Powered By Blogger

Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

Văn bản / Tính văn bản

John Mowitt

Người dịch: Hà Hữu Nga

Đây không phải là một định nghĩa. Tất nhiên là - sau cùng, nó đã xuất hiện trong một cuốn từ điển - tuy nhiên, theo một cách nhất định và thực sự quan trọng, thì lại không phải vậy. Hay nói cách khác, chính xác đến mức văn bản không phải là một ý tưởng, thì đây lại không phải là một định nghĩa. Tất nhiên, văn bản có thể được coi như một ý tưởng, thậm chí có thể là một ý tưởng đã đến thời, nhưng làm như vậy sẽ bỏ sót một điều gì đó quan trọng về văn bản. Trên thực tế, điều mà người ta bỏ lỡ khi coi văn bản như một ý tưởng là sự phản kháng của nó đối với cả chủ nghĩa duy tâm và lịch sử tư tưởng, một sự phản kháng được đánh dấu — tuy nhiên là một cách gián tiếp — bằng hình thức nhất thiết lạc đề của thứ định nghĩa không phải là định nghĩa này.

Từ nguyên

Văn bản / Text có nguồn gốc từ textus (khăn tay) trong tiếng Latinh, xa hơn nữa, nó có nguồn gốc từ động từ texere (dệt), thuộc về một lĩnh vực các giá trị ngôn ngữ liên quan bao gồm việc dệt, cái được dệt nên, kéo sợi và được kéo thành sợi, thực sự là cả tấm vải và dệt vải. Textus trở thành biệt ngữ Châu Âu thông qua tiếng Pháp cổ, xuất hiện dưới dạng texte và giả định mối quan hệ quan trọng của nó với tissu (khăn tay hoặc mảnh vải) và tisser (dệt). Tất cả những liên kết cộng hưởng này đều liên quan đến việc hiểu cách sử dụng từ “văn bản” trong học thuật đương đại, đặc biệt là tác động qua lại giữa các hình thái định danh và khẩu ngữ của nó, một tác động qua lại ghi nhận phẩm chất của cái mà Julia Kristeva gọi là “năng suất”/ tính sản xuất của văn bản, tức là năng lực cho phép và vượt quá sự sản xuất, vật chất hóa sản phẩm.

Sự xuất hiện của văn bản như một khái niệm quan trọng trong học thuật nhân văn đã trải qua nhiều khúc quanh và bước ngoặt. Khi Walter Benjamin, trong bài luận “Hình tượng trong Proust”, của mình mô tả lối viết của Proust như một thứ textum văn bản, một kiểu dệt không khác gì Penelope ban ngày dệt áo, ban đêm tháo sợi đợi chồng trong Odyssey, [Theo sử thi Homer, Odysseus bặt vô âm tín trong cuộc chiến thành Troy; những tưởng chàng đã chết, nhiều kẻ cưỡng dụ Penelope vợ chàng; nàng nhủ sẽ nhận lời khi may xong tấm áo cho cha; trong suốt 20 năm dòng, ngày ngày nàng ngồi dệt áo trước hiên nhà, nhưng đêm đêm lại gỡ tung từng sợi vải để chờ chồng trở về - HHN] ông đã khép lại một truyền thống ít nhất có từ trước Quintilian (khoảng 35–100 SCN), một truyền thống liên kết tác phẩm văn học với một tấm khăn được dệt bằng vô số sợi chỉ. Nếu điều đó khiến liên tưởng Benjamin với việc khép lại truyền thống này, là vì khi nhấn mạnh vào phép biện chứng của việc bện dệt và gỡ rời, ông đã làm nổi bật mối bận tâm chính về cái được gọi là phê bình văn bản. Phê bình văn bản - một dung hội đặc biệt của các thực hành chú giải Kinh thánh, cổ tự học và ngữ văn học ngày nay được liên kết với hình ảnh của nhà ngữ văn người Đức Karl Lachmann (1793–1851) - là một sự nhấn mạnh có tổ chức về mặt thể chế và phần lớn về mặt thần học đối với văn bản như một đối tượng thực nghiệm. Điều này tự thể hiện trong suốt thế kỷ XIV trong các tác phẩm của William Langland, Geoffrey Chaucer, và John Wycliffe (và những người khác) như một mối quan tâm đối với nguyên bản và do đó với tư cách là những chân ngôn trong bất kỳ văn bản nào — thực tế là lời Chúa phán truyền. Văn bản được định nghĩa đối lập với bình luận và chú thích hoặc đối lập với tất cả những gì bổ sung: lời giới thiệu, phụ lục, v.v. Đây là loại văn bản được hiểu như một sự vật, như một cấu hình cụ thể và chính xác của các từ mà ai đó được phép sử dụng để hướng sự chú mục tường giải học của mình vào đó.

Văn bản và Văn bản Ký hiệu học

Năm 1972, Oswald Ducrot và Tzvetan Todorov xuất bản Từ điển Bách khoa Toàn thư Khoa học Ngôn ngữ, thì chính văn bản với tư cách một sự vật, tức là văn bản phê bình văn bản, đã định hướng cho mục đầu tiên trong số hai mục từ của họ về “văn bản”, tập trung vào những cách thức mà văn bản lấp đầy khoảng trống về ngôn ngữ học, tu từ học và phong cách học bằng cách đem lại cho chúng một khái niệm về đơn vị tự trị và khép kín nảy sinh thông qua việc sử dụng riêng lẻ một hệ thống ngôn ngữ. Trên thực tế, “văn bản” trả lời câu hỏi: thứ gì được tạo ra khi một mã ngôn ngữ được sử dụng để tạo ra một thông điệp? Trong đó nó thay thế cho diễn ngôn hoặc hành động nói. Đáng chú ý là, mặc dù Từ điển Bách khoa có mục từ thứ hai về văn bản, nhưng xuất hiện trong phần phụ lục, một loại tài liệu bổ sung thường được phân biệt với văn bản phê bình văn bản. Văn bản này được các tác giả đặt tên là “ký hiệu học”, một mô tả đặc điểm nhằm ghi nhận cách thức khá khác biệt mà loại văn bản thứ hai này gắn với truyền thống và thực hành của học thuật nhân văn.

Trong bài viết cho Encyclopaedia Universalis Bách khoa thư Thế giới vào năm sau, Roland Barthes lặp lại sự phân chia khái niệm văn bản này, khi cho rằng - mặc dù trọng tâm bài viết của ông là xây dựng lý thuyết văn bản ký hiệu học – nhưng ông cũng đã phát hiện được sự phân chia này, nếu không thuyết phục, thì chắc chắn cũng hữu ích. Khuôn cuộc thảo luận của mình vào “cuộc khủng hoảng của dấu hiệu”, Barthes nhắc nhở chúng ta rằng loại văn bản thứ hai có một phả hệ khá khác biệt so với văn bản phê bình văn bản. Trước hết, sự xuất hiện của nó là khá gần đây. Mặc dù nhiều nhà văn có ý nghĩa quan trọng đối với các lý thuyết gia về văn bản ký hiệu học — Stéphane Mallarmé, Honoré de Balzac, Edgar Allan Poe, Comte de Lautréamont, và những người khác — đã viết trong thế kỷ 19, thì việc lý thuyết hóa văn bản mà các công trình của họ đã tạo điều kiện triển khai trong suốt thời hậu chiến ở Pháp. Những năm 1960 là niên đại thường được đưa ra cho sự xuất hiện của loại văn bản thứ hai, và đó là vì vào năm 1960, số đầu tiên của tạp chí rất có ảnh hưởng Tel Quel đã xuất hiện. Mặc dù chắc chắn là trường hợp loại văn bản này và Tel Quel có liên quan mật thiết với nhau, nhưng những hiểu biết sâu sắc về trí tuệ hội tụ trong khái niệm văn bản đã có thể thấy rõ ngay từ những năm 1940. Điều này trở nên rõ ràng nếu người ta so sánh tiểu luận năm 1948 Văn học và Quyền được chết của Maurice Blanchot với Những suy tư về chủ nghĩa hư vô của ông trong phần hai của Chuyện trò Bất tận (1969).

Trong “Những suy tư”, Blanchot đã trình bày rõ ràng cách thức suy ngẫm trước đó của ông về văn học, về sách, tác phẩm và cái chết – phần lớn được khuôn theo nguyên tắc phủ định của Hegel - gần như chuyển đổi dễ dàng thành những mối quan tâm thích đáng về văn bản của Barthes và Jacques Derrida. Thật vậy, dường như ở đây Blanchot đã truy vết một cách chính xác sự chuyển động từ tác phẩm thành văn bản, đã được Barthes xây dựng thành chủ đề rất hiệu quả vào năm 1971. Có lẽ bởi vì Derrida đã mắc nợ Blanchot một cách rõ ràng, nên khó có thể không đọc tiêu đề của phần mở đầu của Luận về Văn tự học - De la grammatologie (1966), “Kết cục của Sách và Khởi đầu của Văn tự," sự hiện diện trên giấy da cừu quan niệm của Blanchot về sự biến mất của văn học và sự vắng mặt của sách. Mặc dù đúng là Blanchot coi chính thuật ngữ “văn bản” là vô thừa nhận (khi thích “công trình” một cách hệ thống), nhưng rõ ràng là sự gắn bó sâu sắc về mặt triết học của ông với đối tượng văn chương đã mở ra cái mà sau này Barthes gọi là “lĩnh vực phương pháp luận” của văn bản ký hiệu học.

Tạp chí Tel Quel

Mặc dù có thể lập luận rằng sự xuất hiện của “Ngôn ngữ đến vô cực” của Michel Foucault (một bài luận công khai đối thoại với Blanchot) trong một số đầu của Tel Quel dẫn đến cuộc chạm trán giữa tờ Tạp chí và khái niệm văn bản, điều này giả định hơn là xác lập sự liên quan của Blanchot. Điều rõ ràng khiến Tel Quel trở nên thích hợp với sự xuất hiện của văn bản là thực tế thì biên tập viên kỳ cựu của tờ Tạp chí, Philippe Sollers, đã ra sức tìm cách dành nguồn lực của tạp chí để phổ biến khái niệm này. Thật vậy, phần lớn thông qua các cuộc tranh luận trí tuệ được Tạp chí khuấy động mà các thuật ngữ văn bản và tính văn bản đã thuộc về nhau. Mặc dù đã ngừng xuất bản vào những năm 1980 (để thành L'infini năm 1982), tờ Tạp chí không chỉ tập hợp tất cả các nhà lý thuyết lớn về văn bản - Barthes, Derrida, Kristeva và Sollers - mà còn nhờ vai trò của nó trong các thể chế quyền lực trí tuệ của Pháp, cho phép văn bản được vật chất hóa và làm như vậy theo cách được ghi dấu ấn bởi các điều kiện xuất hiện của nó. Mặc dù có đặc trưng lý thuyết sâu sắc và kịch liệt, nhưng theo những cách nhất định, văn bản luôn là một hiện tượng “hot”.

Với việc tạo ra hàng loạt ấn bản Tel Quel Editions du Seuil vào năm 1962 (cuối cùng bao gồm các tác phẩm lớn của Barthes, Derrida và Kristeva), khái niệm văn bản không chỉ được phổ biến rộng rãi (nhiều tiêu đề trong loạt ấn bản đã được dịch), mà còn trở thành chủ đề thảo luận tại các cuộc hội thảo chung, hội thảo chuyên đề, và nhờ Apostrophes (dấu lược, dấu móc lửng) của Bernard Pivot, các cuộc tranh luận đã được phát trên truyền hình quốc gia. Những kẻ háo hức gạt bỏ tầm quan trọng của văn bản thường coi đây là bằng chứng về tính suy thoái của nó, do đó lại che giấu đặc trưng hàng hóa của hầu như tất cả các khái niệm học thuật mà họ bỏ qua đặc trưng văn bản rõ ràng của văn bản. Những cuộn sợi tạp dị dệt nên khái niệm ấy luôn bao gồm các yếu tố vật chất phóng túng, thực sự có tính thỏa hiệp; và đó chính là một phần mua bán dựa trên khái niệm duy vật luận, một sự mua bán có thể đến tột đỉnh trong việc dịch chuyển ngữ cảnh (dù xã hội hay lịch sử) bởi tình ngữ cảnh.

Jacques Derrida: Văn tự

Về phương diện triết học, văn bản ký hiệu học hoặc văn bản thứ hai được hệ thống hóa sớm nhất và có lẽ lâu dài nhất trong công trình của Jacques Derrida. Mặc dù đúng là Barthes có mối quan hệ lâu hơn, thân thiết hơn nhiều với Tel Quel (công bố lần đầu ở đó vào năm 1961), nhưng ông có lẽ đã là người đầu tiên thừa nhận rằng hầu hết việc nâng cao nặng tính lý thuyết là do những người xung quanh ông thực hiện, chắc chắn bởi Derrida (và trước đó là Roman Jakobson, Claude Lévi-Strauss, và Jacques Lacan), và còn bởi cả người bảo trợ của ông, và sau này là bậc thầy, Julia Kristeva. Chắc chắn, sự bảo vệ bền bỉ của Tel Quel đối với thứ chính trị học của văn bản (cả về ngữ âm và về văn tự học hay arché cổ bản) là không thể tưởng tượng được nếu không có Derrida. Thật vậy, cuộc tấn công của Derrida vào duy tâm luận đã cung cấp cho Sollers và những người khác gắn bó với tờ Tạp chí thứ phương tiện rốt ráo để gắn cam kết ban đầu của họ về văn học với một thứ chủ nghĩa tả phái hậu đính ước. Tường trình bền bỉ đầu tiên của Derrida về khái niệm văn bản xuất hiện trong Luận về Văn tự học, mặc dù người ta phát hiện thấy những tuyến phát triển quan trọng của cái nhìn sâu sắc kết tinh trong lần đọc Edmund Husserl trước kia của ông. Ở đó, văn bản được sử dụng theo cách nhất quán với việc sử dụng nó trong phê bình văn bản, ngoại trừ việc nó được liên kết với sự suy ngẫm về mối quan hệ giữa những gì làm cho khoa học trở thành khoa học và mang tính văn bản, một loại liên kết được rèn rũa bằng cách nhất quán kêu gọi của Maurice Merleau-Ponty về việc sử dụng khái niệm Verflechtung - xen dệt của Husserl trong các bài giảng về Der Ursprung der Geometrie - Nguồn gốc Hình học của ông từ những năm 1930. Được cả Husserl và Merleau-Ponty mời gọi để chỉ định cuộc chạm trán giữa ngôn ngữ và tư tưởng, xen dệt được Derrida đưa ra như một cách để giới thiệu tu từ tính văn bản trong xây dựng lý thuyết về văn tự và vị trí của nó trong cuộc tranh chấp giữa khoa học và triết học. Ví dụ, trong La forme et le vouloir-dire, Hình thức và Ý nghĩa (một tiểu luận ban đầu khác về Husserl), Derrida dịch rõ ràng sự xen dệt (trong văn bản tiếng Đức là Verwebung) là texere trong tiếng Latinh, và làm như vậy để dự báo một cách hệ thống hóa trong đó các tầng ngôn ngữ học và tiền ngôn ngữ học được đưa ra để tương tác hòa hợp với “hệ thống của một loại văn bản được kiểm soát”. “Loại” ở đây đánh dấu sự ra đời của văn bản ký hiệu học - nghĩa là, khái niệm mà Derrida sử dụng để tìm cách thách thức cách giải thích của hiện tượng luận về sự hiện hữu của ý nghĩa.

Văn bản như một Hệ mẫu Triết học

Luận về Văn tự học rút ra mối quan hệ giữa loại văn bản này và loại phê phán trung tâm luận tộc người về phương diện triết học được thể hiện trong sự phụ thuộc của văn tự vào lời nói. Mặc dù Derrida khuôn vấn đề vào phương diện phê phán về cách giải thích ký hiệu ngôn ngữ học của Ferdinand de Saussure, nhưng rõ ràng những vấn đề đặt ra lại liên quan gần gụi với hình tượng xen dệt của Husserl. Thật vậy, việc Saussure đặt văn tự phụ thuộc vào lời nói được hiểu là một cách thể hiện đồng ý ngầm của ông với cấu trúc hiện tượng luận của Husserl về ngôn ngữ. Để thách thức sự phụ thuộc này và trung tâm luận tộc người duy trì nó, Derrida sử dụng logic của văn bản, nghĩa là, lập luận rằng sự xen dệt làm xáo trộn tính khác biệt giữa các cấp độ ý thức và các chiều kích khác nhau của thực tại cũng không chỉ làm lẫn lộn sự phân biệt giữa nói và viết mà còn cả sự khác biệt giữa ý nghĩ và ký hiệu nữa. Ở đây, văn bản ký hiệu học đi đến chỉ định quá trình không ổn định, theo đó trải nghiệm và biểu hiện (cho dù là mang tính ngôn ngữ học hay không) đều gắn kết với nhau theo một cách hoàn toàn không thể quyết định được. Cái định thức thường được trích dẫn Il n'y a rien hors du texte – Không có gì bên ngoài văn bản” xuất hiện trong thảo luận của Jean-Jacques Rousseau, do đó, ở một mức độ, phải được hiểu theo cách này: không có kinh nghiệm nào có thể tách biệt hoàn toàn khỏi các hệ thống trình bày được phát triển để biểu hiện nó. Khi đó, văn bản không phải là một thứ gì đó mà là một hệ mẫu triết học, nghĩa là, một cách trình bày - trong các giao thức và thủ tục của một diễn ngôn nhất định - những giới hạn không thể quyết định của việc trình bày. Nó không phải là không có gì ngoài việc trình bày. Đúng hơn, nếu không có gì bên ngoài văn bản, thì đó là bởi vì không có gì ngoài cuộc chạm trán lâu dài đã mất đi giữa trải nghiệm và việc trình bày.

Do tính gần gũi xác định mối quan hệ giữa Luận về Văn tự họcViết và Sự khác biệt (từ cùng một năm), điều quan trọng ở đây là phải thừa nhận cái cách mà Derrida vận dụng Sigmund Freud để mở rộng sự phê bình kinh nghiệm của mình, một loại phê bình có thể khiến cho nếu không phải cái cá nhân thì cũng là cái bất định không trở thành đề tài được. Trong Freud và Khung cảnh viết", Derrida, bằng cách truy tìm mối quan hệ nước đôi của Freud với các phép ẩn dụ của văn tự khi chúng xuất hiện trong các diễn ngôn khác nhau, cho thấy logic văn bản hoạt động như thế nào cả trong cách giải thích của Freud về sinh lý học thần kinh (chuyên đề Bahnung, “mở đường”) và trong giải thích của ông về sự tương tác tâm linh của ký ức và tri giác, cho dù trong khi tỉnh thức hay trong giấc mơ. Do đó, văn bản ký hiệu học, bằng cách đại diện cho sự đan xen bất định vận hành trong các hoạt động khác nhau của bộ máy tâm thần, được chứng minh là có một mối quan hệ khác với trung gian hệ thống của kinh nghiệm. Như Derrida lập luận, nếu cái biểu đạt và cái được biểu đạt đan xen lẫn nhau - về thực tế, được cấu trúc bởi sự trì hoãn khác nhau của différ[a]nce (từ mới nổi tiếng của Derrida) - thì nói đúng ra, không hề có ý tưởng nào cả. Vì vậy duy tâm luận rơi vào khủng hoảng, và trong khi duy vật luận của Derrida kiên định chống lại phân loại triết học, thì rõ ràng hệ mẫu văn bản, bằng cách làm nổi bật nỗ lực vô tận của sự khác biệt, đã thể hiện một tính vật chất không thể chối cãi.

Julia Kristeva: Năng suất Văn bản và Liên tính Văn bản

Có lẽ bởi vì những phát biểu sớm nhất của Julia Kristeva về lý thuyết tính văn bản được khuôn trong bối cảnh một cuộc đối thoại mật thiết với chủ nghĩa Marx hơn của Derrida, tính vật chất của văn bản được chú ý trực tiếp hơn. Cụ thể, trong một số bài luận bao gồm Séméiotiké Σημειωτική - Ký hiệu học (1969), Kristeva liên kết văn bản với khái niệm năng suất. Thuật ngữ này xuất phát từ nỗ lực của cô nhằm xem xét lại khái niệm của Marx về “phương thức sản xuất” từ các quan điểm lợi thế của ngôn ngữ học và phân tâm học, với mục đích nắm bắt cả cách thức mà các giá trị (kinh tế, ngôn ngữ học, v.v.) là tác động của một hệ thống các quan hệ, và hệ thống này được xác định như thế nào bởi tính không đồng nhất của các mối quan hệ (xã hội, tâm linh, v.v.) luôn duy trì bản thân trong tình trạng khủng hoảng vĩnh viễn. Trong tiểu luận “Năng suất được gọi là Văn bản”, Kristeva chỉ ra văn bản, một lần nữa với tư cách là một hệ mẫu hơn là một vật thể, cho phép người ta suy nghĩ về cách thức triển khai ngôn ngữ nhằm cắt xén chức năng giao tiếp của nó, đồng thời làm bộc lộ và đảo lộn các mã tổ chức sản xuất các thông điệp ngôn ngữ. Mặc dù không thể chỉ định sản phẩm của thứ năng suất được gọi là văn bản, nhưng rõ ràng điều đang bị đe dọa ở đây là chủ đề đang trong quá trình / đang thử nghiệm (công thức ban đầu của Kristeva triệu vời cả hai). Văn bản cung cấp phương tiện khái niệm để lý thuyết hóa và do đó phân tích sự hình thành và biến dạng của con người diễn ra trong các mạch trao đổi biểu tượng.

Điều quan trọng đối với quan điểm của cô trong tuyên bố có hệ thống về các mối quan hệ không đồng nhất là sự đổi mới khái niệm về tính liên văn bản. Bắt nguồn từ khái niệm ký hiệu học về thực thể (được Louis Hjelmslev sử dụng để theo dõi bình diện nội dung từ hệ thống ký hiệu này sang hệ thống ký hiệu khác), tính liên văn bản mô tả các chuyển vị cho phép registres - các từ ngữ - ký hiệu học khác nhau gắn kết với nhau. Những mô tả đặc trưng sớm nhất của Kristeva về tính liên văn bản - chẳng hạn, “trong không gian của một văn bản, một số cách nói, lấy từ các văn bản khác, giao nhau và trung hòa lẫn nhau” - gắn nó với quá trình ám chỉ văn học. Tuy nhiên, trong Cách mạng Ngôn ngữ Thi ca (1974), cô lại nhấn mạnh hơn nhiều vào động lực chuyển vị - tức là quá trình không ổn định, theo đó các văn bản được nhận thức khác nhau va chạm vào, chẳng hạn như một cuốn tiểu thuyết - và cô đã vượt khỏi cách thức của mình để tách rời tính liên văn bản khỏi việc “nghiên cứu các nguồn”.

Bởi vì tính liên văn bản được xác định trong trong Cách mạng Ngôn ngữ Thi ca là một quá trình chính yếu thứ ba (các quá trình chính yếu là danh mục các hoạt động tâm linh của Freud tác động đến hình thức và nội dung của giấc mơ), nên rõ ràng là sự chuyển vị được thiết kế để giúp cho nhà phân tích tiếp cận với sự hoán vị của các vị trí chủ thể đã trải qua trong quá trình sản xuất một công trình. Việc Kristeva nhấn mạnh vào tính tương tác của văn bản làm nổi bật đặc tính liên ngành của hệ mẫu văn bản. Không nghi ngờ gì nữa bởi vì sư phụ của cô, là Barthes hết sức tập trung vào cái thực thể của Hjelmslev trong các nghiên cứu đầy ảnh hưởng của ông về thời trang, trong đó quần áo được chụp ảnh, được viết về và được mặc, cho nên việc sử dụng khái niệm liên văn bản của Kristeva hoàn toàn có chủ ý dấn sâu vào các hình thái tính văn bản nảy sinh cả trong các hệ thống ký hiệu khác nhau và trong các ngành học khác nhau. Do đó, không có gì là ngạc nhiên khi âm nhạc và hội họa đã tác động sâu sắc đến suy tư của Kristeva về văn học.

Cần phải đề cập đến một cách tân cuối cùng về khái niệm. Trong suốt những năm cuối thập kỷ 1960 và đầu thập kỷ 1970, Kristeva đã viện đến sự khác biệt giữa pheno-text “văn bản pheno” [thuật ngữ pheno-text với pheno được cấu tạo bằng từ Hy Lạp φαίνεσθαι - sự kiện, xuất hiện- đề cập đến văn bản như một sự kiện hoặc xuất hiện ở dạng biểu hiện cụ thể hoặc dạng vật chất chức năng giao tiếp - HHN]geno-text “văn bản geno” [thuật ngữ geno-text với geno được cấu tạo bằng từ Hy Lạp γενετικός – phát sinh, sản sinh - geno-text tương ứng với quá trình tạo ra hệ thống ký hiệu, sản sinh ra ý nghĩa; geno-text không phải là một cấu trúc, đại diện cho việc biểu đạt tính vô hạn; geno-text không bộc lộ một quá trình biểu đạt, mà cung cấp toàn bộ các quá trình biểu đạt - HHN]. Rõ ràng được mô hình hóa dựa trên diễn ngôn về di truyền (chẳng hạn như kiểu hình và kiểu gen), sự khác biệt này không nhằm khôi phục lại đặc trưng “hữu cơ” của tác phẩm. Thay vào đó, nó tìm cách nhấn mạnh thể liên tục của các tác động giữa sự hình thành chủ thể nói và các tác phẩm do kẻ đó tạo ra. Trong Cách mạng Ngôn ngữ Thi ca, sự phân biệt này gắn liền thành một giữa cái ký hiệu và cái biểu tượng, và Kristeva sử dụng nó để phân tích mối quan hệ của chủ thể với cơ thể mẹ và cái trật tự xã hội thể hiện như thế nào trong hình thức và nội dung của một bài thơ. Trong việc chỉ định các cấp độ khác nhau của văn bản, văn bản pheno-text và văn bản geno-text được dùng để cung cấp cho hệ mẫu văn bản lối tiếp cận với một lĩnh vực sản xuất văn chương vượt hẳn ra ngoài bài thơ, tuy nhiên không từ bỏ bất kỳ khẳng định nào về chi tiết hình thức của nó. Để đem đến cho nhà phân tích phương tiện khái niệm lần theo sự chuyển vị của cái ký hiệu học thành cái biểu tượng, việc phân biệt pheno-text / geno-text mang lại cho tính văn bản cấu trúc chiều sâu của nó. Việc làm ấy khiến cho quá trình chuyển vị trở thành trung tâm của lý thuyết về văn bản của Kristeva, một lý thuyết trong nhiều thứ khác, làm cho quan niệm của truyền thống văn chương bị nghi ngờ sâu sắc.

Roland Barthes: Khoái lạc Văn bản

Là “cố vấn tinh thần” của Tel Quel, Roland Barthes (1915–1980) đã có ảnh hưởng to lớn đến số phận của văn bản. Mặc dù ông thường chiều theo sự khắt khe về mặt lý thuyết của những người khác, nhưng chắc chắn ông là vị đại sứ văn hóa ngoan cường và truyền cảm nhất của văn bản. Giống như Kristeva, ông tha thiết muốn ngoại suy hàm ý văn chương của văn bản ký hiệu học, và vì lý do này - chưa kể đến phần lớn thiên hướng văn chương về sự tiếp nhận tính văn bản của người Mỹ - các nghiên cứu S/ Z Essai - Luận S/Z (một phân tích văn bản về Sarrazine của Balzac [1830]) và Le Plaisir du Texte - Khoái lạc Văn bản của ông vẫn còn định nghĩa cho nhiều người trong thế giới tiếng Anh về loại văn bản thứ hai là gì. Danh tiếng này không hề có nghĩa là không xứng đáng. Tuy nhiên, nó có xu hướng che khuất các hoán vị được trải nghiệm trong văn bản của Barthes. Ví dụ, trong S/ Z Essai, Barthes triển khai một khái niệm từ nguyên đơn giản của văn bản bằng cách xác định năm mã mà theo lời kể của ông về câu chuyện, được “bện dệt lại với nhau” trong chuyện kể của nó. Mặc dù đề xuất mạnh mẽ được đưa ra từ nghiên cứu là cách tiếp cận này được đảm bảo bởi giá trị sư phạm của nó (và các kỹ năng của Barthes ở đây là huyền thoại), nhưng rõ ràng Barthes đang chủ ý đọc câu chuyện theo cách văn bản. Có nghĩa là, ông đang xây dựng phương tiện mà câu chuyện tạo ra khả tính về ý nghĩa của nó, cần phải bổ sung là bao gồm cả motif vô cùng kỳ quặc về tính bất định tình dục mà câu chuyện cuộn xoắn và trải tung xung quanh nó. Cách tiếp cận ấy, cũng được minh chứng trong nhiều tiểu luận của thời kỳ này, tại một điểm nhất định đã không chống lại được trách nhiệm tình cảm mà nó khai mở, dẫn đến việc xuất bản Le Plaisir du Texte - Khoái lạc Văn bản (1973), trong đó hình tượng bện dệt, trong khi hoàn toàn không nhường đường cho nó, nên đã mất đi tầm quan trọng. Thay vào đó, một chủ đề đầu tiên được lập trình xác định trong bài tiểu luận đột phá của ông từ năm 1971, De l’œuvre au texte - Từ tác phẩm đến văn bản: chủ đề về khoái lạc, sau đó được bắt đầu giống hệt Lacanian, jouissance – khoái lạc.

Là một phần trong quỹ đạo chuyên nghiệp của Barthes từ ký hiệu học sang semioclasm (phá vỡ ký hiệu hoặc làm ô uế vị thế linh thiêng của các ký hiệu), sự thay đổi này ghi nhận rõ ràng tác động của Kristeva (và ở một mức độ thấp hơn là Derrida) đối với văn tự của ông. Thật vậy, khi tham gia vào chủ đề khoái lạc, Barthes đã công khai bện dệt vào văn bản của mình vấn đề của cơ thể và các động lực của nó. Mặc dù bị ấn tượng bởi ký hiệu học của Kristeva, nhưng Barthes đã lại mở lối cho khoái lạc hướng đến việc thực hành của người đọc, tức là cuộc chạm trán qua được hết sức dàn xếp giữa cơ thể vắng bóng của kẻ viết và cái hiện diện, thực sự được chú ý, cơ thể của kẻ phê bình / kẻ lý thuyết. Dựa trên cách giải thích trung hòa của Blanchot về không gian văn chương, Barthes điều chỉnh lại cuộc chạm trán này trong tâm trạng hết sức kỳ quặc của tình trạng nặc danh lăng nhăng, làm cho hệ mẫu văn bản phù hợp với mối quan hệ rõ ràng mang tính tình dục, thực sự là đồng tính.

Sự chú ý này đối với cơ thể người đọc và các hoạt động của nó (cơ thể làm gì khi đọc) có lẽ là biểu hiện cao nhất của nó trong phê bình của Barthes về đối tượng văn chương, tác phẩm. Không bằng lòng nhấn mạnh khía cạnh tồn tại của việc thực hành của ai đó, Barthes liên kết thực hành ấy với sự tái tạo xã hội của thể chế văn chương, khi cho rằng việc tổ chức hình tượng kỳ lạ của nó, khái niệm về một loại hàng hóa chứa đầy những giá trị được một thiên tài gửi gắm vào đó, nói ngắn gọn là tác phẩm văn chương, không chỉ là tài pha chế ý thức hệ của thể chế đó, mà nó đang được triển khai trong một giao tranh hậu tập chống lại những thách thức đối với nó từ bên trong một lĩnh vực không đồng nhất của các văn bản viết. Ở đây, lĩnh vực phương pháp luận của văn bản vừa đóng vai trò định hình thể chế văn chương, vừa phải tính đến khả tính tái sản xuất của nó, đồng thời còn phải xác lập những cách thức có thể đọc từ trong ra ngoài, nghĩa là, bằng con mắt hướng tới nắm bắt cách đọc cũng luôn là một cách dấn thân vào các hoàn cảnh xã hội và tâm linh của nó. Do đó, khi kêu gọi chuyển đổi hệ mẫu từ tác phẩm sang văn bản, Barthes không chỉ dội vọng đòi hỏi của Derrida cho chung cục của sách vở trong khuôn khổ lịch sử, mà còn đặt chính văn bản làm bối cảnh cho sự chuyển đổi quyền lực trí tuệ ở phương Tây, một trong những ý tưởng giải huyền thoại hóa được ấp ủ nhất, thách thức khả năng của phương Tây trong việc xác định và do đó hợp thức hóa các giá trị văn hóa của mình. Theo nghĩa này, bản thân văn bản không phải là một ý tưởng.

Phân tích Văn bản ngoài Nghiên cứu Văn chương

Các thuật ngữ cụ thể trong đó tính toàn vẹn của đối tượng văn chương được văn bản ký hiệu học đặt thành vấn đề đã giúp thúc đẩy thảo luận về các đối tượng trong các ngành học khác. Mối quan tâm của Kristeva đối với hội họa và âm nhạc đã được ghi nhận. Tuy nhiên, nỗ lực hòa hợp nhất khiến cho hệ mẫu văn bản trở nên quan trọng bên ngoài nghiên cứu văn chương, chính là trong các nghiên cứu điện ảnh, nơi mà trong suốt những năm 1970, “phân tích văn bản” trở nên đồng nghĩa với một thứ chủ nghĩa tân hình thức xuất hiện nhiều biến tố nghiêm nhặt về phương diện phân tâm học và / hoặc triết học. Hướng phát triển này gây ra những hậu quả tức thì mạnh mẽ bên ngoài nước Pháp, đặc biệt là ở Anh, nơi nhiều nhà văn liên kết với tạp chí Screen Màn ảnh tự coi mình đã đóng góp vào sáng kiến “​phân tích văn bản”. Ở Pháp, những nhân vật thường liên quan đến việc xây dựng văn bản điện ảnh gồm có Christian Metz, Marie-Claire Ropars-Wuilleumier, Raymond Bellour, Michel Marie và Thierry Kuntzel. Điều đặc biệt không thể phủ nhận là, về tổng thể, chúng đại diện cho nỗ lực hòa hợp nhằm thay thế đối tượng phim ảnh hoặc nhân văn của các nghiên cứu điện ảnh bằng cách mang lại đồng thuận về thể chế duy trì tất cả các câu hỏi sống động trong các tác phẩm của Derrida, Kristeva và Barthes.

Bởi vì đường ghi âm chủ yếu được hình dung là một trong những “mã” để dệt vào phân tích văn bản của phim, âm nhạc (một trong những thành phần của đường ghi âm), và cụ thể hơn là âm nhạc học, cũng trở thành một địa điểm để tạo dựng văn bản ký hiệu học. Được diễn đạt tương phản với cấu trúc luận âm nhạc (loại được thể hiện trong tác phẩm của Jean-Jacques Nattiez), phân tích văn bản âm nhạc đã tìm cách gạt bỏ những mối quan tâm về cú pháp sáng tác và hướng tới tính biểu diễn của âm nhạc, đặc biệt là sự tương tác của nó với một loạt các thực hành được hợp pháp hóa bởi mỹ học hậu Cagean, tất nhiên đáng chú ý là khiêu vũ và sân khấu thử nghiệm. Mặc dù chắc chắn đúng là việc phân tích văn bản âm nhạc chưa bao giờ có được loại tác động như các nghiên cứu điện ảnh, nhưng các tác phẩm của Daniel Charles và Ivanka Stoïanova đã có ảnh hưởng. Hơn nữa, chính vì sự xuất hiện của nó trong âm nhạc học, mà hệ mẫu văn bản bằng những cách đáng kể đã đảm bảo vị thế của nó như một mô hình mạnh mẽ duy nhất của phân tích phê bình liên ngành và giữa các phương tiện truyền thông. Thật vậy, tính văn bản như một phẩm chất có thể quy cho nhiều loại thực hành văn hóa khơi nguồn sức mạnh phân tích của nó từ sự phổ biến kỷ luật vừa tiềm ẩn trong hệ mẫu lại vừa được vật chất hóa trong quá trình phát triển lịch sử của nó.

Văn bản Xã hội Toàn cầu

Derrida, Kristeva và Sollers vẫn đang viết. Barthes qua đời năm 1980. Trong số “những người sống còn với văn bản”, không ai đảm nhận trách nhiệm đại sứ của Barthes. Theo nghĩa đó, thời của văn bản có thể đã trôi qua. Tuy nhiên, chính vì văn bản ký hiệu học dựng đặt vấn đề về văn chương, thực sự là cái văn hóa, thể chế, do đó thách thức chính lôgic của lý trí kỷ luật và sắc tộc trung tâm luận ủng hộ nó, nên văn bản vẫn giữ nguyên cái mà Benjamin gọi là “quyền năng Cứu thế yếu ớt”. Phần dư thừa không tưởng và nhất thiết phải siêu phê phán này không thể hiện rõ hơn trong khái niệm của Gayatri Spivak về “t-ính văn bản”. Khéo léo chọn ra sợi chỉ từ nguyên của văn bản ký hiệu học như một sự bện dệt, Spivak, trong cuốn A Critique of Post-Colonial Reason Phê phán Lý tính Hậu thuộc địa (1999) gây tranh cãi, khai thác “t-ính văn bản” như một phương tiện khái niệm để suy tư về việc tạo ra và phá hủy văn bản xã hội toàn cầu. Cụ thể, cô gắng sức làm rõ thứ địa chính trị của việc sản xuất hàng dệt ở “phương Nam”, hệ thống thời trang đa văn hóa được hỗ trợ trong các khu vực của chủ nghĩa hậu thực dân, và các “lý thuyết lữ du” (một thuật ngữ có nguồn gốc từ bài luận cùng tên của Edward Said) của phần lớn trí thức hàn lâm phương Tây. Không hề hổ thẹn về những món nợ của cô với Barthes và đặc biệt là Derrida, Spivak nói rõ rằng bằng những cách thức quan trọng, lý thuyết về văn bản, đặc biệt là như nó tự bổ sung cho chính mình, đâu đã kết thúc. Ít nhất thì cô cũng nhắc nhở chúng ta một cách dứt khoát về những gì mà văn bản luôn yêu cầu chúng ta tạo ra nó: chiếc khung cửi lý thuyết và thực tiễn của cái không có đó, cái chưa có – có lẽ vẫn còn là thứ bất định.

_____________________________________

Nguồn: Mowitt, John (1998). Text/Textuality. In New Dictionary of the History of Ideas, Edited by Patrick ffrench and Roland-François Lack. London: Routledge, 1998.  

Tác giả: Giáo sư John Mowitt nhận bằng Tiến sĩ Văn học So sánh tại Đại học Wisconsin-Madison năm 1982 và giảng dạy tại Khoa Nghiên cứu Văn hóa và Văn học So sánh tại Đại học Minnesota-Twin Cites từ năm 1985 đến năm 2013. Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách và các bài báo về các lĩnh vực lý thuyết rộng lớn về văn hóa và chính trị, đồng thời đóng vai trò là cố vấn cao cấp của Tạp chí học thuật Văn hóa Phê bình. Các bài giảng mà ông thường xuyên thực hiện tại Leeds bao gồm: Lịch sử Điện ảnh và Truyền thông, Nữ quyền hậu thuộc địa, Tạo cảm giác âm thanh. Ông giảng dạy ở tất cả các trình độ tại trường và hướng dẫn cả Thạc sĩ và Tiến sĩ. Ngoài ra, ông cũng rất quan tâm đến đổi mới chương trình học. Để đạt được mục tiêu đó, ông vừa phát triển các mô-đun mới và giúp thiết kế lại khóa học nghiên cứu văn hóa và truyền thông.

Bibliography

Barthes, Roland (1977). Image, Music, Text. Edited and translated by Stephen Heath. New York: Hill and Wang, 1977.

Barthes, Roland (1973, 1975). The Pleasure of the Text. Translated by Richard Miller. New York: Hill and Wang, 1975. Originally published in French, 1973.

Barthes, Roland (1970). S/Z. Translated by Richard Miller. New York: Hill and Wang, 1974. Originally published in French, 1970.

Benjamin, Walter (1929, 1999). "On the Image of Proust." In Walter Benjamin: Selected Writings, 4 vols., edited by Marcus Bullock et al. Cambridge, Mass.: Harvard University Press (Belknap), 1996–2003. Vol 2 (1999), 237–247. Originally published in German, 1929.

Blanchot, Maurice (1959, 2003). The Book To Come. Translated by Charlotte Mendell. Stanford, Calif.: Stanford University Press, 2003. Originally published in French, 1959.

Charles, Daniel (1973). "La musique et l'écriture." Musique en jeu 13 (1973): 3–13.

Derrida, Jacques (1967, 1976). Of Grammatology. Translated by Gayatri Chakravorty Spivak. Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1976. Originally published in French, 1967.

Derrida, Jacques (1967, 1978). Writing and Difference. Translated by Alan Bass. Chicago: University of Chicago Press, 1978. Originally published in French, 1967.

Ducrot, Oswald and Tzvetan Todorov (1972, 1979). Encyclopedic Dictionary of the Sciences of Language. Translated by Carolyn Porter. Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1979. Originally published in French, 1972.

Jameson, Fredric (1988). "The Ideology of the Text." In The Ideologies of Theory: Essays 1971–86. Minneapolis: University of Minnesota Press, 1988. Vol. 1, 17–71.

Kristeva, Julia (1969-1979). Desire in Language: A Semiotic Approach to Literature and Art. Edited by Leon Roudiez. New York: Columbia University Press, 1980. Originally published in French, 1969–1979.

Kristeva, Julia (1974,1984). Revolution in Poetic Language. Translated by Margaret Waller. New York: Columbia University Press, 1984. Originally published in French, 1974.

Metz, Christian (1971, 1974). Language and Cinema. Translated by Donna Jean Umiker-Sebeok. The Hague: Mouton, 1974. Originally published in French, 1971.

Mowitt, John (1992). Text: The Genealogy of an Antidisciplinary Object. Durham, N.C.: Duke University Press, 1992.

Ropars-Wuilleumier, Marie-Claire (1981). Le texte divisée. Paris: Presses Universitaires de France, 1981.

Said, Edward (1978). "The Problem of Textuality: Two Exemplary Positions." Critical Inquiry 4, no. 4 (summer 1978): 673–714.

Sollers, Philippe (1968). Logiques. Paris: Editions du Seuil, 1968.

Spivak, Gayatri Chakravorty (1999). A Critique of Postcolonial Reason: Toward a History of the Vanishing Present. Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1999.

Stoïanova, Ivanka (1978). Geste, Texte, Musique. Paris: Union Générale d'Éditions, 1978.

The Tel Quel Reader (1998). Edited by Patrick ffrench and Roland-François Lack. London: Routledge, 1998.

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét