Powered By Blogger

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Các vùng đô thị toàn cầu - khuynh hướng, lý thuyết và chính sách (II)



Các vùng đô thị toàn cầu - khuynh hướng, lý thuyết và chính sách (II)

Allen J. Scott, John Agnew, Edward W. Soja, and Michael Storper

Người dịch: Hà Hữu Nga

Các vùng đô thị với tư cách là các đầu tàu kinh tế toàn cầu

Từ rất lâu rồi người ta đã tiên đoán rằng các cải thiện về giao thông và công nghệ truyền thông trong khuôn khổ của cả chi phí lẫn chất lượng chắc chắn sẽ làm rã hủy mọi nhu cầu  tập trung hóa đô thị. Với mỗi chu kỳ thay đổi công nghệ trong lĩnh vực này, các học giả và các ký giả lại nói với chúng ta rằng quá trình đô thị hóa trên quy mô lớn chỉ còn là sự kiện của quá khứ. Nhưng với mỗi chu kỳ phát triển như vậy thì các thành phố không những không biến mất mà lại càng trở nên rộng lớn hơn và quan trọng hơn. Đó là vì mặc  dù các tiến bộ trong công nghệ giao thông và truyền thông có khả năng tạo ra nhiều loại hình tương tác kinh tế và xã hội trên những khoảng không gian ngày càng rộng lớn chưa từng có thì mặt khác chúng lại làm tăng thêm nhu cầu về sự gần cận. Chìa khóa để nhận thức vấn đề này thực sự là ở chỗ các hoạt động kinh tế khác nhau luôn được kết nối trong khuôn khổ của cái mà chúng ta có thể gọi là các mối quan hệ giao dịch hoặc quan hệ mạng lưới với nhau và với phần còn lại của thế giới.    

Về đại thể có hai loại hoạt động sản xuất điển hình trong bất kỳ hệ thống kinh tế tiên tiến nào, trong đó mỗi hoạt động đều tương thích với một loại cấu trúc mạng về cơ bản là khác biệt. Một mặt, bất kỳ loại sản xuất nào cũng đều phải được biến thành thân thuộc: chúng dựa vào các loại hình tri thức đã được mã hóa tương đối tốt, cũng như dựa vào máy móc và các quá trình thao tác trong đó sự lặp lại chính là mô thức hành động thống trị. Trong khuôn khổ kinh tế, điều đó có nghĩa là có thể xây dựng kế hoạch hành động theo kiểu này ở một mức độ đáng tin cậy nhất định và có thể thực hiện được kế hoạch ở các quy mô rộng lớn. Vì vậy, các nguyên liệu và đầu vào cần thiết được sử dụng cho sản xuất có thể kiếm được theo một thời gian biểu nhất định và có thể mua được với khối lượng lớn. Điều đó cũng có nghĩa là các nguyên liệu và đầu vào có thể mua được với giá rẻ đáng kể, vì khả năng xây dựng kế hoạch và mua với khối lượng lớn có nghĩa là đơn giá sẽ thấp. Trong các điều kiện đó, việc kết nối giữa các xí nghiệp có liên quan về chức năng có thể tác động hạn chế hơn đối với các quyết định địa điểm, và các xí nghiệp cũng sẽ tương đối tự do trong việc tìm kiếm được những địa điểm rất xa nhau. Trong thực tế, và vì sản xuất được làm thành quen thuộc trong hệ thống này, nên các vị trí được lựa chọn sẽ thường trùng khớp với các thị trường lao động phổ thông giá rẻ, đôi khi rất xa các trung tâm độ thị chính.

Mặt khác chúng ta thấy các ngành kinh tế hoàn toàn khác với các điều kiện sẵn có. Các lĩnh vực kinh tế rộng lớn ngày nay liên quan đến các hoạt động với rất nhiều bất chắc, và hạn chế rất nhiều năng lực của người sản xuất trong việc làm quen hoặc đơn giản hóa các thao tác, đặc biệt là các tương tác chung. Chẳng hạn trong các ngành công nghệ cao người sản xuất thường phải đối mặt không chỉ với những thay đổi nhanh chóng trong bản thân các công nghệ cơ bản, mà còn phải đối mặt cả với nhu cầu sản phẩm rất khác nhau của khách hàng tùy theo thời gian. Trong các dịch vụ tài chính và kinh doanh ở cấp độ cao, việc thay đổi sản phẩm định hướng khách hàng và định hướng dự án có nghĩa là các xí nghiệp phải được tổ chức sao cho có thể phân biệt được tình trạng hỗn hợp của các kỹ năng và bản thân các nguồn (đặc biệt là tài sản trí tuệ con người) và không phải lúc nào cũng sẵn có vì chúng hoàn toàn chuyên môn hóa. Trong các ngành công nghệ đối mặt với thị trường luôn giao động bới những thay đổi mẫu mã hoặc thị hiếu (hầu hết là các quá trình phân biệt sản phẩm) thì xí nghiệp phải được chuẩn bị để thay đổi và tái hợp thiết bị cũng như lao động và giám sát các thay đổi trên thị trường, thường là hàng ngày.

Trong bối cảnh đó, các xí nghiệp rất khó quen thuộc với mọi thao tác và kế hoạch hóa các mối quan hệ với các xí nghiệp khác, và thậm chí ngay cả với người làm trong một khoảng thời gian dài. Họ bắt đầu phải phụ thuộc vào các mạng lưới tạo thuận lợi cho quá trình thay đổi và tái hợp trái ngược với các loại mạng lưới cứng nhắc chỉ củng cố nhóm xí nghiệp đầu tiên. Tuy nhiên thay đổi và tái hợp là rất tốn kém vì nó phụ thuộc rất nhiều vào việc tiếp cận với thông tin và các nguồn lực khác. Các xí nghiệp cần phải biết rõ rất nhiều loại nhà cung cấp khác nhau và các cơ hội (biến đổi) thị trường luôn sẵn có đối với họ. Nhân công cần phải biết rõ về các cơ hội tìm việc làm khác nhau, nhất là ở nơi mà các thị trường lao động có tính linh hoạt cao. Thông thường mặc dù có cuộc cách mạng tin học, nhưng tri thức nằm trong các quá trình này vẫn hoàn toàn ngầm ẩn. Việc tìm kiếm được các tri thức hữu dụng về phương diện kinh tế một cách hợp thời phụ thuộc vào các mối quan hệ của con người và vào khả năng diễn giải thông tin theo những cách thức có ý nghĩa. Đồng thời, ở những nơi mà tính linh động và quá trình chuyên môn hóa kinh tế luôn hiện diện thì những biến động nhanh trong các mạng lưới giao dịch xảy ra khi xí nghiệp đàm phán các hợp đồng mới hoặc tái cấu trúc các quan hệ mua bán của họ và khi người làm thay đổi việc làm của mình. Nói tóm lại, đó là các mạng lưới được đặc trưng bởi tính bất chắc, tính không ổn định và tính phức tạp ở mức độ cao. Trong bối cảnh đó, các chi phí giao dịch tăng lên đáng kể theo khoảng không gian, và với sự phân tán về mặt địa lý của các nhà sản xuất thì tính không hiệu quả sẽ nhanh chóng xuất hiện.

Đồng thời các nhà sản xuất trong các ngành công nghiệp này có được các lợi thế cạnh tranh to lớn từ sự đồng hiện diện của chúng trong các mạng lưới giao dịch dày đặc bắt đầu nảy sinh khi người ta thực hiện các giao dịch mua bán, thuê mướn nhân công từ các thị trường lao động địa phương, tham gia vào các tổ chức  thương mại chính thức và không chính thức, v.v...Các mạng lưới này ẩn chứa một bầu không khí phong phú trong sự thay đổi thường xuyên của các thực thể thông tin (đa phần là không chính thức) về các công nghệ, thị trường, và mẫu mã sản phẩm. Theo đó, chúng giúp nuôi dưỡng tính sáng tạo kinh tế và đổi mới nhiều loại ngành nghề, đặc biệt bao gồm cả một số đỉnh cao năng động hàng đầu về kinh tế đương đại chẳng hạn như khu vực công nghệ cao, các khu vực dịch vụ, và các ngành công nghiệp văn hóa.

Kể từ sau Thế chiến II đến những năm 1970, hầu hết các nền kinh tế tư bản chủ yếu dường như vẫn vận động một cách chắc chắn hướng đến quá trình thuần thục hóa các thao tác sản xuất, đặc biệt trong các ngành gia công. Tuy nhiên, vì hàng loạt lý do , bắt đầu bằng cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm 1970, các môi trường kinh tế có khuynh hướng trở nên ngày càng ít bền vững hơn, buộc các xí nghiệp thuộc nhiều ngành kinh tế phải chấp nhận các công nghệ và các mô hình tổ chức linh hoạt hơn. Hơn nữa các công nghệ mới về kỹ thuật số giờ đây đã luôn cổ vũ cho quá trình giải tiêu chuẩn hóa các quá trình sản xuất, hệt như việc tăng thu nhập và sự sinh sôi của các trung tâm thị trường kích thích cho việc tìm kiếm nhiều loại sản phẩm khác nhau. Với tất cả các lý do đó loại sản xuất thứ hai được mô tả ở trên đã bắt đầu lan tỏa, nếu không nói là thống trị trong các xã hội tư bản tiên tiến, đến mức là các thị phần ngày càng quan trọng của sản phẩm và việc làm đang được giải thích bằng các hệ thống sản xuất hoặc các chuỗi giá trị cấu trúc mạng linh động

Các lập luận này dẫn đến một câu hỏi thiết yếu về các mối quan hệ giữa các hệ thống mạng linh động này và các thành phố lớn, và câu hỏi này về cơ bản cũng xoay quanh vấn đề về năng suất việc thực hiện và đổi mới kinh tế. Một mặt các xí nghiệp và các tác nhân khác nhau tham gia vào các mạng lưới này, tất cả đều được quảng bá rộng khắp về hiệu quả của mình bởi vì họ đã trở thành một bộ phận của các cụm liên kết chặt chẽ và tập trung về không gian, không chỉ vì việc tập trung thành cụm giúp giảm thiểu đáng kể các chi phí giao dịch, mà còn vì tính linh động và hiệu quả thông tin mà các cụm xí nghiệp đem lại. Ngoài ra tính sáng tạo và đổi mới trong hệ thống sản xuất đó cũng tiến triển đáng kể, một phần là nhờ tính đa dạng của vô số kỹ năng, tính nhạy bén và các kinh nghiệm phong phú hàm chứa trong lực lượng lao động, mà một phần còn vì sự kết tụ của các nhà sản xuất liên lập tại một địa điểm làm tăng thêm khả năng của các cuộc đọ sức làm nảy sinh vô số tri thức và sáng kiến mới rất hữu dụng về phương diện kinh tế. Hơn nữa các xí nghiệp có khả năng to lớn trong việc tiếp cận với vô số nhóm cung và các cơ hội kinh doanh khác nhau so với khi họ đặt trụ sở tại những vị trí riêng rẽ. Năng lực của vô số lao động cũng như nhà cung cấp địa phương cho phép các xí nghiệp trở nên linh động và tự do hơn trong việc đầu tư vào vô số hàng hóa khác nhau trong tình trạng khủng hoảng cao của các chuỗi cung ứng hoặc các đầu ra cho sản phẩm. Tổng cộng các khoản phí tổn có thể được duy trì ở mức tương đối thấp vì thiết bị và hàng hóa có sẵn trong sự cộng tác mang tính tập thể thành mạng lưới của các nhà sản xuất. Người lao động cũng có khả năng cao hơn trong việc tìm kiếm thông tin về thị trường lao động cũng như tăng khả năng tiếp cận đối với các cơ hội việc làm, vì vậy mà tăng khả năng thay đổi việc làm hoặc tìm được những việc làm mới trong thời gian họ bị mất việc. Tất nhiên nền kinh tế đương đại cũng còn được đánh dấu bởi các quan hệ cung ứng và tuyển dụng từ những khoảng không gian rất xa nhưng được phát triển hoàn hảo. Nhưng thông thường, như chúng ta thấy, các mối quan hệ này cũng nuôi dưỡng cho các mạng lưới sản xuất đã địa phương hóa rất cao.    

Vì vậy năng suất và hiệu xuất của việc tập trung hóa đô thị được tăng lên theo hai cách. Trước hết, quá trình tập trung hóa đảm bảo hiệu quả tổng thể của hệ thống kinh tế. Thứ hai, nó thúc đẩy tăng cường tính sáng tạo, việc học tập và đổi mới bằng cả tính linh hoạt của nhà sản xuất nhờ các luồng tri thức và ý tưởng khổng lồ xuất hiện cùng các liên kết giao dịch trong các mạng lưới công nghiệp địa phương hóa. Có thể thấy rất rõ các mạng lưới điển hình như vậy trong các vùng hạch kinh tế của các vùng đô thị toàn cầu chủ yếu của thế giới ngày nay, và trong nhiều trường hợp chúng đã tạo lập cơ sở cho các chu kỳ phát triển đô thị mới rất to lớn. Hơn nữa, các nền kinh tế của các vùng này ngày càng gắn bó chặt chẽ với các thị trường thế giới vì vậy mà góp phần thúc đẩy hơn nữa quá trình tăng trưởng, cổ vũ mạnh mẽ các nhà sản xuất chuyên môn hóa xuất hiện trong bất kỳ mạng lưới nào. Các sản phẩm điện ảnh của Hollywood, sản phẩm bán dẫ của Thung lũng Silicon, các dịch vụ ngân hàng tài chính của New York và London, các sản phẩm thời trang Paris, tất cả đều đại diện cho các mạng lưới sản xuất theo cụm rất linh hoạt và gắn liền sự thịnh vượng của mình với nhu cầu thị trường thế giới. Các ví dụ khác gồm có công nghiệp cơ khí ở các vùng Baden-Würtemburg và Bavaria, các ngành công nghiệp dựa trên cơ sở thủ công với các xí nghiệp nhỏ Bắc Italia, công nghiệp trang sức Bangkok, các xí nghiệp sản xuất đồ gỗ Guadalajara, Mexico. Theo cách đó, các vùng đô thị toàn cầu đã bắt đầu ngày càng vận hành với tư cách là những mạng lưới địa phương năng động của các mối quan hệ kinh tế đan dệt thành một mạng lưới cạnh tranh và trao đổi liên vùng khổng lồ trên toàn thế giới.

Chắc chắn mô tả này mới chỉ là xuất phát điểm cho một phân tích đầy đủ hơn về cấu trúc kinh tế của các vùng đô thị toàn cầu. Nhưng vấn đề mấu chốt để nhận thức lý do tại sao trong một kỷ nguyên thiên giảm chi phí giao thông và truyền thông, mà chúng ta vẫn thấy có một thế giới được tổ chức  xung quanh các vùng đô thị rộng lớn (chứ không phải là mô thức truyền bá ra các vị trí) nằm trong các cung cách mà các nền kinh tế của các vùng này đã bắt đầu gắn kết chặt chẽ trong và với các cụm mạng lưới xí nghiệp linh động cạnh tranh mạnh mẽ trong các thị trường ngày càng mở rộng.  
_____________________________________
  
Nguồn: Allen J. Scott (Eds.) 2002. Global City-Regions – Trends, Theory, Policy. Oxford University Press.

Tác giả:

 Allen J. Scott: giáo sư địa lý và chính sách công Đại học California, Los Angeles, sinh năm 1938 tại Liverpool, Anh quốc, tốt nghiệp St John's College, Oxford University năm 1961. Nhận học vị Tiến sỹ tại Đại học Northwestern năm 1965. Ông giảng dạy tại các Đại học Pennsylvania, Đại học College London, Đại học Toronto, Đại học Paris, Đại học Hong Kong, và từ 1981 là Đại học California, Los Angeles, nơi ông được vinh phong là giáo sư kiệt xuất.

John A. Agnew: sinh năm 1949, là một nhà địa chính trị lỗi lạc của thế giới Anh-Mỹ, tốt nghiệp Đại học Exeter và Liverpool, Anh quốc và Đại học Ohio Hoa Kỳ. Ông được vinh phong giáo sư kiệt xuất về địa lý của Đại học California, Los Angeles, UCLA. Ông giảng dạy về địa chính trị, lịch sử địa lý, các đô thị Châu Âu và Thế giới Địa Trung Hải. Từ 1998 – 2002 ông là chủ nhiệm Khoa Địa lý tại UCLA. Hiện nay ông là tổng biên tập của Tạp chí Territory, Politics, Governance của Routledge.

Edward W. Soja: sinh năm 1940 tại Bronx, New York City, là một nhà địa chính trị hậu hiện đại và nhà quy hoạch đô thị tại UCLA. Ông được vinh phong giáo sư kiệt xuất về quy hoạch đô thị của Đại học California, Los Angeles, UCLA và của Đại học Kinh tế London. Ông có những đóng góp to lớn về lý thuyết không gian và địa văn hóa theo quan điểm của nhà xã hội học đô thị Marxist Pháp Henri Lefebvre, tác giả của công trình Sản xuất Không gian 1974. Soja tập trung chủ yếu vào việc phân tích phê phán hậu hiện đại về không gian và xã hội, mà ông gọi là không gian tính đối với con người và các vị trí của Los Angeles.

Michael Storper: là giáo sư quy hoạch đô thị của Đại học California, Los Angeles, UCLA, chuyên về địa kinh tế như là những lực lượng tác động đến cách thức tổ chức kinh tế theo không gian địa lý; toàn cầu hóa với tư cách là quy mô của các quá trình kinh tế và những quá trình biến đổi kèm theo trong quản lý công ty, các thị trường và các thể chế vận hành; công nghệ như là một lực lượng cấu trúc đại kinh tế và toàn cầu hóa, thay đổi công nghệ là động cơ chủ chốt của địa lý, vì nó làm thay đổi cấu trúc chi phí giao thông và chi phí thương mại; các vùng đô thị toàn cầu, nơi tập trung các hoạt động về phương diện địa lý, là động cơ chủ chốt cho các cấu thể và vận hành các nền kinh tế các vùng đô thị; phát triển kinh tế trên cơ sở địa lý là cách kiểm soát mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế. Ông là Tiến sỹ danh dự của Đại học Utrecht, Hà Lan năm 2008, và Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh quốc năm 2012.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét