Hình
tượng Man Nương, hệ thống Tứ Pháp và cái được biểu đạt siêu việt*
(Phần
II)
Hà
Hữu Nga
Hình tượng Man Nương với tư cách là cái được biểu đạt siêu
việt
Ý tưởng về cái
được biểu đạt siêu việt cho rằng luôn
có một trung
tâm nghĩa, bằng cách nào đó được ấn định, được chỉ ra, hoặc được
tiếp cận thông
qua các công trình biểu hiện như văn học, triết học, văn hóa, nghệ thuật và các khoa học xã hội và
nhân văn khác. Có thể gọi
trung tâm này là "nền tảng nghĩa"
được sử dụng - có ý thức hay vô thức - như một điểm tham chiếu chủ
yếu mà không có nó thì không còn sự tồn
tại của nghĩa nữa. Đối với Derrida, việc tạo dựng một cấu trúc chính là tạo dựng một trung tâm nghĩa, một ngữ cảnh giả cho việc quy chiếu nghĩa. Cấu trúc luận đã tạo
ra khả năng coi các hệ thống tri thức và triết học là
toàn bộ sự khẳng định về tính trung tâm và về cái trung tâm. Tính trung tâm, cái trung tâm tạo
thành cơ sở, căn nguyên cho tất cả mọi thứ trong hệ thống làm cho nó trở nên đặc biệt, không thể thay thế.
Giả định đề đó cung cấp cho cái trung tâm thứ mà Derrida gọi là "sự hiện diện của
trung tâm" hoặc "sự hiện diện trọn vẹn", tức là một cái gì đó không bao giờ được định
nghĩa bằng cách đặt trong tương
quan với những thứ khác, bởi giá trị phủ
định của nó. Derrida gọi cái trung
tâm đó là "cái được biểu đạt siêu việt" - nguồn cội tối hậu của ý nghĩa. Điều đó
có nghĩa là cái được biểu đạt siêu việt không thể được đại diện, hoặc thay thế bởi bất kỳ cái biểu
đạt tương ứng nào. Ý tưởng về Thiên Chúa là một trong vô số ví dụ tốt nhất của cái
được biểu đạt siêu việt. Thiên Chúa không thể được đại diện bởi bất kỳ cái biểu đạt nào, nhưng Thiên Chúa lại
là trung tâm điểm mà tất cả mọi
cái biểu đạt trong hệ thống
đều phải quy chiếu, phụ thuộc vào, vì chính Chúa đã tạo ra toàn bộ hệ thống [Derrida 1967b].
Căn cứ vào phân tích của Derrida về
cái được biểu đạt siêu việt với tư cách là một trung tâm nghĩa, làm điểm tham
chiếu cho cái cấu trúc do chính cái được biểu đạt siêu việt đó làm trung tâm,
thì Phật Mẫu Man Nương hoàn toàn thỏa mãn với tiêu chuẩn đó. Trước hết, siêu
việt tính của hình tượng Man Nương được thể hiện qua tính siêu nhiên của một
đức mẹ đồng trinh, đó là cuộc hoài thai linh thiêng của một thiếu nữ đồng
trinh, một cuộc hoài thai không hề có sự can thiệp của yếu tố tự nhiên, thông
thường, là sự kết hợp giữa người đàn ông và người đàn bà. Siêu việt tính ấy của
tích truyện Man Nương tiếp tục được đẩy tới bằng hình tượng Khâu Đà La gửi đứa
trẻ sơ sinh của trinh nữ Man Nương vào lòng cây dung thụ - cây đa - biểu tượng
của Phật giáo. Theo quan niệm nghĩa của cấu trúc luận thì người ta có thể diễn
giải nghĩa của hành động này là tính lưỡng hợp (dualité) giữa tự nhiên và văn
hóa: cây dung thụ là biểu tượng của tự nhiên, và đứa trẻ sơ sinh của Man Nương
là biểu tượng của văn hóa. Hình ảnh cây dung thụ mở lòng ôm lấy đứa trẻ có thể
được diễn giải là mẹ thiên nhiên luôn bao bọc, che chở cho con người, …vv. Tuy
nhiên, đối với giải cấu trúc của Derrida, không thể đơn giản chấp nhận nghĩa
của “sự kiện” trong tích truyện dựa vào cách diễn giải đối lập như vậy. Nghĩa
của sự kiện đó không thể sinh ra bằng cách tiếp cận đối lập giữa tự nhiên và
văn hóa, mà nó được quyết định, bị chi phối bởi cái được biểu đạt siêu việt của
trung tâm nghĩa là ý niệm Man Nương - Phật Mẫu.
Để làm rõ khái niệm cái được biểu
đạt siêu việt với vai trò là trung tâm cấu trúc, và cũng là trung tâm nghĩa, Derrida phân
tích các lý thuyết siêu hình cơ bản của phương Tây, bắt đầu từ nhà triết học Hy Lạp cổ đại Plato. Ông đưa ra một danh sách các nguyên tắc "đã luôn luôn chỉ định một sự hiện diện bất biến" trong
quan hệ với trung tâm như là một cấu trúc tĩnh, bao gồm "tính mục đích, tính siêu việt, ý thức, Thiên Chúa, con người, …v.v".
Derrida cho
rằng người đàn ông, thực sự kế vị Thiên Chúa và đặt vấn đề liệu Thiên Chúa có
tạo ra người
đàn ông hay chính người đàn ông đã phát minh ra Thiên
Chúa. Người ta cũng có thể hiểu rằng Derrida thể hiện một khoảnh khắc lịch sử hoặc sự kiện xuất hiện theo người đàn ông. Ngôn trung tâm luận [Logocentrism] là một thuật ngữ được Derrida sử dụng để ấn
định sự khao khát về một trung tâm hay cội
nguồn của tất
cả những ý nghĩa, mà ông cho là đã
thống trị triết học
phương Tây kể từ Plato. Derrida tin rằng đối
với cái được biểu đạt siêu việt, có thể và cần
thiết phải giải cấu trúc với sự trợ giúp của siêu
hình học hiện diện [métaphysique de la présence]. Bản chất của con người là khát vọng
nhất quán nhằm tái cấu trúc lĩnh vực siêu việt - cái hoàn toàn vắng mặt. Cội
nguồn đã mất của con người luôn thôi thúc chúng ta phải liên tục tái cấu trúc
cái đã mất đó. Ý tưởng về sự hiện diện luôn đeo đẳng ở mọi nơi, toàn bộ các
khía cạnh kinh nghiệm và/ hoặc tồn tại đều được chuyển thành một yếu tố gọi là
sự hiện diện. Hiện diện mô tả về một trạng thái gốc, một trạng thái phải
xuất hiện đầu tiên: khi ta chú mục vào trạng thái đó thì chính nó hiện diện
trong quan sát của ta. Hiện diện trở thành điều khẳng định chủ yếu về nghĩa của
một văn bản, tri giác thấy hoặc liên quan đến, mặc dù sự thật thì nghĩa
này luôn luôn vắng mặt và cần phải được tái cấu trúc thông qua việc đọc hoặc
diễn giải. Sự hiện diện xâm chiếm ý thức khi hiện thực vắng mặt, đó là tình
trạng biến mất của thế giới hiện thực sau bức màn ngôn ngữ của văn bản.
Không giống với Ngôn trung tâm luận
phương Tây luôn tái hiện cái khoảng khắc lịch sử quyết định thông qua những sự
kiện xuất hiện theo người đàn ông, trong tích truyện Man Nương, cái khoảng khắc
ấy, ngược lại, là sự kiện xuất hiện theo người đàn bà - Man Nương. Vậy thì
người đàn bà đầu tiên và cuối cùng - Man Nương - của tích truyện này đã được tái
hiện trong ký ức của cộng đồng như thế nào? Tích truyện đã để cho một Man Nương
bằng xương bằng thịt, đại diện cho cái thế giới hiện thực, biến mất sau bức màn
ngôn ngữ của tích truyện. Nàng biến mất trước hết bằng sự kiện linh thiêng hoài
thai; và nàng tiếp tục biến mất bằng sự kiện cùng Khâu Đà La gửi con cho cây
dung thụ; rồi nàng lại tiếp tục biến mất bằng sự kiện nhận cây tích trượng pháp
thuật của Khâu Đà La, làm ra tràn lan nước giữa mùa đại hạn để cứu sống cộng
đồng; rồi Man Nương lại biến mất một lần nữa bằng sự kiện dùng dải yếm kéo cây
dung thụ lên bờ để ngươi Đào Lượng xẻ gỗ làm tượng Tứ Pháp; và lần cuối cùng
Man Nương vắng mặt tuyệt đối khi trở thành Phật Mẫu, trở thành Man Nương ý
niệm, trở thành cái được biểu đạt siêu việt. Quá trình biến mất hay vắng mặt
của Man Nương đã thể hiện rất rõ vai trò của “siêu hình học hiện diện”, bởi vì một Man Nương có thật đã biến mất, đã
vắng mặt hoàn toàn để nhường lại cho một Man Nương - Ý niệm, một Man Nương -
Phật Mẫu hiện diện tuyệt đối trong ký ức của cộng đồng.
Hình tượng Man Nương - vắng mặt và hiện diện
Đối với Derrida, giải cấu trúc có
nghĩa là xóa bỏ được sự khác biệt nhị phân, giải gỡ được liên kết, để chứng tỏ
tính đa nghĩa vô cùng tận của sự khác biệt phi nhị phân. Bí quyết để xóa bỏ sự
khác biệt nhị phân là phát hiện ra được nhân tố trung tâm chi phối cấu trúc và
duy trì cấu trúc, trong khi đặc tính của nhân tố trung tâm luôn nằm ngoài cấu
trúc và không chịu sự chi phối của cấu trúc. Vậy thì Derrida đã làm cách nào để
phát hiện được cái nhân tố bí ẩn đó, để xóa bỏ được một truyền thống tư duy đã
thống trị tri thức nhân loại suốt vài nghìn năm, tối thiểu là từ Platon trong
thời Hy Lạp cổ đại?. Trong mọi cấu trúc nhị phân thì nhân tố đứng trước, luôn
giá trị hơn, quan trọng hơn, có ý nghĩa hơn, có ích hơn nhân tố đứng sau, ví
dụ: Tốt/xấu, Thiện/ác, Sáng/tối, Nam/nữ, Phải/trái, các nhân tố đứng trước bao
giờ cũng có giá trị áp đảo so với phần đứng sau. Derrida bác bỏ toàn bộ nguyên
lý nhị phân, các cặp đối lập; phủ định tính đối lập trong cấu trúc luận
Levi-Strauss. Derrida đã bác bỏ quan điểm nền tảng Cấu trúc luận của Claude
Lévi- Strauss cho rằng tính cấu trúc là một thuộc tính “cố hữu/ bản thể” của
mọi cấu trúc. Các đối lập được dựng nên một cách giả tạo như: tự nhiên/
văn hóa, phổ quát/ chuẩn mực đã bị triệt tiêu [Derrida
1967a,b].
Derrida cho rằng tình trạng biến mất
của thế giới hiện thực đó làm cho ý thức trở nên lầm lạc, cảm thấy vô nghĩa, và
tình trạng đó tạo thành khoảng trống (espacement).
Trong khoảng trống đó, toàn bộ các loại vắng mặt mang tính tri giác (εἶδος -
eidos) đều phụ thuộc vào nguyên lý của sự hiện diện. Nếu có bất cứ một sự vắng
mặt nào không liên quan đến nguyên lý hiện diện, thì đó chỉ có thể là sự vắng
mặt tuyệt đối, một cái gì đó luôn luôn, và ngay từ đầu đã vắng mặt, đã mất đi
đối với kinh nghiệm. Chúng ta thoáng thấy sự vắng mặt tuyệt đối ở những tái
hiện vì khả tính tái hiện là khả tính của ký ức. Vì vậy ký ức đến trước và vượt
lên yếu tố hiện diện, là cái làm cho chúng ta nhớ lại. Trong thực tế, tất cả những tên gọi liên quan đến các nền tảng, đến các nguyên tắc, hoặc đến trung tâm đã luôn luôn chỉ định cái hằng số của sự hiện diện, bao gồm:
hình thức, nguồn gốc, mục đích, sinh
lực, hữu thể, chân lý, siêu việt tính, lương thức, thượng đế, con người, …v.v., [Derrida, J. 1967a, p. 409-429] và đối với chúng ta, cái tên gọi đó còn là phật mẫu nữa.
Hiện diện và vắng mặt chỉ là phương diện này và phương diện kia của hiện thực,
nó luôn đi liền với nhau, không thể có mặt này mà không có mặt kia. Vì vậy giải
cấu trúc không chấp nhận tính lưỡng thể (dualité) đó, cái lưỡng thể đó phải bị
vĩnh viễn tách khỏi nhau bằng tính khác biệt và tính vô tận của nghĩa. Vì vậy
vắng mặt phải là vắng mặt tuyệt đối, và hiện diện phải là hiện diện tuyệt đối.
Ở trên chúng ta đã nói đến quá trình vắng mặt dần dần để rồi dẫn đến sự vắng
mặt tuyệt đối của một Man Nương - Hiện thực, một thôn nữ, con gái ông bà Tu
Định, để được thay thế bằng sự hiện diện tuyệt đối của một Man Nương - Ý niệm,
một Man Nương - Phật Mẫu. Đây chính là một quá trình vắng mặt và hiện diện kép,
một quá trình tạo nghĩa vô tận của hình tượng Man Nương với tư cách là một
trung tâm nghĩa của hệ thống Tứ pháp. Trước hết đó là quá trình vắng mặt/ hiện
diện kép và là một quá trình vắng mặt/ hiện diện tuyệt đối, vì ngay từ đầu đã có
một sự vắng mặt tuyệt đối khác, đó là hình tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề mà sau này
Man Nương là hiện thân.
Phật Mẫu Chuẩn Đề (tiếng Sanskrit:
Cunidihi - चुन्दी,
còn gọi là Tôn Na Phật Mẫu, Chuẩn đề Phật Mẫu, Thất Câu đê chi Phật Mẫu. Bà là
một trong sáu quan âm của Phật Giáo. Trong Thai tạng giới Man Đa La ghi Chuẩn
Đề là một trong 3 vị Phật Mẫu thuộc Biến Tri Viện. Bà vốn là một vị Bồ tát
thuộc dòng Đại Thừa, và đặc biệt được nhắc đến nhiều trong Kim Cương thừa. Bà
được tôn thờ ở dòng Đường mật, hoặc Phật giáo Đông mật. Ở Trung Quốc Phật Mẫu
Chuẩn đề được gọi là Chuẩn đề Bồ tát (準提菩薩), hoặc
Chuẩn đề Phật mẫu (準提佛母), còn ở Nhật Bản, bà được gọi là Chuẩn đề Quán âm (准胝観音). Bà được xem là Bhagavathi भगवती (từ tiếng Phạn có nghĩa là vận may,
và là tên của nữ thần Durga), hay "mẹ của các Phật", và thường được
xem là ngang hàng hoặc đồng nhất với Quán Thế Âm. Việc thờ cúng Phật mẫu Chuẩn
đề thể hiện rất rõ trong Hiến Cổ Châu Phật tổ Khoa nghi (Nghi lễ cung hiến Phật
tổ chùa Cổ Châu):
稽首皈依蘇悉帝
kê
thủ quy y tô tất đế
頭面頂禮七俱胝
đầu diện đính lễ thất câu tri
我今稱讚大准提
ngã kim xưng
tán đại chuẩn đề
惟願慈悲垂加護
duy nguyện từ
bi thùy gia hộ
Cúi đầu quy y Tô Tất Đế
Thành tâm kính lễ Thất Câu Nhi
Con nay xưng tán Đại Chuẩn Đề
Xin nguyện từ bi rộng độ trì
[Nguyễn Quang Hồng 1997, tr. 122,
133]
Và sau đó là lời tụng Đại Chuẩn Đề
Đà La chú sau: Nam mô tát đá nẫm, tam diểu tam bồ đà. Câu Chi nẫm, bất điệt
tha. Úm. Chiết lệ chủ lệ Chuẩn Đề, sa bà ha (3 lần). [Nguyên văn Phạn ngữ là नमः सप्तानां सम्यक्संबुद्ध कोटीनां तद्यथा
। ॐ चले
चुले चुन्दे स्वाहा
॥ namaḥ saptānāṁ samyaksaṁbuddha
kōṭīnāṃ tadyathā| ōṁ calē culē cundē svāhā] Dịch nghĩa: Con quy y trước bảy
ức hoàn hảo chư Phật. Như thị: Om! Chuẩn đề! Chuẩn đề! Tối thắng!
Điều đáng chú ý là trong Khoa nghi
cung hiến Phật tổ chùa Cổ Châu có câu: “Khể thủ quy y Tô Tất Đế ** - Cúi đầu quy y Tô Tất Đế” mà tác giả cuốn Di văn chùa Dâu ghi chú về Tô Tất Đế như
sau: “Có thể là một vị Bồ tát, chưa rõ là ai” [Nguyễn Quang Hồng 1997, tr. 122,
133, 144], thì nhân vật đó chính là Bồ Tát Tô Tất Địa [Đế] Yết La (蘇悉地[帝]羯羅菩薩 tiếng Phạn là Susiddhikara. Hán dịch: Diệu Thành Tựu Nghiệp giả, cũng gọi là Tô Tất
Địa Già La Bồ tát. Vị Bồ tát ngồi ở vị trí thứ 2 đầu hàng dưới bên phải trong
viện Hư không tạng của Hiện đồ mạn đồ la Thai tạng giới, Mật giáo, mật hiệu là
Thành tựu kim cương. Vị tôn này đứng đầu về đức khéo thành tựu muôn pháp, có
năng lực thành tựu các sự nghiệp thế gian, xuất thế gian, cho nên gọi là Diệu
thành tựu. Chủng tử là chữ (ji), bao hàm ý nghĩa khắc phục các chướng, thành tựu
mọi công đức, hoặc biểu thị nghĩa muôn đức xuất sinh thành tựu. Hình tượng vị
tôn này thân màu trắng ngà, ngồi kết già trên hoa sen đỏ, 2 tay chắp lại để rỗng
ở giữa, các đầu ngón tay hướng xuống dưới, đặt ở trước ngực, hình Tam muội da
là thanh kiếm, biểu thị ý nghĩa chặt đứt mọi chướng ngại. Chân ngôn là: Nẵng mạc
tam mãn đa một đà nẫm nhĩ phạ nhật la tất thể ra một đệ bố ra phạ phạ đát mạ
mãn đát ra sa ra sa ra phạ hạ. [X.phẩm Kim cương tạng đại uy thần lực tam muội
pháp ấn chú trong kinh Đà la ni tập Q.7; Huyền pháp tự nghi quĩQ.2; Bí tạng kí]
(Phật giáo Việt Nam 1999, tr. 6212).
Trong các cặp vắng mặt và hiện diện
tuyệt đối, còn một sự vắng mặt và hiện diện tuyệt đối khác, đã góp phần tạo
thành cấu trúc Tứ pháp, đó chính là các cặp Pháp Vân - Pháp Vũ - Pháp Lôi -
Pháp Điện đại diện cho các hiện tượng mây, mưa, sấm, sét. Cái logic của sự vắng
mặt tuyệt đối của các hình tượng (εἶδος - eidos) này chính là sự vắng mặt tuyệt
đối của cái nhân hình (anthropomorphic) và cũng chính là sự hiện diện tuyệt đối
của các nhân hình đó, khi các hiện tượng này đã được nhân hóa thành con của
Phật Mẫu Man Nương, để trở thành Bụt Mây, Bụt Mưa, Bụt Sấm, Bụt Sét. Và tích truyện
Man Nương đã giải quyết sự vắng mặt và hiện diện tuyệt đối này bằng cách nào để
hình tượng Man Nương - con người chuyển hóa thành Ý niệm Man Nương - Phật Mẫu,
thực sự là cái được biểu đạt siêu việt, là trung tâm của cấu trúc Tứ Pháp? Rất
đơn giản, ngay từ đầu, tích truyện đã để cho các cặp Pháp Vân - Pháp Vũ - Pháp
Lôi - Pháp Điện vắng mặt các hình tượng (εἶδος - eidos) nhân hình. Ngay từ đầu
họ đã có nguồn gốc tự nhiên - họ được làm nên từ cây dung thụ. Nhưng để chuyển
hóa một cây dung thụ với hình tượng cụ thể là cây thành một cây dung thụ trở
thành ý niệm tuyệt đối là các Phật Mây, Phật Mưa, Phật Sấm, Phật Sét nhân hình,
thì người ta đã phải viện đến cái được biểu đạt siêu việt Phật Mẫu Man Nương.
Phật Mẫu đã hóa thân một phần thành hình tượng hài nhi lồng vào cây dung thụ để
dung thụ mang một nghĩa kép: nhân hóa vì là con của Man Nương, và thiêng hóa vì
là con của Phật Mẫu. Hai quá trình đó cũng chính là hai quá trình chuyển tải
nghĩa kép: quá trình nhân hóa đã vĩnh viễn làm vắng mặt tuyệt đối cái tự nhiên
của cây dung thụ; và quá trình thiêng hóa đã vĩnh viễn làm hiện diện tuyệt đối
ý niệm về quyền lực Phật cho các cặp Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện
nhân hình được thờ trong chùa. Và đến đây, Ý niệm Phật Mẫu Man Nương đã thực sự
khẳng định được vai trò cái được biểu đạt siêu việt của mình.
Lời kết
Với hình tượng Man Nương, quá trình
vắng mặt/ hiện diện kép liên tục diễn ra cho đến khi cô gái quê mùa Man Nương
đã trở thành Phật Mẫu, và Phật Mẫu Man Nương đã được đồng nhất với Phật Mẫu
Chuẩn Đề và/ hoặc Quán Thế Âm Bồ Tát. Giờ đây hình tượng (εἶδος - eidos) Man
Nương với tư cách là người con gái quê mùa làng Mãn Xá đã vĩnh viễn chỉ còn là
một dấu vết (trace) mờ nhạt, hay nói cách khác là đã tuyệt đối vắng mặt trong
tâm thức Việt, để nhường chỗ cho sự hiện diện tuyệt đối của ý niệm về một Phật
Mẫu Chuẩn Đề cứu nhân độ thế. Và đối với giải cấu trúc của Derrida, một ngày
nào đó, khi Bồ Tát nguyện đã thành tựu thì cả Man Nương, Phật Mẫu, Phật Mẫu
Chuẩn Đề, Quán Thế Âm Bồ Tát cũng sẽ chỉ còn là một dấu vết mờ nhạt, hay nói
cách khác là sẽ tuyệt đối vắng mặt trong tâm thức nhân loại.
_________________________________________
* Bài tham gia Hội thảo Khoa học Vùng
văn hóa Luy Lâu và công tác phát triển ngành du lịch của địa phương do
Liên hiệp các Hội KH&KT Bắc Ninh tổ chức tháng 9/2015.
**
Trong bản đầu tiên, tôi [Hà Hữu Nga] đã nhầm Tô Tất Đế là Tô Tần Đà,
nay xin được sửa lại cho chính xác, Tô Tất Đế chính
là Bồ tát Tô Tất Địa [Đế] Yết La (Susiddhikara - (蘇悉地[帝]羯羅).
Tài liệu tham khảo
Derrida, Jacques 1967a. La structure, le signe et le jeu dans le
discours des sciences humaines. Derrida J. Ecriture et la Differance. Paris: "Seul", 1967. P.:
409-429.
Derrida, Jacques 1967b. Of Grammatology. Baltimore: John Hopkins
University Press.
Dhand, Arti 2002. The Dharma of Ethics, the Ethics of Dharma:
Quizzing the Ideals of Hinduism. Journal of Religious Ethics 30 (3): 351.
Horsch, Paul 2004. From Creation Myth to World Law: the Early
History of Dharma, Journal of Indian Philosophy, December 2004, Volume 32,
Issue 5-6, pp 423-448
Kalupahana, Davis 1986. The
Philosophy of the Middle Way. Suny Press, 1986, pages 15–16.
Lévi-Strauss, Claude 1958. Anthropologie
structurale. Paris, Plon, Agora, 1958.
Nguyễn Quang Hồng (chủ biên) 1997. Di văn chùa Dâu. Nxb. Khoa học Xã hội,
Hà Nội.
Phật giáo Việt Nam 1999. Phật Quang Từ điển. Hội Văn hóa Giáo dục
Linh Sơn, Đài Bắc xuất bản.
Saussure Fernand de, 1967. Cours de linguistique générale. Collection Bibliothèque Scientifique. Payot, Paris.
Wezler, Albrecht 2004. Dharma in the Veda and the Dharmaśāstras,
Journal of Indian Philosophy, December 2004, Volume 32, Issue 5-6, pp 629-654