Triết học Lịch
sử
Daniel Little
(Người dịch Hà Hữu Nga)
Khái niệm lịch sử
đóng một vai trò cơ bản trong tư duy của con người. Nó gợi lên quan niệm về tác
nhân con người, sự thay đổi,
vai trò của các hoàn cảnh vật chất trong công việc của con người, và ý nghĩa giả
định của các sự kiện lịch sử.
Nó làm tăng khả năng “học hỏi từ lịch sử”. Và nó cho thấy khả năng hiểu rõ hơn về bản
thân trong hiện tại, bằng cách hiểu được các lực lượng, những lựa chọn và các hoàn cảnh đưa chúng ta đến tình hình hiện tại
của mình. Do đó không có gì đáng ngạc nhiên là các nhà triết học đôi khi chuyển sự chú ý của
họ sang những nỗ lực để xem xét bản thân lịch sử và bản chất của tri thức lịch sử. Những phản ánh này có thể được
nhóm lại thành một phần của công trình được gọi là “triết học lịch sử”. Công trình này không đồng nhất, bao gồm các phân tích
và lập luận của các nhà duy tâm, các nhà thực chứng, các nhà logic, các nhà thần học, và những người khác,
và vận động qua lại giữa triết học châu Âu và Triết học Anh-Mỹ, và giữa phép tường giải và chủ nghĩa thực chứng.
Với tính chất đa thanh trong “triết học lịch sử”, không thể đưa ra một định nghĩa về lĩnh vực này phù hợp với tất cả các cách tiếp cận đã có. Thực tế là hiểu sai khi tưởng tượng rằng chúng ta đề cập đến một truyền thống duy nhất về triết học khi gọi cụm từ “triết học lịch sử” bởi vì các tuyến nghiên cứu đặc trưng ở đây ít khi tham gia đối thoại với nhau. Tuy nhiên, chúng ta có thể suy nghĩ một cách hữu ích về các bài viết của các triết gia lịch sử khi tập hợp xung quanh nhiều câu hỏi lớn, liên quan đến siêu hình học, phép tường giải, tri thức luận và chủ nghĩa lịch sử: (1) Lịch sử bao gồm những gì về hành động cá nhân, cấu trúc xã hội, các giai đoạn và các vùng, các nền văn minh, các quá trình nhân quả lớn, sự can thiệp của Thiên Chúa? (2) Có phải lịch sử với tư cách tổng thể có ý nghĩa, cấu trúc, hoặc định hướng, vượt khỏi các sự kiện và hành động cá nhân làm nên nó? (3) Những gì liên quan đến hiểu biết, thể hiện và giải thích lịch sử của chúng ta? (4) Lịch sử loài người cấu tạo nên hiện tại người đến mức độ nào?
1. Lịch sử và sự thể hiện của nó
Các nhiệm vụ trí tuệ xác định công trình của sử gia là gì? Theo một nghĩa nào đó, câu hỏi này được trả lời tốt nhất trên cơ sở đọc cẩn thận một số sử gia giỏi. Nhưng sẽ rất hữu ích khi đưa ra một số câu trả lời đơn giản cho câu hỏi cơ bản này như một loại lược đồ khái niệm về bản chất của nhận thức lịch sử. Thứ nhất, các sử gia quan tâm đến việc cung cấp các khái niệm hoá và mô tả thực tế các sự kiện và hoàn cảnh trong quá khứ. Nỗ lực này là câu trả lời cho những câu hỏi như sau: “Điều gì đã xảy ra? Xảy ra như thế nào? Những trường hợp và sự kiện nào đã diễn ra trong giai đoạn quá khứ này?” Đôi khi điều này chỉ đơn giản là tái cấu trúc một câu chuyện phức tạp từ những nguồn lịch sử rải rác - ví dụ như việc tường thuật về cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha hoặc cố gắng phân loại hàng loạt sự kiện đã lên đến tột đỉnh trong cuộc đua tranh đua Detroit năm 1967. Nhưng đôi khi cũng có nghĩa là việc tham gia vào công trình khái niệm cơ bản để đưa ra một bảng từ vựng nhằm đặc trưng hóa “những gì đã xảy ra”. Về những rối loạn năm 1967 tại Detroit: Liệu đây có phải là cuộc nổi loạn hay cuộc nổi dậy? Những người tham gia và những người cùng thời nghĩ về điều đó như thế nào? Thứ hai, các sử gia thường muốn trả lời câu hỏi “tại sao”: “Tại sao sự kiện này lại xảy ra? Các điều kiện và lực lượng tạo ra sự kiện đó là gì?” Những câu hỏi này mời gọi sử gia đưa ra lời giải thích về sự kiện hoặc mô thức mà sử gia mô tả: sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít ở Tây Ban Nha, sự sụp đổ của Đế chế Ottoman, cuộc đại khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Và việc đưa ra một cách giải thích đòi hỏi về cơ bản nhất là giải thích về các cơ chế nhân quả, các bối cảnh và những lựa chọn của con người mang lại kết quả. Chúng ta giải thích một kết quả lịch sử khi chúng ta xác định các nguyên nhân xã hội, các lực lượng và hành động gây ra, hoặc làm cho nó có khả năng xảy ra.
Thứ ba, và liên quan đến điểm trước đó, các sử gia đôi khi quan tâm đến việc trả lời một câu hỏi “như thế nào”: “Kết quả này đã đạt được như thế nào? Các quá trình nào tác động đến kết quả đã xảy ra?” Quân đội Phổ đã thành công trong việc đánh bại quân đội Pháp vào năm 1870 như thế nào? Truman đã làm gì để đánh bại Dewey trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 1948? Ở đây, mối quan tâm thực dụng đến cách giải thích của sử gia xuất phát từ khả năng không thể xảy ra theo tiền lệ của sự kiện được đề cập: kết quả này có thể thực hiện được như thế nào? Đây cũng là một lời giải thích; nhưng nó là một câu trả lời cho một câu hỏi “làm thế nào có thể” thay vì một câu hỏi “tại sao lại cần thiết”. Thứ tư, các sử gia thường quan tâm đến việc gắn chắp các ý nghĩa và ý hướng của con người làm nền tảng cho hàng loạt hành động lịch sử phức tạp. Họ muốn giúp người đọc hiểu được các sự kiện và hành động lịch sử, về những ý nghĩ, động cơ, và trạng thái tâm trí của những người tham gia. Chẳng hạn: Tại sao Napoleon III lại kích động Prussia tham chiến vào năm 1870? Tại sao chế độ độc tài của chính quyền Miến Điện lại quá ngang ngạnh trong việc đối xử với nhà hoạt động dân chủ Aung San Suu Kyi? Tại sao các thành phố phía Bắc Hoa Kỳ lại phát triển những mô thức phân biệt chủng tộc sâu sắc như vậy sau Chiến tranh thế giới II? Các câu trả lời cho những câu hỏi như thế này đòi hỏi phải diễn giải các hành động, ý nghĩa và ý định của từng cá nhân tác nhân và của các nền văn hoá đặc trưng cho toàn thể dân cư. Khía cạnh tư duy lịch sử này thuộc về “phép tường giải”, diễn giải và dân tộc chí.
Và dĩ nhiên, sử gia còn phải đối mặt với một nhiệm vụ trí tuệ cơ bản hơn nữa: khám phá và hiểu được các thông tin lưu trữ hiện có về một sự kiện hoặc thời gian nhất định trong quá khứ. Dữ liệu lịch sử không nói cho chính mình; tài liệu lưu trữ không đầy đủ, mơ hồ, mâu thuẫn, và lẫn lộn. Sử gia cần giải thích từng mẩu chứng cứ; và ông/ bà ấy, bằng cách nào đó, có thể cần phải làm cho khối bằng chứng phù hợp với một câu chuyện mạch lạc và trung thực. Các sự kiện phức tạp như Nội chiến Tây Ban Nha xuất trình ra trước sử gia một đại dương các dấu vết lịch sử trong các kho tư liệu và các kho lưu trữ trên toàn thế giới; những bộ sưu tập này đôi khi phản ánh những nỗ lực cụ thể bị che giấu bởi những người có quyền lực (ví dụ như Franco cố che giấu mọi bằng chứng giết người của đảng Cộng hòa sau khi kết thúc cuộc chiến); và nhiệm vụ của sử gia là tìm cách sử dụng bằng chứng này để tìm ra những sự thật nào đó về quá khứ. Nói tóm lại, các sử gia khái niệm hóa, mô tả, xây dựng bối cảnh, giải thích và diễn giải sự kiện và hoàn cảnh của quá khứ. Họ phác họa cách thể hiện các hoạt động và sự kiện phức tạp của quá khứ; họ giải thích và diễn giải các kết quả quan trọng; và họ căn cứ vào những phát hiện bằng chứng trong hiện tại chứa đựng những sự thật về quá khứ. Các giải thích của họ cần phải căn cứ vào các bằng chứng của các hồ sơ lịch sử có sẵn; các giải thích và diễn giải của họ đòi hỏi sử gia phải đưa ra các giả thuyết về các nguyên nhân xã hội và ý nghĩa văn hoá. Các sử gia có thể sử dụng các lý thuyết tốt nhất sẵn có trong các khoa học xã hội và khoa học hành vi để đưa ra các lý thuyết về các cơ chế nhân quả và hành vi của con người; vì vậy các phán quyết lịch sử phụ thuộc hoàn toàn vào việc tìm hiểu thực tế và lập luận lý thuyết. Cuối cùng, nhiệm vụ của sử gia là làm sáng tỏ các câu hỏi cái gì, tại sao và như thế nào về quá khứ, dựa trên các suy luận từ các bằng chứng của hiện tại.
Có hai vấn đề sơ bộ liên quan đến hầu hết các cuộc thảo luận
về lịch sử và triết học lịch sử. Đó là những vấn đề liên quan đến sự hình thành
lịch sử và các cấp độ mà chúng ta chọn để mô tả các sự kiện và quá trình lịch sử. Vấn đề đầu
tiên liên quan đến mối quan hệ giữa các tác nhân và nguyên nhân trong lịch sử:
có phải lịch sử là một chuỗi các
mối quan hệ nhân quả, hay nó là kết quả của một loạt các hành động của con người?
Vấn đề thứ hai liên quan đến vấn đề quy mô các quá trình lịch sử trong không
gian và thời gian: các sử gia nên tìm cách như thế nào để hòa hợp các quan điểm vi, trung và vĩ mô
về lịch sử? Cả hai vấn đề đều có thể được minh họa bằng lịch sử nước Pháp. Chúng ta có nên tưởng tượng
rằng nước Pháp thế kỷ hai mươi là kết quả cuối cùng của một số nguyên nhân chính
trong quá khứ của nó - sự sụp đổ của trật tự La Mã trong lãnh thổ
này, thành công quân sự của
Charlemagne, sự xuất hiện của Cách mạng Pháp, và thất bại trong cuộc
chiến Pháp – Phổ? Hay chúng ta phải
thừa nhận rằng nước Pháp vào bất kỳ thời điểm nào cũng đều là đối tượng của hành động và cuộc đua giữa các cá nhân, các nhóm và các
tổ chức; và thừa nhận rằng sự tương tác của các tác nhân chiến lược là một
cách suy nghĩ phong phú hơn về lịch sử nước Pháp so với ý tưởng về một loạt sự kiện nhân quả? Quy mô
cũng gây tranh cãi. Liệu chúng ta có nên nghĩ về Pháp như là
một vùng hoàn
toàn duy
nhất, hay là sự kết hợp của
các vùng và các nền văn hoá riêng biệt với các động thái lịch sử của họ (Alsace, Brittany, Burgundy)? Hơn nữa, liệu
có hữu ích không
khi xem xét khoảng
thời gian mở rộng các
hoạt động của con người
trong cái lãnh thổ mà ngày nay là nước Pháp hay là các sử gia chỉ nên tập trung chú ý vào những giai
đoạn ngắn hơn? Hai phần sau sẽ
đề cập vắt tắt các vấn đề này.
1.1 Các tác nhân và nguyên nhân trong lịch sử
Một vấn đề quan trọng đối với triết học lịch sử là làm thế nào để khái niệm hoá bản thân “lịch sử”. Phải chăng lịch sử là mối quan tâm lớn vì các quan hệ nhân quả khách quan tồn tại trong các sự kiện và cấu trúc lịch sử như nhà nước chuyên chế hay đế chế La Mã? Hay lịch sử là một sự kết hợp của các hành động và các khuôn khổ tinh thần của vô số các cá nhân, cao và thấp? Các sử gia thường đặt ra những câu hỏi như sau: “Nguyên nhân của sự sụp đổ của La Mã là gì?”, “Nguyên nhân của sự phát triển chủ nghĩa phát xít là gì?”, hay “Nguyên nhân của cuộc Cách mạng Công nghiệp là gì?”. Nhưng nếu hiện thực lịch sử khác biệt đáng kể so với những gì được ngụ ý bởi cách tiếp cận này? Điều gì sẽ xảy ra nếu nguyên nhân của một số sự kiện lịch sử rất lớn và quan trọng, tự thân nó lại là nhỏ, dạng hạt, từng bước và tích lũy? Điều gì sẽ xảy ra nếu câu trả lời không đơn giản là thỏa đáng cho câu hỏi, tại sao La Mã lại sụp đổ? Điều gì sẽ xảy ra nếu trường hợp tốt nhất mà chúng ta thực hiện trong một số trường hợp trên là xác định một loạt các quy trình quy mô nhỏ, độc lập và cuối cùng tạo ra kết quả quan trọng?
Triệt để hơn, rất đáng xem xét liệu cách suy nghĩ ấy về lịch sử như là một loạt các nguyên nhân và các hiệu ứng thậm chí phù hợp với chủ đề của nó. Điều gì xảy ra nếu chúng ta nghĩ rằng ngôn ngữ của các nguyên nhân tĩnh không thực sự thích hợp trong bối cảnh lịch sử? Nếu chúng ta nghiêm túc nghĩ rằng lịch sử là kết quả của hành động và suy nghĩ của một số lượng lớn các tác nhân, vì vậy lịch sử là một dòng chảy của hành động và tri thức chứ không phải là một chuỗi các nguyên nhân và các hiệu ứng? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tin rằng có một số lượng lớn các ngẫu nhiên và sự phụ thuộc đường lối trong lịch sử? Có phải những quan niệm khác ấy về lịch sử cho thấy chúng ta cần đặt những câu hỏi khác nhau về những thay đổi lịch sử lớn? Đây là một cách nghĩ khác về lịch sử: chúng ta có thể tập trung vào lịch sử như là một tập hợp các điều kiện xã hội và các quá trình hạn chế và thúc đẩy hành động chứ không phải là một tập hợp rời rạc các nguyên nhân và các hiệu ứng. Chúng ta có thể giải thích lịch sử bằng cách các cá nhân (thấp và cao) hành động như thế nào trong bối cảnh các điều kiện này; và chúng ta có thể giải thích các kết quả lớn không có gì khác hơn sự kết hợp của vô số tác nhân và các hành động của họ. Cách tiếp cận như vậy sẽ giúp miễn dịch cho chúng ta chống lại sai sót của việc đồ vật hóa các cấu trúc lịch sử, các thời kỳ, hoặc các lực lượng, nhằm ủng hộ một quan niệm riêng biệt hơn về nhiều tác nhân và các điều kiện thay đổi hành động.
Định hướng này đem
theo tầm quan trọng của việc
phân tích chặt chẽ môi trường xã hội và tự nhiên trong đó các tác
nhân sắp
đặt các lựa chọn
của họ. Giải
thích của chúng ta về dòng hành động của con người xảy ra trong quá
trình thay đổi lịch sử không thể tránh khỏi cần phải tính đến môi trường thể chế
và tình huống mà các hành động này diễn ra. Một phần hình thế
của một
thời kỳ biến đổi lịch sử là tập hợp các thể chế tồn tại
ít nhiều ổn định trong giai đoạn này: quan hệ tài sản, các thể chế chính trị, cấu trúc gia
đình, thực tiễn giáo dục, các giá trị tôn giáo và đạo đức. Vì vậy, các giải
thích lịch sử cần phải tinh tế trong việc xử lý các thể chế và thực tiễn. Cách tiếp cận
này tạo cơ sở cho việc đánh giá xem trường hợp này trường kia có “gây ra” một sự thay đổi lịch sử nhất định
không; nhưng nó cũng đem đến một nhận thức về cung cách mà loại nguyên nhân lịch sử này được thể
hiện và chuyển tải - thông qua hành động và suy nghĩ của các cá nhân để đáp ứng
với hoàn cảnh tự nhiên và xã hội.
Hoàn cảnh xã hội có thể vừa ức chế vừa tạo khả năng; chúng tạo thành môi trường trong đó các cá nhân xây dựng kế hoạch và hành động. Đây là một tình huống quan trọng mà một khoảng thời gian nhất định có được một vốn tri thức khoa học và kỹ thuật, một tập hợp các mối quan hệ xã hội về quyền lực và cấp độ năng suất vật chất. Đây cũng là một tình huống quan trọng mà kiến thức bị hạn chế; một tình huống quan trọng mà cưỡng bức tồn tại; một tình huống quan trọng mà các nguồn lực cho hành động bị hạn chế. Trong những cơ hội và những hạn chế này, các cá nhân, từ các nhà lãnh đạo đến những người bình thường, đều tạo ra cuộc sống và tham vọng của họ thông qua hành động. Tất cả những điều này cho thấy là một cách suy nghĩ khác về lịch sử có cấu trúc khác với ý tưởng về lịch sử như là một dòng nguyên nhân và các hiệu ứng, cấu trúc và sự kiện. Cách tiếp cận này có thể được gọi là “lịch sử tác nhân-trung tâm”: chúng ta giải thích một thời đại khi chúng ta có một cách giải thích về những gì mọi người nghĩ và tin; những gì họ muốn; và những điều kiện xã hội và môi trường nào đã tạo ra sự lựa chọn của họ. Đó là quan điểm lịch sử chú ý đến các trạng thái tri thức, hệ tư tưởng, và tác nhân, cũng như các thể chế, tổ chức, và cấu trúc, và quan điểm đó ít ưu tiên cho khuôn khổ nhân quả.
1.2 Quy mô trong lịch sử
Khi làm sử chúng ta buộc phải lựa chọn về quy mô lịch sử mà chúng ta
quan tâm. Giả sử chúng ta quan tâm đến lịch sử châu Á. Liệu
chúng ta có quan tâm đến
Châu Á như một lục địa, hay nước Trung Quốc, hay chỉ có tỉnh Sơn Đông? Hoặc theo thuật ngữ lịch sử,
chúng ta có quan tâm đến toàn bộ Cách mạng Trung Quốc, cơ sở Diên
An hay kinh nghiệm cụ thể của
một số ít làng ở Sơn Đông trong những năm 1940? Và với tính không đồng nhất cơ
bản của đời sống xã hội, việc lựa chọn quy mô tạo ra sự khác biệt lớn cho các phát
hiện. Các sử gia khác
nhau về cơ bản xung quanh các quyết định của họ về quy mô. William Hinton cung
cấp những mô tả hàng tháng về cuộc Cách mạng Trung Quốc ở thôn
Phụng Sơn - một tập
hợp vài trăm hộ
gia đình (Hinton, 1966).
Cuốn sách bao quát khoảng thời gian một vài năm và các sự kiện của vài trăm người.
Tương tự như vậy, Emmanuel Le Roy Ladurie cho biết việc xử
lý sâu các
dữ liệu về dân làng
Montaillou; một lần nữa, với một ngôi làng và một thời gian giới hạn (Le Roy Ladurie, 1979). William
Cronon cung cấp một giải thích tập trung và chi tiết về sự phát triển của Chicago như một
đô thị ở miền Trung Hoa Kỳ (Cronon, 1991). Những công
trình lịch sử này có giới hạn về
thời gian và không gian, và chúng có thể được gọi là “lịch sử vi mô”.
Ở đầu kia của phổ
quy mô, William McNeill xây
dựng lịch sử bệnh tật
trên thế giới (McNeill,
1976); Massimo Livi-Bacci viết lịch sử về dân số thế giới (Livi-Bacci, 2007); De Vries
và Goudsblom tạo dựng lịch sử môi trường thế giới (De Vries và Goudsblom, 2002). Trong mỗi trường
hợp này, sử gia đã chọn một quy mô bao gồm gần như toàn bộ quả địa cầu, trong hàng thiên
niên kỷ. Những công trình lịch sử này chắc chắn có thể được gọi là “lịch sử vĩ mô”. Cả lịch sử vi mô
và vĩ mô đều có những thiếu
sót đáng kể. Lịch sử vi mô để lại cho chúng ta câu hỏi, “Ngôi làng đặc biệt này làm sáng tỏ như thế nào về bất cứ điều gì
lớn lao
hơn?”. Và lịch sử vĩ mô để
lại cho chúng ta câu hỏi “Làm thế nào để những lời khẳng định lớn lao
này về mối quan hệ nhân quả thực sự diễn ra trong bối cảnh Canada hoặc Tứ
Xuyên?”. Trường hợp đầu tiên có nguy cơ trở thành quá đặc biệt đến mức để mất tất cả sự quan tâm, trong khi trường
hợp thứ hai có
nguy cơ chung chung đến
mức mất tất cả những liên
quan thực nghiệm với các quá trình lịch sử hiện thực.
Có sẵn
một sự lựa chọn thứ ba
dành cho sử gia hướng đến cả hai điểm. Đó là việc lựa chọn một quy mô bao gồm đủ thời gian và không
gian để thực sự quan tâm và nó thực sự quan trọng, nhưng không nhiều
đến mức thách thức các
phân tích có
giá trị. Mức độ này có thể là ở
cấp khu vực, ví dụ như phân tích của G. William Skinner về các vùng vĩ mô của
Trung Quốc (Skinner, 1977). Đó có thể là lịch sử quốc gia - ví dụ, lịch sử xã hội và chính trị
của Indonesia. Và đó có thể là siêu quốc gia - ví dụ như lịch sử kinh tế Tây
Âu hoặc xử lý so sánh lịch sử Âu - Á. Điểm mấu chốt là các sử gia trong phạm vi
tầm trung này được tự
do lựa chọn quy mô phân tích cho phép có được một cấp độ khái niệm hóa lịch sử cao nhất, với bằng
chứng sẵn có và các quá trình xã hội có vẻ như đang hoạt động. Và quy mô tầm trung này cho phép sử gia đưa ra các phán quyết quan trọng về “cách
tiếp cận” các quy trình xã hội có thể đóng vai trò
quan hệ nhân quả trong câu chuyện cần kể. Mức độ phân tích này có thể được gọi
là “lịch sử tầm trung” và có vẻ như đưa ra một sự pha trộn lý tưởng về tính đặc biệt và tính tổng quát.
_______________________________________
(Còn nữa…)
Nguồn:
Little, Daniel (2007). Philosophy of History. Stanford Encyclopedia of Philosophy. First
published Sun Feb 18, 2007.
Tác giả: Daniel Little (1949 -) là hiệu trưởng thứ 5, lâu nhất tại Đại học Michigan-Dearborn từ tháng 7 năm 2000. Ông cũng là giáo sư triết học tại UM-Dearborn và là giáo sư xã hội học tại UM-Ann Arbor. Ông là giáo sư triết học tại Colgate và Bucknell, nhận học vị Cử nhân triết học và toán học ở Đại học Illinois năm 1971 và học vị tiến sĩ triết học ở Đại học Harvard năm 1977. Các mối quan tâm nghiên cứu của ông là triết học và phương pháp luận của các khoa học xã hội. Ông đã trình bày các bài nghiên cứu và hội thảo tại nhiều trường đại học ở Châu Âu, Trung Quốc, và Ấn Độ. Những cuốn sách gần đây nhất của ông bao gồm New Directions in the Philosophy of Social Science (Rowman & Littlefield, 2016) - Những hướng mới trong triết học về khoa học xã hội; The Future of Diversity (Palgrave, 2010, edited with Satya Mohanty) - Tương lai của sự đa dạng; và New Contributions to the Philosophy of History (Springer, 2010) - Những đóng góp mới cho Triết học Lịch sử. Các cuốn sách khác bao gồm Paradox of Wealth and Poverty (Westview Press, 2003) – Nghịch lý của Thịnh vượng và Nghèo khổ; Microfoundations, Method và Causation (Transactions Publishers, 1998) – Các nền tảng vi mô, Phương pháp và Quan hệ Nhân quả; On the Reliability of Economic Models (edited) (Kluwer, 1995) - Về độ tin cậy của các mô hình kinh tế, Varieties of Social Explanation (Westview Press, 1991) - Các giải thích khác nhau về xã hội; Understanding Peasant China (Yale University Press, 1989; Chinese translation, 2007) - Tìm hiểu về Nông dân Trung Quốc; và The Scientific Marx (University of Minnesota Press, 1986) - Marx Khoa học.
Tác giả: Daniel Little (1949 -) là hiệu trưởng thứ 5, lâu nhất tại Đại học Michigan-Dearborn từ tháng 7 năm 2000. Ông cũng là giáo sư triết học tại UM-Dearborn và là giáo sư xã hội học tại UM-Ann Arbor. Ông là giáo sư triết học tại Colgate và Bucknell, nhận học vị Cử nhân triết học và toán học ở Đại học Illinois năm 1971 và học vị tiến sĩ triết học ở Đại học Harvard năm 1977. Các mối quan tâm nghiên cứu của ông là triết học và phương pháp luận của các khoa học xã hội. Ông đã trình bày các bài nghiên cứu và hội thảo tại nhiều trường đại học ở Châu Âu, Trung Quốc, và Ấn Độ. Những cuốn sách gần đây nhất của ông bao gồm New Directions in the Philosophy of Social Science (Rowman & Littlefield, 2016) - Những hướng mới trong triết học về khoa học xã hội; The Future of Diversity (Palgrave, 2010, edited with Satya Mohanty) - Tương lai của sự đa dạng; và New Contributions to the Philosophy of History (Springer, 2010) - Những đóng góp mới cho Triết học Lịch sử. Các cuốn sách khác bao gồm Paradox of Wealth and Poverty (Westview Press, 2003) – Nghịch lý của Thịnh vượng và Nghèo khổ; Microfoundations, Method và Causation (Transactions Publishers, 1998) – Các nền tảng vi mô, Phương pháp và Quan hệ Nhân quả; On the Reliability of Economic Models (edited) (Kluwer, 1995) - Về độ tin cậy của các mô hình kinh tế, Varieties of Social Explanation (Westview Press, 1991) - Các giải thích khác nhau về xã hội; Understanding Peasant China (Yale University Press, 1989; Chinese translation, 2007) - Tìm hiểu về Nông dân Trung Quốc; và The Scientific Marx (University of Minnesota Press, 1986) - Marx Khoa học.
Tài liệu tham khảo
Cronon,
William (1991). Nature's Metropolis: Chicago and the Great West, New
York: W. W. Norton.
De
Vries, Bert, and Johan Goudsblom (2002). Mappae mundi: humans and their
habitats in a long-term socio-ecological perspective: myths, maps and models,
Amsterdam: Amsterdam University Press.
Hinton,
William (1966). Fanshen: A Documentary of Revolution in a Chinese Village,
New York: Vintage Books.
Le
Roy Ladurie, Emmanuel (1979). Montaillou, the Promised Land of Error: The
Promised Land of Error, New York: Vintage.
Little,
Daniel (2010). New Contributions to the Philosophy of History,
Dordrecht: Springer Science.
Livi-Bacci,
Massimo (2007). A Concise History of World Population, 4th edition,
Malden, MA: Blackwell.
McNeill,
William (1976). Plagues and Peoples, Garden City: Doubleday.
Skinner,
G. William (1977). Regional Urbanization
in Nineteenth-Century China, in In The City in Late Imperial China,
G. W. Skinner (ed.), Stanford: Stanford University Press.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét