Powered By Blogger

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Đọc quá khứ – những cách tiếp cận lý giải Khảo cổ học hiện nay (XII)


Đọc quá khứ – những cách tiếp cận
lý giải Khảo cổ học hiện nay (XII)

Ian Hodder

Người dịch: Hà Hữu Nga

7. Khảo cổ học Ngữ cảnh

Vậy là những quả bí Ilchamus không thể được lý giải đầy đủ bằng cách qui chiếu vào những chức năng phổ biến – cần phải tìm ra ý nghĩa riêng của chúng. Tương tự như vậy, cũng có thể nói về việc tìm ra ý nghĩa cho toàn bộ các hạng mục văn hoá vật chất cũng như cho toàn bộ hành động của con người. Người ta có thể đặt ra bất cứ câu hỏi nào về quá khứ nhân loại, cho dù đó là công nghệ, kinh tế hay các khung ý nghĩa thì cũng đều là can thiệp. Cuối cùng không thể nói hoạt động kinh tế của một di chỉ là gì chừng nào người ta chưa xây dựng được các giả thuyết hoặc định đề về ý nghĩa biểu trưng của đống xương bị thải bỏ.

Vì vậy cuốn sách này cố thử xem xét những cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề đó. Phải tìm cách có được một câu trả lời đầy đủ cho vấn đề là chúng ta cần suy luận ý nghĩa văn hoá quá khứ như thế nào. Giờ đây người ta có thể khẳng định theo quan niệm của Kuhn về khoa học là không thể so sánh các mô thức chẳng hạn như KCH quá trình, Cấu trúc luận và Chủ nghĩa Marxism, bởi vì mỗi chủ thuyết đều có những luật tắc, ngôn ngữ và góc nhìn riêng về các dữ liệu. Theo quan điểm này thì không có bất cứ một phương pháp so sánh khách quan nào về các mô thức; mỗi mô thức chỉ thích hợp với những thuật ngữ riêng của nó, với khung qui chiếu riêng của nó. Trong khi có lẽ tôi cũng chấp nhận nhiều khía cạnh của quan điểm do Kuhn đưa ra, thì tôi lại cho rằng những cách tiếp cận khác nhau có thể được so sánh theo cùng một cách mà tôi cho rằng các văn hoá xa lạ cũng có thể hiểu được và có thể so sánh được.

Nhiệm vụ đầu tiên của công việc so sánh và đối lập các cách tiếp cận khác nhau trong những khuôn khổ đóng góp của chúng vào các vấn đề đã được nêu ra ở chương 1, bây giờ đã đạt được, và nhiều cái định tìm kiếm đã tìm thấy. Những phát triển mới trong KCH và lý thuyết xã hội ảnh hưởng chủ nghĩa Marxism đã đưa tới một cuộc thảo luận đầy đủ về vai trò của cá nhân trong xã hội, và cách lý giải tương đồng cũng đã được đề xuất dựa trên quan điểm của Collingwood, một người coi lịch sử đóng một vai trò trọn vẹn trong việc lý giải. Quan niệm cho rằng văn hoá là sáng tạo ra ý nghĩa chính là công lao của KCH cấu trúc luận; nhưng ngược lại, chỉ trong nghiên cứu lịch sử mới hàm chứa một mức độ duy tâm nào đó mà nội dung ý nghĩa biểu tượng được gán cho một vai trò đầy đủ.

Như đã chỉ ra ở chương 5, Collingwood cũng để lại cho chúng ta những hướng dẫn phương pháp luận giúp phục dựng nội dung ý nghĩa, nhưng cần phải lưu ý là (tr. 104) vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, và nhiều khoảng trống chưa được lấp đầy. Hơn nữa lý giải của Collingwood về phương pháp vẫn hãy còn trừu tượng. Làm thế nào để nhà KCH có thể cúi xuống mà dựng dậy ý nghĩa biểu tượng của quá khứ? Để trả lời câu hỏi này, cũng là để hoàn thiện và khuyếch trương cách lý giải của Collingwood, tôi muốn mô tả thật chi tiết cái mà tôi đã gọi ở một chỗ khác là “KCH Ngữ cảnh” (Hodder 1982a).

Từ “ngữ cảnh” được sử dụng thường xuyên trong các diễn ngôn KCH, trong các câu hỏi chẳng hạn như “Ngữ cảnh mà ông đề cập là gì vậy?” hoặc “Ngữ cảnh của các dữ liệu là gì?”. Từ đó được sử dụng trong rất nhiều tình huống khác nhau để biểu thị tính dễ bị tác động hay sự nhạy cảm đối với các dữ liệu riêng: “ý tưởng chung của ông không phù hợp với ngữ cảnh của tôi”.

Ngữ cảnh có nguồn gốc từ tiếng Latin contexere, có nghĩa là dệt, liên kết lại, nối lại. Ngược lại với các đòi hỏi quá đáng về các qui luật tổng quát được các nhà KCH Mới đưa ra (chẳng hạn như Watson, Leblanc và Redman 1971) có thể cho rằng đang có nhiều vận động theo khuynh hướng ngữ cảnh. Như ghi chú ở trang 32, Flannery (1973) đã phản ứng quá mạnh việc nhấn vào “luật – và - trật tự” thay vì nhấn vào “tính hệ thống” – một cách tiếp cận mềm dẻo hơn trong đó các mối quan hệ đặc thù có thể phải được giải thích. Sự đan dệt, kết nối của các sự vật trong tính đặc thù lịch sử của nó đã được miêu tả ở trên (tr. 80) là rất rõ ràng đối với nhiều trường phái như KCH Marxist, Tiến hoá luận, Q trình. Butzer (1982) cũng đã xác định một phương pháp “ngữ cảnh” trong những cách tiếp cận sinh thái học đối với quá khứ, và trong KCH Cổ điển cách tiếp cận ngữ cảnh rõ ràng cũng đã được xây dựng liên quan đến gốm tô màu Hy Lạp (Berard và Durand 1984). Một cuốn sách có đầu đề là Các bối cảnh trao đổi tiền sử (Ericson and Early 1982) cũng tìm cách tập trung vào các bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong đó diễn ra sự trao đổi.

Trong KCH không gian nói chung, tôi đã cho rằng (Hodder 1985) một thế hệ kỹ thuật phân tích mới đang tìm cách nhạy bén hơn với các dữ liệu KCH và mang tính khám phá hơn. Chúng ta sẽ xem thêm dưới đây. Một lĩnh vực chủ yếu, được các nhà KCH tập trung vào tính đặc thù của các dữ liệu của họ chính là việc nghiên cứu các quá trình hình thành trầm tích văn hoá. Schiffer (1976) đã có đóng góp quan trọng vào việc phân biệt ngữ cảnh KCH khỏi ngữ cảnh hệ thống bằng cách chỉ ra những bất chắc của cách áp dụng các phương pháp và các lý thuyết tổng quát (chẳng hạn Whallon 1974) là những thứ không tính đến sự khác biệt này.

Trong cuốn Lý giải sự biến đổi văn hoá của Renfrew, Case (1973a) đã biện hộ cho quan điểm coi  KCH ngữ cảnh “duy nhất xứng đáng là một KCH mới” và nó bao hàm cả việc gắn kết chặt chẽ hơn nữa các lý thuyết tổng quát với các dữ liệu đã có. Mối quan tâm như vậy đối với ngữ cảnh có lẽ ngày càng tăng, ở mọi cấp độ trong KCH. Một mặt Flannery (1982) tỏ ra phê phán quá trình triết học hoá trừu tượng và khái quát đi lạc quá xa các nguồn dữ liệu cứng (Xem Barrett và Kinnes 1988); mặt khác sự quan tâm đến ngữ cảnh đã trở thành một vấn đề mang tính phương pháp luận chủ yếu trong thao tác khai quật. Hơn nữa thay cho việc sử dụng các thuật ngữ lý giải (như nền, nhà, hố, lỗ chôn cột) khi bắt đầu khai quật và phân tích, nhiều tờ tư liệu được mã hoá giờ đây đã sử dụng những từ ít tính chủ quan hơn, chẳng hạn “đơn vị” hoặc “ngữ cảnh”. Nó tạo ra một ấn tượng là công việc khai quật không can dự vào những lý giải quá chủ quan, ấn bừa giải thích vào ngay từ giai đoạn đầu tiên, trước khi tất cả các dữ liệu này được tập hợp.

Theo một nghĩa nào đó, KCH chính là mối quan tâm của nó đến ngữ cảnh. Việc quan tâm đến hiện vật mà không có bất cứ một thông tin ngữ cảnh nào thì chỉ là một thứ thú chơi cổ ngoạn mà thôi, và có lẽ tình trạng này là phổ biến trong bất cứ loại hình lịch sử nghệ thuật hoặc thị trường nghệ thuật nào. Khai quật để lấy hiện vật ra khỏi ngữ cảnh do một số người sử dụng máy dò kim loại thực hiện là một thứ phản đề đối với bản sắc của KCH. Vì vậy, việc tái khẳng định tầm quan trọng của ngữ cảnh bao gồm cả việc tái khẳng định tầm quan trọng của KCH là KCH.

Tóm lại, các nhà KCH sử dụng thuật ngữ “ngữ cảnh” theo nhiều cách để mô tả những đan dệt, kết nối sự vật trong một hoặc một nhóm tình huống. Hiện nay những mối quan tâm như vậy thường giữ địa vị chủ đạo. Tuy nhiên trong chương này tôi muốn vượt khỏi định nghĩa tổng quát về khái niệm ngữ cảnh đã được thảo luận để xem xét một ý nghĩa đặc trưng hơn. Trước hết, cần phải xem xét hai phương pháp ở qui mô lớn trong đó văn hoá vật chất có thể được đan dệt lại với nhau sao cho chúng trở nên có ý nghĩa.

Hai loại ý nghĩa

Hai loại ý nghĩa chủ yếu được các nhà KCH nghiên cứu (tương tự như hai mô hình được xác định trong công trình của Patrick 1985) là hệ thống cấu trúc của những mối liên hệ chức năng và nội dung cấu trúc của các ý niệm và biểu tượng. Vì vậy trong việc tìm kiếm loại ý nghĩa thứ nhất, chúng ta có thể đặt vấn đề về môi trường vật chất và môi trường nhân văn, những quá trình  trầm tích văn hoá, việc tổ chức lao động, qui mô của di chỉ, những trao đổi vật chất, năng lượng và thông tin. Chúng ta gán ý nghĩa cho đối tượng bằng cách quan sát xem chúng vận hành như thế nào trong mối liên hệ với những nhân tố và các quá trình khác và trong mối liên hệ với các cấu trúc kinh tế và xã hội. Đóng góp to lớn cho lĩnh vực này là công lao của KCH Marxist và KCH quá trình. Chúng ta đã thấy (chương 4 & 5) rằng gần đây KCH đã nhấn mạnh hơn đến các quá trình xã hội năng động nhờ đó mà các cá nhân tạo tác ra các hiện vật vì các mục đích xã hội. Các phân loại nhân tố có thể giúp lý giải một đối tượng về phương diện chức năng đã được mở rộng và được tìm hiểu kỹ hơn chính là kết quả của toàn bộ những phát triển từ đầu những năm 1960.

Việc mở rộng những nghiên cứu như vậy vẫn chưa đủ để xem xét các chức năng tạo dựng tư tưởng hoặc biểu tượng của đối tượng. Hơn nữa chuẩn qui chiếu lại thuộc vào loại ý nghĩa thứ hai – nội dung của các ý niệm và biểu tượng. Điều đó liên quan nhiều hơn đến cách nói rằng “cái ghim cài áo này được sử dụng làm biểu tượng cho những người phụ nữ” hoặc “thanh gươm này là tượng trưng cho người đàn ông”. Hơn nữa câu hỏi đã trở thành “vị trí của giới phụ nữ được thể hiện trong mối liên kết giữa những bộ xương phụ nữ và những chiếc ghim cài trong các ngôi mộ là gì?”. Mục đích là tìm kiếm những tập quán của Bourdieu, cái pe được Flannery và Marcus mô tả và các ý niệm cấu trúc và được cấu trúc khác của loại hình học đã được bàn đến ở chương 5. Các nhà KCH cần thực hiện những trừu tượng hoá khỏi các chức năng biểu trưng của những hiện vật mà họ khai quật để xác định nội dung ý nghĩa ẩn sau chúng, và điều này liên quan đến việc xác định xem các ý niệm được biểu hiện như thế nào bằng các biểu tượng vật chất mà tự thân chúng tham gia vào cấu trúc xã hội.

Như đã lưu ý, trong một thời gian dài các nhà KCH đã thảo luận về cách thức sử dụng các dữ liệu ngữ cảnh để đưa ra những lý giải về các mối liên hệ chức năng. Đó là lĩnh vực cổ kinh tế, lý thuyết trao đổi, lý thuyết thông tin, lý thuyết các hệ thống, lý thuyết tước đoạt tối ưu, lý thuyết hành động xã hội ...vv. Tất cả các lý thuyết ấy đều có thể sai lầm, thiếu sót vì đã xem xét không đầy đủ loại ý nghĩa thứ hai, mà loại ý nghĩa đầu tiên cần phải kết nối với nó. Vì vậy mối quan tâm chủ yếu của tôi ở đây là nội dung ý nghĩa trong những ngữ cảnh lịch sử đặc thù, vì đó là những kẽ hở trong lý thuyết KCH đương đại đã được xác định trong các chương trước. Vấn đề tương tự đã được Davis (1984, p.12), Wells (1984; 1985) và Halll (1977) nêu ra. Mặc dù có nhiều trùng lặp với việc xem xét ý nghĩa chức năng, nhưng tôi chỉ muốn sử dụng những mối quan hệ ngữ cảnh để đọc được nội dung ý nghĩa của quá khứ.

Điều này được thực hiện như thế nào? Trước hết cần phải tự phê phán việc áp đặt ý nghĩa. Có phải những ý nghĩa mà chúng ta áp đặt lên quá khứ là đặc trưng cho lai lịch xã hội và văn hoá của bản thân chúng ta? Đây là một vấn đề trong việc xem xét ngữ cảnh của chúng ta và tôi sẽ trở lại vấn đề này ở chương 8.

Thứ hai, chúng ta có thể coi di tích KCH như một “văn bản” phải đọc. Có những giới hạn đối với cách quan niệm văn hoá vật chất phải được so sánh với văn bản và ngôn ngữ, vì như đã lưu ý, văn hoá vật chất cũng là thực tiễn, công nghệ và chức năng và hầu hết các biến đổi văn hoá vật chất đều tuỳ thuộc vào các yếu tố như vậy. Sự thực thì sau này người ta sẽ cho rằng những ý nghĩa biểu tượng xuất phát cục bộ từ những ý nghĩa thực dụng chứ không phải là đơn lẻ từ các hệ thống ký hiệu trừu tượng được cấu trúc. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể bắt đầu một cuộc thảo luận hướng tới cái định nghĩa đặc trưng cần phải xác định cho “ngữ cảnh” trong tập sách này, mà định nghĩa đó phải liên kết chặt chẽ với những ý nghĩa rộng lớn hơn được gán cho thuật ngữ đó trong KCH như một tổng thể.

Đọc văn hoá vật chất

Quan niệm cho rằng văn hoá vật chất là một văn bản cần đọc đã được ngầm đề xuất từ lâu trong KCH. Các nhà KCH luôn luôn coi các dữ liệu của họ như một thứ hồ sơ hoặc một ngôn ngữ. Tầm quan trọng của một ngoại suy như vậy càng tăng lên khi mối quan tâm của chúng ta tập trung vào việc phát hiện nội dung ý nghĩa của các hành vi quá khứ.

Nhưng chúng ta đọc một “văn bản”như vậy bằng cách nào? Rõ ràng là nếu ngôn ngữ văn hoá quá khứ không có những đặc điểm, những từ, ngữ pháp, cấu trúc giống với khẩu ngữ đương đại của chúng ta thì bất cứ cách nào như vậy cũng sẽ rất khó khăn, nếu không nói là không thể, đặc biệt là khi những văn bản còn sót lại chỉ là những bộ phận hoặc vỡ vụn, làm cho vấn đề đã khó lại càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên tôi vẫn muốn nói rằng có một vài nguyên tắc rất đơn giản ẩn dưới toàn bộ các ngôn ngữ - hoặc chí ít thì cũng ẩn dưới những cách thức mà những homo sapiens sapiens của tất cả mọi thời ở tất cả mọi nơi đều sử dụng để gán ý nghĩa cho sự vật.

Đương nhiên hầu hết các nhà KCH sẽ kêu lên rằng các dữ liệu của họ là câm lặng. Chắc chắn nếu một đồ vật chỉ là một đồ vật thì đó sẽ là một đồ vật câm. Nhưng KCH không phải là một bộ môn nghiên cứu về những đồ vật biệt lập. Các đối tượng trong “văn bản” của họ sẽ không hoàn toàn câm lặng nếu chúng ta có thể đọc được thứ ngôn ngữ của chúng (Berard and Durand1984: 21). Đương nhiên toàn bộ các ngôn ngữ phải được lý giải, và vì vậy mà theo một nghĩa nào đó thì toàn bộ những cách đọc và những biểu tượng vật chất là câm lặng, nhưng một biểu tượng vật chất nằm trong “văn bản” của nó thì không còn câm lặng hoặc sẽ bớt câm lặng đi rất nhiều so với bất kỳ một thứ tiếng ngô ngọng hoặc một âm thanh nào khác được sử dụng trong các diễn ngôn. Đồ vật thực sự biết nói (hoặc có lẽ là thì thầm một giọng mơ hồ nào đó) với chúng ta – thế là đã xuất hiện vấn đề trong việc lý giải.

Khi biện hộ cho các nguyên tắc cho phép chúng ta đọc các cổ bản và tìm xem ý nghĩa của chúng thay đổi trong các “môi trường” khác nhau ra sao, thì điều quan trọng là phải phân biệt được ngôn ngữ và văn hoá vật chất. Thậm chí ngay cả ngôn ngữ viết có thể cũng có cùng những nguyên tắc cơ bản với ngôn ngữ văn hoá vật chất (Hall 1977: 500); một ngôn ngữ viết không phải bao giờ cũng dễ giải mã, ngay cả khi nhiều yếu tố của nó vẫn còn tồn tại như một sinh ngữ. Có tình trạng như vậy, bởi vì nó rất phức tạp, được thiết kế để thể hiện những ý niệm và tư tưởng phức tạp, và tất nhiên là khá chính xác và toàn diện. Nhưng một ngôn ngữ văn hoá vật chất lại không có các qui tắc ngữ pháp và từ vựng của chúng. Các biểu tượng văn hoá vật chất thường mơ hồ hơn là những đối tác khẩu ngữ của chúng, và cái có thể đọc được bằng thứ ngôn ngữ đó thì thường đơn giản hơn nhiều. Hơn nữa các biểu tượng văn hoá vật chất lại tồn tại lâu bền và lại hạn chế tính linh hoạt. Về nhiều phương diện thì ngôn ngữ văn hoá vật chất không hề có tính ngôn ngữ - rõ ràng đó là những hành động và thực hành trong cái thế giới của chúng và những mối quan tâm thực tiễn đó có một tác động to lớn đến các ý nghĩa biểu tượng của văn hoá vật chất (Hodder 1989a). Khi coi văn hoá vật chất là một ngôn ngữ thì đó là một thứ ngôn ngữ đơn giản so với một ngôn ngữ nói hoặc viết. Vì những nguyên do phong phú đó mà các văn bản ngôn ngữ văn hoá vật chất lại dễ giải mã hơn những tài liệu viết mà chúng ta không biết thứ ngôn ngữ dùng để viết ra nó. Đó chính là lý do tại sao các nhà KCH lại thành công trong việc đọc ngôn ngữ văn hoá vật chất, ngay cả khi chúng rất ít bộc lộ về thứ “ngữ pháp” của mình.

Tôi lấy Collingwood để kết luận một cách ẩn ý rằng có thể tìm thấy một nguyên lý ngữ pháp phổ quát khi ông gợi ý (1946: 303) mỗi sự kiện đơn nhất đều có một ý nghĩa có thể được tất cả mọi người ở mọi thời hiểu rõ. Đó cũng là điều mà tôi lĩnh hội được từ lý giải của Bourdieu (1977) về cách thức mà một đứa trẻ tìm hiểu thế giới xung quanh nó bằng cách quan sát những liên tưởng và những tương phản  đơn giản, và đó cũng là cái mà tôi hiểu được từ kinh nghiệm thông thường của chúng ta để có thể dần dần hiểu được một con người hoặc một nền văn hoá khác. Vì chúng ta trưởng thành trong nền văn hoá của riêng mình hoặc trong một nền văn hoá khác, và vì chúng ta gặp gỡ và hiểu được những con người mà chúng ta có thể không bao giờ chắc chắn rằng chúng ta hiểu được một cách chính xác họ đang nghĩ gì, họ muốn thể hiện ý nghĩa gì qua những đồ vật. Tất cả những gì mà chúng ta phải tiếp tục cố hiểu chỉ là những tiếng lào xào mơ hồ và những hành động của họ trên trần thế khi chúng ta gặp họ. Dần dần khi nhiều sự kiện vật chất xuất hiện, chúng ta bắt đầu nhận ra một cái gì đó gần như cái “tha tính” kia. Tuy nhiên khi cái khác lạ ấy được đánh giá gần giống với một cái gì đó thì cái khác lạ không còn hoàn toàn khác lạ nữa.

Các nguyên lý phổ biến của ý nghĩa mà tôi muốn gợi ý lại nằm khuất sau những kinh nghiệm như vậy chỉ là những thứ mà tất cả chúng ta đều tuân theo như là những tác nhân xã hội còn nhà KCH thì tuân theo để lý giải quá khứ. Tôi chỉ đơn giản muốn làm cho các thao tác này trở nên rõ ràng hơn, nhất là trong mối liên hệ với KCH và với nguồn dữ liệu mà các nhà KCH xử lý.

Hai vấn đề nêu ra trong tập sách này cần được nhấn mạnh ở đây. Trước hết là các ý nghĩa nội tại chủ quan mà nhà KCH có thể suy luận lại không phải là những ý niệm trong “đầu” người ta, với ý nghĩa là chúng không phải là những tư tưởng có ý thức của các cá nhân. Đúng hơn, chúng là những khái niệm xã hội và đại chúng được mô phỏng trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày. Vậy là cả hai vấn đề đó đều được làm rõ đối với các nhà KCH và vì những thực tiễn của các nhóm xã hội được thể chế hoá trở thành thông lệ, chúng dẫn tới sự mô phỏng và trở thành mô thức. Vậy là từ những mô hình vật chất này các nhà KCH có thể ngoại suy ra những khái niệm ẩn chứa trong chúng. Cách thức thứ hai, rất khả thi để đọc văn hoá vật chất có thể là vì ngữ cảnh của việc sản xuất văn hoá vật chất cụ thể hơn ngữ cảnh của ngôn ngữ và diễn ngôn. Các ý nghĩa văn hoá vật chất chịu ảnh hưởng mạnh bởi những nghiên cứu công nghệ, vật chất và chức năng. Thực chất cụ thể và phần nào không phải văn hoá của những yếu tố như vậy làm cho “văn bản” văn hoá vật chất trở nên dễ đọc hơn những ký hiệu võ đoán của ngôn ngữ. Văn bản văn hoá vật chất không chỉ trừu tượng và mang tính khái niệm mà còn thực dụng và không võ đoán.

Trong số những thuật ngữ được sử dụng thì thuật ngữ “ngữ cảnh” được coi là việc đặt các hạng mục “vào văn bản” của chúng – “con-text”. Khái niệm tổng quát ở đây là “ngữ cảnh” có thể được liên hệ với các bộ phận của một tài liệu viết mà các bộ phận đó hình thành trực tiếp trước và sau một ngữ đoạn riêng, liên hệ rất chặt chẽ với nó về phương diện ý nghĩa, mà ý nghĩa thì lại không tách biệt hẳn khỏi chúng. Dưới đây, tôi sẽ đưa ra một định nghĩa đặc trưng hơn về “ngữ cảnh”. Tạm thời, mục đích của tôi là phác thảo ra những cách thức để các nhà KCH chuyển từ văn bản tới nội dung ý nghĩa biểu tượng.

Những tương đồng và khác biệt

Khởi đầu việc hệ thống hoá phương pháp luận để lý giải nội dung ý nghĩa quá khứ từ văn hoá vật chất thì dường như các nhà KCH xác định những loại hình khác nhau của những tương đồng và khác biệt phù hợp, và những loại hình đó được tạo ra để gán cho những loại liên tưởng ngữ cảnh khác nhau. Sau đó các trừu tượng hoá được thực hiện từ cả những ngữ cảnh, những tương đồng và những khác biệt để đạt tới ý nghĩa trong khuôn khổ chức năng và nội dung (xem Fig. 6).

Vậy là chúng ta có thể bắt đầu với ý tưởng về những tương đồng và khác biệt. Trong ngôn ngữ thì đó đơn giản là một ý niệm khi ai đó nói “đen” chúng ta sẽ cấp cho âm thanh đó một nghĩa, vì nó vang lên tương tự (dù không phải y hệt) với những ví dụ khác của từ “đen”, và vì nó khác với các âm thanh khác như “trắng” hoặc “đàng sau”. Trong KCH có một quan niệm chung là chúng ta xếp một chiếc bình vào loại hình “A”, vì trông nó giống như những chiếc bình khác cùng loại, và trông khác với loại hình những chiếc bình “B”. Trong các mộ, chúng ta có thể phát hiện ra những chiếc ghim cài áo nằm cùng với những người phụ nữ, và sự tương đồng này trong những vị trí trong không gian và trong một đơn vị địa tầng khiến cho chúng ta nghĩ rằng những chiếc ghim cài có nghĩa là phụ nữ, nhưng chỉ khi nào trong các mộ đàn ông không hề tìm thấy ghim cài áo, mà chỉ thấy những thứ khác. Những tương đồng và khác biệt khác với phụ nữ, những hoạt động của phụ nữ có thể cho phép ta thực hiện một sự trừu tượng hoá liên quan đến nội dung ý nghĩa “nữ giới”. Chẳng hạn những chiếc ghim cài có thể có những mẫu còn được phát hiện ở đâu đó nữa cùng với một loại hiện vật nào khác với mục đích mô phỏng hơn là với mục đích sản xuất (xem nghiên cứu của Faris tr. 64 và phân tích của McGhee tr. 46).

Chúng ta có thể công thức hoá quá trình tìm kiếm những tương đồng và khác biệt này bằng sơ đồ sau: Cần phải chỉ dẫn để so sánh một lược đồ như vậy với một lược đồ tiếp theo, trong đó là những mối quan hệ chức năng thiết thực chứ không phải là những chức năng biểu tượng được tìm kiếm.

Ở đây nhà KCH lý giải khu vực xung quanh một cái bếp với tư cách là một khu vực hoạt động vì các công cụ xuất hiện ở đó khác với các bộ phận khác của di chỉ hoặc nhà ở, nơi không tìm thấy công cụ. Loại hình giải thích này giống hệt với cách giải thích trên, trong đó ý nghĩa biểu tượng của chiếc ghim cài được phát hiện. Nhưng như đã nói trong suốt tập sách này, không hề có sự phân cách nhất thiết giữa hai mục đích này: chức năng và ý nghĩa biểu tượng không hề mâu thuẫn nhau. Vì vậy chiếc ghim cài có chức năng cài kín áo và có lẽ để tượng trưng cho người phụ nữ, và nó cũng có thể mang nội dung ý nghĩa “những người phụ nữ là sinh sản”. Tương tự như vậy, khu vực hoạt động xung quanh bếp có thể chỉ định rằng bất cứ công cụ nào cũng có nội dung ý nghĩa “nhà”, “bếp gia đình” ...vv. Sự thật thì chúng ta cần giả định một ý nghĩa nào đó như vậy để trước hết tìm kiếm khu vực hoạt động xung quanh bếp, và để gán cho các đồ vật được phát hiện ở đó những chức năng có liên quan. Việc xác định một “khu vực hoạt động” là áp đặt một nội dung ý nghĩa. Hai loại ý nghĩa (nội dung chức năng hệ thống và nội dung thể hiện ý tưởng) nhất thiết liên thuộc với nhau – cho nên không thể nói về một loại ý nghĩa này mà không đề cập đến loại kia.

Lý giải trên về ý nghĩa được nêu ra từ những tương đồng và khác biệt đồng thời đều chịu ảnh hưởng bởi những thảo luận ở chương 3, và mục đích của nó không có gì khác là tìm ra những phương cách thích hợp để các nhà khảo cổ học sử dụng vào công việc của mình. Tuy nhiên còn phải tính đến yếu tố đề xuất qui tắc. Trước hết cần phải thừa nhận rằng sự tương đồng và khác biệt có thể được xác định ở nhiều “cấp độ”. Vì vậy mà các tương đồng và khác biệt có thể xuất hiện trong khuôn khổ của nhiều phương biến đổi cơ bản, chẳng hạn như những đối lập về cấu trúc, các quan niệm về “tính trật tự”, “tính tự nhiên” ...vv. Lý thuyết luôn luôn can dự vào việc xác định  những tương đồng và khác biệt, nhưng ở những cấp độ “sâu hơn” thì nhu cầu về lý thuyết giàu sức tưởng tượng lại đặc biệt rõ ràng. Tôi sẽ quay trở lại với những cấp độ khác nhau của tương đồng và khác biệt dưới đây. Thứ hai, còn có thể khẳng định rằng các nhà KCH đã tập trung quá nhiều vào những tương đồng, và quá ít vào những khác biệt (Van der Leeuw, thông tin cá nhân cho tác giả). Những tiếp cận tổng thể so sánh văn hoá đã dựa trên việc xác định những tương đồng và những nguyên nhân chung. Cái thiên hướng đó đã được giải thích bằng một chức năng biểu tượng phổ quát nào đó của toàn bộ những hoa văn hoặc của toàn bộ biểu tượng, chẳng hạn như hoa văn trang trí gốm. Các xã hội đã được phân thành các loại hình (các nhà nước, những người săn bắn – hái lượm...vv) và những đặc trưng chung cũng đã được xác định. Đương nhiên bất cứ một công trình nào như vậy cũng đều giả định những khác biệt, nhưng sự “có mặt” của một vắng mặt thì lại rất ít khi được tập trung nghiên cứu. Chẳng hạn như chúng ta có thể hỏi tại sao chỉ có những chiếc bình là được trang trí hoa văn. Đây lại là một phần của vấn đề xác định một khuôn khổ riêng trong đó hành động trở nên có ý nghĩa. Nếu những chiếc bình chỉ là một loại đồ đựng được trang trí trong một ngữ cảnh văn hoá thì nó thích hợp cho việc lý giải ý nghĩa của hoa văn trang trí. Nhưng về tổng thể thì các nhà KCH có khuynh hướng tách rời những chiếc bình khỏi ngữ cảnh của chúng và đo những tương đồng giữa những chiếc bình.

Nhu cầu xem xét những khác biệt có thể được làm rõ bằng một phương cách cực đoan nào đó, chẳng hạn với từ “pain - đau”. Một cách để can thiệp vào ý nghĩa chưa biết của từ này có lẽ là tìm kiếm những từ tương đồng trong những nền văn hoá khác. Vậy thì chúng ta sẽ tìm kiếm một loạt các từ có vẻ giống, bao gồm cả những ví dụ tìm được ở Anh và Pháp và xác định những đặc trưng chung của chúng. Nhưng thực tế thì cùng một từ đó nhưng lại có những ý nghĩa hoàn toàn khác nhau trong tiếng Anh và tiếng Pháp. Người ta sẽ nhanh chóng nhận ra điều này bằng cách tập trung vào những liên tưởng tương tự của từ đó trong hai nền văn hoá - ở Anh với từ “agony – đau đớn” và ở Pháp với từ “pain - bánh mì”. Cái ví dụ quá đơn giản này đã củng cố quan điểm của Collingwood cho rằng mỗi thuật ngữ mà nhà KCH sử dụng phải được đưa ra phê phán để xem chúng có thể có những ý nghĩa khác nhau trong những ngữ cảnh khác nhau hay không. Vậy là các nhà KCH cần phải sống với sự khác biệt và vắng mặt; họ phải luôn luôn đặt những câu hỏi chẳng hạn như: có phải loại bình ấy được phát hiện trong những trạng huống khác nhau, tại sao những loại bình khác lại không trang trí, tại sao những đồ đựng khác cũng không trang trí, tại sao loại bình trong mộ này hoặc kỹ thuật sản xuất kia lại không thấy ở khu vực này?.

Nhà KCH có thể mô tả những tương đồng và khác biệt bằng gì? Trong ví dụ về chiếc ghim cài được đưa ra ở trên, chúng ta đã thấy một sự khác biệt về loại hình (giữa chiếc ghim cài áo và chiếc châm) và một tương đồng về trầm tích tầng văn hoá (chiếc ghim cài xuất hiện ở trong mộ cùng với người phụ nữ). Tôi cũng đã viện tới những tương đồng và khác biệt theo phương chức năng. Chúng ta sẽ nhận thấy rằng việc đan dệt và tạo thành mạng lưới những loại hình và cấp độ khác nhau của các tương đồng và khác biệt tạo thuận lợi cho việc lý giải. Tuy nhiên, trong lúc này, tôi muốn thảo luận về mỗi loại phương tương đồng/khác biệt tách rời nhau. Mỗi loại tương đồng và khác biệt có thể xuất hiện ở nhiều hơn một qui mô, một cấp độ.

Loại tương đồng và khác biệt đầu tiên mà các nhà KCH thường gặp là loại biểu thị thời gian. Rõ ràng là nếu hai hiện vật gần nhau trong thời gian, có nghĩa là chúng tương đồng về phương thời gian thì có nhiều khả năng các nhà KCH xếp chúng vào cùng một ngữ cảnh và gán cho chúng những ý nghĩa tương ứng. Tất nhiên phương thời gian cũng gắn liền với các phương khác nữa – nếu hai hiện vật tồn tại trong cùng một ngữ cảnh thời gian nhưng lại cách xa nhau về không gian hoặc cách xa nhau ở những phương khác thì ngữ cảnh thời gian tương đồng là không thích hợp. Truyền bá là một quá trình xảy ra trong thời gian và trong không gian và cũng bao gồm cả phương loại hình học nữa.

Việc quan tâm đến phương thời gian là để biệt lập một thời kỳ hoặc thời đoạn mà trong đó theo một nghĩa nào đó các sự kiên có liên quan cũng xuất hiện. Vậy là trong một thời đoạn có tồn tại tính liên tục của cấu trúc, và/ hoặc nội dung ý nghĩa và/ hoặc các quá trình hệ thống ...vv. Nhưng mức độ phân tích thời gian như thế nào là cần thiết để tìm hiểu một đối tượng riêng lẻ bất kỳ? Ở chương 5, các ví dụ được sử dụng để lưu ý tính liên tục hàng nghìn năm. Nó cũng gợi ý rằng (tr. 93) rốt cục thì cần phải lùi trở lại, “lột vỏ củ hành” cho đến khi nào chính cái hành vi văn hoá đầu tiên kia được xác định. Đây không phải là một giải pháp thực tiễn hoặc cần thiết áp dụng cho hầu hết các trường hợp; trong hầu hết các trường hợp thì người ta chỉ đơn giản muốn xác định cái ngữ cảnh lịch sử liên quan trực tiếp đến vấn đề trong tầm tay mà thôi.

Các nhà KCH đã có một bộ công cụ kỹ thuật lượng hoá để xác định những liên tục và đứt đoạn trong những chuỗi thời gian (Doran và Hodson 1975), và bằng chứng ấy được sử dụng để xác định ngữ cảnh liên quan, nhưng nhiều đứt đoạn có vẻ trọng yếu thì thật ra lại có thể bộc lộ những liên tục hoặc những biến đổi trong cấp độ cấu trúc, và chúng có thể liên quan đến truyền bá và di cư, điều đó hàm ý rằng cái ngữ cảnh thời gian liên quan phải được tuân thủ trong các ngữ cảnh không gian khác. Nhìn chung các nhà KCH đã thành công trong việc xác định những mối liên hệ hệ thống liên quan để tìm hiểu bất cứ một đối tượng nào (hiện vật, di chỉ...vv). Đơn giản là toàn bộ các nhân tố trong hệ thống trước đây thể hiện cái tác động đến trạng thái mới. Nhưng trong việc gán nội dung ý nghĩa, khi nhà KCH muốn đánh giá những đòi hỏi rằng hai đối tượng dường như đều có cùng một nội dung ý nghĩa vì chúng là đồng thời, hoặc là những ý nghĩa kia có vẻ đã không thay đổi trong cùng một thời đoạn, thì vấn đề về cấp độ lại càng trở nên quan trọng hơn. Vậy là từ việc xem xét những tương đồng và khác biệt về phương thời gian, chúng ta vẫn còn phải giải quyết một vấn đề nữa, đó là cấp độ nào thích hợp với một ngữ cảnh thời gian tương ứng? Câu hỏi về cấp độ sẽ còn xuất hiện lại và sẽ được giải quyết sau, nhưng nó có vẻ như phụ thuộc vào các câu hỏi nào được đưa ra và phụ thuộc vào những thuộc tính được đo lường.

Những tương đồng và khác biệt cũng có thể được ghi chú theo phương không gian. Ở đây các nhà KCH quan tâm tới việc xác định các ý nghĩa biểu tượng, chức năng và các cấu trúc từ những cách bố trí các đồ vật (và di chỉ...vv) trong không gian. Thông thường việc phân tích theo chiều không gian giả định rằng chiều thời gian cũng được kiểm soát. Mối quan tâm đó chính là việc tạo ra ý nghĩa từ những đối tượng bởi vì chúng cũng có các mối liên hệ không gian tương tự (chẳng hạn như hiện vật tập hợp thành cụm, xếp cách nhau một cách đều đặn). Hơn nữa chúng ta đã có một bộ công cụ kỹ  thuật sử dụng cho công việc phân tích như vậy. Có thể khẳng định rằng nhiều kỹ thuật không gian như vậy đã tham dự vào việc xây dựng những giả thuyết có nguồn gốc ngoại sinh mà không nghiên cứu đầy đủ về ngữ cảnh; tuy nhiên những thao tác phân tích mới giờ đây đang xuất hiện tạo ra một sự nhạy cảm lớn hơn đối với các dữ liệu KCH. Chẳng hạn như Kintigh và Amerman (1982) đã mô tả phương pháp ngữ cảnh, tự tìm tòi phát hiện để mô tả những phân bố theo điểm, và những kỹ thuật có liên quan đã được mô tả để đánh giá sự phối hợp giữa các phân bố (Hodder và Okell 1978), và để xác định gianh giới của các phân bố (Carr 1984). Thực sự thì có thể xác định một tổng thể thế hệ mới của các kỹ thuật phân tích không gian trong KCH, là thứ ít liên quan đến việc áp đặt các phương pháp và lý thuyết, đã được làm trọn vẹn từ những bộ môn khác hoặc từ lý thuyết xác suất trừu tượng, và quan tâm hơn tới vấn đề KCH đặc trưng trong tầm tay (Hodder 1985).

Trong những phương pháp khác nhau này, nhà KCH tìm cách để xác định ngữ cảnh không gian phù hợp để tìm hiểu về một đối tượng đặc thù. Trong nhiều trường hợp, điều này tương đối dễ thực hiện – các nguồn gốc của nguyên liệu có thể được phát hiện, qui mô không gian của mẫu có thể được vạch ra, các gianh giới của tập hợp điểm cư trú có thể được phác thảo. Tuy nhiên thường thì mức độ phân tích thích hợp sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào những đối tượng được lựa chọn (nguyên liệu, phong cách trang trí, hình dáng). Điều đó tương tự với việc phát hiện một sự thay đổi nếu hỏi ai đó “bạn đến từ đâu?”. Lời đáp (đường phố, ngoại thị, thị trấn, quận, quốc gia, lục địa) sẽ tuỳ thuộc vào những câu hỏi mang tính ngữ cảnh (nói chuyện với ai, nói chuyện ở đâu, tại sao lại hỏi câu đó). Vì vậy không hề có mức độ phân tích “thích hợp”.

Vấn đề này đặc biệt nhạy cảm trong mối quan tâm của KCH nhằm xác định “các khu vực” phân tích. Điều này thường được thực hiện một cách tiên thiên, dựa trên những đặc trưng môi trường (chẳng hạn như một hệ thống thung lũng), nhưng liệu một thực thể được gán vào như vậy có bất cứ sự phù hợp nào với các câu hỏi được đưa ra hay không thì vẫn chưa được rõ. “Khu vực” sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào những thuộc tính được thảo luận. Vì vậy có thể không có một cấp độ tiên thiên nào của ngữ cảnh không gian – cái ngữ cảnh khác biệt với môi trường trực tiếp đối với toàn thể thế giới nếu như một phương biến đổi thích hợp nào đó có thể được phát hiện gắn liền với các đối tượng (di chỉ, văn hoá hoặc bất cứ một cái gì đó) ở những cấp độ khác nhau. Như đã phân tích về phương thời gian, việc xác định ngữ cảnh sẽ tuỳ thuộc vào những phương biến đổi phù hợp theo đó các tương đồng và khác biệt được đo lường, và điều đó sẽ được thảo luận thêm dưới đây.

Có lẽ là hữu ích khi xác định một loại tương đồng và khác biệt thứ ba - đơn vị trầm tích – trên thực tế chính là sự kết hợp của hai loại đầu tiên. Tôi muốn nói trong trường hợp này là những lớp đất, hố, mộ, mương rãnh và những thứ như vậy đều được giới hạn trong không gian và trong thời gian. Việc nói rằng hai đối tượng đó có thể có các ý nghĩa phối hợp vì chúng xuất hiện từ cùng một hố chỉ mang tính chủ quan giống như việc nói rằng chúng có những ý nghĩa liên quan, vì chúng liên kết với nhau về phương diện không gian và thời gian, nhưng cũng có một hợp phần lý giải bổ sung trong đó khẳng định rằng các gianh giới của đơn vị đó tự thân chúng là tương hợp với việc xác định ý nghĩa. Các nhà KCH thường chấp nhận tiên đề này; thực ra thì việc cùng xuất hiện trong một hố hoặc trên một nền nhà có thể được coi là quan trọng hơn một khoảng không gian không được giới hạn. Hơn nữa những tương đồng và khác biệt trong một đơn vị trầm tích có thể được nhận ra ở nhiều qui mô (lớp, lỗ cột, nhà, di chỉ) và vấn đề về việc xác định qui mô phù hợp của ngữ cảnh cũng cần phải được thảo luận.

Phương loại hình học cũng có thể được coi là một biến thể của hai phương đầu tiên. Nếu hai hiện vật được cho là tương đồng về mặt loại hình thì điều đó thực sự có nghĩa là chúng có những cấu trúc hoặc hình dạng tương tự trong không gian. Tuy nhiên cần phải phân biệt khái niệm “loại hình” như các nhà KCH vẫn hiểu, vì những tương đồng về mặt loại hình học của các đối tượng trong không gian và thời gian thì khác với những khoảng cách (trong không gian và thời gian) giữa các đối tượng đó. Thực ra thì khái niệm tương đồng và khác biệt về loại hình học là trung tâm của việc xác định các ngữ cảnh thời gian (kết hợp thành thời kỳ, thời đoạn) và các ngữ cảnh không gian (kết hợp thành những văn hoá, phong cách). Vì vậy loại hình học là trung tâm phát triển của các tiếp cận ngữ cảnh trong KCH. Đó cũng chính là một phương gắn liền KCH với những phương pháp và các mối quan tâm truyền thống của nó.

Cơ sở của toàn bộ công trình KCH là nhu cầu sắp xếp thành hệ thống và phân loại. Vấn đề gây tranh luận chính là liệu các loại hình này là “của chúng ta” hay “của họ” “trong cuộc” hay “ngoài cuộc”, là một vấn đề rất xưa cũ. Tuy nhiên về tổng thể thì giai đoạn phân tích loại hình học đầu tiên này của các khu cư trú, các hiện vật hoặc các loại hình hoạt động kinh tế thường bị tách ra khỏi việc phân tích các quá trình xã hội sau đó. Hầu hết các nhà KCH đều thừa nhận tính chủ quan trong các phân loại loại hình của họ và đều nhấn mạnh đến các kỹ thuật vi tính và toán học để nhằm hạn chế bớt tính chất chủ quan này. Sau khi đã làm “hết khả năng” của mình với những khó khăn không thể tránh khỏi ở giai đoạn đầu, các nhà KCH hướng tới việc lượng hoá và so sánh để đạt được các kết quả về quá trình xã hội.

Chẳng hạn có thể khẳng định rằng có sự không đồng bộ và tính đa dạng trong một khu vực hoặc một giai đoạn so với một khu vực hoặc một giai đoạn khác; hoặc một vùng có các di chỉ, trong đó 20% mảnh gốm có hoa văn hình zic zắc, trong khi đó khu vực liền kề cũng có 20% hoa văn zic zắc, cho thấy có sự tiếp xúc chặt chẽ và không có cạnh tranh, trao đổi...vv. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo rằng cách phân loại loại hình học ban đầu ấy là có giá trị? Như trong ví dụ về chim/hươu ở trang 17, làm sao chúng ta có thể đảm bảo rằng các hoa văn zic zắc kia trông thì có vẻ giống nhau nhưng chắc gì đã không khác nhau?

Để hiểu được những vấn đề như vậy, trước hết phải bắt đầu với cấu trúc của hoa văn trang trí (chương 3). Có phải hoa văn zig- zag đều được trang trí ở cùng những bộ phận, của cùng những loại bình, hoặc trong cùng một vị trí cấu trúc liên quan tới những loại hoa văn khác? Nhưng cũng cần phải biết ngữ cảnh lịch sử -văn hoá của việc sử dụng hoa văn zig zags (và những hoa văn khác) trong hai vùng đó là gì? Đi ngược lại thời gian chúng ta có thể gặp được hoa văn zig zags xuất phát từ những nguồn gốc và những truyền thống khác nhau không? Chúng có những liên tưởng và những ý nghĩa khác không?

Khi xác định loại hình, các nhà KCH cần phải xem xét sự liên tưởng lịch sử của những đặc điểm để cố gắng thâm nhập được vào những ý nghĩa chủ quan mà chúng chứa đựng. Trong một mức độ nào đó, về phương diện truyền thống các nhà KCH đã rất nhạy cảm với những cách xem xét như vậy, chí ít là cũng làm một cách ngấm ngầm. Chẳng hạn như thông qua nhiều di chỉ Đá mới ở Bắc và Tây Âu, những chiếc bình có khuynh hướng được trang trí hoa văn theo chiều ngang ở gần mép miệng, và theo chiều dọc ở phần thấp hơn. Đối với những chiếc cốc vại thì sự khác biệt này được đánh dấu bởi chỗ gãy gập ở phần bên ngoài giữa cổ và thân bình. Trong việc thảo luận và phân loại loại hình gốm Đá mới, hoàn cảnh lịch sử đặc trưng này cũng cần phải được tính đến; những vị trí thấp hơn hay cao hơn dùng để trang trí hoa văn phải được xử lý khác nhau.

Tất nhiên có thể cho rằng những khác biệt như vậy giữa việc trang trí theo chiều ngang ở trên và trang trí theo chiều dọc ở dưới hoàn toàn được áp đặt từ bên ngoài và có lẽ đã không được người thời Đá mới thừa nhận. Chắc chắn là khả năng này sẽ luôn luôn tồn tại, nhưng điều đó đã chứng tỏ rằng các nhà KCH đã thành công và có thể còn thành công hơn nữa trong việc phục dựng lại các loại hình học gần giống với cách nhận thức bản địa (luôn luôn phải nhớ rằng những nhận thức như vậy thay đổi theo các ngữ cảnh và chiến lược xã hội). Thành công trong các nỗ lực như vậy tuỳ thuộc vào việc bao gồm càng nhiều thông tin có trong các bối cảnh lịch sử và những liên tưởng các đặc điểm, phong cách và các thuộc tính thiết kế tổ chức, cũng như trong việc phục dựng cách thức sử dụng năng động cách đặc điểm như vậy trong các chiến lược xã hội thì càng tốt.

Vì vậy cách tiếp cận ngữ cảnh đối với loại hình học chính là việc bao gồm càng nhiều thông tin càng tốt về những tương đồng và khác biệt của các thuộc tính cá nhân trước khi xây dựng những loại hình học qui mô hơn. Một cách tiếp cận khác là chấp nhận tính võ đoán của các phạm trù phân loại của chúng ta và phải được mở hơn cho những khả năng khác nữa. Chẳng hạn như các loại hình học thực vật được các nhà cổ dân tộc thực vật học sử dụng có khuynh hướng giới hạn trong bảng kê các loài đã biết. Tuy nhiên có thể phân loại các di tích thực vật theo độ cao của cây, độ nhớt dính của lá, giai đoạn ra hoa...vv. Nên kiểm tra những cách phân loại khác nhau xem có những mối liên hệ gì với các biến số khác, với mục đích làm cho dữ liệu giúp ta lựa chọn loại hình học thích hợp. Cũng có thể áp dụng thao tác đó cho các loại hình học khác như xương, gốm.

Bốn phương biến đổi (không gian, thời gian, trầm tích và loại hình học) đã được thảo luận và những biến đổi chức năng cũng đã được đề cập vắn tắt. Còn một vấn đề tổng quát cần được nhấn mạnh. Một khía cạnh quan trọng của lịch sử ngữ cảnh là nó cho phép các phương biến đổi xuất hiện ở những cấp độ “sâu hơn” trong hầu hết các bộ môn KCH. Nói cách khác, các tương đồng và khác biệt cũng được phát hiện trong khuôn khổ của những trừu tượng được xây dựng từ các dữ liệu có thể quan sát bằng những cách thức chưa thật rõ ràng. Chẳng hạn việc đối lập trừu tượng giữa văn hoá và tự nhiên có thể liên quan đến mức độ “bố phòng” hoặc được rào lại của khu cư trú, và liên quan đến những phần đất hoang cũng như các vật nuôi phát hiện được trong các khu vực đó. Vì vậy ở đâu mà sự phân đôi văn hoá/tự nhiên thấy rõ ràng hơn thì các gianh giới xung quanh các khu cư trú (tách biệt thuần dưỡng khỏi hoang dại) có thể là rất quan trọng, các ngôi nhà cũng có thể được làm cầu kỳ hơn, và ngay cả gốm cũng có thể được trang trí nhiều hơn (là để đánh dấu việc thuần hoá các sản phẩm khi chúng được nuôi trồng, sử dụng, chế biến và tiêu dùng trong cái thế giới đã thuần hoá). Xương của các động vật hoang dại, đặc biệt là những tổ tiên vẫn còn hoang dại hoặc các tổ tiên của các nòi đã được thuần hoá, có thể không tìm thấy ở các di chỉ cư trú. Khi sự phân đôi văn hoá/ tự nhiên bắt đầu trở nên ít rõ ràng hơn hoặc là khi tiêu điểm của nó đã thay đổi thì toàn bộ những “tương đồng” trên cũng thay đổi theo nếu như giả thiết rằng sự phân đôi văn hoá/tự nhiên là một phương biến đối tương ứng là chính xác. Một  điều còn chưa rõ ràng là các gianh giới bao quanh các khu cư trú, việc trang trí gốm và các bộ phận động vật hoang dã và đã được thuần hoá có bất kỳ mối liên quan nào với nhau không. Việc dự liệu một trừu tượng “sâu” đột ngột giúp tạo ra ý nghĩa cho các loại thông tin khác nhau khi chúng thay đổi theo thời gian.
__________________________________________

Còn nữa...


Tài liệu tham khảo

Barrett, J. C. and Kinnes, I. (eds.), 1988, The Archaeology of Context in the Neolithic and Bronze Age: Recent Trends, University of Sheffield: J. Collis.

Berard, C., and Durand, J.-L., 1984, ‘Entrer en imagerie’, in La Cit´ e des images, Paris: Fernand Nathan.

Bourdieu, P., 1977. Race, Language and Culture. NewYork:Macmillan Press.

Bourdieu, P., 1977, Outline of a Theory of Practice, Cambridge University Press.

Butzer,K., 1982, Archaeology as Human Ecology, Cambridge University Press.

Carr,C., 1984, The Nature of Organisation of Intrasite Archaeological Records and Spatial Analysis Approaches to their Investigation, in M. Schiffer (ed.), Advances in Archaeological Method and Theory, vol. 7, NewYork: Academic Press.

Collingwood, R.G. 1946. The Idea of History. Oxford University Press.

Davis, D. D., 1984, Investigating the Diffusion of Stylistic Innovations, in M. Schiffer (ed.), Advances in Archaeological Method and Theory, vol. 6, NewYork: Academic Press.

Doran, J., and Hodson, F. R., 1975, Mathematics and Computers in Archaeology, Edinburgh: Edinburgh University Press.

Ericson, J., and Earle, T. (eds.), 1982, Contexts for Prehistoric Exchange, NewYork: Academic Press.

Faris, J., 1972. Nuba Personal Art, London: Duckworth.

Faris, J., 1983, From Form to Content in the Structural Study of Aesthetic Systems, in D. Washburn (ed.), Structure and Cognition in Art, Cambridge University Press.

Flannery, K. V., 1973. Archaeology with a Capital S. In C. Redman (ed.), Research and Theory in Current Archaeology, NewYork: Wiley.

Flannery, K. V., 1982, The GoldenMarshalltown: A Parable for the Archaeology of the 1980’s’, American Anthropologist 84, 265–78.

Flannery, K. V., 1983, The Cloud People, NewYork: Academic Press.

Flannery, K. V., and Marcus, J., 1976. Formative Oaxaca and the Zapotec Cosmos. American Scientist 64, 374–83.

Hall,R. L., 1977, An Anthropocentric Perspective for Eastern United States Prehistory, American Antiquity 42, 499–517.

Hodder, I., 1982a. Symbols in Action. Cambridge University Press.

Hodder, I., 1985, NewGenerations of Spatial Analysis in Archaeology, in F. Burillo (ed.), Arqueologia Espacial, Tervel: Colegio Universitario.

Hodder, I., 1989a. This is not an Article about Material Culture as Text. Journal of Anthropological Archaeology 8, 250–69.

Hodder, I., and Okell, E., 1978, An Index for Assessing the Association between Distributions of Points in Archaeology, in I.Hodder (ed.), Simulation Studies in Archaeology, Cambridge University Press.

Kintigh, K., and Ammerman, A. J., 1982, Heuristic Approaches to Spatial Analysis in Archaeology, American Antiquity 47, 31–63.

McGhee,R., 1977. Ivory for the Sea Woman: The Symbolic Attributes of a Prehistoric Technology. Canadian Journal of Archaeology 1, 141–59.

Patrik, L. E., 1985, Is there an Archaeological Record?, in M. B. Schiffer (ed.), Advances in Archaeological Method and Theory, vol. 8, NewYork: Academic Press.

Renfrew, A. C., 1973. Social Archaeology. Southampton: Southampton University.

Renfrew, A. C., 1972, The Emergence of Civilisation, London: Methuen (ed.), 1973a, The Explanation of Culture Change, London: Duckworth.

Schiffer, M. B., 1976. Behavioural Archaeology. New York: Academic Press.

Watson, P.J., Leblanc, S. J., and Redman, C. L., 1971, Explanation in Archaeology: An Explicitly Scientific Approach, NewYork: Columbia University Press.

Wells, P. S., 1984, Prehistoric Charms and Superstitions, Archaeology 37, 38–43.

Wells, P. S., 1985, Material Symbols and the Interpretation of Cultural Change, Oxford Journal of Archaeology 4, 9–17.

Whallon, R., 1974, Spatial Analysis of Occupation Floors, II: The Application of Nearest Neighbour Analysis, American Antiquity 39, 16–34.
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét