Powered By Blogger

Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

Các nhóm tộc người và các ranh giới



Các nhóm tộc người và các ranh giới

Fredrik Barth

Giới thiệu

Tiểu luận này đề cập đến các vấn đề của các nhóm tộc người và sự tồn tại dai dẳng của chúng. Đây là một đề tài có ý nghĩa lớn lao đối với nhân học xã hội, nhưng lại bị bỏ quên. Thực tế, toàn bộ lý luận nhân học đều dựa trên tiên đề cho rằng sự biến đổi văn hoá là gián đoạn, có những tập hợp của những người về cơ bản có một văn hóa chung, và các khác biệt được kết nối lại phân biệt mỗi nền văn hoá riêng rẽ với nhau. Vì văn hoá không là gì khác ngoài cách thức mô tả hành vi của con người, nên tiếp theo là phải có những nhóm người rời rạc, tức là các đơn vị tộc người, để tương ứng với mỗi nền văn hoá. Sự khác biệt giữa các nền văn hoá, ranh giới lịch sử và các mối quan hệ của họ, đã được nghiên cứu nhiều; việc hình thành các nhóm tộc người, và thực chất ranh giới giữa chúng, chưa được khảo xét tương xứng. Các nhà nhân học xã hội đã tránh những vấn đề này bằng cách sử dụng khái niệmxã hội được trừu tượng hóa để mô tả hệ thống xã hội bao gồm các nhóm và các đơn vị nhỏ hơn, cụ thể hơn có thể được phân tích. Nhưng điều này không ảnh hưởng đến các đặc trưng và giới hạn thực nghiệm của các nhóm tộc người, và các vấn đề lý thuyết quan trọng mà cuộc khảo sát đưa ra.

Mặc dù
lối suy nghĩ ngây thơ cho rằng mỗi bộ lạc và dân tộc đã duy trì nền văn hoá của mình thông qua tình trạng tăm tối hiếu chiến của những người hàng xóm không còn được chấp nhận nữa, nhưng quan điểm đơn giản hóa cho rằng tình trạng biệt lập về địa lý và xã hội là những yếu tố quyết định cho việc duy trì tính đa dạng văn hoá thì vẫn tồn tại. Một cuộc điều tra thực nghiệm về đặc trưng của các ranh giới tộc người, như đã được ghi lại trong các tiểu luận sau, đưa đến hai khám phá không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng nó lại  cho thấy tính chất thiếu xác đáng của quan điểm này.  

Thứ nhất, rõ ràng là các ranh giới vẫn tồn tại bất chấp những dòng lưu chuyển nguồn nhân lực qua các ranh giới đó. Nói cách khác, các khác biệt thể loại tộc người không phụ thuộc vào sự vắng mặt của tính di động, tiếp xúc và thông tin, nhưng lại thực sự đưa đến các quá trình loại trừ và tích hợp xã hội, theo đó các thể loại riêng rẽ được duy trì mặc dù làm thay đổi sự tham gia và địa vị thành viên trong tiến trình lịch sử đời sống cá nhân. Thứ hai, người ta thấy rằng các mối quan hệ xã hội bền vững, lâu dài, và mang tính sống còn vẫn được duy trì qua các ranh giới đó, và thường dựa vào chính các trạng thái tộc người bị phân đôi. Nói cách khác, các khác biệt tộc người không phụ thuộc vào sự vắng mặt của tương tác và sự chấp nhận xã hội, ngược lại thường là những nền tảng để xây dựng các hệ thống xã hội chung. Tương tác trong một hệ thống xã hội như vậy không dẫn đến sự thủ tiêu nó thông qua biến đổi và tích hợp văn hoá; những khác biệt văn hoá có thể tồn tại bất chấp sự liên thuộc và tiếp xúc liên tộc người.

Cách tiếp cận chung

Ở đây rõ ràng một lĩnh vực quan trọng cần phải được suy nghĩ lại. Điều cần thiết là một cuộc công phá kết hợp lý thuyết và thực nghiệm: chúng ta cần phải khảo sát chặt chẽ các sự kiện thực nghiệm một loạt trường hợp, và làm cho các khái niệm của chúng ta phù hợp với các sự kiện thực nghiệm này sao cho có thể làm sáng tỏ các sự kiện đó một cách đơn giản và đầy đủ nhất, và cho phép chúng ta khám phá các ý nghĩa của chúng. Trong tiểu luận khác nhau, mỗi tác giả đưa ra một trường hợp mà họ vốn quen thuộc trong công việc điền dã của mình, và cố gắng áp dụng một tập hợp các khái niệm chung để phân tích. Xuất phát điểm lý thuyết chủ yếu bao gồm một số bộ phn kết nối với nhau.

Thứ nhất, chúng tôi chủ yếu nhấn mạnh vào một thực tế các nhóm tộc người những phạm trù được gán cho và đồng nhất hóa bởi tự thân các tác nhân, và do đó mà có các đặc điểm tổ chức tương tác của con người. Chúng tôi cố gắng kiên hệ các đặc điểm khác của các nhóm tộc người với đặc điểm chính yếu này. Thứ hai, các tiểu luận đều áp dụng một quan điểm tạo sinh cho việc phân tích; thay vì làm việc thông qua một loại hình các dạng thức nhóm tộc người và các mối quan hệ, chúng tôi cố gắng khám phá các quá trình khác nhau dường như liên quan đến việc tạo ra và duy trì các nhóm tộc người. Thứ ba, để quan sát các quá trình này, chúng tôi chuyển trọng tâm khảo sát từ quá trình hình thành nội tại và lịch sử của các nhóm riêng biệt thành ranh giới tộc người việc duy trì các ranh giới đó. Mỗi điểm này đều cần được giải thích chi tiết.

Định nghĩa nhóm tộc người: Nhìn chung thuật ngữ nhóm tộc người được sử dụng trong văn liệu nhân học (Narroll 1962, 1963, 1964, 1967, 1969, 1973) để chỉ một dân số mà: i) Phần lớn là tự duy trì về phương diện sinh học; ii) có chung các giá trị văn hoá cơ bản, được hiện thực hóa trong tính thống nhất công khai trong các hình thái văn hoá; iii) tạo ra một lĩnh vực giao tiếp và tương tác; iv) tự xác định địa vị nhóm và được các nhóm khác công nhận, bằng cách tạo thành một thể loại có thể phân biệt với các thể loại khác trong cùng trật tự. Cho đến nay định nghĩa kiểu lý tưởng này không bị loại bỏ về nội dung khỏi đề xuất truyền thống cho rằng một chủng tộc = một nền văn hoá = một ngôn ngữ; và một xã hội = một đơn vị chối từ hoặc phân biệt đối xử với các đơn vị khác. Tuy nhiên, ở dạng biến đổi nó cũng rất gần với nhiều tình huống dân tộc học thực nghiệm, ít nhất là khi các tình huống đó xuất hiện và được ghi nhận, sao cho ý ​​nghĩa này vẫn tiếp tục phục vụ cho các mục đích của hầu hết các nhà nhân học. Lập luận của tôi không có, ngay cả bản chất của các đặc trưng này, mặc dù như tôi sẽ nói rõ chúng ta có thể có lợi từ bất kỳ sự thay đổi cách nhấn mạnh nào; vấn đề chủ yếu mà tôi không chấp nhận lối công thức hóa như vậy làm cho chúng ta khó mà hiểu được hiện tượng các nhóm tộc người cũng như vị trí và văn hóa của họ trong xã hội loài người. Đó là vì nó không đề cập đúng vào toàn bộ các vấn đề quyết định: mặc dù có ý định đưa ra một mô hình kiểu lý tưởng về một hình thức thực nghiệm định kỳ, thì lại ngụ ý về một quan điểm nhận thức trước về những nhân tố quan trọng trong sự hình thành, cấu trúc và chức năng của các nhóm như vậy.

Nghiêm trọng hơn cả, nó cho phép chúng ta giả định rằng việc duy trì ranh giới là không có vấn đề gì và theo sau tình trạng biệt lập ẩn ý các đặc trưng đã được phân thành các hạng mục: khác biệt chủng tộc, khác biệt văn hoá, phân biệt xã hội, các rào cản ngôn ngữ, sự thù hn tự phát và có tổ chức. Vấn đề này cũng giới hạn phạm vi của hàng loạt nhân tố mà chúng tôi sử dụng để giải thích sự đa dạng văn hoá: chúng ta được dẫn dắt để hình dung mỗi nhóm phát triển hình thức văn hoá và xã hội của mình trong sự biệt lập tương đối, chủ yếu là để đáp ứng các nhân tố sinh thái địa phương, thông qua một lịch sử thích nghi bằng sáng chế và vay mượn có lựa chọn. Lịch sử này đã tạo ra một thế giới của các dân tộc riêng biệt, mỗi dân tộc có nền văn hoá riêng, được tổ chức thành một xã hội có thể biệt lập một cách hợp thức như một hòn đảo đối với chính bản thân nó.

Các nhóm tộc
người như những đơn vị mang văn hóa: Thay vì thảo luận về tính chất đầy đủ của phiên bản lịch sử văn hoá này chứ không phải là các hòn đảo biệt lập khác, chúng ta hãy nhìn vào một số sai lầm mang tính logic về quan điểm. Trong số các đặc trưng được liệt kê ở trên, việc có chung một nền văn hoá thường được coi là vấn đề trọng yếu. Theo tôi, nhiều điều có thể đạt được bằng cách coi đặc trưng quan trọng này như một hàm ý hoặc kết quả, chứ không phải là đặc trưng chính yếu mang tính quyết định của tổ chức nhóm tộc người. Nếu người ta chọn khía cạnh mang tính văn hoá của các nhóm tộc người như là đặc trưng chính yếu của các nhóm đó, thì điều này có những hàm ý sâu rộng. Người ta có khuynh hướng đồng nhất và phân biệt các nhóm tộc người theo các đặc trưng hình thái học của các văn hoá mà các nhóm đó là những đơn vị mang văn hóa ấy. Điều đó đưa đến một quan điểm được khẳng định trước về cả: i) thực chất của tính liên tục về thời gian của các đơn vị đó, và ii) vị trí của các yếu tố xác định hình thức của các đơn vị đó.

1. Với sự nhấn mạnh v
ào khía cạnh mang-văn hóa, việc phân loại người và các nhóm địa phương như các thành viên của một nhóm tộc người phải phụ thuộc vào việc thể hiện những nét đặc trưng riêng về nền văn hoá của họ. Đây là điều có thể được đánh giá một cách khách quan bởi người nghiên cứu dân tộc học, theo truyền thống vùng-văn hoá, bất kể các thể loại và các định kiến ​​của các tác nhân liên quan. Những khác biệt giữa các nhóm trở thành các khác biệt về đặc trưng kiểm kê; người ta chú ý vào việc phân tích các nền văn hoá chứ không phải là vào việc phân tích tổ chức tộc người. Vì vậy, mối quan hệ năng động giữa các nhóm sẽ được mô tả bằng các nghiên cứu về quá trình tích hợp của chính thứ đã thu hút mối quan tâm ngày càng giảm dần trong nhân học, mặc dù những bất cập lý thuyết nghiên cứu chưa bao giờ được thảo luận một cách nghiêm túc. Vì xuất xứ lịch sử của bất kỳ tập hợp đặc điểm văn hoá nào cũng đa dạng, nên quan điểm này cũng đem lại cơ hội cho một “lịch sử tộc người” ghi lại quá trình tích bồi và biến đổi văn hóa, cũng như tìm cách giải thích nguyên do vay mượn một số hạng mục văn hóa. Tuy nhiên, vậy thì cái đơn vị có tính liên tục về thời gian được mô tả trong các nghiên cứu ấy là gì? Nghịch lý là ở chỗ nó phải bao gồm cả các nền văn hoá quá khứ, có lẽ hiện nay rõ ràng bị loại trừ vì sự những khác biệt về hình thức, là những khác biệt của chính cái kiểu loại được chẩn đoán bằng sự khác biệt mang tính đồng đại của các đơn vị tộc người. Sự kết nối giữa nhóm tộc người”văn hoá chắc chắn không được làm sáng tỏ thông qua sự nhầm lẫn này.

2. Các hình thức văn hoá công khai có thể được chia thành các đặc điểm thể hiện các hiệu ứng sinh thái. Bằng cách này, tôi không có ý quy vào một thực tế là chúng phản ánh lịch sử thích nghi với môi trường; bằng một cách trực tiếp hơn, chúng cũng phản ánh những hoàn cảnh bên ngoài mà các tác nhân phải tự thích ứng. Cùng một nhóm người, với các giá trị và ý tưởng không đổi, chắc chắn sẽ theo đuổi những mô thức sống khác nhau và thể chế hoá các dạng hành vi khác nhau khi phải đối mặt với những cơ hội khác nhau xuất hiện trong các môi trường khác nhau? Tương tự như vậy, chúng ta phải hy vọng phát hiện ra rằng một nhóm tộc người, trải trên một lãnh thổ có các hoàn cảnh sinh thái khác nhau, sẽ thể hiện những tính chất đa dạng khu vực của hành vi được thể chế rõ ràng, không phản ánh những khác biệt về định hướng văn hoá. Vậy thì chúng cần phải được phân loại ra sao nếu các hình thái thể chế minh bạch được chẩn đoán? Một ví dụ là những sự phân phối và tính đa dạng của các hệ thống xã hội địa phương Pathan (Afganistan), sẽ được đề cập đến dưới đây (Barth, Fredrik 1998, p. 117). Theo các giá trị cơ bản của người Pathan, một nhóm người Pathan miền Nam đều sống ở các vùng miền núi, tổ chức theo huyết thống, chỉ có thể phát hiện ra hành vi của những người Pathans ở Swat khác hẳn, và đáng bị chỉ trích theo khuôn khổ các giá trị riêng của họ, đến mức là họ tuyên bố rằng những người anh em phía bắc của họ không còn là người Pathan nữa. Thật vậy, theo các tiêu chí khách quan, mô hình tổ chức minh bạch của họ dường như gần gũi hơn với mô hình của người Panjabis. Nhưng tôi thấy có thể, bằng cách giải thích các hoàn cảnh ở miền Bắc, để làm cho những người Pathans phương Nam nhất trí rằng đó vẫn thực sự là những người Pathans và miễn cưỡng thừa nhận rằng trong các hoàn cảnh đó, họ thực sự có thể cũng hành động theo đúng cách thức ấy. Do đó, sẽ là bất cập khi coi các hình thái thể chế công khai như là những đặc điểm văn hoá mà bất cứ lúc nào cũng phân biệt một nhóm tộc người - những hình thức công khai này được xác định bởi sinh thái cũng như bởi nền văn hoá được trao truyền. Cũng không thể tuyên bố rằng mọi quá trình đa dạng hóa như vậy trong một nhóm thể hiện bước khởi đầu theo hướng phân nhỏ và nhân lên thành nhiều đơn vị. Chúng ta có các trường hợp rất rõ ràng về một nhóm tộc người, cũng ở một trình độ tổ chức kinh tế tương đối đơn giản, cư trú tại một vị trí sinh thái thích hợp khác nhau nhưng vẫn duy trì tính thống nhất về văn hoá và tộc người trong những giai đoạn dài (ví dụ, người Chuckchee nội địa và ven biển (Bogoras 1904 -9) hoặc người Lapps chăn nuôi tuần lộc, sống dọc các con sông và bờ biển (Gjessing, 1954).

Blom lập luận một cách thuyết phục về vấn đề này bằng cách tham chiếu trường hợp nông dân miền núi Na Uy. Ông cho thấy sự tham gia và tự đánh giá của họ trong khuôn khổ của các giá trị chung của Na Uy đã bảo đảm cho họ địa vị thành viên liên tục của một nhóm tộc người lớn hơn, bất chấp các mô thức hoạt động chệch hướng có tính đặc trưng cao mà sinh thái địa phương áp đặt lên họ (Blom, Jan Petter (1969). Để phân tích các trường hợp như vậy, chúng ta cần một quan điểm không nhầm lẫn các tác động của các điều kiện sinh thái tới hành vi với những tác động của truyền thống văn hoá, nhưng lại có thể phân tách các yếu tố này và khảo sát các thành phần xã hội và văn hoá phi sinh thái học tạo ra tính đa dạng.

Các nhóm tộc người như một loại tổ chức

Bằng cách tập trung vào hiệu quả xã hội, các nhóm tộc
người được xem là một hình thức tổ chức xã hội. Vậy là đặc tính quyết định trở thành hạng mục (iv) trong danh mục về đặc tính của tự quy gán được các nhóm người khác quy gán. Việc tự quy gán loại hạng là một tộc loại khi phân loại một người theo khuôn khổ về bản sắc (tính đồng nhất) cơ bản, chung nhất, được giả định theo nguồn gốc và nền cảnh của người đó. Ở mức độ mà các tác nhân sử dụng các bản sắc (các tính đồng nhất) tộc người để tự phân loại mình và người khác vì các mục đích tương tác, thì họ tạo thành các nhóm tộc người theo nghĩa tổ chức này.

Điều quan trọng là phải nhận ra rằng mặc dù các thể loại tộc người đều tính đến các khác biệt văn hoá nhưng chúng ta không thể giả định mối liên hệ một-một đơn giản giữa các đơn vị tộc người, cũng như các tương đồng và khác biệt văn hoá. Các đặc điểm được đưa vào xem xét không phải là tổng của những khác biệt khách quan, mà chỉ những đặc điểm mà các tác nhân tự cho là có tầm quan trọng. Không chỉ các biến thể sinh thái đánh dấu và phóng đại những khác biệt; một số đặc điểm văn hoá được các tác nhân sử dụng như là các hiệu và biểu trưng của những khác biệt, còn những đặc điểm khác lại bị bỏ qua, và trong một số mối quan hệ, những khác biệt căn cội lại bị hạ thấp và bị khước từ. Các nội dung văn hoá của những lưỡng phân tộc người lại có vẻ phân tích theo hai trật tự: (i) các hiệu hoặc dấu hiệu rõ ràng, các đặc điểm phụ mà mọi người tìm kiếm và xuất trình bản sắc (tính đồng nhất), lại thường là các đặc điểm như trang phục, ngôn ngữ, kiểu nhà hoặc lối sống chung chung, và (ii) các định hướng giá trị cơ bản: tiêu chuẩn về đạo đức và điểm nổi bật dùng để phán quyết sự thực hiện.

tính chất thuộc về một thể loại tộc người hàm ẩn tình trạng là một loại người nhất định, có bản sắc (đồng nhất tính) cơ bản, nên nó cũng ngụ ý về một yêu sách cần phải được phán quyếttự phán quyết bằng các tiêu chuẩn có liên quan đến bản sắc đó. Không một thể loại “nội dung văn hoá nào trong số đó xuất phát từ danh mục mô tả các đặc điểm hoặc sự khác biệt về văn hoá; người ta không thể dự đoán từ nguyên tắc đầu tiên mà các đặc điểm sẽ được các tác nhân nhấn mạnh và làm cho có liên quan về phương diện tổ chức. Nói cách khác, các thể loại tộc người đem lại một mạch nguồn tổ chức có thể cung cấp những số lượng và các hình thái nội dung khác nhau bằng các hệ thống văn hoá xã hội khác nhau. Chúng có thể có liên quan đáng kể đến hành vi, nhưng chúng lại không cần thiết phải như vậy; chúng có thể thấm nhập vào toàn bộ đời sống xã hội, hoặc chúng có thể chỉ liên quan đến các lĩnh vực hoạt động giới hạn. Do đó, có một phạm vi rất rõ ràng cho các mô tả dân tộc học và các mô tả so sánh các hình thức tổ chức tộc người khác nhau. Việc nhấn mạnh vào sự quy gán với tư cách là đặc điểm quyết định của các nhóm tộc người cũng giải quyết được hai khó khăn về phương diện khái niệm đã được thảo luận ở trên.

1. Khi được định nghĩa là một nhóm có tính quy gán, và loại trừ thì thực chất liên tục tính của các đơn vị tộc người trở nên rõ ràng: nó phụ thuộc vào việc duy trì ranh giới. Các đặc điểm văn hoá báo hiệu ranh giới có thể thay đổi, và thực ra các đặc trưng văn hoá của các thành viên cũng có thể được thay đổi, ngay cả hình thức tổ chức của nhóm cũng có thể thay đổi - tuy nhiên thực tế lưỡng phân liên tục giữa các thành viên và người bên ngoài cho phép chúng ta xác định được thực chất của tính liên tục, và khảo sát sự thay đổi về hình thức và nội dung văn hoá.

2. Các yếu tố liên quan đến xã hội tự nó trở thành yếu tố chẩn đoán cho địa vị thành viên, chứ không phải là những khác biệt hiển nhiên, khách quan được tạo ra bởi các yếu tố khác. Nó không tạo ra sự khác biệt mà cách thức của các thành viên khác nhau về hành vi công khai của họ - nếu họ nói rằng họ là A, trái ngược với một thể loại B khác, thì họ sẵn lòng để bị xem xét và để cho hành vi của họ được diễn giảiphán xét của A chứ không phải là của B; nói cách khác, họ tuyên bố lòng trung thành với nền văn hoá chung của A. Vì vậy các tác động của điều này, so với các yếu tố khác ảnh hưởng đến hành vi thực tế, có thể trở thành đối tượng khảo sát.
__________________________________

(Còn nữa)

Nguồn: Barth, Fredrik (1989). Ethnic Groups and Boundaries: The Social Organization of Culture Difference. Waveland Press.


Tác giả: Thomas Fredrik Weybye Barth (1928 - 2016) là nhà nhân học xã hội gốc Na Uy, vợ là Unni Wikan, giáo sư ngành nhân học xã hội ở Oslo, Na Uy. Ông là con trai của giáo sư địa lý Tom Barth và cháu của giáo sư động vật học Edvard Kaurin Barth. Ông nổi tiếng với việc phân tích giao dịch về các quá trình chính trị ở Thung lũng Swat, miền Bắc Pakistan và nghiên cứu về các quy trình kinh tế vi mô và hoạt động doanh nghiệp của người dân ở khu vực Darfur ở Sudan. Công trình của ông cũng được coi là một ví dụ kinh điển về phân tích hình thức học trong nhân học kinh tế. Trong suốt sự nghiệp lâu dài của mình, ông cũng đã thực hiện các nghiên cứu thực địa tại Bali, New Guinea, và một số quốc gia ở Trung Đông, bao gồm một loạt các chủ đề khác nhau. Barth là chủ biên công trình Các nhóm Tộc người và Ranh giới (1969), trong đó ông xây dựng một cách tiếp cận để nghiên cứu về sắc tộc, tập trung vào các cuộc thương lượng đang diễn ra về các ranh giới giữa các nhóm người. Quan điểm của Barth là các nhóm như vậy không phải là những nhóm biệt lập, đứt đoạn văn hoá, hay một thứ tiên nghiệm logic mà người ta thuộc về nó một cách tự nhiên. Barth muốn giải quyết các quan niệm nhân học về các nền văn hoá như những thực thể giới hạn, và tộc tính như những liên kết nguyên thủy, thay thế nó bằng cách tập trung vào giao diện giữa các nhóm. Do đó Ethnic Groups and Boundaries tập trung vào tính liên kết của các bản sắc (tính thống nhất) tộc người. Barth viết: “…các phân biệt thể loại tộc người không phụ thuộc vào sự vắng mặt của tính di động, tiếp xúc và thông tin, nhưng lại thực sự đòi hỏi các quá trình loại trừ và tích hợp xã hội, theo đó các thể loại loại tộc người riêng rẽ được duy trì mặc dù bằng cách biến đổi sự tham gia và địa vị thành viên trong quá trình lịch sử đời sống cá nhân. Hơn nữa, Barth nhấn mạnh rằng các loại nhóm – tức là các nhãn tộc người - thường vẫn tồn tại kéo dài ngay cả khi các thành viên cá nhân vượt qua các ranh giới hoặc có chung bản sắc với những người ở các nhóm khác nhau. Tính liên thuộc của các nhóm tộc người là một lập luận quan trọng trong toàn bộ phần giới thiệu và các chương sau trong cuốn sách do Barth chủ biên. Với tư cách liên thuộc, các bản sắc (tính đồng nhất) tộc người là sản phẩm của cái gọi là các quy gán và tự quy gán liên tục, theo đó Barth nhấn mạnh quan điểm tương tác của nhân học xã hội ở cấp độ của những cá nhân tham gia thay vì ở cấp độ cấu trúc-xã hội. Bản sắc (tính đồng nhất) tộc người trở nên và được duy trì thông qua các quá trình liên quan đến việc bao gồm và loại trừ.

Tài liệu dẫn 

Blom, Jan Petter (1969). Ethnic and Culturral Differentiation, in Fredrik Barth (ed.) Ethnic Groups and Boundaries:The Social Organization of Culture Difference. Oslo and Boston: Universitetsforlaget & Little, Brown and Company, pp. 74-86. 

Bogoras, Waldemar (1904-1909). The Chukchee. Memoirs of the AMNH ; v. 11.  

Gjessing, Gutorm (1954a). The Lapps and their Names. In Man 54 (1954b): 16-16. 

Naroll, Raoul (1962). Data quality control, New York, Free Press.

Naroll, Raoul (1963). Thwarting disorientation and suicide: a cross-cultural survey. Anthropology Department, Northwestern University.

Naroll, Raoul (1964). A fifth solution to Galton's problem, American Anthropologist 66: 863-67.

Naroll, Raoul (1967). The HRAF quality control sample universe, Behavior Science Notes 2: 81-88.

Naroll, Raoul (1969). Cultural determinants and the concept of the sick society. In Stanley C. Plog and Robert B. Edgerton, eds., Changing Perspectives in Mental Illness, New York, Holt, Rinehart: 128-54.

Naroll, Raoul (1973). Holocultural theory tests. In Raoul Naroll and Frada Naroll, eds., Main Currents in Cultural Anthropology, New York, Apple-ton-Century-Crofts : 309-84.

Naroll, Raoul, and Richard G. Sipes (1973). A Standard Ethnographic Sample, Second edition, Current Anthropology 14: 111-40.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét