化事業公司,2001)。tham kiến phùng thằng vũ chủ biên “trung quốc tự nhiên địa lí”, (cao đẳng giáo dục xuất bản xã, 1989 niên). lánh tham kiến thi thiêm phúc đẳng biên “địa lí, nhị,” (đài bắc: long đằng văn hóa sự nghiệp công ti, 2001).

(4) P. Bellwood, Southteast Asia before history, in The Cambridge History of Southeast Asia, ed. By Nicholas Tarling, published by the Press Syndicate of the University of Cambridge, 1992, pp. 64-65.

(5) 凌純聲〈東南亞古文化研究發凡〉,《新生報民族學研究專刊》, 第四期,1950。另收入《主義與國策》,44 ,1955, 13. lăng thuần thanh “đông nam á cổ văn hóa nghiên cứu phát phàm”, “tân sinh báo dân tộc học nghiên cứu chuyên khan”, đệ tứ kì, 1950. Lánh thu nhập “chủ nghĩa dữ quốc sách”, 44 kì,1955, 1 - 3.

(6) 上引凌純聲〈東南亞古文化研究發凡〉,5thượng dẫn lăng thuần thanh “đông nam á cổ văn hóa nghiên cứu phát phàm”, hiệt 5.

(7) 上引凌純聲〈東南亞古文化研究發凡〉,3thượng dẫn lăng thuần thanh “đông nam á cổ văn hóa nghiên cứu phát phàm”, hiệt 3.
  
(8) W. Solheim , Remarks on the early Neolithic in South China and South East Asia. Journal of The Hong Kong Archaeological Society, vol. IV, 1973, pp.25-29.

(9) 參見Te-kun Cheng, Archaeological Studies in Szechwan. Cambridge University Press, 1957.

10 參見金關丈夫,國分直一著,陳奇祿,宋文薰譯,〈台灣考古學研究簡史〉,《台灣文化》第六卷,第一期,1950tham kiến kim quan trượng phu, quốc phân trực nhất trứ, trần kì lộc, tống văn huân dịch, “đài loan khảo cổ học nghiên cứu giản sử”, “đài loan văn hóa” đệ lục quyển, đệ nhất kì, 1950.

(11) 參見W. Solheim II, New directions in Southeast Asian prehistory. Anthropoloogica, N.S., vol. XI, 12 同註8 Te-kun Cheng 1957 文。

(13) 參見:安志敏,〈香港考古的回顧與展望〉,《考古》1997,6 ,13 頁。tham kiến: an chí mẫn, “hương cảng khảo cổ đích hồi cố dữ triển vọng”, “khảo cổ” 1997, đệ 6 kì, 1- 3 hiệt.

(14) R. Maglioni, Archaeological discovery in Eastern Kwangtung, Journal Monograph II, Hong Kong Archaeological Society, 1975. Chang, Kwang-chih, Prehistoric and early historic culture horizon and traditions in South China. Current Anthropology, vol. 5, no. 5, 1964, pp. 359, 368.

(15) 前引金關丈夫,國分直一,〈台灣考古學研究簡史〉。宋文薰譯,〈台灣先史考古學近年之工作〉,《台北縣文獻叢輯》第二輯,1956, 7-20tiền dẫn kim quan trượng phu, quốc phân trực nhất, “đài loan khảo cổ học nghiên cứu giản sử”. tống văn huân dịch, “đài loan tiền sử khảo cổ học cận niên chi công tác”, “đài bắc huyền văn hiến tùng tập” đệ nhị tập, 1956, hiệt 7- 20.

(16) 參見W. Sohleim, New directions in Southeast Asian prehistory. Anthropologica, N. S. vol. XI, no. 1,1969, pp. 30-44.

(17) 參見〈中國考古學年表〉在《中國大百科全書考古學》,中國大百科全書出版社,上海,1986tham kiến “ trung quốc khảo cổ học niên biểu” tại “trung quốc đại bách khoa toàn thư - khảo cổ học”, trung quốc đại bách khoa toàn thư xuất bản xã, thượng hải, 1986. 

(18) 石璋如、宋文薰,〈台灣紅毛港等十一遺址初步調查簡報〉,《國立台灣大學考古人類學刊》第二期,1953, 10-16。石璋如,〈圓山貝塚之發現與發掘〉,《大陸雜誌》第九卷第二期,1964, 60-66thạch chương như, tống văn huân, “đài loan hồng mao cảng đẳng thập nhất di chỉ sơ bộ điều tra giản báo”, “quốc lập đài loan đại học khảo cổ nhân loại học khan” đệ nhị kì, 1953, hiệt 10- 16. thạch chương như, “viên san bối trủng chi phát hiện dữ phát quật”, “đại lục tạp chí” đệ cửu quyển đệ nhị kì, 1964, hiệt 60 – 66. Chang Kwang-chih, Fengpitou, Tapenkeng and the Prehistory of Taiwan, Yale Publication in Anthropology, No. 73, 1969. Yale University Press. 宋文薰,〈長濱文化台灣首次發現的先陶文化〉,《中國民族學通訊》,9,1-27tống văn huân, “trường tân văn hóa - đài loan thủ thứ phát hiện đích tiên đào văn hóa”, “trung quốc dân tộc học thông tấn”, đệ 9 kì, hiệt 1 -27.
  
(19) T. Harrisson, The prehistory of Niah: a history of prehistory. Sarawak Museum Journal, 1958, pp.549-595; The prehistory of Borneo. Asian Perspectives no. 13, 1970, pp. 17-46.

(20) W. Solheim, II, Jar burial in the Babuyan and Bantanes Island and in central Philippines, and its relationship to jar burial elsewhere in the Far East. Philippine Journal of Science vol. 89, no. 1, 1960, pp. 115-148.

(21) Robert Fox, The Calatagan excavation. Philippine Studies no.7, 1959, pp. 325-390.

(22) Robert Fox, The Tabon Caves. National Museum Monograph 1, Manila, 1970.

(23) P. Sorensen and T. Hatting, Archaeological Excavations in Thailand. vol. 2: Ban Kao. Munksgaard. Copenhagen, 1967.

(24) W. Solheim, New directions in Southeast Asian prehistory. Anthropologica, N. S. vol. XI, no. 1,1969, pp. 30-44. C. Gorman, Excavation at Spirit Cave, northern Thailand: some interim interpretation. Asian Perspectives no. 13, 1970, pp. 79-108.

(25)福建省博物館,〈福建閩侯縣曇石山遺址發掘新收穫〉,《考古》1983:12,1076-109125 phúc kiến tỉnh bác vật quán, “phúc kiến mân hầu huyền đàm thạch san di chỉ phát quật tân thu hoạch”, “khảo cổ” 1983: 12, hiệt 1076 – 1091.

(26) 福建省博物館,〈福建閩侯庄邊山遺址發掘報告〉,《考古學報》1998 年第2 ,171-227phúc kiến tỉnh bác vật quán, “phúc kiến mân hầu trang biên san di chỉ phát quật báo cáo”, “khảo cổ học báo” 1998 niên đệ 2 kì, hiệt 171 – 227.

(27) 福建省博物館,〈福建浦城縣牛鼻山新石器時代遺址第一、二次發掘〉,《考古學報》1996 年第 2 ,165-197phúc kiến tỉnh bác vật quán, “phúc kiến phổ thành huyền ngưu tị san tân thạch khí thì đại di chỉ đệ nhất, nhị thứ phát quật”, “khảo cổ học báo” 1996 niên đệ 2 kì, hiệt 165 – 197. 

(28) 福建省博物館,〈福建霞浦黃瓜山遺址發掘報告〉,《福建文博》1994 年第1 ,3-37phúc kiến tỉnh bác vật quán, “phúc kiến hà phổ hoàng qua san di chỉ phát quật báo cáo”, “phúc kiến văn bác” 1994 niên đệ 1 kì, hiệt 3 – 37.

(29) 尤玉柱,《漳州史前文化》。福建人民出版社,1991vưu ngọc trụ, “chương châu sử tiền văn hóa”. phúc kiến nhân dân xuất bản xã, 1991.

(30) 鄧聰、區家發,〈珠江口史前考古芻議〉,《環珠江口史前文物圖錄》,香港:中文大學出版社,1991,xiđặng thông, khu gia phát, “châu giang khẩu sử tiền khảo cổ sô nghị”, “hoàn châu giang khẩu sử tiền văn vật đồ lục”, hương cảng: trung văn đại học xuất bản xã, 1991, hiệt xi.
 
* Những chỗ có đánh dấu (*) cũng là ghi chú của người dịch.