Powered By Blogger

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2023

Robert Redfield và Khái niệm Xã hội Nông dân

B. B. Mohanty

Người dịch: Hà Hữu Nga

1. 2. Giới thiệu

[Tr.2] Xã hội nông dân hay giai tầng nông dân là một khái niệm gây tranh cãi trong khoa học xã hội, đặc biệt trong bối cảnh các xã hội như Ấn Độ. Ngay cả các nhà nhân học xã hội và xã hội học ở Ấn Độ, rất quan tâm đến xã hội nông dân, cũng không thống nhất về ý nghĩa gắn liền với khái niệm xã hội nông dân. Mặc dù xã hội Ấn Độ theo truyền thống được đặc trưng là một xã hội nông dân, nhưng khái niệm xã hội nông dân chỉ thu hút được sự chú ý của giới học thuật vào giữa thế kỷ 20 sau khi các nhà nhân học Mỹ và phương Tây phát hiện ra giai tầng nông dân nhằm đáp ứng mối quan tâm nhân học ngày càng tăng đối với nghiên cứu so sánh về các hoàn cảnh của con người. Trên thực tế, các nghiên cứu của Robert Redfield ở Mexico và quan niệm của ông về xã hội nông dân đã cung cấp một mô hình cho nhiều người theo ông ở phương Tây và các học giả Ấn Độ để nhìn nhận tình hình Ấn Độ dưới một góc nhìn mới. Hiểu biết về di sản trí tuệ đằng sau khái niệm xã hội nông dân của Redfield và diễn ngôn theo sau đó là điều cần thiết để hiểu rõ hơn về các thuật ngữ như nông dân, giai tầng nông dân và xã hội nông dân.

Khám phá xã hội nông dân như một đối tượng nghiên cứu

Mặc dù việc nghiên cứu về nông nghiệp và dân số làm nghề nông bắt nguồn từ các học thuyết cổ điển về kinh tế chính trị của thế kỷ 18 và 19, nhưng xã hội nông dân với tư cách là một lĩnh vực nghiên cứu về nhân học và xã hội học lại chỉ mới xuất hiện vào đầu thế kỷ 20. Theo truyền thống, các nhà xã hội học và nhân học nghiên cứu các xã hội công nghiệp phức tạp ở một đầu và đầu kia là xã hội nguyên thủy. Các nhà lý thuyết cổ điển như Marx, Weber và Durkheim đã tìm cách hiểu sự phát triển của hành vi kinh tế hiện đại bằng cách so sánh xã hội tiền công nghiệp với xã hội công nghiệp. Trong truyền thống cổ điển này, nhiều khái niệm và lý thuyết nhị phân đã được tạo ra để giải thích các xã hội hiện đại và truyền thống, công nghiệp và tiền công nghiệp; xã hội nông dân hay xã hội nông nghiệp không tìm được chỗ đứng trong khuôn khổ khái niệm sẵn có và gần như tất cả các nhà xã hội học thế kỷ 19 chủ yếu nghiên cứu về xã hội công nghiệp, còn xã hội nông dân được coi là tàn dư của xã hội công nghiệp1.

[Tr.3] Xã hội nông dân nổi lên như một lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu sau Thế chiến Thứ hai do nhận thức ngày càng tăng về tầm quan trọng của các nước thuộc Thế giới Thứ ba vốn chủ yếu là nông dân, và sự tham gia ngày càng tăng của giai tầng nông dân ở các nước này vào các quá trình chính trị. Sự quan tâm ngày càng tăng đối với các xã hội nông dân một phần là do những phát triển nhất định trong lĩnh vực nhân học, và một phần là do sự tập trung phối hợp của “các chương trình phát triển” do Liên hợp quốc tài trợ cho nông dân. Các nhà nhân học phương Tây đang thiếu các bộ lạc ‘hoang sơ’ và các cộng đồng ‘dân quê’ khép kín. Tuy nhiên, trong quá khứ, rất lâu trước các nhà nhân học, các nhà sử học, kinh tế học, lý thuyết chính trị và thống kê đã tiến hành các nghiên cứu nhưng với những quan điểm cụ thể cho ngành học của riêng họ. Nguồn gốc của việc nghiên cứu nông dân và các xã hội nông dân bắt nguồn từ những nỗ lực bản địa được thực hiện vào đầu thế kỷ 20 ở Đông và Trung Âu với sự nhận thức ngày càng tăng về các vấn đề gây đau khổ cho người dân sống ở nông thôn2.

Thực tế thì các quốc gia này sau đó phải đối mặt với vô số vấn đề do sự hiện diện của một giai tầng nông dân đông đảo – nhóm dân số nghèo nhất, lạc hậu nhất và đông đảo nhất trên con đường hiện đại hóa. Tuy nhiên, trong 25 năm đầu tiên của thế kỷ 20, nghiên cứu của người châu Âu về giai tầng nông dân đã gặp phải những điều kiện bất lợi. Những diễn biến chính trị như sự xuất hiện của nhiều loại hệ tư tưởng dân tộc, chế độ độc tài quân sự và quá trình tập thể hóa ở Nga, trong thời kỳ này đã không tạo điều kiện thuận lợi cho các nghiên cứu cụ thể về cộng đồng nông dân. Nhưng không phải không xuất hiện những nghiên cứu như vậy, cho dù chỉ rất ít3. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu này không được cung cấp cho các nước nói tiếng Anh vì chúng chỉ được viết bằng các ngôn ngữ Đông Âu ngoại trừ những đầu đề sách như Người nông dân Ba Lan ở châu Âu và châu Mỹ - The Polish Peasant in Europe and America (1918) của W. I. Thomas và F. Znaniecki và Kinh tế học Nghề nông - The Economics of Peasant Farming của Doreen Warriner được xuất bản bằng tiếng Anh năm 1939.

Mặc dù những truyền thống học thuật này tạo ra rất nhiều lý thuyết và dữ liệu, nhưng mức độ xử lý vấn đề nông dân như vậy vẫn còn gây tranh cãi; điểm tham chiếu của những truyền thống như vậy rất đặc trưng cho giai tầng nông dân có vấn đề [tr.4] về mặt chính trị ở các quốc gia châu Âu cụ thể. Tuy nhiên, các nghiên cứu được thực hiện ở giai đoạn sau đó với những lý thuyết thuyết phục khác nhau đã tạo ra nhân học về giai tầng nông dân như một môn học truyền đạt cho nó sức sống và độ chính xác khoa học. Trong số những lý thuyết thuyết phục phổ biến lúc bấy giờ, thì lý thuyết tương đối luận văn hóa đã mở ra các khả tính xác định những nét đặc trưng của xã hội nông dân. Việc tìm kiếm các khía cạnh có thể phân biệt người nguyên thủy với nông dân đã được bắt đầu. Nhân học của A. L. Kroeber (1948) thường được coi là người đặt định “giai tầng nông dân” như một khái niệm cho nhân học. Kroeber đã xác lập các phạm trù khái niệm hiện có về xã hội và do đó thu hút sự chú ý của nhà nhân học xã hội vào giai tầng nông dân, mà trước đó họ chỉ nghiên cứu các bộ lạc nhỏ và các cộng đồng dân quê khép kín. Nghiên cứu đầy đủ đầu tiên về cộng đồng nông dân được thực hiện vào năm 1930 với việc xuất bản cuốn Làng Tepoztlán của người Mexico - Tepoztlán, a Mexican Village của Robert Redfield đề cập đến một pueblo làng nói tiếng Aztec và tiếng Tây Ban Nha gồm khoảng 4.000 người ở phía bắc Morelos, không xa Thành phố Mexico nhưng tương đối biệt lập. Sau một loạt nghiên cứu ở Mexico, Redfield đã hình thành khái niệm về thể liên tục dân quê-đô thị. Trong khi xã hội dân quê đề cập đến các cộng đồng trong quá khứ thì xã hội đô thị đại diện cho cuộc sống đương đại. Giữa hai đầu này, xã hội nông dân được coi là một khái niệm trung gian. Thể liên tục này đã tạo ra một nhóm nghiên cứu về văn liệu nhân học (Beals 1946; Embree 1939; Lewis 1951; Redfield và Rojas 1934). Chỉ trong thời kỳ này việc nghiên cứu về xã hội nông dân mới có tầm quan trọng học thuật lớn hơn. Redfield lưu ý rằng nghiên cứu về người nông dân, “một loại hình người dễ nhận biết và lâu dài” cung cấp một loại cầu nối giữa sự biệt lập nguyên thủy và các nền văn minh. Theo ông, việc nghiên cứu về giai tầng nông dân “kêu gọi những suy nghĩ và quy trình khảo sát mới” do đó làm cho nhân học “thú vị hơn rất nhiều4”.

Nông dân như một phạm trù phân tích

Mặc dù các nhà khoa học xã hội có niềm tin trí tuệ đa dạng đã nghiên cứu về nông dân ở những thời điểm khác nhau, nhưng khái niệm “nông dân” chưa bao giờ được sử dụng một cách nhất quán hoặc rõ ràng và một số người đã sử dụng thuật ngữ này như thể nó là một khái niệm tự-giải thích. “Nông dân” không được sử dụng như một phạm trù phân tích, thậm chí nó cũng không được coi là một thuật ngữ cần định nghĩa. A. L. Kroeber khi phát triển ý tưởng [tr.5] về xã hội nông dân như một bước trung gian giữa các xã hội bộ phận và các nền văn hóa bộ phận, đã định nghĩa nông dân là những người “cấu tạo nên các xã hội bộ phận với các văn hóa bộ phận, chắc chắn là nông thôn, nhưng lại sống trong mối quan hệ với một thành thị...(những người) thiếu sự độc lập, thiếu tự chủ về chính trị và tính tự túc của người dân bộ lạc, tuy nhiên các đơn vị địa phương của họ vẫn duy trì phần lớn bản sắc cũ, sự hòa nhập và gắn bó với đất đai”. Điều này đã dẫn đến bất đồng và tranh cãi trong các nghiên cứu về nông dân vì cả những người canh tác bộ lạc và những người nông dân hàng hóa [farmer] hiện đại đều có quyền đòi danh hiệu nông dân [peasant].

Thuật ngữ ‘nông dân’ tiếp tục xuất hiện tình cờ trong các nghiên cứu về nông thôn. Ngay cả những nghiên cứu được thực hiện trong một phần tư thế kỷ sau công trình Tepoztlan của Redfield, (như Chan Kom: A Maya Village - Chan Kom: Ngôi làng người Maya của Redfiled (với Villa Rojas); và Văn hóa Dân quê Yucatan; The Irish Countrymen and Family and Community in Ireland – Dân quê Irish và Gia đình, Cộng đồng ở Irland - của Arensberg (với Kimball); Milocca: A Sicilian Village – Milocca, ngôi làng Sicilia của Chapman; Suye Mura: Ngôi làng Nhật Bản của Embree; Cuộc sống của người nông dân Fei ở Trung Quốc: Một nghiên cứu thực địa về cuộc sống nông thôn ở thung lũng Dương Tử; Cuộc sống của Lewis ở một ngôi làng Mexico: Nghiên cứu hồi cố Tepoztlan; Cherdn: Ngôi làng Tarascan Sierra của Beals; Những đứa con của Đế chế: Người dân Tzintzuntzan của Foster; v.v.) vẫn vấp phải sự mơ hồ này. Trong khi một số người coi nông dân là “một cách sống, một tổ hợp tổ chức chính thức, các hành vi cá nhân và quan điểm xã hội, gắn kết chặt chẽ với nhau nhằm mục đích canh tác đất đai bằng các công cụ đơn giản và sức lao động của con người”, thì những người khác lại sử dụng thuật ngữ này đồng nghĩa với nông dân hàng hóa [farmer]. S. Silverman đã nhận xét đúng, ‘thuật ngữ này hiếm khi được định nghĩa mà đúng hơn là được sử dụng như thể nó tự giải thích, với ý nghĩa từ điển thông thường là những kẻ quê mùa làm việc trên đồng ruộng5’.    

Có lẽ việc sử dụng khái niệm nông dân mang tính phân tích đầu tiên là của Raymond Firth trong Malay Fishermen: their Peasant Economic – Nền kinh tế Nông dân của Ngư dân Malay (1946). Ở đây, Firth đã sử dụng thuật ngữ này như là ‘một phạm trù kinh tế xã hội’ và biện minh cho việc áp dụng nó đối với những người không-canh tác. Tiêu chí rõ ràng của ông là kinh tế: những người sản xuất quy mô nhỏ với công nghệ phi-công nghiệp chủ yếu dựa vào những gì họ sản xuất ra để tồn tại. Do đó, ông đưa vào phạm trù những người sản xuất quy mô nhỏ mà không phải là những người canh tác chia sẻ ‘cùng một loại tổ chức kinh tế đơn giản’, như ông đã đề cập trong Các yếu tố Tổ chức xã hội - Elements of Social Organization (1951). Tuy nhiên, ông nói thêm, “và đời sống cộng đồng”, sau đó tiếp tục nói về tính chất “dân quê” của những cộng đồng ấy. Sau này trong bài tiểu luận Vốn, Tiết kiệm và Tín dụng trong các Xã hội Nông dân - Capital, Saving and Credit in Peasant Societies xuất bản năm 1964, Firth đã mở rộng thuật ngữ này cho ‘những “người nông thôn” phi nông nghiệp khác, chia sẻ đời sống xã hội và các giá trị của những người canh tác” bởi vì “họ [ tr.6] là một phần của cùng một hệ thống xã hội”. Định nghĩa của Firth có vẻ quá rộng và gây khó khăn cho việc phân biệt nông dân với người không phải nông dân khi ông mở rộng thuật ngữ này để đưa cả những người không canh tác như thợ thủ công và ngư dân vào phạm trù như vậy.

Chỉ đến giữa những năm 1950, ‘nông dân’ mới được xác lập như một phạm trù phân tích và một chủ đề theo đúng nghĩa của nó. Trong Thế giới Nguyên thủy và những Biến đổi của nó - The Primitive World and Its Transformations năm 1953, Robert Redfield và các nhà nhân học tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu về nông dân, đã thảo luận về “nông dân…như một kiểu người”. Năm 1955, Eric R. Wolf đăng trên tờ American Anthropologist Nhà Nhân học Mỹ bài báo Types of Latin American Peasantry: A Preliminary Discussion - Các loại hình Nông dân Mỹ Latinh: Thảo luận sơ bộ”, bắt đầu bằng phần Loại nông dân - The Peasant Type trong đó ông phát triển định nghĩa về ‘nông dân’ trên cơ sở ba đặc trưng. Bài giảng năm 1954 của Redfield tại Đại học Chicago về The Peasant's View of the Good Life - Quan điểm của Nông dân về Cuộc sống Tốt đẹp đã kích thích triết gia F. G. Friedmann tổ chức một hội nghị chuyên đề thư tín liên tục  có tựa đề The Peasant: A Symposium Concerning the Peasant Way and View of Life - Nông dân: Hội nghị Chuyên đề về Lối sống và Quan điểm sống của Nông dân”, hội thảo bắt đầu bằng việc trao đổi thư từ giữa chín học giả. Năm 1956, Redfield xuất bản bài giảng này cùng với ba bài giảng khác là Peasant Society and Culture - Xã hội và Văn hóa Nông dân và coi nó như một phần tái bút cho Little Community - Cộng đồng Nhỏ, trong đó ông “suy ngẫm về các cộng đồng nhỏ độc lập với những thứ bên ngoài họ”.

Như Theodor Shanin đã nêu trong một bài báo chuyên đề, Peasantry: Delineation of a Sociological Concept and a Field of Study - Giai tầng Nông dân: Phác họa một Khái niệm Xã hội học và một Lĩnh vực Nghiên cứu xuất hiện trên Tạp chí Xã hội học Châu Âu năm 1971, khái niệm về giai tầng nông dân được tiếp cận từ bốn truyền thống khái niệm chính: a) Lý thuyết giai cấp Marxist, b) Loại hình học “nền kinh tế cụ thể”, c) Truyền thống văn hóa dân tộc học, và d) Truyền thống Durkheimian. Mỗi truyền thống này có xu hướng nhấn mạnh một khía cạnh cụ thể của sinh kế nông dân và áp dụng cách tiếp cận liên quan chặt chẽ đến việc phân tích sự thay đổi xã hội và sự phân rã của giai tầng nông dân trong “thế giới hiện đại”. Trong khi cách tiếp cận của chủ nghĩa Marx đối với giai tầng nông dân dưới góc độ các mối quan hệ quyền lực, thì kiểu hình truyền thống kinh tế lại nhìn nông dân dưới góc độ của những cách thức cụ thể mà một trang trại gia đình vận hành. Truyền thống văn hóa dân tộc học, bắt nguồn từ dân tộc học Đông Âu cũng như từ nhân học truyền thống phương Tây, coi nông dân như những đại diện của một truyền thống dân tộc trước đó, được bảo tồn qua “độ trễ văn hóa”, bởi quán tính đặc trưng của xã hội nông dân. Mặt khác, truyền thống Durkheim phân chia xã hội thành truyền thống và hiện đại, đặt giai tầng nông dân vào vị trí trung gian giữa các phân đoạn tự cung tự cấp của xã hội “dân quê” và các xã hội hiện đại có sự tương tác “hữu cơ”. Mặc dù [tr. 7] Kroeber đã đặt nền móng cho truyền thống này, nhưng Redfield mới là người phát triển nó thông qua một số nghiên cứu thực nghiệm.

Khái niệm hóa Giai cấp Nông dân của Robert Redfield

Trong Xã hội và Văn hóa Nông dân, Redfield coi nông dân là những người sản xuất nhỏ kiếm sống và có lối sống thông qua việc canh tác đất đai. Định nghĩa hoặc mô hình khái niệm của ông về nông dân và xã hội nông dân loại trừ nhiều cộng đồng trước đây được coi là nông dân, và ngụ ý rằng nông dân hoặc không nhận thức được động cơ lợi nhuận hoặc không chấp nhận nó. Khác với Firth, ông không bao gồm những người thu lượm, săn bắn, ngư dân và người chăn nuôi vào khái niệm nông dân. Hơn nữa, Redfield xem xét Eric Wolf một cách tỉ mỉ để đưa ra định nghĩa cụ thể hơn. Eric Wolf trong bài báo Types of Latin American Peasantry - Các loại hình nông dân Mỹ Latinh” xuất bản năm 1955 trên tạp chí American Anthropologist, đã định nghĩa nông dân là những người sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ mà mối quan tâm của họ là sinh kế chứ không phải tái đầu tư. Đối với ông, nông dân không coi đất đai là hàng hóa vốn. Kết hợp ý tưởng này của Wolf, Redfield đã giới hạn thuật ngữ nông dân là những người làm nông nghiệp nhỏ mà đối với họ nông nghiệp là sinh kế chứ không phải là công việc kinh doanh vì lợi nhuận.

Áp dụng cách tiếp cận của Kroeberian, ông tiếp tục xây dựng định nghĩa bằng cách cho rằng văn hóa của một cộng đồng nông dân không mang tính tự trị, mà đó là một khía cạnh của nền văn minh mà nó là một bộ phận. Do đó, ông giải thích tính chất tiếp nhập của giai tầng nông dân với xã hội rộng lớn hơn thông qua “những truyền thống vĩ đại” và “tính chất độc nhất” của nó bằng “những truyền thống nhỏ” của chính họ. Redfield tin rằng xã hội và văn hóa nông dân có điều gì đó mang tính giống loài chung và là “một kiểu sắp xếp của nhân loại với một số điểm tương đồng trên toàn thế giới”. Không giống như các xã hội và các nền văn hóa nguyên thủy, các thuộc tính đa dạng của nông dân không hoàn toàn biệt lập mà “có những mối quan hệ song hành và thăng trầm với các sắc dân bộ lạc nguyên thủy và với các thị trấn, thành phố”. Trong chương IV của Xã hội và Văn hóa Nông dân, Redfield đem đến cho chúng ta một nhận xét thú vị đối với quan điểm của nông dân về cuộc sống tốt đẹp và gợi ý những đặc điểm sau: “sự gắn bó mãnh liệt với mảnh đất quê hương; thái độ tôn kính đối với nơi sinh cư và lối sống của tổ tiên; kiềm chế tư lợi cá nhân vì gia đình và cộng đồng; một sự nghi ngờ nào đó, pha trộn với sự đánh giá cao, về cuộc sống thị thành; một đạo lý tỉnh táo và trần thế”.

Theo ghi nhận của Silverman (1979), có ba yếu tố cụ thể trong cách tiếp cận của Redfield nhằm định nghĩa người nông dân: lối sống, cộng đồng và truyền thống. “Lối sống” [tr. 8] được đặc trưng bởi các thuộc tính văn hóa nhất định theo nghĩa các thái độ, giá trị và các yếu tố tư tưởng khác. Redfield nhấn mạnh về mặt lý thuyết vào những hiểu biết thông thường, thế giới quan, phong cách sống và trên hết là phẩm chất hay cuộc sống. Thứ hai, có giả định cho rằng nông dân sống trong những loại cộng đồng cụ thể. “Cộng đồng” được sử dụng thay thế cho “làng” hoặc các đơn vị hay khu định cư khác mà các nghiên cứu về nông dân được đồng nhất với nghiên cứu làng. Thứ ba, nông dân được coi là ‘truyền thống’ (có liên quan đến nội dung văn minh) trong sự tương phản về mặt loại hình học giữa truyền thống và hiện đại. Quan niệm của Redfield về nông dân và xã hội nông dân đã ảnh hưởng lớn đến diễn ngôn khái niệm sau đó6. Ảnh hưởng của ông cũng nổi bật ngay cả trong định nghĩa của các học giả nhấn mạnh đến khía cạnh kinh tế hoặc chính trị của giai tầng nông dân. Shanin trong bài viết Peasantry: Delineation of a Sociological Concept and a Field of Study - Giai tầng Nông dân: Phác họa một Khái niệm Xã hội học và một Lĩnh vực Nghiên cứu trên Tạp chí Xã hội học Châu Âu đã tóm tắt ngắn gọn một số truyền thống trí tuệ chính mà nghiên cứu về các giai tầng nông dân đã được phát triển trong đó. Ông đưa ra một định nghĩa chung dựa trên 4 đặc điểm cơ bản của các nhóm như a) Trang trại gia đình nông dân là đơn vị cơ bản của tổ chức xã hội đa chiều; b) Nghề nông gắn với đất đai là phương tiện sinh kế chính; c) Văn hóa truyền thống cụ thể; và d) Vị thế yếu kém.

Mặc dù định nghĩa của Shanin chỉ rõ quan điểm của chủ nghĩa Marxist/ Leninist đối với nông dân, nhưng nó cũng phản ánh ảnh hưởng của Redfield khi nhấn mạnh vào mối liên kết hữu cơ giữa giai tầng nông dân, quý tộc nhỏ và các tầng lớp xã hội khác.

Truyền thống Redfield và diễn ngôn về Nông dân ở Ấn Độ

Mặc dù bản thân Redfield không thể áp dụng mô hình phân tích mà ông đã phát triển trong các nghiên cứu ở Mexico vào bối cảnh Ấn Độ7, nhưng các khái niệm có ảnh hưởng sâu rộng của ông về tương đối luận văn hóa đã được khảo sát và giá trị của chúng đã được kiểm chứng bằng thực nghiệm trong một số nghiên cứu về làng xã vào những năm 1950 và 1960. Theo một cách nào đó, nghiên cứu về nông dân đã xuất hiện ở Ấn Độ cùng với nghiên cứu về làng xã. Milton Singer đã áp dụng mô hình “Truyền thống nhỏ” và “Truyền thống lớn” để tìm hiểu cơ cấu xã hội thôn làng. Chắp mối từ [tr.9] Redfield, McKim Marriott đã đưa ra hai khái niệm bổ sung cho nhau giải thích hai quá trình song hành là Phổ quát hóa và Cục bộ hóa. “Phổ quát hóa” và “cục bộ hóa” của Marriott được Redfield công nhận là sự thể hiện hiệu quả đầu tiên về sự xâm nhập lẫn nhau của các truyền thống lớn và nhỏ. Oscar Lewis đã thêm vào vốn thuật ngữ bằng khái niệm Rural Cosmopolitanism - Vũ trụ luận Nông thôn. Việc xem xét kỹ lưỡng những khái niệm này đã khiến S. C. Dube (1958) đề xuất một cách phân loại truyền thống Ấn Độ thành năm phần: cổ điển, khu vực, địa phương, phương Tây và quốc gia mới nổi (classical, regional, local, western, and emergent national).

Theo cách tiếp cận của Redfield về thể liên tục dân quê-thành thị, các học giả đã phát triển các khuôn khổ của thể liên tục Bộ lạc-Đẳng cấp, Bộ lạc-Nông dân, và Nông thôn-Thành thị đã tạo ra một số công trình nghiên cứu trong đó đề xuất các thể liên tục từ ‘Bộ lạc’ đến ‘Nông dân mới nổi’ hoặc ‘Nguyên-Nông dân’ đến ‘Nông dân’ (Xem ví dụ, Bailey 1960, Bose 1962; Sinha 1965, Majumdar 1972, Bhandari 1978, Goswami 1978). Dựa trên nghiên cứu của mình (xuất hiện trên Tạp chí Xã hội học Hoa Kỳ năm 1962), Santi Priya đã giải thích sự liên quan của mô hình Redfield về hệ thống giá trị dân quê-thành thị và hành vi của nông dân ở Tây Bengal. Theo cách tiếp cận của Redfield, Surajit Sinha giải thích quá trình thay đổi từ xã hội bộ lạc biệt lập, đồng nhất và không phân tầng sang xã hội đẳng cấp và xã hội nông dân. J. S. Bhandari (1978) đã đặt ra thuật ngữ Emergent Peasant - Nông dân mới nổi để chỉ một bộ lạc thực hành canh tác định cư mà không tham gia vào “Đại Truyền thống” của xã hội rộng lớn hơn. Goswami (1978) gọi Nông dân mới nổi của Bhandari là Proto-peasant - Nguyên-nông dân vì những lý do tương tự. Tóm lại, như L. P. Vidyarthi đã nói, Redfield “đã đưa ra định hướng lý thuyết và phương pháp luận để hiểu các cộng đồng dân quê và các cộng đồng nông dân ở Ấn Độ như là các khía cạnh của nền văn minh Ấn Độ” (Vidyarthi 1978:19).

Mặc dù ảnh hưởng của Redfield đã đặt ra một truyền thống nghiên cứu làng xã mới ở Ấn Độ, truyền cảm hứng cho các nghiên cứu về nông dân trong xã hội học và nhân học xã hội, nhưng quan niệm của ông về nông dân và xã hội nông dân đã đặt ra nhiều vấn đề về khái niệm như được minh chứng trong các công trình của F. G. Bailey và Andre Beteille. Tính thiếu minh bạch trong việc định nghĩa “văn hóa nông dân” đã khiến cho những người chỉ trích Redfield phủ nhận hoàn toàn tính hữu ích của nó. B. B Choudhury (2008) nhận xét rằng phương pháp xác định “xã hội nông dân” của Redfield bằng cách so sánh nó với xã hội bộ lạc (‘cộng đồng nguyên thủy’) và “xã hội đô thị” là đáng ngờ. Ông cũng cho rằng các tiêu chí “văn hóa” của Redfield để phân biệt một xã hội nông dân cũng quá chung chung, khó có thể dùng làm phương pháp luận hợp lý cho việc tìm hiểu lịch sử có ý nghĩa. ‘Lối sống’ nông dân, ‘các giá trị nông dân’ hay ‘thế giới quan nông dân’ không thể quy giản thành một tập hợp các thuộc tính hiện diện phổ biến với tư cách là ‘lối sống’ rất đa dạng về thời gian và địa điểm.

[Tr.10] Dựa trên nghiên cứu thực địa của mình ở Orissa (nay là Odisha), F. G. Bailey đã đưa ra một loạt kết luận khác hoàn toàn trái ngược với những quan sát của Redfield8. Trong khi Bailey thừa nhận ‘sơ đồ nhận thức’, tức là ‘tập quán, thế giới quan, các biểu hiện tập thể, niềm tin và giá trị của nông dân ở các làng hoặc địa phương cụ thể’, nhưng ông vẫn phủ nhận giá trị phổ quát của ‘sơ đồ’ này. ‘Quan điểm của nông dân về cuộc sống tồi tệ’ của ông chống lại những gì Redfield muốn nói về ‘lối sống’ của nông dân, ‘giá trị nông dân’ hay ‘thế giới quan nông dân’. Hai kết luận chính của Bailey liên quan đến “quan điểm của người nông dân về cuộc sống tồi tệ” rất quan trọng trong bối cảnh này. Đầu tiên, ông nhận thấy rằng nông dân không tin tưởng vào “người ngoài” và họ coi người ngoài như kẻ thù của mình. Thứ hai, ông bác bỏ quan điểm lãng mạn về cuộc sống nông thôn; ‘sự chắc chắn và đáng tin cậy của nó’. Những lời chỉ trích tương tự cũng được Sutti Ortiz đưa ra về khái niệm ‘văn hóa nông dân9’. Ông cho rằng các nhân tố hình thành nên hành vi và hệ tư tưởng nhiều đến mức không thể tưởng tượng được rằng các cá nhân được nhóm lại với nhau, bởi vì một số người trong số họ có chung những sắp xếp kinh tế nhất định và phải đối mặt với một kiểu thống trị chính trị cụ thể, có cùng các giá trị văn hóa, các hệ thống nhận thức và tổ chức xã hội rất giống nhau. Hơn nữa, ngay cả ở những nơi nông dân có cùng nền văn hóa, thì hành vi kinh tế của họ cũng không thể được giải thích bằng thái độ, giá trị và hệ thống nhận thức của họ. Các hệ tư tưởng có thể hướng dẫn hành vi nhưng cũng có thể được sử dụng để biện minh cho những hành động trong quá khứ được thúc đẩy bởi các nhân tố khác.

Beteille trong khi giải thích khái niệm xã hội nông dân trong Sáu tiểu luận về Xã hội học So sánh đã lập luận rằng giống như các học giả phương Tây khác, Redfield cũng coi làng là cộng đồng thuần nhất của nông dân và tin rằng những người sống trong làng là nông dân và làng là nơi nông dân sinh sống và đối xử với nông dân như một nhóm không phân biệt, hoàn toàn khác biệt với các xã hội có giai cấp. Lấy ví dụ về nghiên cứu làng của chính mình (Sripuram ở Tamil Nadu), và trích dẫn một số nghiên cứu khác, Beteille chỉ ra những hạn chế trong quan niệm của Redfield về giai tầng nông dân ở Ấn Độ. Ông nói rằng có những bộ phận người dân ở vùng nông thôn Ấn Độ hoặc ở các ngôi làng không phù hợp với quan niệm về giai tầng nông dân như Redfield gợi ý. Trong bối cảnh này, ông đề cập đến sự hiện diện của một cộng đồng Bà La Môn khá lớn gồm những người nắm giữ đất agraharam [là đất của vua hoặc quý tộc cấp cho những người Bà La Môn] không phải trả tiền thuê ở Sripuram, và họ không trực tiếp canh tác các thửa đất đó. Đối với Beteille, đây là tầng lớp quý tộc nhỏ, và việc gọi họ là nông dân thì thực sự thất bại về mặt phân tích. Đối với ông, do sự phức tạp của xã hội Ấn Độ, nên định nghĩa về giai tầng nông dân của Redfield có thể không thích hợp với tình hình ở Ấn Độ. Trong bối cảnh này, ông viết, “Các nhà nhân học Ấn Độ dường như chưa suy nghĩ đầy đủ về các đặc điểm [tr.11] cụ thể của nông dân Ấn Độ, nên đã cho rằng họ cũng có những đặc điểm chẳng khác nào nông dân ở khắp mọi nơi”. Tuy nhiên, người ta nhận xét rằng Beteille đã nhấn mạnh quá mức những mối quan tâm về mặt phân loại trong cách tiếp cận của Redfield10. Đối với Beteille, có vẻ như nông dân là người chủ-canh tác nhỏ; công nhân nông nghiệp có thể được chấp nhận vào phạm trù đó khi được coi là đối lập với giai tầng quý tộc nhỏ không canh tác, nhưng tầng lớp này phải đặt ngoài giới hạn đó.

Kết luận

Robert Redfield đã có đóng góp đáng kể giúp cho các nhà nhân học và xã hội học nghiên cứu về Ấn Độ nhận thức được xã hội nông dân là đối tượng nghiên cứu của họ. Cách tiếp cận phân tích của ông mang lại sự đánh giá cao về mặt lý thuyết đối với các cộng đồng dân quê và nông dân ở Ấn Độ như một khía cạnh của nền văn minh. Mặc dù sự liên quan trong cách khái niệm hóa tầng lớp nông dân của ông còn gây tranh cãi ở Ấn Độ, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế xã hội đương đại đang thay đổi nhanh chóng, nhưng truyền thống Redfield vẫn tiếp tục tạo ra sự quan tâm đến các nghiên cứu về nông dân và làng xã, đồng thời thống trị các nghiên cứu xã hội học nhân học trong vài thập kỷ đầu tiên ở khu vực nông thôn Ấn Độ.

________________________________________

Nguồn: Mohanty B.B. (Year?) Robert Redfield and the Concept of Peasant society. https://epgp.inflibnet.ac.in/ epgpdata/ uploads/ epgp content/ S000033SO/ P000292/ M015401/ET/ 1495706117m 2 et.pdf

Tác giả: B. B. Mohanty là Giáo sư, Khoa Xã hội học, Đại học Pondicherry, Ấn Độ

Notes

1. For example, Marx’s analysis led him to believe that the peasantry could not survive in the long term and would tend to disappear, with most of them being displaced from land and joining the proletariat.

2. Studies made especially by V. I. Lenin and Karl Kautsky attached greater significance to peasantry. Lenin emphasized the problem of ‘middle peasants’ as a problem in the context of post-revolutionary developments.

3. For example, Chayanov, who challenged the Marxist line of analysis, in his Peasant Farm Organization and The Theory of Peasant Co-operatives published in 1925 and 1927 respectively, wrote on peasantry and advanced a theory of ‘peasant economy’. Besides, there were other studies like Doreen Warriner’s The Economics of Peasant Farming, 1939;Conrad M Arensberg’s The Irish Countrymen, 1937; David Mitrany’s The Land and Peasant in Rumania, 1930; W. I. Thomas and F. Znaniecki's The Polish Peasant in Europe and America (1918); and Raymond Firth’s Malay Fisherman, 1946.

4. See Robert Redfield. Peasant society and Culture , 1956 p. 69, 141

5. See, S Silverman, ‘The peasant concept in anthropology’, The Journal of Peasant Studies, 1979, Vol. 7, No. 1, 49-69.

6. For example, see George M Foster, . 'Introduction: What Is a Peasant?' In Peasant Society: A Reader. 1967, Boston: Little, Brown, McKim Marriott, 'Little Communities in an Indigenous Civilization'. In Village India, 1955.

7. In fact, Redfield and Singer deciSded to concentrate on India as ‘‘a concrete and detailed example of developed method for at least one civilization. ’’ In the fall of 1955, Redfield and hiswife departed for India for fieldwork in the eastern region of Orissa, where, Redfield thought, ‘‘the whole range of human civilizations’’ – everything from primitive forest dwellers to peasants to townspeople and ‘‘modern intellectuals’’ – could be found. Soon after arriving in India, however, Redfield fell ill and was advised to return immediately to Chicago.

8. See, F. G . Bailey, ‘The peasant view of the bad life’ in T. Shanin (ed), 1971.

9. See, S. Ortiz, ‘Reflections on the concept of'peasant culture' and 'peasant cognitive system’ in T. Shanin (ed), 1971.

10. For details see, T N Madan’s review of Andre Beteille’sSix essays in comparative sociology in The Indian Economic and Social History Review, 1975, Vol. 12, No. 1.

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét