Powered By Blogger

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Trào lưu vùng trong bối cảnh toàn cầu hóa (I)



Trào lưu vùng trong bối cảnh toàn cầu hóa (I)

Hà Hữu Nga

Khái niệm trào lưu vùng

Ngày nay dù nhìn từ góc độ địa lý thì các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực này vẫn phải thừa nhận rằng trào lưu vùng (regionalism) “là một trào lưu chính trị hoặc văn hóa tìm cách chính trị hóa những khẳng định trước về lãnh thổ của các vùng với mục đích bảo hộ hoặc giúp cho các lợi ích vùng”. Từ cách nhìn nhận đó, các nhà địa lý học cho rằng cần đặc biệt lưu ý đến việc phân vùng chức năng trong đó nhà nước chịu trách nhiệm phân ranh giới, chẳng hạn như các vùng hành chính và các vùng kế hoạch. Bên cạnh đó, tính chất chính trị của trào lưu vùng thể hiện phổ biến bằng những tình cảm về bản sắc tập thể. Các tình cảm đó không nhất thiết có nguồn gốc từ một vùng được xác định một cách chính thức, mà đôi khi lại có nguồn gốc từ một bản sắc về quê hương hoặc mang đậm phong cách dân gian, mặc dù việc chính trị  hóa đó thường có thể được củng cố bằng những cơ cấu chính trị chính thống như Liên minh vùng chẳng hạn. Trào lưu vùng cũng thường xuyên liên quan đến các khu vực tộc người, vì tất cả các loại trào lưu vùng thường có một văn hóa đối kháng, đó hầu hết là các văn hóa thống trị hoặc là văn hóa của các nhóm đa số trong khu vực. Vì vậy các mục đích về chế độ tự trị và quyền lực địa phương cũng như phép tu từ học chính trị và sự tự khẳng định thường dựa trên một niềm tin sâu sắc nhưng lầm lẫn về cái vẫn được coi là một nhà nước biệt lập và quá tập trung. Mặc dù có sự tái cấu trúc về xã hội và kinh tế địa phương nhưng các bản sắc vùng, cội nguồn của các trào lưu vùng đã chứng tỏ là không khó rèn đúc và tạo dựng. Cả những trào lưu vùng dựa vào cơ sở tộc thuộc và phi tộc thuộc xuất hiện trong thập kỷ vừa qua đặc biệt đóng vai trò cam kết vào một nền chính trị với những loại hình quản trị mới có qui mô lục địa (chẳng hạn Liên minh Châu Âu) hoặc toàn cầu, và liên quan đến nền kinh tế toàn cầu bằng cách bỏ qua các cấu trúc hình thức của Nhà nước - Dân tộc và hình thành gắn liền với các vùng toàn cầu hóa khác. Nhiều vùng ở châu Âu hiện nay khao khát trở thành một bộ phận của hình thức liên bang rộng rãi hơn của nền quản trị châu Âu (chẳng hạn như vùng Basque, Catalonia, Scotland) [Smith, David M. 2000: 686].

Lothar Honnighausen, giáo sư danh dự về Văn học Anh và Bắc Mỹ tại đại học Bonn, một lý thuyết gia phê bình văn học vùng nổi tiếng, đã cho rằng: Rõ ràng là các thuật ngữ vùng và trào lưu vùng là những vật mang giá trị và không nên sử dụng chúng một cách ấu trĩ. Tuy nhiên cũng không có gì đáng phải ngạc nhiên đối với các học giả ngày nay, là những người trái ngược với những người tiền nhiệm đã nhận ra được một điều là cần phải rất cẩn thận về năng lực chuyển tải của các công cụ mà họ sử dụng. Theo ông, thực tế thì từ các thuật ngữ vùng - region - và trào lưu vùng - regionalism -  được cấu tạo từ động từ Latin “regere: tổ chức, thống trị” vì vậy nó hàm ý không gian và chính trị học [Honnighausen 2005: 159]. Chính vì vậy cần phải làm cho các thuật ngữ đó trở nên hấp dẫn với các nhà phê bình khi họ kiên trì rằng “các xã hội khác nhau sản sinh ra những khái niệm không gian và thời gian khác nhau về chất”, và các khái niệm không gian – các vùngtrào lưu vùng – “không hề trung tính cũng không hề ấu trĩ đối với các thực tiễn thống trị và kiểm soát” [Harvey 1996: 210]. Hơn nữa tính chất mơ hồ về chính trị/không gian của các thuật ngữ các vùng và trào lưu vùng sẽ cuốn hút các tác giả nào tìm được hứng khởi từ phép từ nguyên học và phép phúng dụ của Derrida [Honnighausen 2005: 159]. Tuy nhiên các nhà Châu Mỹ học - những người đã cùng với Arjuna Appadurai tập trung vào chủ đề về các cuộc di dân toàn cầu và tình trạng người dân di cư không có ý thức sâu đậm về quê hương bản quán [Appadurai 1996], - đã nhận thấy rằng thuật ngữ “thuộc về vùng, mang tính vùng” (regional) là không hấp dẫn vì theo quan điểm của họ thuật ngữ đó có nghĩa là tỉnh lẻ, nhà quê theo nghĩa “lạc hậu” và mang hơi hướng hoài cổ (home, Heimat), bảo thủ và thậm chí phản động nữa. Để thay thế vùng (region) họ thường thích khái niệm tộc cảnh (ethnoscape) mà Appadurai đã sáng tạo ra, vì như ông đã thích thú với một sự mãn nguyện kỳ lạ là nó làm cho chúng ta nhận ra rằng “không cần phải coi các văn hóa là các giới hạn không gian” [Appadurai 1996: 183].

Riêng Kornelia Hahn thì lại quan niệm rằng về trào lưu vùng trong thế giới hiện đại – hoặc đúng ra là “hiện đại muộn” vẫn còn có một số hiện tượng lẫn lộn có thể dễ dàng nhận thấy: Các công nghệ mới tạo ra các cơ hội để trao truyền “ảnh hưởng lẫn nhau” và “thời gian thực” trên thế giới nhưng lại không thể thay thế được khát vọng gặp mặt và giao tiếp. Ngay từ những năm 1960s, Marshall Luhan đã chỉ ra rằng phương tiện truyền thông mới đã kích thích “sự vươn dậy của Con Người” theo hai cách. Bằng TV, tất cả chúng ta đều tụ tập lại trong “cái làng toàn cầu” này và sẽ tái tạo một quá trình bộ lạc hóa: một mặt sự phát triển của con người cho phép người ta tham gia vào truyền thông trên phạm vi toàn cầu. Mặt khác loại hình cộng đồng mới hình thành này được cấu trúc giống như một bộ lạc. Chúng ta biết rằng truyền thông không trở thành toàn cầu cũng không thể làm cho thế giới trở thành một bộ lạc khổng lồ được. Tuy nhiên rõ ràng là chúng ta có thể xem xét cái trung tâm điểm mà Mc Luhan nhấn mạnh, đó chính là khung truyền thông luôn luôn biến đổi vì nó được tạo ra bởi nhiều loại hình phương tiện hiện đại và tác động của nó đối với đời sống xã hội là rất lớn. Tương tự như vậy, có một vấn đề lớn đó là việc người ta đã dễ dàng đi đây đi đó trên toàn thế giới với tư cách là người du lịch để cố gắng đi sâu vào “các phong cách sống tiêu biểu” của các vùng ở nước ngoài hoặc rút lui khỏi cuộc sống bon chen hàng ngày để được nghỉ ngơi trong “các vùng” được tạo dựng nhân tạo, chẳng hạn như Club Meds và các trung tâm giải trí khác. Trong cả hai trường hợp, các lữ khách đều cố làm quen với cuộc sống hàng ngày “như trước”. Sống xa nhà, là người ngoài, có thể làm giàu vốn hiểu biết bằng một hiện thực đang diễn ra theo cách khác ở một địa phương khác. Tuy nhiên có điều rất đáng ngờ là liệu kinh nghiệm này có thể thực sự giúp người ta có được một hiểu biết như người trong cuộc về một vùng ở nước ngoài không [Hahn 2005: 87]. Vì vậy như MacCanell đã chỉ ra, thuật ngữ ‘du lịch’ ngày càng được sử dụng như một thứ nhãn mác chế giễu đối với những người dường như hài lòng với các kinh nghiệm giả” [McCannell 1999: 94].

Toàn cầu hóa và các phương tiện giao thông hiện đại đã làm cho chính các sản phẩm thông tin – giống hệt những kẻ lữ hành - cũng lang thang trên mọi ngõ ngách của thế giới. Tất nhiên các hàng hóa được sản xuất và phân phối trên phạm vi toàn cầu thì lại được tiêu thụ ở các địa phương. Có một số nguyên do chính đáng để coi hiện tượng này như một nhân tố quan trọng trong việc tạo ra một phong cách sống chuẩn hóa. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy chẳng hạn, một tâm thức thống nhất về thời trang ở thanh niên trên toàn thế giới. Một mặt việc sử dụng bất cứ sản phẩm nào cũng đều liên quan đến hàng lọat thói quen, phong tục và thực tiễn địa phương.Vì vậy chúng ta phải luôn luôn để ý xem cách ăn, nói, sử dụng đũa sao cho giống hệt như những người dân địa phương sử dụng chúng từ ngàn đời nay vậy. Thực tiễn truyền thống của một số vùng hoặc việc thể hiện sự quen thuộc với các dụng cụ ăn uống khác, một phương tiện biểu trưng riêng cho thực tiễn truyền thống chẳng hạn giờ đây đã không còn là của riêng của bất cứ một cộng đồng đơn lẻ nào nữa.  Tương tự như vậy, trong những hệ thống xã hội quan trọng nhất như chính trị hoặc kinh tế thì người ta ngày càng nhận rõ là những nỗ lực toàn cầu nhằm cân bằng các lợi ích chính trị, luật pháp, giao dịch kinh tế, thị trường chứng khoán cũng có rất nhiều thứ liên quan đến khả năng kiểm soát và quan sát mọi sự kiện địa phương một cách thấu đáo [Hahn 2005: 88]. Tuy nhiên những đặc phẩm vùng và các cuộc xung đột trong một vùng hoặc giữa các vùng văn hóa với nhau chắc chắn vẫn là một trung tâm điểm trong chính trị học hiện đại. Người ta có thể kết luận rằng việc hiểu biết các nền văn hóa vùng trên toàn cầu phù hợp với viễn cảnh rộng lớn hơn của cái gọi là “thế giới toàn cầu”. Viễn cảnh tổng quát ấy khuyến khích chúng ta quan sát mỗi vùng như một bộ phận của một cái gì đó lớn hơn hoặc như một vùng được bao quanh bởi một những thứ khác với nó.

Trào lưu vùng có phải là một phản đề của toàn cầu hóa?

Trên thực tế thì cách quan sát tinh tế của Kornelia Hahn đã cho thấy: “trào lưu vùng và toàn cầu hóa là những khía cạnh thống nhất của một hiện tượng chuyển đổi xã hội duy nhất đang diễn ra”. Bà cho rằng bất cứ sự xem xét kỹ lưỡng nào về các vùng cũng cần phải bao gồm các hiện tượng được thể hiện bằng các thuật ngữ “không gian” và “địa điểm”. Chẳng hạn Newsweek đã coi NY-LON (New York – London) như là một thành phố duy nhất bị chia tách một cách bất tiện bởi một đại dương”. Vì vậy các cư dân của NY-LON thường phải sử dụng máy bay làm phương tiện đi lại. Điểm đặc trưng của NY-LON là nó có vai trò như một thủ lĩnh trong công nghiệp điện ảnh, truyền hình và nhạc pop; trong việc xuất bản và trong kinh tế mới nói chung. Mọi người trên toàn thế giới tham gia vào các khu vực kinh tế này càng ngày càng chọn NY-LON làm trung tâm hoạt động của họ. Nhưng ngay cả trong bối cảnh đó thì hình ảnh NY-LON cũng vẫn bị lẫn lộn. “Thành phố” đó không thống nhất về không gian, nhưng lại thống nhất bằng “tiền”. Như một doanh nhân nổi tiếng đã nói: “Trong khuôn khổ kinh doanh của chúng ta, các thành phố đang bắt đầu tan chảy ra thành một khối tổng thể”. Đây là một loại biểu tượng của sự thống nhất. Tuy nhiên Newsweek cũng cho rằng cả hai nửa của NY-LON, New York và London “vẫn còn hoàn toàn không giống nhau về mặt tinh thần”. Chúng ta có thể phát hiện được gì từ những quan sát đó? Hahn cho rằng chừng nào các khoảng cách không gian tương đối rút ngắn lại vì những đổi mới về giao thông và các công nghệ truyền thông, thì “địa điểm” không còn phải nhất thiết được xác định bằng cách qui vào không gian nữa [Hahn 2005: 88].

Nhận xét táo bạo của Hahn đã cho thấy vùng có khả năng tồn tại bên ngoài một không gian địa lý cố định. Vậy thì chúng ta sử dụng khuôn khổ nào để định nghĩa “vùng”. “Tiền” như một trung gian biểu tượng lưu hành giữa mọi người và tạo ra những loại quan hệ nhất định sẽ chắc chắn phải được đưa vào xem xét. Ngay cả “tinh thần” có được cảm thụ và được trải nghiệm trong một địa điểm hay không cũng có thể cần phải được xem xét. Chúng ta phải xác định đó là “tinh thần” nào. Peter Burke nhấn mạnh rằng vào cuối thế kỷ 18 các thuật ngữ triết học nổi tiếng như “tinh thần”, “thiên tài” và “hài hước” (Geist, Stimmung, Genie trong tiếng Đức; ésperit general, ésperit humain, génie trong tiếng Pháp) đã được thay thế bằng thuật ngữ “văn hóa” do các nhà triết học Đức sử dụng đầu tiên. Thuật ngữ “văn hóa” như “tinh thần” [Weber 1972: 237] biểu thị một nhận thức sâu sắc hơn về những mối quan hệ giữa những thay đổi trong ngôn ngữ, luật pháp, tôn giáo, các ngành nghệ thuật và các khoa học [Burke 1997: 20]. Giờ đây khi đề cập đến “tinh thần” chúng ta muốn nói đến “văn hóa” theo nghĩa này.

Vì vậy “tinh thần” của một vùng thường được sử dụng như một từ đồng nghĩa với “tổng thể các mục tiêu văn hóa”. Văn hóa có thể được coi như đồng nghĩa với “tổng thể” [Burke 1997: 31] hệt như “tòa giám” về phương diện từ nguyên học được qui về “cái tổng thể” và che đậy những mục tiêu mà một nhóm xã hội muốn bảo vệ để khơi dậy bản sắc của nó [Kohl 1993: 72]. Tuy nhiên bản sắc này được duy trì, thậm chí được khám phá khi xuất hiện một cái gì đó phải bị loại bỏ bởi sự tương tác biểu tượng. Vì vậy trong các thuật ngữ khái quát nhất một vùng được tạo dựng bởi một ranh giới được làm bằng các biểu tượng không thuộc về nó. Vậy là xuất hiện hai vấn đề: những phạm trù nào được bao hàm trong bất cứ một định nghĩa nào về vùng?  Ai/cái gì xác định sức mạnh của các phạm trù biểu tượng? Những câu hỏi này phải được xem xét trong mọi phân tích về một vùng. Chúng ta cần xem xét ba giả định chung khi nghiên cứu về các vùng:

Các vùng nên được phân chia một cách hình thức thành “bên trong” và “bên ngoài”;

- Có một mối quan hệ giao lưu ổn định giữa các vùng (giữa “bên trong” và “bên ngoài”) thông qua giao tiếp, di cư, tiêu thụ, giao dịch tài chính, …vv. 

- Vì giao lưu ổn định và sự thay đổi các đặc trưng của các vùng nên có thể rất hữu dụng khi xem xét một điểm qui chiếu địa phương hoặc không gian để tiến hành phân tích.

Như Maurice Halbwachs đã nhận thấy, không gian bảo tồn ký ức văn hóa có lẽ tốt hơn các phương tiện ghi nhớ chẳng hạn như lễ thức hoặc các ghi chép [Halbwachs 1997]. Vì vậy một “không gian” nào đó trở thành một “địa điểm” có ý nghĩa thông qua các tác nhân ý nghĩa qui cho nó trong suốt quá trình tương tác biểu tượng của họ. Một vùng luôn luôn là một “địa điểm” theo nghĩa đó. Khi Erving Goffman chỉ ra rằng “Một vùng có thể được xác định như bất cứ một địa điểm nào được vạch ranh giới ở một mức độ nào đó bằng các rào chắn của nhận thức” thì ông đã dựa vào các tình huống giao tiếp mặt đối mặt [Goffman 1959: 106]. Nhưng tính chất hữu dụng của định nghĩa này cũng cho phép nó mở ra đến một khái niệm vùng rộng lớn hơn. Cộng đồng được tạo dựng bởi các ranh giới nhận thức lẫn nhau, điều đó có nghĩa là bằng các ranh giới giao tiếp. Tuyên bố tổng quát ấy không chịu tác động bởi các công nghệ truyền thông mới. Ngay cả những công nghệ tiên tiến nhất cho phép phân phối thông tin trong một phạm vi rộng lớn về không gian và thời gian cũng tạo ra một số rào cản (mới) của nhận thức khi so sánh với các tình huống giao tiếp mặt đối mặt. Tuy nhiên chúng ta cần nhấn mạnh đến việc áp dụng và sử dụng cụ thể các phương tiện thay cho vịệc chỉ tập trung vào phạm vi công nghệ thông tin. Điều này có thể dẫn đến một nhận xét là các cộng đồng vùng cần phải được lý giải như là kết quả của các ranh giới tưởng tượng. Thậm chí chúng ta còn có thể chỉ ra rằng một văn hóa (vùng) luôn luôn bao gồm các cấu trúc lai bảo lưu các quá trình giao tiếp chọn lọc từ quá khứ. Vì vậy tất cả các truyền thống đều đại diện cho việc mở rộng trong thời gian và trong không gian và sự phân bố một tâm thức chung trong các cộng đồng.

Từ quan điểm đó, thật không hữu ích cho chúng ta để cứ phải tập trung vào “bên trong” “bên ngoài” khi quan sát các vùng, nhưng lại có một sự thật là “bên ngoài” có thể tham gia vào một sự mở rộng toàn cầu. Các vùng có thể chịu ảnh hưởng bởi các mô thức văn hóa của những cư dân nhập cư trước đây, việc họ nhập khẩu các sản phẩm nước ngoài, hoặc ngay cả các kỹ thuật văn hóa xã hội được phát triển từ một xã hội ở rất xa. Việc đặt câu hỏi về vùng và trào lưu vùng có nghĩa là đặt đối lập các đặc trưng của cấu trúc xã hội một vùng với các đặc trưng của môi trường xung quanh. Nhưng chúng ta cũng cần phải ghi nhớ rằng những đặc phẩm này không phát sinh từ các đặc trưng của vùng hoặc lãnh thổ như vậy. Tính chất đồng tính về phương diện xã hội xuất phát từ các mô thức hành vi, văn hóa, thói quen cũng như các nguyên tắc tập thể của các phẩm chất đã được mã hóa trong các biểu tượng chung. Vì vậy khái niệm trào lưu vùng là thuộc về một mối quan tâm đặc biệt đối với các nhà xã hội học vì nó bao gồm cả những tương tác xã hội trong một cấu trúc xã hội nhất định thường được khai thác gắn liền với một điểm qui chiếu địa phương. Trong bối cảnh đó, “toàn cầu hóa” được đặt vào một phía, còn “địa phương hóa” thì đặt ở phía khác.

“Toàn cầu hóa” có thể được đặc trưng như một sự mở rộng không gian hợp tác toàn thế giới về kinh tế, chính trị, tiêu thụ, sản xuất, và phân công lao động. Toàn cầu hóa chứa đựng rủi ro sinh thái toàn cầu và cả những hậu quả không thể lường trước được [Beck 1997]. Định nghĩa này được sự ủng hộ của các công nghệ mới về các hệ thống giao thông và truyền thông cũng như sự phát sinh của các “thành phố toàn cầu” như những trung tâm đầu tư, truyền thông và phân phối quốc tế [Pries 1996: 456-472]. Người ta có thể không còn được thấy các xã hội và các văn hóa trong khuôn khổ của các ranh giới nhà nước dân tộc. Quá trình phát triển mới cắt qua các hệ thống chính trị xã hội cũ và có thể tạo nên các vùng siêu dân tộc và hạ dân tộc. Chúng ta cũng đang được chứng kiến một quá trình tan rã của các rào cản thời gian và không gian trong truyền thông, và quá trình phân ly của thời gian và không gian ấy đã tác động to lớn đến các mối tương tác xã hội. Giờ đây các mối quan hệ xã hội đã được nhìn thấy trong ánh sáng của các đầu vào liên tục của ngoại (các cộng đồng địa phương bên ngoài) thông tin, tri thức và các giới hạn. Tuy nhiên, “đồng thời khi các mối quan hệ xã hội bắt đầu trải rộng theo nghĩa đen và như một phần của quá trình đó chúng ta được chứng kiến sự củng cố của các sức ép đối với quyền tự trị địa phương và các bản sắc văn hóa vùng” [Giddens 1990: 65]. Kết quả là đời sống xã hội trong vùng phải chịu ảnh hưởng bởi sự tăng cường của các mối quan hệ toàn thế giới và được tạo bởi các sự kiện xảy ra từ các vùng rất xa nhau. Quá trình đó kết nối các địa phương xa cách để trở thành gần gũi, ngay cả khi những sự cố địa phương có thể vận động theo một hướng khác với các mối liên hệ rất xa đã tạo nên chúng [Giddens 1990: 65]. Vì vậy giờ đây quá trình này được mô tả là “toàn cầu hóa” [Robertson 1992], nó nhấn mạnh nhiều hơn vào tính chất chung của các thay đổi liên quan đến cả cấu trúc địa phương cũng như toàn cầu.
_______________________________________

Còn nữa...


Tài liệu tham khảo

Appadurai, Arjun 1996. Modernity at Large: Cultural Dimensions of Globalization (Minneapolis: University of Minnesota Press).

Beck, Ulrich 1997. Was ist Globalisierung? Irrtumer des Globalismus – Antworten auf Globalisierung (Franfurt a.M: Suhrkamp).

Burke, Peter 1997. Varieties of Cultural History (Cambridge: Polity Press/Blackwell Publisher)

Giddens, Anthony 1990. The Consequences of Modernity (Stanford: Stanford University Press).

Goffman, Erving 1959. The Presentation of Self in Everyday Life (New York: Anchor Books).

Hahn, Kornelia 2005. Regionalism in Global Societies A Contradiction?. In Regionalism in the Age of Globalism – Concepts of Regionalism. Volume 1. Edited by Lothar Honnighausen, Marc Frey, James Peacock, Nicolaus Steiner. Center for the Study of Upper Midwestern Cultures 901 University Bay Dr. Madison, W1 53705. Copyright 2005, The Board of Regents of the University of Winsconsin System All rights reserved. Printed in the United States of America.

Harvey, David 1996. Justice, Nature, and the Geography of Difference. Oxford: Blackwell.

Honnighausen, Lothar 2005. The Evolving Meaning of Region in Canada. In Regionalism in the Age of Globalism – Concepts of Regionalism. Volume 1. Edited by Lothar Honnighausen, Marc Frey, James Peacock, Nicolaus Steiner. Center for the Study of Upper Midwestern Cultures 901 University Bay Dr. Madison, W1 53705. Copyright 2005, The Board of Regents of the University of Winsconsin System All rights reserved. Printed in the United States of America.

Kohl, Karl-Heinz 1993. Ethnologie – die Wissenschaft vom kulturell Fremden (Munich: C.H. Beck).

McCannell 1999. The Tourist: A New Theory of the Leisure Class (Berkeley: University of California).

Pries, Ludger 1996. Transnationale soziale Raume: Theoretisch-empirische Skizze am Beispiel der Arbeitswanderung Mexico – USA. In Zeitschrift fur Soziologie 6.

Robertson, Roland 1992. Globalization: Social Theory and Global Culture (London: Sage).

Smith, David M. (Consultant Editor) 2000. The dictionary of Human Geography
Edited by R.J.Johnston, Derek Geogory, Geraldine Pratt, and Michael Watts. 4th Edition, the year 2000. David M. Smith Consultant Editor.

Weber 1972. Wirtschaft und Gesellschaft (Tubingen: Mohr).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét