Powered By Blogger

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

Giải cấu trúc của Derrida*

Hà Hữu Nga

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Sơ lược tiểu sử Jacques Derrida

Jacques Derrida [1930-2004], là nhà triết học Pháp sinh tại Algeria, trong một gia đình Do Thái, quê gốc ở Toledo, Tây Ban Nha. Năm 1942, Derrida đã bị đuổi khỏi trường học vì đạo luật bài Do Thái của chính phủ Vichy. Sau giải phóng, ông đã hoàn thành chương trình thạc sỹ triết học về Edmund Husserl; nghiên cứu tại Đại học Harvard hai năm 1956-1957. Từ 1960-1964, ông dạy triết tại Sorbonne. Năm 1964, ông trở thành giảng viên chính thức tại École Normale Supérieure, cho đến 1984. Năm 1967, ông công bố ba cuốn sách đầu tay Écriture et Differance, La Voix et Phenomene, và De la Grammatologie. Năm 1986, ông trở thành giáo sư về các ngành nhân văn tại Đại học California, Irvine và giảng dạy ở đó cho đến khi chết vào năm 2004. Ông được đánh giá là một trong số nhà triết học quan trọng nhất của thế kỷ XX.

Khái niệm giải cấu trúc

Mặc dù không thuần túy mang tính phủ định, nhưng giải cấu trúc chủ yếu vẫn liên quan đến một cái gì đó có giá trị tương đương với một sự phê phán truyền thống triết học phương Tây.  Giải cấu trúc được thể hiện một cách khái quát thông qua việc phân tích các văn bản cụ thể. Nó tìm cách bóc trần, và sau đó lật nhào nhiều đối lập nhị nguyên khác nhau vẫn là giá đỡ cho những cách thức tư duy chủ đạo của chúng ta – hiện diện/ vắng mặt; nói/ viết, ...v.v. [Reynolds J. 2002]. Lần đầu tiên Derrida sử dụng thuật ngữ giải cấu trúc -  Deconstruction - trong công trình De Grammatologie của ông (Derrida, Jacques 1967a, p.25). Derrida tuyên bố rằng lịch sử dấu hiệu của Tây phương về cơ bản là thần học quy về Logocentrism [Ngôn trung tâm luận]. Derrida bắt đầu phương pháp tiếp cận siêu hình của ký hiệu học. Ông cho rằng khái niệm dấu hiệu và công việc giải cấu trúc luôn bị đặt vào tình thế bị hiểu lầm. Ông sử dụng thuật ngữ méconnaissance [không biết rõ, không hiểu rõ] của Jacques Lacan, để bác bỏ niềm tin cho rằng có thể nắm bắt được hiện thực [realité] bằng ngôn ngữ. Derrida luôn cố gắng chứng minh rằng không có dấu hiệu ngôn ngữ nào mà lại chỉ có nói mà không có viết. Giải cấu trúc là một phương pháp phân tích cực hạn, phi truyền thống đối lập [nhị phân] mọi loại văn bản, bằng việc khảo sát dự phóng khả biến về ý nghĩa và thông điệp của văn bản, ý nghĩa liên quan đến các độc giả và khán giả dự kiến, và các giả định ngầm ẩn trong các hình thức thể hiện. Nhiệm vụ của giải cấu trúc tìm ra và lật đổ những đối lập ấy bên trong một văn bản. Nhưng mục tiêu cuối cùng của không phải là để vượt qua tất cả những đối lập, bởi vì các đối lập đó là cần thiết về phương diện cấu trúc để tạo ra ý nghĩa. [Derrida, Jacques 1981, tr.41]

Hệ thống phân cấp các đối lập kép luôn luôn tự tái lập. Giải cấu trúc đã chỉ rõ tính cần thiết của hành động phân tích bất tận có thể làm sáng tỏ những quyết định và bạo lực võ đoán vốn có bên trong mọi văn bản. [Derrida, Jacques 1981a, tr. 41]. Chính Derrida cũng khẳng định rằng tất cả các tiểu luận của ông đã nỗ lực để định nghĩa giải cấu trúc là gì, và giải cấu trúc nhất thiết phải phức tạp và khó giải thích vì nó phê phán một cách tích cực chính cái ngôn ngữ cần phải giải thích nó [Wood, David and Robert Bernasconi, 1985]. Thuật ngữ Deconstruction mà Derrida sử dụng được dịch từ một từ tiếng Đức Destruktion [động từ (đt): destruieren: phá hủy, phá tan, triệt phá], một khái niệm từ công trình của Martin Heidegger mà Derrida tìm cách áp dụng để đọc văn bản. Thuật ngữ của Heidegger quy về một quá trình khám phá các thể loại và các khái niệm truyền thống đã áp đặt vào một từ, và lịch sử ẩn khuất sau chúng. Derrida đã chọn deconstruction giải cấu trúc [đt: construire, dt: construction, constructeur: xây dựng [tạo thành cấu trúc], sự xây dựng, người xây dựng] - thay cho cách dịch theo nghĩa đen destruction [đt: destructurer: phá hủy cấu trúc, hủy diệt] - hủy cấu trúc - để có được ý nghĩa chính xác chứ không phải ý nghĩa bạo lực hủy hoại.

Khái niệm cấu trúc

Khái niệm cổ điển về cấu trúc có đặc trưng mà Derrida gọi là sự gắn kết mâu thuẫn. Nói cách khác, nó chỉ gắn kết trong khi nó đang trấn áp một mâu thuẫn làm chỗ dựa cho chính nó. Một cấu trúc là một tổ chức, hệt như một văn bản văn học chẳng hạn, và có hình thức của pháp luật hoặc thể chế. Các loại cấu trúc này luôn được thể chế hóa, có nghĩa là một sự xác lập thông qua các bao gồm, loại trừ và các phương tiện loại các mâu thuẫn cần thiết ngay từ đầu. Các khởi đầu của loại hình này, trong thực tế không hề là khởi đầu, mà chỉ là biến đổi, thường vẫn bị quên hoặc bị bao phủ trong bí ẩn. Tất cả mọi ý niệm về cấu trúc đều có một trung tâm - một điểm của hiện diện Derrida gọi đó là nơi phát sinh cấu trúc.

Hiện diện và Vắng mặt

Bản chất của con người là khát vọng nhất quán nhằm tái cấu trúc lĩnh vực siêu việt - cái hoàn toàn vắng mặt. Cội nguồn đã mất của con người luôn khiến cho chúng ta phải liên tục tái cấu trúc các khởi điểm của mình. Ý tưởng về sự hiện diện luôn đeo đẳng ở mọi nơi, toàn bộ các khía cạnh kinh nghiệm và/hoặc tồn tại đều được chuyển thành một yếu tố gọi là sự hiện diện. Hiện diện mô tả về một trạng thái gốc, một trạng thái phải xuất hiện đầu tiên: khi ta chú mục vào trạng thái đó thì chính nó hiện diện trong quan sát của ta. Hiện diện trở thành điều khẳng định chủ yếu về nghĩa của một văn bản (tri giác thấy hoặc liên quan đến), mặc dù sự thật thì nghĩa này luôn luôn vắng mặt và cần phải được tái cấu trúc thông qua việc đọc hoặc diễn giải. Sự hiện diện xâm chiếm ý thức khi vắng mặt, đó là tình trạng biến mất của thế giới hiện thực [realité] sau bức màn ngôn ngữ. Tình trạng biến mất đó làm cho ý thức trở nên lầm lạc, trở thành vương quốc của cái chết, sự vô nghĩa, tình trạng vô minh – Tạo thành Khoảng trống (espacement - spacing). Trong khoảng trống đó, toàn bộ các loại vắng mặt mang tính εἶδος - eidos [là cái tri giác được, gồm hình thái, bản chất, loại hình] đều phụ thuộc vào nguyên lý của sự hiện diện. Liệu có tồn tại bất cứ một sự vắng mặt nào lại không liên quan đến nguyên lý hiện diện không?. Đó có lẽ là sự vắng mặt tuyệt đối, một cái gì đó luôn luôn, và ngay từ đầu đã vắng mặt, đã mất đi đối với kinh nghiệm. Chúng ta thoáng thấy sự vắng mặt tuyệt đối ở những tái hiện vì khả tính tái hiện của chúng. Nếu yếu tố hiện diện có thể được tái hiện (tức là được nhớ lại) thì phía trước sự hiện diện chính là khả tính của sự tái  hiện trong ký ức (tức là chính ký ức là khả tính tái hiện). Vì vậy ký ức đến trước và vượt lên yếu tố hiện diện, là cái mà chúng ta nhớ lại. Ký ức, như những diễn giải truyền thống làm rõ, luôn gắn liền với cái chết và việc tưởng niệm về người chết, hoặc than khóc, bằng cách đưa chúng ta trở lại, luôn luôn và từ khởi điểm đến yếu tố thứ hai (sự vắng mặt). Tuyên bố được trích dẫn nhiều nhất của Derrida “không có gì khác ngoài văn bản” (Il n’y a pas de hors-texte) đã cho thấy sự vắng mặt là không hề có, và cũng không hề có sự hiện diện.

Khái niệm trò chơi, dấu vết và cội nguồn-viết

Derrida mượn một ý niệm từ phân tâm học - mong muốn - cho rằng thực tế của một mâu thuẫn ấn định một mong muốn bị trấn áp. Xao xuyến nảy sinh là do một mong muốn không được chấp nhận. Trong trường hợp của khái niệm cấu trúc mong muốn được giành cho tính "bất động" vượt ra ngoài tầm với của trò chơi [le jeu]. Một nguồn gốc [Arché] hoặc một kết thúc [Telos] vượt ngoài trò chơi của một cấu trúc tồn tại xuyên suốt lịch sử của khái niệm này (và tất cả các khái niệm siêu hình khác) đã được huyền thoại hóa như là một điểm của sự hiện diện đầy đủ vượt khỏi trò chơi. Trò chơi (trong tất cả các nghĩa của , được thay thế cho vận hành, độ đàn hồi, khoảng cách giữa từsự vật, từ và ý nghĩa, chơi chữ, vv) làm chậm lại, hoãn lại sự hiện diện đầy đủ (ví dụ như sự hiện diện của thế giới đối với các giác quan của ta) để ta có được một cảm giác về cái thực tế mà nó có ở đó [being-there, dasein của Heidegger] - ngay cả khi nó không hiện diện đầy đủ. Các tương tác liên quan đến trò chơi: Triết học đòi hỏi các khái niệm của nó có ý nghĩa trần trụi duy nhất khẳng định vượt ra ngoài trò chơi của các thay thế (ẩn dụ và hoán dụ) có thể dùng cho tất cả các khái niệm, như các yếu tố của một cấu trúc. Tất cả những i tên để gọi các trung tâm (Thiên Chúa, Con người, Lịch sử, Chủ thể, Tư duy …vv) đều phụ thuộc vào trò chơichúng phải được coi là tuyệt đối đơn nhất trong khi thực tế về phương diện lịch sử, chúng lại được thay thế cho nhau. Để cho khái niệm về một tác giả (một trung tâm) hạn chế lối chơi của văn bản thì cần phải nỗ lực giảm thiểu tác động của trò chơi hoặc làm lu mờ tác động đó đối với việc diễn giải mà người đọc, hoặc bối cảnh lịch sử và ý thức hệ, tác động đến nó. Trung tâm chính là một trong số các khái niệm hạn chế trò chơi từ bên ngoài. Về Khái niệm dấu vết (trace), ông quan niệm: Tiếp cận của tôi với thế giới là một tiếp cập với các dấu vết của một thế giới, theo cùng một cách mà tôi tiếp cập với một văn bản là tiếp cận với các dấu vết mà người viết đã để lại cho tôi để giải mã. Dấu vết - một sự vắng mặt nguồn cội là sự vắng mặt vĩnh viễn cần thiết - tất nhiên không thể được làm cho hiện diện với các giác quan của tôi, nhưng không có nó ở đó thì thế giới đối với tôi sẽ không gì. Cách duy nhất để làm chủ nỗi xao xuyến về sự vắng mặt bên ngoài này là để che giấu những mâu thuẫn liên quan đến việc nói rằng trung tâm của một cấu trúc lại nằm ngoài cái cấu trúc đó. Người Hy Lạp cổ đại đã sử dụng từ Arche để nói về cội nguồn và từ Telos là kết thúc. Về Cội nguồn–viết (Archi-écriture) theo Derrida, ngôn ngữ là một trong những hiện tượng mà ông cố gắng khái quát hóa bằng thuật ngữ "archi-écriture" "ἀρχή - Arche" trong tiếng Hy Lạp là cội nguồn hoặc khởi đầu. Đây là một hiện tượng mà ở đó các dấu hiệu, các diễn giải và ý nghĩa của tất cả các loại, cũng như các hành động và kinh nghiệm của sự vật trong thế giới nói chung sẽ tạo nên các hiện tượng khác. Vì vậy, đối với Derrida, có một hành động viết cội nguồn (trên mô hình của các thuộc tính thiết yếu gắn liền với viết theo nghĩa thông thường) mà không có nó thì sẽ không hề có hiện tượng này cho chúng ta. Bởi vì ngôn ngữ thực hiện chức năng theo các điều kiện khả thể của nó, có nghĩa là, cội nguồn-viết. Vì vậy rất dễ thấy lý do tại sao viết lại thường để mở, tương tự với diễn giải, mặc dù không bao giờ giống hệt diễn giải.

Differ[a]nce – Nền tảng của Giải cấu trúc

Différ[a]nce là một t tiếng Pháp được Derrida đặt ra, cố ý đồng âm với từ "différence", tận dụng từ tiếng Pháp différer vừa có nghĩa là "trì hoãn" lại vừa có nghĩa là "khác biệt. " Derrida sử dụng thuật ngữ différance lần đầu, năm 1963 trong Cogito et histoire de la folie – "Tư duy và lịch sử chứng điên". Thuật ngữ này là cam kết của Derrida với triết học của Edmund Husserl trong Speech and Phenomena - Nói và các hiện tượng. [Derrida, J., 1978, tr. 75.]. Thuật ngữ này cũng được đề cập riêng trong tiếu luận Différance của ông, và trong các cuộc phỏng vấn được tập hợp thành tuyển tập Positions. [Derrida J. 1982]. Trong tiểu luận "Différance" Derrida chỉ ra rằng différance diễn tả bằng một số đặc tính không đồng nhất chi phối việc tạo nghĩa của văn bản. Đặc tính trì hoãn là: các từ và dấu hiệu không bao giờ có thể gợi ra đầy đủ những gì mà chúng có nghĩa, chỉ có thể được xác định thông qua việc viện đến các từ bổ sung, khác với chúng. Như vậy, ý nghĩa mãi mãi bị "trì hoãn" hoặc hoãn lại thông qua một chuỗi vô tận của những cái biểu đạt. Đặc tính này thiên về thời gian tính. Đặc tính khác biệt, đôi khi được gọi là espacement hoặc "tạo khoảng cách“, liên quan đến lực lượng phân biệt các yếu tố với nhau, và khi làm như vậy, nó đã sinh ra những đối lập nhị phân và các phân cấp làm cơ sở cho ý nghĩa của chính nó. Đặc tính này thiên về không gian tính. Differ[a]nce – và dấu vết vắng mặt: Thuật ngữ Differance có nghĩa là sự khác biệt với chính nó và bằng việc trì hoãn đến vô cùng bất kỳ ý nghĩa cuối cùng nào nên chính từ đó trình diễn ý nghĩa của nó. Sự khác biệt chính cái mà Differance muốn nhấn mạnh.  Phần thứ hai của trò chơi chữ liên quan đến thực tế là lỗi chính tả của Derrida chỉ được nhận ra khi từ đó được viết ra. Việc nói [phát âm] differ[e]ncediffer[a]nce bằng tiếng Pháp thì không có sự khác biệt. Điều này khiến cho chúng ta chú ý sự khác biệt giữa âm vị (phoneme φωνέω phoneo tạo âm thanh- dấu hiệu âm thanh) và đồ vị (grapheme - γράφω grapho = Viết - dấu hiệu thị giác của việc viết) và tính không thể tri giác của sự khác biệt này. Đó là sự khác biệt không thể nhận thấy Derrida sử dụng trong Differ[a]nce để mô tả i dấu vết vĩnh viễn vắng mặt, không nghe được và không nhìn thấy được.

Nghịch lý cái biểu đạt siêu việt của Difference

Ẩn ý của differ[a]nce có thể nói về mọi thứ, các từ ngữ và khái niệm, vì không thể trình bày sự vắng mặt mà differ[a]nce (Derrida không gọi nó là một từ hay một khái niệm) chỉ định. Sự vắng mặt = sự khác biệt a priori tiên nghiệm = điều kiện của trạng thái khác nhau của tất cả các sự khác biệt có thể. Có thể gọi đó là tính khác biệt. Derrida tuyên bố rằng điều đó không giống như sự khác biệt giữa các chữ cái. Nó không giống như sự khác biệt giữa đồ vị [grapheme] và âm vị [phoneme]. Cũng không phải là sự khác biệt giữa từ và khái niệm. Theo ông, đó phương tiện chuyên chở tất cả các khác biệt ấy. Nhưng vì một khác biệt/ vắng mặt tiên nghiệm như vậy chỉ có thể được đặt tên bằng một từ mà bản thân nó chịu sự tác động của tính khác biệt mà nó đang cố gắng gọi tên, vậy thì differance vừa là một từ lại vừa một khái niệm chỉ định điều kiện khả thể (và bất khả thể) riêng của . Tính trò chơi [non-telos] của Differ[a]nce: Différ[a]nce trò chơi hệ thống của các khác biệt, của những dấu vết [traces] của các khác biệt, của cái khoảng cách mà nhờ đó các yếu tố liên quan với nhau. Cần phải hiểu khái niệm trò chơi [le jeu] của Derrida là sự vận động trong một cấu trúc thiếu sự chi phối của cái trung tâm, phản mục đích luận [Πλάτωνικός Τελεολογία] của Plato. Khoảng cách này đồng thời vừa việc sản sinh chủ động và bị động (âm vị [a] của differ[a]nce chỉ rõ sự do dự này khi liên quan đến tính chủ động và tính bị động, không thể bị chi phối bởi/ hoặc bị phân bố giữa các từ ngữ đối lập này) của những khoảng cách mà không có nó thì các từ ngữ "đầy đủ" ấy sẽ không biểu nghĩa, sẽ không thực hiện chức năng. [Derrida, Jacques  1981b, pp. 28–30]. Tính đồng đại và lịch đại của Differ[a]nce: Thành phần chủ yếu khác của différance [deffering] trì hoãn, giải thích cho cái thực tế ý nghĩa là một câu hỏi không chỉ về tính đồng đại với tất cả các từ ngữ khác bên trong một cấu trúc, mà còn về tính lịch đại, với mọi thứ đã được nói và sẽ được nói, trong Lịch sử, khác biệt (quan hệ đồng đại) như cấu trúc [structure] và trì hoãn (quan hệ lịch đại) như là căn nguyên [genesis]:  Đó cũng là không gian-trở thành của chuỗi nói - được gọi là chuỗi thời gian hoặc tuyến tính; một không gian-trở thành tạo ra khả năng cho cả viết và mọi tương hợp giữa nói và viết, mọi bước chuyển từ nói đến viết. [Jacques Derrida 1981b, pp. 28–30]

Cái được biểu đạt siêu việt

Cái được biểu đạt siêu việt là cái trung tâm [centralité]: Ý tưởng về i được biểu đạt siêu việt trực tiếp liên quan đến ý tưởng cho rằng luôn có một trung tâm nghĩa, bằng cách nào đó được ấn định, được chỉ ra, hoặc được tiếp cận thông qua các công trình biểu hiện như văn học, triết học, văn hóa, nghệ thuật và các khoa học xã hội và nhân văn khác. Chúng ta có thể gọi trung tâm này là "nền tảng nghĩa" được sử dụng, có ý thức hay vô thức, như một điểm tham chiếu chủ yếu mà không có nó thì không còn sự tồn tại của ý nghĩa nữa. Cái giả định đề cho rằng phải tồn tại một trung tâm (hoặc một điểm tham chiếu trung tâm) để cho ngôn ngữ truyền đạt ý nghĩa siêu hình hay "chân thực" chính là những gì mà trong các công trình của mình, Derrida đã công kích. Đối với Derrida, việc đọc dưới sự bảo trợ của cấu trúc luận chính tạo dựng một trung tâm nghĩa, một ngữ cảnh giả cho ý nghĩa. Cái được biểu đạt siêu việt và việc phê phán cấu trúc luận: Nếu có một trung tâm về nghĩa và nếu tất cả các công trình được viết/nói ra đều thực hiện một cách hiệu quả cái dự án tương tự trong việc ấn định trung tâm đó và chỉ có trung tâm đó tồn tại bằng cách nào đó trong ngôn ngữ, thì đối với Derrida, một kết luận không thể tránh khỏi là nền văn hóa sử dụng một sơ đồ diễn giải như vậy cũng tự xác lập bản thân thành trọng tài của trung tâm đó, thành kẻ cung cấp nguồn tài liệu đó và là suối nguồn của ngôn ngữ đó. Giống như các công trình quan trọng của Foucault, các công trình của Derrida đều tìm cách khẳng định rằng một lý thuyết về ý nghĩa đem lại thẩm quyền cho một cách diễn giải duy nhất thì trở thành một công cụ hệ thống để duy trì quan điểm về tính ưu trội văn hóa. Các thuật ngữ cái biểu đạt, cái được biểu đạt siêu việt, cái trung tâm có thể được hiểu như là tập hợp khái niệm quan trọng mô tả sự phê phán của Derrida chống lại cấu trúc luận.

Cái được biểu đạt siêu việt, cái trung tâm và sự hiện diện

Cấu trúc luận đã tạo ra khả năng coi các hệ thống triết học là toàn bộ sự khẳng định về tính/cái trung tâm.  Giả định đề cho rằng cái trung tâm (Thiên Chúa [le Dieu, God], Tính hợp lý, Tính mục đích, …vv) là cơ sở, căn nguyên cho tất cả mọi thứ trong hệ thống làm cho cái trung tâm trở nên đặc biệt, không thể thay thế. Giả định đề đó cung cấp cho cái trung tâm thứ mà Derrida gọi là "sự hiện diện của trung tâm" hoặc "sự hiện diện trọn vẹn", tức là một cái gì đó không bao giờ được định nghĩa bằng cách đặt trong tương quan với những thứ khác, bởi giá trị phủ định của nó. Vai trò của cái được biểu đạt siêu việt với tư cách là trung tâm: Derrida gọi cái trung tâm đó là "cái được biểu đạt siêu việt" - bằng các thuật ngữ ký hiệu học, nguồn cội tối hậu của ý nghĩa. Điều đó có nghĩa là cái được biểu đạt siêu việt không thể được đại diện (hoặc thay thế) bởi bất kỳ cái biểu đạt tương ứng nào. Ý tưởng về Thiên Chúa là một trong vô số ví dụ tốt nhất của cái được biểu đạt siêu việt. Thiên Chúa không thể được đại diện bởi bất kỳ cái biểu đạt nào, nhưng Thiên Chúa lại trung tâm điểm mà tất cả mọi cái biểu đạt trong hệ thống đều phải quy chiếu, phụ thuộc vào,chính Chúa đã tạo ra toàn bộ hệ thống. Người ta có thể chứng tỏ rằng tất cả những tên gọi liên quan đến các nền tảng, đến các nguyên tắc, hoặc đến trung tâm đã luôn luôn chỉ định cái hằng số của sự hiện diện - eidos, arché, telos, energeia, ousia (hình thức,nguồn gốc, mục đích, sinh lực, hữu thể - aletheia (chân lý), siêu việt tính, lương thức, Thượng đế, con người, và v.v… [Derrida, J. 1967b, pp. 409-429.]

Bài học về Nietzsche, Freud, Heidegger liên quan đến cái được biểu đạt siêu việt

Derrida đưa ra vấn đề về cách chúng ta có thể nghĩ và nói về hệ thống và các trung tâm, mà không tạo ra trung tâm cho một hệ thống mới. Trong trường hợp này, ông đề cập đến Nietzsche khi ông tuyên bố Chúa đã chết [Gott ist tot] thì ông vẫn lấy chân lý làm cái được biểu đạt siêu việt. Freud với das Unbewusste [cái vô thức] làm cái được biểu đạt siêu việt; còn Heidegger thì nổi tiếng với Sein [Being] làm cái được biểu đạt siêu việt và đối lập với nó là Dasein [being] trong cấu trúc cặp đôi Hữu thể - Hiện hữu của ông. Vậy là tất cả đều cố gắng giải cấu trúc trung tâm Thiên chúa, nhưng ở một mức độ nào đó, tất cả đều thất bại, bởi vì tất cả các triết gia đó đều tạo dựng những trung tâm – những Thiên chúa mới - cho hệ thống mới của mình.

Ký hiệu và cái được biểu đạt siêu việt

Ký hiệu không phải là yếu tố thứ sinh không thể quy giản, nó luôn luôn thuộc về một cái gì đó khác nữa. Cái khác ấy đôi khi lại thực sự là bản thân nó (chẳng hạn ký hiệu này ở đây), nhưng điều đó không có nghĩa là nghĩa của ký hiệu đó (tự quy chiếu bằng phẩm chất nghĩa-ký hiệu của nó = đơn vị biểu nghĩa) là trên hết. Điều quan trọng hơn cả chính là khía cạnh biểu nghĩa của nó. Ký hiệu xuất hiện trước vật tham chiếu (cũng là ký hiệu) của nó tới mức mà ký hiệu ấy cũng chính là ký hiệu ấy, nhưng tất nhiên, đó là thứ sinh. Nó cũng chứng tỏ rằng các ký hiệu nhất thiết phải luôn luôn phân chia. Nguyên tắc của nó là khả năng lặp lại làm cho nó có vẻ như nhảy ra khỏi bản thân nó để quy chiếu trở lại. Ký hiệu đương nhiên không thể là cái được biểu đạt siêu việt, vì bản thân nó là cái biểu đạt [sign = signified [ví dụ âm thanh: cây] và signified [hình ảnh hiện ra trong đầu: cây]. Ví dụ của ông là để suy nghĩ về khái niệm "hiệu” và tính bình đẳng của các ký hiệu. Tất cả các hiệu đều bình đẳng, không hề cái được biểu đạt siêu việt đóng vai trò trung tâm chi phối bất kỳ hệ thống ký hiệu học nào. Các hệ thống biểu đạt không có các trung tâm, và do đó tất cả các hiệu đều một trò chơi vô hạn, hoặc đều có nhưng dãy ý nghĩa vô hạn. Cách duy nhất có thể nói về các hiệu là sử dụng từ “ký hiệu” mà không phải là bất kỳ khái niệm trung tâm nào khác, và bằng cách giả định nó có một ý nghĩa cố định, để rồi cố gắng “giải cấu trúc” hệ thống ký hiệu đó.

Trung tâm – Trò chơi – Sự hiện diện

i trung tâm, trong khi chi phối toàn bộ cấu trúc, thì lại hạn chế sự vận động của các yếu tố trong cấu trúc. Một hệ thống cấu trúc cũng giống như một tòa nhà, một trục trung tâm có thể cố kết tất cả các cánh và các tầng của một tòa nhà với nhau. Yếu tố trung tâm ấy chi phối toàn bộ cấu trúc như một toàn thể, và bất kỳ yếu tố đơn nhất nào có thể di chuyển. Sự tồn tại và ổn định của toàn bộ cấu trúc làm hạn chế toàn bộ sự vận động của các yếu tố trong cấu trúc, và sự vận động ấy được Derrida gọi là "trò chơi" [le jeu]. Khi một hệ thống thiếu một trung tâm, thì trò chơi trở nên vô hạn; khi một hệ thống có trung tâm, trò chơi được giới hạn hoặc bị loại bỏ. Tất cả các hệ thống rơi vào một sự liên tục giữa hai trạng huống đó. Tính ổn định - tính cố định tạo ra bởi trung tâm - chính cái mà Derrida gọi là "hiện diện" [presence]. Một cái gì đó hiện diện đầy đủ khi nó ổn định và cố định, không phải tạm thời và di động. Trò chơi đồng nghĩa với tình trạng thiếu trung tâm chính là sự gián đoạn của hiện diện. Có thể có hai thái độ đối với các ý tưởng về trò chơi với tư cách là sự gián đoạn của hệ thống / cấu trúc: nỗi nhớ cội nguồn và không chấp thuận hoặc chấp nhận.

Ngôn trung tâm luận, Ngôn âm luận: Sự đối lập giữa Nói và Viết

Logocentrism - Ngôn trung tâm luận được nhà triết học người Đức Ludwig Klages tạo ra trong những năm 1920. Đó truyền thống của khoa học và triết học "phương Tây" coi logos  Nói" cao hơn Viết. cấu trúc này nắm giữ chân lý, nên nó phải được giả định có một đối tượng nguyên gốc, không thể quy giản mà logos là đại diện. Do đó, sự hiện diện của chúng ta trên trần thế này nhất thiết phải được dàn xếp qua trung gian. Các trung gian đó, theo Derrida chính là cái được biểu đạt siêu việt, cái trung tâm, sự hiện diện. Phonologism -  Ngôn âm luận [từ nguyên φωνή phoné - âm thanh] là khái niệm của Derrida dùng thay cho cho logocentrism mô tả đặc điểm của siêu hình học truyền thống đối lập giữa NÓIVIẾT, ưu tiên NÓI hơn VIẾT. Nói được truyền thống được coi là quỹ đạo của chân lý, dấu hiệu thực sự của bản chất, chân lý và sự hiện diện của ý thức với chính nó. Ta "nghe" tiếng nói của "lý trí" khi ta tìm kiếm chân lý. Viết được coi là một dạng ký sinh, bổ sung, thấp kém hơn, và là hình thái dẫn xuất của giao tiếp. Truyền thống triết học ấy được trình bày đầy đủ trong Phaedrus của Plato, và thậm chí cả Lévi-Strauss cũng chấp nhận quan điểm này. Sự đối lập giữa VIẾT / NÓI là một trong những đối tượng chính của giải cấu trúc của Derrida. "Do đó khái niệm này vẫn nằm trong di sản của logocentrism cũng là phonocentrism: tính kề cận tuyệt đối của NÓI HIỆN HỮU [being] nghĩa của hiện hữu [being], của nóitính lý tưởng của nghĩa."

Quan niệm Platonic về Nói và Viết

Platon qua lời Socrates, kể lại cho Phaedrus: Tại thành phố Ai Cập Naucratis xưa, có một vị thần già nổi tiếng, tên là Thoth; đối với thần loài cò quăm [Ibis] rất linh thiêng, và thần là người phát minh ra nhiều loại hình kỹ nghệ, chẳng hạn như số học, các phép tính, hình học, thiên văn học và các trò chơi cờ, và xúc xắc, nhưng việc sử dụng các chữ cái mới là phát minh vĩ đại của thần. Thời đó thần Thamus là vua của toàn bộ đất nước Ai Cập; và Ngài ở trong ngôi thành vĩ đại ở Thượng Ai Cập mà người Hy Lạp gọi Thebes Ai Cập, và người dân ở đó gọi thần là Ammon. Thần Thoth đến với họ và cho chỉ cho họ thấy phát minh của mình, mong đem lại lợi ích cho họ…Thần Thoth bèn kể ra tất cả các phát minh của mình, còn Thamus thì hỏi về một số ứng dụng các phát minh đó, và ca ngợi một số phát minh, nhưng lại bài bác một số phát minh khác. Nhưng khi nói đến việc sử dụng các chữ cái, thần Thoth cho biết, sẽ làm cho người Ai Cập khôn ngoan hơn và giúp họ nhớ tốt hơn. Thamus trả lời: Ôi Thoth Tài khéo nhất mực! Bậc cha mẹ, hoặc kẻ phát minh kỹ nghệ không phải lúc nào cũng là kẻ phán xét giỏi nhất về tính hữu dụng hoặc vô dụng của cái do mình sáng chế ra trước người dùng chúng. Thế là người đã là người cha của các chữ cái, từ tình yêu của một người cha đối với những đứa con của mình khiến cho người đem đến cho chúng một phẩm chất mà chúng không thể có được. Vì khám phá này của người sẽ tạo ra lãng quên trong linh hồn của người học, chúng sẽ không sử dụng trí nhớ của mình nữa; chúng sẽ tin tưởng vào i vẻ bề ngoài được viết ra mà không còn nhớ bản thân mình nữa. Cái đặc nghệ của ngườithứ không giúp gì cho trí nhớ, mà chỉ giúp phảng phất hồi tưởng, không đem lại cho các môn đệ của mình chân lý, chỉ cho chúng cái dáng vẻ của chân lý; chúng sẽ là những kẻ nghe được nhiều điều, nhưng lại chẳng học được điều gì; chúng sẽ có hình dong của thánh thần, nhưng thật ra lại chẳng biết cái gì; chúng sẽ là lũ bơ phờ mệt mỏi, với mớ trí khôn bật gốc khỏi hiện thực. [Nehamas, A. and P. Woodruff 1995]

Văn bản và Giải cấu trúc Văn bản

Giải cấu trúc của Derrida chính là giải cấu trúc văn bản. Văn bản – text có nghĩa là: những từ của bất cứ một tài liệu viết nào, một cuốn sách, bài thơ v.v., trong dạng thức nguyên gốc của nó. Từ văn bản có nguồn gốc tiếng Latin là texere, có nghĩa là “dệt”. Và text - văn bản vẫn có nghĩa đó; một tấm vải là một thứ được “dệt thành”, hoặc “một kết cấu được dệt thành”. Vì vậy từ texture [làm thành văn bản] nói đến về sự vật nào đó, là “cái gì đó được dệt thành”, hoặc “một cái lưới”; về một cách dệt, một cách kết nối, sắp xếp các bộ phận của một chỉnh thể; hoặc “một ấn tượng cấu trúc” có thể xuất hiện thông qua một cách thức kết hợp các bộ phận của một toàn thể, như trong âm nhạc, nghệ thuật, hoặc bài viết. Giải cấu trúc, và nhất là giải cấu trúc sớm, vận hành bằng việc dấn thân vào các phân tích bền bỉ về các văn bản riêng biệt. Nó cam kết với việc phân tích ngặt nghèo nghĩa đen của một văn bản, nhưng cũng vẫn cam kết với việc phát hiện, trong đó nghĩa, có lẽ ở những góc khuất của văn bản (kể cả các chú thích), các vấn đề nội tại thực sự hướng đến các nghĩa thay thế. Vì vậy, giải cấu trúc phải thiết lập một phương pháp luận soi xét kỹ càng đến những vấn đề đáng chú ý mang tính mâu thuẫn rõ ràng (tính tương đồng và khác biệt) và một cách đọc về bất cứ văn bản derridienne nào có thể chỉ tái xác nhận khía cạnh nhị nguyên này. Giải cấu trúc cho rằng trong bất kỳ văn bản nào cũng đều chắc chắn có những điểm mập mờ và tính “bất khả quyết định” luôn phản bội bất kỳ nghĩa bền vững nào mà một tác giả có thể tìm cách để áp đặt vào văn bản của mình. Quá trình viết luôn luôn bộc lộ ra cái đã bị kìm nén, bao gồm cái đã được phơi bày, và nói chung luôn tuyệt giao với chính những đối lập được cho là duy trì bản thân nó. Chính vì vậy mà “triết học” Derrida, về phương diện văn bản, cũng như tình trạng luôn thay đổi các thuật ngữ chủ chốt, lại quá dựa vào kẻ nào, cái gì, vì khi dựa vào kẻ nào hoặc cái gì mà ông đang tìm kiếm để giải cấu trúc thì chính cái điểm mập mờ đó sẽ luôn luôn bị đặt trong một vị trí khác biệt. Giải cấu trúc văn bản được coi là cuộc chơi [le jeu] không hồi kết Cách duy nhất để dừng cuộc chơi khác biệt này là khi có cái mà Derrida gọi là “cái được biểu đạt siêu việt”. Nhưng cái được biểu đạt siêu việt kia không phải là gì khác ngoài một ảo tưởng, được duy trì bởi “siêu hình học của hiện diện”, niềm tin vào trung tâm điểm của truyền thống triết học châu Âu. Với lập luận này cái bắt đầu trở nên nổi tiếng là hậu cấu trúc luận đã được hình thành. Câu nói nổi tiếng nhất của Derrida “Il n’y a pas de hors-texte - Không có gì khác ngoài văn bản” phải được hiểu trong ngữ cảnh này. [Callinicos A. 1989].

Vấn đề cần thảo luận

1. Giải cấu trúc có thực sự “lật đổ” được truyền thống tư duy phương Tây từ thời Hy – La cổ đại đến nay dựa trên cơ sở đối lập nhị phân [kể cả siêu hình và biện chứng] không?

2. Giải cấu trúc có đóng góp gì về phương pháp và phương pháp luận cho khoa học xã hội nói chung và cho nghiên cứu nhân học và văn hóa dân gian nói riêng?.

3. Có thể khai thác được những khía cạnh nào về nhận thức, phương pháp và công cụ từ các khái niệm giải cấu trúc chủ chốt của Derrida như: differ[a]nce, khái niệm trung tâm, khái niệm hiện diện và vắng mặt, khái niệm cái được biểu đạt siêu việt, khái niệm trò chơi…cho công việc nghiên cứu các khoa học chuyên ngành và khoa học xã hội nói chung?

4. Trong nghiên cứu văn hóa dân gian, nhất là nghiên cứu thần thoại khởi nguyên, huyền thoại, huyền tích, các tích truyện, …v.v., có thể sử dụng khái niệm cái biểu đạt siêu việt hoặc cái trung tâm không?

5. Trong truyền thống nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam có tồn tại cái biểu đạt siêu việt dưới bất kỳ hình thức nào không?

6. Giải cấu trúc không chấp nhận cách tiếp cận đối lập nhị phân, vậy thì có thể đồng thời sử dụng cả phương pháp cấu trúc và giải cấu trúc để nghiên cứu nhân học và văn hóa dân gian được không?

7. Giải cấu trúc có thể có những mặt mạnh/yếu nào cho việc tiếp cận các đối tượng nghiên cứu trong các lĩnh vực cụ thể của mỗi người?

8. Có thể ứng dụng giải cấu trúc vào việc phân tích các văn bản văn học, văn hóa dân gian nào của Việt Nam?

9. Có thể ứng dụng giải cấu trúc để nghiên cứu các huyền thoại, huyền tích như: Truyện Hồng Bàng, Lạc Long Quân – Âu Cơ, Sơn Tinh – Thủy Tinh, Phù Đổng Thiên Vương, Truyện An Dương Vương, Trương Hống – Trương Hát, …v.v.?

___________________________________

* Ghi chú: Đây là nguyên văn bài nói của tôi tại Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam ngày 1/8/2015. Trước khi thuyết trình, GS. Tô Ngọc Thanh đề nghị tôi minh họa bằng việc ứng dụng giải cấu trúc vào phân tích một trường hợp cụ thể. Và đó chính là nguyên do ra đời bài viết: “Hình tượng Man Nương, hệ thống Tứ Pháp và cái được biểu đạt siêu việt” của tôi, và sau đó bài viết này được gửi tham gia Hội thảo Khoa học Vùng văn hóa Luy Lâu và công tác phát triển ngành du lịch của địa phương do Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Bắc Ninh, tổ chức tháng 9/2015. Ngoài ra bài viết cũng được in lại với tiêu đề “Khảo cổ học Nhận thức: Hình tượng Man Nương, hệ thống Tứ Pháp và cái được biểu đạt siêu việt” trong "Tuyển tập 50 năm Khảo cổ học Việt Nam 1968 - 2018", Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2018, tr. 803-815.

Tài liệu dẫn

Callinicos, A. (1989). Against Postmodernism: A Marxist critique. Cambridge: Polity Press.

Derrida, Jacques (1967a). De Grammatologie. Les Editions de Minuit, p. 25.)

Derrida, Jacques (1967b). La structure, le signe et le jeu dans le discours des sciences humaines. Derrida J. Ecriture et la Differance. Paris: "Seul", 1967. P.: 409-429.

Derrida, Jacques (1978). Cogito and the History of Madness. From Writing and Difference. Trans. A. Bass. London & New York: Routledge. p. 75.

Derrida, Jacques (1981a). Interview with Jean-Louis Houdebine and Guy Scarpetta. In Positions, translated and annotated by Alan Bass (1st ed.). Chicago: The University of Chicago Press. tr. 41.

Derrida, Jacques (1981b), Interview with Julia Kristeva. In Positions (The University of Chicago Press, 1981), pp. 28–30.

Derrida, Jacques (1982). Différance. In Margins of Philosophy, trans. Alan Bass (Chicago & London: Chicago University Press.

Nehamas, A. and P. Woodruff (1995). Πλάτων: Φαίδρος [Platon: Đối thoại]. Translated  by  A.  Nehamas  and  P.  Woodruff. Indianapolis: Hackett Publishing Co., Inc.,.

Reynolds J. (2002). Jacques Derrida (1930—2004), Internet Encyclopedia of Philosophy, A Peer-reviewed Academic Resource.

Wood, David and Robert Bernasconi (1985). Derrida and Différance, Warwick: Parousia.