Powered By Blogger

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

Song Viết – Tiếng ngọc lụa reo trong những cốt cách thanh cao



Hà Hữu Nga

Mùa xuân năm 1975, học năm thứ nhất khoa sử Đại học Tổng hợp Hà Nội, lần đầu tiên được đi thực địa, khai quật hang Sũng Sàm tại Thung Mơ, Hương Tích với Giáo sư Trần Quốc Vượng, cũng là lần đầu tiên tôi được nghe hai chữ Song Viết. Tôi nhớ được hai chữ đó vì nó có một âm hưởng vừa rất lạ, lại vừa như đã thân quen tự thuở nào; hơn nữa hai chữ đó càng dễ nhớ vì nó gắn liền với hai cái tên rền vang như sấm trong giới học thuật Việt Nam: Giáo sư Đào Duy Anh, và Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Sau khi kể với lũ học trò chân ướt chân ráo từ mọi nẻo đường đất nước tụ họp bên Thầy về tấm gương lao động của hai bậc thầy trên xung quanh chữ Song Viết, Giáo sư Trần nói đại ý: đi đào khảo cổ cũng  giống như cách đãi chữ tìm ngọc của hai vị giáo sư đáng kính Đào - Nguyễn đối với hai chữ Song Viết vậy; người làm khảo cổ không được bỏ qua bất cứ mảnh ngọc dữ liệu nào trong đất. 

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, mới ngày nào mảng nghe Thầy dạy mà giờ đã ngót 40 năm trôi qua, các bậc Thầy hầu đã ra người thiên cổ, và lũ học trò tập tọng chúng tôi ngày ấy giờ cũng đã “lục thập nhi nhĩ thuận” cả rồi; ở tuổi này người chiến binh xưa rửa tay gác kiếm; chúng tôi nay quanh năm sơn cùng thủy tận theo đòi bước chân của Giáo sư Trần, cũng đã đến lúc có thể buông bay, cất cuốc, giã từ những vùng non xanh nước biếc của Đông Bắc, Tây Bắc, Thanh – Nghệ, Trường Sơn, Tây Nguyên hầu mong ké chút thơm lây với nghiệp đèn sách mà tiền nhân định giá 惟有讀書高 “duy hữu độc thư cao”. Vào độ tiết đông se lạnh, chạnh nhớ đến Thầy, lần giở mấy trang sách xưa, bỗng gặp lại hai chữ Song Viết, mà nghe như tiếng ngọc lụa reo trong những cốt cách thanh cao của những bậc thầy 何厺來之了也 hà khứ lai chi liễu dã - nào có đi có đến ấy (lời của Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông).  

I. Song Viết - một mạch ngầm chữ nghĩa

Cụ Đào Duy Anh kể lại: “Sách Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập là tài liệu rất quan trọng về lịch sử văn học nước ta, đã được hai ông Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm phiên âm và chú giải và được nhà xuất bản Văn Sử Địa xuất bản năm 1956. Một hôm chúng tôi được nghe ông Phạm Trọng Điềm nói rằng quyển sách ấy cũng còn một số chữ phiên âm và giải thích chưa ổn cho nên khi có tái bản thì phải đem hiệu đính lại đã. Ông nêu chữ “song viết” mà hai ông đã chua là không rõ nghĩa nên còn để tồn nghi. Ông nói có người cho rằng “song viết” là do chữ “thư song” dịch ra tiếng Việt, nhưng không chắc có đúng không. Từ đó trong tổ chúng tôi thỉnh thoảng trong giờ nghỉ lại đem hai chữ “song viết” ra để trao đổi ý kiến và chúng tôi chỉ mới thống nhất ý kiến được về một điểm là “song viết” mà giải thích là “thư song” thì không ổn chút nào, vì theo nghĩa ấy thì hầu hết những câu có chữ “song viết” trong Nguyễn Trãi Quốc âm thi tậpHồng Đức Quốc âm thi tập sẽ không thông nghĩa”. [Đào Duy Anh 1962; 2005: 217].

Giáo sư Đào Duy Anh và nhóm của Cụ đã tìm thấy 19 câu có hai chữ “song viết” trong ba tác phẩm vào loại xưa nhất, đó là Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập, Hồng Đức Quốc âm thi tậpBạch vân [Quốc âm] thi tập. Cụ cho rằng nếu hiểu “song viết” là “thư song” thì tất cả 19 câu có chữ “song viết” trong ba tập trên đều không “xuôi nghĩa”; hơn nữa không phải bây giờ người ta mới cắt nghĩa “song viết” là “thư song”, mà ngay cả sách Minh đô sử của Lê Trọng Hàm, do Viện sử học mới sưu tầm được, sau mục “Nguyễn Bạch Vân tiên sinh thi tập” (Minh đô sử, tập 4, quyển 8), có chép một bài có hai câu: “Song viết hãy còn hai dặng quýt, Thất gia chẳng quản một con lều”, mà chữ “song viết” lại chép là “thư song”. Trong khi đó trong cả ba tác phẩm trên có những chỗ chỉ “song the”, “song bắc”, “song hiên” thì đều dung chữ
song cửa, mà không dung chữ song hay song (viết tắt) trong hai chữ 雙曰 “song viết”. Cụ cho rằng nếu Nguyễn Trãi muốn dịch nghĩa chữ “thư song” thì phải dịch là “song sách”, chứ không thể dịch là “song viết”. Bởi vậy Cụ bỏ hẳn chữ “thư song”, và đặt câu hỏi: “Chữ “song viết” có đúng chữ của nguyên văn không, hay là do chữ khác chép lộn thành?”. Cụ kiểm tra bản Ức Trai thi văn tập của thư viện Viện sử học thì trong đó chữ “song viết” của bản Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập lại chép là sớm viết”. Và tại Thư viện Khoa học Trung ương có bản Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập, viết tay, số AB 635, có một số chỗ chữ “song viết” của bản Bạch Vân thi tập lại chép thành “bát viết”. [Đào Duy Anh 2005: 220, 221]

Do có những cách viết khác nhau như thế nên cụ Đào đoán hai chữ “song viết” là chữ viết lầm. Căn cứ vào hai chữ
“bát viết” trong bản  Trình quốc công, Cụ cho rằng chữ song (viết tắt) có thể bị chép lộn bằng chữ bát”, nhưng nếu xét về nghĩa thì thấy chữ   “bát viết” không thích dụng với các câu trong tập thơ nên Cụ đã gạt bỏ chữ này. Cụ thấy trong tập thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm có một bài giống hệt bài Mạn thuật 2 trong tập Nguyễn Trãi, ở câu 5 có mấy chữ “Song viết huống còn hai dặng quýt” thì trong tập Nguyễn Trãi chữ “song viết” lại là chữ “nô bộc”: “Nô bộc ắt còn hai dặng quýt”. Vậy là chữ “nô bộc” ở tập Nguyễn Trãi đã chuyển thành chữ “song viết” ở tập Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong đó chữ “nô” theo cụ Đào rất dễ lầm thành chữ song. Vì vậy Cụ đặt câu hỏi: Có phải chữ song là do chữ “nô” mà thành không? Và thế là Cụ đã thử đưa “nô bộc” thay cho “song viết” trong các câu thơ của cụ Nguyễn Trãi, chẳng hạn câu 6: “Nô bộc có nhiều dân có khó, Cửa nhà càng rộng thế càng phiền”; câu 2, nếu dùng chữ “nô bộc” thì thành: “Con cháu mựa thành nô bộc tiện”, theo Cụ “kể cũng hơi khó hiểu” nhưng khi đặt vào với vế sau: “Nghìn đầu cam quýt ấy là tôi” thì thấy chữ “nô bộc” ở vế trước lại “đúng lắm”. Tương tự như vậy, “nô bộc tiện” đi với “nô bộc ngặt” ở câu 1 thì “lại càng thông hơn”; còn những câu 17, 18, 19 của tập Nguyễn Bỉnh Khiêm thì dùng chữ “nô bộc” “kể cũng thông hơn” chữ “sớm tối”. Tuy nhiên Cụ Đào vẫn nhận thấy “đối với hơn hai phẩn bao số câu thì chữ “nô bộc” không thích hợp”. Để khắc phục tính chất không thích hợp trên, cụ Đào tiếp tục đi tìm những chữ có tự dạng gần với hay 双曰 “song viết”, thì Cụ thấy có chữ 從且 thong thả viết tắt 从且 gần với tự dạng 双曰 “song viết”, nên cụ gọi “thong thả” là “chữ thiên thành”, “gán chữ ấy vào các câu khác thì thấy cũng nhiều câu xuôi nghĩa”. [Đào Duy Anh 2005: 220, 221, 223].

Từ các phân tích trên, Cụ tóm tắt quá trình xuất hiện của chữ “song viết” như sau: “Sự sai lầm trước hết là do chữ “thong thả” biến thành, vì nghĩa trong cả tập thơ của Nguyễn Trãi, cơ hồ bài nào cũng là ca ngợi cảnh thanh nhàn ở điền viên, thì không thể nào không thường dùng chữ “thong thả” là chữ cửa miệng để chỉ cảnh thanh nhàn, thế mà trong cả tập chỉ thấy có một bài “Tự thán 39” là có chữ “thong thả” rõ ràng: “Thong thả dầu ta ngoài thế giới, La ngàn non nước một thằng hề”. Nhưng tại sao chữ “thong thả” ở câu ấy lại không biến thành “song viết”? Có lẽ vì ở đây chữ “thong thả” được viết bằng
從且 cho nên người ta không lầm, chỉ ở những chỗ viết là 从且 hay 雙且 mới bị lầm làm “song viết”. Đến như Hồng Đức Quốc âm thi tập, trong ấy cũng ca tụng cảnh thái bình và nhàn hạ rất nhiều, chữ “thong thả” cũng là chữ hay được dùng lắm. Thế mà ở đây thấy có hai câu có chữ “thong thả” là: “Chín lần lèo rủ dầu thong thả, Bốn biển lòng vui phỉ ngóng trông” (Bài “Diều giấy”); “Bốn phương phẳng lặng kềnh bằng thóc, Thong thả dầu ta bỏ lưới câu” (Bài “Bạch Đằng”). Lại trong phần “Nhàn ngâm thi phẩm” chép ở sau tập Hồng Đức, bài đề “Tượng Bà Banh” có câu: “Chẳng lên bảo điện ngồi thong thả, Khéo đứng ru mà đứng mãi này!”. Ở hai câu trên thì “thong thả” viết là 通且, ở câu dưới thì thong thả viết là 從且. Vì thế cho nên khi chép lại, người ta không chép lầm. Nhưng trong một bản có chỗ chép là 从且. Những chỗ chép là 从且 thì đã bị sao lầm thành “song viết”. Theo cụ Đào, đến tập Bạch Vân thì “có thể nói cảnh sống thanh nhàn là đề tài duy nhất của toàn tập”, vì vậy ở tập này không thể lộn “thong thả” với “song viết” được. Thế mà trong tập đó lại vẫn có những câu có chữ “song viết”; có bài có cả chữ “thong thả” lẫn chữ “song viết”: “Chốn điền viên cũ dầu thong thả, Đạo thánh hiền xưa luống chốc mòng. Song viết chớ rằng đã ngặt. Đâu thời cũng có xuân phong”. [Đào Duy Anh 2005: 224, 225, 226].

Đối vối trường hợp trên, cụ Đào cho rằng đã có sự lầm lẫn từ “nô bộc” sang “song viết”; trong câu “Song viết hãy còn hai dặng quýt, Thất gia chẳng hết một con lều” thì chữ “song viết” “rõ ràng là do chữ “nô bộc” biến thành. Theo Cụ, bài có câu ấy ở tập Bạch Vân chính là một bài của tập Ức Trai đã bị sao sang. “Vào thời Nguyễn Trãi - cuối Trần và đầu Lê - chế độ nô tỳ còn thịnh cho nên sự giầu sang còn được tính bằng số nô bộc. Ở những câu 1 và 2, “nô bộc ngặt” và “nô bộc tiện” nghĩa là nô bộc ít ỏi, không đủ để sai khiến, đặc biệt ở câu 2 thì lại rõ lắm: Tác giả khuyên con cháu đừng hiềm về nô bộc (tôi tớ) ít, vì “nghìn cây cam quýt” đó là tôi tớ chứ gì (ngày xưa tôi tớ thường gọi là thằng Cam, thằng Quýt)…Ở câu 6, “Song viết có nhiều dân có khó” thay chữ “song viết” bằng “nô bộc” thì câu rất là thích hợp với nghĩa cả bài”. Theo cụ Đào, sở dĩ “nô bộc” biến thành “song viết” vì chữ
“nô” vốn dễ lầm thành chữ song; còn chữ bộc không thể lầm thành chữ viết, nhưng vì sau khi chữ “thong thả”  đã biến thành chữ 双曰 “song viết”, “thì một người chép vụng về nào đó không đọc ra chữ “nô bộc”, thấy chữ   “nô” hơi giống chữ song, đã bị chữ “song viết” hấp dẫn mà đồng hóa luôn chữ “bộc” với chữ “viết”. Còn chữ “sớm tối” thì trong Ức Trai thi văn tập, đối với câu “Sớm viết lại toan nào của tích” thì người chép đã chép chữ song, rồi lại bỏ đi mà chép chữ sớm ở bên. Nhưng chữ “sớm” không thể đi với chữ “viết” được, mà chỉ có chữ “sớm tối” là thích hợp. Xét tự dạng thì chữ tối nếu bỏ phần dưới thì còn chữ viết; hơn nữa chữ tối viết thảo cũng đọc lầm thành chữ viết được. Cuối cùng cụ Đào kết luận: “Xem như thế thì thấy chữ “song viết” là một chữ vô nghĩa mà có cái vận mệnh lạ lùng đã cho nó có một sức hấp dẫn đặc biệt, khiến người ta, trong khi chép lại tập thơ quốc âm của Nguyễn Trãi, hễ gặp chữ gì khó hiểu mà có tự dạng ít nhiều tương tự với nó thì người ta dung nó để giải quyết. Do đó mà những chữ “thong thả”, “nô bộc”, “sớm tối” trong tập thơ ấy đều đã biến thành ‘song viết’”. [Đào Duy Anh 2005: 227, 228]. Toàn bộ kết quả dịch, nghiên cứu và chú giải của Cụ về sách Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi đã được sử dụng và công bố trong Nguyễn Trãi Toàn tập, bao gồm các phần “Lời dẫn về hai tập thơ ‘Ức Trai thi tập’” (tr.249-264); “Quốc âm Thi tập” (tr. 395-476); và “Chú thích Quốc âm Thi tập” (tr. 703-844) [Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam – Viện Sử học, 1976].

II. Song Viết – một phương trình hai ẩn

Khác với Giáo sư Đào Duy Anh, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cho rằng “hai chữ “song viết” chính là hai chữ vốn chép đúng, và nên xuất phát từ chúng để khảo sát". Từ đó ông đã đọc xác định những khả năng ngữ âm để đọc hai chữ đó. Trước hết với chữ song, có thể có những cách đọc sau:

Song                Sung              Suông              Sông   
Xong                Xung             Xuông              Xông
Rong                Rung             Ruông              Rông
Thong              Thung           Thuông            Thông 
Chong              Chung           Chuông            Chông
Giong               Giung            Giuông            Giông 
  
Theo ông, “nói chung phải đọc với thanh bằng (ngang, huyền), nhưng cũng có thể cá biệt đọc cả với thanh trắc (sắc, nặng, hỏi, ngã)”. Ông cho rằng S có thể đọc thành X, R, TH, CH, G là vì trong chữ nôm đã có những tiền lệ như vậy, chẳng hạn Xưa (sơ), Xùng (sùng), Xây (thổ + sai), Xằng (mịch + sang); Rải (sái), Rờ (sơ), Rây (si), Rộ (sô); Thày (sài), Thầy (sài), Thưa (sơ), Thửa (sở); Chọn (soạn), Chùm (sâm), Chấu (trùng + sửu), Chum (thổ + sâm); Giường (sàng), Giấu (sửu), Giùm (thổ + sâm), Gium (thổ + sâm). ONG có thể đọc thành UNG, UÔNG, ÔNG vì đã có các tiền lệ: Cùng (cọng), Cụng (cọng), Bùng (vũ + phong), Lùng (thảo + long); Buồng (phòng), Chuông (trọng), Ruồng (thủ + long), Ruông (túc + long); Rồng (long), Lông (vũ + long), Rông (thủy + long). Những trường hợp cá biệt có chuyển thanh chẳng hạn như: Lâm (lấm), Lang (lẳng), Lần (lấn, lận), Rằng (rẳng, lãng). Đối với chữ Viết cũng có thể dự kiến các cách đọc sau: Viết (Vit, Vêt, Vet, Vat, Vơt, Vươt); Phiết (Phit, Phêt, Phet, Phat, Phơt, Phươt); Miêt (Mit, Mêt, Met, Mat, Mơt, Mươt); tiền lệ của việc đọc V thành PH, M: Phũ phàng (vũ), Bao phủ (vũ); Mùa (vụ), Mùi (vị), [Năm] mùi (vị); tiền lệ đọc IÊT thành IT, ÊT, ET, AT, ƠT, ƯƠT: Rit (tiệt), Tít (tiết), Rịt (mịch + liệt), Sịt (khẩu + tiết); Rệt (liệt), Thết (thiết), Sết (thủy + triết), Sệt (tâm + liệt); Tét (tiết), Rét (thủy + liệt), Thét (hỏa + thiết); Vát (việt), Vạt (y + việt); Lướt (liệt), Vượt (việt), Trượt (diệt); Nớt (niết), Trợt (điệt), Vợt (mịch + việt), Cợt (khẩu + kiệt). (Nguyễn Tài Cẩn 1985: 183-184).  

Từ các khả năng đọc trên, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cho rằng “đã có thể tiến hành kết hợp cặp đôi, tạo ra tất cả mọi khả năng đọc có thể có (đại để như như song vít, song vịt, sòng vịt, v.v) và tập hợp thành bảng để bắt đầu cân nhắc, đối chiếu với yêu cầu của văn cảnh. Giả dụ rằng hai tiếng nôm ta đang tìm là hai “ẩn số” X và Y. Tìm ra giá trị của X và Y tức là phải tìm ra hai tiếng thỏa mãn đồng thời hai điều kiện dưới đây: i) phải suy ra được từ song viết đúng theo quy tắc đọc chữ nôm; và ii) phải phù hợp với mọi yêu cầu của văn cảnh”. Theo ông, căn cứ vào 19 câu thơ và văn hiện có hai chữ song viết thì có thể xác định rằng ẩn số Y là một tiếng bắt buộc phải thuộc thanh trắc; còn ẩn số X thì chắc là một tiếng thuộc thanh bằng, nhưng cũng không loại trừ khả năng thuộc cả thanh trắc. Về phương diện ngữ pháp thì hai tiếng XY phải là hai tiếng tạo thành một từ đôi (song tiết) mang ý nghĩa tổng hợp, đặt theo kiểu láy nghĩa (có quan hệ song song giữa hai yếu tố đồng loại), hoặc đặt theo kiểu láy âm (cụ thể là láy phụ âm đầu, vì 5 lần có hiện tượng XY đối với những từ như thế: đối với hôm chiều, hôm mai, cửa nhà, đôi co, nết na. Trong tiếng Việt, hai kiểu từ láy nghĩa và láy phụ âm đầu có nhiều nét gần gũi nhau, có thể dùng bên này đối cho bên kia, nên xét trên nguyên tắc chưa thể xác định được XY cấu tạo theo lối nào trong hai lối đó. Nhưng vì hiện tượng đối với hôm chiều, hôm mai, cửa nhà, đôi co chiếm tỷ lệ lớn hơn (4/5 lần), nên XY có nhiều khả năng là một từ láy nghĩa hơn là một từ láy âm. Hơn nữa do XY là một từ đôi nên chỉ có thể thuộc một trong ba từ loại là danh từ, động từ hay tính từ, vì chỉ ba từ loại này mới giữ được nhiều chức vụ cú pháp khác nhau, đáp ứng được sự đòi hỏi của nhiều văn cảnh khác nhau”. Bên cạnh đó còn phải đặc biệt nhấn mạnh đến “sự tương hợp về ngữ nghĩa và ngữ cảnh; yêu cầu này chỉ được thỏa mãn khi đặt XY vào câu thì câu đó phải có nghĩa, phải hiểu được; câu đó không chỉ phù hợp với nội dung của toàn bài, mà còn phải phù hợp cả với tư tưởng, văn phong của tác giả, hợp với đặc điểm ngữ ngôn, văn tự của thời đại nữa”. (Nguyễn Tài Cẩn 1985: 186, 187).

Từ các yêu cầu trên, sau khi đã tra cứu các từ điển, cân nhắc từng trường hợp trong số hơn 6000 trường hợp ghi trong bảng, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn nhận thấy “tuyệt đại đa số trường hợp đều phải bị loại… Duy chỉ có trường hợp sau đây là trường hợp đáng được lưu ý: trường hợp rông vát, rong vát, róng vát. Cái ấn tượng đầu tiên đến với chúng ta là rông vát, rong vát, róng vát đọc lên nghe rất lạ. Nhưng đây lại là những từ đôi có sẵn và khá cổ”. Ông đã xác định mối quan hệ giữa rông vát, rong vát, róng vát theo hai giả định: i) có thể chia thành ba từ khác nhau, vì chúng khác nhau về ngữ âm và khác nhau cả về nghĩa, hoặc nhiều, hoặc ít; ii) có thể chia thành hai: một bên là róng vát và một bên là rông vát, rong vátrông vát, rong vát đều thuộc mô hình “bằng – trắc” và có ý nghĩa hết sức gần nhau (trong lúc róng vát có ý nghĩa hơi xa hơn, và có thanh trắc ở đầu); iii) cũng có thể nhập tất cả làm một vì nghĩa của ba cụm từ đó vốn bắt nguồn từ róng vát, chạy rong, như trong từ điển của Génibrel đã giảng giải, sau đó mở rộng nghĩa ra. Theo ông, “trong giai đoạn nghiên cứu hiện nay, cách chia thứ hai có nhiều nét ổn thỏa hơn cả. Nhưng dầu về vấn đề này nay mai có xử lý thế nào đi nữa, thì hiện nay cũng đã khá có cơ sở để tin tưởng rằng rông vát, rong vát, róng vát chính là những khả năng đọc nôm khá hợp lý của song viết” xét cả về thanh điệu bằng trắc, cũng như quy tắc đọc nôm tương ứng giữa vátviết. Tuy nhiên ông cũng nhận thấy đối với ba cụm từ này thì “việc tìm hiểu, phân tích mặt ngữ pháp có phần quanh co, khó khăn hơn…Trong tiếng Việt loại từ láy nghĩa có thể chia thành 3 kiểu nhỏ: a) kiểu ghép hai yếu tố đồng nghĩa, như thôn xóm, binh lính; b) kiểu ghép hai yếu tố trái nghĩa, như thị phi, thành bại; và c) kiểu ghép hai yếu tố cũng không đồng nghĩa, cũng không trái nghĩa, như tốt tươi, quần áo, v.v… Trong trường hợp ba cụm từ trên, “róng vát thì dứt khoát thuộc kiểu đầu”, còn rông, rong vốn có quan hệ lịch sử với yếu tố long ở các tiếng Thái, theo quy luật chuyển l thành r (l → r), về trường hợp này thì Haudricourt (1960) và Maspéro (1912) đã làm rõ trong các công trình của họ. (Nguyễn Tài Cẩn 1985: 191-194).

Đối với giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, “một vấn đề tế nhị nhất: vấn đề ngữ nghĩa”. Bước này gồm hai nhiệm vụ: i) tìm hiểu những khía cạnh ý nghĩa đã cho một cách khách quan ở từ điển; ii) đối chiếu với nghĩa ở từng câu. Vì cho rằng song viếtrông vát cho nên ông đã sử dụng nghiệm XY = rông vát để kiểm tra kết quả của lời giải. Theo ông: “căn cứ vào tài liệu thống kê sơ bộ của hai cụ Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm thì rông vát (song viết) là một từ có tần số xuất hiện thuộc vào loại cao nhất trong đám những thực từ hay được dùng lặp đi lặp lại nhiều lần ở Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập: rông vát xuất hiện 8 lần, tập trung ở ba mục: Ngôn chí (3 lần), Thuật hứng (2 lần) và Bảo kính cảnh giới (3 lần). Như vậy rất có khả năng rông vát chính là một từ quan trọng vào bậc nhất của Nguyễn Trãi, một từ nằm trong cùng một hệ với những từ liên quan mật thiết đến đề tài “xuất xử”, “vui cảnh ẩn dật”, “an bần lạc đạo” ta vốn thường gặp trong Quốc âm thi tập.” Để đánh giá mức độ phù hợp của rông vát với 19 câu thơ văn được phát hiện có từ song viết, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã “tiến hành một đợt điều tra thử ý kiến của những người có hiểu biết về mặt văn học”, và kết quả thu được là: trong 14 trường hợp thì ý kiến đa số (38) đều thống nhất cho rằng “hình như có sự ăn khớp khá tự nhiên về mặt ý nghĩa: i) trước hết các khía cạnh nghĩa “dong chơi thơ thẩn, nhàn tản, phóng túng” trông có vẻ khá ăn khớp với 8 câu viết về “hằng nga nguyệt” và viết về “ngư, tiều, canh, mục” trong Hồng Đức Quốc âm thi tập, đó là các câu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, và 8. ii) ý nghĩa “dong chơi thơ thẩn, nhàn tản, phóng túng” “cũng được cho là tương đối phù hợp” với một số câu 9, 10, 11, 12, 13, và 14 của Nguyễn Trãi. Trong tổng số 23 văn cảnh cũng có đến 4 trường hợp xem ra cần phải có cân nhắc, biện luận, đó là các câu 15, 16, 17, và 18; một số ý kiến ngả về khía cạnh “vất vơ vất vưởng”. Đối với ông “Duy chỉ trong một câu sau đây (ở Thập giới cô hồn quốc ngữ văn) là cảm thấy có phần phải đắn đo thực sự”, đó là câu 19. Rông vát liền tay, gương lờ (?) non ánh (?), Hôm mai họp mặt, nội cỏ vườn lau. Với trường hợp này ý kiến rất phân tán, có người cho là róng vát với nghĩa “xoay xở”; có người cho là rông vát với nghĩa “bừa bãi, qua quýt”, có người lại cho rằng cả rông vát lẫn róng vát đều không đúng; tuy nhiên ông cho rằng “đây vẫn là từ rông vát với nghĩa “dong chơi”. Và trong bài viết vào năm 1974 ấy, ông kết luận: “Trong tình hình nghiên cứu hiện nay, có thể tạm cho song viết là cách ghi nôm của rông vátrông vát đáng được xem là một từ tương đối đủ điều kiện để thỏa mãn các yêu cầu của 23 văn cảnh đang xét” (Nguyễn Tài Cẩn 1985: 197, 201).

Cùng năm, nhà văn Nguyễn Công Hoan (1974) giới thiệu bốn câu thơ của cụ Nguyễn Hằng (1548 – 1625), trong đó có hai chữ mới “song kiết” hoặc “song biết”, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã công bố thêm một nghiên cứu mới cho rằng “song kiết tức là song biết và tức cũng là song viết…đây lại là một trường hợp được cấu tạo theo lối láy âm hay láy nghĩa, vì dưới dạng song viết nó đã từng được dùng để đối với “hôm chiều”, “cửa nhà”, “đôi co”, “nết na” v.v…Đối với một trường hợp cấu tạo theo lối ấy mà chỉ có một sự khác nhau nhỏ ở phụ âm đầu của tiếng thứ hai, khi đọc theo âm mặt chữ, như sự khác nhau giữa “viết”, “biết”, và “kiết”, thì chắc rằng đó không phải là một sự khác nhau dễ dàng đưa đến khả năng có thể khu biệt thành ba từ…Thêm vào đó, sự luân chuyển giữa B, K, và V không phải là một sự luân phiên ngẫu nhiên, vô cớ mà là một sự luân phiên có cơ sở ngữ âm lịch sử rõ rệt…Nếu xét một cách thật toàn diện thì ở đây chúng ta có khá nhiều cơ sở để có thể tin được rằng “song viết”, “song biết”, “song kiết”, xét về cách ghi và cách đọc theo âm mặt chữ thì tuy có chỗ khác nhau, nhưng xét về từ Nôm được ghi thì thực ra chỉ là một”. (Nguyễn Tài Cẩn 1985: 211 – 212).

Để có thêm cớ liệu xác định ba chữ trên chỉ là một, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã xem xét cẩn thận “những tiền lệ phụ âm V được ghi bằng thanh phù K, ví dụ vấp (túc + cấp), vập (cập), vấu (cấu) v.v…Trong ngôn ngữ văn học cũng như trong phương ngôn…vẫn có những cặp từ nêu lên mối quan hệ V – K như vậy: chỗ nước vẩn – chỗ nước quẩn; vấn khăn – quấn khăn; vầng – quầng; văng chài – quăng chài; cá vẫy – cá quẫy v.v… Sự tồn tại ở trong chữ nôm của ba cách ghi “viết – biết – kiết” là một hiện tượng về cơ bản cũng không khác gì sự tồn tại của mối tương ứng “vụ - gụ - cù” ở trong “bong vụ” (Nam bộ), “”đánh gụ” (Nghệ An), “đèn cù” (Hà Nội), hoặc sự tồn tại của mối tương ứng “vấp – bấp – gấp” trong ba cách nói “chân đi vấp phải đá”, “chân đi bấp phải đá”, “chân đi gấp phải đá” mà ta hiện còn gặp ở ba phương ngôn Bắc Bộ, Thừa Thiên và Nghệ An, Hà Tĩnh. Sau khi minh định về phương diện ngữ âm, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cũng không quên lưu ý đến ngữ nghĩa bài thơ của cụ Nguyễn Hằng để tiếp tục khẳng định sự phù hợp của từ rông vát. Theo ông, qua các từ điển cuối thế kỷ 19, khi truy tìm giải thích ý nghĩa của từ rông vát, có một số khía cạnh ngữ nghĩa đã từng đề cập có liên quan đến lối sống hàn nho đó. Ví dụ các khía cạnh “ngao du, thơ thẩn”, “nhàn tản, ung dung”, “vô tâm, vô tư”, “phóng túng, thảng thích”, “sống vất vả, thanh bần, đạm bạc” v.v…Rõ ràng những từ này rất phù hợp với nội dung trong bốn câu thơ của cụ Nguyễn Hằng. “Và có lẽ cũng chính những điều này đã làm cho gia đình cụ cứ tưởng rằng đây là từ “kiết”…Đặt “song kiết” vào các câu như: “Song kiết” có nhiều dân có khó, Cửa nhà càng rộng thế càng phiền; hay: “Song kiết” liền tay, gương lờ (?) non ánh (?), Hôm mai họp mặt, nội cỏ vườn lau, thì ai cũng cảm thấy rằng nội dung sẽ trở nên rất khó hiểu. Ngược lại nếu đọc là “rông vát”, với nghĩa trường “thơ thẩn, nhàn nhã, thảng thích v.v…thì sự giải thích sẽ có phần được thỏa đáng hơn nhiều”. (Nguyễn Tài Cẩn 1985: 216 – 219). Và ông kết luận: trong số những giả thuyết hiện có như “thong thả”, “nô bộc”, “sớm tối”, “suông nhạt” [Đỗ Văn Hỷ 1967], “song cát” [Đoàn Ngọc Phan, 1975], “song kiết” không có một trường hợp nào có thể ăn khớp đồng thời với cả ba cách ghi đó. Riêng giả thiết “rông vát” thì vẫn còn ăn khớp được”. (Nguyễn Tài Cẩn 1985: 223).  

Cho đến năm 2005, tuy thừa nhận: “Nửa thế kỉ đã trôi qua, nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng, nhưng hai chữ Song Viết mãi đến nay vẫn đang còn là 2 chữ X+Y đầy bí ẩn, chưa được giải mã”, nhưng ông vẫn kiên trì rằng cần phải gắng tìm cho kì được những kết cấu X+Y, và phải thoả mãn đầy đủ các điều kiện như sau: i) về mặt gốc tích, X+Y phải là loại kết cấu cổ, hiện không còn trong bộ nhớ của người hiện đại nữa, vì vậy mới có hiện tượng xưa nay không ai hiểu Song Viết là gì. Cứ ngồi vắt óc cố tìm cho ra một giải pháp có thể rõ nghĩa ngay được, đó là một sai lầm; ii) về cách đọc (phụ âm, vần, thanh điệu), X phải suy ra được từ Song và Y phải suy ra được từ Viết, theo qui luật ngữ âm lịch sử; iii) về mặt từ loại, X+Y phải là danh từ có thể vị từ hóa, hoặc là vị từ có thể danh từ hóa. Việc vừa phải đối lại “hôm chiều”, “hôm mai”, “cửa nhà” vừa phải đối lại “đôi co”, “nết na” đòi hỏi như thế; iii) về mặt cấu tạo từ, X+Y phải là từ ghép láy nghĩa hoặc là từ ghép láy âm để có thể đối lại được các trường hợp vừa dẫn; iv) “về mặt ngữ nghĩa, X+Y phải có nội dung thật ăn khớp với cái tứ chung toát ra từ trong toàn thể các câu, các bài” (Nguyễn Tài Cẩn 2005). Là một nhà khoa học chân chính ông không ngại tự nhận: “Chúng tôi trước nay đều thiên về Rông Vát trong tuyệt đại đa số trường hợp, vì cho rằng đó là một kết cấu đã được xác nhận trong từ điển (Huỳnh Tịnh Của) và kết cấu đó có 2 nghĩa Vui Thú hay Vất Vưởng hợp với tứ thơ hơn cả, nhưng sợ rằng chúng tôi còn chủ quan, chưa đủ nhạy cảm trong thưởng thức văn học. Mong rằng bạn đọc, nhất là các nhà nghiên cứu, các nhà văn, nhà thơ chịu khó suy ngẫm thật kĩ càng về các câu thơ hiện đang còn nghi vấn, cố gắng vận dụng tất cả sự tinh tế của mình trong nghệ thuật phân tích, để cuối cùng có thể đi đến được những câu trả lời thích đáng nhất trong vấn đề tìm hiểu các bài thơ cổ điển này” (Nguyễn Tài Cẩn, 2005).  

III. Song Viết – một mạng kết nối các liên tưởng

Cũng xin được nói trước rằng bài viết nhỏ này không phải là một nghiên cứu ngôn ngữ; bản thân người viết chỉ là một chuyên viên khảo cổ học thời đại đồ đá, không có đủ tri thức và phương pháp ngôn ngữ học để giải quyết một vấn đề hóc búa như Song Viết; vì vậy, những suy nghĩ trình bày ở đây nếu có vô tình liên quan đến lĩnh vực hoặc tri thức ngôn ngữ học thì đó chỉ thuần túy là một số hiểu biết cóp nhặt được khi đọc các công trình nghiên cứu ngôn ngữ; còn lại chủ yếu là một vài liên tưởng theo cách tiếp cận khảo cổ học mà chúng tôi học được từ Thầy mình và suy nghĩ về câu chuyện hai chữ Song Viết ở chùa Hương năm nào mà thôi. Trong tâm tưởng tôi, Giáo sư Trần Quốc Vượng luôn song hành với người bạn lớn của Thầy là Giáo sư Nguyễn Từ Chi. Tâm cảm đó chẳng khác nào một nỗi ám ảnh, bởi có một lần, nhân ngày giỗ cụ Từ, tôi được nghe những lời tận đáy lòng Thầy về người bạn của mình: người ta trao cho cụ Từ bộ “Y phục bất sức kỳ đức”. Ý thầy là lúc sinh thời cụ đã không được cư xử xứng đáng với một bậc kỳ đức kỳ tài. Vốn hay cãi, tôi đánh bạo nói: Thưa Thầy, em lại thấy cụ Từ là người “Y phục dĩ xứng kỳ đức”. Thầy Vượng hỏi: Tại sao cậu lại nghĩ thế? Tôi thưa: Em thấy không có bất kỳ bộ y phục nào đẹp bằng bộ “Cạp váy Mường” do cụ Từ dệt cho người đời cả. Thầy trở nên trầm tư, và khẽ nói như nói với chính mình: “Có thể thế thật! Nói về cụ Từ ai cũng nghĩ ngay đến Hoa văn Mường, Cạp váy Mường”. Rồi Thầy quay lại hỏi tôi: “Thế cậu học được gì từ Ông cụ?”, Tôi thưa: Em học được hai chữ “sống sít”.

Đối với tôi, các công trình của Giáo sư Từ Chi (Nguyễn Từ Chi 1974, 1996, v.v…), là một khối tri thức mênh mông uyên áo, và trong các công trình đó tôi thường nhớ tới văn phong khoa học bậc thầy của ông, nhất là những từ lấp láy khi ông dùng để tả về nghề dệt nói chung và về các motif hoa văn cạp váy Mường nói riêng, trong đó các từ đã thực sự trở thành các con chữ đang sống, đang múa hát trong văn cảnh của chúng như: “le lói”, “nhúc nhíc”, “chen chúc”, “chồng chất”, “loang loáng”, “tim tím” v.v…Riêng từ “sống sít” của ông, tôi chẳng bao giờ liên tưởng nó với nghĩa thực của từ, mà chỉ hình dung nó như chiếc thoi dệt thoăn thoắt chuyển động dưới những bàn tay thành thạo của các mệ quý tộc Mường xưa; như con tằm vàng óng không ngừng giăng tơ; như những mặt lụa ánh lên những cát sợi mịn màng, lóng lánh; như một con vật huyền kỳ tạo thành các dải lụa sống, phát ra những tiếng lanh canh như tiếng những chuỗi ngọc khẽ chạm vào nhau. Tôi liên tưởng “sống sít” với hình ảnh mẹ tôi thời chúng tôi còn thơ bé, mỗi lần thấy chúng tôi treo vắt áo quần lung tung thì mẹ thường la: Áo Xống bừa bộn thế này à? Còn khi sắm sanh đưa chúng tôi về bà ngoại hoặc đến nhà chị em của mẹ “ăn cỗ” thì mẹ không bao giờ quên nhắc: Xống áo thế à? Dường như khi nhắc thế, là mẹ tôi nghĩ đến bà ngoại và các chị em của mẹ. Mẹ không muốn mọi người phải tủi vì thấy lũ cháu con đã nghèo, lại còn nhếch nhác, cho nên dù có mặc áo vá thì cũng không được lôi thôi luộm thuộm. Xống áo thế à? Hóa ra cái từ Xống đó chưa chết, cái từ đó vẫn sống hàng ngày trong mọi gia đình Việt; cái từ đó chảy trong máu tôi hệt như con chữ “sống sít” của cụ Từ đã ăn vào tâm não tôi vậy. Nhiều khả năng nó chính là chiếc sarong thời thự sử, làm chức năng cả áo lẫn quần, và khi chiếc áo được may tách riêng mặc ở phần trên của cơ thể thì sarong trở thành chiếc xống (quần) (De Rhodes A. 1991: 252). Đến khi chiếc áo được kéo dài ra kiêm cả quần thành áo lễ, thành bộ lễ phục thì nó lại hiện nguyên hình là chiếc xống, mà không còn là chiếc quần đơn trong cặp từ láy nghĩa quần áo hoặc xống áo nữa.

Diễn biến trên có thể giúp trả lời câu hỏi: Tại sao lại là Xống Áo? và/hoặc Áo Xống? Có thể là tôi tưởng tượng, có thể mẹ tôi không bao giờ quan tâm đến trật tự từ cho thích hợp với từng văn  cảnh: Xống trước Áo sau, hay Áo trước Xống sau, khi la nhắc chúng tôi trong hai trường hợp trên. Nhưng cái cảm giác trật tự như vậy trong tôi, và tôi chắc rằng trong nhiều người khác nữa, là có thật. Phải chăng trong truyền thống sâu thẳm các gia đình Việt, đều ngự một vị Ngọc Lụa Thần y, gọi là chiếc Xống. Theo nghĩa đó, chiếc Xống không đơn thuần làm chức năng che thân của chiếc áo, mà nó chủ yếu làm chức năng Lễ với những nghi thức, thể hiện tư cách, thể hiện thân phận, địa vị xã hội của người mang nó, và chiếc Xống đó đích thực là một bộ lễ phục, hoặc hơn thế, một bộ Đại Việt Quốc phục. Chính vì vậy, khi các bà, các mẹ, các cô, các dì, các chị nhắc ta Xống áo thế à? thì trong chiều sâu của lời nhắc nhở đó có uy lực của những quy ước, lễ thức, chuẩn mực, vị thế, đẳng cấp và gia phong của người mang chiếc Xống đó, và có vẻ như các định chế xã hội mà chiếc Xống là biểu tượng đã có từ thời nảo thời nào, có thể từ khi xã hội Việt còn đang kỳ mẫu hệ. Dù rất nhẹ nhàng, dù chỉ như một làn gió thoảng, nhưng dường như lời nhắc nhở đó âm vang thần lực của gia đình, dòng tộc, cộng đồng đối với kẻ mang nó: Đừng quên tư cách làm người. Vậy thì phải chăng khi nói Xống Áo, là người phụ nữ muốn nhắc những người đàn ông của họ phải chú ý tới gia phong đối với người ngoài; còn khi nói tới Áo Xống là họ muốn nói tới nền nếp, trách nhiệm với bản thân, với các thành viên trong nội bộ gia đình. Người Việt vẫn thường nói: “quen sợ dạ, lạ sợ áo quần”, và còn hơn thế, khi nói tới “Y phục dĩ xứng kỳ đức” thì bộ lễ phục đã có vai trò xã hội to lớn đến nhường nào.

Bằng liên tưởng ấy, tôi đã thử lần tìm trong sử sách xem ngày xưa ông cha ta có dùng một thứ gì tương tự như chiếc Xống không? Nếu có thì nó được làm bằng gì? Làm như thế nào? Hình dáng của nó ra sao? Nó có những tên gọi nào khác không? Nó có những chức năng gì? Có loại Xống nào tên gọi khả dĩ liên hệ tới chữ Song Viết không? Bản thân nó có phải là Song Viết không? vv…Vậy thì cách tốt nhất là tìm đến hỏi các sử gia và các bộ sử. Một trong những mô tả sớm nhất về trang phục của người Việt là An Nam Chí lược thì cũng chỉ có thể biết được những dòng sau: Đời nhà Trần thì Quốc chủ đội mũ Bình-thiên, mũ Quyến vân hay mũ Phù-dung, mặc áo cổn y, đeo đai lưng Kim Long, cổ áo đính là trắng hay bông trắng kết lại, khăn kết tua vàng và ngọc châu, phủ tấm vuông, tràng áo cong, tay cầm ngọc khuê…Thân vương mặc áo Tiêu-kim-tử-phục (áo thêu kim tuyến), Hầu, Minh-tự mặc áo phượng ngư tú phục (áo thêu chim phượng, cá). Từ đại-liêu-ban trở xuống mặc áo cổn…Bọn quan chức, tá chức mặc áo tía, thắt đai  xéo…Từ vương hầu đến thứ dân thường hay mặc xiêm màu huyền, cổ tròn, quấn bằng lụa trắng, thích đi giày da”. (Lê Tắc 1961: 221).

Nhưng đến cụ Phan Huy Chú thì mọi sự đã trở nên sáng tỏ: “Lê Đại Hành lên ngôi, mặc áo long cổn, về sau áo mặc phần nhiều dùng vóc đỏ, mũ sức chân châu. Lý Thái-tông mới chế thứ mũ gọi là “bát giác tiêu dao” bằng vàng…Lê Thái Tông, năm Thiệu-bình thứ 4 [1437], theo lời tâu của Lương Đăng, những khi tế trời, tế tôn miếu, lễ thánh tiết, tết Nguyên đán, vua mặc áo long cổn, đội mũ miện, lên ngự bảo tọa; còn lễ thường triều, những ngày mồng một và ngày rằm thì mặc áo hoàng bào, đội mũ xung thiên…Thánh tông, năm Quang-thuận thứ 7 [1466], định màu phẩm phục cho các quan văn võ: từ nhất phẩm đến tam phẩm mặc áo màu hồng, tứ ngũ phẩm mặc áo màu lục, ngoài ra đều mặc áo màu xanh…Thần-tông, năm Khánh-đức thứ 5 [1653], tháng 6, định mẫu y phục trong nước, dài rộng khác nhau. Cho quan văn từ khoa đạo, quan võ từ quận công, mặc thanh cát, đều dùng lá phủ đằng sau, người khác không được dùng lạm…Dụ-tông, năm Vĩnh-thịnh thứ 10 [1714] định hạn chế về mũ áo bằng vải thanh cát. Tục cũ nước ta dùng áo vải nhuộm màu xanh chàm rồi phủ màu nâu, lại cho thêm ít keo, lấy chày đập, đem phơi khô, gọi là áo thanh cát. Không cứ quan hay dân, sang hay hèn, đều thông dụng cả, chỉ lấy dài ngắn làm mức. Về sau phần nhiều quá mức, đến đây mới hạn định phải theo đúng thước tấc dài ngắn rộng hẹp, để phân biệt thứ bậc. Năm thứ 16, định phẩm phục các quan văn võ lớn nhỏ cùng nha lại binh lính đều mặc áo thanh cát, đội mũ chữ đinh, không có phân biệt sang hèn trên dưới. Đến đây chúa Trịnh [Cương] bàn với tham tụng là Nguyễn Công Kháng đổi định lại, để cho rõ ràng phẩm phục: áo của hoàng thân, thân vương, mùa xuân, mùa hạ dùng sa Trung-quốc, mùa thu mùa đông dùng đoạn Trung Quốc…Các quan văn võ và nội giám khi chấp sự hành lễ và trông coi việc công thì đều dùng áo thanh cát, mũ ô sa, quan văn võ khi hầu ở Nội các cũng thế”. (Phan Huy Chú 1992: 12,13).

Về chiếc áo thanh cát, cụ Phạm Đình Hổ cũng cho biết khá chi tiết: “Ngày xưa học trò và người thường có việc công mặc áo thanh cát (màu xanh lam) lúc thường mặc áo truy y (màu thâm), dân quê mặc áo vải trắng thô. Bây giờ thì ai cũng mặc áo thanh cát, mà màu thâm, màu trắng ít dung. Áo thanh cát thứ nhất là màu hỏa minh (màu xanh sẫm), thứ nhì là màu vi minh (màu xanh nhạt), sau nữa là màu quì sắc, tục gọi là màu xừng. Nếu gặp quốc tang thì vương, công, khanh, sĩ đều mặc màu quì sắc. Bây giờ không cứ người sang, người hèn đều mặc áo quì sắc cả, mà màu hỏa minh, vi minh thì cho là quê, không dùng nữa. Lệ cũ có tang người ta lúc thường mặc áo vải thô, đi đâu đội nón, rũ tóc che miệng, có việc quan vào công nha, mặc áo quì sắc, hay là áo thanh cát, xong việc về nhà lại mặc áo vải thô. Bây giờ dù không có việc công, cũng mặc áo quì sắc, bỏ nón, để búi tóc ra ngoài, đùa cười ngoài đường không còn biết xấu hổ…Lại còn những thói dâm bôn vô sỉ, hẹn hò nhau ở trên sông, cướp trộm tung hoành, bắt cóc những người buôn bán. Phong tục đến thế là cùng!” (Phạm Đình Hổ 1989: 63-64).

Vậy là đã tương đối rõ về chiếc Xống, hay bộ lễ phục Thanh Cát. Để tăng thêm độ thuyết phục bản thân, tôi cũng lần giở những tư liệu có hạn trong giá sách nhà mình thì thấy người Trung Quốc có chiếc Jong, hoặc Jeong (có thể nôm hóa thành song, xống), nhưng tôi lại chưa tìm thấy cái Jong, Jeong nào có tên Thanh Cát ở xứ người “Bắc quốc” kia cả. Tuy nhiên cũng phải ghi nhận rằng tại quốc gia láng giềng Philippines có chiếc Malong của người Tagalog. Đối với tôi, Malong mang đầy âm hưởng mlong, tsong, song, xống đặc biệt khi chúng ta biết rằng người Tagalog đa âm hóa ngôn ngữ của mình bằng cách thêm nguyên âm a vào giữa hai phụ âm đầu từ: giả sử từ căn Malay của Xống có âm nguyên thủy là mlong thì chắc chắn đến xứ Tagalog nó sẽ mang hình hài malong. Nguyên ủy, chiếc Malong vốn là một loại váy quây truyền thống của nhiều bộ lạc tại Philippines, tương tự như chiếc sarong, hoặc đã từng là chiếc sarong của nhiều nhóm cư dân Đông Nam Á khác, nhất là người Malaysia, người Indonesia và người Brunei. Sau khi Philippinese bị Tây Ban Nha thống trị, để tránh người bản địa giấu vũ khí trong chiếc Malong, người Tây Ban Nha buộc họ phải sản xuất loại lễ phục dệt bằng chất liệu trong suốt, và ngày nay nó trở thành chiếc áo quốc phục Barong của họ; người có công khôi phục và luôn mặc chiếc áo lễ đó, chính là cố tổng thống Marcos. (Hamilton R. W. (ed.) 1998).     

Nhưng có lẽ gần gũi đến mức như người chị em song sinh với chiếc Thanh Cát của Đại Việt trong khu vực người Malay, và người Indonesian, chính là cái mà họ gọi là Songket, hoặc Sungkit. Bộ y phục này vốn là tên gọi một loại vải dệt tay, có thêu kim tuyến, và được làm thành bộ lễ phục của người Malay và người Indonesian. Các nhà nghiên cứu lịch sử nghề dệt truyền thống Malaysia và Indonesia vẫn chưa khẳng định được từ nguyên của chữ Songket hoặc Sungkit, một số người cho rằng từ đó có nguồn gốc từ chữ Songka, một loại khăn trùm đầu của tộc người Palempang. Người Malay và người Indonesian đều thống nhất là nghề dệt loại vải này có nguồn gốc từ bên ngoài, nhưng họ lại có quan điểm khác nhau về quê gốc của nó: người Kelanta thì cho rằng nghề dệt này có nguồn gốc từ phương bắc, có thể là khu vực Thái Lan hoặc Campuchia; còn người Terengganu lại nghĩ là nghề này do các thương nhân Ấn Độ đưa đến từ thời Srivijaya, vào khoảng thế kỷ 7 đến thế kỷ 13. Nhưng cho dù được du nhập từ Đông Dương hay Ấn Độ thì ngày nay nghề thủ công sản xuất Songket cũng đã được con cháu của những người thợ dệt xưa phát triển thành một ngành công nghiệp nổi tiếng thế giới của Malaysia và Indonesia, trong khi tại các xã hội truyền thống bộ Songket vẫn là bộ lễ phục, quốc phục, và vẫn được hoàng gia Malay dùng làm bộ Triều phục của họ (Summerfield A., John Summerfield, editors 1999; Uchino M. 2005; Rodgers S., Anne Summerfield, John Summerfield, 2007). Còn đối với tôi, tự dạng và ngữ âm Songket thì lại hoàn toàn gần với tên loại vải và bộ lễ phục Thanh Cát của Đại Việt. Nói một cách thẳng thắn, tôi hoàn toàn tin chắc Songket có cội nguồn từ Thanh Cát Đại Việt.  

Như vậy, có thể thấy rằng về phương diện ngữ âm, các từ thanh cát, songket, song viết là hoàn toàn tương đồng. Trong lịch sử biến đổi ngữ âm tiếng Việt chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận quá trình biến đổi từ tlong → tsong → song (xống) → trong → thanh → xanh, v.v…Tương tự như vậy, quá trình biến đổi từ kep → ket → kit → cát → kiết → viết, v.v…cũng hoàn toàn có thể chứng minh được, và đã được Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn chứng minh rất đầy đủ trong nhiều công trình khác nhau của mình. Vì vậy giờ đây đã đến lúc tôi muốn gọi bộ lễ phục Thanh Cát kia bằng chính cái tên cổ Xống Kép, hoặc một cách nôm na là chiếc Áo Kép (De Rhodes A. 1991: 10), mà câu ca dao có lẽ không xưa lắm vẫn còn cố níu giữ những chiếc “áo đơn áo kép” dân giã đó, để thà là nó nhất thời thất thế tạm lánh ra “đứng nép bờ ao” chứ không hề biến mất khỏi vị thế quốc phục của nó. Và trong tôi xót xa một câu hỏi: Thay vì quá đỗi thoải mái, tự tin trong những bộ cánh tây tàu, không biết đến bao giờ chúng ta mới được thấy thần thái của các đại diện ưu tú của nước nhà trong bộ quốc phục Thanh Cát đã được Nguyễn Trãi* xông hương bằng Bình Ngô Đại cáo lại thực sự rạng ngời tinh thần Đại Việt?   

Giờ đây đã đến lúc chúng ta có thể và cần phải kiểm nghiệm sơ bộ hai từ Xống Kép theo các tiêu chí đã được Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn xác lập: 1. Tiêu chí đầu tiên: Xống Kép là một kết cấu cổ, vì Xống trong cụm từ xống áo là một từ cổ, và Kép (cặp (De Rhode A. 1991: 31), đáp, ghép, tháp, thiếp) cũng là một từ cổ, hai từ đó ghép lại thể hiện nghĩa chiếc áo kép thì đó hoàn toàn là một kết cấu cổ; 2. Về cách đọc Xống hoàn toàn suy ra được từ Song Kép hoàn toàn suy ra được từ Viết, theo qui luật ngữ âm lịch sử; 3. Về mặt từ loại, Xống Kép là danh từ hoàn toàn có thể vị từ hóa; 4. Về mặt cấu tạo từ, Xống Kép là từ ghép vừa láy nghĩa, vừa láy âm, hoàn toàn có thể đối lại được các trường hợp đã được dẫn; Xống Kép láy nghĩa vì Xống chuyển tải âm song có nghĩa là đôi, mà kép thì cũng chính là đôi. Xống Kép là chiếc áo kép theo hai nghĩa: nó dài gấp đôi chiếc áo cánh; nó được làm bằng hai lần vải thành chiếc áo đúp, mặc mùa đông là chính; 5. Cuối cùng, việc kiểm nghiệm ngữ nghĩa của Xống Kép xem nó có nội dung thật ăn khớp với cái tứ chung toát ra từ trong toàn thể các câu, các bài sử dụng từ Song Viết sẽ được thực hiện ở phần IV dưới đây.

IV. Xống Kép – kiểm nghiệm ngữ nghĩa trong văn cảnh

Xống Kép là hai từ mà chúng tôi giả định là âm nôm của Song Viết, vì vậy để phần nào có thể tự thuyết phục được bản thân mình, chúng tôi cũng theo đòi người đi trước thử đưa hai từ đó thay vào các từ Song Viết trong các bài thơ mà chúng ta đã quen thuộc. Chúng tôi trộm nghĩ thơ là một lĩnh vực tinh tế không chỉ về từ ngữ, ngữ nghĩa mà còn cả về ngữ âm. Vì vậy bên cạnh Song Viết, Song Kép, Xống Kép, Áo Kép, trong những văn cảnh khác nhau, với tư cách là người thưởng thức, tôi muốn thay đổi Song Kép, Áo Kép, Thanh Cát, thậm chí còn có thể mở rộng ý nghĩa thành nền nếp, quốc phong, quốc hồn tùy theo ngữ cảnh, vì tất cả đều vang lên nguyên âm điệu và tinh thần Song Viết, và đều chỉ cùng một vật cụ thể là chiếc quốc phục Xống Kép – Thanh Cát. Hơn nữa về phương diện xã hội học, tôi tin chắc rằng các nhóm xã hội Đại Việt xưa là không đồng nhất về vị thế xã hội, vì vậy chắc chắn ngôn ngữ của họ, dù để chỉ cùng một sự vật cũng không hoàn toàn đồng nhất. Thậm chí ngay trong một nhóm xã hội, tùy từng sắc thái quan hệ, tùy từng văn cảnh mà người ta có thể sử dụng những từ khác nhau cho cùng một sự vật. Tôi cho rằng điều đó cũng có thể diễn ra đối với trường hợp chiếc Xống Kép – Thanh Cát. Nếu phân theo nhóm lớn chúng ta có thể nghĩ rằng ngôn ngữ sử dụng trong các gia đình đại trí thức, đại nho, đại quan cỡ Nguyễn Trãi phải khác với ngôn ngữ của các gia đình hàn nho, tiểu lại; đến lượt mình, ngôn ngữ của các gia đình hàn nho, tiểu lại cũng lại khác với ngôn ngữ của các thị dân kẻ chợ; và đến lượt mình ngôn ngữ thị dân kẻ chợ cũng lại khác với ngôn ngữ quê mộc vùng thôn ổ xa xôi, v.v…Ấy là chưa kể các đặc trưng phương ngữ, những khác biệt ngôn ngữ vùng miền, tộc thuộc vốn rất phổ biến ở nước ta. Vì vậy việc sử dụng từ nào trong những từ tương đương với Song Viết cho thích hợp với luật bằng trắc, luật đối, luật láy, từ ngữ, ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ cảnh của từng bài thơ, câu thơ là điều có thể chấp nhận được. Và như vậy chúng ta có thể yên tâm đôi chút để kiểm nghiệm mấy từ đã được giả định ở trên vào các tác phẩm của Nguyễn Trãi, Hồng Đức, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hằng, và các cụ khác như dưới đây.

Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi:

1. Con cháu chớ hiềm xống kép [thanh cát] ngặt,
Thi thư thực ấy báu nghìn đời. (Ngôn chí 9)

Nghĩa: Con cháu chớ băn khoăn vì không có áo xống cho ra hồn, vì của báu nhà ta là thi thư chứ không phải là quần áo đẹp, đắt tiền.

2. Con cháu mựa hiềm xống kép [thanh cát] tiện,
Nghìn đầu cam quít ấy là tôi. (Ngôn chí12)

Nghĩa: Con cháu việc gì phải quá băn khoăn vì áo xống có vẻ nghèo tiện, vì nhà ta vẫn còn cả một vườn cam, nếu muốn sắm áo đẹp thì lo gì bán đi không đủ.

3. Xống kép hằng lề phiến sách cũ,
Hôm dao đủ bữa bát cơm xoa. (Ngôn chí19)

Nghĩa: Áo xống muôn thuở của ta là chồng sách cũ kia kìa; Dù ngặt khó nhưng sáng tối cũng đủ bữa cơm đạm bạc là ổn rồi.

4.  Xống kép lại toan nào của tích,
Bạc mai vàng cúc để cho con. (Thuật hứng 4)

Nghĩa: Ta nào có ý định sắm sanh áo xống làm của để giành; Với ta hoa mai là bạc, hoa cúc là vàng để cho con đó

5. Buồng văn lấp cửa trọn ngày thu,
Đèn sách nhàn làm xống kép nhu. (Thuật hứng 13)

Nghĩa: Ta suốt ngày trong thư phòng; Đèn sách mới chính là bộ cánh đẹp của nhà Nho vậy

6. Xống kép có nhiều dân có khó,
Cửa nhà càng rộng thế càng phiền. (Tự giới 16)

Nghĩa: Bộ cánh của kẻ sĩ càng đẹp, càng xa xỉ thì dân càng nghèo khó; Cửa nhà thênh thang chỉ càng chuốc thêm phiền toái mà thôi.

7. Xống kép huống còn non nước cũ,
Mặc dầu thua được có ai tranh. (Tự giới 29)

Nghĩa: Xống áo của ta chính là non nước cũ vậy; Vì thế kẻ nào tranh giành kèn cựa với ta làm gì.

8.  Một yên một sách một con lều
Xống kép bao nhiêu mặc bấy nhiêu. (Tự giới 37)

Nghĩa: Ta chỉ cần một căn lều, quyển sách và cái bàn đọc là được rồi; Xống áo có gì mặc nấy, ta không bận tâm.

Hồng Đức Quốc âm thi tập:

9. Năm hồ nhưng lấy làm
xống kép,
Bốn bể đều thời thảy nết na. (Hằng Nga nguyệt)

Nghĩa: Ta lấy năm hồ làm áo xống; Bốn bể với ta thì cũng là chiếc áo nết na.

10. Ngư hà xống kép ngày thường đủ,
Bạng duật đôi co thế ngại dòm. (Vịnh ngư)

Nghĩa: Cá tôm kiếm được cũng đủ sắm sanh; Vì vậy ngại dính đến tranh giành lừa lọc

11. Nẻo đầu kể bốn thú nhàn cư.
Xống kép ai bằng xống kép ngư. (Vịnh ngư)

Nghĩa: Trong bốn thú nhàn thì cái nhàn của kẻ ngư ông là đầu; Xống áo của ta là sông hồ thì hỏi có kẻ nào bằng

12. Một rìu một búa của hôm dao,
Xống kép ai bằng xống kép tiều.(Vịnh tiều)

Nghĩa: Nghề tiều của ta sớm hôm chiếc rìu, chiếc búa; Rừng núi làm xống áo của ta thì thử hỏi xống áo của kẻ nào bằng

13. Một cày, một cuốc phận đã đành,
Xống kép ai bằng xống kép canh. (Vịnh canh)

Nghĩa: Nghiệp canh nông của ta gắn với cái cày cái cuốc; Ta lấy ruộng đồng làm xống áo thì thử hỏi xống áo của kẻ nào bằng

14. Nẻo ra thời có phu đồng bọc,
Xống kép ai bằng xống kép mục. (Vịnh mục)

Nghĩa: Kẻ mục phu quanh năm nội cỏ chở che; Thử hỏi có kẻ nào có được bộ xống áo như ta?

15. Phong nguyệt ít nhiều xống kép [thanh cát] đủ,
 Khứng đâu vay bợ khứng cho ai. (Ngư nhân thuyền)

Nghĩa: Ta lấy gió trăng làm xống áo thì cần gì phải khứng sánh với kẻ nào.

16. Bốn mùa xống kép một thuyền chài.
Sớm tối giang hồ tới nguyệt đài. (Ngư nhân thuyền)

Nghĩa: Ta bốn mùa mặc chiếc thuyền chài làm xống áo; Sớm tối bạn cùng sông hồ, trăng gió.

Bạch Vân Quốc âm thi tập:

17.
Xống kép chớ rằng đã hổ,
Đến đâu thời cũng có xuân phong. (Bài33)

Nghĩa: Ta việc gì phải hổ ngươi vì thiếu xống áo; Đến chỗ nào mà chả có gió xuân ấm áp.

18. Khách đến hỏi nào xống kép [thanh cát],
 Nửa rằng còn một túi thơ treo. (Bài 38)

Nghĩa: Khách đến hỏi ta áo thanh cát đâu? Ta rằng có cả túi thơ kia thì bận tâm đến xống áo làm gì!

19.
Xống kép hãy còn hai rặng quít,
 Thất gia chẳng hết một căn lều. (Bài 51)

Nghĩa: Sắm thanh cát trông vào hai rặng quýt kia, nhà cửa thì đã có căn lều này rồi.

20. Mựa hiềm
xống kép nhà còn ngặt,
Tích đức cho con ấy mới mầu.

Nghĩa: Chẳng việc gì phải bận tâm vì không có xống áo sang trọng, để lại cái đức cho con mới quý.

21. Xống kép liền tay, gương lờ, non ánh,
Hôm mai họp mặt, nội cỏ vườn lau.

Nghĩa: Chiếc thanh cát đã được cởi ra, nhưng vẫn không rời tay lúc trăng mờ, núi tỏ; kể cả sớm hôm bờ bụi tụ tập cũng vậy.

Những bài khác:

22. Bùi Xương Trạch (1451-1529):

Đêm trung thu không trăng
Lượt là vằng vặc rạng tơ hào,
Phải mịt mù nay vì cớ sao?
Nhân bởi hắc vân ngất phủ,
Há rằng ngọc thỏ hèn sao.
Hằng nga chiếm lấy làm xống áo
Thục tế tuồng ni dám ước ao,
Mựa dắng đêm nay trăng thấy nguyệt,
Thu qua đông đến quế càng cao.

23. Bùi Xương Tự (1656-1728, hậu duệ Bùi Xương Trạch)
Cửa Đạt

Cảnh thanh mát thú càng thanh mát,
Mọi cửa đều thông danh cửa Đạt.
Sóng lẩn đầu ghềnh thuở gió doi,
Khói loà mặt nước khi sương toát.
Thanh thơi bến liễu tiện vào ra,
Ngang dọc thuyền lan dầu cậy bát.
Bờ cõi văng băng chẳng cấm ngăn,
Mặc ai chiếm lấy làm xống áo.

24. Nguyễn Hằng (1548 –1625) (trong gia phả nhà văn Nguyễn Công Hoan)

Ba mươi chín tuổi đổ đăng khoa
Xống kép [thanh cát] ai bằng xống kép [thanh cát] ta
Đãi khách vẻ vang rau lộc: muống
Điều canh chan chứa nước chè: cà.

Vài lời cuối bài viết:

Sau khi kiểm nghiệm giả định Xống Kép vào 24 trường hợp trên, chúng tôi vẫn chưa phát hiện được bất cứ mâu thuẫn nào, vì vậy cho đến bây giờ chúng tôi tạm yên tâm với đề xuất của mình, kể cả đối với những trường hợp mà Giáo sư Đào Duy Anh và Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn còn băn khoăn với các đề xuất của các Cụ. Tuy nhiên, bể học là vô cùng, chúng tôi không nghĩ đề xuất của mình đã đạt tới sự thật. Với khối tri thức tích lũy càng ngày càng lớn và trình độ hiểu biết chung của xã hội ngày càng nâng cao không ngừng, chúng tôi tin rằng trong tương lai sẽ được đọc các đề xuất mới, hầu góp phần thúc đẩy các thành quả nghiên cứu ngày càng tiến gần tới chân lý, trong đó có cuộc kiếm tìm thực ngữ của hai từ Song Viết.     
________________________________

Chú thích:

* Đối với tôi, cuộc đời, sự nghiệp và số phận vắt ngang hai thế kỷ của Nguyễn Trãi vô cùng đặc biệt: dường như cuộc đời ấy, số phận ấy luôn gắn liền với những khúc quanh quyết định của vận mệnh dân tộc, kể cả cho đến bây giờ và mai sau. Tôi hình dung hai chữ Song Viết của ông đối với Đại Việt có cái gì đó na ná như mấy chữ Ούτε λέγει, ούτε κρύπτει, άλλά σημαίνει Không gom, không giấu, chỉ gợi – của thần Apolo trong ngôi đền Delphi đối với người Hy Lạp vậy. Mong có dịp trở lại với riêng vấn đề hấp dẫn này.

Tài liệu dẫn

De Rhodes A. 1991
. Từ điển Annam – Lusitan – Latinh (Thường gọi là Từ điển Việt – Bồ - La). Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Đào Duy Anh 1962; 2005. Sự cần thiết chỉnh lý tài liệu trong công tác nghiên cứu và phiên dịch. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 37, tháng 4, 1962; in lại trong Đào Duy Anh – Nghiên cứu Văn hóa và Ngữ văn, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội 2005, tr. 211-229.

Đoàn Ngọc Phan, 1975. Phải chăng song viết, song kiết là song cát. Tạp chí Văn học, số 2-1975, Hà Nội.

Đỗ Văn Hỷ 1967. Góp phần giải quyết những tồn nghi trong “Quốc âm Thi tập”. Tạp chí Văn học, số 6-1967, Hà Nội.

Hamilton R. W. (ed.) 1998. From the Rainbow's Varied Hue: Textiles of the Southern Philippines. Fowler Museum of Cultural History, University of California at Los Angeles.

Haudricourt A.G. 1960.
Note sur les dialects de la resgion de Moncay, BEFEO, tome L; fasc.1; p.172.

Lê Tắc 1961. An Nam Chí lược, Toàn bộ 19 quyển. Bản tiếng Việt của Viện Đại học Huế, Uỷ ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam.

Maspéro H. 1912. Études sur la phonétique historique de la langue annamite; BEFEO. 

Nguyễn Công Hoan 1974. Song viết hay song kiết, song biết. Tạp chí Văn học, số 5. Hà Nội. 

Nguyễn Tài Cẩn 1974, 1985. Thử tìm cách đọc nôm hai chữ «song viết». Tạp chí Văn học, số 2 năm 1974; Đăng lại trong Một số vấn đề về chữ Nôm, Nxb. Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội 1985, tr. 181-209. 

Nguyễn Tài Cẩn 1975, 1985. Bàn thêm về “song viết? song biết? song kiết?. Tạp chí Văn học, số 6. 1975 ; Đăng lại trong Một số vấn đề về chữ Nôm, Nxb. Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội 1985, tr. 210-227. 

Nguyễn Tài Cẩn 2005. Xin trở lại vấn đề Song Viết. Trong Tập biên khảo về Khoa học xã hội và nhân văn Từ Đông sang Tây do Cao Huy Thuần, Nguyễn Tùng, Trần Hải Hạc, Vĩnh Sính chủ biên. Nxb. Đà Nẵng, Tp. Đà Nẵng 2005.

Nguyễn Từ Chi 1974. Cạp váy Mường. Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, số 3/1974.

Nguyễn Từ Chi 1996. Góp phần Nghiên cứu Văn hóa và Tộc người. Nxb. Văn hóa Thông tin – Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội.

Phạm Đình Hổ 1989. Vũ trung tùy bút. Dựa theo bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Quảng Tuân khảo đính và chú thích. Nxb. Trẻ - Hội Nghiên cứu Giảng dạy Văn học TP. Hồ Chí Minh. Tp. Hồ Chí Minh.

Phan Huy Chú 1992. Lịch triều Hiến chương Loại chí. Tập II: Lễ nghi chí, Khoa mục chí, Quốc dụng chí, Hình luật chí. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Rodgers S., Anne Summerfield, John Summerfield, 2007. Gold Cloths of Sumatra: Indonesia’s “Songkets” from Ceremony to Commodity. Leiden: KITLV Press, Holland.

Summerfield A., Summerfield J., ed., 1999. Walk in splendor-ceremonial dress and the Minangkabau. Los Angeles, UCLA Fowler Museum of Cultural History 1999.

Uchino M. 2005. Socio-cultural History of PalempangSongket”. In Indonesian and Malay World. Vol. 33, No. 96, July 2005.

Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam – Viện Sử học 1976. Nguyễn Trãi Toàn tập. In lần thứ hai - có sửa chữa và bổ sung. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét