Powered By Blogger

Thứ Tư, 19 tháng 7, 2023

Thomas Aquinas: Siêu hình học là Triết học Đầu tiên và Khoa học Tối hậu

Jan Kielbasa

Người dịch: Hà Hữu Nga

Tóm tắt

Bài viết phân tích vị thế của siêu hình học trong mối quan hệ với các khoa học khác, đặc biệt là ý nghĩa và lý do đằng sau thế ưu tiên của nó trong hệ thống các khoa học, như được chuyển tải trong các công trình của Thomas Aquinas. Câu hỏi cái gì có trước trong hệ thống khoa học đã dẫn đến việc khám phá và biện minh cho các tiêu chí đằng sau ưu tiên này. Theo Thomas Aquinas, siêu hình học phải được coi là triết học đầu tiên: một mặt nó bận tâm đến những gì có trước trong trật tự bản thể luận – những nguyên nhân đầu tiên của tồn tại, mặt khác, các khoa học khác dựa vào nó để có được các nguyên lý đầu tiên của chúng. Bài viết phân tích mang tính phê phán cả hai cách chứng minh ý tưởng trở thành khoa học đầu tiên. Tiêu chí tồn tại riêng biệt bị nghi ngờ khi đưa thần học mặc khải vào hệ thống khoa học được Aquinas chấp nhận; thần học mặc khải cũng quan tâm đến những gì xuất hiện trước, và làm như vậy với thẩm quyền lớn hơn siêu hình học. Bài viết tập trung phân tích những hoài nghi chính liên quan đến tiêu chí ưu tiên về phương pháp luận của siêu hình học: ý tưởng cho rằng siêu hình học, trong mối quan hệ với các khoa học khác, theo nghĩa là khoa học đầu tiên và có chức năng như một yếu tố quyết định, đồng thời cũng là cuối cùng và được xác định bởi chính các khoa học này. Siêu hình học là khoa học đầu tiên, vì các khoa học khác rút ra từ nó những nguyên lý đầu tiên của chúng, và cuối cùng, vì nó sử dụng các sự kiện do các khoa học khác thiết lập trước trong quá trình thu nhận tri thức. Do đó, lời buộc tội cho rằng lập luận của Aquinas liên quan đến vị thế ưu tiên của siêu hình học là có tính chất tuần hoàn. Bài viết phân tích các khía cạnh khác nhau của vấn đề nan giải này và gợi ý các cách thức vượt qua chúng.

***

Câu hỏi triết học về ‘cái gì có trước’ – có lẽ là một câu hỏi ngây thơ, đồng thời cũng là một trong những câu hỏi tối quan trọng – chắc chắn đòi hỏi một hiểu biết cơ bản về ý nghĩa của việc một cái gì đó là đầu tiên. Chúng ta có thể đặt câu hỏi liệu một số đồ vật có đáp ứng các tiêu chí để trở thành “những thứ đầu tiên” hay không. Các tiêu chí này có thể đa dạng và đối nghịch: vị thế có trước theo trình tự thời gian thông thường, thứ bậc có trước về bản thể luận, nguyên nhân trong tương tác nhân quả, tính cơ bản hoặc tính tối giản cấu trúc, sự hoàn thiện hoặc hiện thực hóa hoàn toàn, cấp độ định tính giá trị học ở mức cao nhất, v.v. Chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi này về lĩnh vực khái niệm và tìm kiếm ‘các khái niệm đầu tiên’. Trong trường hợp này, các tiêu chí ưu tiên cũng có thể khác nhau và mâu thuẫn, chẳng hạn, tính bất khả quy ước thành một cái gì đó đơn giản hơn, mở rộng tối đa, tính tổng quát, tính rõ ràng, tính chắc chắn, v.v. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng trả lời câu hỏi “Cái gì là đầu tiên?” chủ yếu liên quan đến vị thế của siêu hình học cổ điển, khi đối diện với các lĩnh vực khoa học khác.

Như tiêu đề của bài viết gợi ý, phân tích của tôi sẽ liên quan đến việc “cục bộ hóa” siêu hình học trong hệ thống tri thức nhân loại do Thomas Aquinas thực hiện. Theo niềm tin của vị Triết gia Trung cổ, hệ thống tri thức bao gồm toán học, đạo đức, khoa học tự nhiên và cả thần học. Phép biện chứng về cái có trước và cái có sau (hoặc cái có sau cùng) trong mối quan hệ giữa siêu hình học và các khoa học đã được định danh là “lý thuyết” kể từ thời Aristotle, sẽ có ý nghĩa trọng tâm đối với tôi. Trong khi nghiên cứu phép biện chứng cụ thể này, tôi hy vọng sẽ làm bộc lộ điều mà Thomas Aquinas ngụ ý khi gọi siêu hình học là triết học đầu tiên và đồng thời là triết học cuối cùng prima in dignitate, ultima in addiscendo, đầu tiên về chân giá trị, cuối cùng về trật tự học hành, đồng thời cũng bộc lộ các nan đề mà những kẻ đặt câu hỏi: “Cái gì là đầu tiên” phải đối mặt trong bối cảnh cụ thể này.        

Đối với tôi, dường như khi chúng ta đặt câu hỏi cái gì là đầu tiên trong bối cảnh các cuộc thảo luận lịch sử liên quan đến vị thế của siêu hình học với tư cách là triết học đầu tiên (và do đó là khoa học cuối cùng), chắc chắn chúng ta phải giải quyết một trong những khía cạnh nan giải nhất của vấn đề: “phép vòng vo” được giả định của các lập luận liên quan đến mối quan hệ giữa siêu hình học và các khoa học khác. Văn liệu nguồn cung cấp bằng chứng cho thấy Thomas Aquinas nhận thức rõ ràng rằng những lập luận này rõ ràng là không đúng và ông đã cố gắng - dù thành công đến đâu - để vượt qua những khó khăn bắt nguồn từ chúng. Tuy nhiên, theo tôi, nguồn gốc của những khó khăn này và những đề xuất đầu tiên về việc xem nghịch lý của siêu hình học vừa là đầu tiên vừa là cuối cùng trong hệ thống các khoa học chỉ là hiển nhiên, nên được tìm kiếm trong các tác phẩm của Avicenna. Nhà triết học và học giả người Ả Rập này thừa kế cả hai truyền thống quan trọng của triết học Hy Lạp (Aristotelian và tân-Platonic) cũng như ông đã truyền cảm hứng cho sự phát triển của nhiều khái niệm triết học ở Tây Âu.

Chính Avicenna vào đầu thế kỷ 11 (theo lịch phương Tây) đã nhận thấy rằng các lập luận được đề cập chứa đựng lý luận vòng vo, vì một mặt, siêu hình học được định tính là triết học đầu tiên (đặc biệt theo nghĩa nó là nền tảng cơ bản nhất của khoa học, một nền tảng mà từ đó các khoa học khác rút ra được những nguyên lý đầu tiên, không thể phủ nhận được của chúng), và mặt khác, siêu hình học được coi là khoa học cuối cùng trong trật tự thu nhận và giảng dạy tri thức, sau đó được hấp thụ vào các lĩnh vực khoa học khác (đó là điều mà người ta thường nghĩ là – bắt nguồn từ chính ý nghĩa của thuật ngữ “siêu hình học”). Trong cuốn Bách khoa Y thư, được các học giả phương Tây gọi là Metaphysica, vì đây là tên bản dịch tiếng Latinh của cuốn sách, Avicenna đã trình bày vấn đề theo cách sau: “Người ta có thể phản đối bằng cách tuyên bố rằng vì các nguyên lý của khoa học tự nhiên và toán học chỉ được chứng minh trong khoa học này, và các câu hỏi đặt ra bởi cả hai loại khoa học được chứng minh bằng các nguyên lý của nó, trong khi các vấn đề đã tuyên bố, đến lượt mình lại trở thành các nguyên lý của khoa học nói trên, thì lối lập luận ấy là vòng vo và được tiến hành với sự phò trợ của phép vòng vo ”1. 

Do đó, “phép vòng vo” mà Avicenna phát hiện nằm ở chỗ siêu hình học được coi là nguồn gốc và phép thử các nguyên lý đầu tiên của các khoa học khác (cái gọi là các khoa học cụ thể, đặc biệt là các khoa học tự nhiên – scientiae naturales, cũng như các khoa học “giải phóng” – scientiae disciplinales các khoa học chỉ dạy [chỉ bảo, dạy dỗ]; các khoa học này rút ra tính hợp lệ cho các giả định của chúng từ siêu hình học, trong khi đồng thời chính các giả định này, theo phép đảo lộn, lại được coi là các nguyên lý của, hoặc nguồn cảm hứng cho, bản thân siêu hình học. Các khoa học cụ thể cung cấp cho “triết học đầu tiên” những tri thức cần thiết để tiến hành nghiên cứu siêu hình học. Nếu các hệ quả sâu rộng của siêu hình học (các giả định của các khoa học khác) đồng thời được coi là các nguyên lý đầu tiên của nó (và – đến lượt mình - nếu các nguyên lý đầu tiên đó phải được siêu hình học cung cấp cho các khoa học khác với tư cách là một bộ môn mà chính nó đã dựa trên trên chúng), thì trên thực tế, chúng ta gặp phải một lỗi logic, cụ thể là, phép suy luận vòng tròn điển hình.

Tuy nhiên, Avicenna đã giải thích chi tiết cách thức giúp có thể tránh được sự phản đối này. Việc tái cấu trúc lập luận của ông cho phép tôi đề xuất các giải pháp sau: trước hết, nguyên lý của một khoa học nhất định không nhất thiết phải là nguyên lý mà tất cả các giả định hoặc lập luận hiện tại và tiềm năng phụ thuộc, tức là, một cái gì đó mà mọi lập luận liên quan đến toàn bộ khoa học dựa vào; chỉ cần nguyên lý đó chứng minh và giải quyết một số vấn đề hạn chế là đủ. Thứ hai, khoa học bao gồm những vấn đề không cần phải chứng minh bằng cách viện đến các nguyên lý xuất phát từ các khoa học khác, đặc biệt là các nguyên lý đảm bảo tri thức đầy đủ và chắc chắn về một hiện tượng nhất định (chỉ ra nguyên nhân của nó); đó chính là trường hợp lập luận rằng an est một sự vật nhất định tồn tại mà không chứng minh quare est tại sao nó tồn tại. Thứ ba, cả siêu hình học và các khoa học khác đều có sẵn các tiên đề của riêng chúng – các nguyên lý tự trị hiển nhiên, do đó không cần phải được xác nhận bởi các nguyên lý khác, cơ bản hơn (hoặc đầu tiên), cũng như không bắt nguồn từ chúng.

Vì vậy, Avicenna giả định rằng một số nguyên lý liên quan đến các khoa học tự nhiên có thể hoàn toàn hiển nhiên, do đó chúng không cần phải được chứng minh trước trên cơ sở siêu hình học. Đến lượt mình, các nguyên lý tự trị này của khoa học tự nhiên lại được chuyển giao cho siêu hình học nhưng không quy định những nguyên lý đầu tiên của nó, vì những nguyên lý này cũng tự trị. Do đó, sẽ không đúng khi cho rằng siêu hình học trước đó đã rút ra kết luận từ các khoa học khác – các khoa học mà nó cung cấp các nguyên lý đầu tiên – sao cho các khoa học khác có thể rút ra từ siêu hình học các nguyên lý được chúng cung cấp dữ liệu quan trọng cho. Liên quan đến vấn đề trên, lập luận của Avicenna quan tâm đến siêu hình học với tư cách là triết học đầu tiên, cung cấp các nguyên lý đầu tiên cho các khoa học khác, đồng thời là một khoa học thay thế các khoa học này và hưởng lợi từ các giả định của chúng, nên không mang tính vòng vo; nó không dựa trên lập luận bao gồm nội dung đang được bổ sung (và nội dung phải tự chứng minh): “Do đó, cần khẳng định rằng vì điều này là như vậy, nên nó không thể nào là bằng chứng vòng vo đã nói ở trên theo nghĩa nó giả định một điều gì đó giống hệt với những gì đang được chứng minh”2

Theo quan điểm của Avicenna, hỗ trợ bổ sung cho cách luận chứng trên là tuyên bố cho rằng các khoa học tự nhiên, dựa trên các nguyên lý của chính chúng, cung cấp tri thức trực tiếp và đơn giản liên quan đến chủ đề liệu một cái gì đó có an est tồn tại hay không, nhưng không cho phép chúng ta đạt được lượng tri thức tinh lọc nhiều hơn – chúng không cho phép chúng ta tìm ra lý do tại sao quare est một thứ gì đó tồn tại. Tri thức bổ sung này về “thiên giới cao hơn” – đặc biệt liên quan đến các nguyên nhân cuối cùng xa xôi, không được bộc lộ trực tiếp – mà chỉ có thể được bộc lộ bằng các phương pháp vốn có của siêu hình học. Tính tự trị liên quan đến chủ đề của cả hai lĩnh vực tri thức này được tăng cường hơn nữa bởi tính tự trị tương đối của các nguyên lý và ngăn cản việc quy định lẫn nhau để hiện thực hóa dưới hình thái một vòng luẩn quẩn. Người ta cũng khẳng định rằng – do thứ hạng của chủ đề siêu hình học – nó xứng đáng với vị trí triết học đầu tiên, altior omnibus scientiis chiếm ưu thế hơn các khoa học khác, mặc dù theo trật tự đồng hóa tri thức, nó posteriatur post omnes scientias xếp sau toàn bộ các khoa học khác, không kể những cái khác do thực tế là việc nắm bắt các nguyên nhân của sự tồn tại phải đi trước tri thức về bản thân sự tồn tại.

Trong bài bình luận của mình cho tác phẩm De Trinitate Luận về Chúa Ba Ngôi của Boethius, Thomas Aquinas cũng đề cập đến vấn đề “phép vòng vo” giả định của các lập luận liên quan đến mối quan hệ giữa siêu hình học và các khoa học khác. Mặc dù siêu hình học, ở đây được hiểu là scientia divina khoa học linh thánh, naturaliter về mặt khách quan prima omnium scientiarum đứng đầu trong số tất cả các khoa học khác, nhưng khi nói đến tri thức của con người, tức là trật tự tiếp thu tri thức, thì quoad nos aliae scientiae sunt priores các lĩnh vực  khoa học khác lại đứng đầu. Các khoa học này thiết lập nhiều loại chân lý mà siêu hình học yêu cầu và sử dụng trong luận chứng của nó. Ví dụ, khoa học tự nhiên thiết lập ý nghĩa của tồn tại và diệt vong, còn thiên văn học, là một khoa học bao gồm quadrivium [tứ giao lộ: số học, hình học, thiên văn, âm nhạc] dựa trên tri thức toán học được hiểu một cách toàn diện, – như Thomas tin tưởng, theo Aristotle và Avicenna – thiết lập con số và trật tự của các thiên giới. Toàn bộ các kết luận này đều có lợi cho siêu hình học, giống như dữ liệu được artes Libertyes các khoa học giải phóng cung cấp – ở một mức độ nhỏ hơn – scientiae morales các khoa học về nguyên tắc hoặc thực hành đạo đức.  

Tuy nhiên, mặt khác, Thomas không nghi ngờ giả thuyết do Avicenna đề xuất cho rằng: siêu hình học là triết học đầu tiên cũng bởi vì, theo một nghĩa nào đó, nó là nền tảng cho các khoa học khác, vì các khoa học đó rút ra những nguyên lý đầu tiên của chúng từ siêu hình học. Điều này, về cơ bản, giống như lối lập luận vòng vo. Tuy nhiên, Thomas rõ ràng cố gắng tránh một kết luận như vậy: “Cũng không nhất thiết phải có một vòng luẩn quẩn bởi vì siêu hình học giả định trước những kết luận đã được các khoa học khác chứng minh, trong khi tự thân siêu hình học chứng minh cho các nguyên lý của mình. Đối với các nguyên lý mà khoa học khác (chẳng hạn như triết học tự nhiên) lấy từ triết học đầu tiên không chứng minh được những điểm mà vị triết gia đầu tiên lấy từ vị triết gia tự nhiên, nhưng chúng được chứng minh thông qua các nguyên lý hiển nhiên khác. Tương tự, vị triết gia đầu tiên không chứng minh các nguyên lý đưa ra cho vị triết gia tự nhiên bằng các nguyên lý ông nhận được từ vị kia, mà bằng các nguyên lý hiển nhiên khác. Vì vậy, không có vòng vo trong định nghĩa của họ”3.         

Có vẻ như Thomas miêu tả lập luận của Avicenna dưới hình thức ngắn gọn và rõ ràng hơn một chút: thực tế là siêu hình học với tư cách là triết học đầu tiên cung cấp những nguyên lý đầu tiên cho các khoa học khác, và những nguyên lý đầu tiên này có nền tảng và xác nhận của chúng trong siêu hình học, cũng như thực tế là siêu hình học là tri thức cuối cùng, nối tiếp các khoa học khác và do đó rút ra từ chúng bất kỳ kết luận nào mà nó có thể yêu cầu, không nhất thiết phải chỉ ra một vòng luẩn quẩn. Có thể là các nguyên lý thu được từ siêu hình học với tư cách là triết học đầu tiên của một khoa học khác (ví dụ: vật lý học) không được sử dụng để chứng minh các vấn đề hoặc tranh luận về các kết luận mà khoa học này đến lượt nó mang lại cho siêu hình học (triết học đầu tiên), vì những kết luận đó được chứng minh với sự trợ giúp của các nguyên lý khác tiềm ẩn (và không được rút ra từ các khoa học khác, trong trường hợp này là siêu hình học). Tương tự như vậy, siêu hình học với tư cách là triết học đầu tiên không chứng minh các nguyên lý mà nó cung cấp cho các khoa học khác (ví dụ: các  khoa học tự nhiên) sự trợ giúp của các nguyên lý hoặc kết luận mà nó tự rút ra từ chúng, nhưng lại làm như vậy với sự trợ giúp của các nguyên lý tiềm ẩn khác. Bằng cách này, lập luận không có hình thái một vòng luẩn quẩn. Tôi hiểu lập luận luận chiến của Aquinas, được hình thành để làm chệch hướng sự phản đối trên như sau: nó cố gắng chứng minh cả quyền tự trị hoàn toàn của các nguyên lý cơ bản của siêu hình học trong mối quan hệ với các khoa học chính xác và ít nhất là một phần quyền tự trị của việc nghiên cứu và các kết quả của các khoa học này trong mối quan hệ với các nguyên lý cơ bản của siêu hình học.

Do đó, tôi đề nghị kết hợp và đánh giá là hợp thức như nhau đối với cả hai cách diễn giải ý nghĩa của đoạn bình luận đã dẫn, được trình bày là khác biệt và không tương đương (từ quan điểm về hiệu quả của lập luận làm chệch hướng sự phản đối tính vòng vo) của John F. Wippel trong nghiên cứu chuyên sâu của mình về vấn đề này4. Như vậy là đủ để thu hút sự chú ý đến tính không đồng nhất của các nguyên lý do siêu hình học cung cấp cho các khoa học khác và các nguyên lý được các khoa học này sử dụng khi đi đến các kết luận mà sau đó được đưa ra cho siêu hình học. Tất nhiên, điều đó có nghĩa là toàn bộ tập nguyên lý được các khoa học khác sử dụng không phải do siêu hình học cung cấp. Trong số này có một nhóm riêng biệt – các nguyên lý hoàn toàn rõ ràng, tức là chúng rút ra tính chắc chắn từ chính ý nghĩa của các thuật ngữ mà chúng được hình thành (và đây là lý do tại sao chúng không cần được các khoa học khác, nói cách khác là siêu hình học, đảm bảo). Tương tự như vậy, các khoa học khác, đặc biệt là khoa học tự nhiên, không cung cấp đầy đủ tập nguyên lý mà siêu hình học đòi hỏi, đó là những nguyên lý được siêu hình học sử dụng và chuyển giao cho các khoa học khác; các khoa học khác có thể có các nguồn độc lập, riêng của chúng (một lần nữa, các nguồn này có thể tiềm ẩn), và không nhất thiết phải bắt nguồn từ nội dung do các khoa học chính xác cung cấp cho siêu hình học.

Lập luận ấy được củng cố thêm, trong cùng một bình luận, bằng cách khám phá xem cái gì thực sự là đầu tiên, và theo nghĩa nào thì nó là “đầu tiên” trong nhận thức của chúng ta5: “Hơn nữa, đối với chúng tôi, ngay từ đầu đã rõ ràng là chính các tác động hợp lý đã được dùng làm cơ sở cho các minh chứng của khoa học tự nhiên. Nhưng khi chúng ta bắt đầu biết được các nguyên nhân đầu tiên thông qua chúng, thì các nguyên nhân này sẽ tiết lộ cho chúng ta nguyên nhân của các kết quả, mà từ đó chúng được làm sáng tỏ bằng một minh chứng quia bởi đó [Liên quan đến tính trung thực của đức tin Kitô giáo như được tiết lộ trong Kinh thánh - HHN]. Theo cách này, khoa học tự nhiên cũng đóng góp một phần nào đó cho khoa học thần thánh, tuy nhiên chính khoa học thần thánh lại giải thích các nguyên lý của chúng. Đó là lý do tại sao Boethius đặt khoa học thần thánh ở vị trí cuối cùng, bởi vì nó là họ hàng cuối cùng với chúng ta6. Ngoài ra, theo Thomas các hệ quả do các giác quan nắm bắt lúc đầu, tất nhiên, có vẻ rõ ràng hơn, khi chúng ta có nhiều tri ​​thức hơn về chúng; trên cơ sở những hệ quả này, khoa học tự nhiên thực hiện suy luận nội tại của mình, dưới hình thức quia bởi đó).

Tuy nhiên, vì biết được các nguyên nhân chính nhờ cách suy lý này, nên chúng ta mở khóa câu trả lời cho “vì cái gì” (propter quid) mà các hệ quả này xuất hiện, dựa trên bản thân các nguyên nhân chính này. Bằng cách đó, khoa học tự nhiên cung cấp scientia divina khoa học linh thánh cho siêu hình học, và đến lượt nó, nhờ siêu hình học, mà các nguyên lý của các khoa học này được xác nhận, trong khi các kết luận rút ra từ chúng có thể hiểu được và có giá trị. Do đó, loại propter quid [minh chứng propter quid ấn định nguyên nhân bản thể luận thích hợp của một thuộc tính vốn có trong một chủ thể, chẳng hạn: Bởi đó, linh hồn con người là bất tử vì nó bất hoại; trong kiểu chứng minh propter quid hoàn hảo nhất, tất cả các thuật ngữ của tam đoạn luận đều có thể chuyển đổi, hoặc phổ biến tương xứng - HHN] nhận thức nội tại của siêu hình học, tức là nhận thức về các  nguyên nhân cơ bản, đạt được sau này và với sự trợ giúp của nhận thức quia nội tại của khoa học tự nhiên, tức là nhận thức về các tác động do các giác quan nắm bắt được (vì đối với chúng ta, chúng prima facie thoạt nhìn đã rõ ràng hơn và có thể tiếp cận dễ dàng hơn nhiều). Tuy nhiên, chỉ dưới ánh sáng của việc nắm bắt những nguyên nhân đầu tiên (và như vậy dưới ánh sáng của tri thức thu được qua siêu hình học), dưới ánh sáng của propter quid, các hiệu ứng do các giác quan nắm bắt (mà khoa học tự nhiên chiếm lĩnh) thực sự có được cơ sở, giải thích và chứng minh đúng đắn của chúng.             

Trong một đoạn khác của bài bình luận De Trinitate của Boethius, Thomas đề xuất một cách tiếp cận khác đối với mối quan hệ giữa siêu hình học (được hiểu là philosophia prima - triết học đầu tiênscientia divina - khoa học linh thánh) và các ngành khoa học khác, đặc biệt là philosophia naturalis khoa học tự nhiên). Ông giải thích mối quan hệ ấy từ góc độ tiền đề trí tuệ vốn có của mỗi khoa học này và các phương pháp vốn có của chúng: Giống như chúng ta gán phương pháp duy lý cho triết học tự nhiên bởi vì nó gắn bó chặt chẽ nhất với phương pháp lý tính, do đó chúng ta gán phương pháp trí tuệ cho khoa học linh thánh vì nó gắn bó chặt chẽ nhất với phương pháp của trí tuệ.7 Vấn đề “tính vòng vo” của lập luận xuất hiện khi những suy xét trí tuệ vốn có của siêu hình học được coi là khởi đầu và là principium rationalis considerationis nguyên lý của những xem xét duy lý, vốn có của các khoa học khác (bao gồm cả khoa học tự nhiên), đồng thời được coi là cực đoan, terminus rationalis consistis điểm cuối cùng của các suy xét duy lý: Cũng theo đó, khoa học linh thánh đưa ra các nguyên lý cho tất cả các khoa học khác, bởi vì tư duy trí tuệ là xuất phát điểm của tư duy duy lý; và vì lý do này mà nó được gọi là triết học đầu tiên. Tuy nhiên, nó được học sau vật lý và các ngành khoa học khác, bởi vì tư duy trí tuệ là điểm cuối cùng của tư duy duy lý. Vì lý do này, nó được gọi là siêu hình học, giống như nói vượt ra ngoài vật lý học, vì trong phân tích, nó xuất hiện sau vật lý học 8.

Thomas tin rằng siêu hình học bận rộn với các nguyên nhân tiêu điểm và không phức tạp (Thượng đế, và rộng hơn - substantiae separatae các chất thể riêng biệt) secundum rem theo trật tự tồn tại thực, trong khi secundum rationem theo trật tự khái niệm với cái chung nhất, được chia sẻ bởi mọi thứ, mọi thứ, tức là hiện hữu như là hiện hữu và toàn bộ các thuộc tính quan trọng của nó. Toàn bộ điều này được tiến hành phù hợp với phương pháp khảo sát trí tuệ, tức là secundum viam compositionis et inventionis từ một sự thật mà tâm trí “kiến tạo” và rút ra toàn bộ tính đa nguyên và đa dạng của nhận thức. Nếu vậy, siêu hình học một mặt có thể được đánh giá một cách xác đáng là triết học đầu tiên cung cấp các nguyên lý cho các khoa học khác (như khi siêu việt từ đơn nguyên tính sang đa nguyên tính và từ các hình thức chung nhất sang các hình thức chính xác hơn, nó khởi xướng các xem xét duy lý vốn có của các khoa học này). Mặt khác, việc coi siêu hình học như là tri thức đã nghiên cứu và như là tri thức thu được sau các nghiên cứu khác (được bộc lộ bằng chính thuật ngữ “siêu hình học” hoặc “siêu vật lý” – “sau vật lý học”) cũng có giá trị như nhau.

Modus procedendi  phương thức tiến hành vốn có của nó – những xem xét trí tuệ – cũng là chung cục, điểm cuối cùng của việc xem xét duy lý, bắt đầu với vô số dữ liệu và rút ra từ chúng một chân lý, tức là từ vô số dữ liệu chi tiết kiến tạo một tri thức chung, secundum viam resolutionis quy giản tính phức tạp thành tri thức đơn giản nhất và ít phức tạp nhất. Điểm cuối cùng của suy lý là chủ đề của suy lý trí tuệ, cái khái quát nhất và cái đơn giản nhất, communia omnibus entibus chung cho tất cả các hình thức tồn tại – tồn tại như là tồn tại và substantiae separatae các chất thể tách biệt. Scientia divina khoa học linh thánh, nói cách khác là siêu hình học, lại quan tâm đến các hình thức tồn tại này. Đây là lý do để Thomas đưa ra giả thuyết cho rằng tất cả các hình thức suy lý trí tuệ đều được giải thích ratio resolvens bằng cách quy giản cuối cùng đều dẫn đến suy lý trí tuệ vốn có của siêu hình học và kết thúc với nó. Đây là lý do đằng sau trình tự của các khoa học tự nhiên và siêu hình học trong trật tự nhận thức của con người.

Tuy nhiên, ở đây chúng tôi phải đề cập đến một phản đối quan trọng liên quan tới tính đặc thù về phương pháp luận của siêu hình học với tư cách là một bộ môn mà consideratio intellectualis, intellectualiter procedere những xem xét về trí tuệ và không phải là lý luận hợp lý theo nghĩa trên được gắn kết một cách cố hữu: Chúng ta nói rằng khoa học linh thánh tiến triển về mặt trí tuệ mặc dù không phải là nó không sử dụng lý trí, đi từ các nguyên lý đến các kết luận, nhưng bởi vì cách suy lý của nó tiếp cận gần nhất với sự xem xét trí tuệ và các kết luận của nó gần nhất với các nguyên lý của nó9. Thomas nói rõ rằng việc gán suy lý trí tuệ cho siêu hình học không có nghĩa là suy lý diễn ngôn, tiến từ nguyên nhân đến kết quả (từ dữ liệu thực nghiệm đến kết luận chung) không tiến hành trong lãnh địa của nó.

Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là cách suy lý của nó đặc biệt giống - propinquissima càng giống càng tốt - với các xem xét trí tuệ, và các kết luận từ các xem xét này được rút ra càng gần càng tốt với các nguyên lý giả định trước của nó. Theo Thomas, phẩm chất này liên quan đến thực tế là, không có phương thức nào trong số ba phương thức được ông phân biệt: disciplinalis modus phương thức chỉ dạy, rationabilis modus phương thức duy lý và intellectualis modus phương thức trí tuệ, chỉ được gán cho một ngành khoa học theo cách ngăn cản một ngành khoa học khác sử dụng nó. Đúng hơn, đó là một phương pháp thống trị một khoa học lý thuyết cụ thể (do đó có sự khác biệt giữa siêu hình học và các khoa học tự nhiên dựa trên các phương pháp – trong cả hai trường hợp Thomas đều sử dụng công thức: in ipsa maxime observatur modus phương thức quan sát tối đa). Ví dụ, trong toán học, procedere disciplinaliter thực hiện theo cách thức chỉ dạy là phương pháp thống trị, tức là procedere demonstrative et per certitudinem tiến hành một cách rõ ràng và chắc chắn, đối với khoa học tự nhiên: procedere rationabiliter, or ratiocinando, discurrendo vel ex effectibus in causa, vel ex causis in effectus thực hiện theo cách thức duy lý, hoặc suy lý, thực hiện cả từ kết quả đến nguyên nhân, hoặc từ nguyên nhân đến kết quả - đối với siêu hình học - vì những lý do đã nói ở trên: – procedere intellectualiter, or per cognitionem principiorum thực hiện theo cách thức trí tuệ, hoặc thông qua các nguyên lý tri thức.

Đây là lý do tại sao, mặc dù procedere demonstrative việc thực hành minh chứng và procedere per certitudinem thực hành với tính chắc chắn là vốn có của tất cả các khoa học lý thuyết, tuy nhiên, trước hết nó được gán cho toán học: Khoa học toán học được cho là tiến hành theo phương thức disciplinaliter chỉ dạy, không phải vì một mình nó làm như vậy, mà vì đây là đặc điểm đặc biệt của nó10. Điều này là do nó mang lại sự chắc chắn hơn vật lý và siêu hình học11. Ở một ghi chú khác, tri thức về hệ thống phân cấp của các khoa học lý thuyết do Aristotle thiết lập và nhiều tài liệu tham khảo của Thomas về sở thích siêu hình học của ông, thì kết luận này có thể được đánh giá là rất không rõ ràng. Sau này chúng ta sẽ thấy rằng trong các công trình khác, vị trí của tri thức với mức độ chắc chắn cao nhất, chiếm ưu thế trong vấn đề này so với tất cả các khoa học lý thuyết, được Thomas gắn với thần học – nhưng là thần học mặc khải chứ không phải siêu hình học được hiểu là thần học triết học. Tuy nhiên, ở đây chúng ta phải thành thật tuyên bố rằng, trong bình luận của mình về Boethius, Thomas khẳng định rõ ràng rằng các nghiên cứu toán học và kết quả của chúng dường như chắc chắn hơn những gì có thể biết được thông qua các ngành khoa học khác 12. Chứng minh cho tính chắc chắn hơn của toán học có thể khác khi tham chiếu đến các ngành khoa học khác nhau. Các khoa học tự nhiên khám phá những gì có tính cá thể, vật chất và tiến bộ ở một mức độ lớn hơn toán học và đó là lý do tại sao các khoa học này phải giải quyết số lượng lớn hơn các biến số và ẩn số, trong khi siêu hình học giải quyết những gì có thể tiếp cận được bằng nhận thức của con người “bình thường” (và trong đó giác quan ít có thể kiểm chứng hơn) ở một mức độ thậm chí còn nhỏ hơn so với toán học, vì nó ở một mức độ thậm chí còn xa hơn so với các giác quan – là khởi đầu của mọi nhận thức bắt đầu.

Theo Thomas Aquinas, hành vi duy lý thống trị các khoa học tự nhiên và ở đây được sử dụng ở mức độ lớn nhất, điều này không làm cho nó trở thành vốn riêng có của các khoa học này: Chúng tôi cho rằng khoa học tự nhiên tiến triển một cách duy lý, không phải vì điều này đúng với riêng nó, mà bởi vì đó là đặc trưng loại biệt của nó.13 Modus procedendi phương thức tiến hành duy lý này khác với phương thức “lôgic”: “khoa học”- modus disciplinalis phương thức chỉ dạy, - chủ yếu vốn có của toán học, vì nó không chỉ mang tính chất khái niệm, tức là trong quá trình lập luận, nó còn đề cập đến bản thân sự vật và các nguyên nhân bên ngoài của chúng, và không chỉ đối với các nguyên nhân hoặc suy luận hình thức và các thuật ngữ hoặc định nghĩa bẩm sinh của chúng. Và đây là lý do tại sao – việc tiến hành xem xét các chi tiết cụ thể của nhận thức con người - tức là nhận thức bẩm sinh đối với những sinh vật có lý trí - đi theo con đường từ cái được các giác quan cảm nhận - từ cái có sẵn và rõ ràng ở mức độ lớn hơn - đến cái bên ngoài tầm với của các giác quan - tự nó rõ ràng hơn nhưng không phải đối với chúng ta - ngoài ra, bằng suy lý, nó đi từ trạng thái thực tế này sang trạng thái tiếp theo, từ nhận thức về một đối tượng đơn lẻ này đến đối tượng khác - ví dụ: từ tác động của nguyên nhân đến nắm bắt nguyên nhân – chúng ta có thể khẳng định rằng khoa học tự nhiên phù hợp nhất với tâm trí con người và hài hòa nhất với cách thức hoạt động của nó14.          

Nhận xét trước đó liên quan đến tính ưu việt của toán học so với các khoa học khác trong phạm trù của tính chắc chắn, và kết luận chỉ ra tính ưu việt của khoa học tự nhiên trong phạm trù hòa hợp với cách thức “tự nhiên” mà tâm trí vận hành, có thể khiến chúng ta đặt câu hỏi - hoặc ít nhất là tương đối hóa - niềm tin của Thomas Aquinas liên quan đến tính ưu việt của siêu hình học trong mối quan hệ với các khoa học khác, do đó được thể hiện theo cách mà Thomas gọi nó là triết học đầu tiên. Chắc chắn điều này buộc chúng ta phải xem xét lại một lần nữa các tiêu chí của bản chất “đầu tiên” này: có lẽ cái mà abstracto et simpliciter nói theo cách trừu tượng và đơn giản hơn là cái đầu tiên, còn in concreto et secundum quid nói một cách cụ thể và có điều kiện – thì không nhất thiết phải là cái đầu tiên. Nói cách khác: trong hệ thống tri thức do Thomas Aquinas kiến tạo, siêu hình học trước hết essentaliter et per se xét về bản chất và tự thân nó, đặc biệt là từ quan điểm chủ đề của nó, chứ không phải là các khoa học khác có thể là khoa học đầu tiên per accidens một cách ngẫu nhiên, là do, chẳng hạn, độ tin cậy phương pháp của các khoa học đó, sự chắc chắn của kết quả hoặc sự hài hòa với cách thức hoạt động của tâm trí con người. Mỗi giả thuyết trong số này đều có vẻ khả dụng, và chính Thomas mời gọi chúng ta xem xét chúng, bằng cách coi siêu hình học không chỉ là triết học đầu tiên mà còn – có thể bổ sung – là tri thức cuối cùng, “sau này” theo nhiều cách khác nhau so với các khoa học khác.

Để hoàn thành chủ đề mà chúng ta đang phân tích từ nhiều góc độ khác nhau, các nghiên cứu của Thomas có thể được so sánh với một giải pháp nhận thức luận nhất định cho vấn đề “tính vòng vo” của lập luận liên quan đến vị thế của siêu hình học giữa các ngành khoa học khác, được Duns Scotus đề xuất vào đầu thế kỷ XIII: Mặc dù siêu hình học đứng cuối cùng trong thứ tự ngành học, nhưng nó vẫn - như Avicenna mong muốn - đứng đầu trong trật tự nhận thức rõ ràng và khác biệt ấy. Chủ đề của siêu hình học là tồn tại cũng như các thuộc tính chung khác, do đó, tồn tại là cái được nhận thức một cách rõ ràng, riêng biệt là đầu tiên. Đó là lý do tại sao hình học chỉ nghiên cứu các đường có chiều dài nhưng không có chiều rộng. Một nhà hình học không cần phải biết số lượng là gì, nhưng một nhà siêu hình học lại cần xác định khái niệm này, vì nhiệm vụ của anh ta là xác nhận các nguyên lý của các khoa học khác. Đó là lý do tại sao siêu hình học đứng đầu trong trật tự nhận thức rõ ràng và khác biệt nhưng lại xếp sau cùng trong thứ tự ngành học. Và đó cũng là lý do tại sao Avicenna lại tuyên bố rằng không có vòng luẩn quẩn trong hiểu biết và nghiên cứu khoa học ngay cả khi các khoa học khác được nghiên cứu trước siêu hình học trong khi, đến lượt mình, siêu hình học lại cho phép người ta biết được các nguyên lý của các khoa học khác.15

Trong phiên bản bình luận Oxford đầu tiên cho Peter the Lombard's Sentences, Duns Scotus đề xuất một giải pháp cho nan đề Avicenna - liên quan đến vị trí mơ hồ của siêu hình học giữa các ngành khoa học khác - với tư cách là prima đầu tiên nhưng đồng thời lại là ultima cuối cùng. Scotus gợi ý giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của lý thuyết tri thức. Chúng ta chỉ cần cognitio differa phân biệt nhận thức rõ ràng với cognitio confusa nhận thức mơ hồ. Nhận thức rõ ràng chứa đựng tri thức về các nguyên lý đầu tiên của tri thức và là vốn có của siêu hình học. Nhận thức mơ hồ được thực hiện mà không có tri ​​thức về các nguyên lý đầu tiên và vốn có của các khoa học khác trong thực tiễn nghiên cứu thông thường của mình. Người nghiên cứu hình học không cần biết số lượng là gì; gã rất hiệu quả trong lĩnh vực của mình và có thể phát hiện tri thức mới liên quan đến tuyến tính – mà không cần xem xét các nguyên lý đầu tiên của các đối tượng mà gã đang nghiên cứu. Hơn nữa, nghiên cứu của gã không cần phải đi trước bằng một phản ánh liên quan đến tồn tại với tư cách là tồn tại - theo Duns, tồn tại là primum distincte cognitum nhận thức rõ ràng đầu tiên. Nhà nghiên cứu chỉ yêu cầu cognitio confusa nhận thức mơ hồ, mà không cần tham khảo các nguyên lý có mức độ tổng quát tính vốn có của siêu hình học. Nhiệm vụ của siêu hình học là đạt được tính chắc chắn về các nguyên lý đầu tiên của tồn tại – hay cognitio distincta nhận thức rõ ràng.

Từ đây, Duns Scotus rút ra kết luận rằng chúng ta có thể bỏ qua tính vòng vo của lập luận lý tính liên quan đến mối quan hệ của siêu hình học và các khoa học khác, vì – một mặt – chúng vẫn tồn tại trong mối tương quan hỗ tương, nhưng – mặt khác – chúng tồn tại như vậy trên các cấp độ nhận thức luận khác nhau. Các khoa học khác, đặc biệt là khoa học tự nhiên, đi trước siêu hình học trong trường hợp tri thức không rõ ràng, nhưng không đạt được các nguyên lý đầu tiên, do đó chỉ cung cấp dữ liệu thu được từ nhận thức mơ hồ. Tuy nhiên, siêu hình học cung cấp các nguyên lý đầu tiên; cái thuộc về lĩnh vực nhận thức rõ ràng. Chừng nào nhận thức này còn được quan tâm, thì siêu hình học vẫn là đầu tiên: các khoa học khác chỉ có thể tiếp cận với tri ​​thức này nếu chúng quy chiếu đến các nguyên lý được siêu hình học cung cấp và xác nhận. Tuy nhiên, các khoa học khác có thể tiến hành nghiên cứu của mình một cách độc lập; có thể tiết lộ những chân lý mới trong lĩnh vực nhận thức mơ hồ. Điều này hữu ích cho việc hiểu và khám phá có thể lĩnh hội được thực hiện với sự trợ giúp của siêu hình học – tuy nhiên, không cần loại nhận thức này để đạt được tri thức rõ ràng liên quan đến các nguyên lý đầu tiên của nó.

Tóm lại: theo Duns Scotus siêu hình học không phụ thuộc vào các khoa học khác trong phạm vi các nguyên lý đảm bảo cognitio distincta nhận thức rõ ràng, trong khi các khoa học khác không phụ thuộc vào siêu hình học chừng nào cognitio confusa nhận thức mơ hồ còn được quan tâm. Giải pháp này cung cấp hỗ trợ cho giả thuyết coi siêu hình học là đầu tiên so với các khoa học khác in ordine distinctae cognitionis ở cấp độ nhận thức riêng biệt, và đồng thời lại đứng sau – ở các cấp độ khác và in ordine doctrinae ở học thuyết mà tâm trí chúng ta hiểu được. E. Gilson, một chuyên gia nổi tiếng về triết học thời trung cổ, đã miêu tả vấn đề theo cách sau: vì trật tự nhận thức thông thường bắt đầu một cách tự phát với nhận thức không rõ ràng về một nhận thức cụ thể thực nghiệm chứ không phải nhận thức rõ ràng về cái phổ biến nhất (là tồn tại), vậy thì tri thức siêu hình dernière acquise được tiếp thu sau cùng, nhưng đồng thời cũng là tri thức đầu tiên, sensu stricto tức là première connue được nhận thức một cách rõ ràng.16 Do đó, chúng ta có thể khẳng định rằng mặc dù Duns Scotus đi theo một lộ trình khác và sử dụng hệ thuật ngữ khác, nhưng ông vẫn đi đến kết luận giống như Thomas Aquinas.

Một phản ánh trung thực liên quan đến câu hỏi cái gì có trước trong bối cảnh các nghiên cứu của Thomas Aquinas về vị thế của siêu hình học giữa các khoa học khác cũng bắt buộc phải xem xét việc so sánh siêu hình học được hiểu là scientia divina khoa học linh thánh – là thần học triết học như Thomas Aquinas định danh, với thần học theo nghĩa tôn giáo – thần học mặc khải được Aquinas gọi là sacra doctrina học thuyết linh thánh hoặc theologia sacrae Scripturae Thần học Kinh thánh. Triết gia tin rằng thần học mạc khải cũng là một khoa học – một khoa học phải tồn tại bằng tất yếu (por. Summa theologiae I, q.1 a.1 and 2; Scriptum super Sententiis. q.1 a.1 and a.3, qc . 2), và là một khoa học độc lập, tách biệt – xét về nguồn gốc, phương pháp luận và một phần chủ đề liên quan – với siêu hình học hoặc praeter philosophicas disciplinas bổ sung cho các chỉ dạy triết học. Trong bài bình luận cuốn De Trinitate Luận về Chúa Ba ngôi của Boethius, Aquinas nói: Có hai loại thần học hay khoa học linh thánh.17 Sau đó ông giải thích chi tiết tại sao ngay cả khi cả hai nền thần học này đồng ý thảo luận về cùng một chủ đề18, họ lại làm như vậy in diversimode theo những cách khác nhau.           

Một số nhà nghiên cứu dường như đặt câu hỏi về sự khác biệt này và phủ nhận thần học triết học có một vị thế khác biệt do sự gắn kết được mặc định hoặc thực tế của triết học Aquinas, vốn không thể phân biệt triệt để triết học với thần học. Inter alia ngoài ra còn có thể đạt được kết luận này, dựa trên một số tuyên bố được hình thành trong tác phẩm đồ sộ của Gilson về chủ thuyết Thomism.19 Có vẻ như câu trả lời rõ ràng nhất cho những kiểu phản đối này là chỉ ra – như Leo Elders đã thực hiện, khi luận chiến với Gilson20 - các nguồn trên trong đó Aquinas tuyên bố rõ là có hai loại của thần học và sacra doctrina, thần học mặc khải, là cần thiết để phân biệt với siêu hình học – hay thần học được thực hành trên nền tảng triết học. Có rất nhiều văn liệu liên quan đến sự khác biệt giữa hai loại thần học này - mặc dù không phải lúc nào các thần học khác với thần học mặc khải cũng được hiểu là tương đương với siêu hình học - vì vấn đề rất tế nhị và đa chiều. Trong bài viết này, tôi sẽ chỉ giới hạn ở một góc độ của cuộc thảo luận, tức là các lập luận liên quan đến ý nghĩa của bản chất đầu tiên giả định của thần học mặc khải khi so sánh với siêu hình học với tư cách là thần học triết học. Khi đối đầu với sacra doctrina khoa học linh thánh, siêu hình học dường như mất đi vị trí đầu tiên trong trật tự các khoa học, ngay cả khi nó vẫn là philosophia prima triết học đầu tiên do tri thức chỉ có thể đạt được với sự trợ giúp của các công cụ nhận thức luận hợp lý.      

Ngoài ra, siêu hình học xứng đáng được xếp vào hàng triết học đầu tiên, bởi vì chủ đề của nó là nguyên nhân đầu tiên của tồn tại. Bình luận về Siêu hình học của Aristotle, Thomas khẳng định: dicitur autem prima philosophia inquantum primas rerum causas considerat nhưng nó được gọi là triết học đầu tiên chừng nào nó vẫn còn nghiên cứu các nguyên nhân đầu tiên của sự vật (In Metaphysicorum Aristotelis…, prooemium) [Thomae Aquinatis (1950)]. Tuy nhiên, thần học mặc khải cũng được coi là một nguồn tri ​​thức liên quan đến các nguyên nhân đầu tiên - vì nó liên quan đến Chúa - được nhìn từ quan điểm Kinh thánh - với tư cách là Tạo hóa, và do đó là nguyên nhân thực sự của toàn bộ. Vì cả hai bộ môn đều xem xét hiệu lực nguyên nhân chính của tồn tại, nên địa vị đầu tiên thuộc về bộ môn đưa ra lời giải thích tốt hơn. Thomas Aquinas tuyên bố rằng ngay cả khi siêu hình học với tư cách là thần học triết học coi Thượng đế là nguyên nhân chính - vì siêu hình học bản thể luận cũng cần bao gồm cả hình thức tồn tại cụ thể này - nhưng nó không làm như vậy một cách triệt để, đầy đủ hoặc có căn cứ xác đáng với tư cách là sacra doctrina học thuyết linh thánh – thần học phái sinh từ Kinh Thánh. Ông ủng hộ lập luận theo đó nếu tri thức về Chúa có thể đạt được chỉ bằng suy lý trí tuệ, với sự trợ giúp của siêu hình học, thì chỉ một số ít người được chọn mới nắm bắt được tri thức ấy - và quá trình này sẽ mất nhiều thời gian, dễ mắc nhiều sai lầm.21 Ngược lại, thần học mặc khải sẽ đảm bảo khả năng tiếp cận phổ quát, nhanh chóng và nhất định với tri ​​thức về Chúa như là nguyên nhân đầu tiên. Từ quan điểm này – miễn là chúng ta xác định được nguyên nhân đầu tiên của việc hiện hữu với Thiên Chúa – chính thần học mặc khải, chứ không phải siêu hình học, xứng đáng đứng đầu trong hệ thống tri thức của con người.

Chúng ta cũng có thể tin rằng một trong những lập luận chính về tiền đề của siêu hình học giữa các khoa học khác – cho rằng siêu hình học cung cấp các nguyên tắc đầu tiên cho các khoa học này – mất đi mối liên quan của nó đối với thần học mặc khải, vì thần học rút ra prima principia các nguyên lý đầu tiên của nó không phải từ bất kỳ khoa học nhân văn nào sẽ chứa đựng tri thức đầu tiên hoặc “cao hơn”, nhưng – đúng như tên gọi của nó – trực tiếp từ mặc khải siêu nhiên. Theo công thức do Thomas Aquinas đưa ra trong bài bình luận của ông về Libri Quattuor Sententiarum Tứ thư Cách ngôn của Peter Lombard: Học thuyết này có các tín điều cho các nguyên lý đầu tiên của nó. Các tín điều được nhận biết qua chính chúng nhờ ánh sáng đức tin được truyền cho những kẻ có đức tin 22. Do đó, các nguyên lý đầu tiên của thần học mặc khải chỉ đơn giản là những tín điều, chỉ hiển nhiên đối với đức tin và đối với những kẻ sùng đạo. Khuynh hướng thiên về đức tin – lumen fidei infusum ánh sáng đức tin được truyền cho – thay thế tính khí tự nhiên của con người gọi là intellectus principiorum các nguyên lý hiểu biết – khả năng nắm bắt bằng trực giác những nguyên lý đầu tiên của nhận thức, một nguyên lý siêu hình đầu tiên đặc trưng của scientia maxime intellectualis tri thức đặc trí tuệ, với tư cách modus procedendi phương thức tiến hành quan trọng nhất chính là consideratio intellectualis các xem xét về trí tuệ.     

Chúng ta phải thừa nhận rằng một số chuyên gia nổi tiếng về các tác phẩm của Thomas Aquinas, chẳng hạn như M.-D. Chenu, nhấn mạnh rằng bất chấp mọi thứ thần học mặc khải vẫn duy trì đặc tính duy lý của nó và không bị đồng nhất với tín ngưỡng luận thuần túy; mặc dù thứ duy lý mà nó tuân theo ratio fide illustrata được soi sáng bởi đức tin, nhưng nó vẫn là một thứ duy lý la raison théologique…demeure raison duy lý thần học…vẫn là duy lý.23  Đây là lý do tại sao phương pháp duy lý mà Thomas Aquinas coi là thích hợp cho thần học triết học – nói cách khác siêu hình học với tư cách là một khoa học lý thuyết – được Chenu mở rộng để bao gồm cả sacra doctrina, học thuyết linh thánh, hay thần học mặc khải 24. Tuy nhiên, do các nguồn gốc đầu tiên và cần thiết của nó cũng như mối liên hệ không thể tách rời của nó với đức tin soi sáng tâm trí, mà thần học mặc khải dường như hoàn toàn độc lập với siêu hình học, đến một mức độ lớn hơn bất kỳ tri thức nào khác, và nguồn cảm hứng của nó trước tiên, ngoài những điều khác, là dựa trên niềm tin về những nền tảng đặc biệt, mạnh mẽ hơn bất kỳ khoa học nào khác của nó - vì các nguyên lý đầu tiên của nó giống hệt với mặc khải đích thực - với tri thức linh thánh bắt nguồn từ Đức Chúa Trời)25.

Tuy nhiên, vẫn xuất hiện các hoài nghi ngờ bởi thực tế là các nền tảng nói trên không có khả năng xác nhận hợp lý, không phụ thuộc vào nhận thức phổ quát và xác chứng liên chủ thể vì các tín điều với tư cách là các nguyên lý đầu tiên của thần học mặc khải ex definitione theo định nghĩa được thừa nhận bởi một nhóm ít người đã ngập tràn ánh sáng của đức tin. Inter alia ngoài ra R. McInerny đã nhận thấy giới hạn đó trong phân tích tinh tế về mối quan hệ giữa những chân lý được tin tưởng và những chân lý được nhận biết. Theo nhà nghiên cứu thần học mặc khải, với tư cách là một khoa học khác biệt với thần học triết học - siêu hình học - có sự tiếp nhận hạn chế vì không thể không có đức tin, ngay cả khi khác với chính đức tin 26. Thừa nhận rằng sacra scriptura Kinh thánh khải lộ chân lý về Chúa chính là điều kiện và nền tảng của nó. Những kẻ không tin có thể đặt câu hỏi về giá trị của những nền tảng này và tính chắc chắn của tri thức được xây dựng trên các nền tảng đó. Thomas Aquinas một phần tránh né, và một phần cố gắng bác bỏ các hoài nghi này bằng cách nhấn mạnh rằng thần học mặc khải vượt trội hơn tất cả các khoa học khác không chỉ vì propter dignitatem materiae nó chân giá trị của chủ đề, mà còn vì nó mang lại propter certitudinem tính chắc chắn nhất.        

Người ta vẫn đánh giá chắc chắn rằng kiến thức thu được chỉ nhờ ex naturali lumine rationis humanae ánh sáng tự nhiên của trí tuệ con người  – bao gồm cả tri thức bắt nguồn từ những nguyên lý đầu tiên của siêu hình học – có thể không đáng tin cậy, vì trí tuệ con người luôn dễ bị mắc lỗi. Người ta có thể đặt câu hỏi về sự chắc chắn của kiến thức thu được ex lumine divinae scientiae nhờ ánh sáng của tri thức linh thánh không phải vì nó có thể sai lầm một cách khách quan, mà chỉ vì tính chắc chắn này được coi là hiển nhiên và không được hiểu đầy đủ do sự yếu kém về nhận thức, “năng lực” hạn chế” của tâm trí chúng ta: Không gì ngăn cản được trường hợp những gì chắc chắn hơn về bản chất thì lại ít chắc chắn hơn đối với chúng ta, và điều này là do trí tuệ yếu kém của chúng ta.27 Trong những trường hợp này, Thomas Aquinas thường đề cập đến việc Aristotle so sánh tâm trí chúng ta với một con cú có thị lực kém vào ban ngày và không thể nhìn thấy ngay cả ánh sáng chói lọi nhất. Tuy nhiên, ở đây tôi không muốn bận tâm đến câu hỏi về vị trí đầu tiên được giả định của thần học mặc khải về phương diện này.

Dường như có một tiên đề cho sự suy tư về siêu hình học mà nguồn cảm hứng của nó là đảm nhận vị trí đầu tiên của siêu hình học trong hệ thống khoa học; siêu hình học được cho là đầu tiên và bộc lộ là vị trí đầu tiên. Cách tiếp cận này đã quy định trước tính chất và thứ bậc cụ thể của nó – không phải ngẫu nhiên mà nó được gọi là triết học đầu tiên. Tôi đã cố gắng thể hiện giọng điệu chủ đạo trong những cân nhắc của Thomas Aquinas liên quan đến vị thế của siêu hình học trong mối quan hệ với các khoa học khác. Và chúng ta có thể khẳng định rằng siêu hình học, theo cách hiểu của ông về nó, trong nhiều trường hợp là “đầu tiên”. Tuy nhiên, các kết luận rút ra từ phân tích của tôi không phải là rõ ràng: vị trí đầu tiên của siêu hình học có thể tạo ra nhiều nan giải khác nhau – chẳng hạn vấn đề “tính vòng vo” của lập luận. Hơn nữa, nó thậm chí còn có thể bị đặt câu hỏi - trong một số lĩnh vực nhất định và liên quan đến các bộ môn nhất định. Thomas Aquinas không mù quáng trước khía cạnh có vấn đề của thứ triết học đầu tiên đó. Và việc tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi “Cái gì là đầu tiên?” – cũng trong bối cảnh siêu hình học cổ điển – vẫn rất đáng để dụng công.

______________________________________

Nguồn: Kielbasa, Jan (2013). What is First? Metaphysics as Prima Philosophia and Ultima Scientia in the Works of Thomas Aquinas. In Philosophia, September 2013.

Tác giả: Jan Kielbasa là GS. Triết học Ba Lan, hiện làm việc tại Viện Triết học, Đại học Jagiellonian, chuyên nghiên cứu về Siêu hình học.

Notes

1. Metaphysica, tract. 1, cap. 3: Potest autem aliquis opponere dicens quod si principia scientiae naturalis et disciplinalium non probantur nisi in hac scientia et quaestiones utrarumque scientiarum probantur per principia earum, quaestiones vero earum fiunt principia huius, tunc haec argumentatio est circularis et per ultimum eius fit manifestatio sui ipsius [Avicenna (1977)].

2. Metaphysica, tract. 1, cap. 3: Constat igitur quod, cum ita sit, non erit praedicta probatio circularis ullo modo, ita ut ipsa sit probatio in qua aliquid idem accipiatur in probatione sui ipsius [Avicenna (1977)].

3. In Boetii De Trinitate, pars 3, q. 5, a. 1, ad 9: Nec tamen oportet quod sit circulus, quia ipsa supponit ea, quae in aliis probantur, cum ipsa aliarum principia probet, quia principia quae accipit alia scientia, scilicet naturalis, a prima philosophia, non probant ea quae idem primus philosophus accipit a naturali, sed probantur per aliqua principia per se nota. Et similiter philosophus primus non probat principia, quae tradit naturali, per principia quae ab eo accipit, sed per aliqua principia per se nota. Et sic non est aliquis circulus in definitione [Thomae de Aquino (1959)].

4. Cf. John F. Wippel, Aquinas and Avicenna on the Relationship between First Philosophy and the other Theoretical Sciences (in:) J.F. Wippel, Metaphysical Themes in Thomas Aquinas, part I, chapter II, Washington 1984, p. 37–54 (especially 46–48). Important remarks about the possible meanings of metaphysic’s priority can also be found in the following chapter (First Philosophy according to Thomas Aquinas), ibidem, p. 55–67

5. It is in this context that Wippel speaks of distinguishing the order of nature and the order of discovery. Cf. John F. Wippel, Aquinas and Avicenna on the relationship…, op. cit., p. 43

6. In Boetii De Trinitate, pars 3, q. 5, a. 1, ad 9: Preterea, effectus sensibiles, ex quibus procedunt naturales demonstrationes, sunt notiores quoad nos in principio. Sed cum per eos pervenerimus ad cognitionem causarum primarum, ex illis apparebit nobis « propter quid » illorum effectuum, ex quibus probantur demonstrationes «quia ». Et sic scientia naturalis aliquid tradit scientiae divinae, et tamen per eam sua principia notificantur. Et inde est quod Boetius ponit ultimo scientiam divinam, quia est ultima quoad nos [Thomae de Aquino (1959)].

7. In Boetii de Trinitate, pars 3, q. 6, a. 1, c - ad tertiam quaestionem: Sicut rationabiliter procedere attribuitur naturali philosophiae, quia in ipsa observatur maxime modus rationis, ita intellectualiter procedere attribuitur divinae scientiae, eo quod in ipsa observatur maxime modus intellectus [Thomae de Aquino (1959)].

8. In Boetii De Trinitate, pars 3, q. 6, a. 1, c: Et inde etiam est quod ipsa largitur principia omnibus aliis scientiis, in quantum intellectualis consideratio est principium rationalis, propter quod dicitur prima philosophia. Et nihilominus ipsa addiscitur post physicam et cetereas scientias, inquantum intellectualis consideratio est terminus rationalis, propter quod dicitur metaphysica quasi transphysica, quia post physicam resolvendo occurrit [Thomae de Aquino (1959)].

9. In Boetii De Trinitate, pars 3, q. 6, a. 1, c: Intellectualiter procedere non attribuitur scientiae divinae, quasi ipsa non ratiocinetur procedendo de principiis ad conclusiones, sed quia eius ratiocinatio est intellectuali considerationi propinquissima, et conclusiones eius principiis [Thomae de Aquino (1959)].

10. In Boetii De Trinitate, pars 3, q. 6, a. 1, c - ad secundam quaestionem: Disciplinaliter procedere attribuitur scientiae mathematicae, non quia ipsa sola disciplinaliter procedat, sed quia hoc ei praecipue competit [Thomae de Aquino (1959)].

11. Cum enim mathematica sit media inter naturalem et divinam, ipsa est utraque certior (ibidem).

12. Mathematica consideratio est facilior et certior quam naturalis et theologica (ibidem).

13. In Boetii De Trinitate, pars 3, q. 6, a. 1, c: Attribuitur ergo rationabiliter procedere scientiae naturali, non quia ei soli conveniat, sed quia ei praecipue competit [Thomae de Aquino (1959)].

14. Propter hoc scientia naturalis inter alias est maxime hominis intellectui conformis (ibidem).

15. Lectura Oxoniensis I d. 3 p. 1, q. 1, 76: Metaphysica, licet sit ultima ordine doctrinae, tamen est prima ordine distinctae cognitionis, sicut vult Avicenna. Sed metaphysica est de ente et de aliis communibus, igitur ens erit primo distincte cognitum. Unde geometria cognoscit de linea quod sit longitudo sine latitudine; nec oportet geometricum scire utrum sit quantitas, sed hoc habet metaphysicus dicere, cuius est certificare principia aliarum scientiarum. Unde metaphysica est prima in ordine distinctae cognitionis, sed est ultima in ordine doctrinae. Et ideo dicit Avicenna quod non est circulus in cognitione scientiarum, licet aliae scientiae prius acquirantur quam metaphysica, et metaphysica faciat cognoscere principia aliarum scientiarum [Duns Scotus (1960)].

16. See Gilson Étienne, Jean Duns Scot. Introduction à ses positions fondamentales, Paris 1952, p. 73–75

17. In Boetii De Trinitate, pars 3, q. 5, a. 4, c: Sic ergo theologia sive scientia divina est duplex [Thomae de Aquino (1959)].

18. Utraque autem est de his quae sunt separata a materia et motu (ibidem)

19. Gilson uses such terms as l’accord de fait or l’admirable unité de l’oeuvre philosophique et de l’oeuvre théologique de saint Thomas. See Gilson Étienne, Le thomisme. Introduction au système de saint Thomas d’Aquin, Paris 1922, p. 29

20. See Elders Leo, The Philosophical Theology of St. Thomas Aquinas (Studien und Texte zur Geistesgeschichte des Mittelalters, Bd 28), Leiden 1990, p. 2–3

21. Summa theologiae I, q. 1, a. 1, c:… a paucis, per longum tempus et cum admixtione multorum errorum [Thomae Aquinatis (1888)] Cf. also: Summa contra Gentiles I, cap. 4 [Thomae Aquinatis (1918)].

22. Scriptum super Sententiis q. 1, a. 3, qc. 2, ad 2: Ista doctrina habet pro principiis primis articulos fidei qui per lumen fidei infusum per se noti sunt habenti fidem [Thomae Aquinatis (1929)].

23. Chenu Marie-Dominique, La théologie comme science au XIIIe sièclle, Paris 1957, p. 88

24. Cf. ibidem, p. 91

25. For a great study concerning this issue see, inter alia, J.- P. Torrell. See Torrell Jean-Pierre, Le savoir théologique chez saint Thomas (in :) Revue Thomiste 96 (1996), p. 355–396

26. Cf. McInerny Ralph, St. Thomas Aquinas, Notre Dame, London 1982, p. 143–146, 167–169

27. Summa theologiae I, q. 1, a. 5, ad 1: Nihil prohibet id quod est certius secundum naturam esse quoad nos minus certum propter debilitatem intellectus nostri [Thomae Aquinatis (1888)].

References

Avicenna (1977). In S. Van Riet (Ed.), (Ibn Sina) Avicenna Latinus. Liber de philosophia prima sive scientia divina (Metaphysica) I - IV. Louvain – Leiden.

Chenu, M.-D. (1957). La théologie comme science au XIIIe siècle. Paris.

Duns Scotus, I. (1960). In C. Balič (Ed.), Lectura in librum primum Sententiarum (Lectura Oxoniensis), Prologus et distinctiones a prima ad septimam, Opera omnia, t. 16. Vaticana: Civitas.

Elders, L. (1990). The philosophical theology of St. Thomas Aquinas (Studien und Texte zur Geistesgeschichte des Mittelalters, Bd 28). Leiden.

Étienne, G. (1922). Le thomisme. Introduction au système de saint Thomas d ‘Aquin. Paris.

Étienne, G. (1952). Jean Duns Scot. Introduction à ses positions fondamentales. Paris.

McInerny, R. (1982). St. Thomas Aquinas. London: Notre Dame.

Thomae Aquinatis, S. (1888). Pars Prima Summae theologiae, Opera omnia iussu impensaque Leonis XIII P. M. edita. Romae: Editio Leonina. t. 4.

Thomae Aquinatis, S. (1918). Summa contra Gentiles, lib. 1–2, Opera omnia iussu Leonis XIII P. M. edita. Romae: Editio Leonina.

Thomae Aquinatis, S. (1929). In P. Mandonnet (Ed.), Scriptum super libros Sententiarum magistri Petri Lombardi, t. 1. Parisiis: P. Lethielleux.

Thomae Aquinatis, S. (1950). In M. R. Cathala & R. M. Spiazzi (Eds.), In duodecim libros Metaphysicorum Aristotelis expositio. Taurini – Romae: Marietti.

Thomae de Aquino, S. (1959). In B. Decker (Ed.), Expositio super librum Boethii De Trinitate. Leiden: E.J. Brill.

Torrell, J.-P. (1996). Le savoir théologique chez saint Thomas d’Aquin. Revue Thomiste, 96, 355–396.

Wippel, J. F. (1984) Metaphysical themes in Thomas Aquinas. Washington. Philosophia

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét