Vinh danh kẻ ngoại – Raymond Aron như
một nhà xã hội học
Peter Baehr
(Người
dịch: Hà Hữu Nga)
Các nhà xã hội học
trong khu vực Anh ngữ, tối thiểu biết sơ sơ về Raymond Aron, dường như đều là những người có chung hai đặc điểm: họ đã ở tuổi nghỉ hưu, và có lẽ lần đầu tiên họ gặp Aron - thường là lần cuối cùng
- thông qua Les Étapes de la pensée sociologique,
được dịch ra tiếng Anh là Main Currents in Sociological Thought, London:
Weidenfeld & Nicolson, 1965 – Chủ lưu
Tư tưởng Xã hội học (1965, 1967c), một công trình gồm hai tập nổi bật trong danh sách mà
các sinh viên cần đọc về
các lý thuyết xã hội học kinh điển vào cuối những năm 1960 và 1970. Trong
bài điểm sách Tập I cho Tạp chí Xã hội học Mỹ, Lewis Feuer
(1965) đã khẳng định đó là “công trình sâu sắc và hấp dẫn nhất về lý thuyết xã hội học kinh điển” (trang 331). Ngày nay, Les Étapes de la
pensée sociologique hiếm
được chỉ
định đọc. Một lý do là có
những lựa chọn tốt hơn: một số
cuộc khảo sát về các tác phẩm kinh điển giờ đã có sẵn. Hơn nữa, ảnh hưởng của chủ nghĩa nữ quyền học
thuật và chủ nghĩa đa văn hóa về ngành học khiến cho các nhà xã hội học trẻ chuyển hướng
khỏi danh sách độc quyền của
Aron về các nhà tư tưởng lớn châu Âu, là nam giới: theo trật tự trình hiện, Montesquieu, Comte, Marx, Tocqueville, Durkheim, Pareto
và Weber. Trong những năm 1960 và 1970, mọi thứ đều khác. Các nhà xã hội học,
kể cả kỳ
cựu lẫn
non trẻ, khi
cần có một lịch sử đại
cương về các nhân vật chính của
xã hội học, thì chỉ có một số lựa chọn giới hạn mà thôi. Nếu Les
Étapes de la pensée sociologique không bao giờ chiếm ưu thế trong lĩnh vực này, thì
trong một thời gian ngắn, nó lại là một lựa chọn hấp dẫn hơn cho một số đối thủ của mình.
Trong thời mình, Aron thông thạo tiếng Anh và tiếng Đức, luôn có mặt trong các hội nghị và giảng đường, là một tác gia mắn đẻ, một đồng sáng lập của Archives européennes de sociologie – Tạp chí Xã hội học châu Âu. Là anh em họ của Marcel Mauss, và là cháu của Emile Durkheim, Aron là đứa con nòi của một triều đại xã hội học đáng sợ, mặc dù về mặt trí thức, ông luôn mạnh mẽ chống đối.1 Trong những năm 1955 và 1967, ông là giáo sư xã hội học ở Sorbonne và là “một trong những nhân vật quyền lực nhất trong ngành xã hội học, có chung một vị thế với Gurvitch và Stoetzel” (Robbins 2012: 25), hai nhân vật khác mà cho đến hôm nay chưa được đọc nhiều. Ông đã đưa việc cấp chứng chỉ vào xã hội học. Vào năm 1960, ông trở thành giám đốc nghiên cứu tại Ecole pratique des hautes études – Trường Thực hành Nghiên cứu Cao cấp. Ông thành lập Trung tâm Xã hội học Châu Âu, do Pierre Bourdieu làm Tổng Thư ký (Aron [1983] 1990: 239). Và vào năm 1970, ông đạt tới tột đỉnh học thuật khi được bầu làm chủ nhiệm khoa xã hội học của nền văn minh hiện đại tại Collège de France. Đầu năm 1981, 448 trí thức trả lời câu hỏi của tạp chí văn học Pháp Lire – Đọc, “Ai là ba trí thức nói tiếng Pháp ngày nay, có những công trình có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến sự phát triển tư tưởng, văn học, nghệ thuật, khoa học,...v.v?” Aron đứng thứ hai (với 84 phiếu) và Foucault thứ ba (83). Lévi-Strauss đứng đầu bảng với 101 phiếu.2
Bên ngoài nước Pháp, Aron là “nhân vật quốc tế đáng kính nhất của xã hội học Pháp” (Lemert 1986: 691). Từ giữa những năm 1960, danh tiếng của ông đã tăng vọt trong giới tinh hoa sành sỏi. Ernest Gellner (1966), khi nhấn mạnh “kho tư tưởng dồi dào” của Aron và “ý thức đặc biệt nhất về thực tiễn xã hội”, đã gọi ông là “nhà xã hội học xuất sắc nhất còn sống” (trang 255). Hai năm sau, một nhà phê bình vô danh trong Phụ lục Văn học Thời báo (“Các Thể loại Chủ nghĩa Tư bản” 1968) đã khen ngợi tương tự: “tính trong suốt và rực rỡ của các công trình của giáo sư Aron đã đem đến cho tư duy xã hội học một đặc tuyển trí tuệ đáng ngưỡng vọng” (Trang 343). Khi Aron nhận được giải thưởng Goethe năm 1979, Ralf Dahrendorf đã đặt tầm quan trọng của ông với tư cách là một nhà khoa học xã hội ngang với Weber (Colquhoun 1986a: 1). Xác nhận những lời ca tụng này, John Hall (1981) đã tuyên bố Aron là “nhà xã hội học vĩ đại nhất trong thời đại chúng ta” (trang 195), ngay sau đó ông thêm “đối với tôi dường như thành tựu của ông là tuyệt đối” (Hall 1984a: 437); Một thập kỷ sau, Donald Levine (1995) vinh danh ông thuộc số những nhân vật vĩ đại đương thời về “tự sự nhân bản” (trang 66). Vào thời điểm ông qua đời vào năm 1983, theo Edward Shils (1997), thì Aron là “tác gia đáng kính và nổi tiếng nhất thế giới về xã hội hiện đại và quan hệ quốc tế” (trang 56-57). Có thể ngoại trừ Keynes, Shils tiếp tục, không một nhà khoa học xã hội nào của thế kỷ XX “lại nổi tiếng rộng khắp và được đánh giá cao như Raymond Aron”.3
Với bối cảnh này,
tốc độ lu mờ danh tiếng của Aron, trên bề mặt, thật đáng kinh ngạc. Một cuộc khảo sát thành viên Hiệp hội Xã hội học Quốc tế về Sách thế kỷ được tiến hành vào năm 1998 thì
không
hề có tiêu đề công
trình nào của Aron lọt
vào top 100. Năm mươi nhà Xã hội học chủ chốt
của John Scott (2007) đã hoàn toàn bỏ qua người Pháp này.4 Cũng trong
tình trạng đó là các cuốn Xã hội học ở Mỹ
của Craig Calhoun (2007),
Lý thuyết Xã hội học của Anthony Elliott (2009)
do Routledge
Companion xuất bản, và
Lịch sử các Khoa học Xã hội từ năm 1945 của Philippe Fontaine (2010) do Roger Blackhouse
xuất bản, mặc dù cuốn sách này bao
gồm những chương dành
riêng cho xã hội học (của Jennifer Platt) và khoa học
chính trị (của Robert Adcock và Mark Bevir). Liệu có phải di sản của Aron bị hao mòn vì dịch không đầy
đủ? Không. Theo tính toán của tôi5, khoảng 280 hạng mục
công trình của ông đã được
dịch sang tiếng tiếng Anh, bao gồm
27 cuốn sách và 5 tuyển tập những công trình khác. (Đáng chú ý là chỉ có 1 tuyển tập có tiêu
đề xã hội học, trong khi 3 tiêu
đề liên quan đến lịch sử và 3
chính trị, còn 4 tiêu đề thuộc về các lĩnh vực sau, nếu người ta lấy các
từ tự do và quyền lực để
thể hiện chủ đề chính trị cơ bản). Chắc chắn, Aron không phải hoàn toàn bị lãng quên. Công
trình Lý thuyết Xã hội Pháp sau chiến tranh của Derek Robbins (2012) bắt đầu bằng một chương về Aron; một năm trước đó, Tạp chí Xã
hội học kinh điển đã dành toàn bộ
một vấn đề cho ông (Baehr 2011). Có thể điều đó thể hiện sự hồi sinh mối quan tâm đến ông? Có lẽ, nhưng vào thời điểm này, nó trông giống như một
gợn sóng lăn
tăn trong một biển khơi
mênh mông tĩnh lặng
của sự thờ ơ.
Trong tiểu luận này, tôi khám phá ra khoảng cách giữa những lời ngợi ca Aron, thậm chí ngay cả ngày hôm nay, và vị thế xã hội học đích thực của ông ta. Tôi bắt đầu với một số nhận xét theo ngữ cảnh về các điều kiện chung, mang tính khái niệm và động lực, giúp tạo điều kiện hồi tưởng xã hội học để cho thấy Aron thiếu hụt đến mức nào. Tôi tiến hành kiểm tra một dao động rối loạn trong tư duy của ông, là cái đã cản trở việc dành riêng cho lĩnh vực này. Chắc chắn tuyệt đối, gợi lên trong tôi một điều là Aron có thể được vài người tưởng nhớ hơn là được nhiều người nghiên cứu, được nhắc đến nhiều hơn là được đua tranh. Triệu chứng là “niềm kính ngưỡng thiết tha tưởng nhớ về người Pháp vĩ đại đó” do Jeffrey Alexander (1987: x) bày tỏ trong lời nói đầu của Hai mươi Bài giảng: Lý thuyết Xã hội học từ Thế chiến II, nhưng sau đó lại phớt lờ ông, trong khi John Rex được vinh danh cống hiến lớn về hai bài giảng.6 Hệt như vậy, Steve Fuller (2009: 137) tán dương về lịch sử xã hội học “bậc thầy” của Aron trước khi nhanh chóng bỏ qua ông, để báo đáp chi tiết cho Bourdieu.
Không nỗ lực nào được dành để mô tả hoặc đánh giá tính tổng thể mọi công trình của Aron, chứ không chỉ là tính tổng thể của các tác phẩm xã hội học của ông, một dự án phù hợp với một cuốn sách hơn là một bài tiểu luận. Hơn nữa, tôi chủ yếu quan tâm tới vị thế của Aron trong xã hội học của khối tiếng Anh hơn là xã hội học Pháp. Trọng tâm đó được quyết định một phần bởi sự tiện lợi giản đơn – những gì có thể cố đưa được vào một tiểu luận. Nhưng cũng cần phải ý thức được rằng, ngay ở nước Pháp ngày nay, các công trình của Aron vẫn chỉ là một sự hiện diện xã hội học thứ yếu. Cái ngọn lửa Aronian kia vẫn tiếp tục cháy trước hết là do Viện nghiên cứu Raymond Aron (do nhà sử học François Furet thành lập năm 1982) và kẻ kế nhiệm nó, từ năm 1992, là Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Raymond Aron, với các cộng sự bao gồm một số trí thức quan trọng nhất của Pháp: Pierre Manent, Mona Ozouf, Marcel Gauchet, Claude Lefort và con gái của Aron, nhà xã hội học Dominique Schnapper. Nhưng mọi nỗ lực của họ vẫn không vãn hồi được cái chết xã hội học Aron. Ông là kẻ ngoại, chẳng hạn với cuốn Faire de la sociologie (2008) Làm xã hội học của Philippe Masson, một cuốn sách liên quan đến sự phát triển của nghiên cứu thực nghiệm, trong đó Aron - không giống như Bourdieu và Passeron, Boltanski, Crozier, Dubet, de Lauwe, Peneff, Pialoux, và Touraine, dường như đã để lại rất ít dấu vết 7. Trớ trêu thay, Aron cũng được chờn vờn ở các văn bản lý thuyết toát yếu như Les courants contemporains de la sociologie - Các chủ lưu xã hội học đương đại - của Béraud và Coulmont (2008) trong đó ông được đề cập lướt qua (ví dụ, p 47); còn di sản của Boudon, Bourdieu, Foucault, và, thứ đến, Norbert Elias mới là trung tâm diễn giải của các tác giả này. Một thước đo khác về vị thế ơ hờ của Aron trong xã hội học Pháp (ông được đánh giá cao hơn trong các giới tự do chính trị Pháp8) thể hiện rõ bằng việc kiểm kê các cuốn sách viết về công trình của ông do Elisabeth Dutartre (2007) biên soạn cho Bibliothèque nationale de France - Thư viện Quốc gia Pháp. Trong đó, không thể tìm thấy bất cứ tác phẩm nào của một tác giả Pháp viết về Aron với tư cách chủ yếu là một nhà xã hội học.9 Tất cả điều này cho thấy những bế tắc tổng thể đối với việc vinh danh Aron, mà không chỉ đơn giản là ở cấp địa phương hay quốc gia. Bây giờ tôi quay lại để xác định những gì có thể được.
Di
sản lý thuyết: các điều kiện tưởng nhớ
Các nhà lý thuyết xã hội học được ghi nhớ theo ba cách nổi bật: trước hết, bằng những từ và khái niệm mà họ sáng tạo hoặc được công nhận; thứ hai, bằng các tuyên bố mang tính lập trình của họ; và thứ ba, bằng sách hay bài viết được coi là có ảnh hưởng mạnh tới bộ môn đến mức người ta buộc phải trích dẫn ngay khi tiếp cận với các chủ đề thảo luận. Khi các nhà xã hội học nhận thấy “các chức năng hiển nhiên và tiềm ẩn”, “sự lưu chuyển của giới tinh hoa”, “Verstehen – nhận thức”, “lồng sắt”, “tính cố kết hữu cơ”, “trí tưởng tượng xã hội học”, “xây dựng xã hội thực tế”, “xã hội rủi ro” , “tính hiện đại lỏng”, “tính chất quản trị”, “bạo lực tượng trưng”, “chuỗi nghi lễ tương tác” và “động thái phân hình”, thì ngay lập tức các tác giả cũng như các ý tưởng đã xuất hiện; các từ dùng để viết tắt các khái niệm, đến lượt mình, cũng thu hút sự chú ý đến các tác giả cụ thể. Ngược lại, chính việc đề cập đến một tác giả lớn có thể gợi lên một khái niệm cốt lõi, đến mức là bất cứ ai nói đến Robert Michels hay Karl Mannheim cũng nói đến “luật sắt của chính thể đầu sỏ” hoặc “các trí thức nổi tự do”. Tương tự, khi chúng ta thấy “xã hội học tri thức”, “lý thuyết hành động tự nguyện” , “phương pháp luận tộc người”, “lý thuyết xung đột”, “cấu trúc hóa”, “xã hội học hình tượng”, thì các khái niệm và các tác giả chủ chốt lại được kết nối với nhau. Điểm tổng quát hơn là các học giả được nhớ đến trong xã hội học thường để lại hàng loạt thuật ngữ do họ sáng tạo ra. Hãy chỉ nhìn vào Anthony Giddens, người đã để lại cho chúng ta “tính hai mặt của cấu trúc”, “tường giải kép”, “nén thời gian-không gian”, “quan hệ thuần túy”, “an toàn bản thể luận” và nhiều khái niệm khác nữa. Liệu các khái niệm, được lồng vào nhau như những chiếc bình tro cốt trong một ngăn chứa các bình tro cốt hỏa táng, có được các thế hệ sau tìm hiểu không? Không ai có thể khẳng định chắc chắn được. Nhưng nếu không có các dấu hiệu như vậy, thì ngay cả những nhà xã hội học giỏi nhất cũng thấy khó có thể tham gia, thì hãy để một mình trí tưởng tượng sống động, trí tưởng tượng xã hội học. Năng suất, trí thông minh, sự nhạy cảm không bao giờ đủ, thậm chí được kết hợp lại một cách kỳ diệu, để tạo ra một tác giả được nhớ lâu dài, còn những tác giả không tạo ra được các từ và những điểm khác biệt làm bùng cháy trí tưởng tượng, hoặc những kẻ không trở thành gương mẫu cho trí tưởng tượng thì sẽ phải đối mặt với những đường biên ngoài lề lâu dài. De te fabula narratur – Là chuyện chính mày.
_____________________________________________
(Còn nữa…)
Nguồn: Baehr, Peter (2013). The Honored Outsider: Raymond Aron as Sociologist.
In Sociological
Theory 31(2)
2013, pp.93 –115, American Sociological Association.
Tác giả: Peter
Baehr là
Giáo sư Chủ nhiệm bộ môn Lý thuyết Xã hội, và
Thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Thái
Bình Dương, tại Đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông. Ông cũng là Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Lịch sử Xã hội học, Hiệp hội Quốc tế Xã hội học. Các bài viết của ông đã xuất hiện ở những địa chỉ như Tạp chí Xã hội học Hoa Kỳ, Tạp
chí Xã hội học châu Âu, Tạp chí Lý thuyết Chính trị, Lịch
sử và Lý thuyết, và Lý thuyết Chính trị
châu Âu. Cuốn sách đầu tiên của ông - Caesar và sự thăng
trầm của Thế giới La Mã – được bình chọn là cuốn sách xuất sắc năm 1998. Ông cũng là đồng dịch giả và biên tập bản dịch Đạo đức Tin lành và Tinh thần
của Chủ nghĩa Tư bản của Max Weber (Penguin
Classics), được đề cử giải Dịch thuật Wolff. Các vấn đề trọng
tâm nghiên cứu
hiện tại của ông tập trung vào thuật hùng biện Hồi giáo và phản
ứng của các chính phủ phương Tây đối với Hồi giáo.
Ghi chú
1. Về
việc ban đầu ông cộng tác với Mauss, xem Fournier ([1994] 2006: 297).
2. Để phân tích cuộc
thăm dò ý kiến này, xem Bourdieu ([1984] 1988: 256-70). Bản thân Bourdieu đã
tăng 10 lần và đứng vị trí thứ 36 với sáu ứng cử viên khác. Về
mối quan hệ mâu thuẫn với
Aron, xem Bourdieu ([2004] 2007). Về việc đánh giá cao Aron của người chiến thắng – “Tôi đã sửng sốt bởi tính minh bạch trong tư duy của ông ấy, sự tinh tế của các phán đoán của ông ấy” - xem Lévi-Strauss (1988-1991: 81)
3. David Riesman và
Daniel Bell là hai người Mỹ khác đã rất ngưỡng mộ Aron. Đối với Riesman (1985),
Aron là hậu vệ tự do chống lại tất cả các chế độ chuyên chế. Món nợ của Bell đối với Aron,
thể hiện rất rõ trong các tác phẩm
nổi tiếng nhất của ông, đã được minh định trong một cuộc phỏng vấn được đưa ra ngay trước khi ông
qua đời vào tháng 1 năm 2011 (Foa và Meaney 2011). Giai cấp xã hội, Giai cấp chính trị, Giai cấp cầm quyền
của Aron (1967d)
đã xuất hiện trong Giai cấp, Vị thế và Quyền
lực của Bendix và Lipset, có
lẽ là người đọc được nhiều người tham khảo nhất về phân tầng thời gian. “Hai định nghĩa giai cấp” của Aron (1969d) xuất hiện trong tập sách kình địch của Béteille.
4. Từ điển Xã hội
học Cambridge (Turner 2006) và The Blackwell Encyclopedia of Sociology (Ritzer
2007) có các bài viết ngắn về Aron của Patrick Baert và Dusko Sekulik.
5. Dựa vào bản cập nhật của thư mục trong Colquhoun (1986a: 517-19, 1986b: 633-44). Nghiên cứu phức tạp của Colquhoun về Aron là đáng chú ý vì sự quan tâm tỉ mỉ đến từng chi tiết. Tôi vui mừng ghi lại món nợ của tôi đối với công sức lao động không thể thiếu của tình yêu này.
6. Alexander đề cập đến Aron trong một chú thích, bằng cách đặt tương phản “xã hội học tự do” phê phán của ông với đối tác yên lặng của Parsons (trang 335).
7. Tuy nhiên, xem Robbins (2011: 311-13) và Baverez ([1993] 2006: 422-35) về vai trò của Aron trong Trung tâm Xã hội học Européenne, mà ban đầu Bourdieu và Passeron đã gắn bó với tư cách là trợ lý nghiên cứu của ông.
8. Và những người tự do hoặc bảo thủ tự do Anh - Mỹ: xem, đặc biệt là Anderson, Anderson và Mahoney (1997), Davis (2009), Frost (1997, 2006), Jennings (2003) và các bài tiểu luận trong số Tạp chí đó), Judt (2007, 2011), và Mahoney (1992, 2011). Stanley Hoffmann cũng đã viết rất nhiều về Aron.
9. Không được bà Dutartre đề cập là Serge Paugam, một nhà xã hội học người Pháp đã biên tập một số tác phẩm của Aron (quan trọng nhất là Aron 1972) và đã viết về ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét