Powered By Blogger

Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

Bản sắc tộc người




Bản sắc tộc người

Joseph E. Trimble and Ryan Dickson

Về việc nhận thức cấu trúc bản sắc (tính đồng nhất) tộc người, tốt nhất nên khảo sát nguồn gốc từ nguyên của nó. Thuật ngữ tộc người có nguồn gốc Latin và Hy Lạp - ethnicusethnikas có nghĩa là dân tộc, quốc gia. Về phương diện lịch sử (đối với các thành bang Hy Lạp và Đế quốc La Mã) nó có thể và đã được sử dụng để đề cập đến những con người với tư cách là những kẻ ngoại đạo, man rợ. Ethos, tiếng Hy Lạp, có nghĩa là phong tục, tính khí hoặc đặc tính. Vì vậy, ethnikasethos được kết hợp với nhau có thể có nghĩa là một nhóm người (dân tộc) có cùngđều thừa nhận những tập quán chung. Phần thứ hai của cấu trúc, bản sắc, có gốc La tinh và xuất phát từ khái niệm identitas; từ này có từ căn idem nghĩa giống hệt. Như vậy, thuật ngữ này được sử dụng để diễn tả về sự giống hệt, tính tương tự nhau, và nhất tính. Chính xác hơn, bản sắc có nghĩa là “tính tương đồng của người hay vật mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh; thực tế là một người hoặc một vật gì đó là chính bản thân nó chứ không phải là người/ vật khác(Simpson & Weiner, 1989, trang 620). Bằng cách kết hợp các định nghĩa và những cách giải thích về bản sắc đặc tính tộc người (ethnicity) có thể kết luận rằng, các thuật ngữ này có nghĩa là, hoặc ít nhất cũng hàm nghĩa là, tính tương đồng của một nhóm hoặc tộc người có chung phong tục, truyền thống, kinh nghiệm lịch sử, và trong một số trường hợp, còn là nơi cư trú về phương diện địa lý. Ở một cấp độ diễn giải nhất định, định nghĩa kết hợp này đủ để nắm bắt được cách thức khái niệm hóa thuật ngữ bản sắc và sử dụng để nhận thức được những ảnh hưởng văn hoá-tộc người đối với sự hình thành và phát triển của nó. Ở một cấp độ khác, bản sắc hầu như đồng nghĩa với đặc tính tộc người khiến cho một số nhà xã hội học như Herbert Gans (2003) gợi ý rằng bản sắc không còn là một thuật ngữ hữu dụng nữa. Hơn nữa, do tính phổ biến ngày càng tăng, nên bản sắc nhanh chóng trở thành một sáo ngữ và do đó ngày càng khó nhận thức (Gleason, 1996).

Định nghĩa về
bản sắc tộc người khác nhau theo lý thuyết cơ bản được các nhà nghiên cứu và các học giả quan tâm nhằm giải quyết nghĩa của khái niệm này. Tình trạng không có sự đồng ý rộng rãi về định nghĩa bản sắc tộc người chính chỉ dấu về sự nhầm lẫn xung quanh chủ đề này. Thông thường, bản sắc tộc người là một cấu trúc có tính quy nhập (affiliative), trong đó các cá nhân được họ tự nhìn nhậnđược những người khác nhìn nhận là thuộc về một nhóm tộc người hoặc văn hoá cụ thể. Một cá nhân có thể chọn liên nhập vào một nhóm, đặc biệt là khinhững lựa chọn khác nữa (chẳng hạn người đó có di sản chủng tộc hoặc tộc người hỗn hợp). Động thái quy nhập có thể chịu tác động của các nhân tố chủng tộc, tình trạng sinh đẻ, tính biểu trưng và văn hoá (Cheung, 1993). Các yếu tố chủng tộc liên quan đến việc sử dụng các đặc trưng tướng thuật (physiognomic) và vật lý, các yếu tố sinh đẻ liên quan đến “bản quán” (nguồn gốc của tổ tiên) hoặc nguồn gốc của cá nhân, cha mẹ và họ hàng của họ, cũng như các yếu tố tượng trưng bao gồm những nhân tố điển hình hóa hay hình mẫu hóa một nhóm tộc người (chẳng hạn lễ lạt, thực phẩm, quần áo, vật dụng, vv). Bản sắc biểu tượng tộc người thường ngụ ý rằng các cá nhân lựa chọn bản sắc của mình, tuy nhiên ở một mức độ nào đó các yếu tố văn hoá của nhóm tộc người hoặc chủng tộc chỉ có một ảnh hưởng khiêm tốn đến hành vi của họ (Kivisto & Nefzger, 1993).

Yuet Cheung (1993) định nghĩa quá trình hình thành bản sắc (đồng nhất) tộc ngườisự gắn bó tâm lý với một nhóm hoặc một di sản tộc người” (trang 1216) và do đó tập trung vào cấu trúc trong lĩnh vực tự nhận thức. Nhà xã hội học Hà Lan, Sawiti Saharso (1989), mở rộng định nghĩa bao gồm các quá trình xã hội liên quan đến sự lựa chọn bạn bè, đối tác tương lai, nhận thức về các cơ hội sống và phản ứng của những người khác trong môi trường xã hội của một con người. Định nghĩa của Saharso mở rộng ranh giới của người khác để bao gồm một thành phần thuộc tính. Một cá nhân có thể đồng nhất một cách mạnh mẽ với một nhóm tộc người, tuy nhiên sức mạnh và tính xác thực của bản sắc đó lại ph thuộc vào sự chấp nhận và thừa nhận của các thành viên “nội nhóm” và “ngoại nhóm”. Định nghĩa của  Saharso nhất quán với các bài viết của nhà xã hội học Fredrik Barth (1969), người cho rằng bản sắc tộc người là một phương tiện để tạo ra những ranh giới cho phép một nhóm tự tạo khoảng cách với các nhóm khác. Barth hoàn toàn tin tưởng vào lập trường của ông khi ông khẳng định một cách mạnh mẽ rằng các ranh giới tộc người xác định một nhóm chứ không phải là “cái chất liệu văn hoá mà nó dung chứa (Sollars, 1996, trang xxii).

Nhà tâm lý học, Jean Phinney (1990) ghi nhận rằng có những định nghĩa và thước đo về bản sắc tộc người rất khácnhau, tạo ra những khái quát hóa và so sánh giữa các nghiên cứu khó khăn và mơ hồ (p.500). Hiện nay, định nghĩa được sử dụng rộng rãi nhất về cấu trúc bản sắc trong tâm lý học là một trong những cấu trúc được Phinney (1990, 2000, 2003) phát triển. Bà cho rằng, “bản sắc tộc người là một cấu trúc năng động, đa chiều đề cập đến bản sắc, hay ý thức tự thân của một người với tư cách là một thành viên của một nhóm tộc người” (2003, trang 63). Từ quan điểm của , người ta khẳng định về một bản sắc trong bối cảnh của một ph nhóm khẳng định về một tổ tiên chung và ít nhất cũng có chung một nền văn hoá, chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, quan hệ thân tộc hoặc nơi xuất xứ. Bà tiếp tục bổ sung thêm, Bản sắc tộc người không phải là một phân loại cố định, mà là một quá trình nhận thức linh hoạt và năng động về bản thân và nền cảnh tộc người. Bản sắc tộc người  được tạo dựng và biến đổi khi các cá nhân bắt đầu ý thức về đặc tính tộc người của họ, trong bối cảnh văn hóa xã hội rộng lớn. (2003, trang 63).

Phinney (1990, 2000) coi bản sắc chủ quan như một điểm xuất phát, rốt cuộc dẫn đến sự phát triển của một bản sắc xã hội dựa trên địa vị thành viên nhóm tộc người. Nhà tâm lý học liên văn hoá Peter Weinreich (1986) không chỉ coi bản sắc tự thân là điểm xuất phát, ông còn tin rằng sự hình thành và phát triển của bản sắc là thuộc về các trạng thái bản sắc khác nhau trong đó các bối cảnh xã hội khác nhau sẽ ảnh hưởng đến trạng thái bản sắc và hành động của một người. Ông khẳng định rằng bản sắc của một người nằm trong một bối cảnh xã hội cụ thể được định nghĩa như là một bộ phận của toàn bộ sự tự diễn giải ý nghĩa của một người, bằng cách diễn giải đó người ta tự xếp mình vào vị trí hiện tại thể hiện tính liên tục giữa cách thức mà người ta tự diễn giải như là một người trong quá khứ và cách thức mà người ta tự diễn giải mình như một người khao khát được tồn tại trong tương lai. Hơn nữa, Weinreich cho rằng bản sắc tộc người không phải là một quá trình tĩnh là một quá trình biến đổi và khác nhau theo các bối cảnh xã hội cụ thể. Ví dụ, các cá nhân có thể tránh những tình huống mà ở đó bản sắc của họ bị thách thức, đe doạ, làm nhục và bị cải hoán; và tìm cách để duy trì, bất cứ khi nào có thể, các môi trường có lợi cho trạng thái của bản sắc. Tự biểu hiện, duy trì bản sắc tộc người, và bản sắc trong những hoàn cảnh xác định đem đến sự hứa hẹn cho việc nhận thức những tính chất phức tạp và động lực của các định hướng tộc người thông qua lý thuyết phân tích cấu trúc bản sắc của Weinreich (Weinreich & Saunderson, 2003).

Một số cách tiếp cận khái niệm đ
ối với bản sắc tộc người nhấn mạnh vào một mức độ phân tích cá nhân, trong đó các quan niệm về sự hình thành và phát triển của bản sắc liên quan đến quan niệm tự thân của một người. Phần lớn công việc trong lĩnh vực này dựa vào lý thuyết xã hội của nhà tâm lý học Henri Tajfel (1982). Về cơ bản, Tajfel cho rằng bản sắc xã hội của một người ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự tự nhận thức bản thân và do đó cần phải là trung tâm điểm đánh giá. Điểm mạnh và điểm yếu của bản thân phần lớn được xác định từ vị thế của chúng ta với các nhóm tham chiếu của mình và cách thức mà chúng ta đánh giá các thành viên trong nhóm. Khi đặc tính tộc người và chủng tộc tạo thành mối liên kết của một nội nhóm, thì bản sắc tự thân sẽ chịu ảnh hưởng tương ứng. Tuy nhiên, những đặc điểm dân tộc riêng biệt của một người có thể hạn chế vì người ta có thể bác bỏ các phán đoán và các quan điểm ngoại tại của nhóm tộc người riêng của họ và lần lượt xây dựng tiêu chí riêng của mình để thách thức và bác bỏ những quan điểm của ngoại nhóm ưu thống. Cũng có thể có các phản ứng khác: các cá nhân có thể rút lui hoặc chọn cách tách biệt với nhóm tham chiếu, do đó tạo thêm các biến chứng tâm lý cho bản thân họ. Lý thuyết xã hội của Tajfel đã tạo ra ảnh hưởng đáng kể đến việc nghiên cứu bản sắc tộc người; một số người thích thực hiện công việc theo đề mục tự hình thành bản sắc tộc người.

Bản sắc tộc người thường mang tính bối cảnh và tình huống vì nó xuất phát từ các cuộc đàm phán xã hội, nơi người ta tuyên bố một bản sắc tộc người và sau đó chứng minh các dấu hiệu của nhóm tộc người được chấp nhận và thừa nhận cho các nhóm khác. Tuyên bố tộc người của một người thường mở ra cho sự khảo sát của những người khác có thể xác nhận hoặc hủy bỏ lời tuyên đó. Các tuyên bố tộc người thể hiện một ý thức về tộc người gắn liền với các yếu tố văn hoá của nhóm tộc người mà họ quy nhập. Hình thức tối hậu của ý thức tộc người của một người là sự kết hợp chính đáng của quá trình đồng nhất hóa cá nhân với một người cộng đồng. Vì vậy, sẽ là hợp lý khi cho rằng có sự phù hợp giữa bản sắc cá nhân và ý thức về bản sắc của một người bên ngoài, mà tầm quan trọng của nó được đặt vào những thể loại và ý định tự đồng nhất của người đó. Để thúc đẩy sự kết hợp giữa bản thân và người khác, các cá nhân thường sử dụng các mô thức diễn ngôn và cử chỉ dân tộc học để thúc đẩy tính xác thực sự khẳng định của họ. Nếu ngoại hình thể chất không phù hợp với các tiêu chí vật chất tiêu chuẩn hoặc có ý thức người khác nghi ngờ sự khẳng định bản sắc đó thì các tác nhân tộc người sẽ có xu hướng phóng đại và nhấn mạnh vào các phong cách và đặc trưng diễn ngôn được biết rất cụ thể và chi tiết đối với nhóm tham chiếu. Sự nhấn mạnh về nghi thức hay phong cách này cũng thường xảy ra khi các thành viên nhóm tộc người gặp gỡ hoặc tụ họp trong các khu vực địa lý khác với quê hương hoặc cộng đồng có nguồn gốc chung của họ. Nghi thức đặc biệt là một ví dụ điển hình về đặc tính tình huống bản sắc tộc người trong những tình huống đó.

Ở cấp độ cá nhân hoặc xã hội, người ta có thể dựa vào
các loại nhãn để mô tả sự quy nhập tộc người và sau đó là bản sắc của họ. Các loại nhãn giúp phân loại và đặt tên cho mọi người. Do đó, việc gắn nhãn tộc người có giá trị và chức năng chính trị xã hội, đặc biệt là đối với các cuộc điều tra dân số và nghiên cứu nhân khẩu học. Ở cấp độ bề nổi, khi không sử dụng các khái quát hóa về các định hướng văn hoá riêng biệt, thì các nhãn tộc người lại có một chức năng hữu ích. Tuy nhiên, việc sử dụng nhãn là một phần nhỏ của qui trình đồng nhất, vì người ta có khả năng mở rộng việc gắn nhãn để bao gồm các nhân tố đồng nhất khác như nguồn gốc sinh đẻ, tình trạng tích hợp văn hóa (acculturation), quy nhập tự ngã (ego-involvement) các thái độ đối với nhóm của mình và các nhóm nhóm khác; các sở thích hành vi như sử dụng ngôn ngữ, kết bạn, âm nhạc và sở thích về ẩm thực cũng như các hoạt động văn hoá tôn giáo cũng có thể được bao gồm trong đó (Trimble, 2000).

Những người có nguồn gốc tộc
người hỗn hợp lại thể hiện các trường hợp đồng nhất tộc người rất đáng chú ý, vì họ có ít nhất hai tộc người để tuyên xưng và thương lượng tuyên xưng tộc người. Trên cơ sở các cuộc phỏng vấn sâu rộng với những người có nguồn gốc đa sắc tộc, nhà tâm lý học Maria P. P. Root (1994) đã xác định được bốn lý do cơ bản khiến một người đa chủng tộc quyết định đồng nhất với một nhóm riêng biệt bất kể người khác có thể nhìn nhận họ ra sao. Root cho rằng: 1.) Người ta củng cố cảm thức an toàn của họ bằng cách hiểu biết một phần riêng biệt của di sản tộc người của họ; 2.) Các ảnh hưởng từ cha mẹ được kích thích bằng sự cổ vũ của ông bà thúc đẩy tính đồng nhất, qua đó cho phép con cái chọn lựa; 3). Phân biệt chủng tộc và định kiến ​​gắn liền với một số nhóm nhất định dẫn đến việc chia sẻ kinh nghiệm với gia đình, qua đó hỗ trợ cá nhân phát triển kỹ năng tâm lý và phòng thủ để bảo vệ bản thân (những kinh nghiệm chia sẻ giúp xây dựng sự tự tin và tạo ra cảm thức người ta có thể đối phó với các yếu tố tiêu cực thường liên quan đến nhóm của mình); và 4) “Mối liên kết về giới giữa cha mẹ và con cái có thể ảnh hưởng đến quá trình xã hội hóa chủng tộc và tộc người, đặc biệt là khi họ có mối quan hệ tốt và tôn trọng nhau (trang 15).

Tham chiếu lệch đầu tiên về tính đồng nhất tộc người có thể tìm thấy trong các tài liệu nhân học và xã hội học đầu thế kỷ 20, liên quan đến việc nghiên cứu thực địa các nền văn hoá phi phương Tây. Các thuật ngữ, các nhóm tộc người đặc tính tộc người, lần đầu tiên được sử dụng trong nhân học để chỉ những người được cho là quy nhập với cùng một nhóm văn hoá và những người cùng chung sở thích, ngôn ngữ và truyền thống. Qua nhiều năm, cấu trúc đó dường như đã xuất hiện thông qua sự kết hợp giữa sắc tộc, bản sắc và ý nghĩa của chúng, vì việc tìm kiếm tài liệu toàn diện hợp lý không thể khám phá ra một tác giả nào tạo ra hoặc một định nghĩa nào thường được trích dẫn.

Tài liệu tham khảo về quan niệm bản sắc tộc người có thể được tìm thấy từ đầu thế kỷ thứ 19. Năm 1808, Hugh Murray (1808), đề cập đến ảnh hưởng của hình ảnh tinh thần đối với sự tự nhận thức, đã khẳng định một cái nhìn đáng chú ý về cấu trúc này khi ông khẳng định, Nhưng tôi nghĩ, rõ ràng những phẩm chất đặc trưng đó... hoàn toàn không liên quan đến những đặc điểm bên ngoài theo các chủng tộc đã được phân biệt. Tư duy bản chất linh hoạt hơn và nhường chỗ cho ảnh hưởng của các hoàn cảnh bị thay đổi một cách dễ dàng hơn” (trang 33-34). Viết về sự khác biệt cá nhân và quốc gia trong những năm 1830 - 1835, nhà tự nhiên học Alexander Von Humboldt, đã khẳng định rằng Ngôn ngữ là vẻ ngoài của tâm hồn các dân tộc; ngôn ngữ của họ là tâm tính của họ và tâm tính của họ thì lại chính là ngôn ngữ của họ. Không ai có thể quá nhấn mạnh đến bản sắc (tính đồng nhất) của họ. Những người có chung một ngôn ngữ đều phát triển chủ thể tính tương tự, một weltanschauung - thế giới quan (Von Humboldt, 1830-1835 / 1985), p. 12). Trong cả hai trích dẫn trên, ngôn ngữ và hình ảnh tinh thần của một người tạo thành cơ sở cho các quan sát của các học giả về tầm quan trọng của bản sắc từ quan điểm duy dân tộc.

Lần đầu tiên được sử dụng, bản sắc tộc
người đồng nghĩa với chủng tộc, bản sắc chủng tộc hoặc đặc tính tộc người nói chung. Có vẻ như thuật ngữ đặc tính tộc người lần đầu tiên được Georges Vacher de la Pouge sử dụng năm 1896 để mô tả các đặc điểm văn hoá, tâm lý và xã hội “giả mạo và tự nhiên về một dân số và để phân biệt nó với khái niệm chủng tộc mà ông đã định nghĩa như là một loạt các đặc trưng thể chất (Vacher de la Pouge, 1896). Herbert J. Gans (1996) cho rằng nhà xã hội học David Riesman đã mang lại cho khái niệm đặc tính tộc người một ý nghĩa mới và nổi bật trong thế kỷ 20. Tuy nhiên, Werner Sollars (1996) lại cho rằng thuật ngữ này được Einar Haugen và Joshua Fishman sử dụng đầu tiên, và họ có thể đã chịu ảnh hưởng bởi nhà xã hội học W. Lloyd Warner (xem trang xxxvii), tất cả các công trình của ông đều viết về khái niệm này vào những năm 1940 và những năm 1950. Chủng tộc và đặc tính tộc người thường được sử dụng hoán đổi cho nhau theo các đặc trưng thể chất và văn hoá của một cá nhân như là một thành viên của nhóm chủng tộc hoặc tộc người của họ cũng như các hoàn cảnh ảnh hưởng đến tầm quan trọng của nó. Về vấn đề này, năm 1916 triết gia Horace Kallen đã viết Khi cuộc cãi vã (cho dù họ đã đồng nhất với người Anh hay người Anh ở Mỹ) này xảy ra, họ nhớ lại họ đã rời bỏ quê cha đất tổ để tìm kiếm tự do tôn giáo cho bản thân mình ra sao; họ đã rời khỏi Hà Lan, nơi mà họ đã tìm thấy sự tự do này, vì sợ mất đi bản sắc tộc người và văn hoá của họ cũng như những khốn khó mà họ đã gánh chịu để bảo tồn cả quyền tự do và bản sắc của mình như thế nào” (Kallen, 1996, trang 69).

Năm 1922, nhà xã hội học Max Weber, đã viết về các nhóm tộc người theo một cách mới, bao gồm trong định nghĩa một yếu tố chủ quan mà trước đây không có. Weber cũng phân biệt giữa bản sắc (tính đồng nhất) chủng tộc và tộc người bằng đề xuất cho rằng cần có một mối quan hệ dòng máu để đồng nhất hóa chủng tộc, chứ không phải để đồng nhất hóa tộc người. Ông đã định nghĩa các nhóm tộc người như sau: ... những nhóm người này có niềm tin chủ quan vào dòng dõi chung của họ vì những tương đồng về loại thể chất hoặc phong tục tập quán hoặc cả hai, hoặc vì những ký ức về thuộc địa và di dân; niềm tin này phải rất quan trọng đối với việc hình thành nhóm; hơn nữa hề có vấn đề là liệu có tồn tại một mối quan hệ dòng máu khách quan hay không. Mặc dù ông đã viết về tầm quan trọng của đặc tính tộc người nói chung, nhưng Weber không bao giờ thừa nhận sự cần thiết phải tham gia tích cực của cá nhân vào việc hình thành bản sắc (tính đồng nhất) tộc người của họ, và ông cũng không khai thác cái cấu trúc này vượt khỏi quá trình khái niệm hóa mang tính định nghĩa. Khái niệm bản sắc tộc người bắt đầu xuất hiện trở lại trong các tài liệu khoa học xã hội và hành vi trong những năm 1960 và 1970. Chẳng hạn, tộc tính hiện đang nổi bật hơn các thập kỷ trước. “Đặc tính tộc người” Daniel Bell khẳng định, là một phương tiện (bây giờ) cho các nhóm thiệt thòi để yêu sách một loạt quyền và đặc quyền mà các cơ cấu quyền lực hiện tại đã phủ nhận (1975, trang 174). Và trong vài thập kỷ qua, các nhóm sắc tộc thiểu số ở Hoa Kỳ đã tích cực khẳng định quyền dân sự của họ và đòi hỏi các đặc quyền đã bị phủ nhận. Một số yếu tố đã được trích dẫn để hướng dẫn cho mối quan tâm mới này về đặc tính tộc người, được cho đáng kể nhất là cuộc đấu tranh giành quyền công dân cho người Mỹ gốc Phi tại Hoa Kỳ. Sự khởi đầu của phong trào này có thể được mô tả như là một nỗ lực của các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Phi và nền văn hoá của người Mỹ gốc Phi nói chung, để đảm nhận bản sắc chủng tộc và tộc người của họ và sau đó xác định lại đặc tính tộc người của họ ở cả cấp độ xã hội và văn hoá. Do đó, phong trào xã hội đã dẫn đến việc tăng cường các diễn ngôn về các chủ đề chủng tộc và sắc tộc, cùng với sự bộc phát trong nhận thức xã hội về các chủ đề này (Bourguignon, 1979; Phinney, 1990).

Ngày càng có nhiều người Bắc Mỹ nhận ra rằng tổ tiên sinh học của họ đã gây ra và vô tình ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Để có được một cách nhận thức nào đó và có lẽ để bổ sung thêm cấu trúc và ý nghĩa, nhiều người đang tìm kiếm những ý vị của họ về những bộ hồ sơ bị mất đã lâu, trong đó mô tả lịch sử xã hội của họ. Và từ những khám phá này, người ta tạo dựng một bản sắc (đồng nhất tính) tượng trưng. Nếu bạn muốn hiểu người - sự phát triển của họ và mối quan hệ của họ với những thứ quan trọng khác", Anselm Strauss (1959) nói, “thì bạn phải được chuẩn bị để xem chúng thấm đẫm trong bối cảnh lịch sử (trang 164). Trong quá trình tạo dựng và duy trì bản sắc, các biểu tượng lịch sử chung được đồng nhất, chia sẻ và truyền lại cho các thế hệ tương lai. Các biểu tượng cũng có thể được coi là một khẳng định công khai về yêu sách tộc người của một người – kể cả trang phục, nhãn mác, đồ trang sức, cờ quạt, ẩm thc, ngôn ngữ và lễ hội.
________________________________________

Nguồn: Trimble, Joseph E. and Ryan Dickson (2005). Ethnic Identity. In C. B. Fisher & Lerner, R. M. (Eds.), Applied developmental science: An encyclopedia of research, policies, and programs. Thousand Oaks: Sage.

References

Barth, F. (1969). Ethnic groups and boundaries: The social organization of culture difference. Boston: Little, Brown, & Co.

Bell, D.  (1975). Ethnicity and social change. In N. Glazer & D. P. Moynihan, (Eds.), Ethnicity: Theory and practice (pp. 174n), Cambridge: Harvard University Press.

Bourguignon , E. (1979). Psychological anthropology: An introduction to human nature and cultural differences. Holt, Rinehart, & Winston: New York.

Cheung, Yuet W. 張越華 Trương Việt Hoa (1993). Approaches to ethnicity: Clearing roadblocks in the study of ethnicity and substance use. International Journal of the Addictions 28 (12): 1209-1226.

Gans, H. J. (1996). Symbolic ethnicity: The future of ethnic groups and cultures in America. In W. Sollars (1996), Theories of ethnicity: A classical reader (pp. 425-459). New York: New York University Press.

Gans, H. (2003, March 7). Identity. The Chronicle of Higher Education.

Gleason, P. (1996). Identifying identity: A semantic history. In W. Sollars (1996), Theories of ethnicity: A classical reader (pp. 460-487). New York: New York University Press.

Kallen, H. M. (1996). Democracy versus the melting-pot: A study of American nationality. In W. Sollars (1996), Theories of ethnicity: A classical reader (pp. 67-92). New York: New York University Press.

Kivisto, P., & Nefzger, B. (1993). Symbolic ethnicity and American Jews: The relationship of ethnic identity to behavior and group affiliation. In Social Science Journal, 30, 1-12.

Phinney, J. S. (1990). Ethnic identity in adolescents and adults: Review of research. In Psychological Bulletin, 108, 499-514.

Phinney, J. (2000). Ethnic identity. In A. E. Kazdin (Ed.), Encyclopedia of psychology, volume 3. (pp. 254-259). New York: Oxford University Press.

Phinney, J. (2003). Ethnic identity and acculturation. In K. Chun, P. B. Organista, & G. Marin (Eds.), Acculturation: Advances in theory, measurement, and applied research (pp.63- 81). Washington, DC: American Psychological Association.

Root, M. P. (1992). Back to the drawing board: Methodological issues in research on multiracial people. In M. P. Root (Ed.), Racially mixed people in America (pp. 181-189). London: Sage Publications.

Saharso, S. (1989). Ethnic identity and the paradox of equality. In J. P. Van Oudenhoven & T. M. Willemsen (Eds.), Ethnic minorities: Social psychological perspectives (pp. 97-114). Berwyn, PA: Swets North America.

Simpson, J. A., & Weiner, E. S. (1989). The Oxford English dictionary (2nd ed., Vol. VII). Oxford: Clarendon Press.

Sollars, W. (1996), Theories of ethnicity: A classical reader. New York: New York University Press.

Strauss, A. L.  (1959). Mirrors and masks:  The search for identity.  Glencoe, IL:  Free Press.
Tajfel, H. (1982). Social identity and intergroup relations. Cambridge: Cambridge University Press.

Trimble, J. E. (2000). Social psychological perspectives on changing self-identification among American Indians and Alaska Natives. In R. H. Dana (Ed.), Handbook of Cross-Cultural and Multicultural Personality Assessment, (pp. 197-222). Mahwah, NJ: Lawrence Erlbaum Associates.

Vacher de la Pouge, G. (1896). Les selections sociales. Thorin: Paris.

Von Humboldt, A. (1830-1835/1985). Uber die Verschiedenheit des menschlichen Sprachbaues und ihren Einflub auf die geistige Entwicklung des Menschengeschlechts. In M. Riedel (Ed.), Geschichte der Philosophie in Text und Darstellung (Vol. 7, pp. 66-100). Stuttgart: Reclan.

Weinreich, P., & Saunderson, W. (Eds.). (2003). Analyzing identity: Cross-cultural, societal and clinical contexts. New York: Routledge. :

Weinreich, P. (1986). The operationalisation of identity theory in racial and ethnic relations. In J. Rex and D. Mason (Eds.), Theories of race and ethnic relations (pp. 299-320). Cambridge, England: Cambridge University Press.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét