Powered By Blogger

Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2023

Kinh tế nghi lễ - Nội hàm Khái niệm và gợi ý Ứng dụng cho Lễ hội Đền Bảo Hà

Hà Hữu Nga

Mối quan hệ giữa kinh tế và nghi lễ

Mới đây hai học giả Mỹ Patricia McAnany và Christian Wells đã đề xuất định nghĩa kinh điển về kinh tế nghi lễ, coi đó là một cách tiếp cận lý thuyết để thấu hiểu và giải thích các cách thức mà thế giới quan, kinh tế, quyền lực và tác nhân con người gắn kết với nhau trong xã hội và biến đổi xã hội, là “quá trình cung cấp và tiêu thụ nhằm vật chất hóa và chứng minh thế giới quan để quản lý ý nghĩa và định hình diễn giải”. Cách tiếp cận này đi đầu trong nghiên cứu về sự gắn kết của con người với các lĩnh vực xã hội, vật chất và nhận thức thông qua trải nghiệm của bản thân mình. Bằng cách kết hợp hai lĩnh vực nghiên cứu thường bị cô lập thành các lĩnh vực tri thức riêng biệt, kinh tế nghi lễ được bộc lộ để phân tích các cách thức mà quá trình hiện thực hóa thế giới quan thông qua thực hành nghi lễ đã cấu trúc nên hành vi kinh tế. Hai tác giả trên cũng lưu ý rằng nghi lễ và kinh tế được liên kết với nhau nhưng không thể quy giản cho nhau, và đề xuất ba lĩnh vực khảo sát quan trọng: 1) thực tiễn kinh tế, tức là cung cấp và tiêu dùng; 2) các kết quả của thực hành, tức là vật chất hóa và chứng minh; và 3) vai trò xã hội quan trọng của thực hành nghi lễ trong việc xác lập ý nghĩa và diễn giải kinh nghiệm sống. (McAnany, P.A. and Christian Wells, E. 2008, tr.1-2)

Các chuyên gia về kinh tế nghi lễ của viện Max Planck, Cộng hòa Liên bang Đức cho rằng đối với hầu hết các nhà kinh tế học, trong thế giới đương đại nghi lễ và kinh tế ít liên quan đến nhau. Trong lịch sử, kinh tế được coi là một lĩnh vực sản xuất vật chất mà trên đó các hành động nghi lễ chỉ là tiêu dùng tốn kém, trở thành rào cản văn hóa đối với hiệu quả kinh tế. Các nhà lý thuyết hiện đại hóa cho rằng sự trỗi dậy của tư duy công cụ và bộ máy quan liêu đã khắc phục và xóa bỏ các tập tục nghi lễ. Theo các sơ đồ tiến hóa trong nhân học kể từ Edward Tylor và James Frazer, tư tưởng tôn giáo ma thuật suy giảm cùng với sự tiến bộ của công nghệ sản xuất. (Gudeman S., and Chris Hann 2015, tr.2) Douglass North, nhà kinh tế học thể chế nổi tiếng người Mỹ, từng đoạt giải Nobel kinh tế đã khẳng định rằng nghi lễ ma thuật và tôn giáo là những giải pháp phi lý tạo ra tình trạng bất ổn kinh tế, chỉ có thể giảm bớt bằng cách thay đổi khuôn khổ thể chế của nền kinh tế để làm cho nó hợp lý hơn (North D. 2005, tr. 15–18). Ngược lại, các nhà nhân học đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong nghiên cứu về nghi lễ bằng cách xem xét nó tách biệt khỏi các thực hành công cụ luận duy lý. Theo họ nghi lễ trước hết và quan trọng nhất là mang tính trình diễn; nó thực hành và hàm ý về một điều gì đó, thường có sự trợ giúp của các đối tượng hữu hình, nhưng không liên quan đến các mối quan tâm và quan hệ nhân quả kinh tế thông thường (Leach 2000).

Để vượt khỏi tình trạng phân đôi giữa nghi lễ và kinh tế theo cách tiếp cận duy lý của kinh tế học thể chế, các chuyên gia kinh tế nghi lễ của viện Max Planck đề xuất nhân tố trung tâm kết nối quan hệ giữa nghi lễ và kinh tế chính là tính xã hội, thông qua các mối quan hệ xã hội. Họ cho rằng các nghi lễ thể hiện, nhắc lại và duy trì các mối quan hệ xã hội. Nghi lễ được coi là thiết yếu để mở rộng tính xã hội, chẳng hạn như các hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng, và các tập hợp niềm tin và giá trị chung; và kinh tế nghi lễ có thể giúp hồi sinh các gắn kết nhóm trong các hình thức hoạt động cộng đồng. Đến lượt mình, nghi lễ cũng có thể che giấu các mối quan hệ xã hội và lợi ích cá nhân bằng cách trình diễn chúng như những thứ gì đó khác; và nghi lễ có thể huyền thoại hóa những mong muốn và khát vọng cũng bằng trình diễn các mong muốn và khát vọng đó trong những hình thức khác. (Gudeman S., and Chris Hann 2015, tr.7-8) Nghi lễ còn có vai trò rất cơ bản đối với các thể chế, và đối với kinh tế. Các thể chế được tạo thành từ các kết nối xã hội, như là hình ảnh thu nhỏ của từng ngôi nhà, từng cộng đồng và cả quốc gia. Thực tế, nhiều nghi lễ không được những người tham gia coi là tôn giáo, nhưng nếu bị thúc ép về phương diện xã hội, họ có thể thừa nhận một tấm màn che của một tôn giáo nào đó. Vì vậy các nhà kinh tế học nghi lễ của viện Max Planck đã khám phá vấn đề trọng tâm chính là tình trạng vướng víu về tính xã hội giữa các cá nhân và vai trò của các thể chế. Bằng cách tiếp cận như vậy, họ đã phản kháng với cách phân chia đơn giản các nghi lễ tôn giáo và thế tục, và sự chia tách nghi lễ với kinh tế. (Gudeman S., and Chris Hann 2015, tr.8)

Trong mối quan hệ giữa kinh tế và nghi lễ, các nhà nghiên cứu của viện Max Planck xem xét việc thực hành giao dịch giữa các gia đình, các nhóm với xã hội là trọng tâm chính. Họ chú ý nhiều hơn đến các diễn ngôn địa phương về kinh tế thông qua các mô hình văn hóa, đặc biệt là các mô hình nghi lễ mà mọi người sử dụng để thể hiện và định hướng cuộc sống của họ. (Gudeman S., and Chris Hann 2015, tr.18) Cách tiếp cận thể chế thông qua quan hệ nghi lễ và kinh tế làm sáng tỏ những lĩnh vực còn mơ hồ về ý nghĩa và tác động của các nghi lễ ở cấp độ gia đình và cộng đồng. Nghi lễ có thể hỗ trợ hoặc hợp thức hóa các hoạt động kinh tế thông qua tính xã hội mà chúng mang lại. Trong hầu hết các trường hợp, nghi lễ lấp đầy khoảng trống về tính xã hội giữa các gia đình, nhưng nghi lễ cũng có thể là một bức màn che đậy tính xã hội để tạo ra những tồn tại hư ảo. Các nghi lễ thu hút các nguồn lực vật chất đôi khi mang lại lợi nhuận trực tiếp trong ngắn hạn, đôi khi lại thua lỗ, nhưng tóm lại đều thu hút các kết nối và trao đổi kinh tế. Trong hầu hết trường hợp, nghi lễ có thể giúp thể hiện bản sắc và khả năng phục hồi của các gia đình, các cộng đồng, giúp huyền thoại hóa bản sắc và sự gắn kết của cộng đồng, thường là gắn với các hoài niệm về một thời hoàng kim huyền hoặc nào đó. (Gudeman S., and Chris Hann 2015, tr.19) Vì vây việc thừa nhận sự gắn kết giữa kinh tế và nghi lễ giúp tránh được thế lưỡng phân giữa tính duy lý của kinh tế và tính phi lý của hệ thống nghi lễ thường gây ra tình trạng chia rẽ cách diễn giải về các cấu thành xã hội quan trọng này. Lý thuyết kinh tế nghi lễ đặt câu hỏi về cách thức mà niềm tin tạo hình nên các lựa chọn kinh tế, và đến lượt mình, cách thức mà các hoạt động kinh tế phản ánh những niềm tin này. Quá trình này cũng tác động ngược lại với kinh tế, và ảnh hưởng đến bản thân nghi lễ, hệ thống niềm tin và một vòng phản hồi giữa kinh tế và nghi lễ luôn luôn tồn tại trong mối quan hệ này (Moses, Victoria Carley 2020, tr.56-57). Trong các nghi lễ tiêu tốn nguồn lực, mục tiêu của các tác nhân không hẳn là lợi nhuận kinh tế trực tiếp mà là thể hiện công khai vai trò tham gia thông qua trình diễn được sử dụng để thiết lập vị thế, gắn kết với cộng đồng, tạo dựng bản sắc (Spielmann 2002:197).

Kinh tế nghi lễ và quyền lực xã hội

Trong các xã hội tiền tư bản, quyền lực xã hội được quan niệm là các cá nhân và tổ chức có thể có quyền lực nhiều hoặc ít hơn so với các cá nhân hoặc tổ chức khác. Một hệ quả tất yếu là những người nhiều quyền lực hơn có khả năng thay đổi các tình huống xã hội và cuộc sống của những người khác vì lợi ích của chính họ. Đây chính là quan niệm coi “quyền lực là khả năng mà một tác nhân trong một mối quan hệ xã hội có thể thực hiện ý chí của mình bất chấp sự phản kháng, bất kể khả năng đó dựa vào cơ sở nào”. (Weber M. 1947, tr. 152) Ở đây cần lưu ý đến khái niệm tác tố (agency) do các tác nhân (agents) gây ra được thể hiện trong kinh tế chính trị, đó là “các tác nhân trong các phương pháp tiếp cận kinh tế chính trị về bản chất đều mang tính cạnh tranh và cố gắng hướng tới hiệu quả: vì càng nhiều nguồn lực và quyền lực càng tốt, vì nền kinh tế chính trị vốn đã định hướng tăng trưởng”. (Wells 2006:14) Các học giả cũng gợi ý rằng các phương pháp tiếp cận để hiểu khung lý thuyết quyền lực xã hội trong kinh tế nghi lễ truyền thống được chia thành ba lĩnh vực nghiên cứu: cụ thể là, 1) phương pháp tiếp cận tập trung vào các phương thức sản xuất tiền tư bản chủ nghĩa của kinh tế nghi lễ và các khía cạnh lịch sử của nó, 2) cách tiếp cận tập trung vào việc duy trì quyền lực trong các nhóm xã hội tiền sử thông qua kinh tế nghi lễ, và 3) cách tiếp cận nghiên cứu sản xuất hàng hóa và khái niệm giá trị trong kinh tế nghi lễ. (Preucel and Hodder 1996, tr.99)

Có ba hướng tiếp cận để nghiên cứu các phương thức sản xuất tiền tư bản chủ nghĩa gắn kết giữa kinh tế nghi lễ và quyền lực xã hội. Hướng nghiên cứu thứ nhất liên quan đến việc giới tinh hoa kiểm soát hệ thống hàng hóa uy tín (Preucel và Hodder (1996:99) thuộc lĩnh vực kinh tế nghi lễ được hình thành dựa trên học thuyết động lực ngoại biên-cốt lõi trong Lý thuyết Hệ thống Thế giới của Immanuel Wallerstein (1974). Các nguyên lý chính của lý thuyết này cho rằng các thủ lĩnh địa phương và các nhóm hậu duệ của họ cạnh tranh với nhau để giành ảnh hưởng xã hội bằng cách vươn ra bên ngoài địa phương của họ để tạo dựng quan hệ trao đổi với các nhóm khác. Đó là những loại hàng hóa quý hiếm trở thành báu vật đóng vai trò quan trọng trong kinh tế nghi lễ, khẳng định cuộc sống và các nghĩa vụ xã hội, đem lại cho các thủ lĩnh và hậu duệ của họ địa vị cao hơn. (Meillasoux 1960) Hướng nghiên cứu thứ hai viện dẫn các nguyên lý của Tương tác Chính thể Ngang hàng. Trong các mô hình này, tình trạng cạnh tranh, “cuốn hút biểu tượng” (giới tinh hoa thu hút các biểu tượng và phong tục từ các khu vực lân cận), và thương mại giữa các tầng lớp tinh hoa trong các khu vực có liên kết chặt chẽ càng làm tăng cường liên tục sức mạnh kinh tế và chính trị thông qua kinh tế nghi lễ. (Renfrew 1986) Hướng nghiên cứu thứ ba tập trung vào đặc trưng của phương thức sản xuất của các xã hội truyền thống liên quan đến cái mà Wells phân loại là các mô hình nợ. Trong các mô hình này, cá nhân hay nhóm những kẻ hoạt đầu lợi dụng hệ thống hàng hóa uy tín và những màn trình diễn ơn nghĩa để tạo ra tình trạng mắc nợ của đám đông tòng phục. Thông thường, mục tiêu của các nhóm lợi ích thuộc giới tinh hoa chính là hàng hóa uy tín, có ý nghĩa xã hội. Các bằng chứng khảo cổ học tại di chỉ Paso de la Amada, Mexico (Clark and Blake 1994) đã chứng minh cho giả định về việc giới tinh hoa quyền lực đã đẩy đám đông vào tình trạng mắc nợ thông qua những bữa tiệc miễn phí, nhằm tạo ra mối ràng buộc về nghĩa vụ và nợ nần của các nhóm cư dân thuộc giai đoạn Barra tại di chỉ. Trong mô hình này cách tiếp cận kinh tế nghi lễ nhấn mạnh vào lợi ích cá nhân hoặc quá trình tối ưu hóa của các cá nhân và cách thức quyền lực xã hội nằm trong tay của một số ít giới tinh hoa lũng đoạn đám đông bằng nợ nần. (Callaghan M. G. 2008, tr.38) 

Trình diễn Kinh tế Nghi lễ

Trong kinh tế nghi lễ, thực hành nghi lễ chính là hành động trình diễn nghi lễ, vì nó xuất trình các hành động trong các lĩnh vực thiêng liêng và trần tục của xã hội thông qua các vai diễn, các lễ hội nhằm phục vụ mục đích cuối cùng là khẳng định, tái tạo hoặc thay đổi các diễn giải hiện có về các hệ thống biểu tượng. Ở đây, việc trình diễn, dù ở quy mô lớn hay nhỏ, đều trở thành một thành phần quan trọng trong việc tạo ra, truyền tải và ganh đua diễn giải hệ thống biểu tượng. Nó vừa là nguồn hình thành ý nghĩa văn hóa, vừa là địa điểm mà các ý nghĩa đó được mã hóa bằng hệ thống biểu tượng vật chất, được triển khai. (Callaghan M. G. 2008, tr.41) Trong nền kinh tế nghi lễ, một loại hình sản phẩm như đồ gốm, đồ đồng, đồ gỗ, tranh vải lụa, v.v… và các loại hàng hóa uy tín khác cũng trở thành một biểu tượng trình diễn “giá trị xã hội”. Các trình diễn thông qua tự thân hiện diện của nó làm thay đổi “việc nhấn mạnh từ mối quan hệ thứ bậc của các cấu trúc uy tín sang việc xem xét các cách thức đa dạng trong đó hàng hóa hàm ẩn và mã hóa các nguyên tắc xã hội, giá trị văn hóa hoặc kinh tế và các nguyên lý linh thiêng”. Wells (2006:21) Các hạng mục gốm, đồng, đá, gỗ, vải tưởng chừng vô tri, nhưng chúng lại trình diễn trong câm lặng cái vị thế, uy tín và quyền uy của kẻ sở hữu chúng. Với tư cách là một diễn viên, chúng đóng vô số vai trò khác nhau trong nền văn hóa quá khứ, từ chức năng đơn giản và hữu hình nhất là chiếc bình đựng thực phẩm tại các sự kiện nghi lễ, đến vai trò là biểu tượng của bản sắc và quyền lực, là hiện thân vật chất của các cá nhân hoặc nhóm tinh hoa, để cuối cùng trở thành thứ tài sản không thể chuyển nhượng của các cá nhân và nhóm kia. Tất cả những chức năng này cùng những mức độ ý nghĩa và giá trị khác nhau cuối cùng sẽ góp phần tạo nên vị thế danh giá của những loại hàng hóa ấy và chủ nhân của chúng. Hơn nữa, các chức năng và giá trị này được xác định chặt chẽ dựa trên bối cảnh xã hội cụ thể mà những chiếc bình này được sản xuất, cụ thể là các sự kiện tiệc tùng “riêng biệt” của giới tinh hoa (LeCount 2001).

Trong thực tế thì động lực của các vai diễn trong kinh tế nghi lễ không dựa trên lập trường tối đa hóa kinh tế như trong kinh tế chính trị, cũng không dựa trên mong muốn tối ưu hóa “văn hóa” như trong quan niệm của Bourdieu (1984) về các loại hình vốn văn hóa, vốn xã hội và vốn biểu tượng. Thay vào đó, động lực trình diễn lại mang tính hiện sinh. Trong khuôn khổ của nền kinh tế nghi lễ, các cá nhân bị thúc đẩy hành động vì mong muốn được biết vị trí của mình trong cộng đồng và xã hội, được biết vị trí của những kẻ khác trong mối quan hệ với bản thân mình. Các đối tượng vật chất và nguồn lực kinh tế được các vai diễn khai triển thông qua động cơ này, không chỉ để phục vụ các nhu cầu vật chất cơ bản, mà còn với tư cách là vật mang biểu tượng hoặc bản thân biểu tượng được sử dụng để làm trung gian cho mối quan hệ với những kẻ khác, để từ đó khẳng định, tái tạo hoặc sửa đổi các cấu trúc ý nghĩa hiện có. Nhưng không phải là loại hình hay số lượng các biểu tượng giúp các thành viên trong một cộng đồng nào đó xác định họ là ai và họ đứng ở đâu trong xã hội, mà lại chính là những biểu tượng này được xuất trình như thế nào thông qua các vai diễn. Vậy là, cuối cùng thông qua hành động trình diễn nghi lễ mà các diễn viên hoặc nhóm diễn viên có thể thiết lập, định hướng, thúc đẩy hoặc hạn chế việc diễn giải các biểu tượng mà họ và kẻ khác đã tạo ra.

Với tư cách là các diễn viên trên sân khấu kinh tế nghi lễ các cá nhân và nhóm có thể có được một mức độ quyền lực và uy quyền đáng kể bằng cách tổ chức và quản lý các tình huống nghi lễ hoặc “các vở kịch xã hội” trong đó các biểu tượng quan trọng để hợp pháp hóa quyền lực được sử dụng một cách hiệu quả. Do đó, việc tạo ra và thể hiện quyền lực xã hội thông qua kinh tế nghi lễ trong bối cảnh kiểm soát tri thức thiêng liêng, cũng như việc tổ chức các nghi lễ cụ thể hóa nó, đặc trưng cho một con đường dẫn đến quyền lực cho các tác nhân văn hóa.” (Wells 2006:22) Vậy là các vai diễn không chỉ phục vụ để hợp thức hóa vị thế hoặc quyền lực của họ thông qua việc kiểm soát và tiến hành nghi lễ, mà họ còn thực sự có thể đoạt được quyền lực hoặc địa vị xã hội từ đó. (Callaghan M. G. 2008, tr.42) Ngày nay trong nhân học nói chung và trong kinh tế nghi lễ nói riêng, đã có đề xuất hai tuyến trình diễn: i) trình diễn bản thể luận, và ii) trình diễn các tương tác xã hội, hay còn gọi là trình diễn các hoạt động sống hàng ngày. (Halse J. and B. Clark 2008, tr.130)

Trình diễn bản thể luận ngụ ý rằng mọi thứ liên tục ra đời thông qua trình diễn về bản chất tồn tại mang tính vật chất và xã hội của nó. Một quan điểm như vậy được sử dụng để nắm bắt quá trình theo đó các hiện tượng được tạo ra hoặc tái tạo thông qua hoạt động cụ thể của chúng, mà cụ thể là trình diễn qua lời nói, loại trình diễn này chính là phương tiện không thể thiếu được của trình diễn nghi lễ. Là một phạm trù phát ngôn, tính trình diễn không mô tả mà thực hiện hành động, có nghĩa là hành động đã được trình diễn bằng lời nói, vì vậy tất cả các phát ngôn trên thực tế đều mang tính trình diễn nhằm thực hiện một mục đích nào đó. (Austin J. L. 1962). Kể từ công trình tiên phong của Austin với các phát ngôn mang tính trình diễn, các câu hỏi mang tính bản thể luận thông qua sự phân biệt giữa các phạm trù đã vượt ra ngoài lĩnh vực ngôn ngữ học. Trong đó đặc biệt có khuynh hướng Lý thuyết-Mạng-Tác nhân (ANT: Actor-Network-Theory) cho rằng về phương diện bản thể luận, các khác biệt không được đưa ra theo thứ tự của sự vật, mà được coi là kết quả của các quan hệ theo mô hình mạng. (Latour B. 1999; 2005), được gọi là bản thể luận quan hệ. Dưới ánh sáng của khái niệm về tính trình diễn bản thể luận quan hệ, vạn vật liên tục trở thành những gì mà chúng đang có và thông qua các mối quan hệ trình diễn của chúng với những thứ khác. Trình diễn bản thể luận, tức là, mọi thứ trở thành như hiện tại thông qua sự trình diễn của chúng, đã được phát triển trong nghiên cứu nhân học, trong đó có kinh tế nghi lễ, đặc biệt là khả tính tạo ra sự thay đổi một cách tích cực như một sự xuất hiện ở các vai diễn trong bất kỳ trình diễn nghi lễ nào. (Halse J. and B. Clark 2008, tr.130)

Mối bận tâm của các học giả chủ trương Lý thuyết-Mạng-Tác nhân liên quan đến cách thức mà vạn vật liên tục trở thành như hiện tại cho thấy sức mạnh biến đổi của trình diễn, và trình diễn kinh tế nghi lễ cũng không nằm ngoài đặc trưng bản thể luận đó. Mặc dù người ta đã chứng minh nhiều lần rằng cách thức mà vạn vật trở thành như chúng được trình diễn mới là điều quan trọng, nhưng vẫn còn là một câu hỏi mở về cách thấu hiểu này có thể ảnh hưởng đến hiểu biết và thực hành kinh tế nghi lễ không. Với câu hỏi này, có thể coi tính trình diễn bản thể luận có giá trị trong kinh tế nghi lễ không chỉ như một phương tiện để hiểu thấu các trải nghiệm thực địa, mà còn đặc biệt quan trọng với tư cách là một đóng góp liên quan đến việc thực hành kinh tế nghi lễ. Vì vậy trình diễn bản thể luận quan hệ trong kinh tế nghi lễ ngụ ý rằng nhân tố này không phải bao giờ cũng tồn tại trước nhân tố khác; đúng hơn, chúng nhất thiết cấu thành lẫn nhau. (Halse J. and B. Clark 2008, tr.131) Vì vậy mà có một câu hỏi được đặt ra là: Liệu chúng ta có thể cải thiện hiệu quả của quá trình thiết kế thực hành kinh tế nghi lễ bằng cách xem nó như một loại hình trình diễn không? Với tư cách là các nhà nghiên cứu kinh tế nghi lễ người ta có sẵn những nguồn lực nào để trình diễn các tương tác xã hội giữa kinh tế và nghi lễ?

Nhân học trình diễn ở một mức độ lớn đã phát triển từ việc nghiên cứu các nghi lễ và biểu tượng nghi lễ mang tính bản thể luận mở rộng sang lĩnh vực trình diễn nghi lễ về các trải nghiệm sống hàng ngày, trong đó có cả khía cạnh kinh tế nghi lễ. Ngay từ năm 1909, Van Gennep đã xuất bản nghiên cứu kinh điển của ông về Nghi lễ Chuyển qua (Gennep 1960), tức là những thay đổi mang tính nghi lễ hóa của trạng thái xã hội hoặc văn hóa, chẳng hạn như việc trở thành con người, trở thành người trưởng thành hoặc bắt đầu kết hôn. Sau đó Victor Turner đã mở rộng những ý tưởng này vượt ngưỡng sang lĩnh vực biến đổi, và trở thành một cái gì đó mới, chẳng hạn một cậu bé vô tư sau nghi lễ chuyển qua trở thành người đàn ông có trách nhiệm với cộng đồng. (Turner V., 1996) Tiếp đó, ranh giới giữa nhân học nghi lễ và lý thuyết trình diễn đã được Richard Schechner dịch chuyển và khái niệm hóa rất thành công, một phần nhờ ở các thành tựu nghiên cứu ứng dụng của Turner. Schechner đã sử dụng những hiểu biết sâu sắc từ việc phân tích nghi lễ để thử nghiệm các trình diễn kịch nghệ của những trải nghiệm hàng ngày, do đó thách thức và phát triển các quan niệm đã thành về sân khấu, vai diễn, kịch bản và khán giả. Điều đặc biệt có ý nghĩa là những quan sát của Schechner về một thực tế là hành động trình diễn có thể biến đổi cả diễn viên và khán giả. Công trình của Schechner đã có ảnh hưởng lớn đến cả lý thuyết và thực hành của nghệ thuật trình diễn, trong đó có cả trình diễn kinh tế nghi lễ. (Schechner R. 1988)

Trong khi tính trình diễn theo nghĩa hậu-cấu trúc luận cấu thành toàn bộ bản thể luận, hay chính xác hơn là các loại bản thể luận, thì Erving Goffman lại sử dụng kịch và trình diễn như một phép ẩn dụ cho đời sống hàng ngày. Goffman quan tâm đến việc kịch tính hóa của cá nhân và chứng minh cách thức mà mọi người trong các tương tác hàng ngày duy trì hoặc thiết lập một định nghĩa nhất định về tình huống. Việc đạt được định nghĩa tập thể về một tình huống nhất định phụ thuộc vào việc những người tham gia đưa hình ảnh về chính họ - bộ mặt của họ - vào tình huống được trình diễn. Trong bối cảnh kinh tế nghi lễ, việc đầu tư vào hình ảnh bản thân nên được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả các nghi lễ truyền thống liên quan đến kỹ năng chuyên môn, năng lực công nghệ và các sở thích, nguồn lực tổ chức, giá trị cá nhân, các mối quan tâm và mục tiêu nghề nghiệp; nói cách khác, nó không chỉ bị hạn chế vào các bản sắc cá nhân. Theo quan điểm của Goffman, loại tương tác này diễn ra trong nhiều tình huống khác nhau; mọi thứ ít nhiều được dàn dựng một cách ngẫu hứng để đáp lại một kịch bản xã hội và với ý thức của khán giả cung cấp phản hồi dưới hình thức này hay hình thức khác. Có một tiềm năng biến đổi trong sự gặp gỡ giữa kịch bản và hành động, trong chừng mực mà các tình huống có thể được thiết lập một cách chủ động khi các định nghĩa thay thế về tình huống được tạo ra theo cách tham gia, đặc biệt là trong lĩnh vực nghi lễ, lễ hội. (Goffman, E. 1958)

Kinh tế nghi lễ với tư cách hiện diện

Đối với Christian Well, kinh tế nghi lễ được xây dựng dựa trên nền tảng tác tố-trung tâm (có nghĩa là mỗi biến đổi, dù nhỏ nhất, đều có một yếu tố [tác tố] với tư cách là nguyên nhân tối hậu gây ra) để tạo ra một khuôn khổ lý thuyết trong đó nghi lễ tham gia điều hành hệ thống kinh tế. Kinh tế nghi lễ không bao gồm một tập hợp cố định các định nghĩa hoặc phương pháp luận, mà được xem “như một khuôn khổ lý thuyết và diễn giải đang phát triển để tạo ra các câu hỏi nghiên cứu và các hàm ý kiểm tra tương ứng cho nghiên cứu nhân học”. Wells (2006:20) Trọng tâm của nó là lý thuyết về quyền lực xã hội kết hợp các khía cạnh của quan điểm cá nhân và mang tính tình huống (O’Donovan 2002). Trong nền kinh tế nghi lễ, quyền lực xã hội được nhìn nhận, không phải là tài sản hay thuộc tính của một cá nhân cho phép kẻ đó áp đặt ý muốn của mình lên số đông mà rộng hơn là sự quản lý các ý nghĩa và tạo hình các diễn giải. (Callaghan M. G. 2008, tr.40) Các cá nhân và các nhóm sử dụng các nguồn lực kinh tế xã hội để nỗ lực định hình các diễn giải về ý nghĩa liên quan, để ngăn cản việc diễn giải của những kẻ khác khỏi số đông và để thu được thành quả vật chất của những nỗ lực này. Wells (2006:22) Các phương tiện và công cụ chính mà các tác nhân tham gia vào việc vật chất hóa và hợp thức hóa các ý nghĩa cụ thể là thông qua hành động nghi lễ. Nội dung của trình diễn kinh tế nghi lễ gồm hai quá trình trái ngược nhau, đó là quá trình “ảo hóa” tạo huyền thoại mới, xen lẫn “giải ảo” các yếu tố huyền thoại, ma thuật của tín ngưỡng, tôn giáo, làm cho “quá trình cung cấp và tiêu thụ nhằm vật chất hóa và chứng minh thế giới quan để quản lý ý nghĩa và định hình diễn giải” hiện diện trước mặt tất cả các bên liên quan. Như vậy cốt lõi của diễn giải kinh tế nghi lễ chính là diễn giải sự hiện diện.

Hiện diện là một khái niệm cơ bản về nhân học nghi lễ và kinh tế nghi lễ do nhà nhân học nổi tiếng người Ý là De Martino sử dụng. Ông cho rằng trong kinh tế nghi lễ của các xã hội truyền thống, ma thuật và tôn giáo, với các hệ thống nghi lễ thần thoại liên kết thế giới nguyên thủy với dân chúng sống trong ý thức hệ đó, tạo thành tấn kịch của sự hiện diện, luôn có nguy cơ bị “giải ảo”, có nghĩa là bị mai một trong xã hội hiện đại. Khái niệm “hiện diện” của De Martino có một số nguồn gốc khác nhau từ ý tưởng “hiện diện hóa” của Pierre Janet, được định nghĩa ngắn gọn là “khả năng phân biệt giữa quá khứ và hiện tại, thực tại và phóng tưởng” (Craparo, Ortu và Van der Hart Onno, 2019). Hiện diện hóa bao gồm việc kể câu chuyện nghi lễ đồng thời với việc thực hiện hành vi đó nhằm đạt tới sự thống nhất của các câu chuyện nghi lễ về cuộc sống sao cho các hành vi hiện tại có thể được tích hợp với các hành vi trong quá khứ và các hành vi trong tương lai. (Pierre Janet F. M. 1935). Hiện diện của De Martino chắc chắn có những mối liên hệ trực tiếp với công thức hiện sinh của Heidegger về “Dasein” (hiện hữu ở đó), nhưng nó gần hơn với “présence à soi” tự hiện diện của Sartre (Sartre, Jean-Paul 1943, tr. 109–10).

Thuật ngữ hiện diện Sartrean trong diễn giải kinh tế nghi lễ của De Martino liên tục được kiến tạo, cũng như cái thế giới mà sự hiện diện của nó trở nên có ý nghĩa. Đối với phạm trù nghi lễ, thì cái siêu việt là bổn phận chính của hiện diện, nó không ngừng nỗ lực vượt ra ngoài tính cho trước của thực tại. Theo quan điểm như vậy, hiện diện đồng nhất với một cái gì đó tồn tại, nhưng trong khi ở hiện tượng luận của Sartre, đây là một thứ tồn tại mang tính bản thể luận, còn sự hiện diện của De Martino lại chuyên chở tính văn hóa-lịch sử, hiện diện thông qua động lực văn hóa-lịch sử. Do đó, khái niệm hiện diện của De Martino có thể được định nghĩa như một hiện diện trong lịch sử được định hình bằng văn hóa. Đối với nhà nhân học người Ý này, siêu việt không phải là cái tiên nghiệm cá nhân mà liên quan đến một tâm trí tộc người cụ thể, một kho di sản của những biểu hiện, thực tiễn và giá trị chung đã được thừa nhận, được trao truyền qua lịch sử. Các nghi lễ mà De Martino coi là luôn gắn bó chặt chẽ với huyền thoại là một phần của kho báu đó; chúng đại diện cho những di sản cốt lõi mà con người sử dụng, trong một số thời điểm và tình huống cụ thể, để siêu việt khỏi cái vô nghĩa của thực tại, nhằm xác lập sự hiện diện của họ và tìm lại thế giới cũng như lịch sử của mình. (Della Costa F. 2023, tr.6-7)

Nhưng làm thế nào để các loại hình kinh tế nghi lễ vận hành? De Martino trả lời câu hỏi này một cách rõ ràng là có một mối quan hệ thực sự gắn kết giữa khủng hoảng hiện diện, nguy cơ mất đi của nó và sự cứu chuộc các niềm tin tôn giáo-ma thuật. Theo đó chính quá trình tạo ra-thần thánh phải được diễn giải là sự lựa chọn những thời điểm quan trọng mẫu mực và là một kỹ thuật – hoặc một hệ thống các kỹ thuật – để đối mặt với nguy cơ đánh mất hiện diện (De Martino, 1956 [2015], tr. 443). Kỹ thuật cơ bản vận hành tái hòa nhập tôn giáo-ma thuật trong kinh tế nghi lễ như vậy được De Martino gọi là “quá trình giải lịch sử hóa thể chế” và có thể được coi là cơ chế rất cơ bản của kinh tế nghi lễ. Những bước chuyển quyết định, những tình huống khó khăn, những khoảnh khắc đau khổ trong cuộc sống có thể làm tăng nguy cơ tan rã hiện diện của người ta, và do đó, trong một nghi lễ, chúng được “phi lịch sử hóa, nghĩa là chúng được che đậy và bảo vệ - với sự lặp lại của những cái giống hệt; và, cuối cùng, như thể chúng không phải là mới, mà là lặp lại một tình huống nguyên mẫu, vốn đã diễn ra trong lịch sử.” Theo cách này, các yếu tố của kinh tế nghi lễ chính là “cái ‘ở đây’ và ‘bây giờ’ của lịch sử được tái khám phá, và lấy lại sự hiện diện - ở các cấp độ nhận thức và tiềm năng văn hóa khác nhau - sự sung túc tự thân những chân trời hình thức của chính nó” (De Martino, [1956] 2015, tr. 443).

Hiện diện của kinh tế nghi lễ suy cho cùng là “một phương thức tồn tại” vận hành thông qua hệ thống biểu tượng. Biểu tượng là hòn đá tảng trong lý thuyết của De Martino cũng như trong cách tiếp cận của Lévi-Strauss, Geertz và Turner, nhưng De Martino lại nhìn nhận bằng một viễn cảnh đặc biệt. Đối với ông, biểu tượng thần thoại-nghi lễ tất nhiên là một mô hình của biểu hiện và hành vi. Tuy nhiên, điều mang lại sự tái hòa nhập tôn giáo trong kinh tế nghi lễ cho khủng hoảng hiện diện với hiệu quả tập thể và lâu dài chính là biểu tượng với tư cách là thực tiễn của một truyền thống văn hóa, vốn là sự chia sẻ các giá trị liên chủ thể, gồm cá nhân, nhóm, cộng đồng, quốc gia, …v.v. Quan điểm này rút ra trực tiếp từ “khảo cổ học triết học” về khái niệm hiện diện của De Martino, ông coi tính thống nhất siêu việt của Kant về tự nhận thức lý tính của con người là nền tảng cơ bản của quyền tự chủ của cá nhân, vốn được coi là hiển nhiên trong nhận thức luận và bản thể luận của hiện diện ngay cả trong kinh tế nghi lễ. (Della Costa F. 2023, tr.8) “Để tạo ra sự đối lập giữa ‘chủ thể’ và ‘thế giới’, hoặc sự phân biệt giữa tính thống nhất chủ quan của ego/ngã và thực tại khách quan của những gì có thật thì cần phải có một hành vi của chức năng siêu việt thống hợp,” tức là “sự thống nhất theo các hình thức nhất định” (De Martino, [1948] 1988, tr. 146).

Nguồn lực trong Kinh tế Nghi lễ

Thực chất của kinh tế nghi lễ chính là mối quan hệ giữa các yếu tố ma thuật tôn giáo phi lý tính và các yếu tố kinh tế duy lý. Vậy thì nguyên lý trao đổi quà biếu dựa trên khái niệm “hau” của người Maori, cho rằng “hau” chính là một loại linh hồn hoặc lực lượng tìm cách quay trở lại nguồn gốc của nó. Mauss cho rằng  “hau” là logic của nguyên tắc có đi có lại, còn Sahlins  đưa ra một quan điểm rất có ảnh hưởng khẳng định người Maori coi “hau” là một nguyên tắc chung về khả năng sinh sản hoặc mắn đẻ, một nguyên tắc xuyên suốt mọi mối quan hệ.  (Mauss M., 1990) Trong khi người phương Tây gán những mối quan hệ này cho hai lĩnh vực khác nhau, một mặt là tinh thần hoặc tôn giáo, mặt khác là vật chất và kinh tế, thì theo Sahlins, người Maori nhấn mạnh đến sự thống nhất: “Đó [hau] là một phạm trù không tạo ra các khác biệt, bản thân nó không thuộc lĩnh vực mà chúng ta gọi là ‘tâm linh’ cũng không thuộc lĩnh vực ‘vật chất’, mà có thể áp dụng cho cả hai.” (Sahlins M.,1972, tr. 168). Đối với hầu hết các nhà nhân học, kinh tế là một quá trình phức tạp liên quan đến các hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Nhiều học giả thuộc các lĩnh vực nhân học, kinh tế học, khoa học chính trị và xã hội học áp dụng kinh tế học vào lĩnh vực hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của con người thông qua phân bổ hợp lý các nguồn lực của các cá nhân, nhóm, cộng đồng nhằm tối đa hóa các mục tiêu của họ. Roland Hardenberg, giáo sư Đại học Tübingen chuyên gia về kinh tế nghi lễ cho rằng hoàn toàn có thể phân tích kinh tế nghi lễ như một quá trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng, như một sự phân bổ hợp lý các nguồn lực hoặc như một sự chuyển đổi các hình thức vốn khác nhau, và ông cũng nhìn nhận nội hàm “hau” của người Maori theo quan niệm này. (Hardenberg R. 2014)

Để có thể diễn giải thấu đáo thực chất hiện diện của kinh tế nghi lễ, Roland Hardenberg đã đề  xuất thay thế thuật ngữ tôn giáo bằng kosmischen Beziehungen “các mối quan hệ vũ trụ” bởi vì nội hàm của khái niệm này cũng bao gồm các thế giới quan linh thiêng dù không có chức vị tư tế và các cơ sở thần học phức tạp. Theo ông, thuật ngữ “vũ trụ” cũng chuyển tải quan điểm trong đó xã hội không được coi là một cái gì đó khác biệt và duy nhất đối với con người mà là một phần của vũ trụ rộng lớn hơn mà con người ấp ủ các mối quan hệ khác nhau trong các bối cảnh khác nhau của cuộc sống. “Vũ trụ” gợi ý về các chiều kích rộng hơn của một thế giới quan như vậy. Hơn nữa, “tôn giáo” là một khái niệm do chính con người sử dụng để phân định giữa tôn giáo “chân chính” với “mê tín”. Tuy nhiên, từ quan điểm nhân học, cả “tôn giáo” và “mê tín” đều thuộc phạm vi vũ trụ khi chúng điều chỉnh các mối quan hệ giữa con người và không phải con người. Các mối quan hệ trong một vũ trụ như vậy được tạo ra và tái tạo thông qua các cam kết trực tiếp với các tác nhân khác nhau tạo nên môi trường phức tạp của kinh tế nghi lễ. Những cam kết như vậy có thể có nhiều hình thức khác nhau, trong đó điều cần quan tâm nhất là hoạt động nghi lễ. Nghi lễ nhìn từ góc độ kinh tế chính là sự sáng tạo, tái tạo hoặc thay đổi các mối quan hệ xã hội-vũ trụ thông qua các hình thức trao đổi khác nhau, mà trao đổi có nghĩa là thực hành “mối quan hệ giữa các bên”, tức là một cái gì đó liên quan đến các tác nhân được định nghĩa là “khác”. Những cái/kẻ “khác” này có thể là con người hoặc không phải con người, chính là agencies các tác tố được một thế giới quan cụ thể công nhận. (Hardenberg R. 2014)

Vậy thì, kinh tế nghi lễ chính là sự gắn kết giữa nhân tố kinh tế và nhân tố nghi lễ với nhau thông qua “nguồn lực”. Hardenberg có một quan niệm độc đáo về nguồn lực, đối với ông nguồn lực không phải là một sự vật hay một bản chất, mà là một quá trình. Tại vì các nguồn lực không chỉ đơn giản là có đó, mà do con người tạo ra thông qua các hành vi định giá và hiện thực hóa giá trị bằng Wertschöpfung giá trị gia tăng. Trước hết, con người, vì lý do lịch sử cộng đồng của họ, mà xác định một thứ gì đó có giá trị đối với hình thức sống cụ thể của họ. Các nhân tố khác nhau có thể dẫn đến việc tiếp tục hoặc bãi bỏ các giá trị cụ thể căn cứ trên các định giá xã hội. Thứ hai, những gì được coi là có giá trị chỉ trở thành nguồn lực thông qua các hoạt động của con người. Cách tiếp cận này được minh họa rõ nhất qua định nghĩa kinh tế nghi lễ là “quá trình cung cấp và tiêu thụ nhằm vật chất hóa và chứng minh thế giới quan để quản lý ý nghĩa và định hình diễn giải” (McAnany P. A., and E. Wells 2008, tr. 3) Mặt khác, người ta có thể xem xét việc phân bổ, hành động được quan tâm, việc tối đa hóa và các khái niệm có liên quan từ kinh tế học và đặt câu hỏi chúng đóng vai trò gì trong quá trình định giá và hiện thực hóa Wertschöpfung giá trị gia tăng. Do đó, chúng ta phải “mở rộng tính toán kinh tế cho tất cả các loại hàng hóa mang tính vật chất và biểu tượng, không phân biệt, là những gì tự thể hiện là hiếm và đáng được tìm kiếm trong một hình thái xã hội cụ thể.” (Bourdieu 1977, tr. 178).

Vài gợi ý ứng dụng kinh tế nghi lễ cho lễ hội đền Bảo Hà

Lý lịch Di sản Văn hóa Phi vật thể Đền Bảo Hà cho biết: Lễ hội Đền Bảo Hà thuộc di tích đền Đền Bảo Hà, là để tôn vinh danh tướng Hoàng Bẩy và quân sĩ đã có công đánh giặc giữ nước, mở mang bờ cõi, quy tụ nhân dân mở ấp khai điền tại địa bàn tỉnh Lào Cai nhưng đã trở thành phong tục, lễ hội truyền thống tỉnh Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung. Buổi đầu nghi lễ có quy mô rất nhỏ, ở phạm vi các thôn bản. Càng về sau uy linh của Ông càng được truyền tụng rộng rãi trong dân gian, mọi người đến dâng lễ Đền Ông ngày một đông đảo hơn mà còn đóng góp công đức gây dựng Đền càng trở nên khang trang, bề thế hơn. Vì vậy tín ngưỡng thờ ông Hoàng Bẩy ngày càng được lưu truyền sâu rộng trong dân gian, đặc biệt là yếu tố “thiêng” ngày càng lan tỏa và nhân lên gấp bội  tạo nên văn hóa tâm linh Đền Bảo Hà trong lòng mỗi người dân Lào Cai nói riêng và Việt Nam nói chung. (Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Lào Cai – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 2016). Đặc biệt, xem xét về giá trị kinh tế của lễ hội Đền Bảo Hà, Lý lịch Di sản Văn hóa Phi vật thể cho biết: mỗi năm có hàng vạn lượt du khách đến Bảo Hà, chiêm bái, dâng hương, thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh, đồng thời, tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người dân địa phương thông qua việc tiêu thụ các sản vật và sản phẩm du lịch của địa phương của người Kinh, người Tày, người Dao và người Mông. Đồng thời, các ngành nghề liên quan đến kinh tế nghi lễ cũng phát triển phục vụ nhu cầu tâm linh của du khách. Việc phát triển nghề thủ công góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương giúp xóa đói giảm nghèo. Tại xã Bảo Hà ngày nay, nhiều dịch vụ đã phát triển đáp ứng nhu cầu của khách tham quan hành lễ như: nhà nghỉ, khách sạn và dịch vụ đặt đồ lễ với giá cả hợp lý. (Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Lào Cai – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 2016).  

Từ thực tế tín ngưỡng và lễ hội Đền Bảo Hà, đối chiếu với khung lý thuyết đã được trình bày ở trên, chúng tôi mong muốn đề xuất một số gợi ý nghiên cứu ứng dụng phát triển kinh tế nghi lễ cho lễ hội Đền Bảo Hà như sau:

1. Tăng cường nguồn lực kinh tế nghi lễ thông qua diễn giải đa dạng, sâu sắc, thấu đáo hình tượng Ông Hoàng Bẩy nhằm kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghi lễ và kinh tế và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế nghi lễ địa phương.  

1.1. Mối quan hệ giữa nghi lễ và kinh tế trong lễ hội Đền Bảo Hà là một vấn đề đa dạng, phong phú và tế nhị, vì Ông Hoàng Bẩy thực sự là biểu tượng “bản thể luận quan hệ” của rất nhiều hệ giá trị ở nhiều cấp độ, thực sự là nguồn lực cho quá trình phát triển kinh tế nghi lễ của Bảo Yên nói riêng và Lào Cai nói chung. Về phương diện tôn giáo tín ngưỡng biểu tượng đó chuyển tải những giá trị từ linh thiêng nhất đến trần thế nhất; Vì vậy việc diễn giải biểu tượng Ông Hoàng Bẩy, chính là quá trình khẳng định, sáng tạo và tái tạo “nguồn lực kinh tế nghi lễ” cho Lễ hội Đền Bảo Hà. Ông Hoàng Bảy dù có lý lịch thân nhân là vị tướng thời Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786), nhưng khi gia nhập Thần điện Đạo Mẫu ông đã trở thành một vị thần sáng thế (Genesis) gắn liền với vũ trụ thần thoại Việt chí ít cũng được liên tưởng đến thời khai thiên lập địa của các thế hệ Rồng, Tiên xưa. Vì vậy dù thân làm tướng, nhưng Ông không chỉ đơn thuần là vị tướng cầm quân đánh giặc, mà ông còn là vị tướng biểu trưng cho cái Thiện để diệt trừ cái Ác, theo cả nghĩa Phật giáo của cặp phạm trù ấy. Về phương diện này hình tượng Ông Hoàng không khác gì một vị Bồ Tát cứu nhân độ thế.         

1.2. Về phương diện nhóm xã hội, biểu tượng đó cũng liên quan đến các cấp độ đơn vị xã hội nhỏ nhất là cá nhân, đến gia đình, các nhóm, giới người. Từ góc độ cá nhân, nhiều phận người bất trị và bất hạnh đã gửi gắm niềm tin vào tín ngưỡng Ông Hoàng Bẩy có thể cứu vớt họ khỏi sa ngã (những kẻ nghiện ngập, đĩ điếm, trộm cắp, cướp bóc, nhũng lạm chẳng hạn), khỏi đau khổ, mất mát (những người thất tình, thất lộc, mất của, mất mát người thân chẳng hạn); không ít kẻ mong muốn tiến thân trên con đường học hành, sự nghiệp, kinh doanh, thăng tiến cũng tìm đến cửa Ông. Cũng hệt như vậy đối với vô số gia đình, các nhóm, các giới người tìm đến Đền Ông Hoàng Bảy hầu mong trút bỏ gánh bất hạnh, để quảy phúc lạc về.      

1.3. Về phương diện tộc người, vùng, và quốc gia, biểu tượng Ông Hoàng Bẩy đại diện cho các hệ giá trị thật cao quý và bền vững: i) Chưa kể toàn tỉnh Lào Cai, riêng đất Bảo Yên đã là nơi chung sống của nhiều tộc người, trong đó dân tộc Kinh chiếm 32,56 %; Tày 31,93 %; Dao chiếm 22,16 %; Mông chiếm 8,61 %; Nùng 1,96; Phù Lá 1,1 %; Giáy 1,09 %, v.v…Đối với quần thể người ở đây, Ông vừa là vị thánh bảo hộ, vừa là mối dây tâm linh kết nối các tộc người khác nhau thành một khối thống nhất. ii) Bên cạnh công lao giữ yên biên giới, Ông còn có công chiêu mộ nhân dân khai hoang ruộng đất, khai mỏ vì thế tất cả các dân tộc Kinh, Mông, Dao, Tày...trên khắp tỉnh Lào Cai đều tôn thờ Ông như một vị thần. (Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Lào Cai – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 2016). Về phương diện này Ông Hoàng đã trở thành hình tượng kép: Vừa là anh hùng trận mạc lại vừa là anh hùng văn hóa.

2. Phát triển các loại hình trình diễn liên quan đến hình tượng Ông Hoàng Bẩy nhằm khẳng định và tái tạo hình tượng đó đối với người dân địa phương, với du khách và các thế hệ người dân Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh tế nghi lễ của Bảo Yên nói riêng và Lào Cai nói chung.  

Như đã phân tích, trong kinh tế nghi lễ, thực hành nghi lễ chính là hành động trình diễn nghi lễ, vì nó xuất trình các hành động trong các lĩnh vực thiêng liêng và trần tục của xã hội liên quan đến lễ hội, thông qua các lễ hội, các vai diễn nhằm phục vụ mục đích cuối cùng là khẳng định, tái tạo hoặc thay đổi các diễn giải hiện có về các hệ thống biểu tượng. Điều đó hoàn toàn đúng và cần thiết đối với trường hợp Đền Bảo Hà và các loại hình lễ hội liên quan. Một số trong những hành động “trình diễn nghi lễ” quan trọng nhất mà người dân và chính quyền xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên và tỉnh Lào Cai đã làm là mở rộng được không gian di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Bảo Hà từ 9.000m2 năm 1997 lên 32 ha năm 2015 cùng hàng loạt hạng mục công trình liên quan đến tổng thể kiến trúc Đền Bảo Hà được thiết kế, xây dựng nhằm khẳng định thêm các giá trị về văn hóa tâm linh của ngôi đền và đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho du khách khi đến với Đền, về dự lễ hội Đền Bảo Hà. Ngành du lịch địa phương và Trung ương đã kết nối được tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng về đến Hà Nội. Và đặc biệt lịch sử phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu đưa Thần Vệ Quốc Hoàng Bẩy trở thành một trong số các Ông Hoàng tối linh được thờ cúng trong điện thần Đạo Mẫu ở Việt Nam (Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Lào Cai – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 2016). Tuy nhiên, theo chúng tôi, ba trong số những loại hình “trình diễn kinh tế nghi lễ” đáng làm và có thể làm được liên quan đến Ông Hoàng Bẩy là: i) Tái tạo không-thời gian và các diễn giải để thiết kế các tours, tuyến du lịch, giáo dục nhà trường đến những địa danh lịch sử (hoặc truyền thuyết) mà Ông Hoàng đã chỉ huy quân đội chống giặc bảo vệ nhân dân, giữ gìn biên cương; ii) Tái tạo không-thời gian và các diễn giải để thiết kế các tours, tuyến du lịch, giáo dục nhà trường đến những địa danh lịch sử (hoặc truyền thuyết) mà Ông Hoàng đã lãnh đạo và giúp đỡ nhân dân các dân tộc trên địa bàn Lào Cai xây dựng, mở mang làng bản; iii) Tái tạo không-thời gian và các diễn giải để thiết kế các tours, tuyến du lịch, giáo dục nhà trường đến những địa danh lịch sử (hoặc truyền thuyết) mà Ông Hoàng đã giúp, tổ chức khai mỏ trên địa bản Bảo Yên nói riêng và Lào Cai nói chung.     

3. Tăng cường nguồn lực kinh tế nghi lễ thông qua việc khẳng định và tái tạo sự hiện diện của hình tượng Ông Hoàng Bẩy làm cho hình tượng đó luôn sống động, hấp dẫn và đầy ý nghĩa đối với người dân địa phương, với du khách và các thế hệ người dân Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh tế nghi lễ của Bảo Yên nói riêng và Lào Cai nói chung thông qua các loại hình trình diễn  văn nghệ truyền thống của các dân tộc trên địa bàn Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung.   

Trong vốn văn hóa nghệ thuật truyền thống kể cả dân gian và cung đình của nhiều dân tộc ở cả ba miền trên đất nước Việt Nam có rất nhiều loại hình trình diễn đặc biệt thích hợp với việc ngợi ca một nhân vật vừa với tư cách anh hùng dân tộc, vừa với tư cách anh hùng văn hóa như Ông Hoàng Bẩy. Các loại hình đàn ca tài tử Nam Bộ, tuồng cổ Nam Trung Bộ, nhã nhạc cung đình Huế, chầu văn đồng bằng Bắc Bộ, hát Then của người Tày, v.v… hoàn toàn thích hợp cho việc khẳng định, tái tạo và diễn giải sự hiện diện của hình tượng Ông Hoàng Bẩy cả trong các tín điều mang tính bản thể luận của cái thiêng, cái siêu việt, lẫn trong các quan hệ xã hội của đời sống hàng ngày. Vì vậy hệ thống thể chế văn hóa của huyện Bảo Yên và của tỉnh Lào Cai hoàn toàn có thể tổ chức các loại hình lễ hội có liên quan, kể cả việc tổ chức các cuộc thi sáng tác và trình diễn tôn vinh Ông Hoàng Bẩy, nhằm tăng cường nguồn lực cho việc phát triển kinh tế nghi lễ của địa phương.  

Kết luận

Đền Bảo Hà, Lễ hội Đền Bảo Hà, và hình tượng Ông Hoàng Bẩy đã trở thành di sản văn hóa Quốc gia. Tuy nhiên khác với rất nhiều địa điểm di sản và loại hình di sản bất động khác, lễ hội Đền Bảo Hà, và hình tượng Ông Hoàng Bẩy là loại hình di sản đặc biệt, trở thành nguồn lực của kinh tế nghi lễ, vận động cùng quá trình phát triển của đời sống vật chất và đặc biệt là đời sống xã hội và tâm linh của các cộng đồng dân tộc ở Bảo Yên, Lào Cai, và của cả nước. Sở dĩ như vậy chính là nhờ uy linh của Ông Hoàng Bẩy – nay đã trở thành tín ngưỡng Ông Hoàng Bẩy - một kết tinh các giá trị cốt lõi không chỉ của đời sống mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi nhóm, giới, tộc người mà còn cả vận mệnh quốc gia. Vì vậy việc phát triển các nguồn lực kinh tế nghi lễ của Đền Bảo Hà, Lễ hội Đền Bảo Hà có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với quá trình phát triển bền vững của Bảo Hà, Bảo Yên, Lào Cai và của cả nước.    

________________________________________________

Nguồn: Hà Hữu Nga (2023). Kinh tế nghi lễ - Nội hàm Khái niệm và gợi ý Ứng dụng cho Lễ hội Đền Bảo Hà. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Thần vệ quốc Hoàng Bẩy – Bảo Hà: Công tác Quản lý và Phát huy Giá trị Di tích Lịch sử, Bảo Yên, Lào Cai ngày 26/8/2023 do UBND huyện Bảo Yên tổ chức, tr.71-86.

Tài liệu dẫn

Austin, J. L. (1962). How to Do Things with Words. Oxford, Clarendon Press.

Bell, Catherine (1997). Ritual: Perspectives and Dimensions. Oxford University Press, New York.

Bourdieu, Pierre (1977). Outline of a Theory of Practice. Cambridge: Cambridge University Press.

Bourdieu, P. (1984). Distinction: A Social Critique of the Judgment of Taste. Routledge & Kegan Paul, London.

Callaghan, Michael George (2008). Technologies of Power: Ritual Economy and Ceramic Production in the Terminal Preclassic Period Holmul Region, Guatemala. Ph.D Dissertation in Anthropology, December, 2008. Vanderbilt University, Nashville, Tennessee.

Clark, John E. and Michael Blake (1994). The Power of Prestige: Competitive Generosity and the Emergence of Rank Societies in lowland Mesoamerica. In Factional Competition and Political Development in the New World. Edited by Elizabeth M. Brumfiel and John W. Fox. pp. 17-30. Cambridge University Press: Cambridge.

Craparo G, Ortu F and Van der Hart Onno (2019). Rediscovering Pierre Janet: Trauma, Dissociation, and a New Context for Psychoanalysis. London: Routledge.

De Martino E (1948 [1988]). Primitive Magic: The Psychic Power of Shamans and Sorcerers. (Original Italian edition: Il mondo magico. Prolegomeni a una storia del magismo. Torino: Einaudi, 1948.

De Martino E (1956 [2015]). Crisi della presenza e reintegrazione religiosa. Aut Aut 31: 17–38. (Crisis of presence and religious reintegration [trans. Charles Stewart and Tobia Farnetti]. HAU Journal of Ethnographic Theory 2015; 2(2): 434–450).

Della Costa F. (2023). Ritual as metaphor, In Anthropological Theory 2023, Vol. 23(1) 3–32.

Gennep, A. v. (1960). The Rites of Passage. Chicago, University of Chicago Press.        

Goffman, E. (1958). The presentation of self in everyday life. Edinburgh, University of Edinburgh Social Sciences Research Centre.

Gudeman, Stephen and Chris Hann (2015). Introduction: Ritual, Economy and the Institutions of the Base. In Economy and Ritual - Studies of Postsocialist Transformations, Edited by Stephen Gudeman and Chris Hann, Published by Berghahn Books.

Halse, Joachim and Brendon Clark (2008). Design Rituals and Performative Ethnography, In EPIC 2008 proceedings of Ethnographic Praxis in Industry Conference, 15-18 October 2008, Copenhagen, Denmark, edited by Cefkin, Melissa; Cotton, Martha, 2008, p. 128-145.

Hardenberg R. (2014). Ritual Economy and Ritual Resource - Some General Remarks. Summerschool “Ritual as Resource”, Tübingen University.

Latour, Bruno (1999). For David Bloor… and Beyond: A Reply to David Bloor's Anti-Latour. Studies in the History and Philosophy of Science 30(1):81-112.

Leach, Edmund (2000). The Aesthetic Frills—Ritual. In The Essential Edmund Leach, ed. Stephen Hugh-Jones and James Laidlaw, Vol. 1, 153–209. New Haven: Yale University Press.

LeCount, Lisa (2001). Like Water for Chocolate: Feasting and Political Ritual among the Late Classic Maya at Xunantunich, Belize. American Anthropologist 103(4):935-953.

Mauss, Marcel (1990). The Gift. Translated by W. D. Halls with foreword for Mary Douglas. London: W. W. Norton.

McAnany, Patricia A., and E. Christian Wells (2008). Towards a Theory of Ritual Economy. In Dimensions of Ritual Economy, edited by E.C. Wells and P.A. McAnany, pp. 1–16. Emerald Group Publishing Limited, Bingley, UK.

Meillasoux, Claude (1960). Essai d’interpretation du phenomene economique dans les societies traditionelles d’autosubsistance. Cahiers d’Etudes Africaines, I, 4:38-67.

Moses, Victoria Carley (2020). The Zooarchaeology of Early Rome: Meat Production, Distribution, and Consumption in Public and Private Spaces (9th-5th Centuries BCE). Ph.D. Dissertation, The University of Arizona.

North, Douglass (2005). Institutions, Institutional Change and Economic Performance. Cambridge: Cambridge University Press.

O’Donovan Maria (2002). The Dynamics of Power. In The Dynamics of Power, pp. 3-18. Center for Archaeological Investigations Southern Illinois University Carbondale Occasional Paper No. 30. University of Carbondale: Illinois.

Pierre Janet F. M. (1935). Réalisation et interprétation. In: Bulletin de psychologie, tome 47 n°414, 1994. Pierre Janet. Les délires d'influence et les sentiments sociaux. Tome II. p. 129.

Preucel, Robert and Ian Hodder ed., (1996). Contemporary Archaeology in Theory. Blackwell Publishing: Oxford.

Sahlins, Marshall D. (1972). Stone Age Economics. Chicago: University of Chicago Press.

Sartre JP (1943). L’être et le néant. Essai d’ontologie phénoménologique. Paris: Gallimard.

Schechner, R. (1988). Performance Theory. New York, Routledge.

Spielmann, Katherine (2002). Feasting, Craft Specialization, and the Ritual Mode of Production in Small‐Scale Societies. American Anthropologist 104 (1):195-207.

Turner, V. (1996). Betwixt and Between: The Liminal Period inRites de Passage.” Sosialantropologiske Grunntekster. T. H. Eriksen. Oslo, Norway, Ad Notam Gyldendal: 509-523.

Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Lào Cai – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2016). Lễ hội Đề Bảo Hà - Lý lịch Di sản Văn hóa Phi vật thể đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Sở Văn hóa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai.

Wallerstein, Immanuel (1974). The Modern World System. New York: Academic Press.

Weber, Max (1947). The Theory of Social and Economic Organization. Translated by A. M. Henderson and Talcott Parsons. Oxford University Press: New York.

Wells, E. Christian (2006). Recent Trends in Theorizing Prehispanic Mesoamerican Economies. Journal of Archaeological Research 14(4):265-312.

 

 

 

 

 

 

 

Thứ Hai, 7 tháng 8, 2023

Nietzsche và Hiện tượng luận

Andrea Rehberg

Người dịch: Hà Hữu Nga

I. Nietzsche và Hiện tượng luận 

[Tr.1] “Nietzsche và Hiện tượng luận”? Trước hết, tiêu đề này gợi lên một loạt câu hỏi1 – những câu hỏi không thừa nhận những câu trả lời thẳng thừng, thực tế là những câu hỏi không đòi hỏi câu trả lời nào cả, mà đúng hơn là một loạt các tình huống làm trầm trọng thêm câu hỏi hóc búa ban đầu. Các bài viết trong tập này thực hiện chính xác các vấn đề trầm trọng như vậy, nghĩa là, chúng thực hành kiểu khảo sát triết học liên quan đến cả Nietzsche và hiện tượng luận, tức là, một cách tránh đơn giản hóa và thay vào đó làm phức tạp hóa và phân biệt ở mức độ lớn nhất có thể. Ở phần cuối của giới thiệu này, sẽ có một tổng quan ngắn gọn về các bài tiểu luận, nhưng để bắt đầu, cần phác thảo một số câu hỏi dường như liên quan đến tiêu đề của tuyển tập này, và để gợi ý - ngay cả khi chỉ là rất đại quát - một số cách mà tư tưởng và hiện tượng luận của Nietzsche đôi khi hội tụ, đôi khi lại phân rẽ, tùy thuộc vào quan điểm nhìn nhận sự kết hợp này. Một trong những câu hỏi xoay quanh tiêu đề của chúng ta chắc chắn là hiện tượng luận ở đây có nghĩa là gì.

Như đã được nói nhiều lần, nhưng có lẽ là dứt khoát nhất là Heidegger khi ông tuyên bố rằng “không có cái gọi là hiện tượng luận duy nhất”2, không thể có câu trả lời cuối cùng, dứt khoát, duy nhất cho câu hỏi đó, và có vô số lý do cho điều này. Đầu tiên, hiện tượng luận không phải là một hệ thống triết học, hay một trường phái thống nhất, với một tập hợp các học thuyết được chia sẻ, hay bất cứ thứ gì giống như một chương trình đã được đồng thuận. Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, không hiện tượng nào dễ dàng phân định như vậy lại có thể được gọi là “hiện tượng luận”, mà cùng lắm là một liên tục tính nhất định về các mối quan tâm giữa các nhà hiện tượng luận khác nhau, mặc dù ngay cả những mối quan tâm này cũng có thể được quan niệm theo những cách rất khác nhau, và theo những phong cách tư duy rất khác nhau, do những người thực hành khác nhau đối với “thể loại” triết học hiện tượng luận. Nhưng bất chấp những cảnh báo này, các đặc điểm chung của hiện tượng luận – hoặc ít nhất là ba đặc điểm ưu trội nhất trong số đó – có thể được phác thảo sơ bộ bằng  các khuôn khổ sau.

[Tr.2] 1) Nó trước hết và trên hết là một phương pháp triết học, và đặc biệt là một phương pháp cho phép mô tả thuần túy các hiện tượng đã gạt bỏ hết mọi áp đặt phi quan hệ. Do đó, mặc dù nói về phương pháp hiện tượng luận theo một nghĩa nào đó là phép lặp thừa (hiện tượng luận là, hoặc được cho là, không gì khác hơn là một phương pháp), cách diễn đạt này có thể được sử dụng để nhấn mạnh đặc điểm trung tâm này của hiện tượng luận. Một trong những đặc điểm nổi bật chính của phương pháp này là nó nhằm mục đích bác bỏ tất cả các kiến tạo có trước, hay doxa niềm tin chung chung, bao quanh và bóp méo các hiện tượng – được Husserl tóm tắt là “nguyên tắc phi giả định”3, hay Vorurteilslosigkeit4 phi định kiến, sao cho chúng ta có thể “thấy” các hiện tượng đang được khảo sát khi chúng được trao cho ý thức, mà không có bất kỳ giả định, kiến tạo hoặc lý thuyết cho-trước theo thói quen nào xen vào công việc nghiên cứu của chúng ta. Đây là điều được thể hiện trong yêu cầu nổi tiếng của Husserl rằng “chúng ta phải quay trở lại ‘bản thân sự vật’”5. Trên hết trong số những cách tiếp cận các hiện tượng bên ngoài, có trước này có thể được đặt tên là a) khoa học hiện đại (với việc thiên về định lượng các hiện tượng và do đó làm cho chúng có thể tính toán được); b) cái gọi là Menschenverstand thường thức (tuyên bố nhìn vào các hiện tượng một cách không thiên vị nhưng thay vào đó lại là kho chứa các ý thức hệ tự-tự nhiên hóa, rất có vấn đề); và, tất nhiên, c) các cách tiếp cận triết học truyền thống.

Do đó, một mặt, có thể nói rằng Nietzsche và hiện tượng luận chia sẻ cách hiểu này về triết học, theo đó nhiệm vụ đầu tiên của nó là gỡ bỏ cái doxa – trong trường hợp hiện tượng luận, để các hiện tượng được phép không ngừng tự bộc lộ từ chính bản thân chúng; trong trường hợp của Nietzsche, sao cho những vỗ về nhẹ nhàng, an ủi các xác tín doxic thường thức của chúng ta có thể trở nên chập chờn. Rõ ràng ngay từ đầu, Nietzsche và hiện tượng luận đã chia sẻ những hoài nghi về các cấu trúc triết học truyền thống, thường thức, khoa học, và thực sự về bất kỳ phương tiện nào khác (chẳng hạn như tôn giáo, đạo đức, chính trị, xã hội, v.v.) của các hiện tượng “đóng khung” trước khi chúng được phép trình hiện. Nhưng, mặt khác, cần nhấn mạnh ngay rằng trong tư tưởng của Nietzsche, khía cạnh này của “phương pháp” rất phức tạp bởi phương thức khảo sát phức tạp đối với các cấu trúc đó chính là phả hệ. Một trong vô số hàm ý của nó là, đối với Nietzsche, ý tưởng về khả năng tiếp cận hiện tượng phi-giả định đòi hỏi phải trừu tượng hóa từ chính những lực lượng mà công cuộc khảo sát phả hệ hướng đến, nói cách khác, bản thân ý tưởng này là duy tâm.

Không đi sâu vào những điểm vi tế trong cách bóc trần phôi thai về điều này, cụ thể là phân tích của Foucault về phả hệ Nietzschean6, có thể [tr.3] nói một cách ngắn gọn rằng phả hệ không chỉ là một phương pháp theo nghĩa chặt chẽ. Nó không chỉ cuốn chính nhà phả hệ học vào vòng xoáy của các lực lượng gây bất ổn cho nó, mà còn biến đổi các hiện tượng mà nó khảo sát, theo nghĩa đen, vượt ngoài sự khả năng nhìn nhận. Như Foucault đã nói, Nietzsche thách thức việc tìm kiếm các nguồn gốc thuần túy bởi vì, “…đó là một nỗ lực để nắm bắt bản chất chính xác của sự vật, các khả tính thuần túy nhất và các đồng nhất tính được bảo vệ cẩn mật của chúng, bởi vì cuộc tìm kiếm này giả định sự tồn tại của các hình thức bất động có trước thế giới bên ngoài…những gì được tìm thấy ở…sự khởi đầu của sự vật không phải là tính đồng nhất bất khả xâm phạm về nguồn gốc của chúng; nó là mối bất đồng của những sự vật khác. Đó là tính sai biệt”7. Nói cách khác, các đồng nhất tính được giả định của cả kẻ thực hành phả hệ và của các hiện tượng trải qua các đổ vỡ của nó đều phải chịu tái đánh giá thực tiễn tăng cường, sao cho các đánh giá đó, ít nhất cũng mang những khía cạnh hoàn toàn mới và, chẳng hạn như, diễn ra ở khắp cả trong Zur Genealogie der Moral Luận về Phả hệ Đạo đức, từ bỏ thiện tâm và bản tính thuần chân để bộc lộ những mạch ngầm về nguồn cội hư vô, hung hiểm của chúng.

2) Như đã biết, và ở đây chỉ trình bày lại bằng cách gợi nhớ, đối lập với những cách phân loại hiện tượng đã nêu trước đó, cách làm triết học hiện tượng luận nhằm để các hiện tượng được khảo sát tự biểu hiện như chúng được trao cho trong trực giác, nghĩa là, trước hết không gộp chúng vào bất kỳ lược đồ khái niệm, mô hình hay lý thuyết nào. Vì vậy, trước khi các vấn đề thông thường thống trị các ngành triết học truyền thống (ví dụ: bản thể luận, siêu hình học, nhận thức luận, đạo đức học, v.v.), hiện tượng luận “chỉ” nhằm mục đích mô tả các hiện tượng như chúng được trao cho trong kinh nghiệm, trái ngược với việc lý thuyết hóa về chúng. Do đó, hiện tượng luận thu hút sự chú ý đến kết cấu của tự thân kinh nghiệm, nghĩa là, đến những đặc điểm của kinh nghiệm có xu hướng rơi vào giữa các vết nứt khái niệm của triết học truyền thống, với khuynh hướng phổ quát hóa, bao hàm trong các khái niệm rộng lớn hơn và nói chung là ban đặc quyền cho các cấu trúc trừu tượng của tư duy hơn là các mô tả về những cách thức cụ thể mà theo đó vô số khía cạnh thường là khó diễn tả của cuộc sống được trải nghiệm. Về khía cạnh này, cũng có thể nói như vậy về Nietzsche, vì ông rất chú ý đến chính các hiện tượng và khía cạnh của các hiện tượng thoát khỏi thứ công cụ cùn mòn của khái niệm, phạm trù, ý tưởng, v.v., mà trên hết vận hành bằng cách ausgleichen, gleichmachen bình đẳng hóa (v.v…8) tất cả những gì trên thực tế đều có xu hướng gia tăng khác biệt và phức tạp hóa9.

[Tr.4] Việc tự-hiểu của hiện tượng luận, nhờ đó nó khảo sát các hiện tượng vi tế thoát khỏi triết học truyền thống, chắc chắn dẫn đến các câu hỏi: a) kinh nghiệm về các hiện tượng bộc lộ với chúng ta ở đâu, b) nó bộc lội như thế nào, trở nên có ý nghĩa ra sao, và c) liệu có những hiện tượng đặc quyền mà trải nghiệm về chúng đặc biệt quan trọng đối với chúng ta hay không10. Ở đây chúng ta chỉ cần quan tâm đến câu hỏi đầu tiên. Sau đó, chỉ chú ý đến câu hỏi đó, chúng ta cũng có thể tự nhắc bản thân mình về câu châm ngôn của Husserl “hiện tượng luận phải liên quan đến ‘ý thức’, với toàn bộ các loại kinh nghiệm sống, các hành vi và tương quan-hành vi”11. Ngược lại, khi Nietzsche chuyển sự chú ý đến các hiện tượng của ý thức, và đến ý thức với tư cách là một hiện tượng, thì ông bị ấn tượng bởi khả năng ngụy tạo của nó dưới sự thống trị của các giá trị bầy đàn12. Đối với Nietzsche, những gì bộc lộ ra với chúng ta ở cấp độ ý thức chỉ là váng bọt, kết quả cuối cùng của cuộc vật lộn giữa các lực lượng khác nhau, một cuộc vật lộn diễn ra trong vô thức và – cần nhấn mạnh là – lĩnh vực hoàn toàn phi cá nhân mà ông gọi là ý chí quyền lực13. Ở đây, mặc dù phải qua một chặng dài vượt khỏi phạm vi Giới thiệu để theo đuổi điều đó, thì một trong những văn bản hấp dẫn nhất - hoặc có triệu chứng - để xem xét trong bối cảnh đặc quyền tương ứng này của ý thức hoặc vô thức với tư cách là “địa điểm” chính của trải nghiệm chắc chắn là “Phụ lục VIII”, về “Vấn đề của ‘Vô thức’”14 – do Eugen Fink chấp bút – về Khủng hoảng của Husserl. Thay cho một thảo luận chi tiết, tôi sẽ tự giới hạn vào việc trích dẫn một câu đặc biệt đáng chú ý từ đoạn kết của nó, trong đó nó được tuyên bố mang tính quy trình, “chỉ sau khi phân tích dứt khoát về ý thức [tức là bằng hiện tượng học siêu việt] thì vấn đề về vô thức mới có thể được được đặt ra” (387, nhấn mạnh thêm).

3) Tôi muốn gợi ý rằng có lẽ đặc điểm quan trọng và lâu dài nhất của tất cả các hình thức của hiện tượng luận, mà Brentano (mà Husserl coi “người duy nhất là thầy tôi về triết học”15) đã ban tặng cho nó, và gọi là “phi tồn tại có ý hướng” của một đối tượng trong kinh nghiệm tinh thần, hay “tính khách quan nội tại”. Tóm lại một cách ngắn gọn, điều này đề cập đến tồn tại-trong của đối tượng (tồn tại nội tại với) tâm trí, giống như cách mà một sự ngẫu nhiên (thuộc tính, đặc tính) nhất thiết phải ở trong, thuộc về, một thực thể, theo triết học Aristotelian và triết học Kinh viện16. Cái mà Brentano đã phát hiện ra trong khái niệm tính ý hướng là tính định hướng không thể tránh khỏi của mỗi và mọi hành động tinh thần đối với một đối tượng dù sao cũng khác biệt về chất với đối tượng đó. Bỏ qua một bên mọi câu hỏi về tồn tại thực hay thực tính của một đối tượng như vậy, Brentano thấy rằng trong tất cả các hoạt động của nó, tâm trí chắc chắn liên quan đến và gắn liền với một cái gì đó (một “đối tượng”) mà, mặc dù bằng cách nào đó được trao cho nó, đồng thời lại khác hẳn với nó. Do đó, đặc điểm cấu trúc trung tâm (hoặc năng động) [tr.5] của tâm trí là nó nhất thiết phải vượt ra ngoài bản thân nó để thực hiện các hoạt động thiết yếu nhất của nó và, cần nhấn mạnh, tính định hướng hoặc tính quan hệ như vậy là một đặc điểm được coi là vắng mặt ở mọi hiện tượng trừ tâm trí. Phát biểu quan trọng ban đầu của Brentano về điều này là, Mọi hiện tượng tinh thần đều bao gồm một thứ gì đó với tư cách đối tượng bên trong chính nó, mặc dù [không phải tất cả các hiện tượng tinh thần] đều làm như vậy theo cùng một cách. Khi trình bày, một cái gì đó phải được hiện diện, trong phán đoán, một cái gì đó được khẳng định hoặc bị phủ nhận, trong tình yêu phải được yêu, trong ghét bỏ phải bị ghét, trong mong muốn phải được mong muốn, v.v.17

Điều làm cho vấn đề về tính ý hướng trở nên quan trọng đối với hiện tượng luận là nó thiết lập hai trong số những niềm tin hữu ích nhất của nó, đó là 1) mối quan hệ cơ bản giữa cái gọi là “hành vi tinh thần” và các hiện tượng mà chúng liên quan, thực tế là kinh nghiệm luôn luôn là trải nghiệm về điều gì đó, cho dù điều đó có thật hay không; và 2) “tính trao cho” của các hiện tượng, bao gồm những cách thức bí ẩn mà chúng thể hiện hoặc tự thể hiện bản thân để trải nghiệm. Cả hai đặc điểm này đã được các nhà hiện tượng luận hậu-Husserlian tiếp thu và điều chỉnh, dù là theo những cách khác nhau đáng kể. Thứ nhất, một mối quan hệ nguyên gốc – mặc dù đã được loại bỏ khỏi khuynh hướng tinh thần luận của nó – có thể được coi là tái xuất hiện, chẳng hạn, như khái niệm về hiện hữu-trong và các phần mở rộng gleichursprünglich đồng gốc của nó (hiện-hữu-trong-thế-giới, v.v., hiện-hữu-hướng-tới-cái-chết) trong Tồn tại và Thời gian, hay như một cách hiểu nào đó về hữu thể hữu hình của chúng ta trong các tác phẩm sau này của Merleau-Ponty. Điều thứ hai được cho là làm nảy sinh một cách khác nhau ý niệm es gibt có đó của Heidegger, đến il y’a có đó của Levinas, cũng như ý niệm về “quà biếu” của Derrida, và do đó dẫn đến các khái niệm cốt lõi của truyền thống hiện tượng luận sau này.    

Mặc dù tính ý hướng (cả với tư cách là đặc điểm trung tâm của hiện tượng luận ban đầu và của những sự thích ứng sau này của nó) có thể được đặt cạnh nhau với nhiều khía cạnh khác nhau trong tư tưởng của Nietzsche, nhưng tôi vẫn đề xuất một kháng biện “Nietzschean” cho nó, là cái chỉ ra theo một hướng cụ thể. Vì nó có thể chỉ ra, từ quan điểm Nietzschean, cho rằng sự hiểu biết hiện tượng luận ban đầu về mối liên hệ nội tại của các hành vi tinh thần với các đối tượng của chúng, mặc dù một mặt cho thấy tâm trí18 về cơ bản được định hướng vượt ra ngoài bản thân nó19, đồng thời bảo vệ một thiên kiến lấy con người làm trung tâm ở cốt lõi của hiện tượng luận kinh điển. Nhưng một thiên kiến như vậy lại xuất trình cho Nietzsche một trở ngại lớn nhất, không chỉ đối với tư duy mà còn đối với cả sự khẳng định về bản thân cuộc sống. Từ các công trình đầu tiên của mình (ví dụ, Sự ra đời của Bi kịch, “Luận về Chân và Giả theo nghĩa Siêu-Đạo đức”) cho đến những ghi chú cuối cùng vào năm 1888, Nietzsche khẳng định rằng con người – nếu không muốn nói là một điểm cố định hoàn toàn ảo tưởng – chẳng có gì khác hơn một điểm nút trong sự trở thành vật chất vĩnh viễn cho dù đứt đoạn, mà các khía cạnh [tr.6] cốt lõi của nó là ý chí quyền lực, sự hồi quy vĩnh cửu và chức năng sinh lý học. Việc nâng cao và bình giá điểm nút này thành một quan điểm đặc quyền, độc đáo biểu hiện tư duy của Nietzsche như là một kiểu phóng tưởng đầy ảo ảnh20.  

Tính trung tâm của phương pháp mô tả đối với hiện tượng luận so với các nguyên lý của phả hệ Nietzschean; tương ứng là vị trí và giá trị được đặt vào ý thức trong hiện tượng luận sơ khai và trong tư tưởng của Nietzsche; khái niệm hiện tượng luận cốt lõi về tính ý hướng trái ngược với phê phán của Nietzsche về tính khái niệm nhân trung tâm luận – chẳng phải những điểm này chắc chắn sẽ khiến chúng ta kết luận rằng các mối liên hệ giữa Nietzsche và hiện tượng luận quá ít ỏi và mong manh đến mức ngay từ đầu đã kết tội mọi nỗ lực theo đuổi, phát triển và tăng cường chúng hay sao? Mặc dù những điều đã nói ở trên, chấp nhận lập trường ủng hộ ma quỷ, dường như gợi ý như vậy, nhưng ấn tượng này vẫn có thể bị phản bác một cách nhanh chóng nhưng dứt khoát bằng lời nhắc nhở đơn giản rằng hiện tượng luận, mặc dù có nguồn gốc từ giai đoạn đó, nhưng không có nghĩa là có thể quy giản thành Instanziierung định lệ Husserlian của nó21. Trên thực tế, một số bài viết được trình bày ở đây thực hiện các cách đọc vi tế các văn bản của Nietzsche - nói chung - bằng các phương tiện hiện tượng luận và ngược lại, nâng cao hiểu biết của chúng ta về các vấn đề hiện tượng luận bằng cách cam kết với tư tưởng của Nietzsche. Do đó, những gì chúng ta thấy ở họ là một kiểu thụ tinh-chéo giữa các kiểu tư duy rõ ràng là rất dị chất. Điều này khác xa với việc đoạt lấy của kẻ này với kẻ kia, mà đúng hơn là về bản chất của một loạt các tăng cường lẫn nhau, của các công phu và thách thức có đi có lại, trong mỗi trường hợp đều nhạy cảm với kết cấu tư tưởng và các phức tính của các văn bản tham gia.

II. Hội tụ: Độc giả của Nietzsche

Tiếp tục cách tiếp cận dần dần của chúng ta đối với vấn đề tư tưởng trong các tiểu luận này, cho phép tôi phác thảo một cách khái quát lịch sử tiếp nhận Nietzsche trong khoảng một thế kỷ qua, ít nhất là như nó tự trình hiện trước chúng ta ngày nay. Điều này có thể giúp tạo bối cảnh cho một số bài viết tiếp theo, đồng thời chỉ ra một số vấn đề và các thảo luận tạo thành một phần nền tảng của chúng. Có thể phân biệt ba sự kiện quan trọng hoặc ba điểm mấu chốt trong lịch sử diễn giải Nietzsche, thứ nhất, các cách đọc có ảnh hưởng (nếu không muốn nói là không có vấn đề) của Heidegger từ giữa những năm 1930 đến giữa những năm 1940, lần đầu tiên mở ra các văn bản của Nietzsche bằng các khuôn khổ triết học nghiêm túc22; thứ hai, cách đọc và phản hồi của người Pháp đối với Nietzsche nửa sau thế kỷ XX, nhất là Deleuze, Foucault, [tr.7] Bataille, Klossowski, Kofman, Derrida, Irigary và Blanchot23; và thứ ba, sự tiếp tục và hòa giải cả hai cao điểm này trong cách diễn giải của Nietzsche đối với độc giả chủ yếu là người nói tiếng Anh, nhất là trong các tuyển tập đột phá như Nietzsche MớiCực kỳ Nietzsche, dù có thể kể ra nhiều hơn hai tiêu đề trên24.

Aus-einander-setzung trong cuộc đối đầu bền bỉ, nếu không muốn nói là đơn phương, với Nietzsche25, Heidegger đã rút ra nhiều chủ đề trung tâm trong tư tưởng của Nietzsche – ý chí quyền lực, sự tái diễn vĩnh cửu, siêu nhân, chủ nghĩa hư vô, công lý, chủ thuyết Platon, sự đánh giá lại tất cả các giá trị – vẫn chiếm giữ nỗ lực của chúng ta khi đọc Nietzsche ngày nay, và cuối cùng (vào năm 1940) đã tập hợp chúng lại thành một tổng thể gần như có hệ thống của cái mà sau đó ông gọi là siêu hình học của Nietzsche26. Nói cho nhanh, theo Heidegger, ít nhất phần lớn tư tưởng của Nietzsche phải được hiểu như là sự tiếp tục của những mối bận tâm, cấu trúc, ngôn ngữ và trên hết là logic nội tại của siêu hình học phương Tây, mặc dù đồng thời ông tìm thấy Nietzsche ở vị trí mơ hồ của Vollendung sự hoàn thành của siêu hình học. Do đó, thành tựu lớn nhất của Heidegger so với những cách đọc trước đây về Nietzsche là gì, cụ thể là việc chứng minh tính nhất quán nội tại tư tưởng của ông, cũng như tính liên tục của nó với các chủ đề trung tâm của siêu hình học phương Tây, đồng thời cũng xuất hiện – từ vị trí thuận lợi của hơn nửa thế kỷ và vô số cách đọc tinh tế của Nietzsche sau này - như vấn đề hệ thống hóa quá mức một tư tưởng đã được chứng minh về cơ bản là thoát khỏi kiểu tổ chức như vậy. Không cần phải nói, các chi tiết và tính phức tạp trong cuộc đối đầu của Heidegger với Nietzsche nằm ngoài những gì có thể được xem xét ở đây. Thật ra thì các tập về Nietzsche của Heidegger – bất kể mức độ rõ ràng đối với các cuộc thảo luận trong tập này – hình thành một cái gì đó giống như bối cảnh ít nhiều xa xôi của chúng. Điều đó có nghĩa là, chúng đồng thời là “điều kiện của khả tính” và là thứ mà từ đó sự khác biệt là cần thiết để có thể xuất hiện những cách đọc mới.

Điều tương tự cũng có thể nói về làn sóng thứ hai của các diễn giải Nietzsche ở châu Âu, cụ thể là của nhiều nhà tư tưởng Pháp, ở chỗ– mặc dù ở những mức độ khác nhau và theo những cách khác nhau – họ cũng nhận thấy cần phải tạo ra một khoảng cách giữa hiện  tượng luận-tường giải của Heidegger và cách đọc seinsgeschichtliche lịch sử-tồn tại về Nietzsche và sự hiểu biết của riêng họ về tư tưởng của ông. Mặc dù – may mắn thay – không thể thống nhất các cách đọc Pháp này dưới bất kỳ tiêu đề nào, nhưng có thể chỉ ra một số xu hướng xuyên suốt, mặc dù những xu hướng này cuối cùng [tr.8] cũng thoát khỏi sự đồng nhất hóa. Vì vậy, những điểm sau đây là bản chất của các chỉ dẫn chung, chứ không phải là các định nghĩa chính xác. Tôi muốn gợi ý rằng có thể phân biệt hai định hướng rộng rãi, nhưng không có nghĩa là loại trừ lẫn nhau, giữa các cách diễn giải Pháp về Nietzsche. Định hướng đầu tiên có thể được mô tả là thể hiện tính nhạy cảm tuyệt vời đối với các sắc thái của văn bản, sắc thái của nhịp điệu dao động của nó, âm điệu sặc sỡ của nó, các cách thức biến điệu ngôn ngữ tinh tế của nó, cả trong các tác phẩm của Nietzsche và trong các tác phẩm của chính các tác giả người Pháp. Không kém phần nghiêm túc về mặt triết học so với những luận thuyết khắt khe về mặt kỹ thuật, rất có tâm hồn, những cách đọc này tích hợp lại thành điểm khởi đầu của họ về những kiến giải sâu sắc nhất của Nietzsche, cụ thể là tư duy tự nó là vật chất của dòng chảy khát vọng, của cơ thể và các ý nghĩa mà nó mang lại là hoàn toàn liên tục, thay vì đối lập nhị nguyên với các dòng vật chất-dục tính này. Do đó, họ tôn vinh la jouissance thói lạc thú của cơ thể, của lối chơi khác biệt về ngôn ngữ và của kết cấu gợi cảm của tính văn bản, với sự hiểu biết đầy đủ rằng các khái niệm – nếu chúng có bất kỳ sức mạnh nào – không phải là những điều trừu tượng mà là những dấu hiệu và triệu chứng.

Định hướng thứ hai, mặc dù không có nghĩa là trống rỗng mọi kiến giải sâu sắc này, nhưng có lẽ phải nói là thiên về phân tích triết học và tạo ra các khái niệm mà nhờ đó có thể tiếp cận các cấu trúc phức tạp trong tư tưởng của Nietzsche, chẳng hạn, bằng cách khám phá tư tưởng này thông qua các tiếp hợp mới mang tính bộ lộ với các nhà tư tưởng hoặc các phương thức tư duy khác27. Vả lại, tôi cũng sẽ khẳng định rằng cả hai định hướng đều được thúc đẩy – cho dù ở các mức độ khác nhau - bởi cái mà cuối cùng phải được hiểu là động cơ chính trị, mặc dù các quan niệm của các nhà tư tưởng về chính trị, về các mối liên hệ giữa triết học và chính trị, cũng như về ưu quyền tương đối của chúng, có xu hướng khác biệt đáng kể với nhau. Tuy nhiên, nên nhớ rằng những phân tích bén thé của Nietzsche về cỗ máy khái niệm của cái trở nên danh tiếng là siêu hình học hiện diện, và những mổ xẻ thấu triệt của ông về tâm tính bầy đàn và các hình thức nô lệ khác, không chỉ mang tính cách mạng về mặt triết học, mà còn có khả năng kiến tạo những công cụ chuyển hóa chính trị mạnh mẽ, trong tư tưởng và hành động28.

Nên nhớ rằng độc giả nói tiếng Anh đã phải đợi (đặc biệt là trong một số trường hợp29) một thời gian dài bất thường để có được bản dịch các tác phẩm chính tiếp nhận Nietzsche của người Pháp. Trước tình hình này, có thể dễ dàng hiểu tại sao bộ sưu tập năm 1977 [tr.9] gồm các bài tiểu luận, Nietzsche Mới, do David B. Allison biên tập, và bao gồm các tuyển chọn công trình của nhiều nhân vật tiêu biểu cho “Nietzsche kiểu Pháp”, đã rất có ảnh hưởng. Tiếp theo sau (trong một số trường hợp sau một khoảng thời gian) là một loạt sách, bài tiểu luận và tuyển tập các bài tiểu luận viết bằng tiếng Anh, chẳng hạn như Exceedingly Nietzsche - Cực kỳ Nietzsche do Krell và Wood biên tập. Chúng tôi rất may mắn khi có thể đưa các bài tiểu luận gốc của hai trong số những nhân vật chính của làn sóng thứ ba diễn giải Nietzsche, bằng tiếng Anh, đó là David Krell và John Sallis30, vào tuyển tập này. Vậy là, ba làn sóng này cung cấp một số bối cảnh – mặc dù tất nhiên không phải hoàn toàn như vậy – cho các tiểu luận trình bày ở đây. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng các tiêu đề ở phần này áp dụng bình đẳng cho các làn sóng ấy luận về chính bản thân mình, ở những quan điểm, các mối quan tâm, giọng điệu khác nhau, hội tụ ở đây, không phải để trùng hợp hay hài hòa, mà để có thể nghe lại vô số giọng điệu và cách đọc đương đại về các vấn đề xung quanh Nietzsche và hiện tượng luận.

III. Hiện tượng Tư duy

Các bài viết sau đã được nhóm lại tùy theo cách tiếp cận chủ đề hay cách tiếp cận “so sánh” - nghĩa là, trong mỗi trường hợp, dàn dựng cuộc gặp gỡ giữa Nietzsche và một nhân vật quan trọng trong tư tưởng thế kỷ 20 - là nguyên tắc tổ chức tương đối nổi trội hơn . Trước khi đi vào chi tiết, cần chỉ ra rằng có thể có một số nhóm thay thế. Một cách khác mà các bài viết có thể được sắp xếp là tùy theo việc chúng có theo đuổi câu hỏi ngụ ý trong tiêu đề “Nietzsche và Hiện tượng luận” theo cách “kinh điển” hơn hay không, nghĩa là bằng cách giải quyết các chủ đề hay các nhân vật thường làm liên tưởng đến các mối quan tâm hiện tượng luận, hoặc theo cách có thể được gọi là một cách “cựu-trung tâm” hơn, mở ra những con đường khảo sát mới và có lẽ là bất ngờ. Ưu điểm chính của nhóm trước chắc chắn nằm ở việc họ đào sâu và nâng cao hiểu biết của chúng ta về các vấn đề bao quát cả hiện tượng luận và nghiên cứu về Nietzsche theo nhiều cách khác nhau; trong khi nhóm thứ hai kéo dài hoặc mở rộng ý tưởng của chúng ta về những gì hoàn toàn có thể rơi vào phạm vi khảo sát mối quan hệ “Nietzsche và Hiện tượng luận”. Thuộc nhóm trước có các bài viết của Sallis, McNeill, Haase, Krell và tôi; thuộc nhóm sau là các bài viết của Burnham/Jesinghausen, Kirkland, Marsden, Parkes và Urpeth.

Ở trên, tôi nói nguyên tắc tổ chức “tương đối chiếm ưu thế hơn” bởi vì một số cách tiếp cận theo chủ đề, chẳng hạn như bài viết của Jill Marsden [tr.10], cũng có yếu tố so sánh – trong trường hợp giữa Leibniz và Nietzsche. Ngược lại, chẳng hạn như trường hợp tiểu luận của Jim Urpeth về Nietzsche và Bergson, cách tiếp cận so sánh được giảm bớt bởi trọng tâm lại theo chủ đề, cụ thể là, như tiêu đề bài báo của ông chỉ ra, về cái mà ông gọi là “tôn giáo tự nhiên”. Vì vậy, việc phân chia giữa Phần Một và Phần Hai không phải là cách phân chia cứng nhắc hay tuyệt đối. Tương tự như vậy, có thể thấy một số nhóm chéo vận hành bên trong và xuyên suốt hai phần của tuyển tập. Ví dụ, thách thức của nội tại luận (cái mà Nietzsche gọi là “cuộc sống”) được đề cập và/ hoặc giáp mặt trong một số bài viết, đặc biệt là trong các bài của Sallis, Marsden, Urpeth và tôi. Theo cách liên quan, Kirkland, Parkes và Urpeth khám phá nhiệm vụ khẳng định và ý nghĩa của nó. Do đó, có thể tiếp tục chỉ ra một số tiểu bộ phận khác làm cơ sở cho bộ phận so sánh theo chủ đề, mà một số trong số đó sẽ gây được tiếng vang nhiều hơn với một số độc giả nhất định so với những tiểu bộ phận khác.  

Sau khi đã chỉ ra một số cách thay thế tiềm năng trong đó có thể hình thành tính liên tục giữa các bài viết này, giờ đây chúng ta sẽ chuyển sang các bài trong thực tế của chúng và cố gắng khám phá một số vấn đề, mối quan tâm, văn bản và nhân vật mà chúng giải quyết. Trong bài viết mở đầu của tuyển tập, “Tỏa sáng bằng Quan điểm: Nietzsche và Xa hơn”, John Sallis giải quyết vấn đề có thể được coi là cơ bản kết nối Nietzsche và hiện tượng luận, cụ thể là ý nghĩa trung tâm của trình hiện, “tỏa sáng”, tức là toàn bộ phạm vi các thuật ngữ xung quanh tiếng Đức Schein vẻ ngoài, Erscheinung trình hiện, scheinbar hiển nhiên, v.v. Cụ thể hơn, bài viết này khám phá các hệ quả của việc đảo ngược chủ thuyết Platon của Nietzsche và nó cho thấy sự đảo ngược này, nếu được thực hiện một cách triệt để, sẽ mở ra hiện tượng luận và các cách thức mà trong các phân mảnh cuối cùng liên quan đến tỏa sáng và phối cảnh, mà Nietzsche đã bắt đầu nhiệm vụ phù hợp với hiện tượng luận. Mặc dù theo một phong cách và cách thức hoàn toàn khác, Douglas Burnham và Martin Jesinghausen vẫn tiếp tục chủ đề này bằng cách tìm hiểu về số phận của nhân vật Apollo, gắn liền với “vẻ ngoài đẹp đẽ” (der schöne Schein), trong các tác phẩm của Nietzsche.

Bài viết bắt đầu bằng một thảo luận về sự biến mất dần dần gây tò mò của nhân vật Apollo khỏi văn bản Die Geburt der Tragödie Đản sinh Bi kịch của Nietzsche. Việc diễn giải chiến lược của Nietzsche tập trung vào phép ẩn dụ cho rằng trong Chủ thuyết Socratism, hình thức nghệ thuật Apollinian hóa nhộng và sich verpuppt tự chui ra khỏi kén. Cái kén không chỉ bao phủ những gì bên trong nó và che giấu nó khỏi tầm nhìn, mà nó còn bảo vệ và gìn giữ những gì bên trong, và do đó nó tạo ra “không gian” cho sự biến hình. Vào cuối Die Geburt der Tragödie Đản sinh Bi kịch, hình thức Apollinian tái xuất trong vinh quang. Theo các tác giả, điều này liên quan đến hai nhiệm vụ ban đầu: thứ nhất, tìm hiểu [tr.11] về cấu trúc hiện tượng học của cái kén như một sự che giấu kép; thứ hai, việc hỏi làm thế nào cấu trúc này phù hợp với cách hiểu của Nietzsche về nghệ thuật trong cuốn sách. Nửa sau của bài viết phác thảo cách thức mà chức năng che giấu-kép này xuất hiện trở lại trong thời kỳ giữa của Nietzsche và sau đó vận hành với tư cách là chủ đề của chiếc mặt nạ, từ đó cho thấy rằng tính nhị nguyên của Apollo và Dionysus, điều cần thiết cho Die Geburt der Tragödie Đản sinh Bi kịch không bị Nietzsche loại bỏ thiên về các lý tưởng chìa khóa đơn cực, nhưng vẫn tiếp tục ở dạng sửa đổi.

Trong Zarathustra và Cứu chuộc Quá khứ, Sean Kirkland suy nghĩ về các khía cạnh thời gian trong cá tính triết học của Zarathustra và những tác động của chúng đối với tự-hiểu biết về con người. Cụ thể, bài tiểu luận liên quan đến một khía cạnh trong dự án của Nietzsche trong Zarathustra Đã nói Như vậy thường bị bỏ qua – mối quan hệ của chúng ta với quá khứ. Với phương thức “tiên tri” rõ ràng trong diễn ngôn của Zarathustra, phương thức thời gian mà các nhà diễn giải thường tập trung (và đúng) là tương lai. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra với cái giá phải trả là nhận xét của Zarathustra về mối quan hệ đúng đắn với quá khứ, thì dự án của ông sẽ bị hiểu sai. Sau khi lần đầu tiên xem xét chức năng “nhân quả” của siêu nhân, như một nhân vật cơ bản thuộc tương lai, thảo luận chuyển sang lời kêu gọi của Zarathustra về một Erlösung sự cứu chuộc quá khứ của chúng ta. Kirkland cho rằng việc “cứu chuộc” quá khứ của chúng ta với Zarathustra đòi hỏi giải phóng khỏi nguồn gốc đa dạng, năng động, không-tự- đồng-nhất vẫn còn hoạt động ở đó, và, trong hành động sáng tạo này, đòi hỏi đưa quá khứ bị chối bỏ, phản siêu hình đến gần nguồn cội và một tương lai rộng mở, không thể đoán trước.

Trong bài báo của mình về Vạn vật Tinh mỹ Bất khả lường, Jill Marsden đã giải quyết một trong những vấn đề gai góc nhất trong hiện tượng luận, đó là vai trò và sự hiểu biết về hoạt động của ý thức, đồng thời giải quyết nó thông qua một phạm vi phản ánh rộng lớn của Nietzsche về vấn đề này. Cô nhắc nhở chúng ta rằng, theo Nietzsche, lỗi lầm lớn của các nhà tâm lý học là coi ý tưởng không rõ ràng là một loại ý tưởng thấp hơn ý tưởng sáng chói. Đối với điều này, Nietzsche phản đối ý nghĩ cho rằng “những gì rời xa ý thức của chúng ta và do đó trở nên mờ mịt có thể tự nó lại hoàn toàn rõ ràng”. Thông qua lộ trình rất độc đáo của các đề xuất mang tính gợi ý của Leibniz về vấn đề tri giác, Marsden thảo luận về những cách thức mà Nietzsche, như một phần của niềm đam mê rộng lớn hơn với các hình thái nhận thức khó nắm bắt và các tri giác dị thường, nhấn mạnh vào sự tồn tại của một loạt hiện tượng tri giác và cảm xúc chỉ được cảm nhận ở các ngưỡng vượt ra ngoài biểu hiện kinh nghiệm. Bằng một cử chỉ tương tự với tầm nhìn ngoại vi, cô [tr.12] khám phá những cách thức ở các khoảnh khắc xa lạ nhất định, một thứ gì đó không thể đồng hóa đối với ý thức lại được nhanh chóng lĩnh hội.

Một bài viết khác mở rộng đáng kể ý thức của chúng ta về phạm vi khả thể của bất kỳ khảo sát nào về Nietzsche và hiện tượng luận là bài viết của Graham Parkes. Bằng cách dàn dựng cuộc gặp gỡ giữa tư tưởng của Nietzsche và của các nhà tư tưởng Đông Á cổ điển, ông phản ánh mối quan hệ của chúng ta với các hiện tượng tự nhiên và đặt câu hỏi liệu có cách nào để quay trở lại với “vật tự thân” khi chúng là sự vật của tự nhiên. Để trả lời câu hỏi này, Parkes thảo luận về nhiều cách khác nhau, được đề xuất trong các văn bản của Nietzsche, theo đó chúng ta có thể trải nghiệm một tự nhiên “giải nhân hóa”, “giải thần thánh hóa” và “mới được cứu chuộc”. Giả sử chúng ta cố gắng theo đuổi những con đường này và thực hiện thành công, sau đó tác giả tự hỏi chúng ta sẽ gặp phải điều gì, nếu - có lẽ - không còn là chính mình nữa. Mỗi bài viết trong phần thứ hai của tuyển tập, như tôi đã đề cập ở trên, chủ yếu liên quan đến việc dàn dựng cuộc gặp gỡ giữa Nietzsche và một trong những nhân vật có ảnh hưởng của hiện tượng luận thế kỷ hai mươi, mặc dù trong mỗi trường hợp, họ làm như vậy để cho một vấn đề triết học cụ thể xuất hiện. William McNeill và Ullrich Haase đều khám phá mối liên hệ Nietzsche-Heidegger, mặc dù theo những cách khá khác nhau; sự khác biệt không kém phần quan trọng là do các văn bản khác nhau của Heidegger, trên cơ sở của chúng, mỗi văn bản đều khảo sát cái Auseinandersetzung cuộc đối đầu nổi tiếng giữa hai nhân vật trên. Cả McNeill và Haase đều tránh thảo luận về các tập về Nietzsche của Heidegger để thiên về những địa điểm ít rõ ràng hơn – nhưng do đó có lẽ là tất cả những gì đáng nói hơn – các địa điểm văn bản của cuộc chạm trán.

McNeill khám phá ẩn dụ về “dòng dõi” của triết học và, bằng cách gắn kết nó với phả hệ, ông khám phá ra một di sản phần lớn bị che giấu của tư tưởng Nietzschean, và không chỉ trong tác phẩm của Heidegger những năm 30 và 40. Một Nietzsche “khác” mà ông phát hiện ra xuất hiện sớm hơn nhiều, cụ thể là trong Tồn tại và Thời gian năm 1927. McNeill cho thấy công trình hiện tượng luận sớm này cũng quan tâm sâu sắc như thế nào đến vấn đề phả hệ về dòng dõi, bất chấp những gì có vẻ là mối quan tâm siêu hình học hoặc siêu việt với các cội nguồn. Bằng cách đề cập đến khía cạnh phả hệ này của hiện tượng luận Heidegger, bài viết của McNeill không chỉ bộc lộ một nền tảng chung giữa Heidegger và Nietzsche, mà còn chứng tỏ rằng Heidegger của Tồn tại và Thời gian dứt khoát đã chịu ảnh hưởng của Nietzsche. [Tr.13] Bài viết của Ullrich Haase về lịch sử và cuộc sống ở Heidegger và Nietzsche cung cấp một sự tiếp nối gọn gàng khảo sát của McNeill về di sản Nietzschean trong Tồn tại và Thời gian khi chọn làm tiêu điểm văn bản chính của nó mà ngày nay được nhiều người coi là kiệt tác thứ hai của Heidegger, tức là Beiträge zur Philosophie (Vom Ereignis) Đóng góp cho Triết học (của Sự kiện),và văn bản đầu tiên của nhóm văn bản tiếp tục mối quan tâm của nó, cụ thể là Besinnung Phản ánh. Bằng cách tập trung vào các vấn đề lịch sử và cuộc sống, và một loạt vấn đề liên quan, chẳng hạn rất quan trọng là công lý, Haase có thể khảo sát đa diện về các yếu tố Nietzschean trong các tác phẩm của Heidegger xung quanh Bước ngoặt nổi tiếng Kehre cái chết.

Trong bài viết của mình, tôi thảo luận về mối liên hệ của các vấn đề xung quanh khái niệm chính của Nietzsche về sinh lý học, được cho là một trong những khái niệm phong phú và phức tạp nhất trong suy nghĩ của ông. Ở phần đầu tiên, các tác động về mặt tư duy và văn bản của khái niệm sinh lý học đang được đục đẽo để khám phá, không quá nhiều về ý nghĩa của Nietzsche đối với nó, mà là nó hoạt động như thế nào trong các văn bản của ông. Sau đó tôi chuyển sang xem xét công trình hiện tượng luận quan trọng và bền vững nhất về cơ thể, công trình của Maurice Merleau-Ponty. Tại đây, văn bản muộn của ông Đan xen – Chia cắt từ  Hữu hình và Vô hình được xem xét và ý niệm về xác thịt của nó được đặt cùng với những suy nghĩ của Nietzsche về cơ thể và về sinh lý học. Một trong những câu hỏi chính thúc đẩy khảo sát này là liệu Nietzsche hay Merleau-Ponty có thể được đọc để đóng góp triệt để và sâu rộng hơn cho sự hiểu biết của chúng ta về thể chất “của chính mình” hay không. Trong bài tiểu luận về Nietzsche trong Chính trị Hữu nghị của Derrida, David Farrell Krell trước hết đưa ra một phân tích ngắn gọn nhưng sắc sảo về các nguồn văn bản và luận điểm chính của từng chương trong số mười chương văn bản của Derrida. Sau đó, tác giả chuyển sang xem xét nhiều sắc thái hơn về vai trò của Nietzsche trong Chính trị Hữu nghị. Ông đan xen một cách tinh tế những suy nghĩ của Nietzsche và Derrida với những suy tư của riêng mình về những thách thức và khó khăn, những ngõ cụt, về tình bạn giữa những con người phàm trần (đặc biệt nếu họ thuộc các giới tính khác nhau), và qua đó cũng rút ra những hệ lụy của điều này đối với một nền dân chủ chân chính, đối với một nền chính trị hữu nghị.

Cuối cùng, Jim Urpeth thảo luận về một số chủ đề trong cái mà ông gọi là “sinh học triết học” của Nietzsche và Bergson dựa trên sự khớp nối của chủ nghĩa tự nhiên triết học đưa ra một giải thích phi-quy giản về nguồn gốc và bản chất của tôn giáo trên cơ sở thực tại về bản chất là “tôn giáo”. Ông coi cả hai đều là những người ủng hộ quan điểm cho rằng tôn giáo cuối cùng có một thực tại không thể quy giản và khác biệt với [tr.14] phóng chiếu nhân hình, bệnh tâm-sinh lý, xung đột ý thức hệ, v.v. Do đó, ngầm ẩn là một phương án thay thế được đề xuất cho các cách tiếp cận và các tiền giả định của “bước ngoặt thần học” trong hiện tượng luận đương đại. Sau đó, điều mà tất cả các tiểu luận này với sự đa dạng phong phú của chúng chứng tỏ rằng cả tư tưởng của Nietzsche và của hiện tượng luận về cơ bản không thể trộn lẫn và không thể gộp vào một nguyên tắc tổ chức, thuật ngữ hoặc từ ngữ, và cả hai, đơn lẻ và kết hợp, tiếp tục thách thức người đọc về những diễn giải sâu sắc hơn bao giờ hết và có lẽ là táo bạo hơn đối với các văn bản của chúng. Không phải vì lý do này mà độc giả sẽ tiếp tục cảm thấy rằng họ đã không làm gì với những văn bản thường xuyên thu hút, khiêu khích và làm chúng ta bối rối một cách hữu ích ở mức độ tương đương này.

___________________________________________

Nguồn: Rehberg, Andrea (2011). Introduction: Nietzsche and Phenomenology, Edited by Andrea Rehberg, Cambridge Scholars Publishing.

Tác giả: Lĩnh vực chuyên môn của Andrea Rehberg là triết học châu Âu hậu Kant, đặc biệt là tư tưởng Đức và Pháp thế kỷ 19 và 20, đặc biệt là Kant, Nietzsche, Heidegger và các tác giả Pháp thế kỷ 20, bao gồm Bataille, Deleuze, Derrida, Foucault và Lyotard. Một lĩnh vực nghiên cứu khác là Hiện tượng học và Triết học nghệ thuật. Rehberg cũng đã viết về Schopenhauer và những hàm ý triết học trong công việc của Freud. Cô là biên tập viên của Tạp chí của Hiệp hội Hiện tượng luận Anh (JBSP), và là thành viên ban điều hành của Hiệp hội Hiện tượng luận Anh, Hiệp hội Triết học Châu Âu, Hiệp hội Friedrich Nietzsche và Hiệp hội Phụ nữ trong Triết học, đồng thời là thành viên dự thính của Hiệp hội Mỹ Latinh Asociacion Interacional de Fenomenologie y Ciencia Cognitiva. Cô là người giới thiệu sách cho Nhà xuất bản Đại học Indiana và OUP, đồng thời là người đánh giá các bài báo cho JBSP, Hypatia và Nghiên cứu Simone de Beauvoir. Năm 2018, cô tổ chức hội nghị thường niên lần thứ 24 của Hiệp hội Friedrich Nietzsche về chủ đề “Nietzsche và Chính trị của sự khác biệt”, được tổ chức tại Đại học Newcastle, ngày 20-21 tháng 9 năm 2018; và vào năm 2022, cô đã tổ chức hội nghị thường niên của Hiệp hội Triết học Châu Âu tại Đại học Newcastle, từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 8 năm 2022. Chủ đề của hội nghị là “Triết học Châu Âu/Triết học Thế giới”. Cô cũng tổ chức hội thảo một ngày về Autofiction (31/8/2022) với các đồng nghiệp từ các khoa khác nhau trong Đại học Newcastle, cũng như các đồng nghiệp từ khắp Vương quốc Anh. Cô gia nhập Đại học Newcastle vào năm 2016, nhưng trước đó đã giảng dạy tại Đại học Manchester Metropolitan, Đại học Dundee, cũng như ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ. Cô là thành viên của Học viện Giáo dục Đại học.

Notes
1. In this respect I wholeheartedly agree with David Farrell Krell, who also takes his essay’s point of departure from this insight or intuition.

2. "Die Phänomenologie gibt es nicht". Martin Heidegger, Die Grundprobleme der Phänomenologie. Gesamtausgabe Bd. 24. Frankfurt a.M.: Klostermann, 1989, 467. The Basic Problems of Phenomenology, trans. Albert Hofstadter. Bloomington, IN: Indiana University Press, 1982, 328.

3. Edmund Husserl, Logical Investigations, vol. 1, trans. J.N. Findlay. London: Routledge, 2001, hereafter LI 1, 177.

4. Edmund Husserl, Cartesian Meditations – An Introduction to Phenomenology, trans. Dorion Cairns. The Hague: Martinus Nijhoff, 1960, §15, 35f.

5. LI 1, 168.

6. See Michel Foucault, "Nietzsche, Genealogy, History", in Donald Bouchard (ed.), Language, Counter-Memory, Practice: Selected Essays and Interviews. New York: Cornell University Press, 1988, hereafter NGH. See also the papers by Sean Kirkland and William McNeill, which touch on this text.

7. NGH 142.

8. Cf., for instance, "Jeder Begriff entsteht durch Gleichsetzen des Nicht-Gleichen", "Ueber Wahrheit und Lüge im aussermoralischen Sinne", hereafter WL, in KSA 1:880; "Every concept emerges through the positing-as-equal of the non-equal", m.t.

9. These points are being developed in greater detail especially in the papers by Jill Marsden and myself.

10. Needless to say, disagreement about the answers to these questions is precisely one of the factors by which practitioners of phenomenology can be distinguished.

11. Edmund Husserl, Ideas Pertaining to a Pure Phenomenology and to a Phenomenological Philosophy, First Book, trans. Fred Kersten. Dordrecht: Kluwer, 1998, hereafter Ideas I; XIX, t.m.

12. See, for instance, "On Truth and Lie in an Extra-Moral Sense", as well as innumerable sections of The Will to Power.

13. Several of the papers either discuss this in some detail or at least touch upon it in passing, e.g., Marsden, Parkes, Rehberg, and Urpeth.

14. Edmund Husserl, The Crisis of European Sciences and Transcendental Phenomenology, trans. David Carr. Evanston, IL: Northwestern University Press, 1970.

15. Quoted in Herbert Spiegelberg, with Karl Schuhmann, The Phenomenological Movement – A Historical Introduction, 3rd ed. The Hague: Martinus Nijhoff, 1982, 27.

16. Franz Brentano, Psychology from an Empirical Standpoint, trans. Antos Rancurello, D.B. Terrell and Linda McAlister. London and New York: Routledge, 1995, hereafter PES, 88.

17. Ibid.

18. Or even human being as a structural whole, Dasein, to be always already beyond itself, cf. Martin Heidegger, Being and Time, trans. John Macquarrie and Edward Robinson. Oxford: Blackwell, 1987, hereafter BT.

19. In Heidegger’s understanding of this relationality Dasein becomes "out-standing", "ecstatic", and "futural", cf. BT.

20. See, for instance, the opening pages of WL, KSA 1:875-7, or Twilight of the Idols.

21. In this regard too I agree with points made by Krell in the opening remarks of his essay.

22. Martin Heidegger, Nietzsche, 4 vols., trans. Joan Stambaugh, David Farrell Krell and Frank Capuzzi. San Francisco: HarperCollins, 1987, hereafter N. See David Krell’s nuanced and highly informative account of the pre-history of Heidegger’s Nietzsche volumes, N 1, "Contexts", especially 238-45.

23. Gilles Deleuze, Nietzsche and Philosophy, trans. Hugh Tomlinson. London: Athlone, 1983; Michel Foucault, "Nietzsche, Genealogy, History" (cf. n. 6 above); Georges Bataille, On Nietzsche, trans. Bruce Boone. New York: Paragon House, 1992; Pierre Klossowski, Nietzsche and the Vicious Circle, trans. Daniel Smith. London: Athlone, 1997; Sarah Kofman, Nietzsche and Metaphor, trans. Duncan Large. London: Athlone, 1993; Jacques Derrida, Spurs – Nietzsche’s Styles, trans. Barbara Harlow. Chicago and London: University of Chicago Press, 1979; Luce Irigaray, Marine Lover – Of Friedrich Nietzsche, trans. Gillian Gill. New York: Columbia University Press, 1991; Maurice Blanchot, The Infinite Conversation, trans. Susan Hanson. Minneapolis and London: University of Minnesota Press, 1993. This is by no means an exhaustive list, in that all of the above have other texts on Nietzsche. Nor, needless to say, is this list of authors in any way final. It is merely meant to give a snapshot of seminal French readings of Nietzsche in the second half of the twentieth century. For a detailed account of the key texts that mark the spread of the "New Nietzsche" in France, especially after 1961, see, for instance, Duncan Large’s "Translator’s Introduction" to his translation of Sarah Kofman, Nietzsche and Metaphor, especially x-xxi.

24. David Allison (ed.), The New Nietzsche – Contemporary Styles of Interpretation. Cambridge, MA: MIT Press, 1986; David Farrell Krell and David Wood (eds.), Exceedingly Nietzsche – Aspects of Contemporary Nietzsche Interpretation. London and New York: Routledge, 1988. In the same breath such influential English-language works on Nietzsche as those by David Krell and John Sallis should be mentioned. See, for instance, David Farrell Krell, Infectious Nietzsche. Bloomington and Indianapolis: Indiana University Press, 1996; and John Sallis, Crossings: Nietzsche and the Space of Tragedy. Chicago and London: University of Chicago Press, 1991.

25. Martin Heidegger, Nietzsche, 2 vols.. Pfullingen: Neske, 1961, hereafter Nie, 9. See also David Krell’s enormously illuminating Introductions, Notes, and Analyses to the four volumes in English of Heidegger’s Nietzsche.

26. N vol. 3, 185-251.

27. Here Deleuze’s understanding, in Nietzsche and Philosophy, of Nietzsche’s genealogy as a radicalisation of Kantian critique in general, and his path-breaking analyses of Nietzsche and Kant on the problem of paralogistic thinking in particular, could be mentioned.

28. The most obvious exponents of this conviction are, I would claim, Deleuze, Foucault, and Irigaray, albeit in markedly different ways.

29. Both in the case of Nietzsche and Philosophy and of Nietzsche and Metaphor, twenty-one years, incredible to say.

30. Both are not just enormously influential writers on Nietzsche but of course also tremendously important readers of Heidegger and of the broader (post-) phenomenological movement. In addition, Krell edited and co-translated the four volumes of Heidegger’s Nietzsche into English. Sallis is the author of too many essays and books to mention here.