Powered By Blogger

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

Vấn đề con người trong cơ chế chính sách huy động nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật tham gia chuyển giao khoa học công nghệ xây dựng nông thôn mới

Hà Hữu Nga

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chương trình nhằm làm cho nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội từng bước hiện đại; cơ câu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn dân chủ, ôn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường sinh thải được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Mục tiêu của Chương trình : i) Đến năm 2015: 20% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới (theo Bộ tiêu chỉ quôc gia về nông thôn mới); ii) Đến năm 2020: 50% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới (theo Bộ tiêu chỉ quốc gia về nông thôn mới). (Thủ tướng Chính phủ 2010).

Cho đến nay, lĩnh vực nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách liên quan đến nguồn lực con người tham gia chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) trong xây dựng nông thôn mới tuy đã có những thành quả nhất định, nhưng nhiều khía cạnh gần như vẫn còn là những khoảng trống. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây: 1. Cơ chế chính sách huy động nguồn lực con người tham gia chuyển giao KHCN xây dựng nông thôn mới; 2. Thực tiễn cơ chế chính sách chuyển giao KHCN liên quan đến vấn đề con người trong chương trình xây dựng nông thôn mới; 3. Các cơ sở để đề xuất giải pháp xây dựng cơ chế chính sách chuyển giao KHCN liên quan đến vấn đề con người trong phát triển nông thôn mới.

I. Cơ chế chính sách huy động nguồn lực con người tham gia chuyển giao KHCN xây dựng nông thôn mới

Khái niệm cơ chế, chính sách

Chính sách là một hệ thống các nguyên tắc, các quy trình, các thể thức có chủ đích được xây dựng thành hệ thống, hướng dẫn các quyết định của một tổ chức chính trị, nhà nước nhằm đạt được các kết quả mong muốn. Mỗi chính sách là một khẳng định về ý định có mục đích rõ ràng của tổ chức chính trị, nhà nước đó và các ý định, mục đích đó phải được thực hiện theo các nguyên tắc, các quy trình, các thể thức nhất định, liên quan. Trong lĩnh vực xây dựng chính sách, khái niệm cơ chế dùng để chỉ sự sắp xếp, kết nối các bộ phận khác nhau của một hoặc những chính sách nào đó nhằm vận hành một cách hiệu quả để đạt được các ý định, mục tiêu, mục đích xác định của chính sách đó. Các chính sách cũng bao hàm trong đó các cơ chế sắp xếp, kết nối, đảm bảo sự vận hành thông suốt và hiệu quả của hệ thống với vô số lĩnh vực, bộ phận liên quan giữa kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, văn hóa; giữa quản lý hành chính với quản lý tài chính; giữa lợi ích của các vùng miền, các nhóm xã hội, dân cư khác nhau; việc xác lập cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan khác nhau trong từng chính sách và trong các tập hợp chính sách của nhà nước ở các cấp từ trung ương đến cơ sở.

1.1. Vấn đề con người trong chuyển giao KHCN phát triển nông thôn mới

Chuyển giao KHCN trong phát triển nông thôn mới là quá trình đưa các tiến bộ KHCN đã được khẳng định là đúng đắn và có hiệu quả trong thực tiễn vào áp dụng sản xuất tại nông hộ. Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 của Việt Nam định nghĩa: “công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm” (Khoản 2, Điều 3), do đó, chuyển giao công nghệ là: “…chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ” (Khoản 8, Điều 3) [Quốc hội 2006; Chính phủ 2008].

Về cơ bản, chuyển giao KHCN trong xây dựng nông thôn mới bao gồm các nội dung sau: i) Chuyển giao tiến bộ KHCN cho nông dân nhằm cung cấp thông tin về KHCN, hướng dẫn sử dụng, định hướng phát triển, cung cấp một số yếu tố đầu vào hoặc định hướng các yếu tố đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp phù hợp với môi trường sinh thái, thói quen tiêu dùng của các thị trường nông sản của nông hộ; ii) Đối tượng chuyển giao không chỉ đơn thuần mang tính kỹ thuật, mà còn bao gồm cả các giải pháp liên quan đến năng lực của người nông dân trong các lĩnh vực quản lý, thông tin, thị trường; iii) Chuyển giao tiến bộ KHCN còn bao hàm cả các cách tiếp cận mang tính con người nhằm khai thác và tăng cường các nguồn vốn xã hội, giúp nông dân liên kết trong đầu tư, sản xuất, chế biến, phát triển và tiêu thụ sản phẩm (Ellis F. 1992).

Vậy là về phương diện con người, chuyển giao KHCN là một quá trình gồm nhiều bước, nhiều giai đoạn, đòi hỏi tiêu tốn một khoảng thời gian nhất định nhằm xác lập các mối quan hệ, các hành vi của các con người cụ thể, được gọi là các bên liên quan, các đối tác tham gia chuyển giao KHCN. Quá trình chuyển giao diễn ra thông qua nhiều kênh giao tiếp, mỗi kênh liên quan đến nhiều đối tác khác nhau, với cơ chế vận hành và kiểm soát khác nhau; đối tượng chuyển giao đa dạng, không chỉ bao gồm những tiến bộ KHCN đã được khẳng định tính đúng đắn do các tổ chức KHCN nghiên cứu và phát triển, mà còn bao gồm cả những tiến bộ do chính người nông dân đúc kết ra từ kinh nghiệm thực tiễn của họ. Vì vậy, vấn đề con người trong chuyển giao KHCN phát triển nông thôn mới không chỉ đơn thuần là các vấn đề con người trong nguồn nhân lực KHCN mà con bao gồm cả vấn đề con người thuộc nhóm đối tượng tiếp nhận chuyển giao KHCN nữa, đó chính là người nông dân, chủ thể xây dựng và phát triển nông thôn mới.   

Mặc dù đối tượng tham gia các quá trình chuyển giao KHCN rất đa dạng, song đều phải tuân thủ một điều kiện cần thiết liên quan đến vấn đề con người, vấn đề nghĩa vụ và quyền lợi, vấn đề lợi ích và đạo lý trong chuyển giao KHCN, đó chính là tuân thủ tính đúng đắn trong việc đảm bảo chất lượng của loại hàng hóa đặc biệt - hàng hóa KHCN - thông qua thực nghiệm trước khi chuyển giao cho người nông dân. Trong thực tế đã có nhiều trường hợp chuyển giao những “kết quả” chưa được kiểm chứng bằng thực nghiệm nên đã gây ra các tác động tiêu cực không chỉ đối với sản xuất nông nghiệp và môi trường, mà còn tác động tiêu cực đến vấn đề con người trong chuyển giao KHCN. Đó chính là niềm tin của nông dân - là đối tượng tiếp nhận - đối với người chuyển giao, mà cụ thể là các lực lượng thuộc nguồn nhân lực KHCN, bao gồm: các nhà khoa học ở các Viện nghiên cứu, các Trường đại học, Trung tâm nghiên cứu cấp trung ương; các cán bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) ở cấp tỉnh như Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm khuyến nông/khuyến ngư; các cán bộ KHKT ở cấp huyện như Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), cán bộ khuyến nông/ khuyến ngư; các cán bộ KHKT ở các doanh nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp; các cán bộ tiếp nhận KHKT ở cấp xã và Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN). Tóm lại đó là niềm tin của người nông dân đối với hệ thống thể chế nhà nước – niềm tin của họ vào các cơ chế, chính sách và những con người tham gia vận hành cơ chế chính sách chuyển giao KHCN cho họ.

Tuy nhiên đất nước ta đang trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường, nên khi đối tác tham gia vào quá trình chuyển giao KHCN là các tổ chức, công ty có tư cách pháp nhân, nhưng không phải bất cứ người nông dân hoặc nông hộ nào cũng biết rõ và tin tưởng rằng các tổ chức, công ty đó chuyển giao KHCN theo đúng luật định. Đặc trưng con người nông dân là những cá thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và có xuất phát điểm đầu tư thấp thì thực chất của việc chuyển giao KHCN tới các nông hộ lại không thuần túy là những thương vụ mà bất cứ lúc nào cũng có thể phân biệt rạch ròi quyền sử dụng và quyền sở hữu, mà đa phần đó là những biện pháp xúc tiến phát triển sản xuất và tạo điều kiện để nông hộ phát huy tốt nhất hiệu quả sản xuất của họ. Vì vậy, về phương diện này, cần phải có những đột phá về lý luận và thực tiễn chuyển giao KHCN. Và một trong những lý luận đột phá đó chính là phương thức chuyển giao có sự tham gia của người dân, giúp khắc phục được các nhược điểm mà vẫn khai thác được các lợi thế của những cách tiếp cận trước đó nhờ vào các nhân tố sau: i) Nông dân và các chuyên gia KHKT cùng xác định các vấn đề khó khăn mà nông dân gặp phải; ii) Chuyên gia và nông dân cùng bàn bạc để tìm ra các giải pháp nhằm vượt qua các khó khăn đó; iii) Thử nghiệm công nghệ mới do nông dân làm chủ dưới sự hướng dẫn và giám sát kỹ thuật của chuyên gia; iv) Sau khi kết thúc một chu kỳ, các chuyên gia cùng nông dân đánh giá, tổng kết để có thể ứng dụng đại trà, và kết quả có thể được thể chế hóa để nhân rộng (Whyte, William Foote, Greenwood Davydd J., Peter Lazes, 1991).

Về phương diện con người, ưu điểm của phương thức chuyển giao này là có thể huy động tối đa sự tham gia của nông dân, và đó mới đúng nghĩa khuyến nông. Trong lịch sử khuyến nông, phương thức này có những tên gọi khác nhau như: nông dân dựa vào kết quả nghiên cứu của nông dân, hoặc phát triển công nghệ có sự tham gia. Đặc điểm của cách tiếp cận này là sự tham gia chủ động và tích cực của người dân vào toàn bộ quá trình nghiên cứu, và các nghiên cứu cũng được thực hiện trên đồng ruộng của nông dân, chính vì vậy nó thu hút được sự tham gia đông đảo của người dân (Rhoades, Robert E., 1987). Và cũng chính vì vậy mà khái niệm khuyến nông được xác định là: suy nghĩ thấu đáo việc sử dụng các thông tin để giúp đỡ người nông dân tự hình thành ý kiến và đưa ra các quyết định đúng đắn; ở đây, giúp đỡ bao hàm nội dung mang tính nhân văn sâu sắc, mà thực chất của nó là: hệ thống chuyển giao KHCN cho nông dân phải lấy lợi ích của người nông dân làm xuất phát điểm của mình; chính nông dân sẽ quyết định cái gì là quan trọng, nhưng họ không quyết định một mình, bởi vì đây cũng là lúc mà người làm khuyến nông cũng quyết định điều gì là quan trọng nhất đối với họ trong việc giúp đỡ nông dân, mà cụ thể là giúp họ vượt qua các trở ngại về phương diện con người nông dân. Các trở ngại đó bao gồm: i) trở ngại về kiến thức chủ yếu có được do kinh nghiệm, chứ không dựa trên cơ sở khoa học; ii) trở ngại do thiếu động cơ nhằm theo đuổi mục đích ứng dụng KHCN; ii) trở ngại về nguồn đầu tư, đặc biệt là các nguồn tín dụng để mua thiết bị, vật tư nông nghiệp; iii) trở ngại về nguồn vốn xã hội như các mối liên hệ, quan hệ để có thể tiếp cận được với tính dụng, các cơ sở KHCN, tiếp cận thị trường; iv) trở ngại về nhân lực, đặc biệt là cách thức huy động nguồn trợ giúp nhân lực của cộng đồng và các nguồn lực KHCN và kỹ thuật có thể thay thế cho tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực (Van den Ban A.W & H.S. Hawkin 1999, tr. 12 - 13).   

Bên cạnh đó, các tác động mang tính con người ảnh hưng tới việc chuyển giao KHCN cho nông dân bao gồm các nhân tố sau: i) Nhóm nhân tố con người trong việc xử lý các quan hệ với những yếu t vật lý như loại đất, điều kiện thời tiết, địa hình; ii) Nhóm nhân tố thuộc về tác động của con người thông qua việc phân bổ các nguồn lực tại địa phương như: cơ sở hạ tầng, máy móc cơ khí, hóa chất, các đầu vào sinh học và lao động; iii) Nhóm nhân tố con người mang tính hỗ trợ như khả năng tiếp cận tín dụng, tiếp cận thị trường, hiệu quả khuyến nông; iv) Nhóm nhân tố con người, mang tính phi kinh tế như văn hóa, lối sống, phong tục tập quán, hành vi ứng xử của cư dân địa phương, trình độ học vấn, thói quen tiêu dùng, môi trường thể chế địa phương; v) Nhóm nhân tố con người trong xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách, bao gồm cả cơ chế chính sách của trung ương và địa phương có liên quan (Shaw M.L.G. & Gaines B.R., 1987).

1.2. Vấn đề huy động nguồn lực con người tham gia chuyển giao KHCN xây dựng nông thôn mới

Ở bình diện chung nhất, khái niệm “huy động nguồn lực con người” chính là cơ chế, chính sách huy động xã hội để tìm kiếm và sử dụng các nguồn lực, trong đó có nguồn lực con người hỗ trợ thực hiện các mục tiêu của các chính sách quan trọng của quốc gia. Nguyên tắc của cơ chế, chính sách huy động xã hội là trao quyền cho các đối tượng thụ hưởng của các hoạt động thuộc những lĩnh vực nhất định để họ trở thành các bên liên quan tích cực và có trách nhiệm. Các phương thức huy động xã hội đối với nguồn lực con người bao gồm: i) sử dụng các cơ chế, chính sách bắt buộc liên quan đến trách nhiệm và nghĩa vụ công dân; ii) sử dụng các cơ chế, chính sách khơi dậy tinh thần tự nguyện, thiện nguyện, ý thức đạo đức, chính trị, xã hội, đức tin tôn giáo trong việc giúp đỡ lẫn nhau giữa con người với con người, đặc biệt là việc giúp đỡ những vùng đất, con người còn nhiều khó khăn ở nông thôn; iii) sử dụng các cơ chế, chính sách quản lý hành chính; iv) sử dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, bổ nhiệm, thăng tiến về sự nghiệp, tưởng thưởng bằng lương bổng; v) sử dụng các cơ chế, chính sách chia sẻ các quyền, các lợi ích kinh tế, chính trị, danh dự, vị thế và thang bậc xã hội khác nhau.

Thuật ngữ nguồn lực con người, hay nguồn nhân lực xuất hiện vào thập niên 80 của thế kỷ XX khi có sự thay đổi căn bản về phương thức quản lý, sử dụng con người trong kinh tế học lao động. Nếu như trước đây phương thức quản trị nhân viên bằng cách coi nhân viên là lực lượng thừa hành, phụ thuộc, cần khai thác tối đa sức lao động của họ với chi phí tối thiểu thì từ những năm 80 đến nay phương thức quản lý nguồn nhân lực hiện đại ngày càng mềm dẻo hơn, linh hoạt hơn, tạo điều kiện tốt hơn để mọi tầng lớp người, đặc biệt là người lao động trực tiếp, có thể phát huy ở mức cao nhất các khả năng tiềm tàng, vốn có của họ thông qua quá trình lao động sáng tạo. Việc xây dựng đội ngũ khoa học kỹ thuật tham gia vào chuyển giao KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới chính là nhằm thúc đẩy quá trình nghiên cứu, đưa ra các công nghệ mới, đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, từ đó chuyển giao lại cho người nông dân và các nhóm liên quan khác trực tiếp sử dụng.

Từ quan điểm lý luận nêu trên, và đối chiếu với nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (thể hiện trong các văn bản pháp lý liên quan, đặc biệt là bộ tiêu chí nông thôn mới), khái niệm “nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật” chủ yếu là đội ngũ cán bộ KHKT trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, cụ thể bao gồm: i) Cán bộ KHKT ở các Viện nghiên cứu, các Trường đại học, Trung tâm nghiên cứu; ii) Cán bộ KHKT ở cấp tỉnh: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm khuyến nông/khuyến ngư; iii) Cán bộ KHKT ở cấp huyện: Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), cán bộ khuyến nông/ khuyến ngư; iv) Cán bộ KHKT ở các doanh nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp; v) Cán bộ tiếp nhận KHKT ở địa phương: Hợp tác xã nông nghiệp, tư nhân, người dân.

2. Thực tiễn cơ chế chính sách chuyển giao KHCN liên quan đến vấn đề con người trong chương trình xây dựng nông thôn mới

2.1. Các chủ trương, chính sách KHCN trong xây dựng nông thôn mới

Để hỗ trợ cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới đáp ứng được 19 tiêu chí “Xã nông thôn mới”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Quyết định Phê duyệt chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015” (Số 27/QĐ-TTg, ngày 05 tháng 01 năm 2012). Chương trình có các mục tiêu chính như sau: i) Nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ sở lý luận của mô hình nông thôn mới để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; ii) Nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, giải pháp khoa học và công nghệ xây dựng nông thôn mới để áp dụng cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; iii) Xây dựng một số mô hình nông thôn mới trên cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, từ đó đánh giá hiệu quả để tổ chức nhân rộng trên phạm vi cả nước trong quá trình xây dựng nông thôn mới; iv) Nâng cao nhận thức và trình độ ứng dụng khoa học và công nghệ của người nông dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới; v) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nông thôn mới; vi) Đạt được một số chỉ tiêu cụ thể như sau: 70% đề tài, dự án thuộc Chương trình có kết quả được công bố trên các tạp chí khoa học và công nghệ trong nước và nước ngoài; 10% đề tài, dự án thuộc Chương trình được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; Các đề tài, dự án thuộc Chương trình thực hiện đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ cho 10.000 lượt đối tượng chuyển giao công nghệ và nhận chuyển giao công nghệ ở nông thôn (Thủ tướng Chính phủ, 2012a,b).

Việc chuyển giao KHCN cho nông dân ở Việt Nam được thực hiện thông qua hệ thống khuyến nông, và đây là một kênh quan trọng hàng đầu. Nhà nước Việt Nam nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc huy động nguồn lực con người trong chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, nên đã xây dựng hệ thống khuyến nông nhà nước từ trung ương xuống đến cơ sở xã thôn. Hệ thống này có chức năng chuyển giao và thúc đẩy việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tới nông dân. Hệ thống khuyến nông Nhà nước áp dụng 4 phương pháp khuyến nông cơ bản: i) Khuyến nông thực hiện theo chương trình, dự án; ii) Khuyến nông xây dựng mô hình, tổ chức đào tạo tập huấn, tham quan tại chỗ; iii) Phương pháp khuyến nông có sự tham gia, chủ yếu áp dụng trong các chương trình dự án do các tổ chức nước ngoài tài trợ cho Việt Nam; iv) Phương pháp khuyến nông có sự hỗ trợ vật chất hoặc kinh phí của nhà nước cho các hạng mục như: phần vật tư chênh lệch do ứng dụng cho các tiến bộ mới phát sinh (chiếm 30-40% chi phí); tổ chức tập huấn và tham quan hội thảo đầu bờ của mô hình.

Vậy là bốn phương pháp trên cũng không khác với các phương pháp chuyển giao khoa học công nghệ tới nông dân phổ biến trên thế giới, như đã đề cập ở trên. Trước hết, về cơ sở pháp lý, việc nghiên cứu cơ chế chính sách huy động nguồn lực con người đối với đội ngũ cán bộ KHKT tham gia chuyển giao KHCN trong xây dựng nông thôn mới chính là góp phần thực hiện mục tiêu của quyết định Số 27/QĐ-TTg., ngày 05 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó liên quan trực tiếp đến mục tiêu thứ hai của quyết định trên là “Nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, giải pháp khoa học và công nghệ xây dựng nông thôn mới để áp dụng cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020”. Một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu mà Chương trình khoa học công nghệ đưa ra là nội dung thứ 2: “Nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới, bao gồm cơ chế chính sách huy động các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp, nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới”. Và nội dung thứ 5 là “Xây dựng nội dung và tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực nắm bắt, ứng dụng khoa học và công nghệ cho các đối tượng có liên quan đến việc xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyển giao công nghệ, nông dân và doanh nghiệp” (Thủ tướng Chính phủ, 2012a,b).

2.2. Cơ chế bốn nhà trong chuyển giao KHCN

Năm 2008, Bộ NN&PTNT đã xây dựng báo cáo 5 năm thực hiện Quyết định số 80/20002/QĐ-TTg (Thủ tướng Chính phủ 2002), và tổng kết những mặt tích cực và hạn chế về “cơ chế bốn nhà” gồm nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông trong phát triển nghiệp và nông thôn. Báo cáo đã tổng kết đày đủ và chi tiết mọi mặt của cơ chế này, trước hết là những kết quả bước đầu của cơ chế “bốn nhà”:

i) Vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc triển khai thực hiện hợp đồng: Tại những địa phương như Thanh Hoá, Tuyên Quang... quan tâm đến công tác quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chỉ đạo và hướng dẫn  nông dân sản xuất và tham gia giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng thì đạt kết quả tốt được doanh nghiệp và người nông dân đồng tình ủng hộ; ii) Về phía doanh nghiệp: nhiều doanh nghiệp đã triển khai thực hiện tương đối tốt việc ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; bước đầu xác lập mối quan hệ bền chặt giữa sản xuất và chế biến, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho chế biến xuất khẩu; iii) Nông dân thông qua hợp đồng sản xuất, tiêu thụ đã yên tâm đầu tư sản xuất, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật và mạnh dạn đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng năng suất sản lượng. Đặc biệt tạo động lực cho các hộ nông dân tổ chức sản xuất theo mô hình trang trại, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, hạ giá thành sản phẩm và tăng thu nhập. [Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2008].

Tuy nhiên dưới đây là những khía cạnh còn hạn chế của cơ chế “bốn nhà”, mà báo cáo của Bộ NN&PTNT đã đúc rút, nhằm tìm kiếm cách giải pháp khắc phục:

i) Nhà nước: Công tác chỉ đạo tổ chức sản xuất hiệu quả chưa cao, đặc biệt trong công tác quy hoạch sản xuất; chỉ đạo dồn điền đổi thửa, tập trung và tích tụ ruộng đất. Đến nay, đất sản xuất của hầu hết các hộ nông dân còn manh mún, phân tán nên khó khăn trong việc quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá tập chung cũng như việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Công tác chỉ đạo xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác của nông dân chưa được quan tâm đúng mức. Ở nhiều nơi chưa có hợp tác xã, tổ hợp tác, nơi có thì chưa thực hiện được vai trò hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thành viên hoặc thực hiện nhưng còn rất yếu và mờ nhạt. Công tác kiểm tra giám sát việc thực thi pháp luật, chính sách liên quan đến tiêu thụ nông sản có nơi can thiệp quá sâu làm hạn chế sự năng động sáng tạo của đơn vị sản xuất kinh doanh, có nơi buông lỏng hoặc đùn đẩy trách nhiệm làm hạn chế tính ưu việt, tính khoa học của hình thức liên kết này.

ii) Nhà doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược kinh doanh, đặc biệt chiến lược về thị trường nên chưa gắn được sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp với người sản xuất và vùng nguyên liệu; chưa đặt lợi ích của người sản xuất hài hoà với lợi ích của doanh nghiệp; chưa tích cực đổi mới cơ chế tổ chức quản lý phù hợp với phương pháp làm ăn mới; chậm đổi mới công nghệ nên năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất còn nhiều hạn chế; thiếu cán bộ nông vụ, mạng lưới thu gom nông sản đến người nông dân dẫn tới việc thực hiện liên kết với nông dân còn nhiều khó khăn.

iii) Nhà nông: Trình độ sản xuất, quản lý của người nông dân vẫn mang tính tiểu nông, chưa đáp ứng kịp kiến thức theo yêu cầu sản xuất hàng hóa. Tiềm lực sản xuất, tiềm lực kinh tế của hộ nông dân còn thấp, thiếu thông tin thị trường, các kiến thức về pháp luật, trong khi đó thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức của nông dân.

iv) Nhà khoa học: Các cơ quan chuyên môn như Viện nghiên cứu, trường đại học còn chưa thực sự gắn giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất; chưa có kế hoạch cụ thể gắn kết với doanh nghiệp, người sản xuất trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp với các nhà khoa học còn lỏng lẻo [Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2008].

2.3.  Các hạn chế về cơ chế, chính sách huy động nguồn lực con người trong chuyển giao KHCN xây dựng nông thôn mới.

Các công trình nghiên cứu đã cho thấy một số tồn tại khác trong quá trình chuyển giao công nghệ cho người dân tại các địa phương: 1) Chưa có sự tham gia đầy đủ của các tổ chức nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và các doanh nghiệp; 2) Công tác nghiên cứu chưa đạt yêu cầu, nhiều giống khi đưa vào sản xuất có thời gian sống không dài, sản xuất kém bền vững, không đạt yêu cầu so với báo cáo trồng thử nghiệm; 3) Công tác tuyên truyền, tập huấn còn nhiều hạn chế, cần phải trang bị đầy đủ kiến thức cho người dân để người nông dân nắm rõ được quy trình kỹ thuật và công dụng của các sản phẩm nông nghiệp (Tổng cục thống kê, 2008;  ). Hiện nay, các mô hình chuyển giao chưa có sự đồng bộ từ chính sách tới triển khai thực tế. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận một số tồn tại nảy sinh trong quá trình chuyển giao công nghệ tại các địa phương: i) Giữa các sở KH&CN với Bộ KH&CN chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau; ii) Giữa các cơ quan chuyển giao và đơn vị chủ trì; giữa các nhà khoa học với địa phương cũng chưa có sự phối hợp chặt chẽ; nhiều đơn vị triển khai dự án, chuyển giao công nghệ chưa gắn với dự án, chưa hỗ trợ nhiều để nông dân có thể thực hiện tốt được mô hình (Tổng cục thống kê, 2012). Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng cần phải thực hiện các công việc sau: i) Cần xây dựng mô hình mẫu thành công: Muốn thuyết phục được người dân tham gia xây dựng mô hình và ứng dụng các công nghệ chuyển giao, cần phải có những mô hình mẫu, mô hình điểm hiệu quả; ii) Chuyển giao công nghệ cho các địa phương dựa trên những đơn đặt hàng từ chính các địa phương hoặc cơ quan ban ngành có thẩm quyền: Các mô hình chuyển giao công nghệ cần phải có các đơn đặt hàng nghiên cứu, chuyển giao từ các địa phương tới các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu để đạt được hiệu quả cao trong sản xuất; iii) Liên kết giữa các viện, trung tâm nghiên cứu với cá nhân các nhà khoa học có chuyên môn để nghiên cứu, chuyển giao; iv) Đặt hàng thông qua các nhà khoa học, cần đặt vai trò quan trọng của các nhà khoa học lên hàng đầu; v) Cần chú trọng theo chất lượng, không chạy theo số lượng (Tổng cục thống kê, 2013).

Nói tóm lại, việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp tại các địa phương đang gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Riêng về góc độ con người và nguồn nhân lực thì có thể thấy các hạn chế nổi bật như sau: i) Còn thiếu cơ chế đồng bộ huy động xã hội đối với nguồn nhân lực KHCN cho nông thôn mới; ii) Còn thiếu chính sách đồng bộ huy động xã hội đối với nguồn nhân lực KHCN cho nông thôn mới; iii) Chưa có các cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn đảm bảo cho sự tham gia của các doanh nghiệp trong chuyển giao KHCN cho xây dựng nông thôn nói chung và nông thôn mới nói riêng; iv) Thiếu cơ chế, chính sách chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan trong việc chuyển giao KHCN cho nông thôn mới; v) Thiếu cơ chế, chính sách phát triển số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chuyển giao KHCN cho xây dựng nông thôn mới; vi) Vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách chuyển giao KHCN cho nông thôn mới hầu như chưa đáng kể; vii) Đặc biệt là tình trạng liên kết giữa các viện, trung tâm nghiên cứu với cá nhân các nhà khoa học có chuyên môn cao vẫn còn lỏng lẻo, vì vậy, về phương diện con người, chưa phát huy được hết năng lực của các nhà khoa học giỏi (Trần Văn Hiếu, 2004).  

3. Các cơ sở để đề xuất giải pháp xây dựng cơ chế chính sách chuyển giao KHCN liên quan đến vấn đề con người trong phát triển nông thôn mới

3.1. Việc xây dựng cơ chế chính sách chuyển giao KHCN trong phát triển nông thôn mới phải dựa trên nền tảng tính khác biệt lợi ích của các bên liên quan trong đó lợi ích của người nông dân phải được đặt lên hàng đầu

Việc đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu để xây dựng cơ chế chính sách chuyển giao KHCN trong phát triển nông thôn mới không có nghĩa là chúng ta bỏ quên hoặc hy sinh lợi ích của các chủ thể khác liên quan đến quá trình này, trong đó có lợi ích của Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, v.v… Ngược lại, cần phải thấy rằng đối tượng của quá trình chuyển giao KHCN chính là người nông dân. Tham gia vào quá trình này bao gồm các chủ thể khác như nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Những tác nhân tham gia ấy không phải là những người tham gia vô tư, mà họ tham gia để được hưởng lợi và cùng chia sẻ lợi ích với người nông dân. Trong đó có những lợi ích trước mặt và những lợi ích lâu dài, những lợi ích trừu tượng và những lợi ích cụ thể. Trong tương quan đó, người hưởng lợi ích lâu dài chính là nhà nước, còn lại đối với nhà nông, nhà doanh nghiệp, và nhà khoa học - với tư cách là những con người cụ thể - thì mối bận tâm trước hết chính là những lợi ích trước mắt của mỗi bên tham gia. Tuy nhiên, khái niệm “lợi ích” trong quan niệm của mỗi bên cũng có những khác biệt: đối với nhà nông, lợi ích gắn liền với thành quả nông sản thu được qua mỗi mùa vụ khi họ tiếp nhận chuyển giao KHCN; đối với nhà doanh nghiệp lợi ích được đo đếm cụ thể bằng lợi nhuận thu được từ việc bỏ vốn ra kinh doanh sản phẩn của người nông dân; đối với nhà khoa học lợi ích thu được một phần gắn liền với lợi ích mang lại từ các khoản đầu tư của nhà nước cho các công trình nghiên cứu, một phần gắn liền với lợi ích thu được từ việc bán dịch vụ KHCN cho nông dân, và một phần thu được từ những tưởng thưởng do các thành công về phương diện khoa học mang lại, v.v…Vì vậy người làm cơ chế chính sách chuyển giao KHCN trong phát triển nông thôn mới dứt khoát phải dựa trên những phân tích lợi ích của các bên liên quan trên để đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp. Tuy nhiên trong quá trình này rõ ràng các bên liên quan khác chỉ được hưởng lợi khi người nông dân được hưởng lợi. Vì vậy việc ở đây, việc lấy lợi ích của người nông dân làm nền tảng là điều đương nhiên.

3.2. Cơ chế chính sách liên kết chuyn giao KHCN trong phát triển nông thôn mới phải mang tính hữu cơ dựa trên nền tảng thống nhất lợi ích

Khi nói đến tính hữu cơ của các cơ chế chính sách chuyển giao KHCN, người viết muốn nói đến tính chất con người, tính chất nhân văn và mặt trái cần phải tránh của nó, đó chính là tính chất cơ giới, tính chất máy móc của các cơ chế chính sách này. Trước hết cách hiểu về khái niệm liên kết và đặc biệt là cơ chế liên kết trong phát triển nông thôn mới, mà điển hình là cơ chế “liên kết bốn nhà”, về một số phương diện có thể còn mang tính cơ giới, gồm bốn mảng tách biệt với nhau, dẫn đến khó mà có được cơ chế, chính sách cụ thể để tạo ra một liên kết hữu cơ giữa “bốn nhà”. Khi nói đến “liên kết bốn nhà” người ta thường nghĩ ngay đến bốn nhân tố tách biệt nhau cần phải được kết hợp lại bằng những định hướng, chủ trương, nghị quyết nhất định để phục vụ phát triển nông thôn mới. Nếu chỉ có như vậy thì chắc chắn cách liên kết đó sẽ mang nặng tính cơ giới, và thiếu đi một nền tảng cố kết hữu cơ vững chắc. Đó chính là nền tảng tính thống nhất lợi ích. Dựa trên nền tảng này, chúng ta có thể xây dựng các liên kết thực sự, từ bản chất bằng mô hình 2 trong 1, thậm chí 3 trong 1: chẳng hạn nhà nông cũng đồng thời là nhà doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; nhà khoa học đồng thời là nhà nông hoặc ngược lại, nhà nông cũng tham gia nghiên cứu khoa học; hoặc nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp có thể có điều kiện để tham gia một cách tích cực vào quá trình xây dựng các cơ chế chính sách chuyển giao KHCN góp phần tăng thêm hiệu quả của Nhà nước trong lĩnh vực này, v.v…Chỉ có như vậy thì mới có thể khắc phục được tình trạng Nhà nước phải cố gắng lắp ghép các bộ phận khác biệt nhau vào một thứ cơ chế không bền vững, thậm chí tạm bợ mà không dựa trên một nền tảng hữu cơ gắn liền với lợi ích lâu bền của chính các chủ thể liên kết.

3.3. Cơ chế chính sách huy động nguồn nhân lực tham gia chuyển giao KHCN trong phát triển nông thôn mới phải đồng bộ dựa trên nền tảng tính hệ thống của quá trình

Nếu như nền tảng của tính hữu cơ trong cơ chế chính sách liên kết chuyển giao KHCN phát triển nông thôn mới là tính thống nhất lợi ích của các bên tham gia, thì tính đồng bộ của cơ chế chính sách ấy phải dựa trên một hệ thống đầy đủ, nhất quán của các nguồn lực hỗ trợ cho quá trình phát triển nông thôn mới. Hệ thống đó phải bao gồm đầy đủ các nhóm yếu tố sau: i) Nhóm yếu tố về thể chế, cơ chế và chính sách: Hệ thống Luật pháp về KH&CN tạo ra hành lang pháp lý cho các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, bao gồm một hệ thống các nhóm chính sách khác nhau: chính sách quản lý KH&CN, chính sách đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, chính sách đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chuyển giao ngành nông nghiệp, chính sách khuyến khích, thúc đẩy chuyển giao KHCN trong nông nghiệp; ii) Nhóm yếu tố về nguồn nhân lực, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố có vai trò quan trọng nhất trong nghiên cứu và chuyển giao KHCN trong nông nghiệp; iii) Nhóm yếu tố về cơ sở vật chất kỹ thuật và tài chính liên quan đến hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng: Hoạt động nghiên cứu và chuyển giao KHCN trong nông nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả hoạt động thấp nếu hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và lượng kinh phí phục vụ nghiên cứu và chuyển giao nghèo nàn, lạc hậu và không được quan tâm đầu tư đúng mức; iv) Nhóm yếu tố về sự phát triển của thị trường KH&CN: Sự phát triển của thị trường khoa học, công nghệ là yếu tố ảnh hưởng khá mạnh đến hiệu quả của công tác nghiên cứu và chuyển giao KHCN trong mọi ngành kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng [Phạm Bảo Dương 2009].

_______________________________________

Nguồn: Hà Hữu Nga (2017). Vấn đề con người trong cơ chế chính sách huy động nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật tham gia chuyển giao khoa học công nghệ xây dựng nông thôn mới, Tạp chí Nghiên cứu Con người, ISSN 0328-1557, Số 2(89) 2017, tr. 67-77.

Tài liệu dẫn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2008. Báo cáp tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.

Chính phủ 2008. Nghị định số 133/2008/NĐ-CP: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật chuyển giao công nghệ. Hà Nội.

Ellis F., 1992. Agricultural policies in developing countries, Cambridge University Press, Cambridge, UK.

Phạm Bảo Dương 2009. Báo cáo tóm tắt đề tài nghiên cứu chính sách khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Bộ NN&PTNT, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn. Hà Nội.

Quốc hội 2006. Luật chuyển giao công nghệ số 80/2006/QH11. Hà Nội 2006.

Rhoades, Robert E., 1987. Farmers and Experimentation. Discussion Paper 21. London: Agricultural Administration Unit. Overseas Development Institute.

Rhoades, Robert E. 1988. Tecnicista versus Campesinista: Praxis and Theory of Farmer Involvement in Agricultural Research. In Marion, Peter, Ronald Cantrell, David King, and Michel Benoit-Cattin (eds.) Coming Full Circle: Farmers' Participation in the Development of Technology. Ottawa: Inteznafional Development Research Cenlre, pp. 139-150.

Selener J.D. (1989). The historical development of the training and visit system of agricultural extension: implications for developing countries. Project report (M.P.S. (Agr.))--Cornell University, Jan., 1989.

Shaw, M.L.G. & Gaines, B.R. 1987. An interactive knowledge elicitation technique using personal construct technology. Kidd, A., Ed.  Knowledge Elicitation for Expert Systems: A Practical Handbook. pp.109-136. Plenum Press.

Thủ tướng Chính phủ 2002. Quyết định số: 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24 tháng 6 năm 2002 về Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ 2010. Quyết định số 800/QĐ-TTg. của Thủ tướng Chính phủ, ngày 04 tháng 6 năm 2010 “Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020”. Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ (2012a). Quyết định Phê duyệt chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, (Số 27/QĐ-TTg., Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2012).

Thủ tướng Chính phủ (2012b). Quyết định Phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 (Số: 1895/QĐ-TTg., Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2012)

Tổng cục thống kê, 2012, Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2011. Nxb Thống kê, Hà Nội.

Tổng cục thống kê, 2013, Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2012, Nxb Thống kê, Hà Nội.

Tổng cục thống kê, 2014, Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2013, NXB thống kê, Hà Nội.

Tổng cục thống kê, 2015, Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2014, NXB thống kê, Hà Nội.

Trần Văn Hiếu, 2004: Thực trạng và giải pháp cho sự liên kết “bốn nhà” trong sản xuất và tiêu thụ nông sản ở đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Khoa học 2004:1, tr. 180 – 185.

Van den Ban A.W. & H.S. Hawkins 1999. Khuyến nông. (Người dịch Nguyễn Văn Linh), Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội. 

Whyte, William Foote, Greenwood Davydd J., Peter Lazes, 1991. Participatory action research: through practice to science in social research, in William F. Whyte ed. Participatory Action Research. Sage Publications, Newbury Park, CA.

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét