Powered By Blogger

Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2023

Làng Tepoztlán của người Mexicô (V)

Robert Redfield

Người dịch: Hà Hữu Nga

Chương III: Tổ chức Cộng đồng

Ở những vùng bị chia cắt nhiều, cộng đồng tự nhiên thường sống trong các thung lũng và ranh giới của cộng đồng là các vách núi, hào rãnh sông suối. Tepoztlan cũng như thế, nơi đáy thung lũng trải rộng và màu mỡ, tọa lạc ngôi làng lớn. Ngoài ra, ở những địa điểm ít thuận lợi hơn, trong những lũng hẻm với những ngọn núi vây quanh, hoặc trên sườn núi dốc hơn hay ít nước hơn ở phía bên kia các dãy núi, tuy cũng có các thôn làng, nhưng do vị trí không mấy thuận lợi nên quy mô vẫn còn nhỏ bé. Các thôn nhỏ hơn đương nhiên sẽ và vẫn phụ thuộc vào hệ thống chợ búa và tổ chức xã hội của khu định cư rộng lớn dưới thung lũng.

Một chòm thôn xóm nhỏ như vậy, bám quanh một ngôi làng lớn hơn, là điển hình của cấu trúc làng Tepoztlan và bảy thôn San Juanico, Santo Domingo, Amatlin, Ixcatepec, Santiago, San Andres và Santa Catarina. Tepoztlan có khoảng bốn nghìn cư dân; mỗi thôn có hai ba trăm người. Tepoztlan nằm trong thung lũng rộng được bảo vệ bởi ba bề là núi non, nguồn nước dồi dào của hệ thống suối tuôn chảy từ những ngọn núi ở phía bắc thung lũng; nước được dẫn đến thị trấn (như trước đây nó được dẫn qua các mương rãnh bằng đá thô sơ) từ các hồ chứa được xây dựng ở [tr.55] các ngọn nguồn này. Ixcatepec và Santiago nằm xa hơn dưới thung lũng, bên ngoài các lũy núi che chắn, dọc theo San Jerdnimo, một dòng suối nhỏ phát sinh từ Tepoztlan và chảy vào Rio Yautepec. Năm thôn còn lại gần như không có nước trực tiếp dẫn đến; thực sự thì ở Santa Catarina, toàn bộ hệ thống nước đều được dẫn đến thị trấn từ khoảng cách khoảng nửa dặm.

Các thôn nhỏ đương nhiên phụ thuộc vào Tepoztlan vì nó là ngôi làng lớn gần nhất, nhưng đặc biệt hơn là hầu hết các thôn nhỏ đều nằm dọc theo những con đường chính dẫn ra Tepoztlan. Đầu phía trên thung lũng, nơi vách núi thấp, có hai con đường đi ra; một ở phía bắc dẫn đến Mexico City, một ở phía tây nam dẫn đến Cuernavaca. San Juanico nằm trên con đường cũ; tách hẳn khỏi con đường đó là San Andres, và trực tiếp dẫn đến thôn Santa Catarina. Con đường thứ ba chạy về phía đông nam xuống thung lũng mở rộng đến Yautepec. Dọc con đường đó có Ixcatepec và Santiago. Santo Domingo và Amatlan không nằm trên trục giao thông huyết mạch chính, và vì lý do này, các thôn đó chắc không gắn bó với tư cách là một phần của nhóm cộng đồng so với năm thôn kia. Người dân ở hai thôn này ít thường xuyên đóng góp cho khu chợ ở Tepoztlan hoặc tham dự các lễ hội ở đó. Có rất nhiều giao dịch qua lại giữa các ngôi làng ở Morelos và gần như tất cả đều là đi bộ. Một người đàn ông hoặc một phụ nữ ở Tepoztlan sẽ không thường xuyên hàng tuần đi bộ đến Yautepec hoặc Cuernavaca, với quãng đường ba mươi lăm hoặc bốn mươi dặm tới đó và quay về trong ngày, lại thường phải mang vác nặng hang hóa cả [tr.56] lúc đi lẫn khi quay về. Việc di chuyển chậm kiểu này, với nhiều điểm dừng nghỉ, có xu hướng thu hút bộ hành theo các nhóm nhỏ. Cách thức này rất phổ biến vào những ngày lễ hội quan trọng, khi hàng trăm hoặc hàng ngàn người đi bộ nhiều dặm đến và đi khỏi ngôi làng tổ chức lễ kỷ niệm, tụ tập để tán gẫu, trao đổi tin tức và bày tỏ chính kiến. Du lịch bằng chân chính là nguồn tin tức, là báo chí của những vùng như vậy.

Tầm quan trọng của việc đi bộ được phản ánh qua phép lịch sự truyền thống trên đường. Cũng giống như ở khắp mọi nơi, không chỉ có lời chào thông thường khi hai du khách gặp gỡ,1 mà người ta còn luôn chào nhau, dù họ chỉ là những khách qua đường. Khi đi bộ, thời gian đi qua nhau kéo dài đến mức cảm giác dù chỉ hơi căng thẳng cũng phải được giải tỏa bằng lời chào hỏi thông thường. Vì vậy, khách bộ hành đi qua một nhóm khác sẽ thường nói, “Yenican anmuica, amehuantzitzin” (“Đi vui, [các] ông/bà hỉ!”), hoặc có thể chỉ đơn giản là thì thầm “Nican” [Cùng đi đấy!]. Những người khác trả lời, “Quemacatzin, Yenican tiatihue” (“Đã hẳn, cùng đi”), hoặc đơn giản là “Quemacatzin” Cùng đi. Nếu kẻ vượt qua kẻ khác vì không muốn đi cùng, hắn sẽ nói,“Mantiahtacan nepa ti nechnotzitzitzquilitin” (“Cố chút cho nhanh”), thường được rút ngắn thành “Cố chút.” Bọn khác đồng thuận hoặc bằng lòng trả lời, “Ximoica, nehua yolicniati” (“Cố, tôi lết theo”).

Cho dù có sự giao tiếp và tương tác liên tục [tr.57] với các chuyến bộ hành thường xuyên như vậy, các ngôi làng tạo thành cộng đồng tự nhiên này vẫn tách biệt và có những nét riêng biệt. Mối giao thoa xã hội hàng năm trăm năm nay vẫn chưa làm mất đi nét đặc thù văn hóa của từng thôn. Điều này là do rất hiếm khi người ta thay đổi nơi cư trú. Trong số những đàn ông Tepoztlan, rất ít - ước tính có thể chỉ khoảng năm mươi kẻ - sinh ra bên ngoài thung lũng. Phụ nữ có gốc gác từ các vùng khác của Mexico thì nhiều hơn. Và ngay cả trong số các làng cấu thành cộng đồng cũng có tình trạng không thường xuyên di cư. Người dân bám chặt vào vùng đất tổ tiên của họ. Trong một số năm của thời kỳ cách mạng vừa qua (1910–17) Tepoztlan bị bỏ hoang; nhiều ngôi nhà bị phá hủy; tuy nhiên khi hòa bình lập lại, phần lớn dân cư đã quay trở về, mỗi gia đình lại cư chiếm và canh tác nương rẫy tại mảnh đất xưa của cha ông họ.

Một số khác biệt về văn hóa giữa các làng có nguồn gốc từ sự khác biệt địa lý. Khái niệm quan trọng nhất về phương hướng ở Tepoztlan liên quan đến độ cao. Giống như ở các đảo Polynesia, nơi chỉ đường không được đưa ra dưới dạng các điểm la bàn mà thay vào đó là “hướng biển” hoặc “xa biển”, vì vậy ở Tepoztlan, một vị trí có liên quan đến người nói thường không được đưa ra dưới dạng phía bắc, phía nam, phía đông hoặc phía tây nhưng thay vào đó được mô tả là “xuống dưới” hoặc “lên trên một chút”. Diện mạo của thôn San Juanico khác biệt rõ rệt Tepoztlan. Hai thôn làng cách nhau không quá bốn dặm, nhưng độ cao lại cách nhau đến 600 mét.

[Tr.58] Do đó thảm thực vật có khác biệt; hơn nữa đất không thích hợp để làm gạch ngói nên hầu hết nhà đều làm bằng lá mía, rơm, phên vách. Sự khác biệt về độ cao và độ khô cằn tạo ra sự khác biệt về chủng loại sản phẩm tự nhiên của tám thôn làng này; do đó làng nào cũng có đặc sản nông nghiệp và đặc trưng kinh tế riêng. San Juanico cung cấp táo gai (tejocotes/ manzanillas) và nhiều loại dược liệu chỉ phát triển ở độ cao lớn. San Andres, nằm trên một dải núi đá vôi, cung cấp vôi, đốt trong lò nung, lò này còn để nấu chín ngô. Santiago là một ngôi làng ấm áp hơn và có nước tưới tốt hơn những ngôi làng khác và cư dân ở đây trồng cà chua, mía và vú sữa sapotes. Dân Ixcatepec chuyên về mật ong, còn bọn ở Santa Catarina khô cằn thường sản xuất các loại quả keo (S. guajes; N. Huexi).

Chuyên môn kinh tế này tạo điều kiện trao đổi tại chợ phiên hai tuần một lần. Thứ Tư và sáng Chủ nhật hàng tuần, từ năm mươi đến một trăm người bán hàng tập trung ở trung tâm Tepoztlan. Một số là người Tepoztlan, một số từ các thôn xung quanh, còn lại là thương lái từ các làng bên ngoài cộng đồng. Thương lái ngồi xổm trên quảng trường hoặc dưới các cửa hàng cố định, hoặc có thể ngồi trên một tảng đá, trưng bày hàng hóa của mình thành từng chồng nhỏ. Để có được đặc quyền chiếm giữ một không gian như vậy, chính quyền thành phố áp dụng “thuế sàn” (derecho de piso - là một loại thuế do chính phủ áp dụng đối với người dân, doanh nghiệp, giao dịch hoặc tài sản để tạo ra doanh thu công-HHN). Vị trí của các thương lái không thay đổi đáng kể từ tuần này sang tuần khác, thực tế cũng không thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác; những người ở các [tr.59] thôn xung quanh luôn ngồi cạnh nhau, luôn giữ một vị trí tuyệt đối và tương đối nào đó. Thương lái đi theo từng làng, ngồi theo từng làng; và sự khác biệt giữa họ càng được nhấn mạnh bởi thực tế là các sản phẩm họ bán phần lớn là khác nhau, khi so sánh nhóm làng này với nhóm làng khác. Người Amatlan cũng có một nghề chuyên về kinh tế: nghề đánh luống mía;2 nhưng Amatlan và Santo Domingo, như đã nói, ít gắn kết chặt chẽ hơn với phần còn lại của cộng đồng thung lũng, và cư dân hai thôn đó không thường xuyên mang hàng hóa đến bán tại các phiên chợ ở đó.

Sự khác biệt giữa các làng không chỉ giới hạn ở những khác biệt do yếu tố địa lý mang lại. Sự ổn định của dân số, ngay cả trong giới hạn nhỏ của cộng đồng tự nhiên này, và bản tính cục bộ của lòng trung thành truyền thống, đã giúp cho những khác biệt văn hóa khác có thể tồn tại. Tất nhiên, bên ngoài cộng đồng Tepoztlan, những khác biệt như vậy càng rõ rệt hơn. Yautepec cách đó không quá mười lăm dặm, nhưng một người gốc Tepoztlan có thể nói với một du khách đến [tr.60] từ Yautepec ở một khoảng cách đáng kể vì anh ta mặc quần ngắn hơn và chật hơn và vì anh ta thường quàng một chiếc khăn ở cổ. Cũng có thể có những khác biệt mang tính biện chứng3 giúp phân biệt Yautepec với Tepoztlan. Có lẽ có rất nhiều sự khác biệt giữa các thôn trong cộng đồng. Ở Santa Catarina, hạt đậu đầu tiên được nướng và sau đó luộc với nhiều dầu epazote4, trong khi ở Tepoztlan, món chủ lực đó lại không được nướng mà luộc thường không có dầu epazote. Không có bằng chứng thống kê nào có thể được đưa ra ở đây về tuyên bố, cho rằng hôn nhân ở San Andres diễn ra “theo phong tục cổ xưa,” thường ở độ tuổi từ 12 đến 16, trong khi ở Tepoztlan thì độ tuổi phổ biến nhất là từ mười tám đến hai mươi bốn.

Bất chấp sự khác biệt địa phương, tám thôn làng vẫn gắn kết với nhau bởi những thể chế nhất định mà mỗi làng đều chia sẻ. Đứng đầu các thể chế này là ruộng đất công, chợ và tổ chức lễ hội, nghi lễ truyền thống. Việc trao đổi hàng hóa và chuyện phiếm hai tuần một lần ở chợ phiên đã được mô tả ngắn gọn. Hai yếu tố tích hợp chính còn lại cần được bình luận thêm. Đất công5 của cộng đồng có lẽ tạo thành [tr.61] yếu tố mạnh mẽ duy nhất nhất gắn kết tám thôn làng với nhau. Do đó, đất đai có ảnh hưởng vào thời tiền-Colombo khi tất cả tài sản thực tế đều được sở hữu chung, thường không phải bởi pueblo làng mà bởi các phân bộ của pueblo calpolli6 họ tộc. Kể từ thời Reforma Cải cách (1857), quyền sở hữu chung của cộng đồng đã được quy giản thành quyền sở hữu của cá nhân. Điều này có lẽ đã sớm được thực hiện ở Tepoztlan; các khu đất nông nghiệp tư nhân ở đó hoàn toàn thuộc quyền sở hữu và mua bán của cá nhân. Tuy nhiên, đất tư được bao quanh bởi đất công mà trong đó toàn bộ cư dân của tám thôn làng đều chia sẻ và cùng với các milpas - ruộng vườn tạo thành “quê cha đất tổ”.

Do đó, ở Tepoztlan có cả đất công và đất tư nhân. Đất tư nhân bao gồm:

1. Các khu đất ở (sitios) kèm theo các lô đất nông nghiệp (milpas). - Đặc điểm là mỗi sitio có một milpa kèm theo, có thể nằm cách xa sitio cả dặm; nhưng cả hai thường bị đánh thuế và cùng được thừa kế. Những khoảnh đất này không hiếm khi được bán, nhưng hầu hết chúng đều thuộc cùng một gia đình qua nhiều thế hệ. Hầu hết sản phẩm hỗ trợ cộng đồng đều được nuôi trồng trên các milpas đó. Cũng phải kể đến corrales các bãi quay rào, các khoảng sân sau nhà đôi khi trồng ngô, đậu.

2. Ruộng vườn của người lao động Milpas de labor. - Đây là đất nông nghiệp được chuyển sang sở hữu tư nhân và là đất canh tác từ đất công [tr.62], dù là cerriles sườn núi có nhiều cây cối hay pastales các đồng cỏ trên sườn núi. Bất kỳ ai (trước tiên phải được sự cho phép của chính quyền thành phố) cũng đều có thể canh tác các khu đất như vậy. Cư dân của bảy thôn và Tepoztlan bình đẳng với nhau về đặc quyền này. Một khi khu đất được chuyển thành sở hữu thì hành vi xâm phạm hoặc trộm cắp sẽ bị trừng phạt. Quyền canh tác những mảnh đất như vậy đôi khi có thể được bán, nhưng không được trao quyền sở hữu vĩnh viễn, bởi vì nếu người cư trú ở đó không canh tác mảnh đất của mình, chính quyền thành phố có thể sang nhượng lại mảnh đất ấy. Do đó, có lẽ hoàn toàn sai lầm khi gộp những mảnh đất này vào danh sách sở hữu tư nhân. Nhưng người canh tác coi mảnh đất là của mình và như đã nói, anh ta thậm chí có thể bán các quyền mình có đối với mảnh đất ấy.

3. Tlacololli Đất dư ra - Những gì đã nói liên quan đến milpas de labor về quyền sở hữu và canh tác đều áp dụng tương tự cho tlacololli các mảnh đất dư ra. Chúng chỉ khác nhau ở chỗ milpas de labor ruộng vườn của người lao động thường chiếm diện tích đáng kể, giống như các trang trại riêng biệt (runchitus), và chúng có thể được trồng trọt năm này qua năm khác; trong khi tlacololli là những mảnh nương nhỏ đã được phát dọn trên các sườn núi dốc (chúng nằm ngoài các cerriles khu đất hoang công cộng). Vì đất sau khi được dọn sạch cây cỏ sẽ nhanh chóng bị rửa trôi nên chúng có thể được canh tác không quá một hoặc vài mùa vụ.7

Đất công là những khu đất rộng không thích hợp cho nông nghiệp bao quanh các milpas ruộng vườn tư nhân. Chúng có hai loại: vùng đồng cỏ trên sườn dốc khô cằn (pastales) và sườn núi có nhiều cây cối (cerriles). Về mặt lịch sử, chúng đại diện cho phần đất [tr.63] chung của pueblo làng người Da đỏ, altepetlalli, chưa được chuyển đổi thành đất sở hữu tư nhân, và chúng cũng chính là các đồng cỏ chung và các khoảnh rừng của ngôi làng Tây Ban Nha thời trung cổ.8 Gộp lại với nhau, pastales cerriles tạo thành ejido đất chung của pueblo ngôi làng hiện tại. Bất cứ ai là người Tepotlan hoặc bảy thôn khác đều có thể chăn thả gia súc hoặc đốn củi trên những vùng đất này.9 Những khu đất chung này là nguồn gốc của các cuộc bàn cãi và tranh chấp thường xuyên; các quy định được đưa ra để bảo vệ và quản lý các khu đất đó và người ta thường tranh cãi với các đơn vị sở hữu đất lân cận. Trong nhiều năm, Tepoztlan (toàn bộ chính quyền đô thị) đã tranh chấp với hacienda đồn điền Oacalco về quyền sở hữu đối với một số vùng đất cận biên, và thực tế là hacienda hiện không nằm trong tay tư nhân mà nằm trong tay nhà nước nhưng tranh chấp vẫn không giảm đi.

Tình trạng tranh chấp như vậy của toàn bộ cộng đồng thung lũng với một tổ chức sở hữu đất khác, có tác dụng nâng cao esprit de corps tinh thần cộng đồng của địa phương. Nhưng phải nói rằng tranh chấp đất đai có thể khiến làng này chống lại làng khác cũng như lôi kéo tất cả gắn bó với nhau. Có thể không hiếm khi có một thôn đến đòi quyền đặc biệt ở một phần cụ thể nào đó của ejido đất chung của pueblo làng. Vào năm 1927, một cuộc tranh chấp đã nảy sinh liên quan đến một số vùng đất miền núi, nơi cư dân của Santa Catarina đang đốn củi để lấy than mà không [tr. 64] được chính quyền đô thị Tepoztlan cho phép. Vùng đất này từng thuộc về một hacienda đồn điền láng giềng khác và từng là chủ đề của một cuộc tranh chấp kéo dài trong đó có nhiều sinh mạng bị cướp đi, nhưng đã có thời gian, hacienda đó đã trở thành một đống đổ nát và chỉ còn là một ký ức. Tepoztlan tuyên bố đã mua đất, thông qua hình thức chuyển nhượng cho một nhóm công dân, trong khi thôn Santa Catarina phủ nhận việc mua bán này và tuyên bố đã ký hợp đồng với hacienda đồn điền để được cấp phép đốn gỗ trên khu đất này. Khi chính quyền địa phương bắt giữ các carboneros thương lái than của Santa Catarina, thôn này đã mạnh mẽ khẳng định các quyền được cho là đặc biệt của mình, và mối quan hệ nghiệt ngã đã nảy sinh giữa người dân Tepoztlan và người dân Santa Catarina.

Theo cách này, tám thôn làng được gắn kết thành một cộng đồng bởi những lợi ích chung trở thành động cơ thúc đẩy khi thì hợp tác, lúc lại cạnh tranh nhau. Tình trạng đan xen tương tự của các xu hướng đối lập - hướng tâm, và ly tâm - có thể được quan sát thấy trong mối liên hệ với các thể chế tiến hành các hoạt động xã hội và nghi lễ. Mỗi làng được đặt dưới sự bảo trợ của vị thánh địa phương, tượng của vị thánh này được đặt trong nhà thờ duy nhất của làng. Vào Ngày Thánh Bản mệnh, làng tổ chức lễ hội tôn vinh vị thánh bảo trợ này. Những dịp này đòi hỏi phải chuẩn bị rất nhiều, bao gồm các món ăn trong lễ hội, trang trí nhà thờ, bắn pháo hoa, múa tôn giáo, v.v. Khi đó ngôi làng là tâm điểm chú ý của người dân trong toàn cộng đồng; và cũng có nhiều người đến từ bên ngoài thung lũng đến dự lễ hội [tr.65]. Như sau đây sẽ giải thích chi tiết hơn liên quan đến các lễ hội fiestas của các barrios khu dân cư, những lễ hội này thể hiện tinh thần đoàn kết của các làng. Một tình cảm gắn bó nhóm mạnh mẽ phát triển và không ít cảm giác cạnh tranh, mỗi làng đều tự hào về phẩm giá của santo vị Thánh bản mệnh và sự huy hoàng của fiesta lễ hội làng mình.

Đồng thời, mô hình hợp tác truyền thống giữa các làng đã đoàn kết họ lại với nhau để chống lại những vị khách bất đắc dĩ từ bên ngoài thung lũng. Nhân dịp các lễ hội rất quan trọng, được tổ chức tại các thôn nhỏ, chẳng hạn như lễ hội hàng năm của Ixcatepec, các thủ đền chịu trách nhiệm chăm sóc các santos Thánh ở Tepoztlan và các làng lân cận gặp nhau và đồng thuận phân chia gánh nặng của một kỳ lễ hội kéo dài tám ngày của cộng đồng. Sau đó, mỗi thủ đền sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc santo vị thánh của Ixcatepec trong một ngày và đảm bảo thắp nến suốt ngày hôm đó. Mọi người dân Tepoztlan đều đến Ixcatepec, và lễ hội được coi là lễ hội của cả cộng đồng. Các trận chọi gà tham dự lễ hội của Ixcatepec sau đó có thể được tổ chức giữa Tepoztlan với Cuernavaca, hoặc Tepoztlan với Yautepec. Những thể chế như vậy tích hợp vào một cộng đồng duy nhất một số ngôi làng ít nhiều độc lập, có nền văn hóa và truyền thống riêng biệt. Từ dùng cho “đồng hương” (paisano) thường không có nghĩa là cư dân Tepoztlan hoặc của một trong những ngôi làng vệ tinh, và sẽ không được dùng để gọi người từ bên ngoài thung lũng.

[Tr.66] Cũng cần phải chỉ ra mối quan hệ của chính quyền chính thức với tổ chức xã hội thực tế. Đơn vị chính trị địa phương, municipalidad chính quyền đô thị tự trị, bao trùm Tepoztlan và bảy thôn vệ tinh và do đó là sự công nhận của cộng đồng tự nhiên. Trụ sở chính quyền đặt tại Tepoztlan. Nó bao gồm một consejo municipal hội đồng đô thị, với một quan chức đứng đầu (presidente chủ tịch) và tám ayudantes trợ lý, một thư ký và một juez thẩm phán. Vị thẩm phán, với sự hỗ trợ của một thư ký có học thức hơn, sẽ nghe những kêu ca, kiện cáo của địa phương, và nếu ông ta không thể giải quyết được, thì sẽ chuyển bản ghi nhớ về những vấn đề đó cho chính quyền Bang ở Cuernavaca. Các nhân vật tham chính được bầu hàng năm vào ngày đầu tiên của tháng Giêng. Trên thực tế, (tại thời điểm nghiên cứu này) họ là những người thân tín được cấp Bang ở Cuernavaca bổ nhiệm.10 Hiện tại,11 cuộc viva voce bầu cử bằng miệng, là một biện pháp khẩn cấp dưới sự kiểm soát của đảng cầm quyền, cho phép sắp xếp một danh sách ứng cử viên với sự tham gia tích cực của một nhúm kẻ ủng hộ và sự thờ ơ gần như hoàn toàn của toàn bộ dân chúng.

Chính quyền này không làm gì nhiều ngoài việc quản lý các sự vụ thường ngày. Ngoại trừ các quy định không thường xuyên liên quan đến việc khai thác hoặc pháp lý đối với đất công, ngoài ra không có vấn đề pháp luật nào được giải quyết. Người ta cũng cố gắng thực hiện thu thuế địa phương,12 nhưng những nỗ lực như vậy thường xuyên bị các cá nhân không đóng thuế phẫn nộ trong những năm cách mạng. Hơn nữa, việc định giá tài sản nằm trong tay một ủy ban dân cư, những người này đã đánh giá đất của họ và của hàng xóm chỉ theo giá trị danh nghĩa. Do đó, bị thiếu nguồn thu, chính quyền thành phố không thể bắt đầu cải tiến. Cho đến những năm gần đây, chính quyền địa phương vẫn theo hệ thống tù trưởng cũ, theo đó một cá nhân có nhân cách và uy tín địa phương cai trị cộng đồng với sự đồng thuận của công chúng. Chế độ tù trưởng thường phục vụ suốt đời.

Hệ thống này, cùng với các tổ chức láng giềng không chính thức sẽ được mô tả sau, có lẽ phù hợp với tinh thần chính trị của thôn làng hơn là hình thức bề ngoài của một hội đồng đô thị được bầu hàng năm và thay đổi hàng năm. Bây giờ luật được thi hành yêu cầu chính quyền đô thị phải thay đổi hàng năm. Tuy nhiên, chính quyền này, được tuyển chọn từ người dân, gần như đại diện cho họ hơn so với những người cai trị lâm thời được chính phủ liên bang phái xuống sau cuộc cách mạng, hay hơn những cán bộ thu thuế tiểu bang hiện nay, vốn là những người ngoài cuộc bị nhà nước áp đặt vào công việc cai trị cộng đồng. Theo kinh nghiệm cá nhân cho thấy, những đại diện của thống đốc vốn là thế lực bên ngoài như vậy chỉ tồn tại đủ lâu để bóc lột và lừa gạt người bản xứ. Là đối tượng của sự sợ hãi và nghi ngờ, họ vượt qua nhiệm kỳ quan chức trong tình trạng phụ thuộc không nhỏ vào mức độ sẵn sàng của súng đạn.

[Tr.68] Bỏ qua những người bên ngoài tình cờ như vậy trong các nhân sự cai trị, người ta có thể nói rằng hội đồng đô thị mang tính biểu đạt hơn là tính tích cực hiện thực. Nó cố níu uy tín, chủ trì các cuộc mít tinh công cộng và đón nhận lời chúc của đám khách du. Công việc thực tế, chẳng hạn như lắp đặt một ngọn đèn ở plaza quảng trường, khai thác rễ cây hoang dã có thể bán được trên đất công, hoặc mẫn cán thúc đẩy các ngày lễ kỷ niệm này nọ, được một nhóm nhỏ người dân thị trấn giàu có hơn thực hiện. Bọn họ có trình độ học vấn cao hơn và quen thuộc với lề lối thành thị hơn những kẻ khác. Những bọn người này là các chủ cửa hàng và nhiều nghệ nhân giỏi giang. Họ là los correctos - những “người uốn nắn” - trái ngược với los tontos13 – “lũ ngu dốt”. Họ dận giày tây và diện bộ đồ xẫm màu; còn bọn người kia thì loẹt quẹt lê dép và vấn quần bệch. Nhưng nhân sự của chính quyền đô thị hiện nay có xu hướng được chọn ra từ bọ los tontos, trong khi đám los correctos tạo thành những công dân có ảnh hưởng chiếm phân nửa còn lại của diễn đàn tại các cuộc họp mít tinh công cộng nhưng lại coi chính trị là một thứ gì đó đáng để khinh thường. Do đó, chính trị được hưởng thụ bởi chính thành phần dân chúng tổ chức các fiestas lễ hội tôn giáo và, giống hệt các lễ hội đó, nó tạo nên một lối chơi.

____________________________________

Nguồn: Redfield, Robert (1930, 1946). Tepoztlán - a Mexican Village, The University of Chicago Press, Chicago-Illinois, Fouth Impression, December 1946.

Tác giả: Robert Redfield (1897 –1958) là một nhà nhân học và nhà dân tộc học người Mỹ, với công trình dân tộc học ở Tepoztlán, Mexico, được coi là một bước ngoặt của dân tộc học Mỹ Latinh. Ông gắn bó với Đại học Chicago trong suốt sự nghiệp của mình: toàn bộ quá trình học cao hơn của ông diễn ra ở đó, và ông gia nhập khoa vào năm 1927 và ở đó cho đến khi qua đời vào năm 1958, giữ chức vụ Trưởng khoa Khoa học Xã hội từ năm 1934 đến năm 1946. Redfield tốt nghiệp Đại học Chicago với ngành Nghiên cứu Truyền thông, sau đó là Tiến sĩ về nhân học văn hóa, ngành mà ông bắt đầu giảng dạy vào năm 1927. Ông được bầu vào Hiệp hội Triết học Hoa Kỳ năm 1947 và Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ năm 1950. Sau một loạt nghiên cứu thực địa được công bố từ các cộng đồng Mexico (Tepoztlán ở Morelos và Chan Kom ở Yucatán), năm 1953, ông xuất bản Thế giới nguyên thủy và sự biến đổi của nó và vào năm 1956, Xã hội và văn hóa nông dân. Redfield nhận ra rằng việc nghiên cứu con người như những đơn vị biệt lập là không có ý nghĩa, mà tốt hơn là nên hiểu một góc độ rộng hơn. Theo truyền thống, các nhà nhân học nghiên cứu lề lối dân quê theo “Tiểu truyền thống”, có tính đến nền văn minh rộng hơn, được gọi là “Đại Truyền thống”. Ông được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ năm 1950. Redfield là con rể của nhà xã hội học Robert E. Park tại Đại học Chicago. Redfield và vợ Margaret là cha mẹ của Lisa Redfield Peattie, Giáo sư danh dự tại Viện Công nghệ Massachusetts; James M. Redfield, giáo sư kinh điển tại Đại học Chicago; và Joanna Redfield Gutmann (1930–2009).

Notes

1. The greeting is, “Whither do you go ?” – “Adonde van” in a Spanish context and “Canin anmuica?” in a Nahuatl context.

2. Not verified by personal observation.

3. Differences in Spanish spoken. Little Nahuatl is spoken at Yautepec, which, although a pre-Columbian site, is now largely a mestizo community.

4. Chenopodium ambrosioides L. This statement rests on the account of one informant.

5. The general subject of The Land Systems of Mexico is admirably treated in G. M. McBride’s book of that title, previously cited.

6. The calpolli was perhaps originally a kinship unit; its limited survival in Tepoztlan will be discussed in a subsequent chapter.

7. “I will open for you a tlaculol” sings the lover to his lady in a local ballad.

8. McBride, Land Systems of Mexico, p. 114.

9. These public lands, it will be observed, are exploited by individuals for private profit. The only lands in Tepoztlan which are both communally owned and communally operated for communal profit are the lands belonging to the local chapels; these will be explained in a later chapter.

10. During 1927 the Campesinos (rural radical party).

11.1927. 

12. There are four: a tax on real estate, a sales tax on domestic a ta for use of the slaughter-house, and the tax on merchants using the public plaza.

13. It may be stated, perhaps unnecessarily, that these two terms (tontos and correctos) are used in the following pages not in their original Spanish meanings, but merely to designate two groups in Tepoztlan that are sometimes so designated by the people themselves, and that lack other convenient names.



 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét