Powered By Blogger

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Hình tượng Man Nương, hệ thống Tứ Pháp và cái được biểu đạt siêu Việt* (Phần I)




Hình tượng Man Nương, hệ thống Tứ Pháp và cái được biểu đạt siêu Việt*
(Phần I)

Hà Hữu Nga

Cái được biểu đạt siêu việt với tư cách là một công cụ diễn giải

Trong ngôn ngữ học kinh điển của F. Saussure, ký hiệu ngôn ngữ không thống nhất một sự vật với một tên gọi, mà là một khái niệm với một hình ảnh âm thanh. Hình ảnh âm thanh không phải là âm thanh vật chất, một sự vật thuần túy vật lý, mà là dấu ấn tâm lý của âm thanh đó, là hình ảnh tái hiện cung cấp cho chúng ta bằng chứng về các giác quan của chúng ta; nó mang tính cảm quan, và đối lập với phương diện khác của mối liên tưởng, là khái niệm trừu tượng hơn. Saussure cho rằng hình ảnh âm thanh đó tạo thành dấu hiệu ngôn ngữ và là một thực thể tâm lý có hai mặt gắn kết chặt chẽ với nhau, và chỉ có những liên tưởng được ngôn ngữ thừa nhận mới được coi là phù hợp với hiện thực, và cần phải gạt bỏ bất cứ liên tưởng nào khác. Từ đó có thể nói rằng dấu hiệu là sự kết hợp giữa khái niệm với hình ảnh âm thanh, trong đó từ dấu hiệu chỉ được dùng cho hình ảnh âm thanh mà thôi. Từ dấu hiệu được dùng để chỉ cái tổng thể, và thay từ hình ảnh âm thanh bằng từ “cái biểu đạt”, thay từ khái niệm bằng từ “cái được biểu đạt” để làm rõ sự đối lập giữa hai từ đó với nhau và với cái tổng thể. Dấu hiệu ngôn ngữ có hai đặc trưng cơ bản, trở thành nguyên lý của chúng: i) nguyên lý tính võ đoán, mối tương quan giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt là võ đoán, mà dấu hiệu là do cái biểu đạt và cái được biểu đạt tạo thành, vì vậy dấu hiệu ngôn ngữ là võ đoán; ii) nguyên lý tính tuyến tính, cái biểu đạt là âm thanh, diễn ra trong thời gian, là đại lượng có thể đo lường theo một tuyến thời gian, nên dấu hiệu có đặc trưng tuyến tính. Dấu hiệu còn có hai đặc trưng khác, đó là: iii) tính bất biến, vì ngôn ngữ là di sản được thừa hưởng từ các thế hệ trước, là sản phẩm của lịch sử, nên nó là bất biến; iv) tính khả biến, vì ngôn ngữ diễn ra trong thời gian, mà thời gian thì làm biến đổi mọi thứ, nên dấu hiệu ngôn ngữ cũng biến đổi theo thời gian [Saussure, Ferdinand de 1967, pp.97-100].

Như vậy, theo cách hiểu của ngôn ngữ ký hiệu học truyền thống, dấu hiệu có chức năng chuyển tải nghĩa, thông qua cái biểu đạt [signifiant] có chức năng biểu đạt nghĩa bằng một hình thức cảm quan nào đó, và cái được biểu đạt [signifié] có chức năng thể hiện nghĩa của ký hiệu thông qua nội dung của một khái niệm nào đó. Đây cũng chính là một cấu trúc điển hình, được tạo bởi các mặt đối lập, làm thành một trong những cơ sở quan trọng nhất của cấu trúc luận Levi-Strauss. Và cũng chính khái niệm cái được biểu đạt đã gợi hứng cho cha đẻ của giải cấu trúc là Jacques Derrida tạo ra một khái niệm triết học kinh điển là “cái được biểu đạt siêu việt” [signifié transcendantal]. Derrida đã sử dụng khái niệm này để phê phán và diễn giải bất kỳ hệ thống cấu trúc nào. Theo ông, bất cứ cấu trúc nào cũng có một trung tâm, và bất cứ trung tâm nào cũng là trung tâm của một cấu trúc, là nguồn gốc của cấu trúc, chi phối và duy trì cấu trúc. Và khái niệm trung tâm đồng nghĩa với cái được biểu đạt siêu việt, hay còn gọi là cái được biểu đạt tiên thiên, cái được biểu đạt có trước kinh nghiệm [Derrida 1967a,b].

Hình tượng Man Nương trong hệ thống Tứ pháp

Khái niệm Tứ Pháp của Phật giáo

Pháp (tiếng Phạn धर्म dharma, Pali: धम्म dhamma) là một khái niệm quan trọng với nhiều ý nghĩa trong các tôn giáo Ấn Độ như Ấn Độ giáo, Phật giáo, đạo Sikh và đạo Jain (Kỳ Na). Trong các ngôn ngữ phương Tây, không có từ đơn nào tương đương để dịch dharma. Trong Ấn Độ giáo, pháp có nghĩa hành vi được coi là phù hợp với ऋतं rta, trật tự tạo ra cuộc sống và vũ trụ, và bao gồm các trách nhiệm, các quyền, các đạo luật, đức hạnh và ''chính nghiệp''. Trong Phật giáo, Pháp có nghĩa là "quy luật trật tự vũ trụ", thể hiện trong Phật pháp - những lời dạy của Đức Phật. Trong triết học Phật giáo, các Pháp cũng đồng nghĩa với các "hiện tượng". Tधर्म dharma - pháp, trong tiếng Sanskrit cổ là một từ có từ căn dhṛ, có một nghĩa là nắm, giữ, duy trì, vì vậy nghĩa mở rộng của nó là luật, quy luật. Pháp là một khái niệm quan trọng trung tâm trong triết học và tôn giáo Ấn Độ, với nhiều ý nghĩa tương đồng hoặc khác biệt trong Ấn Độ giáo, Phật giáo và Kỳ Na giáo. Vì vậy rất khó đưa ra một định nghĩa ngắn gọn cho khái niệm Pháp, với tư cách là một từ có một lịch sử lâu dài và đa dạng, lại nằm giữa một tập hợp rất phức tạp của các ý nghĩa và diễn giải khác nhau. [Horsch, Paul 2004]

Nghĩa của từ dharma phụ thuộc vào bối cảnh và đã có những bước tiến hóa cùng với tư tưởng triết học và tôn giáo Ấn Độ qua một giai đoạn lịch sử lâu dài. Trong các văn bản sớm nhất và những huyền thoại cổ xưa của Ấn Độ giáo, dharma có nghĩa là luật của vũ trụ, các quy tắc tạo ra vũ trụ từ sự hỗn loạn, sau đó là các nghi lễ. Về sau, trong các bộ kinh Vedas, Upanishads, Puranas và các sử thi, nghĩa của từ dharma đã bắt đầu trở nên tinh tế, phong phú, phức tạp hơn, được áp dụng vào các bối cảnh đa dạng hơn. Trong những bối cảnh nhất định, dharma chỉ định các hành vi cần thiết con người để giữ gìn trật tự của sự vật trong vũ trụ, các nguyên tắc ngăn chặn sự hỗn loạn; các hành vi và hành động cần thiết đối với toàn bộ sự sống trong tự nhiên, xã hội, gia đình cũng như ở cấp độ cá nhân. Pháp dharma bao gồm những ý tưởng như trách nhiệm, các quyền, các phong tục, tôn giáo, tín ngưỡng, và tất cả các hành vi được coi là phù hợp, đúng đắn, hoặc chính đáng về mặt đạo đức. [Dhand, Arti 2002] Từ phản nghĩa của pháp dharmaadharma (tiếng Phạn: अधर्मा), có nghĩa là "không đúng pháp". Cũng giống như với pháp, từ adharma bao gồm và hàm ý nhiều nghĩa, nhưng theo cách nói thông thường, thì adharma có nghĩa là phản tự nhiên, vô luân, vô đạo đức, sai hay không hợp pháp. [28] Trong Phật giáo và Kỳ Na giáo, pháp kết hợp các kinh điển và giáo lý của những người sáng lập Phật giáo và Kỳ Na giáo là Đức Phật và Mahavira [Wezler, Albrecht 2004].

Trong Phật giáo, có nhiều loại pháp được gọi là tứ pháp, chẳng hạn như: Theo bộ kinh Đại thừa Bản sinh tâm địa quán (quyển 2) và Đại thừa Pháp uyển nghĩa lâm chương  (quyển 6) thì Tứ pháp là: i) Giáo pháp, ngôn giáo của chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai; ii) Lý pháp, nghĩa lý được diễn giải rõ ràng trong giáo pháp; iii) Hành pháp, sự tu hành giới, định, tuệ ở nhân vị, căn cứ vào lý pháp để khởi hành; iv) Quả pháp, tu hành viên mãn chứng được quả Niết Bàn vô vi. Chư Phật dùng 4 pháp này dẫn dắt chúng sinh ra khỏi bể khổ sinh tử để đến được cảnh giới Niết Bàn giải thoát. Chư Phật cũng nương vào 4 pháp này mà tu hành để đoạn trừ tất cả mọi nghiệp chướng mà thành chính quả [Quán vô lượng thọ kinh nghĩa sớ, Quyển trung (Tuệ Viễn); Thành duy thức luận thuật ký, Quyển 1; Hoa nghiêm kinh thám huyền ký, Quyển 3]. Tứ pháp chỉ 4 pháp tu hành của Bồ tát, theo kinh Đại thừa tứ pháp do ngài Nhật Chiếu (Divakara 613 - 687) dịch, thì tứ pháp là: i) Không bỏ tâm bồ đề; ii) Không bỏ thiện tri thức; iii) Không bỏ ưa thích kham nhẫn, chịu đựng; iv) Không bỏ a lan nhã (chỗ vắng vẻ yên tĩnh). Luận Du già sư địa, quyển 47 cũng xác định tứ pháp gồm: i) Khéo tu của Bồ Tát; ii) Dùng phương tiện khéo léo giáo hóa chúng sinh; iii) Dùng Tứ nhiếp pháp làm lợi cho người khác; iv) Đem thiện căn mình tu hành được hồi hướng Phật đạo bằng tâm không điên đảo, không trở lại cầu quả báo thế gian. Tứ pháp trong Kinh Quán Phật tam muội hải là: i) Ngày đêm 6 thời thuyết tội sám hối; ii) Thường nhớ nghĩ đến Phật và không lừa dối chúng sinh; iii) Tu tập 6 hòa kinh: thân, khẩu, ý, giới, kiến, lợi và tâm không sinh tức giận, kiêu mạn; iv) Tu tập 6 niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên cấp thiết như cứu dầu bị cháy [Phật giáo Việt Nam 1999: Phật Quang Từ điển, Tập 6. tr. 6765-6771].

Kinh Chiêm sát thiện ác nghiệp báo, Quyển hạ nói đến sự thành Phật qua thứ lớp của Tứ pháp Tín, Giải, Chứng, Hành. Còn kinh Tạp a hàm, quyển 15 thì nói đến tứ pháp chỉ 4 pháp trị bệnh ở thế gian là: i) Khéo biết bệnh; ii) Khéo biết nguyên nhân của bệnh; iii) Khéo biết cách trị bệnh; iv) Khéo biết cách giữ cho bệnh không tái phát. Riêng đức Phật thì khéo biết bệnh của chúng sinh là do quá khổ, nguyên nhân của bệnh khổ là do vô minh, lại khéo biết cách trị bệnh nên được gọi là Đại y vương. Ngoài ra, theo Thập trụ Tỳ bà sa luận, quyển 7 còn có Tứ pháp mà bậc Pháp sư phải có đầy đủ, đó là: i) Học rộng nghe nhiều và có khả năng ghi nhớ tất cả ngôn từ chương cú; ii) Quyết định và khéo biết tướng sinh diệt của các pháp thế gian và xuất thế gian; iii) Được trí thiền định, đối với các kinh pháp tùy thuận không tranh luận; iv) Thực hành đúng những điều mình giảng nói, không thêm bớt. Tứ pháp chỉ chung 4 loại phép tắc, như Pháp hoa Tứ pháp, Niết bàn Tứ pháp, Lăng già Tứ pháp, Bồ tát Tứ pháp, Thế y Tứ pháp, Pháp sư Tứ pháp, trong đó Pháp hoa Tứ pháp là: Chư Phật hộ niệm, trồng các gốc đức, vào chính định tụ và phát tâm cứu tất cả chúng sinh. Lăng già Tứ pháp là: Năm pháp, ba tự tính, tám thức và hai vô ngã. Niết bàn Tứ pháp là: Gần thiện tri thức, lắng nghe chính pháp, tư duy nghĩa lý, và như pháp tu hành. Ngoài ra kinh Đại bát Niết bàn quyển thượng, lấy giới, định, tuệ rồi thêm giải thoát nữa để gọi là Tứ pháp (Kinh Đại Niết bàn, quyển 18, phẩm Phổ Hiền khuyến phát kinh Pháp hoa). Còn một tứ pháp nữa là: Giáo, Hành, Tín, Chứng của Tịnh độ Chân tông do tổ Khai sáng ở Nhật Bản là ngài Thân Loan (親鸞 Shinran, 1173 - 1262) thành lập trong Giáo hành tín chứng văn loại, là đại cương của tông này [Phật giáo Việt Nam 1999: Phật Quang Từ điển, Tập 6. tr. 6765-6771].

Rõ ràng hệ thống tứ pháp chùa Dâu không phải là các Tứ pháp Phật giáo kinh điển đề cập ở trên. Đó là một hệ thống riêng biệt, tuân thủ đúng trật tự vũ trụ, kể cả nhân giới và nhiên giới, nhưng không giống với bất cứ hình thức Tứ pháp đã có nào trong lịch sử Phật giáo Thế giới.

Hệ thống Tứ Pháp chùa Dâu dưới lăng kính cấu trúc luận

Cấu trúc luận là một trường phái tư tưởng có liên quan đến cấu trúc dựa trên cơ sở của các sự kiện ngôn ngữ của Ferdinand Saussure. Một cấu trúc được tạo bởi sự sắp xếp của các yếu tố với nhau, theo nguyên tắc đối lập nhị phân, sao cho toàn bộ các yếu tố và các kết nối của chúng tạo thành một hệ thống độc lập. Theo Lévi-Strauss, đặc tính độc đáo của cấu trúc luận các yếu tố không tồn tại trước khi hệ thống; những yếu tố này xuất hiện với các mối quan hệ của chúng. Thậm chí chúng ta có thể nhận thấy rằng đây là mối quan hệ làm bộc lộ các yếu tố [Lévi-Strauss, Claude 1958]. Một cấu trúc phải thể hiện đặc trưng hệ thống. Nó bao gồm các yếu tố sao cho bất kỳ biến đổi nào của chúng cũng tạo ra sự biến đổi của tất cả các yếu tố khác. Bất kỳ mô hình nào thuộc một nhóm các biến đổi mỗi biến đổi đều tương ứng với một mô hình của cùng một dòng, vì vậy toàn bộ các biến đổi này tạo thành một nhóm mô hình. Các thuộc tính được đề cập ở trên có thể tiên đoán mô hình sẽ phản ứng ra sao trong trường hợp biến đổi của một trong các yếu tố của nó. Mô hình phải được tạo dựng sao cho sự vận hành của nó có thể giải thích cho tất cả các sự kiện được quan sát. Đối với Levi-Strauss, cấu trúc luận là sự liên kết giữa các yếu tố khác biệt theo nguyên tắc đối lập. Sự sống còn của cấu trúc luận là duy trì được sự khác biệt bằng phương thức liên kết nhị phân giữa các khác biệt với nhau [Lévi-Strauss 1958].

Mọi hệ thống cấu trúc đều được tạo bởi các cặp đối lập nhị phân, và phải có một trung tâm, nơi phát xuất của toàn bộ hệ thống và xác quyết ý nghĩa của hệ thống, ít nhất là tính chất hiện hữu của nó. Derrida chỉ ra rằng, khái niệm trung tâm có hai đặc điểm: i) là nơi phát xuất của hệ thống và bảo đảm cho mọi thành phần trong hệ thống đó có được tính chất tương liên; ii) chính trung tâm cũng là yếu tố vượt ra ngoài hệ thống, không được điều phối bởi các quy luật của hệ thống. Trung tâm là phần cốt lõi của mọi hệ thống, không gì trong hệ thống có thể thay thế được nó, vì vậy trung tâm bao giờ cũng mang tính tuyệt đối. Trung tâm là nơi phát xuất sự mâu thuẫn, vì nó là phần cốt yếu kiến tạo nên hệ thống mà không thuộc vào hệ thống, nó không phải là một thành phần của tính toàn thể; cấu trúc trung tâm, đóng phần quan trọng nhất của một hệ thống, trở thành mâu thuẫn trong tính chặt chẽ của nó [Derrida 1967a,b].

Dưới lăng kính cấu trúc luận, có thể thấy rất rõ các cặp đối lập nhị phân và các mối liên kết tạo thành một hệ thống cấu trúc chặt chẽ trong hình tượng Man Nương và hệ thống Tứ Pháp. Đó trước hết là các cặp đối lập được xây dựng xung quanh “cái trung tâm”, “tính trung tâm” là hình tượng Man Nương; đặc biệt là hình tượng chủ chốt này đã được đặt đối lập về mọi phương diện với Khâu Đà La:  i) Nam/ nữ; ii) Bản địa/ người ngoài; iii) Già/ trẻ; iv) Có đạo/ không có đạo; iii) Có học/ không học; iv) Đẳng cấp cao/ đẳng cấp thấp; v) Chủ động/ bị động; vi) Có phép thuật/ không phép thuật; vii) Đi/ ở, …vv. Thứ hai là các cặp đối lập trong tự thân Man Nương: i) Tự nhiên/ văn hóa; ii) Trinh tiết/ không còn trinh tiết; iii) Thể xác/ tinh thần; iv) Đời/ đạo; v) Mẹ/ con; vi) Gia đình/ không gia đình. Thứ ba là sự chuyển hóa giữa các cặp đối lập: i) sự thụ thai linh thiêng; ii) sự kết hợp siêu nhiên giữa đứa trẻ và cây dung thụ; iii) Sự vắng mặt của Khâu Đà La; iv) Man Nương tiếp nhận khả tính siêu phàm từ Khâu Đà La thông qua cây tích trượng để cứu dân qua đại nạn ba năm liền hạn hán; v) cuộc gặp lại giữa mẹ và con; vi) sự chuyển hóa của cây dung thụ thành Tứ Pháp; vii) A Man trở thành Phật Mẫu.

Với tư cách là Phật Mẫu, hình tượng Man Nương đã được xây dựng thành một cấu trúc Tứ pháp hoàn chỉnh, thuần Việt; Man Nương trở thành mẹ của các vị Phật khác, có khả năng tạo ra và chi phối các vị Phật khác là Bụt Mây - Pháp Vân, Bụt Mưa - Pháp Vũ, Bụt Sấm - Pháp Lôi, và Bụt Chớp - Pháp Điện. Bà được thờ ở chùa Tổ - Phúc Nghiêm Tự, tại làng Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Trong hệ thống các Phật con thì Pháp Vân là chị cả, được thờ ở ngôi chùa lớn Thiền Định, còn gọi là Diên Ứng tự - chùa Dâu; Pháp Vũ là chị hai, được thờ ở chùa Đậu; Pháp Lôi là chị Ba được thờ ở chùa Tướng; và em út Pháp Điện được thờ ở chùa Dàn. Theo đúng nghĩa của khái niệm pháp - dharma thì rõ ràng hệ thống Tứ pháp chùa Dâu đã xây dựng được một cấu trúc phù hợp với ऋतं rta, trật tự tạo ra cuộc sống và vũ trụ, bao gồm các trách nhiệm của con người với con người, con người với tự nhiên như trách nhiệm thầy trò giữa Man Nương và Khâu Đà La; trách nhiệm gia đình giữa Man Nương và ông bà Tu Định, giữa Man Nương Phật Mẫu và Tứ Bụt cùng Thạch Quang phật; trách nhiệm của Man Nương trong việc cứu dân làng khỏi đại họa hạn hán; trách nhiệm và nghĩa vụ của các Phật con Tứ Pháp trong việc kính thờ Phật Mẫu, v.v… tất cả đều thể hiện các đạo luật, đức hạnh và ''lối sống chính đáng'', nhằm duy trì "quy luật trật tự vũ trụ" phổ biến, kể cả trong nhiên giới và trong nhân giới, tuân thủ tuyệt đối những lời dạy của Đức Phật.
________________________________________________

* Bài tham gia Hội thảo Khoa học Vùng văn hóa Luy Lâu và công tác phát triển ngành du lịch của địa phương do Liên hiệp các Hội KH&KT Bắc Ninh tổ chức tháng 9/2015.

Tài liệu tham khảo

Derrida, Jacques 1967a. La structure, le signe et le jeu dans le discours des sciences humaines.

Derrida J. Ecriture et la Differance. Paris: "Seul", 1967. P.: 409-429.

Derrida, Jacques 1967b. Of Grammatology. Baltimore: John Hopkins University Press.

Dhand, Arti 2002. The Dharma of Ethics, the Ethics of Dharma: Quizzing the Ideals of Hinduism. Journal of Religious Ethics 30 (3): 351.

Horsch, Paul 2004. From Creation Myth to World Law: the Early History of Dharma, Journal of Indian Philosophy, December 2004, Volume 32, Issue 5-6, pp 423-448

Kalupahana, Davis 1986. The Philosophy of the Middle Way. Suny Press, 1986, pages 15–16.

Lévi-Strauss, Claude 1958. Anthropologie structurale. Paris, Plon, Agora, 1958.

Nguyễn Quang Hồng (chủ biên) 1997. Di văn chùa Dâu. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Phật giáo Việt Nam 1999. Phật Quang Từ điển. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn, Đài Bắc xuất bản.

Saussure Fernand de, 1967. ‎Cours de linguistique générale. Collection Bibliothèque Scientifique. Payot, Paris.

Wezler, Albrecht 2004. Dharma in the Veda and the Dharmaśāstras, Journal of Indian Philosophy, December 2004, Volume 32, Issue 5-6, pp 629-654




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét