Powered By Blogger

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Trần Quốc Vượng, Bản sắc và Quyền lực



Trần Quốc Vượng, Bản sắc và Quyền lực

Le Minh Khai

Người dịch: Hà Hữu Nga


Giáo sư quá cố Trần Quốc Vượng là một nhà tư tưởng sáng tạo và một người kể truyện tuyệt vời. Ông viết rộng và đọc ông rất thú vị.

Một trong những cách viết trứ danh của thầy Trần Quốc Vượng* là ông gắn kết những mẩu thông tin, những mối liên hệ logic hiển hiện với quá khứ mà người khác khó lòng tưởng đến.  

Tôi nghĩ về điều này vì mới hôm nay đây, tôi đã lấy ra tập sách có tên gọi Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm. Tôi tình cờ giở đến tiểu luận Một nét bản sắc của văn hóa Việt Nam và phát hiện ra rất nhiều điều đáng suy ngẫm ngay từ trang đầu tiên.

Giáo sư Trần Quốc Vượng mở đầu tiểu luận bằng nhận định cho rằng nét đặc trưng của Việt Nam đó chính là cá tính bán đảo. Việt Nam nằm trên Bán đảo Đông Dương vì vậy mà nó mang tính cách bán đảo.

Chính xác ra thì đó là gì vậy?

Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng thì nó bao gồm tính cách biển (hoặc Mã Lai chài cá) và tính cách thung lũng (hoặc Tày – Thái lúa nước). Thầy Trần Quốc Vượng tuyên bố rằng hai nét bản sắc này đã thấm nhập vào cấu trúc văn hóa Việt cổ và đã hiện diện trong giai đoạn Đông Sơn.

Sau đó ông cho rằng các anh hùng văn hóa Việt cổ trưởng thành từ nước. Ngư tinh, Hồ tinh và Mộc tinh sống động trong ba vùng: Ngư tinh là biển, Hồ tinh châu thổ và Mộc tinh rừng núi. Vậy thì đương nhiên phải có Lạc Long Quân (mà tích truyện này gắn kết biển và đất liền).

Như tôi đã nói ở trên, cách viết này đã kéo theo các kết nối và khải lộ một logic gắn với quá khứ mà có lẽ nhiều người không bao giờ có thể nghĩ ra được.

Nhưng liệu nó có chân thực?

Ở đây có một số giả định đề làm cơ sở cho tư tưởng của Giáo sư Trần Quốc Vượng. Trước hết, ông coi văn hóa “Việt” như là hạt nhân của một văn hóa đa-tộc người đã hòa hỗn thành một văn hóa duy nhất ngay từ thời cổ đại. Giả định đề thứ hai là bằng cách nào đó, nền văn hóa cổ này cho đến tận ngày nay vẫn còn nguyên ý nghĩa và sự cộng hưởng vì tinh thần của nó đã trường tồn trong suốt 2000 năm cho đến bây giờ.

Vấn đề ở đây là gì? Trước hết, tôi được các chuyên gia ngôn ngữ học Tai** mách bảo có rất ít bằng chứng cho thấy có những cộng đồng người nói ngôn ngữ Tai tại vùng châu thổ Sông Hồng trong giai đoạn TCN. Chỉ mãi cho đến khoảng 1000 năm SCN khi các cộng đồng thuộc ngành “Tây Nam Tai” (mà người Việt gọi là Thái) bắt đầu hình thành cộng đồng nói tiếng Tai di cư theo hướng nam đến các vùng núi ngày nay gọi là tây bắc Việt Nam.

Mấy ngày trước tôi đã viết về các công trình nghiên cứu một nhóm Thái ở tây bắc Việt Nam, đó là Tai Dam hoặc Tai Đen. Bộ sử chủ yếu của họ Quắm tố mương không hề nói gì về bất cứ quá khứ hòa hỗn nào vào bất cứ văn hóa Việt nào. Những gì mà các nhà ngôn ngữ học nói về người Tai, rất có ý nghĩa, vì có lẽ họ đã không có mặt trong vùng này vào thời cổ đại***.

Thứ hai, Ngư tinh, Hồ tinh, và Mộc tinh là những khái niệm có nguồn gốc trực tiếp từ di sản văn học Hán. (Tôi đã viết về Hồ tinh từ mấy năm trước) [1]. Hơn nữa chúng ta cũng chỉ có bằng chứng các tích truyện về “các anh hùng văn hóa” này bắt đầu từ Lĩnh Nam chích quái thế kỷ XV.  

Thứ ba, làm thế nào để những người sống dọc vùng ven biển và những người sống trong đất liền lại có thể có cùng một văn hóa và có cùng “các anh hùng văn hóa” vào giai đoạn TCN***? Làm thế nào mà tính cách văn hóa biển của vùng ven biển lại vươn tới tính cách văn hóa thung lũng của Phong Châu để hòa hỗn với nhau***, và ngược lại, để rồi các nhóm người trong toàn bộ vùng này bằng cách nào đó có thể có cùng một kết cục?   

Cũng trên cùng cấp độ hiện thực như vậy, ở đây thầy Trần Quốc Vượng đã tạo dựng các kết nối rất khó có những bằng chứng lịch sử và logic hỗ trợ. Vậy thì tại sao lại xuất trình được một lý lẽ như vậy?

Tôi không hiểu biết đầy đủ về cách tiếp cận tổng thể và các niềm tin của Giáo sư Trần Quốc Vượng để khẳng định một cách chắc chắn. Tôi chỉ đồ chừng là có lẽ ông đã có một khát vọng phản công cái quan điểm “Kinh-trung tâm” (hoặc Việt tộc-trung tâm) của Việt Nam bằng cách định nghĩa Việt Nam là đa dân tộc.

Nếu vậy thì đó là một khát vọng thật đáng kính phục. Tuy nhiên, trong các đóng góp của các tộc người khác để hòa hỗn thành một văn hóa “Việt cổ”, một văn hóa ngày nay được xác định bởi dân tộc Kinh, thì quan điểm của ông về quá khứ vẫn kết cục là Kinh-trung tâm.

Giáo sư Trần Quốc Vượng mở đầu tiểu luận này bằng việc đề cập đến “bản lĩnh – bản sắc” mà ông đánh bóng bằng từ tiếng Pháp “identité”. Trước đây tôi cũng đã nói về vấn đề “bản sắc và identity” [2], (và đã có một bản dịch tiếng Việt về bài viết ngắn này [3], ngoài ra còn có một bài viết ngắn khác nữa có liên quan cũng đã được công bố [4]). Trong đoạn mở đầu của tiểu luận này, thầy Trần Quốc Vượng đã minh họa “vấn đề” rất hay.

Thầy Trần Quốc Vượng tìm kiếm một cái gì đó (mà rõ ràng là ông tin tưởng) thực sự tồn tại, và ông đã kết nối các mẩu thông tin lịch sử với nhau nhằm nỗ lực ủng hộ cho quan điểm của mình. Tuy nhiên, thông tin lịch sử mà ông sử dụng lại không hỗ trợ cho quan điểm của ông. Vì vậy, cái mà ông nói là có tồn tại thì thực ra lại không tồn tại.

Tuy nhiên, khi đưa ra lý lẽ này, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã cho chúng ta thấy cái mà ông “nghĩ” hoặc “tin”. Còn việc  “chứng minh” cái mà ông nghĩ, thì ông lại “tạo dựng” một tích truyện hỗ trợ cho “các niềm tin” của mình.

Đó là “bản sắc”. Đó là một cái gì đấy không có thật. Nó là một thứ mà người ta tự nghĩ về bản thân mình. Hơn nữa, bất cứ khi nào ai đó tìm cách để tạo dựng một bản sắc cho một nhóm, thì nó luôn luôn liên quan đến quyền lực, vì không ai có thể nói được về toàn bộ một nhóm. Việc Giáo sư Trần Quốc Vượng là một thành viên của nhóm dân tộc Kinh đa số, quyết định vai trò của các tộc người khác trong vùng trong quá khứ, chính là một dấu hiệu cho thấy các mối quan hệ quyền lực trong chính tư tưởng của ông về “bản sắc” của người Việt Nam.

Cho dù ông viết theo cách này nhằm cố gắng tạo ra một quan điểm ít “Kinh-trung tâm” hơn về văn hóa Việt Nam thì đó vẫn là ông, với tư cách là một thành viên của nhóm đa số, nhóm quyết định vai trò của các nhóm thiểu số theo quan điểm đó.

Bản sắc không phải là thứ tồn tại bên ngoài thế giới để có thể đồng nhất. Khi người ta cố làm như vậy thì liệu họ có thực hiện được hay không, hay là họ chỉ thực thi quyền lực mà thôi.
_____________________________________

Nguồn: Trần Quốc Vượng, Identity and Power, http: leminhkhai.wordpress.com, 16Mar., 2013

Ghi chú của người dịch:

* “Thầy Trần Quốc Vượng” là chữ dùng bằng tiếng Việt của chính tác giả Le Minh Khai.

** Để rõ hơn về khái niệm “Tai” của các nhà ngôn ngữ học ngoài Việt Nam, có thể đọc bài: Ngôn ngữ học Xã hội Trung Taic [3] Khu tự trị Vân Sơn, Trung Quốc (I) của Eric C. Johnson và 王明富 Wang Mingfu, trong  http: kattigara-echo.blogspot.com, 6 Mar., 2013.

*** Bài viết này của Le Minh Khai dù ngắn nhưng rất hay; song vì mang sẵn định kiến trước và quá ham phê phán các loại chủ thuyết, kể cả chủ thuyết có thể được gán cho đối tượng phê phán, nên đã để lộ những lỗ hổng lớn không chỉ về phương pháp mà còn về kiến thức thuộc rất nhiều chuyên ngành khác nhau, trong đó có kiến thức về tiền sử của các cộng đồng nói các ngôn ngữ “Tai” ở vùng nam Trung Quốc và toàn bộ vùng Đông Nam Á lục địa. Vấn đề này không thể chỉ đơn giản giải quyết bằng ngôn ngữ được, mà chí ít cũng phải kết hợp với nhiều loại bằng chứng của nhiều ngành khoa học. Lâu nay tôi tập hợp các tài liệu về sử học, ngôn ngữ học, dân tộc học và khảo cổ học để lần tìm một trong những nguồn gốc tiền sử của các cộng đồng nói các ngôn ngữ “Tai”, nhất là người Tráng (tên gọi khác là Choang, Đồng) ở các tỉnh Quảng Tây, Quý Châu, Vân Nam, ...v.v.) từ các vùng ven biển nam Trung Quốc, và bắc Việt Nam, trong đó đặc biệt có chuỗi văn hóa Soi Nhụ - Cái Bèo – Hạ Long thuộc các tỉnh thành Hải Dương, Hải Phòng, và Quảng Ninh để góp phần chứng minh cho tư tưởng lớn của Giáo sư Trần Quốc Vượng về sự kết hợp giữa các yếu tố Núi – Biển trong văn hóa Việt Nam, và không chỉ văn hóa Việt Nam mà còn là toàn bộ vùng văn hóa Đông Nam Á trong đó có cả nam Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc biển tiến từ Holocene trung về sau. Tôi đã bắt đầu công việc này bằng bài Phù Đổng - cội nguồn sức mạnh Việt [http: kattigara-echo.blogspot.com, May 22,2012]. Mong sẽ có dịp thảo luận kỹ hơn về vấn đề này.


Chú thích 

1. A Fox Corpse, West Lake, and the Divided Population of Medieval Vietnam, http: leminhkhai. wordpress. com, 13Aug., 2010.

2. Bản Sắc and Identity, http: leminhkhai.wordpress.com, 22Jun., 2010.

 

3. Bản sắc và Identity, http: kattigara-echo.blogspot.com, 18Ju., 2012.

 

4. Bản Sắc Văn Hóa = Ideological Position  http: leminhkhai.wordpress.com, 14Ju., 2012.




2 nhận xét:

  1. Nói rằng Tai và "Việt" không có liên hệ nào thì ... (?!)

    Bước qua đất Thái Lan, học lỏm bỏm vài chữ Thái, thì thấy:

    1. Cấu trúc (ngữ pháp) giống y chang. Ví dụ:

    - Chiếc xe màu đỏ. Thì XE trước, ĐỎ sau. Không phải như Anh, Hoa là ĐỎ trước, XE sau (red car).

    - Không sao đâu = KHÔNG + SAO + ĐÂU. Thái cũng na ná, cộng 3 từ lại MÁI PEN RAI.

    - Không đúng = KHÔNG + ĐÚNG. Thái là Mái Chái = KHÔNG (MÁI) + ĐÚNG (CHÁI).

    2. Thanh âm Thái cũng lên xuống trầm bổng, mà như một vào người Việt "tự hào" rằng tiếng Việt "nói như hát". Thái có âm dài, âm ngắn, âm cao, âm rơi, âm nặng.

    Ví dụ tên vị Thủ tướng bị đảo chánh, anh của Thủ tướng hiện nay, người ta hay đọc là "Thạt Sỉn". Trong khi tên đúng là "Thất Sỉn" (Âm "ak" ở đây là âm ngắn, không phải âm nặng). Còn "Thạt Sỉn" như mọi người đang gọi, là tên của vị Vua vương triều thứ ba Thonburi - mà sử Việt gọi là "Trịnh Quốc Anh".

    Vậy Việt - Thái có mối quan hệ nào không, trong lịch sử, ngoại trừ thời Cận đại - lúc cả hai giành giựt đứa em ở giữa ?

    Trả lờiXóa
  2. Xin được nêu chút ý kiến thiển cận cá nhân:
    Le Minh Khai (LMK) nêu rằng "Làm thế nào mà tính cách văn hóa biển của vùng ven biển lại vươn tới tính cách văn hóa thung lũng của Phong Châu để hòa hỗn với nhau"
    Hình như LMK đang nghĩ văn hóa Việt hiện nay giống với văn hóa Phong Châu hổi xửa hồi xưa (nếu quả thật có !) ?
    Nếu có phi thuyền thời gian, bay ngược về hàng ngàn năm trước, có lẽ những gì ta thấy sẽ là một nước "Việt Nam" với dân "Việt Nam" đang nói một thứ tiếng (khá) xa lạ với những phong tục tập quán "hổng giống ai" ! Nếu phi hành gia chịu khó hạ cánh nhiều lần ở mỗi giai đoạn nhất định torng lịch sử, sẽ thấy hổng có trạm nào giống trạm nào. Nhưng nếu chịu khó nhìn, ghi chép lại, sẽ thấy một tiến trình - có chiều dài hàng chục ngàn, hàng ngàn năm. Tiến trình ấy như một sợi chỉ, xâu tất cả hạt trân châu lại, để hình thành một cái vòng trang sức mà ngày nay người ta gọi là Văn hóa Truyền thống Việt Nam. Trong những hạt trân châu ấy, có Thái, có Tàu, có Mường, có Mọi, có Chàm, có Tây... tất cả hợp thành "Ta" !
    Sợi dây ấy được kết lại (thắt gút) bởi cái cái móc, cái móc đó tên là Hùng Vương. Cái móc ấy có thể có từ lúc bắt đầu làm sợi dây, mà cũng có thể mới vừa làm đâu đó gần, hay thật gần đây. Dù móc cũ hay mới, nhưng nếu không có cái móc đó, thì không còn cái vòng trang sức, các hạt ngọc tung tóe cả ra, để mà những người khác nhặt lấy, xâu vào cái vòng của họ !

    Trả lờiXóa