Laura L Junker
Người dịch: Hà Hữu Nga
Tóm tắt
Được phát triển như một khái niệm so sánh xuyên-văn hóa trong nhân học tiến hóa văn hóa từ đầu đến giữa thế kỷ XX và khảo cổ học quá trình, các thủ lĩnh địa được định nghĩa là các xã hội phức tạp quy mô nhỏ hơn, đôi khi chỉ là trung gian cho quá trình phát triển của nhà nước, với hệ thống phân cấp ra quyết định tập trung, một mức độ nhất định của đẳng cấp xã hội thế tập và tập trung hóa kinh tế. Trong các thủ lĩnh địa được biết đến về mặt lịch sử và dân tộc học, các thủ lĩnh thường tạo dựng và duy trì các cơ sở quyền lực chính trị thông qua các phương tiện kinh tế khác nhau (thu cống, kiểm soát sản xuất và trao đổi, độc quyền ngoại thương), phương tiện ý thức hệ (nghi lễ, thần thoại, cảnh thiêng) và cưỡng chế quân sự. Các nhà khảo cổ học đã nhận ra rằng những chiến lược quyền lực này được vật chất hóa về mặt khảo cổ học theo nhiều cách thức hữu hình (chẳng hạn như xây dựng tượng đài, hệ thống phân cấp định cư, sản xuất và trao đổi hàng hóa uy tín chuyên biệt, sự khác biệt tài sản hộ gia đình và các chỉ báo của chế độ quân phiệt quy mô lớn) và một số lượng lớn các nghiên cứu khảo cổ học về nguồn gốc, tiến hóa và tổ chức của các thủ lĩnh địa trong các xã hội tiền hiện đại của Cận Đông, Châu Phi, Đông Á, Châu Âu, Trung Mỹ, Nam Mỹ, Bắc Mỹ và Châu Đại Dương. Tuy nhiên, gần đây có cuộc tranh luận rộng rãi về tính hữu dụng của ‘thủ lĩnh địa’ với tư cách một khái niệm tiến hóa có thể áp dụng mang tính xuyên văn hóa, với những thách thức đối với nguyên mẫu này từ việc tách rời các yếu tố của cấu trúc ‘thủ lĩnh địa’, xem xét các xã hội này ở các quy mô phân tích đa dạng hơn và bác bỏ mô hình ‘thủ lĩnh địa’ ủng hộ nhiều cách tiếp cận hậu quá trình trong khảo cổ học. Bài viết sẽ xem xét lại tranh cãi này và tổng hợp các cách tiếp cận khảo cổ học hiện tại đối với cấu trúc chính trị xã hội, kinh tế chính trị, hệ tư tưởng, chiến tranh và các biến đổi tiến hóa trong các thủ lĩnh địa.
Việc sử dụng thuật ngữ ‘thủ lĩnh địa’ để chỉ các xã hội phức tạp tiền nhà nước là một hiện tượng tương đối gần đây, bắt đầu với phân loại lịch sử các xã hội Nam và Trung Mỹ của Oberg (1953) và các công trình dân tộc học về các xã hội Polynesia của Sahlins (1963) trong những năm 1950. Một thập kỷ sau, Service (1962) bao gồm các ‘thủ lĩnh địa’ vào các phạm trù tân tiến hóa của ông gồm nhóm, bộ lạc, thủ lĩnh địa, và nhà nước, từ đó khái niệm này bắt đầu gắn liền với hệ mẫu tiến hóa văn hóa được các nhà nhân học như Julian Steward và Leslie White phát triển vào nửa đầu thế kỷ. Gần như ngay lập tức, các nhà khảo cổ học bắt đầu áp dụng khái niệm thủ lĩnh địa để khảo sát các xã hội sớm, chẳng hạn những người xây dựng Stonehenge - Cự thạch trận - ở châu Âu thời Hậu kỳ Đá mới và các thị trấn lưu vực Mississippian ở Đông Nam Hoa Kỳ, nơi biểu hiện một mức độ phức tạp nhất định nhưng nhìn chung thiếu các chỉ báo khảo cổ học lâu đời về ‘nền văn minh’ (ví dụ, các trung tâm đô thị lớn, lăng mộ vua chúa đồ sộ, các văn bản lịch sử triều đại và các bộ luật, thị trường và hệ thống tiền tệ) (Flannery, 1972; Peebles và Kus, 1977; Renfrew, 1973; Wright, 1984). Các thủ lĩnh địa được bao gồm trong cái mà các nhà khảo cổ học ngày càng thích gọi là các xã hội ‘tầm trung’, bao gồm các phạm trù tiến hóa văn hóa truyền thống của cả các bộ lạc và các thủ lĩnh địa, đồng thời nhấn mạnh tính đa dạng to lớn của các cấu trúc chính trị xã hội trong các xã hội có quy mô trung gian và sự phức tạp về cấu trúc giữa các nhóm và nhà nước. (Beck, 2003; Earle, 1991).
Thủ lĩnh địa và thuyết Tiến hóa Văn hóa
Các thủ lĩnh địa đã được một số nhà khảo cổ học định nghĩa chủ yếu về mặt chính trị, là các xã hội phức tạp quy mô nhỏ hơn với hệ thống phân cấp ra quyết định tập trung gồm một hoặc hai cấp trên từng làng (so với việc thêm ba cấp ở các nhà nước) (Sahlins, 1963; Wright, 1984 ). Các thủ lĩnh chủ chốt có được quyền lực chính trị thông qua cả việc trao cho và giành lấy (so với các vua chúa chủ yếu là thế tập - cha truyền con nối), họ có các vai trò cai trị rất chung (tư pháp, kinh tế, nghi lễ, quân sự), và có ít liêu thuộc (không giống như các bộ phận quan liêu chuyên trách của các nhà nước) họ thường dựa vào các liên minh trên cơ sở quan hệ thân tộc để cấu trúc các mối quan hệ chính trị với bọn thần thuộc (thay vì các thể chế chính trị phi thân tộc và các quy tắc pháp lý chính thức của các nhà nước) (Earle, 1991). Có lẽ hầu hết các nhà khảo cổ đều mở rộng định nghĩa để bao gồm đẳng cấp xã hội ít nhất cũng có một thành tố thế tập nào đó (không giống như loại đẳng cấp đạt được của các xã hội bộ lạc và các giai tầng xã hội hầu như hoàn toàn thế tập của các nhà nước sơ khai) và một mức độ tập trung hóa kinh tế nhất định (kiểm soát các sản phẩm chủ lực, xây dựng và quản lý hệ thống thủy lợi, vận động cống nạp, kiểm soát việc sản xuất và trao đổi các loại hàng hóa uy tín, và / hoặc độc quyền ngoại thương) (Brumfiel và Earle, 1987; Renfrew và Shennan, 1982). Các thủ lĩnh thường duy trì quyền lực chính trị của họ không chỉ thông qua các chiến lược khác nhau để tích lũy và tiêu dùng các nguồn lực vật chất, mà còn thông qua các phương tiện ý thức hệ (thao túng vũ trụ luận, nghi lễ, huyền thoại, tạo ra các linh địa đầy quyền năng) và cưỡng chế quân sự (sử dụng các chiến lược sức mạnh răn đe hoặc thực tế được hỗ trợ thông qua đội ngũ các cán binh được kiểm soát cùng các kỹ nghệ quân sự) (Earle, 1997). Các thủ lĩnh địa hiếm khi tồn tại hoặc tiến hóa một cách cô lập, mà thay vào đó là một cụm chính thể đồng đẳng tương tác thường chia sẻ các thuộc tính văn hóa ưu tú, có các cấu trúc tương tự và cạnh tranh để giành quyền tối cao trong khu vực (Renfrew và Cherry, 1986). Nhiều thủ lĩnh địa cũng là một phần của các hệ thống thế giới lớn hơn liên kết chúng với các quốc gia và đế chế phát triển hơn (Peregrine, 1992). Các xã hội ở cấp độ thủ lĩnh địa đã được các nhà nhân học văn hóa, khảo cổ học và sử học xác định ở nhiều nơi trên thế giới, thuộc nhiều giai đoạn khác nhau, thường là tiền thân của sự phát triển nhà nước nhưng đôi khi lại là những cấu trúc lâu dài, ổn định không biến đổi thành các nhà nước phức tạp hơn (xem Khảo cổ học về các Quốc gia và các nền Văn minh).
Các thủ lĩnh địa Polynesia (xem Khảo cổ học Quần đảo Thái Bình Dương), các xã hội tiền La Mã (Hậu kỳ Đá mới, Thời đại Đồ đồng và Thời đại Đồ sắt) của châu Âu (xem Khảo cổ học châu Âu), và các xã hội phức tạp vùng đông Bắc Mỹ (xem Khảo cổ học Bắc Mỹ) được thừa nhận rộng rãi là các nghiên cứu khảo cổ học có cường độ mạnh nhất vào giữa thế kỷ XX. Tuy nhiên, gần đây các nhà khảo cổ học đã mở rộng việc sử dụng mô hình thủ lĩnh địa sang cả các xã hội ở Cận Đông, Châu Phi, Đông Á, Nam Á, Trung Mỹ, Nam Mỹ và tây Bắc Mỹ (ví dụ, Feinman và cộng sự, 2000; Junker, 1999 ; McIntosh, 1999; Redmond, 1998; Rothman và Stein, 1994), mặc dù ‘tình trạng tiến hóa’ của nhiều xã hội với tư các thủ lĩnh địa còn gây tranh cãi (ví dụ, các xã hội giai đoạn Woodland ở Đông Mỹ, các xã hội Hậu kỳ Đá mới của Châu Âu, các xã hội Halaf và Samarran ở Cận Đông và nhiều xã hội tiền nhà nước châu Phi). Ngay từ đầu, khi phát triển khái niệm thủ lĩnh địa, các nhà khảo cổ học đã xác định một số loại tương quan vật chất phổ biến ấy của các loại xã hội (ví dụ: từ hai đến ba cấp định cư, kiến trúc hoành tráng, các khu chôn cất với các chỉ báo địa vị thế tập, hàng hóa uy tín do các nhà chuyên môn sản xuất, các khác biệt khu vực và liên hộ gia đình về tài sản). Tuy nhiên, khi nhiều xã hội phức tạp ấy được các nhà khảo cổ học nghiên cứu kỹ lưỡng, thì thấy rõ rằng các mô thức vật chất, và có lẽ cả các cấu trúc ý thức hệ, chính trị, xã hội và kinh tế bên dưới chúng, đều thay đổi đáng kể (Earle, 1997; Drennan và Peterson, 2006; McIntosh, 1999).
Phê phán và Cải thiện Khái niệm Thủ lĩnh địa
Một số phê phán gần đây đối với khái niệm thủ lĩnh địa và các mô hình tiến hóa văn hóa nói chung, đã nhấn mạnh đến tính đa dạng về tổ chức và tính duy nhất về lịch sử đã bị bỏ qua khi các nhà nhân học cố gắng làm cho các xã hội thích hợp với các phân loại được xác định rộng rãi và giả định các quỹ đạo phát triển đồng nhất. Như đã lưu ý ở trên, nhiều học giả đã chỉ ra rất vô số khác biệt trong các xã hội được chỉ định là ‘thủ lĩnh địa’. Một phản ứng đối với tính đa dạng được công nhận này là việc chia nhỏ các xã hội phức tạp tiền nhà nước thành các loại khác biệt về phương diện phát triển, chẳng hạn như loại thủ lĩnh địa ‘tối thiểu’, ‘điển hình’, và ‘tối đa’ của Carneiro (1981) (dựa trên mức độ phức tạp của hệ thống phân cấp chính trị), các thủ lĩnh địa ‘đơn giản’ và ‘phức tạp’ của Johnson và Earle (1987) (dựa trên quy mô kiểm soát chủ yếu về chính trị, kinh tế và nghi lễ), và các thủ lĩnh địa ‘định hướng-nhóm’ và ‘cá thể hóa’ của Renfrew (1973) (dựa trên các chiến lược khác nhau về dòng dõi so với sự gia tăng cá nhân và sự thể hiện xã hội).
Một số học giả đã nhấn mạnh rằng những biến đổi trong cấu trúc xã hội, chính trị, kinh tế và hệ tư tưởng trước đó đã xác định cho các thủ lĩnh địa không phải lúc nào cũng tiếp nối song hành và cần phải được nghiên cứu độc lập với tư cách là các quỹ đạo của biến đổi (Earle, 1997; Feinman và Neitzal, 1984). Các nhà khảo cổ học khác đã chỉ trích việc đơn giản nhấn mạnh vào các cấu trúc chính trị xã hội thứ bậc trong các thủ lĩnh địa (McIntosh, 1999), bằng cách nhấn mạnh đến tính thế tập (Ehrenreich và cộng sự, 1995), hoặc các quan hệ ràng buộc phi thứ bậc hoặc theo chiều ngang vận hành theo nhiều chiều cạnh (xã hội, kinh tế, chính trị, nghi lễ) để cấu trúc các xã hội này. Trong khi nhiều nhà khảo cổ học ủng hộ việc liên tục cải thiện khái niệm thủ lĩnh địa và tiện ích tiếp nối của nó trong nghiên cứu khảo cổ học so sánh, thì những người khác phần lớn lại chủ trương từ bỏ khái niệm này, bằng cách dẫn ra trường hợp khảo cổ học tìm kiếm không đúng chỗ về căn nguyên của sự xuất hiện và cấu trúc ‘thủ lĩnh địa’ trong các quá trình tiến hóa có hệ thống, các quan điểm tập trung vào giới tinh hoa, và phần lớn quan niệm về quyền lực tập trung vào kinh tế (Pauketat, 2007; Yoffee, 1993). Các cách tiếp cận mới trong vài thập kỷ qua đối với việc nghiên cứu khảo cổ học về các xã hội phức tạp nổi lên bao gồm các phương pháp phân tích ‘dựa trên tác nhân’ tập trung vào tác tố của các cá nhân và các nhóm trong việc tạo hình các mối quan hệ quyền lực, các lý thuyết Marxist về kiểm soát chính trị nhấn mạnh các cơ sở ý thức hệ và biểu trưng cho cấu trúc và các cách tiếp cận ‘diễn giải’ thừa nhận sự thiên vị phương Tây, mang tính tư bản trong việc mô hình hóa các xã hội cổ đại (Dobres và Robb, 2000; Hodder, 2012). Điểm chung giữa các phê phán hậu quá trình ấy chính là việc thừa nhận rằng cả cấu trúc và biến đổi trong các xã hội phức tạp đều phụ thuộc vào cảnh quan môi trường và xã hội đầy biến động, cũng như các hoàn cảnh lịch sử độc đáo. Ngoài ra, việc nghiên cứu các xã hội này ở nhiều quy mô ngày càng được chú trọng, từ các tác nhân cá nhân và các nhóm lợi ích trong xã hội đến mạng lưới rộng lớn của các chính thể tương tác, bằng cách sử dụng các công cụ định lượng và không gian mới chẳng hạn như phân tích mạng xã hội. Mặc dù có những chỉ trích, xem lại và bác bỏ hoàn toàn khái niệm thủ lĩnh địa, nhưng thuật ngữ ‘thủ lĩnh địa’ với tư cách chỉ định cho các xã hội này và các yếu tố chủ chốt của cấu trúc chính trị, xã hội, kinh tế, ý thức hệ và quân sự xác định nó, vẫn thấy rất nhiều trong các công trình khảo cổ học, các so sánh xuyên-văn hóa và đối thoại lý thuyết. Do đó, các phần tiếp theo xem xét các khía cạnh nổi bật này của tổ chức thủ lĩnh địa sẽ tập trung vào công trình của các học giả vẫn tiếp tục nhận thấy đây là một khái niệm phân tích hữu ích.
Đặc điểm Chính trị Xã hội
Các thủ lĩnh địa được đặc trưng bởi sự lãnh đạo chính trị một phần được kế thừa và một phần do giành được, và được củng cố thông qua thao túng hệ tư tưởng, kiểm soát các nguồn lực kinh tế và chế độ quân phiệt (Earle, 1991). Quyền lực chính trị của các thủ lĩnh thường được phản ánh về mặt vật chất trong các biểu tượng của chức vị, chẳng hạn như mũ lông vũ của các thủ lĩnh Polynesia (Kirch, 1984) và những chiếc chùy bằng đá của các chính thể tiền triều đại Giai đoạn Gerzean ở Ai Cập (Bard, 1994), và trong kiến trúc hoành tráng thể hiện khả năng của một thủ lĩnh trong việc kiểm soát và huy động các lực lượng lao động lớn (ví dụ, các Cự thạch trận - Stone Henges của Châu Âu thời Hậu kỳ Đá mới và tượng đài hoành tráng của Thời kỳ Hình thành Trung Mỹ và những Tượng đá đảo Phục sinh (Kolb, 1994; Renfrew, 1973)). Các trung tâm chính, là đầu mối của các hoạt động chính trị, kinh tế và tôn giáo của các thủ lĩnh, về mặt khảo cổ học thường có thể phân biệt được với các làng thần thuộc bởi quy mô lớn hơn, vị trí trung tâm và sự hiện diện của kiến trúc hoành tráng, các hiện vật quý giá và các địa điểm sản xuất chuyên biệt. Nhiều cấp quyền lực chính trị (thủ lĩnh tối cao và thủ lĩnh địa phương) điển hình của các thủ lĩnh địa quy mô lớn hơn thường có thể thấy rõ về phương diện khảo cổ học trong các hệ thống phân cấp khu định cư đến ba cấp (Cobb, 2003; Drennan & Peterson, 2006; Peebles & Kus, 1977; Wright, 1984).
Một số nhà khảo cổ học đã đưa ra các khung khái niệm mới để phân tích các chiến lược quyền lực chính trị khác nhau ở các thủ lĩnh địa. Blanton et al. (1996) đã xây dựng một mô hình, đối lập giữa mạng lưới và các chiến lược kết hợp ưu quyền chính trị, bằng cách làm rõ sự khác biệt trước đây của Renfrew giữa các thủ lĩnh địa cá thể hóa và các thủ lĩnh địa định hướng-nhóm. Những chiến lược khác nhau này được coi là một phần của động lực chính trị trong tất cả các xã hội phức tạp, nhưng các tác nhân chính trị trong một xã hội cụ thể có thể nhấn mạnh một phương thức kiểm soát nào đó hơn phương thức khác. Bằng chiến lược mạng, các tác nhân chính trị cố gắng tạo ra mạng lưới thống trị cá nhân thông qua việc phân phối chiến lược các tài sản di động và vốn biểu tượng (ví dụ: quyền năng nghi lễ và tri thức tôn giáo). Việc tô vẽ quyền năng cá nhân được thể hiện về mặt khảo cổ học bằng các táng thức cá nhân xa hoa, phô trương tài sản hộ gia đình rất tinh vi và các sự kiện ban phát mang tính cạnh tranh như tiệc tùng đình đám. Bản chất xung đột cao của cương vị thủ lĩnh và tính bất ổn lâu dài của các cấu hình chính trị được chứng minh bằng các hệ thống phân cấp cư trú thay đổi nhanh chóng. Ngược lại, một xã hội nhấn mạnh chiến lược chính trị tập đoàn sẽ phân tán quyền lực qua các nhóm và khu vực xã hội khác nhau thông qua các thể chế quan liêu thúc đẩy sự đồng thuận, đoàn kết và hành động tập thể, thường được củng cố thông qua kiến trúc công cộng hữu hình về mặt khảo cổ, các lăng mộ tập thể và các biểu tượng thống nhất (ví dụ: cự thạch trận, rìu đồng, và những gò mộ tập thể của các thủ lĩnh địa Hậu kỳ Đá mới ở châu Âu; những gò mộ khổng lồ trên đỉnh là các tòa nhà bằng gỗ và các bảo vật bằng đồng và tiền vỏ sò của các thủ lĩnh địa Mississippi ở Bắc Mỹ) (Renfrew, 1973; Peebles và Kus, 1977). Công trình của Beck (2003) về các thủ lĩnh địa Mississippi ở Đông Nam Hoa Kỳ đã định hình các chiến lược khác nhau này theo cách thức tương tự, nhưng xoay quanh các vấn đề về quy mô tương đối và tính di động của các nguồn lực kinh tế và lao động, với sự mở rộng mang tính cưỡng bức và việc tập hợp bằng thuyết phục vận hành xen kẽ hoặc thậm chí đồng thời để tạo thành các hình thái từ đỉnh (nghĩa là, từ trên xuống) và hình thái cấu thành (từ dưới lên) của uy quyền chính trị.
Về cấu trúc xã hội, các thủ lĩnh địa luôn có một hình thức nào đó về quy định đẳng cấp xã hội (Sahlins, 1963). Mặc dù các khác biệt về vị thế xã hội là đặc trưng của tất cả các xã hội loài người, nhưng các đẳng cấp xã hội trong các thủ lĩnh địa ít nhất cũng được kế thừa một phần giữa các thế hệ, chúng tạo ra tính cứng rắn cấu trúc thông qua các cấm kỵ về hành vi và biểu đạt tượng trưng, mà trong hầu hết các trường hợp, đều có lợi thế kinh tế riêng (khả năng khác nhau trong việc tiếp cận các nguồn lực) được ban tặng cho một tầng lớp ưu tú. Phân tầng xã hội trong các thủ lĩnh địa thường được thể hiện qua các biểu hiệu đẳng cấp có thể nhận thấy rõ về mặt khảo cổ học (ví dụ, các vòng cổ bằng tiền vỏ sò của các thủ lĩnh Mississippi ở Đông Nam Hoa Kỳ và đồ trang sức bằng ngọc thuộc các thủ lĩnh địa Long Sơn của Trung Quốc) (Barnes, 1999; Cobb, 2003), sự chênh lệch tài sản giữa các hộ gia đình (ví dụ: các mảnh vỡ của các đồ sứ Trung Quốc nhập khẩu trong các di tích nhà sàn của các thủ lĩnh Philippine thế kỷ XIV) (Junker, 1999); cùng quy mô và độ phức tạp khác nhau của kiến trúc khu dân cư tại các khu định cư (ví dụ, cụm nhà làng ở các thủ lĩnh địa Hawaii; Kirch và Jones, 2003). Đẳng cấp xã hội được quy định thay vì thực sự giành được là điều rõ ràng nhất về mặt khảo cổ học trong các thực hành táng thức. Vị thế thừa kế thường được thể hiện thông qua sự thay đổi trong việc bố trí vị trí thi thể, cách xử lý thi thể, hình thức mộ và các loại đồ tùy táng, xuyên qua các loại tuổi tác và giới tính, về phương diện khảo cổ học, giúp dễ dàng phân biệt với sự khác biệt táng thức do sự khác biệt về tuổi tác, vai trò giới và các vị thế đạt được. Các phân tích táng thức dựa trên tiền đề này đã được thực hiện thành công nhất tại các khu mộ Mississippi, Long Sơn (Trung Quốc), Gerzean Ai Cập, và các khu mộ Châu Âu thời Đồ đồng và Đồ sắt (Bard, 1994; Barnes, 1999; Cobb, 2003; Gilman, 1981), mà ở đó một số lượng khá lớn các mẫu mộ táng còn được bảo quản tốt đã cho phép xác định các đẳng cấp xã hội khác biệt. Trong trường hợp thiếu các quần thể mộ táng lớn hơn, các nhà khảo cổ thường đưa ra lập luận về sự hiện diện của giới tinh hoa dựa trên những phát hiện về những ngôi mộ được chôn cất công phu, thường hoành tráng (ví dụ, các ngôi mộ xây bằng đá ngọc Thời kỳ Hình thành ở Trung Mỹ, người Nok và các gò mộ khác ở Tây Phi, người Yayoi Nhật Bản làm các hầm mộ đặt quan tài bằng đá) (Barnes, 1999; McIntosh, 1999). Những khác biệt về chế độ ăn uống và sức khỏe liên quan đến vị thế giữa giới tinh hoa và không phải giới tinh hoa cũng đã được nghiên cứu thông qua các phân tích khảo cổ học động vật và cổ thực vật học về các di tích thực phẩm còn sót lại tại các khu định cư, và thông qua các đánh giá cốt học về căng thẳng dinh dưỡng và bệnh tật trong quần thể mộ táng (ví dụ, Blanton và cộng sự, 1996; Kirch và Jones, 2003).
Kinh tế Chính trị
Hệt như các thủ lĩnh địa được các nhà khảo cổ học nghiên cứu cho thấy những khác biệt về cấu trúc chính trị, chúng còn khác nhau về cách thức mà các thủ lĩnh cố gắng khẳng định quyền kiểm soát kinh tế để hỗ trợ các thể chế cai trị của họ. Brumfiel và Earle (1987; Earle, 1997) đã phân biệt hữu ích giữa các chiến lược tài chính chủ yếu và tài chính tài phú trong các thủ lĩnh địa. Tài chính chủ yếu liên quan đến việc sử dụng một cách có hệ thống các khoản thanh toán cống nạp (dưới dạng hàng hóa chủ yếu và / hoặc sức lao động) từ những người dân thường bị khuất phục, với doanh thu được sử dụng để tài trợ trực tiếp cho các hoạt động như xây dựng tượng đài, chiến tranh, thương mại và tổ chức đình đám nhằm nâng cao uy quyền của thủ lĩnh. Vì quyền kiểm soát đất đai và sản vật của nó là điều thiết yếu để cung cấp tài chính chủ yếu, nên các thủ lĩnh địa nhấn mạnh chiến lược kinh tế này nói chung đã phát triển mạnh mẽ các thể chế về quyền sở hữu đất (biểu hiện về mặt khảo cổ học ở các đặc điểm ranh giới như tường thành và các tổ hợp công trình kiến trúc hoành tráng) và đầu tư lớn chủ yếu vào thâm canh nông nghiệp (biểu hiện về mặt khảo cổ học trong các công trình thủy lợi quy mô lớn, kiểm soát nước và làm ruộng bậc thang nhân tạo) (Kirch, 1984). Các điều tra khảo cổ cho thấy các thủ lĩnh địa Hawaii, Nam Mỹ thời tiền-Inca, và nhiều xã hội phức tạp Lưỡng Hà tiền nhà nước đều có nền kinh tế chính trị bị chi phối bởi tài chính chủ yếu (Blanton và cộng sự, 1996; Brumfiel và Earle, 1987; Earle, 1997; Rothman và Stein, 1994).
Tài chính tài phú liên quan đến việc sử dụng hàng hóa uy tín hoặc vật có giá trị với tư cách là các loại tiền tệ chính trị của các thủ lĩnh và giới tinh hoa khác, để củng cố liên minh với các giới tinh hoa khác và để tưởng thưởng cho thuộc cấp vì lòng trung thành và phục sự (đặc biệt gắn liền với chiến lược mạng chính trị). Hàng hóa uy tín khác nhau tùy theo các tiêu chuẩn giá trị được xã hội xác định và có thể là bất kỳ đồ vật quý hiếm hoặc dễ dàng kiểm soát nào, chẳng hạn như: đồ ngọc ở Long Sơn Trung Quốc (Barnes, 1999), vàng ở các thủ lĩnh địa Trung Mỹ (Helms, 1993), đồ đồng ở các thủ lĩnh địa châu Âu (Earle , 1997), và đồ trang sức bằng vỏ sò và bằng đồng ở các thủ lĩnh địa đông Bắc Mỹ (Cobb, 2003). Của cải được định giá về phương diện chính trị có thể được sản xuất trong nội địa hoặc thu được thông qua trao đổi với bên ngoài. Giới tinh hoa mới nổi kiểm soát quyền tiếp cận với loại tiền tệ chính trị này thông qua sự hỗ trợ của các chuyên gia thân quyến, các nghệ nhân có tay nghề cao, là những người sản xuất các loại hàng hóa này chỉ dành cho tiêu dùng của giới tinh hoa; bằng cách độc quyền nguyên liệu thô quý hiếm và kỹ nghệ có giá trị; bằng cách thống trị các tuyến giao thương; và bằng cách xác định các bối cảnh xã hội hạn chế để lưu hành chúng, chẳng hạn như các sự kiện tổ chức đình đám được kiểm soát chặt chẽ (Brumfiel và Earle, 1987; Schortman và Urban, 2004). Trong khi các thủ lĩnh địa cụ thể có xu hướng nhấn mạnh một phương tiện kiểm soát kinh tế hơn một phương tiện khác, thì các vị thủ lĩnh lại có xu hướng sử dụng các yếu tố của cả tài chính chủ yếu và tài chính tài phú theo nhiều cách kết hợp khác nhau, dẫn đến các hình thức kinh tế chính trị độc đáo (Earle, 1997).
Ngoài sự xuất hiện của các chuyên gia quyến thuộc, thì sự gia tăng của các thủ lĩnh địa đôi khi lại đi kèm với sự phát triển của các tay nghề độc lập. Các tay nghề độc lập là các chuyên gia sản xuất thủ công chuyên nghiệp tập trung tại các trung tâm chủ yếu do quy mô kinh tế và sản xuất nhiều mặt hàng gia dụng thông thường hơn cho một nhóm người tiêu dùng không bị giới hạn. Mặc dù việc phục chế khảo cổ học đối với các xưởng thủ công quy mô lớn chứa thiết bị sản xuất hàng loạt (ví dụ: lò nung lớn hoặc lò luyện kim, khuôn đúc, bàn xoay gốm) là bằng chứng trực tiếp nhất cho sản xuất chuyên nghiệp, nhưng những phát hiện như vậy rất hiếm. Thông thường, các nhà khảo cổ học đánh giá các phương thức sản xuất thủ công thông qua phân tích bản thân các sản phẩm và khu vực phân bố của chúng. Sản xuất chuyên môn hóa của một số lượng hạn chế thợ thủ công tập trung, tương tác thường xuyên, chuyên nghiệp (có thể là các tay nghề quyến thuộc hoặc tay nghề độc lập) thường dẫn đến sản phẩm tiêu chuẩn hóa hơn, vì được đo lường thông qua hình thức vật thể, nguyên liệu thô và / hoặc mức độ trang trí tinh xảo. Ngoài ra, hàng hóa uy tín do chuyên gia sản xuất phần lớn bị hạn chế ở các trung tâm ưu tú, trong khi hàng hóa nội địa do các hộ gia đình sản xuất được phát tán rộng rãi khắp một vùng và các sản phẩm không bị hạn chế về mặt xã hội của các tay nghề độc lập chủ yếu tập trung, nhưng không giới hạn, ở các trung tâm vùng (Brumfiel và Earle, 1987; Earle, 1997; Schortman và Urban, 2004). Đặc biệt ở các thủ lĩnh địa phụ thuộc nhiều vào tài chính tài phú, thì các mối quan hệ chính trị và hệ thống phân cấp quyền lực được củng cố thông qua việc lưu thông liên tục các hàng hóa uy tín, thường là trong bối cảnh trao đổi giá-cô dâu (ví dụ như quà tặng bằng sứ ở Đông Nam Á và vàng ở Panama; Junker, 1999), việc ban tặng mang tính chính trị (ví dụ, tặng quà mũ lông vũ ở Polynesia; Earle, 1997), tổ chức tiệc nghi thức và các sự kiện mang tính chính trị khác. Trong số các bối cảnh trao đổi này, nghi lễ ăn uống đặc biệt rõ ràng trong hồ sơ khảo cổ học. Các nhà khảo cổ học đã xác định được những bữa tiệc có khả năng nhằm hội nhập chính trị và thể hiện vị thế cạnh tranh bằng cách sử dụng bằng chứng, bao gồm: đồ dùng chuyên để đãi tiệc như bình uống bằng đồng vào thời kỳ đồ sắt châu Âu hoặc đồ đun nấu bằng gốm lớn ở các thủ lĩnh địa Mississippi và Trung Mỹ Giai đoạn Hình thành; các di tích thực phẩm bất thường như tập trung lợn lớn ở Long Sơn Trung Quốc; và sự kết hợp của các hiện vật tạo tác và tự nhiên tương tự với kiến trúc nghi lễ như các sân chơi bóng ở Trung Mỹ (Dietler và Hayden, 2001; Kirch và Jones, 2003).
Ý thức hệ về Quyền lực
Các ý thức hệ là đại diện tập thể của trật tự xã hội và chính trị trong các xã hội cụ thể, thường được mã hóa trong thần thoại, nghi lễ và các hình thức biểu diễn công cộng khác nhau, nhưng cũng thường được hiện thực hóa trong các công trình kiến trúc hoành tráng, hình tượng học và các vật thể di động có thể thấy rõ về mặt khảo cổ học. Ở cả xã hội cấp nhà nước và các thủ lĩnh địa, việc tạo thành một ý thức hệ thống trị và áp đặt lên công chúng đông đảo chính là cơ sở quan trọng cho quyền lực (Earle, 1991; Pauketat, 2001). Ở nhiều thủ lĩnh địa, giới tinh hoa đã phát triển các hệ thống ngôn ngữ, phương ngữ, từ vựng và / hoặc ký hiệu của riêng họ để kiểm soát luồng tri thức bí truyền và hạn chế việc thực hiện các nghi lễ tôn giáo. Các bối cảnh khảo cổ học trong đó các văn bản viết được tìm thấy và nội dung có thể giải mã của chúng (ví dụ, các bản văn khắc được tìm thấy với các công trình tưởng niệm bằng đất ở các trung tâm Trung Mỹ Giai đoạn Hình thành, chữ viết dựa trên tiếng Phạn hoặc chữ viết Ả Rập du nhập trên các thân tre ở các thủ lĩnh địa lịch sử ở Đông Nam Á hải đảo) (Blanton et al ., 1996; Junker, 1999) cho thấy việc biết chữ là một đặc quyền của nhóm ưu tú phục vụ cho việc thể chế hóa các quan niệm vũ trụ và hợp thức hóa sự thống trị chính trị và xã hội của giới tinh hoa.
Trong trường hợp không có các văn bản viết, các nhà khảo cổ học thường suy ra các trật tự vũ trụ và ý thức hệ cai trị chung từ các hình tượng trên các vật thể di động như tượng báo đốm của Giai đoạn Hình thành Trung Mỹ, họa tiết ‘mặt trời’ và các biểu tượng khác trên đồ gốm Mississippi (Cobb, 2003), các biểu tượng thần bảo trợ trên các phiến đá và trên trùy đá Gerzean của Ai Cập; trên các công trình tưởng niệm hoành tráng (ví dụ, phức hợp Bình đài đền của Polynesia, các cự thạch trận Hậu kỳ Đá mới ở Châu Âu (Earle, 1997)); trên các biểu tượng vật chất trong các mộ táng (ví dụ, cảnh vẽ trong các gò mộ Yayoi của Nhật Bản (Barnes, 1999)); và trong cách tổ chức không gian của các trung tâm chủ yếu (ví dụ, cách bố cục của Cahokia và các trung tâm Mississippi khác (Cobb, 2003; Pauketat, 2001)). Một loạt biểu tượng kỳ lạ đại diện cho vũ trụ học hoặc tín ngưỡng tôn giáo ngoại nhập (ví dụ, nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo và Ấn Độ giáo ở Đông Nam Á, phong cách Olmec phổ biến trong Giai đoạn Hình thành Trung Mỹ, các chủ đề Ai Cập trong các ngôi mộ Kerma, chủ yếu của người Nubia) thường được các nhà khảo cổ giải thích là một chiến lược đặc biệt hiệu quả để các thủ lĩnh bổ sung vào kho kiến thức độc quyền củng cố quyền lực của họ. Trong khi các nghiên cứu khảo cổ học trước đây chủ yếu tập trung vào các ý thức hệ thống trị trong các thủ lĩnh địa, thì nhiều nhà nghiên cứu hiện nay nhận ra rằng nhiều cá nhân và phe phái xã hội bao gồm các xã hội phức tạp này có thế giới quan khác biệt, và đôi khi mâu thuẫn dựa trên kinh nghiệm và sở thích cá nhân. Càng ngày, các nhà khảo cổ càng cố gắng khám phá các giá trị và viễn kiến đa dạng liên quan đến giới, giai cấp, tộc thuộc, nghề nghiệp và cá tính (Dobres và Robb, 2000).
___________________________________________________
Còn nữa…
Nguồn: Junker, Laura L. (2015). Chiefdoms, Archaeology of. In International Encyclopedia of the Social & Behavioral Sciences, 2nd edition, Volume 3. Pp. 376-382.
Tác giả: Laura Junker, giáo sư nhân học, chuyên về khảo cổ học và dân tộc học, kinh tế chính trị và sinh thái chính trị của các thủ lĩnh địa và nhà nước thời tiền hiện đại. Các nghiên cứu khảo cổ học và lịch sử của cô chủ yếu tập trung vào các chính thể thương mại hàng hải Đông Nam Á trong thiên niên kỷ đầu tiên sau Công nguyên với sự tiếp xúc với châu Âu, đặc biệt là các thủ lĩnh địa tiền Tây Ban Nha của quần đảo Philippines, và cũng đã tham gia vào các dự án thực địa ở Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Các chủ đề lý thuyết được nhấn mạnh trong các công trình đã xuất bản của cô bao gồm: vai trò của thương mại hàng hóa uy tín đường dài; trao đổi hôn nhân và tiệc tùng cạnh tranh trong các nền kinh tế chính trị Đông Nam Á; các khía cạnh chính trị và nhân khẩu học của chiến tranh và cướp nô lệ; động lực lâu dài của các tương tác giữa người săn bắt hái lượm và nông dân; tổ chức hệ thống sản xuất thủ công trong các xã hội phức tạp; cấu trúc chính trị so sánh ở Đông Nam Á; tác động sinh thái tại các thương cảng cổ xưa; và quan hệ quyền lực giới. Cô đã thực hiện nghiên cứu khảo cổ học quy mô Vùng ở Bais-Tanjay của Philippines liên tục trong nhiều thập kỷ, với trọng tâm là các chính thể thương mại hàng hải thế kỷ 10-16 (Thời kỳ Tây Ban Nha sớm) tập trung vào Thung lũng sông Tanjay và các vùng cao lân cận, với các quần thể khai thác tự nhiên và nông nghiệp nương rẫy quy mô nhỏ khác biệt, đã tương tác về mặt kinh tế và xã hội với các cảng ven biển. Gần đây hơn, nghiên cứu của cô nhấn mạnh vào thời kỳ tiền sử muộn Thời Kim khí đầu thiên niên kỷ I sau Công nguyên tại Bacong, miền Trung Philippines, nghiên cứu về các vấn đề so sánh giữa các chính thể lịch sử của Philippines và tiền thân của “Thời Kim khí”.
Tài liệu dẫn
Bard, K., 1994. The Egyptian predynastic: a review of the evidence. Journal of Field Archaeology 21, 265–288.
Barnes, G., 1999. The Rise of Civilization in East Asia: The Archaeology of China, Korea and Japan. Thames and Hudson, New York.
Beck, R., 2003. Consolidation and hierarchy: chiefdom variability in the Mississippian Southeast. American Antiquity 68, 641–661.
Blanton, R., Feinman, G., Kowalewski, S., Peregrine, P., 1996. A dual-processual theory for the evolution of Mesoamerican civilization. Current Anthropology 37, 1–14.
Brumfiel, E., Earle, T.K. (Eds.), 1987. Specialization, Exchange and Complex Societies. Cambridge University Press, Cambridge.
Carman, J., Harding, A. (Eds.), 1999. Ancient Warfare: Archaeological Perspectives. Sutton, Stroud.
Carneiro, R., 1981. The chiefdom as precursor of the state. In: Jones, G., Krautz, R. (Eds.), The Transition to Statehood in the New World. Cambridge University Press, Cambridge, pp. 37–79.
Cobb, C., 2003. Mississippian chiefdoms: how complex? Annual Review of Anthropology 32, 63–84.
Dietler, M., Hayden, B. (Eds.), 2001. Feasts: Archaeological and Ethnographic Perspectives on Food, Politics, and Power. University of Alabama Press, Tuscaloosa.
Dobres, M., Robb, J. (Eds.), 2000. Agency in Archaeology. Routledge, London.
Drennan, R., 1976. Religion and social evolution in Formative Mesoamerica. In: Flannery, K. (Ed.), The Early Mesoamerican Village. Academic Press, New York, pp. 245–268.
Drennan, R., Uribe, C. (Eds.), 1991. Chiefdoms in the Americas. University Press of America, Lanham.
Drennan, R., Peterson, C., 2006. Patterned variation in prehistoric chiefdoms. Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America 103 (11), 3960–3967.
Earle, T. (Ed.), 1991. Chiefdoms: Power, Economy and Ideology. Cambridge University Press, Cambridge.
Earle, T., 1997. How Chiefs Come to Power: The Political Economy in Prehistory. Stanford University Press, Stanford.
Ehrenreich, R., Crumley, C., Levy, J. (Eds.), 1995. Heterarchy and the Analysis of Complex Societies. Archeological Papers No. 6. American Anthropological Association, Washington, DC.
Feinman, G., Lightfoot, K., Upham, S., 2000. Political hierarchies and organizational strategies in the Puebloan Southwest. American Antiquity 65, 449–470.
Feinman, G., Neitzel, J., 1984. Too many types: an overview of prestate societies in the Americas. In: Schiffer, M. (Ed.), Advances in Archaeological Method and Theory, vol. 7. Academic Press, New York, pp. 39–102.
Flannery, K., 1972. The cultural evolution of civilizations. Annual Review of Ecology and Systematics 3, 399–426.
Gilman, A., 1981. The development of social stratification in bronze age Europe. Current Anthropology 22, 1–23.
Helms, M., 1993. Craft and the Kingly Ideal. University of Texas Press, Austin.
Hodder, I. (Ed.), 2012. Archaeology Theory Today. Polity Press, Cambridge.
Johnson, A., Earle, T.K., 1987. The Evolution of Human Societies: From Foraging Group to Agrarian State. Stanford University Press, Stanford.
Junker, L., 1999. Raiding, Trading and Feasting: The Political Economy of Philippine Chiefdoms. University of Hawaii Press, Honolulu.
Kirch, P., 1984. The Evolution of Polynesian Chiefdoms. Cambridge University Press, Cambridge.
Kirch, P., Jones, S., 2003. New archaeological insights into food and status: a case study from pre-contact Hawaii. World Archaeology 34, 484–497.
Kolb, M., 1994. Monumentality and the rise of religious authority in precontact Hawaii. Current Anthropology 35, 521–547.
Kolb, M., Dixon, B., 2002. Landscapes of war: rules and conventions of conflict in ancient Hawai’i (and elsewhere). American Antiquity 67, 514–534.
McIntosh, S. (Ed.), 1999. Beyond Chiefdoms. Pathways to Complexity in Africa. Cambridge University Press, Cambridge.
Oberg, K., 1953. Indian Tribes of Northern Mato Grosso, Brazil. Smithsonian Institution Press, Washington.
Pauketat, T., 2001. The Archaeology of Traditions: Agency and History before and after Columbus. University of Florida Press, Tallahassee.
Pauketat, T., 2007. Chiefdoms and Other Archaeological Delusions. Altamira Press, Lanham.
Peebles, C., Kus, S., 1977. Some archaeological correlates of ranked societies. American Antiquity 42, 421–448.
Peregrine, P., 1992. Mississippian Evolution: A World-system Perspective. Prehistory Press, Madison.
Redmond, E., 1998. Chiefdoms and Chieftaincy in the Americas. University of Florida Press, Gainesville.
Renfrew, C., 1973. Monuments, mobilization and social organization in neolithic wessex. In: Renfrew, C. (Ed.), The Explanation of Culture Change: Models in Prehistory. Duckworth Press, London, pp. 539–558.
Renfrew, C., Cherry, J. (Eds.), 1986. Peer Polity Interaction and Socio-political Evolution. Cambridge University Press, Cambridge.
Renfrew, C., Shennan, S. (Eds.), 1982. Ranking, Resource, and Exchange. Cambridge University Press, Cambridge.
Rothman, M., Stein, G. (Eds.), 1994. Chiefdoms and Early States in the Near East: The Organizational Dynamics of Complexity. Prehistory Press, Madison.
Sahlins, M., 1963. Poor man, rich man, big man, chief: political types in melanesia and polynesia. Comparative Studies in Society and History 5, 285–303.
Schortman, E., Urban, P., 2004. Modeling the roles of craft production in ancient political economies. Journal of Archaeological Research 12, 185–226.
Service, E., 1962. Primitive Social Organization: An Evolutionary Perspective. Random House, New York.
Wittfogel, K., 1957. Chinese society: an historical survey. The Journal of Asian Studies 16, 343–364.
Wright, H., 1984. Prestate political formations. In: Earle, T.K. (Ed.), On the Evolution of Complex Societies. Undena Publications, Malibu, pp. 41–77.
Yoffee, N., 1993. Too many chiefs? In: Yoffee, N., Sherratt, A. (Eds.), Archaeological Theory: Who Sets the Agenda? Cambridge University Press, Cambridge, pp. 60–78.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét