Powered By Blogger

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2021

Nghiên cứu các quy trình đề xuất chính sách phát triển nông nghiệp

Hà Hữu Nga

1. Các nghiên cứu ở nước ngoài

1.1. Các quy trình đề xuất chính sách 

 

Hiện nay trên thế giới đã xuất hiện nhiều lý thuyết khác nhau về quá trình xây dựng chính sách công trong mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có việc đề xuất chính sách phát triển nông nghiệp. Nếu như phân tích chính sách là tìm kiếm các giải pháp thay thế, thì sự phát triển của các lý thuyết về quy trình chính sách lại chịu ảnh hưởng từ việc tìm kiếm các giải pháp thay thế nhau cho chính các lý thuyết về quá trình này. Dưới đây là một số lý thuyết nổi bật, hiện đang có tầm ảnh hưởng rộng trong lĩnh vực đề xuất chính sách công. 

 

Các giai đoạn của quy trình đề xuất chính sách: Quy trình hoạch định hoặc đề xuất chính sách bao gồm các giai đoạn sắp xếp theo trình tự thời gian được áp dụng từ những năm 1960, dựa trên các nghiên cứu của Harold Lasswell (1971), David Easton (1966) và được nhiều học giả phát triển tiếp (Jones, Charles O. 1977; Anderson, James E. 1979; Peters, B. Guy 1993; Deleon P., 2006). Trong đó, các giai đoạn tiêu biểu là: i) xác định vấn đề chính sách; ii) lập chương trình; iii) hình thành chính sách; iv) thông qua chính sách; v) thực thi chính sách; vi) đánh giá chính sách. Đây là một mô hình rất phổ biến và là một trong những lý thuyết về quá trình chính sách thường được giới thiệu trong mọi tài liệu nhập môn nghiên cứu chính sách (Wildavsky, Aaron 1979; Sabatier, P., 2007; Kingdon, J., 2011; Nguyễn Anh Phương 2016b). 

 

Quy trình vận động đề xuất chính sách: Trên thực tế, vận động chính sách được áp dụng khá phổ biến ở nhiều quốc gia, trong nhiều lĩnh vực chính sách khác nhau. Lý thuyết này xem xét quá trình thay đổi chính sách cần có thời gian hàng thập kỷ. Quá trình chính sách thường tập trung hay diễn ra ở những hệ thống cơ chế chính sách nhỏ, với sự tương tác giữa các bên liên quan khác nhau có ảnh hưởng đến từng bên, từng lĩnh vực chính sách cụ thể. Đề xuất chính sách cũng xuất hiện ở rất nhiều thời điểm khác nhau và không phải tất cả các bên liên quan đến việc đề xuất chính sách đều tham gia vào các hệ thống chính sách này. Mỗi hệ thống nhỏ thường có những người có ảnh hưởng mạnh trong lĩnh vực của họ. Các chủ thể chính sách có thể tạo thành những liên minh ngắn hạn, hoặc ổn định, dài hạn để chia sẻ niềm tin, giá trị cũng như sự vận động, ảnh hưởng đến từng lĩnh vực chính sách, trong các ràng buộc thể chế nhất định (Sabatier P., 2007). 

 

Phân tích thể chế và phát triển trong đề xuất chính sách: Khung phân tích này xem xét những vấn đề công trong một bối cảnh xã hội, phạm vi hành động, điều kiện ràng buộc về thể chế, là các luật tắc chi phối các chủ thể chính sách. Trong thể chế đó, các chủ thể này tương tác lẫn nhau trong các tình huống hành động nhằm xác lập các mô hình giải quyết vấn đề đề xuất chính sách. Nó cũng đề ra các mục tiêu dự kiến cần đạt được, cũng như các tiêu chí cụ thể để đánh giá kết quả. Ngoài ra phân tích thể chế trong đề xuất chính sách cũng đưa ra các giả thuyết nghiên cứu, phương pháp tiếp cận liên ngành, và chú trọng vào các thể chế công, nhằm đạt được các cấp độ mục tiêu chính sách khác nhau (Ostrom, Elinor; James Walker; Roy Gardner, 1994). 

 

Khuyến nghị đề xuất chính sách: Nghiên cứu chính sách là để góp phần thúc đẩy các lựa chọn của người dân. Vì vậy, người nghiên cứu cần chủ động tham gia vào các tranh luận chính sách, vì bộ phận tham mưu chính sách có ảnh hưởng quan trọng tới quá trình ra quyết định ở những cấp độ cao nhất (Farr, James, Jacob Hacker & Nicole Kazee, 2006). Tuy nhiên vai trò của chuyên gia phân tích chính sách là để vận động, ủng hộ cho những chính sách mà họ thay mặt người dân, nhận thấy là đúng đắn và thuyết phục. Các học giả nghiên cứu chính sách trước hết phải cam kết luôn nói sự thật với chính giới và phụng sự cho các giá trị dân chủ và lợi ích quốc gia (Wildavsky, Aaron, 1979), và đưa ra những khuyến nghị ngay thẳng, mặc dù không phải lúc nào cũng được sẵn sàng đón nhận (MacDermott K., 2008). 

 

Các thay đổi trong đề xuất chính sách: Hoạch định chính sách còn là vấn đề về sự lựa chọn dưới tác động của các ràng buộc trong một thể chế nhất định. Các ràng buộc này có thể vô hình hoặc hữu hình, tích cực hoặc tiêu cực, nhưng không phải là không thể thay đổi cùng với sự thay đổi chính sách qua thời gian. Khi các yếu tố tác động đến quá trình hoặc định chính sách thay đổi thì sẽ dẫn tới sự thay đổi chính sách để thích ứng với các vấn đề mới. Trong mối quan hệ này, một mặt, hoạch định chính sách bị quy định bởi các ràng buộc; mặt khác, các ràng buộc có thể dẫn đến sự thay đổi chính sách (Goodin, Robert, Martin Rein & Michael Moran, 2006). Sự thay đổi diễn ra có thể nhanh, cũng có thể là một quá trình rất dài. Nhiệm vụ của người nghiên cứu chính sách là thúc đẩy những cải cách tiến bộ, bảo vệ các giá trị dân chủ và lợi ích công (Farr, James, Jacob Hacker & Nicole Kazee, 2006; Nguyễn Anh Phương, 2016a). Tất nhiên về phương diện này cũng bao gồm cả việc đề xuất chính sách thuộc lĩnh vực chuyển giao công nghệ nói chung, cũng như chuyển giao công nghệ trong phát triển nông thôn nói riêng. 

 

1.2. Nghiên cứu các giai đoạn chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp

Giai đoạn chuyển giao công nghệ do khu vực công thống lĩnh: Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới II, khu vực công của các nước phát triển đã giúp chuyển giao công nghệ nông nghiệp cho các nước đang phát triển. Trong giai đoạn này, hầu hết các nước đang phát triển ở châu Mỹ Latinh, châu Phi, cũng như một số nước ở châu Á (như Ấn Độ, Thái Lan, Philippines), đã phụ thuộc rất nhiều vào sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ nền kinh tế của họ. Vì vậy, các hoạt động phát triển chung thường nhằm hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Những hoạt động này dựa vào các cơ sở công cộng và các trường đại học vì nhiều công nghệ nông nghiệp và nhiều kiến ​​thức được tạo ra có giá trị thị trường nhỏ. Sản phẩm vật chất đã không được sản xuất, còn các công nghệ được coi là hàng hóa công, mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng mà không giảm bớt giá trị. Ví dụ như cải thiện tỉ lệ hạt giống, quản lý đồng cỏ hoặc thực hành luân canh cây trồng. Trong những năm 1960, Viện Nghiên cứu Lúa gạo và Ngô quốc tế đã được thành lập ở Philippines, còn Trung tâm cải tiến lúa mỳ thì ở Mexico (CIMMYT). Hai trung tâm phát triển thành một mạng lưới các tổ chức nghiên cứu độc lập ở Columbia, Ethiopia, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Kenya, Nigeria, Peru, Syria và Hoa Kỳ. Đồng thời, các nước đang phát triển cũng xây dựng các Viện nghiên cứu nông nghiệp quốc gia (NARIs) để nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho nông dân (Pineiro M., 2005).

Giai đoạn chuyển giao công nghệ với sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư: Kể từ cuối những năm 1970, giá trị công nghệ đã bắt đầu được hạch toán trong các sản phẩm vật chất, như máy móc, hóa chất nông nghiệp trang trại. Các công ty tư nhân mở rộng nhanh chóng để tổ chức sản xuất và bán công nghệ, vì họ đã nhìn thấy cơ hội kiếm được lợi nhuận bằng cách nghiên cứu cải thiện giống, tạo ra các giống lai để chuyển giao cho nông dân. (Conway G. 1997; Evenson, R. E. and D. Gollin, 2003). Trong khi đó, toàn cầu hóa kinh tế và tự do hoá thương mại ngày càng đưa nhiều sản phẩm nông nghiệp ở các nước đang phát triển sang các thị trường quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia. Điều đó đã thúc đẩy đầu tư tư nhân vào nghiên cứu và triển khai công nghệ nông nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn quốc tế được hưởng lợi từ nền kinh tế giảm chi phí sản xuất, và được tiếp cận với thị trường thế giới. (James C., 2004). Nhóm Tư vấn Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR) đã nhấn mạnh vai trò của mình trong việc phát triển và chuyển giao công nghệ cho các nông trại nhỏ và nghèo hơn. Tổ chức này cũng đang bắt đầu nghiên cứu phát triển các loại hoa màu phi lương thực. Tương tự như vậy, các tổ chức nghiên cứu quốc gia, như Viện Quốc gia về công nghệ nông nghiệp của Argentina (National Institute for Agricultural Technology in Argentina) và Tập đoàn Nghiên cứu Nông nghiệp Brazil (Brazilian Agricultural Research Corporation), đang tập trung vào các loại cây trồng và điều kiện sinh thái có liên quan tới các trang trại nhỏ. Họ cũng nghiên cứu các kỹ thuật bổ sung cho việc phát triển khu vực tư nhân, bằng cách phát triển các hệ thống sản xuất và các phương pháp bảo tồn sử dụng các sản phẩm công nghệ mới (hóa chất nông nghiệp, máy móc nông nghiệp và cây trồng được cải thiện) hiệu quả hơn (Pineiro M., 2005). 

1.3. Nghiên cứu vai trò của nông dân trong chuyển giao công nghệ

Vai trò của nông dân trong quá trình chuyển giao công nghệ là rất quan trọng. Sự tham gia của họ giúp duy trì sự tập trung và tính phù hợp của công nghệ đối nông trại. Vai trò của các thành phần riêng rẽ của công nghệ cũng như tính đồng bộ của các thành phần đó đòi hỏi nông dân cần có đủ tri thức để có thể lựa chọn. Trong bối cảnh đó, nông dân có thể chọn toàn bộ gói, hoặc chọn từng thành phần công nghệ thích hợp, tùy thuộc vào điều kiện và nhận thức của họ về lợi ích. Các khoản chi phí cho các hành động cá nhân cũng như cộng đồng hướng đên lợi ích cộng đồng cần phải được cộng đồng hoặc chính phủ sắp xếp (Whyte, William Foote, Greenwood Davydd J., và Peter Lazes, 1991). Vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, người ta cho rằng công nghệ có sẵn không phù hợp với các mục tiêu của nhóm nông dân nghèo tài nguyên, vì họ không tham gia vào việc lập kế hoạch và đánh giá công nghệ (Chambers R., and B.P. Ghildyal, 1985). Vì vậy hiện giờ người ta mới nhấn mạnh sự tham gia của nông dân vào quá trình phát triển và ứng dụng công nghệ. Nhu cầu đổi mới phải xuất phát từ nông dân. Sự tham gia của nông dân vào toàn bộ quá trình phát triển công nghệ là điều cần thiết nếu muốn họ tin tưởng và chấp nhận công nghệ, vì thành công của một công nghệ được đánh giá bằng thực tế là nó được chấp nhận, và chính người nông dân là người thẩm định cuối cùng.  

 

1.4. Nghiên cứu triển khai (R&D) và vai trò của khuyến nông 

 

Tsau Thế chiến II, chính nghiên cứu và triển khai (R&D) đã tạo ra các công nghệ mới và ngành khuyến nông đã chuyển giao cho nông dân, giúp tạo nên các cuộc cách mạng xanh trong nông nghiệp. (Piesse J. and C. Thirtle, 2010); chi phí R&D đã dẫn đến các kết quả tăng năng suất lớn (Alston et al., 2000). Đối với các nước đang phát triển, tỷ lệ nội hoàn vốn trung bình (IRR - internal rate of return) là 43%. (Evenson, 2001). Việc chuyển giao công nghệ sinh học và cơ khí cho nông dân phải mất nhiều năm, vì vậy độ trễ giữa các khoản chi phí R&D và năng suất tăng ở các trang trại có thể lên đến 25 - 40 năm. (Schimmelpfennig & Thirtle, 1999). Evenson (2001) đã tính toán tỷ lệ lợi nhuận (ROR) cao nhất (80%) cho vai trò của các hoạt động R&D và khuyến nông, nhưng thực tế thì tỷ lệ lợi nhuận ở mức hợp lý là vào khoảng 30% (Schimmelpfennig & Thirtle, 1999).  Trong khi đó, nhiều quốc gia có lượng cán bộ khuyến nông đông đảo, nhưng vẫn không tạo ra được bất cứ một cuộc cách mạng xanh nào (Evenson R., & Pingali, 2007). Người ta ước tính tỷ lệ giữa cán bộ khuyến nông và các nhà khoa học công nghệ 20/ 1. (Thirtle et al. 2004; Anderson & Feder, 2007)  Mặt khác, nhiều cán bộ khuyến nông không có gì để làm, vì ít có kết quả chuyển giao từ các hoạt động R&D (Thirtle & van Zyl, 1994); thiếu kinh phí mua nhiên liệu cho xe cộ, nên họ khó đi thực địa. Có tám yếu tố cản trở công tác khuyến nông: i) quy mô và tính phức tạp của hoạt động khuyến nông; ii) thành công của khuyến nông phụ thuộc vào môi trường chính sách rộng lớn hơn; iii) hệ thống khuyến nông ít trao đổi với các hệ thống sản xuất tri thức; iv) các khó khăn vốn có trong tác động của khuyến nông; v) các vấn đề sâu xa về trách nhiệm giải trình; vi) các cam kết chính trị và hỗ trợ yếu kém cho khuyến nông thuộc khu vực công; vii) các trở ngại trong kiêm nhiệm công vụ ngoài những vấn đề liên quan đến chuyển giao tri ​​thức và công nghệ; và viii) những khó khăn nghiêm trọng về tài chính không bền vững ở các quốc gia đang phát triển (Feder et al., 2001). Anderson & Feder, 2007) khuyến nghị các giải pháp cho các vấn đề của khuyến nông bao gồm: i) tăng cường tập huấn và tham quan; ii) thực hiện cơ chế phân cấp cho các dịch vụ khuyến nông; iii) cung cấp dịch vụ khuyến nông miễn phí; iv) tăng cường khuyến nông ở khu vực tư nhân; v) tăng cường các lớp tập huấn đầu bờ. (Piesse J. and C. Thirtle, 2010). 

 

1.5. Nghiên cứu sử dụng quyền sở hữu trí tuệ trong chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN)

 

Có thể nói cơ sở của quyền sở hữu trí tuệ chính là vai trò của thị trường đối với việc huy động mọi nguồn lực cho sáng tạo và chuyển giao công nghệ, trong đó có công nghệ trong nông nghiệp. Hầu hết các công trình nghiên cứu đều quy sản lượng nông nghiệp tăng cho các nỗ lực nghiên cứu và triển khai (R&D). Càng ngày, công nghệ càng thúc đẩy các nguồn tăng trưởng nông nghiệp, đẩy xa ranh giới tăng năng suất. (Evenson, Pray and Rosegrant 1999). Quyền sở hữu trí tuệ có tác động sâu sắc đến sự phát triển công nghệ và chuyển giao công nghệ cho nông nghiệp. Bên cạnh đó, quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại tác động đến quan hệ thương mại giữa các quốc gia theo vô số cách thức khác nhau (Ravishankar, 1996). Đối với nông nghiệp, sự phát triển của công nghệchuyển giao công nghệ, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư R&D đều chịu ảnh hưởng của quyền sở hữu trí tuệ (Lee và Mansfield, 1996). Về phương diện nguồn nhân lực, giá trị xã hội và xung đột lợi ích giữa các quốc gia quá trình phổ biến công nghệ cũng đều các vấn đề chịu tác động của quyền sở hữu trí tuệ (Moschini và Lapen, 1997). 

 

2. Tình hình nghiên cứu trong nước 

 

2.1. Nghiên cứu về đề xuất cơ chế chính sách 

 

Ở nước ta khoa học chính sách cũng như việc nghiên cứu phân tích và đề xuất chính sách đang ở giai đoạn hình thành. Trong khi đó, rất nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến Đề tài và phần nào là đối tượng nghiên cứu của Đề tài, chẳng hạn như chính sách khoa học công nghệ, chính sách khuyến nông, chính sách phát triển nguồn nhân lực, ….v.v. Dưới đây là một số vấn đề nghiên cứu nổi bật trong lĩnh vực đề xuất cơ chế chính sách: 

 

Nghiên cứu các bước hoạch định chính sách: Các bước hoạch định chính sách cần kết hợp với quy trình thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, quy trình hoạch định chính sách ở nước ta hiện nay mới được mô phỏng chưa đầy đủ, theo quy trình chính sách các giai đoạn, bằng quy định trong trình tự thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, cần tạo điều kiện vật chất, môi trường và không gian nghiên cứu về chính sách ở các trường đại học, viện nghiên cứu chính sách, góp phần hình thành hệ thống lý luận nghiên cứu chính sách cơ bản, đồng bộ ở Việt Nam. Cần nhấn mạnh giai đoạn lấy ý kiến nhân dân về các chính sách là cần thiết vì nó phù hợp với định hướng dân chủ (Nguyễn Anh Phương, 2016b). 

 

Nghiên cứu việc đánh giá chính sách: Mặc dù là một khâu quan trọng trong quy trình chính sách, song ở nước ta, việc đánh giá chính sách không được quan tâm đầy đủ, vì: i) Nhận thức về đánh giá chính sách còn đơn giản; ii) Các cơ quan chức năng thường không quan tâm tổ chức đánh giá chính sách; iii) Việc xem xét lại chính sách đôi khi chỉ được thực hiện khi xuất hiện những lỗ hổng của chính sách; iv) Thiếu các tiêu chí để đánh giá chính sách một cách khoa học nên việc đánh giá chính sách theo mục tiêu đề ra có thể không phản ánh hết các giá trị của chính sách; v) Đánh giá chính sách đôi khi mang tính một chiều, chỉ phản ánh nhận xét của các cơ quan nhà nước mà không quan tâm đủ mức đến sự phản hồi từ xã hội, từ những đối tượng mà chính sách hướng vào; vi) Thiếu kinh phí dành cho việc đánh giá chính sách (Nguyễn Đăng Thành, 2012). 

 

Các giải pháp tăng cường đánh giá chính sách công: i) Đưa việc đánh giá chính sách thành một nội dung bắt buộc đối với một số chính sách quan trọng của Nhà nước; ii) Xây dựng các tiêu chí đánh giá chính sách một cách đầy đủ; iii) Quan tâm đến dư luận xã hội về các bất cập trong hoạch định và quá trình thực thi chính sách; iv) Tổ chức nhóm đánh giá độc lập; v) Dành nguồn kinh phí thỏa đáng và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đó cho đánh giá chính sách nhằm đem lại lợi ích cho quá trình thực thi chính sách trong giai đoạn tiếp theo, bảo đảm cho chính sách đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của cuộc sống (Nguyễn Đăng Thành, 2012). 

 

Nghiên cứu đề xuất các tiêu chí đánh giá chính sách: Chính sách công thể hiện quan điểm của Nhà nước các mục tiêu và các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu. Các giải pháp chính sách của Nhà nước có thể được “luật hóa”, thông qua pháp luật để đi vào cuộc sống. Vì thế, việc xây dựng tiêu chí đánh giá chính sách công cần phải đáp ứng yêu cầu vừa là thước đo cụ thể của vấn đề chính sách, vừa phản ánh được lợi ích của đa số thành viên xã hội và được họ chấp nhận, và phải đáp ứng được các yêu cầu sau: i)  Mức độ thỏa đáng; ii)  Độ tin cậy; iii) Dễ hiểu; iv) Kịp thời; v) Phù hợp; vi)   Mức độ ảnh hưởng; vii)   Khả năng đo lường; viii) Khả năng thao tác; ix   Độ bao quát; x)  Không trùng lắp; xi)  Chi phí hợp lý; xii) Độ bền của chính sách (Đỗ Thị Kim Tiên, 2017).   

 

2.2. Nghiên cứu về lực lượng lao động

Nghiên cứu về số lượng: Theo số liệu của Tổng cục thống kê, đến năm 2011 dân số Việt Nam đạt ngưỡng 88 triệu người (ước tính khoảng 87,84 triệu). Với dân số này Việt Nam đang đứng 13 trên thế giới về dân số và thứ 2 khu vực Đông Nam Á. Về lực lượng lao động, tính đến ngày 1/7/2011 cả nước có 51,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, chiếm 58,5% tổng dân số. Như vậy nước ta đang trong thời kỳ "dân số vàng" với lực lượng trong độ tuổi lao động khá dồi dào. Năm 1997, tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp là 65,8%, đến năm 2007 giảm xuống còn 50%. Năm 2011, tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp là 48,4%. Lao động KHCN cũng tăng. Năm 1996 có 4033,2 nghìn người thì đến năm 2005 tăng lên 4351,2 nghìn người (Tổng cục thống kê, 2008). Dân số nông thôn chiếm tới gần 80% dân số cả nước và lao động nông thôn chiếm hơn 70% tổng số nguồn lao động xã hội trong đó, hầu hết là đang lao động thủ công bằng những kinh nghiệm cổ truyền là chính. Về số lượng, lực lượng lao động dồi dào ở nông thôn, và chủ yếu vẫn đang ở dạng tiềm năng kinh tế, sức mạnh của nó chưa phát huy đầy đủ do trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật còn hạn chế.

Nghiên cứu về chất lượng: Hiện nay chúng ta chỉ có gần 7,8 triệu người đã được đào tạo, chiếm 15,4% (Tổng cục thống kê, 2012). Trong khi các nước trong Asean trung bình có hơn 70% lao động đã qua đào tạo thì Việt Nam lại có tới 86,4% lao động chưa qua đào tạo (Đặng Trường Minh, 2013). Từ năm 1996-2005, lao động có việc làm chưa qua đào tạo đã giảm. Năm 1996, tỷ lệ lao động có việc làm chưa qua đào tạo 87,5% và tỷ lệ qua đào tạo là 12,5. Đến 2005, tỷ lệ này tương ứng là 74,8% và 25,2%. Như vậy sau 10 năm tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo tăng lên gấp đôi. Năm 2005, trong tổng số 10,9 triệu người có trình độ chuyên môn kỹ thuật thì có 6,6 triệu người chiếm 60,5% là những người đã qua đào tạo nghề (Bộ LĐTB&XH, 2006). Trong tổng số lao động KHCN thì lao động có trình độ cao đẳng và đại học trở lên tăng cả về số lượng và tỷ trọng. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động nam cao hơn lao động nữ. Năm 2005, trong số 6,6 triệu người đã qua đào tạo nghề thì có 4,3 triệu là lao động nam, chiếm 65,1% và tương ứng của nữ là 3,2 triệu người, bằng 34,9%. Trong số 2,2 triệu động nam có trình độ từ cao đẳng trở lên, chiếm 51,2% so với 2,1 triệu người và 48,8% là nữ (Bộ LĐTB&XH, 2006). 

Nghiên cứu về cơ cấu lực lượng lao động: Thực tế cơ cấu lực lượng lao động của chúng ta phản ánh rất rõ trình độ phân công lao động thấp của một nền nông nghiệp còn lạc hậu. Lao động trong nông nghiệp chiếm tới 73%, trong khi công nghiệp và dịch vụ chỉ chiếm 27%. Cơ cấu lao động được đào tạo giữa các ngành, các vùng và giữa các bậc có sự chênh lệch. Dân số nông thôn chiếm gần 80% dân số cả nước, nhưng chỉ chiếm 47,38% lực lượng lao động được đào tạo trong cả nước. Trong 73% số lao động làm việc trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp số người được đào tạo chiếm 7% . Số lao động có trình độ cao cũng được phân bố không hợp lý, chủ yếu tập trung ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác; lao động trí tuệ nước ta mới chiếm 7,9%, lao động chân tay là 92,1%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo mới chiếm 14,3%, nhưng cơ cấu bậc học, cơ cấu ngành nghề không hợp lý. Trình độ lao động qua đào tạo ở các bậc là: trên đại học 0,3%; đại học và cao đẳng là 20,1%; trung học chuyên nghiệp là 35,8%; công nhân kỹ thuật có bằng cấp là 24,4%; công nhân kỹ thuật không có bằng cấp là 19,4%. Năm 2002, nước ta có khoảng 900.000 lao động có trình độ cao đẳng trở lên (chiếm 2,43% lực lượng lao động xã hội). Trong đó, số người có trình độ trên đại học khoảng 10.000 người, chiếm khoảng 0,027% lực lượng lao động xã hội. (Đoàn Thế Hanh, 2012).

Nghiên cứu so sánh lực lượng lao động: Về lao động qua đào tạo Việt Nam xếp cuối cùng trong 8 nước của khu vực được đánh giá trong báo cáo này với vị trí tương ứng là 84/122, và ở vị trí 109/122 về dịch vụ đào tạo. Số liệu trên cho thấy lực lượng lao động chất lượng cao của Việt Nam, còn rất khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng so với nhiều nước trong khu vực. Tại các nước công nghiệp, tỉ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật là khoảng 35%, còn tỷ lệ tương ứng ở Việt Nam là 17,7% trong đó tỷ lệ có trình độ cao đẳng chỉ chiếm 1,9%, và trình độ đại học trở lên chiếm 4,9%. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm trong việc hoạch định chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, đặc biệt là lực lượng lao động chất lượng cao ở nước ta trong thời gian tới (Đặng Trường Minh, 2013). 

2.3. Nghiên cứu về việc chuyển giao KHCN trong phát triển nông thôn

Về phương diện chính sách: Nhà nước Việt Nam đã cố gắng hoàn thiện hệ thống thể chế pháp lý nhằm thúc đẩy sự phát triển của KH&CN (Khoa học&Công nghệ ). Các hệ thống luật và văn bản pháp luật quan trọng được xây dựng như Luật Sở hữu trí tuệ (2005), Luật Chuyển giao công nghệ (2006), Luật Công nghệ cao (2008) v.v. Một trong những điểm đáng lưu ý về khoa học công nghệ chính là định hướng phát triển và ưu tiên cho các khu vực nông nghiệp và phát triển các khu vực nông thôn khó khăn. Luật KH&CN (2000) nhấn manh chính sách ưu tiên và biện pháp thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi các thành tựu KH&CN tại các địa bàn đặc biệt khó khăn; các cấp chính quyền địa phương phải “có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ phù hợp với nhu cầu và điều kiện của nông dân.

Nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ: Luật KH&CN cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển thị trường công nghệ gồm: a) Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thị trường công nghệ; b) Công bố, phổ biến, trình diễn, giới thiệu công nghệ và tham gia chợ, hội chợ, triển lãm công nghệ trong nước và nước ngoài; ưu tiên phát triển tập trung vào 7 nhóm là giống cây con; nuôi trồng, bảo quản; chống thiên tai, dịch bênh; phòng dịch cho cây con; năng lượng tái tạo; nước sạch môi trường; sản phẩm làng nghề. Các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm cho việc chuyển giao và đánh giá kết quả hàng năm (Quốc hội 2006, 2013, Điều 37).

Xây dựng các chương trình, dự án, kế hoạch chuyển giao KHCN: Cho đến nay, chương trình nông thôn mới đã đạt được một số kết quả sau: 845 dự án được triển khai với tổng kinh phí khoảng 2745 tỷ đồng, chương trình đã chuyển giao được 4761 lượt công nghệ sản xuất và đào tạo được 11063 kỹ thuật viên; 1725 cán bộ quản lý KHCN (Hoàng Liên Sơn, 2015). Xu hướng chuyển giao công nghệ hiện nay là: i) Sản xuất các giống rau an toàn; ii) Ứng dụng công nghệ sinh học; ii) Ứng dụng công nghệ VietGAP; iv) Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp (Lê Văn, 2015). Năm 2014 đã có 27 giống được công nhận và 15 giống được chọn để sản xuất thử. Tuy nhiên, việc thu hút các nhà khoa học còn gặp nhiều khó khăn: i) kinh phí ít, dàn trải, khó ứng dụng vào sản xuất; ii) người dân không ham mê tiếp nhận công nghệ để sản xuất đại trà; iii) các nhà khoa học cần xây dựng mô hình để giới thiệu công nghệ với nông dân (Lưu Tiến Dũng, 2007).

Huy động nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật (KHKT): được thực hiện thông qua cơ chế “liên kết bốn nhà”, và cũng đã mang lại những lợi ích thiết thực, thể hiện: i) Nông dân có đầu ra ổn định, giảm chi phí sản xuất, doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu bền vững; nhà khoa học có điều kiện đưa khoa học xuống đồng ruộng; ii) nhà doanh nghiệp, nhà nông cũng như nhà khoa học có được sự chủ động trong hoạt động của mình dựa trên quy hoạch gắn với kế hoạch; iii) tạo ra được nguồn hàng hóa lớn, nâng cao sự chủ động của địa phương; iv) góp phần quan trọng hiện thực hóa Quyết định 80 của Thủ Tướng chính phủ về “Khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng” giữa doanh nghiệp và hộ nông dân (Trần Văn Hiếu, 2004).

Các hạn chế trong cơ chế, chính sách huy động nguồn lực chuyển giao KHCN:  Dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng việc chuyển giao KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại: i) Còn thiếu cơ chế đồng bộ huy động xã hội đối với nguồn nhân lực KHCN cho nông thôn mới; ii) Còn thiếu chính sách đồng bộ huy động xã hội đối với nguồn nhân lực KHCN cho nông thôn mới; iii) Chưa có các cơ chế, chính sách đầy đủ cho sự tham gia của các doanh nghiệp trong chuyển giao KHCN cho xây dựng nông thôn nói chung và nông thôn mới nói riêng; iv) Thiếu cơ chế, chính sách chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan trong việc chuyển giao KHCN cho nông thôn mới; v) Thiếu cơ chế, chính sách phát triển số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chuyển giao KHCN cho xây dựng nông thôn mới; vi) Vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách chuyển giao KHCN cho nông thôn mới hầu như chưa đáng kể; vii) Chưa có cơ chế, chính sách cụ thể cho sự tham gia của các tổ chức NGO Việt Nam vào việc chuyển giao KHCN cho nông thôn mới; viii) Chưa có cơ chế, chính sách cụ thể cho khu vực tư nhân tham gia chuyển giao KHCN cho nông thôn mới. 

2.4. Các đề xuất giải pháp chính sách KHCN nông nghiệp

Cho đến nay, đã có nhiều đề xuất giải pháp chính sách nhằm tháo gỡ các hạn chế, vướng mắc trong chính sách KHCN nông nghiêp. Trong số đó, đáng chú ý có kiến nghị về việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý KHCN theo các trình tự sau: i) Phân nhóm kinh phí KHCN: nhóm do lãnh đạo Bộ quản lý; nhóm do đại diện người sử dụng tham gia quản lý; nhóm phục vụ các nghiên cứu có triển vọng về khoa học và các nhiệm vụ KHCN thường xuyên; ii) Đơn giản hóa thủ tục quản lý tài chính, hướng vào khoán đến sản phẩm KHCN cuối cùng trong nghiên cứu úng dụng, sản phẩm KHCN thường xuyên, trong hoạt động khuyến nông; iii) Khuyến khích đặc biệt về vật chất và tinh thần, như thu lại lợi nhuận của người sản xuất kinh doanh thông qua phí, thuế để phân phối lại cho cán bộ nghiên cứu; xây dựng và sử dụng nhà công vụ để đảm bảo điều kiện sống cho cán bộ KHCN; iv) Khuyến khích đầu tư tư nhân và quốc tế, cần ban hành các chính sách khuyến khích đặc biệt để thu hút đầu tư của các tổ chức quốc tế và tư nhân trong nước vào hoạt động KHCN; thành lập cơ quan nghiên cứu, cơ quan khuyến nông, cơ quan dịch vụ KHCN, cơ quan kinh doanh sản phẩm KHCN; đơn giảm hóa thủ tục, hỗ trợ đất đai và giảm thuế; v) Tiêu chuẩn hóa quản lý KHCN về phương pháp nghiên cứu quản lý, về đội ngũ cán bộ khoa học, về trang thiết bị, về công nghệ của các cơ quan KHCN theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; thu hút các cán bộ được đào tạo tốt từ nước ngoài về tham gia nghiên cứu và quản lý; ưu đãi các chuyên gia hàng đầu; thành lập các tổ chức KHCN liên doanh với quốc tế; vi) Đầu tư cho KHCN nông nghiệp: tăng đầu tư cho KHCN từ mức 0,15% tổng ngân sách hiện tại hiện nay lên mức 0,4 – 0,6% ngân sách; đầu tư phát triển con người; hỗ trợ cả đào tạo và ưu đãi sử dụng cán bộ; đầu tư trang bị điều kiện làm việc song song cải thiện điều kiện sống cho cán bộ KHCN (Đặng Kim Sơn, 2011).

Một công trình nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn của Bộ NN&PTNT cũng đưa ra các đề xuất chính sách chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật  trong sản xuất nông nghiệp như sau: i) Đổi mới hệ thống tổ chức hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; sắp xếp lại hệ thống nghiên cứu theo nhóm các nhiệm vụ nghiên cứu; hình thành các “làng nghiên cứu nông nghiệp”; ii) Đổi mới chính sách về quản lý hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sản phẩm nghiên cứu KH&CN và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; iii) Đổi mới chính sách về đầu tư và kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; iv) Tiếp tục đổi mới chính sách phát triển nguồn nhân lực; điều chỉnh cơ chế tuyển dụng cán bộ dựa trên tiêu chí chính là năng lực làm việc và khả năng sáng tạo của cán bộ; xem xét, điều chỉnh các chính sách khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ; v) Đổi mới các chính sách phát triển thị trường KH&CN trong ngành nông nghiệp: hoàn thiện cơ chế, chính sách; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thương mại hóa các sản phẩm KH&CN; hoàn thiện môi trường pháp lí cho các hoạt động trong thị trường KH&CN; vi) Tăng cường chính sách hỗ trợ bên nhận chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ cho khối người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số về kiến thức, vốn; hoàn thiện cơ chế thị trường cho các sản phẩm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm rủi ro cho người sản xuất (Phạm Bảo Dương 2009).

________________________________ 

Nguồn: Hà Hữu Nga (2017). Nghiên cứu các quy trình đề xuất chính sách phát triển nông nghiệp. Bài viết cho Đề tài cấp Nhà nước Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách huy động đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật tham gia chuyển giao khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới (thuộc Chương trình Khoa học Công nghệ Phục vụ Nông thôn mới) do tác giả làm Chủ nhiệm Đề tài (2017-2018).  

Tài liệu dẫn 

Alston J., Chan-Kang C., Marra M., Pardey P., Wyatt T. (2000)  Meta-analysis of rates of return to agricultural R&D: Ex Pede Herculem? Research Report No. 113. Washington, DC: IFPR. 

Anderson, James E. (1979). Public policy making, New York : Holt, Rinehart and Winston. 

Anderson J., Feder G. (2007)  Agricultural extension. In Handbook of agricultural economics, vol. 3 (eds Evenson R. E., Pingali P.). Amsterdam, The Netherlands. 

Bộ LĐ,TB&XH (2006). Số liệu thống kê việc làm và thất nghiệp ở Việt Nam giai đoạn 1996-2005, NXB Lao động-xã hội, Hà Nội. 

Chambers R., and B.P. Ghildyal (1985). Agricultural Research for Resource-Poor Farmers: the Farmer-First-and-Last Model (Discussion Paper), Institute of Development Studies IDS, University of Sussex, Brighton. 

Conway G., (1997). The Doubly Green Revolution. Penguin Books, London. 

Deleon, Peter (2006). The historical roots of the field, in The Oxford handbooks of public policy, eds by Michael Moran, Martin Rein & Robert Good, Oxford University Press. 

Đặng Kim Sơn (2011). Năm kiến nghị về quản lý khoa học công nghệ trong nông nghiệp  Tạp chí Tia sáng (Bộ Khoa học và Công nghệ), Số 17 ngày 5 tháng 9 năm 2011, Hà Nội. 

Đặng Trường Minh (2013). Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay-thực trạng và khuyến nghị, Tạp chí nghiên cứu con người số 6(69), tr 34-41. 

Đoàn Thế Hanh (2012). Quan điểm của Đảng về phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. http://www.tapchicongsan.org.vn/, Hà Nội. 

Đỗ Thị Kim Tiên (2017). Tiêu chí đánh giá chính sách trong xây dựng pháp luật. Nghiên cứu lập pháp, Tháng 3/2017. 

Easton, David (1966). Varieties of Political Theory, (Ed.), Englewood Cliffs. 

Evenson, Robert (2001) Economic impacts of agricultural research and extension. In Handbook of agricultural economics, vol. 1 (eds Gardner B., Rausser G.). Amsterdam, The Netherlands: Elsevier Science. 

Evenson, Robert, Carl E Pray and Mark W. Rosegrant (1999). Agricultural Research and Productivity Growth in India, Research Report No 109, IFPRI, Washington, DC. 

Evenson, R. E. and D. Gollin (2003). Crop Variety Improvement and its Effect on Productivity. CABI, Wallingford. 

Evenson R., Pingali P. (2007). Overview. In Handbook of agricultural economics, vol. 3 (eds Evenson R. E., Pingali P.). Amsterdam, The Netherlands: Elsevier Science. 

Farr, James, Jacob Hacker & Nicole Kazee (2006). The Policy Scientist of Democracy: The Discipline of Harold D. Lasswell, In American Political Science Review, vol. 100, no. 4, pp.579-587. 

Feder G., Willett A., Zijp W. (2001).  Agricultural extension: generic challenges and the ingredients for solutions. In Knowledge generation and technical change: institutional innovation in agriculture (eds Wolf S., Zilberman D.). Boston, MA: Kluwer. 

Goodin, Robert, Martin Rein & Michael Moran (2006). The public and its policies, in The Oxford handbooks of public policy, eds by Michael Moran, Martin Rein & Robert Good, Oxford University Press. 

Hoàng Liên Sơn (2015). Lâm Đồng ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, http://dangcongsan.vn/cpv/, cập nhật ngày 30.9/2015.  

James C., (2004). Global status of commercialized biotech/GM crops: 2004 International Service for the Acquisition of Agri-biotech. Applications. Brief No. 32 (2004) 

Jones, Charles O. (1977). An introduction to the study of public policy, North Scituate, Mass. : Duxbury Press. 

Kingdon, J (2011). Agendas, Alternatives, and Public Policies, 2nd ed., New York: Pearson. 

Lasswell, H. (1971). A Pre-View of Policy Sciences. New York, Elsevier. 

Lee, Jeong-Yeon & Mansfield, Edwin, 1996. "Intellectual Property Protection and U.S. Foreign Direct Investment," The Review of Economics and Statistics, MIT Press, vol. 78(2), pages 181-186, May. 

Lê Văn (2015). 845 dự án chuyển giao công nghệ về nông thôn miền núi. (Nguồn: http://m.vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/244824/845-du-an-chuyen-giao-cong-nghe-ve-nong-thon-mien-nui.html, truy cập ngày 13/9/2015). 

Lưu Tiến Dũng (2007). Cơ chế, http://tiasang.com.vn/Default.aspx?, cập nhật 29/9/2015 

MacDermott, Kathy (2008). What ever happened to frank and fearless?, The impact of new public management on the Australian public service, ANU E Press, The Australian National University. 

Moschini, Giancarlo and Harvey Lapan (1997). Intellectual Property Rights and the Welfare Effects of Agricultural R&D’, American Journal of Agricultural Economics, 79, November, pp 1229-42. 

Nguyễn Anh Phương (2016a). Quy trình chính sách và phân tích chính sách trong hoạt động lập pháp ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 02+03 (306+307), Hà Nội. 

Nguyễn Anh Phương (2016b). Một số vấn đề của nghiên cứu chính sách và ứng dụng lập pháp ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 09 (313), tr. 31-40, Hà Nội. 

Nguyễn Đăng Thành (2012). Đánh giá chính sách công ở Việt Nam: vấn đề và giải pháp, Tạp chí Cộng sản, ngày 17/12/2012. http://www.tapchicongsan.org.vn/

Ostrong, Elinor; James Walker; Roy Gardner (1994). Rules, games, and common-pool resources. Ann Arbor: University of Michigan Press. 

Phạm Bảo Dương (2009). Báo cáo tóm tắt đề tài nghiên cứu chính sách khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Bộ NN&PTNT, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn. Hà Nội. 

Piesse J. and C. Thirtle (2010). Agricultural R&D, technology and productivity,.DOI. http://rstb.royalsocietypublishing.org/content/365/1554/3035 

Pineiro M., (2005). Agricultural Innovation Systems: Situation, Prospects and Research Needs. International Service for National Agricultural Research. 

Quốc hội (2006). Luật Chuyển giao Công nghệ, Luật số: 80/2006/QH 11, Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2006. 

Quốc hội (2013a). Luật Khoa học và Công nghệ, Luật số: 29/2013/QH 13, Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2013. 

Quốc hội (2013b). Luật Việc làm, Luật số: 38/2013/QH13, Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2013. 

Ravishankar, A (1996). Intellectual Property Rights and Indian Agriculture: Some Issues, Policy Brief No 7, NCAP-ICAR, New Delhi. 

Sabatier, P (2007). Theories of the Policy process, Westview Press. 

Schimmelpfennig D., Thirtle C. (1999)  Research spillovers between the European Community and the United States. Contemp. Econ. Policy 19, 457–468. 

Thirtle C., van Zyl J. (1994). Returns to research and extension in South African commercial agriculture, 1947–91. South Afr. J. Agric. Extension 23, 1–7. 

Thirtle, C., L. Lin, J. Holding, L. Jenkins and J. Piesse. 2004. “Explaining the Decline in UK Agri-cultural Productivity Growth.” Journal of Agricultural Economics 55(2): 343-366. 

Tổng cục Thống kê (2013). Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2012, Nxb Thống kê, Hà Nội. 

Trần Văn Hiếu (2004). Thực trạng và giải pháp cho sự liên kết “bốn nhà” trong sản xuất và tiêu thụ nông sản ở đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Khoa học 2004:1, tr. 180. 

Walker W, Fisher G (1994). Public Policy Analysis: a brief definition, RAND Paper. 

Whyte, William Foote, Greenwood Davydd J., Peter Lazes (1991). Participatory action research: through practice to science in social research, in William F. Whyte ed. Participatory Action Research. Sage Publications, Newbury Park, CA. 

Wildavsky, Aaron (1979). Speaking Truth to Power: The Art and Craft of Policy Analysis, Boston: Little Brown.

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét