Powered By Blogger

Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2021

Phân tích Diễn ngôn - Phân tích Văn bản trong Nghiên cứu Xã hội (I)

Norman Fairclough

Người dịch: Hà Hữu Nga

Phần I: Phân tích Xã hội, Phân tích Diễn ngôn, Phân tích Văn bản

2. Văn bản, Sự kiện Xã hội và Thực tiễn Xã hội

Nội dung được xem xét trong công trình này là các bộ phận sự kiện xã hội. Có một cách thức mà mọi người có thể hành động và tương tác trong quá trình diễn ra các sự kiện xã hội là nói hoặc viết. Đó không phải là cách duy nhất. Một số sự kiện xã hội có đặc tính văn bản cao, những sự kiện khác thì không. Ví dụ, khi trò chuyện về một trận đấu bóng đá (chẳng hạn: một cầu thủ cần một trái bóng), đó là một yếu tố tương đối ngoài lề và hầu hết hành động là phi ngôn ngữ. Ngược lại, hầu hết các hành động trong một bài giảng là ngôn ngữ - những gì giảng viên nói, những gì được trình chiếu lên bảng và tài liệu phát cho người nghe, những ghi chú mà người nghe thực hiện. Nhưng ngay cả một bài giảng cũng không chỉ đơn thuần là ngôn ngữ - nó còn là một màn trình diễn cơ thể cũng như một màn trình diễn ngôn ngữ, và nó có khả năng liên quan đến hành động vật chất chẳng hạn như giảng viên vận hành một máy chiếu.

Ở phần trước, tôi đã thảo luận về tác động nhân quả của các các sự kiện xã hội của văn bản đối với đời sống xã hội. Nhưng bản thân các sự kiện và văn bản cũng có những nguyên nhân - những yếu tố khiến một văn bản cụ thể hoặc một loại văn bản có những đặc điểm mà nó phải có. Chúng ta có thể phân biệt một cách khái quát hai "quyền lực" nhân quả định hình các văn bản: một mặt là các cấu trúc xã hội và các thực hành xã hội; mặt khác, các tác nhân xã hội, những người tham gia vào các sự kiện xã hội (Archer 1995, Sayer 2000). Lưu ý trước đó về quan hệ nhân quả cũng được áp dụng ở đây: chúng tôi không nói về quan hệ nhân quả cơ học đơn giản hoặc ngụ ý các quy tắc có thể dự đoán được.

Trong chương này, tôi sẽ tập trung vào mối quan hệ giữa các văn bản, các sự kiện xã hội, thực tiễn xã hội và cấu trúc xã hội, sau một số nhận xét sơ bộ về tác tố người tham gia vào các sự kiện, một chủ đề mà chúng ta sẽ còn quay lại, đặc biệt là trong phần cuối cùng. Một số chủ đề nghiên cứu xã hội có liên quan ở đây, và tôi sẽ đặc biệt đề cập đến: nền kinh tế chính trị của chủ nghĩa tư bản mới (Jessop 2000), việc xây dựng lý thuyết diễn ngôn trong triết học khoa học “hiện thực phê phán” (Fairclough, Jessop và Sayer 2002), các lý thuyết toàn cầu hóa (Giddens 1991, Harvey 1990) và truyền thông / dàn xếp (Silverstone 1999); nghiên cứu về những thay đổi chính phủ và “quản trị” trong chủ nghĩa tư bản mới (Bjerke 2000, Jessop 1998, sắp xuất bản a); khái niệm “tái bối cảnh hóa” được Bernstein phát triển trong xã hội học giáo dục của ông (Bernstein 1990), và công trình nghiên cứu về “tính lai” hoặc làm mờ các ranh giới mà một số nhà lý thuyết xã hội liên kết với “tính hậu hiện đại” (ví dụ: Harvey 1990, Jameson 1991). Tôi cũng sẽ thảo luận về các khái niệm “thể loại” và “diễn ngôn”, cả hai đều đã thu hút sự chú ý rộng rãi trong nghiên cứu xã hội và lý thuyết (“thể loại” chẳng hạn trong Nghiên cứu Truyền thông, đặc biệt là “diễn ngôn” trong các tác phẩm của Foucault).

Văn bản và Tác nhân Xã hội

Tác nhân xã hội không phải là tác nhân “tự do”, họ bị ràng buộc về mặt xã hội, nhưng cũng không phải là các hành động của họ hoàn toàn được xác định về phương diện xã hội. Các tác nhân có “quyền lực nhân quả” không thể quy giản thành các quyền lực nhân quả của các cấu trúc và thực tiễn xã hội (quan điểm về mối quan hệ giữa cấu trúc và tác tố, xem Archer 1995, 2000). Tác nhân xã hội kết cấu thành các văn bản, chúng thiết lập các mối quan hệ giữa các yếu tố của văn bản. Có những ràng buộc về cấu trúc đối với quá trình này - ví dụ, ngữ pháp của một ngôn ngữ làm cho một số kết hợp và việc sắp xếp trật tự của các hình thái ngữ pháp nào đó có thể thực hiện được, mà không phải là các kết hợp và việc sắp xếp trật tự khác (ví dụ: “but book the” không phải là một câu tiếng Anh); và nếu sự kiện xã hội là một cuộc phỏng vấn, thì có những quy ước thể loại về cách tổ chức cuộc nói chuyện. Nhưng điều này vẫn để lại cho các tác nhân xã hội rất nhiều tự do trong việc kết cấu văn bản. Lấy phần trích dẫn sau đây từ Ví dụ 1 (xem Phụ lục, trang 229–30), trong đó một người quản lý đang nói về ‘văn hóa’ của những người ở thành phố quê hương Liverpool của anh ta: “Họ hoàn toàn nghi ngờ về bất kỳ thay đổi nào. Họ hoàn toàn nghi ngờ về bất kỳ ai đang cố gắng giúp họ. Ngay lập tức họ tìm kiếm ý đồ lừa đảo trong đó. Họ đã được dạy dỗ và tin rằng người ta thực sự thông minh khi “ăn miếng trả miếng” kẻ khác. Vì vậy, họ là cá mè một lứa cả. Vì vậy, các đường phân giới mà các công đoàn đã được phép áp đặt ở những khu vực đó, đều khiến nó trở nên hoàn toàn cứng nhắc đến mức phải phá hủy đi. Tôi biết điều đó. Tôi có thể thấy rõ nó.” “Vậy điều này có liên quan gì đến những thứ đang xảy ra ở đây?” “Chà, tôi định nói, làm thế nào để thay đổi được loại văn hóa tiêu cực này?”

Cần đặc biệt lưu ý đến mối quan hệ ngữ nghĩa được thiết lập giữa “văn hóa tiêu cực” và “hoàn toàn nghi ngờ” về sự thay đổi, “tìm kiếm ý đồ lừa đảo”, cố gắng “ăn miếng trả miếng”, “đường phân giới”, “cứng nhắc” và “phải phá hủy đi”. Chúng ta có thể coi đây là kết cấu của μερωνυμία - meronymie mối quan hệ ngữ nghĩa giữa cái bộ phận và cái toàn thể, tức là mối quan hệ giữa tổng thể (“văn hóa tiêu cực”) và các bộ phận của nó. Không có từ điển nào xác định được mối quan hệ ngữ nghĩa như vậy giữa các cách diễn đạt này - mối quan hệ được người quản lý kết cấu. Có thể cho rằng người quản lý có ý nghĩa như một tác nhân xã hội. Và cần lưu ý những gì liên quan đến việc tạo ra ý nghĩa ở đây: đặt các cách diễn đạt hiện tồn vào một quan hệ tương đương mới với tư cách là các đồng-trường hợp của “văn hóa tiêu cực”. Ý nghĩa không hiện diện theo cách tồn tại-trước trong những từ và cách diễn đạt này, mà là tác động của các mối quan hệ thiết lập giữa chúng (Merleau-Ponty 1964).

Sự kiện Xã hội, Thực tiễn Xã hội, Cấu trúc Xã hội

Chúng ta sẽ trở lại với tác tố sau, vì tôi muốn tập trung vào mối quan hệ giữa các sự kiện xã hội, thực tiễn xã hội và cấu trúc xã hội. Cách tiếp cận phản ánh công trình gần đây tôi đã thực hiện với sự hợp tác của các nhà lý thuyết xã hội học về diễn ngôn trong triết học “hiện thực phê phán” của khoa học (Fairclough, Jessop và Sayer 2002).

Cấu trúc xã hội là những thực thể rất trừu tượng. Người ta có thể nghĩ về cấu trúc xã hội (chẳng hạn như cấu trúc kinh tế, giai cấp xã hội, hệ thống thân tộc, hoặc ngôn ngữ) như là xác định một tiềm năng, một tập hợp các khả tính. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa những gì có thể xảy ra về mặt cấu trúc và những gì thực sự xảy ra giữa các cấu trúc và sự kiện, là một mối quan hệ rất phức tạp. Các sự kiện không phải là tác động của các cấu trúc xã hội trừu tượng theo bất kỳ cách thức đơn giản hay trực tiếp nào. Mối quan hệ của chúng là trung gian - có các thực thể tổ chức trung gian giữa các cấu trúc và sự kiện. Chúng tôi gọi các sự kiện này là những “thực hành xã hội”. Chẳng hạn như các thực hành giảng dạy và thực hành quản lý trong các cơ sở giáo dục. Các thực hành xã hội có thể được coi là những cách kiểm soát việc lựa chọn các khả tính cấu trúc nhất định và loại trừ những khả tính khác, cũng như duy trì các lựa chọn này theo thời gian, trong các lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội. Các thực hành xã hội được đặc biệt kết nối với nhau và làm thay đổi các cách thức - ví dụ, gần đây đã có sự thay đổi trong cách thức kết nối các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu cùng với thực tiễn quản lý trong các cơ sở giáo dục đại học, một sự “quản lý hóa” (hoặc nói chung là “thị trường hóa”, Fairclough 1993) giáo dục đại học. Ngôn ngữ (nói rộng hơn là “ký hiệu học”, bao gồm cả ý nghĩa và giao tiếp thông qua hình ảnh thị giác chẳng hạn) là một yếu tố của cái xã hội ở mọi cấp độ. Lược đồ: i) Các cấu trúc xã hội: các ngôn ngữ; ii) Các thực hành xã hội: các trật tự diễn ngôn; iii) Các sự kiện xã hội: các văn bản.

Ngôn ngữ có thể được coi là một trong những cấu trúc xã hội trừu tượng mà tôi vừa đề cập đến. Một ngôn ngữ xác định một tiềm năng nhất định, các khả tính nhất định và loại trừ những khả tính khác – có thể có một số cách kết hợp các yếu tố ngôn ngữ nhất định, còn những các cách khác thì không (ví dụ: trong tiếng Anh kiểu kết hợp “the book” thì có thể, còn “book the” thì không). Nhưng văn bản với tư cách là các yếu tố của các sự kiện xã hội không chỉ đơn giản là tác động của các tiềm năng được xác định bởi ngôn ngữ. Chúng ta cần nhận ra các thực thể tổ chức trung gian của một loại ngôn ngữ cụ thể, các yếu tố ngôn ngữ của các mạng thực hành xã hội. Tôi sẽ gọi các thực thể này là các trật tự diễn ngôn (xem Chouliaraki và Fairclough 1999, Fairclough 1992). Một trật tự diễn ngôn là một mạng các thực hành xã hội ở khía cạnh ngôn ngữ của nó. Các yếu tố trật tự diễn ngôn không phải là những thứ như danh từ và câu (các yếu tố của cấu trúc ngôn ngữ), mà là các diễn ngôn, các thể loại và phong cách (tôi sẽ phân biệt chúng ngay sau đây). Những yếu tố này chọn lọc những khả tính nhất định được ngôn ngữ xác định, và loại trừ những khả tính khác - chúng kiểm soát tính biến đổi ngôn ngữ đối với các lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội. Vì vậy, các trật tự diễn ngôn có thể được xem như là tổ chức xã hội và kiểm soát sự biến đổi ngôn ngữ.

Thêm một điểm cần làm: khi chúng ta chuyển từ các cấu trúc trừu tượng sang các sự kiện cụ thể, thì việc tách biệt ngôn ngữ khỏi các yếu tố xã hội khác ngày càng trở nên khó khăn. Theo thuật ngữ của Althusser, ngôn ngữ ngày càng bị các yếu tố xã hội khác “quá quyết định” (Althusser và Balibar 1970). Vì vậy, ở cấp độ cấu trúc trừu tượng, chúng ta có thể nói ít nhiều ngoại trừ nói về ngôn ngữ - có thể nói ít nhiều bởi vì các lý thuyết chức năng ngôn ngữ xem ngay cả ngữ pháp của ngôn ngữ cũng đã được định hình về mặt xã hội (Halliday 1978). Cái cách mà tôi xác định các trật tự diễn ngôn cho thấy rõ rằng ở cấp độ trung gian này, chúng ta đang đối mặt với tình trạng “quá quyết định” lớn hơn nhiều của ngôn ngữ bởi các yếu tố xã hội khác - trật tự diễn ngôn là tổ chức xã hội và kiểm soát sự biến đổi ngôn ngữ, và các yếu tố của chúng ( các diễn ngôn, thể loại, phong cách) tương ứng không phải là các phạm trù ngôn ngữ thuần túy mà là các phạm trù cắt ngang sự phân chia giữa ngôn ngữ và “phi ngôn ngữ”, sự phân chia giữa diễn ngôn và phi diễn ngôn. Khi chúng ta coi văn bản như là các yếu tố của các sự kiện xã hội, thì tình trạng “quá quyết định” của ngôn ngữ bởi các yếu tố xã hội khác trở nên khổng lồ: các văn bản không chỉ là tác động của các cấu trúc ngôn ngữ và các trật tự diễn ngôn, mà chúng còn là tác động của các cấu trúc xã hội khác và của các thực tiễn xã hội về tất cả các khía cạnh của chúng, do đó khó có thể tách rời các yếu tố tạo hình văn bản.

Thực hành Xã hội

Các thực hành xã hội có thể được coi là những khớp nối của các loại yếu tố xã hội khác nhau gắn liền với các lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội - ví dụ như thực hành xã hội của việc giảng dạy trên lớp trong nền giáo dục Anh đương đại. Điểm quan trọng về các thực hành xã hội theo quan điểm của công trình này là chúng khớp nối diễn ngôn (ngôn ngữ) cùng với các yếu tố xã hội phi diễn ngôn. Chúng ta có thể xem bất kỳ thực hành xã hội nào cũng đều là sự kết hợp của các yếu tố sau: i) Hành động và tương tác; ii) Các quan hệ xã hội; iii) Các cá nhân (có niềm tin, thái độ, lịch sử, v.v.); iv) Thế giới vật chất; v) Diễn ngôn.

Vì vậy, chẳng hạn việc giảng dạy trong lớp học kết hợp các cách sử dụng ngôn ngữ cụ thể (về phía người dạy và người học) với các mối quan hệ xã hội của lớp học, cấu trúc lớp học và sử dụng lớp học như một không gian vật lý, v.v. Mối quan hệ giữa các yếu tố khác nhau này của thực hành xã hội là có tính biện chứng, như Harvey lập luận (Fairclough 2001a, Harvey 1996a): đây là cách đặt ra một thực tế có vẻ nghịch lý ở chỗ, mặc dù yếu tố diễn ngôn của một thực hành xã hội không giống như, chẳng hạn, các mối quan hệ xã hội của nó, thì mỗi khía cạnh đều chứa đựng hoặc nội tại hóa cái khác – các quan hệ xã hội thì một phần mang tính diễn ngôn, diễn ngôn một phần các quan hệ xã hội. Các sự kiện xã hội được định hình nhân quả bởi (mạng lưới) các thực hành xã hội - các thực hành xã hội xác định các cách thức hành động cụ thể và mặc dù các sự kiện thực tế có thể ít nhiều khác biệt với các định nghĩa và kỳ vọng này (bởi vì chúng cắt qua các thực hành xã hội khác nhau và bởi vì sức mạnh nhân quả của các tác nhân xã hội), chúng vẫn được định hình một phần bởi các sự kiện xã hội đó.

Diễn ngôn như một Yếu tố Thực hành Xã hội: Thể loại, Diễn ngôn và Phong cách

Chúng ta có thể nói rằng diễn ngôn hình thành trên ba phương diện chính trong thực tiễn xã hội. Nó bao gồm: i) Các thể loại (các cách thức hành động); ii) Các diễn ngôn (các cách thức thể hiện); iii) Các phong cách (các cách thức hiện hữu). Một cách thức hành động và tương tác là thông qua nói hoặc viết, vì vậy diễn ngôn trước hết được coi là “một phần của hành động”. Chúng ta có thể phân biệt các thể loại khác nhau như những cách thức khác nhau để (liên) hành động về phương diện diễn ngôn - ví dụ như phỏng vấn là một thể loại. Thứ hai, diễn ngôn hình thành trong trình bày luôn là một bộ phận của các thực hành xã hội – các cách trình bày về thế giới vật chất, về các thực hành xã hội khác, các trình bày tự thân mang tính phản ánh về thực hành đang được đề cập. Trình bày rõ ràng là một vấn đề diễn ngôn, và chúng ta có thể phân biệt các diễn ngôn khác nhau, có thể đại diện cho cùng một lĩnh vực của thế giới từ các quan điểm hoặc vị trí khác nhau. Cần lưu ý rằng ở đây “diễn ngôn” được sử dụng theo hai nghĩa: theo nghĩa trừu tượng, như một danh từ trừu tượng, có nghĩa là ngôn ngữ và các loại ký hiệu khác như các yếu tố của đời sống xã hội; theo nghĩa cụ thể hơn, như một danh từ đếm được, có nghĩa là những cách cụ thể đại diện cho một phần của thế giới. Một ví dụ về diễn ngôn theo nghĩa thứ hai có lẽ là thứ diễn ngôn chính trị của đảng Lao động Mới, trái ngược với diễn ngôn chính trị của đảng Lao động “cũ”, hoặc diễn ngôn chính trị của “Nguyên tắc Thatcher - Thatcherism” (Fairclough 2000b). Thứ ba và cuối cùng, diễn ngôn hình thành cùng với hành vi của cơ thể trong việc cấu thành các cách hiện hữu cụ thể, bản sắc xã hội hoặc cá nhân cụ thể. Tôi gọi khía cạnh diễn ngôn này là một phong cách. Một ví dụ điển hình cho phong cách của một kiểu nhà quản lý cụ thể - đó là cách thức mà người đó sử dụng ngôn ngữ như một nguồn lực để tự-đồng nhất.

Các khái niệm “diễn ngôn” và “thể loại” nói riêng được sử dụng trong nhiều ngành học và lý thuyết. Sự phổ biến của “diễn ngôn” trong nghiên cứu xã hội đặc biệt là nhờ ở Foucault (1972). “Thể loại” được sử dụng trong nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu truyền thông, lý thuyết điện ảnh, v.v. (xem ví dụ như Fiske 1987, Silverstone 1999). Những khái niệm này cắt qua các ngành học cũng như các lý thuyết, và có thể hoạt động như những chiếc cầu nối - làm trọng tâm cho cuộc đối thoại giữa chúng, qua đó có thể rút ra các quan điểm của ngành này, lý thuyết này trong sự phát triển của ngành khác, lý thuyết khác.

Văn bản với tư cách Hành động, Trình bày, Nhận dạng

Các cách tiếp cận “chức năng” đối với ngôn ngữ đã nhấn mạnh đến “tính đa chức năng” của văn bản. Chẳng hạn, Ngôn ngữ học Chức năng Hệ thống tuyên bố rằng các văn bản đồng thời có các chức năng “lý tưởng”, “liên nhân” và “văn bản”. Nghĩa là, các văn bản thể hiện đồng thời các khía cạnh của thế giới (thế giới vật chất, thế giới xã hội, thế giới tinh thần); xác nhận các mối quan hệ xã hội giữa những người tham gia vào các sự kiện xã hội và các thái độ, các mong muốn và giá trị của những người tham gia; và kết nối mạch lạc và chặt chẽ các phần của văn bản với nhau, đồng thời kết nối văn bản với bối cảnh tình huống của chúng (Halliday 1978, 1994). Hay nói đúng hơn, người ta làm những việc này trong quá trình tạo dựng ý nghĩa từ các sự kiện xã hội, bao gồm cả việc kết cấu, tạo văn bản. Tôi cũng sẽ xem văn bản là đa chức năng theo nghĩa này, mặc dù theo một cách khá khác, phù hợp với sự phân biệt giữa các thể loại, diễn ngôn và phong cách như là ba cách chính trong đó diễn ngôn được coi là một phần của thực tiễn xã hội - những cách thức hành động, cách thức trình bày, cách thức hiện hữu. Hay nói cách khác: mối quan hệ của văn bản với sự kiện, với thế giới vật chất và xã hội rộng lớn hơn, và với những người liên quan đến sự kiện. Tuy nhiên, tôi thích nói về ba loại ý nghĩa chính hơn là các chức năng:

Các loại ý nghĩa chính của văn bản:

i) Hành động; ii) Đại diện; iii) Nhận dạng. Trình bày tương ứng với chức năng “lý tưởng” của Halliday; Hành động gần nhất với chức năng “liên nhân” của nó, mặc dù nó nhấn mạnh hơn vào văn bản như một cách (liên) hành động trong các sự kiện xã hội, và nó có thể được coi là tích hợp Quan hệ (xác nhận các quan hệ xã hội); Halliday không phân biệt một chức năng riêng biệt để kết nối với việc nhận dạng - hầu hết những gì tôi đưa vào nhận dạng là thuộc chức năng “liên nhân” của ông. Tôi không phân biệt một chức năng văn bản riêng biệt, thay vào đó tôi kết hợp nó trong Hành động.

Chúng ta có thể thấy Hành động, Trình bày và Nhận dạng đồng thời qua toàn bộ văn bản và trong các phần nhỏ của văn bản. Lấy câu đầu tiên của Ví dụ 1: “Văn hóa trong các doanh nghiệp thành công khác với trong các doanh nghiệp thất bại”. Những gì được thể hiện ở đây (Trình bày) là mối quan hệ giữa hai thực thể - 'x khác với y'. Câu này cũng là (Hành động) một hành động, ngụ ý một mối quan hệ xã hội: người quản lý đang cung cấp thông tin cho người phỏng vấn, nói với anh ta điều gì đó, và điều đó ngụ ý chung về mối quan hệ xã hội giữa một người biết và một người không - các mối quan hệ xã hội của loại phỏng vấn này là một biến thể cụ thể của quan hệ xã hội, mối quan hệ giữa một người có kiến ​​thức, quan điểm ​​và một người đang khơi gợi các kiến thức và quan điểm đó. Thông báo, tư vấn, hứa hẹn, cảnh báo, v.v. là những cách thức hành động. Câu này cũng là (Nhận dạng) một lời hứa, một cam kết, một phán đoán: khi nói là “khác” chứ không phải “có lẽ khác” hoặc “có thể khác”, thì người quản lý tự cam kết một cách chắc chắn. Việc tập trung phân tích các văn bản vào tác động lẫn nhau của Hành động, Trình bày và Nhận dạng sẽ đưa quan điểm xã hội vào trung tâm và trở thành chi tiết chính xác của văn bản.

Như tôi đã chỉ ra, có sự tương ứng giữa Hành động và các thể loại, Trình bày và các diễn ngôn, Nhận dạng và các phong cách. Thể loại, diễn ngôn và phong cách tương ứng là những cách thức tương đối ổn định và lâu dài của việc hành động, trình bày và nhận dạng. Chúng được xác định là các yếu tố của các trật tự diễn ngôn ở cấp độ các thực hành xã hội. Khi chúng ta phân tích các văn bản cụ thể như một phần của các sự kiện cụ thể, thì chúng ta đang thực hiện hai việc liên kết với nhau: (a) xem xét chúng theo ba khía cạnh ý nghĩa: Hành động, Trình bày và Nhận dạng, và cách thức mà ba khía cạnh này được hiện thực hóa trong các đặc điểm khác nhau của văn bản (từ vựng của chúng, ngữ pháp của chúng, v.v.); (b) tạo mối liên hệ giữa sự kiện xã hội cụ thể và các thực hành xã hội trừu tượng hơn, bằng cách hỏi, các thể loại, diễn ngôn và phong cách nào được vạch ra ở đây, và các thể loại, diễn ngôn và phong cách khác nhau được khớp nối với nhau như thế nào trong văn bản?

Quan hệ Biện chứng

Cho đến giờ, tôi đã viết như thể ba khía cạnh ý nghĩa (cũng như thể loại, diễn ngôn và phong cách) khá tách biệt nhau, nhưng mối quan hệ giữa chúng lại là một khía cạnh khá tinh tế và phức tạp hơn - một mối quan hệ biện chứng. Foucault (1994: 318) đưa ra những phân biệt rất giống ba khía cạnh ý nghĩa, và ông cũng gợi ý đặc trưng biện chứng của mối quan hệ giữa chúng (mặc dù ông không sử dụng phạm trù phép biện chứng):

Những hệ thống thực tiễn này bắt nguồn từ ba lĩnh vực rộng lớn: các quan hệ kiểm soát mọi thứ, các quan hệ hành động với người khác, các quan hệ với chính mình. Điều này không có nghĩa là mỗi lĩnh vực trong ba lĩnh vực này hoàn toàn xa lạ với nhau. Ai cũng biết rằng việc kiểm soát mọi thứ được thực hiện qua trung gian các mối quan hệ với những người khác; và đến lượt mình, các quan hệ với người khác luôn kéo theo các quan hệ với chính mình, và ngược lại. Nhưng chúng ta có ba trục mà tính cụ thể và mối liên hệ của chúng cần phải được phân tích: trục tri thức, trục quyền lực, và trục đạo đức…. Làm thế nào chúng ta được cấu thành như là các chủ thể tri ​​thức của riêng chúng ta? Chúng ta được cấu thành như thế nào với tư cách là chủ thể thực hiện hoặc phục tùng các quan hệ quyền lực? Chúng ta được cấu thành như thế nào với tư cách là chủ thể đạo đức của các hành động của chính mình?

Có một số điểm ở đây. Đầu tiên, các công thức khác nhau của Foucault chỉ ra tính phức tạp của mỗi khía cạnh trong ba khía cạnh ý nghĩa (tương ứng với ba “trục” của Foucault): Trình bày là liên quan đến kiến ​​thức nhưng cũng do đó “kiểm soát mọi thứ”; Hành động nói chung liên quan đến quan hệ với người khác, nhưng cũng là “hành động đối với người khác” và quyền lực. Nhận dạng là để thực hiện các mối quan hệ với bản thân, đạo đức, và “chủ thể đạo đức”. Điều mà các công thức khác nhau này hướng đến là khả tính làm phong phú thêm sự hiểu biết của chúng ta về các văn bản bằng cách kết nối từng khía cạnh trong ba khía cạnh ý nghĩa với nhiều phạm trù khác nhau trong các lý thuyết xã hội. Một ví dụ khác có thể xem Nhận dạng là đưa cái mà Bourdieu (Bourdieu và Wacquant 1992) gọi là habitus “thói quen” của những người liên quan đến sự kiện vào phân tích văn bản, tức là những khuynh hướng hiện thân của chúng để nhìn nhận và hành động theo những cách nhất định dựa trên xã hội hóa và kinh nghiệm, một phần là những khuynh hướng nói và viết theo những cách thức nhất định.

Thứ hai, mặc dù ba khía cạnh của ý nghĩa cần được phân biệt cho mục đích phân tích và, theo nghĩa đó, chúng khác nhau, nhưng không riêng biệt, không hoàn toàn tách biệt. Khác với Foucault, tôi cho rằng chúng có quan hệ biện chứng với nhau, tức là có một ý nghĩa mà trong đó mỗi khía cạnh “nội tại hóa” những khía cạnh khác (Harvey 1996a). Điều này được gợi ý bằng ba câu hỏi ở cuối câu trích dẫn: cả ba đều có thể được xem xét theo mối quan hệ liên quan đến những cá nhân trong sự kiện (“chủ thể”) - mối quan hệ của họ với tri thức, mối quan hệ của họ với những kẻ khác (các mối quan hệ quyền lực), và mối quan hệ của họ với chính họ (với tư cách là “chủ thể đạo đức”). Hoặc ví dụ, chúng ta có thể nói rằng các cách Trình bày cụ thể (các diễn ngôn) có thể được xác nhận bằng những cách thức cụ thể của Hành động và Liên quan (thể loại), cũng như in sâu bằng những cách thức cụ thể của việc Nhận dạng (phong cách). Sơ đồ: Phép biện chứng của diễn ngôn: i) Diễn ngôn (các ý nghĩa trình bày) được xác nhận bằng các thể loại (các ý nghĩa hành động); ii) Diễn ngôn (các ý nghĩa trình bày) được in sâu bằng các phong cách (ý nghĩa nhận dạng); iii) Hành động và đặc tính nhận dạng (bao gồm các thể loại và các phong cách) được thể hiện trong các diễn ngôn (các ý nghĩa trình bày).

Chẳng hạn, Ví dụ 14, từ một phiên “đào tạo đánh giá”, có thể được coi là bao gồm một diễn ngôn về đánh giá (tức là một cách thức cụ thể của việc trình bày một khía cạnh hoạt động của nhân viên trường đại học), nhưng nó cũng chỉ rõ cách thức diễn ngôn là phải được xác nhận bằng một quy trình đánh giá tạo thành các thể loại như phỏng vấn đánh giá và nó gợi ý những cách thức liên quan để mọi người xác định bản thân trong các phong cách kết hợp-đánh giá. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng diễn ngôn về đánh giá có thể được “nội tại hóa” một cách biện chứng trong các thể loại và phong cách (Fairclough 2001a). Hoặc, bằng cách chuyển hướng, chúng ta có thể nói rằng các thể loại và phong cách như vậy giả định trước các cách trình bày cụ thể, dựa trên các diễn ngôn cụ thể. Đây là những vấn đề phức tạp, nhưng điểm chính là sự phân biệt giữa ba khía cạnh ý nghĩa và giữa các thể loại, diễn ngôn và phong cách, là một sự phân biệt mang tính phân tích cần thiết, không ngăn cản chúng “chảy vào” nhau theo nhiều cách.

Dàn xếp

Mối quan hệ giữa các văn bản và các sự kiện xã hội thường phức tạp hơn những gì tôi đã chỉ ra cho đến nay. Nhiều văn bản được “dàn xếp” bởi các “phương tiện thông tin đại chúng”, tức là các thể chế “sử dụng công nghệ sao chép để phổ biến giao tiếp” (Luhmann 2000). Chúng liên quan đến các phương tiện truyền thông như in ấn, điện thoại, phát thanh, truyền hình, Internet. Trong một số trường hợp - rõ ràng nhất là điện thoại - mọi người cùng hiện diện trong thời gian nhưng ở khoảng cách xa nhau trong không gian, và sự tương tác là một-một. Đây là những trường hợp gần nhất với lối trò chuyện thông thường. Những trường hợp khác rất khác với lối trò chuyện thông thường - ví dụ, một cuốn sách in được viết bởi một hoặc một số ít tác giả nhưng được vô số người đọc vốn có thể phân tán rộng rãi về thời gian và không gian. Trong trường hợp này, văn bản kết nối các sự kiện xã hội khác nhau - một mặt là viết sách, và nhiều cách cũng như nhiều sự kiện xã hội khác nhau bao gồm đọc (nhìn lướt qua, đề cập, v.v.) cuốn sách - một chuyến tàu, một lớp học trong một trường học, một lần đến hiệu sách, v.v.

Dàn xếp theo Silverstone (1999) liên quan đến “sự chuyển động của ý nghĩa” - từ thực tiễn xã hội này đến thực tiễn xã hội khác, từ sự kiện này đến sự kiện khác, từ văn bản này đến văn bản khác. Như điều này ngụ ý, dàn xếp không chỉ liên quan đến các văn bản hoặc các loại văn bản riêng lẻ, trong nhiều trường hợp, nó là một quá trình phức tạp liên quan đến cái mà tôi gọi là “các chuỗi” hoặc “các mạng” văn bản. Chẳng hạn chúng ta suy nghĩ về một câu chuyện trên một tờ báo. Các nhà báo viết các bài báo trên cơ sở nhiều nguồn khác nhau - tài liệu viết, bài phát biểu, phỏng vấn, v.v. - và các bài báo được những người mua báo đọc và có thể được phản hồi bằng nhiều loại văn bản khác - các cuộc trò chuyện về tin tức, có lẽ nếu câu chuyện đặc biệt quan trọng hơn các chuyện khác trên các tờ báo khác hoặc trên truyền hình, v.v. Do đó, “chuỗi” hay “mạng” văn bản trong trường hợp này bao gồm khá nhiều loại văn bản khác nhau. Có một số mối quan hệ khá thường xuyên và có hệ thống giữa một số người trong số họ - ví dụ, các nhà báo viết ra các bài báo trên cơ sở các nguồn theo những cách thức khá đều đặn và dễ đoán trước, bằng cách chuyển đổi các nguồn thành các chất liệu theo các quy ước khá rõ ràng (ví dụ như biến một cuộc phỏng vấn thành một phóng sự).

Các xã hội hiện đại phức tạp liên quan đến sự kết mạng của các thực tiễn xã hội khác nhau giữa các phạm vi hoặc lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội (ví dụ: kinh tế, giáo dục, đời sống gia đình) và giữa các quy mô khác nhau của đời sống xã hội (toàn cầu, khu vực, quốc gia, địa phương). Văn bản là một phần quan trọng của các mối quan hệ mạng này - các trật tự diễn ngôn liên kết với các mạng thực hành xã hội xác định các mối quan hệ chuỗi và mạng cụ thể giữa các loại văn bản. Những chuyển đổi của chủ nghĩa tư bản mới có thể được coi là những chuyển đổi trong mạng thực hành xã hội, bao gồm những biến đổi về trật tự diễn ngôn, và những biến đổi trong tạo chuỗi và tạo mạng văn bản, cũng như trong “các chuỗi thể loại” (xem bên dưới). Ví dụ, quá trình “toàn cầu hóa” bao gồm năng lực được nâng cao cho một số người để hành động và định hình hành động của những người khác trong một khoảng cách đáng kể về không gian và thời gian (Giddens 1991, Harvey 1990). Điều này một phần phụ thuộc vào các quá trình phức tạp hơn trong việc dàn xếp bằng văn bản của các sự kiện xã hội, cũng như các mối quan hệ chuỗi và mạng phức tạp hơn giữa các loại văn bản khác nhau (được tạo điều kiện thông qua các công nghệ giao tiếp mới, đặc biệt là Internet). Và khả năng ảnh hưởng hoặc kiểm soát các quá trình dàn xếp là một khía cạnh quan trọng của quyền lực trong các xã hội đương đại.

“Chuỗi thể loại” có ý nghĩa đặc biệt: đây là những thể loại khác nhau thường xuyên được liên kết với nhau, liên quan đến sự chuyển đổi có hệ thống từ thể loại này thành thể loại khác. Chuỗi thể loại góp phần vào khả tính của các hành động vượt qua những khác biệt về không gian và thời gian, liên kết các sự kiện xã hội với nhau trong các thực tiễn xã hội khác nhau, các quốc gia khác nhau và các thời điểm khác nhau, tạo điều kiện nâng cao năng lực “hành động ở khoảng cách xa” vốn đã được coi là xác định đặc điểm của “toàn cầu hóa” đương đại, và do đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi quyền lực.

Các chuỗi Thể loại

Các trích dẫn trong Ví dụ 3 (lấy từ Iedema 1999) cho thấy một số ý nghĩa về một chuỗi thể loại. Ví dụ liên quan đến một dự án lập kế hoạch cải tạo bệnh viện tâm thần. Các đoạn trích dẫn là từ cuộc phỏng vấn “nhà quy hoạch-kiến trúc” chịu trách nhiệm lập một báo cáo bằng văn bản trên cơ sở tham vấn giữa “các bên liên quan” trong dự án, từ cuộc họp của “các bên liên quan” và từ báo cáo. Về cơ bản điều đang diễn ra là các bên liên quan đang lựa chọn trong số các cách thức có thể để thực hiện dự án và tìm ra các lý lẽ thuyết phục cho sự lựa chọn của họ để đưa vào báo cáo. Cuộc họp các bên liên quan và báo cáo bằng văn bản là các yếu tố của chuỗi thể loại trong trường hợp này.

Phân tích của Iedema cho thấy hai điều: Thứ nhất, ngôn ngữ của cuộc họp các bên liên quan được “dịch” thành ngôn ngữ của báo cáo theo những cách khá hệ thống - một bản dịch phản ánh sự khác biệt về thể loại. Thứ hai, tuy nhiên, bản dịch này được dự đoán trong chính cuộc họp - những đóng góp khác nhau ở các giai đoạn khác nhau (được trình bày trong phần trích dẫn) bắt đầu quá trình dịch, đưa chúng ta đến với ngôn ngữ của báo cáo. Những người tham gia cuộc họp xây dựng logic hình thức, được lập luận chặt chẽ của báo cáo - một đặc điểm của thể loại báo cáo chính thức.

Trong Trích dẫn 1 từ cuộc họp, chúng ta thấy đặc điểm ra quyết định không chính thức của các cuộc họp như vậy là người quản lý dự án đưa ra các lập luận ủng hộ phương án được ưa chuộng. Trong Trích dẫn 2, nhà quy hoạch-kiến ​​trúc bắt đầu xây dựng logic của báo cáo, mặc dù vẫn theo cách trò chuyện và cá nhân, giải thích lý do của các bên liên quan để ủng hộ phương án được ưa thích (ví dụ: “Tôi nghĩ chúng tôi rất vui vì đó là lý do tại sao giải pháp mới đưa ra đã bị chao đảo”). Trích dẫn 3 thực hiện một bước tiến quan trọng hơn nữa đối với báo cáo bằng cách chuyển đổi các lập luận biện hộ cho phương án ưa thích thành bài ngôn ngữ báo cáo (ví dụ: “những gì ông đang nói là phương án D được ưu tiên hơn vì nó nhỏ gọn nhất ...”). Xem chương 3 về ngôn ngữ báo cáo. Cuối cùng, đoạn trích từ chính ​​bản báo cáo cho thấy một logic phi cá tính trong đó các khớp nối logic (ví dụ: “Điều đó có nghĩa là”, “Cái giải pháp”, “Bằng cách này”) được làm nổi bật bằng cách được định vị ngay từ đầu trong các câu và mệnh đề (“được chuyên đề hóa” bằng một thuật ngữ mà tôi sẽ giới thiệu sau). Những nhận xét này về logic của lập luận minh họa cho các cách thức di chuyển cùng với một chuỗi thể loại kéo theo biến đổi ngôn ngữ bằng những cách cụ thể.

Chúng ta cũng có thể xem Ví dụ 1 như một phần của chuỗi thể loại. Nó là một đoạn trích từ một cuộc phỏng vấn dân tộc chí giữa một nhà nghiên cứu học thuật và một nhà quản lý doanh nghiệp. Ví dụ được lấy từ một cuốn sách mà thể loại chính của nó là phân tích học thuật. Hơn nữa, có một Phụ lục của cuốn sách có chứa “Đề án Năng lực Quản lý” được tác giả viết cho công ty trên cơ sở nghiên cứu của ông, một thể loại giáo dục quản lý. Do đó, chúng ta có thể coi phỏng vấn dân tộc chí là một phần của chuỗi các thể loại. Cụ thể hơn, nó có thể được xem như một thiết bị chung để tiếp cận ngôn ngữ quản lý thực tiễn, một phần của chuỗi các thể loại biến nó thành ngôn ngữ phân tích học thuật và chuyển thành ngôn ngữ giáo dục quản lý - một loại ngôn ngữ tham gia vào việc quản trị của các tổ chức kinh doanh. Cách mô tả này đưa ra tầm quan trọng của chuỗi thể loại trong mạng thực hành xã hội (ở trường hợp này là nghiên cứu kinh doanh và học thuật) và trong hoạt động xuyên mạng thực hành xã hội khác nhau.

Thể loại và Quản trị

Các thể loại đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cấu trúc thể chế của xã hội đương đại – các quan hệ cấu trúc giữa chính quyền (địa phương), doanh nghiệp, trường đại học, giới truyền thông, v.v. Chúng ta có thể nghĩ về các thể chế như là các yếu tố liên động trong quản trị xã hội (Bjerke 2000), và các thể loại như các thể loại quản trị. Ở đây, tôi sử dụng “quản trị” theo nghĩa rất rộng cho bất kỳ hoạt động nào trong một thể chế hoặc tổ chức được chỉ đạo nhằm điều chỉnh hoặc quản lý một số (mạng lưới) thực hành xã hội khác. Thuật ngữ “quản trị” ngày càng phổ biến gắn liền với việc tìm kiếm các cách thức quản lý đời sống xã hội (thường được gọi là các “mạng lưới”, “quan hệ đối tác”, v.v.) tránh được cả những tác động hỗn loạn của thị trường và hệ thống phân cấp từ trên xuống của các quốc gia. Mặc dù, như Jessop đã chỉ ra, quản trị đương đại có thể được coi là sự kết hợp của tất cả các hình thức này - thị trường, hệ thống phân cấp, mạng lưới (Jessop 1998). Chúng ta có thể đối chiếu các thể loại quản trị với “các thể loại thực tiễn” - đại khái là các thể loại thể hiện trong việc thực hiện công việc hơn là quản lý cách thức thực hiện công việc. Nhìn bề ngoài có vẻ khá ngạc nhiên khi xem cuộc phỏng vấn dân tộc chí của Ví dụ 1 là một thể loại quản trị, nhưng trường hợp khẳng định điều này lại trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta định vị cuộc phỏng vấn dân tộc chí như trên trong một chuỗi các thể loại. Điều này cho thấy một cách tương đối cụ thể những gì thường được thảo luận trừu tượng hơn - sự tích hợp sâu rộng của nghiên cứu hàn lâm vào các mạng lưới và các quá trình quản trị.

Các thể loại quản trị được đặc trưng bởi các thuộc tính cụ thể của việc tái bối cảnh hóa – việc chiếm hữu các yếu tố của một thực tiễn xã hội này trong một thực tiễn xã hội khác, đặt thực tiễn xã hội này trong bối cảnh của thực tiễn xã hội sau, và biến đổi nó theo những cách cụ thể trong quá trình ấy (Bernstein 1990, Chouliaraki và Fairclough 1999). “Tái bối cảnh hóa” là một khái niệm được phát triển trong xã hội học giáo dục (Bernstein 1990), có thể được vận hành một cách hiệu quả, được đưa vào hoạt động, trong diễn ngôn và phân tích văn bản. Trong trường hợp của Ví dụ 1, các thực hành (và ngôn ngữ) quản lý được tái bối cảnh hóa (và do đó được chuyển đổi) trong các thực hành học thuật (và ngôn ngữ), đến lượt nó được tái bối cảnh hóa trong tổ chức kinh doanh dưới hình thức giáo dục quản lý. Ví dụ, kết luận về lập luận của nhà quản lý trong cuộc phỏng vấn (“bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải giữ niềm tin với tất cả những người mà nó giao dịch nếu nó sẽ xứng đáng tồn tại”) được tái bối cảnh hóa trong phân tích học thuật như một bằng chứng cho thấy các nhà quản lý đánh giá cao nhu cầu về “lòng tin và tính có đi có lại”, mà người ta gợi ý rằng nó có thể được thừa nhận trong “một hình thức thực hành trong đó có sự thừa nhận lẫn nhau giữa người này và người khác với tư cách là các chủ thể tương thuộc”. Một hướng dẫn trong Đề án Năng lực Quản lý được thừa nhận như sau: “Người quản lý giỏi nhạy cảm với các thái độ và cảm xúc của tất cả những người mà họ làm việc cùng; họ đối xử với những người khác và các ý tưởng của họ một cách tôn trọng; họ cẩn thận lắng nghe ý kiến ​​và quan điểm của người khác, nỗ lực làm việc để thu hút những đóng góp tích cực từ những con người kia”. Tất nhiên, hướng dẫn này có lẽ dựa trên những gì nhiều nhà quản lý đã nói, chứ không chỉ là đoạn trích này. Nhưng chúng ta có thể trình bày điều này như một phong trào chiếm hữu, chuyển đổi và thực dân hóa - một thuật ngữ tập trung vào các mối quan hệ xã hội của quyền lực trong quản trị mà những cách thức tái bối cảnh hóa này là một phần.

Các thể loại quản trị bao gồm các thể loại quảng cáo, các thể loại có mục đích “bán” hàng hóa, các thương hiệu, các tổ chức hoặc các cá nhân. Một khía cạnh của chủ nghĩa tư bản mới là sự gia tăng mạnh mẽ của các thể loại quảng cáo (xem Wernick 1991), tạo nên một phần của quá trình thực dân hóa các lĩnh vực mới của đời sống xã hội bởi thị trường. Ví dụ 2 minh họa rõ điều này: trong chủ nghĩa tư bản mới, các thị trấn và thành phố riêng lẻ cần phải tự quảng bá để thu hút đầu tư (xem phần “Pha trộn thể loại” bên dưới để thảo luận về ví dụ này).

Một điểm khác cần lưu ý về Ví dụ 1 là sự chuyển dịch từ cuộc nói chuyện của người quản lý trong cuộc phỏng vấn dân tộc chí sang một “Đề án Năng lực Quản lý” là một bước chuyển từ cái địa phương đến cái toàn cầu. Chúng ta có thể xem cái gọi “toàn cầu hóa” thực chất là một vấn đề của những thay đổi trong các mối quan hệ giữa các quy mô khác nhau của đời sống xã hội và tổ chức xã hội (Jessop 2000). Vì vậy, đây là một động thái về “quy mô”, theo nghĩa việc nghiên cứu trong một tổ chức kinh doanh cụ thể dẫn đến các quy tắc (ví dụ: “Các nhà quản lý giỏi tìm kiếm và tạo cơ hội, bắt đầu hành động và muốn “dẫn dắt cuộc chơi”) có thể áp dụng cho bất kỳ tổ chức kinh doanh nào ở bất kỳ đâu trên thế giới. Và thực sự các nguồn lực cho giáo dục quản lý do các học giả tạo ra có lưu hành quốc tế. Các thể loại quản trị nói chung có thuộc tính liên kết các quy mô khác nhau này - kết nối cái địa phương và cụ thể với cái quốc gia / khu vực / toàn cầu và nói chung. Cái mà điều này chỉ ra chính là các thể loại rất quan trọng trong việc duy trì không chỉ các mối quan hệ cấu trúc giữa, chẳng hạn, học viện và doanh nghiệp, mà còn cả các mối quan hệ vô hướng giữa cái địa phương, quốc gia, khu vực (ví dụ: Liên minh châu Âu) và cái “toàn cầu”. Vì vậy, những thay đổi trong các thể loại là thích hợp đối với cả việc tái cấu trúc và tái quy mô hóa đời sống xã hội trong chủ nghĩa tư bản mới.

Ví dụ 3 là một minh họa khác: cuộc họp của các bên liên quan là một sự kiện địa phương, tuy nhiên một tác động của việc tái bối cảnh hóa điều đó vào báo cáo là sự thay đổi hướng tới quy mô toàn cầu - những báo cáo như vậy lọc ra những gì cụ thể đối với các sự kiện và tình huống địa phương trong quá trình chuyển sang một logic phi cá nhân có thể dung nạp vô tận các sự kiện và trường hợp địa phương cụ thể. Các báo cáo kiểu này có thể lưu hành trên toàn quốc, toàn bộ khu vực (ví dụ: trong EU) cũng như toàn cầu, và theo cách đó, nó liên kết các quy mô địa phương và toàn cầu. Một phần của hiệu ứng “lọc” khi chúng ta di chuyển theo chuỗi thể loại là dựa vào các diễn ngôn: các diễn ngôn được rút ra từ một thể loại (ví dụ: hội họp) có thể được “lọc ra” trong quá trình chuyển sang thể loại khác (ví dụ: báo cáo), sao cho chuỗi thể loại hoạt động như một thiết bị điều chỉnh để lựa chọn và ban đặc quyền cho một số diễn ngôn và loại trừ những diễn ngôn khác.

Nhiều hành động và tương tác trong các xã hội hiện đại được “dàn xếp”, như tôi đã chỉ ra ở trên. (Liên)hành động dàn xếp là “hành động ở khoảng cách xa”, hành động liên quan đến những người tham gia ở cách xa nhau về không gian và / hoặc thời gian, phụ thuộc vào một số công nghệ truyền thông (in ấn, truyền hình, Internet, v.v.). Các thể loại quản trị về cơ bản là các thể loại dàn xếp chuyên dùng cho “hành động ở khoảng cách xa” - cả hai ví dụ trên đều liên quan đến việc dàn xếp thông qua in ấn, sách học thuật và báo cáo bằng văn bản. Người ta có thể cho rằng những gì thường được gọi là “phương tiện truyền thông đại chúng” là một bộ phận của bộ máy quản trị - một thể loại truyền thông như tin tức truyền hình được tái bối cảnh hóa và biến đổi các thực tiễn xã hội khác, chẳng hạn như chính trị và chính phủ, và đến lượt nó được tái bối cảnh hóa trong các văn bản và những tương tác của các thực hành khác nhau, gồm có, quan trọng là cuộc sống hàng ngày, nơi nó góp phần định hình những cách thức sống và những ý nghĩa mà chúng ta mang lại cho cuộc sống của mình (Silverstone 1999).

___________________________________________

Còn nữa…

Nguồn: Fairclough, Norman (2003). Analysing Discourse - Textual analysis for social research. First published 2003 by Routledge.

Tác giả: Norman Fairclough (1941 - ) là Giáo sư danh dự về Ngôn ngữ học tại Khoa Ngôn ngữ học và Ngôn ngữ Anh tại Đại học Lancaster. Ông là một trong những người sáng lập ra phân tích diễn ngôn phê bình (CDA) được áp dụng cho xã hội học. CDA quan tâm đến cách thức thực hiện quyền lực thông qua ngôn ngữ. CDA nghiên cứu diễn ngôn; trong CDA, điều này bao gồm văn bản, bài nói chuyện, video và thực hành. Dòng nghiên cứu của Fairclough, còn được gọi là phân tích diễn ngôn theo định hướng văn bản hoặc TODA, để phân biệt với các câu hỏi triết học không liên quan đến việc sử dụng phương pháp ngôn ngữ, đặc biệt quan tâm đến các tác động lẫn nhau của các thuộc tính văn bản ngôn ngữ chính thức, các thể loại lời nói mang tính xã hội học và các thực hành xã hội học chính thức. Động lực chính trong phân tích của ông là, nếu - theo lý thuyết Foucauldian - các thực hành được định hình và trình bày một cách rõ ràng, thì các thuộc tính nội tại của diễn ngôn, có thể phân tích được về mặt ngôn ngữ, sẽ tạo thành một yếu tố chính trong việc giải thích chúng. Do đó, ông quan tâm đến cách thức các tập quán xã hội được định hình một cách rõ ràng, cũng như những tác động cụ thể sau đó của chúng. Ngôn ngữ và Quyền lực (1989) đã khám phá sự tương đồng giữa ngôn ngữ và các thực hành thể chế xã hội cũng như các cấu trúc chính trị và xã hội rộng hơn. Trong cuốn sách, Fairclough đã phát triển khái niệm cá nhân hóa tổng hợp để giải thích các hiệu ứng ngôn ngữ làm xuất hiện mối quan tâm và tiếp xúc trực tiếp với người nghe trong các hiện tượng diễn ngôn được tạo ra hàng loạt, chẳng hạn như quảng cáo, tiếp thị và diễn ngôn chính trị hoặc truyền thông. Đây được coi là một phần của quá trình công nghệ hóa diễn ngôn quy mô lớn hơn, trong đó thu hút những phát triển kỹ thuật ngày càng tinh vi trong lĩnh vực truyền thông nhằm mục đích mang lại các trường ký hiệu thực hành được quy định một cách khoa học mà trước đây được coi là siêu phân đoạn, chẳng hạn như các mẫu ngữ điệu, bố cục đồ họa của văn bản trên trang hoặc dữ liệu đại diện. Các lý thuyết của Fairclough chịu ảnh hưởng của Mikhail Bakhtin và Michael Halliday trong ngôn ngữ học và của các nhà lý thuyết hệ tư tưởng như Antonio Gramsci, Louis Althusser, Michel Foucault, và Pierre Bourdieu trong xã hội học.

Tài liệu dẫn

Althusser, L. and Balibar, E. (1970) Reading Capital, London: New Left Books.

Archer, M. (1995) Realist Social Theory: the Morphogenetic Approach, Cambridge: Cambridge

University Press.

Archer, M. (2000) Being Human: the Problem of Agency, Cambridge: Cambridge University Press.

Bernstein, B. (1990) The Structuring of Pedagogic Discourse, London: Routledge.

Bjerke, F. (2000) Discursive Governance Structures, Working Paper, Institute of Social Sciences

and Business Economics, Roskilde University, Denmark.

Bourdieu, P. and Wacquant, L. (1992). An Invitation to Reflexive Sociology, Cambridge: Polity Press.

Chouliaraki, L. and Fairclough, N. (1999). Discourse in Late Modernity, Edinburgh: Edinburgh University Press.

Fairclough, N. (1992). Discourse and Social Change, Cambridge: Polity Press.

Fairclough, N. (1993). Critical discourse analysis and the marketisation of public discourse: the universities, In Discourse and Society 4: 133–68.

Fairclough, N. (2000b). New Labour, New Language?, London: Routledge.

Fairclough, N. (2001a). The dialectics of discourse, In Textus 14: 231–42.

Fairclough, N. Jessop, R. and Sayer, A. (2002). Critical realism and Semiosis, In Journal of Critical Realism 5(1): 2–10.

Fiske, J. (1987). Television Culture, London: Routledge.

Foucault, M. ( 1972). The Archaeology of Knowledge, New York: Pantheon.

Foucault, M. (1994). What is enlightenment?, in P. Rabinow (ed.) Michel Foucault: Essential Works vol 1 (Ethics) Harmondsworth: Penguin, pages 303–19.

Giddens, A. (1991). Modernity and Self Identity, Cambridge: Polity Press.

Halliday, M. (1978). The sociosemantic nature of discourse, in Language as Social Semiotic, London: Edward Arnold.

Halliday, M. (1994). An Introduction to Functional Grammar, 2nd edition, London: Edward Arnold.

Harvey, D. (1990). The Condition of Postmodernity, Oxford: Blackwell.

Harvey, D. (1996a). Justice, Nature and the Geography of Difference, Oxford: Blackwell.

Iedema, R. (1999). Formalising organisational meaning, In Discourse and Society 10(1): 49–65.

Jameson, F. (1991). Postmodernism, Or, The Cultural Logic of Late Capitalism, London: Verso.

Jessop, B. (1998). The rise of governance and the risks of failure: the case of economic development, In International Social Science Journal 155: 29–45.

Jessop B. (2000). The crisis of the national spatio-temporal fix and the ecological dominance of globalising capitalism, In International Journal of Urban and Regional Research 24(2): 323–60.

Luhmann, N. (2000). The Reality of the Mass Media, Cambridge: Polity Press.

Merleau-Ponty, M. (1964). Signs, Evanston, Ill.: Northwestern University Press.

Sayer, A. (2000). Realism and Social Science, London: Sage.

Silverstone, R. (1999). Why Study the Media? London: Sage.

Wernick, A. (1991). Promotional Culture, London: Sage.

 

 


 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét