Le
Minh Khai
Người dịch: Hà Hữu Nga
Năm 1976, Edward
Schafer xuất bản một cuốn sách về “phương Nam” trong trí tưởng tượng Trung Hoa thời Trung cổ
có tên Chim
chu tước (南方朱雀 nam phương chu tước): Tưởng tượng của nhà Đường về phương Nam (The Vermilion Bird: T’ang
Images of the South.) Đầy những chi tiết thú vị về mọi thứ từ thực
vật cho đến con người, cuốn sách của Schafer đã cho thấy một
khối thông tin khổng
lồ và phong phú về vùng Quảng Đông và Quảng Tây trong các nguồn của
Trung Quốc vào thiên niên kỷ thứ nhất SCN.
Nhưng đồng thời, trong việc tập trung vào cách Trung Quốc “nghĩ” về phương Nam, tác phẩm Chim chu tước không phải là một công trình lý tưởng khi đọc để có được một cảm giác “những gì thực sự đã xảy ra” trong khu vực đó trong khoảng thời gian đó. Đây là một khoảng trống mà tác phẩm năm 1983 của Keith Taylor, Sự ra đời của Việt Nam, một phần được lấp đầy vì nó cung cấp một câu chuyện rất chi tiết về lịch sử của Đồng bằng sông Hồng, một phần của khu vực rộng lớn hơn được xem xét trong Chim chu tước từ buổi đầu cho đến suốt giai đoạn cai trị thuộc triều đại nhà Đường.
Một đóng góp quan trọng khác trong việc xác lập một bức tranh về lịch sử sớm của khu vực này là vào năm 1997 khi Charles Holcombe xuất bản một bài viết có tựa đề “Phương nam xa xôi của đế chế Trung Quốc sớm: Các khu vực người Việt trong suốt thời nhà Đường” - “Early Imperial China’s Deep South: The Viet Regions through Tang Times” (Tang Studies 15-16, [1997-8] : 125-157).
Những gì về
cơ bản được Holcombe bàn
đến trong bài viết này là vào thiên niên kỷ thứ nhất
SCN Hà Nội và Quảng Châu giống
như hai hòn đảo Hán hóa giống nhau hơn các khu vực xung quanh. Holcombe cũng cho
rằng trong suốt
giai đọan này, thương mại đã bắt
đầu tập trung hơn tại Quảng
Châu và điều đó khiến cho Đồng bằng sông Hồng trở thành ngoại vi hơn đối với thế giới Trung Quốc vào thời nhà Đường.
Rất hữu ích là cả ba công trình này đều giúp tìm hiểu về các khía cạnh khác nhau của lịch
sử buổi ban đầu thuộc khu vực trải dài từ miền Trung Việt Nam đến tỉnh Quảng
Đông, Trung Quốc, để thực
sự hiểu rõ lịch sử của khu vực
này thì cần phải có một công trình táo bạo tổng hợp, đặt nghiên cứu chi tiết về Đồng bằng sông Hồng của
Taylor trong bối cảnh rộng lớn
hơn nhằm đồng thời tìm hiểu chi tiết hơn nữa về lịch sử của các khu vực thuộc tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, và nhằm
xem xét khu vực giữa Hà Nội và Quảng
Châu mà Holcombe đã không bàn đến, và cũng cần khám phá các cách thức gắn bó nhiều sản phẩm từ thế giới tự nhiên mà Schafer đã
viết với những phát triển lịch sử của khu vực.
May mắn thay cho
tất cả chúng ta, những người quan tâm đến lịch sử ban đầu của khu vực đó, một
công trình tổng hợp như vậy
vừa được hoàn thành. Đó là Những nhóm người giữa hai dòng sông:
Cuộc thăng trầm của một nền Văn hóa Trống đồng, 200 – 750 năm SCN (The People between the Rivers: The
Rise and Fall of a Bronze Drum Culture, 200–750 CE) của Catherine Churchman (Rowman & Littlefield, 2016).
Chuyên khảo của Churchman
tập trung vào các vùng đất miền núi giữa châu thổ sông Hồng và sông Châu Giang
trong khoảng thời gian từ cuối thời nhà Hán đến thời kỳ nhà Đường.
Những người sống trong vùng này được
các tác giả Trung Quốc biết đến là những người “Lí” và “Lão”, hay nói chung là
“người man”. Thực ra thì họ khác biệt ở một số phương diện với các đối tác của
họ ở thung lũng sông Hoàng Hà, và không có dấu hiệu nào tốt hơn loại trống đồng
(kiểu Heger II) mà họ sản xuất từ khoảng thế kỷ thứ hai hoặc thứ ba SCN cho đến
khoảng thế kỷ thứ tám SCN, khi các chính thể riêng biệt của họ cuối cùng bị nhập
vào vương quốc nhà Đường.
Churchman
đã minh chứng lịch sử thăng trầm của các chính thể Lí và Lão trong giai đoạn
này, và trong quá trình này, cô cũng đã cơ bản viết lại lịch sử của một khu vực
rộng lớn hơn, đặc biệt là sau khi nó đã được các sử gia Việt Nam hiện đại trình
bày.
Vậy lịch sử này là gì? Để giản lược công
trình nghiên cứu chi tiết và được minh chứng đầy đủ của Churchman,
có thể hình dung như sau:
Các triều đại Tần và Hán bành trướng quyền
lực của họ về phía nam đến Đồng bằng sông Châu Giang và sông Hồng. Trong quá
trình này, phần lớn họ bỏ qua khu vực miền núi ở giữa hai con sông trên, và sau
khi nhà Hán sụp đổ, không có triều đại nào đủ mạnh để kiểm soát trực tiếp khu vực
đó cho đến thời nhà Đường.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là vùng
đất giữa hai con sông vẫn bị biệt lập. Thay vào đó, điều mà Churchman
chứng minh là có những chính thể trong khu vực đó ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn
trong cùng khoảng thời gian đó thông qua các tương tác của họ với các nhà nước
Trung Quốc khác nhau. Đặc biệt, trong việc chấp nhận các tước hiệu danh nghĩa từ
các triều đại Trung Quốc, các nhà cai trị địa phương đã giành được đặc quyền thương
mại vốn đem lại cho họ sự thịnh vượng và các nguồn lực để mở rộng lãnh địa của mình.
Trong khi khu vực này cuối cùng đã bị
nhập vào đế chế Trung Quốc, thông qua chinh phạt và dần dần bành trướng chính
trị, trọng tâm chính của Churchman
là khảo sát một quá trình phát triển rất khác đã diễn ra trước đó - sự gia tăng
và mở rộng của các chính thể Lí 俚 và Lão 獠.
Trong khi đó là thực chất của câu chuyện
lịch sử bao quát mà Churchman trình bày, còn có rất nhiều vấn đề khác mà cô nói
đến, làm phong phú thêm hiểu biết của chúng ta về lịch sử không chỉ vùng đất giữa
hai con sông mà còn cả chính bản thân sông Châu Giang và sông Hồng nữa.
Trước hết và quan trọng nhất, cô đã thực
hiện một công việc tuyệt vời để giải thích cách thức chúng ta hiểu về các thuật
ngữ như “Lí” và “Lão”. Trong khi nhiều học giả đã coi những cái tên ấy là chỉ định
các nhóm ngôn ngữ hoặc tộc người, thì Churchman chứng minh rằng chúng giống như
các dấu hiệu liên tục hơn của sự công nhận chính trị. (Cuốn sách gần đây của
Erica Fox Brindley về người Việt cũng đặt vấn đề tương tự với thuật ngữ “Việt” (越)).
Để đơn giản hóa
thảo luận phức tạp hơn của Churchman, nhóm người hoàn toàn nằm ngoài thế giới của chính
quyền Trung Quốc là “Lão”, thì nhóm người tham gia đầy đủ vào thế giới của chính quyền Trung Quốc là “người” 人 (Hán: ren; Việt: nhân), và các thủ lĩnh địa phương chấp nhận tước hiệu từ các nhà cai trị Trung Quốc là “Lí”.
Một lần nữa, đây là sự đơn giản hóa thảo luận của Churchman về vấn đề này, nhưng điểm quan trọng là sự phân chia giữa “Lí” và “ren / nhân / người” không rõ ràng khi các nhóm địa phương tham gia vào các chính quyền Trung Quốc cư trú trong một không gian mơ hồ, và với tư cách là bằng chứng về vấn đề này, Churchman xuất trình một số ví dụ soi sáng về cách mà cùng một cá nhân có thể được đề cập đến trong nhiều nguồn tư liệu khác nhau bằng những cách khác nhau, từ “Lí” đến “man trưởng” đến “người” đến tước hiệu mà chính quyền địa phương Trung Quốc đã ban cho ông ta.
Thêm vào sự mơ hồ này còn có một thực tế là phong cách cai trị của các nhà cai trị Trung Quốc ở phương Nam cũng thay đổi theo thời gian. Đặc biệt, sau triều đại Hán, nhiều viên quan cai trị Trung Quốc về cơ bản trở thành các thủ lãnh địa phương cha truyền con nối, vì nhiều nhà nước Trung Quốc khác nhau giữa nhà Hán và nhà Đường không có các nguồn lực hoặc tồn tại quá ngắn ngủi không thể cử người đến cai trị vùng này, và kết quả là, đơn giản lựa chọn chấp nhận việc những kẻ đã ở đó tiếp tục cai trị.
Như vậy, ở một cấp độ không có sự khác biệt nhiều giữa các thái
thú Trung Quốc cha
truyền con nối ở phương Nam và các thủ lãnh địa Lí cha truyền con nối, là những người cai trị các
vùng miền núi thay cho họ.
Tuy nhiên, ở cấp độ khác, thực tế là những thủ lãnh địa Lí tiếp tục sản xuất trống đồng như một dấu
hiệu của quyền lực chính trị và tính hợp thức của họ là một dấu hiệu cho thấy đã thực sự tồn
tại một số khác biệt.
Xu thế hướng đến sự cai trị cha truyền con nối cuối cùng đã chấm dứt ở châu thổ sông Châu Giang
khi các nhà
nước Trung Quốc, như triều đại
Lương (502–587), cử các quan chức hoặc thành viên của gia đình
hoàng gia lên nắm quyền ở đó. Tuy nhiên, phương thức cha
truyền con nối vẫn tiếp tục ở đồng
bằng sông Hồng.
Trong khi lịch sử
của Đồng bằng sông Hồng không phải là trọng tâm chuyên khảo của Churchman, cô vẫn đưa ra nhiều vấn đề về lịch sử của vùng này, và tập hợp những vấn
đề này là một thách thức lớn đối với câu chuyện lịch sử
của khu vực đó,
vốn đã được các nhà sử học Việt Nam trong thế kỷ hai mươi soạn thảo và còn được Keith Taylor trình bày bằng tiếng Anh năm
1983 trong tác phẩm The Birth of Vietnam - Sự ra đời của Việt Nam.
Câu chuyện lịch
sử đó nói
về việc có một xã hội, văn hóa
và ngôn ngữ khác biệt ở đồng bằng sông Hồng trước khi nhà
Tần và nhà
Hán mở rộng đế chế của họ
vào vùng đó, và trong khoảng 1.000 năm, những người thừa kế xã hội, văn hóa và ngôn ngữ
đó đã chống lại sự cai trị của Trung Quốc và cuối cùng trở thành “độc lập” một lần nữa.
Công trình Lịch sử người Việt Nam - A
History of the Vietnamese
- gần đây của Taylor đưa ra
một hiểu biết rất khác về thời kỳ này bằng cách cho rằng những người mà ngày nay chúng ta gọi là
“người Việt
Nam” bằng vô số cách chính là sản phẩm của 1000 năm bị
nhập vào đế chế Trung Quốc. Churchman không giải quyết vấn đề thay đổi văn hóa và xã hội này
ở Đồng bằng sông Hồng, nhưng bằng cách thảo
luận về khu vực dọc theo châu thổ
sông Châu Giang và các vùng đất giữa sông Hồng và sông Châu, cô đã chỉ rõ rằng Đồng bằng sông Hồng không phù hợp với việc
đặc trưng hóa
là một khu vực “nổi loạn”.
Trên thực tế, Churchman đã chứng minh rõ ràng rằng câu chuyện duy trì sự khác biệt
về văn hóa và chống lại việc nhập vào đế chế Trung Quốc là một câu chuyện thích hợp hơn nhiều đối với các vùng đất giữa
hai con sông so với
vùng Đồng bằng sông Hồng.
Bất kể sự khác biệt về văn hóa và xã hội tồn tại ở Đồng bằng sông Hồng đã kết thúc đột ngột khi trống đồng Đông Sơn ngừng sản xuất và khu vực đó trở nên tương đối yên bình sau khi Mã Viện nghiền nát cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng vào thế kỷ thứ nhất SCN.
Ngược lại, trong
vài thế kỷ tiếp theo, một thế giới văn hóa trống đồng vẫn tiếp tục tồn tại ở
vùng núi phía bắc Đồng bằng sông Hồng, và người Lí,
người Lão tỏ ra là
những nhóm nổi loạn hơn nhiều
so với các đối tác phía nam.
Cuối cùng, Churchman khẳng định rằng vào thời nhà Đường, Đồng bằng sông Hồng ngày càng trở nên xa cách, và ngoại biên, là mối lo ngại của các triều đình Trung Quốc. Những tiến bộ trong ngành đóng tàu đã làm cho các con tàu có thể vượt biển mở trực tiếp đến Quảng Châu thay vì men theo bờ biển và dừng lại ở Vịnh Bắc Bộ như họ đã làm trong thời nhà Hán.
Ngoài ra, không có nỗ lực nghiêm túc nào để thay thế các quan lại Trung Quốc cha truyền con nối, khác với những gì đã diễn ra ở đồng bằng sông Châu Giang, nền “độc lập” của khu vực này vào thế kỷ thứ mười có thể được nhìn nhận chính xác hơn với tư cách là kết quả của sự sao nhãng uy quyền hơn là sự thể hiện của một ý chí đại chúng.
Trong khi tôi phát
hiện ra đặc trưng này trong thời kỳ thống trị
của Trung Quốc ở Đồng bằng sông Hồng là chính xác, và trong
khi việc khảo sát chi tiết của Churchman về sự trỗi dậy và sụp đổ của các vương quốc
trống đồng trong các vùng đất giữa hai con sông là rõ ràng và thuyết phục,
thì chúng ta vẫn
còn lại một
câu hỏi rõ ràng và thiết
yếu: những gì đã xảy ra với (các)
vương quốc trống đồng trước
đó của Đồng Bằng Sông Hồng?
Cuốn sách gần đây của Nam Kim về thành cổ Cổ Loa – Những cội của Việt Nam cổ đại (The Origins of Ancient Vietnam Oxford University Press, 2015) đã minh chứng rõ rằng có một vương quốc hùng mạnh ở Đồng bằng sông Hồng trong thiên niên kỷ thứ nhất trước Công Nguyên. Churchman đã chia sẻ với tôi trong một thư điện tử về việc cô nghĩ rằng có thể dễ dàng kiểm soát một nhà nước lớn như vậy trong một đồng bằng sông sau khi loại trừ hoặc chinh phục các nhà cai trị của nó hơn là cố gắng chinh phục nhiều chính thể miền núi.
Thật vậy, đây là một khía cạnh trung tâm của lập luận Churchman về các vương quốc trống đồng trong các vùng đất giữa hai con sông - khi các vương quốc trở nên lớn hơn và kết nối với các đế chế Trung Quốc, thì cuối cùng họ dễ dàng chinh phục và sát nhập hoàn toàn một khi đế chế Trung Quốc có các nguồn lực quân sự để làm như vậy.
Vì vậy, điều này nhắc tôi nhớ đến một đoạn văn nổi tiếng của Lịch
Đạo Nguyên thế kỷ thứ
sáu viết trong Thủy Kinh chú - 水經注
- trong đó ông trích dẫn một
văn bản trước đó được gọi là Giao Châu ngoại vực ký - 交州外域記 – cung
cấp thông tin về Đồng bằng sông Hồng.
Dưới đây là nội dung của đoạn:
交州外域記曰,交趾昔未有郡縣之時,土地有雒田,其田從潮水上下,民墾食其,名為雒民.設雒王雒侯主諸郡縣.縣多為雒將.雒將銅印青綬.
Phiên âm: Giao Châu
ngoại vực kí viết, Giao Chỉ tích vị hữu quận huyện chi thì, thổ địa hữu Lạc điền,
kì điền tòng triều thủy thượng hạ, dân khẩn thực kì điền, danh vi Lạc dân. Thiết
Lạc vương Lạc hầu chủ chư quận huyện. Huyện đa vi Lạc tướng. Lạc tướng đồng
ấn thanh thụ. Dịch
nghĩa: “Giao châu Ngoại vực ký chép
rằng khi chưa chia thành quận huyện, Giao Chỉ đã có ruộng Lạc, theo nước triều
lên xuống, người làm ruộng ấy mà ăn gọi là Lạc dân. Đặt chế độ Lạc vương, Lạc
hầu làm chủ các quận huyện này. Phần nhiều các huyện đã có các Lạc tướng. Lạc
tướng đeo ấn đồng quai thao xanh”.
Từ
lâu tôi đã cố gắng để hiểu đoạn
văn trên, bởi vì nó có nội dung mô tả vùng này trước khi “chia thành quận huyện”, viết ngắn gọn cái ý “trước khi nó nằm
dưới sự cai trị”
của người Trung Quốc”, và sau đó nó tiếp tục
nói về những người kiểm soát các quận huyện và có trang phục theo phép tắc "Trung Quốc" với ấn đồng quai thao xanh.
Nếu đây thực sự là một giai đoạn trước khi các triều đại Tần
và Hán tìm cách kiểm soát khu vực này, thì không có lẽ các nhà cai trị
địa phương đã có trống đồng sao?
Trong khi Churchman không bàn về đoạn văn này trong cuốn sách của cô, khi thảo luận về các vương quốc trống đồng giữa hai con sông, thì cô lại chỉ rõ rằng một trong những hình thức quy tắc gián tiếp của Trung Quốc trong khu vực là thiết lập cái mà cô gọi là 左 縣 tá huyện – huyện phụ tá, hoặc người ta cũng có thể gọi là các “phụ huyện”.
Đây là những quận huyện nằm dưới quyền kiểm soát của các thủ lĩnh địa phương (Lí / Lão), nhưng được nhà cầm quyền Trung Quốc của một quận huyện được thành lập chính thức kề bên công nhận trên danh nghĩa.
Và làm thế nào mà kẻ cai trị Trung Quốc cho thấy rõ rằng ông ta đã công nhận một người địa phương làm người cai trị của một “tá huyện”? Bằng cách ban cho ông ta một chiếc ấn đồng có quai thao xanh.
Nói cách khác, đoạn văn sớm nhất mà chúng ta có về Đồng bằng sông Hồng có vẻ không phải là khoảng thời gian trước khi khu vực đó nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc, mà trước khi nó bắt đầu bị kiểm soát “hoàn toàn” hoặc “trực tiếp” của Trung Quốc.
Như Churchman giải thích trong cuốn sách của mình, vào nửa sau của thời kỳ nhà Hán, những nỗ lực này đã được thực hiện bởi các nhà cai trị Trung Quốc, và cuộc nổi dậy của hai bà Trưng, cô cho rằng, có thể là một phản ứng đối với các nỗ lực của các nhà cai trị Trung Quốc nhằm chuyển đổi các quy tắc gián tiếp thành các quy tắc trực tiếp.
Cuộc nổi dậy đó tất nhiên đã bị dập tắt, và từ thời điểm đó trở đi, về cơ bản không có thêm bằng chứng về thế giới của các vương quốc trống đồng hoặc các thủ lĩnh địa phương cũng như văn hóa trống đồng ở đồng bằng sông Hồng. Thay vào đó, nó nằm trong các vùng đất giữa sông Hồng và sông Châu Giang; cái thế giới này vẫn tiếp tục và tiến triển, như Churchman đã minh chứng một cách quá tài khéo.
Tóm lại, tôi có thể viết nhiều hơn về cuốn sách này cũng như những ý tưởng mà nó truyền cảm hứng, đủ để nói rằng sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử sớm của khu vực trải dài từ những nơi mà ngày nay là miền Trung Việt Nam đến các tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông của Trung Quốc đã có được một bước tiến lớn nhờ công trình của Catherine Churchman.
Cuốn sách là một kiệt tác về sự tổng hợp và cái nhìn sâu sắc dựng lên một khuôn khổ bao quát sáng tỏ cho nhiều thế kỷ của lịch sử khu vực cũng như xuất trình các thảo luận đầy sắc thái về vô số vấn đề nền tảng, từ việc đặt vấn đề về các khái niệm “Hán hóa, Trung Quốc hóa” và “tộc người” cho đến việc vạch ra các mô hình thương mại giữa Đồng bằng sông Hồng và miền nam Trung Quốc. Đó thực sự là một kiệt tác.
____________________________________
Nguồn: https://leminhkhai.wordpress.com/2016/09/27/a-review-of-the-people-between-the-rivers-plus-a-30-discount/
Ghi chú: *Catherine
Churman là một
Giảng viên thuộc Chương trình Nghiên cứu Châu Á tại
Trường Ngôn ngữ và Văn hóa. Cô học tiếng Trung Quôc và tiếng Hà Lan khi còn là nghiên cứu
sinh ở New
Zealand và Đài Loan trước khi nhận bằng Tiến sĩ Lịch
sử châu Á của Đại học Quốc gia Úc năm 2012. Các lĩnh vực quan tâm nghiên cứu của Catherine bao gồm
lịch sử vùng Lĩnh Nam thuộc Nam Trung Quốc và Đông
Nam Á Lục địa vào thiên niên kỷ đầu SCN, các loại ngôn ngữ được tạo thành do sự tiếp xúc của tiếng Hán với nhiều
ngôn ngữ khác của Đông Nam Á (đặc biệt là ngôn ngữ
Phúc Kiến Malaysian), bản sắc địa phương của Trung Quốc ở cả Trung Quốc và các cộng đồng người Hoa, văn
liệu Việt Nam và Tày-Thái được viết bằng chữ Nôm,
văn liệu Hán-Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét