Powered By Blogger

Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2021

Lý thuyết Văn bản (I)

Roland Barthes

Người dịch: Hà Hữu Nga

Le plaisir du texte, c’est ça: la valeur passée au rang somptueux de signifiant - Khoái lạc văn bản, đó là: giá trị được chuyển cho vị thế lộng lẫy của cái biểu đạt. (Barthes, Roland (1973). Le  plaisir  du  texte, Collection Tel Quel, Aux Éditions du Seuil, p. 103)

Văn bản là gì, đối với quan điểm ​​hiện tại? Nó là bề mặt hiện tượng của tác phẩm văn học; nó là tissu một kết cấu đan dệt các từ tạo nên tác phẩm và được sắp xếp theo cách áp đặt một nghĩa ổn định và khả thể độc nhất. Bất chấp đặc điểm cục bộ và khiêm tốn của ý niệm đó (xét cho cùng, nó chỉ là một vật thể, có thể cảm nhận được bằng mắt thường), văn bản góp phần làm nên vinh quang thiêng liêng của tác phẩm, trong đó nó là kẻ đầy tớ tầm thường nhưng cần thiết. Cơ bản gắn kết với chữ viết (văn bản là những gì được viết ra), có lẽ bởi chính những đồ hình của chữ cái - mặc dù vẫn còn tuyến tính - gợi ý không phải là lời nói, mà là thứ đan dệt của một kết cấu (theo từ nguyên học, texte - văn bản có nghĩa là tissu - vuông vải), văn bản, trong tác phẩm, là kẻ bảo lãnh cho đối tượng được viết ra, tập hợp các chức năng bảo vệ của nó: một mặt là tính ổn định và vĩnh viễn của inscription - việc ghi chép, được làm ra để hiệu chỉnh tính mong manh và không chính xác của ký ức, mặt khác đảm bảo tính hợp thức của mẫu tự, dấu vết không thể chối cãi và không thể xóa nhòa, người ta tin rằng, về ý nghĩa vốn được tác giả cố ý gửi gắm vào tác phẩm của mình; văn bản là một vũ khí chống lại thời gian, chứng lãng quên và những mánh khóe của ngôn từ, vốn rất dễ bị rút lại, thay đổi, phủ nhận. Ý niệm về bản văn về mặt lịch sử gắn liền với toàn bộ thế giới của các định chế: luật pháp, Giáo hội, văn học, giáo dục. Văn bản là một đối tượng luân lý: nó là cái được viết ra chừng nào cái được viết ra đó vẫn tham gia vào khế ước xã hội. Nó khuất phục chúng ta và yêu cầu chúng ta quan sát và tôn trọng nó, nhưng đổi lại nó đánh dấu ngôn ngữ bằng một thuộc tính bất khả định giá (mà thực chất nó không có): tính an toàn.

1. Khủng hoảng Ký hiệu

Từ quan điểm nhận thức luận, văn bản, theo cách chấp nhận kinh điển này, là một phần của tập hợp khái niệm mà trung tâm là ký hiệu. Giờ đây chúng ta bắt đầu hiểu rằng ký hiệu là một khái niệm lịch sử, một tác vật mang tính phân tích (và thậm chí là có tính ý thức hệ). Chúng ta biết rằng có một nền văn minh ký hiệu, cụ thể là nền văn minh phương Tây của chúng ta từ thời Khắc kỷ đến giữa thế kỷ XX. Khái niệm văn bản ngụ ý rằng thông điệp được viết ra được trình bày rõ ràng giống như ký hiệu: một bên là cái biểu đạt (tính vật chất của các chữ cái và mối liên hệ của chúng với các từ, các câu, các đoạn, các chương), và mặt khác là cái được biểu đạt, một ý nghĩa, đồng thời là nguyên bản, đơn nghĩa, và dứt khoát, được xác định bởi tính chính xác của các ký hiệu mang nó. Ký hiệu kinh điển là một đơn vị đóng, mà việc đóng lại của nó làm dừng ý nghĩa, tránh cho nó khỏi run rẩy, trở nên kép, hoặc lang thang. Điều tương tự cũng được áp dụng cho văn bản kinh điển: nó kết thúc tác phẩm, xâu chuỗi vào chữ cái của nó, tán chặt nó với cái được biểu đạt của nó. Do đó, nó liên quan đến hai loại hoạt tác, mà cả hai đều nhằm bịt kín những lỗ hổng mà hàng nghìn nguyên nhân (lịch sử, vật chất hoặc con người) có thể đục thủng tính toàn vẹn của ký hiệu. Hai hoạt tác này chính là phục hồi và diễn giải.

Với tư cách là nơi ký thác chính tính vật chất của cái biểu đạt (trật tự và tính chính xác của các chữ cái), văn bản yêu cầu được khám phá lại, “được phục hồi”, nếu nó bị mất hoặc bị thay đổi vì một lý do lịch sử nào đó. Sau đó, nó được một ngành khoa học - ngữ văn, và một kỹ thuật - phê bình văn bản, tiếp quản; nhưng đó không phải là tất cả: độ chính xác theo nghĩa đen của cái được viết ra, được xác định bởi tính phù hợp của các phiên bản kế tiếp của nó với phiên bản gốc của nó, hỗn hợp bằng cách hoán dụ, với tính chính xác ngữ nghĩa của nó. Trong vũ trụ cổ điển, quy luật của cái được biểu đạt được suy luận từ quy luật của cái biểu đạt (và ngược lại). Hai tính hợp thức trùng hợp, và mỗi thứ khẳng định lẫn nhau: nghĩa đen của văn bản được tạo thành nơi ký thác nguồn gốc của nó, ý định của nó, và một ý nghĩa kinh điển cần được duy trì hoặc tái khám phá. Vậy là, văn bản trở thành chính đối tượng của toàn bộ môn tường giải học. Từ việc “khôi phục” cái biểu đạt, đương nhiên người ta chuyển sang cách diễn giải kinh điển về cái được biểu đạt: văn bản là tên của tác phẩm chừng nào nó còn là nơi cư ngụ của một, và chỉ một nghĩa, một nghĩa “chân”, một nghĩa dứt khoát. Chính “công cụ” khoa học này xác định một cách độc đoán các quy tắc của một cách đọc vĩnh cửu.

Quan niệm này về văn bản (quan niệm kinh điển, mang tính định chế và hiện tại) rõ ràng gắn liền với một siêu hình học, siêu hình học về chân lý. Hệt như lời thề chứng thực cho phát ngôn, văn bản cũng chứng thực cho văn tự: nghĩa đen của nó, nguồn gốc của nó, ý nghĩa của nó, có nghĩa là, “chân lý” của nó. Trong nhiều thế kỷ, bao nhiêu cuộc chiến giành chân lý, và đồng thời, bao nhiêu cuộc chiến nhân danh ý nghĩa này chống lại ý nghĩa khác, bao nhiêu khổ đau trước tính bất chắc của các ký hiệu, bao nhiêu quy tắc để cố xác nhận chúng! Quả thực là cùng một câu chuyện, đôi khi đẫm máu, luôn khắc nghiệt, gắn kết giữa chân lý, ký hiệu và văn bản. Nhưng cũng chính là cuộc khủng hoảng tương tự, đã mở ra vào thế kỷ 19 trong siêu hình học về chân lý (Nietzsche) và ngày nay lại được khơi mào trong lý thuyết ngôn ngữ và văn học, bởi sự phê phán ý thức hệ về ký hiệu và bởi sự thay thế một văn bản mới cho văn bản cũ của các nhà ngữ văn.

Cuộc khủng hoảng này do chính ngôn ngữ học khởi xướng. Theo một cách mơ hồ (hoặc biện chứng), ngôn ngữ học (cấu trúc) đã tôn phong một cách khoa học khái niệm ký hiệu (được thể hiện thành cái biểu đạt và cái được biểu đạt) và có thể được coi là cực đỉnh khải hoàn của một siêu hình học về ý nghĩa, trong khi chính cái chủ nghĩa đế quốc của nó đã làm cho nó nhất thiết phải thay thế, giải cấu trúc và lật nhào cái cỗ máy biểu đạt ý nghĩa đó; vào thời kỳ đỉnh cao của ngôn ngữ học cấu trúc (khoảng1960), các nhà nghiên cứu mới, thường từ chính ngành ngôn ngữ học, đã bắt đầu phê phán về ký hiệu và một lý thuyết mới về văn bản (trước đây gọi là “văn chương”).

Trong sự đột biến này, vai trò của ngôn ngữ học đã tăng lên gấp ba lần. Thứ nhất, bằng cách tiến gần đến lôgic học, vào đúng thời điểm mà sau này, với Carnap, Russell và Wittgenstein, coi bản thân nó như một ngôn ngữ, thì ngôn ngữ học đã tạo cho các nhà nghiên cứu thói quen thay thế tiêu chí xác thực cho tiêu chí chân lý; thói quen rút toàn bộ ngôn ngữ khỏi sự phê chuẩn về nội dung; thói quen khám phá sự phong phú, sự tinh tế, nếu chúng ta có thể nói về tính chất vô tận của các biến đổi lặp thừa của diễn ngôn: thông qua thực hành hình thức hóa, việc học hỏi đầy đủ về cái biểu đạt, về tính tự chủ của nó và biên độ triển khai của nó đã được thực hiện. Sau đó, nhờ công trình của Trường phái Praha và của Jakobson, chúng tôi tự cổ vũ mình phải làm lại cách phân bố truyền thống của các diễn ngôn: toàn bộ phần văn học được chuyển sang ngôn ngữ học (ở cấp độ nghiên cứu, nếu không phải là cấp độ giảng dạy), dưới tên gọi “thi pháp” (Valéry đã thấy nhất thiết phải có sự thay đổi này) và do đó đã thoát khỏi quyền hạn của lịch sử văn học, được quan niệm như một lịch sử thuần túy của các ý tưởng và thể loại. Cuối cùng, ký hiệu học, một ngành học mới được Saussure đặt định vào đầu thế kỷ nhưng mãi đến khoảng năm 1960 mới bắt đầu phát triển, chủ yếu tập trung, tối thiểu là ở Pháp, vào phân tích diễn ngôn văn chương; ngôn ngữ học mới dừng lại ở câu và chỉ xác định các đơn vị cấu tạo nó (ngữ đoạn, phân vị, âm vị); nhưng còn ngoài câu ra? Các đơn vị cấu trúc của diễn ngôn (nếu chúng ta từ bỏ các cách phân chia định chuẩn của phép tu từ cổ điển) là gì? Ở đây ký hiệu học văn chương cần có khái niệm về văn bản, một đơn vị suy lý logic vượt trội hơn hoặc bên trong câu, luôn luôn khác về cấu trúc với nó. “Khái niệm về văn bản không cùng cấp độ với khái niệm về câu [...]; theo nghĩa này, văn bản phải được phân biệt với đoạn văn, đơn vị in của một số câu. Văn bản có thể trùng với một câu hoặc với toàn bộ cuốn sách; [...] nó tạo thành một hệ thống không nên đồng nhất với hệ thống ngôn ngữ học, nhưng phải đặt trong mối quan hệ với nó: một mối quan hệ vừa gần gũi vừa tương đồng” (T. Toodorov).

Trong ký hiệu học văn học nghiêm nhặt, theo một cách nói chính thức thì văn bản bao gồm cả các hiện tượng ngôn ngữ học; ở cấp độ văn bản, ngữ nghĩa học ý nghĩa (chứ không chỉ còn là về giao tiếp) được nghiên cứu cùng với cú pháp tự sự hoặc thi ca. Tuy nhiên, quan niệm mới này về văn bản, thực sự gần với tu từ học hơn là với ngữ văn, muốn tuân theo các nguyên tắc của khoa học thực chứng: văn bản được nghiên cứu một cách nội tại, vì chúng tôi tránh tham chiếu đến nội dung và các quyết định (xã hội học, lịch sử, tâm lý học), nhưng theo cách ngoại tại, vì văn bản, như trong bất kỳ khoa học thực chứng nào khác, cũng chỉ là một đối tượng, chịu sự kiểm nghiệm từ xa của một chủ thể hiểu biết. Do đó, ở cấp độ này, chúng ta không thể nói về đột biến nhận thức luận; đột biến này chỉ bắt đầu khi những thành tựu của ngôn ngữ học và ký hiệu học được chủ ý xếp đặt (tương đối hóa: bị phá hủy-tái cấu trúc) trong một lĩnh vực quy chiếu mới, về cơ bản được xác định bởi sự tương liên giữa hai nhận thức khác nhau: chủ nghĩa duy vật biện chứng và phân tâm học. Quy chiếu duy vật-biện chứng (Marx, Engels, Lenin, Mao) và quy chiếu Freud (Freud, Lacan), chắc chắn tạo điều kiện cho chúng ta xác định những người ủng hộ cho lý thuyết mới về văn bản. Vì cần phải có khoa học mới, nên thực tế khoa học cũ chưa đủ để bắt đầu đào sâu hoặc mở rộng (điều đó chỉ xảy ra khi người ta chuyển từ ngôn ngữ học câu sang ký hiệu học tác phẩm); phải có một cuộc gặp gỡ của các nhận thức khác nhau, thực chất những nhận thức ấy thông thường không biết gì về nhau (đây là trường hợp của chủ nghĩa Mác, học thuyết Freud và cấu trúc luận); cuộc gặp gỡ này phải tạo ra một đối tượng mới (không còn là vấn đề tiếp cận mới đối với một đối tượng cũ nữa); trong trường hợp này, đối tượng mới ấy chính là cái mà chúng ta gọi là văn bản.

2. Lý thuyết Văn bản

Thứ ngôn ngữ mà chúng tôi quyết định sử dụng để định nghĩa văn bản không phải là thứ có thể thờ ơ, bởi vì lý thuyết văn bản sẽ đặt bất kỳ cách phát ngôn nào vào tình trạng khủng hoảng, kể cả ngôn ngữ của chính nó: lý thuyết văn bản ngay lập tức phê phán bất kỳ siêu ngôn ngữ nào, việc xem lại diễn ngôn về tính khoa học - và chính ở điều này, nó đã giả định một đột biến khoa học thực sự, vì các ngành khoa học nhân văn chưa bao giờ đặt vấn đề về ngôn ngữ của chính họ, thứ mà họ đã coi như một công cụ đơn giản hay thuần túy minh bạch. Văn bản là một mảnh ngôn ngữ tự đặt trong một viễn kiến về các ngôn ngữ. Do đó, việc truyền đạt một kiến ​​thức hoặc một phản ánh lý thuyết nào đó về văn bản đã giả định trước rằng người ta, bằng cách này hay cách khác, tự cam kết chính mình với việc thực hành văn bản. Tất nhiên, lý thuyết văn bản có thể được phát biểu bằng phương thức diễn ngôn khoa học trung lập và mạch lạc, nhưng ít nhất nó cũng phải tùy theo hoàn cảnh và giáo huấn; cùng với phương thức thể hiện này, chúng ta có quyền đặt vào dưới lý thuyết văn bản rất nhiều loại văn bản (bất kể thể loại nào và bất kỳ hình thức nào của chúng), liên quan đến tính phản xạ của ngôn ngữ và mạch trình bày: văn bản có thể được tiếp cận theo định nghĩa, mà còn (và có lẽ trên tất cả) bằng phép ẩn dụ.

Định nghĩa văn bản được xây dựng cho các mục đích nhận thức luận, chủ yếu là của Julia Kristeva: “Chúng tôi định nghĩa Văn bản là một thiết bị xuyên-ngôn ngữ để phân phối lại trật tự của ngôn ngữ bằng cách đặt một phát biểu giao tiếp, nhằm thông tin trực tiếp, trong mối liên hệ với các phát biểu khác nhau, trước nó hoặc đồng thời với nó”; chúng tôi biết ơn Julia Kristeva vì các khái niệm lý thuyết chính hiện diện ngầm trong định nghĩa này: pratiques signifiantes - các thực hành biểu nghĩa, productivité (năng suất), signifiance (ý nghĩa), phéno-texte (văn bản-hiện tượng) géno-texte (văn bản-tạo sinh), inter-textualité (liên văn bản).

Thực hành Biểu nghĩa

Văn bản là một thực hành biểu nghĩa, mà ký hiệu học đặc quyền bởi vì nó thể hiện tác phẩm mà sự gặp gỡ của chủ thể và ngôn ngữ xảy ra bằng cách mẫu mực: “chức năng” của văn bản là “kịch tính hóa” tác phẩm này theo cách thức nhất định. Thực hành biểu nghĩa là gì? Trước hết, nó là một hệ thống biểu nghĩa phân biệt, phụ thuộc vào loại hình học của các biểu nghĩa (chứ không phải trên ma trận phổ quát của ký hiệu); nhu cầu về sự phân biệt này đã được trường phái Praha đặt ra; nó ngụ ý rằng sự biểu nghĩa không sinh ra theo cùng một cách, mà theo chất liệu của cái biểu đạt (tính đa dạng này tạo thành cơ sở của ký hiệu học), và còn theo cả đa tính là cái tạo ra chủ thể phát biểu (mà sự phát biểu của kẻ đó - không ổn định - luôn luôn được đặt dưới cái nhìn - dưới diễn ngôn - của Kẻ khác). Thứ hai, nó là một thực hành; điều đó có nghĩa là sự biểu nghĩa sinh ra, không phải ở cấp độ trừu tượng (ngôn ngữ), như Saussure đã đặt định, mà thông qua một hoạt tác, một tác phẩm trong đó cả trận luận chiến của chủ thể và Kẻ khác, lẫn bối cảnh xã hội đều được đầu tư vào cùng một vận động. Quan niệm về thực hành biểu nghĩa phục hồi năng lượng hoạt động của nó cho ngôn ngữ; nhưng cái hành vi mà nó ám chỉ (và chính trong đó có sự đột biến nhận thức luận) lại không phải là hành động hiểu biết (đã được triết học Khắc kỷ và Descartes mô tả): chủ thể không còn cái nhất tính tuyệt vời của cái “cogito” tôi tư duy Cartesien nữa; nó là một chủ đề số nhiều, mà cho đến giờ chỉ có phân tâm học mới có thể tiếp cận. Không ai có thể khẳng định quy giản giao tiếp xuống mức độ đơn giản của lược đồ cổ điển được ngôn ngữ học đặt định: kẻ gửi, kênh, kẻ nhận, ngoại trừ việc phụ thuộc ngầm vào siêu hình học chủ thể cổ điển hoặc vào chủ nghĩa kinh nghiệm mà “tính ngây thơ” (đôi khi có chất gây hấn) cũng hoàn toàn mang tính siêu hình; trong thực tế, cái số nhiều ngay từ đầu đã là trung tâm của việc thực hành biểu nghĩa, dưới dạng mâu thuẫn; các thực hành biểu nghĩa, ngay cả khi được tạm thời thừa nhận để phân lập một trong số đó, vẫn luôn luôn xuất phát từ phép biện chứng, mà không phải là từ sự phân loại.

Năng suất

Văn bản là một năng suất. Điều này không có nghĩa nó là sản phẩm của một tác phẩm (chẳng hạn như có thể đòi hỏi kỹ thuật tự sự và làm chủ văn phong), mà chính là cái sân khấu của sản xuất, mà ở đó kẻ sản xuất và kẻ đọc văn bản kết nối lại: văn bản “hoạt động” tại mọi thời điểm và từ bất kỳ khía cạnh nào mà người ta tiếp nhận nó; ngay cả khi được viết ra (được cố định), nó vẫn không ngừng hoạt động, duy trì một quá trình sản xuất. Văn bản vận hành cái gì? Ngôn ngữ. Nó giải cấu trúc ngôn ngữ giao tiếp, thể hiện hoặc diễn đạt (trong đó chủ thể cá nhân hoặc tập thể có thể ảo tưởng rằng anh ta đang mô phỏng một cái gì đó hoặc thể hiện chính mình) và tái cấu trúc một ngôn ngữ khác, đồ sộ, không có đáy cũng không có bề mặt, vì không gian của nó không phải là không gian của hình tượng, bức tranh, khung hình, mà là không gian lập thể của tổ hợp trò chơi, vốn là vô hạn một khi người ta đã vượt ra ngoài giới hạn của giao tiếp hiện tại (tùy thuộc vào ý kiến, vào doxa – niềm tin đại chúng) và giới hạn của cái vẻ bề ngoài như thật của tự sự hoặc suy lý logic.

Năng suất được kích hoạt, quá trình tái phân phối diễn ra, văn bản xuất hiện, ngay sau khi người viết và / hoặc người đọc bắt đầu trò chơi với cái biểu đạt, hoặc (nếu đó là tác giả) bằng cách liên tục tạo ra “trò chơi chữ”, hoặc ( nếu đó là người đọc) bằng cách tạo ra những ý nghĩa giải trí, ngay cả khi tác giả của văn bản đã không đoán biết trước, và ngay cả khi về mặt lịch sử, tác giả không thể thấy trước: cái biểu đạt thuộc về mọi người; đó là thực tế, văn bản hoạt động không ngừng nghỉ, chứ không phải là người nghệ sĩ hay kẻ tiêu dùng. Phân tích năng suất không thể bị quy giản thành mô tả ngôn ngữ; chúng ta cần phải, hoặc ít nhất cũng có thể bổ sung thêm những cách phân tích khác: đó là phân tích toán học (bởi vì nó cho biết cách chơi của các tập và tập con, nghĩa là, về mối quan hệ đa dạng của các thực hành biểu nghĩa), phân tích logic, phân tích phân tâm học Lacanian (vì nó khám phá logic của cái biểu đạt), và phân tích logic của chủ nghĩa duy vật biện chứng (là cái thừa nhận mâu thuẫn).

Ý nghĩa - Signifiance*

Chúng ta có thể, theo một cách nào đó, gán cho một văn bản một ý nghĩa kinh điển duy nhất; đây là những gì mà môn ngữ văn học và nói chung là phê bình diễn giải cố gắng thực hiện một cách chi tiết, nhằm tìm cách chứng minh rằng văn bản sở hữu cái được biểu đạt tổng thể và bí mật, thay đổi theo học thuyết phê phán: sens ý nghĩa tiểu sử đối với phê bình phân tâm học, một dự phóng cho phê bình hiện sinh; sens ý nghĩa lịch sử xã hội đối với phê bình Marxist, v.v.; văn bản được coi như thể nó là kẻ lưu giữ một signification ý nghĩa khách quan, và signification ý nghĩa này dường như được ướp hương trong tác phẩm-sản phẩm. Nhưng một khi văn bản được hình dung là sản xuất (chứ không còn là sản phẩm), thì signification - ý nghĩa không còn là một khái niệm đầy đủ nữa. Đã vậy, khi chúng ta quan niệm văn bản như một không gian đa nghĩa, nơi nhiều ý nghĩa khả dĩ giao nhau, thì cần phải giải phóng tình trạng đơn nghĩa, hợp thức của ý nghĩa và đa nghĩa hóa nó: chính nhờ sự giải phóng này mà khái niệm nghĩa mở rộng hay khối lượng của các ý nghĩa thứ cấp hoặc phái sinh, liên kết, của các “dao động” ngữ nghĩa đã được ghép vào thông điệp biểu nghĩa. Huống hồ a fortiori, khi văn bản được đọc (hoặc viết) giống như một trò chơi di động của các biểu nghĩa, mà không thể tham chiếu đến một hoặc một vài cái được biểu nghĩa cố định, thì cần phải phân biệt rõ ràng giữa ý nghĩa, thuộc cấp độ của sản phẩm, của tuyên bố, của giao tiếp, và tác động biểu nghĩa, thuộc về cấp độ sản xuất, phát ngôn, biểu tượng hóa: chính tác động này được gọi là signifiance Ý nghĩa (mà đối với Barthes trong tiểu luận này chính là Ý/tình).

“Ý nghĩa” signifiance là một quá trình, trong đó “chủ thể” của văn bản, thoát khỏi logic của cái tôi-cogito và tham gia vào các logic khác (logic của cái biểu đạt và logic của mâu thuẫn), vật lộn với ý nghĩa và bị giải cấu trúc chính nó (“tự đánh mất mình”); ý nghĩa, và đây là thứ ngay lập tức phân biệt nó với sự biểu nghĩa, do đó, là một tác động, không phải là thứ tác động bởi cái mà chủ thể (nguyên vẹn và bên ngoài) có thể cố làm chủ ngôn ngữ (chẳng hạn tác động của phong cách), mà là thứ tác động triệt để (không để lại gì nguyên vẹn) thông qua đó chủ thể khám phá ra cách thức tác động của ngôn ngữ đối với hắn ta và gạt bỏ hắn ngay khi hắn gia nhập vào nó (thay vì giám sát nó): nếu bạn muốn, đó là, “các tác động vô tận có thể có trong một lĩnh vực ngôn ngữ nhất định”. “Ý nghĩa” signifiance, không giống như ý nghĩa signification, do đó không thể được quy giản thành giao tiếp, đại diện, biểu đạt: nó đặt chủ thể (viết, hoặc đọc) vào văn bản, không phải như một hình chiếu, ngay cả khi đó là một hình chiếu ảo ảnh (không có “sự vận chuyển” một chủ thể được cấu thành), mà là perte - biến mất (theo nghĩa mà từ perte này có thể có trong nghiên cứu spéléologie hang động học [perte của một dòng chảy, trong hang động học, dùng để chỉ nơi nó bỗng mất hút đi, để rồi lại xuất hiện ở một nơi khác; ví dụ: Les pertes du Rhône, vào mùa khô có những nhánh dòng chảy của sông Rhône biến mất dưới các hang đá ngầm ở gần Bellegarde, một xã trong tỉnh Gard thuộc vùng Occitanie phía nam Pháp – HHN]; do đó có sự đồng nhất của nó với jouissance – lạc thú; chính thông qua khái niệm ý nghĩa signifiance mà văn bản trở nên gợi tình (và vì thế mà nó không phải thể hiện bất kỳ “cảnh” gợi tình nào).

Văn bản-Hiện tượng và Văn bản-Tạo sinh

Chúng tôi vẫn nợ Julia Kristeva về sự phân biệt giữa văn bản-hiện tượng (phéno-texte) [thuật ngữ phéno-texte với phéno được cấu tạo bằng từ Hy Lạp φαίνεσθαι phainesthai - sự kiện, hiện tượng - đề cập đến văn bản như một sự kiện hoặc hiện tượng” ở dạng biểu hiện cụ thể hoặc dạng vật chất chức năng giao tiếp - HHN] văn bản-tạo sinh (géno-texte) [thuật ngữ no-texte với no được cấu tạo bằng từ Hy Lạp γενετικός genetikos – tạo sinh, phát sinh - nó tương ứng với quá trình tạo ra hệ thống ký hiệu, sản sinh ra ý nghĩa; văn bản-tạo sinh không phải là một cấu trúc, đại diện cho việc biểu đạt tính vô hạn; văn bản-tạo sinh không bộc lộ một quá trình biểu đạt, mà cung cấp toàn bộ các quá trình biểu đạt - HHN]. Văn bản-hiện tượng là “hiện tượng khẩu ngữ khi nó tự xuất hiện trong cấu trúc của một tuyên bố cụ thể”. Trên thực tế, signifiance ý nghĩa vô hạn được đưa ra thông qua một công việc ngẫu nhiên: chính bình diện ngẫu nhiên này tương ứng với văn bản-hiện tượng. Các phương pháp phân tích thường thực hành (trước và ngoài phân tích ngữ nghĩa) được áp dụng cho văn bản-hiện tượng; mô tả ngữ âm, cấu trúc, ngữ nghĩa – nói ngắn gọn, là phân tích cấu trúc - phù hợp với văn bản-hiện tượng, bởi vì phân tích này không đặt ra bất kỳ câu hỏi nào về chủ thể của văn bản: nó liên quan đến énoncés lời nói, không liên quan đến énonciations việc trình bày. Do đó, văn bản-hiện tượng có thể, không có bất kỳ sự mâu thuẫn nào, nảy sinh từ một lý thuyết về ký hiệu và giao tiếp: tóm lại, nó là đối tượng đặc quyền của ký hiệu học. Về phần mình, văn bản-tạo sinh “đặt ra các hoạt động logic cụ thể cho việc cấu thành chủ thể énonciation trình bày”; nó là “nơi cấu trúc hóa văn bản-hiện tượng”; nó là một lĩnh vực không đồng nhất: đồng thời bằng khẩu ngữ và xung năng (nó là một lĩnh vực “mà các ký hiệu được hùn vốn bằng các xung lực”). Do đó, văn bản-tạo sinh không thể chỉ liên quan đến cấu trúc luận (là một cấu trúc hóa, chứ không phải một cấu trúc), cũng không chỉ liên quan đến phân tâm học (nó không phải là nơi chốn của vô thức, mà là “con đẻ” của vô thức); nó là một phần của logic tổng quát, bội số logic, vốn không còn là logic duy nhất của hiểu biết nữa. Tất nhiên, văn bản-tạo sinh là lĩnh vực của ý nghĩa signifiance. Theo quan điểm nhận thức luận, thông qua khái niệm văn bản-tạo sinh, mà phân tích ngữ nghĩa vượt quá ký hiệu học cổ điển, vốn chỉ tìm cách cấu trúc lời nói, nhưng không tìm cách phát hiện ra chủ thể tự di chuyển, chệch hướng và lạc lối ra sao khi trình bày.

Liên văn bản

Văn bản phân phối lại ngôn ngữ (nó chính là trường phân phối lại này). Một trong những cách giải cấu trúc - tái cấu trúc này là hoán vị các văn bản, các đoạn văn bản đã tồn tại hoặc vẫn tồn tại xung quanh và cuối cùng là bên trong văn bản được xem xét: bất kỳ văn bản nào cũng đều là liên văn bản (tout texte est un intertexte); những văn bản khác hiện diện trong nó, ở những mức độ khác nhau, dưới những hình thức ít nhiều có thể nhận biết được: những văn bản của nền văn hóa trước kia và những văn bản của nền văn hóa lân cận; bất kỳ văn bản nào cũng là một tissu kết cấu mới của các trích dẫn quá khứ. Các mã nhị phân, công thức, mô hình nhịp điệu, các đoạn ngôn ngữ xã hội, v.v., chuyển thành văn bản và được phân phối lại trong đó, bởi vì luôn có ngôn ngữ trước và xung quanh văn bản. Tính liên văn bản, một điều kiện của bất kỳ văn bản nào, đương nhiên đều không thể bị quy giản thành vấn đề các nguồn hoặc các ảnh hưởng; liên văn bản là một trường tổng quát của các công thức ẩn danh, mà nguồn gốc của chúng hiếm khi được xác định; không thể bị quy giản thành vấn đề của các trích dẫn vô thức hoặc tự động, được đưa ra mà không đặt trong có dấu ngoặc kép. Về mặt nhận thức luận, khái niệm liên văn bản là cái mang lại cho lý thuyết văn bản khối lượng tính xã hội: tổng thể ngôn ngữ, trước đây và đương đại, đến với văn bản, không theo quan hệ dòng dõi dễ nhận biết, hoặc mô phỏng tự nguyện, mà theo cách khuyếch tán - một hình ảnh đảm bảo cho văn bản có được vị thế không phải là sự sao chép, mà là năng suất. Các khái niệm chính này, những khớp nối của lý thuyết văn bản, về tổng thể, tất cả đều hòa hợp với hình ảnh gợi lên bởi từ nguyên của từ texte văn bản: nó là một vuông vải được đan dệt; nhưng trong khi sự phê phán trước đây (hình thức lý thuyết văn học duy nhất được biết đến ở Pháp) nhất trí nhấn mạnh đến “tấm vải” đã dệt xong (văn bản là một “tấm voan” che dấu sự thật, cái thông điệp thực sự, nói ngắn gọn là le sens ý nghĩa), lý thuyết văn bản hiện thời quay lưng lại với văn bản như tấm khăn voan và cố cảm nhận kết cấu vuông vải, trong sự đan dệt của các mã, các công thức, và những cái biểu đạt, trong đó chủ thể tự đặt định mình và bị hủy bỏ, hệt như một con nhện tự tan biến thành cái mạng nhện vậy. Do đó, kẻ chuộng phép tân dụng ngữ có thể định nghĩa lý thuyết văn bản là môn “hyphologie” (mạng nhện học).

______________________________________

Còn nữa…

Nguồn: Roland Barthes (1974). Theorie du Texte, http://asl.univ-montp3.fr/e41slym/Barthes

Tác giả: Roland Gérard Barthes (1915 – 1980) là nhà lý luận văn học, nhà tiểu luận, nhà triết học, nhà phê bình và nhà ký hiệu học người Pháp. Các tư tưởng của Barthes là những khám phá thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và ông đã ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều trường phái lý thuyết, bao gồm cấu trúc luận, ký hiệu học, lý thuyết xã hội, lý thuyết thiết kế, nhân học và hậu cấu trúc luận. Ông đặc biệt nổi tiếng với việc phát triển và mở rộng lĩnh vực ký hiệu học thông qua việc phân tích hàng loạt hệ thống ký hiệu, chủ yếu có nguồn gốc từ văn hóa đại chúng phương Tây. Trong sự nghiệp học thuật của mình, ông chủ yếu gắn bó với École des Hautes Études en Sciences Sociales (EHESS - Trường Nghiên cứu Cao cấp về Khoa học Xã hội).

Ghi chú của người dịch

* Signifiance mà tôi phiên bừa là Ý/tình chỉ là một lối chơi ngô nghê (mà không phải ngô[ng]hê[nh]) của kẻ chưa bao giờ biết chơi chữ, vì đối với Barthes, trong tiểu luận này, một mẩu signe (dấu hiệu) mà ghép với mẩu -fiance gần với fiancée/ fiancé (vợ/chồng chưa cưới) và fiancer (hứa hôn) thì chỉ có người bản ngữ mới cảm hết được cái tinh tế của nó, vì vậy mà cố tình phiên đen nó sang một ngôn ngữ khác thì thật dễ điếc không sợ súng!  

Bibliographie

Barthes, Roland (1970). S/Z, Paris.

Barthes, Roland (1973). Le Plaisir du texte, Paris.

Barthes, Roland (1985). L'Aventure sémiologique, Seuil, Paris.

Baudrillard, Jean (1972). Pour une critique de l'économie politique du signe, Paris.

Derida, Jacques (1967). De la grammatologie, Paris.

Kristeva, Julia (1969). Semeiotikè . Recherches pour une sémanalyse, Paris, 1969;

Kristeva, Julia (1970). Le Texte du roman, La Haye-Paris.

Kristeva, Julia & Jean-Claude Coquet (1972). Sémanalyse, in Semiotica, no4, 1972.

Schefer, Jean-Louis (1968). Scénographie d'un tableau, Paris.

Sollers, Philippe (1968). Logiques, Paris.

Todorov, Tzvetan (1972). Texte, in O.Ducrot et T.Todorov, Dictionnaire encyclopédique des sciences du langage, Paris.

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét