Powered By Blogger

Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

Văn bản, Diễn ngôn, Khái niệm: Tiếp cận Phân tích Văn bản

Jan Ifversen

Người dịch: Hà Hữu Nga

Được đào tạo để trở thành một nhà sử học, tôi không được dạy xử lý và phân tích văn bản1, mà chỉ được dạy để xử lý và phân tích các tài liệu cũng như phê bình nguồn sử liệu. Mặc dù các nhà sử học đưa tài liệu vào bối cảnh giao tiếp, nhưng chúng chủ yếu được coi là những tượng đài của tiếng nói trong quá khứ. Việc phê bình nguồn không thực sự quan tâm đến việc xác lập các phương thức tạo ý nghĩa của văn bản, mà là trả lời các câu hỏi về việc ai đã nói gì và tại sao. Trong những năm sau đó, tôi đã quan tâm đến việc kết hợp những lợi thế của phê bình nguồn với phân tích văn bản.2 Phê bình nguồn hoạt động dựa trên tiền đề cho rằng tài liệu của nhà sử học đòi hỏi một loại tính xác thực: các văn bản phải làm chứng cho các sự kiện trong quá khứ; chúng phải có sự khẳng định về lời chứng. Paul Ricœur đã đưa ra một công thức đáng chú ý về mối quan hệ giữa lời chứng và việc trình bày: “Tôi đã ở đây.” Khẳng định này là lời chứng của ký ức được truyền lại. Đó là lời được nói công khai với kẻ khác, những kẻ chứng nhận lời chứng và trong một số trường hợp, nó được viết ra.3

Nhiệm vụ của các nhà phê bình nguồn là xác lập tuyên bố này. Mặt khác, phân tích văn bản có liên quan đến các hình thái ngôn ngữ học của các cách trình bày trong quá khứ. Nó phải nắm bắt được chuỗi trình bày liên kết ký ức với lời chứng và lời chứng với văn bản. Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày một số cách tiếp cận để phân tích văn bản các tài liệu lịch sử. Tôi sẽ động chạm đến các khía cạnh trong phân tích văn bản đặc biệt gắn công trình với tư liệu lịch sử. Nhưng ở đây tôi sẽ không đưa ra câu hỏi rất thú vị về mối quan hệ giữa phân tích tài liệu - tức là xác nhận tính xác thực - và phân tích văn bản. Phù hợp với chủ đề “Lý thuyết và Thực hành Diễn ngôn”, mục tiêu của tôi chỉ giới hạn vào việc trình bày các cách tiếp cận phân tích văn bản lấy cảm hứng từ phân tích diễn ngôn. Ngoài ra, tôi cũng sẽ nêu bật một số vấn đề liên quan đến cách thức tiến hành công việc trong một chân trời văn bản.

Đơn giản là Kiến tạo luận

Mặc dù không phải là một xu hướng thống trị trong ngành lịch sử, nhưng việc thảo luận về tính văn bản đã diễn ra trong một vài năm nay. Louis Montrose, một trong những nhân vật hàng đầu của cái được gọi là chủ nghĩa lịch sử mới4, đã đưa ra khẩu hiệu mà chúng ta cần xem xét “tính văn bản của lịch sử và sử tính của văn bản”.5 Rõ ràng, khẩu hiệu này để lại hàng loạt câu hỏi chưa được giải đáp: Bằng văn bản có nghĩa là gì? Lịch sử tự thể hiện trong các văn bản như thế nào? Mối quan hệ giữa hai phần của sự giao thoa đó là gì? Không chỉ là một lý thuyết cụ thể hoặc hệ mẫu, khẩu hiệu đó chỉ ra một không gian nhất định để thảo luận, điều này đặt ra các câu hỏi mới cho các nhà sử học về vai trò cụ thể của văn bản.

Thừa nhận vai trò của tính văn bản có nghĩa là chấp nhận một tiền đề kiến ​​tạo luận cơ bản. Tiền đề như vậy có thể được hiểu theo nghĩa rộng. Đây là một công thức của Heidegger: “Chỉ những gì đã được hình thành mới có thể được nhìn thấy; nhưng cái đã được hình thành là cái đã được phát minh ra”.6 Phải thừa nhận rằng, trong đoạn trích dẫn này Heidegger nói về các khái niệm, chứ không phải ngôn ngữ theo đúng nghĩa. Nhưng quan điểm chính của tôi chỉ là nhấn mạnh rằng, đối với Heidegger, mối quan hệ giữa cảm giác và sự hình thành khái niệm là dựa trên “phát minh”. Theo một cách nhìn Kantian hơn, Ernst Cassirer, đối thủ của Heidegger trong các cuộc tranh luận triết học sôi nổi ở Weimar Đức, đã đưa ra một gợi ý thậm chí triệt để hơn đối với kiến ​​tạo luận: “Bất cứ cái gì đã được cố định bởi một cái tên, thì từ đó trở đi nó không chỉ là thực, mà còn là Thực tại.”7 Trước khi coi những tuyên bố này là biểu hiện của những khẳng định hữu thể luận triệt để về mọi thứ được hình thành bởi ngôn ngữ, thì chúng ta phải nhớ rằng kinh nghiệm (đối với Heidegger) và ý thức (đối với Cassirer) đóng một vai trò quan trọng. Rõ ràng, tiền đề kiến ​​tạo luận chứa đựng những khẳng định hữu thể luận về mối quan hệ giữa ngôn ngữ (hoặc cách thể hiện hay khái niệm hóa) và thực tại. Nhưng tôi không có ý định tham gia vào một cuộc thảo luận hữu thể luận. Đối với tôi như vậy là đủ để nhấn mạnh vai trò chắc chắn của ngôn ngữ đối với việc hình thành thực tại của con người. Cách tiếp cận kiến ​​tạo luận của riêng tôi là thông qua tác phẩm kinh điển hiện nay của Berger & Luckmann The Social Construction of RealityKiến tạo Thực tại Xã hội từ năm 1966. Tôi không gặp khó khăn nghiêm trọng khi chấp nhận những khẳng định như sau: Các ​​khách thể hóa thông thường của cuộc sống hàng ngày được duy trì chủ yếu bằng ý nghĩa ngôn ngữ học. Cuộc sống hàng ngày, trên hết, là cuộc sống với và bằng phương tiện ngôn ngữ mà tôi chia sẻ với các người đồng nghiệp của mình.8

Nhưng khía cạnh thấy thú vị nhất trong các công trình của họ là họ tập trung vào đặc trưng xã hội của ngôn ngữ. Do đó, ngôn ngữ hay nói một cách rộng rãi hơn, sự đại diện được coi như một phần vốn có của cái xã hội, không phải là một thứ tách biệt hoặc ngoại tại đối với xã hội. Ở đây không cần đề cập đến một thứ ý thức vận hành đằng sau ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một yếu tố của các vận hành xã hội - được thừa nhận là vô thức làm cho xã hội xuất hiện như một thực tại bên ngoài. Do đó, tôi có thể tán thành một khẩu hiệu khác của họ: “Xã hội là sản phẩm của con người. Xã hội là một thực tại khách quan. Con người là một sản phẩm xã hội”.9

Câu hỏi

Tuy nhiên, tiền đề kiến ​​tạo luận rộng lớn này cần được sàng lọc. Tuyên bố rằng “các khách quan hóa” là sản phẩm của ý nghĩa ngôn ngữ học không nói lên nhiều điều về cách thức vận hành của ngôn ngữ. Đó là lý do tại sao chúng ta phải kết hợp tiền đề kiến ​​tạo luận với một lý thuyết về ngôn ngữ. Lý thuyết diễn ngôn là một trong những lý thuyết như vậy. Tuy nhiên, dường như những người thảo luận về lý thuyết diễn ngôn có xu hướng ưu tiên những tuyên bố kiến ​​tạo luận lớn và tập dượt những cuộc tranh cãi hữu thể luận khổng lồ, đối đầu với hiện thực luận và duy danh luận về câu hỏi mối quan hệ giữa ngôn ngữ và thực tại. Không phải là tôi thấy những cuộc tranh luận này không thú vị - chúng ta cần phải đồng ý với kiến tạo luận và duy danh luận của chúng ta - nhưng tôi cũng nghĩ rằng cần phải chấp nhận những thách thức có bản chất phương pháp luận hơn và thảo luận về những cách thức tiếp cận văn bản từ quan điểm ngôn ngữ học. Những câu hỏi sau đây xuất hiện khi tôi dấn thân vào phân tích văn bản:

1) Kiến ​​tạo luận của chúng ta liên quan như thế nào với ngôn ngữ? Chúng ta tán thành loại lý thuyết ngôn ngữ nào?

2) Chúng ta muốn nói gì về một văn bản? Làm thế nào để chúng ta giải thích văn bản như một thể thống nhất có ý nghĩa?

3) Chúng ta muốn làm việc ở cấp độ ngôn ngữ nào? Cấp độ văn bản hay siêu văn bản?

4) Làm thế nào để chúng ta mô tả được các đơn vị siêu văn bản? (các diễn ngôn, các trường ngữ nghĩa, các hệ tư tưởng)

5) Chúng ta hiểu mối quan hệ giữa văn bản và bối cảnh như thế nào? Các thực hành ngôn ngữ ảnh hưởng đến thực tiễn xã hội như thế nào? Làm thế nào để bối cảnh xác định những gì có thể được nói?

Chúng ta muốn nói gì bằng văn bản?

Đây là một số câu hỏi tôi sẽ cố gắng trả lời trong phần sau. Tôi sẽ bỏ qua câu hỏi đầu tiên trong lúc này và sẽ quay lại với câu hỏi đó khi tôi giới thiệu các phương pháp tiếp cận ngôn ngữ khác nhau mà tôi làm việc. Câu hỏi thứ hai tôi sẽ chỉ đề cập ngắn gọn. Ở cấp độ ngữ nghĩa, một văn bản có thể được cho là tạo thành một sự thống nhất nhất định về ý nghĩa, bao gồm các chuỗi câu (các thể thống nhất khác là các hình vị, các từ vị, các ngữ đoạn và các câu). Nhà ngôn ngữ học M.A.K. Halliday đã định nghĩa “văn bản” là một đơn vị ngữ nghĩa chứa các thành phần văn bản cụ thể, làm cho nó “cố kết nội tại” và vận hành “như một tổng thể với tư cách là môi trường liên quan cho hoạt động của chủ đề và hệ thống thông tin”.10 Trong cách tiếp cận chức năng của Halliday đối với ngữ nghĩa, thành phần văn bản xác định các kênh và các phương thức mà thông điệp (hoặc chủ đề) được truyền qua đó. Nói cách khác, có thể thấy rằng thành phần văn bản (của văn bản) là cái cho chúng ta biết về loại văn bản mà chúng ta gặp phải. Tôi không định nói nhiều về việc miêu tả ý nghĩa nội tại của một văn bản. Hình thức vật chất của văn bản rất quan trọng đối với việc thể hiện sự cố kết. Ví dụ, hình thức vật chất của cuốn sách, bức thư hay bài báo cho biết rằng chúng ta có một sự thống nhất về mặt văn bản. Khi nói đến hình thức ký hiệu, chúng ta sẽ phải chứng minh cách thức mà một văn bản tạo thành một trật tự độc lập, có ý nghĩa.

Có thể sử dụng các thuật ngữ mô tả khác nhau, tùy thuộc vào loại phân tích được tiến hành. Trong phân tích ngữ nghĩa, việc mô tả các mối quan hệ bên trong giữa các phân đoạn nghĩa khác nhau (các từ vị, các từ), ví dụ như mối quan hệ ngữ đoạn và hệ mẫu là quan trọng. Nói một cách đại khái, các quan hệ ngữ đoạn liên quan đến các thực thể ngôn ngữ về mặt cú pháp cũng như ngữ nghĩa (quan hệ “chiều ngang”), trong khi quan hệ hệ mẫu chỉ định những thực thể chỉ có liên quan về mặt ngữ nghĩa (quan hệ “chiều dọc”). Mối quan hệ chiều dọc liên quan đến sự tồn tại của từ đồng nghĩa, trái nghĩa, từ đồng âm (cùng âm / biểu đạt, nhưng ý nghĩa khác nhau) v.v ... Mặt khác, trong phân tích tự sự, trọng tâm là mối quan hệ giữa các vai trò khác nhau (“hành tố” actant - một thuật ngữ được sử dụng để biểu thị một thực thể dù là con người hay không phải là con người làm biến đổi các hành động của một thực thể khác, ví dụ: đổ giấm vào bột nở - HHN) trong việc làm cho một cái gì đó xảy ra trong văn bản (“cốt truyện”). Tất nhiên, phân tích tự sự không loại trừ một cách tiếp cận ngữ nghĩa. Do đó, có thể quan tâm đến việc xem xét các giới hạn (terms) khác nhau gắn liền với các actants hành tố khác nhau. Một loại phân tích khác, đã trở nên khá ảnh hưởng gần đây, là phân tích tu từ hoặc văn phong, trong đó trọng tâm là các hình thái (mỹ từ pháp) và các hình thức lập luận trong văn bản nhằm tạo ra một ngôn ngữ hiệu quả và đẹp đẽ.

Cần thao tác ở cấp độ ngôn ngữ nào?

Tôi quan tâm mô tả việc tạo ra ý nghĩa trong các văn bản riêng lẻ. Nhưng, tôi không phân tích các văn bản riêng lẻ. Tôi quan tâm đến cách thức mà các đối tượng, các chủ đề và các khái niệm cụ thể được tạo ra và tái tạo trong một lĩnh vực làm thành từ một số văn bản. Do đó, tôi cần phải tìm hiểu trước làm thế nào chúng ta có thể xác định một cấp độ cao hơn văn bản riêng lẻ, tức là cấp độ siêu văn bản; và thứ hai, làm thế nào chúng ta có thể phân tích mối quan hệ giữa các văn bản riêng lẻ. Liên quan đến điều đầu tiên, chúng ta phải chọn một thuật ngữ cho cấp độ cao hơn văn bản - cho dù là thể loại, diễn ngôn, trường ngữ nghĩa hay hệ tư tưởng - và hơn nữa, chúng ta cần một cách mô tả những đơn vị có ý nghĩa ở cấp độ này. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ phải quyết định cách thức mà các đơn vị này được thể hiện trong các văn bản đơn lẻ. Lấy một ví dụ: làm thế nào để một văn bản truyền tải cảm giác rằng nó thuộc thể loại truyện trinh thám? Những đặc điểm ngữ nghĩa và suy lý nào xác định tư cách thành viên của thể loại này? Do đó, việc giới thiệu một cấp độ cao hơn bao gồm một quan điểm kép: từ văn bản đến cấp độ cao hơn, ví dụ như diễn ngôn, và từ diễn ngôn đến văn bản.

Quan điểm kép này giả định rằng cấp độ văn bản và cấp độ siêu-văn bản có thể được phân định với nhau. Trong ký hiệu học Pháp đã có xu hướng mở rộng khái niệm văn bản lên một cấp độ cao hơn để chỉ ra đặc tính chưa hoàn thiện và không ổn định của ngôn ngữ theo nghĩa đen.11 Khái niệm văn bản mở rộng này đã phục vụ cho việc tập trung vào công việc của ngôn ngữ trong phân tích văn bản, nhưng theo quan điểm của tôi, việc giải cấu trúc các giới hạn văn bản khó có thể dung hòa với một ý niệm nguồn bị ràng buộc vào một hình thức vật chất nhất định. Mối liên hệ giữa các văn bản thường được coi là tính liên-văn bản, theo đó chúng ta hiểu các cách thức mà một văn bản cụ thể biểu lộ dấu vết của các văn bản khác. Nhưng tính liên- văn bản cũng là một phần của cấp độ siêu văn bản. Do đó, các thể loại hoặc diễn ngôn bao gồm các văn bản cụ thể và cách trích dẫn chúng. Kinh thánh là một yếu tố quan trọng của một diễn ngôn Cơ đốc. Việc trích dẫn kinh thánh sẽ là một đặc điểm quan trọng của diễn ngôn này. Tôi sẽ trở lại vai trò của cấp độ siêu-văn bản trong giây lát. Nhưng trước tiên tôi muốn xem xét một cấp độ phi-văn bản khác mà chúng ta thường gọi là ngữ cảnh. Chúng ta hiểu mối quan hệ giữa văn bản và ngữ cảnh như thế nào?

Tôi đã cho rằng một phần của cấp độ siêu-văn bản có thể được coi là ngữ cảnh. Phần này thường được gọi là đồng-văn bản, thuật ngữ ngữ cảnh được dành riêng cho tình huống ngoài-ngôn ngữ. Câu hỏi về ngữ cảnh có thể được tiếp cận theo nhiều cách. Chúng ta cần xem xét cách mô tả mối quan hệ giữa văn bản và ngữ cảnh theo quan điểm văn bản cũng như từ quan điểm ngữ cảnh. Chúng ta phải quyết định như nhau về phạm vi của ngữ cảnh. Có phải chúng ta đang tập trung vào tình huống giao tiếp trực tiếp không? Hay chúng ta quan tâm đến các khuôn khổ thể chế lớn hơn hoặc thậm chí các cấu trúc xã hội?12 Ai cũng biết rằng ngôn ngữ học cấu trúc cổ điển, chỉ quan tâm đến ngôn ngữ như một hệ thống tự trị của ý nghĩa. Ngôn ngữ được sử dụng – lời nói của Saussure - được dùng để chỉ lĩnh vực xã hội học và tâm lý học. Tiền đề cơ bản của ngôn ngữ học cấu trúc là sự tách biệt rõ ràng giữa cái mà một đơn vị ngôn ngưc muốn nói và cái mà nó đại diện. Theo cách nói của nhà ngôn ngữ học Stephen Ullmann: (K)hông có mối quan hệ trực tiếp giữa các từ và những sự vật mà chúng “đại diện cho”: từ tượng trưng cho một “suy nghĩ” mà đến lượt nó lại “đề cập đến” đặc điểm hoặc sự kiện chúng ta đang nói đến.13 Nhưng “không có quan hệ trực tiếp” không có nghĩa là không hề có mối quan hệ nào. Vấn đề liên quan ở đây là tính quy chiếu của ngôn ngữ. Có thể khía cạnh cơ bản nhất trong nghiên cứu ngôn ngữ là nhận biết cấu trúc ba bên của nó, như có thể minh họa bởi tam giác nổi tiếng14 của Ogden & Richard.

“Ý nghĩa” chỉ ra mối quan hệ bên trong giữa hình thức (cái biểu đạt) và hình ảnh tinh thần hoặc suy nghĩ được liên kết với một hình thức cụ thể (cái được biểu đạt của Saussure), trong khi “biểu thị” (hoặc chức năng tham chiếu) lại là quan hệ giữa từ (hoặc dấu hiệu) và một đối tượng trong thế giới, tức là chiều kích ngoài-ngôn ngữ học (có thể là đối tượng tưởng tượng chẳng hạn như một con rồng). Việc giới thiệu tam giác này có vẻ tầm thường.

Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng cái ngoài-ngôn ngữ học luôn hiện diện trong ngôn ngữ và do đó chúng ta - thông qua ngôn ngữ - có thể tiếp cận được với hiện thực. Tuy nhiên, câu hỏi về tính tham chiếu có thể tiến được một bước xa hơn. Nó không chỉ liên quan đến cách thức mà các đối tượng được biểu thị trong ngôn ngữ, mà còn là các cách thức mà cá nhân người nói hoặc tác giả quản lý sự biểu thị bằng chính nó. Trong quan điểm dụng ngữ này, trọng tâm là các dấu vết ngôn ngữ học của ngữ cảnh giao tiếp. Tất nhiên, ngôn ngữ được nói có đầy đủ các dấu vết chỉ số hoặc dấu chỉ định như vậy.

Khi tôi xưng hô với người đối thoại trong cuộc nói chuyện là “bạn”, tôi không cần phải chỉ rõ ý tôi muốn nói là ai. Cái ngữ cảnh trực tiếp trong đó lời nói của tôi được định vị đã xác định người mà tôi muốn nói là bạn. Nhưng các văn bản viết cũng hàm chứa những dấu vết mà nhà sử học sẽ sử dụng để tái tạo lại tình huống giao tiếp. Tuy nhiên, tính quy chiếu và dấu vết giao tiếp là những khái niệm thuộc về một cách tiếp cận chủ yếu quan tâm đến việc nhìn ra bên ngoài từ quan điểm của ngôn ngữ. Tôi sẽ không cố gắng đảo ngược hoàn toàn quan điểm – để làm mất giá trị tiền đề cơ bản của tôi - mà là để giới thiệu một cái nhìn nhiều sắc thái hơn về cái bên ngoài. Tính tham chiếu là một hoạt động diễn ra bên trong ngôn ngữ. Nếu chúng ta, thay vì tính tham chiếu, nghĩ về hiệu ứng, chúng ta luôn hướng tới ngữ cảnh. Thực ra, tôi nghĩ đến những hệ quả xã hội mà một phát ngôn có thể đưa lại. Hiệu ứng có thể được nghiên cứu về mặt ngôn ngữ học như trong trường hợp của cái gọi là hành vi lời nói. Trong lý thuyết hành vi lời nói, ngôn ngữ - hay chính xác hơn là khía cạnh tính thuyết phục của lời nói - được trực tiếp xem như hành động, và các giới hạn giữa hành động ngôn ngữ và các hình thức hành động khác đều được đúc kết thành một. Trong phân tích tu từ, trọng tâm là việc cố ý tạo ra các hiệu ứng đối với khán giả. Một cách khác mở đường cho một cái nhìn mang tính ngữ cảnh hơn về văn bản là để ý nghĩa của nó phụ thuộc vào một hành động diễn giải. Fairclough đã đề xuất phân tích ý nghĩa của một văn bản là kết quả của việc diễn giải các tín hiệu văn bản - cái mà những người khác gọi là “suy luận thỉnh cầu” - trong các ngữ cảnh tình huống và thể chế cụ thể.15

Ngữ cảnh ở đây là hành động của người nhận (và ngữ cảnh của họ ). Có lẽ chúng ta thậm chí có thể xem xét ngữ cảnh xa hơn một chút bằng cách nói rằng văn bản phản hồi với những thách thức từ các sự kiện hoặc tình huống cụ thể. Phản hồi không được hiểu là phản ánh các thực hành bên ngoài, mà là - trích lời Stephen Greenblatt - vì nó “thể hiện điều gì đó đáng chú ý phải được trình bày”.16 Chúng ta cũng có thể định nghĩa thách thức là một loại vấn đề đặt ra các câu hỏi cần được trả lời. Greenblatt liên hệ các văn bản với bối cảnh lịch sử. Ông coi một văn bản nhất định là kết quả của sự tác động lẫn nhau giữa ba yếu tố khác nhau: ý định, thể loại (thuật ngữ cho cấp độ siêu-văn bản của ông) và hoàn cảnh lịch sử. Mối quan hệ giữa ba yếu tố này được mô tả theo cách sau: Cả ý định và thể loại đều không thể quy giản thành [hoàn cảnh] lịch sử: một thể loại nhất định (...) có thể gặp khó khăn lớn trong việc đáp ứng một đối tượng đại diện cụ thể, và ý định nghệ thuật có một kho vũ khí chiến lược (...) được thiết kế để phân biệt nó với thế giới xung quanh.17 Hoàn cảnh lịch sử là cái mà bối cảnh quá khứ từ đó nảy sinh đủ loại sự cố do vô số tương tác tạo ra. Sự cố chỉ trở thành đối tượng được trình bày - có lẽ chúng ta có thể nói về các sự kiện - bằng cách được trình bày trong các văn bản. Có thể Ricoeur sẽ nói rằng chỉ có một số sự cố sẽ được làm chứng. Không phải tất cả các sự cố sẽ được trình bày ở mọi nơi và theo cùng một cách. Có sự lựa chọn về thể loại, và có thể cả về chiến lược nghệ thuật. Sau đó chúng ta sẽ phải đi đến nhất trí với ý định. Đến giờ, đủ để chỉ ra mối quan hệ tam giác giữa văn bản, siêu văn bản và ngữ cảnh.

Vấn đề chỉ là ba yếu tố phải được xem như các nhân tố độc lập, và văn bản cũng phải “lựa chọn” về diễn ngôn và ngữ cảnh. Nếu không thừa nhận lựa chọn này, chúng ta sẽ kết thúc bằng một ngữ cảnh luận thuần túy; có nghĩa là khẳng định về mối liên kết nhân quả đi từ ngữ cảnh đến văn bản. Do đó, văn bản sẽ được quy giản thành các sản phẩm đơn thuần của ngữ cảnh. Mặt khác, nếu loại bỏ bất kỳ quan điểm ngữ cảnh nào, thì chúng ta cũng sẽ kết thúc bằng một tuyệt đối luận văn bản, trong đó tham chiếu sẽ mang tính võ đoán và truyền đạt một cái gì đó bên ngoài văn bản. Chúng ta quan tâm đến những chiều kích nào của ngôn ngữ? Đã đến lúc đề cập đến một điều gì đó về các cách tiếp cận văn bản khác nhau với mối quan hệ tam giác giữa văn bản, siêu văn bản và ngữ cảnh. Các cách tiếp cận như vậy có thể rất khác nhau. Chúng có thể khác nhau về cách thức tạo thành khẳng định kiến ​​tạo luận của mình. Begriffsgeschichte hay lịch sử khái niệm - mà tôi sẽ quay lại trong giây lát - công nhận rằng “(kh)ông có các khái niệm chung thì không có xã hội, và trên hết, không có lĩnh vực hành động chính trị”, nhưng đồng thời nó khẳng định rằng “các khái niệm của chúng ta được xác lập trong các hệ thống chính trị-xã hội phức tạp hơn nhiều so với việc coi chúng đơn giản là các cộng đồng ngôn ngữ được tổ chức xung quanh các khái niệm chủ chốt cụ thể”.18

Theo Reinhard Koselleck, việc phân tích các hệ thống này tạo thành một nhiệm vụ riêng biệt được thực hiện bởi cái mà ông gọi là Sozialgeschichte - “lịch sử xã hội”. Ở nơi mà Koselleck háo hức vạch ra giới hạn của ngôn ngữ, thì những người khác như Ernesto Laclau và Chantal Mouffe - những xướng xuất viên nổi tiếng về phân tích diễn ngôn – lại chủ trương một phiên bản kiến ​​tạo luận triệt để hơn nhiều: Cái bị phủ nhận không phải là những vật thể [động đất hoặc gạch rơi] như vậy tồn tại bên ngoài tư duy, mà lại khẳng định khá khác là chúng có thể tự cấu thành như những đối tượng bên ngoài bất kỳ điều kiện suy lý nào về sự xuất hiện.19 Các cách tiếp cận văn bản cũng có thể khác nhau tùy theo cách hiểu chung của họ về ngôn ngữ. Koselleck xử lý ngôn ngữ theo quan điểm ngữ nghĩa kinh điển trong đó “khái niệm” và “từ” chỉ định quá trình tạo nghĩa. Nhưng khi ông đưa ra thuật ngữ Grundbegriff khái niệm cơ bản và một loạt các loại khái niệm khác (các khái niệm luận chiến, các khái niệm kỳ vọng, v.v.) thì ông đã rời xa ngữ nghĩa truyền thống (và thường bị chỉ trích vì nhầm lẫn nghĩa của khái niệm). Mặt khác, phân tích diễn ngôn hoạt động bằng quan niệm rộng hơn về diễn ngôn. Mặc dù có cả một kỹ nghệ tham gia vào việc xác định khái niệm này, nhưng điều mà người ta có thể nói mà không gây xôn xao các cuộc thảo luận là “diễn ngôn” chỉ định một tổng thể tính các phát biểu được tạo thành bởi một cấu hình nhất định. Trong ngôn ngữ học truyền thống, diễn ngôn chỉ có nghĩa là ngôn ngữ được sử dụng trái ngược với hệ thống ngôn ngữ. Trong phân tích diễn ngôn, hai cấp độ khác nhau này đã bị bãi bỏ. Các diễn ngôn được xem như có đặc trưng hệ thống (chúng có trật tự nội tại) với cách thực hành riêng của chúng (chẳng hạn như Michel Foucault nói về thực hành suy lý logic). Phân tích diễn ngôn do đó không chỉ bó hẹp trong phân tích ngữ nghĩa, nó còn bao gồm các yếu tố liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ. Đương nhiên, các khái niệm và các diễn ngôn không phải là mục từ duy nhất cho văn bản và ngôn ngữ. Thay vào đó, người ta có thể chọn tập trung vào cấu trúc tự sự, cấu trúc lập luận hoặc cấu trúc mang tính hành động (hành động lời nói). Cách tiếp cận thứ hai đã có ảnh hưởng khá lớn trong những năm gần đây, chủ yếu thông qua các công trình của Quentin Skinner.20

Các cách tiếp cận văn bản cũng có thể khác nhau về phạm vi của chúng. Một số cách tiếp cận tự giới hạn ở cấp độ vi mô, tạo khả năng phân tích kỹ lưỡng văn bản đối với một số văn bản gồm cả định nghĩa hẹp về ngữ cảnh. Các phương pháp tiếp cận khác – như Begriffsgeschichte -lịch sử khái niệm và phân tích diễn ngôn - hoạt động ở cấp độ vĩ mô, nơi các khái niệm hoặc diễn ngôn được phân tích trong nhiều văn bản khác nhau và có liên quan đến bối cảnh không gian hoặc thời gian vô cùng lớn (ví dụ: thời hiện đại) hoặc không gian (ví dụ: Tây Âu, Đức). Điều này có nghĩa là phân tích được thực hiện ở cấp độ siêu-văn bản, nơi một kho ngữ liệu văn bản bao gồm nhiều văn bản được sử dụng để chứng minh các mô thức và các cấu hình khác nhau. Ở cấp độ này, việc phân tích các lựa chọn được thực hiện bởi một văn bản cụ thể trong một vũ trụ văn bản không được quan tâm. Cuối cùng, một số cách tiếp cận được định hướng theo không gian hơn, nghĩa là, tập trung hơn vào cấp độ đồng bộ; những người khác thì thiên về các vấn đề thời hóa [chen ngang: Khái niệm temporalization thời hóa là một trong những khái niệm chủ chốt trong Koselleckian Begriffsgeschichte lịch sử khái niệm của Koselleck, đề cập đến vấn đề chung về thời gian tính của con người và cụ thể hơn là vấn đề nhận thức luận của các thời gian tính lịch sử; trong các công trình của Koselleck, nó tạo thành một khung diễn giải cơ bản cho toàn bộ nền chính trị hiện đại nói chung] và thay đổi. Đầu tiên là điển hình (một số phiên bản) của phân tích diễn ngôn với trọng tâm là các phân mảnh, chuyển vị và những va chạm của các hình thức suy lý logic, ngoài ra, lập trường thực sự mang tính phê phán của nó đối với bất kỳ triết học lịch sử nào hướng tới phân tích đồng đại. Mặt khác, Begriffsgeschichte lịch sử khái niệm chủ yếu quan tâm đến sự phân tầng ý nghĩa theo thời gian, và “những căng thẳng theo thời gian” (Koselleck) liên quan đến việc sử dụng các khái niệm.

Phân tích diễn ngôn

Tôi sẽ tự giới hạn vào việc thảo luận về hai cách tiếp cận văn bản, Begriffsgeschichte lịch sử khái niệm và phân tích diễn ngôn, và cố gắng chỉ ra, theo quan điểm của tôi, những cách thức mà chúng có thể bổ sung cho nhau. Trong những năm gần đây đã có vố số kiểu phân tích diễn ngôn khác nhau. Một số phiên bản - như phiên bản được giới thiệu của Chantal & Mouffe - về bản chất rất chung chung và dường như vận hành chủ yếu với tư cách là các vũ khí tranh chấp nhận thức luận. Những người khác, theo tôi, được tinh chỉnh hơn về mặt phân tích. Sau đây, tôi sẽ giới thiệu một phiên bản lấy cảm hứng từ Michel Foucault.21 Như tôi đã đề cập, thuật ngữ diễn ngôn chỉ định các mô thức cụ thể hoặc các “quy tắc phân phối” (Foucault) trong một vũ trụ nhất định - một kho ngữ liệu - của các phát biểu. Theo Foucault, các quy tắc này có thể được phân tích bằng bốn thiết bị khác nhau. Điều quan trọng nhất là xác định cách thức mà một diễn ngôn biến một cái gì đó thành một đối tượng có thể được phân loại, giải thích, hành động, thể chế hóa, v.v. Tiền đề kiến tạo luận là rất rõ ràng: Các đối tượng không tồn tại như một cái gì đó mà các phát biểu đề cập đến. Ví dụ, tâm thần học chỉ trở thành một đối tượng trong thế kỷ 19 thông qua cái cách mà các tuyên bố khác nhau và riêng biệt trước đó lại trở nên liên quan đến nhau. Phân tích các diễn ngôn có nghĩa là chú ý đến cách thức hoạt động của các phân định ranh giới. Các diễn ngôn là các phương thức phân định ranh giới trong một trường phát biểu lớn hơn. Vì vậy, sự xuất hiện của một đối tượng chỉ ra một quá trình phân định ranh giới với các đối tượng khác. Một diễn ngôn về nhập cư - một diễn ngôn coi nhập cư và người nhập cư trở thành đối tượng - phải chứng minh rằng nhập cư khác với, chẳng hạn, đi du lịch. Nhưng các diễn ngôn không chỉ hoạt động trong một phương thức phủ định là chứng minh đối tượng không phải là một thứ gì đó. Các diễn ngôn còn phải xác định đối tượng thuộc về cái gì. Sự phân định ranh giới và đặc tả có thể được quan sát bằng các chiều kích văn bản khác nhau. Foucault đề xuất ba khía cạnh như vậy: 1) Kiến trúc khái niệm 2) Các khu vực vĩ ​​mô ngữ nghĩa 3) Vị trí. Quảng cáo (1): Các diễn ngôn có thể được xác định bằng một thuật ngữ cụ thể, như trong các diễn ngôn khoa học. Nhưng một diễn ngôn cũng được đặc trưng bởi cách thức mà nó kết hợp các khái niệm khác nhau và cách thức mà những khái niệm nhất định được coi là có vai trò trung tâm. Trong phân tích kiến ​​trúc khái niệm của một diễn ngôn, điều quan trọng là phải quan sát cách thức mà hàng chuỗi khái niệm tồn tại bên nhau và cách thức mà các khái niệm được nhập vào từ các thành tạo suy lý logic khác được tái biến đổi. Lối tư duy đậm cấu trúc luận của Foucault tự bộc lộ nổi bật mà ông cấp cho khía cạnh quan hệ - những kết hợp, các chuỗi và các mạng - được hình thành thông qua một diễn ngôn. Quảng cáo (2): Kiến trúc khái niệm của một diễn ngôn góp phần tạo thành một số chủ đề hoặc lý thuyết cơ bản. Nói chung, Foucault không thực sự chính xác trong việc xác định các công cụ phân tích của mình. Nhưng điều đó lại chắc chắn đúng với khái niệm chủ đề hay lý thuyết của ông. Với tư cách là ví dụ về chủ đề hoặc lý thuyết, ông đề cập đến ý tưởng về một ngôn ngữ nguyên gốc đầu tiên cho diễn ngôn ngôn ngữ ở thế kỷ 18, hoặc thuyết tiến hóa cho diễn ngôn tự nhiên, cũng vào thế kỷ 18.

Mục đích của việc giới thiệu khái niệm chủ đề / lý thuyết là để làm nổi bật ý tưởng cho rằng các khái niệm giống nhau, hoặc các đối tượng giống nhau, có thể vận hành trong các khung cảnh chủ đề khác nhau. Chúng chỉ có được chức năng cụ thể khi liên quan đến một chủ đề / lý thuyết cụ thể. Đối với Foucault, chủ đề / lý thuyết dường như thực hiện kết luận cuối cùng của diễn ngôn, hay cái mà ông gọi là lựa chọn chiến lược diễn ngôn. Để ít tham vọng hơn (và có lẽ chính xác hơn) Foucault, tôi sẽ chỉ đơn giản chọn xem các chủ đề hoặc lý thuyết là các lĩnh vực hoặc chủ đề vĩ mô về ngữ nghĩa. Trong bài viết này, tôi lấy cảm hứng từ Ruth Wodak, người đã thực hiện một phân tích về việc kiến tạo suy lý logic bản sắc của người Áo, trong đó cô xử lý việc kiến tạo các lĩnh vực vĩ ​​mô sau đây theo tiêu đề chung của nội dung: tự sự về một lịch sử chính trị tập thể, văn hóa chung, một tập thể hiện tại và tương lai, “một thể quốc gia” và sự khác biệt giữa các lĩnh vực bên trong và bên ngoài.22 Mặc dù có thể khó mà xử lý những lĩnh vực này với tư cách hoàn toàn tách biệt, nhưng chúng cho chúng ta biết rằng bản sắc dân tộc liên quan đến thời gian, đến không gian văn hóa, đến cộng đồng chính trị và đến những thứ khác nữa. Tuy nhiên, trái với Wodak, tôi chọn duy trì sự phân công lao động giữa các khái niệm và các lĩnh vực-vĩ ​​mô ngữ nghĩa. Theo quan điểm của tôi, các lĩnh vực-vĩ ​​mô ngữ nghĩa có thể được phân tích như mối quan hệ giữa một khái niệm chủ chốt và Nebenbegriffe - các khái niệm phụ khác nhau. Quảng cáo (3): Có lẽ một trong những đặc tính thú vị nhất trong khung phân tích do Foucault đề xuất liên quan đến việc tổ chức các vị trí, và đặc biệt là các vị trí chủ thể. Khái niệm này chỉ ra sự phân bố các vai trò và vị trí của người nói trong diễn ngôn. Vị trí chủ thể chỉ định toàn bộ việc ủy quyền và tính hợp thức gắn liền với phân bổ các vai trò. Trong một diễn ngôn y tế, vị trí của bác sĩ chỉ ra quyền nói và sử dụng một vốn từ vựng nhất định, trong khi vị trí của bệnh nhân loại trừ người nói khỏi một số phần của nó. Foucault liên kết phân bố các vai trò với cái ông gọi là sự hình thành các phương thức phát biểu (modalités énonciative).

Phát biểu là một thuật ngữ được sử dụng trong cái gọi là cách tiếp cận thực dụng đối với ngôn ngữ để mô tả các đặc tính giao tiếp vốn có trong ngôn ngữ: Phát biểu tự thể hiện trong các đặc tính đó chỉ ra một tình huống giao tiếp. Trước hết, nó là “vị trí phát biểu” (position d’é nonciation) chỉ rõ tác nhân và hành động giao tiếp. Bản thân Foucault không đề cập trực tiếp đến mô tả ngôn ngữ của phát biểu, nhưng ông chỉ ra theo hướng này. Việc phân tích vị trí có lẽ cũng có thể đạt được từ sự tích hợp của những hiểu biết sâu sắc từ ngữ nghĩa học chức năng của Halliday. Halliday chỉ ra thành phần ý nghĩa liên nhân với tư cách là thành phần tạo ra tương tác xã hội trong một văn bản. Ý nghĩa này được thể hiện trong cái mà ông gọi là ý nghĩa chung của diễn ngôn, “đề cập đến việc ai đang tham gia, đến bản chất của những kẻ tham gia, địa vị và vai trò của họ”, và đến các mối quan hệ lẫn nhau của họ.23 Ý nghĩa liên nhân được tập trung vào việc thực hiện bằng ngôn ngữ, chứ không phải vào nội dung. Theo quan điểm của tôi, chiều kích thực dụng này của ngôn ngữ có thể cung cấp một nền tảng ngôn ngữ học vững chắc hơn cho các vị trí của Foucault. Do đó, việc phân tích các vị trí sẽ tính đến mối quan hệ giữa các vị trí của người nói trực tiếp (với các dấu chỉ mục của chúng) trong văn bản và các vị trí được hình thành ở cấp độ diễn ngôn.

Để đúng với thực tiễn phân tích của Foucault, bốn yếu tố - đối tượng, kiến ​​trúc khái niệm, chủ đề / lý thuyết và sự phân bố vị trí - tất cả phải được đặt trong quan điểm chức năng, nơi câu hỏi đặt ra là tìm được “chức năng” nào mà một diễn ngôn thực hiện trong các thực hành khác nhau.24 Các diễn ngôn tác động đến các thực hành khác nhau. Một diễn ngôn kinh tế - tức là một diễn ngôn trong đó nền kinh tế được xác lập như một đối tượng nghiên cứu - chắc chắn có ảnh hưởng đến các quyết định chính trị của các chính phủ hoặc các tác nhân khác. Nhưng các diễn ngôn cũng trở nên thực tế khi chúng được thể chế hóa. Một số trường hợp hoặc thể chế nhất định đảm bảo an toàn việc phân định ranh giới cho một đối tượng. Một diễn ngôn y tế có các thể chế của nó, chẳng hạn như bệnh viện với lực lượng y tế của mình. Các vị trí trở nên thể chế hóa. Các thể chế khoa học kiểm soát các khái niệm và lý thuyết. Đôi khi rất khó để phân biệt giữa diễn ngôn và thể chế trong phân tích diễn ngôn Foucauldian. Các thể chế hoạt động thông qua các diễn ngôn khi chúng hành động. Có lẽ sự khác biệt duy nhất là khái niệm về thể chế bao gồm một phổ thực tiễn và hiệu quả rộng lớn hơn. Các cấp độ diễn ngôn mô hình phân tích của Foucault cần được sàng lọc. Người ta đã nỗ lực rất nhiều nhằm sàng lọc Foucault về phương diện xã hội học (bằng cách tập trung vào các thể chế) hoặc về phương diện ngôn ngữ (bằng cách tạo ra một liên kết trực tiếp hơn giữa diễn ngôn và văn bản). Trước khi cố gắng tiến thêm một bước theo hướng thứ hai, tôi sẽ phải nói điều gì đó về các cấp độ phân tích khác nhau do Foucault trình bày. Phân tích của ông vận hành ở hai cấp độ đồng thời. Cấp độ đầu tiên đi từ tính vật chất của diễn ngôn dưới dạng các phát biểu hiện có khác nhau - sự thống nhất cơ bản đối với Foucault - đến diễn ngôn. Chúng ta gọi đây là cấp độ nội-suy lý logic hoặc cấp độ văn bản. Cấp độ thứ hai - chúng ta có thể gọi là cấp độ liên-nội-suy lý logic hoặc theo cách nói của Foucault là “nền kinh tế suy lý logic” – làm cho diễn ngôn đang được đề cập liên quan đến các diễn ngôn và thực hành khác, xem xét các quá trình phân định ranh giới…

Do đó, việc phân tích một diễn ngôn có hai khía cạnh: nó dựa trên tính vật chất của (một tập hợp nhất định) các phát biểu, và nó phải đối đầu với các phát biểu, có thể được xác định trong các diễn ngôn khác. Trọng tâm của phân tích có thể là các phát biểu giới hạn trong một số văn bản nhất định với mục đích là cho thấy cách thức mà chúng dẫn đến một hoặc nhiều diễn ngôn. Tuy nhiên, điều này ngụ ý một phân tích trước về các hình thức suy lý logic. Trọng tâm cũng có thể là các chiến lược phân định ranh giới trong một cảnh quan diễn ngôn lớn hơn. Trong phạm vi trọng tâm lớn hơn này, khó có thể quan sát được sự vận hành của các văn bản đơn lẻ. Begriffsgeschichte lịch sử khái niệm, như tôi đã nói, phân tích diễn ngôn Foucauldian cần phải được trau chuốt về mặt phương pháp luận, đặc biệt là liên quan đến mô tả ngôn ngữ của nó. Trong phần tiếp theo, tôi sẽ tập trung vào việc phát triển một phân tích ngữ nghĩa tinh lọc hơn. Với mục đích này, tôi chuyển sang Begriffsgeschichte lịch sử khái niệm. Điểm gặp nhau giữa phân tích diễn ngôn và Begriffsgeschichte lịch sử khái niệm là các khái niệm và kiến ​​trúc khái niệm. Reinhard Koselleck, người sáng lập ra phương pháp này, định nghĩa khái niệm theo hai cách khác nhau.25 Một mặt, nó chỉ ra ý nghĩa hoặc cái được biểu đạt trong quá trình tạo nghĩa. Do đó, các khái niệm được liên kết với các từ (là thực thể ngữ nghĩa duy nhất trong lý thuyết ngôn ngữ của Koselleck). Mặt khác, theo Koselleck, các khái niệm có được một lớp ý nghĩa bổ sung từ việc sử dụng chúng. Chiều kích thực dụng này rất quan trọng đối với sự hiểu biết về Begriffsgeschichte lịch sử khái niệm. Trọng tâm chủ yếu là vai trò mà các từ và khái niệm thực hiện trong các tình huống tranh cãi. Bản thân các từ bị tranh cãi (xung đột trực tiếp về ngữ nghĩa) hoặc chúng đóng vai trò quan trọng trong xung đột. Nhưng cũng chính viễn cảnh thực dụng này, từ quan điểm phương pháp luận, lại kém phát triển nhất trong Begriffsgeschichte lịch sử khái niệm. Koselleck gặp khó khăn trong việc mô tả chính xác cách thức mà các ngữ cảnh giao tiếp ảnh hưởng đến ý nghĩa của các từ. Tôi sẽ tự giới hạn vào việc xem xét phân tích ngữ nghĩa về mối quan hệ giữa các khái niệm và từ.

Mối quan hệ này có thể có một số hình thái. Koselleck chỉ quan tâm đến hai loại quan hệ, mà một trong số đó là một khái niệm xuất hiện bằng các từ khác nhau (onomasiological - mối quan hệ giữa các từ và giá trị ngữ nghĩa của chúng). Khái niệm “nhà nước” có thể được biểu đạt bằng những từ như chủ quyền, quyền lực và lãnh thổ. Phân tích kiểu quan hệ này có nghĩa là xác định những từ mang cùng nghĩa hoặc thuộc cùng một loại nghĩa. Từ đó dẫn đến việc các khái niệm có phạm vi nghĩa rộng hơn so với các từ. Các từ có thể được cấp cho những định nghĩa rất chính xác, chẳng hạn như những định nghĩa được đưa ra trong từ điển. Do đó, các khái niệm được xử lý như là các cụm ý nghĩa. Mối quan hệ khác giữa từ và khái niệm - cái gọi là quan hệ semasiological (cũng nghiên cứu mối quan hệ giữa các từ và giá trị ngữ nghĩa của chúng)- lại liên quan đến tính đồng âm hoặc tính đa nghĩa của từ, nghĩa là, tính đa nghĩa của các từ đơn, ví dụ như estate - tài sản chẳng hạn. Mặc dù tính đa nghĩa của từ rất quan trọng để hiểu các cơ chế chuyển giao ý nghĩa, nhưng mối quan hệ chủ yếu được quan tâm đối với Begriffsgeschichte lịch sử khái niệm lại là onomasiological - mối quan hệ giữa các từ và giá trị ngữ nghĩa của chúng. Các khái niệm chỉ các cụm nghĩa đóng vai trò trung tâm, hình thành trong việc sử dụng ngôn ngữ liên quan đến những thay đổi xã hội theo hướng xã hội hiện đại. Những thay đổi này đặc trưng cho cái gọi là Sattelzeit- Thời Yên ngựa - thuật ngữ của Koselleck cho giai đoạn thay đổi triệt để từ khoảng năm 1750 đến năm 1850. Một phần phân tích khái niệm là xác định Grundbegriffe - các khái niệm cơ bản - theo ngôn ngữ của các cuộc đấu tranh chính trị và xã hội của Sattelzeit- Thời Yên ngựa. Do đó, phân tích việc sử dụng ngôn ngữ là rất quan trọng để xác định các khái niệm cơ bản của chúng ta. Các khái niệm cơ bản không có được nghĩa của chúng một cách tách biệt. Đã có những chỉ trích chống lại Begriffsgeschichte lịch sử khái niệm vì chỉ tập trung vào những từ biệt lập. Tuy nhiên Koselleck đã đề xuất liên quan đến sự kết hợp của các từ trong các trường ngữ nghĩa. Công việc này đã được một số học trò của ông, đặc biệt là Rolf Reichardt và Hans-Jorgen Lüsebrink, các biên tập viên của cuốn Handbuch politisch-sozialer Grundbegriffe - Sổ tay Thuật ngữ Chính trị và Xã hội Cơ bản ở Frankreich tiếp tục tiến xa hơn nữa.26 Có một kết nối rõ ràng của mối quan hệ onomasiological - giữa các từ và giá trị ngữ nghĩa của các từ, các khái niệm và các trường ngữ nghĩa. Các trường ngữ nghĩa chỉ ra cách thức mà các khái niệm cơ bản, hoặc các khái niệm chủ chốt, có được ý nghĩa của chúng từ các khái niệm lân cận. Nhiệm vụ phân tích là phân định ranh giới giữa các lĩnh vực này của các khái niệm liên quan. Các số liệu dưới đây - từ nghiên cứu của riêng tôi - đưa ra ý tưởng về cách thức phân định ranh giới một trường ngữ nghĩa.

Nếu chúng ta lấy ý tưởng về các trường ngữ nghĩa làm đối trọng phân tích của kiến ​​trúc khái niệm do Foucault đề xuất, thì có thể hình dung sự kết hợp của Begriffsgeschichte lịch sử khái niệm và phân tích diễn ngôn. Do đó, việc phân tích các trường ngữ nghĩa là một cách xác định cấp độ ngữ nghĩa của diễn ngôn. Cũng có thể chỉ ra cách thức mà các diễn ngôn tự phân định về mặt ngữ nghĩa bằng cách phân tích vai trò của các phản-khái niệm (các từ trái nghĩa ở cấp độ từ) trong một trường ngữ nghĩa nhất định.

Ngữ nghĩa học, các vị trí và chiến lược - một ví dụ

Nhưng cũng có thể mở rộng phân tích các khái niệm để bao gồm các vị trí (và ý nghĩa liên nhân). Cuối cùng tôi muốn đề cập đến cách thức mà tôi đã phân tích ý nghĩa của các vị trí và định vị trong các bài phát biểu được tổ chức tại Quốc hội của cuộc cách mạng Pháp năm 178927. Ở đây tôi sẽ tập trung vào cách thức mà các diễn giả chính trị tự định vị mình trong một diễn ngôn dân chủ-cách mạng. Ở cấp độ vĩ mô, chúng ta có thể quan sát sự hình thành suy lý logic và việc thể chế hóa một nền dân chủ. Yếu tố trung tâm trong diễn ngôn này là sự đại diện của nhân dân. Tuy nhiên, sự xuất hiện của dân chủ diễn ra trong một tình huống có thể được diễn giải là mang tính cách mạng. Đặc điểm trung tâm của một diễn ngôn về cách mạng là khía cạnh mang tính thời gian hoặc quá trình: mục tiêu của cuộc cách mạng luôn bị trì hoãn ít nhiều đến tương lai. Một chiều kích khác của diễn ngôn cách mạng là việc làm rạch ròi ranh giới phân chia giữa bạn và thù. Giờ đây, làm thế nào chúng ta có thể phân tích các cách thức mà các chính trị gia cách mạng tự định vị mình so với những người khác trong một thể chế dân chủ như Quốc hội? Ở cấp độ diễn ngôn, chúng ta có những vị trí cố định nhất định: có những vị trí thuần túy tượng trưng cho nhân dân và kẻ thù, có những vị trí của người đại diện hợp pháp và đối thủ hợp pháp của mình. Các vị trí thuần túy mang tính biểu tượng chỉ có thể xuất hiện như được thể hiện trong bài phát biểu của các tác nhân được thể chế hóa. Tuy nhiên, đồng thời, để phát biểu trở nên có tính dân chủ, điều cần thiết là nó phải đề cập trở lại nhân dân. Do đó, người dân được thể hiện trong bài phát biểu của những người đại diện. Kẻ thù được đưa ra cùng một vị thế biểu trưng trong diễn ngôn cách mạng. Sự tác động lẫn nhau giữa các vị trí khác nhau có thể được phân tích ở các cấp độ khác nhau và trong các lĩnh vực ngôn ngữ khác nhau (ngữ nghĩa, ngữ pháp). Ở cấp độ diễn ngôn, có thể nhận thấy vai trò của các vị trí khác nhau và ngữ nghĩa của chúng. Chẳng hạn, mối quan hệ giữa đối thủ và kẻ thù được xác lập như thế nào? Những thuật ngữ nào được sử dụng để chỉ định vị trí biểu trưng của nhân dân (quốc gia, nhân dân có đức hạnh, v.v.), của kẻ thù (bọn quý tộc, bọn phản cách mạng, kẻ phản bội, v.v.), của các nhóm khác nhau (đại diện thực sự của nhân dân, những người Jacobins, các bè phái)? Nếu chúng ta đưa cả ngữ pháp vào phân tích của mình, thì chúng ta cũng có thể quan sát được cách thức mà các vị trí người nói khác nhau được diễn đạt theo chỉ mục, chẳng hạn như trong cách phân bố các đại từ nhân xưng (tôi / chúng tôi, bạn, ông ấy / họ)…

Do đó, mục tiêu của phân tích là để chứng minh các vị trí người nói khác nhau liên quan như thế nào đến các lựa chọn ngữ nghĩa khác nhau trong văn bản (và cách thức hình thành các lựa chọn này bởi diễn ngôn). Người ta cũng sẽ quan tâm đến việc quan sát cách các vị trí người nói khác nhau được phân phối trong ngữ nghĩa đã có của các vị trí. Thậm chí chúng ta có thể đi xa hơn để hỏi xem cách thức mà những người nói khác nhau sử dụng ngữ nghĩa và ngữ pháp để tự xác định vị trí chính trị của họ trong cuộc tranh luận. Nhưng điều này sẽ đặt ra câu hỏi về tác tố, ý định và chiến lược tu từ, nhưng đây lại là một câu chuyện khác.

Vài nhận xết kết cục

Các nhà sử học phải chấp nhận các văn bản. Hầu hết các tài liệu mà các nhà sử học sử dụng là văn bản. Và văn bản là những trình bày bằng ngôn ngữ của hiện thực. Do đó, các nhà sử học phải tham gia vào việc phân tích văn bản. Tuy nhiên, có nhiều cách tiếp cận để phân tích văn bản. Một số người thiên về ngữ cảnh luận, những người khác lại có khuynh hướng hình thức luận. Một số cách tiếp cận có xu hướng vận hành ở cấp độ vi mô, nơi mà vai trò và ý nghĩa của văn bản đơn trở nên quan trọng. Các cách tiếp cận khác được định hướng ở cấp độ vĩ mô, nơi nhiều văn bản được nghiên cứu để đưa ra các khẳng định trên phạm vi rộng về một thời kỳ nhất định hoặc một xã hội nhất định. Trong bài viết này, tôi đã đưa ra một số câu hỏi liên quan đến văn bản và phân tích văn bản mà tôi cho là quan trọng đối với một nhà sử học mạo hiểm xâm nhập lĩnh vực này. Những câu hỏi ấy liên quan đến các lĩnh vực kinh điển trong lý thuyết ngôn ngữ học, chẳng hạn như mối quan hệ giữa văn bản và ngữ cảnh, mối quan hệ giữa các chiều kích khác nhau của ngôn ngữ, mối quan hệ giữa góc nhìn hẹp và góc nhìn rộng về các văn bản. Để đưa ra một số lời đáp cho các câu hỏi này, tôi đã được truyền cảm hứng từ các lý thuyết hiện có và các thực hành phân tích trong cái, nói chung, có thể được gọi là kiến ​​tạo luận ngôn ngữ; nghĩa là, một hình thức kiến ​​tạo luận dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về vai trò của ngôn ngữ trong việc trình bày hiện thực. Mặc dù tôi xử lý một loạt các cách tiếp cận rất đa dạng, nhưng khi đưa ra câu trả lời, tôi chủ yếu lấy cảm hứng từ phân tích diễn ngôn Foucauldien và Begriffsgeschichte lịch sử khái niệm. Tôi tin rằng hai cách tiếp cận này có thể được kết hợp một cách hiệu quả để phát triển một phân tích văn bản, xem xét cả chiều kích thực dụng lẫn chiều kích ngữ nghĩa của ngôn ngữ. Phân tích diễn ngôn Foucauldien tập trung vào vai trò của các vị trí biểu trưng trong việc hình thành các diễn ngôn. Việc nghiên cứu các vị trí có thể được làm phong phú hơn bằng cách thêm một trọng tâm thiên về giao tiếp, bao gồm các vị trí người nói thực tế, ví dụ các diễn giả trong một phát biểu chính trị. Nhưng việc nghiên cứu các vị trí này cũng có thể đạt được từ việc phân tích ngữ nghĩa kỹ lưỡng hơn vì nó đã được phát triển trong Begriffsgeschichte lịch sử khái niệm. Do đó, việc phân tích vai trò của nhân dân có thể kết hợp sự tập trung vào địa vị biểu trưng của nó trong một diễn ngôn dân chủ với một cái nhìn về trường ngữ nghĩa, trong đó ý nghĩa của nhân dân trở nên ổn định tại một thời điểm nhất định. Kiến ​​tạo luận, giải cấu trúc và các lý thuyết tương tự gần đây đã trở nên rất phổ biến trong giới học giả thuộc các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, đã có xu hướng để cho cuộc thảo luận về những lý thuyết này bị giới hạn trong các chiến trường nhận thức luận, nơi các khẳng định bao quát về bản chất của ngôn ngữ và thực tế vẫn được khuấy động. Mặc dù điều quan trọng là phải có ý thức về các khẳng định lý thuyết ẩn dưới các cách tiếp cận phân tích khác nhau đối với phân tích văn bản, tôi còn nghĩ rằng đã đến lúc phải thảo luận chi tiết hơn về các thực hành phân tích. Bằng cách cố gắng nêu lên các câu hỏi và đưa ra một số lời đáp, tôi hy vọng mình đã góp phần đưa cuộc thảo luận theo hướng phân tích.

________________________________________

Nguồn: Ifversen, Jan (2003). Text, Discourse, Concept: Approaches to Textual Analysis, In Kontur nr. 7 – 2003.

Ghi chú

1. The following article is a slightly modified version of a paper given at the research seminar ’Discourse Theory and Practice’ organized by SPIRIT, Aalborg University, at Gl. Vrå Slot, 26-28
September 2002.

2. I have discussed the relation between textual analysis and source criticism at greater length in Jan Ifversen, Tekster er kilder og kilder er tekster: Kildekritik og historisk tekstanalyse, in Den Jyske Historiker 88, 2000, pp.149-174.

3. Paul Ricœur, Humanities between Science and Art. Centre for Cultural Research, University of Aarhus 1999, p.7.

4. The term new historicism was coined by Stephen Greenblatt, professor of English, as the designation of new scholarly interest in combining formal textual analysis of poststructuralist descent with a study of the historicity of texts. For a discussion of new historicism, see H. Aram Veeser, The New Historicism, London, Routledge 1989.

5. Louis Montrose, Professing the Renaissance: The Poetics and Politics of Culture, in Veeser, op.cit. p. 20

6. Martin Heidegger, Aus der Erfahrung des Denkens (1954), quoted from Edmundo O’Gorman, The Invention of America, Greenwood Press, Westport, Conn. 1972, p. 73.

7. Ernst Cassirer, Language and Myth, New York, Dover Books 1946, p.58.

8. Peter L. Berger and Thomas Luckmann, The Social Construction of Reality, Garden City, New York, Anchor Books, 1966, p.51.

9. ibid. p.79. 6) Which dimensions of language are we interested in?

10. M.A.K. Halliday , Language as social semiotic : the social interpretation of language and meaning, London, Edward Arnold 1978, p.136.

11. Se for instance Roland Barthes, Théorie du texte, in Encyclopedia Universalis France, 1989, Tome 15, pp.996-1000.

12. Norman Fairclough has developed a version of discourse analysis that intends to cover as well the immediate communicative situation as the large social structures determining all communication, see Norman Fairclough, Language and Power, Longman London 1989.

13. Stephen Ullmann, Semantics : An Introduction to the Science of Meaning, Oxford, Blackwell, 1962, p.56).

14. The Meaning of Meaning: a Study of the Influence of Language upon Thought and of the Science of Symbolism, London. 1923

15. Fairclough, op.cit. pp.141-146.

16. Stephen Greenblatt , Learning to Curse. Essays in Early Modern Culture. London, Routledge, 1990, p.112.

17. ibid. p.112.

18. Reinhard Koselleck, Begriffgeschichte and Social History, in R.Koselleck, Futures Past: On the Semantics of Historical Time, Cambridge, MIT Press, 1985 p.74.

19. Ernesto Laclau and Chantal Mouffe, Hegemony and Socialist Strategy: Towards A Radical Democratic Politics, New York, Verso, 1985, p.108.

20. See the recent publication of Skinner’s methodological essays in Quentin Skinner, Visions of Politics, vol. 1: Regarding Methods, Cambridge, Cambridge U.P. 2002.

21. Foucault primarily presents his theory and method in Michel Foucault, L’archéologie du savoir, Paris, Gallimard 1969.

22. Rudolf de Cilla, Martin Reisigl and Ruth Wodak, The Discursive Construction of National Identities, in Discourse&Society vol. 10, 2, pp.149-73. Within critical discourse analysis, content is linked to the way that textual representations of the world are coded in the vocabulary. Content covers all the semantic aspects of world representation. The relation between content and the experiential component of language has been worked out by M.A.K. Halliday.

23. M.A.K Halliday & Ruqaiya HasanRusan, Language, Context and Text: Aspects of Language in a Social-Semiotic Perspective, Oxford, Oxford U.P. 1989.

24. Foucault, op.cit. p.90.

25. I have discussed Begriffsgeschichte at greater length in Jan Ifversen, Om den tyske begrebshistorie, in Politologiske Studier 6. årg., nr.1, Maj 2003, pp.18-34. References to Koselleck’s work can be found here.

26. For an introduction to the approach used in the Handbuch, see Rolf Reichardt, Einleitung, in Rolf Reichardt und Eberhard Schmitt (hrgs.), Handbuch politisch-sozialer Grundbegriffe in
Frankreich 1680-1820, Heft 1/2, München, Oldenbourg, pp.139-148.

27. Jan Ifversen, Om magt, demokrati og diskurs: Diskuteret I lyset af den franske revolution, vol. 2, Begrebshistoriske Studier, Aarhus Universitet 1997.

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét