Powered By Blogger

Thứ Hai, 12 tháng 7, 2021

Khoa học Văn bản (I)

David Herman

Người dịch: Hà Hữu Nga

Khoảng từ năm 1966 đến năm 1968, Roland Barthes bắt đầu đánh mất niềm tin rằng có thể có một khoa học về văn bản. Chắc chắn đây không phải là một cuộc khủng hoảng niềm tin cá nhân; nó là một phần của quá trình chuyển đổi rộng rãi hơn trong lịch sử lý thuyết văn chương và văn hóa - ở Pháp và các nơi khác. Ở đây, tôi sẽ không cố ghi lại, mà hãy để nó tự biện minh cho, mọi khía cạnh của sự thay đổi hệ mẫu (sea-change) này trong lý thuyết và phê bình. [1] Mục tiêu của tôi hạn chế hơn nhiều. Ý tôi là, trước tiên, tiến hành một cuộc khảo sát phả hệ một phần về khái niệm “khoa học về văn bản” trong diễn ngôn của chính Barthes. Trên cơ sở khảo sát này, sau đó tôi sẽ phác thảo các lập luận ủng hộ cho một chương trình nghiên cứu không nên bị loại bỏ khỏi tầm tay mà không xem xét một cách công bằng. Một chương trình nghị sự nhằm nghiên cứu phục hồi khoa học văn bản như một lĩnh vực nỗ lực hợp pháp đang được cân nhắc. Và – chí ít là tạm thời, tôi sử dụng từ khoa học mà không đặt trong dấu nháy nháy.

Phải thừa nhận rằng định nghĩa của tôi về thuật ngữ khoa học là một định nghĩa khá rộng, có lẽ gần với nghĩa của từ khoa học Wissenschaft (Wissen - hiểu biết; schaft = việc tạo ra HHN) trong tiếng Đức so với phạm vi nghĩa hẹp hơn của từ tiếng Anh tương tự của nó là science. Bằng từ khoa học, tôi có ý nói về cuộc khảo sát có nguyên tắc về một vấn đề (hoặc tập hợp các vấn đề) trong một lĩnh vực khảo sát cụ thể. Tôi thừa nhận rằng “các vấn đề”, “lĩnh vực điều tra” và các nguyên tắc, theo đó việc điều tra có thể được coi là “có nguyên tắc” là những cấu trúc mang tính thể chế-lịch sử, không nhất thiết là sự phản ánh theo cách mà mọi thứ thực sự là như vậy. Điều đó nói lên rằng, tiểu luận này cố gắng tái biến đổi các lập luận kiến ​​tạo luận-xã hội mà những người chủ trương nghiên cứu khoa học xã hội theo đuổi, chẳng hạn. Các học giả như Malcolm Ashmore, David Bloor và Steve Woolgar đã chứng minh rằng thực tiễn khoa học luôn gắn liền với một bối cảnh xã hội cụ thể. Những gì được coi là khoa học, và cụ thể hơn là những gì đánh dấu ranh giới giữa các phương thức điều tra “khoa học” và “phi khoa học” (ví dụ: nhân văn học), là có thể thay đổi về mặt lịch sử. Vì vậy, đối với Woolgar, “không có sự khác biệt cơ bản giữa khoa học và các hình thức sản xuất tri thức khác” (Science 12). Thay vào đó, giờ đây các học giả phải “chấp nhận rằng khoa học không thể được phân biệt với phi-khoa học bằng các quy tắc quyết định. Các phán đoán về việc liệu các giả thuyết có được xác minh (hoặc bị chứng ngụy) hay không, liên quan đến cái tạo nên cốt lõi hay ngoại vi trong một chương trình nghiên cứu, và cần phải hoàn toàn từ bỏ một chương trình nghiên cứu ở điểm nào, đều là kết quả cuối cùng của các quá trình xã hội phức tạp trong một môi trường cụ thể”(17). Theo cách này, “việc nghiên cứu dân tộc chí về khoa học... miêu tả quá trình sản xuất ra các dữ kiện khoa học như một thành tựu cục bộ, ngẫu nhiên cụ thể đối với văn hóa của môi trường phòng thí nghiệm” (“Reflexivity” 18).

Nhưng theo logic tương tự, ranh giới giữa nghiên cứu khoa học nhân văn và (xã hội) không nên được xem là cố định và trơ cứng mà là thay đổi và mềm mại. Tiểu luận của tôi xoay quanh một ví dụ cụ thể của định đề chung này, khi xem xét cách thức mà phương pháp cấu trúc luận do Barthes trình bày ban đầu liên quan đến nỗ lực vẽ lại ranh giới giữa khoa học ngôn ngữ và lý thuyết văn học. Giờ đây, nỗ lực đó có thể được đánh giá lại dựa trên những nghiên cứu gần đây hơn về phân tích diễn ngôn, lĩnh vực ngôn ngữ học nghiên cứu các đơn vị ngôn ngữ lớn hơn câu. Đúng là đã có những tiền lệ quan trọng cho những nỗ lực của các nhà cấu trúc luận nhằm mở rộng khoảng cách chuyên môn giữa ngôn ngữ học và văn học - cách phân chia có thể được mô tả đặc trưng rõ hơn như một mối nối không ổn định trong cấu trúc của công việc khảo sát. Ví dụ, trong khi Ferdinand de Saussure không tin tưởng vào dữ liệu viết với tư cách là cơ sở cho việc phân tích cấu trúc của ngôn ngữ (23-32), thì các nhà văn phạm tư biện lớn thời Trung cổ đã sử dụng ngôn ngữ văn chương để phát triển các lý thuyết về sự tương đồng giữa vox (các từ), mens (tư duy), và res (sự vật) (Herman, Universal Grammar 7-14). Tuy nhiên, trái ngược với các nhà văn phạm tư biện cuối thế kỷ 13 và đầu thế kỷ 14, các nhà cấu trúc luận thế kỷ 20 như Barthes thời kỳ đầu đã thích nghi với các phương pháp và ý tưởng ngôn ngữ học ngay tại thời điểm lý thuyết ngôn ngữ đang trải qua những thay đổi mang tính cách mạng.

Những thay đổi đó một phần xuất phát từ các mô hình hình thức mới nổi (ví dụ, mô hình ngữ pháp-tạo sinh) để phân tích cấu trúc ngôn ngữ (xem các ấn phẩm năm 1957 và 1964 của Chomsky, Cấu trúc Cú pháp - Syntactic Structures; và Các khía cạnh của Lý thuyết Cú pháp - Aspects of the Theory of Syntax). Nhưng những thay đổi này cũng bắt nguồn từ mối quan tâm ngày càng tăng đến bối cảnh sử dụng ngôn ngữ ảnh hưởng quan trọng tới việc tạo ra và diễn giải các phát ngôn được định vị về phương diện xã hội - trái ngược với các câu giải ngữ cảnh hóa (hoặc “sentoids” – các ngữ đoạn giống các câu) vẫn là chủ yếu của nhiều sách giáo khoa ngôn ngữ học. Trong trường hợp đầu tiên, ngay cả khi Barthes và Claude Lévi-Strauss đang dựa trên cấu trúc luận ngôn ngữ của Saussure, Roman Jakobson, và Louis Hjelmslev để viết các văn bản chẳng hạn như Các Yếu tố Ngữ nghĩa họcNhân học Cấu trúc, thì khoa học ngôn ngữ đã chuyển từ quan niệm Saussurean-Hjelmslevian coi ngôn ngữ như một hệ thống các tương đồng và khác biệt so với quan niệm Chomskyean coi ngôn ngữ như một “hệ thống tổ hợp suy lý”, theo đó “một số lượng hữu hạn các phần tử rời rạc [ví dụ, các từ] được lấy mẫu, kết hợp và hoán vị để tạo ra các cấu trúc lớn hơn [ví dụ, các câu] với các thuộc tính hoàn toàn khác biệt với các thuộc tính của các phần tử của chúng” (Pinker 84). Hình thức luận mới, cận-toán học đã được viện đến để mô hình hóa các hoạt động của hệ thống được tổ chức đệ quy này, một hệ thống có khả năng hoạt tác đến đầu ra của chính nó và do đó tạo ra các chuỗi phức tạp như Ngôi nhà mà gia đình đã xây dựng đứng trên bờ biển bị xói lở bởi cơn bão bắt nguồn từ một khu vực... Đồng thời, các nhà lý thuyết ngôn ngữ làm việc trên một tuyến khác bắt đầu đặt câu hỏi về những gì họ coi là phương thức phản tác dụng của trừu tượng hóa và lý tưởng hóa trong cả ngôn ngữ học cấu trúc và hệ mẫu Chomskyean đã thay thế nó. Từ quan điểm khác này, các nhà ngữ pháp học tạo sinh đã duy trì quan niệm của Saussure về địa vị nổi bật của la langue - tiếng nói so với la parole lời nói, cấu trúc ngôn ngữ hơn cách sử dụng ngôn ngữ, bằng cách coi explicandum - việc giải thích ý nghĩa của chúng về phương diện triết học - là năng lực ngôn ngữ thông thường của chúng, và loại bỏ một loạt hiện tượng (không trôi chảy trong đàm thoại, cách sử dụng phi văn tự, những khác biệt trong phong cách nói, v.v...) mà các nhà ngữ pháp tạo sinh coi là có thể bỏ qua - tức là, chỉ là vấn đề hiệu suất ngôn ngữ.

Ví dụ, Chomsky đã tìm cách mô tả năng lực ngôn ngữ bằng cách trừu tượng hóa khỏi những phức tạp của giao tiếp trong thế giới thực và xác định các kỹ năng nhận thức và tâm tính cần thiết cho người nói và người nghe lý tưởng (sử dụng một mã giao tiếp đồng nhất) để tạo ra và hiểu nhau với các câu dễ hiểu. Ngược lại, các nhà xã hội học, từ Erving Goffman và Dell Hymes đến William Labov và J. J. Gumperz đều nhấn mạnh vào tính biến đổi vốn có của các mã giao tiếp: bất kỳ ai sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào trong bất kỳ trường hợp nào, trên thực tế, đều là tính bất đồng hoặc phương ngữ cụ thể của ngôn ngữ đó. Ngoài ra, diễn giả có thể lựa chọn giữa các phong cách nói hình thức nhiều hơn hoặc ít hơn, cũng như ghi nhận ít nhiều phù hợp với một tình huống nhất định. Ví dụ, chúng ta có thể chọn giữa Không biết tôi có thể có một cốc bia được không?Cho tôi một cốc bia; chúng ta cũng có thể chọn trong số các từ vựng và diễn ngôn khác nhau những gì ít nhiều phù hợp để trò chuyện với đồng nghiệp, tham gia vào một cuộc gặp gỡ dịch vụ tại cửa hàng tiện lợi địa phương hoặc soạn một bài luận học thuật. Ngoài ra, các cân nhắc về tuổi tác, địa vị xã hội, danh tính về giới, v.v… hạn chế những lựa chọn giao tiếp nào có thể có sẵn cho những người đối thoại khi sử dụng một mã nhất định được họ lựa chọn thường xuyên hoặc ưu tiên. Do đó, từ quan điểm của các lý thuyết định hướng theo ngữ cảnh của ngôn ngữ, việc lý tưởng hóa mang tính hình thức luận của người nói và người nghe bị nghi ngờ về mặt phương pháp luận, bằng cách tạo ra các mô hình năng lực ngôn ngữ (tức là năng lực tạo ra và hiểu các chuỗi chính xác về ngữ pháp) cần được thay thế bằng các mô hình năng lực giao tiếp dựa trên dân tộc chí (tức là, năng lực sản xuất và diễn giải các kiểu phát ngôn khác nhau trong các loại sự kiện giao tiếp ở những tình huống khác nhau) (Hymes 3-66; Saville-Troike 107-80, 220-53). Năng lực ngôn ngữ học giải thích cho khả năng tạo ra chuỗi phát ngôn của tôi Nhìn kìa, người ở đằng kia đang mặc chiếc áo khoác xấu nhất mà tôi từng thấy!; năng lực giao tiếp giải thích cho xu hướng của tôi là kiềm chế việc thực sự phát ra chuỗi ngôn từ đang được đề cập, trong mọi trường hợp trừ một số giao tiếp.

Như ngay cả bản tóm tắt thu nhỏ này cho thấy, trong bản thân lĩnh vực ngôn ngữ học, có những bất đồng đáng kể về những gì tạo nên dữ liệu, phương pháp và mục đích giải thích chính xác của khoa học ngôn ngữ, với nhiều bất đồng được đề cập bắt đầu kết tinh vào khoảng thời gian mà các nhà cấu trúc luận Pháp ngữ bắt đầu vạch ra dự án của họ cho một khoa học về văn bản. Tuy nhiên, vì mối các sở thích và năng khiếu của các nhà bình luận, những người quan tâm đến di sản của cấu trúc luận, nên các khái niệm cấu trúc luận về khoa học văn bản, phần lớn vẫn tách biệt khỏi những phát triển kề cận trong phân tích ngôn ngữ.[2] Do đó, mục đích của tôi ở đây là đánh giá lại các vấn đề và tiềm năng của dự án cấu trúc luận bằng cách gắn nó vào một bối cảnh nghiên cứu ngôn ngữ-lý thuyết rộng lớn hơn. Mặc dù các phương pháp cấu trúc luận đã bị bác bỏ vì sai lầm, tự huyễn hoặc, hoặc tệ hơn, tôi bác bỏ đặc trưng nổi bật cấu trúc luận như một bài tập vô ích siêu-lý tính, một cơn thịnh nộ hủy diệt đối với trật tự. Tôi cũng phản đối quan điểm chính thống cho rằng các nhà lý thuyết văn chương cấu trúc luận như Barthes đã tham gia vào một gắng gỏi bi đát nhằm khoa học hóa (nghiên cứu) nghệ thuật văn chương. Thay vào đó, tôi cho rằng Barthes và những môn đệ đồng hành của ông đã thực hiện một nỗ lực hiệu quả, sinh lợi để tái định hình mối quan hệ giữa phân tích lý thuyết-phê phán và ngôn ngữ, để vẽ lại tấm bản đồ, trong những năm trước khi cấu trúc luận trỗi dậy, đã cố định được các lập trường khảo sát mang tính nhân văn và khoa học trong không gian nhận thức và văn hóa. Đương nhiên, vào giữa thế kỷ 20, cả lý thuyết văn chương lẫn ngôn ngữ học đều không đạt đến giai đoạn mà việc tái cấu hình được đề xuất có thể hoàn thành. Do đó, cuộc cách mạng cấu trúc luận được Barthes (trong số những người khác) thời kỳ đầu hình dung thì mãi cho đến bây giờ mới có thể bắt đầu thực hiện.

Được coi như một nghiên cứu trường hợp, những ý tưởng mới nổi của Barthes về các phương pháp phân tích văn bản bộc lộ những vấn đề lớn hơn đối với cái cách mà lịch sử lý thuyết phê phán đôi khi được viết ra. Đặc biệt, xu hướng phổ biến ghi chép biên niên tư tưởng cấu trúc luận như một giai đoạn đáng tiếc ngắn ngủi của tinh thần khoa học cần phải được xem xét lại - cùng với khái niệm về bản thân “tinh thần khoa học”. Một trong những giả định dẫn hướng của tôi là Barthes đã sớm ngừng sử dụng khái niệm “khoa học văn bản” như cái mà Kant đã gọi là lý tưởng điều chỉnh, một mục tiêu định hướng suy nghĩ và hành vi (Kant 210-11, sections A179-180/ B222-223). Dự án phát triển một phương pháp tiếp cận có nguyên tắc, có hiểu biết về ngôn ngữ để phân tích văn bản được cho là cấp bách hơn nữa trong những năm kể từ khi Barthes, và những người chịu ảnh hưởng của ông, ngừng hoạt động trong lĩnh vực này. Nói một cách thông tục hơn, khi đến một thời điểm nào đó, họ từ bỏ nỗ lực sử dụng các mô hình ngôn ngữ để diễn đạt một khoa học về văn bản, Barthes và nhóm người của ông đã hắt đứa trẻ cùng chậu nước tắm. Rốt cuộc, sự thiếu sót của các mô hình Saussurean để phân tích văn bản hoàn toàn không còn cách nào công kích được cái nhìn sâu sắc ban đầu của các nhà cấu trúc luận: cụ thể là lý thuyết ngôn ngữ đó cung cấp các nguồn tài nguyên vô giá để phân tích diễn ngôn văn học. Những phát triển hậu Saussurean trong ngôn ngữ học - cụ thể là những phát triển trong lĩnh vực phân tích diễn ngôn đang nảy nở - có thể mang lại những chiến lược nghiên cứu mới hữu ích để phân tích văn bản. Kết hợp lại, các chiến lược mới này tạo thành một khoa học văn bản được hồi sinh, hay đúng hơn là một lĩnh vực nghiên cứu cần được xác định bởi các khoa học bổ sung về văn bản.

Bằng cách phác thảo phần mở đầu cho các khoa học mới về văn bản, phần thứ hai bài tiểu luận của tôi có một phân tích minh họa ngắn gọn về một cảnh được vẽ trong tiểu thuyết To the LighthouseThăm Ngọn Hải đăng của Virginia Woolf.[3] Tôi tập trung vào diễn ngôn văn chương như một cách để đặt sự phục hồi của khoa học văn bản vào việc kiểm nghiệm nghiêm ngặt nhất của nó. Một câu hỏi cơ bản đặt ra là: Các mô hình nghiên cứu liên quan đến khoa học ngôn ngữ có thể giúp làm sáng tỏ ngôn ngữ được sử dụng trong nghệ thuật văn chương ở mức độ nào, đặc biệt là khi nói đến các tác phẩm văn học (ít nhiều phản tư và giải trí) tập trung vào bản chất và chức năng của bản thân ngôn ngữ? Văn bản của Woolf làm nền cho các chiều kích của cấu trúc và sử dụng ngôn ngữ không thể mô tả được, chưa nói đến có thể giải thích được, theo các thuật ngữ cấu trúc luận. Tuy nhiên, có thể còn phải bàn cãi, nhưng các cách tiếp cận của cấu trúc luận đối với việc phân tích văn chương có vấn đề không phải vì người ta khao khát vị thế của khoa học, mà bởi vì họ đã nhầm tưởng rằng bất kỳ khoa học nào như vậy sẽ phải như thế nào. Cụ thể, các khoa học về văn bản phải có tính tích hợp hơn là nội tại; trực giác về cấu trúc và chức năng của văn bản không chỉ phụ thuộc vào năng lực lựa chọn và kết hợp các đơn vị hình thức, mà còn vào khả năng giao tiếp và tương tác rộng rãi được thể hiện và được tạo ra bởi các sự kiện diễn ngôn, bao gồm cả những sự kiện được ghi lại dưới dạng văn bản văn chương. Do đó, phân tích văn bản sẽ trở nên có nguyên tắc hơn tương ứng với khả năng tổng hợp nhiều mô hình nghiên cứu khác nhau để nghiên cứu các kỹ năng ngôn ngữ, tương tác, văn hóa và nhận thức nhờ vào đó mà các mô thức văn bản được xây dựng, công nhận và sử dụng cho bất kỳ số lượng của các các mục đích giao tiếp nào. Việc tôi xem xét quang cảnh trong cuốn tiểu thuyết của Woolf ở phần II thể hiện hướng tới tổng hợp kiểu này, bằng cách phác thảo những gì sẽ kéo theo khi thiết kế lại, thay vì bác bỏ các khoa học về văn bản.

I. Tại sao một Văn bản lại Nhiều hơn Tổng số câu của nó

Điều có thể được gọi là chủ nghĩa không tưởng về phương pháp luận ban đầu của Barthes, sự tự tin của ông vào khả năng mở rộng lý thuyết ngôn ngữ Saussurean qua các lĩnh vực rộng lớn của hoạt động ngôn ngữ và văn hóa, đã đạt đỉnh trong các bài luận như L’activité structuraliste (Les lettres nouvelles, 1963 HHN) - Hoạt động Cấu trúc luận, xuất bản năm 1964, và Introduction à l'analyse structurale des récits - Giới thiệu Phân tích Cấu trúc Tường thuật, xuất bản năm 1966. Trong tiểu luận trước, Barthes đã xác định các dấu hiệu của hoạt động cấu trúc luận không chỉ trong các công trình của Troubetskoy, Propp và Lévi-Strauss, mà còn của Mondrian, Boulez và Butor. Cả các nhà phân tích và các nghệ sĩ đều tham gia vào cùng một sự nghiệp – việc tạo dựng “một đối tượng nhất định... bởi biểu hiện có kiểm soát của các đơn vị nhất định và những liên kết nhất định của các đơn vị này” - và đôi chút quan trọng là “liệu [cái] đối tượng ban đầu có phải được rút ra từ một hiện thực xã hội hoặc một hiện thực tưởng tượng” (1197). Ở giai đoạn khó khăn này trong tư tưởng của Barthes, có thể nói, không chỉ việc phân tích mà việc tạo ra văn bản mới là một khoa học thuộc loại được Saussure hình dung. Tương tự, bằng Introduction à l'analyse structurale des récits - Giới thiệu Phân tích Cấu trúc Tường thuật, Barthes đã dựa trên sự phân biệt của Saussure giữa la langue ngôn ngữ và la parole lời nói để nỗ lực tìm kiếm cái mà ông gọi là “nguyên tắc phân loại và trọng tâm để mô tả khỏi nhầm lẫn rõ ràng với các thông điệp [tường thuật] riêng lẻ” (80). Không phát ngôn nào có thể là dễ hiểu (hoặc thậm chí khả thể) nếu vắng mặt một hệ thống cơ bản của các mối quan hệ tương phản và tổ hợp được xây dựng thành cấu trúc của ngôn ngữ được sử dụng để diễn đạt phát ngôn đó. Tương tự, Barthes cho rằng, sẽ không thể tạo ra hoặc hiểu được một tường thuật “nếu không tham chiếu vào một hệ thống các đơn vị và quy tắc ngầm định” (81). Là một trong những ngôn ngữ-đối tượng khả thể được nghiên cứu bởi những gì mà Barthes mô tả là một ngôn ngữ học thứ cấp - tức là, một ngôn ngữ học không phải của các câu mà là của các diễn ngôn (83) – các văn bản tường thuật có thể được hiểu là những thông điệp bậc-cao mà langue-ngôn ngữ của nó là nhiệm vụ của phân tích theo cách cấu trúc luận để giải mã. Mặc dù trên thực tế, một khoa học về diễn ngôn tường thuật có thể chưa được thực hiện, nhưng đối với Barthes ở thời điểm này không có gì để chỉ ra rằng một khoa học về văn bản tự sự không thể hoàn thành về nguyên tắc.

Tuy nhiên, khi xuất bản cuốn La mort de l'auteur - Cái chết của Tác giả vào năm 1968, Barthes đã bắt đầu nói về diễn ngôn văn chương theo một cách rất khác.[4] Chống lại việc sử dụng các từ như code mã message thông điệp như các thuật ngữ nghệ thuật, và tái quan niệm văn bản như những cử chỉ ghi chép chứ không phải là phương tiện để giao tiếp và diễn đạt (146), Barthes đã bắt đầu chấp nhận quan điểm Derridean về văn bản như “một tấm dệt các dấu hiệu, một mô phỏng bị mất mát, bị trì hoãn vô hạn”(147). Theo Barthes, văn bản giờ đây “không phải là một dòng chữ giải phóng một ý nghĩa “thần học” duy nhất... mà là một không gian đa chiều, trong đó nhiều văn bản khác nhau, không có cái nào nguyên bản, mà là pha trộn và đụng độ” (146). Việc giải mã khoa học các thông điệp đã nhường chỗ cho việc gỡ rối về mặt diễn giải các mạch nghĩa – mà những mạch này ít nhiều được đan dệt lại với nhau một cách dày đặc bởi người viết, là kẻ gây dựng, nhưng không phát minh ra diễn ngôn. Trong công trình De l'oeuvre au texteTừ Tác phẩm đến Văn bản, xuất bản năm 1971, Barthes đã mô tả tính đa dạng bất khả quy giản của văn bản bằng các thuật ngữ tương tự, khi viết về “tính đa dạng lập thể trong việc đan dệt những cái biểu đạt của nó (về mặt từ nguyên, văn bản là một tấm dệt các dấu hiệu)” (159). Để trích dẫn một phần khác của cùng đoạn văn này: “[Văn bản] có thể chỉ ở sự khác biệt của nó (không có nghĩa là tính cá nhân của nó), cách đọc của nó là có semelfactive tính lặp (điều này gây ảo tưởng cho bất kỳ khoa học quy nạp-diễn dịch nào về văn bản - không có “ngữ pháp” của văn bản) và tuy nhiên được đan dệt hoàn toàn bằng các trích dẫn, tài liệu tham khảo, tiếng vọng, các ngôn ngữ văn hóa... có tiền lệ hoặc đương đại, cắt ngang qua nó bằng một dải âm thanh lập thể rộng lớn.” (159-60)

Ở đây, Barthes từ chối khả tính của một khoa học mà chỉ vài năm trước đó ông đã công nhận, nếu không được coi là đương nhiên, sau đó được coi là kết quả mà việc nghiên cứu cấu trúc luận đạt đến một cách vững chắc.

Vừa rồi, tôi đã ám chỉ các công trình của Jacques Derrida như một nhân tố ảnh hưởng đến sự thay đổi phương pháp luận (hoặc siêu lý thuyết) có thể được phát hiện trong các nhận xét của Barthes về phân tích văn bản; thay đổi này tự thể hiện trong sự vận động từ các thuật ngữ như unité - đơn vị, articulationcấu âm, classification - phân loại, règle - quy tắcsystème - hệ thống, đến các thuật ngữ như tissu – đan dệt, choc – va chạm, écho – tiếng vọng stéréophonie – âm học lập thể. Vai trò của Derrida trong việc suy nghĩ lại và cấp tiến hóa ký hiệu học cấu trúc luận đã được ghi nhận đầy đủ (xem Dosse). Việc Barthes chuyển từ khái niệm “biểu hiện” sang ý tưởng “ghi chép”, chẳng hạn, rõ ràng mang dấu ấn sự phê phán của Derrida về cái mà ông gọi là Le Signifié Transcendantal - Cái được biểu đạt Siêu việt (Derrida, La Structure, le Signe et le Jeu dans le Discours des Sciences Humaines - Cấu trúc, Dấu hiệu và Trò chơi trong Diễn ngôn của Khoa học Nhân văn 83-6; De la Grammatologie - Luận về Văn tự học, 44-73). Tuy nhiên, ít chú ý hơn đã được dành cho cách khác, các nhân tố nội văn bản - những nhân tố liên quan đến công thức ban đầu của Barthes về bản chất và phạm vi của khoa học văn bản - cũng có thể đã thúc đẩy sự thay đổi vấn đề. Thật vậy, những nhân tố khác này góp phần lớn giải thích cho tính nhạy cảm của Barthes (và những người khác) đối với ảnh hưởng của quan điểm của Derrida về dấu hiệu, ý nghĩa và văn bản. Có thể cho rằng, cuối cùng Barthes đã bị buộc phải phủ nhận khả tính khoa học của văn bản bởi vì, trong các công trình sớm của mình, ông đã thiếu nguồn lực để xác định các thuộc tính cấu trúc chủ chốt của văn bản. Ipso facto thực tế là ông không thể mô hình hóa được các thuộc tính cấu trúc như vậy liên quan ra sao đến việc thiết kế và diễn giải diễn ngôn. Ngược lại, trong những năm kể từ thời kỳ hoàng kim của cấu trúc luận, việc nghiên cứu ngôn ngữ học về diễn ngôn mở rộng đã chứng minh rằng một số đặc điểm và tính chất của ngôn ngữ chỉ xuất hiện ở cấp độ bên ngoài câu. Các nhà nghiên cứu cũng đã phát triển các lý thuyết mới mạnh mẽ để nghiên cứu các cách thức mà người sử dụng ngôn ngữ dựa vào các đặc điểm và thuộc tính cấp diễn ngôn ấy để thương thảo ý nghĩa, xây dựng các mô hình thế giới, mã hóa thông tin về thời tính, lân cận không gian và vị thế xã hội tương đối – nói tóm lại, để giao tiếp theo nghĩa rộng nhất của thuật ngữ đó.

Một số vấn đề liên quan có thể được tập trung tốt hơn thông qua việc khảo sát lại Introduction à l'analyse structurale des récits - Giới thiệu về Phân tích Cấu trúc Tường thuật của Barthes, và đặc biệt hơn là các trang mà Barthes thảo luận về mối quan hệ giữa câu và diễn ngôn (82-84) như một khúc dạo đầu cho việc giải thích của ông về các câu chuyện chỉ là “một... trong số các thành ngữ được ngôn ngữ học diễn ngôn xem xét” (84). Ở đây Barthes dựa vào công trình của André Martinet khi lập luận rằng “không thể có vấn đề về việc ngôn ngữ học tự đặt cho mình một đối tượng cao hơn câu, vì ngoài câu chỉ có nhiều câu hơn – khi đã mô tả bông hoa, thì nhà thực vật học không bao giờ lâm vào tình trạng mô tả bó hoa”(82-83). Nhưng phép loại suy không thực sự đứng vững. Ngữ cảnh của diễn ngôn thảo luận về các thuộc tính có thể mô tả về phương diện ngôn ngữ dựa trên các phát ngôn (và các phần phát ngôn) sẽ không có các thuộc tính như vậy tách biệt với ngữ cảnh mà chúng xảy ra.[5]

Ví dụ, khi đang nói với người khác về bài luận hiện tại, một trong những người đọc của tạp chí này có thể sử dụng một mô tả xác định như bài luận nhàm chán để nói đến bài báo của tôi. Nhìn một cách tách biệt, cụm danh bài luận nhàm chán không có đặc điểm nhận dạng nào có thể đánh dấu nó là (một phần của) một phát ngôn có chức năng trùng lặp. Tuy nhiên, khi được sử dụng trong một diễn ngôn mở rộng về các bài viết hay và dở cùng những khác biệt giữa chúng, thì mô tả xác định này rất có thể chọn ra được một thực thể đã được đề cập trước đó trong diễn ngôn - cụ thể là bài luận nhàm chán này so với bài luận sống động của Jones hoặc bài gây tranh cãi của Wasowski.[6] Tất nhiên, cũng lập luận đó có thể được mở rộng từ các cụm danh từ đến các mệnh đề và câu đầy đủ. Hãy nghĩ về tất cả các chức năng diễn ngôn có thể gắn vào một câu như Trời đang mưa. Tùy thuộc vào trường hợp nói chuyện trong đó nó được đưa ra như một phát ngôn, thì câu này có thể là một hành động nói gián tiếp có chức năng như một yêu cầu ai đó đóng cửa sổ (xem phần II bên dưới); một mô tả điều kiện khí hậu cùng thời với thời điểm nói; một mệnh đề tường thuật mô tả một sự kiện trong quá khứ nhưng được diễn tả bằng thì hiện tại lịch sử; hoặc một phát ngôn tiên đoán của một tù nhân bị bịt mắt trong cuộc thẩm vấn trong một căn phòng không có cửa sổ.

Đối với tôi ở đây, điều quan trọng hơn là việc nghiên cứu được thực hiện trong lĩnh vực ngữ dụng học ngôn ngữ và phân tích diễn ngôn trong vài thập kỷ qua cho thấy những vấn đề nghiêm trọng với cách Barthes định nghĩa các diễn ngôn hoặc các văn bản chỉ là sự kết tụ của các câu. Nói cách khác, có những cơ sở quan trọng để bác bỏ điều mà Barthes đã mô tả như một định đề về sự tương đồng giữa câu và diễn ngôn. Như Barthes đã nói trong Giới thiệu của ông, [chúng ta có thể] đặt mối quan hệ tương đồng giữa câu và diễn ngôn trong chừng mực có khả năng là một tổ chức hình thức tương tự sắp xếp tất cả các hệ thống ký hiệu học, bất kể thực chất và chiều kích của chúng. Một diễn ngôn là một “câu” dài (đơn vị không nhất thiết phải là các câu), giống như một câu, cho phép một số đặc điểm cụ thể, là một “diễn ngôn” ngắn. (83)

Tuy nhiên, như đã lưu ý, một diễn ngôn không phải là một câu dài. Các văn bản theo một cách nào đó có nghĩa là không chặt chẽ về mặt cấu thành; ngược lại với kiến ​​thức của bạn về nghĩa của câu, bạn không nhất thiết phải biết ý nghĩa của một văn bản nếu bạn biết ý nghĩa của các phần và các mối quan hệ của nó, có thể xác định một cách logic, mà những phần đó có thể gia nhập. Thay vào đó, trong quá trình diễn giải văn bản, các loại năng lực giao tiếp trở thành nhân tố quan trọng rộng lớn hơn năng lực ngôn ngữ dựa trên tri ​​thức về các điều kiện chân đối với các câu và mối quan hệ phụ thuộc giữa các thành phần câu. Bởi vì các mô hình ngôn ngữ mà ban đầu Barthes lấy làm cơ sở cho cấu trúc diễn ngôn kém xác định, khiến cho nó về cơ bản tương đương với cấu trúc câu, Barthes nhanh chóng vét cạn hiệu suất mô tả và giải thích của các mô hình đó cho mục đích phân tích văn bản. Các mô hình đã không đem đến một định nghĩa đầy đủ về văn bản là gì. Chúng cũng không giải thích thỏa đáng những kỹ năng cần thiết để tạo hình và hiểu các văn bản như những cách giao tiếp. Đổi lại, vì thiếu các lý thuyết có sắc thái hơn về cấu trúc văn bản, nhưng vẫn mong muốn dựa vào cuộc cách mạng ký hiệu học như một nguồn để phân tích văn bản, Barthes đã chuyển từ mô tả văn bản như một công cụ biểu đạt sang mô tả chúng như những dấu hiệu ghi chép. Giờ đây các dấu hiệu lại trì hoãn những cái được biểu đạt một cách chậm chạp. Diễn ngôn bị tách khỏi giao tiếp, diễn giải-văn bản bị tách khỏi khuôn khổ của những suy luận về niềm tin của người nói hoặc người viết. Nhìn chung, dường như không có lý do chính đáng nào để cố neo văn bản trong các mô hình của người sử dụng-ngôn ngữ để hiểu biết thế giới, các chuẩn mực tương tác hoặc kiến ​​thức ngầm của họ về các sự kiện lời nói mà các hành vi cụ thể được gắn vào.

Tuy nhiên, bằng cách bác bỏ việc quy giản văn bản ban đầu thành những xếp đặt đơn thuần của các câu, thì người ta có thể tránh tập trung vào con đường dẫn đến việc xem văn bản như những sự vật hoặc sự kiện ghi chép mà không diễn đạt, biểu nghĩa mà không giao tiếp. Và bằng cách không đi theo con đường đó, người ta được cho là vẫn “trung thành” với lý tưởng cấu trúc luận của khoa học văn bản hơn là bản thân các nhà cấu trúc luận. Theo tinh thần đó, giờ đây tôi sẽ chuyển từ việc xem xét những gì đã và có thể đã có để đưa ra một số nhận xét về những gì có thể chưa có - với điều kiện là chúng ta khôi phục lại khái niệm “khoa học văn bản” mà vị thế trước đây của nó (nếu đã tồn tại trong thời gian ngắn) như là một lý tưởng điều chỉnh công việc nghiên cứu. Bằng cách sử dụng một quang cảnh trong Thăm ngọn Hải đăng của Woolf làm văn bản phụ đạo, tôi sẽ thảo luận về các đặc điểm của văn bản không thể quy giản thành các đặc điểm liên quan đến cấu trúc câu và nghĩa. Các đặc điểm cấp cao hơn này bao gồm: (1) các cách thức mà văn bản mã hóa mối quan hệ phức tạp giữa các hành vi thể hiện cách nói/ nghĩa và không thể hiện cách nói/ nghĩa, hoặc các hành vi nói và hành vi biểu nghĩa; (2) cách thức mà các hành vi lời nói đó được lồng vào một sự kiện lời nói bao quát, tùy thuộc vào mô tả dân tộc chí; và (3) các chiến lược mà Woolf ngay lập tức tạo ra và miêu tả những gì Goffman sẽ đặc trưng hóa như một khuôn khổ tham gia, trong đó những người tham gia vào diễn ngôn tự liên kết với nhau theo những cách nhất định, thay đổi vị trí quan hệ của họ, sau đó chọn ra những liên kết mới. Tất nhiên đây chỉ là việc kiểm kê một phần các đặc điểm diễn ngôn có liên quan. Mục đích của tôi không phải là cố mô tả cạn kiệt tất cả các thuộc tính nổi bật của quang cảnh đó, mà là sử dụng nó để thúc đẩy cuộc tranh luận sâu hơn về các khả tính và giới hạn của khoa học văn bản.

____________________________________________

Còn nữa….

Nguồn: Herman, D. (2001). Sciences of the Text. http://pmc.iath.virginia.edu/

Tác giả: David Herman là giáo sư tiếng Anh tại Đại học Bang North Carolina và là giáo sư trợ giảng về ngôn ngữ học tại Đại học Duke. Ông là tác giả của các công trình Ngữ pháp phổ quátHình thức tường thuật, và là biên tập viên của Narratologies: New Perspectives on Narrative AnalysisTự sự học: Viễn cảnh Mới về Phân tích Tường thuật.

Ghi chú

1. See Dosse for a comprehensive and highly readable account of the vicissitudes of the structuralist revolution in which Barthes participated. In "Structuralism's Fortunate Fall" I examine Dosse's history of structuralism in light of the broader problem of writing nonreductively about the history of literary and cultural theory.

2. An important exception in this regard is Thomas G. Pavel's The Feud of Language, which offers a critical reappraisal of the structuralists' appropriation of linguistic concepts and methods.

3. An earlier version of the second section of my essay appeared as "Dialogue in a Discourse Context."

4. See my "Roland Barthes's Postmodernist Turn" for a fuller account of the "postmodern turn" that led to Barthes's rejection of textual science as a research goal.

5. For an early argument to this effect, published only one year later than Barthes's essay on the structural analysis of narratives, see Hendricks's insightful account of discourse-level (i.e., suprasentential) properties of language.

6. On the anaphoric functions of definite descriptions, see Green (26-34).

7. For additional attempts to use pragmatic, discourse-analytic, and sociolinguistic models to analyze literary dialogue, see my "Mutt and Jute" and "Style-Shifting."

8. J.J. Gumperz (100-29), Deborah Schiffrin (56-7), John Searle (30), and Deborah Tannen (18-19).

9. For a discussion of how Woolf's speech representations in Between the Acts similarly complicate the very idea of speech acts, see my Universal Grammar (139-81).

10. See Hymes's (51-62) original presentation of the SPEAKING grid, and, for an elaboration and refinement of Hymes's model, Muriel Saville-Troike's excellent textbook on the ethnography of communication.

11. Analogously, Schiffrin examines speaking for another as a particular sort of alignment strategy, i.e., a way for interlocutors to chip in rather than butt in (106-34). Schiffrin discusses the bearing of this alignment strategy on gender roles.

12. See my "Story Logic" for a preliminary attempt along these lines--one that outlines a basis for comparing and contrasting literary and conversational narratives.

13. I am grateful to James English and to an anonymous reviewer for comments and criticisms that helped me revise an earlier version of this essay. The hard questions put by the reviewer proved especially helpful as I tried to clarify my argument.

Tài liệu dẫn

Austin, J. L. (1962). How to Do Things with Words. Oxford: Oxford UP.

Barthes, Roland (1977). The Death of the Author. In Image, Music, Text. Trans. Stephen Heath. New York: Hill and Wang. 142-48.

Barthes, Roland (1968). Elements of Semiology. Trans. Annette Lavers and Colin Smith. New York: Hill and Wang.

Barthes, Roland (1977). From Work to Text. In Image, Music, Text. Trans. Stephen Heath. New York: Hill and Wang. 155-64.

Barthes, Roland (1977). Introduction to the Structural Analysis of Narratives. In Image, Music, Text. Trans. Stephen Heath. New York: Hill and Wang. 79-124.

Barthes, Roland (1971). The Structuralist Activity. In Critical Theory Since Plato. Ed. Hazard Adams. San Diego: Harcourt Brace Jovanovich. 1196-99.

Brown, Penelope, and Stephen C. Levinson (1987). Politeness: Some Universals in Language Usage. Cambridge: Cambridge UP.

Chomsky, Noam (1965). Aspects of the Theory of Syntax. Cambridge, MA: MIT Press.

Chomsky, Noam (1957). Syntactic Structures. The Hague: Mouton.

Cohn, Dorrit (1978). Transparent Minds: Narrative Modes for Presenting Consciousness. Princeton: Princeton UP.

Derrida, Jacques (1976). Of Grammatology. Trans. Gayatri Chakravorty Spivak. Baltimore: Johns Hopkins UP.

Derrida, Jacques (1986). Structure, Sign and Play in the Discourse of the Human Sciences. In Critical Theory Since 1965. Eds. Hazard Adams and Leroy Searle. Tallahassee: U Presses of Florida, 1986. 83-94.

Dosse, François (1997). History of Structrualism. Vols. 1 and 2. Trans. Deborah Glassman. Minneapolis: U of Minnesota P.

Goffman, Erving (1981). Forms of Talk. Philadelphia: U of Pennsylvania P.

Green, Georgia A (1989). Pragmatics and Natural Language Understanding. Hillsdale: Erlbaum.

Gumperz, J. J (1982). Discourse Strategies. Cambridge: Cambridge UP.

Hendricks, William O (1967). On the Notion 'Beyond the Sentence. In Linguistics 37: 12-51.

Herman, David (1998). Dialogue in a Discourse Context: Discourse-Analytic Models and Woolf'sTo the Lighthouse’." In Virginia Woolf Miscellany 52: 3-4.

Herman, David (1994). The Mutt and Jute Dialogue in Joyce's ‘Finnegans Wake’: Some Gricean Perspectives." Style 28.2: 219-241.

Herman, David. Roland Barthes's Postmodernist Turn. In Postmodernism: The Key Figures. Eds. Joseph Natoli and Hans Bertens. Oxford: Basil Blackwell (forthcoming).

Herman, David. Story Logic in Conversational and Literary Narratives. In Narrative (forthcoming).

Herman, David (1997). Structuralism's Fortunate Fall. In Postmodern Culture 8.1 (1997);

Herman, David (2001). Style-Shifting in Edith Wharton'sThe House of Mirth’. In Language and Literature 10.1: 61-77.

Herman, David (1995). Universal Grammar and Narrative Form. Durham: Duke UP.

Hymes, Dell (1974). Foundations in Sociolinguistics. Philadelphia: U of Pennsylvania P.

Kant, Immanuel (1965). Critique of Pure Reason. Trans. Norman Kemp Smith. New York: St. Martin's.

Labov, William (1972). Sociolinguistic Patterns. Philadelphia: U of Pennsylvania.

Levinson, Stephen C. (1983). Pragmatics. Cambridge: Cambridge UP.

Lévi-Strauss, Claude (1963). Structural Anthropology. Trans. Claire Jacobson and Brooke G. Schoepf. New York: Basic Books.

Pavel, Thomas G. (1989). The Feud of Language: A History of Structuralist Thought. Trans. Linda Jordan and Thomas G. Pavel. Oxford: Basil Blackwell.

Pinker, Steven (1994). The Language Instinct: How the Mind Creates Language. New York: Harper-Collins.

Saussure, Ferdinand de (1966). Course in General Linguistics. Ed. Charles Bally, Albert Sechehaye, and Albert Riedlinger. Trans. Wade Baskin. New York: McGraw-Hill.

Saville-Troike, Muriel (1989). The Ethnography of Communication: An Introduction. 2nd edition. Cambridge, MA: Blackwell.

Schiffrin, Deborah (1994). Approaches to Discourse. Oxford: Blackwell.

Searle, John (1969). Speech Acts. Cambridge: Cambridge UP.

Tannen, Deborah (1989). Talking Voices: Repetition, Dialogue, and Imagery in Conversational Involvement. Cambridge: Cambridge UP.

Woolf, Virginia (1989). To the Lighthouse. San Diego: Harcourt Brace Jovanovich.

Woolgar, Steve (1988). Reflexivity is the Ethnographer of the Text. In Knowledge and Reflexivity: New Frontiers in the Sociology of Science. Ed. Steve Woolgar. London: Sage, 14-34.

Woolgar, Steve (1988). Science: The Very Idea. New York: Tavistock.

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét