Powered By Blogger

Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2023

Làng Tepoztlán của người Mexicô (VII)

Robert Redfield

Người dịch: Hà Hữu Nga

Chương V: Nhịp điệu Cuộc sống Xã hội

[En outre, ni l’individu, ni la société, ne sent indépendants de la nature, de l’univers, lequel est lui aussi soumis à des rythmes qui ont leur contre-coup sur la vie humaine. Dans I’univers aussi, il y a des étapes et des moments de passage, des marches en avant et des stades d’arrêt relatif, de suspension [Arnold Van Gennep, Les rites de passage, p. 4].

Hơn nữa, cả cá nhân lẫn xã hội đều không cảm thấy tách biệt với tự nhiên, với vũ trụ, vốn cũng chịu sự điều chỉnh của những nhịp điệu có tác động-trở lại đời sống con người. Trong vũ trụ cũng vậy, có những giai đoạn và những khoảnh khắc vượt qua, những bước tiến về phía trước và cả những giai đoạn tương đối ngưng đọng, treo lại [Arnold Van Gennep, Rites of Passage, p. 4].

[Tr.83] Ở Tepoztlan, cũng như ở những xã hội đơn giản khác, nhịp sống của cuộc sống được đo trực tiếp hơn so với ở chúng ta bằng những chiếc đồng hồ lớn trên bầu trời. Cuộc sống ở mọi nơi không phải là một sự điều chỉnh bền vững mà là một chuỗi những khủng hoảng và ly giải, luân phiên căng thẳng và xả giải. Sự chuyển động của nhịp điệu này trước hết được thiết lập bởi các sự tái diễn thiên văn. Vòng quay của trái đất, vòng quay của trái đất quanh mặt trời, thậm chí cả tình trạng tròn và khuyết của mặt trăng, tạo thành bộ máy đếm nhịp cho các mối quan tâm của con người. Những dân tộc đơn giản hơn sẽ phụ thuộc trực tiếp hơn vào những nhịp điệu này của tự nhiên. Ở những nơi khác, nhiệt độ, ánh sáng nhân tạo, và sự trao đổi các sản phẩm của các vùng khí hậu khác nhau, tiến xa hơn đến việc tạo ra một giờ, một ngày hoặc một tháng giống như một giờ, một ngày, một tháng ở đâu đó. Tuy nhiên, ở Tepoztlan, khi chiếc đồng hồ trên tháp chuông Palacio Municipal Tòa thị chính điểm giờ, thì âm thanh của tiếng chuông vọng đến tai vài kẻ, còn lại hầu hết đều chỉ chú tâm đến những chiếc máy đếm nhịp thời gian của hoàng hôn và bình minh cũng như của mùa mưa và mùa khô.

[Tr.84] Vì lý do này, mà một giờ ban ngày cũng tốt đẹp như một giờ khác, vì vậy hoàn thành một công việc vào thời gian chính xác nào đó không phải là điều quan trọng. “Ấn định giờ” là một khái niệm quá gắt đối với tộc người vận động theo chu kỳ khoan hòa của các vì tinh tú. “Đến ngay ấy mà, vào khoảng ba hoặc năm giờ nhé,” sau buổi trưa một người Tepoztecan có thể hẹn gặp như vậy. Mặt khác, do nhịp điệu hoạt động của nhóm thay đổi gần như hoàn toàn theo sự thay đổi của các mùa, nên các tháng trong năm mang tính riêng biệt, độc đáo, mỗi tháng có những lễ hội thích hợp, đáng mong đợi và cuối cùng phải được tận hưởng. Năm sau trình tự và nhịp độ của năm ngoái lại đắp đổi đến rồi đi. Chỉ có tình trạng bất thường của chiến tranh mới phá vỡ nhịp điệu của năm tháng và tạo ra một chu kỳ hoạt động dài hơn: một cuộc leo dốc chậm rãi để phục hồi, để nuốt trôi những nhọc nhằn cay đắng sau thảm họa bất ngờ.

Nhịp điệu hàng ngày của người đàn ông Tepoztlan, trái ngược với nhịp điệu của phụ nữ, phụ thuộc nhiều hơn vào đắp đổi ngày đêm. Chủ yếu anh ta làm việc trên đồng ruộng hoặc các hoạt động ngoài trời khác (chẳng hạn như với tư cách là arriero người dùng la để vận chuyển hàng hóa từ đường sắt đến các kho hàng ở Tepoztlan), chỉ khi màn đêm buông xuống mới kết thúc công việc lao động của anh ta. Một vài cá nhân làm việc cho chính quyền thành phố, có thể là các thủ kho và một số nghề khác, tuân theo lịch trình hàng ngày phụ thuộc vào chiếc đồng hồ đeo tay và bị cuốn theo các hoạt động giống hệt trong suốt cả năm trời. Nhưng đến mùa thu hoạch hầu hết đàn ông chỉ rời đồng ruộng lúc màn đêm dần buông [tr. 85], trong khi vào những thời điểm khác trong năm họ có thể nhàn rỗi hoặc chẳng biết làm gì.

Mặt khác, chu kỳ hoạt động hàng ngày của người phụ nữ diễn ra gần như giống nhau trong suốt cả năm, nhưng lại không hẳn xong hết vào cuối ngày, lúc bóng đêm ùa về. Trong khi đàn ông được chu kỳ của mặt trời dẫn dắt, thì đàn bà lại là kẻ phụng sự cho một chu kỳ khác - đó là chu kỳ của dạ dày, của cơn đói và sự thỏa mãn của nó. Các hoạt động thực tế của người phụ nữ được tổ chức xung quanh việc chuẩn bị bữa ăn. Xay giã và nấu nướng, họ bận rộn hầu hết thời gian trong ngày và hang giờ buổi đêm. Người đàn ông lấy củi từ trên núi và lấy nước sinh hoạt về nhà; phần còn lại của nền kinh tế gia đình nằm trong tay người phụ nữ.

Ngày mới bắt đầu khi mặt trời vẫn còn khuất dạng bên đường chân trời. Đó chính là lúc hơn năm trăm bếp lửa bùng lên bởi bàn tay của những người phụ nữ ở Tepoztlan; làn khói thơm nồng của đám củi thông bay lên từ thung lũng. Các bà nội trợ ngay lập tức bắt đầu xay bột làm tortillas bánh ngô và nấu nướng các món ăn sáng. Thông thường người ta ăn ba bữa, bữa sáng vào khoảng bảy hoặc tám giờ, bữa trưa vào khoảng một giờ hoặc hơn, và bữa tối lúc bảy hoặc tám giờ tối. Một số người, vì ban đêm lạnh lẽo và khó ngủ, nên thức dậy ăn đêm rồi mới đi nằm.1 Mỗi bữa ăn đều có tortillas bánh ngô. Nếu thời buổi khó khăn, có thể chỉ còn đậu, hoặc thậm chí đậu cũng chẳng còn. Nếu có thịt, thì người ta [tr.86] thường nấu món clemole, súp thịt, rau, đậu, ngô, bí nêm gia vị và ăn kèm với nước sốt chiles ớt. Đây là món ăn sáng được nhiều người yêu thích. Những người giàu có và sành điệu hơn thường mua bánh mì cho bữa sáng và bữa tối, nhưng cũng vẫn ăn bánh ngô. Bữa tối cũng giống như vậy; đó có thể là bữa ăn chính trong ngày. Sau đó có thể ăn đậu lima nướng, tortas bánh ngọt, hoặc có thể là đậu gà. Cà phê, chocolate, đôi khi là sữa, có thể dùng trong bất kỳ bữa ăn nào.

Một cách thân mật khi chỉ có gia đình, tất cả cùng nhau ngồi dưới đất cạnh bếp và dùng bữa. (Tất nhiên là những người khá giả thì sử dụng bàn ăn). Nếu có nam giới, thì người đó ngồi cùng đám khách và họ được vợ phục vụ, vì cô ta sẽ ăn một mình. Sau bữa sáng, người đàn ông đi ra đồng hoặc tới bàn thợ làm công việc của mình; người vợ tiếp tục với bếp núc và các việc nhà khác. Âm thanh cuối cùng vào ban đêm, khi tất cả các âm thanh khác đều tắt lặng ngoại trừ tiếng be be của lũ lừa và tiếng chó sủa, thì chỉ còn lại là tiếng táp đập bánh tortillera và âm thanh sàn sạt nhẹ nhàng, ướt át của chiếc cối xay ngô.

Phần lớn cuộc sống và sở thích của người phụ nữ gắn liền với metate nghiền ngô bằng cặp bàn-hòn nghiền ngũ cốc cổ xưa không thay đổi về hình thức hoặc chức năng trong hàng nghìn năm. Trong khoảng mươi năm trở lại, một nhà máy xay hơi nước nhỏ đã hoạt động ở Tepoztlan;2 phụ nữ có thể mang ngô đến đó để xay. Tuy nhiên, phần lớn ngô được nghiền từ bằng metates bàn nghiền ở nhà, vì không chỉ do ngô xay máy [tr.87] đắt hơn mà còn do địa vị của phụ nữ (ngoại trừ một số ít người sành điệu) được quyết định ở mức độ không nhỏ bởi kỹ năng và sự siêng năng của họ với công việc nghiền ngô ở nhà. Họ tự hào về tài khéo nghiền ngô của mình. Sự khác biệt về kỹ năng được thể hiện trong chiếc tortilla bánh ngô đã hoàn thành; đàn ông thậm chí còn khẳng định họ nhận biết được chiếc bánh hắn ăn có phải do vợ mình nghiền không. Một người phụ nữ bị coi là vụng dại trong metate việc nghiền ngô thì thật là một kẻ đáng chán.3

Một trong những căn bệnh được bêu rếu ở Tepoztlan là tlancuatlatzihuiztli, “chứng lười của đầu gối”. Đầu gối sưng tấy báo hiệu sự nhức mỏi này không phải do quá chăm mà là do quá lười nghiền ngô; điều đó cho thấy kẻ bị đau kia thường bỏ bê công việc của y thị. Người phụ nữ thường nghiền ngô hai hoặc ba lần một ngày. Vào những ngày bình thường, công việc nghiền bột cho một hộ gia đình trung bình cần khoảng sáu giờ. Nhưng nếu những người đàn ông trong gia đình phải đi làm ở một hacienda đồn điền xa xôi nào đó, cho dù họ phải lo lấy đồ ăn, thì phụ nữ vẫn phải thức nhiều đêm nghiền ngô để itacates có sẵn và clacloyos người đi làm xa mang theo. Và trước mỗi lễ hội, có thể phải thức cả đêm để nghiền bột làm món ăn lễ hội, không chỉ bột làm tamales bánh hấp mà còn cả hạt bí và pitos thuốc hút.

Với việc xay bột, nấu nướng, thỉnh thoảng may vá, chăm sóc con cái một chút và cuối cùng là đi chợ, danh sách các hoạt động thiết thực của người phụ nữ gần như chỉ là thế. Chợ búa là công việc hàng ngày. Muối, ớt, đường, [tr.88] và gia vị cũng như nến, rượu và dầu hỏa hiếm khi được mua với số lượng lớn; vì vậy phụ nữ thường đi chợ hàng ngày. Các chủ cửa hàng thường gói sẵn một ít muối, một ít đường để đáp ứng nhu cầu mua hàng thông thường trị giá một hoặc vài centavo xu. Tại các cửa hàng, đặc biệt là chợ phiên hai tuần một lần, phụ nữ từ khắp nơi trong làng gặp nhau để bàn tán và thỏa mãn mọi thể thức mặc cả giá. Đây là thời cơ xã hội chỉ dành cho phụ nữ; một người đàn ông có thể thỉnh thoảng mua sắm cá nhân nhưng không bao giờ mua vật dụng gia đình.

Giữa tiểu nhịp điệu hàng ngày và đại nhịp điệu hàng năm có chu kỳ trung gian của tuần. Mặc dù ở một số nơi có sự phân chia theo tuần trăng, nhưng thời kỳ này ở mọi nơi đều mang tính nhân tạo hơn những thời kỳ khác. Ở Tepoztlan, tuần là kết quả của việc điều chỉnh các ngày họp chợ của người Aztec theo Dương lịch và từ việc sử dụng Ngày Sa-bát của Cơ đốc giáo (7 ngày một tuần có Chủ nhật). Mỗi tháng -trong số mười tám “tháng” - với hai mươi ngày của người Aztec được chia thành các quý; cứ vào ngày thứ năm, đàn ông trưởng thành phải tianquiztli đi chợ. Những ngày họp chợ này còn được tổ chức bằng các trò chơi và lễ hội; đó là một loại ngày nghỉ lễ bắt buộc. Những quy định như vậy chỉ đơn thuần đặt ra một sự phê chuẩn pháp lý đối với một hệ thống trao đổi hàng hóa giữa các cộng đồng người Aztec vốn đã phát triển để ràng buộc hàng trăm pueblos làng người Da đỏ vào sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế.

Không còn nghi ngờ gì nữa, hệ thống chợ phiên ở các thung lũng phía bắc Morelos đã bảo tồn đáng kể [tr.89] mô hình kinh tế thời tiền-Colombo. Chỉ bây giờ các ngày họp chợ rơi vào các ngày trong tuần ở châu Âu chứ không phải vào những ngày cố định trong tonalamatl Niên lịch Chiêm bói của người Aztec. Ở Tepoztlan, chợ được tổ chức vào thứ Tư và Chủ Nhật. Các thị trấn lớn hơn có phiên chợ hàng ngày, với những ngày đặc biệt dành cho những cuộc tụ họp quan trọng hơn. Ở Cuernavaca, những ngày này rơi vào Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Bảy; ở Cuautla, thứ Sáu là một ngày quan trọng; ở Yautepec, một ngày như vậy là thứ Hai. Vì thế những người chuyên buôn bán có thể đi hết phiên chợ này đến phiên chợ khác. Một người bán đồ gốm ở Tepoztlan vào thứ Tư thường xuyên đến Cuernavaca vào thứ Năm. Ở đó, ông mua thêm đồ gốm để bán vào thứ Sáu ở Cuautla; thứ Bảy, ông ấy quay lại Cuernavaca để mua trái cây; Chủ nhật hoặc thứ Hai, ông ta đến Toluca để bán trái cây và mua đồ gốm Toluca. Món hàng này ông ấy đem bán vào thứ Ba ở Cuernavaca, và thứ Tư, anh ấy lại bán đồ gốm Cuernavaca và những hạng mục đồ gốm Toluca còn lại của ông ấy ở Tepoztlan.

Các thị trấn Mexico về cơ bản là chợ; đặc trưng ngành công nghiệp duy nhất là công nghiệp hộ gia đình, và nông nghiệp thường chỉ đạt được nhiều thành tựu hơn chút ít với sự hỗ trợ của cộng đồng. Khắp nơi plaza quảng trường thống trị thị trấn; những tòa nhà lớn duy nhất ở đó; nó là trung tâm của đời sống xã hội. Ngay cả ở những thị trấn không quan trọng như Tepoztlan, hai ngày họp chợ chia tuần thành hai khoảng thời gian tạm lắng, cách nhau hai ngày quan tâm và chú ý đặc biệt. Vào những ngày này, người Tepoztecans đến plaza quảng trường để trao đổi không chỉ hàng hóa mà cả thông tin. Bên cạnh những thương gia [tr.90] thường xuyên ở Tepoztlan và các làng vệ tinh, còn có những người bán hàng dệt may thường xuyên từ Thành phố Mexico và những người bán đồ gốm từ Cuernavaca, cũng như những thương nhân thỉnh thoảng lang thang từ các thị trấn khác xa hơn.4 Ngày họp chợ cũng là một ngày ngày trao đổi thông tin.

Tầm quan trọng của Chủ nhật có lẽ thay đổi trực tiếp tùy theo mức độ mà mỗi cá nhân thực hiện trên đường đi trong thành phố. Đây không phải là một thể chế của người Da đỏ, và khi mùa màng bận rộn ít nhất los tontos lũ dân đen cũng không coi đó là ngày nghỉ ngơi. Nhưng đặc điểm chung là tất cả các tầng lớp đều mặc quần áo đẹp nhất vào ngày Chủ nhật. Khi vị linh mục ở đó thì càng nhiều người Công giáo có thể tham dự thánh lễ ở Templo Mayor. Đôi khi, “dàn nhạc mới” có thể chơi ở khán đài nhỏ ở plaza quảng trường. Những cải tiến phức tạp như vậy được thúc đẩy bởi thiểu số los correctos những “người uốn nắn” ở thành thị khôn ngoan hơn.

Giống như tất cả những dân tộc đơn giản hơn, có nguồn thực phẩm và nghề nghiệp phụ thuộc trực tiếp vào sự thay đổi theo mùa vụ, người Tepoztecans rất chú ý đến [tr. 91] sự tiếp nối của mùa mưa và mùa khô.5 Tháng ba, sau bốn tháng không mưa, ruộng rẫy được đốt sạch; đồng cỏ khô héo. Trên cánh đồng không có việc gì để làm. Bụi bặm, đất khô kiệt và tình trạng tàn kiệt tạo ra tâm trạng trì trệ cho người dân, đỉnh điểm của tình trạng ấy là những cấm kỵ trong Tuần Thánh. Vào mùa xuân, với những cơn mưa đầu mùa, những ngọn đồi chợt được khoác áo xanh, không khí dịu nhẹ và ẩm ướt. Khi bộ mặt của thị trấn thay đổi, vẻ mặt của đám đàn ông cũng trở nên đầy sinh khí. Công việc bắt đầu trên milpas các đám ruộng rẫy; cây ăn quả lại bắt đầu ra trái; cuộc sống lại trên đà phát triển.

Nhịp sống kéo dài cả năm này được chia nhỏ thành nhiều khoảng thời gian do sự xuất hiện của nhiều lễ hội. Được hưởng lợi từ hai truyền thống đặc trưng bởi nhiều lễ hội theo lịch - lịch nghi lễ phức tạp của người Da đỏ và nhiều ngày lễ thánh của Công giáo Nam Âu - dân quê Mexico tận hưởng một số lượng lớn các lễ hội một phần là để tôn kính nhưng phần lớn là vui chơi. Có lẽ khoảng một phần ba số ngày trong năm ở đâu đó trong thung lũng Tepoztlan sẽ diễn ra nghi lễ lịch truyền thống, mặc dù trong nhiều ngày, có thể chủ yếu là thổi chirimia ô boa trên mái một nhà nguyện nào đó.

Trong đó, một số lễ hội tất nhiên hiện nay hoàn toàn được xác định theo các ngày trong lịch Thiên chúa giáo, là những sự kiện quan trọng nhất trong năm đối với người dân Tepoztecan bình thường. Trong sự chờ đợi và chuẩn bị [tr.92] cho các lễ hội này, và trong việc thực hành ngày được mong đợi, mọi người trải nghiệm sự căng thẳng và thư giản, sự nắm giữ và rồi buông bỏ, dường như ở khắp mọi nơi đều cần có bản tính con người. Trong nhiều tuần trước lễ hội, đây là chủ đề chính được thảo luận và người ta lạp ra các kế hoạch dài hạn và tỉ mỉ cho nó. Trong trường hợp các lễ hội tôn giáo, việc thu thập số tiền cần thiết, xây dựng tháp pháo hoa, đào tạo các vũ công, làm nến và trang trí hoa sáp, chuẩn bị các món ăn cho lễ hội - tất cả đều làm tăng thêm cường độ để có được sự thư giản dễ chịu sau đó.

Đôi khi, người ta phân biệt giữa các nghi thức được đặc trưng bởi những hạn chế đối với hành vi thông thường và những nghi thức được đặc trưng bởi những thư giãn bất thường và thú vị khỏi những hạn chế thông thường: ngày Saturnalia [tôn vinh Sao Thổ, vị thần nông nghiệp và thu hoạch của người La Mã] và những ngày cấm kỵ, các ngày lễ và ngày thánh. Trong cả hai trường hợp, dường như người ta thấy rất hài lòng với những đắp đổi giữa tình trạng căng thẳng và thư giãn. Từ quan điểm này, có lẽ có thể nói rằng các lễ hội theo lịch của Tepoztlan, ngoại trừ hai trường hợp, thuộc loại lễ hội Saturnalia. Trong trường hợp của tất cả các lễ hội tôn vinh santos các thánh bảo trợ, nói chung đó là một ngày vui vẻ, người ta mặc quần áo đẹp và dùng đồ ăn ngon, nhảy múa hoặc thưởng thức khiêu vũ tôn giáo, uống rượu và ca hát; và điều này càng rõ ràng hơn trong trường hợp của hai lễ hội thế tục quan trọng nhất - lễ hội hóa trang và Altepe-ilhuitl lễ hội cầu mưa. Những ngày cấm kỵ quan trọng là những ngày [tr.93] được các linh mục người Tây Ban Nha đưa đến;6 ba ngày cuối cùng của Mùa chay, khi công việc chưa xong, thì không được bỏ nước và củi đi. (Ở đây, cũng như những nơi khác, những điều cấm kỵ trong Mùa chay bị phá vỡ theo đúng nghi thức bằng một lễ hội nhỏ hơn, bằng cách uống say, và mang tính đặc trưng lịch sử - ăn tamales bánh hấp bột ngô. Các buổi cầu nguyện được thực hiện trong đêm Các Thánh và Nhật kỵ Tưởng niệm Tất cả người thân đã khuất (Ngày 31 tháng 10 và ngày 1 tháng 11) cũng là những kiềm chế, cấm kỵ, chứ không phải là những dịp phóng túng. Người ta cầu nguyện nhiều đêm, gọi tên người đã khuất, chờ đợi, lo lắng về sự gần gũi của người đã khuất - kìm nén thôi thúc vui chơi.7 Đây là thời khắc kỳ lạ, hệt như thời khắc cuối cùng của Mùa Chay; và đó chính là phản đề của lễ Saturnalia.

Tất cả những ngày được cho là đặc biệt khác đều là những dịp vui thú, và ngay cả những lễ lạt quan trọng nhất của nhà thờ nói chung cũng là những dịp vui chơi. Mặc dù người Tepoztecans có phong tục quy các ngày lễ của họ vào hai loại - fiestas các lễ hội thiêng liêng và thế tục - nhưng sự khác biệt mà họ đưa ra là giữa những ngày lễ tôn vinh santo thánh bảo trợ và những lễ lạt thông tục. Phần lớn lễ tôn vinh santo thánh bảo trợ chỉ mang tính chất vui chơi, và theo nghĩa rộng nhất, là một trong hai lễ hội thế tục chính có yếu tố tôn giáo. Mặt khác, lễ hội hóa trang [tr.94] là lễ hội thế tục rõ ràng nhất. Điều này là do nó được tổ chức theo chiều hướng không có biểu tượng nào của tình cảm nhóm. Thực tế không có yếu tố kỷ niệm. Có lẽ đã từng có. Huehuenches, những nhân vật đeo mặt nạ nhảy hàng giờ ở plaza quảng trường và tạo thành nghi thức truyền thống phù hợp với dịp này, đều có ý nghĩa,8 nhưng ngày nay thì không. Nó được thực hiện “vì niềm vui” và hành vi được cho là dễ chịu thuộc loại đơn giản nhất - chỉ đơn thuần là sự nhảy lên nhảy xuống vô tận theo một dòng nhạc truyền thống. Cái gợi ý về xu hướng những ngày thánh trở thành ngày nghỉ lễ là ở chỗ chính los correctos những “người uốn nắn” là người quản lý lễ hội hóa trang, trong khi đám tontos dân đen nguyên thủy hơn lại chiếm phần lớn nhất trong các lễ hội của santos các thánh bảo trợ.  

Altepe-ilhuitl9 – lễ cầu mưa, “ngày lễ pueblo làng” - là một fiesta lễ hội khác mà đối với người dân quê, nhà thờ không được quan tâm.10 Nó rất giống lễ hội hóa trang; ở plaza quảng trường cũng có ăn uống và mua bán hệt nhau. Nhưng nghi lễ cổ xưa vẫn được thực hiện đã làm sống lại một biểu tượng của nhóm và gợi lại, dưới một hình thức thoái hóa, vinh quang xa xưa của ngôi làng. Một người đàn ông đảm nhận vai trò thủ lĩnh bán-huyền thoại của người Tepoztecos, bất chấp các lực lượng của pueblos11 các làng thù địch và bảo vệ ngôi thành cổ khỏi bị tấn công. Lễ hội này thực sự là ngày lễ yêu quê hương đất nước thực sự nhất của Tepoztlan, [tr.95] được tôn vinh hơn bất kỳ lễ hội nào trong lịch của Mexico đã đô thị hóa. Đó là Ngày Độc lập của Tepoztlan, Ngày Độc lập trong lịch sử của chúng ta ở giai đoạn mà Tuyên ngôn Độc lập vẫn được đọc trước khi bắn pháo hoa.

Có lẽ đó là một sự kiện đặc biệt cổ xưa từng thực sự mang tính tôn giáo, nay đang trong quá trình thế tục hóa. Các lễ hội của santos các thánh bảo trợ tái xác định các biểu tượng vẫn là những thần linh khác biệt rõ ràng. Nhưng tình trạng chung của những ngày nghỉ lễ ở Tepoztlan gợi ý điều gì đó là trung gian giữa hoàn cảnh của một bộ lạc nguyên thủy và hoàn cảnh của cuộc sống đô thị hiện đại. Các ngày nghỉ lễ của Tepoztlan vẫn mang tính cá nhân, độc đáo, mỗi ngày đều có nghi thức đặc biệt. Đối với fiesta lễ hội của phân khu Los Reyes, castillo lâu đài phải được làm theo một hình dạng nhất định; đối với lễ hội của đô thị Ixcatepec, một số điệu nhảy nhất định phải được thực hiện theo truyền thống. Việc nấu nướng đơn thuần trong những dịp lễ hội vẫn có sự khác biệt và mang tính chất thiêng liêng. Vào Chủ nhật Lễ lá người ta ăn món revoltijo; hải sản nấu với rau và lê gai; vào Chủ nhật Phục sinh người ta ăn tamales bánh bột hấp; vào Nhật kỵ, người ta làm một số món ăn đặc biệt; vào những ngày tôn vinh santos các thánh, còn những ngày khác, người ta ăn mole verde súp xanh (hỗn hợp các loại bột hạt, rau, mỡ, nước thịt).

Khi quá trình đô thị hóa tiến triển, tất cả có thể mang tính pha trộn; việc nấu nướng trong lễ hội trở nên ít chuyên biệt hơn; nhưng kem vẫn hoàn - kem. Những ngày nghỉ lễ mất đi các nghi lễ đặc biệt; mọi quy trình thực hành và ý nghĩa có xu hướng trở nên giống nhau - một Saturnalia khái quát hóa không có biểu tượng đặc biệt. Chúng trở nên thương mại hóa; và được cải biến một cách có ý thức. Nhưng dẫu sao thì những ngày nghỉ lễ Tepoztlan, vẫn chưa [tr.96] đến hồi kết cục. Nhưng chỉ ở mức độ mà mọi người tính đến việc du khách thành phố tham dự lễ hội hóa trang, Altepe-ilhuitl lễ hội cầu mưa, và làm biến đổi nghi thức kỷ niệm theo khuôn khổ túi tiền và thái độ của du khách, thì sự thay đổi ở mức độ đó luôn được thúc đẩy.

Mặt khác, những ngày lễ của người Tepoztecan không còn giống những ngày lễ của một bộ tộc nguyên thủy nữa. Dưới tác động của Cuộc Chinh phục và sự thay thế của những thiên thánh tích xa lạ, thì tổ chức tôn giáo chính thức cổ xưa đều không còn nữa. Do đó, triết lý của các tu sĩ, những huyền thoại giải thích chuyên biệt đi kèm với các nghi lễ, toàn bộ những phương tiện hợp lý hóa công phu, đều đã biến mất. Những gì còn sót lại không phải là một hệ thống nghi lễ trong thời kỳ hưng thịnh của nó, mà là một hệ thống nghi lễ bị san bằng, đại quát hóa, qua từng năm tháng càng trở nên đại khái hơn và thế tục hơn dưới ảnh hưởng của lối sống đô thị hiện đại.

_________________________________

Nguồn: Redfield, Robert (1930, 1946). Tepoztlán - a Mexican Village, The University of Chicago Press, Chicago-Illinois, Fouth Impression, December 1946.

Tác giả: Robert Redfield (1897 –1958) là một nhà nhân học và nhà dân tộc học người Mỹ, với công trình dân tộc học ở Tepoztlán, Mexico, được coi là một bước ngoặt của dân tộc học Mỹ Latinh. Ông gắn bó với Đại học Chicago trong suốt sự nghiệp của mình: toàn bộ quá trình học cao hơn của ông diễn ra ở đó, và ông gia nhập khoa vào năm 1927 và ở đó cho đến khi qua đời vào năm 1958, giữ chức vụ Trưởng khoa Khoa học Xã hội từ năm 1934 đến năm 1946. Redfield tốt nghiệp Đại học Chicago với ngành Nghiên cứu Truyền thông, sau đó là Tiến sĩ về nhân học văn hóa, ngành mà ông bắt đầu giảng dạy vào năm 1927. Ông được bầu vào Hiệp hội Triết học Hoa Kỳ năm 1947 và Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ năm 1950. Sau một loạt nghiên cứu thực địa được công bố từ các cộng đồng Mexico (Tepoztlán ở Morelos và Chan Kom ở Yucatán), năm 1953, ông xuất bản Thế giới nguyên thủy và sự biến đổi của nó và vào năm 1956, Xã hội và văn hóa nông dân. Redfield nhận ra rằng việc nghiên cứu con người như những đơn vị biệt lập là không có ý nghĩa, mà tốt hơn là nên hiểu một góc độ rộng hơn. Theo truyền thống, các nhà nhân học nghiên cứu lề lối dân quê theo “Tiểu truyền thống”, có tính đến nền văn minh rộng hơn, được gọi là “Đại Truyền thống”. Ông được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ năm 1950. Redfield là con rể của nhà xã hội học Robert E. Park tại Đại học Chicago. Redfield và vợ Margaret là cha mẹ của Lisa Redfield Peattie, Giáo sư danh dự tại Viện Công nghệ Massachusetts; James M. Redfield, giáo sư kinh điển tại Đại học Chicago; và Joanna Redfield Gutmann (1930–2009).

Notes

3. Frederick Starr (Notes upon the Ethnography of Southern Mexico, p. 35) says that among the Tlaxcalans a bride before marriage passes through a formal or - deal before the women of the neighborhood. This is called temaitaliztli, “trying the hand.” She is required to grind and to make tortillas.

4. There follows a list, not quite complete, of goods sold in the regular bi-weekly markets. Of course the limitation “in season” applies to many of the fruits: (i) Produced in Tepoztlan or the satellite villages: oranges; bananas; chayotes; manzanillos (tejocotes) limes; lemons (rare); avocados; plums; chirimoyas; mameys; sapotes (four or five kinds); tomatoes; husk tomatoes; sugar  cane; pitos; acacia pods (guajes, N. guaxi) peanuts; tamarind beans; coffee; squash seeds; acacia seeds; beans (several kinds); maize; coriander; manzanillo jelly; dotted cream; honey; pine kindling; lime; eggs; medicinal herbs, (a) Produced outside the valley: potatoes, onions, and rarely other vegetables, from Cuernavaca; occasional vegetables, as beets, carrots, lettuce, rosemary, small squashes, from Xochimilco, Federd District; pottery from Cuernavaca, from Toluca, and from the state of Puebla; baskets from southern Morelos; leather thongs for sandals and fiber nets (ayates) from Cuautla; zarapes and mats, from Toluca and elsewhere; lima beans and such spices as pimienta, doves, and cumin seed, from Mexico City; textiles and notions from Mexico City. Other supplies, and also some that are on these lists, are bought in the stores.

5. An attempt is made in the following chapter to give an account of this annual cycle, at once astronomical, economic, and ritual, as well as a matter of public mood.

6. The Aztecs had taboo days in their nemontemi the five days that rounded out the calendrical year.

7. It may be observed that among the lower middle class in Mexican cities - and elsewhere - the Day of the Dead is celebrated by taking food and drink to the graveyards and there enjoying a picnic. The final stage in this secularization

and “saturnalization” of this ancient taboo day is to be found in modem Halloween - a children’s carnival.

8. See p. 104.

9. See the description in the next chapter, p. 1 16.

10. Although the ancient pagan festival has been incorporated with a Catholic holy day.

11. These are Cuernavaca, Yautepec, Tlayacapan, Huaxtepec, and Tlalmanalco. Is Tlalmanalco extinct? It does not appear on the map.

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét