Powered By Blogger

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Vai trò to lớn của Ngôn ngữ và Văn hóa Môn tại Đông Nam Á (I)



Vai trò to lớn của Ngôn ngữ và Văn hóa Môn tại Đông Nam Á (I)

Nai Pan Hla

Người dịch: Hà Hữu Nga

Tộc danh của người Môn

Tộc danh của người Môn thời hoàng kim khác với tên Môn ngày nay, được viết là Man. Trong các bi ký Khmer tiền-Angkor, người Môn được viết là Ramañ, Rmmañ và Ramanya vào thế kỷ VI-VII SCN. Năm 1021 SCN, người Java gọi người Môn là Rmӗn và Rӗmӗn. Vị vua Myanmar vĩ đại Kyansittha gọi họ là Rmӗn trong các bi ký Hoàng cung Môn ở Pagan được khắc trên các phiến đá lớn vào thế kỷ XI SCN, khi người Myanmars được gọi là Mirmā. Vài thế kỷ sau, người Môn được gọi là Rman theo các ghi chép của vị vua Môn vĩ đại Dhammazeti ở Pegu vào thế kỷ XV. Người Môn còn được người Thái gọi là Raman. Tuy nhiên, nhờ quá trình tiếp xúc thường xuyên với nhau, nên người Thái bắt đầu gọi láng giềng của mình là Môn. Tôi vẫn còn nhớ chuyến hành hương chiêm bái chùa Ngọc Phật, Thái Lan năm 1953 cùng với ba vị sư người Môn. Chúng tôi nghỉ tại đền tháp Wat Raman, cái tên ấy có nghĩa là Tự viện Môn. Sau đó tôi mới ngỡ ngàng vì cho đến lúc đó mình vẫn không biết tiếng Môn cổ.

Trở về Burma, tôi bắt đầu nghiên cứu các bi ký Môn cổ và sau đó mới rõ về quá trình phát triển của các tên gọi liên quan ở trên. Tất nhiên vào thế kỷ XV, người Myanmars cũng coi người Môn là Tanliuṅ theo nghĩa tốt. Nhưng vào thế kỷ XVIII, người Môn bị người Myanmars gọi là Talaing sau khi nhà vua vĩ đại người Myanmar là Alaungpaya đánh chiếm và phá hủy kinh đô cuối cùng của người Môn là हंसवती* Hamsavati (Pegu) 葡萄* Bồ đào thành* [Cissus Pedata*]. Alaungpaya cũng đổi tên Dagon thành Yangon (Rangoon), có nghĩa là kết thúc thù địch. Từ đó người Môn trở thành một dân tộc không có tổ quốc.

Mặc dù một số thủ lĩnh Môn cố gắng tranh đấu với nhà vua Myanmar để giành lại chủ quyền, nhưng dù nỗ lực đến mấy thì rồi họ cũng luôn bị thất bại. Hầu hết số người Môn đó đã chạy sang Thái Lan. Bất cứ khi nào người Môn bị gọi bằng cái tên miệt thị Talaing thì họ đều giận dữ vì họ coi đó là một từ thô tục như một sự lăng mạ với nghĩa đồ con hoang vậy. Một số người châu Âu sử dụng cái tên Peguan vì liên quan đến kinh đô Pegu của người Môn xưa.

Cũng có những người sử dụng từ Talaing nhưng không biết nghĩa thật của nó. Sau khi giành được độc lập từ người Anh vào năm 1948, các xã hội Môn bắt đầu phản đối việc sử dụng từ Talaing để nói về người Môn. Cuối cùng chính phủ cũng nhận ra vấn đề và từ Talaing đã bị cấm sử dụng kể cả việc không được đưa từ đó vào sách học vần. Để làm vừa lòng người Môn, chính phủ đã tạo ra một Bang Môn bao gồm hầu hết các quận Thaton và Moulmein trước đây, là nơi mà những người nói tiếng Môn cuối cùng cư trú.

Liên quan đến từ nguyên Myanmar của cái tên Talaing, tôi cho rằng nó có nguồn gốc từ cái tên địa danh Ấn Độ là Kalinga hoặc Telengana ở vùng ven biển Madras. Khi vùng này bị Đại đế Asoka đánh chiếm vào thế kỷ III TCN, quân lính của ông đã giết chết 100.000 người và bắt 150.000 người làm tù nhân. Cuối cùng, vì cuộc chiến đẫm máu này mà nhiều người Ấn có lẽ đã vượt biển qua vịnh Bangal, đem theo nền văn hóa của họ [1] chạy đến đất Môn gọi là Rāmññadesa thuộc vùng Hạ Burma. Tất nhiên họ đã hòa trộn với người Môn ở đây.      

Người Myanmar có thể đã coi những người Ấn có học đó là Tanliun dựa vào một ghi chép của người Myanmar được phát hiện tại Preimma, giai đoạn Ava thế kỷ XV. Nó được viết theo phong cách thơ như sau: "ussā la myi tanliuṅ pyi ko, ñyi ñyi ñyak ñyak phyak khyi pyi ywe' ya khyeit hta so, tanliun su kha mein ko le htā i' ". Dịch nghĩa: Sau khi phá hủy xứ Tanliun còn được gọi là Ussā một cách thảm khốc, toàn bộ các học giả Tanliuṅ bị bắt đã được đưa đến đó...”    

Trong bi ký Myanmar này, cái tên Ussā xuất xứ từ vùng Orissa của Ấn Độ đã được coi là vương quốc Pegu của người Môn, và từ Tanliuṅ thì được coi là người Pegu hoặc người Môn. Kể từ khi người Myanmar biết được sự thật đó thì họ tránh sử dụng cái tên có tính lăng mạ kia cả trong văn nói lẫn văn viết.

Ngữ hệ

Tiếng Môn không phải là một ngôn ngữ có thanh điệu. Nó hoàn toàn khác với cả ngôn ngữ Myanmar lẫn ngôn ngữ Thái. Nó gần hơn với ngôn ngữ Khmer, ngôn ngữ Annam và ngôn ngữ của các bộ lạc miền núi vùng đó. James Logan là nhà ngôn ngữ học đầu tiên sử dụng thuật ngữ Mon-Annam. Tuy nhiên các nhà ngôn ngữ học sau này đã thay đổi thành thuật ngữ Mon-Khmer, vì ngôn ngữ Annam đã bị xâm nhập sâu sắc bởi tiếng Việt (Hán) và không đáng đặt Annam vào dòng chính. Thực tế ngôn ngữ Việt vẫn cùng gốc với các ngôn ngữ Môn và Khmer; nó vẫn thuộc ngữ hệ Mon-Khmer. Hầu hết ngôn ngữ các bộ lạc miền núi Việt Nam sống dọc theo dãy Trường Sơn như Bahnar, Stieng và các bộ lạc khác đều có họ hàng với ngôn ngữ Môn và Khmer. Hơn một nửa thế kỷ qua, người Nyah Kur mà người Thái gọi là Chaobon hiện chỉ còn khoảng 2000 người sống rải rác tại một số buôn nhỏ trên cao nguyên Korat được coi là một phương ngữ Lawa. 

Rất đáng chú ý, và tôi rất vui mừng khi năm 1980, tôi nhận được thông tin cho biết người Nyah Kur thực sự là tàn dư của người Môn cổ nhất thuộc vương quốc Môn Dvaravati đã từng hưng thịnh tại nước Xiêm cổ từ thế kỷ VI – XI SCN, trước khi người Thái tràn đến. Tại Burma, các ngôn ngữ Shwe và Ngwe Palaung, Wa (Lawa), Riang (Yinnet) và Danaw đều thuộc ngữ hệ Môn – Khmer. Có một điều quan trọng cần lưu ý là Môn-Khmer là một thuật ngữ ngôn ngữ học. Môn ở phía Tây và Khmer ở phía đông có các ngôn ngữ và phương ngữ họ hàng với nhau được nhóm lại thành ngữ hệ Môn-Khmer trong lĩnh vực ngôn ngữ mà thôi.

Tuy nhiên, các ngôn ngữ Puman ở Vân Nam, Khasi ở Assam, Munda, Kolarian, Kurku, Savara và Gadaba thuộc Trung Ấn Độ cũng được nhóm vào ngữ hệ Mon-Khmer. Rất đáng ngạc nhiên là người Negritos (người lùn Negroes) sống ở đông bắc Malaysia với các ngôn ngữ Asli như Semang, Sakai, Jakun và cả người Nicobar trên quần đảo Nicobar cũng được các nhà ngôn ngữ học xếp vào ngữ hệ Môn – Khmer.

Tóm lại, rõ ràng là khu vực ngữ hệ Môn – Khmer rộng lớn hơn vùng đất giữa người Môn và người Khmer. Vì vậy, một nhà ngôn ngữ học uyên bác của Vienna là Wilhem Schmidt (1905) đã thực hiện một công việc tuyệt hảo là tập hợp và so sánh hàng ngàn tập hợp từ cùng gốc trong các ngôn ngữ Môn – Khmer để xây dựng các lý thuyết của mình, và khi ông phát hiện ra các ngôn ngữ về cơ bản có quan hệ với nhau, ông đã đưa ra thuật ngữ ngôn ngữ học rộng lớn hơn thuộc Ngữ hệ Austric có nghĩa là ngữ hệ phương Nam. Ông chia ngữ hệ này thành hai tiểu hệ. Ông gọi tiểu hệ đầu là Austronesian có nghĩa là các ngôn ngữ thuộc các đảo phương nam bao gồm một phần nhất định của bán đảo Malay. Tiểu hệ thứ hai mà chúng ta quan tâm ở đây là Austroasiatic có nghĩa là các ngôn ngữ Nam Á, chủ yếu ở vùng lục địa nam Á, bao gồm cả các đảo Nicobar. Khu vực thuộc ngữ hệ đầu trải rộng từ Madagascar đến đảo Easter (Phục sinh) và từ Đài Loan đến New Zealand.

Ngữ hệ thứ hai trải từ trung Ấn Độ ở phía tây đến bờ biển Việt Nam ở phía đông và từ Vân Nam ở phía bắc đến các đảo Nicobar ở phía nam. Các ngôn ngữ Môn – Khmer thuộc ngữ hệ Nam Á. Đó là một thuật ngữ rộng hơn. Vào năm 1906, Schmidt đã dịch một bộ sử Môn nhan đề là “Slapat Rājawaṅ Datow Smiṅ Roṅ” ra tiếng Đức cùng với các phiên âm và ghi chú văn bản chữ Môn. Năm sau, Walter William Skeat và Charles Otto Blagden thuộc SOAS [The School of Oriental and African Studies University of London] đã công bố một công trình phân tích chi tiết về các ngôn ngữ Semang, Sakai và Jakun trong hai tập của công trình “Pagan Races of the Malay Peninsula”. Tập II trình bày các ngữ chi thuộc các ngôn ngữ Asli và Môn – Khmer bằng cách so sánh trên 5000 từ vựng cùng gốc.

Cùng năm đầy hứa hẹn đó, George Grierson cũng đã công bố 4 tập công trình “Linguistic Survey of India” [Khảo sát Ngôn ngữ học Ấn Độ]. Trong tập II và IV trình bày về các ngôn ngữ Munda có minh họa quan điểm về phương thức liên quan chặt chẽ đến các ngôn ngữ Môn – Khmer.

Trong khi nhiên cứu các nhóm người như vậy, điều quan trọng là phân biệt giữa chủng tộc và ngôn ngữ. Chẳng hạn Mon, Khmer, Myanmar và Thái hoặc Shan là Mongoloid về phương diện chủng tộc, nhưng họ lại nói các ngôn ngữ khác nhau. Mặt khác, Semang, Sakai, Jakun và Nicobar là Negroid nhưng về cơ bản họ lại nói ngôn ngữ Môn – Khmer vì họ đã sớm tiếp xúc với nhau. Điều đó cũng có những nét tương đồng giống như người da đen và da trắng ở Mỹ vậy. Vì vậy vấn đề quan hệ giữa ngôn ngữ và chủng tộc là rất phức tạp. Người Thái và người Shan thuộc ngữ hệ Hán-Thái hoặc Thái-Hán. Và nhiều nhóm tộc người ở Burma thuộc về ngữ hệ Tạng-Miến. Các ngữ hệ Tạng-Miến và Hán-Thái là thuộc Hán –Tạng hoặc Tạng-Hán. Tất cả đều khác với các ngữ hệ Môn-Khmer hoặc Nam Á.

Quê hương gốc của người Môn

Trong chuyến nghiên cứu của tôi tại Trung Quốc năm 1976 với tư cách là một thành viên của đoàn Khảo cổ học Miến Điện, tôi rất háo hức muốn được thấy con sông Dương Tử vì tôi nghĩ rằng vùng lưu vực sông Dương Tử là quê gốc của chúng tôi trong thời thượng cổ. Trên chuyến bay từ Côn Minh đến Bắc Kinh, tôi đã nhờ người tiếp viên hàng không chỉ cho tôi con sông mẹ ấy khi chúng tôi đang lướt trên vùng trời bao la đó, cô ấy đã chỉ cho tôi, nhưng con sông lại ở quá xa. Sau các chuyến làm việc tại các di tích lịch sử và các địa điểm đáng quan tâm khác chẳng hạn như Trường thành, 定陵地下宮殿* Định Lăng Địa hạ cung, Tử Cấm thành, 頤和園 Di Hòa viên, Bảo tàng Quốc gia, hang Chu Khẩu Điếm (nơi phát hiện được hóa thạch Sinanthropus Pekinensis vào năm 1927) và các địa điểm khác, chúng tôi đã đi từ Lạc Dương đến Trường Sa bằng tàu đêm. 

Vào ngày nghỉ, chúng tôi đã vượt qua con sông mong đợi. Chao ôi! Dương Tử Giang thực sự là một con sông đẹp và siêng năng. Bắc qua sông là một cây cầu hiện đại được thắp sáng trưng. Các thành thị và làng mạc trải dọc bên sông, nhà cửa hai bên bờ sông, thuyền bè qua lại tất cả đều lộng lẫy đáng yêu. Tôi thực sự muốn được xuống tàu để được đi ngược, đi xuôi theo dòng sông mà tôi yêu quý. Vì tôi tin rằng Dương Tử Giang chính là con sông mẹ của người Môn-Khmer trước khi người Hán đến đó trong thời quá khứ xa xôi. Vào những ngày đó, dường như Môn, Khmer và các ngôn ngữ thân thuộc khác có thể lại chỉ duy nhất là một ngôn ngữ của một tộc người sử dụng mà thôi.

Tất nhiên người Môn-Khmer được coi là tiên phong trong canh tác lúa nước. Nhìn qua cửa sổ đoàn tàu, tôi thấy nông dân Trung Quốc đang gieo trồng trên các cánh đồng lúa của mình cũng bằng cách sử dụng trâu cày, hệt như ở Miến Điện, Thái Lan và Cambodia. Đó chính là một đặc trưng và một dáng vẻ chung. Với lòng kính ngưỡng quê hương gốc của người Môn, đã có lúc tôi thảo luận về vấn đề đó với người thầy cũ của mình là G.H. Luce và ông nói với tôi rằng khi ông có mặt trong cuộc hội thảo tại Viện Nghiên cứu Phương đông và Châu Phi ở London ngay sau Thế chiến II thì cũng là khi A.H. Christie đề xuất ý tưởng cho rằng lưu vực Bắc Bộ mới là cái nôi của người Môn–Khmer. Quan điểm ấy được nhiều người chấp nhận. Tuy nhiên tôi không thỏa mãn với giả thuyết đó. Tôi cho rằng cái nôi của người Môn-Khmer phải xa hơn về phía bắc. Nhưng tôi không thể chứng minh được quan điểm của mình vì thời gian đó tôi không có bất cứ loại bằng chứng nào.

Vào năm 1966, tôi đã may mắn được đọc một bài viết uyên bác “Chinese and Indo – Europeans” [Các ngôn ngữ Trung Quốc và Ấn Âu] của E. G. Pulleyblank trong tạp chí Journal of Royal Asiatic Society. Sau đó tác giả trở thành một giáo sư Hán học tại Đại học Cambridge. Ông viết: “Từ chỉ sông trong tiếng Hán là Kiang hoặc Chiang [* giang] ngày nay có thể chứng tỏ đã được phát âm giống như kruŋ, hoặc krawŋ trong tiếng Hán cổ. Không nghi ngờ gì nữa, đó chắc chắn là có gốc chung với từ chỉ sông của ngôn ngữ Môn-Khmer, mà tiếng Môn là Mon kruŋ, tiếng Bahnar là kroṅ, ...v.v. Kiang hoặc Chiang là tên riêng của con sông Dương Tử, ngược lại với từ chỉ sông của phương bắc là * hà, trước hết có nghĩa là sông Hoàng Hà. Ở phương nam, trong tiếng Hán thời Trung đại, * giang cũng được sử dụng để gọi các loại dòng nước khác, nhưng ở phương bắc không hề có chuyện đó. Có một bằng chứng lịch sử rất rõ ràng, đó là vùng sông Dương Tử về phương diện ngôn ngữ là phi Hán và chỉ bị cuốn vào khu vực văn hóa Hán vào thiên niên kỷ I TCN. Từ nguyên của từ đó rõ ràng cho thấy nó thuộc ngôn ngữ gốc phi Hán, có các mối quan hệ thân cận với Môn – Khmer. Có vẻ như tri thức vượt xa loại bằng chứng này sẽ được đưa ra ánh sáng”. Tác giả uyên bác đó còn thể hiện tư tưởng của mình như sau:

“Tôi tin chắc rằng cuối cùng ngôn ngữ học sẽ chứng minh một trong những phương pháp nghiên cứu sáng sủa và có kết quả nhất. Hiện vật đá và gốm rõ ràng là bằng chứng quá nổi bật, còn ngôn ngữ trên hết lại là một trong những yếu tố cơ bản nhất trong văn hóa của con người”.

Tôi tuyệt đối đồng ý với quan điểm của ông vì tôi tin rằng khi vắng mặt các nguồn tài liệu ngôn ngữ viết cũng như các bằng chứng khảo cổ học thì sự tin cậy chủ yếu lại phải dựa vào các mối quan hệ thân thuộc của ngôn ngữ học để nghiên cứu lịch sử một dân tộc. Dù ngôn ngữ không ngừng thay đổi, nhưng cội rễ của nó vẫn bám chắc lấy nền tảng ở một mức độ nào đó. Còn các tập quán và văn hóa vật chất thì lại ít bền vững so với ngôn ngữ.

Sau đó hơn một thập kỷ, tôi lại vui mừng vì nhận được một bản sao bài viết về ngôn ngữ rất uyên thâm: “Người Nam Á ở Nam Trung Quốc thời cổ: Một vài bằng chứng về ngữ vựng” của các giáo sư Jerry Norman và 梅祖麟* Tsu-Lin Mei – Mai Tổ Lân*. Bài viết đã được trình bày tại Hội nghị Ngữ hệ Hán-Tạng lần thứ III, năm 1970 và được công bố trong Monumenta Seria Volume XXXII, Germany, 1976.

Các tác giả cho rằng Nam Trung Quốc thời cổ hầu như hoàn toàn là nơi cư trú của các dân tộc phi Hán. Người ta biết rằng người Nam Á đã cư trú ở vùng ven trung lưu Dương Tử Giang và các vùng bờ biển đông nam vào thiên niên kỷ I TCN, và chính người Hán đã vay mượn tên gọi Dương Tử Giang từ họ. Các từ vay mượn khác của ngôn ngữ Môn-Khmer trong tiếng Hán cho thấy có sự tiếp xúc sớm giữa hai nhóm người này. Họ còn cho rằng:

“Ngữ hệ Nam Á của các ngôn ngữ bao gồm ngôn ngữ Munda ở đông bắc Ấn Độ; Khasi ở Assam; Palaung-Wa ở Thượng Miến Điện và Vân Nam; Mon-Khmer ở Hạ Miến Điện và Cambodia, cũng như các vùng tại Việt Nam, Lào và Thái Lan và ngữ hệ Việt Mường ở Việt Nam”. Họ còn cho rằng:

“Khi người Hán từ phía bắc rời quê hương Hoàng Hà của họ, thì rất tự nhiên là họ đi dọc theo sông Hán. Người Hán gặp người Môn-Khmer ở vùng trung lưu Dương Tử Giang vào giai đoạn 1000 – 500 năm TCN, khi đó người Hán đã vay mượn các từ Mon-Khmer krung / krong / kraŋ là các từ đã thay đổi thành từ Kiang hoặc Chiang [giang] trong tiếng Trung Quốc hiện đại để chỉ sông”. Thật tuyệt vời, các phán đoán của họ đã hoàn toàn ủng hộ cho giả thuyết coi thung lũng Dương Tử Giang là quê hương gốc của người Môn-Khmer. Trong ngôn ngữ Môn, từ krung/kruŋ có nghĩa là sông trong văn học cổ và các bi ký Môn cổ, nhưng nó cũng có nghĩa là vũng lạch, dòng suối trong tiếng Môn hiện đại.

Vì người Môn đã sử dụng từ tiếng Phạn महासमुद्र* mahāsamudra để chỉ biển hoặc đại dương và sau đó là một từ riêng của họ để chỉ đại dương laḅī đã biến đổi thành sông, còn từ chỉ sông đã biến thành chi lưu hoặc suối.

Bên cạnh từ chỉ sông Jerry Norman và Tsu-Lin Mei còn cho biết 14 từ Môn-Khmer mà tiếng Hán đã vay mượn. Dưới đây là 15 từ tiếng Hán mà tôi đối sánh với tiếng Môn cổ và tiếng Môn hiện đại:

1.      Chết tiếng Hán ** là tsεt, Môn cổ Kcit, Môn hiện đại chɔt;
2.      Chó - * siô - - cluiw/c13 - - k1ɜ/k1ɔ;
3.      Sông Hán cổ **kraŋ/krong, Môn cổ krung/krunŋ;
4.      Bay, Hán**riwǝi / iwi / wei, Môn rui/ruy;
5.      Hổ, Hán** k’la(g); Môn kla; Khmer khla; Khasi khla; Bahnar kla;
6.      Răng, ngà Hán** nga/ngra/ya; Môn ngek/ŋek; Việt ngà;
7.      Nỏ, Hán** na/nuo/nu; Môn tnga/tŋa?; Việt ná; Palaung kaŋa?;
8.      Thầy đồng, Hán tϕyŋ/taŋ; Môn dong/toŋ;
9.      Con, Hán kian/kiã; Môn kon/kɔn; Khmer koun; Wa kɔn;
10. Đầm, Hán tam; Việt đầm/đàm;
11. Sam, Hán siŋ/tsim; Việt: sam; Mon khatam ; Bahnar koam;
12. Biết, Hán paiˀ/bat; Việt: biết;
13. Bọt, Hán: pˀiu/pˀeˀ; Việt: bọt;
14. Bèo, Hán: pˀiu/pˀio; Môn bew/pe; Việt: bèo;
15. Cá biển nhỏ, Hán kie/kue; Việt kè; Môn kaˀ kɔh kɔh***

Nhìn vào bảng so sánh trên, tôi phát hiện ra rằng 9 từ đầu hoàn toàn tương đồng với các từ Môn-Khmer, nhưng 6 từ sau thì lại không cùng gốc với ngôn ngữ Môn hoặc Khmer, mà chỉ tương đồng với ngôn ngữ Việt và không có cơ sở Môn-Khmer. Tuy nhiên 9 từ kia thì nổi bật là Môn-Khmer. Các mối quan hệ thân thuộc về phương diện ngôn ngữ này rõ ràng cho thấy rằng người Hán đã gặp người nói tiếng Môn-Khmer ở vùng trung bộ Dương Tử Giang khi họ di cư khỏi các vùng lưu vực sông Hoàng Hà theo dọc con sông Hán như các tác giả trên đã đề cập. Hai tác giả cũng nhận xét như vậy:

“Đông Nam Á có một nền văn hóa phát triển cao trong thời thượng cổ, hoàn toàn có khả năng được coi là người khởi đầu và là người dâng hiến các sáng tạo văn hóa. Gác lại vấn đề về tính ưu việt tương đối về văn hóa – là thứ không bao giờ có thể tùy thuộc vào các bằng chứng khoa học – thì dường như rõ ràng là khi hai nhóm người tiếp xúc với nhau thì sự vay mượn hầu như luôn luôn là con đường hai chiều”.

Các nhận định của họ rất hấp dẫn. Nhưng họ lại không xuất trình bất kỳ một từ tiếng Hán nào có thể đã được người Môn-Khmer vay mượn. Về phương diện này, G.H. Luce (1965) cho rằng từ chỉ con voi trong ngôn ngữ Môn ciṅ/ciŋ tương đồng với từ tiếng Hán * hsiang tượng và từ chaṅ trong ngôn ngữ Myanmar. Từ này dường như là một từ Môn-Khmer bởi vì H. L. Shorto (1971) trong từ điển Môn Dictionary đã cho biết: “Trong ngữ hệ Môn-Khmer, có từ ji:ŋ của ngôn ngữ Niak Khmer; từ tieŋ của ngôn ngữ Sue; từ acaŋ của ngôn ngữ Kuoi; từ saŋ của Palaung; từ sa:ŋ Lawa; từ kesaŋ của Lemet; từ cheŋ của Khamuk; từ saŋ của ngôn ngữ Mi”. Trong ngôn ngữ Tạng Miến của người Myanmar thì ngôn ngữ Chaṅ và Shan ở Miến Điện thuộc ngữ hệ Hán-Thái cũng có từ saŋ. Rõ ràng là toàn bộ các ngôn ngữ đó đều đã mượn từ chỉ voi của Môn-Khmer. Vì vậy thật là ý nghĩa khi biết được quê hương bản quán của người Môn-Khmer là vùng lưu vực Dương Tử Giang.
_________________________________

Nguồn: Nai Pan Hla 1992. The Significant Role of the Mon Language and Culture in Southeast Asia, ILCAA, Tokyo University of Foreign Studies, Tokyo, Japan.

Tác giả: Tiến sĩ Nai Pan Hla (1923 - 2010) là con trai của trưởng làng U Kyua và vợ Daw Cho, người làng Kaw Wein, bang Môn, trên bờ sông Gyaing. Ông nghiên cứu ngôn ngữ Môn, Myanmar và tiếng Anh tại Tự viện địa phương, sau đó học trung học tại Moulmein. Năm 1958 ông trở thành giáo sư thỉnh giảng của Đại học Harvard University, và giáo sư thỉnh giảng tại Trung Quốc vào năm 1967. Trong các năm 1988 – 1989, ông là giáo sư thỉnh giảng tại đại học Tokyo; từ 1994 ông là giáo sư chính thức về lịch sử và văn hóa Đông Nam Á của đại học Meio, Okinawa, Nhật Bản.

Lưu ý: Người đọc cần phân biệt giữa đất nước và ngôn ngữ, thuật ngữ Burma là chỉ đất nước (Myanmar Naing Ngan) khác với từ Myanmar là để chỉ ngôn ngữ và dân tộc.

* Ghi chú của người dịch: Các từ có đánh dấu sao [*] là do tôi, Hà Hữu Nga, trộm tìm, dịch sang tiếng Phạn, tiếng Hán và tiếng Việt để tiện cho bản thân trong việc nghiên cứu, so sánh và xác định nghĩa của từ mà thôi. 

*** Trong bản gốc The Austroasiatics in Ancient South China: Some Lexical Evidence của Jerry Norman và Mai Tổ Lân không ghi chữ Hán, mà chỉ ghi phiên âm Latinh là kie/kue; còn tiếng Việt thì ghi là , có thể ghi nhầm chữ kèo. Theo tôi, đây có thể là con cá kèo có tên Latin là Pseudapocryptes elongatus và trong ngư loại học Trung Quốc nó thuộc loài được gọi là 輻鰭魚綱 Phúc kì ngư cương Cá vây bụng, với các đặc trưng cụ thể là 條鰭魚 Điều kì ngư Cá thon nhỏ, dài, có vây. Tại Việt Nam, loại cá này có nhiều ở vùng cửa biển thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Người Quảng Đông gọi là 長吻鰩 Trường vẫn diêu (Mép dài). Chữ diêu là tên loại cá hay chúi ở dưới bùn chính là loại cá này; có lẽ chữ kèo là do biến đổi từ âm Hán yáo [diêu] mà ra.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét