Powered By Blogger

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2022

Khái niệm Thiên hạ - Ngữ nghĩa và lịch sử

 Triệu Đinh Dương ()

Người dịch: Hà Hữu Nga

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

1. Ngữ nghĩa và Hàm ý của Khái niệm Thiên hạ

Không chỉ thế giới phương Tây, mà ngay cả Trung Quốc cũng có lịch sử nằm trong khuôn khổ khái niệm đế quốc. Và có thể nói rằng toàn bộ lịch sử là lịch sử đế quốc nếu xem xét nó trong khả năng mở rộng hơn của khái niệm đế quốc. Nói chung, đế quốc được coi là quyền tối cao của một cường quốc đối với một số hoặc toàn bộ các quốc gia khác yếu hơn trên thế giới, và nó xác định một hệ thống thế giới theo khuôn khổ quyền lực. Nhưng một quan niệm đế quốc như vậy chủ yếu được xác định theo cách hiểu của phương Tây. Chuyên chở lịch sử phương Tây, khái niệm đế quốc luôn luôn gắn liền với các từ ngữ ít nhiều tương hợp chẳng hạn như chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân và ngày nay là toàn cầu hoá. Và nó cũng được sử dụng theo nghĩa rộng bằng một vài cách thức mang tính ẩn dụ để nói về bất cứ hệ thống cai trị nào. Đế quốc có thể là một dạng hình xã hội chung trong các thời đại lịch sử trên toàn thế giới, nhưng nó đã được hiểu một cách khác nhau về một số phương diện như đã được diễn giải bởi những văn hoá khác nhau và được cấp cho nội dung bằng những thay đổi theo bối cảnh lịch sử. Đế quốc phải là một trong số những ngôn từ mở chủ chốt luôn luôn viết lại thế giới cũng như được lịch sử viết lại. Và quan niệm đế quốc của Trung Quốc hoàn toàn khác với thực chất phương Tây của khái niệm này, vì vậy nó có thể được coi là một khái niệm phi tiêu chuẩn, dường như là một sự viết lại đầy ý nghĩa về khái niệm đế quốc.   

Trong ngôn ngữ kinh sách Trung Quốc không có một từ nào chính xác thích hợp với khái niệm đế quốc của phương Tây như từ imperium trong tất cả các chi tiết của nó. Từ Trung Quốc hiện đại 帝国 đế quốc, về nghĩa đen là một đất nước hoặc nhà nước của một hoàng đế nằm trong thể chế đế quốc là một sáng tạo khá muộn được định nghĩa theo cách thức phương Tây và được tái diễn giải bằng tri thức hiện đại đương đại, mặc dù cả hai từ để chỉ đế quốc đều là hai từ tiếng Trung Quốc truyền thống, trong đó đế có nghĩa là vị hoàng đế, còn quốc là một nhà nước hoặc một đất nước. Như tôi hiểu thì sự kết hợp của hai từ này cho đến thời cận đại vẫn chưa xuất hiện trong các văn liệu học thuật và chính trị Trung Quốc ngoại trừ một số rất ít trường hợp được thể hiện trong thi phú1. Cho đến tận Hiệp ước Nam Kinh Trung – Anh năm 1843 vẫn chưa thấy sử dụng chính thức khái niệm 帝国 đế quốc, mà có lẽ nó xuất hiện lần đầu tiên trong Hiệp ước Mã Quan giữa hai nước Trung Nhật năm 1895 2. Cũng có thể, tuy không hoàn toàn chắc chắn, là một sự bắt chước khái niệm Trung - Nhật, và sau này được tái diễn giải bằng tri thức phương Tây. Sau khi triều đại nhà Mãn Thanh kết thúc, từ đế quốc thường được sử dụng theo nghĩa phê phán một siêu cường với chính thể quân chủ độc đoán. Và sau này, dưới ảnh hưởng của học thuyết chủ nghĩa đế quốc của Lenin, từ 帝国 đế quốc chủ yếu gắn liền với chủ nghĩa đế quốc như hiện nay vẫn quan niệm ở Trung Quốc. Khái niệm Trung Quốc hiện đại để chỉ đế quốc là 帝国 giờ đây đã được hiểu là sự tái diễn giải xã hội truyền thống Trung Quốc từ quan điểm hiện đại phương Tây. Nhưng loại tái diễn giải tây phương hoá này cần phải được coi là một tái diễn giải sai lầm hoặc một sự che giấu quan niệm thật về đế quốc trong tư duy Trung Quốc. Nói một cách chặt chẽ thì cụm từ hiện đại 帝国 đế quốc, một sự ghép nối của từ đế (hoàng đế) và từ quốc (đất nước) là một sự bóp méo các tư tưởng Trung Quốc, vì chính nguyên do là một nước không cần có một hoàng đế, theo định nghĩa Trung Quốc về thể chế đế quốc, vì một vị hoàng đế được định nghĩa là một kẻ cai trị hợp pháp toàn bộ thế giới chứ không phải chỉ là một quốc gia trên thế giới này. Vấn đề then chốt là ở chỗ hình tượng thực thể chính trị vĩ đại nhất của Trung Quốc 天下 Thiên hạ là một cái gì đó của đế quốc thế giới được xác định là một thực thể chính trị cấp độ cao hơn bất cứ một quốc gia nào. Thay vì khái niệm đế quốc của phương Tây, quan niệm truyền thống của Trung Quốc về Thiên hạ hoàn toàn phù hợp với cái eidos thị kiến phổ quát được đề xuất về đế quốc. Như mọi người đều biết rằng theo lý thuyết Platonic, mỗi sự vật luôn luôn có hình ảnh thị kiến của nó mà về cơ bản làm cho nó là chính bản thân nó. Và quan niệm về một sự vật là mở đối với bất kỳ một cải thiện khả thể nào đặc biệt nếu nó là một thể chế xã hội hoặc văn hoá. Vì vậy một eidos thị kiến về một tồn tại xã hội hoặc văn hoá cũng hàm ý, nếu được diễn giải thêm, cái lý tưởng để cho nó như nó có thể là. Ở đây Thiên hạ là một khái niệm thuộc về một lý tưởng đế quốc, nói cách khác, nó được gắn liền với cái eidos thị kiến đế quốc hơn là một vị thế lịch sử của đế quốc. Nói tóm lại Thiên hạ có nghĩa là một thể chế thế giới dưới dạng đế quốc. Và một đế quốc sẽ được coi là không đủ tư cách nếu nó không đáp ứng được tiêu chuẩn Thiên hạ.            

Thuật ngữ 天下 Thiên hạ có thể thấy ở mọi kinh văn cổ Trung Quốc vào khoảng 3000 năm trước, là một từ chủ chốt quan trọng nhất đối với bất kỳ sự hiểu biết khả dĩ nào đối với quan niệm của Trung Quốc về thế giới, xã hội, thể chế và chính thể. Nó xác định một lý thuyết thế giới để phân tích sự hợp pháp và tính tối ưu hoặc hiện trạng lý tưởng của một đế quốc. Tuy nhiên các nghĩa của khái niệm thiên hạ đã có những thay đổi mềm dẻo theo những biến đổi lịch sử, hệt như là những khuôn mặt khác nhau bộ phận của khái niệm “đế quốc” phương Tây. Tôi muốn đưa ra một phân tích bước đầu các tài liệu tham khảo thiết yếu về thiên hạ theo một cách tiếp cận ít nhiều có tính thống tín luận đủ để chỉ ra năng lực nguồn cội cũng như hạn chế của các ý nghĩa mềm dẻo của nó. Điều đó có nghĩa là việc phân tích khái niệm thiên hạ sẽ chủ yếu được giới hạn trong các tham chiếu cơ bản được xác định trong thời Tiên Tần (trước 221 BC), giai đoạn đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Chắc chắn là những thay đổi về sau này của khái niệm thiên hạ sẽ được tính đến khi cần thiết. Nguyên do thực sự cho việc quay trở lại với sự thật về các nghĩa cơ bản của khái niệm thiên hạ là ở chỗ khái niệm thiên hạ được xác định là cội nguồn chung cho mọi sự phát triển khả thể của nó. Khái niệm thiên hạ có một loạt nghĩa liên quan và nghĩa diễn giải tương liên như sau: 

1.1. Thế giới

Về nghĩa đen thiên hạ có nghĩa là toàn bộ các vùng đất hoặc toàn bộ thế giới dưới gầm trời này tương đương nghĩa với địa, đất trong tam tài 天地人3 Thiên Địa Nhân của triết học Trung Quốc. Hoàn toàn khác với nhị nguyên luận phương Tây, Tam tài luận Trung Quốc thể hiện các mối liên hệ của các sự vật bằng các mối quan hệ nhân cách hoá sao cho mọi sự vật đều được đặc trưng và được định nghĩa như là một cái gì đó trong mối quan hệ với-và-vì con người. Có nghĩa là một vật không bao giờ được hiểu như là một vật như nó là, mà luôn luôn là một vật như nó có ý nghĩa đối với con người. Sự vật thú vị và đặc biệt nhất trong tam-cấu trúc này phải là việc chia tự nhiên thành “Thiên - trời” và “Địa - đất”, trong đó đất nổi bật bằng sự gần gũi của nó đối với các mối quan tâm, cảm giác và sự gắn bó với cuộc sống, vì vậy mà được coi là “ngôi nhà” không thể quy giản vào các mô tả khoa học 4. Không chỉ là đất mà vạn vật ở đó, kể cả một cái cây, hòn đá cũng không thể bị quy giản thành vật lý học mà luôn luôn vẫn còn là một cái gì đó thuộc về linh hồn và thậm chí thuộc về siêu hình học. Giờ đây dễ nhận ra rằng cụm từ Thiên hạ trong tiếng Trung Quốc có những ý nghĩa phức tạp hơn cái chỉ biểu địa lý của nó. Nhưng nếu giới hạn trong khuôn viên chỉ biểu địa lý thì tất nhiên là nó hầu như tương đồng với “vũ trụ” hoặc “thế giới” trong các ngôn ngữ phương Tây.    

Khái niệm Thiên hạ hàm nghĩa tổng thể tính của thế giới về phương diện lý  thuyết, mặc dù tri thức địa lý Trung Quốc cổ đại về thế giới còn khá hạn chế và thậm chí còn nghèo so với địa lý học phương Tây trong cùng thời đại. Trong thời Trung Quốc sớm, hình tượng Thiên hạ phổ biến của Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với bản thân quả đất.5 Nó được coi là một miền đất gồm có 九州 Cửu Châu 6, 9 vùng, hệt như một diện tích tương đương với một phần tư Trung Quốc hiện đại, cũng như những vùng xa xôi nào đó trong 四海 Tứ Hải vẫn còn chưa được biết rõ. Nhưng Trâu Diễn (305-240 BC), một nhà địa lý học sớm nhất của Trung Quốc, đặc biệt ngoại lệ, có một sức tưởng tượng gần như “toàn cầu” về vùng đất được coi là “chín châu” đó – đã tính toán bằng cách chọn bội số 9 – và ông nói rằng Trung Quốc “chỉ là một phần của 9x9 = 81” trên thế giới này. 7 Sức tưởng tượng của ông về thế giới, không có bất cứ sự hỗ trợ nào của tri thức kinh nghiệm như vậy thực sự lớn lao, và đã từng bị coi là một câu chuyện điên rồ. Rõ ràng là đối tượng có chủ đích, cogitatum qua cogitatum, cái được tư duy với tư cách là cái được tư duy, của khái niệm Thiên hạ là thế giới, mặc dù về phương diện kinh nghiệm nó đã thuộc về một phần của trái đất. 8 Kết quả là khái niệm thiên hạ về phương diện lý thuyết là thuộc về không gian logic tiên thiên đối với toàn thế giới cũng như thuộc về không gian kinh nghiệm với tư cách là một bộ phận đã thực sự được biết của thế giới luôn luôn biến đổi theo sự cải thiện của tri thức địa lý học. Tri thức địa lý hạn chế có thể dẫn đến ảo tưởng, chẳng hạn, Đại Hoàng đế nhà Tần cũng đã nhầm tưởng rằng ông đã gần như có được thiên hạ vào năm 221 BC*, mặc dù nó thực sự chỉ là một nửa của Trung Quốc hiện đại, vì sự trị vì của ông đã vươn tới “bất cứ nơi nào có con người sinh sống”. 9 

Tri thức địa lý về trái đất cũng ít nhiều thú vị hơn ẩn ý có tính lý thuyết trong trí tưởng tượng Trung Quốc về thế giới. Có thể nói rằng trí tưởng tượng Trung Quốc cổ đại về trái đất thực sự là một hình ảnh chính trị về thế giới hơn là một bức tranh địa lý. Như đã được thiết kế tổng thể, “cửu châu” đã được phân chia vuông vức và trải từ vùng trung tâm ra tám hướng, trong khi thủ đô của đế quốc được đặt ở châu trung tâm. Thiết kế thế giới vuông ấy nói lên tính công bằng chính trị theo một khoảng cách như nhau tính từ trung tâm cho đến tất cả các châu, tất nhiên chỉ là một lý tưởng chứ không trùng hợp với các điều kiện thực tế của trái đất. Và trong thực tế thì đế quốc Trung Quốc đã không có một vùng đất trùng hợp với bản thiết kế đều đặn đó. Nhưng điều thực sự quan trọng, đó chính là một đề án chính trị. Điều đáng kể là mối quan tâm ưu thống của Trung Quốc đến phương pháp luận về việc lĩnh hội hoặc “tạo dựng” mang tính nghệ thuật về thế giới hơn là tri thức địa lý về trái đất. Điều đó thể hiện một sự thật là quan niệm của Trung Quốc về vũ trụ về cơ bản là một quan niệm mang tính văn hoá hoặc thể chế, hoặc nói theo cách Trung Quốc là cách hiểu 人文 nhân văn thay cho hiểu biết mang tính khoa học hoặc tri thức luận. Và trong khuôn khổ của khái niệm Thiên hạ, chúng ta có thể thấy một dự án văn hoá trong đó vũ trụ luôn luôn được hiểu như là một thế giới – dưới-một-thể-chế. Điều đó hàm ý rằng khi thiên hạ quy về thế giới, một thế giới cần có thể chế thế giới của nó để làm cho nó trở thành một thế giới, mặt khác, đó không phải là một thế giới hoang dã và tự do.    

1.2. Con người

Nghĩa thứ hai của thiên hạ là 民心 nhân tâm hoặc ý chí chung của con người, hoặc đơn giản hơn là “con người”, hầu như tương đồng với người trong tam tài luận Trung Quốc như đã giới thiệu ở trên. Giống như “địa”, “nhân” cũng tồn tại trong thiên hạ. Trong hữu thể luận Trung Quốc về trạng thái tồn tại của vạn vật thì “địa”- đất luôn luôn là ngôi nhà cho “nhân”- con người, địa với tư cách là của chúng ta hơn là địa như bản thân nó là. Vì vậy thiên hạ bao gồm cả hai địa-đất và nhân-người. Vì vậy một hoàng đế không thực sự thụ hưởng cái đế quốc thiên hạ của ông ta, cho dù ông ta có chinh phục được một vùng đất mênh mông đến đâu, trừ khi ông ta có được lòng trung thành và sự ủng hộ chân thực từ chúng dân trên vùng đất đó. Điều được nhấn mạnh ở đây là tầm quan trọng của sự ủng hộ của chúng dân thay cho quyền cai trị tuyệt đối con người và vùng đất mở rộng theo nghĩa imperium đế quốc. Trong Luận Vương bá của Tuân Tử [313-238BC*] có đoạn: “取天下者,非負其土地而從之之謂, 足以壹人而已矣.  “Thủ thiên hạ giả, phi phụ kì thổ địa nhi tòng chi chi vị, đạo túc dĩ nhất nhân nhi dĩ hĩ”. Dịch nghĩa: Được thiên hạ không phải cậy vào được đất đai mới gọi là được, được thiên hạ hợp đạo nhất chính là thu phục được người vậy. 荀子, 王霸 Tuân tử, Vương bá. 10孟子 Mạnh tử, 372-289BC cũng cho rằng: “民爲貴, 社稷次之, 君爲輕. 是故得乎丘民而爲天子” Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh.  Thị cố đắc hồ khâu dân nhi vi thiên tử. Dịch nghĩa: Dân là quí nhất, sau đó mới đến đất đai, tài sản, vương vị phải xem là nhẹ trong ba điều này. Vậy là kẻ nào được lòng dân thì làm Thiên tử. 孟子, 民爲貴章 Mạnh tử, Dân vi quý chương. “桀紂之失天下也, 失其民也, 失其民也, 失其心也”. Kiệt Trụ chi thất thiên hạ dã, thất kì dân dã, thất kì dân dã, thất kì tâm dã. Dịch nghĩa: Kiệt và Trụ mất thiên hạ chính là vì mất dân, mất dân vì để mất lòng dân. 孟子: 卷之四, 離婁章句上 Mạnh tử, Quyển chi tứ, Ly Lâu chương cú thượng.11 Và việc diễn giải 禮記 Lễ ký, một trong các bộ kinh Khổng giáo đã thể hiện rõ: 得衆則得國, 失衆則失國 đắc chúng tắc đắc quốc, thất chúng tắc thất quốc. Dịch nghĩa: Được chúng (đám đông) tất được nước, mất chúng tất mất nước. 禮記, 大學 Lễ ký, Đại học. 12

Điều đó dứt khoát cho thấy rằng sự tồn tại của đế quốc thiên hạ không chỉ được hiểu như một sự kiện vật lý, mà còn được hiểu như một sự kiện tâm lý. Và sự kiện tâm lý về đế quốc, đúng ra là sự kiện vật lý, là sự tái tạo hình thể của tính chính thống của đế quốc đó. Hệt như vậy, chúng dân chính là thiết cốt của đất đai, thì sự kiện tâm lý chính là thiết cốt của sự kiện vật lý của đế quốc. Nó sẽ là một giả-đế quốc nếu nó chỉ được xây dựng về phương diện vật lý mà không phải là về phương diện tâm lý. Vì vậy, lý thuyết đế quốc Trung Quốc là sự phủ định của đế quốc quân sự và siêu cường thống trị. Một đế quốc chính thống được định nghĩa là đại diện cho ý chí chung của chúng dân trên toàn thế giới, chứ không chỉ là một dân tộc nhất định. Một khái niệm đế quốc có sức thuyết phục mạnh mẽ như vậy sẽ phủ nhận tính chính thống hầu như của toàn bộ các đế quốc đã từng tồn tại trên thế giới và tự làm cho nó trở thành một lý tưởng. Ý chí chung của chúng dân đã chứng tỏ là một vấn đề lớn. Hiển nhiên là chúng ta sẽ thấy khó mà có được một chân tri thức về cái ý chí chung đó. Liệu cái ý chí chung đó có tương đương với lựa chọn của chúng dân? Liệu nó có được thể hiện bằng lá phiếu dân chủ? Có vẻ như người Trung Quốc thích khám phá và tập hợp các bằng chứng về các sở thích của chúng dân đối với lá phiếu dân chủ. Đó vẫn còn là một vấn đề để mở mà chưa có bất cứ một giải pháp tốt nào. Chúng ta không cần phải can dự quá nhiều vào vấn đề đó ở đây.

1.3. Thể chế

Nghĩa cốt tử nhất và sâu sắc nhất của thiên hạ là khía cạnh thứ ba của nó, thể chế thế giới. Thiên hạ có thể được coi là một đế quốc thế giới lý tưởng trong tình gia đình. Lý tưởng đạo đức/chính trị này về thế giới lấy làm kiêu hãnh về cái biệt nét của nó trong trí tưởng tượng của nó và sự theo đuổi thực tiễn về một xã hội thế giới được đảm bảo bằng một thể chế thế giới. Lý tưởng coi thiên hạ như một thể chế thế giới về thực chất tự phân biệt với các hệ tư tưởng đế quốc quân sự, chẳng hạn Đế quốc La Mã, hoặc loại đế quốc thuộc một nhà nước/dân tộc đế quốc chủ nghĩa, chẳng hạn như Đế quốc Anh. Đế quốc Thiên hạ không hề có nghĩa là một đất nước.13 Nó được giả định là một thể chế hoặc một hình thức chính trị cao hơn và to lớn hơn bất kỳ nhà nước nào. Nó được trông đợi là một ngôi nhà/thế giới thay cho một nhà nước/dân tộc.

Để hiểu được vị thế chính trị của thiên hạ, cần phải giới thiệu hệ thống cai trị đế quốc Trung Quốc ở đây. Một khái niệm toàn vẹn về sự cai trị ít nhất phải bao gồm một vùng đất nhất định, chúng dân, thể chế và hệ tư tưởng. Và một xã hội chính trị cần phải có chính thể của nó khi và chỉ khi nó hoàn thiện khái niệm cai trị. Như đã biết, nhà nước, cái nhà nước/đế quốc hoặc nhà nước/dân tộc là một thực thể lớn nhất hoặc là cấp độ chính thể cao nhất trong hệ thống xã hội chính trị phương Tây. Nhưng đó lại không phải là trường hợp hệ thống cai trị Trung Quốc, mà ở đó chúng ta có các khái niệm về các loại hình hoặc các cấp độ chính trị trải theo 天下,, “thiên hạ, quốc, gia” 14. Vì xếp theo hệ thống nên thiên hạ đòi hỏi một hình thức cai trị cao nhất, trong khi quốc – nước lại luôn luôn là một đơn vị nhỏ hơn bên trong khung thiên hạ, đôi khi giống như những “tập con” trong một “tập tổng quát”. Hệ thống chính trị này của Trung Quốc hàm ý về một lý thuyết hữu thể luận chính trị. Một trong những nguyên tắc của hệ thống này là toàn bộ các cấp độ hoặc các phạm trù của các bản chất hữu thể luận phải có những thể chế chính trị thích hợp để có thể có được một trật tự chính trị của vạn vật. Trong khuôn viên siêu hình học Hy Lạp, thuật ngữ sự hỗn độn của vạn vật phải có các trật tự để trở thành vũ trụ. Hoàn toàn tương tự, triết học Trung Quốc nghĩ rằng tự nhiên có các trật tự của nó, Đạo để đảm bảo cho nó trở thành vũ trụ, và nó còn tin rằng vạn vật trong đời sống con người phải được duy trì trong các trật tự chính trị phù hợp với các trật tự tự nhiên. Giả định đề thuần Trung Quốc này làm cho siêu hình học Trung Quốc luôn luôn là một hữu thể học chính trị, trong đó hiển nhiên thế giới được coi là có các trật tự chính trị ở phạm vi toàn thế giới vì thế giới có ở đó. Và thể chế xã hội của thiên hạ như nó được hình dung, cần phải được gọi tên là “thế giới đế quốc” chứ không phải là nhà nước đế quốc.

Dự phóng về thể chế 王天下, vương thiên hạ-thế giới đế quốc thật là thú vị. Như đã được hình dung và trở thành thực tiễn ở Trung Quốc 3000 năm trước, thể chế chính trị thiên hạ đã được vận hành dưới hình thức mở-ra-tất-cả-mọi hướng. Ở nơi có đủ tư cách là vùng trung tâm, có một trung tâm chính trị chung được gọi là 王畿 vương kỳ15, ở đó có chính phủ chung cho toàn thế giới đóng trụ sở. Còn xung quanh nó là vô số 诸侯国 chư hầu quốc 16, trung thành với đế quốc về phương diện thể chế được định vị vươn đến mọi hướng. Người ta đã ghi lại rằng có năm hoặc chín lần một trăm hầu quốc ở xung quanh 17. 王畿 Vương kỳ không quá lớn nhưng tất nhiên là lớn hơn nhiều so với một chư hầu quốc, có kích cỡ ngang với một tỉnh nhỏ ở Trung Quốc hiện đại, trong khi một chư hầu quốc có kích cỡ một hạt. Trước khi vương triều Tần có chế độ cai trị tập trung của cả một vùng đất mênh mông của Trung Quốc được thành lập năm 221 BC thì Trung Quốc đã là một đế quốc bao gồm nhiều “chư hầu quốc” độc lập về kinh tế, sức mạnh quân sự và văn hóa, nhưng về phương diện chính trị, đạo đức và thể chế thì lại phụ thuộc vào chính quyền trung ương có thể chế của một đế quốc. Chính quyền trung ương có uy quyền trong việc xây dựng hiến pháp và luật pháp, công nhận tính chính thống của các chư hầu quốc và giải quyết các xung đột giữa các chư hầu quốc trên cơ sở công lý.

Trước khi có cuộc đại thống nhất Trung Quốc năm 221 BC thì hầu như toàn bộ trí thức Trung Quốc bao gồm tất cả các triết gia nổi tiếng chẳng hạn như Khổng tử và Mạnh tử, chủ yếu quan tâm, và thậm chí chỉ quan tâm đến các quyền lợi chung và thậm chí phổ quát của thiên hạ, chỉ ngoại trừ một hoặc hai nhân vật18, vì quan niệm về chính trị chủ yếu là chính trị thiên hạ chứ không phải là một quốc gia trong thời gian đó, vì tư tưởng được chấp nhận phổ biến coi thiên hạ là không gian chính trị ở cấp cao hơn quốc gia. Và họ suốt đời bận bịu với việc du thuyết giữa các chư hầu quốc, tiếp xúc và khuyên nhủ bằng vô số dự phóng khả thể dựa trên các lập luận triết học cho các bậc vương, công đứng đầu các chư hầu quốc, cố gắng để có được địa vị cao hơn để có thể đóng góp tốt hơn cho phúc lợi công công của thiên hạ. Không ai trong số họ phải có bổn phận trung thành với các chư hầu quốc của họ là nơi mà họ sinh ra, vì mọi người đều coi các lợi ích phổ quát của thiên hạ cao hơn một quốc gia. Vì vậy mà không có bất cứ điều gì có thể được lập luận trong khuôn viên dân tộc chủ nghĩa. Chính sách tự do di trú này đã dẫn đến một kết quả bất ngờ là hầu hết các vị khanh tướng của các chư hầu quốc đều hiếm khi là người dân địa phương. 19 Ngay cả những người bình thường cũng đi theo đám đông đến một nước khác được coi là có chế độ cai trị tốt đẹp hơn. Có thể nói đó chính là một quang cảnh “toàn cầu hóa vậy”.

Thể chế đế quốc Trung Quốc đã trải qua một cải biến cách mạng vào năm 221 BC, khi Đại Hoàng đế nhà Tần chinh phục Trung Quốc, mà bằng cuộc chinh phục này hệ thống chư hầu quốc đã biến đổi thành hệ thống các tỉnh nằm dưới một chính quyền duy nhất. Cuộc cải cách thể chế này đã thực sự làm biến đổi xã hội Trung Quốc, nhưng lại không làm biến đổi lý tưởng đế quốc Trung Quốc mà trong đó tất cả các nước ngoài, dù xa hay gần, về phương diện lý thuyết, đều được hiểu là các quốc gia có vị thế chư hầu. Một cuộc cải cách cách mạng khác, thậm chí còn cấp tiến hơn đã diễn ra vào năm 1911 tại Trung Quốc, đã làm cho Trung Quốc phải từ bỏ thể chế đế quốc và chấp nhận hình thức nhà nước/dân tộc phương Tây. Nhưng ý thức thế giới hoặc thế giới quan thiên hạ vẫn còn nguyên trong tâm trí Trung Quốc giờ đây vốn đang tiếp nhận một thế đứng mới về thế giới luận văn hóa hơn là một thế giới luận chính trị. Như đã thấy, văn hóa Trung Quốc đương đại là một sự pha trộn thực sự giữa văn hóa phương Tây và văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên quan niệm về thiên hạ như là một thể chế thế giới cần phải được tái tạo hình cho phù hợp với hoàn cảnh đương đại nếu chúng ta thấy nó vẫn hữu dụng như thường. Giờ đây chúng ta có thể có được một cái nhìn rõ ràng hơn về thiên hạ. Nó thuộc về thế giới hoặc vũ trụ, nhưng nó có ý nghĩa to lớn hơn thế. Nó thuộc về một thế giới thể chế hoặc một thể chế thế giới. Khái niệm Thiên hạ thể hiện rõ tính độc nhất vô nhị không chỉ từ tính chất chính trị mà còn từ tính chất triết học của nó, trong đó nó tạo ra cái thước đo toàn-thế-giới về cách nhìn toàn thế giới như một đối tượng theo nghĩa chính trị hơn là theo nghĩa địa lý hoặc khoa học. Nó định nghĩa thế giới như là thực thể chính trị lớn lao nhất của đời sống chính trị, hiến pháp và thể chế, đồng thời nó cũng là bối cảnh và khuôn khổ chính trị lớn lao nhất trong đó toàn bộ các quốc gia và các sự vụ quốc tế cần phải được tư duy lại.

老子 Lão Tử đã tổng kết tri thức luận khoa học chính trị Trung Quốc như sau: 故以身觀身, 以家觀家, 以鄉觀鄉, 以國觀國, 以天下觀天下. 道德經, 54 Cố dĩ thân quan thân, dĩ gia quan gia, dĩ hương quan hương, dĩ quốc quan quốc, dĩ thiên hạ quan thiên hạ. Dịch nghĩa: Hãy lấy mình mà xét đến mình; lấy nhà mà xét nhà; lấy làng mà xét làng; lấy nước mà xét nước; lấy thiên hạ mà xét thiên hạ. 20 [Lão Tử Đạo Đức kinh, chương 54]. Cái nguyên lý “từ X để nhìn X” này có lẽ hữu dụng đối với chúng ta trong việc hiểu thế giới từ chính bản thân nó và cho chính bản thân nó. Trong khuôn viên chính trị học phương Tây, thực thể chính trị lớn nhất cũng chỉ là nhà nước, giới hạn cách hiểu phương Tây về lý thuyết chính trị trong quan điểm nhà nước. Vì vậy các tưởng tượng phương Tây về tính thống nhất của thế giới cũng chỉ là chủ nghĩa quốc tế, liên hợp quốc hoặc toàn cầu hóa, mà không có bất cứ cái gì vượt khỏi khuôn viên các nhà nước/dân tộc. Và các dự án ấy đều gặp những khó khăn thiết yếu để đạt tới nhất tính của thế giới vì tận biên các viễn kiến nhà nước/dân tộc của họ. Thế giới sẽ là một thế giới thất bại nếu nó không thể được nhìn từ một thế giới quan cho chính bản thân thế giới. Rõ ràng là lối nhìn thế giới từ thế giới không hệt như lối nhìn thế giới từ một bộ phận của nó. Thiên Chúa giáo tỏ ra là có một quan điểm phổ quát về thế giới nhưng lại tự làm tổn thương bản thân bằng giả định đề về ngoại đạo, là thứ đã cắt thế giới tối thiểu là thành hai phần. Ngược lại, thế giới trong quan điểm Trung Quốc có tính tổng thể và nhất tính tiên thiên của nó. Và cái hậu thiên của tính tổng thể của thế giới dường như lại là một điều kiện cần thiết cho lập luận siêu vượt về một thể chế thế giới. Thế có nghĩa là thế giới theo nghĩa thông thường phải là một chính thể chính trị cao nhất của một thể chế thế giới.  

Chúng ta, chí ít là trong lập luận Trung Quốc, có lý do để nói rằng triết học phương Tây không có thế giới quan với tư cách là cái nhìn từ thế giới cho dù nó có cái nhìn về thế giới như một hệ tư tưởng của một loại nhà nước. Hơn nữa, triết học phương Tây không có một khái niệm đầy đủ về thế giới cho dù nó có khái niệm khoa học về thế giới. Một khái niệm đầy đủ về thế giới phải là một khái niệm bao gồm toàn bộ, là khái niệm có được một cách toàn diện toàn bộ nghĩa khả thể về thế giới, nghĩa thể chế, nghĩa tâm lý, và nghĩa vật lý về thế giới. Khái niệm chủ chốt thiên hạ hàm chứa một triết học về thế giới, trong đó thế giới luôn luôn được hiểu là một thế giới nhân cách hóa hoặc một thế giới thể chế.21 Và nó cho rằng thiên hạ phải là điều kiện tổng thể và là bối cảnh lớn lao nhất cho việc hiểu bất kỳ sự vụ chính trị nào và vấn đề nào về một nhà nước hoặc các mối quan hệ quốc tế. Vì vậy thể chế thiên hạ là một đế quốc tiên thiên vì nó là một đế quốc hiện tồn về phương diện lý thuyết của toàn bộ thế giới theo định nghĩa.

2. Các vấn đề Lịch sử

Trong lịch sử 4000 năm sâu xa của Trung Quốc, giai đoạn trước 221 BC đã được gọi là thời đại Tiên Tần khi ý tưởng chính trị thống trị là lý tưởng về thiên hạ. Trong giai đoạn Tiên Tần có thời đại được gọi là Hoàng kim thời 三代, 夏商周 Tam đại Hạ, Thương và Chu. Các triều đại Hạ và Thương quá xa xôi trong quá khứ nên không thể ghi chép một cách chi tiết, đến nỗi mà nhà Chu kéo dài 800 năm và có một đời sống thái bình trong vòng 400 năm, đã được thừa nhận là một mô hình mẫu của đế quốc thiên hạ. Một số sử gia đã cho rằng Trung Quốc không có một quan niệm dứt khoát về thiên hạ mãi cho đến triều đại nhà Chu. Lập luận này hoàn toàn có thể hợp lý theo nghĩa tư tưởng về thiên hạ đã hoàn toàn được sáng tạo là một ý thức hệ thống trị và là thể chế thực tiễn trong thời nhà Chu, trong khi văn hóa chính trị  trong khuôn viên thiên hạ đã đặc trưng hóa văn hóa Trung Quốc về tính đồng nhất và tính công cộng của nó nhờ đó mà sự cố kết của văn hóa Trung Quốc đã được phát triển. 22 Hầu hết các học giả Trung Quốc đều coi thể chế nhà Chu là mẫu thức của văn hóa Trung Quốc. Việc thành lập triều đại nhà Tần năm 221 BC đã được coi là sự thay thế bộ phận của thể chế Trung Quốc và thể chế nhà Tần, ở một mức độ nào đó đã làm hư hỏng lý tưởng thiên hạ và đã tái tạo Trung Quốc thành một đế quốc theo mô thức thông thường, mặc dù nó vẫn không giống với đế quốc La Mã.  

Triều đại nhà Tần đã phát triển một cách sáng tạo hệ thống hành chính hầu như đã được “hiện đại hóa”.23 Cái đã được thay đổi chính là sự sáng tạo ra hệ thống các tỉnh thay thế cho hệ thống các chư hầu quốc. Nhưng vẫn có đôi chút mơ hồ và phức tạp. Trước kỷ nguyên thống nhất Trung Quốc của nhà Tần, Tần đã là một trong số các chư hầu quốc trong hệ thống thiên hạ. Và như đã giới thiệu ở trên, hệ thống thiên hạ đã được giả định, tối thiểu về phương diện lý thuyết, là có 5 hoặc 9 vòng chư hầu quốc trải trên khắp “thiên hạ”. Cái đã được nước Tần thống nhất chỉ là hai hoặc ba vòng chư hầu quốc khép kín sau này trở thành vùng đất được gọi là Trung Quốc, khét tiếng vì cái tên “Vương quốc Ở giữa” làm cho một số người phương Tây cảm thấy chán ngấy. Sự thật bề ngoài này có thể tạo ra một sự hiểu lầm rằng vương triều Tần đã bắt đầu quá trình dần dần đưa Trung Quốc trở thành một đế quốc thông thường và thậm chí một nhà nước/dân tộc với sự từ bỏ lý tưởng thiên hạ. Cho đến tận khi tôi thấy việc diễn giải hợp lý hơn cần phải là như sau: Tần đã không làm gì hơn là sự mở rộng cái đế địa của nó, khu vực do hoàng đế trực tiếp kiểm soát, để bao phủ toàn vùng bao gồm một số thành của chư hầu quốc, vì hiển nhiên là mỗi triều đại sau nhà Tần đều duy trì truyền thống thiên hạ, bằng cách nhìn toàn bộ các chư hầu quốc khác trong thế giới này vẫn như là các chư hầu quốc được giả định trong hệ thống thiên hạ, bằng cách cố gắng phát triển hệ thống nhánh với các tước phong được ban tặng cho bất kỳ nhà nước nào khác là “các hầu quốc” nếu chúng đúng là như vậy.

Đối với tôi, dường như sự việc có ý nghĩa và thú vị hơn là cái không biến đổi. Sự thật thì cuộc cải cách của Trung Quốc đã gây ra một sự méo mó nào đó đối với lý tưởng thiên hạ, và nó đã phải chịu nhiều phê phán. Nói chung lý tưởng thiên hạ được đề xuất kiên trì cái thể chế cho chúng dân hoặc cho các “lợi ích phổ quát”. Nhưng mọi triều đại sau thời Tam đại Hoàng kim đều bị phê phán vì sự hiểu sai về nguyên tắc thiên hạ, đúng như đại học giả thời Minh-Thanh 黄宗羲 Hoàng Tông Hy 1610 - 1695 đã tóm tắt trong Minh Di phóng lục 三代之法,藏天下于天下者也:山澤之利不必其盡,刑賞之權不疑其旁落,貴不在朝廷也,賤不在草莽也.在后世方議其法之疏,而天下之人不見上之可欲,不見下之可惡,法愈疏而亂愈不作, 所謂無法之法也. 黄宗羲,明夷待訪錄, 原法. Tam đại chi pháp, tàng thiên hạ vu thiên hạ giả dã: san trạch chi lợi bất tất kì tận thủ, hình thưởng chi quyền bất nghi kì bàng lạc, quý bất tại triều đình dã, tiện bất tại thảo mãng dã. Tại hậu thế phương nghị kì pháp chi sơ, nhi thiên hạ chi nhân bất kiến thượng chi khả dục, bất kiến hạ chi khả ác, pháp dũ sơ nhi loạn dũ bất tác, sở vị vô pháp chi pháp dã. Hoàng Tông Hy, Minh Di đãi phóng lục, Nguyên pháp. Dịch nghĩa: Phép tắc thời Tam Đại ẩn thiên hạ trong thiên hạ vậy: nguồn lợi đất nước không nắm giữ hết, quyền thưởng phạt không bỏ qua, cao quý không ở chốn cung đình, bần tiện không tại nơi quê kệch. Sau thời Tam Đại phép tắc sơ nhãng, người trong thiên hạ trên không còn thấy tham dục, dưới không còn thấy ác độc, phép tắc càng sơ nhãng thì khi loạn càng không tác dụng, vì thế mà lấy vô phép tắc làm phép tắc vậy. 24 Với tư cách là một vấn đề hiện thực, Khổng tử, một nhà triết học vĩ đại nhất của Trung Quốc đã nhận thức rõ về tình trạng suy thoái nguy hiểm của lý tưởng thiên hạ từ rất lâu trước thời nhà Tần khi ông phát hiện ra sự hỗn loạn thể chế được gọi là “cương thường hư phế”. Khổng tử đã đúng khi sợ không thể quay trở về với thời hoàng kim trong quá khứ. Nhưng rất may là quan niệm thiên hạ vẫn còn là một khuôn viên hữu dụng cho tư duy chính trị, rất hấp dẫn đối với các triều đại về sau.  

Sự hấp dẫn của tính mở của lý tưởng thiên hạ đặc biệt thấy rõ trong hành động chấp nhận của các quốc gia khác, đã từng thống trị Trung Quốc, đối với nó. Nguyên tắc cốt lõi của thiên hạ đã được tuyên là “không loại trừ bất cứ cái gì” hoặc 無外 vô ngoại, “bao gồm tất cả”, là cái đã định nghĩa thiên hạ là đế quốc vũ trụ. Như hàm ý của nó, mọi dân tộc đều có quyền ngang bằng nhau để được trời và người lựa chọn làm người “lãnh đạo” thế giới vì sự hoàn hảo về đạo đức và văn hóa, trong đó không ai bị coi là “dị giáo”.  Ở Trung Quốc, một số vị hoàng đế nổi tiếng nhất là Thuấn, 周文王 Chu Văn Vương, và 唐太宗 Đường Thái Tông đã được coi là những con người thuộc về các tộc không phải là tộc người chủ yếu ở Trung Quốc: ,東夷之人也, 文王,西夷之人也 Thuấn, Đông Di chi nhân dã; Văn Vương, Tây Di chi nhân dã. Dịch nghĩa: Thuấn là người Đông Di vậy, Văn Vương cũng là Tây Di đó. 孟子, 離婁下 Mạnh tử, Ly Lâu hạ. 25 Và các dân tộc với tư cách là các tộc thiểu số như Mông Cổ, Mãn Châu Lý và Khiết Đan đã thống trị Trung Quốc trong nhiều thế kỷ và đã biện hộ cho tính chính thống của sự thống trị Trung Quốc của họ trong khuôn viên lý thuyết thiên hạ. Chẳng hạn năm 1271 Hãn (Vua) Mông Cổ đã quyết định phát động cuộc cải cách chính trị chấp nhận lý thuyết thiên hạ để thay đổi tên “địa phương” của đế quốc là Mông Cổ thành một cái tên Trung Quốc là 大元 Đại Nguyên, có nghĩa là “mênh mông như vũ trụ” để biểu hiện tính chất vũ trụ của nó.26 Và năm 947 hoàng đế Khiết Đan đã đổi tên đế quốc Khiết Đan thành 大辽 Đại Liêu cũng có nghĩa là “vùng đất mênh mông như vũ trụ” và coi đất nước của người Trung Quốc là chư hầu quốc của đế quốc. Người ta cho rằng đó là lần đầu tiên nhà nước Trung Quốc được một đế quốc của người thiểu số phong tước một cách chính thống. 27 Thậm chí còn thú vị hơn, tộc người Mãn Châu Lý đã thống trị Trung Quốc một cách thành công trong gần 300 trăm năm và được người dân ủng hộ. Vua người Mãn Châu Lý đã viết một lá thư cho hoàng đế nhà Minh trước khi tuyên chiến với nhà Minh, trong đó vua Mãn Châu Lý biện hộ về sự công bằng của ông trong khuôn khổ lý thuyết thiên hạ: “Vạn vật từ sâu trùng đến chúng nhân trên đời này đều được tự nhiên sinh thành và nuôi nấng, đâu phải bởi nước ngươi, vì vậy không có gì là của riêng ngươi cả. Vả Trời luôn công bằng làm cho nước ngươi phải chịu quở phạt vì hành động cai trị bất lương của nhà ngươi đối với thiên hạ…Thiên hạ là của người có đức vậy”. 28 Và hoàng đế 雍正 Ung Chính người Mãn Châu Lý đã biện hộ cho tính chính thống của sự cai trị của người Mãn Châu Lý tại Trung Quốc khi bác bẻ lập luận của một người lãnh đạo phong trào phản Thanh phục Minh như sau: 上天厭棄內地無有德者, 方眷命我外夷爲內地主 Thượng thiên yếm khí nội địa vô hữu đức giả, phương quyến mệnh ngã ngoại di vi nội địa chủ. Dịch nghĩa: Trời cao ghét bỏ đứa vô đức cai trị Trung Nguyên, nên đã ban mệnh cho kẻ ngoại di ta làm chủ đất này.  雍正: 大義覺迷錄,1: Ung Chính: Đại nghĩa Giác mê lục, Quyển1. 29 Có thể nói rằng các triều đại sau nhà Tần là đế quốc thiên hạ phi chuẩn vì sự kết hợp không tương thích về hệ tư tưởng thiên hạ của nó với chế độ quân chủ. Trong xã hội cổ truyền Trung Quốc dường như người Trung Quốc  vừa có “ý thức thiên hạ”, lại vừa có “ý thức địa phương”, nhưng gần như không có hề có ý thức dân tộc chủ nghĩa.  Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đã phát triển sau thất bại về tay người Anh năm 1840 và cuối cùng đã sản sinh ra cuộc cách mạng hiện đại năm 1911 để tái đồng nhất Trung Quốc thành một nhà nước/dân tộc trong khuôn viên hệ tư tưởng phương Tây. Ở Trung Quốc ngày nay ý thức thiên hạ đôi khi là vô thức, vẫn tồn tại dai dẳng như một khuôn khổ triết học cho tư duy dưới hình thức một đại tự sự hoặc một vĩ quan về thế giới, nói cách khác khuynh hướng tái tư duy một sự vật nhỏ trong một bối cảnh lớn của toàn bộ thế giới chứ không phải là trong bối cảnh địa phương.      

3. Hòa bình là Mục tiêu của Đế quốc Thiên hạ

Cứu cánh tính hoặc mục đích của đế quốc thiên hạ là hoàn bình cho toàn thế giới. Trong triết học Trung Quốc, hòa bình không phải là một câu hỏi mà là một vấn đề. Vì vậy, một vấn đề duy nhất về hòa bình cần phải được thảo luận trong triết học Trung Quốc là vấn đề về các điều kiện cho hòa bình. Khái niệm đế quốc hướng tới hòa bình làm cho đặc trưng của triết học chính trị Trung Quốc như một lý thuyết chính trị học nào đó mang tính phản chính trị theo nghĩa nó không còn là chính trị học nữa nếu như thế giới được hưởng một nền hòa bình tuyệt toàn như Carl Schmitt đã chỉ ra.30 Và khái niệm Trung Quốc về chính trị có thể được tuyên là phương pháp luận 化敵為友 hóa địch vi hữu, “biến thù thành bạn”, hoàn toàn trái ngược với khái niệm của Carl Schmitt về chính trị như là sự nhận ra kẻ thù, trong đó nhiệm vụ của chính trị được coi là “phân biệt giữa bạn và thù”.  Từ 和平 hòa bình trong tiếng Trung Quốc là rất tương hợp, nhưng lại không đồng nhất với từ peace hòa bình trong tiếng Anh và các tiếng phương Tây khác. 和平 hòa bình có cấu trúc ngữ nghĩa phức tạp hơn nhiều. Trong cách cấu tạo từ của tiếng Trung Quốc, 和平 hòa bình gồm hai từ độc lập nhưng lại là những đơn vị nghĩa có mối liên quan là hòa và bình. Riêng chữ bình chính xác đã có nghĩa hòa bình như từ peace không hơn, không kém. Nó thực sự có nghĩa là tình trạng không có chiến tranh hoặc chiến tranh đã kết thúc, mối quan hệ mật thiết giữa chúng dân hoặc các nước và cũng yên bình như tự do không còn lo âu, sợ hãi, hoàn toàn trùng hợp với cái có nghĩa là hòa bình trong từ peace tiếng Anh và các từ hòa bình khác của phương Tây. Nhưng tại sao lại sử dụng 和平 hòa bình thay vì chỉ có bình? Về vấn đề này, thực sự có chứa đựng ý nghĩa triết học chứ không đơn giản chỉ là một lựa chọn cách thể hiện.   hòa có nghĩa là hài hòa. Vì vậy 和平 hòa bình có nghĩa là “hài hòa vì vậy mà có bình yên” trong cách hiểu kinh nghiệm chủ nghĩa, hoặc “hài hòa sau đó là bình yên” theo cách diễn giải về cấu trúc ngữ nghĩa của 和平 hòa bình, bằng cách chỉ rõ mối quan hệ logic hàm ẩn điều kiện là “chỉ có bình yên khi có hài hòa” hoặc mối quan hệ nhân quả là “trạng thái yên bình theo sau trạng thái hài hòa”. Vì vậy rõ ràng là hài hòa chứ không phải là yên bình mới là cái nổi bật theo cách Trung Quốc. Tất nhiên yên bình luôn luôn, nếu không nói là đương nhiên, phải được coi là hệ quả của hài hòa. Một hàm ẩn khác là việc ngoại trừ hòa bình không dựa trên điều kiện hài hòa, cho dù trong một số trường hợp khác, nó vẫn có thể, chẳng hạn như một loại yên bình kiểu cân bằng Nash giống như tình trạng Chiến tranh Lạnh chẳng hạn.  Thế có nghĩa là hòa bình không dựa trên điều kiện hài hòa thì không phải là hòa bình thực sự. Có vẻ như yên bình được hiểu theo cách 和平 hòa bình nhấn mạnh được thực tính chứ không phải là hiện tượng của hòa bình. Từ cấu trúc ngữ nghĩa của nó, 和平 hòa bình có thể được coi là một lý thuyết hơn là một khái niệm về hòa bình. 31 Hài hòa được coi là Đạo của tự nhiên, vì vậy mà trở thành phương thức cơ bản của đời sống con người. Triết học Trung Quốc thể hiện là một loại tự nhiên chủ nghĩa trong đó có một nguyên tắc nhân văn cần phải được biện minh bằng cách phát hiện sự nâng đỡ hoặc nền tảng của nó trong phương thức tự nhiên đó vì không có gì là tiên thiên đối với tự nhiên, vì vậy mà các phương thức tự nhiên chỉ là những sự vật tự tạo sinh và tự chứng minh. Vì vậy phải có một quy luật Hài hòa tiên thiên của vạn vật được thể hiện tổng quát như là mối quan hệ qua lại của “âm và dương”, tính đực và tính cái. 32 Như 庄子 Trang Tử đã hiểu việc hài hòa với kẻ khác làm thành “hài hòa thiên hạ”, và phẩm chất của nhân giới là phải theo phẩm chất của sự hài hòa trong tự nhiên. 33 Theo quy luật hài hòa tiên thiên của tự nhiên, chúng ta có mọi lý lẽ để phát triển lập luận siêu vượt cho sự hài hòa của đời sống con người.

Nhưng sự hài hòa trên trái đất này là gì? Câu hỏi này đã được tranh cãi tối thiểu từ 2500 năm trước ở Trung Quốc và nó đã trở thành một vấn đề “minh định giữa hòa (hài hòa) và đồng (giống hệt)”. Như đã được ghi lại trong bộ sử 2500 năm 左傳 Tả truyện, Chiêu công cho rằng ông ta tôn kính những kẻ có cùng quan điểm với ông vì nguyên do là sự giống hệt làm nên hài hòa. Nhưng vị khanh tướng và học giả 晏子 Yến tử (-500 BC) đã kiên trì quan điểm về sự khác biệt thực chất giữa hòa và đồng với lý do hài hòa là sự hỗ tương và trợ giúp giữa các sự vật khác nhau, vì vậy mọi vật đều cần thiết và quan trọng, ngược lại, đồng có nghĩa là sự đồng nhất, vì vậy mà vạn vật trở nên mờ đục. Ông giải thích: hài hòa giống như một bát canh được nấu rất ngon với nhiều loại dưỡng chất khác nhau…Sự hài hòa của các dưỡng chất làm cho bát canh ngon lành vì sự bổ sung và làm tăng độ ngon ngọt của các dưỡng chất…Hài hòa dựa trên điều kiện tồn tại của những khác biệt cũng là tối quan trọng đối với đời sống chính trị trong đó có những khả năng cho những ý tưởng khác nhau đối lập với ý tưởng của kẻ trị vì đến nỗi hàng khanh tướng của ông ta đã phát hiện ra vấn đề và can gián, khuyến cáo, nhằm cải thiện tư tưởng của kẻ trị vì. Nếu bát canh đó chỉ được nấu bằng một chút nước với một chút nước bổ sung thêm thì liệu có ai dùng loại canh đó không? Và tương tự như vậy, nếu bản nhạc chỉ được chơi bằng đàn cầm hoặc đàn sắt tách riêng trong khi lẽ ra hai loại đàn đó phải hòa âm với nhau thì sẽ còn ai thưởng thức bản nhạc đó? Đó chính là nguyên do tại sao mà đối với bất kỳ chính thể nào thì một giọng cũng không bao giờ tốt bằng đa thanh”. 34

Hài hòa không chỉ là cấu trúc tinh tế của những sự vật khác nhau như đã luận ở trên, mà còn là điều kiện cần thiết cho bất kỳ sự vật nào tồn tại và sống sót như sử gia 史伯 Sử Bá đã luận trong một bộ cổ sử khác, gọi là 國語 Quốc ngữ như sau: “hòa làm cho vạn vật hưng thịnh, trái lại đồng làm cho vạn vật lụi tàn. Tình trạng hỗ tương của một vật sẽ cải thiện các vật khác thì được gọi là hòa, và nó đem lại sức sống cho vạn vật và giúp chúng sinh trưởng. Nhưng vạn vật sẽ lụi tàn nếu tất cả đều đồng, giống hệt như nhau…Đơn điệu là tối tăm, nhất dạng tạo thành phi văn hóa, độc vị là nghèo nàn, và đồng - giống hệt, không tạo ra bất cứ giá trị nào”. 35 Quốc ngữ cũng luận rằng nếu vạn vật bị quy giản thành một vật thì vạn vật sẽ suy tàn vì môi trường sống trở nên nghèo kiệt. Vì vậy mới nói: “hài hòa các khác biệt là điều kiện để vạn vật là một cái gì đó”. 36

Hài hòa cần phải được hiểu bằng hữu thể luận về các mối quan hệ Trung Quốc, trong đó không có gì là vật tự nó, mà một cái gì đó phải là chức năng của bất kỳ mối quan hệ nào đó. Các mối quan hệ của vạn vật là điều kiện hữu thể luận cho bất kỳ vật nào được là. “Một sự vật” chỉ là một khái niệm thuần túy được sáng tạo bằng ngôn ngữ để tiện thể hiện. “Một sự vật” là không thực và chỉ được làm thành hiện thực trong mối quan hệ với các sự vật khác bởi nguyên do là một sự vật sẽ được quy giản hoặc giải cấu trúc thành hư vô nếu không có bất kỳ mối quan hệ nào được giả định cho nó. Hài hòa được nhìn nhận là mối quan hệ hữu ích cho sự tồn tại của vạn vật. Vì vậy tư duy Trung Quốc luôn coi hài hòa là điều kiện hữu thể luận cho sự tồn tại của bất cứ vật nào cũng như nó là điều kiện logic cho mỗi vật là nó theo nghĩa thông thường. Căn cứ vào nguyên do đó mà hài hòa được coi là vấn đề chủ chốt cho sự tồn tại của một vật, một gia đình, một xã hội hoặc cả thế giới.

Lý thuyết hài hòa đã được ứng dụng để lý giải trạng thái bình yên của một xã hội hoặc cả thế giới. Quan điểm chủ chốt ở đây là sự bình yên của một xã hội hoặc của cả thế giới cần phải được hiểu là hệ quả hoặc kết quả từ sự hài hòa thay cho mối quan hệ mâu thuẫn từ bình yên đến hài hòa như mọi người thường nghĩ. Chúng ta đã nghe rất nhiều lời kêu gọi hòa bình để tạo ra một thế giới hài hòa hoặc hạnh phúc. Nhưng đối với nỗi thất vọng của chúng ta thì hài hòa của thế giới không bao giờ trở thành hiện thực ngay trong một quốc gia hòa bình. Có một khác biệt cơ bản giữa hai mô thức “bình yên nên có hài hòa” và “hài hòa nên có bình yên”, mặc dù chúng thể hiện bộ phận một vấn đề tròn đầy trong các trạng huống thực. Hài hòa của thế giới, về phương diện logic và hữu thể luận là điều kiện cần và đủ cho bất kỳ một trạng thái hòa bình khả thể nào của thế giới, ngược lại, hòa bình không hề là cái đảm bảo cho hài hòa. Đối với chúng ta, thật quá dễ dàng để hình dung các trường hợp hòa bình giao động, bị cưỡng bách hoặc chỉ là chiêu bài hòa bình cũng như hòa bình mang tính chiến lược với tham vọng, lừa lọc, tuyệt vọng, và giận dữ ẩn giấu, một ngày nào đó sẽ hủy hoại thế giới. Nói tóm lại, hòa bình cũng có thể là giả hòa bình, chẳng hạn như Chiến tranh Lạnh. Và hòa bình cũng có thể không được tự thân tin tưởng. Hầu như tất cả các loại áp bức,  cướp bóc và kiểm soát đều sẽ tiếp tục bằng cách thức mềm hơn trong hòa bình, trong khi mọi loại gian lận, bất công, và căng thẳng lại vẫn còn nguyên không thay đổi. Hòa bình là hư vô hơn trạng thái trì hoãn của các cuộc chiến tranh nếu không có sự hài hòa như là điều kiện tiên quyết. Điều này phải là nguyên do cho các nhà triết học Trung Quốc trong việc nhấn mạnh đến ưu quyền của hài hòa.  

Lý thuyết chính trị của Lão tử thường được gọi là 無為 vô vi đã khẳng định rằng vô vi có thể là nguyên lý chính trị đúng đắn nhất trong việc sáng tạo ra hòa bình trong một cộng đồng. Lý thuyết vô vi dường như là học thuyết chính phủ tối thiểu sớm nhất trong lịch sử, khoảng 2500 năm trước. Vô vi có nghĩa là làm ít thì làm tốt hơn. Và vô vi luôn luôn là hành động không giả tạo. Ông cho rằng tự nhiên không bao giờ làm bất cứ điều gì nhiều hơn mức cần thiết tối thiểu vì vậy mà tự nhiên luôn luôn tốt đẹp nhất hoặc hiệu quả nhất trong các hành động sáng tạo của mình. Và ông tin tưởng rằng vô vi có thể đem lại hòa bình cho vạn vật vì gần như không còn có cạnh tranh nữa. Không may là tư tưởng sáng chói này đã chứng tỏ là không tưởng, như bản thân Lão tử cũng đã thừa nhận nó chỉ có thể hữu dụng trong điều kiện là thiên hạ được tạo thành bằng vô số “quả dân, tiểu quốc”. 37 Với tư cách là một sự kiện lịch sử đế quốc Trung Quốc cổ đại trong hình thức của hệ thống đế chế thiên hạ, chẳng hạn như đế quốc nhà Chu, có khoảng 1000 chư hầu quốc, có thể gọi là các “tiểu quốc” mặc dù không nhỏ bằng tiểu quốc mà Lão tử chủ trương. Và lực lượng quân sự của mỗi tiểu quốc là hạn chế, theo các luật lệ của thể chế thiên hạ, theo một quy mô như vậy thì không có quốc gia nào có quyền lực không được chế ngự để khỏi trở thành nguy hiểm lớn đối với thế giới. Tất nhiên lực lượng quân sự của trung tâm đế quốc và một vài “quốc gia cốt lõi” lớn hơn các tiểu quốc khác nhưng vẫn không hề có khả năng chinh phục thế giới. 38

Có thể tạm kết luận rằng thiên hạ được giả định là một hệ thống cai trị thế giới phổ quát trong một thể chế thế giới siêu vượt hệ thống nhà nước/dân tộc. Và người ta tin rằng tất cả mọi vấn đề chính trị trên toàn thế giới chỉ có thể được giải quyết bằng phương tiện của một thể chế thế giới vì thế giới với tư cách là một thực thể chính trị lớn nhất cao hơn bất kỳ nhà nước nào. Hòa bình thế giới chỉ có thể đến khi có tồn tại một thể chế thế giới để đảm bảo sự hài hòa được coi là điều kiện cho hòa bình. Điều đó có nghĩa là toàn bộ thế giới được cai trị bằng một thể chế thế giới được sáng tạo dưới nguyên tắc hài hòa mà 易經 Kinh dịch gọi là: 万物各正性命,不相悖害,是谓太和 Vạn vật các chính tính mệnh, bất tương bội hại, thị vị thái hòa. Dịch nghĩa: Vạn vật là chính bản thân nó, không bao giờ làm hại lẫn nhau, vì vậy mà trở nên thái hòa. 易傳 Dịch truyện. 39 

4. Một số Khái niệm Liên quan

Giới thiệu tóm tắt các từ có liên quan như sau:

Trời: từ Trời trong tiếng Trung Quốc, theo nghĩa đen là cái vĩ đại nhất trên cao. Triết học Trung Quốc có hữu thể luận tam tài, trong đó trời, đất, và người được coi là ba nhân tố cơ bản. Vì tự nhiên được chia thành trời và đất nên triết học Trung Quốc đã cấp nghĩa và giá trị khác nhau cho chúng. Trời được xác định là: 1) viễn-tự nhiên hoặc vĩ-tự nhiên trong khi đó đất là cận-tự nhiên hoặc vi-tự nhiên; 2) cái tự nhiên có thể không bị kiểm soát, ngược lại đất là cái tự nhiên có thể được biến đổi cho phù hợp với các nhu cầu của chúng ta, vì vậy 3) là cái tự nhiên quyết định vận mệnh của chúng ta trong khi đất là cái tự nhiên được quyết định thành các nguồn lực của chúng ta. Trong tam tài luận Trung Quốc trời, đất và người được giả định từ những viễn cảnh cần thiết ngang nhau để hiểu vạn vật, nhưng luật trời thì lại được coi là biện minh cuối cùng cho vạn vật dựa trên nguyên do là trời là điều kiện tuyệt đối cho mọi loại tồn tại, và là nguồn gốc của mọi biến đổi khả thể đến mức là mọi loại sự vật hoặc tạo vật đều phải chỉnh sửa cho ngay thẳng để có thể đáp ứng được các biến đổi của tự nhiên bởi trời để tồn tại và phát triển. Lập luận siêu vượt này về ưu quyền của trời đưa đến kết quả là nguyên lý tự nhiên luận của việc biểu hiện quan hệ 天人合一 thiên nhân hợp nhất có thể được coi là lý do chủ chốt cho trí tưởng tượng chính trị thiên hạ của Trung Quốc. Thiên hạ phải có thể chế của nó vì trời có các quy luật và trật tự của mình. Thế giới là ở đó và nó là tồn tại lớn hơn một quốc gia, vì vậy mà thế giới phải có thể chế cao hơn và lớn hơn một quốc gia, mặt khác xã hội quốc tế sẽ phải là cái hỗn độn.

天子 Con trời: Thiên hạ phải được hiểu gắn liền với một khái niệm gần gũi khác, đó là 天子 Thiên tử - Con trời về phương diện cấu trúc nó gắn liền với và thuộc về Thiên hạ. Con trời hay Hoàng đế như sau này vẫn gọi 40, về phương diện lý thuyết được ban phong để “君天下曰天子. 詩經, 小雅, 北山, : 溥天之下莫非王土, 率土之濱莫非王臣: Quân thiên hạ viết thiên tử. Thi Kinh, Tiểu nhã, Bắc san, viết: Phổ thiên chi hạ mạc phi vương thổ, suất hổ chi tân mạc phi vương thần. Dịch nghĩa: Làm vua thiên hạ thì gọi là thiên tử. Kinh Thi, Tiểu Nhã, Bắc San nói: dưới gầm trời này đều là đất vua, trên mặt đất này đều là chúng vua. 禮記,曲禮下 Lễ kí, Khúc Lễ hạ. 41 Vì thế giới thiên hạ có nghĩa tiên thiên là “ngôi nhà” của vua, và không có gì trên thế giới này ở bên ngoài ngôi nhà của vua”. 42  Nguyên lý chủ chốt đối với hoàng đế Trung Quốc là 無外 vô ngoại, có nghĩa là 1) không một quốc gia nào ở bên ngoài; 2) không có dân tộc nào phải bị đối xử là người ngoài hoặc dị giáo. Vì vậy điều đó có nghĩa là một đế quốc phải là một đế quốc phổ quát, và một thể chế không thể được gọi là đế quốc phổ quát trừ phi nó là một thể chế có thể chịu trách nhiệm với toàn bộ thế giới và vì toàn bộ con người trên thế giới này, có nghĩa là một thể chế đem lại lợi ích phổ quát và được tất cả mọi người trên thế giới chấp nhận.

Một vấn đề tối quan trọng khác là con trời làm mà không . Nói cách khác người ta có thể tự khẳng định vận mệnh của mình như là thiên mệnh ban cho nhưng phải được tái khẳng định là con trời khi, và chỉ khi có bằng chứng để chứng tỏ phẩm chất của kẻ đó, có nghĩa là hệt như Mạnh tử đã luận: 桀紂之失天下也, 失其民也, 失其民也, 失其心也 Kiệt Trụ chi thất thiên hạ dã, thất kì dân dã, thất kì dân dã, thất kì tâm dã. Dịch nghĩa: Kiệt Trụ mất thiên hạ là do mất dân, mất dân vì đánh mất lòng dân. 孟子, 失天下也章: Mạnh tử, thất thiên hạ dã chương. Và Kinh Lễ cũng nói rõ: 得衆則得國,失衆則失國 Đắc chúng tắc đắc quốc, thất chúng tắc thất quốc. Dịch nghĩa: Được chúng tất được nước, mất chúng tất mất nước. 禮記, 大學 Lễ kí, Đại học. 43 Lão tử, người sáng lập Đạo giáo cũng đã chỉ rõ: 以正治國, 以奇用兵, 以無事取天下 Dĩ chính trị quốc, dĩ kì dụng binh, dĩ vô sự thủ thiên hạ. Dịch nghĩa: Trị quốc bằng chính trị, đánh thắng bằng phép dụng binh, nhưng muốn nắm được thiên hạ thì phải lấy vô sự mà làm. 老子, 57, : Lão tử, Chương 57. 44 Vì vậy thiên tử không thể là một hoàng đế đã được khẳng định trước, mà kẻ đó chỉ có thể là thiên tử khi được chúng dân chấp nhận. Và việc viện vào bằng chứng ủng hộ của chúng dân cũng trở thành lý do có thể biện minh cho chúng phát động một cuộc cách mạng, một sự “viết lại thiên mệnh” trong khuôn khổ Trung Quốc, khi một đế quốc tỏ ra là độc ác với chúng. Tư duy Trung Quốc nói chung tin rằng việc lựa chọn của chúng dân luôn trùng hợp với thiên mệnh, chính vì vậy mới nói:  民之所欲,天必從之 Dân chi sở dục, thiên tất tòng chi. Dịch nghĩa: Trời tất theo đòi mong muốn chúng dân. 尚書/泰誓 Thượng thư/ Thái thệ. 湯武革命, 順乎天而應乎人Thang Vũ cách mệnh, thuận hồ thiên nhi ứng hồ nhân. Dịch nghĩa: Cuộc cách mạng của Thang Vũ thuận lòng trời, ứng hợp lòng người. 易傳: Dịch truyền. 45 Tư tưởng thiên nhân tương dữ có một ưu thế to lớn cho việc kiểm chứng tính chính thống của một chế độ cai trị.

Vương đạo và Bá đạo 王道與霸道

Các nhà tư tưởng Khổng giáo đã xác định riêng biệt hai cách thống trị thế giới và cũng để minh định thực tính của đế quốc thiên hạ. Nói chung, sự cai trị thiên hạ nhằm đem lại lợi ích phổ quát cho tất cả mọi người bằng phương tiện thể chế công bằng trên toàn thế giới được gọi là王道 vương đạo46, ngược lại lối cai trị bằng sức mạnh của quyền lực thì được gọi là 霸道 bá đạo. 47 Và Vương đạo được coi là chính thống của đế quốc thiên hạ với tư cách là một hệ thống thế giới lý tưởng, ngược lại với bá đạo là hệ thống đối lập, vì vương đạo chính là “điều mà chúng dân mong muốn”. 48 Các nhà tư tưởng Trung Quốc đã cố gắng mà không lập luận được một cách hoàn chỉnh rằng đức hạnh của thiên tử luôn luôn đi cùng với tính chính thống chính trị của kẻ đó và thậm chí còn trùng khớp với sự thống trị của nó bằng mối quan tâm chiến lược nếu khái niệm thành công được hiểu theo nghĩa dài hạn, vì chỉ có cách duy nhất để giữ cho đế chế được dài lâu là chiếm được lòng chúng.49 Lý thuyết phản bá đạo có thể được coi là lý thuyết trò chơi sớm nhất theo quan niệm hiện đại. 50 Toàn bộ các đế quốc phương Tây gồm cả đế quốc La Mã, đế quốc Anh, và đế quốc Mỹ đều có thể được xếp hạng là các đế quốc bá đạo theo cách hiểu của người Trung Quốc. Ưu quyền của Vương đạo vẫn còn là một vấn đề cho việc lập luận về tính công bằng và lương thiện đảm bảo cho thành công cuối cùng đã không bao giờ được chứng minh một cách tối hậu. Thực tế là không phải mọi nhà triết học Trung Quốc đều ưa thích đế quốc trong khuôn khổ Vương đạo. Nhà pháp trị sớm nhất 商鞅 Thương Ưởng, 390-338BC,  một trong số những người đánh giá cao đế quốc bá đạo cho rằng “quyền lực là thứ duy nhất làm cho kẻ trị vì được kính trọng và quốc gia trở nên quan trọng” và các chiến lược gia sử dụng các loại quyền lực khác nhau trong các tình huống khác nhau đã phát hiện ra rằng “tri thức có thể trở thành cách cai trị khi chúng dân vẫn chưa được khai sáng, còn sức mạnh trở thành cách cai trị duy nhất khi chúng dân đã được khai sáng”.51   

Lễ - Đạo lý của các Quan hệ xã hội

Lễ có nghĩa là các hình thức chuẩn tắc của các mối quan hệ xã hội.52 Nó hàm ý một lý thuyết về thể chế, trong đó các hình thức chính trị và các chuẩn mực đạo đức được coi là một. Và cũng có thể quy chiếu vào các hình thức chính trị, các chuẩn mực đạo đức, các nghi lễ và văn hóa tính trong những bối cảnh khác nhau. Các hình thức chuẩn tắc của các mối quan hệ xã hội chủ yếu đã được hiểu trong khuôn viên quan hệ gia đình vốn luôn được coi là cung cấp một nền tảng tự nhiên, vì vậy mà là bằng chứng tốt nhất cho tình yêu, sự hài hòa và các bổn phận của toàn chúng, vì vậy mà một lập luận đầy đủ “tát cạn thực tính của nhân tính” 53 đến mức nó được khẳng định là thứ duy nhất “mãi mãi không thể bị thay thế”, trong khi tất cả những cách cai trị và tri thức khác có thể bị phế bỏ.54 Trong triết học Trung Quốc có một nguyên tắc nói rằng: “văn hóa tính chỉ được biện minh khi nó tương hợp với các tình cảm của con người”.55  

Các hình thức chuẩn tắc của các mối quan hệ xã hội được coi là nền tảng hoặc các siêu nguyên lý cho thể chế thiên hạ. Như sử gia Tư Mã Quang 司马光, 1019-1086, đã nói: “Bổn phận trọng đại nhất của thiên tử là duy trì được các giềng mối luân thường đạo lý. Thực chất của luân thường đạo lý là việc sắp xếp thể chế về các quyền của một người sao cho tương hợp với bổn phận của kẻ đó. Và việc đảm bảo của sự sắp xếp thể chế là sự thể hiện rõ ràng nhất bằng cách chính danh”.56 Đó là lý thuyết Khổng giáo về chính danh, được coi là triết học chính trị quốc nội. Và còn lý thú hơn nữa, trong lý thuyết các hình thức chuẩn tắc ấy còn có một nguyên lý tổng quát khác cho các quan hệ quốc tế. Đó là nguyên tắc tính tự nguyện được gọi là “một văn hóa không thể được áp đặt vào các văn hóa khác”. Việc diễn giải Kinh lễ đã nói rõ rằng hài hòa có thể được tạo ra dựa trên hai loại điều kiện: “同則相親, 異則相敬….禮者殊事, 合敬者也, 樂者異文, 合愛者也 Đồng tắc tương thân, dị tắc tương kính….Lễ giả thù sự, hợp kính giả dã, nhạc giả dị văn, hợp ái giả dã. Dịch nghĩa: Giống nhau thì tương thân với nhau, khác nhau thì tương kính nhau…Lễ phân biệt rõ sự việc, để rồi tương hợp cung kính vậy; nhạc phân biệt rõ văn hóa, để rồi cùng thương yêu nhau vậy. Lễ kí, Nhạc kí 禮記, 樂記. 57 Thế có nghĩa là đức hạnh rực rỡ của nhân tính chỉ có thể đồng nhất trong sự tương kính các hình thức khác nhau của đời sống. Và niềm tương kính nhau thì chí ít cũng là tương kính tính tự nguyện hoặc quyền tự do của kẻ khác theo đúng văn hóa của kẻ đó. Vì thế mới nói: “, 聞取於人,不聞取人,,聞來學,不聞往教 Lễ, văn thủ ư nhân, bất văn thủ nhân, lễ, văn lai học, bất văn vãng giáo. Dịch nghĩa: Lễ nghe được ở người, không nghe được cũng ở người; Lễ nghe là để học, không phải nghe là để giáo hóa. 禮記,曲禮上 Lễ kí, Khúc Lễ Thượng. 58 Với tư cách là một thứ thước đo sự kiện, đế quốc Trung Quốc hiếm khi cố phổ quát hóa văn hóa của nó mặc dù luôn tự hào, có thể là rất tự hào về “nền văn hóa rực rỡ” của nó.    

_______________________________________

Tác giả: Triệu Đinh dương, Giáo sư Triết học, Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc; sinh năm 1961 tại Quảng Đông, Trung Quốc, tốt nghiệp Đại học Nhân dân Trung Quốc. Các công trình nghiên cứu giai đoạn đầu của Triệu chủ yếu là các đề tài về Siêu triết học và Đạo đức học. Năm 2005, Triệu công bố công trình “Khái niệm Thiên hạ: Nhập môn Lịch sử và Ngữ nghĩa học”; cuốn sách mới nhất của Triệu là “Nghiên cứu về một thế giới tồi tệ, triết học chính trị với tư cách là triết học đầu tiên”, công bố năm 2009.

Nguồn: Zhao Tingyang 2005. The Concept of All-under-heaven: A Semantic and Historical Introduction. Key Words Studies for Transcultura Encyclopedia of Le Robert Vol.1. Empire and Peace - The Chinese Presentations Consisting of A Sementic Introduction, A Philosophical Analysis & An Anthropological Description, Part one.

Ghi chú:

BC* Before Christ: Trước Thiên chúa

Chú thích

1. Chẳng hạn Vương Bột, một thi bút sơ đời Đường đã sáng tạo ra sự kết hợp “Đế quốc”, có nghĩa là đất của Hoàng đế, để tạo ra một loại nghệ thuật thơ trong công trình 江甯吳少府宅餞宴序 Giang Trữ Ngô Thiểu phủ trạch tiễn yến tự. Nhưng đó không phải là một khái niệm hoặc một cách sử dụng chính thức trong tri thức Trung Quốc truyền thống.

2.1895,中日馬關條約,11款曰:本約奉大清帝國大皇帝陛下及大日本帝國大皇帝陛下批准之 Trung Nhật Mã Quan Điều ước, đệ 11 khoản viết: bản ước phụng Đại Thanh Đế quốc Đại Hoàng đế bệ hạ cập đại nhật bản đế quốc đại Hoàng đế Bệ hạ phê chuẩn chi. Và trong bài chú của Lương Khải Siêu 少年中國說 Thiếu niên Trung Quốc thuyết năm 1900, ông viết: Người Nhật thường nói về Trung Quốc như một nước lớn nhưng là đế quốc già nua, theo cách nói của người Tây Dương”. Điều đó dường như chỉ rõ rằng từ Trung Quốc hiện đại để chỉ đế quốc có nguồn gốc từ định nghĩa phương Tây theo cách dịch của người Nhật.

3. Tư tưởng Tam tài Thiên Địa Nhân được cho là ba viễn kiến cơ bản 易經/系辭下: 有天道焉, 有人道焉, 有地道焉 Dịch kinh, Hệ từ hạ: hữu thiên đạo yên, hữu nhân đạo yên, hữu địa đạo yên, có các mối tương tác qua lại theo nguyên tắc hài hòa, nhưng lại không đồng nhất về thực tính đến mức là suy hco cùng đó không hề là một Tam vị Nhất thể. Vì vậy tôi gọi khuôn viên tam tài/nhất tính ấy là Tam luận. Nhà sử học Li Ling cũng chỉ rõ khuôn viên Trung Quốc của Tam tài/Nhất tính có nghĩa là “tam tính từ nhất tính” và “tam tính trong nhất tính”, nhưng không phải là một cấu trúc tam vị nhát thể theo nghĩa phương Tây, mặc dù nó đã được sử dụng để dịch khái niệm tam vị nhất thể của phương Tây từ thời nhà Đường. 李零: 中國方術續考, 東方出版社 Lí Linh: Trung Quốc phương thuật tục khảo, Đông Phương Xuất bản xã, 2000,p.247.

4. Địa được coi là có vai trò quan trọng trước hết, như người Trung Quốc luôn luôn lập luận, vì dân tộc tính của Trung Quốc là nông nghiệp, 呂氏春秋/審時: 夫稼, 爲之者人也, 生之者地也, 養之者天也  Lữ thị xuân thu, Thẩm Thì: phu giá, vi chi giả nhân dã, sanh chi giả địa dã, dưỡng chi giả thiên dã, nông nghiệp có nghĩa là sức lao động của con người, sự hỗ trợ của đất và lòng bao dung của trời.

5. Vào khoảng 2500 năm trước một vị Công hỏi khanh tướng Quản Tử, ?—645BC, một học giả uyên thâm, là đất rộng đến mức nào, Quản tử đã trả lời là đất hình vuông với 28 nghìn dặm từ đông sang tây, 26 nghìn dặm từ bắc đến nam. Dặm Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với dặm Anh và bằng ½ km. 管子/地数: 地之东西二万八千里, 南北二万六千里 Quản tử, Địa sổ: địa chi đông tây nhị vạn bát thiên lí, nam bắc nhị vạn lục thiên lí.

6. Khái niệm chín châu tương tự nhưng lại đôi chút khác với các sự vật được nói đến trong các văn bản tối cổ của Trung Quốc, chẳng hạn như 尚書/禹貢, 周禮/夏官/職方 Thượng thư, Vũ Cống, Chu lễ, Hạ quan, Chức phương, và 爾雅/釋地 Nhĩ nhã, Thích địa, vì sự khác biệt về tri thức và việc phân chia. Có bằng chứng cho thấy người Trung Quốc ưa thích phương pháp luận phân chia thành 9 phần đến mức là trời cũng được chia thành “cửu dã”. Xem 淮南子/天文: 天有九野, 地有九洲 Hoài Nam tử, Thiên văn: Thiên hữu cửu dã, địa hữu cửu châu.

7. See 史記, 74, p.2344 Xem Sử ký, quyển 74, tr.2344.

8. Một vấn đề tri thức luận có liên quan đến nghĩa của một từ là ở chỗ không có gì là chắc chắn nếu chúng ta quyết định nghĩa của một từ bằng vật quy chiếu kinh nghiệm chủ nghĩa hoặc có chủ đích. Tôi cho rằng quy chiếu có chủ đích xác định nghĩa của từ. Giả sử trường hợp tôi tính nhầm con số “toàn bộ người tham gia cuộc hội nghị” không có nghĩa là “toàn bộ người tham gia” có con số nhầm lẫn như là điều được nói đến.

9. 史記,6,秦始皇本紀:西涉流沙,南盡北戶, 東有東海, 北過大夏, 人迹所至, 無不臣者. Sử Kí, Quyển 6, Tần Thủy Hoàng bản kỉ: Tây thiệp lưu sa, nam tận bắc hộ, đông hữu đông hải, bắc quá đại hạ, nhân tích sở chí, vô bất thần giả.  

10. 荀子,王霸: 取天下者,非負其土地而從之之謂,道足以壹人而已矣. Tuân tử, Vương Bá: Thủ thiên hạ giả, phi phụ kì thổ địa nhi tòng chi chi vị, đạo túc dĩ nhất nhân nhi dĩ hĩ.  

11. 孟子, 民爲貴章: 民爲貴,社稷次之, 君爲輕. 是故得乎丘民而爲天子; 孟子, 失天下也章: “桀紂之失天下也, 失其民也, 失其民也, 失其心也 Mạnh tử, Dân vi quý chương: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Thị cố đắc hồ khâu dân nhi vi thiên tử; Mạnh tử, Thất Thiên hạ dã Chương: “Kiệt Trụ chi thất thiên hạ dã, thất kì dân dã, thất kì dân dã, thất kì tâm dã”…

12. 禮記, 大學: 得衆則得國, 失衆則失國 Lễ kí, Đại học: Đắc chúng tắc đắc quốc, thất chúng tắc thất quốc.

13. Nhà triết học Trung Quốc 梁漱溟 Lương Thấu Minh cho rằng Trung Quốc cổ đại đã tự phát triển thành một “thế giới” hơn là một “quốc gia”. Xem 梁漱溟學術論著自選集, 北京師範大學出版社 Lương Thấu Minh, Học thuật luận Trứ tự Tuyển tập, Bắc Kinh Sư phạm Đại học Xuất bản xã,1992, p.332.

14. Hệ thống các loại hình hoặc đơn vị chính trị Khổng giáo luôn nổi bật ba sự vật chủ chốt là Thiên hạ, Quốc gia và Gia tộc theo trật tự tương ứng là Lớn nhất, Trung bình và Cơ sở. Nhưng Đạo giáo lại chú ý đến nhiều sự vật hơn, gồm có bản thân, gia tộc, làng xóm, quốc gia, và thiên hạ, vì Đạo giáo ít nhiều thiên về  chủ nghĩa cá nhân hơn. Tất nhiên Khổng giáo cũng biết rõ tầm quan trọng của bản thân, nhưng nó cho rằng vấn đề bản thân là thuộc về phạm trù đạo đức hơn là chính trị. Cấu trúc Thiên hạ, Quốc gia và Gia tộc đã trở thành nguyên lý chung nhất còn vì sự thành công to lớn hơn của Khổng giáo ở Trung Quốc. Xem 孟子,離婁上:人有恒言皆曰天下國家,天下之本在國,國之本在家,家之本在; 道德經, 54: “以身觀身, 以家觀家, 以鄉觀鄉, 以邦觀邦, 以天下觀天下 Mạnh tử, Li Lâu thượng: Nhân hữu hằng ngôn giai viết thiên hạ quốc gia, thiên hạ chi bản tại quốc, quốc chi bản tại gia, gia chi bản tại thân; Đạo Đức kinh, 54 Chương “Dĩ thân quan thân, dĩ gia quan gia, dĩ hương quan hương, dĩ bang quan bang, dĩ thiên hạ quan thiên hạ”.

15. Trong giai đoạn sớm của Trung Quốc, có một số tên gọi cho người trị vì cao nhất, chẳng hạn như 天子 Thiên tử, Vương,  Hoàng. Hoàng không có nghĩa là vua của một nước, mà là kẻ thống trị toàn thế giới. Năm 221, Thủy hoàng đế nhà Tần đã sáng tạo ra tên gọi mới là 皇帝 Hoàng đế cho bản thân mình, vì ông nghĩ rằng tên gọi mới này có vẻ chói lọi và oai nghiêm hơn.

16. Một loại chư hầu quốc trong thời cổ đại đã xuất hiện tương tự với một thành bang Hy Lạp về nhiều phương diện chứ không phải là tất cả. Từ cổ nhất để chỉ nhà nước ở Trung Quốc là thành, có nghĩa là một thành thị được quân đội bảo vệ, còn vùng đất bên ngoài thành thì gọi là dã, và sau này có thêm từ tường hoặc ranh giới xung quanh thành, đó là chữ vi, bao quanh chữ thành để có chữ quốc là quốc gia, đất nước. Một chư hầu quốc được coi là một thành viên trong một đế quốc giống như một gia đình.

17. 國語, 周語上, : 夫先王之制, 邦內甸服, 邦外侯服, 侯衛賓服, 夷蠻要服, 戎狄荒服. 周禮, 夏官, 大司馬, : 方千里曰國畿, 其外方五百里曰侯畿, 又其外方五百里曰甸畿, 又其外方五百里曰男畿, 又其外方五百里曰采畿, 又其外方五百里曰衛畿, 又其外方五百里曰蠻畿, 又其外方五百里曰夷畿, 又其外方五百里曰鎮畿,又其外方五百里曰番畿”,又可參見尚書/禹貢及尚書, 酒誥. Quốc ngữ, Chu ngữ thượng viết: “phu tiên vương chi chế, bang nội điện phục, bang ngoại hầu phục, hầu vệ tân phục, di man yếu phục, nhung địch hoang phục”. Chu lễ, Hạ quan, Đại ti mã” viết: “phương thiên lí viết quốc kì, kì ngoại phương ngũ bách lí viết hầu kì, hựu kì ngoại phương ngũ bách lí viết điện kì, hựu kì ngoại phương ngũ bách lí viết nam kì, hựu kì ngoại phương ngũ bách lí viết thải kì, hựu kì ngoại phương ngũ bách lí viết vệ kì, hựu kì ngoại phương ngũ bách lí viết man kì, hựu kì ngoại phương ngũ bách lí viết di kì, hựu kì ngoại phương ngũ bách lí viết trấn kì, hựu kì ngoại phương ngũ bách lí viết phiên kì”. Hựu khả tham kiến Thượng thư, Vũ cống cập Thượng thư, Tửu cáo”.    

18. Nhà sử học 钱穆 Tiền Mục nói rằng chỉ có một nhân vật nổi tiếng, Khuất Nguyên mới là một nhà dân tộc chủ nghĩa ngoại lệ trung thành với quốc gia của ông. Xem 中國文化史導論, 商務 Trung Quốc văn hóa sử đạo luận, Thương vụ,1994, p.49.

19. Toàn bộ các chi tiết  của nhiều câu chuyện thú vị về loại này đã được ghi lại trong 史記 Sử ký, một bộ đại sử của Trung Quốc do Tư Mã Thiên 145-96BC biên soạn.

20. 道德經,54 Đạo đức kinh, chương 54.

21. 易賁: ,,彖傳: 觀乎天文, 以察時變, 觀乎人文, 以化成天下 Dịch, bí, thoán truyền: quan hồ thiên văn, dĩ sát thì biến, quan hồ nhân văn, dĩ hóa thành thiên hạ.

22. Nhà sử học  許倬雲 Hứa Trác Vân cho rằng cộng đồng lớn của Trung Quốc với tính văn hóa thống trị được chấp nhận rộng rãi cuối cùng đã được thành lập ở đời nhà Chu. Xem 西周史, 三聯 Tây Chu sử, Tam liên, 2001.

23. Các chi tiết của hệ thống hành chính nhà Tần có thể thấy rõ trong công trình gần đây 中國政治制度通史,白鋼主編, 人民出版社 Trung Quốc Chính trị Chế độ Thông sử, Bạch Cương chủ biên, Nhân dân Xuất bản xã, 1996.

24. 明夷待訪錄, 原法. Minh Di đãi phóng lục, Nguyên pháp. 

25. 孟子, 離婁下: ...東夷之人也, 文王西夷之人也 Mạnh tử, Li Lâu hạ: Thuấn...Đông Di chi nhân dã, Văn Vương…Tây Di chi nhân dã…

26. Xem 元史, 7, 世祖紀4, 建國號誥; 國朝文類, 40, 經世大典序錄/帝號 Xem: Nguyên sử, Quyển7, Thế tổ Kỉ 4, Kiến quốc hào cáo; Quốc triêu Văn loại, Quyển 40, Kinh thế Đại điển Tự lục, Đế hào.  

27. Xem 遼史/4, 太宗本紀 Cf. Liêu sử, Quyển 4, Thái tông Bản kỉ.

28. 清入關前史料選輯,1, 中國人民大學出版社 Thanh nhập quan tiền sử liệu tuyển tập,1, Trung Quốc Nhân dân Đại học Xuất bản xã, 1984, pp. 289-296.

29. 雍正: 大義覺迷錄/1: 上天厭棄內地無有德者, 方眷命我外夷爲內地主 Ung Chính: Đại nghĩa Giác mê lục, Quyển1: Thượng thiên yếm khí nội địa vô hữu đức giả, phương quyến mệnh ngã ngoại di vi nội địa chủ.

30. Carl Schmitt: Der Begriff des Politischen, Về Khái niệm Chính trị, Munchen & Leipzig, 1932, p.54.

31. Không chỉ có trường hợp 和平 hòa bình, mà còn nhiều từ tiếng Trung Quốc khác là những lược đồ lý thuyết vì các đặc trưng khác thường của ngôn ngữ Trung Quốc trong đó các từ không chỉ là các biểu tượng mà còn là những “bức tranh” hoặc “hình tượng” được đưa ra để có được năng lực ngữ nghĩa to lớn và mền dẻo hơn nhiều. Có vẻ như triết học Trung Quốc gắn kết chặt chẽ với ngôn ngữ mà việc dịch luôn làm nghèo đi vì bỏ mất ngữ nghĩa cấu trúc của tiếng Trung Quốc.    

32.易经/系辞上传:一阴一阳谓之道;易经/说卦:立天之道曰阴阳;老子:万物负阴而抱阳,冲气以为和.淮南子/天文训:道始于一,一而不成, 故分而为阴阳, 阴阳合和而万物生. 管子: 和乃生, 不和不生. Dịch Kinh, Hệ từ Thượng truyện: Nhất âm nhất dương vị chi đạo; Dịch Kinh/ Thuyết quái: lập thiên chi đạo viết âm dương; Lão tử: vạn vật phụ âm nhi bão dương, trùng khí dĩ vi hòa. Hoài Nam tử/ Thiên Văn huấn: đạo thủy vu nhất, nhất nhi bất thành, cố phân nhi vi âm dương, âm dương hợp hòa nhi vạn vật sanh. Quản tử: hòa nãi sinh, bất hòa bất sinh.

33.庄子/天道:夫明白于天地之德者,此之谓大本大宗,与天和者也;所以均调天下, 与人和者也. 与人和者, 谓之人乐; 与天和者, 谓之天乐. Trang tử/ Thiên đạo: Phu minh bạch vu thiên địa chi đức giả, thử chi vị đại bản đại tông, dữ thiên hòa giả dã; sở dĩ quân điều thiên hạ, dữ nhân hòa giả dã. Dữ nhân hòa giả, vị chi nhân nhạc; dữ thiên hòa giả, vị chi thiên nhạc.

34.左传/昭公20:公曰:和与同异乎?对曰:.和如羹焉,….宰夫和之,齐之以味,济其不及,以泄其过….君臣亦然,君所谓可,而有否焉,臣献其否,以成其可;君所谓否,而有可焉,臣献其可,以去其否.是以政平而不干….若以水济水,谁能食之? 若琴瑟之专一,谁能听之?同之不可也如是. Tả truyện/ Chiêu công 20 niên: Công viết: Hòa dữ đồng dị hồ? Đối viết: dị. Hòa như canh yên,…. Tể phu hòa chi, tề chi dĩ vị, tể kì bất cập, dĩ tiết kì quá…. Quân thần diệc nhiên, quân sở vị khả, nhi hữu phủ yên, thần hiến kì phủ, dĩ thành kì khả; Quân sở vị phủ, nhi hữu khả yên, thần hiến kì khả, dĩ khứ kì phủ. Thị dĩ chính bình nhi bất can… Nhược dĩ thủy tể thủy, thùy năng thực chi? Nhược cầm sắt chi chuyên nhất, thùy năng thính chi? Đồng chi bất khả dã như thị.

35. 国语/郑语: 夫和实生物, 同则不继. 以他平他谓之和, 故能丰长而物生之, 若以同裨同, 尽乃弃矣….声一无听, 物一无文, 味一无果, 物一不讲. Quốc ngữ/ Trịnh ngữ: Phu hòa thật sinh vật, đồng tắc bất kế. Dĩ tha bình tha vị chi hòa, cố năng phong trường nhi vật sinh chi, nhược dĩ đồng bì đồng, tẫn nãi khí hĩ…. Thanh nhất vô thính, vật nhất vô văn, vị nhất vô quả, vật nhất bất giảng.  

36. 礼记/乐记: 和故百物不失. Lễ kí, Nhạc kí: hòa cố bách vật bất thất.

37. Xem 老子: 道德经. Lão tử, Đạo đức kinh.

38. Theo Lịch đại Binh chế của Trần Phó Lương 1137-1203, thì trong thời nhà Chu, binh lực của đế chế mạnh hơn 2 lần so với binh lực chư hầu quốc mạnh nhất, ba lần so với chư hầu quốc trng bình, và sáu lần so với chư hầu quốc nhỏ nhất. 陈傅良: 历代兵制. Trần Phó Lương: Lịch đại Binh chế.  

39. 易传/, : 万物各正性命, 不相悖害, 是谓太和 Dịch truyện/Can, viết: Vạn vật các chính tính mệnh, bất tương bội hại, thị vị thái hòa. 

40. Trong lịch sử 4 hoặc 5 nghìn năm của Trung Quốc, thời Hoàng đế Tần là kẻ đã tự định danh là “Thủy hoàng đế”, hoàng đế đầu tiên vào năm 221 BC, còn vua nói chung được gọi là Thiên tử, con trời và được thể hiện bằng thuật ngữ Hoàng đế.

41.禮記,曲禮下, : 君天下曰天子. 詩經, 小雅, 北山, : 溥天之下莫非王土, 率土之濱莫非王臣 Lễ kí, Khúc Lễ hạ, viết: Quân thiên hạ viết thiên tử. Thi Kinh, Tiểu nhã, Bắc san, viết: Phổ thiên chi hạ mạc phi vương thổ, suất hổ chi tân mạc phi vương thần..

42.蔡邕,獨斷/卷上, : 天子無外, 以天下爲家; 司馬遷, 史記, 8, 高祖本紀, 亦曰:天子以四海爲家.龔自珍, 龔定庵全集類編, 五經大義終始答問七, 又曰: 聖無外,天亦無外者也.司馬光, 資治通鑒, 27, 漢紀19, 引荀悅曰: 春秋之義, 王者無外,欲一於天下也. Thái Ung, Độc đoạn/Quyển thượng, viết: Thiên tử vô ngoại, dĩ thiên hạ vi gia; Tư Mã Thiên, Sử kí, Quyển8, Cao Tổ Bản kỉ, Diệc viết: Thiên tử dĩ tứ hải vi gia. Cung Tự trân, Cung Định am Toàn tập loại biên, Ngũ kinh Đại nghĩa chung thủy đáp vấn thất, hựu viết: Thánh vô ngoại, Thiên diệc vô ngoại giả dã. Tư Mã Quang, Tư Trị Thông giám, Quyển27, Hán kỉ 19, Dẫn Tuân Duyệt viết: Xuân Thu chi nghĩa, vương giả vô ngoại, dục nhất ư thiên hạ dã.

43. Mạnh tử cho rằng dân là quý, thứ đến là đất đai, sản vật, còn địa vị cai trị nên được xem nhẹ. Ông luôn kiên trì quan điểm cho rằng kẻ làm vua đánh mất vương quốc của mình, vương vị của mình vì kẻ đó đã đánh mất lòng chúng dân, và kẻ đó đánh mất lòng chúng dân vì kẻ đó đã đi ngược lại với lòng chúng dân. Việc diễn giải Lễ kinh cũng nói rõ: chỉ có thể có được đất nước mà cai trị khi có được lòng chúng  dân; chắc chắn sẽ để mất đất nước và địa vị cai trị khi đánh mất lòng chúng dân. Xem 孟子, 民爲貴章: 民爲貴, 社稷次之, 君爲輕. 是故得乎丘民而爲天子; 孟子, 失天下也章: 桀紂之失天下也, 失其民也, 失其民也, 失其心也; 禮記, 大學: 得衆則得國,失衆則失國. Mạnh tử, Dân vi quý chương: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Thị cố đắc hồ khâu dân nhi vi thiên tử; Mạnh tử, thất thiên hạ dã chương: Kiệt Trụ chi thất thiên hạ dã, thất kì dân dã, thất kì dân dã, thất kì tâm dã; Lễ kí, Đại học: đắc chúng tắc đắc quốc, thất chúng tắc thất quốc. 

44.老子, 57, : 以正治國, 以奇用兵, 以無事取天下. Lão tử, 57 chương, viết: dĩ chính trị quốc, dĩ kì dụng binh, dĩ vô sự thủ thiên hạ.

45.尚書/泰誓: 民之所欲, 天必從之; 易傳: 湯武革命, 順乎天而應乎人 Thượng thư/ Thái thệ: Dân chi sở dục, thiên tất tòng chi; Dịch truyền: Thang Vũ cách mệnh, thuận hồ thiên nhi ứng hồ nhân…

46.尚書, 洪范: 無党無偏, 王道平平, 無反無側, 王道正直 Thượng thư, Hồng phạm: Vô đảng vô thiên, vương đạo bình bình, vô phản vô trắc, vương đạo chính trực.

47.孟子, 公孫醜上: 以力假仁者霸, 霸必有大國, 以德行仁者王, 王不待大 Mạnh tử, Công Tôn Sửu thượng: Dĩ lực giả nhân giả bá, bá tất hữu đại quốc, dĩ đức hành nhân giả vương, vương bất đãi đại. 

48.Từ trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là “kẻ được chúng mong muốn”: 王者,民之所往;白虎通義,皇帝王之號: 王者, 往也, 天下所歸  Vương giả, dân chi sở vãng; bạch hổ thông nghĩa, hoàng đế vương chi hào: vương giả, vãng dã, thiên hạ sở quy. 春秋繁露,滅國 Xuân Thu Phồn lộ, diệt quốc.  

49.孟子/離婁上: 得天下有道, 得其民, 斯得天下矣. 得其民有道, 得其心, 斯得民矣: 孟子, 公孫醜上: 以力服人, 非心服也, 力不贍也, 以德服人者, 中心悅而誠服也 Mạnh tử/ Li lâu Thượng: Đắc thiên hạ hữu đạo, đắc kì dân, tư đắc thiên hạ hĩ. Đắc kì dân hữu đạo, đắc kì tâm, tư đắc dân hĩ: Mạnh tử, Công Tôn Sửu thượng: Dĩ lực phục nhân, phi tâm phục dã, lực bất thiệm dã, dĩ đức phục nhân giả, trung tâm duyệt nhi thành phục dã.  

50. Một vài nghiên cứu dường như cũng chứng tỏ, nhưng vẫn chưa chứng tỏ đầy đủ rằng đạo đức có thể giúp cho một kẻ đang ở trong tình trạng bi đát có thể trở thành một kẻ có được lợi thế để cuối cùng sẽ chiến thắng trong cuộc đua tranh. Xem  Axelrod & Hamilton: Evolution of Cooperation (1981), Science, 211.

51.商君書/慎法; 商君書/開塞 Thương Quân thư/ Thận pháp; Thương Quân thư/ Khai tắc.

52. Từ lễ thường được dịch là các nghi lễ, đôi khi như là các lễ thức hoặc các chuẩn mực. Nhưng việc dịch như vậy không đủ nghĩa. K. Folsom đã dịch là hành vi cư xử chuẩn tắc (bạn bè, chủ khách, đồng nghiệp, Chương 1, Univ. of California, 1968). Dịch như vậy đã tốt hơn, nhưng vẫn chưa phải là tốt nhất. Tôi nghĩ phải dịch là “Các hình thức chuẩn tắc của các mối quan hệ xã hội” thì mới đúng.

53. 禮記, 大傳, : 上治祖禰尊尊也, 下治子孫親親也, 旁治昆弟, 合族以食, 序以昭穆, 別之以禮義, 人道竭矣 Lễ kí, Đại truyện, viết: Thượng trị tổ nễ tôn tôn dã, hạ trị tử tôn thân thân dã, bàng trị côn đệ, hợp tộc dĩ thực, tự dĩ chiêu mục, biệt chi dĩ lễ nghĩa, nhân đạo kiệt hĩ..

54.禮記,大傳,:聖人南面而治天下必自人道始矣.立權度量,考文章, 改正朔, 易服色,殊徽號,異器械,別衣服,此其所得與民變革者也.其不可得變革者則有矣, 親親也, 尊尊也, 長長也, 男女有別, 此其不可得與民變革者也 Lễ kí, Đại truyện, viết: Thánh nhân nam diện nhi trị thiên hạ tất tự nhân đạo thủy hĩ. Lập quyền độ lượng, khảo văn chương, cải chánh sóc, dịch phục sắc, thù huy hào, dị khí giới, biệt y phục, thử kì sở đắc dữ dân biến cách giả dã. Kì bất khả đắc biến cách giả tắc hữu hĩ, thân thân dã, tôn tôn dã, trường trường dã, nam nữ hữu biệt, thử kì bất khả đắc dữ dân biến cách giả dã... Chỉ có một số nhà triết học Trung Quốc mới có quan điểm đối lập với nguyên tắc tính gia đình. Chẳng hạn Thương Ưởng cho rằng đạo đức gia đình tính cổ vũ cho tính vị kỷ và các thói xấu hơn là thiện tính và các đức tính khác, và ông cho rằng luật pháp là điều quan trọng nhất. Xem  商君書, 開塞. Thương Quân thư, Khai tắc.  

55. 禮記, 曲禮上 Lễ kí, Khúc Lễ thượng. Có kẻ hỏi Khổng tử tại sao chúng phải theo lễ để tang cha mẹ trong ba năm. Ông trả lời rằng một kẻ bỏ ra ba năm để thờ kinh cha mẹ vì kẻ đó lúc mới sinh đã có ba năm nằm trong vòng tay ôm ấp của cha mẹ, vì vậy ít nhất kẻ đó phải để tang cha mẹ ba năm một cách vô điều kiện để trả ơn cha mẹ đã chăm bẵm kẻ đó vô điều kiện. Xem 禮記, 三年問. Lễ kí, Tam niên vấn.

56. 司馬光: 資治通鑒/1, 周記1 Tư Mã Quang: Tư trị Thông giám/Quyển1, Chu kí 1.

57. 禮記, 樂記, : 同則相親, 異則相敬….禮者殊事, 合敬者也, 樂者異文, 合愛者也 Lễ kí, Nhạc kí, viết: Đồng tắc tương thân, dị tắc tương kính….Lễ giả thù sự, hợp kính giả dã, nhạc giả dị văn, hợp ái giả dã. 

58.禮記,曲禮上, : , 聞取於人,不聞取人,,聞來學,不聞往教 Lễ kí, Khúc Lễ Thượng, viết: Lễ, văn thủ ư nhân, bất văn thủ nhân, lễ, văn lai học, bất văn vãng giáo. 

 

 

 

 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét