Powered By Blogger

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2023

Khái niệm Tầng lớp Nông dân

Siva Prasad R.

Người dịch: Hà Hữu Nga

7.0. Introduction

[Tr.99] Trong nhân học, khái niệm nông dân (peasant) và giai tầng nông dân (peasantry), với tư cách là một phạm trù xã hội, đã trở nên thịnh hành nhờ tác phẩm của Robert Redfield, người đã đưa nghiên cứu nông dân trở thành một bộ phận-xã hội và một bộ phận-văn hóa. Mặc dù định nghĩa về nông dân chỉ được Kroeber (1948) đưa ra ở một đoạn trong cuốn sách về nhân học của ông, nhưng chính Redfield mới là người đặt vị trí trung tâm cho việc nghiên cứu về nông dân trong nhân học. Đây cũng là một trong những nỗ lực ban đầu để nghiên cứu các xã hội phức tạp. Theo truyền thống, các nhà nhân học nghiên cứu những xã hội đơn giản còn tồn tại ở các vùng xa xôi và phần lớn là những xã hội nguyên vẹn. Các xã hội nông dân tương đối phức tạp, do đó việc nghiên cứu các xã hội phức tạp của các nhà nhân học đã bắt đầu từ đó. Redfield đưa ra khái niệm thể liên tục dân quê-thành thị (folk-urban continuum) như một mô hình để phân tích các xã hội phức tạp. Điều này đã mang lại cho các nhà nhân học phạm vi rộng lớn hơn để áp dụng lý thuyết và phương pháp mà họ đã phát triển trong nhiều năm vào việc nghiên cứu các tầng lớp khác nhau của nhân loại. Theo một cách nào đó, Redfield đã khởi xướng động thái mở rộng phạm vi nhân học từ nghiên cứu các xã hội đơn giản đến các xã hội phức tạp hơn.

Người ta còn tranh cãi liệu nông dân và giai tầng nông dân có phải là một phạm trù riêng biệt hay chỉ là một giai đoạn trong quá trình phát triển của lịch sử loài người, ‘biến mất’ cùng với sự tiến bộ của chủ nghĩa tư bản, như Hamza Alavi (ở Shanin, 1986), Theodor Shanin [tr.100] (1986) và những người khác lập luận. Nhưng dù lý lẽ là gì, thì khái niệm người nông dân và giai tầng nông dân cũng đã gợi lên rất nhiều sự quan tâm của các nhà nhân học, xã hội học và các nhà khoa học xã hội khác. Một câu hỏi được đặt ra là, trước những thay đổi sâu rộng đã xảy ra trong nền kinh tế và cơ cấu xã hội trên toàn cầu, liệu người nông dân hay giai tầng nông dân có phù hợp trong bối cảnh ngày nay không? Nếu vậy, việc nghiên cứu nông dân và giai tầng nông dân như một phạm trù xã hội có liên quan đến mức nào? Bài viết này sẽ cố gắng trả lời những câu hỏi ấy và giúp người đọc hiểu một cách logic về khái niệm nông dân và giai tầng nông dân cũng như những mối liên quan của nó.

Sẽ là sai lầm khi cho rằng việc nghiên cứu về nông dân và giai tầng nông dân không còn hữu ích do có nhiều thay đổi đã diễn ra trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa. Birgit Muller chỉ ra, “Sau một thời gian dài im lặng và thờ ơ, thuật ngữ “nông dân” lại trở thành tâm điểm vào năm 2013, khi các tổ chức nông dân thuyết phục Hội đồng Nhân quyền ở Geneva khởi xướng các cuộc đàm phán hướng tới việc xác lập Tuyên bố về Quyền của Nông dân của Liên hợp quốc và những người khác làm việc ở khu vực nông thôn (United Nations Declaration on the Rights of Peasants and Other People Working in Rural Areas)…Các nhà nhân học còn đặt thêm câu hỏi liệu thuật ngữ “người nông dân” có trở nên hấp dẫn trở lại hay không vì nó đã tiến triển để trở thành một phạm trù đầy khát vọng hoặc hình mẫu lý tưởng gắn liền với tuyên bố chính trị về “chủ quyền lương thực”: quyền của “các dân tộc” được xác định hoặc kiểm soát hệ thống lương thực của họ” (2018: 1).

7.1 Bối cảnh lịch sử

Để hiểu khái niệm nông dân và giai tầng nông dân, chúng ta cần hiểu bối cảnh lịch sử mà nông dân tồn tại. Muller nhận xét rằng, “Thuật ngữ “nông dân” xuất hiện trong tiếng Anh Trung cổ để chỉ những người làm việc với đất đai và gắn liền với nó. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Pháp cổ paisent (người ở nông thôn). Từ dịch sang tiếng Tây Ban Nha, campesino, có nguồn gốc tương tự trong từ campo (nông thôn), trong khi bauer trong tiếng Đức (từ thuật ngữ bur trong tiếng Đức cổ) chỉ định một phạm trù xã hội khác với quý tộc và cư dân thị trấn, với các quyền và nghĩa vụ cụ thể thường phụ thuộc vào lãnh chúa và thấp kém hơn so với người dân thị trấn (Burger)…Trong các xã hội thời trung cổ ở Châu Âu, nông dân bị ràng buộc với tư cách là con người với lãnh chúa của họ. Điều này kéo dài cho đến năm 1861 ở Nga, nơi nông dân tạo thành một “giai tầng xã hội”, bị ràng buộc với tài sản của địa chủ và không có quyền di chuyển về mặt địa lý. Ở phần lớn châu Mỹ Latinh, các hệ thống nợ lao dịch và lao động không công trên thực tế và về mặt luật pháp vẫn tồn tại tối thiểu đến giữa thế kỷ 20; chúng được gọi là huasipungo ở Ecuador, colonato ở Bolivia và Trung Mỹ, yanaconaje ở Peru, inquilinaje ở Chile và cambão ở Brazil...Vì vậy “thân phận nông dân” về mặt lịch sử là “sự phụ thuộc, bị thống trị và bị bóc lột” (2018: 1-2). Điều này chỉ ra mối liên hệ lịch sử giữa nông dân với chế độ phong kiến thời Trung cổ ở phương Tây.

Redfield (1960) cho rằng dấu hiệu xác nhận nền văn minh là sự xuất hiện của nông dân. Theo một cách nào đó, nông dân gắn liền với sự phát triển của các khu vực thành thị, vì thặng dư do giai cấp nông dân tạo ra đã được sử dụng để duy trì mức sống của các lãnh chúa phong kiến và các tầng lớp cai trị. Trên thực tế, trong nhiều nền văn hóa, như đã xem xét trước đó, nông dân được coi là một giai đoạn phát triển gắn liền với các vị trí đô thị, dù là thị trấn hay thành phố. Ví dụ, vào thời trung cổ ở châu Âu, nông nô làm nông nghiệp tập hợp xung quanh giai tầng thái ấp phong kiến. Tương tự như vậy, những người dân sống bên lề ở các làng gần thị trấn hoặc thành phố nhỏ, bán [tr.101] sản phẩm của họ ở đó và họ được coi là nông dân. Ở Ấn Độ và những nơi khác nông dân đã hiện diện trong một thời gian dài.

Chính Redfield là người đã đưa nông dân vào lĩnh vực nhân học và xã hội học. Như đã quan sát trước đó, ông cũng đưa ra khái niệm thể liên tục dân quê-thành thị như một lập luận lý thuyết về loại hình học mà ông nghĩ ra. Quan trọng hơn, nó mở ra cơ hội cho các nhà nhân học nghiên cứu các xã hội phức tạp hơn bằng cách sử dụng các phương pháp luận truyền thống của họ, sửa đổi chúng cho phù hợp. Theo truyền thống, các nhà nhân học nghiên cứu các tập hợp xã hội và thể chế xã hội như gia đình, hôn nhân, họ hàng, tôn giáo và tổ chức xã hội. Những loại hình này được coi là quan trọng trong các xã hội nông dân và do đó, việc nghiên cứu các xã hội nông dân trở nên hấp dẫn đối với các nhà nhân học. Ngoài ra, nó còn cung cấp một lượng thông tin lớn hơn cho các nhà nhân học thay vì chỉ nghiên cứu các xã hội bộ lạc biệt lập, dù sao cũng đang trong quá trình chuyển đổi thành các xã hội nông dân. Nó cũng tạo ra cho họ một vũ đài để kiểm nghiệm các công thức lý thuyết của mình.

Có phải nông dân là một phạm trù xã hội riêng biệt hay chỉ là một bộ phận của giai đoạn lịch sử phong kiến? Một số người tin rằng nông dân chắc chắn sẽ biến mất cùng với sự tiến bộ của chủ nghĩa tư bản, trong khi những người khác lại cho rằng giai tầng nông dân có logic kinh tế riêng biệt trái ngược với logic của chủ nghĩa tư bản. Họ cho rằng nông dân đã và sẽ sống lâu hơn chủ nghĩa tư bản và vẫn tiếp tục tồn tại. Họ cũng đã cố gắng chứng minh rằng các cuộc nổi dậy của nông dân trong thế kỷ 20 đã làm thay đổi tiến trình lịch sử thế giới (Eric Wolf trong Shanin, 1987). Nhiều người lập luận rằng bất chấp bản chất không đồng nhất của giai tầng nông dân, nông dân vẫn chiếm một phần lớn trong nhân loại thế giới và có chung một số đặc điểm, mặc dù có thể có những khác biệt theo vùng. Do đó, thật đáng để hiểu từ quan điểm nhân học hoặc xã hội học về nông dân và giai tầng nông dân.

7.2 Nông dân và giai tầng nông dân

Có một mối liên hệ rõ ràng giữa nông dân và các thành thị [market towns]. Redfield đã tuyên bố rõ ràng rằng, “Nông dân không xuất hiện trước khi có các thành phố đầu tiên” (1953: 31). Kroeber là người đầu tiên xác định mối liên hệ giữa nông dân và thành phố. Điều này rất rõ ràng trong định nghĩa nổi tiếng hiện nay của ông về nông dân (1948: 284). Điều này cho thấy rõ ràng rằng nông dân được liên kết với thị trường. Tuy nhiên, họ không bị cuốn theo thị trường như hiện tại, theo cách nói của James Scott (ở Shanin, 1987), mà phần lớn là một nền kinh tế đạo đức được dẫn dắt bởi một logic kinh tế riêng biệt. Như đã đề cập trước đó, nông dân là một nhóm không đồng nhất. Trong bối cảnh này, Redfield nhận xét rằng, “Xã hội và văn hóa nông dân có điều gì đó mang đặc trưng giống loài về nó…(nghĩa là)…một sự sắp xếp của loài người với một số điểm tương đồng trên khắp thế giới” (1956: 25). Nói cách khác, mặc dù đa dạng nhưng nông dân có nhiều đặc điểm chung. Burton Stein, một nhà nhân học nổi tiếng khác, cho rằng: “Mối quan hệ ruộng đất nông dân là những khía cạnh của các hệ thống xã hội và văn hóa; chúng là sự thích nghi của con người với môi trường tự nhiên trong khuôn khổ văn hóa và xã hội” (1980: 16). Điều này ngụ ý rằng nông dân là một phạm trù xã hội có những đặc điểm chung quan trọng trên toàn cầu, trải ra ở các vùng nông thôn nhưng vẫn gắn kết với các trung tâm đô thị. Giai tầng nông dân và giai tầng quý tộc nhỏ [gentry] được coi là hai sự tương phản. Tầng lớp quý tộc nhỏ là lớp người ngay dưới tầng lớp quý tộc, thường được gọi là quý tộc đất đai, trong khi tầng lớp nông dân làm việc cho người có đất vì họ là những kẻ yếu thế.

7.3. Định nghĩa Nông dân và Giai tầng Nông dân

[Tr.102] Công lao định nghĩa nông dân trước hết thuộc về A.L. Kroeber. Theo ông, “Nông dân là những xã hội-bộ phận với những nền văn hóa-bộ phận. Họ chắc chắn là người nông thôn - nhưng vẫn sống trong mối liên hệ với các thành thị; họ tạo thành một bộ phận giai cấp của một dân số lớn hơn thường bao gồm cả các trung tâm đô thị…Họ thiếu sự biệt lập, quyền tự chủ chính trị và khả năng tự cung tự cấp của người dân các bộ lạc; nhưng các đơn vị địa phương của họ vẫn giữ được phần lớn bản sắc cũ, sự hòa nhập và gắn bó với đất đai và thờ cúng” (1948: 284). Giai tầng nông dân có thể được xác định theo khuôn khổ sự lệ thuộc của vào các nhóm người bên ngoài, không phải là người làm nông nhưng lại kiểm soát họ bằng những phương tiện khác nhau. Kết quả là, nông dân không chỉ phải sản xuất để nuôi sống bản thân mà còn phải phục vụ nhu cầu của người ngoài nhóm. Họ luôn đấu tranh để giữ sự cân bằng giữa hai điều này, nhu cầu của chính họ và những yêu cầu của người ngoài nhóm. Nông dân luôn được coi là nguồn lao động giá rẻ có thể được sử dụng để tăng thêm quyền lực cho những kẻ kiểm soát họ. Điều này cho thấy rõ vị thế thua kém của họ (Wolf: 1946: 13).

Susana Narotzky nhận xét rằng, “Một số khía cạnh nhất định là điểm chung trong mọi nỗ lực định nghĩa các giai tầng nông dân: sản xuất nông nghiệp, quyền sở hữu một số phương tiện sản xuất, một hình thức kiểm soát đất đai và lao động gia đình, định hướng tái sản xuất hộ gia đình và cộng đồng, và sự phục tùng đối với các nhóm thống trị chiếm đoạt thặng dư…Khái niệm nông dân thường thấm đẫm ý tưởng về nền kinh tế tự nhiên. Nó mô tả nông dân là thành viên của các hộ gia đình tự cung tự cấp, có thể tái sản xuất không ngừng phương tiện sinh kế của mình và duy trì ý thức về giá trị cũng như mục đích nhờ mối quan hệ bất biến với tự nhiên và sản xuất. Mặc dù được thừa nhận là một phần của xã hội lớn hơn, nhưng nông dân vẫn là một phần của các cộng đồng, do đó được hình dung là được thống nhất bởi các mối quan hệ đoàn kết bền chặt, cùng nhau đấu tranh chống lại sự xâm lược từ bên ngoài của một thế lực bên ngoài đòi chiếm đoạt thặng dư” (2016: 303). Mô tả này của Susana Narotzky, nói chung, cung cấp một cái nhìn tóm tắt về nông dân và giai tầng nông dân. Theodor Shanin (1975 và 1987) coi nông dân là “một huyền bí hóa” bởi vì ở bất kỳ ngôi làng nào cũng có người giàu và người nghèo, chủ đất và hộ tá điền cũng như người làm thuê, do đó người ta không tìm thấy “bất kỳ liên tục tính nào của sự phân cấp suôn sẻ”. Ông xem xét cách thức mà lịch sử đã bổ sung thêm “chiều hướng đa dạng của nó dù cho ‘giống nhau’ cũng sẽ không giống nhau theo năm tháng, thập kỷ và thế kỷ khác nhau.” Để hỗ trợ cho ý tưởng này, ông đưa ra các ví dụ về Burgundy thời phong kiến, chặt rừng đốt nương rẫy ở Tanzania, Punjab phát triển thương mại, v.v. Vì vậy, ông đã chỉ ra vấn đề trong việc xác định nghĩa thuật ngữ nông dân.

[Tr.103] John Embree năm 1939, trong bài viết về một ngôi làng Nhật Bản, đã mô tả nông dân như một phạm trù riêng biệt. Ông vạch rõ những điểm tương đồng và khác biệt giữa các nhóm nông dân và các nhóm chưa có chữ viết. Theo ông, “Một cộng đồng nông dân sở hữu nhiều đặc điểm của một xã hội chưa có chữ viết, ví dụ: một nhóm địa phương gần gũi, mối quan hệ họ hàng chặt chẽ và các cuộc tụ họp định kỳ để tôn vinh một khía cạnh thần thánh nào đó của môi trường” (1939: xi). Tuy nhiên, ông đã chỉ ra những khác biệt quan trọng của nông dân với các xã hội đơn giản, trong đó các nhóm nông dân được coi là “một phần của một quốc gia rộng lớn hơn kiểm soát đời sống kinh tế của mình, thực thi luật pháp, từ bên trên, và gần đây hơn, yêu cầu giáo dục trong các trường học quốc dân” (1939: xi-xii). Ông cũng nhận xét rằng “Cơ sở kinh tế của cuộc sống không bị quy định bởi các yêu cầu của địa phương…Hoa màu của nông dân được điều chỉnh theo nhu cầu của nhà nước” (1939: xii). Một khía cạnh quan trọng khác mà ông đưa ra để thể hiện sự thiếu độc lập trước ảnh hưởng bên ngoài là trường hợp tôn giáo và nghi lễ. Ông nhận xét rằng “Mặc dù có nhiều biến thể địa phương, nhưng các nghi lễ và lễ hội lại không phải là bản địa đối với cộng đồng cũng như cộng đồng không tự túc về mặt tinh thần” (1939: xii). Điều này nhấn mạnh sự phụ thuộc của người nông dân vào người khác về nhiều phương diện.

Eric Wolf đã cố gắng định nghĩa nông dân một cách hẹp hơn so với các học giả như Firth, đã cố gắng định nghĩa nông dân theo nghĩa rộng hơn nhiều bao gồm cả những người sản xuất như ngư dân và thợ thủ công. Firth biện minh cho việc sử dụng khuôn khổ này khi lập luận rằng “Giống như giai tầng nông dân châu Âu, giai tầng nông dân phương Đông là các cộng đồng của những người sản xuất quy mô nhỏ, với trang thiết bị và tổ chức thị trường đơn giản, thường dựa vào những gì họ sản xuất để tồn tại” (1946: 22). Eric Wolf (1955: 453-540) lập luận, “chúng ta phải nhớ rằng các định nghĩa là công cụ của tư duy, không phải là những chân lý vĩnh cửu”. Ông muốn minh định thuật ngữ “nông dân” tự túc [peasant] một cách chặt chẽ nhất có thể bằng cách sử dụng ba điểm khác biệt làm cơ sở cho định nghĩa của mình: i) ông coi nông dân chỉ là những người sản xuất nông nghiệp; ii) ông phân biệt nông dân với tá điền, vì không giống như tá điền, nông dân có sự kiểm soát đất đai một cách hiệu quả, và; iii) ông tin rằng mục tiêu của nông dân là sinh tồn chứ không phải tái đầu tư. Khởi điểm của người nông dân là những nhu cầu được xác định bởi nền văn hóa của anh ta. Người nông dân bán hoa màu chỉ để có tiền mua hàng hóa và dịch vụ mà anh ta không sản xuất hoặc không có. Ngược lại, người nông dân hàng hóa [farmer] coi nông nghiệp như một doanh nghiệp.

Vì vậy, đối với Wolf “thuật ngữ ‘nông dân’ [peasant] biểu thị mối quan hệ mang tính cấu trúc chứ không phải nội dung văn hóa cụ thể”.

7.4. Đặc điểm của nông dân và giai cấp nông dân

Theodor Shanin (1987) đã quan sát bốn đặc điểm nổi bật của xã hội nông dân. Đó là: 1) Trang trại gia đình được coi là đơn vị cơ bản của một tổ chức xã hội đa chiều và việc sản xuất, lao động và tiêu dùng đều xoay quanh nó; 2) Canh tác trên đất đai là nguồn sinh kế chính làm cơ sở cho việc đáp ứng các nhu cầu tiêu dung; 3) Văn hóa truyền thống liên quan đến lối sống của các cộng đồng nhỏ là đặc trưng của xã hội nông dân; và [tr.104] 4) Nông dân được coi là có vị thế thua kém và bị thống trị bởi những người bên ngoài, những người nắm quyền kiểm soát hoàn toàn nông dân về mọi mặt, bao gồm kinh tế, chính trị, xã hội hoặc văn hóa.

Điều quan trọng là phải hiểu những gì phân biệt các xã hội nông dân với các xã hội khác. Chúng được phân biệt với các xã hội khác dựa trên sáu đặc điểm quan trọng (Shanin, 1987):

1) Nông dân phần lớn tham gia vào hoạt động tự tạo việc làm rộng rãi vì họ sử dụng lao động gia đình vào các hoạt động sản xuất của mình. Ngoài ra, họ có quyền kiểm soát phương tiện sản xuất của mình và việc sản xuất phần lớn là để tự tiêu dùng. Họ có kiến thức chuyên môn nghề nghiệp đa chiều (Galeski, 1972). Như Eric Wolf (1966) đã nhận thấy, trọng tâm là tăng trưởng hơn là sản xuất với hệ thống kinh tế duy trì sự cân bằng đặc biệt giữa nông nghiệp, chăn nuôi, thu lượm và thủ công. Như Chayanov (ở Shanin, 1987) đã lưu ý, đối với nông dân, việc tính toán hiệu suất khác biệt hoàn toàn với các doanh nghiệp tư bản.

2) Có nhiều điểm tương đồng hơn giữa những người nông dân quan tâm đến các mô thức và khuynh hướng tổ chức chính trị. Ví dụ, hệ thống môi giới và bảo trợ, xu hướng phân chia theo chiều dọc và chủ nghĩa bè phái, và là nơi diễn ra các cuộc tranh giành cướp bóc và hoạt động du kích.

3) Có sự tương đồng lớn hơn giữa các chuẩn mực và nhận thức trong các xã hội nông dân. Chúng được coi là mang tính truyền thống và tuân thủ trong các cách thức hợp lý hóa của họ, với ưu thế là truyền thống truyền miệng và các “bản đồ nhận thức” cụ thể như nhận thức vòng tròn về thời gian, các mô thức xã hội hóa, dạy dỗ, các khuynh hướng ý thức hệ.

4) Các đơn vị đặc trưng của tổ chức xã hội và sự vận hành của nó cũng thể hiện sự tương đồng giữa những người nông dân trên toàn cầu.

5) Người ta có thể dễ dàng xác định các động lực xã hội cụ thể mang tính phân tích về các xã hội nông dân, liên quan rõ ràng đến sản xuất xã hội, chẳng hạn như sản xuất và tái sản xuất các quan hệ xã hội, các mô thức kế thừa và tiếp nối.

6) Nguyên nhân của sự chuyển đổi cấu trúc và các mô thức của nó có cái gì đó chung và cụ thể đối với nông dân. Về phương diện này, điều quan trọng là phải hiểu sự khác biệt giữa nông dân và những người canh tác “nguyên thủy”. Sự khác biệt này sẽ khiến chúng ta hiểu khái niệm nông dân và giai tầng nông dân khác biệt rõ rệt với những người trồng trọt nguyên thủy và những người sản xuất khác.

7.5. Nông dân và người canh tác nguyên thủy

Eric Wolf (1946) đã đưa ra sự phân biệt quan trọng giữa nông dân và những người canh tác nguyên thủy và nông dân tự túc khác với nông dân hàng hóa như thế nào. Nông dân là một phần của một “xã hội phức hợp, rộng lớn hơn”, khác biệt rõ rệt với “nhóm/ bộ lạc nguyên thủy”, mặc dù người nguyên thủy hiếm khi “sống biệt lập”. Điều quan trọng cần nhớ là những người canh tác hoặc sản xuất nguyên thủy có kiểm soát các phương tiện sản xuất bao gồm cả lao động của chính họ. Họ ham trao đổi sức lao động của mình lấy [tr. 105] ‘hàng hóa và dịch vụ tương đương được xác định về mặt văn hóa của những nhóm khác’. Trong quá trình tiến hóa văn hóa, Wolf lập luận rằng “những hệ thống đơn giản như vậy đã bị thay thế bởi những hệ thống khác, trong đó quyền kiểm soát các phương tiện sản xuất, bao gồm cả việc bố trí lao động con người, chuyển từ tay người sản xuất sơ cấp sang tay các nhóm không tự mình thực hiện quá trình sản xuất, mà thay vào đó lại đảm nhận các chức năng điều hành và hành chính đặc biệt, được hỗ trợ bằng việc sử dụng sức mạnh.” Ở đây ‘hàng hóa và dịch vụ được cung cấp cho một trung tâm và sau đó mới được chuyển hướng’ (1946: 3). Ngược lại, theo nhận xét của Eric Wolf, nông dân là “những người canh tác ở nông thôn mà thặng dư của họ được chuyển cho một nhóm thống trị sử dụng thặng dư để bảo lãnh mức sống của chính họ và để phân phối phần còn lại cho các nhóm trong xã hội không làm trang trại nhưng phải được cung cấp hàng hóa và dịch vụ cụ thể cho họ.” (1946: 3-4).

Eric Wolf (1946) cho rằng quá trình chuyển đổi của người nguyên thủy thành nông dân là một trong những trật tự xã hội từ đơn giản đến phức tạp. Ông so sánh giữa nông dân và người canh tác nguyên thủy về ba loại thặng dư: 1) quỹ thay thế, 2) quỹ nghi lễ và 3) quỹ tô thuế. Ông lập luận rằng, “người canh tác không chỉ phải cung cấp cho mình khẩu phần calo tối thiểu; họ còn phải làm ra sản phẩm vượt khỏi mức này để cung cấp đủ hạt giống cho vụ mùa năm sau hoặc cung cấp thức ăn cho gia súc của họ. Vì vậy, số lượng này không phải là thặng dư tuyệt đối” (1946: 6). Trên thực tế, ‘quỹ thay thế’ là thứ mà người canh tác cần để thay thế ‘thiết bị tối thiểu’ cần thiết ‘cho cả sản xuất và tiêu dùng’. Quỹ thay thế nên được xem xét trong khuôn khổ thực hành văn hóa hơn là sắp xếp thuần túy kỹ thuật. Tương tự như vậy, những người canh tác phải phân bổ nguồn lực của mình cho các nghi lễ ở cấp độ cá nhân cũng như ở cấp độ cộng đồng, có thể gọi là quỹ nghi lễ, vốn cũng không phải là thặng dư theo đúng nghĩa. Hai điều này phổ biến cho cả hai loại người canh tác, nguyên thủy và nông dân. Nhưng điều khác biệt giữa hai loại này là quỹ tô thuế không có ở những người canh tác nguyên thủy. Tuy nhiên, bây giờ những người nguyên thủy đang trở thành những người nông dân thực sự. Điều quan trọng cần lưu ý là nông dân là những người sản xuất ra của cải xã hội nhưng lại bị hạ xuống vị trí phụ thuộc. Giai tầng nông dân được định nghĩa chủ yếu trong khuôn khổ “mối quan hệ phụ thuộc của nó với một nhóm người bên ngoài nắm quyền kiểm soát”. Giai tầng nông dân luôn luôn ‘bị buộc phải duy trì sự cân bằng giữa nhu cầu của chính mình và yêu cầu của người ngoài và sẽ phải chịu đựng căng thẳng do vật lộn để giữ thế cân bằng này’ (Wolf, 1946: 13). Đối với người ngoài, người nông dân là nguồn lao động để “tăng thêm quỹ quyền lực của mình”.

7.6. Nông dân Tự túc [Peasants] và Nông dân Hàng hóa [Farmers]

Nông dân được coi là “những người làm nông định cư sử dụng trình độ công nghệ thấp” để theo đuổi các hoạt động nông nghiệp của mình. Eric Wolf (1946) coi nông dân là “những người canh tác ở nông thôn” bằng trồng trọt và chăn nuôi, họ khác biệt rõ rệt với nông dân hàng hóa. Điểm khác biệt quan trọng là nông dân không phụ thuộc vào thị trường để sinh tồn, mà thị trường phụ thuộc vào sản xuất của nông dân. Nông dân luôn có sự kiểm soát sản xuất và các đầu vào của họ, bao gồm cả lao động. Trọng tâm chính của họ là sản xuất chủ yếu để tự tiêu dùng và bổ sung cho những người thống trị không sản xuất bên ngoài, mà những người này cũng cần được chăm nuôi. [Tr.106] Ngược lại, nông dân hàng hóa sản xuất cho thị trường và do đó họ sản xuất sản phẩm theo nhu cầu của thị trường. Vì vậy, nếu có bất kỳ biến động nào trên thị trường, thì đời sống của người nông dân hàng hóa cũng sẽ bị ảnh hưởng. Một nông dân hàng hóa phụ thuộc vào thị trường về các đầu vào khác nhau, như giống, phân bón, tín dụng, nguồn lao động sẵn có khi mùa vụ và bất kỳ biến động bất lợi nào trên thị trường cũng đều ảnh hưởng xấu đến nông dân hàng hóa. Đó là lý do tại sao ngày nay chúng ta thấy các sáng kiến phát triển (kinh tế) khác nhau của các chính phủ nhằm giúp đỡ nông dân hàng hóa về nhiều mặt khác nhau vì hoạt động sản xuất của họ rất quan trọng đối với xã hội nói chung.

7.7. Ý nghĩa của các công trình nghiên cứu nông dân

Eric Wolf, người tiên phong trong nghiên cứu về nông dân, đã chỉ ra rằng việc mở rộng phạm vi nghiên cứu nông dân đã có ba hiệu ứng quan trọng. Nó đã mang lại sự hội tụ đáng kể trong nỗ lực của các nhà xã hội học, nhân học, khoa học chính trị và các nhà lịch sử kinh tế và lịch sử xã hội. Một sản phẩm phụ của sự hội tụ này là mối quan tâm chung về hệ thống bảo trợ-khách hàng. Nó đã thúc đẩy một sự gia tăng đáng kể - có lẽ không phải trong lý thuyết toàn cầu, phạm vi rộng - mà trong các nghiên cứu nằm ở “phạm vi tầm trung” giữa những nỗ lực lý thuyết ở mức độ trừu tượng cao và các nghiên cứu địa phương được hiểu ở phạm vi hẹp. Các nghiên cứu này đều cho thấy sự gia tăng về mức độ phức tạp cả trong các câu hỏi được đặt ra cũng như trong các loại tài liệu được sử dụng để đưa ra câu trả lời... Do đó, mối quan tâm đến các vấn đề của giai tầng nông dân đã trở thành một trong những điểm tăng trưởng của nghiên cứu so sánh liên ngành, ít thông qua tổ chức thể chế mà chủ yếu thông qua các mối quan tâm hội tụ của một số học giả.

“Sự xuất hiện của Etudes Rurales Nghiên cứu Nông thôn ở Paris, của Tạp chí Nghiên cứu Nông dân ở London, và Bản tin Nông dân, có trụ sở tại Đại học Pittsburgh, đã hỗ trợ thêm cho việc mở rộng mạng lưới truyền thông đang phát triển này” (1975: 386). Việc nghiên cứu các xã hội nông dân và nghiên cứu làng xã ở Ấn Độ đã loại bỏ nhiều khái niệm đã được xác lập trước đó và đem lại hiểu biết sâu sắc về sự vận hành của xã hội làng xã và cấu trúc xã hội của nó. Điều này cũng giúp các nhà khoa học xã hội hiểu được các sắc thái của xã hội nông thôn, nền kinh tế, chính thể, hệ thống giá trị, v.v., có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nông thôn ở Ấn Độ và các nơi khác. Vì vậy, việc nghiên cứu các xã hội nông dân ngày nay có các mối liên quan to lớn hơn so với trước đây. Ngay cả khi chúng ta thấy nông dân tự túc [peasants] ở một mức độ nào đó đã trở thành nông dân hàng hóa [farmers], nhưng thái độ của họ [tr.107] vẫn luôn là thái độ của nông dân [peasants]. Hệ thống giá trị, tư duy, quan điểm sản xuất của họ vẫn tiếp tục mang tính khuôn mẫu của nông dân. Vì vậy, điều quan trọng hơn hết đối với chúng ta là nghiên cứu các xã hội nông dân để lập kế hoạch và hoạch định chính sách tốt hơn.

7.8. Kết luận

Nông dân là một bộ phận lớn của nhân loại. Nhờ những nỗ lực của Redfield, giờ đây chúng đã trở thành chủ đề được các nhà nhân học và xã hội học quan tâm. Các nhà nhân học trước đó nghiên cứu về các xã hội chưa có chữ viết nhận thấy việc chuyển sang nghiên cứu các xã hội nông dân có phần dễ dàng hơn. Điều này đã mở ra một cánh cửa mới cho các nhà nhân học nghiên cứu các xã hội phức tạp. Điều này có lợi cả về mặt lý thuyết và phương pháp luận. Các khái niệm mới như thể liên tục dân quê-thành thị đã tiến triển để xem xét các mối liên kết giữa cấu trúc xã hội nông thôn và đô thị. Đơn vị này đã cố gắng giải thích khái niệm nông dân và giai tầng nông dân cũng như cách thức mà các học giả khác nhau cố gắng định nghĩa chúng. Nổi bật nhất trong số đó phải kể đến Kroeber, Redfield, Erik Wolf và Theodor Shanin. Nông dân được coi là phụ thuộc vào người ngoài, những kẻ kiểm soát họ và tước đoạt cả sản phẩm và sức lao động của họ để tự làm lớn bản thân mình. Người ta cũng đã nỗ lực tìm hiểu sự khác biệt giữa nông dân và những người canh tác nguyên thủy. Chúng ta đã cố gắng tìm hiểu đặc điểm của nông dân và các cuộc tranh luận về việc liệu nông dân có phải là một phạm trù riêng biệt hay sẽ biến mất cùng với sự tiến bộ của chủ nghĩa tư bản. Chúng ta đã cố gắng tìm hiểu mối liên quan của các nghiên cứu về nông dân trong bối cảnh ngày nay và xem xét cách thức hoạt động của tư duy nông dân. Thực tế đã chỉ ra rằng nhu cầu nghiên cứu về nông dân ngày càng lớn hơn vì nó sẽ hữu ích cho việc xây dựng chính sách và kế hoạch, đặc biệt là trong phát triển nông thôn. Các nghiên cứu về nông dân càng trở nên quan trọng hơn khi chúng ta cần hiểu được các cách thức mà sự chuyển đổi kinh tế và xã hội của xã hội nói chung đã tác động đến nông dân và sản xuất nông nghiệp mạnh mẽ đến mức nào.

__________________________________________

Nguồn: Siva Prasad R. (2015). The Concept of Peasantry, India’s Nomadic and Denotified Communities, Symposium on People of India, (edited) by P.C. Joshi, Department of Anthropology, University of Delhi.

Tác giả: Giáo sư R. Siva Prasad, Đại học Hyderabad, Khoa Nhân học. Ông là nhà nhân học xã hội làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến bất bình đẳng, y tế công cộng, nghiên cứu nông thôn và thành thị, phát triển, quản lý tài nguyên thiên nhiên, hệ thống sinh kế, v.v.

References

Birgit Müller. (2018). Peasants. The International Encyclopedia of Anthropology. Hilary Callan (Ed.). John Wiley & Sons, Ltd. www.onlinelibrary.wiley.com/ doi/ abs/ 10.1002/ 9781118924396.wbiea2150. Accessed on March 18, 2020.

Embree, John. F. (1939). Suye Mura: A Japanese Village. London: Kegan Paul, Trench, Trubner & Co., Ltd. https://ia802903.us.archive.org/14/items/ in.ernet.dli.2015.274734/2015.274734.A-Japanese.pdf. Accessed on March 18, 2020.

Firth, Raymond. (1946). Malay Fishermen: Their Peasant Economy. London: Kegan Paul, Trench, Trubner & Co., Ltd.

Kroeber, A.L. (1948). Anthropology. New York: Harcourt-Brace.

Narotzky, Susana. (2016). Where Have All the Peasants Gone? Annual Review of Anthropology, 45: 301-318.

Potter, Jack M., May N. Diaz, and George M. Foster (Eds.). (1967). Peasant Society: A Reader. Boston, Massachusetts: Little, Brown and Company.

Peasants and Peasantry Redfield, R. (1960). The Little Community and Peasant Society and Culture. Chicago: University of Chicago Press.

Shanin, Theodor. (1975). Peasant and Political Mobilization: Introduction. Comparative Studies in Society and History, Vol. 17 (4), pp. 385-388. http:// www.jstor.com/stable/178297. Accessed on March 18, 2020.

Shanin, Theodor. (Ed.). (1987). Peasants and Peasant Societies: Selected Readings. New York: Oxford Basil Blackwell.

Stein, Burton. (1980). Peasant, State and Society in Medieval South India. New York: Oxford University Press.

Wolf, Eric. (1955). Types of Latin American Peasantry: A Preliminary Discussion.

American Anthropologist, Vol 57, pp. 4452-471. http://www.jstor.com/stable/ 665442. Accessed on March 18, 2020.

Wolf, Eric. (1966). The Peasants. Englewood Cliffs, New Jersey: Prentice-Hall, Inc.

Wolf, Eric. (1975). Peasants and Political Mobilization: Introduction. Comparative

Studies in Society and History, Vol. 17 (4), pp. 385-388. http://www.jstor.com/ stable/178297. Accessed on March 18, 2020.

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét