Hà Hữu Nga
Khái niệm đương đại
Thuật ngữ đương đại (comtemporary) xuất hiện từ năm 1631 trong tiếng Latin thời Trung đại contemporarius, có tiếp đầu ngữ con- có nghĩa là với, cùng với + temporarius: thuộc về thời gian, có gốc từ là tempus – thời gian (Brivati B., 1996). Theo nghĩa thông thường đương đại là một thuật ngữ định tính trong phân kỳ lịch sử, đề cập đến [những] ai đó, sự kiện nào đó cùng tồn tại trong một khoảng thời gian hiện tại của chính [những] người đó, sự vật đó. Ngày nay khái niệm đương đại mang tính toàn cầu khá rõ ràng, là thời kỳ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, chủ yếu được đánh dấu bằng việc ứng dụng rộng rãi năng lượng nguyên tử, máy tính điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ năng lượng, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, công nghệ đại dương và nhiều lĩnh vực mới mẻ khác. Vì vậy, đối với Châu Âu, đương đại thường được coi là khoảng thời gian sau Thế chiến II cho đến hiện tại (Dunan M., 1964). Riêng ở Trung Quốc, người ta xác định đương đại (当代) là khoảng thời gian từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ năm 1949 cho đến nay (Quách Đại Quân, 2009).
Trong mối tương quan với khái niệm lịch sử hiện đại (modern history), thì lịch sử đương đại (comtemporary history) được coi là một tập hợp con của lịch sử hiện đại. Theo cách tiếp cận biên niên sử toàn cầu, thì lịch sử hiện đại là lịch sử của thời kỳ tiếp theo thời Trung cổ (Middle Ages), kéo dài từ khoảng năm 1500 đến hiện tại, trong đó lịch sử đương đại bao gồm các sự kiện từ sau năm 1945 đến nay (Dunan M., 1964). Lịch sử hiện đại có thể được chia nhỏ thành các giai đoạn: i) Thời kỳ đầu hiện đại bắt đầu vào khoảng năm 1500 và kết thúc vào khoảng năm 1815. Các mốc lịch sử đáng chú ý bao gồm thời Phục hưng châu Âu tiếp tục (mà niên đại khởi đầu có khác nhau ở mỗi vùng từ giữa năm 1200 đến 1401). Với cuộc Cách mạng Khoa học, thông tin mới về thế giới được khám phá thông qua quan sát thực nghiệm và phương pháp khoa học. Cuộc Cách mạng Khoa học có được động lực từ việc Johannes Gutenberg phát minh kỹ thuật in ấn, và việc phát minh ra kính thiên văn và kính hiển vi. Toàn cầu hóa được thúc đẩy bởi thương mại quốc tế và thuộc địa hóa; ii) Giai đoạn cuối hiện đại bắt đầu vào khoảng năm 1750–1815, khi châu Âu trải qua Cách mạng Công nghiệp và sự hỗn loạn quân sự-chính trị của Cách mạng Pháp và cuộc Chiến tranh Napoléon. Giai đoạn hiện đại muộn tiếp tục kéo dài đến khi kết thúc Thế chiến II, năm 1945.
Nội hàm lịch sử đương đại
Trong giai đoạn hiện đại muộn, các dấu mốc lịch sử đáng chú ý khác bao gồm cuộc Đại phân lưu (Great Divergence – Tây Âu tách thành dòng phát triển riêng) và cuộc Cách mạng Nga. Có thể nói nội hàm của khái niệm lịch sử đương đại, bao gồm các sự kiện lịch sử từ sau Thế chiến II đến thời điểm hiện tại. Những phát triển chính bao gồm Chiến tranh Lạnh, chiến tranh nóng kế tiếp và các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, Thời đại động cơ phản lực, cuộc cách mạng DNA (phân tử mang thông tin di truyền), Cách mạng xanh, vệ tinh nhân tạo và hệ thống định vị toàn cầu (GPS), sự ra đời của Liên minh châu Âu siêu quốc gia, Thời đại thông tin nối mạng toàn cầu, sự phát triển kinh tế nhanh chóng ở Ấn Độ và Trung Quốc, gia tăng chủ nghĩa khủng bố, và một loạt các cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu do mối đe dọa của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Trong khoa học xã hội và nhân văn, các chuẩn mực, thái độ và thực tiễn của thời kỳ hiện đại được gọi là tính hiện đại (Catterall, P. 1997).
Sự ra đời của lịch sử đương đại có mục đích rõ ràng là khái niệm hóa, bối cảnh hóa và lịch sử hóa quá khứ gần nhất nhằm diễn giải và cung cấp tri thức lịch sử về các xu hướng hoặc sự phát triển hiện tại. Tổ chức đầu tiên đã sử dụng thuật ngữ này làm tên gọi chính là Viện Lịch sử Đương đại (Institute of Contemporary History), được thành lập vào đầu những năm 1930 ở Hà Lan và khi Thế chiến II bùng nổ thì nó được chuyển đến London vào năm 1939 (Dunn, Ross E. ed., 1999). Mục đích của những người sáng lập Viện này là muốn cho thế giới biết rõ những gì đang xảy ra ở Đức Quốc xã. Kể từ đó, nó đã chuyển mình, cùng với Thư viện Weiner, thành một trung tâm hàng đầu để nghiên cứu lịch sử đương đại về nạn Thảm sát người Do Thái, chủ nghĩa bài Do Thái và chủ nghĩa Tân-Quốc xã (Manning P., 2003). Ở Anh, sự xuất hiện của lịch sử đương đại như một ngành học đặc biệt bắt đầu diễn ra vào những năm 1980, khi quá khứ gần đây đang được tranh luận trên các đấu trường chính trị và công cộng (Palmowski, J. and Kristina Spohr Readman 2011). Nhiều vấn đề gây tranh cãi xoay quanh việc giải thích hành vi của các đảng phái chính trị và giới cầm quyền liên quan đến việc thiết lập nhà nước phúc lợi sau những đau thương của Thế chiến II (Readman, K.S., 2011). Viện Lịch sử Anh quốc Đương đại (Institute of Contemporary British History) nay là Trung tâm Lịch sử Anh quốc Đương đại (Centre for Contemporary British History - CCBH) được thành lập vào năm 1986, để nghiên cứu và phân tích tốt hơn quá khứ đầy tranh cãi này (Jones, H., and Michael D. Kandiah, 1996).
Nhu cầu nghiên cứu quá khứ gần đây cũng dẫn đến việc thành lập các trung tâm tương tự về lịch sử đương đại ở các khu vực khác của Châu Âu. Ví dụ, ngay sau khi Cộng hòa Liên bang Đức ra đời, thì Deutsches für Geschichte der nationalsozialistischen Zeit – Viện Lịch sử Thời Đức Quốc xã được thành lập với mục đích nghiên cứu các vấn đề lịch sử giai đoạn đó. Trong vòng vài năm được đổi tên thành Institut für Zeitgeschichte - Viện Lịch sử Đương đại và bắt đầu nghiên cứu các khía cạnh rộng hơn của lịch sử nước Đức hiện tại (Doernberg S., 1971). Ở Pháp, Viện Lịch sử Hiện đại và Đương đại (L'Institut d'histoire moderne et contemporaine - IHMC) được thành lập vào năm 1978 (Charle, Ch., 2005). Nước Nga có Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Đương đại và Khoa học Chính trị quốc gia (Государственный Центр изучения новейшей истории России и политологии), chuyên về các vấn đề lý thuyết, phương pháp luận và nghiên cứu nguồn tri thức lịch sử; lịch sử kinh tế của Nga trong thời gian gần đây; lịch sử văn hóa xã hội của Nga trong thời gian gần đây; các quá trình chính trị ở Nga thế kỷ XX-XXI. Họ có riêng một Tạp chí Lịch sử Đương đại Nga – Chuyên về Lý thuyết và Khoa học Liên ngành (Юрьевич, М.М., 2011). Tại các quốc gia Châu Âu khác, chẳng hạn như Cộng hòa Séc, Slovenia và Romania, sau sự sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa, để tìm hiểu và diễn giải lịch sử gần đây của họ dưới chế độ cộng sản, nên đều thúc đẩy bộ môn lịch sử đương đại và thiết lập các tổ chức nghiên cứu lịch sử đương đại. Từ những điều trên, rõ ràng là khó mà đưa ra được một định nghĩa thống nhất nào về khoảng thời gian cấu thành lịch sử đương đại nói chung, mà chủ yếu là do những gì đòi hỏi phải được tìm hiểu, nghiên cứu, diễn giải về những sự kiện lịch sử cập nhật ở mỗi quốc gia.
Ứng dụng khái niệm đương đại
Bên cạnh nghĩa đương đại đề cập đến thời đại mà chúng ta đang sống kể từ sau Thế chiến II đến nay, khái niệm đương đại còn một nghĩa quan trọng khác, đó là nó đề cập đến những con người và sự kiện xảy ra ngay trong cuộc đời của những người ghi chép lại chính con người và sự kiện đó. Họ là các nhà sử học, các nhà địa lý học, các nhà phong tục học, các nhà dân tộc chí, các nhà địa chí học, v.v…. Về phương diện này, đương đại có nghĩa là cùng thời với người ghi chép, phân tích, diễn giải các con người và sự kiện. Các sự kiện đó thường được viết với mục đích tăng cường tri thức, làm rõ cơ sở cho các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa hiện tại hoặc tác động đến các quá trình tranh luận, xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan đến sự thịnh vượng, an ninh, quốc phòng của các địa phương, vùng, và quốc gia. Như vậy cái nhìn đương đại luôn luôn là một tiêu chí định giá của mọi thời đại đối với quá khứ, hiện tại và tương lai.
Herodotos người Hy Lạp sống ở thế kỷ 5 trước Công nguyên (khoảng 484 TCN - 425 TCN), được coi là “cha đẻ của môn sử học” trong văn hóa phương Tây là một trường hợp như vậy. Herodotos là học giả đầu tiên ghi chép những điều mắt thấy tai nghe một cách có hệ thống, kiểm tra độ chính xác ở một mức độ nào đó và sắp xếp thành những thể truyện sống động và có cấu trúc chặt chẽ. Ông được biết đến nhiều nhất qua tác phẩm Lịch sử - Historiai (tiếng Hy Lạp: Iστορίαι), một tài liệu ghi chép những cuộc khảo cứu của ông về cuộc chiến tranh Ba Tư-Hy Lạp xảy ra vào lúc đương thời của ông (từ 490 đến 479 TCN), và ông thường mở rộng ghi chép về huyền sử, các vùng đất, phong tục tập quán của rất nhiều chủng tộc sinh sống trên ba châu Á, Âu, Phi, là những nơi mà ông đã đi từng đến (Thomas, R., 2000). Đương thời ông, từ ἱστορία (historia) trong tiếng Hy Lạp mà hiện nay chúng ta dịch là lịch sử, lại không có nghĩa là lịch sử, mà là điều tra, khảo sát (Liddell, Henry G. & Robert Scott, 1940). Các thông tin đạt được từ các cuộc điều tra khảo sát đương đại đó chủ yếu phục vụ cho sự công cuộc quản lý, điều hành và mở mang các xã hội cổ đại (Marozzi, J., 2008). Điều này cũng rất trùng hợp với mục đích của các cuốn địa chí nổi tiếng của nước ta như Dư địa chí của Nguyễn Trãi (1976), Ô Châu Cận lục của Dương Văn An (1997), Hoàng Việt Địa dư chí của Phan Huy Chú (1997), Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch (1993), và Đại Nam Nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), v.v… Các cuốn địa chí này được người đương thời biên soạn bằng phương pháp và quan điểm đương đại nhằm mục đích giúp cho Triều đình (nhà vua), Lục bộ (Lại bộ, Lễ bộ, Hộ bộ, Binh bộ, Hình bộ, Công bộ) và hệ thống quan lại địa phương có đủ tri thức, thông tin, cơ sở để quản lý, điều hành, bảo vệ đất nước một cách tốt nhất.
Ngày nay khái niệm đương đại là một vấn đề mang tính thời sự đối với sự phát triển hiện tại và tương lai của đất nước, đặc biệt là khi đề cập tới việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống. Một xu hướng mới trong việc khai thác các giá trị di sản phục vụ cho mục tiêu phát triển cho rằng các giá trị truyền thống sẽ được khai thác tốt hơn khi nó được lồng ghép với các giá trị đương đại. Chẳng hạn, việc sử dụng các yếu tố đương đại trong tổ chức lễ hội truyền thống không những không làm mất đi giá trị truyền thống của di sản, mà ngược lại nó còn làm tăng thêm các giá trị đó, bởi vì các yếu tố đương đại giúp: i) Tạo ra tính hoành tráng; ii) Tạo nên tính độc đáo; và iii) Thỏa mãn được nhu cầu văn hóa đương đại, đặc biệt là nhu cầu của giới trẻ (Bùi Quang Thắng (2010). Trong một hai thập kỷ gần đây, xuất hiện một hiện tượng mới trong khoa học xã hội nhân văn địa phương Việt Nam, đó là việc biên soạn các sách địa chí ở các cấp huyện, tỉnh. Phải khẳng định đây là một hiện tượng đáng mừng, xuất phát từ nhu cầu tăng cường hiểu biết quá khứ và hiện tại, nhằm định hướng phát triển tương lai một cách đúng đắn trong xu thế hội nhập vùng, quốc gia, quốc tế. Đây cũng là một cách phản ứng nhanh nhậy của các ngành khoa học xã hội nước ta đối với một trong những tiêu chí của khoa học phát triển, đó là tiêu chí đương đại. Tuy nhiên để cải thiện chất lượng của các công trình liên ngành ở các địa phương, mà địa chí là một điển hình, thực sự hữu ích, thì những người biên soạn cần nhậy bén hơn với các vấn đề đương đại.
Địa chí xưa ghi chép về biên cương, núi, sông, cửa biển, quan ải, đồn bảo, đường xá, di tích, huyền tích, dân cư, sản vật, phong tục, tập quán, con người hiền tài v.v…Còn địa chí nay không phải đơn giản chép lại những gì người xưa đã viết, mà quan trọng hơn là phải nhìn nhận những sự vật, con người ấy đã thay đổi thế nào trong đương đại, chẳng hạn: núi đã bị đào quặng mỏ, rừng đã bị chặt, sông bị chặn dòng làm thủy điện, làng mạc xưa biến cải hàng ngày trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện địa hóa; phong tục tập quán đổi thay trong quá trình hội nhập, v.v… Những gì mất đi, những gì có thể khôi phục, những gì phải giữ lại bằng bất cứ giá nào, những gì có thể hòa nhập, bảo tồn, phát huy phục vụ cho quá trình phát triển bền vững của địa phương, tỉnh, vùng, đất nước. Đặc biệt hiện nay Đảng, Nhà nước và toàn dân đang thực hiện một cuộc cách mạng rất lớn lao nhằm phát triển bền vững nông thôn nước ta thông qua Chương trình Quốc gia Nông thôn mới. Các cuốn địa chí đương đại của các địa phương có thể căn cứ vào 19 tiêu chí xã Nông thôn mới để đánh giá thành công, chưa thành công của sự nghiệp này ở cấp độ gia đình, cộng đồng, thôn làng, cho đến cấp xã, huyện, tỉnh, v.v… (Hà Hữu Nga, 2017). Đồng hành với Chương trình Nông thôn mới là Chương trình OCOP Quốc gia (Mỗi làng xã một sản phẩm) thực sự là cuộc cách mạng thay đổi tận gốc rễ nông thôn truyền thống. Từ quan điểm phát triển bền vững, các bộ địa chí đương đại hoàn toàn có thể khai thác những lĩnh vực cực kỳ đa dạng và phong phú này. Bên cạnh đó các địa phương cũng xuất hiện vô số phương thức cấu trúc không gian sống và sản sản xuất mới, cấu trúc dân cư mới, các nhóm xã hội mới, các ngành nghề mới, dịch vụ mới mang tính đương đại trên cơ sở kế thừa truyền thống, ưu thế môi trường tự nhiên, xã hội, văn hóa của mỗi vùng (Hà Hữu Nga (2020).
Tóm lại, “đương đại” thực sự là một khái niệm, một thuật ngữ có nguồn gốc lâu đời và phổ biến ở mọi xã hội, mọi nền văn hóa kể cả phương Đông lẫn phương Tây. Hơn bao giờ hết, ngày nay khái niệm đương đại, với nội hàm phong phú nhưng chặt chẽ và mạch lạc, với khả năng ứng dụng vô tận của nó cho hiện tại và tương lai, thực sự cần phải được các ngành khoa học xã hội và nhân văn nước nhà quan tâm, làm rõ và ứng dụng hiệu quả vào quá trình phát triển của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, địa phương và quốc gia.
_____________________________________
Nguồn: Hà Hữu Nga (2021). Đương đại: Khái niệm, Nội hàm và Ứng dụng, Tạp chí Thông tin Khoa học Lý luận Chính trị, ISSN 2354-1040, Số 2 (72)-2021, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr. 35-40.
Tài liệu dẫn
Brivati, Brian (1996). The contemporary history handbook (Sổ tay Lịch sử Đương đại). Brivati, Brian; Buxton, Julia; Seldon, Anthony (eds.). Manchester: Manchester University Press. p. xvi.
Bùi Dương Lịch (1993). Nghệ An ký, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia và Nxb. KHXH.
Bùi Quang Thắng (2010). Tổ chức Lễ hội truyền thống như là tổ chức sự kiện, Hội thảo quốc tế Bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống trong xã hội Việt Nam đương đại - Qua trường hợp hội Gióng do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban UNESCO Việt Nam phối hợp tổ chức, Hà Nội.
Catterall, Peter (1997). What (if anything) is distinctive about contemporary history (Nếu có bất cứ điều gì khác biệt về Lịch sử Đương đại), published in Journal of Contemporary History, 32, No. 4 (1997), 450.
Charle, Christophe (2005). La mobilité en sciences humaines et sociales : l'Institut d'histoire moderne et contemporaine (Tính cơ động trong khoa học xã hội và nhân văn: Viện lịch sử hiện đại và đương đại), La revue pour l'histoire du CNRS, 2005.
Doernberg, Stefan (1971). 25 Jahre Deutsches Institut für Zeitgeschichte 1946 bis 1971. In: Dokumentation der Zeit. Band 23, 1971, S. 4–13. (Hai mươi lăm năm hoạt động của Viện Lịch sử Đương đại Đức, từ 1946 đến năm 1971). Trong: Tài liệu về thời gian. Tập 23, 1971, tr. 4-13.
Dunan, Marcel (1964). Larousse Encyclopedia of Modern History, From 1500 to the Present Day (Từ điển Bách khoa Larousse về Lịch sử Hiện đại). New York: Harper & Row.
Dunn, Ross E. ed., (1999). The New World History: A Teacher's Companion (Lịch sử Thế giới mới: Đồng hành cùng giáo viên). Publisher : Bedford/St. Martin's; First edition (December 10, 1999)
Dương Văn An (1997). Ô Châu Cận Lục, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia và Nxb. KHXH, Hà Nội 1997.
Hà Hữu Nga (2017). Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách huy động đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật tham gia chuyển giao khoa học công nghệ trong xây dựng Nông thôn mới. Báo cáo Tổng hợp Đề tài cấp Nhà nước thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ Phục vụ Xây dựng Nông thôn mới do Viện Nghiên cứu và Hỗ trợ Phát triển chủ trì, tác giả làm Chủ nhiệm.
Hà Hữu Nga (2020). Nghiên cứu đề xuất quan điểm, định hướng xây dựng các mô hình Tự quản của cộng đồng trong xây dựng Nông thôn mới bền vững. Báo cáo Tổng hợp Đề tài cấp Nhà nước thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ Phục vụ Xây dựng Nông thôn mới do Viện Nghiên cứu và Hỗ trợ Phát triển chủ trì, tác giả làm Chủ nhiệm.
Jones, Harriet and Michael D. Kandiah (1996). The Myth of Consensus: New Views on British History, 1945–64 (Contemporary History in Context). Macmillan Press; 1996th edition (September 25, 1996).
Liddell, Henry George; Robert Scott (1940). A Greek-English Lexicon, revised and augmented throughout by. Sir Henry Stuart Jones with the assistance of Roderick McKenzie, Oxford, Clarendon Press, 1940. (Mục từ ἱστορία - historia)
Manning, Patrick (2003). Navigating World History: Historians Create a Global Past (Định hướng Lịch sử Thế giới: Sử gia tạo nên Quá khứ Toàn cầu). Publisher : Palgrave Macmillan; 2003rd edition (May 21, 2003).
Marozzi, Justin (2008). The way of Herodotus: travels with the man who invented history. (Phương pháp của Herodotus: Du ngoạn cùng với người tạo ra lịch sử). Cambridge, Massachusetts: Da Capo Press.
Nguyễn Trãi (1976). Dư địa chí, trong Nguyễn Trãi Toàn tập, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr. 209-246.
Palmowski, Jan and Kristina Spohr Readman (2011). Speaking Truth to Power: Contemporary History in the Twenty-first Century (Nói thật với Quyền lực: Lịch sử Đương đại trong Thế kỷ XXI). In Journal of Contemporary History Vol. 46, No. 3, 2011, pp. 485–505.
Phan Huy Trú (1997). Hoàng Việt Địa dư chí, Nxb. Thuận Hóa, Tp. Huế.
郭大钧 (2009),《中国当代史》是2009年6月1日北京师范大学出版社出版的图书。(Quách Đại Quân, 2009, Lịch sử Đương đại Trung Quốc, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Bắc Kinh).
Quốc sử quán Triều Nguyễn (1992). Đại Nam Nhất thống chí, Nxb. Thuận Hóa, Tp. Huế.
Readman, Kristina Spohr (2011). Contemporary History in Europe: From Mastering National Pasts to the Future of Writing the World. Journal of Contemporary History Vol. 46, No. 3, July 2011, pp.506-530.
Thomas, Rosalind (2000). Herodotus in Context; ethnography, science and the art of persuasion. (Herodotus lúc đương thời; dân tộc chí, khoa học và nghệ thuật thuyết phục), Oxford University Press 2000.
Юрьевич, Мухин Михаил (2011). История современной России. Десятилетие либеральных реформ: 1991–1999 гг. М.: Новый хронограф, 2011. (в соавторстве с Р.Г. Пихоей и А.К. Соколовым). (Yurievich, Mukhin Mikhail (2011). Lịch sử Đương đại Nga. Thập kỷ cải cách tự do: 1991-1999, Moscow: Biên niên Mới, 2011. (hợp tác với R.G. Pikhoya và A.K.Sokolov).