1. Vấn đề định nghĩa khái niệm văn hóa
Cho đến tận bây giờ giới học giả trên toàn thế giới đều thừa nhận văn hóa là một khái niệm rất khó định nghĩa một cách toàn vẹn. Năm 1952, các nhà nhân chủng học người Mỹ, Kroeber và Kluckhohn, đã đánh giá có phê phán các khái niệm và định nghĩa về văn hóa, và đưa ra danh sách 164 định nghĩa văn hóa khác nhau [Kroeber, A.L., & Kluckhohn, C. 1952]. Mặc dù đã trải qua một thế kỷ nỗ lực nhằm định nghĩa đầy đủ về văn hóa, nhưng cho đến nay các học giả vẫn không thống nhất được về bản chất của nó. Phần lớn các khó khăn của việc nhận thức khái niệm văn hóa bắt nguồn từ việc sử dụng thuật ngữ này kể từ thế kỷ XIX. Người ta đã tổng hợp được ba cách sử dụng khái niệm văn hóa chủ yếu như dưới đây.
Trước hết, là quan điểm mang tính thẩm mỹ thuần túy của Matthew Arnolds trong việc định nghĩa khái niệm văn hóa, được minh họa trong công trình Văn hoá và Tình trạng Vô chính phủ (1867), trong đó văn hóa được quy về các nỗ lực hoặc các sản phẩm nghệ thuật hoặc trí tuệ đặc biệt, những gì mà ngày nay chúng ta có thể gọi là "văn hóa thượng lưu" trái ngược với "văn hóa đại chúng" (hoặc "các cách thức dân dã" trong cách sử dụng trước đó). Theo định nghĩa này, chỉ có một phần - thường là một phần nhỏ - của một nhóm xã hội bất kỳ "có" văn hóa. Phần còn lại là các nguồn gốc tiềm tàng của tình trạng hỗn loạn. Cảm giác này về văn hóa có liên quan chặt chẽ với tính thẩm mỹ hơn là với khoa học xã hội [Robert H. Super 1965].
Sau đó, phản ứng lại lối nhìn thẩm mỹ về văn hóa, Edward Tylor trong tác phẩm Văn hóa Nguyên thủy (1870), đã đưa ra một lối nhìn bản chất luận lịch sử coi văn hóa tiến hóa liên tục - theo lược đồ của Lewis Henry Morgan - từ "mông muội" qua "dã man" đến "văn minh". Định nghĩa của Tylor được sử dụng rất rộng rãi, trước hết bởi vì nó đã trở thành một định nghĩa nền tảng cho nhân học. Theo Tylor thì văn hóa là "toàn bộ phức hợp bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, tập quán, và bất kỳ khả năng và thói quen nào khác mà con người đạt được với tư cách là một thành viên của xã hội". Ngược lại với quan điểm của Matthew Arnolds, tất cả các tộc người "có" văn hóa, đạt được bằng phẩm chất của các thành viên trong một nhóm xã hội nào đó được gọi là một xã hội tổng thể. Và toàn bộ những sự vật, từ tri thức, các phong tục tập quán đến các năng lực, đều làm thành nền văn hóa [Avruch 1998].
Tính cực kỳ độc đáo của định nghĩa Tylor đã được các nhà nhân học sử dụng lâu dài; và đó cũng chính là một lý do để các nhà khoa học chính trị bắt đầu quan tâm đến vấn đề "văn hóa chính trị" vào cuối những năm 1950. Và di sản lớn nhất của định nghĩa của Tylor được cho là nằm trong công thức "toàn bộ phức hợp" của ông. Công thức này được các nhà nhân học chấp nhận, và sau này chính họ lại mạnh mẽ bác bỏ tiến hóa luận của ông. Họ lấy định nghĩa đó để nói rằng các nền văn hóa là các tổng thể - các hệ thống tích hợp. Mặc dù khẳng định này có giá trị tìm tòi rất lớn, nhưng nó cũng góp phần đáng kể vào quá trình đơn giản hoá thế giới.
Tiếp theo là quan niệm tương đối luận văn hóa của Franz Boas và các học trò của ông vào đầu thế kỷ XX, mặc dù có gốc rễ từ các tác phẩm thuộc thế kỷ XVIII của Johann von Herder. Vì Tylor đã phản ứng với Arnold để xác lập một cơ sở khoa học, chứ không phải là thẩm mỹ cho khái niệm văn hóa, nên đến lượt mình, Boas đã phản ứng chống lại Tylor và các nhà tiến hóa luận xã hội khác. Trong khi các nhà tiến hóa luận nhấn mạnh đặc tính phổ quát của một nền văn hóa duy nhất, với các xã hội khác nhau dàn hàng ngang tiến từ mông muội đến văn minh, thì Boas lại nhấn mạnh tính độc đáo của nhiều nền văn hóa khác nhau của các dân tộc hoặc các xã hội khác nhau. Hơn nữa, ông đã bác bỏ các phán đoán giá trị mà ông thấy vốn có ở cả quan điểm của Arnold và quan điểm của Tylor về văn hóa; đối với Boas, không bao giờ nên phân biệt văn hóa theo thứ bậc cao thấp, và không được định giá trị cho các nền văn hóa là dã man hay văn minh, vì mỗi nền văn hóa đều có giá trị tương đối bình đẳng với nhau. Tương đối luận văn hóa là nguyên tắc mà các niềm tin và các hoạt động của một cá nhân con người cần được nhận thức theo khuôn khổ văn hóa riêng của cá nhân đó. Lần đầu tiên vào năm 1887, Boaz đã đề xuất ý tưởng cho rằng văn hóa và văn minh “không phải là một cái gì đó tuyệt đối, mà là tương đối” [F. Boas 1887]. Theo ông, văn hóa là “tổng thể của các phản ứng và hoạt động tinh thần và thể chất đặc trưng cho các hành vi của các cá nhân hợp thành một nhóm xã hội mang tính tập thể và cá nhân liên quan đến môi trường tự nhiên của họ, đến các nhóm khác, đến các thành viên của bản thân nhóm, và bản thân mỗi cá nhân”. [Boas, Franz 1963 (1911); Glazer, Mark 1994]
Không thể không đề cập đến định nghĩa quan trọng của UNESCO và các tổ chức có liên quan về văn hóa như dưới đây: “Không kể những thứ khác, văn hóa bao gồm lối sống, ngôn ngữ, văn học truyền miệng và văn học viết, âm nhạc và bài hát, giao tiếp không bằng văn bản hay lời nói, các hệ thống tôn giáo hoặc tín ngưỡng, các nghi lễ và các nghi thức, thể thao và các trò chơi, các phương pháp sản xuất, hoặc công nghệ, các môi trường tự nhiên và nhân tạo, thực phẩm, quần áo và nơi nương tựa và nghệ thuật, các phong tục và truyền thống thông qua đó các cá nhân, các nhóm cá nhân và cộng đồng thể hiện tính con người và ý nghĩa mà họ đem đến cho sự tồn tại của mình, và xây dựng thế giới quan của họ đại diện cho sự chạm trán của họ với các lực lượng bên ngoài ảnh hưởng đến cuộc sống của họ”. [UNESCO 2002] Định nghĩa của UNESCO thuần túy mang tính mô tả, không khác bao nhiêu với phương pháp định nghĩa của Edward Tylor, chỉ có điều nó được liệt kê với nhiều hạng mục hơn, và đặc biệt là nó được bổ sung mới bằng một số lĩnh vực quan trọng mà định nghĩa của Taylor không có, đó trước hết là việc đề cập đến văn hóa thông qua lĩnh vực cá nhân và lĩnh vực nhóm; lĩnh vực nhân tính và lĩnh vực ý nghĩa của văn hóa.
Cuối cùng cần phải nói đến định nghĩa văn hóa trong Tuyên bố Fribourg về các quyền văn hóa của Viện Liên ngành Các tộc người và Quyền con người (Interdisciplinary Institute of Ethnics and Human Rights), Đại học Fribourg cùng Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ và UNESCO vào ngày 7 tháng 5 năm 2007 như sau: “a. Thuật ngữ “văn hóa” bao gồm các giá trị, các tín ngưỡng, niềm tin, ngôn ngữ, kiến thức và các loại hình nghệ thuật, các truyền thống, các thể chế và lối sống thông qua đó một người hoặc một nhóm người thể hiện nhân tính và các ý nghĩa mà họ đem lại cho sự tồn tại và cho sự phát triển của họ; b. Việc thể hiện “bản sắc văn hóa” được hiểu là tổng của tất cả các mối quan hệ văn hóa thông qua đó mà một người, tự mình hoặc cùng với những người khác, tự xác định hoặc tạo lập bản thân, giao tiếp và mong muốn được thừa nhận về phẩm giá của mình; c. “Cộng đồng văn hóa” bao hàm một nhóm người cùng chia sẻ các mối quan hệ tạo thành một bản sắc văn hóa chung mà họ có ý định bảo tồn và phát triển.” [Fribourg Declaration, Article 2]. Định nghĩa văn hóa của Tuyên bố Fribourg đã kế thừa được tất cả các mặt mạnh trong định nghĩa của UNESCO, kể cả những điểm mới về lĩnh vực cá nhân, lĩnh vực nhóm, về nhân tính và ý nghĩa của văn hóa. Ngoài ra định nghĩa này còn có những đóng góp quan trọng sau: i) văn hóa không chỉ là bản danh sách vô tận liệt kê các hạng mục vật chất, tinh thần, mà nó còn bao gồm các giá trị; ii) ý nghĩa và nhân tính của văn hóa không chỉ vì sự tồn tại mà còn vì sự phát triển của các cá nhân và các nhóm người; iii) văn hóa là việc thể hiện bản sắc và chia sẻ bản sắc; iv) văn hóa là tự xác định và tự tạo lập bản thân cá nhân và nhóm; v) văn hóa là mong muốn được thừa nhận phẩm giá của cá nhân và nhóm; v) văn hóa là sự bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa chung.
Có thể khẳng định rằng cho đến nay, quan niệm văn hóa của Tuyên bố Fribourg là một định nghĩa đầy đủ nhất, nó có ý nghĩa lý thuyết rất cao đối với quá trình nhận thức ngày càng hoàn thiện về nội hàm của khái niệm văn hóa, và đặc biệt là nó còn có ý nghĩa thực tiễn rất to lớn có thể ứng dụng vào việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa không chỉ ở phạm vi nhóm xã hội mà còn ở phạm vi từng cá nhân.
2. Một số đặc điểm văn hóa liên quan đến giá trị phát triển
Các nhà nghiên cứu văn hóa đều ý thức rất rõ rằng định nghĩa về văn hóa dù đầy đủ đến mấy cũng vẫn không thể bao quát hết được mọi vấn đề có liên quan, vì bản thân văn hóa đa dạng, phong phú và muôn màu muôn vẻ như chính cuộc sống vậy. Chính vì thế, bên cạnh việc định nghĩa văn hóa, càng ngày người ta càng có nhu cầu nhìn nhận văn hóa bằng cách đặc trưng hóa vô số khía cạnh của khái niệm văn hóa tùy theo những cách tiếp cận lý thuyết và ứng dụng khác nhau. Một số khái quát hóa đặc trưng văn hóa dưới đây thể hiện rất rõ nhu cầu đó.
Văn hóa phân biệt bản chất con người phổ quát và tính cách cá nhân độc đáo: Văn hóa là một quá trình học hỏi, nó bắt nguồn từ môi trường xã hội của con người. Một mặt, văn hóa phân biệt với bản chất con người, và mặt khác, phân biệt với cá tính của một cá nhân, mặc dù chính xác nơi các ranh giới nằm giữa bản chất con người và văn hóa, giữa văn hóa và nhân cách. Bản chất con người là những gì tất cả mọi người đều có điểm chung: nó thể hiện mức phổ quát trong tinh thần của con người. Tuy nhiên, những gì con người thực hiện với các cảm xúc, cách thức con người thể hiện sự sợ hãi, niềm vui, các quan sát, …v.v, đều biến đổi theo văn hóa. Học hỏi có nghĩa là quá trình biến đổi bởi ảnh hưởng phổ quát của văn hóa cũng như các kinh nghiệm cá nhân duy nhất [Spencer-Oatey, H. 2012].
Văn hóa liên kết các nhóm xã hội: Tất cả mọi người đều thuộc về một số nhóm khác nhau và đồng thời cũng là các loại người khác nhau, nên đương nhiên người ta luôn sống trong các cấp độ văn hóa khác nhau. Ví dụ như: i) cấp độ quốc gia; ii) cấp độ vùng, tộc người, tôn giáo, ngôn ngữ; iii) cấp độ giới tính, theo cách xác định một người được sinh ra là con gái hay con trai; iv) cấp độ thế hệ, tách biệt ông bà khỏi cha mẹ khỏi con cái; v) cấp độ thể loại vai trò, ví dụ cha mẹ, con trai / con gái, giáo viên, học sinh; vi) cấp độ đẳng cấp xã hội, kết hợp với các cơ hội giáo dục, nghề nghiệp hoặc chuyên môn; vii) cấp độ tổ chức được xã hội hóa bởi vị thế của mỗi người. [Hofstede 1991: 10]
Văn hóa vừa là một cấu trúc cá nhân vừa là một cấu trúc xã hội: Ở một mức độ nhất định, văn hóa tồn tại trong mọi con người chúng ta với tư cách cá nhân cũng hệt như nó tồn tại với tư cách là một cấu trúc xã hội. Những khác biệt cá thể trong văn hóa có thể được quan sát thấy ở những con người ở mức độ mà họ chấp nhận và cam kết với các thái độ, giá trị, niềm tin, và hành vi, bởi sự đồng thuận, tạo thành nền văn hóa của họ. Các chuẩn mực của bất kỳ nền văn hóa nào cũng cần phù hợp với toàn bộ cá nhân trong nền văn hóa đó, có nghĩa là phù hợp với chính xã hội đó [Matsumoto 1996: 18].
Văn hóa vừa là người trong cuộc (emic) lại vừa là người ngoài cuộc (etic): Con người nói chung đều có các đặc trưng sinh học và các cấu trúc xã hội tương đối giống nhau, tạo ra những tương đồng lớn trong cách thức tạo hình các nền văn hóa. Nhưng trong khuôn khổ của các tương đồng vẫn có những khác biệt. Tất cả mọi người đều trải nghiệm khoảng cách xã hội khi so sánh với các nhóm etic [bên ngoài]. Nhưng cơ sở của khoảng cách xã hội lại thường là một thuộc tính emic [bên trong]: Trong một số nền văn hóa, khoảng cách xã hội chỉ có cơ sở ở bộ lạc hay chủng tộc; ở những nền văn hóa khác nó lại dựa trên sự kết hợp của tôn giáo, tầng lớp xã hội, và dân tộc tính. [Matsumoto 1996: 21-2]
Văn hóa được học hỏi mà có: Văn hóa được học hỏi từ những người mà ta tương tác khi ta được xã hội hóa. Quan niệm cho rằng văn hoá có được thông qua quá trình học tập có một số hàm ý quan trọng đối với hành vi quan hệ với các văn hóa khác. Trước hết, nhận thức ấy dẫn đến khoan dung hơn với những khác biệt văn hóa, một điều kiện tiên quyết cho các giao tiếp liên văn hóa một cách hiệu quả trong bối cảnh quan hệ quốc tế. Thứ hai, bản chất học hỏi được của văn hóa giúp ta làm chủ được nền văn hóa của mình thông qua quá trình học tập, và cũng có thể học hỏi để sống và thực hành trong các nền văn hóa khác. [Ferraro 1998: 19]
Văn hóa tùy thuộc vào quá trình biến đổi:Cơ chế của sự biến đổi vận hành trong một nền văn hóa nhất định được gọi là phát hiện và sáng tạo, cùng với nó là kết quả của việc vay mượn từ các nền văn hóa khác, hay còn gọi là truyền bá văn hóa. Truyền bá hoặc vay mượn văn hóa là một quá trình chọn lọc và tương tác hai chiều; rất hiếm khi các mục vay mượn được chuyển vào nền văn hóa tiếp nhận trong dạng thức nguyên gốc của chúng. Thay vào đó, những ý tưởng mới, các hiện vật, hoặc kỹ thuật thường được làm lại và diễn giải lại sao cho có thể được tích hợp một cách hiệu quả hơn vào tổng thể nền văn hóa tiếp nhận. Nhìn chung các đổi mới công nghệ có nhiều khả năng được vay mượn hơn là các mô thức xã hội, hoặc các hệ thống tín ngưỡng, phần lớn là vì tính hữu dụng của một đặc điểm công nghệ đặc biệt có thể được công nhận một cách nhanh chóng. [Ferraro 1998: 25-9]
Tất cả các bộ phận khác nhau của một nền văn hóa đều có quan hệ tương liên với nhau: Các nền văn hóa cần được quan niệm như là các tổng thể tích hợp với các bộ phận khác nhau. Đó chính là một hệ thống có tổ chức, trong đó các thành phần cụ thể đều tương liên với các thành phần khác. Vì văn hóa là các hệ thống tích hợp, nên chúng ta có thể thấy các đặc điểm văn hóa cụ thể phù hợp với tổng thể tích hợp ra sao, và làm thế nào mà chúng có xu hướng tạo ra ý nghĩa trong bối cảnh đó. Vì các nền văn hóa là các hệ thống mạch lạc, với các bộ phận cấu thành của chúng quan hệ tương liên với nhau, nên bất cứ sự thay đổi nào cũng đều có khả năng tạo ra sự thay đổi tương ứng trong các bộ phận khác của hệ thống. Nói cách khác, một nền văn hóa thay đổi có thể làm cho nền văn hóa khác cũng thay đổi theo. Và lý do của những thay đổi này là ở chỗ các nền văn hóa đều có xu hướng trở thành những hệ thống tích hợp với một số bộ phận kết nối với nhau. [Ferraro 1998: 32-5]
3. Văn hóa như một hệ giá trị phát triển cơ bản
Trong những năm gần đây, ý tưởng cho rằng chiều góc văn hóa phải được bao gồm trong các chính sách và hành động phát triển đã ngày càng được chấp nhận phổ biến. Do các ưu tiên phát triển con người bền vững, nên văn hóa đã được nghiên cứu như là một yếu tố cần thiết cho sự phát triển đầy đủ của mỗi người và cả cộng đồng. Phát triển là vượt qua đói nghèo, để đạt tới cấp độ thịnh vượng và hạnh phúc cao hơn cho mỗi cá nhân và cộng đồng. Vì phát triển là vượt qua nghèo đói, nên một khái niệm rộng hơn về nghèo đói đã được đưa ra: tình trạng đói nghèo còn bao gồm cả lĩnh vực văn hóa. Cả hai khái niệm “văn hóa” và “phát triển” đều là những thuật ngữ không ngừng biến đổi. Trong những năm 1960, các chính sách phát triển hầu như không hề quan tâm đến văn hóa. Ngay cả khi các khái niệm liên quan đến phát triển đã trở thành phổ biến, ví dụ như sinh thái học phát triển, phát triển môi trường rồi phát triển bền vững, thì ở nhiều nơi, văn hóa vẫn còn bị đặt ra ngoài các quá trình phát triển [G.Yudice 2002]. Vì vậy mà nhiều hành động phát triển hầu như vẫn không hề có bất kỳ sự hiện diện nào của chiều kích văn hóa. Phát triển được gắn kết quá chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế, và các tác giả như J. Hawkes [2001] - trong ấn phẩm “Trụ cột phát triển bền vững thứ tư” của mình, ngoài ba trụ cột: kinh tế, xã hội, môi trường đã đưa thêm văn hóa thành trụ cột thứ 4 của phát triển bền vững, trong đó Hawkes đã xác lập một loạt giá trị phù hợp làm cơ sở cho các khuôn khổ lập kế hoạch phát triển khác nhau cho trụ cột văn hóa, và coi đó là một tập hợp “các giá trị cốt lõi” cho trụ cột văn hóa trong quá trình phát triển. Đó là: i) giá trị dân chủ gắn liền với sự tham gia; ii) giá trị hòa nhập gắn liền với lòng khoan dung, và tình thương yêu; iii) giá trị tự do gắn liền với công lý và bình đẳng; iv) giá trị hòa bình gắn liền với an toàn và an ninh; v) giá trị hạnh phúc gắn liền với sức khỏe, và thịnh vượng; vi) giá trị sáng tạo gắn liền với trí tưởng tượng và đổi mới; vii) giá trị yêu thương gắn liền với sự tôn trọng đối với môi trường. Và từ đây, văn hóa đã chính thức được thừa nhận như một giá trị phát triển bền vững, nói cách khác là một giá trị phát triển cơ bản.
Từ đó đã có rất nhiều thuật ngữ liên quan đến khái niệm văn hóa như: văn hóa đại chúng, di sản văn hóa, bản sắc văn hóa, đa dạng văn hóa, …vv, đã được thường xuyên nói đến, nhưng lại không có được một nội dung đích thực. Hơn nữa, sự đa dạng văn hóa và mối quan hệ của nó với bản sắc của mỗi tập hợp người đã biến các công trình liên quan đến văn hóa thành một chủ đề “nhạy cảm” trong nhiều vùng trên thế giới. Đối với UNESCO thì “văn hóa là cái cung cấp bối cảnh, các giá trị, tính chủ quan, các thái độ và các kỹ năng làm cơ sở diễn ra các quá trình phát triển”. Vì vậy, văn hóa không phải là một tập hợp tĩnh của các giá trị và các thực tiễn: nó được liên tục tái tạo khi ta đặt vấn đề, thích ứng và xác định lại các giá trị và việc thực hành các giá trị đó khi phải đối mặt với những thay đổi và việc trao đổi các ý tưởng; và trên hết, cần phải nhấn mạnh việc coi tính đa dạng văn hóa là một sự kiện tự nhiên vốn có của loài người [Maraña M. 2010].
Khái niệm giá trị và giá trị văn hóa
Giá trị là các quan niệm hay các niềm tin về các trạng thái hoặc các hành vi mong muốn cuối cùng, vượt khỏi các tình huống cụ thể, hướng dẫn lựa chọn hoặc định giá hành vi và các sự kiện, và được sắp xếp theo tầm quan trọng tương đối [Schwartz, Shalom H.; Bilsky, Wolfgang 1987]. Các giá trị văn hóa phản ánh tầm quan trọng xã hội cơ bản và phản ánh một hệ thống định chuẩn hiển nhiên. Các định hướng văn hóa phân biệt những cách thức cơ bản xác định thực tiễn, hay thế giới quan. Các xã hội phải đương đầu với các vấn đề cơ bản trong việc điều chỉnh hoạt động của con người. Các phản ứng của xã hội đối với các vấn đề cơ bản nhấn mạnh các giá trị nhất định và bỏ qua các giá trị khác. Các giá trị này được thể hiện trong các thực tiễn hàng ngày, trong các cách thức suy nghĩ và các cách thức vận hành thể chế. Ví dụ, nếu một nền văn hóa coi trọng tham vọng và thành công thì nó có thể hỗ trợ cho các hệ thống pháp lý, thị trường và giáo dục cạnh tranh [Schwartz, S. H., Melech, G., Lehmann, A., Burgess, S., & Harris, M. 2001].
Ba chiều kích của giá trị văn hóa: Theo Schwartz có ba chiều tương tác của các trọng tâm giá trị văn hóa nhằm mục đích phát hiện các giá trị văn hóa phổ quát vượt qua không gian và thời gian cụ thể. Đó là: i) Mối tương tác giữa Hài hòa và Làm chủ. Vị trí của mỗi cá nhân và cộng đồng trong thế giới và xã hội là tích cực thay đổi thế giới, tạo hình nên một thế giới luôn luôn mới; và vai trò của mỗi cá nhân và cộng đồng là phải phù hợp với hệ thống, điều chỉnh hệ thống để tạo ra các thay đổi; ii) Tự trị trí tuệ và Chủ nghĩa truyền thống. Trong đó các ý tưởng của chúng ta xuất phát từ sự độc lập trí tuệ và sự sáng tạo hoặc gắn kết vào các nhóm xã hội hay truyền thống; và iii) Hệ thống thứ bậc và Chủ nghĩa bình quân. Việc phân chia quyền lực và trách nhiệm có thể cung cấp năng lượng để duy trì trật tự từ trên xuống, phân chia không đều, hoặc hợp tác tự nguyện từ dưới lên dẫn đến sự bình đẳng và tự do [Schwartz 1994, 1996, 2005a, 2005b].
Mối quan hệ giữa ba chiều kích giá trị văn hóa: Các nền văn hóa đồng thời thể hiện nhiều giá trị. Một số loại giá trị nhất định có chung các cấu trúc bổ sung trong khi những loại giá trị khác thì lại mâu thuẫn. Ba chiều kích có thể giao nhau để phản ánh các cặp giá trị văn hóa cơ bản. Các cặp giá trị tương thích được đặt gần nhau chạy xung quanh vòng tròn trong khi các cặp giá trị đối lập bắt nguồn theo những hướng đối lập hướng kể từ trung tâm. Các giá trị theo cặp kết hợp lại để nhấn mạnh các xu hướng xã hội. Theo Schwartz thì các cặp giá trị như tính tự chủ và chủ nghĩa bình quân, sự hài hòa và sự phân cấp đều có chung hệ thống phân cấp mâu thuẫn và không phải là phổ biến ở các nền văn hóa mà ông đã nghiên cứu. Schwartz đã xác định và phân tích ba chiều kích giá trị văn hóa với ba vấn đề như sau: [Schwartz 1996, 2006].
Vấn đề 1: Bản chất của mối quan hệ giữa cá nhân và nhóm. Đó chính là mức độ tự trị của mỗi cá nhân đối với nhóm của họ. Một cực của chiều kích này mô tả các nền văn hóa trong đó con người được xem như là một thực thể nằm trong tính tập thể và tìm được ý nghĩa trong cuộc sống chủ yếu thông qua các mối quan hệ xã hội, thông qua việc đồng nhất với nhóm và tham gia vào lối sống chung của nhóm. Schwartz nhấn mạnh tính bảo thủ về phương diện văn hóa liên quan đến việc bảo trì nguyên trạng, các phép tắc, và sự kiềm chế các hành động hoặc những xu hướng có thể phá vỡ các nhóm đoàn kết hoặc trật tự truyền thống, bao gồm trật tự xã hội, tôn trọng truyền thống, an ninh gia đình. Cực đối diện của chiều kích này mô tả các nền văn hóa mà trong đó con người được xem như là một thực thể tự trị, bị giới hạn, tìm được ý nghĩa trong tính độc đáo của riêng mình, tìm cách thể hiện các thuộc tính nội tại của riêng mình như: các sở thích, đặc điểm, tình cảm, những động cơ, và được khuyến khích để làm như vậy. Tự trị Trí tuệ nhấn mạnh về phương diện văn hóa trong những mong muốn của các cá nhân độc lập theo đuổi ý tưởng và các khuynh hướng trí tuệ của mình như: tò mò, phóng khoáng, sáng tạo. Tự trị Tình cảm: nhấn mạnh về phương diện văn hóa trong những mong muốn của cá nhân độc lập theo đuổi kinh nghiệm về phương diện tình cảm tích cực như: niềm vui, cuộc sống thú vị, cuộc sống đa dạng.
Vấn đề 2: Bảo đảm hành vi trách nhiệm là bảo tồn cấu trúc xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là chính văn hóa đã khiến cho con người quan tâm đến phúc lợi của người khác, phối hợp với người khác, và do đó xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội phụ thuộc lẫn nhau. Một giải pháp đối cực của vấn đề này sử dụng các khác biệt về quyền lực, dựa trên các hệ thống thứ bậc của các vai trò gắn liền với hành vi đảm bảo trách nhiệm xã hội. Con người được xã hội hóa và chấp nhận tuân thủ các nghĩa vụ và quy tắc gắn liền với vai trò của họ thông qua việc xây dựng hệ thống cấp bậc xã hội: đó chính là một đặc trưng văn hóa nổi bật nhấn mạnh tính hợp thức của việc phân phối không bình đẳng về quyền lực, vai trò và nguồn lực (quyền lực xã hội, uy quyền, mức độ giàu có). Một giải pháp thay thế cho vấn đề về hành vi trách nhiệm xã hội là nhằm làm cho các thành viên của xã hội nhìn nhận nhau như là những cá nhân bình đẳng về phương diện đạo đức, là những người có chung các lợi ích cơ bản với tư cách là con người. Đó là những người đã được xã hội hóa để cam kết hợp tác tự nguyện với người khác và luôn quan tâm đến phúc lợi của tất cả mọi người. Đó chính là chủ nghĩa bình quân về phương diện văn hóa, nhấn mạnh vào sự siêu vượt khỏi các lợi ích cá nhân để cam kết tự nguyện thúc đẩy phúc lợi của người khác (bình đẳng, công bằng xã hội, tự do, trách nhiệm, trung thực).
Vấn đề 3: Các mối quan hệ của con người với thế giới tự nhiên và xã hội. Đó chính là phản ứng tích cực nhằm làm chủ và thay đổi thế giới, xác quyết khả năng kiểm soát, uốn nắn thế giới theo ý muốn của con người, và khai thác nó để phục vụ cho các lợi ích xã hội, nhóm và cá nhân. Làm chủ về phương diện này có nghĩa là nhấn mạnh về khía cạnh văn hóa thông qua hoạt động tự khẳng định một cách tích cực (tham vọng, thành công, táo bạo, năng lực). Giải pháp đối với vấn đề này là chấp nhận thế giới như chính bản thân nó, cố gắng tương thích với nó nhằm thay đổi hoặc khai thác nó. Đó chính là tính hài hòa về phương diện văn hóa, nhấn mạnh đến sự thống nhất với thiên nhiên, bảo vệ môi trường, duy trì thế giới của cái đẹp.
Rõ ràng xuất phát điểm phân tích giá trị văn hóa của Schwartz là thực thể cá nhân, vai trò và vị thế cá nhân trong mối tương quan với cộng đồng. Quan điểm đó phù hợp với các xã hội đã phát triển cao và thiên về chủ nghĩa cá nhân, hoặc vai trò của các cấu trúc nhóm truyền thống như gia đình, cộng đồng đã không còn nhiều ý nghĩa so với cá nhân, đặc biệt là xã hội Mỹ và Israel, nơi Schwartz chọn mẫu nghiên cứu chính.
Kết luận
Chúng ta chỉ có có thể sử dụng một cách hiệu quả công cụ phân tích giá trị văn hóa - đặc biệt là các cặp giá trị như tính tự chủ và chủ nghĩa bình quân, sự hài hòa và sự phân cấp - của Schwartz với tư cách là một giá trị phát triển cơ bản khi chọn một xuất phát điểm khác. Đó chính là xuất phát điểm nhóm xã hội, cộng đồng xã hội làm nền tảng phát triển, kể cả phát triển nhân cách cá nhân về phương diện văn hóa. Vì vậy, để tránh rơi vào trừu tượng, chúng ta có thể và cần phải lồng ghép các quan điểm giá trị của Schwartz với các quan điểm về các giá trị dân chủ gắn liền với sự tham gia; giá trị hòa nhập gắn liền với lòng khoan dung, và tình thương yêu; giá trị tự do gắn liền với công lý và bình đẳng; giá trị hòa bình gắn liền với an toàn và an ninh; giá trị hạnh phúc gắn liền với sức khỏe, và thịnh vượng; giá trị sáng tạo gắn liền với trí tưởng tượng và đổi mới; giá trị yêu thương gắn liền với sự tôn trọng đối với môi trường của Hawkes. Và dựa trên tinh thần của tuyên bố về tính đa dạng văn hóa của UNESCO [2002] chúng ta hoàn toàn có thể bổ sung thêm vào danh mục hệ giá trị văn hóa của Schwartz và của Hawkes một giá trị mới, đó là giá trị đa dạng văn hóa gắn liền với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các tộc người khác nhau trong quá trình phát triển. Đối với Việt Nam hiện tại, việc xác định hệ giá trị phát triển cơ bản dựa trên trụ cột văn hóa rất cần đến các cách tiếp cận trên.
_________________________________________
Nguồn: Hà Hữu Nga (2015). Văn hóa như một hệ giá trị phát triển cơ bản,
Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 7(178),
2015, tr.48-58. (Bản thảo gốc, chưa biên tập)
Tài liệu dẫn
Avruch, K. (1998) Culture and Conflict Resolution. Washington DC: United States Institute of Peace Press.
Boas, Franz 1887. Museums of Ethnology and their classification. Published in Science 9: 589.
Boas, Franz 1963 [1911]. The Mind of Primitive Man New York: Collier Books. page 149
Ferraro, G. (1998) The Cultural Dimension of International Business. 3rd Edition. New Jersey: Prentice Hall.
Glazer, Mark 1994. Cultural Relativism. Texas: University of Texas-Pan American.
Hawkes, John 2001. The four Pillar of Sustainability - Culture’s essential role in public planning. First published in Australian in 2001 by Common Ground Publishing Pty Ltd in association with the Cultural Development Network (Vic).
Hofstede, G. (1991/1994) Cultures and Organizations: Software of the Mind. London: HarperCollinsBusiness.
Kroeber, A.L., & Kluckhohn, C. (1952). Culture: A critical review of concepts and definitions. Harvard University Peabody Museum of American Archeology and Ethnology Papers 47.
Maraña, Maider 2010. Culture and Development Evolution and Prospects. UNESCO Etxea. Working Papers. No. 1.
Matsumoto, D. (1996) Culture and Psychology. Pacific Grove, CA: Brooks/Cole.
Robert H. Super, Culture and Anarchy with Friendship's Garland and Some Literary Essays, Volume V of The Complete Works of Matthew Arnold, The University of Michigan Press, 1965.
Spencer-Oatey, H. (2012). What is culture? A compilation of quotations. GlobalPAD Core Concepts.
Schwartz, S.H. (1996). Value priorities and behavior: Applying a theory of integrated value systems. In C. Seligman, J.M. Olson, & M.P. Zanna (Eds.), The psychology of values: The Ontario Symposium, Vol. 8 (pp.1-24). Hillsdale, NJ: Erlbaum.
Schwartz, S. H. (2005a). Basic human values: Their content and structure across countries. In
A. Tamayo & J. B. Porto (Eds.), Valores e comportamento nas organizações [Values and behavior in organizations] pp. 21-55. Petrópolis, Brazil: Vozes.
Schwartz, S. H. (2005b). Robustness and fruitfulness of a theory of universals in individual human values. In A. Tamayo & J. B. Porto (Eds.), idem pp. 56-95.
Schwartz, S. H. (2006). Basic human values: Theory, measurement, and applications. Revue
française de sociologie,
Schwartz, Shalom H.; Bilsky, Wolfgang 1987. Toward a universal psychological structure of human values. Journal of Personality and Social Psychology, Vol 53(3), Sep 1987, 550-562.
Schwartz, S. H., Melech, G., Lehmann, A., Burgess, S., & Harris, M. (2001). Extending the cross-cultural validity of the theory of basic human values with a different method of measurement. Journal of Cross-Cultural Psychology, 32, 519-542.
UNESCO 1995. Development´s cultural dimmension: To a practical focus, UNESCO, Paris, 1995.
UNESCO 2002. Universal Declaration on Cultural Diversity - A document for the World Summit on Sustainable Development, Johannesburg, 26 August – 4 September 2002. Series No. 1.
Yúdice, George 2002. Las industrias culturales: más allá de la lógica puramente económica, el aporte social, Pensar Iberoamérica. Number 1, June-September 2002, OEI.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét