Powered By Blogger

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Lý thuyết khan hiếm trong phát triển vùng kinh tế


Hà Hữu Nga



1. Khan hiếm các nguồn lực

Khan hiếm các nguồn lực là khái niệm quyết định trong kinh tế học và cũng là khái niệm đóng vai trò quan trọng trong sinh thái học, kinh tế học sinh thái và trong phát triển bền vững. Người ta thường quan niệm một cách trực cảm và chung chung về tình trạng khan hiếm của một cái gì đó là mọi người thường mong muốn có được nhiều hơn số hiện có [Mankiw 2000: 3]. Vì vậy tình trạng khan hiếm biểu hiện một mối quan hệ nhất định giữa các nhu cầu chủ quan và khả năng đáp ứng được các nhu cầu đó. Tình trạng khan hiếm mô tả các nhu cầu và mong muốn vô tận của con người, trong khi đó các nguồn lực thì lại có hạn. Trong thực tế thì xã hội không thể nào có đủ các nguồn để đáp ứng được một cách đầy đủ các nhu cầu và mong muốn đó. Tình trạng khan hiếm còn thể hiện một thực tế là người ta không thể cùng một lúc theo đuổi mọi mục tiêu, vì vậy phương thức thông thường nhất để xã hội vượt qua tình trạng khan hiếm là trao đổi các hàng hóa và dịch vụ cho nhau. Theo nghĩa đó kinh tế học đã được định nghĩa là “khoa học nghiên cứu hành vi của con người trong mối quan hệ giữa các mục đích và các phương tiện khan hiếm thường có các giá trị thay thế” [Robbins 1932, 1935].

Về phương diện kinh tế học, các hàng hóa và dịch vụ thường khan hiếm vì mức độ khả dụng có hạn của các nguồn, nói cách khác là các yếu tố sản xuất, cùng với các hạn chế của con người về kỹ năng và công nghệ so với tổng lượng hàng hóa và dịch vụ mà con người mong muốn được thỏa mãn. Mức độ khan hiếm các nguồn quyết định vị trí đường giới hạn sản xuất (PPF Production Possibilities Frontier) của xã hội. Việc sử dụng không hiệu quả các nguồn, chẳng hạn như đất đai và vốn có thể làm hạn chế lượng hàng hóa được sản xuất ra khiến cho nền kinh tế hoạt động dưới mức đường giới hạn sản xuất. Trong thực tế không dễ thanh toán được tính không hiệu quả trong sản xuất và người ta còn gọi đó là tình trạng khan hiếm giả tạo. Các hàng hóa và dịch vụ khan hiếm còn được gọi là các hàng hóa kinh tế. Các loại hàng hóa khác thì được gọi là hàng hóa tự do, chẳng hạn như không khí, nước biển. Ở đâu có tình trạng khan hiếm hàng hóa và dịch vụ thì xã hội cần phải lựa chọn cách thức phân bổ và sử dụng. Có những hàng hóa thuộc loại khan hiếm cố hữu, chẳng hạn như đất đai, các hàng hóa thể hiện vị thế của người sở hữu. Tình trạng khan hiếm xuất hiện khi một loại hàng hóa nào đó có các ngoại ứng cao nhưng lại rất ít được phân bổ đến tay người tiêu dùng.  

Cần xem xét kỹ lưỡng khái niệm khan hiếm để tìm hiểu xem kinh tế học gắn liền với một thuộc tính khan hiếm đặc biệt, được gọi là tính khan hiếm tương đối. Cách tiếp cận kinh tế học đối với đa dạng sinh học là dựa vào khái niệm này, và cũng phản ánh sự hiểu biết về mối liên hệ giữa con người và tự nhiên ẩn sau cách tiếp cận kinh tế đó. Sau đó còn cần phải làm rõ đặc trưng khác của tình trạng khan hiếm, đó là tính khan hiếm tuyệt đối. Thuộc tính này không chỉ thuộc phạm vi kinh tế học, mà còn là chủ đề nghiên cứu của sinh thái học và kinh tế sinh thái nữa. Ngoài ra còn phải làm rõ các cách tiếp cận sinh thái học và kinh tế sinh thái dựa trên cơ sở tư tưởng về tính khan hiếm tuyệt đối như thế nào và còn phản ánh sự hiểu biết riêng biệt về mối liên hệ giữa con người và tự nhiên ẩn sau khái niệm tính khan hiếm ra sao [Baumgärtner S., Christian Becker, Malte Faber and Reiner Manstetten 2004].

2. Bối cảnh ra đời và phát triển của lý thuyết khan hiếm

Năm 1798 Thomas Malthus đã công bố một tiểu luận nổi tiếng về các nguyên lý dân số. Ông cho rằng sự sinh sản của con người sẽ luôn luôn tăng mạnh cho đến khi gặp phải những giới hạn của các nguồn tự nhiên, và đến độ cân bằng đó thì các xã hội trở nên khốn khổ, đói nghèo, và tiền công lao động chỉ đủ để tồn tại. Sự phát triển của kỹ thuật chỉ tạo ra được một mức thịnh vượng ngắn hạn thì sẽ phải đối mặt với các giới hạn. Chỉ có thể đạt được phát triển dài hạn khi con người buộc phải thực hiện một quyết định đạo lý là ngừng sinh đẻ trong những thời kỳ ổn định về kinh tế, khi các mức tiền công vượt khỏi cấp độ chỉ đủ để tồn tại. [Tahvonen, Olli 2000]. Vào đầu thế kỷ XX, trào lưu Bảo tồn các nguồn ở Mỹ cho rằng tăng trưởng kinh tế có những ranh giới vật chất rõ ràng, không thể vượt qua được bằng phát triển công nghệ. Việc sử dụng quá nhanh chóng các nguồn không thể tái tạo được coi là mối đe dọa chủ yếu đối với các thế hệ tương lai. Năm 1931 nhà kinh tế học Harold Hotelling đã phản ứng lại với Trào lưu Bảo tồn các nguồn trong công trình nghiên cứu “Kinh tế học các nguồn có thể cạn kiệt”. Ông cho rằng trong một nền kinh tế thị trường các công ty khai thác mỏ tối đa hóa lợi nhuận sẽ khai thác các nguồn không thể tái tạo “ở mức tối ưu về phương diện xã hội”. Kết luận của ông được hầu hết các nhà kinh tế chấp nhận [Hotelling 1931].

Ba mươi năm sau đã có các dữ liệu để xem xét vấn đề về tình trạng khan  hiếm các nguồn tự nhiên. Trong công trình nghiên cứu Tình trạng khan hiếm và Tăng trưởng (Scarcity and Growth), hai nhà kinh tế học Mỹ là Barnett and Morse [1963] đã thu thập dữ liệu về giá và chi phí theo chuỗi thời gian từ các ngành mỏ, nông nghiệp, và các nguồn không thể tái tạo. Kết quả hoàn toàn bất ngờ: đối với các ngành nông nghiệp và khai khoáng thì giá và phí tổn sản xuất đều hạ hoặc vẫn giữ ở mức không đổi trong thời gian từ 1870 đến 1957. Chỉ có mức giá trong ngành lâm nghiệp là có khuynh hướng đi lên. Kết quả là các phát hiện này có thể được lý giải bằng một thực tế là sự phát triển của công nghệ đã sản xuất ra các sản phẩm thay thế cho các nguồn khan hiếm,làm giảm chi phí khai thác quặng, và vì vậy đã mở rộng được quy mô dự trữ kinh tế. Chỉ 9 năm sau khi Barnett và Morse công bố nghiên cứu của họ thì một  nhóm các nhà khoa học thuộc Viện công nghệ Massachusetts (MIT) đã công bố Báo cáo về các giới hạn tăng trưởng cho Câu lạc bộ Rome [Meadows et al. 1972]. Nghiên cứu đã đưa ra một loại mô hình mới rộng lớn nhằm dự báo tương lai phát triển của 5 biến số toàn cầu: dân số, lương thực, công nghiệp hóa, các nguồn không thể tái tạo, và tình trạng ô nhiễm. Dự báo của công trình nghiên cứu khá bi quan: mức dân số thế giới tương lai, việc sản xuất lương thực, và công nghiệp hóa trước hết sẽ tăng trưởng theo hàm mũ, nhưng vào thế kỷ tới thì sẽ sụp đổ. Lý do của sự sụp đổ là kinh tế thế giới sẽ đạt tới các giới hạn vật chất đối với các nguồn không thể tái tạo, đối với sản xuất nông nghiệp, và ô nhiễm quá mức. Nghiên cứu cũng dự báo rằng 11 loại quặng quan trọng nhất bao gồm đồng, vàng, chì, thủy ngân, khí gas, dầu mỏ, bạc, thiết, và kẽm sẽ bị cạn kiệt vào cuối thế kỷ tới.    

Cho đến nay thì rõ ràng là các dự báo này đã sai lầm. Năm 1977 Liên hợp quốc đã đề nghị nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Wassily Leontief tiến hành nghiên cứu xem liệu các nguồn tự nhiên có bị cạn kiệt vào cuối thế kỷ không. Leontief ứng dụng các giả định đề bi quan như các tác giả của Limits to Growth ngoại trừ việc ông cho rằng có thể đáp ứng mức cầu bằng các mức giá cao hơn. Theo các kết quả đó, chỉ có hai loại quặng là có nguy cơ cạn kiệt [Leontief, A.P. Carter and P. Petri 1977]. Sau một năm công bố báo cáo Limits to Growth giá dầu đã tăng lên khoảng  ba lần trong một khoảng thời gian rất ngắn. Partha Dasgupta và Greffrey  Heal đã đặt vấn đề tính bền vững của một nền kinh tế. Theo phân tích của họ thì không thể duy trì bền vững mức tiêu thụ dương được chỉ với điều kiện là vốn có thể được sử dụng thay thế cho các nguồn không thể tái tạo mà không gặp khó khăn về kỹ thuật. Nếu các khả năng thay thế chỉ có hạn thì mức tiêu thụ trên đầu người trong tương lai phải rơi xuống mức không [Dasgupta, P., and G. Heal. 1974].

Một lĩnh vực khác lấy các nguồn có thể tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời làm đối tượng nghiên cứu bằng các mô hình tăng trưởng kinh tế dài hạn. Chính hướng tiếp cận này đã làm thay đổi các tác động bi quan vốn có từ lâu. Khi các nguồn không thể tái tạo được sử dụng đến cạn kiệt thì người ta sẽ chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng có thể tái tạo. Dựa vào bằng chứng này, người ta buộc phải đi đến một kết luận rằng dự báo kinh tế cơ bản đã thất bại. Các mức giá của các nguồn không thể tái tạo có thể hạ thấp nếu như các thị trường không thể tiên liệu được các phát minh mới và các sản phẩm thay thế mới cho các nguồn đang ngày càng trở nên khan hiếm đó. Một nguyên do quan trọng khác cho hiện tượng giảm giá các nguồn tự nhiên là công nghệ khai thác và chế biến các nguồn không thể tái tạo tiến bộ không ngừng. Hiệu quả của cơ chế thị trường là một cách lý giải tại sao các nguồn không thể tái tạo lại được giữ không bị cạn kiệt. Như các nhà kinh tế đã nghiên cứu những phương thức phát triển trong quá khứ trong bối cảnh khan hiếm các nguồn thì rõ ràng là các lý thuyết bỏ qua biến đổi công nghệ thì luôn thất bại. Trong 10 năm qua các lý thuyết tăng trưởng kinh tế đã thay đổi mạnh mẽ. Trong lý thuyết tăng trưởng nội sinh thì sự phát triển công nghệ được coi là một quá trình tiến bộ liên tục và được tăng tốc bằng các khoản đầu tư chính phủ vào các dự án nghiên cứu và triển khai cũng như vào giáo dục. Từ quan điểm phát triển bền vững các mô hình này có một tương lai rất to lớn: mức tiêu thụ trên đầu người dài hạn tăng không giới hạn [Tahvonen and Salo 2000]. 

3. Khan hiếm tương đối

Trong kinh tế học, một loại phương tiện sản xuất hoặc một mặt hàng tiêu thụ được coi là khan hiếm khi nó chứa đựng các chi phí cơ hội [Debreu 1959: 33, Eatwell et al. 1987]. Để sản xuất được thêm một đơn vị hàng hóa người ta phải bỏ đi một cái gì đó – một lượng hàng hóa khác, hoặc một cơ hội để thực hiện một điều gì đó – hoặc phải trả một mức giá được tính bằng tiền. Vì vậy khan hiếm tương đối được định nghĩa là: một loại hàng hóa là khan hiếm khi được đặt tương quan với các hàng hóa khan hiếm khác. Đó chính là định nghĩa về khan hiếm tương đối. Quan niệm về khan hiếm tương đối dựa trên một giả định riêng về (i) các khả năng tiêu thụ khách quan; và (ii) những sở thích chủ quan của con người đối với các lựa chọn này, cụ thể là tính có thể thay thế. Trước hết khái niệm khan hiếm tương đối giả định trước sự tồn tại của các điểm kết hợp tiêu dùng thay thế. Thông thường có rất nhiều khả năng tiêu dùng được sản xuất từ một số nguồn tài nguyên cơ bản. Việc từ bỏ một điểm kết hợp tiêu dùng cụ thể cho phép tạo ra một điểm kết hợp tiêu dùng thay thế từ các nguồn tài nguyên khác, nếu các nguồn tài nguyên đó được sử dụng như các nguồn thay thế nhằm tạo ra các điểm kết hợp tiêu dùng khác. Hơn nữa khái niệm tính khan hiếm tương đối giả định trước rằng con người luôn ưu tiên sử dụng các hàng hóa thay thế. Trong thực tế việc con người sẵn sàng bỏ đi một cái gì đó để sản xuất thêm được một đơn vị hàng hóa khan hiếm là dựa trên một hàm ý là con người coi hai loại hàng hóa này là những hàng hóa thay thế. 

Việc bỏ ra một đơn vị hàng hóa A để đổi lấy một khối lượng hàng hóa B nào đó chính là sự trao đổi bình đẳng về phương diện sử dụng. Vì vậy khái niệm khan hiếm tương đối dựa vào tính có thể thay thế cả về phương diện sản xuất lẫn phương diện tiêu dùng. Kinh tế học giả định rằng luôn có khả năng thay thế liên tục. Chẳng hạn bánh mỳ là loại hàng hóa khan hiếm. Tuy nhiên tất cả mọi người vẫn có đủ bánh để ăn hàng ngày. Trong trường hợp đó tình trạng khan hiếm của bánh mỳ lại phụ thuộc vào việc muốn kiếm được bánh mỳ thì phải bỏ ra các chi phí cơ hội. Việc có được thêm một đơn vị bánh mỳ cũng có nghĩa là ta phải bỏ đi một thứ gì đó. Đó chính là khan hiếm tương đối đã được định nghĩa ở trên. Theo nghĩa đó, bánh mỳ là loại hàng hóa khan hiếm trong tương quan với các loại hàng hóa khác, chẳng hạn như thịt bò, xăng xe, đĩa CD, v.v…tất cả cũng đều là các mặt hàng khan hiếm. Hơn nữa ở các vùng ngoại biên – và mức độ thu nhập trung bình hiện nay tại các nước đã phát triển, tất cả các loại hàng hóa này đều là hàng hóa thay thế cho bánh mỳ nhằm đáp ứng các sở thích khác nhau trong nhu cầu của cuộc sống. Ngoài ra nhu cầu về bánh mỳ ngày càng tăng có thể làm cho việc sản xuất bánh mỳ tăng lên bằng cách tái phân bổ các nguồn bột mỳ, lao động, điện năng, v.v… từ các khu vực khác của nền kinh tế cho ngành sản xuất bánh mỳ. 

Dựa trên tri thức về tính khan hiếm, kinh tế học đã xác định các vấn đề về môi trường và các nguồn lực và coi đó là các vấn đề về tính khan hiếm tương đối liến quan đến việc thỏa mãn các nhu cầu của con người. Theo Fisher [2000], thuộc tính khan hiếm cho phép người ta xác định được lĩnh vực kinh tế học môi trường và các nguồn như là một nhánh của kinh tế học chung. Kinh tế học các nguồn và môi trường nghiên cứu các lĩnh vực tối ưu hóa hành vi của con người liên quan đến những tính khan hiếm của các nguồn trong thế giới tự nhiên. Đối tượng của môn học này là các nguồn dự trữ hạn chế, mức độ tập trung và phân bố của các nguồn quặng mỏ trong không gian; sự sinh trưởng tự nhiên và các tương tác của các nguồn sinh học chẳng hạn như dân số của các loài khác nhau; sự phát tán, chuyển hóa và phân hủy của các chất ô nhiễm trong một môi trường nhất định, v.v…Đặc biệt, kinh tế học môi trường và các nguồn còn xác định vấn đề về sự mất mát và việc bảo tồn tính đa dạng sinh học. Nó bao gồm nhiều loại khác nhau, trong đó có: i) đo lường tính đa dạng sinh học; ii) định giá tính đa dạng sinh học hoặc các phần tử cá thể sinh học; iii) lựa chọn tối ưu các đặc tính di truyền thực vật đặc hữu để phát triển các dược liệu; iv) sử dụng đa dạng sinh học để đảm bảo cho việc cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái nào đó, chẳng hạn như trong nông nghiệp hoặc y học; v) các chế độ sở hữu và khai thác đa dạng sinh học; vi) mối liên quan giữa sự mất mát tính đa dạng sinh học và tình trạng nghèo khổ, hoặc sự phân phối của cải và thu nhập; vii) thiết kế các phép đo lường và tính toán chi phí – hiệu quả của việc bảo tồn tự nhiên. Tất cả các lĩnh vực kinh tế học môi trường và các nguồn kể trên đều có cơ sở từ ý tưởng về tính khan hiếm tương đối về đa dạng sinh học. 

Khi nhìn vào tính đa dạng sinh học từ quan điểm tính khan hiếm tương đối, kinh tế học rất đề cao việc nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Theo quan điểm kinh tế học, các sở thích của con người và khả năng sản xuất thực tế, bao gồm cả việc sản xuất của tự nhiên đều được đặc trưng bởi tính có thể thay thế. Tác nhân con người được coi là kẻ ra quyết định duy lý, đưa ra các lựa chọn dựa trên những sở thích riêng của con người đối với các loại hàng hóa. Đó chính là con người kinh tế (homo economicus). Các loại hàng hóa này được tổ chức thành các vật thay thế cho nhau liên quan đến các sở thích của con người. Bên cạnh các loại hàng hóa tiêu thụ, các vật thay thế còn bao gồm các hàng hóa và dịch vụ môi trường. Vì vậy tự nhiên còn bao gồm cả các hàng hóa môi trường có thể thay thế và có thể tái sinh sản nhằm thỏa mãn các nhu cầu của con người. Vì vậy trong kinh tế học mối quan hệ giữa con người và tự nhiên thể hiện qua mối quan hệ giữa con người kinh tế và tự nhiên với tư cách là một tập hợp các loại hàng hóa và dịch vụ mà về nguyên tắc thì nó cũng giống như mọi hàng hóa kinh tế và dịch vụ khác [Baumgärtner S., Christian Becker, Malte Faber and Reiner Manstetten 2004].

4. Khan hiếm tuyệt đối

Nếu một loại hàng hóa bất kỳ nào đó không thể thay thế được bằng những  loại hàng hóa khác về phương diện sản xuất cũng như không thể thay thế về phương diện sở thích của người sử dụng thì đó chính là khan hiếm tuyệt đối. Có thể lấy sản xuất bánh mỳ làm ví dụ: ở nơi có mức thu nhập tương đối cao thì bánh mỳ chỉ khan hiếm trong một mối tương quan nào đó. Giả sử chỉ có một số lượng hạn chế bột, bánh mỳ và loại thực phẩm nào đó trong một thành phố bị vây hãm. Khối lượng này không thể tăng thêm thì điều gì sẽ xảy ra. Bánh mỳ và loại thực phẩm kia sẽ càng trở nên khan hiếm hơn khi cuộc vây hãm vẫn tiếp tục kéo dài, nhưng tính khan hiếm đó sẽ thuộc về một loại khác chứ không phải là loại tính khan hiếm tương đối đã được đề cập ở trên. Tính khan hiếm thực phẩm này cũng khác với loại khan hiếm cơ bản khác như khan hiếm đĩa CD hoặc xăng, vì ở một thời điểm nào đó nó không thể có ý nghĩa trong tương quan với loại hàng hóa khác ít thiết yếu hơn. Trước hết ở một thời điểm nào đó khi toàn bộ số bột mỳ dự trữ đã cạn kiệt – người ta không thể sản xuất thêm bánh mỳ bằng cách giảm đầu ra của các loại hàng hóa khác. Thứ hai, bánh mỳ giống như nước và thực phẩm khác là thiết yếu cho sự sống còn của con người, trong khi xăng và đĩa CD thì lại không. Vì vậy ở mức độ tiêu dùng nhất định người ta không muốn thay thế bánh mỳ bằng những loại hàng hóa khác. Trong trường hợp như vậy, khi tính khan hiếm liên quan đến loại phương tiện không thể thay thế cho sự thỏa mãn của một nhu cầu cơ bản nào đó và không thể sản xuất thêm thì người ta gọi đó là tính khan hiếm tuyệt đối. 

Chính định nghĩa kinh tế học đã giả định rằng phương tiện khan hiếm luôn có các mục đích thay thế, nói cách khác, có khả năng thay thế và có chỗ cho sự lựa chọn. Vì vậy lựa chọn trở thành vấn đề thiết yếu trong phân tích kinh tế [Robbins 1932: 15]. Vì lý do này mà tính khan hiếm tuyệt đối còn có nghĩa là không có lựa chọn thay thế. Tình trạng không có lựa chọn thay thế cho các loại hàng hoá thiết yếu như bánh mỳ trong một thành phố bị phong tỏa là một ví dụ điển hình cho việc không thể coi đó là thuộc vấn đề kinh tế. Kinh tế học hiện đại tập trung vào tính khan hiếm tương đối đối lập với kinh tế học Tân cổ điển hướng đến các vấn đề tính khan hiếm tuyệt đối [Biervert -Held 1994]. Khi đưa ra định nghĩa về tính khan hiếm, kinh tế học đã thừa nhận sự đối lập cơ bản về tính khan hiếm tuyệt đối và tính khan hiếm tương đối và giới hạn hàng loạt vấn đề kinh tế như sau: “Nếu phương tiện thỏa mãn không có vật sử dụng thay thế thì chúng có thể trở thành khan hiếm, nhưng chúng lại không thể được tiết kiệm, tức là chúng không khan hiếm theo nghĩa tương đối [Robbins 1932: 13]. Từ góc độ sinh thái học, người ta đều biết rằng sự tuyệt diệt của một loài hoặc một nguồn này có thể dẫn đến sự tuyệt diệt của loài hoặc một nguồn khác nếu như loài bị tuyệt diệt là nguồn chủ yếu nuôi sống loài kia trong khi không có gì thay thế cho nó. Vì vậy tính khan hiếm tuyệt đối là một đặc trưng thiết yếu của đời sống sinh học [Begon et al. 1998]. 

Trong lịch sử tư tưởng kinh tế người ta phân biệt hai loại nhu cầu của con người và gọi đó là “các nhu cầu cơ bản” và “các nhu cầu tưởng tượng”. Cách phân biệt này có nguồn gốc từ cách phân biệt cổ đại theo trường phái Aristotle giữa “kinh tế tự nhiên” và “kinh tế nhân tạo”. Quan điểm của trường phái cổ đại được các tác giả thuộc các thời đại khác nhau thể hiện bằng các dạng khác nhau đã từng tồn tại trước thời đại kinh tế học Tân cổ điển. Chẳng hạn Thoreau [1854, 1998] đã sử dụng sự phân biệt tương tự dựa trên cơ sở xem xét mức độ thỏa mãn các nhu cầu nào đó có phải là “thiết yếu đối với cuộc sống” không bằng cách đặt con người tương quan với tự nhiên. Và cho đến tận bây giờ Liên hợp quốc vẫn phân biệt giữa các nhu cầu cơ bản và các nhu cầu không cơ bản khi đánh giá sự tiến bộ trong cuộc đấu tranh xóa bỏ đói nghèo. Ngoài ra người ta còn sử dụng khái niệm các nhu cầu cơ bản, đó là các nhu cầu cần thiết để duy trì cuộc sống và sự sinh sản của con người, chẳng hạn như ăn, mặc, nước uống, ngủ nghỉ, nhà ở, sưởi ấm và nhu cầu chăm sóc sức khỏe cơ bản. Các nhu cầu đó đặc trưng cho sự tồn tại của con người với tư cách là những cá thể sinh học. Các nhu cầu cơ bản bao gồm hai yếu tố, trước hết đó là các nhu cầu tiêu thụ tối thiểu nhất định phải có của một gia đình: có đủ thức ăn, chỗ ở, và quần áo mặc cùng với một số đồ đạc, thiết bị gia đình khác. Thứ hai, chúng bao gồm các dịch vụ thiết yếu được cộng đồng cung cấp và cung cấp cho cộng đồng nói chung, chẳng hạn như nước sạch, vệ sinh, phương tiện đi lại, các điều kiện giáo dục và chăm sóc y tế [ILO 1976, Boltvinik 2001].

Kinh tế học cho rằng các nhu cầu cơ bản của con người có thể được thỏa mãn và chúng thực sự phải được thỏa mãn. Điều đó xuất phát từ chính định nghĩa kinh tế học là lĩnh vực nghiên cứu sự lựa chọn các phương án thay thế. Trên thực tế, có thể nghĩ rằng chừng nào con người còn phải quan tâm đến các nhu cầu cơ bản của mình thì vẫn chưa thể có được sự lựa chọn tự do. Khi ta đưa cho một người sắp chết đói một khoanh bánh mỳ và một đĩa CD thì không bao giờ có sự tự do lựa chọn. Người đó sẽ lấy khoanh bánh, mà không cần biết cái đĩa CD kia giá trị đến đâu. Do đó kinh tế học với tư cách là một môn khoa học hàn lâm còn phải nghiên cứu cả các nhu cầu tưởng tượng của con người nữa. Một mặt, có sự tương ứng trong sự phân biệt giữa các nhu cầu cơ bản và các nhu cầu tưởng tượng, và mặt khác có sự khác biệt giữa tính khan hiếm tuyệt đối và tính khan hiếm tương đối. Chừng nào người ta còn phải quan tâm đến các nhu cầu cơ bản thì tính khan hiếm tuyệt đối vẫn có thể xuất hiện, vì con người thường phải bất đắc dĩ đánh đổi phương tiện để lấy sự sống còn của họ. Và chừng nào người ta vẫn còn quan tâm đến các nhu cầu tưởng tượng thì con người vẫn coi các hàng hóa khác nhau là các vật thay thế. Trong trường hợp đó khan hiếm là có tính tương đối. Vì các nhu cầu cơ bản thuộc về điều kiện tồn tại sinh học nên tính khan hiếm tuyệt đối còn được coi là “khan hiếm khách quan”, tính khan hiếm tương đối là “khan hiếm chủ quan” [Baumgärtner S., Christian Becker, Malte Faber and Reiner Manstetten 2004].  

5. Khả năng thay thế khan hiếm tương đối và khan hiếm tuyệt đối

Sự khác biệt giữa tính khan hiếm tương đối và tính khan hiếm tuyệt đối không phải lúc nào và ở đâu cũng hoàn toàn rạch ròi, mà nó còn tùy thuộc vào những phẩm chất và các điều kiện nhất định. Liệu có tồn tại những khả năng thay thế cho một loại hàng hóa và dịch vụ nhất định hay không là tùy thuộc vào một số nhân tố, chẳng hạn như quy mô về thời gian, quy mô không gian, môi trường thể chế, việc tổ chức tương tác, và mức độ phân cấp trong phân tích vấn đề được nghiên cứu.   

- Quy mô thời gian: Theo thời gian, tiến bộ kỹ thuật có thể đưa đến các công nghệ mới cho phép sản xuất các vật thay thế cho các loại hàng hóa khan hiếm tuyệt đối, để sau đó chỉ còn khan hiếm tương đối. Chẳng hạn cùng với sự tiến bộ trong việc cấy ghép tim và sự phát triển tim nhân tạo, tính khan tuyệt đối về chức năng hỗ trợ duy trì cuộc sống của tim tự nhiên đã được chuyển thành khan hiếm tương đối. Với ví dụ về bánh mỳ trong một thành phố bị phong tỏa bánh mỳ có thể là khan hiếm tương đối lúc ban đầu, nhưng lại có thể trở thành khan hiếm tuyệt đối khi thành phố tiếp tục bị phong tỏa.

- Quy mô không gian: Một loại hàng hóa hoặc dịch vụ là khan hiếm tuyệt đối trong một phạm vi không gian nhất định lại có thể là khan hiếm tương đối trong một phạm vi không gian rộng hơn. Trong ví dụ về thành phố bị phong tỏa, bánh mỳ chỉ khan hiếm tuyệt đối trong phạm vi thành phố đó, nhưng lại là khan hiếm tương đối khi xét trong phạm vi quốc gia rộng lớn không bị phong tỏa.

- Môi trường thể chế: Các thể chế chẳng hạn như các thị trường và các cơ chế thương mại nuôi dưỡng các tương tác và trao đổi giữa các tác nhân kinh tế luôn đảm bảo hoặc mở rộng các khả năng thay thế. Chẳng hạn một người nông dân sản xuất tự cấp tự túc thì phụ thuộc tuyệt đối vào việc sản xuất lương thực của mình. Nếu người nông dân ấy có thể tiếp cận được với các thị trường lương thực và lao động thì người đó có thể chuyển đổi tính khan hiếm tuyệt đối về lương thực thành tính khan hiếm tương đối bằng cách đổi sức lao động lấy lương ăn.

- Tổ chức quản lý: các tương tác và trao đổi giữa các cá nhân và các thể chế quản trị các tương tác này có thể được tổ chức một cách hiệu quả hoặc không hiệu quả. Không hiệu quả có nghĩa là các nguồn hoặc các hàng hóa tiêu dùng bị lãng phí; vậy là các cá nhân và xã hội rơi vào tình trạng thất thu các khoản lợi ích tối đa từ một nguồn tài nguyên nhất định nào đó. Nếu các quá trình xã hội được tổ chức không hiệu quả, thì tiềm năng thay thế đầy đủ sẽ cạn kiệt và một loại hàng hóa nào đó có thể trở thành tuyệt đối khan hiếm, mà lẽ ra nó chỉ là loại khan hiếm tương đối nếu như quá trình đó được tổ chức một cách hiệu quả hơn.  

- Mức phân cấp: nói chung các khả năng thay thế của một cá nhân bị hạn chế nhiều hơn so với xã hội. Kết quả là cái khan hiếm tuyệt đối với một cá nhân có thể là khan hiếm tương đối với xã hội nói chung. Chẳng hạn, quyền tự do và sự sống còn của cá nhân là không thể thay thế đối với cá nhân, nhưng trong thời chiến thì quyền tự do và sự sống còn của quốc gia, dân tộc, cộng đồng được đánh đổi với tự do và sự sống còn của các cá nhân trong xã hội và toàn thể xã hội nói chung.

Kết quả là vấn đề tính có thể thay thế và vấn đề về tính khan hiếm tương đối trong tương quan với tính khan hiếm tuyệt đối không thể chỉ trả lời một cách chung chung, một lần là xong, mà cần phải được xác định trong từng bối cảnh cụ thể. Điều đó đòi hỏi những hiểu biết chi tiết về sự vận hành của hệ thống sinh thái, các khả năng công nghệ trong thay thế, những sở thích của con người, việc tổ chức tương tác, môi trường thể chế, v.v…Tuy nhiên tất cả các khía cạnh này đều liên quan đến sự thay đổi năng động: tiến hóa của tự nhiên, công nghệ, các sở thích và các thể chế theo thời gian. Các quá trình phát triển năng động này là không chắc chắn và không thể được dự báo một cách chi tiết. Còn một khó khăn khác nữa là các phẩm chất và các điều kiện được kê ra ở trên, về cơ bản phản ánh một số quyết định chủ quan của các nhà khoa học, chẳng hạn sự lựa chọn một quy mô không gian, thời gian cụ thể và mức độ phân cấp tổ chức của hệ sinh thái được nghiên cứu [Baumgärtner S., Christian Becker, Malte Faber and Reiner Manstetten 2004].  
_______________________________________

Còn nữa...

Tài liệu tham khảo

Barnett HJ, Morse C. 1963. Scarcity and Growth: The Economics of Natural Resources Availability. Baltimore: Johns Hopkins University Press.

Baumgärtner, Stefan, Christian Becker, Malte Faber and Reiner Manstetten 2004. Relative and absolute scarcity of nature: Assessing the roles of economics and ecology for biodiversity conservation. University of Heidelberg Department of Economics, Discussion Paper Series No. 412. 

Begon M., C.R. Townsend and J.L. Harper 1998. Ecology: Individuals, Populations and Communities, third ed., Oxford: Blackwell.

Biervert, B. and M. Held (eds) 1994. Das Naturverständnis der Ökonomik. Beiträge zur Ethikdebatte in den Wirtschaftswissenschaften, Frankfurt: Campus.

Dasgupta, P. and Heal, G. 1974. The optimal depletion of exhaustible resources, Review of Eco-nomic Studies, Symposium on the Economics of Exhaustible Resources, pp. 3-28.

Debreu, G. 1959. Theory of Value. An Axiomatic Analysis of Economic Equilibrium, New York: Wiley.

Fisher, A.C. 2000. Introduction to special issue on irreversibility, Resource and Energy Economics, 22, 189-196.

Hotelling, Harold  1931. The economics of exhaustible resources. In Journal Politic Economic. No. 89, pp 137 - 175.

ILO [International Labour Office] 1976. Employment, Growth and Basic Needs: A One-World Problem. Report of the Director-General of the International Labour Office, Geneva.

Leontief, Wassily, A.P. Carter and P. Petri. 1977. The Future of the World Economy, New York: Oxford University Press.

Mankiw, N. G. 2000. The Savers–Spenders Theory of Fiscal Policy, American Economic Review 90(2): 120–125.

Meadows, Donella H., Dennis L. Meadows, Jorgen Randers, and William W. Behrens III (1972), The Limits to Growth: A Report for The Club of Rome’s Project on the Predicament of Mankind, New York: Universe Books.

Robbins L. 1932, 2nd ed., 1935. An Essay on the Nature and Significance of Economic Science, London: Macmillan

Tahvonen, O., and S. Salo. 2000. Economic growth and transactions between nonrenewable and renewable resources. European Economic Review, in press.

Thoreau, H.D. ([1854]1998), Walden, or Life in the Woods, first published 1854, reprinted in N. Baym et al. (eds), The Norton Anthology of American Literature, Vol. 1, fifth ed., New York: W.W. Norton, pp. 1768-1942.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét