Powered By Blogger

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Khảo cổ học, nguồn gốc Mã Lai của người Việt, ngành Đông phương học, tội đồng lõa trong học thuật thực dân, Nho giáo với tư cách là nền tảng văn hóa Việt…Tất cả trong hai trang sách của Kim Định



Khảo cổ học, nguồn gốc Mã Lai của người Việt, ngành Đông phương học, tội đồng lõa trong học thuật thực dân, Nho giáo với tư cách là nền tảng văn hóa Việt…
Tất cả trong hai trang sách của Kim Định

Le Minh Khai

Người dịch: Hà Hữu Nga

Một trong những điều làm cho việc đọc các tác phẩm của triết gia Nam Việt Nam, Kim Định, trở nên rất thú vị vì trong đó chứa đầy ý tưởng. Tất nhiên Kim Định có những ý tưởng riêng của mình, nhưng để hiểu được những ý tưởng đó, chúng ta cũng cần phải biết rất nhiều về ý tưởng và hành động của những người khác.

Để ý thức rõ được điều này, chúng ta hãy xem những gì ông viết trong hai trang sách Việt Lý Tố Nguyên của ông. Chủ đề đầu tiên ông chạm vào là khảo cổ học.

Lĩnh vực khảo cổ học bắt đầu tại Việt Nam với công trình của các nhà khảo cổ học nghiệp dư người Pháp. Trong khi họ rất xứng đáng được tin tưởng vì đi tiên phong trong một lĩnh vực mới, thì các kỹ thuật của họ theo tiêu chuẩn hiện nay đôi khi lại quá thô sơ.

Nói thẳng ra, trong nửa đầu thế kỷ XX, các học giả như Madeleine Colani và Henri Mansuy đã đào bới xương cốt lên khỏi mặt đất, đo đạc, rồi sau đó tuyên bố chúng thuộc về một số chủng tộc” nào đó, chẳng hạn như chủng "Indonesien" hoặc "Mongoloid".

Những tuyên bố như vậy góp phần vào cuộc thảo luận mà các nhà sử học và nhân học người Pháp đã tham gia dựa trên các thông tin văn bản và thông tin dân tộc học mô tả. Có các lý thuyết cho rằng người Việt (Mongoloid) đã di cư vào khu vực này từ các nơi ở phương bắc, và có những lý thuyết khác thì lại cho rằng người Việt là hỗn hợp của một nhóm (Mongoloid) di cư vào khu vực từ phương bắc và sau đó hòa huyết với người bản xứ (Indonesien).

Rồi lại có những người như Bình Nguyên Lộc ở Nam Việt Nam lập luận rằng người Việt là "Mã Lai" đã di cư vào khu vực này trong thời cổ xưa từ dãy Himalaya. Với từ “Mã Lai ông muốn nói đại khái điều tương tự như những gì các học giả người Pháp gọi là "Indonesien" - có nghĩa là, ít nhiều cũng giống như những gì ngày nay chúng ta gọi là "Austronesians," - Nam Đảo - một nhóm các tộc người có liên quan về phương diện ngôn ngữ và văn hóa sống trên một khu vực rộng lớn của địa cầu từ Tây Nguyên của Việt Nam đến Đài Loan và các đảo Thái Bình Dương.

Kim Định đã không thực sự nghĩ về các phát hiện khảo cổ học này các kết luận những người như Nguyên Bình Lộc đã rút ra từ các phát hiện đó. Trong thực tế, ông đã cáo buộc các học giả như vậy tội đồng lõa trong các dự án thực dân.

Như ông giải thích trong Việt Lý Tố Nguyên, các học giả Pháp như Henri Maspero đã bị ảnh hưởng bởi một ý thức về tính ưu trội văn hóa và mong muốn thực dân thống trị, cũng như khi họ đã viết về châu Á, vậy mà họ miêu tả nó bằng những khái niệm tiêu cực đến nỗi những kẻ bị ách thực dân sẵn sàng chấp nhận sự thống trị của bọn thực dân (với một ý thức tự ti).

Đây là một lập luận Edward Said có lẽ sẽ nổi tiếng về tội đồng lõa các công trình học thuật (và các công trình khác) và chủ nghĩa thực dân một vài năm sau đó trong cuốn Đông phương học của mình.

Theo Kim Đinh, các học giả Việt Nam nào đưa ra lý lẽ ủng hộ nguồn gốc Mã Lai của người Việt Nam thì đều đồng lõa với hành vi mà các học giả như Maspero đã cam kết, họ mô tả nguồn gốc người Việt bằng các thuật ngữ tiêu cực và thấp kém.

Kim Định cho rằng văn hóa “Mã Lai không hề đóng góp gì cho nền văn hóa Việt, và đặc biệt là đã không hề đóng góp gì cho tâm hồn người Việt.

Kim Định thực sự sử dụng thuật ngữ Mã Lai Á, quy về quốc gia Malaya / Malaysia, nhưng rõ ràng là ông đã đề cập đến Mã Lai theo nghĩa Indonesien hoặc như hiện nay thường nói “Austronesian” - “Nam Đảo.

Ông còn cho rằng, nếu nguồn gốc của người Việt Mã Lai, thì Thế là giới tân học đã ùa theo mấy nhà khảo cổ, nghĩa là căn cứ trên mấy nắm xương của người Mã Lai Á, Anh Đô Nê-Diêng đi nhận họ máu hàng dọc chủng tộc, lẫn hàng ngang văn hóa với mấy thổ dân nầy. Văn minh Mã Lai Á là cái chi, nó nói lên được những gì với tâm hồn người Việt? Nó giải nghĩa thế nào cả một khối văn chương bình dân…”

Điều đó cũng có nghĩa là gốc rễ của nền văn minh Việt không có ý nghĩa gì cả, và đó chính điều mà Kim Định cảm thấy rằng các học giả ủng hộ cho nguồn gốc Mã Lai của người Việt đã đồng lõa với  chủ nghĩa thực dân, vì chỉ những kẻ thực dân mới cố cho rằng người Việt thấp kém và do đó mới cần có sự cai trị của chế độ thực dân, nên họ mới lập luận rằng nguồn gốc của người Việt là thấp kém, vì theo quan điểm của Kim Định văn hóa “Mã Lai” không có gì tinh tế cả.

Tuy nhiên, đối với Kim Định, nguồn gốc Việt chắc chắn là rất ấn tượng, ông cảm thấy rằng nguồn gốc ấy đã được phản ánh trong Ngũ Kinh của Khổng học”, ông cho là đại diện cho văn hóa cội nguồn của người Việt, những người văn minh hóa sớm nhất ở châu Á.

Những ý tưởng Kim Định thể hiện ở đây là hấp dẫn. Vài năm trước khi công bố công trình Đông Phương học của Edward Said đã phổ biến quan niệm cho rằng các tác phẩm học thuật về "Phương Đông" đã góp phần vào việc tạo ra một diễn ngôn về một phần của thế giới biện minh thêm cho công cuộc chinh phục và thuộc địa của phương Tây, chúng ta thấy rằng Kim Định đã nhận thức rõ về khái niệm này.

Sau đó, cùng với tính minh bạch của tầm nhìn ấy, chúng ta cũng có thể thấy một ý thức mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa vị chủng đã tác động như thế nào đến việc làm méo mó cái nhìn của ông về quá khứ.

Tuy nhiên, chắc chắn ông đã đem đến cho độc giả của mình rất nhiều điều để suy ngẫm.
_________________________________

Nguồn: Le Minh Khai, Archaeology, the Mã Lai Origins of the Việt, Orientalism, Complicity in Colonial Scholarship, Confucianism as the Foundation of Việt Culture. . . All in Two Pages of a Kim Định Book. Được đăng trong trang mạng https://leminhkhai.wordpress.com/2015/06/30/archaeology-the-ma-lai-origins-of-the-viet-orientalism-complicity-in-colonial-scholarship-confucianism-as-the-foundation-of-viet-culture-all-in-two-pages-of-a-kim-dinh-book/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét