Người dịch: Hà Hữu Nga
II. Quy tắc Suy lý
1. Nhất tính của Diễn ngôn
Việc đưa các khái niệm gián đoạn, đứt gãy, ngưỡng, giới hạn, chuỗi, biến đổi vào trò chơi đặt ra cho bất kỳ phân tích lịch sử nào không chỉ các vấn đề về trình thức mà còn là các vấn đề lý thuyết. Các vấn đề này sẽ được nghiên cứu ở đây (các vấn đề về trình thức sẽ được xem xét trong quá trình khảo sát thực nghiệm trong tương lai; tối thiểu là nếu có cơ hội, thì tôi luôn mong muốn và kiên tâm thực hiện bằng được). Tuy nhiên, chúng sẽ chỉ được xem xét trong một lĩnh vực cụ thể: trong các bộ môn này tình trạng ranh giới không hề chắc chắn, còn nội dung thì quá mơ hồ đến mức chúng ta gọi là lịch sử của các ý tưởng, tư tưởng, hoặc của các khoa học, các tri thức.
Trước hết, có một công việc mang tính phủ định cần phải thực hiện: giải thoát bản thân khỏi một loạt quan niệm, mà mỗi quan niệm đều đa dạng hóa chủ đề của liên tục tính theo cách riêng của chúng. Chúng có thể không có một cấu trúc khái niệm chặt chẽ; nhưng chức năng của chúng thì lại chính xác. Chẳng hạn như khái niệm truyền thống: nó nhằm mục đích đưa ra một trạng thái thời gian đặc biệt cho một tập hợp các hiện tượng vừa kế tiếp nhau vừa giống hệt nhau (hoặc ít nhất là tương tự); làm cho người ta có thể suy nghĩ lại về sự phân tán của lịch sử trong các hình thức giống nhau; nó cho phép quy giản sự khác biệt phù hợp với bất kỳ sự khởi đầu nào, để lại liên tục theo đuổi việc phân định vô hạn cái cội nguồn; nhờ có nó, mà ta có thể tách biệt những điều mới lạ dựa trên nền tảng bền vững, và chuyển phẩm chất xứng đáng của nó về tính độc đáo, cho thiên tài, cho những quyết định thích hợp của các cá nhân. Cũng như vậy, khái niệm về ảnh hưởng đưa lại một sự hỗ trợ - quá kỳ diệu, rất đáng được phân tích - đối với các sự kiện truyền tải và giao tiếp; trong đó đề cập đến một quá trình có chiều hướng nhân quả (nhưng không hề có sự phân định chặt chẽ cũng như định nghĩa lý thuyết) các hiện tượng giống nhau hoặc lặp lại; liên kết với nhau, có khoảng cách và xuyên thời gian – hệt như thông qua hình thức trung gian của một phương tiện truyền bá - các nhất tính được định nghĩa là các cá nhân, tác phẩm, quan niệm hoặc lý thuyết. Chẳng hạn như các quan niệm về sự phát triển và tiến hóa: chúng làm cho có thể nhóm một loạt các sự kiện phân tán lại với nhau, để liên kết chúng với một nguyên tắc tổ chức duy nhất, làm cho chúng phục tùng sức mạnh mẫu mực của cuộc sống (với các trò chơi thích ứng, năng lực đổi mới của nó, mối tương quan liên tục của các yếu tố khác nhau của nó, các hệ thống đồng hóa và trao đổi của nó), để khám phá, đã vận hành ngay từ đầu, một nguyên tắc gắn kết và bản phác thảo về một nhất tính tương lai, để làm chủ thời gian thông qua mối quan hệ có thể đảo ngược vĩnh viễn giữa một cội nguồn và một thời hạn không bao giờ được đưa ra, nhưng vẫn luôn vận hành. Cũng như những khái niệm về “trí lực” hay “tinh thần” có thể thiết lập, giữa các hiện tượng xảy ra đồng thời hoặc liên tiếp của một thời kỳ nhất định, một cộng đồng ý nghĩa, các liên kết biểu tượng, một trò chơi của sự tương đồng và tấm gương - hoặc nảy sinh như một nguyên tắc của nhất tính và việc giải thích quyền tối thượng của lương tâm tập thể.
Chúng ta phải đặt vấn đề về những tổng hợp được làm sẵn này, những cách tập hợp đó thường được chấp nhận trước bất kỳ cuộc kiểm tra nào, những liên kết có hiệu lực này được công nhận ngay từ đầu; cần phải loại bỏ những hình thức và sức mạnh mù mờ mà chúng ta quen dùng để liên kết diễn ngôn của con người lại với nhau; phải xua chúng khỏi thứ bóng đêm nơi chúng hằng ngự trị. Và thay vì để chúng nổi bật một cách tự phát, thì hãy chấp nhận đối phó, vì lợi ích của phương pháp và trước hết, chỉ với một tập hợp các sự kiện phân tán. Chúng ta cũng phải quan tâm đến các bộ phận hoặc các tập hợp mà chúng ta đã quen thuộc. Chúng ta có thể thừa nhận, theo đúng nghĩa, sự khác biệt giữa các loại diễn ngôn chính, hoặc sự khác biệt giữa các hình thức, các thể loại so sánh các diễn ngôn chính trong khoa học, văn học, triết học, tôn giáo, lịch sử, tiểu thuyết, v.v ..., và sự khác biệt nào khiến chúng trở thành các loại riêng biệt lịch sử chính? Bản thân chúng ta cũng không dám chắc về việc sử dụng những sự khác biệt này trong thế giới diễn ngôn của chúng ta. Còn hơn thế nữa khi nói đến việc phân tích các tập hợp lời nói, vào thời điểm chúng được hình thành, được bố trí, phân phối, và đặc trưng hóa theo một cách hoàn toàn khác: xét cho cùng thì “văn học” và “chính trị” là những phạm trù gần đây có thể được áp dụng cho văn hóa thời trung cổ hoặc thậm chí cho văn hóa cổ đại chỉ bằng một giả thuyết hồi tưởng, và bằng một trò chơi của các phép loại suy hình thức hoặc của các tương đồng ngữ nghĩa; nhưng cả văn học, chính trị, triết học và khoa học đều không nói rõ lĩnh vực diễn ngôn vào thế kỷ XVII hay XVIII, như họ đã trình bày nó vào thế kỷ XIX. Trong mọi trường hợp, những cách phân chia này - cho dù chúng là những phân chia mà chúng ta thừa nhận, hay những phân chia cùng thời với những diễn ngôn đã được nghiên cứu – thì bản thân chúng luôn là những phạm trù phản ánh, những nguyên tắc phân loại, những quy tắc định chuẩn, những kiểu loại được thể chế hóa: đến lượt mình, chúng là những dữ kiện của diễn ngôn xứng đáng được phân tích bên cạnh những dữ kiện khác; chúng chắc chắn có những mối quan hệ phức tạp với nhau, nhưng chúng không phải là những đặc điểm nội sinh, tại chỗ và dễ nhận biết đối với mọi người.
Nhưng trên tất cả, các nhất tính phải được treo lại chính là những nhất tính tự áp đặt mình theo cách trực tiếp nhất: đó là các nhất tính của sách và tác phẩm. Về bề ngoài, liệu chúng ta có thể xóa bỏ chúng mà không cần quá tài khéo? Có phải chúng không được đưa ra theo cách chắc chắn nhất? Việc cá thể hóa vật chất của cuốn sách, chiếm một không gian xác định, có giá trị kinh tế, và bản thân nó tự biểu hiện, bằng một số ký hiệu nhất định, các giới hạn khởi đầu và kết thúc của nó; có việc tác thành một tác phẩm mà người ta công nhận và phân định bằng cách gán một số lượng văn bản nhất định cho một tác giả. Và ngay sau khi ta xem xét vấn đề cẩn thận hơn, thì bắt đầu nảy sinh những khó khăn. Nhất tính chất liệu của cuốn sách? Có giống nhau không nếu đó là một tuyển tập các bài thơ, một tuyển tập các đoạn di cảo, Traité des Coniques – Chuyên luận về các Hình nón hay cuốn sách Lịch sử nước Pháp của Michelet? Có giống nhau không nếu đó là Un coup de dés – Gieo Xúc xắc [Chen ngang: Năm 1897, nhà thơ tượng trưng hàng đầu Stéphane Mallarmé (1842-1898) đã xuất bản tập thơ Gieo xúc xắc (Un coup de dés jamais n’abolira le hasard), sử dụng kiểu chữ và khoảng cách giữa các từ trên trang làm yếu tố trong cấu trúc của bài thơ và bỏ hoàn toàn thước đo thông thường. Đối với hầu hết độc giả, kết quả là không thể hiểu được. Không giống như Charles Baudelaire, thường sử dụng các hình thức vần luật và khổ thơ điển hình của thơ Pháp, chẳng hạn như alexandrine (dòng mười hai âm tiết được các nhà viết kịch cổ điển người Pháp như Racine sử dụng) và sonnet, Mallarmé đã vô địch về thể thơ tự do, được viết với các dòng khác hẳn so với alexandrine, và vần hiếm gặp, trong đó âm thanh của một từ được kéo dài ra để làm cho nó có thể ghép vần với một từ khác (Pericles, Lewis (2007). Cambridge Introduction to Modernism, Cambridge University Press, p. 49) - HHN] phiên tòa xét xử Gilles de Rais, Description de San Marco của Butor, hay một sách lễ Công giáo? [Chen ngang: Dựa trên tiêu đề, độc giả không nghi ngờ có thể sẽ cho rằng Description de San Marco – Mô tả Quảng trường Thánh Marco của Michel Butor (1926 - 2016) là một cuốn sách hướng dẫn du lịch, nhưng những dòng mở đầu cho thấy tác phẩm này có gì đó hoàn toàn khác: Ah! - La gondola, gondola! - Oh! - Grazie! - Hé! – Cái ghe, cái ghe! - Ố! - Cảm ơn!, thông tin được trình bày theo cách khá không chính thống đối với một cuốn cẩm nang du lịch; nó bao gồm các đoạn hội thoại và ấn tượng về các hoạt động du lịch trên quảng trường Venice nổi tiếng, xen kẽ với các mô tả kiến trúc; yếu tố quan trọng của câu chuyện là nhà thờ trên quảng trường San Marco; nó được kết nối với lịch sử của Venice và với vị thế hiện đại của các vấn đề trong thành phố đầm phá; nguồn gốc của loài người được thêu dệt dựa trên câu chuyện trong Kinh thánh về Adam và Eva; cuốn sách kết thúc đúng như khi nó bắt đầu, với những câu cảm thán du lịch không mạch lạc: “Hồng ngọc! Sướng quá! Ố!...”; Văn bản còn là bình đồ một nhà thờ: cách in ấn tác phẩm hỗ trợ cho những cách trình bày đan xen nhiều kiểu khác nhau; tiếng kêu của bọn khách ngoại được in nghiêng nhấn rõ; các mô tả về người và nhà cửa được in thụt vào; loại thông tin “khách quan” nhất còn được in thụt vào sâu hơn nữa: các đoạn dẫn, cụm từ tiếng La-tanh và các văn bản dường như được lấy từ sách hướng dẫn du lịch: “Tầng dưới, những chiếc tủ được khảm theo mô thức trang trí của một bậc thầy Tuscan.”; ba loại miêu tả xen nhau khiến cho việc trình bày trang in hỗn tạp chẳng khác nào cách trình diễn nhiều giọng trong một vở kịch; không phải ngẫu nhiên mà một bản đồ gấp của quảng trường Thánh Marco cũng được đính kèm; bản đồ cũng thể hiện cấu trúc của văn bản, vì Butor đã cố gắng khai thác một nhà thờ lớn bằng lời lẽ của mình: “các văn bản mô phỏng hình thức của Nhà thờ, bám sát theo kiến trúc của nó.”; kẻ thủ bút tiểu thuyết, thi sỹ, dịch giả, kiêm tiểu luận người Pháp Michel Butor là một trong những nhân vật hàng đầu của le nouveau roman – trào lưu Tiểu thuyết Mới - cùng với những kẻ thủ bút khác như Alain Robbe-Grillet (1922 - 2008), Claude Simon (1913 - 2005) và Marguerite Duras (1914 - 1996); sau khi học tại Sorbonne, nghỉ đã giảng dạy ở một số quốc gia; từ năm 1958 trở đi, là cố vấn cho nhà xuất bản Gallimard; năm 1975 được bổ nhiệm phó giáo sư tại Đại học Geneva; Butor chủ yếu được biết đến với tư cách là một tiểu thuyết gia với các tác phẩm hậu hiện đại như Passage de Milan (1954) và La Modification (1957), nhưng những diễn thuyết về ước mơ và lữ du của nghỉ cũng rất tiếng tăm; một yếu tố quan trọng trong tác phẩm của Butor là cách nghỉ lôi cuốn người đọc khiến chúng tự tìm ra ý nghĩa của văn bản; Description de San Marco là một ví dụ điển hình về mẹo ấy: trong văn bản được xây dựng bằng những đoạn rời rạc này, người đọc không thể tựa vào tích truyện hay cốt truyện (Els Jongeneel (1986). Michel Butor et le pacte romanesque: Ecriture et lecture dans 'L'emploi du temps, Degres, Description de San Marco et Intervalle'. S.l,s.n., 1986; Skimao et Bernard Teulon-Nouailles (1988). Michel Butor. Lyon, La Manufacture) - HHN]. Nói cách khác, không phải nhất tính vật chất của tập sách là một nhất tính phụ, yếu so với cái nhất tính suy lý mà nó hỗ trợ? Nhưng nhất tính suy lý này, đến lượt nó, lại đồng nhất và áp dụng như nhau? Một cuốn tiểu thuyết của Stendhal hoặc một cuốn tiểu thuyết của Dostoyevsky không được cá biệt hóa như những cuốn trong La Comédie humaine – Tấn trò đời; và những thứ này lại không thể phân biệt được với nhau như Ulysses với L'Odyssée. Điều này là do giới hạn của một cuốn sách không bao giờ rõ ràng và cũng không được xác định chặt chẽ: ngoài tiêu đề, những dòng đầu tiên và dấu chấm cuối cùng, ngoài cấu hình bên trong và hình thức độc lập của nó, cuốn sách bị cuốn vào một hệ thống tham chiếu đến các cuốn sách khác, các văn bản khác, các câu khác: điểm nút trong một mạng lưới. Và cái trò chơi tham chiếu này lại không tương đồng, tùy thuộc vào việc chúng ta xử lý một chuyên luận toán học, một bình luận về văn bản, một câu chuyện lịch sử, hay một tình tiết trong một hệ tác phẩm lãng mạn; đây đó, nhất tính của cuốn sách, thậm chí được hiểu như một mớ các mối quan hệ, không thể được coi là đồng nhất. Cuốn sách cũng có thể được trao như một đồ vật mà người ta có trong tay; nó trở nên vô ích khi bị cuộn lại nhét trong hộp kín: nhất tính của nó khả biến và có tính tương đối.
Ngay sau khi được hỏi đến, nhất tính đó sẽ mất bằng chứng; nó không tự biểu thị được, nó chỉ được tạo dựng từ một lĩnh vực diễn ngôn phức tạp. Về phần tác phẩm, những vấn đề nó đặt ra lại càng khó hơn. Tuy nhiên, về bề ngoài, điều gì có thể đơn giản hơn? Tổng số văn bản có thể được biểu thị bằng ký hiệu của một tên riêng. Thế mà ký hiệu này (ngay cả khi ta bỏ qua các vấn đề về thẩm quyền), không phải là một chức năng đồng nhất: tên của một tác giả có tỏ rõ giống như cách mà một văn bản do chính gã đã xuất bản dưới tên của mình, một văn bản mà hắn trình bày dưới một bút danh, một văn bản khác mà ta tìm thấy sau khi hắn qua đời tồn tại dưới dạng bản nháp, còn một văn bản khác nữa chỉ là nét nguệch ngoạc, một cuốn sổ, một “tờ giấy”? Cấu thành của một tác phẩm hoàn chỉnh hoặc một opus tác phẩm giả định một số lựa chọn nhất định mà không dễ để biện minh hoặc thậm chí trình bày: liệu có đủ để thêm vào các văn bản mà tác giả đã xuất bản những thứ mà hắn dự định đưa ra để gây ấn tượng không, và cái nào vẫn chưa hoàn thành chỉ bởi thực tế là hắn đã chết? Ta có nên tích hợp tất cả những gì là bản nháp, bản thiết kế đầu tiên, các bản sửa chữa và tẩy xóa vào cuốn sách không? Ta có nên thêm các dàn ý bị bỏ rơi không? Và tư cách nào nên được gắn cho những lá thư, ghi chú, những cuộc trò chuyện được kể lại, những từ ngữ được người nghe chép lại, nói tóm lại là vô số dấu vết bằng lời nói mà một cá nhân để lại xung quanh hắn lúc chết, và cái nào cất tiếng nói trong một giao lộ vô định như vậy của các ngôn ngữ khác nhau? Trong mọi trường hợp, cái tên “Mallarmé” không đề cập đến, theo cách tương tự, các chủ đề tiếng Anh, các bản dịch của ông về Edgar Poe, các bài thơ, hoặc các câu trả lời cho các cuộc khảo sát; cũng như vậy, một mặt, không phải mối quan hệ giống nhau tồn tại trong cái tên của Nietzsche, và mặt khác là những cuốn tự truyện về thời trẻ, những luận văn ở trường, những bài báo ngữ văn, các tác phẩm Zarathustra, Ecce Homo – Kẻ Người, [Chen ngang: Ioannes 19: 1Tunc ergo apprehendit Pilatus Jesum, et flagellavit. 2Et milites plectentes coronam de spinis, imposuerunt capiti ejus: et veste purpurea circumdederunt eum. 3Et veniebant ad eum, et dicebant: Ave, rex Judæorum: et dabant ei alapas. 4Exivit ergo iterum Pilatus foras, et dicit eis: Ecce adduco vobis eum foras, ut cognoscatis quia nullam invenio in eo causam. 5(Exivit ergo Jesus portans coronam spineam, et purpureum vestimentum.) Et dicit eis: Ecce homo. 6Cum ergo vidissent eum pontifices et ministri, clamabant, dicentes: Crucifige, crucifige eum. Dicit eis Pilatus: Accipite eum vos, et crucifigite: ego enim non invenio in eo causam. 7Responderunt ei Judæi: Nos legem habemus, et secundum legem debet mori, quia Filium Dei se fecit. 1Bấy giờ Pilatus bắt Chúa Jesus và quất roi Ngài. 2Còn bọn lính thì bện một mão trào gai chụp lên đầu Ngài và khoác cho chiếc thụng điều. 3Đoạn chúng đến gần Ngài nói: Mầng vua Juda: đồng vả Ngài. 4Rồi Pilatus mới ra mà nhủ chúng: Nầy, ta dẫn nghỉ đến để lũ ngươi biết rằng ta không tìm được cớ chi kết tội nghỉ.5 (Bấy giờ Đức Jesus xuất hiện đầu đội mão trào gai, khoác thụng điều) Hắn còn nhủ chúng: Nầy, Kẻ người – Ecce homo. 6Vậy đám thầy tế và lũ công sai đồng gào lên: Đóng đinh hắn lên cây thập tự! Đóng đinh hắn lên cây thập tự! Pilatus nhủ tiếp: Chính lũ bây bắt nghỉ, lại đòi đóng đinh thập tự nghỉ: về phần ta chẳng hề thấy nghỉ có tội chi sất. 7Dân Juda giả nhời hắn: Bọn ta có luật, theo luật đó thời hắn phải chết, bởi hắn xưng hắn con Chúa Giời – Tân ước, John 19: 1-8. Ecce homo: Wie man wird, was man ist – Kẻ người: Sao thành được thế là tác phẩm nguyên gốc cuối cùng của Friedrich Nietzsche (1844-1900), được viết vào năm 1888 và mãi đến năm 1908 mới xuất bản; cuốn sách đưa ra cách giải thích riêng của Nietzsche về sự nghiệp của ông, các tác phẩm của ông và ý nghĩa đời ông; cuốn sách bao gồm một số chương với tiêu đề tự ca ngợi: Warum ich so weise bin - Sao ta khôn ngoan thế; Warum ich so klug bin - Sao ta thông minh thế; Warum ich so gute Bücher schreibe - Sao ta viết hay thế; Warum ich ein Schicksal bin - Sao ta thành định mệnh; trên thực tế, với tác phẩm này Nietzsche đã tự thách thức bằng những lời phán xét nhạo báng cùng tiêu đề các chương sách có thể được coi là châm chọc, nhiếc móc, tự đắc hoặc ma lanh (Kaufmann, Walter (1967). Editor's Introduction, in On the Genealogy of Morals (translated by Walter Kaufmann and R.J. Hollingdale) and Ecce Homo (translated by Walter Kaufmann), edited by Walter Kaufmann. New York: Vintage, 1967. pp. 201–209. - HHN] những bức thư, những tấm bưu thiếp cuối cùng có chữ ký “Dionysos” hay “Kaiser Nietzsche”, hoặc bị cuốn vào vô số sổ ghi chép về việc giặt giũ và các dự án cách ngôn.
Trên thực tế, nếu ta nói một cách tự nguyện và không khảo vấn thêm về “tác phẩm” của một tác giả, thì đó là vì ta cho rằng nó được xác định bởi một chức năng biểu hiện nào đó. Chúng ta thừa nhận rằng phải có một mức độ (đủ sâu đến mức cần thiết để tưởng tượng) mà tại đó tác phẩm được bộc lộ, trong tất cả các mảnh ghép của nó, ngay cả những thứ nhỏ nhất và không hề đáng kể, như sự thể hiện của suy nghĩ, hoặc kinh nghiệm, hoặc trí tưởng tượng, hoặc cái vô thức của tác giả, thậm chí cả những quyết định lịch sử mà hắn bị cuốn vào. Nhưng ta thấy ngay rằng một nhất tính như vậy, không được đưa ra ngay lập tức, được cấu thành bởi một hoạt tác; mà hoạt tác này lại mang tính diễn giải (vì nó giải mã, trong văn bản, bản sao của một cái gì đó đồng thời vừa ẩn lại vừa hiện); và cuối cùng hoạt tác này xác định cái opus tác phẩm, trong nhất tính của nó, và do đó, bản thân tác phẩm, sẽ không giống hệt nếu đó là tác giả của Théâtre et son double [Chen ngang: Le Théâtre et son double – Hai mặt của Nhà hát là một loạt bài tiểu luận của Antonin Artaud, xuất bản vào năm 1938, trong đó ông phát triển khái niệm về théâtre de la cruauté - nhà hát tàn bạo; cuốn sách bao gồm một loạt các “tiểu luận” ngắn gọn cuồng nhiệt, đầy chất thơ rất tự do; một số bài luận này được trích từ các hội thảo, và thậm chí cả những bức thư gửi Jean Paulhan, André Gide và Marc Bloch; mặc dù tên tác phẩm là nhà hát tàn bạo chỉ được bàn đến trong một vài trang; nhưng toàn bộ cuốn sách, cả về bản chất và hình thức, đều chuẩn bị, biện minh và đưa ra bối cảnh cho nó; do đó, một số chủ đề được đề cập đến thuộc lĩnh vực sân khấu, nhưng cũng có những chủ đề khác như Chúa hoặc tình dục; tác phẩm này nổi tiếng vì đã mô tả nhà hát như một “thực tế ảo”, mà một số người coi nguồn gốc của cách thể hiện này là từ Antonin Artaud] hoặc là tác giả của Tractatus và do vậy, đây đó khi nói về một “tác phẩm” thì ta sử dụng từ đó không theo cùng một nghĩa. Tác phẩm không thể được coi là một nhất tính trực tiếp, không phải là một nhất tính nhất định, cũng không phải là một nhất tính đồng nhất.
Vậy là phải thực hiện biện pháp phòng ngừa cuối cùng để cắt đứt các liên tục tính phi phản ánh mà qua đó ta sắp xếp trước cái diễn ngôn đòi hỏi phải phân tích: phải từ bỏ hai chủ đề liên kết, nhưng đối lập nhau. Người ta muốn rằng không bao giờ có thể gán cho, theo thứ tự của diễn ngôn, sự đột nhập của một sự kiện chân thực; và ngoài bất kỳ sự khởi đầu rõ ràng nào, luôn có một nguồn cội bí mật - bí mật và nguyên gốc đến mức bản thân nó cũng không bao giờ có thể được nắm bắt đầy đủ được. Đến mức ta khôn tránh bị dẫn dắt, thông qua tính thơ ngây của các trật tự niên đại, đến một chốn xa xôi vô định, chưa từng có trong bất kỳ tích truyện nào; bản thân chốn ấy cũng chỉ là sự trống rỗng của chính nó; và bắt đầu từ đó, tất cả mọi sự khởi đầu không bao giờ có thể là gì khác ngoài tái khởi đầu hoặc che đậy (nói sự thật, bằng chỉ một và cùng một cử chỉ, thế này, thế kia). Chủ đề này được gắn kết với chủ đề khác, theo đó tất cả các diễn ngôn hiển lộ đều bí mật dựa trên một thứ đã-được-nói; và thứ đã nói này lại không chỉ là một câu đã được nói ra, một văn bản đã được viết sẵn, mà là một thứ “không bao giờ được nói ra”, một diễn ngôn vô thể, một thứ giọng lặng tờ tựa hơi thở, một lối viết chỉ là khoảng trống không dấu vết. Do đó, ta ngờ rằng mọi thứ có thể tạo hình bằng diễn ngôn thì đều đã chường ra trong trạng thái nửa im lặng này, vốn là điều kiện tiên quyết đối với nó, tiếp tục khăng khăng chạy đua bên dưới nó, nhưng nó lại che đậy và thinh lặng. Cuối cùng, diễn ngôn hiển nhiên sẽ chỉ là sự hiện diện mang tính trấn áp của những gì nó không nói lên; và cái không được nói ra này chính là cái trống rỗng làm suy yếu mọi thứ được nói ra từ bên trong. Motif đầu tiên dành sự phân tích lịch sử của diễn ngôn cho một cuộc truy tìm và lặp lại một cội nguồn thoát khỏi mọi quyết định lịch sử; motif thứ hai lại coi nó như một sự giải thích hoặc lắng nghe một thứ đã-được-nói, đồng thời cũng là thứ không-được-nói ra. Ta phải từ bỏ tất cả những chủ đề vốn có chức năng bảo đảm tính liên tục vô hạn của diễn ngôn này, và sự hiện diện bí mật của nó đối với chính mình trong trò chơi của sự vắng mặt luôn tái diễn. Hãy sẵn sàng đón nhận từng khoảnh khắc của diễn ngôn trong sự xâm nhập của sự kiện; trong tính chất đúng thời điểm mà nó xuất hiện ấy, và trong sự phân tán theo thời gian này, cho phép nó được lặp lại, được biết đến, bị lãng quên, bị biến đổi, bị tẩy xóa đến cả những dấu vết nhỏ nhất của nó, bị chôn vùi, biến khỏi mọi tầm nhìn, trong lớp bụi sách. Diễn ngôn không nên đề cập đến sự hiện diện xa xôi của nguồn cội; nó phải được xử lý trong trò chơi phiên xử của nó.
Những hình thức tiên quyết của liên tục tính này, tất cả những tổng hợp này không có vấn đề gì, nhưng vẫn phải treo lại. Chắc chắn vấn đề không phải là dứt khoát từ bỏ chúng, mà là để trút bỏ cái tĩnh lặng mà chúng được chấp nhận; chúng ta phải cho thấy rằng chúng không tự nhiên xuất hiện; chúng luôn luôn là kết quả của việc tạo dựng các quy tắc phải được biết đến và các lý do phải được xem xét kỹ lưỡng; phải xác định trong những điều kiện nào và theo quan điểm về những phân tích nhất định nào là hợp thức; phải chỉ ra những thứ mà, trong mọi trường hợp, đều không thể được chấp nhận. Chẳng hạn, có thể là các khái niệm về “ảnh hưởng” hoặc “sự tiến hóa” thuộc phạm vi một lời chỉ trích khiến chúng - trong một thời gian nhất định - không còn được sử dụng nữa. Nhưng chúng ta có mãi mãi không cần đến “tác phẩm”, “sách”, hoặc thậm chí những nhất tính như “khoa học” hoặc “văn học” được không? Chúng ta có nên coi chúng là những ảo tưởng, những kiến tạo không hợp thức, những kết quả bất chính được không? Chúng ta có nên từ bỏ bất kỳ cách sử dụng nào, dù chỉ là tạm thời, đối với chúng và không bao giờ đưa ra định nghĩa cho chúng được không? Trên thực tế, điều cần làm là thoát khỏi tính chất cận-hiển nhiên của chúng, thoát khỏi những vấn đề mà chúng đặt ra; để nhận ra rằng chúng không phải là chốn yên tĩnh mà từ đó người ta có thể đặt ra những câu hỏi khác (về cấu trúc, tính cố kết, tính hệ thống, sự biến đổi của chúng), mà là chính chúng đặt ra một loạt câu hỏi (Chúng là gì? Làm thế nào để xác định hoặc giới hạn chúng? Chúng có thể tuân theo những loại quy luật riêng biệt nào? Chúng mẫn cảm với loại khớp nối nào? Chúng có thể làm phát sinh những tập-con nào? Chúng thể hiện những hiện tượng cụ thể nào trong lĩnh vực diễn ngôn?). Đó là việc nhận ra rằng cuối cùng chúng có thể không giống như những gì ta nghĩ đến từ cái nhìn đầu tiên. Nói tóm lại, chúng đòi hỏi một lý thuyết, và lý thuyết này không thể được tạo dựng nếu không xuất hiện, trong tính thuần khiết không tổng hợp của nó, lĩnh vực các dữ kiện của diễn ngôn mà từ đó chúng được tạo dựng.
Và đến lượt tôi, tôi sẽ không làm gì khác: tất nhiên, tôi sẽ lấy làm điểm tham chiếu ban đầu cho tất cả các nhất tính đã cho (chẳng hạn như tâm thần học, y học, hoặc kinh tế chính trị); nhưng tôi sẽ không đặt mình vào bên trong những nhất tính đáng ngờ này để nghiên cứu cấu hình bên trong hoặc những mâu thuẫn ngầm của chúng. Tôi sẽ dựa vào chúng đủ lâu để tự hỏi bản thân rằng chúng hình thành nên những nhất tính nào; bằng quyền nào chúng có thể đòi hỏi một lĩnh vực chỉ định chúng trong không gian và liên tục tính giúp cá biệt hóa chúng theo thời gian; chúng được hình thành theo quy luật nào; dựa trên nền tảng của những kết quả suy lý nào mà chúng nổi bật; và nếu cuối cùng, trong tính cá biệt hóa được chấp nhận và gần mang tính thể chế của mình, chúng không phải là tác động bề mặt của các nhất tính vững chắc hơn. Tôi sẽ chỉ chấp nhận những tập hợp mà lịch sử đưa ra để ngay lập tức đặt chúng vào vấn đề; để tháo gỡ và tìm hiểu xem liệu có thể sắp xếp lại chúng một cách hợp thức hay không; để biết xem liệu chúng ta có nên tái tạo những tập hợp khác; để thay thế chúng trong một không gian tổng quát hơn, bằng cách làm tiêu tan tính thân thuộc hiển nhiên của chúng, cho phép tạo dựng lý thuyết về chúng.
Một khi các hình thức trực tiếp của liên tục tính này bị treo lại, thì trên thực tế, toàn bộ một lĩnh vực sẽ được giải phóng. Một phạm vi rộng lớn, nhưng có thể được định nghĩa: nó được cấu thành bởi tập hợp tất cả các phát ngôn có hiệu lực (cho dù chúng đã được nói và viết), trong sự phân tán của các sự kiện và trong trường hợp cụ thể cho từng phát ngôn. Chắc chắn là trước khi phải xử lý với một môn khoa học, các cuốn tiểu thuyết, các diễn ngôn chính trị, với tác phẩm của một tác giả, hoặc thậm chí với một cuốn sách, thì tài liệu mà người ta phải xử lý trong tư cách trung lập đầu tiên của mình là một tập hợp các sự kiện trong không gian diễn ngôn nói chung. Do đó, dự án mô tả các sự kiện rời rạc với tư cách là chân trời cho việc tìm kiếm các nhất tính hình thành trong nó. Mô tả này dễ dàng phân biệt với việc phân tích ngôn ngữ. Tất nhiên, chỉ có thể thiết lập một hệ thống ngôn ngữ (nếu ta không xây dựng nó một cách giả tạo) bằng cách sử dụng một kho ngữ liệu của các phát ngôn, hoặc một tập hợp các dữ kiện diễn ngôn; nhưng vấn đề đặt ra sau đó là phải xác định, từ tập hợp có giá trị như một mẫu này, các quy tắc làm cho có thể tạo dựng các phát ngôn khác với những điều này: ngay cả khi nó đã biến mất trong một thời gian dài, ngay cả khi không ai còn nói nó, và có thể được khôi phục đựa vào những mẩu hiếm hoi, một ngôn ngữ luôn tạo thành một hệ thống để có thể phát ngôn: nó là một tập hợp hữu hạn các quy tắc cho phép vô số lần trình diễn. Mặt khác, lĩnh vực của các sự kiện rời rạc là một tập hợp luôn luôn hữu hạn và hiện chỉ giới hạn vào các chuỗi ngôn ngữ đã được hình thành; chúng có thể là vô số, chúng cũng có thể, theo khối lượng, vượt quá tất cả khả năng ghi, ghi nhớ hoặc đọc: tuy nhiên chúng vẫn tạo thành một tập hợp hữu hạn. Câu hỏi được đặt ra bởi việc phân tích ngôn ngữ, đối với bất kỳ thực tế nào của diễn ngôn, luôn là: một phát ngôn như vậy đã được tạo dựng theo những quy tắc nào, và do đó, các phát ngôn tương tự khác có thể được tạo dựng theo quy tắc nào? Việc mô tả các sự kiện diễn ngôn đặt ra một câu hỏi hoàn toàn khác: như vậy là thế nào khi một phát ngôn cụ thể đã xuất hiện chứ không phải là một phát ngôn khác thay thế nó?
Ta cũng thấy rằng cách mô tả diễn ngôn này đối lập với lịch sử tư tưởng. Ở đây một lần nữa, chúng ta chỉ có thể tái tạo lại một hệ thống tư tưởng từ một tập hợp các diễn ngôn được xác định. Nhưng tập hợp này được xử lý theo cách mà chúng ta cố gắng tái khám phá, bên ngoài bản thân các phát ngôn, ý định của chủ thể nói, hoạt động có ý thức của hắn, điều mà hắn muốn nói, hoặc thậm chí trò chơi vô thức đã xuất hiện bất chấp bản thân hắn trong cái mà hắn nói hoặc trong sự phá vỡ gần như không thể nhận thấy của những lời nói hiển nhiên của hắn; trong mọi trường hợp, đó là vấn đề tái tạo một diễn ngôn khác, tái khám phá cái lời nói lặng thầm, rì rầm, không dứt để làm sống động thứ giọng nói mà người ta nghe thấy từ bên trong, để phục hồi lại thứ văn bản ít ỏi và vô hình chạy giữa các dòng chữ và đôi khi chen lấn chúng nữa. Việc phân tích tư tưởng luôn mang tính phúng dụ trong mối quan hệ với diễn ngôn mà nó sử dụng. Vấn đề của nó là không hề sai lầm: điều gì đang được nói trong cái đã được nói? Việc phân tích lĩnh vực suy lý logic được định hướng hoàn toàn khác nhau; đó là vấn đề nắm bắt cái phát ngôn trong tính hạn hẹp và dị biệt của sự kiện; xác định các điều kiện tồn tại của nó, đặt giới hạn của nó một cách chính xác nhất có thể, thiết lập mối tương quan của nó với các phát ngôn khác có thể được liên kết với nó, và chỉ ra những hình thức phát ngôn khác mà nó loại trừ. Người ta không tìm kiếm, bên dưới những gì được biểu lộ, lời ba hoa nửa im lặng của một diễn ngôn khác; chúng ta phải cho thấy tại sao nó lại không thể khác với bản thân nó, bằng cách nào nó độc quyền với tất cả những diễn ngôn khác, làm thế nào để giữa những diễn ngôn khác có quan hệ với nó, nó lại chiếm được một chốn mà không diễn ngôn nào khác có thể chiếm giữ. Câu hỏi cụ thể cho một phân tích như vậy có thể được hình thành theo cách sau: thế thì sự tồn tại dị biệt này, cái hiện ra giữa ban ngày trong cái được nói - và không ở đâu khác này là gì?
Ta phải tự hỏi rốt cuộc những gì có thể được sử dụng để kết thúc việc treo lại tất cả các nhất tính được thừa nhận, nếu có, nói chung để tìm được các nhất tính mà ta đã vờ đặt vấn đề ngay từ đầu. Trên thực tế, sự tẩy xóa có hệ thống tất cả các nhất tính đã cho, trước hết có thể phục hồi lại lời phát ngôn về tính dị biệt của sự kiện, và cho thấy rằng tính gián đoạn không chỉ là một trong những biến cố lớn tạo thành những đứt gãy địa chất lịch sử, mà còn là những biến cố lớn trong thực tế đơn giản của lời phát ngôn; ta khiến nó nảy sinh trong sự xâm nhập lịch sử của nó; cái mà người ta cố gắng đưa vào xem xét chính là vết rạch này tạo thành, vết rạch này bất khả quy giản - và thường xuất hiện rất nhỏ. Nó tầm thường, không hề quan trọng như người ta tưởng tượng về hậu quả của nó, nhanh chóng bị lãng quên sau khi xuất hiện, ít được nghe hoặc được giải mã một cách tồi tệ như người ta vẫn tưởng, một phát ngôn luôn là một sự kiện mà cả ngôn ngữ và ý nghĩa đều không thể cạn kiệt. Đây chắc chắn là sự kiện kỳ lạ: trước hết bởi vì một mặt nó được liên kết với cử chỉ viết hoặc với việc khớp nối thành lời nói, nhưng mặt khác, nó lại tự mở ra cho mình - thậm chí là một tồn tại sót lại trong lĩnh vực ký ức, hoặc về tính vật chất của bản thảo, sách và bất kỳ cách thức ghi lại nào; thứ hai, bởi vì nó là duy nhất giống như bất kỳ sự kiện nào, nhưng nó được đưa ra để lặp lại, để biến đổi, để tái hoạt tác; cuối cùng, bởi vì nó được liên kết không chỉ với các tình huống kích động nó, và hệ quả mà nó gây ra, nhưng đồng thời, và theo một dạng thức hoàn toàn khác, với các phát ngôn có trước và theo sau nó.
Nhưng nếu chúng ta cô lập, liên quan đến ngôn ngữ và tư tưởng, trường hợp của sự kiện tường thuật, thì đó không phải là reo rắc một lớp bụi sự kiện. Điều đó chắc chắn không gắn liền nó với các thao tác tổng hợp thuần túy tâm lý (ý định của tác giả, dạng thức tinh thần của hắn, tính chặt chẽ trong tư duy của hắn, các chủ đề ám ảnh hắn, cái dự án xuyên qua sự tồn tại của hắn và mang lại ý nghĩa của nó) và để có thể nắm bắt được các dạng thức quy tắc khác, các loại quan hệ khác. Mối quan hệ giữa các phát ngôn (ngay cả khi chúng thoát khỏi ý thức của tác giả; ngay cả khi chúng là những phát ngôn không phải của cùng một tác giả; ngay cả khi các tác giả không hề biết nhau); do đó, mối quan hệ giữa các nhóm phát ngôn được thiết lập (ngay cả khi các nhóm này không liên quan đến các lĩnh vực giống nhau, cũng không phải các lĩnh vực lân cận; ngay cả khi chúng không có cùng cấp độ hình thức; ngay cả khi chúng không phải là nơi trao đổi có thể gán cho); quan hệ giữa các phát ngôn hoặc các nhóm phát ngôn và các sự kiện của một trật tự hoàn toàn khác nhau (kỹ thuật, kinh tế, xã hội, chính trị). Việc bộc lộ một cách thuần khiết cái không gian nơi các sự kiện rời rạc diễn ra không phải là thực hiện việc tái lập nó trong tình trạng biệt lập không gì có thể vượt qua được; không phải là để khép kín bản thân nó; mà đó là làm cho bản thân tự do mô tả cái trò chơi của các mối quan hệ trong nó và bên ngoài nó.
Mối quan tâm thứ ba của việc mô tả các dữ kiện diễn ngôn như vậy là: bằng cách giải phóng chúng khỏi tất cả các nhóm dường như là các nhất tính tự nhiên, trực tiếp và phổ quát, là ta tạo ra cho mình khả năng mô tả, nhưng lần này bằng một tập hợp các quyết định được kiểm soát, các nhất tính khác. Miễn là các điều kiện được xác định rõ ràng, thì có thể hợp thức để tạo thành, từ các quan hệ được mô tả chính xác, các tập hợp rời rạc không võ đoán, nhưng vẫn vô hình. Phải thừa nhận rằng, các mối quan hệ này sẽ không bao giờ được hình thành cho chính nó trong các phát ngôn được đề cập (không giống như, chẳng hạn, những quan hệ rõ ràng này được đặt ra và được nói bằng bản thân diễn ngôn, như ở dạng tiểu thuyết, hoặc là được ghi bằng hàng loạt định lý toán học). Tuy nhiên, chúng sẽ không có cách nào tạo thành một loại diễn ngôn ngầm ẩn, làm sinh động nội tính của các diễn ngôn hiển lộ; do đó, đây không phải là việc diễn giải các sự kiện diễn ngôn có thể bộc lộ ra, mà là phân tích về trạng thái đồng tồn của chúng, sự kế thừa của chúng, hoạt tác lẫn nhau của chúng, sự xác định qua lại của chúng, biến đổi độc lập hoặc tương quan của chúng.
Tuy nhiên, chúng ta không thể mô tả mà không tham chiếu tất cả các quan hệ có thể lại xuất hiện. Cần phải chấp nhận việc phân chia tạm thời như một phép gần đúng sơ đẳng: một lĩnh vực khởi đầu, mà việc phân tích sẽ đảo lộn và tổ chức lại nếu cần. Lĩnh vực này, làm thế nào để khoanh vùng nó? Một mặt, theo kinh nghiệm, cần phải chọn một lĩnh vực mà các mối quan hệ có thể nhiều, dày đặc và tương đối dễ mô tả: và trong lĩnh vực đó các sự kiện rời rạc dường như được liên kết chặt chẽ với nhau, và theo đúng các quan hệ có thể giải mã tốt hơn, so với các mối quan hệ thường được chỉ định bởi thuật ngữ khoa học? Nhưng mặt khác, làm thế nào người ta có thể cho mình nhiều cơ hội nhất để nắm bắt lại một phát ngôn, không phải thời điểm của cấu trúc hình thức và quy luật tạo dựng nó, mà là sự tồn tại và các quy tắc xuất hiện của nó, nếu không phải bằng cách tự nhắm đến các nhóm diễn ngôn không được thực sự hình thức hóa và trong đó các phát ngôn dường như không nhất thiết phải được tạo ra theo các quy tắc cú pháp thuần túy? Làm thế nào có thể chắc chắn rằng chúng ta sẽ thoát khỏi những phần cắt bỏ như những phần cắt bỏ của tác phẩm, thoát khỏi những hạng mục như những hạng mục có tầm ảnh hưởng, nếu không phải bằng cách đề xuất ngay từ đầu những lĩnh vực đủ rộng, những thang trật tự niên đại đủ lớn? Cuối cùng, làm thế nào có thể chắc chắn rằng ta sẽ không để mình bị cuốn vào tất cả những nhất tính hoặc tổng hợp thiếu phản ánh liên quan đến cá nhân đang nói, đến chủ thể của diễn ngôn, nói ngắn gọn là đến tác giả của văn bản, đến các phân loại nhân học? Nếu không, có lẽ bằng cách xem xét tập hợp các phát ngôn mà thông qua đó các phân loại này được hình thành, - tập hợp các phát ngôn đã chọn chủ thể của diễn ngôn (chủ thể của bản thân chúng) làm “đối tượng” của chúng và đã thực hiện triển khai nó như một lĩnh vực tri thức?
Điều này giải thích đặc quyền trên thực tế tôi đã gán cho các diễn ngôn này, mà người ta có thể nói một cách giản lược rằng chúng định nghĩa “các khoa học về con người”. Nhưng đây chỉ là một đặc quyền khởi đầu. Cần lưu ý hai khía cạnh: một là việc phân tích các sự kiện rời rạc không bị giới hạn vào một lĩnh vực như vậy; và mặt khác, bản thân việc phân chia lĩnh vực này không thể được coi là dứt khoát, cũng không có giá trị tuyệt đối; đó là một phép gần đúng đầu tiên có thể làm cho nó bộc lộ các mối quan hệ có nguy cơ xóa bỏ các giới hạn của bản phác thảo sơ khởi này.
___________________________________________
Còn nữa….
Nguồn: Foucault, Michel (1969). L'Archéologie du Savoir, Éditions Gallimard, 1969.
Tác giả: Paul-Michel Foucault (1926 - 1984) là một nhà triết học người Pháp, sử gia tư tưởng, nhà văn, nhà hoạt động chính trị và nhà phê bình văn học. Các lý thuyết của Foucault chủ yếu giải quyết mối quan hệ giữa quyền lực và tri thức, và cách chúng được sử dụng như một hình thức kiểm soát xã hội thông qua các thể chế xã hội. Mặc dù thường được coi là người theo chủ nghĩa cấu trúc và hậu hiện đại, Foucault đã bác bỏ những cách dán nhãn này. Sinh ra ở Poitiers, Pháp trong một gia đình trung lưu lớp trên, Foucault được giáo dục tại Lycée Henri-IV, tại École Normale Supérieure, nơi ông chịu ảnh hưởng của các bậc thầy Jean Hyppolite và Louis Althusser, và tại Đại học Paris Sorbonne, nơi ông lấy bằng triết học và tâm lý học. Sau vài năm làm nhà ngoại giao văn hóa ở nước ngoài, ông trở về Pháp và xuất bản cuốn sách lớn đầu tiên của mình, Histoire de la folie - Lịch sử Chứng điên (1961). Sau khi nhận việc tại Đại học Clermont-Ferrand từ năm 1960 đến năm 1966, ông đã cho ra đời cuốn Naissance de la clinique – Sự ra đời của Y học Lâm sàng (1963) và Les Mots et les Choses – Ngôn từ và Sự vật (1966), những ấn phẩm thể hiện sự tham gia sâu hơn của ông vào cấu trúc luận, để rồi lại tách mình ra. Ba bộ sử đầu tiên này đã minh chứng cho thuật sử ký học mà Foucault phát triển được gọi là “khảo cổ học”. Từ năm 1966 đến năm 1968, Foucault giảng dạy tại Đại học Tunis trước khi trở về Pháp, và trở thành trưởng khoa triết học tại trường đại học thực nghiệm mới Paris VIII. Sau đó ông đã xuất bản cuốn L'archéologie du savoir - Khảo cổ học Tri thức (1969). Năm 1970, Foucault được nhận vào Collège de France, một vị trí mà ông giữ lại cho đến khi qua đời. Ông cũng hoạt động tích cực trong một số nhóm cánh tả tham gia vào các chiến dịch chống phân biệt chủng tộc và vi phạm nhân quyền và cải cách hình phạt. Foucault còn xuất bản Surveiller et punir- Giám sát và Trừng phạt (1975) và Histoire de la sexualité - Lịch sử Tình dục (1976), trong đó ông đã phát triển các phương pháp khảo cổ và gia phả, nhấn mạnh vai trò của quyền lực trong xã hội. Foucault qua đời ở Paris do biến chứng của HIV/ AIDS.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét