Powered By Blogger

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Thành phố - Sàn diễn: Không gian và Bản sắc của Đô thị đương đại - Hướng tới một Địa lý học Du cư (II)



Thành phố - Sàn diễn: Không gian và Bản sắc 
của Đô thị đương đại - Hướng tới một Địa lý học Du cư (II)

Kenny Cuppers

Người dịch: Hà Hữu Nga

Các bản sắc tập thể và một không gian duy nhất

Vì cách thức thứ hai trong việc vượt qua tính chất khắt khe trong khái niệm không gian công cộng, chúng tôi muốn thừa nhận “tính phi lý” của sự bài ngoại và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bằng quá trình lý thuyết hóa các cách thức mà những bản sắc tập thể được tạo hình liên quan đến không gian. Theo Iris Marion Young* việc tạo dựng một bản sắc vận hành bằng cách loại trừ khác biệt, bằng cách biến khác biệt thành cái “thấp hèn” [Kristeva 1982], thành “thù địch” [Bauman 1991]: “Bất kỳ động thái nào nhằm định nghĩa một bản sắc, một tổng thể tính khép kín, đều luôn phụ thuộc vào việc loại trừ một số nhân tố nào đó, tách biệt thành cái thuần khiết và cái ô uế” [Young, 2000: 430].

Quá trình khai thác không gian đô thị để tạo dựng một bản sắc tập thể có thể được minh họa bằng phân tích của Sennett về khu Do Thái ở Venice. “Cộng đồng và sự trấn áp: Những người Công giáo Venice tìm cách tạo ra một cộng đồng Công giáo bằng việc cách ly mọi người thành những nhóm khác biệt dựa vào nỗi sợ đụng chạm đến các cơ thể lạ, đầy cám dỗ. Bản sắc Do Thái trở thành rối rắm ở chính cái tương đồng địa lý học về sự trấn áp đó” [Senett, 1994: 217]. Khi kiên quyết phản đối cái chính trị học cộng đồng trong thành phố như ông thấy chỉ có những sức mạnh hủy diệt trong hành động cộng đồng, Sennett đã nhận thức các công dụng của bản sắc tập thể như là phương tiện thống trị thông qua không gian: các cộng đồng loại trừ, phân biệt và cách ly.    

Việc tìm kiếm một quá trình đồng nhất đơn nghĩa của tính tập thể và không gian chính là hiện thân của khuynh hướng Đô thị Mới, một trào lưu cố gắng tái định giá “ý thức cộng đồng” trong đời sống đô thị: “Động lực hiển hiện của trào lưu Đô thị Mới là rèn rũa thành một sự thống nhất nhạt nhẽo của ngã tính và không gian, không bị kiềm chế bởi lịch sử, dường như cũng không bị kiềm chế bởi cái đã từng được gọi là “nhân tính” [MacCannell, 1999: 115]. Andrew Ross, một quan sát viên thân cận của một cộng đồng Đô thị Mới ở Mỹ đã chỉ ra các vấn đề nổi lên trong quá trình xây dựng cộng đồng này như sau: “Ý thức cộng đồng có tính xác thực nhất và có năng lực xoay xở nhất đã xuất hiện để đáp lại các thách thức, các mối đe dọa và các rào cản đã được nhận thức đối với sự an lạc của con người, và trên hết, đối với chính các giá trị tài sản của họ” [Ross, 1999: 115]. Đối với các cư dân của một làng Đô thị Mới, con người có vẻ chắc chắn là những người tiêu thụ hơn là các công dân ở chính cái nơi mà một tập đoàn thương mại đã thay thế cho nhà nước, thì kẻ thù chung dường như lại là một quá trình giảm thiểu giá trị tài sản cá nhân. Cuối cùng, cái động thái mà Ross [1999] mô tả từ bên trong cái làng Đô thị Mới ấy đã minh họa rõ ràng cho cách thức tạo ra một cộng đồng không phải là không có vấn đề, như việc chia tách cộng đồng thành những nhóm thật và những nhóm giả, những người “Tích cực” và những người “Tiêu cực” [MacCannell D. 1999: 112] đã cho thấy. Việc tạo ra một “sự thống nhất hoàn hảo giữa vị trí và ngã tính”, giữa bản sắc và không gian, thực tế là không thể.    

Thực ra thì mục đích của một cộng đồng trong việc nỗ lực tạo ra một tổng thể tính, trong đó thế giới là một ngôi nhà, đã phải chịu số phận thất bại, vì nó đã “tạo ra không phải một, mà là hai: một bên trong và một bên ngoài” [Young 2000: 431]. Ngoài ra việc loại trừ tha tính nói chung rất phức tạp vì nó không thể nào giữ cho được kẻ bị loại trừ mãi ở bên lề: môn chính trị học vượt lấn đã thể hiện rõ cách thức cái bên trong luôn luôn bao gồm cái bên ngoài theo lối biểu tượng “như một phần tử khiêu khích hàng đầu của đời sống tưởng tượng. Kết quả đưa đến một hỗn hợp quyền năng, nỗi hoảng sợ, và khát vọng di động, xung đột trong quá trình tạo dựng chủ thể tính: một quá trình phụ thuộc tâm lý vào chính những Kẻ khác, những kẻ bị loại trừ và đối kháng quyết liệt về cấp độ xã hội [Stallybrass and White, 1986: 5]. Điều đó bộc lộ tình trạng mâu thuẫn cơ bản trong thực chất cấu trúc chính trị bản sắc tập thể. Không gian và bản sắc không thể bị hòa trộn mà không gặp vấn đề.

Vượt khỏi các nhị nguyên trong việc nhận thức về đô thị đương đại

Cho đến bây giờ chúng ta đã phân tích các khái niệm công quyển và chính trị học cộng đồng như là việc xuất trình một cách diễn giải về đô thị đặc trưng cho các mối quan hệ cụ thể giữa không gian và bản sắc. “Cuộc chiến giữa tâm linh và xã hội đã đạt tới một tiêu điểm địa lý thực sự, một tiêu điểm thay đổi sự cân bằng hành vi cũ giữa khu vực công cộng và khu vực tư nhân”. Môn địa lý học mới ấy chính là môn địa lý học cộng đồng chống lại đô thị; lãnh thổ của tình cảm nồng ấm chống lại lãnh thổ của cái trống vắng phi cá tính [Sennett 2002: 301]. Theo Sennett, thành phố đương đại có thể được giải thích là phải đối mặt với tình trạng phân đôi giữa quá trình phát triển mang tính công xã và quá trình phát triển mang tính toàn thế giới, tình trạng phân đôi giữa tính cởi mở và tính khép kín đối với sự khác biệt. Liệu ta có thể vượt khỏi tình trạng diễn giải nhị nguyên này về đô thị để hướng đến một sự hiểu biết khác, phức hợp hơn về không gian đô thị đương đại và quá trình hình thành bản sắc?

Công quyển tự do liệu có thể được coi là một lãnh địa của diễn ngôn [Habermas 1962] hoặc của tính trình hiện [Goffman 1963; Sennett 2000] và chính trị học cộng đồng (cả cánh tả lẫn cánh hữu) xuất trình một hiểu biết sâu sắc đối với các mối quan hệ giữa bản sắc và không gian trong thành phố đương đại, nhưng lại không thể được sử dụng như những công cụ giúp hình dung rõ những tính chất phức tạp về phương diện không gian trong quá trình hình thành bản sắc của đô thị ngày nay. Chúng tôi muốn tìm hiểu xem liệu các tư tưởng về công quyển và về hành động cộng đồng có được cứu chuộc bởi một nhận thức năng động hơn và ít nhị nguyên tính hơn về không gian và bản sắc như là những khả thể tính cho trí tưởng tượng và việc xây dựng lý thuyết về quá trình chuyển biến đô thị theo hướng tiến bộ ngày nay hay không.

Thành phố phân đôi là một phương cách cổ đại, cũ kỹ chẳng kém gì các tư tưởng phương Tây về bản thân đô thị [Cohen 2000: 318]. Những cách diễn giải về đô thị với tư cách là tình trạng phân đôi giữa bên trong và bên ngoài, vật chất và tinh thần, giàu và nghèo, hữu hình và vô hình, tư sản và vô sản, bản địa và di cư, đêm và ngày xuyên qua toàn bộ lịch sử tự sự đô thị. Theo nghĩa đen thì các không gian tính đa dạng của bản sắc đối mặt với hiểm họa trở nên bị phân đôi một cách khắt khe. Theo Cohen, tính nhị nguyên đô thị có thể liên quan đến cơ thể và văn bản:

“Cơ thể có những phần bên trong vô hình và phần bên ngoài hữu hình, các bề ngoài rất dễ nhận biết của văn bản và các chiều sâu ngữ nghĩa ẩn “giữa các dòng”. Thông qua sự kết hợp của chúng, chúng ta có được các quan niệm về một thế giới đô thị ngầm ẩn giấu như là một kho chứa tối hậu những tích truyện bên trong và một thế giới nổi minh bạch về phương diện xã hội, mà ở đó, mọi thứ đều thể hiện ra bên ngoài, dễ nhận diện và sáng tỏ. Thông qua nền kinh tế đạo đức này mà những phân cấp linh động về tài sản, vị thế, năng lực, lao động, và phong cách được rèn đúc thành các phân đôi đắng ngắt của giàu và nghèo, bản địa và di cư, người trong cuộc và kẻ ngoài cuộc” [Cohen 2000: 321].    

Vấn đề liên quan đến cách thức diễn giải nhị nguyên về đô thị là ở chỗ chúng có khuynh hướng song hành với một loại lý thuyết chính trị ban đặc ân cho các phân đôi, vì vậy mà tạo dựng các ranh giới giữa bên trong và bên ngoài. Một mặt, có một chốn nương thân an toàn về tính minh bạch, tính cộng đồng, và tính đạo đức; mặt khác có một thế giới khác của kẻ lạ, bất chắc và hiểm họa.

Thành phố phân đôi dưới thời Victoria [mô tả của F. Engels, theo Marcus, 1974] mà ở đó sự tương phản giai cấp cho thấy một cấu trúc rõ ràng về sự phân đôi của đô thị - thành phố hữu hình và thành phố vô hình là các đặc trưng của cuộc sống thượng lưu và cuộc sống hạ lưu – dường như đã thay đổi đến tận gốc rễ về hình thức. Và mặc dù có các dấu hiệu về một nhị nguyên mới “giữa một tộc cảnh tiến bộ gắn liền với đô thị hậu thuộc địa, bằng cách tán dương tính chất lai tạp khỏe khắn, hạnh phúc và một phong cảnh phản động lực của các “tộc thuộc” thấm đẫm trong tính thuần khiết mang tính bệnh học hoặc các thống tín luận tôn giáo của thời đại thực dân đen tối” [Cohen, 2000: 325], thành phố toàn cầu với các không gian của các dòng chảy, các tộc thuộc mới và các phong cách đô thị dường như để khước từ tình trạng nhị nguyên này, đẻ ra hình tượng về một địa lý học phức hợp trong đó bên trong và bên ngoài bị phá vỡ và được tái kết hợp thành các đa bội tính.

Thực ra thì văn hóa thống trị và phụ thuộc không còn có thể bị quy giản thành một cặp đối lập giản đơn nữa. Vì vậy người ta đã quyết định “thay thế quan niệm “văn hóa” bằng một khái niệm lịch sử cụ thể hơn đó là “các văn hóa” [Clarke et al, 1976: 12]. Một ví dụ về cuộc đấu tranh bản sắc như vậy siêu việt khỏi đô thị nhị nguyên chính là văn hóa thanh niên. Văn hóa thanh niên không phải là một loại văn hóa phổ quát, nó được cấu trúc bởi sự phân biệt giai cấp, nhưng còn bởi cả văn hóa của cha mẹ nữa, mà chính văn hóa này lại thể hiện tính tự trị hướng đến văn hóa cha mẹ, nhưng cũng vẫn cần thiết duy trì quá trình đồng nhất với chính văn hóa cha mẹ đó [Clarke et al, 1976: 52]. Các bản sắc phụ văn hóa trong văn hóa thanh niên hiện khởi trong mối tương tác giữa văn hóa cha mẹ địa phương và các thể chế của các văn hóa thống trị về việc làm, giáo dục, nghỉ ngơi, v.v...Vì vậy mối quan hệ của chúng với giai cấp không thể đơn giản được thiết định, và tương tự như vậy sự kháng cự hoặc cuộc đấu tranh bản sắc của chúng cũng không thể đơn giản được tóm gọn thành một đối lập mang tính nhị nguyên. Tuổi tác, giai cấp, chủng tộc và giới có thể được hình dung là tác động như vô số trục đa bội của thống trị và kháng cự trong đô thị ngày nay.

Theo đúng nghĩa, chúng ta có thể bắt đầu khái niệm hóa tính đa bội của các không gian tính gắn liền với tính đa bội của những cách thức thống trị và kháng cự trong đô thị đương đại: “Bước chủ chốt là thừa nhận và chiếm lĩnh các địa lý học mới thay thế - một “không gian thứ ba” trong sự lựa chọn chính trị - khác biệt, nhưng lại không hoàn toàn tách rời khỏi các địa lý học được xác định bằng các đối lập nhị nguyên nguyên mẫu” [Soja and Happer 1993: 198]. Vì vậy, trong sự khước từ cái thành phố phân đôi của họ, các kháng cự cắt qua những không gian được đánh dấu bằng bên trong và bên ngoài bằng cách phát triển các tiêu điểm và các khát vọng khác hoàn toàn phân biệt với các hệ thống thống trị. “Từ viễn cảnh ấy, kháng cự ít liên quan đến các hành động riêng biệt, mà liên quan nhiều đến khát vọng tìm ra một vị trí trong một địa lý học – quyền lực trong đó không gian bị khước từ, bị giới hạn và/hoặc bị toàn trị. Vấn đề là sự kháng cự xuất hiện từ một vị trí bên ngoài của các thực tiễn thống trị” [Pile, 1997: 15]. Khi không gian và bản sắc được tái cấu hình theo nghĩa này, thì người ta có thể vượt khỏi một loại địa lý học nhị nguyên trong diễn giải về đô thị. Vậy là khái niệm một loại địa lý học công trong sự đối lập nhị nguyên có thể được thay thế bằng những loại địa lý học đa dạng và năng động hơn nhiều.  
___________________________

Nguồn: Kenny Cupers 2005. Towards a Normadic Geography: Rethinking Space and Identity for the Potentials of Progressive Politics in the Contemporary City. In International Journal of Urban and Regional Research, Blackwell Publishing, Oxford UK & Boston USA, Volume 29, Number 4, 2005, pp. 729-740.

Tác giả: Kenny Cupers, nhận học vị tiến sỹ về lịch sử kiến trúc và nghiên cứu đô thị tại Đại học Harvard, hiện là phó giáo sư tại trường Kiến trúc thuộc Đại học Illinois, Urbana-Champaign. Ông là một sử gia về kiến trúc và đô thị chuyên về mối liên hệ giữa thiết kế, sử dụng và các vấn đề khoa học xã hội từ thế kỷ 19 đến nay. Tại trường, ông giảng dạy về môi trường xây dựng bằng cách tiếp cận liên ngành, từ lịch sử, lý thuyết kiến trúc, địa văn hóa, lịch sử xã hội học, đến khoa học và công nghệ.

Ghi chú của người dịch

* Iris Marion Young (1949-2006), giáo sư Khoa học Chính trị, thành viên của Trung tâm Nghiên cứu giới và Nhân quyền, Đại học Chicago. Các lĩnh vực nghiên cứu của bà bao gồm từ lý thuyết chính trị, lý thuyết xã hội nữ quyền, đến phương pháp phân tích chuẩn thường chính sách công. Các mối quan tâm của Young rất rộng lớn, chủ yếu là các lý thuyết đương đại về công lý, dân chủ và sự khác biệt, lý thuyết chính trị nữ quyền, các hệ thống lý thuyết chính trị Cựu lục địa của Michel Foucault và Jürgen Habermas; đạo đức học và quan hệ quốc tế; giới, chủng tộc và chính sách công. Young nhận học vị Tiến sỹ Triết học của Đại học Pennsylvania năm 1974. Trước khi làm việc tại Đại học Chicago bà đã giảng dạy 9 năm tại Đại học Pittsburgh. Young chết ở tuổi 57 vì bệnh ung thư thực quản.

Tài liệu dẫn

Bauman Z. 1991. Modernity and ambivalence. Cornell University Press, Ithaca, NY.

Clarke Clarke, J., Hall, S., Jefferson, T. and Roberts, B. 1976. Subcultures, Cultures and Class: A Theoretical Overview, in S. Hall and T. Jefferson (eds), Resistance through Rituals: Youth Subcultures in Post-War Britain, Harper Collins, London.  

Cohen P. 2000. From the other side of the tracks: dual cities, third spaces, and the urban uncanny in contemporary discoures of “race” and class. In G. Bridge and S.A. Watson (eds.), The companion to the city, Blackwell, Oxford.

Goffman E. 1963: Behavior in Public Places: Notes on the Social Organization of Gatherings, The Free Press.

Habermas, Jürgen 1962, trans. 1989. The Structural Transformation of the Public Sphere: An Inquiry into a category of Bourgeois Society, Polity, Cambridge.

Kristeva J. 1982. Powers of Horror – An Essay on Abjection, Translated by Leon S. Roudiez, Columbia University Press, New York.

MacCannell D. 1999. New Urbanism and its Discontents, in Copjec and Sorkin (eds), Giving ground – the politics of propinquity, Verso, London & New York.

Marcus S. 1974. Engels, Manchester and the working class, Random House, New York.

Pile, S. 1997. Introduction - Opposition, political identities and spaces of resistance. In S. Pile and M. Keith (Eds.), Geographies of resistance.

Ross A. 1999. The celebration Chronicles: Life, Liberty, and the Pursuit of Property Value in Disney's New Town. Ballantine Books, New York. 

Sennett. R. 1994. Flesh and Stone: The Body and the City in Western Civilization, New York: W.W. Norton, 1994.

Sennett. R. 2000. Reflections on the public realm. In G. Bridge and S.A. Watson (eds.) The Companion to the city, Blackwell, London.  

Sennett. R. 2002. The Fall of Public Man. Penguin, London.

Soja, E. and Hooper, B. 1993. The Spaces that Difference Makes: some note on the margins of the new cultural politics. In Michael Keith and Steve Pile (eds) Place and the politics of Identity. Routledge, London & New York.

Stallybrass and White, 1986. The Politics and Poetics of Transgression, Cornell University Press; 1 edition.


Young I.M. 2000. The ideal of community and the politics of difference. In G.Bridge and S.A.Watson (eds.), The Blackwell City Reader, Blackwell, London.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét