Powered By Blogger

Thứ Tư, 7 tháng 7, 2021

Tính liên văn bản, Tri giác về Môi trường và Văn bản Không-tác giả (I)

Casey R. Schmitt

Người dịch: Hà Hữu Nga

Tóm tắt: Tiểu luận này, được xây dựng dựa trên nền tảng bộ môn dân gian học (folkloristics), lý thuyết không gian và nghiên cứu tu từ học, tìm cách mở rộng cuộc thảo luận về tính liên văn bản do Julia Kristeva và Mikhail Bakhtin khởi xướng đầu tiên. Vượt khỏi giới hạn các văn bản được xem xét theo truyền thống như sách, tác phẩm nghệ thuật và phim ảnh, cho thấy lý thuyết liên văn bản cũng có thể áp dụng cho các cách đọc văn hóa và cá nhân về các vị trí và không gian trong môi trường lý sinh. Những cách đọc như vậy đưa đến các cuộc thảo luận trường hợp đặc biệt thú vị về tính văn bản và tính liên văn bản, vì những đối tượng môi trường này - mặc dù được mã hóa bằng ý nghĩa ở cấp độ địa phương ngữ và thông qua việc trình bày trên các phương tiện truyền thông đại chúng - thường không có người sáng tạo hay “tác giả” rõ ràng.

Vào năm 2008, trong khi nghiên cứu các mô tả tự sự về cảnh quan lý sinh ở Hoa Kỳ, tôi đã thực hiện một loạt các cuộc phỏng vấn thực địa với những người đam mê hoang dã và những người hành hương thiên nhiên ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Tìm cách thu thập những câu chuyện và những tự sự về trải nghiệm cá nhân liên quan đến những cuộc gặp gỡ và cảm xúc trong môi trường hoang dã, tôi bắt đầu nhận thấy một xu hướng đặc biệt trong cách những người cung cấp thông tin của tôi trình bày phản ứng cá nhân của họ. Một người cung cấp thông tin liên hệ đến những cách thức mà từ khi còn nhỏ, ông đã say mê khám phá vùng hoang dã cùng bạn bè với cái tên “Chúa tể loài ruồi”. Một người cung cấp thông tin khác đã so sánh các cuộc hành trình của ông ta vào rừng sâu và các địa điểm khác như một “Thoreau thing” – (David Thoreau luôn tỉnh thức hầu tìm ra Chúa trong tự nhiên - HHN). Người thứ ba nhận xét về những gì cô ấy gọi là các khía cạnh “thần diệu” của một địa điểm đi bộ đường dài cụ thể bằng cách nói rằng nó “thực sự Chúa Nhẫn”. Hai năm sau, khi trở lại khu vực này, tôi đi bộ đường dài qua một khu vực nhiều cây cối bên ngoài thị trấn cùng với những đứa con của một người bạn thân. Bọn trẻ luôn mồm so sánh môi trường này với các khu rừng được mô tả trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng, kể cả bộ phim Return of the Jedi và chương trình truyền hình Lost.

Động cơ ban đầu của tôi để thu thập những câu chuyện kể về trải nghiệm hoang dã bắt nguồn từ mối quan tâm đến các truyền thống dân gian lâu đời và sự thể hiện của niềm tin huyền diệu, nhưng theo thời gian, tôi đã nhận ra một mô thức trò chơi riêng. Mỗi người cung cấp thông tin của tôi - kể cả những cá nhân đã sống, làm việc và dành nhiều thời gian giải trí trong môi trường rừng sâu – đều diễn giải những không gian và địa điểm hoang dã thông qua khuôn khổ của một số hình thức truyền thông phổ biến khác. Vùng đất hoang vu cây cối rậm rạp, đối với mỗi người trong số họ, chắc chắn có sự thâm nhập của chính nó (bằng chứng là việc ca ngợi một số địa điểm nhất định và luôn tích cực tham gia vào chính môi trường đó), nhưng các kinh nghiệm của họ về cái mà họ gọi là “vùng hoang dã” vẫn được thể hiện một cách thường xuyên thông qua việc gợi lên và so sánh với các văn bản truyền thống có thể đọc được, bao gồm sách vở, phim ảnh, tác phẩm nghệ thuật và các chương trình truyền hình. Tôi bắt đầu suy nghĩ lại về lập trường của mình.

Tôi nhận ra rằng các vị trí và không gian trong môi trường vật chất có thể tác hoạt như các văn bản. Vào lúc cá nhân nhìn môi trường của mình thông qua lăng kính diễn giải, thấm nhuần nó với ý nghĩa biểu tượng, thì nó trở thành một đối tượng có thể đọc được với ý nghĩa và liên tưởng hàm ngụ. Một khu rừng rậm và tối có thể được đọc và giải nghĩa là bí ẩn, điềm báo, phiêu lưu hoặc xa lạ. Một đỉnh núi nổi bật có thể được đọc để tượng trưng cho thành tựu, quyền năng hoặc cảm giác vinh quang gần như thần thánh. Một sa mạc rộng lớn có thể được đọc để giải nghĩa là tuyệt vọng, thách thức, hoặc có lẽ hơi khác đi, tịch liêu. Đối với những người kể lại kinh nghiệm trong và xung quanh những môi trường như vậy, thì mọi môi trường đều có ý nghĩa. Ý nghĩa này có thể bắt nguồn từ kinh nghiệm vật lý, nhưng như Đoàn Nghĩa Phu (段義夫Tuan Yi-Fu), Henri Lefebvre, Kent Ryden, và nhiều người khác đã lưu ý, thông qua diễn ngôn, nó thường được phát triển về mặt văn hóa hơn. Vì vậy, môi trường thực sự là một văn bản.

Tất nhiên, nhận thức ban đầu này không phải là một bất ngờ đáng kể đối với tôi vào thời gian đó, nhưng, sau khi xem xét phản hồi của nhiều người cung cấp thông tin của tôi trong nhiều năm, một nhánh thứ sinh - hoặc, có lẽ là bổ sung – đối với lập luận môi trường-là-văn bản được Tuan, Lefebvre, Ryden, và những người khác đưa ra một cách thuyết phục, rõ ràng đã nổi bật trên bề mặt. Nếu các không gian và địa điểm môi trường có thể hoạt động như các văn bản với các ý nghĩa có thể diễn giải được, thì chúng ta, với tư cách là các nhà phê bình, phải tự hỏi những ý nghĩa đó được phát triển như thế nào và từ khi nào. Những câu chuyện của người cung cấp thông tin cho tôi gợi ý rằng, ít nhất ở một mức độ nào đó, việc họ đọc các văn bản môi trường đó đã được hướng dẫn và thông báo bằng cách so sánh, đối chiếu và tham chiếu đồng thời và tự động, cho dù có ý thức hay không, với các đối tượng có thể đọc và diễn giải khác.

Nhận thức được xu hướng này, việc đọc môi trường không gian trở thành một bài tập về tri giác liên văn bản. Có nghĩa là, các văn bản môi trường - giống như bất kỳ văn bản nhất định nào - có được ý nghĩa thông qua mối quan hệ của chúng với các đối tượng có thể đọc được mà cá nhân hoặc cộng đồng diễn giải gặp phải hoặc sẵn có. Nghiên cứu thực địa của tôi đã đưa tôi đến một tập hợp các vấn đề lý thuyết hấp dẫn hơn.

Tiểu luận này, được xây dựng dựa trên nền tảng bộ môn dân gian học, lý thuyết không gian và nghiên cứu tu từ học, tìm cách trả lời các vấn đề đó và mở rộng cuộc thảo luận về tính liên văn bản do Julia Kristeva và Mikhail Bakhtin khởi xướng đầu tiên. Vượt khỏi giới hạn các văn bản được xem xét theo truyền thống như sách, tác phẩm nghệ thuật và phim ảnh, cho thấy lý thuyết liên văn bản cũng có thể áp dụng cho cách đọc các đối tượng ít được kiểm nghiệm theo truyền thống như tự thân các “văn bản”. Tôi cho rằng các vị trí và không gian trong môi trường lý sinh tạo nên một cuộc thảo luận trường hợp đặc biệt thú vị về tính văn bản và tính liên văn bản, vì những đối tượng này, không giống như các văn bản khác, không có người sáng tạo hay “tác giả” rõ ràng. Vậy là xuất hiện các câu hỏi, một đối tượng có thể vận hành như một văn bản ra sao, nếu không tồn tại một tác giả rõ ràng nào? Tri giác về môi trường có cung cấp một nghiên cứu trường hợp về kịch bản tưởng tượng lý tưởng của Roland Barthes về một văn bản có sẵn mà không có tác giả và sự can thiệp diễn giải, hay không phụ thuộc vào “chức năng-tác giả” của Michel Foucault? Và, nếu chúng ta coi văn bản như một đối tượng được đọc để tìm được ý nghĩa, thì chính xác là khi nào, một đối tượng không có tác giả đủ điều kiện trở thành văn bản? Nói cách khác, bằng những từ ngữ có phần bông đùa nhưng lại hoàn toàn nghiêm túc, nếu một vật thể tồn tại trong rừng và không có ai ở xung quanh để đọc nó, thì liệu nó có tồn tại như một văn bản không?

Cuối cùng, tiểu luận này cho rằng tri giác về môi trường, giống như các văn bản khác, có được ý nghĩa của chúng thông qua các mối quan hệ liên văn bản, thể hiện rằng lý thuyết liên văn bản, do đó, có thể dễ dàng được mở rộng vào các lĩnh vực khảo sát mới. Nó xem xét các cách thức mà các đối tượng không-tác-giả trong môi trường không gian lý sinh của chúng ta - chẳng hạn như vùng hoang dã, núi non, bờ biển và những nơi khác - trở nên được mã hoá bằng ý nghĩa thông qua các mối quan hệ liên văn bản, cả ở cấp độ địa phương ngữ và thông qua trình hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Chính thông qua các diễn ngôn được trao đổi trong, củavề môi trường lý sinh mà các đối tượng và không gian không-tác- giả như vậy cuối cùng cũng tích lũy được phẩm chất văn bản.

Để tiếp cận khái niệm này, tiểu luận sẽ thực hiện hai chuyển động cơ bản: thứ nhất, nó sẽ tham gia vào lý thuyết liên văn bản hiện có, và thứ hai, nó sẽ áp dụng lý thuyết này vào các ví dụ trường hợp môi trường. Đồng thời, nó sẽ lập tức đưa cả văn bản của Barthes và Foucault về vai trò tác giả vào việc thiết lập khái niệm về văn bản “không-tác-giả”. Trong khi các lập luận về môi trường-là-văn bản như lập luận của Tuan và Lefebvre áp dụng cho tất cả các môi trường tiềm năng, thì nghiên cứu này sẽ giới hạn cuộc thảo luận chính của nó vào các môi trường và đối tượng lý sinh, có vẻ là (và được coi là) không có thiết kế của con người - một phần là do bản thân tôi tiếp tục quan tâm đến không gian hoang dã với cây cối rậm rạp trong việc trình bày mang tính tự sự và một phần vì những cơ hội duy nhất mà không gian như vậy cho phép trong cuộc thảo luận về văn bản và tác giả. Nghiên cứu này cũng do Ryden dẫn đầu, khi xem xét các liên văn bản là những đối tượng “sắp đặt” bất kỳ cảnh quan nhất định nào. Trong khi người cung cấp thông tin của tôi từ Oregon gợi ý rằng các văn bản truyền thông phổ biến, phức tạp hơn như sách và phim ảnh đóng vai trò nổi bật trong việc phát triển các ý nghĩa môi trường, thì cách xử lý ban đầu về tính liên văn bản trong môi trường lý sinh cũng sẽ tập trung chú ý vào các liên văn bản đơn giản hơn và liên quan gần gũi hơn, chẳng hạn như các biển chỉ đường và áp phích quảng cáo do khách thăm đặt trong môi trường không-tác-giả. Bằng cách đầu tiên tham gia vào lý thuyết liên văn bản và sau đó, xem xét các giới hạn của khả năng mở rộng tiềm tàng của nó, bài viết sẽ chỉ ra tính liên văn bản mã hóa các môi trường mà chúng ta sống, làm việc, vui chơi, học tập và du lịch ra sao.

Tính liên văn bản và việc tạo ra ý nghĩa

Tính liên văn bản đề cập đến mạng quan hệ giữa các văn bản và ý nghĩa của chúng. Một cách tiếp cận liên văn bản đối với giao tiếp thừa nhận rằng bất kỳ văn bản có thể nhận dạng nào trên thực tế đều là một nút không ổn định trong một mạng liên tục thay đổi và phát triển của các tham chiếu, sự chiếm hữu, các ảnh hưởng và bối cảnh văn hóa-xã hội. Sự hiện diện của một văn bản này đóng vai trò là ngữ cảnh cho văn bản khác, ảnh hưởng đến các cách đọc tiềm tàng và sẵn có. Các mối quan hệ và dòng tham chiếu như vậy thấm nhuần tất cả các khía cạnh của diễn ngôn và giao tiếp.

Các lý thuyết hiện đại về tính liên văn bản bắt đầu với các tác phẩm của Mikhail Bakhtin và Julia Kristeva. Khẳng định của Bakhtin cho rằng “bất kỳ phát ngôn nào cũng là một mắt xích trong một chuỗi các phát ngôn khác được tổ chức rất phức tạp” (1986, 69) và lập luận của Kristeva cho rằng “bất kỳ văn bản nào cũng là sự hấp thụ và biến đổi của văn bản khác” (1980, 66) đã nhận thấy sự chấp nhận chung trong nhiều ngành học, bao gồm tu từ học, nghiên cứu truyền thông, nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian, nghiên cứu văn học, phim ảnh, v.v. Các ý nghĩa được hiểu không phải tồn tại bẩm sinh bên trong bản thân một văn bản, mà là phát triển và thay đổi thông qua mối liên quan của văn bản, tham chiếu, và tiếp xúc trực tiếp với các ý nghĩa khác. Bakhtin lưu ý, “[M}ỗi phát ngôn chứa đầy tiếng vọng và âm vang của các phát ngôn khác mà nó có liên quan bởi tính cộng đồng của lĩnh vực giao tiếp bằng lời nói” (1986, 91).

Vậy là, các lý thuyết về tính liên văn bản chắc chắn làm phức tạp thêm việc phân tích phê bình bất kỳ văn bản có sẵn nào. Chúng làm mờ ranh giới của những nơi mà một văn bản kết thúc và một văn bản khác bắt đầu. Tính liên văn bản, đôi khi cho phép các văn bản riêng lẻ được đồng lựa chọn cho các mục đích tư tưởng khác nhau - hoặc thậm chí, mang tính lật đổ, - nhưng nó cũng có thể cụ thể hóa các ý nghĩa và giá trị hiện có trong một quá trình liên tục, củng cố lẫn nhau và tổng hợp diễn giải. Bất kỳ văn bản nào lấy từ hoặc tham chiếu đến văn bản khác (dù rõ ràng hay chỉ phảng phất) cũng đều làm phức tạp và mở rộng các ý nghĩa hiện hữu sẵn có để diễn giải và cuối cùng, bất kỳ văn bản nào có thể hình dung được (hoặc có thể tri giác được), cũng đều có khả năng trở thành một liên văn bản - một nút ý nghĩa có thể diễn giải được bao bọc và đóng góp vào tác động tinh thần lâu dài của những kẻ tiền nhiệm và những kẻ theo sau nó. Thông qua mạng liên văn bản, nhiệm vụ xác định ý nghĩa cụ thể, duy nhất trở nên vô ích (thực sự thì không thể), và được thay thế bằng nhiệm vụ truy vết bản thân mạng quan hệ.

Jonathan Grey (2010), dựa vào công trình của Gérard Genette, đã phân biệt rõ hơn giữa các khía cạnh khác nhau của các mối quan hệ liên văn bản, bao gồm cả tính đồng vận - thông qua đó nhiều nền tảng văn bản đóng góp thành một ý nghĩa lớn hơn được tạo lập chung, không được truyền đạt bởi bất kỳ bộ phận riêng biệt nào của một mạng - và các phó văn bản  [paratext - phó văn bản là các yếu tố được thêm vào tạo thành khung cho văn bản chính và có thể thay đổi việc tiếp nhận văn bản hoặc cách diễn giải của công chúng. Phó văn bản thường gắn với sách, bao gồm bìa, tiêu đề, lời đề tặng, lời mở đầu, lời nói đầu, lời cuối sách, chú thích, ghi chú, v.v. HHN] - những văn bản đó, hoặc các yếu tố có thể đọc được, bao quanh một phần khác, hoạt động như các bộ lọc hoặc “các cuộc gặp gỡ đầu tiên và hình thành với văn bản” (2010, 3). Grey viết, một phó văn bản vừa khác biệt với phần thực chất lại vừa là một phần của văn bản, tạo ra và quản lý văn bản, đồng thời mang lại ý nghĩa cho nó. Thông qua các phó văn bản của một văn bản, người đọc có thể hiểu theo ngữ cảnh về nội dung và tính biểu tượng của nó. Grey viết, nếu không có những bối cảnh mang tính chất phó văn bản như vậy, thì bất kỳ văn bản nào cũng trở nên mơ hồ, vô hình, hoặc thậm chí vô nghĩa.

Khi được áp dụng vào kinh nghiệm thực địa của tôi ở Tây Bắc Thái Bình Dương, những khái niệm này gợi nhớ ngay đến các nghiên cứu trường hợp. Ví dụ, tôi nghĩ về các từ dùng của “Rick”, một người 32 tuổi đam mê đi bộ đường dài, khi mô tả cái mà đối với anh ta, biểu thị một không gian “hoang dã”. Hoang dã, theo Rick, là một không gian “cách xa nền văn minh” và có thể nhận biết được trong tình trạng cách xa này bằng các biển ghi, chẳng hạn “đầu lối mòn xưa”, cho phép đeo ba lô, và thường là một “Toilet di động”, mỗi cái biểu thị một điểm nhất định là cái ngưỡng mà vượt qua nó, theo cách nói của Rick, là “nền văn minh kết thúc.” Mỗi tấm biển ghi này là một phó văn bản cho một vị trí lý sinh, báo hiệu và khuyến khích các ý nghĩa tiềm ẩn. Thông qua và liên quan đến các đối tượng có thể đọc được này mà bản thân môi trường vật chất đối với Rick trở nên có thể đọc được theo một cách nhất định.

Rick và những người khác cũng nói về bản đồ và biển báo đường mòn, do dịch vụ công viên khu vực lắp đặt, cũng như hướng dẫn các cách đọc về môi trường. Những con đường mòn được lưu ý bằng các cảnh báo dành cho những người đi bộ đường dài thiếu kinh nghiệm hoặc lưu ý bằng những cái tên mang tính tiên báo, như đường “Xương sống Quỷ”, thường được liên tưởng với những trải nghiệm “tự nhiên”, lởm chởm, gập ghềnh hoặc chân thực hơn.1 Chúng hoạt tác theo cách phó văn bản, thường làm nổi bật các khía cạnh cụ thể của khu vực hoặc các mốc giới với tư cách khác biệt hoặc đặc biệt đáng chú ý trong khi bỏ qua những thứ khác. Đối với các khu vực thậm chí còn bị tách ra khỏi tầm với của nền văn minh và các lực lượng sáng tạo của con người, một phó văn bản có thể là một cuốn sách về môi trường lý sinh nói chung hoặc các bức ảnh hiện có về khu vực đó. Rick, chẳng hạn, nói rõ hiểu biết của mình về các địa điểm mà anh đã đến thăm trong chuyến du ngoạn vùng hoang dã đã phát triển như thế nào từ những cuốn sách của Barry Lopez, Aldo Leopold, Molly Gloss và Edward Abbey anh đã từng đọc, cũng như từ các khóa nghiên cứu về môi trường mà anh đã tham dự ở trường đại học. Giống như Rick, bất kỳ khách du lịch hoang dã nào cũng có thể đọc hoặc bắt gặp các tài liệu dạng văn bản như vậy trước chuyến du ngoạn của họ vào một môi trường chưa được lập bản đồ hoặc chưa đọc trước đó và những phó văn bản này chuẩn bị cho khách du lịch một cách diễn giải nhất định, được mã hóa trước về văn bản môi trường mà cuối cùng rồi họ cũng gặp phải. Các phó văn bản có thể bao gồm bất kỳ và tất cả các nhóm ý nghĩa bao quanh văn bản và ảnh hưởng hoặc tạo ra ý nghĩa của văn bản trước khi thực sự chạm trán.

Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, việc áp dụng cái nhãn “phó văn bản” cho bất kỳ và tất cả các phần tử có thể đọc được xung quanh một môi trường sẽ đặt ra một số vấn đề nhất định. Chẳng hạn, chúng ta có thể hỏi nhà phân tích phê phán về ý nghĩa văn bản có thể vẽ đường phân định ảnh hưởng của phó văn bản ở đâu. Nếu một bức ảnh hoặc bản đồ đường mòn hoặc cuốn sách về vùng hoang dã có thể đóng vai trò là phó văn bản, thì điều gì sẽ giữ cho tất cả các bức ảnh, bản đồ hoặc sách tương tự - chứ đừng nói đến tất cả các văn bản gặp phải khác có mối quan hệ nào đó với môi trường không gian – cũng không tác hoạt như các phó văn bản? Nếu chúng ta coi hầu hết mọi thứ là một phó văn bản, thì cái nhãn phó văn bản về cơ bản cũng trở nên vô dụng. Trên thực tế, Genette, người đầu tiên đặt ra thuật ngữ ấy, đã công khai nhận ra hiểm họa này. “[M]ột trong những hiểm họa về phương pháp luận tận tụy với một chủ đề đa dạng và bao trùm như phó văn bản,” ông viết, “chính là sự cám dỗ mang tính đế quốc muốn thôn tính vào chủ đề này mọi thứ nằm trong tầm với của nó hoặc dường như có thể liên quan đến nó.” Ông cảnh báo, khá kịch liệt, “Dù mong muốn - vốn có trong bất kỳ nghiên cứu nào (trong bất kỳ diễn ngôn nào) - để biện minh cho chủ đề của một người bằng cách phóng đại nó, thì đối với tôi, khóa học tốt hơn và hợp lý hơn về mặt phương pháp luận dường như lại phản ứng theo cách ngược lại,” và tránh “nhân lên ‘các đối tượng lý thuyết’ trừ khi lý do để làm như vậy là quan trọng nhất.” Gọi phó văn bản là “vùng chuyển tiếp giữa văn bản và ngoài văn bản”, ông nhấn mạnh “người ta phải chống lại sự cám dỗ để mở rộng vùng này bằng cách xén bớt theo cả hai hướng,” và luôn cảnh giác với việc “tuyên bố rầm rộ rằng ‘tất cả đều là phó văn bản’”(Genette 1997, 407).

Đối với Genette, phó văn bản có chức năng “đảm bảo cho văn bản một số phận phù hợp với mục đích của tác giả” (ibid.). Trong khi phó văn bản bao quanh và mở rộng một văn bản, bằng cách thể hiện nó như một thứ gì đó có ý nghĩa trên thế giới, ông khẳng định nó cũng xuất phát từ ý định của tác giả, về cơ bản cam kết với văn bản mà nó bao quanh như một raison d’être lý do tồn tại. Do đó, việc mở rộng thuật ngữ “phó văn bản” cho tất cả các tài liệu hướng dẫn việc đọc một môi trường lý sinh thực sự đã kéo căng các giới hạn của việc thảo luận lý thuyết hữu ích - tuy nhiên, chắc chắn, các mối quan hệ liên văn bản vẫn có vai trò. Trong khi Genette phát triển thuật ngữ “phó văn bản” để thảo luận về ý nghĩa trong sách vở và văn học, thì nó đã sẵn sàng mở rộng sang phân tích các văn bản khác, có tác giả rõ ràng hơn, như phim ảnh, sân khấu, tác phẩm nghệ thuật vật chất và bài hát. Liệu việc mở rộng áp dụng thuật ngữ “liên văn bản” vào thảo luận về tri giác môi trường và văn bản không hề có tác giả có thực sự đại diện cho “sự cám dỗ mang tính đế quốc” không?3 “Liên văn bản”, những năm qua, thực sự đã được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau.

Michael Riffaterre, dựa vào Bakhtin và Kristeva, phân biệt giữa “liên văn bản” - một văn bản mà người đọc phải biết để hiểu ý nghĩa đầy đủ của một văn bản khác - và “tính liên văn bản”, mạng các chức năng cấu thành và điều chỉnh các mối quan hệ giữa bản thân các liên văn bản đó (1990, 56-57). Tony Bennett và Janet Woollacott còn phân biệt thêm “liên-văn bản tính” (inter-textuality) như một tổ chức xã hội của các văn bản giữa các trạng huống cụ thể của việc đọc (1987, 46). Tuy nhiên, bất kể những khác biệt nhỏ trong các cơ sở xác định, lý thuyết liên văn bản nói chung vẫn dựa trên một tiền đề cơ bản duy nhất, được Grey trình bày rõ ràng trong cuốn sách Show Sold Separately năm 2010 của ông: không chỉ “các văn bản nói ngược lại và sửa đổi các văn bản khác, hoặc ngầm ẩn hay rõ ràng kêu gọi chúng ta kết nối ý nghĩa của chúng với các văn bản trước đó,” mà chúng ta còn “luôn hiểu các văn bản một phần thông qua các khuôn khổ do các văn bản khác đưa đến”(31). Theo cách này, tính liên văn bản dễ dàng áp dụng cho các cách đọc của chúng ta về môi trường lý sinh, bất kể sự hiện diện hay vắng mặt của một tác giả rõ ràng nào.

Văn bản Không-tác giả

Việc thảo luận trước đây về tính văn bản đặt nặng vào xem xét vai trò của tác giả. Ví dụ, Wordsworth và Shelley đều tôn vinh vai trò của nhà thơ trong việc nắm bắt và tinh lọc ý nghĩa cho độc giả. T. S. Eliot đã chỉ ra cái thiên tài của tác giả trong việc vay mượn, sắp xếp lại, tái lập ngữ cảnh và sử dụng những ý nghĩa hiện có để tạo ra và bộc lộ các cấp độ định giá thẩm mỹ mới. Theo thời gian, “văn bản” bắt đầu đại diện cho sự tiếp nối tương tác quan trọng của bốn yếu tố chính: tác giả, tác phẩm, bối cảnh (hoặc truyền thống) và người đọc.

Vậy là, việc xác định môi trường lý sinh như một văn bản, thoạt đầu có vẻ có vấn đề. Ít nhất là trong chừng mực các tác nhân con người, các yếu tố trong môi trường lý sinh mở - những không gian không được chuẩn bị, duy trì hoặc thậm chí không bị ảnh hưởng rõ ràng bởi các sức mạnh của con người – thì đều không có tác giả. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể được đọc. Chúng có thể có ý nghĩa. Trên thực tế, người đọc có thể không bao giờ thấy một “bài thơ đáng yêu là một cái cây”. Trên thực tế, văn bản có thể chỉ bắt nguồn từ sự tương tác của không phải bốn mà là ba yếu tố: tác phẩm, bối cảnh và người đọc. Tuy nhiên, thông qua kịch bản này, chúng ta vẫn phải hỏi xem vai trò của tác giả phù hợp với vị trí nào. Nếu không thiết yếu đối với việc tạo ra văn bản, thì tác giả có đại diện cho một phần của chính tác phẩm, một phần của bối cảnh hay một phần của độc giả không? Và, nếu không phải từ tác giả, thì những ý nghĩa sẵn có trong một văn bản bắt nguồn từ khi nào? Câu hỏi thứ hai, đến nay, đã có câu trả lời sẵn sàng trong các tác phẩm của Barthes, Iser, Volosinov và Fish. Ý nghĩa được phát triển trong (hoặc bởi, cùng với) người đọc - nhưng còn nhiều hơn thế nữa trong một thời điểm. Cuộc thảo luận đương đại về vai trò của tác giả trước hết phải thừa nhận công trình của Michel Foucault và khái niệm “chức năng tác giả” của ông.

Foucault lập luận rằng tác giả của một văn bản, chừng nào ý nghĩa của văn bản đó còn được quan tâm, thì thực sự không phải là cá nhân kẻ giám sát sự sáng tạo cơ học của văn bản tồn tại về phương diện vật chất. Thay vào đó, ông lưu ý, “tác giả là một sản phẩm tư tưởng” (1980, 159). Kẻ sáng tạo về phương diện vật chất của một tác phẩm được tri giác là một văn bản (thường được gọi là “tác giả” trong thảo luận địa phương ngữ) và cái ấn tượng về tác giả của một văn bản cũng như hàm ý của nó đối với người đọc là hai điều rõ ràng riêng biệt. “Tác giả,” ông viết, “không phải là một nguồn ý nghĩa vô hạn lấp đầy một tác phẩm; tác giả không đứng trước các tác phẩm, ông ta là một nguyên tắc chức năng nhất định mà trong nền văn hóa của chúng ta, người ta giới hạn, loại trừ và lựa chọn ”(sđd). Theo định nghĩa này, tác giả đóng vai trò là ngữ cảnh, hoặc thậm chí là ràng buộc về ngữ cảnh. Ràng buộc này, hướng dẫn bất kỳ cách diễn giải văn bản nào của người đọc tiềm năng, là cái mà Foucault gọi là “chức năng-tác giả” - bản thân nó là một loại ảnh hưởng liên văn bản. Foucault lưu ý rằng việc thừa nhận tác giả với tư cách là chức năng-tác giả, cho phép nhà phê bình nhìn xa hơn những mối quan tâm về tác giả văn bản và đặt nhiều câu hỏi liên quan hơn, như, “Các phương thức tồn tại của [a] diễn ngôn là gì? Nó đã được sử dụng ở đâu, lưu hành như thế nào? Và ai có thể chiếm đoạt nó cho mình? Những nơi nào được giành cho các chủ thể khả thể? Ai có thể đảm nhận những chức năng-chủ thể khác nhau này?”, và trên hết, “Nó tạo nên sự khác biệt nào cho kẻ đang nói? " (160).

Roland Barthes, trong bài báo có ảnh hưởng của mình La mort de l'auteur - Cái chết của tác giả”, đã vận động cho sự chú ý nhiều hơn đến những câu hỏi như vậy và gạt bỏ mối quan tâm về ảnh hưởng của tác giả để phân tích rõ hơn chức năng và sự phát triển của ý nghĩa trong bất kỳ văn bản nhất định nào. Đối với Barthes, ý nghĩa được tạo ra bởi khán giả trong hành động đọc một văn bản. Kẻ tạo ra một văn bản trong thế giới-thực, hay “tác giả”, theo đánh giá của ông, không mấy quan trọng, chỉ đóng vai trò là một gợi ý để thiết lập tính hợp thức của một văn bản trong một phạm vi xã hội nhất định. Tác giả, Barthes khẳng định, không phải là nơi tạo ra ý nghĩa mà chỉ đơn thuần là một bộ lọc để hiểu một văn bản trong mắt người đọc. “Về phương diện ngôn ngữ học,” ông viết, “tác giả không có gì khác hơn là ví dụ viết, cũng hệt như tôi không có gì khác hơn là ví dụ nói Tôi” (1977, 145). Ông khẳng định, văn bản và ý nghĩa của nó đã phát triển vượt khỏi các mối quan hệ liên văn bản, coi văn bản là một “không gian đa chiều, trong đó nhiều tác phẩm khác nhau, không có tác phẩm nào là nguyên bản, hòa trộn và đụng độ nhau… một mạng trích dẫn rút ra từ vô số trung tâm văn hóa”(146). Barthes viết, nếu các học giả giao tiếp muốn hiểu rõ hơn về việc tạo ra văn bản và ý nghĩa, thì họ phải “giết chết” tác giả và thúc đẩy “sự ra đời của người đọc” (Grey 2010, 108).

Cuối cùng, Barthes khẳng định rằng “[ng]ay sau khi một sự kiện được tường thuật lại không phải bằng quan điểm hành động trực tiếp đối với hiện thực, không bắc cầu, nghĩa là, cuối cùng nằm ngoài bất kỳ chức năng nào khác ngoài chức năng của chính việc thực hành bản thân biểu tượng, [ph]ân cắt xảy ra, giọng nói mất đi nguồn gốc, tác giả đi vào cái chết của chính mình, [và] việc viết bắt đầu”(142). Với sự thừa nhận nguyên tắc này, nhà phê bình văn bản có thể bắt đầu giải quyết các câu hỏi do Foucault đặt ra, trong đó “tác giả” không còn được xem như người sáng tạo nữa, mà trở thành ngữ cảnh hoặc liên văn bản. Sửa đổi tuyên bố ấn tượng của Barthes, Foucault lưu ý rằng chức năng-tác giả không hẳn đã chết khi nó bị biến đổi về ý nghĩa của nó. Theo nhiều cách, tác giả trở thành biểu tượng của sự vắng mặt của chính mình. Tác giả, như Grey lưu ý, không còn được coi là “chỉ có thẩm quyền bên ngoài”, mà là “những văn bản được khán giả sử dụng để tạo ý nghĩa và định vị bản thân trong mối quan hệ với các văn bản khác” (108). Foucault cho rằng trong trường hợp vắng mặt tác giả-như-là-kẻ-tạo-ra-ý-nghĩa, thì các học giả về giao tiếp phải định vị không gian còn trống bởi sự xóa bỏ của tác giả, “theo dõi sự phân bố của các khoảng trống và các đứt gãy, và quan sát các lỗ hổng mà sự biến mất này mở ra” (145).

Dù bằng cách nào, dù theo sự dẫn dắt của Barthes hay Foucault, thì vai trò của tác giả trong việc tạo ra ý nghĩa đều bị giảm đi đáng kể. Tác giả là kẻ tạo ra tác phẩm, nhưng, như Barthes lưu ý, tác phẩm là một cái gì đó khác với một văn bản. Văn bản là ý nghĩa được trải nghiệm tại hành động tiêu thụ - một ví dụ về sự cộng tác giữa đối tượng, ngữ cảnh liên văn bản (bao gồm cả tác giả) và người đọc. Dựa trên lập luận của Barthes và Foucault chống lại tầm quan trọng của tác giả và xem xét vai trò tối thượng của người đọc trong việc tạo ra văn bản, khái niệm lạ thường về một văn bản “không-tác giả” mất đi hàm ý có vấn đề tiềm ẩn của nó.

Tất nhiên, một số độc giả có thể và thực tế cho rằng môi trường lý sinh và các đối tượng khác không phải do con người tạo ra để có một tác giả thần thánh hoặc siêu phàm, nhưng các lập luận của Barthes và Foucault cho chúng ta thấy rằng ngay cả trong những trường hợp này, thì khái niệm tác giả chỉ là bối cảnh để diễn giải. Ý nghĩa được tạo ra trong hành động đọc và thời điểm đọc. Barthes viết, “Nhất tính của [một] văn bản không nằm ở cội nguồn mà nằm ở đích đến của nó” (148). Nhiều học giả và nhà tư tưởng đương thời đã lặp lại và khuyếch trương cảm thức này.2

Do đó, trong quá trình khám phá việc tạo ý nghĩa cho các không gian và vị trí trong môi trường lý sinh, chúng ta phải áp dụng các nguyên tắc tương tự được sử dụng khi xem xét việc tạo ý nghĩa trong các văn bản được xem xét theo cách truyền thống hơn. Volosinov (1973) lưu ý rằng nhiều khía cạnh (nếu không phải là tất cả) không-tác giả của môi trường “tự nhiên” - chẳng hạn như tiếng kêu của động vật - không bẩm sinh đóng vai trò là dấu hiệu, nhưng ngay khi chúng được lặp lại qua diễn ngôn, bằng tích lũy ý nghĩa liên-cá nhân, chúng lại trở nên có ý nghĩa về phương diện xã hội. Các văn bản không-tác giả trở thành dấu hiệu tư tưởng. Nếu những kiểu không gian lý sinh đó được những người cung cấp thông tin của tôi thảo luận và tán dương - rừng sâu, các đỉnh núi non, hoặc sa mạc rộng lớn - được coi là độc đáo và dễ phân biệt với các điểm khác trên cảnh quan lớn hơn, thì chúng được đọc là có một số cấp độ ý nghĩa và ý nghĩa đó, giống như tất cả các ý nghĩa văn bản, rút ​​ra từ sự nhập thân của người đọc với tính liên văn bản. Nếu một môi trường nhất định thể hiện cái mà Walter Benjamin (1969) gọi là “hào quang”, một ý nghĩa bí ẩn và có thể sờ thấy được dựa trên sự đánh giá về thẩm mỹ hoặc tinh thần, thì hào quang đó phải rút ra từ các mối quan hệ mang tính liên văn bản và phó văn bản, khuôn cuộc gặp gỡ của người đọc với không gian môi trường; nếu một địa điểm có thể hoạt tác như một biểu tượng chung giữa các nhóm người, thì đó là bởi vì các cộng đồng diễn giải đã hình thành thông qua trải nghiệm ngữ cảnh được chia sẻ chung; và nếu một chuyến đi bộ đường dài trong rừng trên bờ biển miền núi phía Tây Bắc Thái Bình Dương có thể được mô tả thông qua việc tham khảo một cuốn sách hoặc bộ phim nổi tiếng, thì môi trường không-tác giả sẽ trở nên bao trùm trong mạng liên văn bản tính ngày càng mở rộng.

Tính liên văn bản, Dân gian học và Môi trường lý sinh

Việc chuyển từ phân tích dân gian học sang phân tích liên văn bản trong nghiên cứu thực địa Tây Bắc Thái Bình Dương năm 2008 của tôi đã tạo ra một sự chuyển đổi rất đơn giản và linh hoạt. Xét cho cùng, dân gian học là một lĩnh vực có liên quan mật thiết nhất đến các chuỗi truyền thống, sự chiếm hữu và trên thực tế, sự tham chiếu liên văn bản. Nhà dân gian học có lẽ thấy khả năng ảnh hưởng liên văn bản rộng hơn bất kỳ học giả nào khác. Trong phạm vi truyền thống văn hóa và sự phát triển của nó theo thời gian, nhà dân gian học khẳng định rằng bất kỳ văn bản nào có thể hình dung được (hoặc có thể tri giác được), trên thực tế, đều là một liên văn bản, được gói ghém trong các ý nghĩa và tác động tinh thần lâu dài của những kẻ tiền nhiệm của nó. Những ý nghĩa đã gặp trước này là “những bóng ma văn bản và ám ảnh văn bản” mà Julie Sanders xác định trong những trang mở đầu của cuốn sách Thích nghi và Chiếm đoạt (4) năm 2006 của cô. Mặc dù không còn hiện diện theo nghĩa đen nữa, nhưng những ý nghĩa hiện có này chuyện trò và tương tác với những ý nghĩa mới khi chúng phát triển. Có lẽ đại đa số các nhà dân gian học, bao gồm cả tôi, đều đồng ý với Sanders khi cô ấy tuyên bố rằng bất kỳ văn bản nào lấy từ hoặc tham chiếu từ văn bản khác (dù rõ ràng hay chỉ phảng phất) cũng đều làm phức tạp và mở rộng các ý nghĩa hiện tồn, có sẵn để diễn giải và việc tạo ra ý nghĩa thực sự là một quá trình liên tục và không ngừng phát triển (3).

Tuy nhiên, nhà dân gian học có thể sẽ lập luận thêm rằng toàn bộ nền văn hóa nhân loại - toàn bộ kinh nghiệm biểu đạt của con người - là một sản phẩm hợp tác, và quyền cá nhân tác giả của bất kỳ văn bản nhất định nào cũng chỉ là ảo tưởng (hoặc, ít nhất, cũng chỉ là cường điệu), được củng cố bởi giá trị đặt trên chủ nghĩa cá nhân và tác tố cá nhân trong cộng đồng phương Tây thời hậu Khai sáng. Chúng ta, với tư cách là những người giao tiếp nhân văn, có xu hướng nghĩ về bản thân như những thực thể riêng biệt - và, thực sự, với yêu cầu tồn tại trong môi trường vật chất được tri giác, thì việc diễn giải tính hữu hạn của cá nhân như vậy là một phép tính hoàn toàn thực dụng và có lẽ cần thiết - nhưng trong tính thực tế, các nút hành động và trải nghiệm được kết nối với nhau, liên tục ảnh hưởng và tái chuyển hướng lẫn nhau qua các giới hạn của thời gian và không gian. Vì chúng ta trải nghiệm thế giới từ một góc nhìn dường như hữu hạn, thì tính liên kết như vậy chắc chắn sẽ là một thách thức đối với sự hiểu biết của chúng ta, nhưng ở những hình thái đơn giản nhất, người ta vẫn có thể dễ dàng lùi lại và nhận ra rằng những gì một người nói và một người khác nghe, một người viết và một người khác đọc, đều ảnh hưởng đến cả hai bên theo nhiều cách, cả tại thời điểm giao tiếp lẫn mãi mãi về sau. Những “bóng ma” của những gì người khác (và chính chúng ta) đã nói, viết và làm không chỉ “ám ảnh” những diễn ​​giải trong tương lai của chúng ta, mà còn hướng dẫn chúng, cư ngụ trong chúng, và đôi khi, bao bọc chúng.

Cách diễn giải tự do như vậy về các nguyên tắc liên văn bản có thể khiến Gérard Genette không thoải mái, vì nó dường như nhượng bộ “sự cám dỗ đế quốc chủ nghĩa” chống lại cái mà ông cảnh báo những người đọc của mình, nhưng việc chiếm hữu liên văn bản thực sự đại diện cho động lực chủ chốt trong mọi hình thức biểu đạt của con người. Chẳng hạn, trong nghiên cứu về truyền thống tự sự và văn hóa dân gian khác - giao tiếp dựa trên sự tương tác được chia sẻ và sự biến đổi của các hình thái không tĩnh - một mức độ chiếm hữu nào đó đã luôn được đặt ra. Chẳng hạn, cái ví dụ thường được trích dẫn gần đây về huyền thoại Đại Hồng thủy có thể được bắt nguồn từ một hình thức sớm nhất được biết đến, bằng những thỏi đất sét vẽ nguệch ngoạc ở Trung Đông, sau đó được truy tìm thông qua các biến thể trong các truyền thống Do Thái-Cơ đốc giáo Hy Lạp và Bắc Âu, cho đến những bộ phim và văn học về hậu- khải huyền tìm kiếm được đông đảo khán giả trên thế giới ngày nay, nhưng nó cũng có tổ tiên trước đây, ở các dạng truyền miệng không được ghi chép, và đã được tô vẽ và làm thành “ám ảnh” trong suốt quá trình tương tác và ghép nối với vô số câu chuyện, các trải nghiệm của khán giả và các bối cảnh văn hóa khác. Các cách đọc phân tâm có thể chỉ ra sự tồn tại của một nguyên mẫu “gốc” cho câu chuyện, và các nhà cấu trúc luận có thể chỉ ra một cấu trúc giả định ban đầu, nhưng không cung cấp bất kỳ bằng chứng chắc chắn nào để hỗ trợ cho các định đề giả thuyết như vậy. Cách giải thích dễ theo dõi và dễ bảo vệ hơn về các dạng tích chuyện chuyển trọng tâm của nó vào quá trình tương tác liên tục giữa con người và văn bản - được kết hợp khá độc đáo trong lĩnh vực tính liên văn bản.

Các nhà dân gian học tìm cách trả lời các câu hỏi tại sao một số hình thức và văn bản nhất định được coi là quan trọng đối với các dân tộc qua các ranh giới địa lý, niên đại và văn hóa; những ý tưởng và ý nghĩa nào mà con người tìm ra để xem lại và tái khám phá; những khía cạnh nào của văn bản bị thay đổi hoặc bỏ qua khi thực hành tái diễn giải và chiếm dụng, những khía cạnh nào được giữ nguyên và tại sao. Việc tập trung vào tính liên văn bản giúp mở đường để tiếp cận những truy vấn này.

Những tích chuyện kể về các địa điểm “tự nhiên” và các không gian không-tác giả không chỉ tiết lộ các phương tiện được chia sẻ để tự diễn giải các địa điểm cụ thể mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với thế giới quan rộng lớn hơn của các cá nhân và các cộng đồng kể về chúng. Môi trường không gian, như Tuan (1977) lưu ý, là một nhân tố ngữ cảnh hiện diện liên tục đối với mọi trải nghiệm của con người. Chính vì lý do này mà mối quan tâm nghiên cứu của tôi ban đầu được tập trung vào những câu chuyện về cuộc gặp gỡ nơi hoang dã. Tuy nhiên, việc kết hợp phương pháp tiếp cận dân gian học với việc xem xét tính liên văn bản đã buộc phải có ít nhất một sự thay đổi đáng kể và đáng chú ý trong quan điểm của tôi đối với các cuộc phỏng vấn thực địa. Dưới góc độ của tư duy liên văn bản, tôi nhận ra rằng bối cảnh xung quanh một văn bản thực sự không là gì nếu không phải là một tập hợp tự thân các văn bản khác. Trong nghiên cứu của tôi về tường thuật cá nhân và truyền thống, tôi chỉ tập trung vào các liên văn bản tường thuật khác và đã bỏ qua ảnh hưởng của bối cảnh xung quanh để tạo ra ý nghĩa trong môi trường cho cá nhân người hành hương hoặc nhà thám hiểm vùng hoang dã.

Sau đó, với phần cuối của tiểu luận này, tôi muốn khảo sát sâu hơn về các hàm ý của tính liên văn bản đối với việc tri giác về môi trường, bằng cách chuyển công trình của tôi ra khỏi việc phân tích lĩnh vực dân gian học và chuyển sang đánh giá xây dựng lý thuyết. Để khám phá cách thức mà bối cảnh môi trường có thể hoạt tác với tư cách liên văn bản, tôi sẽ dựa vào các công trình của các học giả nghiên cứu bảo tàng, những người đã coi việc tạo ra ý nghĩa môi trường trong các bầu khí quyển được thiết kế có chủ ý hơn, trước khi chuyển sang áp dụng nguyên tắc này cho các địa điểm lý sinh không-tác giả, bao gồm các khu vực nhiều cây cối, bãi biển (như John Fiske đã thảo luận), và “vùng hoang dã” được Rick và những người cung cấp thông tin thực địa khác của tôi mô tả.

_____________________________________________

Còn nữa…

Nguồn: Casey R. Schmitt (2012). If a Text Falls in the Woods...: Intertextuality, Environmental Perception, and the Non-Authored Text. In Cultural Analysis, Volume 11, 2012

Tác giả: GS. Casey R. Schmitt dạy Tu từ học và Giao tiếp, với trọng tâm nghiên cứu là tự sự môi trường, tranh luận sinh thái và nghiên cứu thực địa dân tộc chí, đặc biệt là những câu chuyện về vùng hoang dã và không gian tự nhiên. Các nghiên cứu khác của ông bao gồm tiến nhập xã hội của truyện kể dân gian Hoa Kỳ, sự thể hiện của người Mỹ bản địa và văn hóa đại chúng. Ngoài công việc nghiên cứu và giảng dạy, Schmitt là một tác giả và biên tập viên thường xuyên, đã từng đảm nhiệm vị trí biên tập cho một số tạp chí học thuật, bao gồm Định hướng Mới trong Văn hóa Dân gian, Tạp chí Lịch sử Truyền khẩuVăn hóa Dân gian Miền Tây. Ông là Chủ tịch năm 2018 / và Chủ tịch Phân ban Truyền thông Môi trường của Hiệp hội Truyền thông Quốc gia.

Chú thích

1For an excellent and more detailed examination of trail symbolism and authenticity, see Senda- Cook, 2012.

2See Volosinov 1973, 102; Iser 1980; Fish 1980.

3Carbonell refers to “exhibition effect” as “museum effect,” writing that a visitor’s concentration upon one object relegates other objects to the periphery.

4This relationship between exhibition effect and environment is traceable in the work of Helaine Silverman (2004), writing on connotation of pre- Columbian material display, of Harry B. Robinson (1952), describing the historical narrative and meanings encouraged by the paratexts of the Custer Battlefield Museum, and of Barry Mackintosh (1987), explaining the historically interpretive overtones encouraged at U.S. National Park sites during the 1980s.

Tài liệu dẫn

Aden, Roger C., Min Wha Han, Stephanie Norander, Michael E. Pfahl, Timothy P. Pollack, Jr., and Stephanie L. Young (2009). “Re-Collection: A Proposal for Refining the Study of Collective Memory and its Places. In Communication Theory 19.3: 311-336.

Bakhtin, Mikhail (1986). Speech Genres and Other Essays. Austin: University of Texas Press.

Barthes, Roland (1977). The Death of the Author and From Work to Text. In Image Music Text, trans. Stephen Heath. Glasgow: Fontana/Collins.

Benjamin, Walter (1969). The Work of Art in the Age of Mechanical Reproduction. In Illuminations, edited by Hannah Arendt. New York: Schoken Books.

Bennett, Tony and Janet Woollacott (1987). Reading Bond. In Bond and Beyond: The Political Career of a Popular Hero, 44-92. London: MacMillan.

Branham, Joan R. (1994/1995). Sacrality and Aura in the Museum: Mute Objects and Articulate Space. In The Journal of the Walters Art Gallery 52/53: 33-47.

Carbonell, Bettina M. (2009). The Syntax of Objects and the Representation of History: Speaking of Slavery in New York. In History and Theory, Theme Issue 47: 122-137.

Cronon, William (1996). The Trouble with Wilderness; or, Getting Back to the Wrong Nature, In Environmental History 1.1: 7-28.

Eliot, T. S. (1991). Tradition and the Individual Talent. In Criticism: Major Statements, 3rd ed., edited by Charles Kaplan and William Anderson, 429-437. New York: St. Martin’s.

Fish, Stanley (1980). Is There a Text in This Class? The Authority of Interpretive Communities. Cambridge, Massachusetts: Harvard University Press.

Fiske, John (2005). Reading the Popular. London: Routledge.

Foucault, Michel (1980). What is an Author? In Textual Strategies: Perspectives in Post-Structuralist Criticism, edited by Josué V. Harari, 141-160. London: Metheum.

Genette, Gérard (1997). Paratexts: Thresholds of Interpretation, trans. Jane E. Lewin. Cambridge: Cambridge University Press.

Gray, Jonathan (2010). Show Sold Separately: Promos, Spoilers, and Other Media Paratexts. New York: New York University Press.

Iser, Wolfgang (1980). The Reading Process: A Phenomenological Approach. In Reader-Response Criticism: From Formalism to Post-Structuralism, edited by Jane Tompkins, 50-69. London: Johns Hopkins University Press.

Kristeva, Julia (1980). Desire in Language: A Semiotic Approach to Literature and Art. New York: Columbia University Press.

Lefebvre, Henri (1991). The Social Production of Space, trans. Donald Nicholson-Smith. Oxford: Blackwell.

Mackintosh, Barry (1987). The National Park Service Moves into Historical Interpretation. The Public Historian 9.2: 51-63.

Maines, Rachel P. and James J. Glynn (1993). Numinous Objects. The Public Historian 15.1: 9-25.

Malpas, J. E. (1999). Place and Experience: A Philosophical Topography. Cambridge, UK: Cambridge University Press.

Relph, Edward (1985). Geographical Experiences and Being-in-the-World: The Phenomenological Origins of Geography. In Dwelling, Place, and Environment: Towards a Phenomenology of Person and World, edited by David Seamon and Robert Muerauer, 15-31. Dordrecht, The Netherlands: Martinus Nijoff Publishers.

Riffaterre, Michael (1990). Compulsory Reader Response: The Intertextual Drive. In Intertextuality: Theories and Practices, edited by Michael Worton and Judith Still, 56-78. Manchester: Manchester University Press.

Robinson, Harry B. (1952). The Custer Battlefield Museum. The Montana Magazine of History 2.3: 11-29.

Ryden, Kent C. (1993). Mapping the Invisible Landscape: Folklore, Writing, and the Sense of Place. Iowa City: University of Iowa Press.

Sanders, Julie (2006). Adaptation and Appropriation. New York: Routledge.

Senda-Cook, Samantha (2012). Rugged Practices: Embodying Authenticity in Outdoor Recreation. Quarterly Journal of Speech 98.2: 129-152.

Shelley, Percy Bysshe (1991). A Defense of Poetry. In Criticism: Major Statements, 3rd ed., edited by Charles Kaplan and William Anderson, 309-335. New York: St. Martin’s.

Silverman, Helaine (2004). Subverting the Venue: A Critical Exhibition of Pre-Columbian Objects at Krannert Art Museum. In American Anthropologist 106.4: 732-738.

Tuan, Yi-Fu (1977). Space and Place: The Perspective of Experience. Minneapolis: University of Minnesota Press.

Tuan, Yi-Fu (1991). Language and the Making of Place: A Narrative-Descriptive Approach. Annals of the Association of American Geographers 81.4: 684-696.

Volosinov, Valentin (1973). Marxism and the Philosophy of Language, trans. Ladislav Metejka and I. R. Titunik. London: Seminar.

Wordsworth, William (1991). Preface to Lyrical Ballad. In Criticism: Major Statements, 3rd ed., edited by Charles Kaplan and William Anderson, 256-275. New York: St. Martin’s.

 

 

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét