Hà Hữu Nga
1. Các khái niệm liên quan
1.1. Khái niệm công nghệ: Quan niệm phổ biến trong giới công nghệ cho rằng công nghệ là kiến thức khoa học được đưa vào sử dụng thường xuyên vì lợi ích của nhân loại. Bất kỳ công nghệ mới nào cũng phải cạnh tranh để mang lại lợi ích kinh tế mà vẫn duy trì sinh thái thân thiện, khả năng tương thích xã hội và văn hóa. (Nigam S. N. and Gowda C. L. L., 1995). Các khái niệm đổi mới và công nghệ có liên quan chặt chẽ và thường được sử dụng thay thế cho nhau. Thuật ngữ này thường gắn liền với khoa học, kỹ thuật hoặc tri thức. Trong một góc nhìn rộng hơn, Eckhardt và Shane (2011) đề cập đến công nghệ như là một phương tiện cụ thể có thể được sử dụng để thực hiện một mục tiêu cụ thể, đặc biệt là để tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên. Chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp là việc áp dụng các kỹ thuật để kiểm soát sự tăng trưởng và thu hoạch các sản phẩm động vật và thực vật (Rubenstein, 2003). Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO 2009), một công nghệ nông nghiệp đã được chứng minh phải tuân thủ các nguyên tắc, chẳng hạn: công nghệ đó phải thích nghi với các địa điểm khác, và nó phải dễ dàng được các nhóm người sử dụng khác nhau áp dụng. Sự phát triển của công nghệ mới là quy trình từng bước và được giám sát bởi các quyết định quản lý, là quá trình phát triển sản phẩm mới, đổi mới sản phẩm. Mặt khác, Crawford và Benedetto (2008) đã đề xuất một quy trình sản phẩm công nghệ mới gồm năm giai đoạn: (i) xác định cơ hội, (ii) đề xuất khái niệm, (iii) đánh giá dự án, (iv) phát triển sản phẩm, và (v) giới thiệu sản phẩm. Các mô hình của Cooper (2008), Crawford và Benedetto (2008) về cơ bản là sự phát triển của công nghệ mới của các nhà sáng tạo hoặc sản xuất công nghệ.
Cũng cần phải lưu ý là Việt Nam có quan niệm riêng về khoa học và công nghệ và các vấn đề có liên quan. Luật Khoa học và Công nghệ định nghĩa: “Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy. Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm. Hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ. Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn. Phát triển công nghệ là hoạt động sử dụng kết quả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, thông qua việc triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm để hoàn thiện công nghệ hiện có, tạo ra công nghệ mới. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ là những vấn đề khoa học và công nghệ cần được giải quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển khoa học và công nghệ. Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.” (Quốc hội 2013, Điều 3).
1.2. Khái niệm chuyển giao công nghệ: Khái niệm chuyển giao công nghệ không phải là mới, mà nó đã tồn tại trong một thời gian dài, nhưng vẫn còn gây tranh cãi. Ví dụ, Spencer (1970) coi chuyển giao công nghệ là chuyển động có chủ đích của loại công nghệ đã thành hoặc cải tiến một kỹ thuật thành kỹ thuật mới. Trong khi Gee Sherman (1981) gọi chuyển giao công nghệ là việc áp dụng các công nghệ vào việc sử dụng hoặc người sử dụng mới. Li-Hua (2004) xem chuyển giao công nghệ như là việc thích ứng và sử dụng được tri thức công nghệ của các cá nhân, nhóm hay xã hội khác với các cá nhân, nhóm hay xã hội đã phát triển chính công nghệ đó. Bằng một khái niệm rộng hơn, Power và McDougall (2005) định nghĩa chuyển giao công nghệ là quá trình mà các công nghệ được phát triển bởi tổ chức nghiên cứu của chính phủ được chuyển thành sản phẩm hàng hoá. Bessant và Francis (2005) cho rằng chuyển giao công nghệ là tương tác hai chiều: theo chiều dọc là sản xuất một sản phẩm, thiết bị hoặc quá trình mới theo một chuyên ngành khoa học, kỹ thuật nhất định; theo chiều ngang là chuyển nhượng qua các biên giới, chẳng hạn như các nước, các ngành công nghiệp hoặc doanh nghiệp (Huda 2006). Chuyển giao KHCN trong phát triển nông thôn có các nội dung cụ thể sau: i) là một quá trình gồm nhiều bước, nhiều giai đoạn, tiêu tốn một khoảng thời gian nhất định nhằm xác lập các mối quan hệ; ii) diễn ra thông qua nhiều kênh giao tiếp, liên quan đến nhiều đối tác khác nhau, với cơ chế vận hành và kiểm soát khác nhau; iii) đối tượng chuyển giao đa dạng, bao gồm những tiến bộ KHCN đã được khẳng định tính đúng đắn, và cả những tiến bộ do chính người nông dân đúc kết ra từ kinh nghiệm thực tiễn của họ; iv) đối với nông dân, thực chất của việc chuyển giao KHCN là những biện pháp xúc tiến phát triển sản xuất và tạo điều kiện để nông hộ phát huy tốt nhất hiệu quả sản xuất của họ (Nigam S. N. and Gowda C. L. L., 1995).
1.3. Chuyển giao công nghệ theo quan niệm của Việt Nam: Đối với Việt Nam, Luật Chuyển giao Công nghệ định nghĩa “Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm” (Quốc hội, 2006; Khoản 2, Điều 3), do đó, chuyển giao công nghệ là: “…chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ” (Quốc hội, 2006; Khoản 2, Điều 3, Khoản 8, Điều 3). Vậy chuyển giao công nghệ chính là liên quan đến quyền sở hữu công nghệ hoặc quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ. Để thực hiện được hoạt động chuyển giao thì phải thực hiện xúc tiến tiến chuyển giao công nghệ, với tư cách: “…là hoạt động thúc đẩy, tạo và tìm kiếm cơ hội chuyển giao công nghệ; cung ứng dịch vụ quảng cáo, trưng bày, giới thiệu công nghệ; tổ chức chợ, hội chợ, triển lãm công nghệ, trung tâm giao dịch công nghệ.” (Quốc hội, 2006; Khoản 2, Điều 3, Khoản 21, Điều 3). Như vậy, việc xây dựng đội ngũ khoa học kỹ thuật tham gia vào chuyển giao công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới chính là một quá trình thúc đẩy quá trình nghiên cứu, đưa ra các công nghệ mới, đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, từ đó chuyển giao lại cho người dân trực tiếp sử dụng. Liên quan đến các nội dung công nghệ có thể được chuyển giao, Luật này cũng quy định gồm: i) Bí quyết kỹ thuật; ii) Kiến thức kỹ thuật về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu; iii) Giải pháp hợp lý hoá sản xuất, đổi mới công nghệ (Quốc hội, 2006; Khoản 2, Điều 3, Khoản 1, Điều 7).
2. Các phương thức chuyển giao công nghệ
Thành tựu lớn nhất trong nghiên cứu chuyển giao KHCN của các học giả, các nhà khoa học trên thế giới là đã đề xuất được nhiều phương thức chuyển giao KHCN cho sự nghiệp xây dựng nông thôn hiện đại, chủ yếu bao gồm: i) Chuyển giao công nghệ (TOT - Transfer of Technology) thuần túy; ii) Chuyển giao công nghệ chọn lựa (ATT - Adoptive Technology Transfer); iii) Nghiên cứu hệ thống nông nghiệp (FSR - Farming System Research); iv) Chuyển giao công nghệ thông qua nghiên cứu hành động tham gia của nông dân (PAR - Participatory Action Research) (Whyte, William Foote, Greenwood Davydd J., và Peter Lazes, 1991). Trong đó phương thức chuyển giao thứ nhất là cách tiếp cận từ trên xuống (top-down), mang tính một chiều từ các tổ chức nghiên cứu, các đại học, học viện đến người nông dân, là cách chuyển giao bị phê phán là áp đặt, không xuất phát từ thực tiễn của người dân; phương thức chuyển giao thứ hai là cách tiếp cận từ dưới lên (bottom-up) trái chiều với cách thứ nhất, có thể giải quyết được nhiều vấn đề nảy sinh của cách tiếp cận thứ nhất, nhưng lại thường chắp vá, thiếu yếu tố tổng thể. Vì vậy người ta đã tìm cách phối hợp cả hai hướng tiếp cận trên để cho ra cách tiếp cận thứ ba, hướng tới việc khai thác tốt nhất các lợi thế của cả hai phía - nông dân và nhà khoa học - công nghệ. Mặc dù cách tiếp cận này đòi hỏi các khoản chi phí đắt đỏ hơn, nhưng hiệu quả thu được lại rất cao, đảm bảo tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên các thị trường ngày càng trở nên khó tính hơn (Ellis F., 1992).
2.1.Phương thức chuyển giao công nghệ thuần túy: Vào thập kỷ 1960, phương thức chuyển giao công nghệ (TOT) thuần túy trở nên phổ biến trên toàn thế giới, các kết quả nghiên cứu thường được thực hiện tại các cơ sở nghiên cứu tách biệt với người nông dân, sau đó được chuyển giao cho nông dân qua hệ thống khuyến nông. Các tiêu chuẩn sản phẩm nghiên cứu phải đáp ứng yêu cầu hiện đại, song thường bỏ qua yếu tố phù hợp với đối tượng áp dụng. Bên cạnh đó, người ta cũng không mấy quan tâm đến môi trường sinh thái và sự phù hợp với tập quán văn hóa xã hội của nông dân. Với vai trò là người sử dụng công nghệ, nông dân bị áp đặt và thường sử dụng KHCN một cách thụ động, công nghệ được chuyển giao không đáp ứng được nhu cầu của nông dân, khó hòa nhập vào đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa của họ, dẫn đến nhiều chương trình chuyển giao KHCN đã bị thất bại (Chambers R., và B.P. Ghildyal 1985). Phương thức chuyển giao này là cách tiếp cận từ trên xuống (top-down), mang tính một chiều từ các tổ chức nghiên cứu, các đại học, học viện đến người nông dân, là cách chuyển giao bị phê phán là áp đặt, không xuất phát từ thực tiễn của người dân.
2.2. Phương thức chuyển giao công nghệ ứng dụng: Phương thức chuyển giao công nghệ ứng dụng (ATT) đã khắc phục được những điểm yếu của phương thức TOT bằng cách quan tâm đến tính phù hợp với địa phương, tính tương thích với điều kiện kinh tế - xã hội của nông dân. Điểm đặc trưng nhất của phương thức khuyến nông này là hệ thống tập huấn - thăm quan các mô hình trình diễn hoặc các điển hình thành công trong chuyển giao công nghệ ứng dụng (Benor, D. and M. Baxter, 1984). Mặc dù phương thức khuyến nông này đem lại kết quả tốt, song phần lớn chỉ tập trung vào đối tượng nông dân khá giả, có thị trường đầu vào thuận lợi. Chuyển giao KHCN theo phương thức này không hiệu quả đối với nông dân nghèo (Selener J.D. 1989). Theo các nhà khuyến nông học thì hệ thống này có các ưu nhược điểm sau: i) Hệ thống này được tạo ra chủ yếu để truyền bá các khuyến cáo về kỹ thuật; ii) Các chỉ tiêu về yêu cầu đầu tư, các yếu tố đầu vào cao, nông dân nghèo rất khó đáp ứng; iii) Việc phổ biến công nghệ, kỹ thuật đòi hỏi một số lượng cán bộ đông đảo, với chất lượng cao; iv) Việc tham gia của nông dân vào các lớp tập huấn thường không đảm bảo đầy đủ, nhất là những nông dân nghèo, nông dân vùng sâu, vùng xa; v) Đối tượng chủ yếu là nông dân khá giả nên các ý kiến phản hồi của người dân không chính xác (Selener J. D. 1989). Phương thức chuyển giao này là cách tiếp cận từ dưới lên (bottom-up), có thể giải quyết được nhiều vấn đề nảy sinh của cách tiếp cận thứ nhất, nhưng lại thường chắp vá, thiếu yếu tố tổng thể.
2.3. Phương thức chuyển giao qua nghiên cứu hệ thống nông nghiệp: Phương thức chuyển giao KHCN theo hệ thống nghiên cứu nông nghiệp (FSR) ra đời vào cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, chủ yếu tập trung vào: i) Mối quan hệ phụ thuộc giữa các yếu tố hợp thành của hệ thống trang trại nông hộ và quan hệ giữa các nông trại với các đối tác trong nền kinh tế địa phương, vùng và quốc gia; ii) Trong thực tế cả người nghiên cứu lẫn đội ngũ khuyến nông vẫn thường thực hiện cách chuyển giao cũ, bỏ qua các nhu cầu thực sự của nông dân nghèo; iii) Hệ thống nông nghiệp bao gồm nhiều lĩnh vực, nhiều bộ phận, nên việc thu thập số liệu thường dàn trải và không dễ xử lý; người nghiên cứu thường gặp khó khăn trong phương pháp tiếp cận liên ngành và đa ngành; iv) Sự liên kết giữa nông dân và cán bộ nghiên cứu thường lỏng lẻo, bởi vì cơ chế chia sẻ lợi ích giữa hai bên thường không rõ ràng. Phương thức này tìm cách phối hợp cả hai hướng tiếp cận trên để cho ra cách tiếp cận thứ ba, hướng tới việc khai thác tốt nhất các lợi thế của cả hai phía - nông dân và nhà khoa học - công nghệ. Mặc dù cách tiếp cận này đòi hỏi các khoản chi phí đắt đỏ hơn, nhưng hiệu quả thu được lại rất cao, đảm bảo tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên các thị trường ngày càng trở nên khó tính hơn (Ellis F. 1992).
2.4. Phương thức chuyển giao có sự tham gia của người dân: Phương thức chuyển giao KHCN có sự tham gia của người dân, hay còn gọi là nghiên cứu hành động tham gia [PAR] có thể khắc phục được các nhược điểm mà vẫn khai thác được các lợi thế của những cách tiếp cận trước đó nhờ vào các nhân tố sau: i) Nông dân và cán bộ nghiên cứu cùng xác định các vấn đề khó khăn mà nông dân gặp phải; ii) Chuyên gia và nông dân cùng bàn bạc để tìm ra các giải pháp nhằm vượt qua các khó khăn đó; iii) Việc thử nghiệm công nghệ mới do nông dân làm chủ dưới sự hướng dẫn và giám sát kỹ thuật của chuyên gia công nghệ; iv) Sau khi kết thúc một chu kỳ, nhà KHCN cùng nông dân đánh giá, tổng kết để có thể ứng dụng đại trà, và kết quả có thể được thể chế hóa để nhân rộng bằng cách huy động tối đa sự tham gia của nông dân (Rhoades, Robert E. 1987; Ashton, Jeff 1994). Ngoài ra các nhà nghiên cứu cũng đề xuất ba phương pháp cụ thể trong phương thức tham gia, đó là: Phương pháp tiếp xúc nhóm trong chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật định hướng tới một nhóm nông dân theo những mục tiêu đã định. Phương pháp tiếp xúc cá nhân: xác định truyền bá tri thức đến cá nhân từng nông hộ bằng cách gặp trực tiếp, trao đổi quan thư từ, Email, điện thoại giúp nông dân giải quyết các vấn đề cụ thể nên rất có hiệu quả. Phương pháp chuyển giao qua thông tin đại chúng hướng đến việc xây dựng các kênh thông tin đại chúng chuyên biệt và phổ cập nhằm phổ biến kiến thức tới toàn thể nông dân qua các phương tiện như Truyền hình, Radio, báo, các áp phíc, quảng cáo.
Trong Luật Chuyển giao Công nghệ của Việt Nam, phương thức chuyển giao công nghệ cũng được quy định rõ gồm tài liệu, đào tạo, tư vấn kỹ thuật, hoặc khác: i) Chuyển giao tài liệu về công nghệ; ii) Đào tạo cho bên nhận công nghệ nắm vững và làm chủ công nghệ theo thời hạn quy định trong hợp đồng chuyển giao công nghệ; iii) Cử chuyên gia tư vấn kỹ thuật cho bên nhận công nghệ đưa công nghệ vào sản xuất với chất lượng công nghệ và chất lượng sản phẩm đạt các chỉ tiêu và tiến độ quy định trong hợp đồng chuyển giao công nghệ; và iv) Phương thức chuyển giao khác do các bên thỏa thuận (Quốc hội, 2006; Khoản 2, Điều 3, Điều 18). Bên cạnh các lĩnh vực ưu tiên, Luật cũng quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với chuyển giao công nghệ ở các khu vực nông thôn, miền núi trong việc chuẩn bị nội dung chuyển giao cụ thể; trình báo cơ quan nhà nước; và chịu trách nhiệm hướng dẫn và về hậu quả của công nghệ (Quốc hội, 2006; Khoản 2, Điều 3, Điều 36). Trong khi đó, các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm tạo môi trường thuận lợi cho việc chuyển giao và đánh giá kết quả hàng năm (Quốc hội, 2006; Khoản 2, Điều 3, Điều 37).
3. Lý thuyết về nguồn lực cung ứng cho chuyển giao KHCN
3.1. Khái niệm các nguồn lực: Các nguồn lực, nói chung, được coi là các nguồn cung ứng nhằm tạo ra lợi ích. Các nguồn lực điển hình là các loại vật chất, năng lượng, dịch vụ, nhân lực, tri thức, hoặc các tài sản khác được biến đổi để tạo ra lợi ích và trong quá trình này có thể bị tiêu hao hoặc không có sẵn (Ricklefs, R.E., 2005; McConnell, C.R., S.L. Brue, and S.M. Flynn, 2011). Kinh tế học cổ điển công nhận ba loại nguồn lực, còn được gọi là các yếu tố sản xuất, gồm: đất đai, lao động, và vốn (Samuelson, P.A. and W.D. Nordhaus, 2004; Mankiw, N.G. 2008). Lao động hay nguồn nhân lực là các kỹ năng, năng lượng, tài năng, khả năng, hoặc tri thức (Samuelson, P.A. and W.D. Nordhaus, 2004; Berry, John 2004). Đối với kinh tế học hiện đại, vốn được chia thành nhiều loại khác nhau: i) Vốn cố định: bao gồm máy móc, đường xá, nhà xưởng, trường học, cơ sở hạ tầng, các cao ốc văn phòng mà con người đã sản xuất ra để tạo ra hàng hoá, dịch vụ và các hàng hoá khác; ngày nay, phần mềm máy tính cũng được coi là một hình thức vốn cố định, và không thay đổi do sản xuất hàng hoá; iii) Vốn lưu động: bao gồm các kho hàng hóa thành phẩm và bán thành phẩm sẽ được tiêu thụ để sản xuất; nó thường được gọi là hàng hóa luân chuyển; cụm từ “vốn lưu động” cũng được sử dụng để chỉ tiền tệ; iv) Vốn tài chính: là lượng tiền mà người ta đầu tư vào công việc kinh doanh; v) Vốn tiến bộ công nghệ: được phản ánh trong năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và phần dư Solow (Solow Residual), gọi là các hàm sản xuất, giải thích cho sự đóng góp của vốn và lao động. Lâu nay các nhà kinh tế học đã cố gắng đi tìm yếu tố thứ tư để bổ sung thêm vào bản danh sách ba yếu tố sản xuất của kinh tế học cổ điển. Ví dụ, đối với J.B. Clark, ngoài các yếu tố đất đai, lao động và vốn, thì các doanh nhân với chức năng phối hợp trong sản xuất và phân phối chính là yếu tố thứ tư (Clark, J.B., 1908). Frank Knight coi đó là các nhà quản lý điều phối việc sử dụng vốn tài chính - tiền của họ và vốn tài chính của người khác (Knight, Frank Hyneman, 2005). Nhưng hầu hết đều coi “vốn con người” hoặc “vốn xã hội” hoặc “vốn trí tuệ” - kỹ năng lao động, giáo dục, mạng quan hệ và kết nội xã hội, và tài sản trí tuệ - có thể là nhân tố thứ tư của sản xuất, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp cũng là một hình thức nguồn nhân lực hay nguồn lực con người (Ayres, Robert U.; Benjamin Warr, 2009). Trong cách hiểu thông thường của Việt Nam, các nguồn lực bao gồm: nhân lực, vật lực, tri thức công nghệ và tài lực (nguồn lực tài chính) và đối với các kế hoạch, còn có một nguồn lực vô cùng quan trọng nữa, đó chính là nguồn lực thời gian.
3.2. Nguồn nhân lực - Vốn con người: Nguồn nhân lực là một loại nguồn vốn, đó chính là Vốn con người - một khái niệm dùng để chỉ nguồn trữ lượng kỹ năng sản xuất và tri thức kỹ thuật hàm chứa trong lao động. Pigou (1928) là người đầu tiên sử dụng khái niệm vốn con người (human capital), sau đó được J. Mincer (1958) tiếp tục phát triển. Nhưng người xây dựng hệ mẫu cho khái niệm vốn con người là lại là nhà kinh tế học đoạt giải Nobel người Mỹ, G. Becker với tác phẩm Vốn con người nổi tiếng của ông (Becker G., 1964). Vốn con người có những đặc trưng cơ bản sau: Thứ nhất, giáo dục mang lại cho mỗi cá nhân việc làm và thu nhập phù hợp với trình độ của mình, và đó được coi là lợi ích cá nhân (OECD-HRM 2004). Nghiên cứu của Becker trước đó cũng công bố kết quả tương tự nhưng ông nhấn mạnh thêm giữa những người có cùng trình độ, thu nhập trung bình cũng khác nhau tuỳ thuộc vào giới tính và chủng tộc (Kruegger A.B. & Mikael Lindhl, 2000). Thứ hai, vốn con người thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Với dây chuyền sản xuất hiện đại, nhân công cần có kiến thức để hiểu việc mình đang làm, để có thể vận hành máy móc, hoặc để khắc phục sự cố nơi công xưởng (Nguyễn Trọng Chuẩn, 1996; Phạm Minh Hạc (chủ biên), 2007). Thứ ba, vốn con người góp phần tạo ra sự bền vững xã hội. Các lợi ích đó giúp làm giảm chi tiêu lợi tức xã hội như lương trợ cấp thất nghiệp, chi phí điều trị bệnh, chi phí cho việc đảm bảo an ninh trật tự (Putnam R.,2000).
3.3. Nguồn nhân lực tham gia chuyển giao KHCN nông thôn: Phương châm là mọi hoạt động đều hướng vào nông dân, có sự kết hợp chặt chẽ giữa nông dân với chuyên gia ngay tại nông hộ; Nông dân hoàn toàn có vai trò của một chuyên gia, bình đẳng với các nhà nghiên cứu cũng như đội ngũ cán bộ khuyến nông (Rhoades, Robert E. 1987). Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu và khuyến nông chuyên nghiệp khó chấp nhận sự lãnh đạo của nông dân; bản thân nông dân cũng mang tâm lý tự ti với địa vị, tri thức và học vấn của mình. Ngoài ra bản tính của người nông dân thường cổ hủ và đa nghi, và tâm lý này càng thêm nghiêm trọng nếu có những nhà khoa học, chuyên gia hoặc khuyến nông có tác phong làm việc áp đặt. Vì vậy cần có phương thức khơi dậy nhân tố con người trong công tác khuyến nông để giúp đỡ người nông dân tự hình thành ý kiến và đưa ra các quyết định đúng đắn; ở đây, giúp đỡ bao hàm nội dung mang tính nhân văn sâu sắc, lấy lợi ích của người nông dân làm xuất phát điểm của mình (Van den Ban A.W & H.S. Hawkin 1999, tr. 12 - 13). Bên cạnh đó, các tác động mang tính con người ảnh hưởng tới việc chuyển giao KHCN cho nông dân bao gồm các nhân tố sau: i) Nhóm nhân tố con người trong quan hệ với những yếu tố vật lý như loại đất, điều kiện thời tiết, địa hình; ii) Nhóm nhân tố phân bổ các nguồn lực tại địa phương; iii) Nhóm nhân tố hỗ trợ như tiếp cận tín dụng, tiếp cận thị trường, hiệu quả khuyến nông; iv) Nhóm nhân tố phi kinh tế như văn hóa, lối sống, phong tục tập quán; v) Nhóm nhân tố cơ chế chính sách của trung ương và địa phương có liên quan (Shaw M.L.G. & Gaines B.R., 1987). Về phương diện con người, chuyển giao KHCN là một quá trình gồm nhiều bước, nhiều giai đoạn, cần một khoảng thời gian nhất định nhằm xác lập các mối quan hệ, các hành vi của các bên liên quan, các đối tác tham gia chuyển giao KHCN.
3.4. Nội hàm khái niệm “huy động nguồn nhân lực KHKT”: Huy động nguồn nhân lực KHCN là một quá trình huy động xã hội. Lý thuyết huy động xã hội định nghĩa huy động xã hội là quá trình mà một nhóm/cấp độ xã hội tập hợp các nguồn lực (vật chất và / hoặc phi vật chất) và đặt chúng dưới sự kiểm soát tập thể với mục đích rõ ràng nhằm theo đuổi lợi ích của nhóm/ cấp độ xã hội đó thông qua các hoạt động tập thể (Jenkins, 1981; McCarthy and Zald 1977). Điều quan trọng là vấn đề chia sẻ lợi ích (Ferree and Miller, 1985) và vấn đề tạo động lực cho việc huy động xã hội như: tính tự nguyện, tình đoàn kết, lợi ích nhóm, lòng trung thành, trách nhiệm (Fireman, Bruce and William Gamson, 1979). Về khái niệm “huy động đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật”, trước hết, trong cụm từ trên, cần làm rõ hai từ quan trọng là “cán bộ”. Theo từ điển tiếng Việt thì “cán bộ” là người làm việc trong hệ thống cơ quan nhà nước; người giữ chức vụ, phân biệt với người bình thường không giữ chức vụ trong các cơ quan nhà nước” (Nguyễn Như Ý (chủ biên) 2010, tr.185). Như vậy thì “cán bộ” chính là những người thuộc hệ thống lực lượng lao động thuộc khu vực công, là người làm việc trong hệ thống các cơ quan, tổ chức, cơ sở, nhà máy, công ty …vv nhà nước Việt Nam. Đối với Đề tài, khái niệm “đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật” bao gồm tất cả nguồn nhân lực KHKT trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội trong nước, thậm chí cả nước ngoài, mà không chỉ giới hạn trong khu vực nhà nước Việt Nam, cụ thể là: i) Nguồn nhân lực KHKT ở các Viện nghiên cứu, Trường đại học, Trung tâm nghiên cứu; ii) Nguồn nhân lực KHKT ở cấp tỉnh: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm khuyến nông/khuyến ngư; iii) Nguồn nhân lực ở cấp huyện: Phòng NN&PTNT, Nguồn nhân lực khuyến nông/khuyến ngư; iv) Nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp phục vụ sản xuất/ kinh doanh nông nghiệp; v) Nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp KHCN, trong đó có cả đội ngũ chuyên gia tư vấn về các vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn; vi) Nguồn nhân lực KHKT ở địa phương, bao gồm trong các đơn vị, tổ chức: HTXNN, tư nhân, và cả người dân, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên khuyến nông ở cấp xã và thôn bản; và vii) Nguồn nhân lực KHKT, KHCN, chuyên gia tư vấn nước ngoài hợp tác, cộng tác KHCN, hoặc sản xuất, kinh doanh với các tổ chức, cá nhân có liên quan của Việt Nam. Như vậy rõ ràng khái niệm “đội ngũ cán bộ KHKT” hoàn toàn không bị bó hẹp trong phạm vi các nguồn lực nhà nước Việt Nam, mà phải mở rộng ra toàn xã hội không chỉ trong nước, mà còn cả quốc tế, bằng các phương thức xã hội hóa khác nhau. Các tổ chức chuyển giao công nghệ cần áp dụng cơ chế huy động xã hội đối với cả cá nhân và tập thể, cả khu vực công lẫn khu vực tư, nhằm tập hợp các thành viên của các tổ chức, các tổ chức dân sự, các nhóm tôn giáo, các cộng đồng phối hợp để đạt được các mục tiêu cụ thể.
4. Các lý thuyết liên quan đến việc huy động nguồn nhân lực KHKT
4.1. Lý thuyết động lực trong việc huy động nguồn nhân lực KHKT
Động lực là một lý thuyết cấu trúc được sử dụng để giải thích động cơ, hành vi tham gia của con người. Nó cho thấy nguyên do các hành động, ham muốn và nhu cầu của con người, làm cho một cá nhân, nhóm, tập thể người hành động để thỏa mãn các mong muốn, khao khát của mình (Ellliot, Andrew J; Covington, Martin, 2001). Động lực có thể được hình thành theo hình thái chu kỳ, trong đó tư tưởng, suy nghĩ tác động đến các hành vi, hành vi thúc đẩy hiệu suất, hiệu suất tác động trở lại đến tư tưởng, suy nghĩ, và cứ như vậy (Robbins, Trevor W; Everitt, Barry J. 1996). Động lực còn là kết quả của sự tham gia của các nhóm xã hội vào các hoạt động và các hành động trong một bối cảnh văn hoá nhất định, đặc biệt là những bối cảnh văn hóa mang tính truyền thống (Ryan, R. M. and Deci, E. L. 2000). Động lực thường được phân loại thành động lực bên trong (nội tại hoặc cố hữu) và động lực bên ngoài (ngoại tại, không mang tính cố hữu) (Rueda, Richard and Moll, Luis C. 1994). Động lực khuyến khích là quan niệm cụ thể về động cơ, xuất phát từ các nguyên tắc hành vi, để thực hiện một hành động nào đó. Phương thức khuyến khích phổ biến nhất là cơ chế thưởng - phạt. Phần thưởng có thể là hữu hình hoặc vô hình, và nói chung được thể hiện sau khi hành động đáng được tưởng thưởng hoặc đáng bị trừng phạt đã diễn ra (Rani, Rekha; Kumar-Lenka, Sameer 2012). Trong lý thuyết khuyến khích, các kích thích “thu hút” người ta và thúc đẩy người ta hành động để giành được phần thưởng. Lý thuyết khuyến khích liên quan đến việc củng cố các nhân tố tích cực: kích thích tăng cường bằng tưởng thưởng vật chất và/ hoặc tinh thần chính là tạo điều kiện để làm cho người nhận cảm thấy hạnh phúc hơn và thúc đẩy người ta tham gia tích cực và hiệu quả hơn. (Rani, Rekha; Kumar-Lenka, Sameer 2012). Về phương diện này Đề tài quan niệm việc sử dụng lý thuyết động lực làm một trong những cơ sở lý luận cho việc huy động nguồn nhân lực KHKT tham gia chuyển giao KHCN trong xây dựng NTM là điều cần thiết. Các phương thức huy động có thể bao gồm: i) sử dụng các cơ chế, chính sách bắt buộc liên quan đến trách nhiệm và nghĩa vụ công dân; ii) sử dụng các cơ chế, chính sách khơi dậy tinh thần tự nguyện, thiện nguyện, ý thức đạo đức, chính trị, xã hội, đức tin tôn giáo; iii) sử dụng các cơ chế, chính sách quản lý hành chính; iv) sử dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, bổ nhiệm, thăng tiến về sự nghiệp, tưởng thưởng bằng lương bổng; v) sử dụng các cơ chế, chính sách chia sẻ các quyền, các lợi ích kinh tế, chính trị, danh dự, vị thế và thang bậc xã hội khác nhau.
4.2. Lý thuyết phân tích các bên liên quan
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng nhằm xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại. Vì vậy tham gia thực hiện chương trình này bao gồm nhiều thành phần kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau mà khoa học quản lý gọi là các bên liên quan (stakeholders). Các bên liên quan hay còn gọi là các bên tham gia là những cá nhân, nhóm hoặc tổ chức có các mối quan tâm và các lợi ích gắn liền với một một chương trình (kế hoạch, dự án) nào đó, bao gồm cả những người được lợi và những người chịu thiệt thòi cũng như tất cả những ai được đưa vào hoặc bị loại ra khỏi các quá trình ra quyết định (Freeman, R. Edward (1984); Mitchell, Ron; Agle, B. R; Wood, D. J (1997). Các bên liên quan được phân thành 3 loại sau: i) Các bên liên quan chủ yếu là những người chịu tác động cơ bản kể cả tích cực (người hưởng lợi) và tiêu cực (những người chịu thiệt thòi); ii) Các bên liên quan thứ yếu là các cá nhân, nhóm, thể chế trung gian trong quá trình thực hiện chương trình (kế hoạch, dự án); iii) Các bên liên quan chủ chốt là những người có thể tác động đáng kể hoặc có vai trò quan trọng đối với sự thành công của chương trình (kế hoạch, dự án), theo mục đích và các mục tiêu ưu tiên của chương trình (kế hoạch dự án) đó. Lý thuyết các bên liên quan xây dựng qui trình phân tích 4 bước như sau: 1). Xác định các bên liên quan chủ yếu, thứ yếu, chủ chốt; 2). Xác định tác động của chương trình đến lợi ích của các bên liên quan ; 3). Đánh giá tầm quan trọng và ảnh hưởng của các bên liên quan; và quan trong nhất là bước thứ 4) Xây dựng chiến lược tham gia của mỗi bên liên quan bằng cách phân tích: i) Các lợi ích, tầm quan trọng, và tác động ảnh hưởng của mỗi nhóm liên quan ; ii) Cần đặc biệt nỗ lực đưa các bên liên quan quan trọng nhưng lại thiếu ảnh hưởng tham gia tích cực vào chương trình (đối với trường hợp của Đề tài, đó chính là nguồn nhân lực KHKT tham gia chuyển giao KHCN ở cấp cơ sở); iii) Các hình thức tham gia thích hợp của mỗi bên liên quan trong suốt vòng đời chương trình (Donaldson, Thomas and Preston, Lee E., 1995; Friedman, Andrew L. and Miles, Samantha 2002; Hà Hữu Nga, 2010).
4.3. Lý thuyết thể chế
Thể chế là các mô thức hành vi, cơ chế, các cấu trúc xã hội ổn định, có giá trị được sử dụng để hướng dẫn, điều khiển hành động của cá nhân, nhóm xã hội nhất định. Khái niệm thể chế bao gồm cả các thể chế phi chính thức như phong tục tập quán, hoặc các mô thức hành vi quan trọng đối với một xã hội (Durkheim, Émile, 1895, 1964), và các thể chế chính thức cụ thể bao gồm hệ thống luật pháp, chính sách, cơ chế, quy chế được tạo ra bởi các thực thể nhà nước và các dịch vụ công. Với tư cách là các cấu trúc và cơ chế trật tự xã hội, các thể chế là đối tượng nghiên cứu chính của nhiều ngành khoa học xã hội, trong đó đặc biệt có khoa học chính sách (Huntington, Samuel P., 1965). Lý thuyết thể chế xem xét các khía cạnh và các nguyên tắc quy định, vận hành cấu trúc xã hội. Nó xem xét các quy trình xác lập các cấu trúc, bao gồm các lược đồ, quy tắc, chuẩn mực thành luật pháp, chính sách hướng dẫn hành động xã hội (DiMaggio, Paul J. and Powell, Walter W. (eds.) (1991). Tóm lại thể chế là hệ thống quy tắc, luật lệ, chính sách và cùng với nó là các hệ thống tổ chức thực thi nhằm hướng dẫn, điều tiết, phối hợp các hành vi, hoạt động của cá nhân, nhóm xã hội vì những mục tiêu chung. Hệ thống đó bao gồm đầy đủ các nguyên tắc, các luật, các quy định tương tác, việc tổ chức thực thi các tương tác dựa trên cơ sở các nguyên tắc, các luật, các quy định và cơ chế chính sách được xác lập một cách minh bạch (North D.C. 1990; Hodgson G. M. 2006). Lý thuyết thể chế xem xét cách thức đề xuất, chấp nhận, phổ biến và vận hành các loại thể chế trong các khuôn khổ xã hội khác nhau. Mặc dù các thể chế, chính sách, cơ chế, nguyên tắc rõ ràng là những cấu trúc có tính ổn định trong đời sống xã hội, nhưng các nhà hoạch định luật pháp, chính sách nhất thiết phải xem xét không chỉ tính đồng thuận và phù hợp mà còn cả tính xung đột và thay đổi trong các loại hình thể chế khác nhau của xã hội (Scott, W. Richard, 1995, 2008). Đối với Đề tài, lý thuyết thể chế là một công cụ lý luận rất hữu ích giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến việc đề xuất cơ chế chính sách huy động nguồn nhân lực KHKT tham gia chuyển giao KHCN trong xây dựng NTM.
______________________________________________
Còn nữa…
Nguồn: Hà Hữu Nga (2017). Lý thuyết chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Bài viết cho Đề tài cấp Nhà nước Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách huy động đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật tham gia chuyển giao khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới (thuộc Chương trình Khoa học Công nghệ Phục vụ Nông thôn mới) do tác giả làm Chủ nhiệm Đề tài (2017-2018).
Tài liệu dẫn
Ashton, Jeff, (1994). A short tale of the long history of season extension. The Natural Farmer. Spring Press.Shaw M.L.G. & Gaines B.R. 1987
Ayres Robert U; Benjamin Warr (2009). The Economic Growth Engine: How Energy and Work Drive Material Prosperity. Edward Elgar Publishing.
Becker Gary S. (3rd ed.) (1964, 1993). Human Capital: A Theoretical and Empirical Analysis, with Special Reference to Education. Chicago, University of Chicago Press.
Benor, D. and M. Baxter (1984). Agricultural Extension – the training and visit system. The World Bank,Washington, D.C., U.S.A.
Berry, John. 2004). Tangible Strategies for Intangible Assets. McGraw-Hill.
Bessant J. & Francis, D. (2005). Transfer of technologies: exploring adaptive theory. Journal of Technology Management and Sustainable Development No. 4, 95-112.
Chambers R., and B.P. Ghildyal (1985). Agricultural Research for Resource-Poor Farmers: the Farmer-First-and-Last Model (Discussion Paper), Institute of Development Studies IDS, University of Sussex, Brighton.
Clark, J.B. (1908). The Distribution of Wealth. New York: The Macmillan Company.
Cooper R.G. (2008). The stage-gate, Idea-to-launch process –update, what’s new and Next-Gent systems. Journal Product Innovation Management 25, 213-232.
Crawford, M. & Benedetto, A.D. (2008). New product development. 9th ed. McGraw-Hill. New York.
DiMaggio, Paul J. and Powell, Walter W. (eds.) (1991). The New Institutionalism and Organizational Analysis, pp. 1–38. Chicago: University of Chicago Press.
Donaldson, Thomas; Preston, Lee E. (1995). The Stakeholder Theory of the Corporation: Concepts, Evidence, and Implications. Academy of Management Review. Academy of Management. 20 (1): 70–71.
Durkheim, Émile (1895, 1964). The Rules of Sociological Method 8th edition, trans. Sarah A. Solovay and John M. Mueller, ed. George E. G. Catlin (1964 edition).
Eckhardt, J.T. & Shane, S.A. (2011). Industry changes in technology and complementary assets and the creation of high-growth firms. Journal of Business Venturing 26, 412-430
Ellliot, Andrew J; Covington, Martin (2001). Approach and Avoidance Motivation. Educational Psychology Review. 13 (2001): 2.
Ellis F. (1992). Agricultural policies in developing countries, Cambridge University Press, Cambridge, UK.
FAO (2009). FAO Quarterly Statistical Report. http://www.fao.org.
Ferree, Myra Marx and Frederick D. Miller (1985). Mobilization and Meaning: Toward an Integration of Social Psychological and Resource Perspectives on Social Movements. Sociological Inquiry 55: 38-61.
Fireman, Bruce and William Gamson (1979). Utilitarian Logic in the Resource Mobilization Perspective." Pp. 8-44 in The Dynamics of Social Movements, edited by Mayer N. Zald and John D. McCarthy. Cambridge: Winthrop.
Freeman, R. E (1984). Strategic Management – A Stakeholder Approach, Pitman Publishing Inc.
Friedman, Andrew L.; Miles, Samantha (2002). Developing Stakeholder Theory. Journal of Management Studies. 39 (1): 1–21.
Hà Hữu Nga (2010). Phân tích các bên liên quan trong các Dự án lớn và các Chương trình Trợ giúp Phát triển. Tài liệu Hướng dẫn, được chuẩn bị theo yêu cầu của Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội, và tác giả trực tiếp tham gia tập huấn tại các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Nam, Gia Lai, Kiên Giang năm 2010.
Hodgson, Geoffrey M. (2006). What Are Institutions? Journal of Economic Issues, Vol. XL No. 1 March 2006.
Huda, I. (2006). An approach to the development of infrastructure technology transfer methodology based on actor-network theory. Doctoral thesis. Universiti Kebangsaan Malaysia.
Huntington, Samuel P. (1965). Polical Development and Political Decay. World Politics. 17 (3): 386–430.
Jenkins J. Craig (1981). Social Movements. Department of Sociology, University of Missouri, Columbia.
Knight, Frank Hyneman (2005). Risk, Uncertainty and Profit. Cosimo, Inc.
Kruegger A.B. & Mikael Lindhl (2000). Education for Growth: Why and For Whom?. NBER Working Papers 7591, National Bureau of Economic Research, Inc.
Li-Hua, R. (2004). Technology and knowledge transfer in China: The Chinese Economy Series. Newcastle Business School. England.
Mankiw, N.G. (2008). Principles of Economics, 5th ed. South-Western College Publishing, Boston, MA.
McCarthy, John D. and Zald, Mayer N. (1973). The Trend of Social Movements. Morristown, NJ: General Learning Press.
McConnell, C.R., S.L. Brue, and S.M. Flynn (2011). Economics: principles, problems, and policies, 19th ed. McGraw-Hill/Irwin, New York, NY.
Mincer J. (1958), Investment in human capital and personal income distribution, Journal of Political Economy, vol. 66, no. 4, pp. 281–302, 1958.
Mitchell, R. K. Bradley, R. A. and Wood, D. J. (1997). Toward a Theory of Stakeholder Identification and Salience: Defining the Principle of Who and What really Counts. In The Academy of Management Review, 22(4), 853-885.
Nguyễn Như Ý (chủ biên) – Nguyễn Văn Khang – Vũ Quang Hào – Phan Xuân Thành, 2010. Đại từ điển tiếng Việt. (Tái bản lần thứ 9, sửa chữa, bổ sung), Nxb. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyễn Trọng Chuẩn (1996). Nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Nigam S. N. and Gowda C. L. L. (1995). Technology development and transfer in agriculture. in Achieving high groundnut yields: proceedings of an international workshop, 25-29 Aug., 1995, Laixi City, Shandong, China (Renard, C., Gowda, C.L.L., Nigam, S.N., and Johansen, C. eds.). Pages 183-193.
North D.C. (1990). Institutions, Institutional Change and Economic Performance. Cambridge University Press.
OECD-HRM (2004). Trends in Human Resources Management Policies in OECD Countries. An Analysis of the Results of the OECD Survey on Strategic Human Resources Management, Paris: Human Resources Management Working Party, OECD Headquarters, 7-8.10.2004.
Phạm Minh Hạc (chủ biên) (2007). Phát triển văn hoá con người và nguồn nhân lực thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Pigou, Arthur Cecil (1928). A Study in Public Finance. London: Macmillan. p. 29.
Powers, J.B. & McDougall, P. (2005). Policy orientation effects on performance with licensing to start-ups and small companies. Policy Research 34, 1028-1042.
Putnam, Robert (2000). Bowling Alone: The Collapse and Revival of American Community. Simon and Schuster.
Quốc hội (2006). Luật Chuyển giao Công nghệ, Luật số: 80/2006/QH 11, Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2006.
Quốc hội (2013). Luật Khoa học và Công nghệ, Luật số: 29/2013/QH 13, Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2013.
Rani, Rekha; Kumar-Lenka, Sameer (2012). Motivation and Work Motivation: Concepts, Theories & Researches. International Journal of Research in IT & Management. 2 (8).
Rhoades, Robert E. (1987). Farmers and Experimentation. Discussion Paper 21. London: Agricultural Administration Unit. Overseas Development Institute.
Ricklefs, R.E. (2005). The Economy of Nature (6th ed.). New York, NY: WH Freeman.
Rubenstein, K.D. (2003). Transferring public research: the patent licensing mechanism in agriculture. Journal of Technology Transfer 28,111-130.
Rueda, Richard; Moll, Luis C. (1994). A Sociocultural Perspective on Motivation. In O'Neill, Jr., Harold F.; Drillings, Michael. Motivation: Theory and Research. Hillsdale, NJ: Lawrence Erlbaum Associates, Inc.
Ryan, R. M.; Deci, E. L. (2000). Self-determination theory and the facilitation of intrinsic motivation, social development, and well-being. American Psychologist. 55 (1): 68–78.
Samuelson, P.A. and W.D. Nordhaus (2004). Economics, 18th ed. McGraw-Hill/Irwin, Boston, MA.
Scott, W. Richard (2008). Institutions and Organizations: Ideas and Interests. Los Angeles, CA: Sage Publications.
Scott, W. Richard (1995). Institutions and Organizations. Thousand Oaks, CA: Sage.
Selener J.D. (1989). The historical development of the training and visit system of agricultural extension: implications for developing countries. Project report M.P.S. Agr.--Cornell University, Jan., 1989.
Shaw, M.L.G. & Gaines, B.R. (1987). An interactive knowledge elicitation technique using personal construct technology. Kidd, A., Ed. Knowledge Elicitation for Expert Systems: A Practical Handbook. pp.109-136. Plenum Press.
Sherman, Gee (1981). Technology Transfer, Innovation, and International Competitiveness. Wiley Publisher, Wisconsin – Madison.
Spenser, D.L. (1970). Technology Gap in perspective: Strategy of International technology transfer. New York: Sparton Books.
Van den Ban A.W. & H.S. Hawkins (1999). Khuyến nông. (Người dịch Nguyễn Văn Linh), Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.
Whyte, William Foote, Greenwood Davydd J., Peter Lazes (1991). Participatory action research: through practice to science in social research, in William F. Whyte ed. Participatory Action Research. Sage Publications, Newbury Park, CA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét