Powered By Blogger

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2023

Làng Tepoztlán của người Mexicô (I)

 Robert Redfield

Người dịch: Hà Hữu Nga

Giới thiệu: Dân quê Mexican

[Tr.1] Các thuật ngữ “truyền thuyết dân quê”, “ca quê” và thậm chí cả “lề lối dân quê” đều có ý nghĩa khi xem xét Mexico vốn thiếu mối liên hệ với một đất nước như chúng ta. Những lối sống dân quê, phần lớn không được viết ra và không được chú ý, tạo nên một Mexico thực sự. Omening nói: “Ở một số quốc gia, lịch sử chính trị ít có ý nghĩa hơn ở Mexico, tuy nhiên các loại sử ký của nó lại mang tính chính trị vượt trội.”1 Thể chế chính thức, các tuyên bố rõ ràng về chương trình hoặc chính sách, phần lớn các tài liệu đương thời, cách xa với các lề lối của đám đông và hầu như không hề ghi lại lịch sử của họ. Thế giới của những giai tầng có học thức, những kẻ duy nhất có khả năng ăn nói lưu loát và chỉ có những kẻ giao tiếp tự do với chúng ta, mới là một thế giới tách biệt khỏi thế giới của dân quê. Để hiểu biết và ghi nhớ các lề lối dân quê, thì cần phải gặp trực tiếp và gần gũi; cách khác chúng không thể được tìm thấy. Dân tộc học là hình thức mà bất kỳ nghiên cứu cẩn thận nào về lịch sử đương đại đều có xu hướng thực hiện ở Mexico.

I

“Dân quê” là gì? Nếu ý nghĩa của nó được hiểu ngược lại từ các thuật ngữ bắt đầu trang này, thì đó là một nhóm có truyền thuyết dân quê và các bài ca quê. Để có được các tài liệu như vậy, người sưu tầm đến với các bộ lạc nguyên thủy hoặc các tộc người nông dân đơn giản hơn nằm trong biên giới [tr.2] của các quốc gia đã văn minh hóa. Đây là những nhóm tộc “dân quê”. Đặc điểm nào phân biệt chúng? Những nhóm tộc như vậy có một dòng truyền thống chung; họ là những kẻ mang một văn hóa. Loại văn hóa này bảo tồn tính liên tục của nó từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không phụ thuộc vào chữ viết. Hơn nữa, một văn hóa như vậy mang tính địa phương; dân quê nào cũng có một nơi sinh cư [habitat]. Cũng vẫn thường thấy các tộc dân quê lang thang, chẳng hạn như người Gypsy, nhưng sau đó các yếu tố đặc biệt của sự biệt lập xã hội khiến họ bảo tồn tính cách dân quê của mình giữa một đám người không phải dân quê. Trong nhóm dân quê có đôi điều khác biệt về mối quan tâm trí tuệ; thái độ và sở thích rất giống nhau giữa các cá nhân, mặc dù, có lẽ, có cùng một loại tính khí cố hữu như ở bất kỳ nhóm nào khác có cùng quy mô. Và cuối cùng, dân quê là các nhóm tộc người nông thôn. Nếu bắt gặp lề lối dân quê [folk lore] ở chốn thành thị thì nó không bao giờ ở trạng thái mạnh mẽ mà luôn suy giảm, chỉ còn lại những vết tích.

Có rất nhiều tộc người như vậy ở Mexico. Một số, như người Lacandones và (có lẽ cho đến gần đây) người Tarahumares, thực sự nguyên thủy, thực sự chưa có chữ viết, chẳng khác nào một tộc người Melanesian vậy. Tuy nhiên, từ lâu nay đã có  nhiều điều chỉnh nhằm thích ứng với nền văn minh phương Tây, đó là các đại diện của tầng lớp thượng lưu và các giai tầng thống trị; và giờ đây cái phức thể văn hóa của họ đã đan xen với trật tự kinh tế và xã hội hiện đại. Họ sử dụng tiền, mặc quần áo dệt may thương mại, có lẽ biết đọc biết viết, và tối thiểu cũng biết sử dụng các từ ngữ và một số hình thức nghi lễ của Cơ đốc giáo. Họ giống như những nhóm tộc nông dân [tr.3] bị biệt lập, mù chữ ở mọi nơi khác. Tầng lớp của các nhóm tộc nông dân ấy được coi là chủ đề của dân tộc học [Völkerkunde], tầng lớp thứ hai thuộc nhóm thường được phân biệt là “lề lối dân quê” [Volkskunde]. Cả hai loại nhóm ấy đều là các nhóm tộc dân quê.

Nhưng hàng loạt các loại hình văn hóa được tìm thấy ở Mexico không chỉ dừng lại ở những xã hội đơn giản này. Tính hiện đại của Mexico không hề nhỏ; mỗi năm nó lại càng trở nên hiện đại hơn. Tại những ngôi làng phức tạp hơn ở miền Bắc, trong các giai tầng trung lưu ở các thành phố, khắp nơi người ta có thể tìm thấy một nhóm tộc rất giống các nhóm người ở nông thôn nước ta. Họ không chỉ có thể đọc mà còn hiểu được. Dân quê nghe tin đồn; những người này đọc tin tức. Thông qua báo chí, các cơ quan thông tin và mối quan tâm đại chúng có liên quan chặt chẽ với nó, các tạp chí phổ biến, và phim ảnh, những nhóm người biết đọc chia sẻ những mối quan tâm không chỉ của địa phương mà thậm chí còn mang tính quốc tế. Giao tiếp truyền miệng với các thế hệ trước, những người như vậy đóng vai trò nhỏ hơn trong việc xác định khuôn mẫu suy nghĩ của họ; họ đang giao tiếp với những người đương thời như họ ở các thành phố khác, ở những vùng đất khác; và thông qua việc in ấn, tranh ảnh, họ rút ra kinh nghiệm tích lũy của các nhóm ở xa về mặt địa lý và lịch sử. Họ đang đánh mất đi hoặc đã không còn là một nhóm tộc dân quê nữa.

Rõ ràng có những nhóm người ở Mexico là tộc người dân quê, với lề lối dân quê, các bài ca quê và cách sống dân quê thường là bản địa và địa phương của cộng đồng cụ thể, nhưng cũng có những người, phần lớn ở chốn thành thị [tr.4], không còn là dân quê, mà đã trở thành công dân của Grand Rapids hay Bridgeport. Và rõ ràng quá trình “hiện đại hóa” Mexico là lợi ích của loại người thứ hai này, với cái giá phải trả là loại thứ nhất. Tuy nhiên, bất chấp sự thay đổi này, phần lớn dân số Mexico là dân quê. Với chúng ta thì đó lại là vấn đề khác. Người da đen miền Nam là dân quê chính yếu của chúng ta. Họ có một truyền thống địa phương được truyền miệng; họ sáng tác những bài ca quê. Ngoại trừ họ, chúng ta phải tìm kiếm những nhóm tộc dân quê khác ở Hoa Kỳ. Ở vùng núi phía Nam và Đông Nam có một loại vết tích dân quê. Và đây đó, trong những nghề liên quan đến thời gian cô lập lâu dài và sự độc lập tương đối với chữ viết - chẳng hạn như giữa những người thợ rừng hoặc bọn chăn bò - một loại hình tựa-dân quê - những kẻ viết những bài dân ca vô danh và đôi khi làm ra ngay ở đám lửa trại – đã xây dựng nên những sử thi dân quê thuộc thể loại Paul Bunyan.

II

Làm thế nào chúng ta có thể xác định được sự khác biệt giữa các đám dân Mexico và các đám dân của chúng ta? Những đặc điểm nào của dân quê khiến họ khác biệt với “thường dân” không phải dân quê? Có thể cho rằng điều đó thể hiện rõ ở sự khác biệt giữa ca nhạc dân quê ca nhạc đại chúng, văn học dân quê văn học đại chúng. Ở cực điểm, đó là sự khác biệt giữa những tích truyện động vật hoặc truyện phù thủy của các bộ lạc da đỏ hoặc những người nông dân giản phác, và những tạp chí Mỹ thuộc loại “xưng tội chân thành”. Hoặc đó là sự khác biệt giữa bài hát truyền thống đi kèm [tr.5] nghi lễ của người Ấn Độ hay châu Phi, bài ca quê không kém truyền thống của péon bọn nông phu Mexico hoặc đám nông dân Roumani, và Singin’ in the Rain - Hát trong Mưa hay You’ve Never Been Blue - Em nào có Thiên thanh.

Có lẽ cần phải chỉ ra rằng hai thể loại xướng ca kia, hai thể loại văn vẻ này, đâu có giống nhau. Nhưng quả thực chúng lại giống nhau. Chúng thuộc về nhau khi đối lập với nghệ thuật và văn học sành sỏi của tầng lớp trí thức tự ý thức về mình nhiều hơn. Chúng hoàn toàn khác, và khác theo cùng một cách, với Proust hay Stravinsky. Cả nhạc dân quê và nhạc đại chúng được viết ra vì chúng sẽ được hát lên; cả hai văn học dân quê và văn học đại chúng đều được sáng tác vì chúng sẽ được đọc hoặc kể lại. Nghệ thuật sành sỏi được hình thành phù hợp với các chuẩn mực tự ý thức của khiếu thẩm mỹ. Nó được sáng tác không phải để mọi người đọc mà để được một số ít người đánh giá cao. Nó được viết không phải bằng những hình ảnh dân quê phổ cập và dễ hiểu mà bằng những hình thức được tạo dựng công phu. Ví dụ, nó chứa đựng nỗi kinh hoàng của clichés các sáo ngữ.

Đây là điểm khác biệt mà Sumner2 nói đến khi [tr.6] ông phân biệt “quần chúng” với “giai tầng”. “Các giai tầng” là thiểu số những người sành sỏi, ít nhất là trong xã hội có chữ viết, có xu hướng chiếm lĩnh một thế giới tinh thần tách biệt khỏi thế giới của quần chúng. Mặt khác, “quần chúng” bao gồm cả các nhóm tộc “dân quê” và thường dân của các nước đã văn minh hóa, hoàn toàn có chữ viết. Đối với loại “quần chúng” thứ hai này dường như không có sẵn tên gọi,3 và việc phát minh ra các thuật ngữ mới là thuộc về trí tuệ đáng ngờ. Việc hoàn thiện tỷ lệ: “dân quê” so với “ca quê” với tư cách là “chúng ca” là so với X - người ta có thể đề xuất populous dân chúng, hoặc khá hơn là demos bình dân. Sự khác biệt giữa ca nhạc dân quê và ca nhạc đại chúng, hay văn học dân quê và văn học đại chúng, nuôi nấng một cách tiếp cận về sự khác biệt giữa dân quêbình dân [demos]. Ca nhạc đại chúng rõ ràng là sành sỏi hơn. Nó được viết có chủ ý, để bán. Ca nhạc dân quê “thiếu nghệ tính” hơn. Ca nhạc đại chúng có tác giả; quê ca hồ dễ biết kẻ tác thành. Câu hỏi về cấu phần cộng đồng không nảy sinh trong lĩnh vực văn học đại chúng như trong lĩnh vực văn học dân quê.

Ca nhạc đại chúng hay văn học đại chúng được viết ra để có thể mang bán [tr.7]; kẻ sáng tác kiếm sống bằng các sản phẩm đó hoặc bọn ấy hy vọng như vậy. Và cuối cùng, có sự khác biệt rõ ràng và quan trọng giữa một tác phẩm phụ thuộc vào việc viết và một tác phẩm chỉ cần hát lên, kể lại và lắng nghe. Từ sự khác biệt này nảy sinh ra một số mối tương quan đáng kể. Ca nhạc dân quê mang tính địa phương hơn nhiều; nó thường được thể hiện bằng ngôn từ địa phương; nó có những ám chỉ địa phương. Còn ca nhạc đại chúng lại đề cập đến một cộng đồng trải nghiệm rộng lớn hơn nhiều. Ca nhạc đại chúng được viết ra phải mang tính chuẩn hóa; người ta không thu thập “các phiên bản” của nó. Các bài hát đại chúng phát triển các phiên bản thì chuyển thành các bản dân quê. Nhưng tờ Saturday Evening Post xuất hiện với gần ba triệu phiên bản giống hệt nhau vào thứ Năm hàng tuần. Và bài hát đại chúng, văn học đại chúng, tồn tại trong thế giới thời trang và thị hiếu nhất thời. Trong dân quê, nơi giao tiếp chậm hơn nhiều, rất ít chất thời trang; tối thiểu, trong văn học dân quê, có lẽ không có những cơ “sốt mốt”. “Sốt mốt” là một đặc điểm của bọn demos bình dân.

Nếu chúng ta quay sang các bài hát và văn học hiện hành ở Mexico, chúng ta sẽ tìm thấy những ví dụ về cả ba loại; phức tạp, đại chúng và dân quê. Tuy nhiên, thể loại bài hát và truyện kể có tính thịnh hành rộng rãi nhất lại ở nhiều khía cạnh, có tính chất chuyển tiếp giữa văn học dân quê và văn học đại chúng, giữa ca nhạc dân quê và ca nhạc đại chúng. Các nhóm dân làng nguyên thủy hơn vẫn hát những bài hát truyền thống cổ xưa và kể những tích truyện cổ truyền. Người dân ở các thị trấn và thành phố, ít nhất là tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở đó, hát những bài hát tình cảm, mang đậm chất Mexico địa phương, và thậm chí cả những đoản ca của nhạc jazz [tr.8] phù du theo thời ở New York hoặc London. Nhưng ở giữa là một khối văn liệu chuyển tiếp khổng lồ, một loại văn liệu “dân quê-đại chúng”, thể hiện sự thật rằng ở Mexico, chúng ta có một tập hợp các nhóm tộc dân quê đang trở thành những người demos bình dân.

Khối văn liệu trung gian này được biết đến nhiều nhất nhờ hình thức nổi bật của nó, bản ballad được gọi là corrido.4 Trước hết các corridos được truyền miệng. Nhà soạn nhạc, một ca sĩ có uy tín ở địa phương, truyền tải nó đến người nghe; ngay lập tức nó có xu hướng trở thành ẩn danh. Nhưng nó không hoàn toàn độc lập với việc viết. Ở các vùng nông thôn, nó có thể được in trong các sách sao chép tư nhân, và ở các thành thị, đôi khi nó được lưu hành trên các tờ rơi được in rẻ tiền - giống như “bản ballad đại báo” của nước Anh thời Elizabeth vậy.

[Tr.9] Chủ đề văn liệu đại chúng này luôn là điều được đám quần chúng Mexico quan tâm: chiến tranh, tội ác, thảm họa, và đặc biệt là những nhân vật đại chúng và những vật tế thần đại chúng. Trong nội dung thay đổi liên tục của nó, khi các corridos cũ chết đi và các corridos mới được hình thành, nó tạo thành một loại nhật ký tập thể của đám quần chúng Mexico. Ở lề dưới, trong những bài hát nặng chất truyền thống hơn tồn tại ở các cộng đồng địa phương qua nhiều thế hệ, nền văn học này hòa nhập với văn học dân quê điển hình của các tộc người nguyên thủy. Ở lề trên của nó, các khúc ballad tin tức về tội ác hoặc niềm đam mê, chuyển sang lề dưới của nền văn học đại chúng của chúng ta - những câu thơ vớ vẩn về Floyd Collins [nhà thám hiểm hang động Mỹ, nổi tiếng vì cái chết mắc kẹt trong hang] hay vụ Hall-Mills [Vụ thảm án nổi tiếng Linh mục Edward Hall và người tình là ca sỹ dàn hợp xướng Eleanor Mills] hiện được lưu hành trên các đĩa hát đặt hàng qua thư.

Sự khác biệt cơ bản giữa corrido và ca nhạc dân quê của một nhóm tộc thực sự nguyên thủy dường như nằm ở xu hướng corrido đi vào lĩnh vực tin tức, dư luận và thậm chí cả tuyên truyền. Corrido là một phương tiện tin tức. Nó thông báo cho công chúng về các sự kiện liên quan đến nó, và đặc biệt là những phấn khích nuôi dưỡng mối quan tâm của nó. Người ta có thể mạo muội cho rằng nó có xu hướng trở thành một cơ chế tạo nên những thái độ trái ngược nhau ở địa phương. Một kẻ bị réo xướng như một tên cướp ở cộng đồng này lại có thể được ngợi ca như một vị cứu tinh ở một cộng đồng khác; việc lưu hành những bài hát này có xu hướng xác định vị trí của anh ta theo những ngôn từ được chấp nhận rộng rãi hơn. Trong mối quan hệ giữa corrido với một cuộc thảo luận mang tính bang quơ hơn là sự trao đổi sâu sắc các ý tưởng trong một cộng đồng dân quê hoàn toàn tự cung tự cấp, thì corrido có liên quan đến sự trỗi dậy của tình cảm dân tộc chủ nghĩa bắt đầu đem đến cho [tr.10] những thay đổi đang diễn ra ở Mexico một hình thức đặc biệt, đồng thời là một đặc trưng.

III

Sự thay đổi rõ ràng đang diễn ra ở Mexico có thể được mô tả bằng những thuật ngữ cơ bản hơn là “sự lan tỏa của giáo dục” hay “phát triển kinh tế”, mặc dù đây tất nhiên là những khía cạnh quan trọng của sự thay đổi đó. Đối với nhà nhân học xã hội, thay đổi là cái được thể hiện bằng việc đạt được văn học đại chúng nhưng lại gây thiệt hại cho văn học dân quê. Đó là một sự thay đổi trong loại hình văn hóa. Hơn nữa, có thể tạm thời giả định rằng sự thay đổi này có những yếu tố chung với những thay đổi khác đang diễn ra ở các quốc gia có vị trí tương tự chịu ảnh hưởng ngày càng mở rộng của nền văn minh công nghiệp phương Tây hiện đại. Mexico chỉ là một trong những dân tộc ở biên giới của mối tiếp xúc đó. Nền văn minh công nghiệp hiện đại dường như trực tiếp vươn tới các dân tộc bên lề này như một loại phức hợp; dường như những dân tộc còn tồn tại đều có xu hướng phản ứng theo những cách khác nhau nhưng thường có thể so sánh được. Có lẽ máy kéo, báo chí, sự phục hồi ngôn ngữ, sách hướng dẫn kỹ thuật thủ công và thái độ cảm xúc mạnh mẽ đối với người nước ngoài, kết hợp giữa ngưỡng mộ và khinh miệt, đại diện cho các yếu tố tái diễn trong một quá trình có thể mô tả được.

Các nhà nhân học văn hóa ngày càng có xu hướng nghiên cứu các quá trình xã hội theo đúng nghĩa, thay vì hài lòng với việc chỉ mô tả các nền văn hóa hoặc giải quyết các trình tự lịch sử cụ thể. [Tr.11] Phần lớn các nhà dân tộc học vẫn là các nhà địa lý và sử học; họ mô tả những gì đã hoặc đang tồn tại ở nơi cụ thể đó và cho biết làm thế nào nó xuất hiện ở đó. Với nhiều mối quan tâm khoa học bắt nguồn từ lịch sử, trong việc làm sáng tỏ một sợi dây khác trong mạng lưới quá khứ. Các nhà khảo cổ và dân tộc học cùng nhau, bằng nhiều nghiên cứu chi tiết về thời kỳ tiền văn tự, đã giúp tạo nên “lịch sử mới” của ngày nay.

Tuy nhiên, sự quay trở lại mối quan tâm đến việc khái quát hóa quá trình trong lĩnh vực nhân học xã hội và việc tái sử dụng những gì về cơ bản là phương pháp so sánh, đã được đánh dấu rõ ràng trong những năm gần đây. Các nhà nhân học một lần nữa tìm kiếm những khái quát hóa về sự thay đổi xã hội. Với một số người, như với Wissler,5 các nghiên cứu về quá trình truyền bá đã được thực hiện, không phải để mài giũa các công cụ nghiên cứu lịch sử, mà để đạt được sự kiểm soát đối với các thay đổi đương đại và tương lai. Mục đích tối hậu của Kroeber ít nhất một phần là ở chỗ nhân học văn hóa sẽ trau dồi “khoa học thuần túy,”6 và mối quan tâm đến quá trình văn hóa khác biệt với lịch sử văn hóa7 là dứt khoát đối với Malinowski.8

[Tr.12] Nếu mối quan tâm của người nghiên cứu tập trung vào các quá trình xã hội nói chung, thì dường như có một quy trình trực tiếp hơn để nghiên cứu các quá trình đó khi chúng thực sự diễn ra, thay vì tự hài lòng với việc so sánh các trình tự lịch sử sao cho được xác định một cách công phu bằng các phương pháp lịch sử của nhà dân tộc học, khi họ không có nguồn tài liệu trực tiếp bằng văn bản. Trong các chuỗi thuộc loại sau, chỉ một phần nhỏ của tất cả các sự kiện có thể được lấy lại. Nếu ai đó quan tâm đến việc nghiên cứu những gì vẫn xảy ra hơn là những gì đã xảy ra, thì người ta sẽ chuyển động trực tiếp hơn nếu nghiên cứu nó khi nó vẫn xảy ra. Giờ đây, khi năng lực và nhân sự của nhân học đã phát triển, thì nó có thể thực hiện những cuộc điều tra như vậy và vẫn tiếp tục công việc bảo tồn hồ sơ về các nền văn hóa đang dần mất đi.

Vấn đề ở chỗ vẫn có thể nghiên cứu các nhóm biệt lập hơn ở Mexico để tìm hiểu điều gì đó về các nền văn hóa thời tiền Colombo và về những thay đổi [tr.13] mà họ đã trải qua khi tiếp xúc với người Tây Ban Nha, thì đó là điều không nên từ chối. Đó chính là nghiên cứu về một nền văn hóa đã chết và về những thay đổi trong quá khứ. Chỉ cần chỉ ra rằng đó không phải là mối quan tâm đã đưa người viết tới Mexico. Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về lịch sử của nền văn hóa hiện tại của Tepoztlán là một bộ phận của bất kỳ nghiên cứu thấu đáo nào về nền văn hóa đó. Nhưng mối quan tâm ở những chương tiếp theo đặc biệt hơn lại là những thay đổi hiện tại. Có một nhiệm vụ đã không được lĩnh hội là giải cứu những người vẫn còn sống khỏi nền văn hóa thổ dân. Chẳng hạn, chưa từng có những nỗ lực thu thập các bài hát dân quê còn đọng lại trong ký ức của bất kỳ cá nhân nào có thể bảo tồn chặt chẽ nhất những đặc điểm thời tiền-Colombo, mà chỉ là nghiên cứu những bài hát ngày nay còn sống động và có ý nghĩa trong cuộc sống của dân quê đương đại. Việc những bài hát này gần như hoàn toàn mang đậm chất châu Âu là điều thú vị, nhưng không hề hạn chế tầm quan trọng của chúng.

Dân gian Mexico không nhất thiết phải là người Indians. Văn hóa dân quê là sự kết hợp giữa các yếu tố Indian và Tây Ban Nha. Quá trình tích hợp văn hóa làm nảy sinh nền văn hóa hỗn hợp này đã diễn ra cách đây ba trăm năm, phần lớn là trong vài thế hệ đầu tiên sau cuộc Chinh phục. Việc phân tích văn hóa dân quê Mexico thành các yếu tố Tây Ban Nha và Indian là một vấn đề - một vấn đề mang tính lịch sử. Việc mô tả những thay đổi xảy ra trong văn hóa dân quê do sự lan rộng của lối sống thành thị là một vấn đề khác – vấn đề nghiên cứu về sự thay đổi đương đại. Tình trạng vô tổ chức và có lẽ là tái tổ chức [tr.14] của nền văn hóa ở đây được coi là dưới ảnh hưởng tăng trưởng chậm của thành phố là một quá trình - một quá trình truyền bá - có thể và cần được nghiên cứu. Người viết giả định, đó là một ví dụ, trong giới hạn thuận tiện, về kiểu thay đổi chung, theo đó bọn nguyên thủy trở thành đám văn minh, lũ quê mùa bỗng nên dân kẻ chợ.

________________________________________
Nguồn:
Redfield, Robert (1930, 1946). Tepoztlán - a Mexican Village, The University of Chicago Press, Chicago-Illinois, Fouth Impression, December 1946.

Tác giả: Robert Redfield (1897 –1958) là một nhà nhân học và nhà dân tộc học người Mỹ, với công trình dân tộc học ở Tepoztlán, Mexico, được coi là một bước ngoặt của dân tộc học Mỹ Latinh. Ông gắn bó với Đại học Chicago trong suốt sự nghiệp của mình: toàn bộ quá trình học cao hơn của ông diễn ra ở đó, và ông gia nhập khoa vào năm 1927 và ở đó cho đến khi qua đời vào năm 1958, giữ chức vụ Trưởng khoa Khoa học Xã hội từ năm 1934 đến năm 1946. Redfield tốt nghiệp Đại học Chicago với ngành Nghiên cứu Truyền thông, sau đó là Tiến sĩ về nhân học văn hóa, ngành mà ông bắt đầu giảng dạy vào năm 1927. Ông được bầu vào Hiệp hội Triết học Hoa Kỳ năm 1947 và Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ năm 1950. Sau một loạt nghiên cứu thực địa được công bố từ các cộng đồng Mexico (Tepoztlán ở Morelos và Chan Kom ở Yucatán), năm 1953, ông xuất bản Thế giới nguyên thủy và sự biến đổi của nó và vào năm 1956, Xã hội và văn hóa nông dân. Redfield nhận ra rằng việc nghiên cứu con người như những đơn vị biệt lập là không có ý nghĩa, mà tốt hơn là nên hiểu một góc độ rộng hơn. Theo truyền thống, các nhà nhân học nghiên cứu lề lối dân quê theo “Tiểu truyền thống”, có tính đến nền văn minh rộng hơn, được gọi là “Đại Truyền thống”. Ông được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ năm 1950. Redfield là con rể của nhà xã hội học Robert E. Park tại Đại học Chicago. Redfield và vợ Margaret là cha mẹ của Lisa Redfield Peattie, Giáo sư danh dự tại Viện Công nghệ Massachusetts; James M. Redfield, giáo sư kinh điển tại Đại học Chicago; và Joanna Redfield Gutmann (1930–2009) một nhân viên xã hội về tâm thần, đã đi tiên phong trong việc thành lập các phòng khám sức khỏe tâm thần cho sinh viên tại Đại học Chicago và cho người lớn tuổi tại Bệnh viện Northwestern Memorial. Bà đã theo học tại trường Goodman và là một diễn viên, đã từng xuất hiện trên sân khấu Chicago.

Ghi chú

1. Ernest Omening, Mexico và di sản của nó trang x.

2. Vấn đề quan trọng hàng đầu đối với nhà sử học là liệu tập tục của các giai cấp lịch sử mà ông ta tìm thấy bằng chứng trong các tài liệu còn lại có thấm nhập vào quần chúng hay không. Quần chúng thực sự là những vật mang tập tục xã hội. Họ mang truyền thống. Những lề lối dân quê chính là lối sống của họ. Họ chấp nhận ảnh hưởng hoặc sự lãnh đạo và họ bắt chước, nhưng họ chỉ làm như vậy khi thấy phù hợp, bị kiểm soát bởi những quan niệm và thị hiếu đã có được từ trước. Họ có thể chấp nhận những tiêu chuẩn về tính cách và hành động từ các giai cấp, từ kẻ ngoại, từ văn học, hoặc từ một tôn giáo mới, nhưng bất cứ điều gì được chọn, họ đều đồng hóa và biến nó thành một phần tập tục của riêng họ, sau đó họ truyền lại bằng truyền thống, bảo vệ tính toàn vẹn của nó và từ chối loại bỏ một lần nữa. Do đó, các tác phẩm của tầng lớp có học có thể không hề đại diện cho đức tin, quan niệm, thị hiếu, tiêu chuẩn, v.v. của quần chúng. Văn liệu của những thế kỷ Kitô giáo đầu tiên hầu như không cho chúng ta thấy bất cứ tập tục nào thuộc về thời đó, vì chúng tồn tại trong đức tin và thực hành của quần chúng. Mỗi nhóm lấy ra từ một tôn giáo mới được cung cấp cho họ những gì họ có thể hòa hợp với các tập tục truyền thống của riêng mình. Cơ đốc giáo là một điều rất khác biệt giữa người Do Thái, người Ai Cập, người Hy Lạp, người Đức và người Slav. Sẽ là một sai lầm lớn nếu cho rằng có một dân tộc nào đó đã từng chấp nhận và giữ những giáo lý triết học hoặc tôn giáo như nó được ban cho họ, và như chúng ta thấy nó được ghi lại trong sách của các vị thầy. Các tập tục của quần chúng thừa nhận không có sự thay đổi đột ngột và lớn lao như vậy trong việc giảng dạy học thuyết. Quá trình đồng hóa diễn ra chậm và kéo theo những ảnh hưởng biến đổi ở mọi giai đoạn” (Folkways p. 46). Sumner không phân biệt giữa dân quê, một dân tộc nông thôn trong đó nền văn hóa được xây dựng, và giai cấp vô sản thành thị, trong đó có xu hướng bị phá vỡ.

3. “Vô sản” dường như là một thuật ngữ có liên quan.

4. “Hình thức biểu đạt âm nhạc phổ biến nhất là corrido, nghĩa đen là ‘hiện tại đang diễn ra’. Bất kỳ sự kiện nào chạm đến nhóm tộc người đều ngay lập tức được đưa vào thể loại ballad này. Những dòng chữ của corridor được in trên một tờ giấy lòe loẹt, thường là màu xanh lá cây hoặc màu hồng, được tô điểm bằng những vết khắc gỗ gớm ghiếc. Ca từ thật phát chán và âm nhạc lại là một điệp khúc ‘lôi cuốn’. Nhưng các corridos là một chỉ số có giá trị cho suy nghĩ đại chúng. Trong cuộc Cách mạng, Zapata được đánh giá cao hơn tất cả những nhân vật khác về sự đa dạng và số lượng corridos ngợi ca ông. Tiếp theo là Villa, được miêu tả là muy hombre, người anh hùng của những chiến công vĩ đại. Carranza (1859-1920) không hiện diện trong các corridos – nhưng lại có trong chiến trận. Các chủ đề anh hùng, bi thảm, khủng khiếp, thương cảm chiếm ưu thế. Những hành động dũng cảm, lũ lụt, động đất, nạn đói, thiên tai nói chung ảnh hưởng đến nhân dân đều được ca tụng ngay lập tức. Người viết thường bắt đầu bằng cách công bố chủ đề của ca từ của mình - như thể đang nói với một khán giả, và khi kết luận thường bỏ qua nó. Ông là một nghệ sĩ hát rong hiện đại, nhưng thay vì dâng các tác phẩm thanh nhạc của mình cho những người quyền lực như ngày xưa, người dân lại là khách hàng quen của ông, vì những bài corridos được bán với giá một hoặc hai centavo ở chợ. “Một phẩm chất thiết yếu của các corridos là tính chân thành của chúng: Người viết hoàn toàn thẳng thắn. Ông ta không chỉ kể về sức mạnh của người anh hùng mà còn về cả những điểm yếu của anh ta - tình trạng say rượu, hành vi vi phạm luật pháp và trật tự, tính hay thay đổi của ông ta với những người tình của mình, cũng như tính lẳng lơ của họ. Và cũng giống như ông ấy nhìn người anh hùng trong chủ đề của mình không hề ảo tưởng, ông áp dụng những thước đo tương tự cho những người vĩ đại và gần-vĩ đại của đất nước mình - các tướng lĩnh và chính trị gia” (Gruening, op. cit., trang 647-48).

5. Man and Culture - Con người và Văn hóa, đặc biệt là chương Hợp lý hóa Quá trình Văn hóa; cũng như Quan hệ giữa Tự nhiên và Con người ở Thổ dân châu Mỹ.

6. Bài phát biểu trước Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội, tại Hanover, N.H., ngày 5 tháng 8 năm 1927, với tựa đề Nghiên cứu về Hiện tượng Văn hóa (chưa xuất bản).

7. Logic của sự khác biệt này được trình bày trong cuốn The Posibility of a Social PsychologyKhả tính của Tâm lý học Xã hội của A. L. Kroeber. Radcliffe-Brown (nghệ thuật, Phương pháp Dân tộc học và Nhân học Xã hội) đưa ra sự phân biệt khá rõ ràng, gợi ý một số ý nghĩa quan trọng, và đề xuất thuật ngữ “dân tộc học” cho sự phân biệt về dục vọng và nhân học xã hội để đạt tới các quy luật tự nhiên của sự thay đổi xã hội.

8. Bất kể giá trị của mối quan tâm về nguồn gốc văn hóa là gì, rõ ràng là trừ khi những dữ liệu này theo cách này hay cách khác có liên quan đến các điều kiện hiện đại, thì nhân học thuần túy cổ vật không thể có ích lớn, và cho đến nay có rất ít nỗ lực được cống hiến để làm cho nhân học tiến hóa giải quyết các vấn đề thực tế của cuộc sống hiện đại. “Một lần nữa, các tác phẩm theo truyền bá luận, sự tái cấu trúc lịch sử quá khứ của các chủng tộc nguyên thủy khác nhau, không có tầm quan trọng rõ ràng hoặc trực tiếp trong các vấn đề hiện đại. Cho dù chế độ mẫu quyền đã di chuyển trên lục địa Mỹ từ đông nam lên tây bắc hay liệu giày da đinh được phát hiện lần đầu tiên ở người Algonquins ở phía đông bắc và dần dần di chuyển về phía Mexico, thì thực tế lịch sử quan trọng này có lẽ có ý nghĩa về mặt lý thuyết, nhưng có lẽ nó không thể được các nhà nghiên cứu xã hội sử dụng thấu đáo trong việc thảo luận về sự cấm đoán, vấn đề người da đen, vấn đề ly hôn, đạo đức tình dục, v.v. “Việc thừa nhận rằng quá trình xã hội tuân theo những quy luật xác định cũng giống như quá trình tự nhiên tuân theo các quy luật vật lý, hóa học và sinh học, đã vấp phải sự phản đối rất gay gắt trong khoa học xã hội” (bài phát biểu dưới tựa đề Nhân học như một Khoa học Xã hội trước Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội tại Hanover, N.H., tháng 8 năm 1926 [chưa xuất bản]).



 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét