Powered By Blogger

Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2021

Báo cáo Thực địa

Hà Hữu Nga

I. Mục tiêu

- Tham vấn với các bên liên quan cấp tỉnh, huyện, xã, thôn bản và người dân về chia sẻ lợi ích trong khuôn khổ Chương trình giảm phát thải (ER-P) tại tỉnh Hà Tĩnh.

- Xem xét các khía cạnh về giới, dân tộc thiểu số trong chia sẻ lợi ích thuộc Chương trình giảm phát thải (ER-P) tại tỉnh Hà Tĩnh.

II. Phương pháp và cách tiếp cận

- Nhóm thực địa sử dụng cách tiếp cận chuyên gia và thảo luận bàn tròn đối với các cán bộ và các chuyên gia ở cấp tỉnh, huyện và lãnh đạo xã;

- Nhóm thực địa sử dụng cách tiếp cận tham gia đối với người dân thuộc Thôn I (người Kinh) và bản Rào Tre (người Chứt), thuộc xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

III. Thực hiện tham vấn

1. Với lãnh đạo và chuyên viên các ban ngành xã Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh:

Xã Hương Liên có 687 hộ, 2493 khẩu phân bố tại 5 thôn và 1 bản dân tộc thiểu số. Trong xã có 120 hộ với 420 khẩu theo Thiên Chúa giáo. Trong đó tổng hồ sơ về đất nông nghiệp là 509 bộ, hiện đã cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho 485 bộ, còn lại 24 bộ do các hộ dân nhận sót thửa nên đang được bổ sung. Tổng số hồ sơ về đất lâm nghiệp là 329 bộ, trong đó cấp giấy chững nhận sử dụng đất đợt 1 năm 2009 cho 39/104 bộ hồ sơ; hiện còn 65 bộ hồ sơ không khớp số liệu nên phải làm lại; đợt giao đất lần thứ 2 năm 2014 có 225 bộ hồ sơ, hiện đã cấp được 213 bộ, còn lại 12 bộ, trong đó có 6 bộ hồ sơ liên quan đến đất 661 chưa thống nhất thủ tục. 

Bảng 1. Tỷ lệ hộ nghèo - cận nghèo xã Hương Liên năm 2014

 

TT

Thôn xóm

Số hộ

Hộ nghèo

Hộ cận nghèo

Hộ

Khẩu

%

Hộ

Khẩu

%

1

Xóm 1

130

12

27

9.23

15

40

11.53

2

Xóm 2

116

7

10

6.03

25

77

21.56

3

Xóm 3

153

18

38

12.41

24

86

15.68

4

Xóm 4

135

18

49

13.33

28

75

20.74

5

Xóm 5

112

8

14

7.14

21

75

18.75

6

Bản Rào Tre

34

34

34

100.00

0

0

0

Σ

 

680

97

172

14.26

113

353

16.62

Chị em người Kinh giúp người Chứt làm ruộng, trồng rau màu để cải thiện sinh kế, nhưng đa số phụ nữ người Chứt vẫn còn tâm lý ỷ nại, trông chờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài mà chưa thực sự cố gắng để có thể tự mình thực hiện. Về kinh nghiệm làm ăn thì trước khi được bộ đội biên phòng giúp đỡ, người Chứt chủ yếu sống bằng săn bắt hái lượm, không biết trồng cấy; chủ yếu duy trì lối sống du canh du cư, dựa vào các nguồn tự nhiên trong rừng và sông suối. Ngay cả khi được nhà nước giúp định canh định cư thì họ vẫn không bỏ theo quen du canh du cư. Chỉ đến năm 1976, khi có bộ đội biên phòng về bản sống cùng thì họ mới thôi du canh du cư. Mới đây, người Chứt được giao rừng, với tổng diện tích là 101,68 ha (bình quân mỗi hộ là 1,47ha), trước đó họ cũng được giao rừng cộng đồng cho cả bản với 3,4 ha ở bản cũ. Nhưng họ quản lý còn nhiều yếu kém, và thường bị người một số người Kinh lợi dụng như mua rẻ bán đắt các sản phẩm liên quan đến rừng cũng như công sức lao động của họ.

Đặc tính của người Chứt là họ không lo nghèo đói, không lo mất mùa; dù đang mùa đói kém nhưng trong nhà chỉ còn 1 kg gạo thì họ cũng sẵn sàng đem cho nếu có ai xin. Họ thường bị lợi dụng giá cả, mua bán, và không quan tâm gì đến quản lý kinh tế hộ gia đình. Vì ở xa trung tâm nên bất cứ sản phẩm gì của người Chứt sản xuất ra cũng đều khó bán, và ngược lại bất cứ hàng hóa nào phải mua thì cũng thường chịu giá cả cao hơn, vì chi phí vận chuyển. Thực tế này góp phần kìm hãm quá trình phát triển kinh tế và giao lưu hàng hóa không chỉ với người Chứt nói riêng mà còn cả đối với người dân xã Hương Liên nói chung. Việc phát triển một con đường từ bản Rào Tre của xã Hương Liên đến Quảng Bình sẽ giúp tăng cường giao lưu trong nội bộ người Chứt, không những giúp giảm được tình trạng hôn nhân cận huyết, mà còn tăng cường các mối quan hệ giao lưu kinh tế - xã hội - văn hóa cho cộng đồng người Chứt bản Rào Tre vốn có cuộc sống tách biệt đã lâu.

2. Tham vấn người Chứt ở bản Rào Tre xã Hương Liên:

Người Chứt sống tại bản Rào Tre, có 40 hộ và 139 khẩu, trong đó có 65 nữ và 74 nam. Cơ cấu độ tuổi: i)  0 -  3 tuổi: 17; ii) 04 - 5 tuổi: 9; iii) 06 - 15 tuổi: 25; iv) 16 - 32 tuổi: 47; v) 33 - 45 tuổi: 23; vi) 46 - 60 tuổi: 15; vii) 61 - 70 tuổi: 02; viii) Trên 70 tuổi: 01. Hoạt động truyền thống của họ là săn bắt, hái lượm các sản vật có sẵn trong tự nhiên. Vì vậy du canh, du cư là phương thức sống rất thân thuộc đối với người Chứt. Cho đến nay tình trạng nghèo đói vẫn còn phổ biến đối với cộng đồng người Chứt tại bản Rào Tre: mỗi năm chính quyền và bộ đội biên phòng phải trợ cấp cho cộng đồng này tới 9 tháng gạo ăn. Sở dĩ có tình trạng này là vì họ quen sống phụ thuộc vào các sản vật của tự nhiên ở trong rừng, nay rừng bị tàn phá và bị khai thác gần như cạn kiệt, cho nên cộng đồng người Chứt ở Rào Tre đã bị mất đi nguồn sinh kế chính của họ. Trong khi đó tại khu vực này có xây dựng đập thủy điện Hố Hô, và con đập đã tác động lớn đến sinh kế của người dân nơi đây, làm thu hẹp diện tích đất canh tác, rừng sản xuất và các sản vật tự nhiên mà người dân Hương Liên nói chung và người Chứt nói riêng, vẫn khai thác. Hiện tại cả bản Chứt có 3,2 ha ruộng lúa nước; tuy nhiên vẫn còn 5 hộ là Hồ Sanh, Hồ Duyên, Hồ Thị Tình, Hồ Thị Nậm, Hồ Púc không có ruộng lúa nước. Ngoài Hồ Thị Nậm (sinh năm 1941, già cả, đơn thân), số còn lại không có ruộng lúa nước là vì mới tách hộ ra ở riêng. Các hộ gia đình bản Rào Tre có 34 ha đất rừng sản xuất, nhưng chưa chia cho các hộ gia đình, hộ nào có sức làm được diện tích bao nhiêu thì giao bấy nhiêu. Hộ được giao nhiều nhất là 1 ha, gồm Hồ Hà, Hồ Thị Nam, và Hồ Nho.

Trong khoảng đất vườn nhà mình, người Chứt thường trồng keo, cam và bưởi. Riêng keo, đã có hộ bán được 2 lứa. Số keo này là dự án trồng chung cả bản, sau đó vào năm 2015, tính ngày công để chia cho các hộ gia đình. Lứa keo bán đầu tiên với diện tích 12 ha, được 40 triệu đồng và chia chung cho mọi người dân trong bản. Phương án chia được chính quyền và người dân bàn bạc đồng thuận: chia theo ngày công lao động, những người không có sức lao động thì được bàn con trong bản thống nhất cho từ 100 - 200.000 đồng. Ngoài ra có để lại 8 triệu đồng làm quỹ thanh toán cho công ty keo đã cung cấp giống cho người dân bản Rào Tre. Người Chứt bản Rào Tre cũng đã biết phát triển chăn nuôi: cả bản hiện có 8 con trâu, 18 con bò, một số hô đã nuôi được 2-3 con bò, trong số đó có hộ gia đình bà Nam, trưởng bản. Vấn đề giới trong bản người Chứt: về học vấn thì trước đây phụ nữ người Chứt không được đi học, nhưng từ năm 1970, khi Bộ đội biên phòng tổ chức các lớp xóa mù chữ cho người Chứt thì phụ nữ người Chứt đã bắt đầu được học. Họ duy trì phong tục sinh con ngoài rừng, người phụ nữ tự xoay xở, sau 15 ngày đến 1 tháng mới đưa về nhà. Số giờ lao động của phụ nữ người Chứt trong ngày không dài như phụ nữ Kinh: phụ nữ Chứt chỉ làm 5-6 tiếng/ngày; trong khi đó phụ nữ người Kinh thôn I cũng thuộc xã Hương Liên làm đến 14 giờ/ngày, cá biệt có những phụ nữ làm đến 16 giờ/ngày.

Hôn nhân cận huyết là một vấn đề khá nghiêm trọng về phương diện duy trì nòi giống và tộc người đối với người Chứt. Bên cạnh đó là tình trạng chênh lệch giới tính ở độ tuổi kết hôn, đã có lúc lên đến tỷ lệ 14 nam/ 1 nữ. Để khắc phục tình trạng này, địa phương đã tạo điều kiện để người Chứt có các mối quan hệ hôn nhân với người Kinh và các cộng đồng người Chứt ở Quảng Bình. Bộ đội biên phòng cũng có các hoạt động mai mối cho các nam nữ thanh niên người Chứt giúp tăng cường các mối quan hệ hôn nhân ngoài cộng đồng Chứt bản Rào Tre. Trước đây người Chứt không có họ, sau đó thống nhất lấy họ Hồ làm họ của các hộ gia đình thuộc cộng đồng này. Người Chứt theo tín ngưỡng thờ ma rú (thần rừng, gọi là Cầm Gừ). Hiện tượng tái mù chữ ở người Chứt cũng tương đối phổ biến, dù được bộ đội biên phòng giúp dạy học. Hiện nay tỷ lệ tái mù lên đến 40%. 

3. Tham vấn người Kinh, thôn I, xã Hương Liên:

Tham vấn tại thôn Hương Liên: có 34 người tham dự, trong đó có 13 nữ. Thôn có 135 hộ, với 470 khẩu (trong khi đó năm 2014 có 130 hộ với 12 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo); theo báo cáo của Thôn trưởng, năm 2015 có 18 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo, 19 hộ chính sách (gồm thương binh, liệt sỹ), 9 hộ có người nhiễm chất độc da cam, 12 hộ do nữ làm chủ hộ, hầu hết là chồng chết. Cả thôn có 02 hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Diện tích lúa nước cả thôn có 7,4 ha; 15 ha trồng màu; khoảng 400 ha rừng, trong đó rừng trồng chiếm 2/3; số còn lại (1/3) là rừng tự nhiên; bình quân mỗi hộ có hơn 2 ha. Việc đầu tư trồng rừng, chủ yếu là keo, sau 6-7 năm mới có thể khai thác; công việc trồng rừng là do các hộ tự bỏ vốn thông qua việc vay ngân hàng. Phụ nữ Thôn I của xã Hương Liên phải làm trung bình từ 15 - 16 tiếng/ngày, trong khi đàn ông làm khoảng 10 tiếng/ngày. Cả xã có 12 hộ có ruộng nước, chủ yếu là hộ chính sách; số còn lại hầu hết chỉ có đất rừng và đất trồng màu; cả thôn có 18 hộ đi làm ăn xa, chủ yếu là ở miền Nam, trong đó có gần một nửa số hộ không có rừng; các hộ không có rừng và không có ruộng thì chủ yếu đi làm thuê; giá tiền công làm thuê tại địa phương thường là 80.000 đồng/ngày. Trong thôn có 3 hộ buôn bán nhỏ, vì nhà ở quanh ngã tư, trung tâm đường giao thông của thôn và xã.

Người dân sẵn sàng tự nguyện tham gia chương trình giảm phát thải carbon, vì họ quan niệm đây là khu vực rừng đầu nguồn, nên người dân cũng muốn giữ rừng - phát triển rừng để giữ nước. Những người là chủ rừng thì cũng mong muốn mọi loại tiền đều được trả cho chủ rừng. Trong thôn có 12-13 hộ trồng keo nhưng không khai thác được vì rừng cách xa đường, và họ trồng keo xen với cây bản địa để có thể thu hoạch gỗ. Người dân gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng nếu phải giữ rừng trong thời hạn 12 năm trở lên, trong khi đó hạn trả nợ ngân hàng chỉ là 4 - 5 năm. Trong khi đó họ biết rằng nếu giữ rừng trên 12 năm thì giá keo có thể tăng lên đến 1,8 lần. Cũng có ý kiến cho rằng chương trình này sẽ gặp khó khăn và khó thực hiện được với các diện tích rừng trồng do đáo nợ ngân hàng. Còn diện tích rừng tự nhiên thì việc thực hiện sẽ thuận lợi hơn. Dân làm 1 ha thì phải chi 12 triệu mượn của ngân hang, ngân hang cho vay trồng rừng 5 năm. Vì vậy người dân đề nghị dự án cần có hỗ trợ cho dân để thanh toán cho ngân hàng khi đáo hạn mà rừng thì giữ lại, chưa khai thác. Bên cạnh đó còn có vấn đề về thủy điện Hố Hô, làm từ 2011; mỗi năm dân chỉ làm được 1 vụ, vì mùa lũ thì chứa nước, một nửa số diện tích bị ngập không thể canh tác được. Đối với diện tích lúa nước thì 1 vụ thu được 300 kg thóc/1 sào Bắc Bộ (500m2), trong khi đó trước khi có thủy điện Hố Hô thì dân có thể canh tác 2 vụ. Vì vậy họ bị thiệt hại 1 vụ mỗi năm.        

4. Tham vấn UBND huyện Hương Khê:

Huyện Hương Khê có khoảng 100.000 ha rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp. Vì vậy lãnh đạo huyện rất hoan nghênh các chương trình, dự án kiểu REDD+ để giúp bảo vệ rừng. Dù không có các DA loại này thì huyện vẫn tập trung trồng rừng gỗ lớn bao gồm các loại cây như dổi, lim, vàng tâm với chu kỳ khai thác từ 12 năm trở lên, mà không chỉ là cây keo lai. Lãnh đạo huyện rất quan tâm đến loại DA này, và sẵn sàng cam kết tham gia. Hà Tĩnh có 492 hộ dân tộc với 1979 khẩu, trong đó trên địa bàn Hương Khê có 4 bản làng dân tộc thiểu số với khoảng hơn 240 hộ và hơn 1000 khẩu, sống tại các xã: Phú Gia (dân tộc Lào 58 hộ, 230 khẩu), Bản Giàng II, Hương Vĩnh (12 hộ, 33 khẩu dân tộc Lào), Hương Trạch (dân tộc Mường) và Hương Liên (dân tộc Chứt). Lãnh đạo huyện cho rằng nếu chủ rừng trồng tham gia thì phải đảm bảo được quyền lợi cho họ, vì họ vốn có quyền đối với loại đất rừng đó rồi. Tuy nhiên điều quan trọng là phải chia sẻ lợi ích cho cộng đồng; vì vậy tỷ lệ 60% cho chủ rừng là mức hợp lý. Cần để lại một phần cho quản lý phí và sau đó là phúc lợi xã hội để phát triển đường xá, trạm y tế, giáo dục, …v.v, nhằm thực hiện chủ trương lớn là phát triển KT-XH của địa phương, trong đó đặc biệt là phát triển sinh kế của các hộ gia đình khó khăn.

Về loại rừng tự nhiên thì có thể giành 10% cho quản lý phí để phục vụ cho các hoạt động lien quan đến chống cháy rừng, làm đường lâm nghiệp, phát triển các đường bang cản lửa, …v.v. Phần còn lại giành cho các chương trình phúc lợi xã hội và tiến đến là phải có những khu rừng đẹp, giống như công viên vậy. Đối với Hương Khê, quan trọng là nâng cao nhận thức của người dân, vì ở Hương Khê diện tích rừng chiếm trên 80% đất tự nhiên của huyện, nên cơ bản người Hương Khê sống dựa vào rừng; cần nhiều chương trình DA để giảm thiểu tỷ lệ người dân khai thác rừng, sống phụ thuộc vào các nguồn tự nhiên của rừng. Vấn đề khó khăn là chu kỳ khai thác chủ yếu là 7 năm đối với cây keo lai, vì đây là loại cây trồng phổ biến trong các khu rừng trồng Hương Khê. Vì vậy việc tuyên truyền chuyển sang trồng loại cây nào để giữ được rừng là điều rất quan trọng, vì đối với cây keo thì khi khai thác là khai thác sạch đồng loạt, mà không phải khai thác kiểu tỉa hoặc tuyển chọn.

Để tham gia DA này, Hương Khê có thể phát triển các loại cây như lim, trắc, vàng tâm, dổi, nhưng do những loại cây này chu kỳ quá dài nên khó thu hoạch, vì vậy dân trồng ít. Còn về sử dụng và chia sẻ lợi ích thì dân chỉ nghĩ đến sản phẩm gỗ thôi, vì vậy khi nào có tiền thì dân hang hái tham gia, không có tiền thì dân không mấy quan tâm. Về đối tượng thì số một vẫn là chủ rừng bao gồm nhà nước và hộ gia đình. Lợi ích chung của chủ rừng nhà nước là do nhà nước đầu tư. Vì vậy cần phải chú trọng đến đối tượng chủ rừng là hộ gia đình. Đây là loại DA có tính chiến lược, và lãnh đạo huyện Hương Khê đồng tình với nó; bên cạnh đó cần phải hỗ trợ cho sự tham gia của người dân. Hỗ trợ không phải bằng tiền mà hỗ trợ thông qua việc phát triển các hoạt động sản xuất liên quan đến môi trường rừng, ví dụ chuyển diện tích rừng kém hiệu quả về cho các hộ gia đình để họ phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả tham gia vào chương trình giảm phát thải khí nhà kính. Cần tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân hiểu được bên cạnh lợi ích kinh tế, còn phải chú trọng đến lợi ích môi trường. Vì vậy cần phân chia lợi ích một cách hợp lý và lấy đó làm phương thức nhân rộng cho sự tham gia của người dân vào DA. Đối với các ban ngành chuyên môn như kiểm lâm thì nhiệm vụ là quản lý bảo vệ rừng; đây là loại nhiệm vụ nặng nề, trong khi đó rừng vẫn bị chặt phá, khai thác, lấn chiếm. Hạt Kiểm lâm huyện được giao quản lý 9000 ha rừng, trong đó 2000 ha là rừng tự nhiên. Phần đất giao cho người dân thì họ phổ biến quan niệm rằng khi đã giao cho họ thì họ muốn làm gì là quyền của họ. Vì vậy các loại chương trình, DA loại REDD+ này sẽ hỗ trợ rất tốt cho Kiểm lâm trong việc quản lý bảo vệ rừng. Nguyên nhân là do chủ rừng nhà nước thì kinh phí đầu tư rất hạn hẹp, lương trả cho người bảo vệ rừng chỉ 2 triệu đồng/ tháng cho nên trách nhiệm quản lý rừng không thể hiệu quả được. Trong khi đó đặc điểm kinh tế của người dân Hương Khê là sống dựa vào rừng, sống phụ thuộc vào rừng nên rất cần các nguồn tài nguyên rừng như đất sản xuất, các loại lâm sản và phi lâm sản đều do khai thác ở rừng mà có được.  

Theo Phó chủ tịch Hội Phụ nữ Hương Khê thì vì lợi ích lâu dài của REDD+ nên Hội sẵn sang vận động chị em tham gia. Lợi ích từ rừng hiện nay vẫn được quan niệm là lợi ích trực tiếp về kinh tế rồi sau đó mới đến lợi ích môi trường. Nhu cầu từ các sản vật rừng đều liên quan trự tiếp đến đời sống các hộ dân, đặc biệt là liên quan đến các mối quan tâm hàng ngày của phụ nữ như đất đai để canh tác, nhà cửa, gỗ lạt, củi đuốc, các loại rau, củ, quả phục vụ cho nhu cầu và sinh kế hàng ngày. Đặc biệt là người dân Hươg Khê vẫn duy trì lối canh tác quảng canh nên các nguồn lợi của rừng và từ rừng đối với người dân, trong đó có chị em vẫn vô cùng quan trọng và hấp dẫn. Vì vậy, chương trình REDD+ với lợi ích chiến lược lâu dài của nó là rất cần thiết để thay đổi nhận thức, lối sống và sự tham gia của người dân, trong đó có chị em phụ nữ. Đối với tác động của thủy điện Hố Hô thì địa phương hưởng lợi chủ yếu là Quảng Bình, trong khi địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp lại là Hương Khê của Hà Tĩnh. Trong khi đó DA thủy điện Hố Hô lại không phải là của nhà nước, mà là của công ty cổ phần, nên việc đền bù vẫn chưa thể thực hiện được đúng như cam kết đối với người dân. Đối với người Chứt thì DA này không ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích lúa nước cũng như đất canh tác của họ. Trong khi đó tỉnh và huyện đều thực hiện chủ trương bảo tồn và phát triển nhóm người này thông qua nhiều biện pháp, mà trước hết là tăng cường khả năng giao lưu, hôn nhân với bên ngoài, với các nhóm người khác thuộc các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình để tránh tình trạng hôn nhân cận huyết cho họ. Nhà nước đã bỏ ra 42 tỷ xây dựng con đường nối sang Quảng Bình; chủ trương di dân phát triển bản mới, gồm 11 hộ sang bản mới. Tuy nhiên điều vướng bận chung liên quan đến thủy điện Hố Hô là việc đền bù chưa được thực hiện đúng như cam kết, làm cho người dân luôn có cảm giác bị lừa, vì nếu họ được đền bù đúng tiến độ thì nguyên món tiền lãi sinh ra từ số đền bù đó cũng là rất lớn. Trong khi đó huyện đã nhiều lần gửi văn bản báo cáo Bộ Công thương và Chính phủ về vấn đề này rồi.    

5. Tham vấn PPMU Hà Tĩnh:

Về vấn đề thủy điện Hố Hô (Hương Liên, Hương Khê) tỉnh đã nhiều lần bàn, nhưng chưa đi tới kết luận cuối cùng về vấn đề đền bù và các vấn đề liên quan. Ông Phương cung cấp thông tin về vấn đề chia sẻ lợi ích trong bán tín chỉ các bon, gồm: i) Lợi ích bằng tiền; ii) lợi ích vật chất, phi tiền tệ, gồm các công trình, các loại hiện vật, các hỗ trợ nâng cao năng lực phát triển sinh kế, phát triển rừng; hỗ trợ thực thi pháp luật. Việc chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan bao gồm các đối tượng tham gia: người dân tộc thiểu số, người nghèo không có điều kiện nhận rừng thì họ có thể không được hưởng lợi trực tiếp, vì khối hộ gia đình tham gia rất ít. Ở cấp trung ương, kênh chia sẻ lợi ích bao gồm các tiêu chí phân chia lợi ích, gồm các tiêu chí sau: i) Tiêu chí diện tích rừng đưa vào tham gia DA giảm phát thải; ii) Kết quả giảm phát thải. Ở cấp tỉnh gồm các tiêu chí: i) Diện tích rừng của các chủ rừng; ii) Kết quả giảm phát thải của các khu rừng thuộc từng chủ rừng khi đánh giá. Tỷ lệ chia có thể: 60% chi cho chủ rừng; 30% thông qua hình thức hỗ trợ không bằng tiền mà bằng: i) nâng cao năng lực các bên liên quan; ii) đầu tư hạ tầng; iii) phát triển cộng đồng, …v.v.

Chia sẻ lợi ích của REDD+ thì nhắm tới toàn khu vực, vậy thì cần làm rõ lợi ích giảm phát thải là gì, có phải đó chính là giá trị môi trường không? Người dân và cộng đồng được lợi gì từ chương trình giảm phát thải, có phải họ được hưởng các lợi ích sau: i) được tiền chi trả cho chủ rừng; ii) được đầu tư hạ tầng cơ sở sản xuất, KT-XH giúp nâng cao đời sống (hỗ trợ các con đường gắn với bảo vệ rừng, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn bản, các công trình thủy lợi, trường học, lớp mẫu giáo, v.v. Việc làm đường là tái đầu tư phát triển lâm nghiệp, vì hệ thống này nói chung là rất yếu kém, nhà nước chưa thể quan tâm đầy đủ đến phát triển hạ tầng bảo vệ rừng ngay một lúc được.  Các loại đối tượng hưởng lợi gồm: i) chủ rừng (hộ gia đình, các tổ chức được giao rừng); nếu tiền được giao cho hộ thì phải trích lại cho chủ rừng, và phải xác định đây là lợi ích tăng thêm nhằm làm tăng thu nhập cho người dân tham gia quản lý bảo vệ rừng. Chủ rừng trực tiếp bảo vệ vòng trong, còn chủ rừng cộng đồng có tác động gián tiếp thì được hỗ trợ qua các lợi ích phi tiền tệ, vì các lợi ích đó được tính bằng các công trình hạ tầng.  Quyền lợi của khu vực quản lý là phải có các khoản nhất định để giao dịch, chi phí quản lý, thương thảo, v.v…Quỹ giảm phát thải này nên đưa về nguồn ngân sách trung ương sau đó phân bổ cho tỉnh. Phân cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm phần chia sẻ cho tỉnh.

Về các tiêu chí: nếu không tính toán kỹ sẽ là việc đếm cua trong lỗ, vì giá chi cho giảm phát thải thấp, mà chi phí cho việc chia sẻ lại lớn thì không khéo sẽ bị lỗ. 5USD/tấn các con =  300.000 đồng thì chi phí thực hiện sẽ lớn. Vì vậy tiêu chí phân bổ phải là kết quả giảm phát thải chứ khó có thể căn cứ vào diện tích rừng được. Các tiêu chí ấy là: i) phát triển rừng; ii) giảm mức độ phá rừng. Ở cấp tỉnh, đối với chủ rừng thì căn cứ vào diện tích tham gia chương trình; đối tượng phải là rừng tự nhiên và rừng trồng gỗ lớn, chứ không phải là rừng chu kỳ khai thác ngắn hạn vì mục đích thương mại. Chỉ có như vậy thì mới có thể giảm được rủi ro. Về việc xác định tiêu chí dựa vào diện tích và kết quả là có thể chấp nhận; lợi ích bằng tiền chi cho chủ rừng phải dùng để tài tạo lại rừng thông qua các dự án. Vì vậy nên tập trung chủ yếu vào lợi ích phi tiền tệ để đảm bảo người nghèo cũng được hưởng lợi thông qua các lợi ích mang tính xã hội. Bên cạnh đó đối tượng hưởng lợi cần phải tập trung ưu tiên cho người DTTS (dân tộc thiểu số) và người nghèo sống gần rừng. Chủ rừng lớn thường là các cơ quan, tổ chức nhà nước đã được hưởng thụ các lợi ích khác, vì vậy việc phân chia lại các khoản tiền nên giảm đi để tập trung cho các đối tượng ưu tiên. Lợi ích cũng cần được phân bổ thông qua các dự án để người dân được thụ hưởng nhiều hơn và công bằng hơn.

Cần tuân thủ nguyên tắc là nếu rừng đem lại lợi ích thì cũng cần phải trả lại cho rừng lợi ích tương xứng. Hà Tĩnh có khoảng 361.000 ha rừng, với diện tích rừng tự nhiên còn khá. Trong khi đó hạ tầng cơ sở lâm nghiệp còn rất yếu, chẳng hạn như thiếu đường xá, chòi canh, biển báo, các loại vật tư tranh thiết bị khác nữa. Bên cạnh đó rừng phát triển được một phần là do khoa học lâm nghiệp, trong khi đó khoa học lâm nghiệp của ta còn yếu nên cần có các khoản chi phí đầu tư cho giống, vật tư, kỹ thuật trồng rừng. Chia sẻ lợi ích là một bài toán không dễ dàng; việc giao khoán rừng tự nhiên của Việt Nam đang có vấn đề và khó kiểm đếm. Do đó việc chia sẻ lợi ích sẽ rắc rối, và tiền rất dễ quay về khu vực nhà nước là chính. Trong khi đó rừng tự nhiên không dám giao cho dân, mà rừng trồng thì lại giao cho các loại chủ rừng khác nhau. Vì vậy đối với dự án giảm phát thải, tiền chi trả nên đưa về Ban chứng chỉ Các bon của Sở NN&PTNT. Rừng trồng của chúng ta ngày nay chủ yếu là keo lai nên cần xem xét mức độ ở lĩnh vực này. Tỷ lệ chi trả nên tập trung vào rừng tự nhiên và rừng gỗ lớn, còn tỷ lệ cho loại rừng dưới 7 năm thì chỉ nên ở mức khuyến khích thôi. Bên cạnh đó việc vận động người dân trồng gỗ lớn với chu kỳ khai thác dài hạn là việc khó.

Các đại biểu tham dự đều nhất trí người nghèo và người DTTS cần phải là đối tượng ưu tiên để tăng cường việc giảm nghèo tại các vùng có rừng và gắn trách nhiệm bảo vệ rừng cho các cộng đồng ở khu vực này. Nên mở rộng việc khuyến khích ra vùng phụ cận để nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng, và giảm tải đang đè nặng lên vùng lõi. Sự việc bất cập trong đền bù ở thủy điện Hố Hô thì tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp vì vấn đề rắc rối ở chỗ: địa phương hưởng lợi chủ yếu là Quảng Bình, trong khi đó áp lực về môi trường và đất đai thì Hà Tĩnh lại phải gánh chịu. Trận lũ 2010 xảy ra trong vùng là do thủy điện Hố Hô xả tràn, may là còn chưa vỡ đập, nếu vỡ thì mức độ nguy hại sẽ rất lớn. Lúc đề bù người ta chỉ tính diện tích bị ngập, nhưng chỗ không bị ngập thì cũng tê liệt, không thể sản xuất được, trong khi đó phần thiệt hại này lại không được đền bù. Từ khi có thủy điện Hố Hô, sinh kế và việc sử dụng nguồn nước của người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nước sinh hoạt. Không thể vi phạm mốc lộ giới của công trình để cải thiện sinh kế cho người dân Hố Hô. Vì vậy phải cải thiện cho vùng phụ cận để giúp đảm bảo an toàn sinh kế.

Về thủy điện Hố Hô liên quan đến chương trình giảm phát thải thì nên đề suất phương án để điều chỉnh: i) ảnh hưởng mất rừng đã được xác định trên các bản đồ thủy lợi, thủy điện, giao thông …v.v do Sở Công thương tham mưu rồi; ii) Giá trị rừng lâu nay mới chỉ quan tâm đến gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Nay ta quan tâm đến giá trị môi trường và giá trị giảm phát thải các bon của nó nữa. Và khoản hỗ trợ này là nhằm phát triển rừng, là giá trị tăng thêm sau khi Nhà nước đã đầu tư; iii) Cần thực hiện nguyên tắc không để mất rừng và không để suy thoái rừng, muốn thế phải có ứng trước cho chủ rừng và cho người dân để họ có tiền sinh sống. Cần phải cân nhắc thấu đáo lĩnh vực này. Trồng rừng ngắn hạn thì không nên tham gia vào việc chia sẻ lợi ích, mà phải đạt đến chu kỳ khai thác 12-15 năm thì mới nói đến chia sẻ lợi ích của chương trình giảm phát thải. Về tiêu chí phân chia lợi ích nên xác định tiêu chí mức độ nhạy cảm để gắn trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân và chính quyền địa phương. Kế hoạch Hành động cho tỉnh cần phải đề cập đến giải pháp cho thủy điện Hố Hô và cần phải có sự tham gia và trách nhiệm của Quảng Bình nữa.

Dòng tiền thu được từ chương trình giảm phát thải cần trả qua Ngân hang với 2 giai đoạn: i) quỹ đầu tư chuyển về dự án theo tỷ lệ phần trăm (giai đoạn 2016 - 2010); ii) từ 2020 nên chuyển vào quỹ bảo vệ rừng. Quỹ này có thể kiêm chức năng là quỹ chia sẻ lợi ích. Cần phải làm rõ là tiền từ quỹ REDD+ chuyển về tỉnh thì tiền đó đã có hay chưa? FCPF chuyển về hay là sau này mới có để phân chia; iii) cần phải trả lại giá trị đích thực và phần tăng thêm là giá trị các bon sau khi trừ phần dành cho các hoạt động đánh giá thì phần còn lại là rất nhỏ. Vì vậy nếu đề cao lợi ích thì chủ rừng và người dân sẽ thiếu cơ sở để hy vọng; iv) việc chi trả dựa vào diện tích hay kết quả giảm phát thải thì ta nên căn cứ vào lượng các bon, căn cứ và kết quả chứ không phải dựa vào diện tích rừng; v) thời gian chia sẻ là từ 2020 thì sau 2020 thì chu kỳ chi trả sẽ như thế nào; vi) phạm vi và đối tượng chia sẻ: ta quan tâm đến các đối tượng ở vùng giáp ranh để tránh xung đột và đối tượng tham gia trực tiếp vào chương trình.

IV. Các phát hiện chính sau tham vấn

- Việc chia sẻ lợi ích bao gồm chia sẻ bằng tiền tệ và phi tiền tệ; khoản chi trả phi tiền tệ thông qua các công trình hạ tầng cơ sở của các cộng đồng sống cạnh rừng, sống phụ thuộc vào rừng là rất quan trọng, vì họ hầu hết là những người nghèo rất cần có các hình thức trợ giúp khác nhau để có thể gắn trách nhiệm và quyền lợi trong việc bảo vệ rừng cho các cộng đồng này.

- Hình thức chi trả thông qua các dự án phát triển hạ tầng cơ sở không chỉ là phát triển cho các cộng đồng sống ở rừng, sống phụ thuộc vào rừng, nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của họ mà chi trả phi tiền tệ còn hướng đến phát triển các cơ sở hạ tầng vốn còn yếu kém của ngành lâm nghiệp như: đường xá, trang thiết bị, chòi canh; phát triển khoa học lâm nghiệp như giống cây, các loại công nghệ phát triển, chăm sóc, bảo vệ rừng, …v.v. 

- Một số gợi ý về tỷ lệ chi trả cụ thể đã được những người được tham vấn đề suất: 60% chi cho chủ rừng; 30% thông qua hình thức hỗ trợ không bằng tiền; không chỉ chi trả cho chủ rừng mà còn chi trả cho bộ phận quản lý liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng nữa.

- Các ý kiến đều nhất trí, để có thể đưa người dân, nhất là người nghèo và người DTTS tham gia vào chương trình thì cần phải coi họ là đối tượng ưu tiên trong việc chi trả của chương trình giảm phát thải. Bên cạnh đó còn có các ý kiến khác nhau về việc chi trả hay không chi trả, nếu có chi trả thì mức độ chi trả phải khác nhau cho các loại rừng khác nhau tùy thuộc vào chu kỳ khai thác ngắn hạn, dài hạn; tùy thuộc vào kết quả giảm phát thải sau khi đo đếm, tính toán.

- Để người dân yên tâm tham gia chương trình giảm phát thải thì nhà nước cần giải quyết các vấn đề còn tồn đọng liên quan đến các lĩnh vực hạ tầng cơ sở của các công trình lớn, có đền bù, tái định cư, cụ thể như các vấn đề còn tồn đọng tại công trình thủy điện Hố Hô thuộc xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

_______________________________________

Nguồn: Báo cáo Thực địa của Chuyên gia Phát triển Dân tộc Thiểu số tại Hà Tĩnh (từ ngày 06/03/2016 đến ngày 11/03/2016) cho Ngân hàng Thế giới (The World Bank). Dự án Hỗ trợ Chuẩn bị Sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam (Project on Support for the REDD+ Readiness Preparation in Vietnam).

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét