Powered By Blogger

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Nguồn gốc danh xưng Phật Hoàng Trần Nhân Tông



Nguồn gốc danh xưng Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Người tìm đọc, dịch: Hà Hữu Nga 

Lâu nay, danh xưng Phật hoàng dùng cho Trần Nhân Tông vẫn gây nhiều tranh cãi. Cho đến bây giờ tôi chưa được biết ai khác sớm hơn Tể tướng Trần Khắc Chung (陳克終 ? –1330), đã sử dụng hai chữ Phật hoàng để chỉ Trần Nhân Tông trong lời bạt cho Bộ sách Thượng sĩ Ngữ lục của Tuệ Trung Thượng sĩ.

Trần Khắc Chung tên thật là Đỗ Khắc Chung, người ở làng Cam Lộ, huyện Giáp Sơn, tỉnh Hải Dương, người em trai Đỗ Thiên Hư cũng là một nhân vật nổi tiếng thời ấy, từng được cử làm Sứ thần sang nhà Nguyên năm 1288. Nhờ những công trạng to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai 1285 và lần thứ ba 1288 mà tháng 4 năm 1289 Khắc Chung được nhà Trần ban quốc tính.  Năm 1280, ông được phong chức Thiếu bảo Hành thánh Từ cung, xung vào hàng Tể tướng. Đỗ Khắc Chung làm quan dưới 4 triều vua Trần: i) Trần Nhân Tông (1280-1293); ii) Trần Anh Tông (1293-1314); iii) Trần Minh Tông (1314-1329); iv) Trần Hiến Tông (1329 -  1330). Ông mất tháng 7 năm Canh Ngọ, hưởng thọ 84 tuổi. Làng Gốm, xã Sơn Đông, Lập Thạch (Vĩnh Phúc) tôn xưng Đỗ Khắc Chung là thành hoàng và lập đền thờ vì ông có công mở trường, dạy chữ và lễ nghĩa cho dân xứ này.

Dưới đây xin được phiên âm và lược nghĩa Thượng sĩ Ngữ lục bạt để rõ thêm về nguồn gốc hai chữ Phật Hoàng.

上士語錄跋

上士,佛皇之祖燈也。相心以心。佛捨金輪王位。坐菩提樹。演無上乗。渡無量眾。作人天師。上士實開誤之。上士以在家菩薩。振佛家風。提起句語。引後學。倬乎有光。佛皇實成就之。

在乎繼釋迦志。受燃燈記。成等正覺。佛皇以之。在乎錄愽陵王問融禪師。到究竟處。上士以之。蓋佛皇之心。起乎佛祖之域。上士之語。窮乎心性之源。微上士不能成佛皇之大報。佛皇豈能登上士之蘊哉。而使昏者明。瞶者聽。是大有功於佛教也。

佛皇一日命持其錄來。吿曰。維持佛法。在國王大臣。且別求一字。倂螻板。以光其傳。今上皇帝遂命臣克終跋謹其後。則雲漢天彰。昭揭於前矣。

臣克終拜受其錄。焚香伏讀。始焉如醉。繼焉如醒。終焉心目明焉。初不自知其所以然而然。

臣謹此筆以跋。

Phiên âm

Thượng sĩ Ngữ lục bạt

Thượng sĩ, Phật hoàng chi tổ đăng dã, tương tâm dĩ tâm. Phật xả kim luân vương vị, tọa bồ đề thụ, diễn vô thượng thừa, độ vô lượng chúng, tác nhân thiên sư. Thượng sĩ thực khai ngộ chi. Thượng sĩ dĩ tại gia Bồ Tát, chấn Phật gia phong, đề khởi cú ngữ, dẫn hậu học, trác hồ hữu quang. Phật hoàng thực thành tựu chi.

Tại hồ kế Thích Ca chí, thụ Nhiên Đăng ký, thành đẳng chính giác, Phật hoàng dĩ chi. Tại hồ lục Bác Lăng vương, vấn Dung Thiền sư, đáo cứu cánh xứ, Thượng sĩ dĩ chi.

Cái Phật hoàng chi tâm, khởi hồ Phật tổ chi vực; Thượng sĩ chi ngữ, cùng hồ tâm tính chi nguyên. Vi Thượng sĩ bất năng thành Phật hoàng chi đại báo, Phật hoàng khởi năng đăng Thượng sĩ chi uẩn tai! Nhi sử hôn giả minh, quý giả thính, thị đại hữu công ư Phật giáo dã.

Phật hoàng nhất nhật mệnh trì kỳ lục lai, cáo viết: "Duy trì Phật pháp, tại quốc vương đại thần. Thả biệt cầu nhất tự, tính lâu bản dĩ quang kỳ truyền".

Kim thượng hoàng đế toại mệnh thần Khắc Chung, cẩn bạt kỳ hậu, tắc Vân - hán thiên chương chiêu yết ư tiển hỹ.

Thần Khắc Chung bái thụ kỳ lục, phần hương phục độc, thủy yên như túy, kế yên như tỉnh, chung yên tâm mục minh yên; sơ bất tự tri kỳ sở dĩ nhiên nhi nhiên.

Thần cẩn thử bút dĩ bạt.

Lược nghĩa

Thượng sĩ là Tổ truyền thừa của Phật hoàng bằng phép tâm truyền tâm. Đức Phật từng xả bỏ vương vị, xe vàng, tu dưới gốc Bồ Đề chứng đắc quả vô thượng, độ cho vô lượng chúng sinh, trở thành bậc thầy của cả Nhân giới lẫn Thiên giới. Thượng sĩ thực sự chứng ngộ pháp ấy. Ông vốn dĩ Bồ Tát tại gia, chấn hưng Phật pháp, đề khởi cú kệ, dẫn dắt môn đệ đi tới giác ngộ. Nhờ đó mà Phật hoàng đã thực sự thành tựu trong chốn Thiền lâm.

Phật hoàng đã nối chí Phật Thích Ca, thụ ký Phật Nhiên Đăng mà đạt tới chính đẳng chính giác. Còn Thượng sĩ thì khắc ghi lời Bác Lăng vương, tham vấn Dung Thiền sư mà thành giác ngộ.

Bởi lẽ cái tâm Phật hoàng khởi từ tâm Phật, mà cú kệ của Thượng sĩ thì lại thấu suốt đến tận ngọn nguồn. Nếu không có Thượng sĩ thì sao có được thành tựu của Phật hoàng; Nếu không có Thượng sĩ thì há Phật hoàng có đạt tới được độ cao diệu của Thượng sĩ chăng! Giờ đây mắt đui nên sáng, tai điếc nên thính, đó chính là công lớn của Phật giáo vậy.  

Ngày nọ Phật hoàng sai người đem sách Ngữ lục đến truyền rằng: “Duy trì được Phật pháp là ở quốc vương, đại thần. Hãy viết nên bài tựa ý nghĩa sáng tỏ, cho khắc bản lưu truyền”. 

Đương kim Hoàng đế bèn sai thần Khắc Chung nương theo vầng Ngân hà sáng rỡ của Bộ ngữ lục mà cẩn tâm viết lời bạt cho Bộ sách. 

Thần là Khắc Chung, bái mệnh tiếp nhận bộ Ngữ lục, châm hương cúi đọc. Thoạt đầu như say, hốt nhiên lai tỉnh, tâm trí sáng bừng nào biết do đâu.

Thần kính cẩn nâng bút dâng lời bạt này.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét