Powered By Blogger

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Cội nguồn của việc giáo dục lòng yêu nước ở Việt Nam



Cội nguồn của việc giáo dục lòng yêu nước ở Việt Nam

Le Minh Khai

Người dịch: Hà Hữu Nga


Tiếp tục ý tưởng của hai bài viết ngắn đã đăng trên blog này, một trong những thành tố chủ yếu của hệ mẫu thống trị trong lịch sử Việt Nam là luôn luôn hướng lòng yêu nước đến dân tộc mình.

Ngược lại với khẳng định này, chúng tôi có thể chứng minh một cách rõ ràng sự xuất hiện của khái niệm chủ nghĩa yêu nước (trong tiếng Hán là ái quốc, nhưng thường thể hiện bằng tiếng Việt là lòng yêu nước) ở Việt Nam là vào đầu thế kỷ XX. Chúng ta có thể thấy vào lúc đó, khái niệm ấy xuất hiện ở một số ấn phẩm, trong đó có một loại sách giáo khoa mới, rõ ràng là cổ vũ cho khái niệm này, và  đó là một khái niệm hoàn toàn mới.
  
Một ví dụ điển hình là sách Cải lương mông học quốc sử giáo khoa thư  改良蒙學國史教科書. Tôi không biết chắc chắn thời điểm chính xác xuất bản sách này, nhưng có lẽ vào khoảng năm 1912. Cuốn sách giới thuyết về việc cần phải có dân trí, dân khí mới tương tự  như trong loại sách Việt sử yếu 越史要 xuất bản năm 1914.

Tinh thần mới mà các cuốn sách này cổ vũ là gì? Các tác giả cho rằng “người Việt” (cần nhớ rằng đoạn dưới đây trong sách Cải lương mông học quốc sử giáo khoa thư không dùng từ này. Ở đây tôi dùng từ này là để đơn giản hóa) không có tinh thần ái quốc vì thực ra họ không hề nghĩ về mảnh đất của họ. Thay vào đó họ chỉ chăm chú vào cái học của nước lớn phương bắc.

Đây là một trong những thay đổi tri thức quan trọng nhất diễn ra trong thời gian đó. Sau nhiều thế kỷ sống trong một thế giới mà những người Việt có học định giá tri thức là một cái gì đó có tính phổ quát (ngày nay chúng ta gọi là tri thức Trung Quốc), vào đầu thế kỷ XX, những người Việt có học đã rời bỏ cách thức nhìn nhận thế giới như vậy và bắt đầu nhấn mạnh vào nhu cầu tìm hiểu chính đất nước mình.

Tại sao lại có truyện như vậy? Đó là vì trong thời gian đó, trí thức Việt Nam đã bắt đầu học hiểu về khái niệm dân tộc, và họ biết được rằng người phương Tây không nhấn vào loại hình tri thức phổ quát như họ, thay vào đó, họ đánh giá nguồn thông tin về từng quốc gia cụ thể.

Đó là một quan niệm mới với nhiều thuật ngữ gắn liền với nó, chẳng hạn “dân tộc” – thường khó phân biệt khi sử dụng khái niệm đó trong giao đoạn chuyển tiếp này, vì thuật ngữ này cũng được dùng cho chữ [vương quốc]. Vì vậy khi giới có học đầu thế kỷ XX nói về 國史 quốc sử thì khó mà biết được là họ có ý định nói về “lịch sử dân tộc” hay nói về “lịch sử vương quốc”. Dân tộc 民族 là một khái niệm mới, được các nhà cải cách Nhật Bản tạo ra vào nửa sau của thế kỷ XIX, sau đó được du nhập vào vốn từ vựng ngôn ngữ Trung Quốc. Tổ quốc 祖國, là một khái niệm khác có lẽ cũng có nguồn gốc tương tự như khái niệm dân tộc vậy. Còn khái niệm 祖國 quốc dân cũng được người Nhật tạo ra để chuyển dịch một khái niệm không có trong các ngôn ngữ như tiếng Nhật và tiếng Trung Quốc.

Theo cách hiểu đó, chúng ta hãy xem phần mở đầu của cuốn Cải lương mông học quốc sử giáo khoa thư:

 “Trong cõi có ba điều quan trọng, một trong số đó là sử. Quốc sử là cái dùng để ghi lại sự mạnh yếu của dân tộc và sự nhanh chậm trong tiến hóa của nó. Sự học của 泰西 Thái Tây trọng hơn hết là quốc sử. Hễ trong trường học, học sinh nữ hay nam đều trước hết dạy cho lịch sử bản quốc, sau đó [học] đến lịch sử nước ngoài. Lúc đồng ấu học tập thứ ấy, lớn lên sẽ tinh thông thứ ấy”.

“Đọc lịch sử [khi] tổ quốc cường thịnh thì vui sướng mà kính nể. Đọc lịch sử [khi] tổ quốc suy vi thì xót xa mà buồn thương. [Như thế] nên những quốc dân [đọc sử ấy] được làm giàu có [thêm] lòng yêu nước; [mà] người người sẽ hết sức gắng gỏi để thúc đẩy tổ quốc đến cường thịnh và làm danh dự tổ quốc được vẻ vang. Quốc sử đối với quốc dân thực có quan hệ mật thiết nhất”.

“Sở học của nước ta rặt chỉ theo nước 支那 China mà mô phỏng lối văn hủ lậu, thứ đó (=lối văn hủ lậu) đối với bản quốc vì thế thực là mông lung, [người học học nó thì] như sa vào chốn sương mù. [Điều đó khiến cho] đến mức học sinh cao đẳng trong xã hội lớp trên mà [khi] hỏi rằng thân này ở nước nào cũng không thể đối đáp được. Ôi! Với việc quốc nhân mình không biết rõ quốc sự mình, [khác gì] [chuyện] “Tịch Đàm vong tổ” (Tịch Đàm quên tổ tiên của mình) [Tịch Đàm là một nhân vật trong Tả Truyện]? Cơ hồ không biết huyết thống thân ta từ đâu mà ra, cho nên lòng yêu nước đã nông cạn lại mỏng bạc, mà khiến cho tiền đồ tổ quốc ngày càng hãm vào vực suy nhược chìm vong”.

Thuật ngữ lòng yêu nước được chuyển dịch từ nhóm từ “ái quốc tâm” 愛國心 hoặc “ái quốc chi tâm” 愛國之心. Trong khi chúng ta có thể thấy khái niệm “ái quốc” trước hết được sử dụng cho trường hợp này lại không đồng nghĩa với khái niệm lòng yêu nước, trước thế kỷ XX vốn là lòng trung thành với nhà vua. Vì vậy, ái quốc được xác định gắn liền với mối quan hệ với nhà vua, với sự nghiệp của vương triều và vương quốc hơn là gắn với “quốc dân” và đất nước mà lòng yêu nước nhắm vào. Để làm cho người dân có được ý thức “ái quốc” thì họ phải nghĩ về đất nước của mình như là một “dân tộc”, có “quốc dân” và có “lịch sử dân tộc” của “tổ quốc” này, một tổ quốc cần phải được hiểu đến mức sao cho người dân có được ý thức về “lòng yêu nước”.

Những cuốn sách mà các nhà nho sử dụng để học tập trước thế kỷ XX đều nhấn mạnh đến những điểm khác nhau này. Người ta cần học các kinh sách thánh hiền để tu thân, tề gia, trị quốc, để dung dưỡng lòng trung thành với nhà vua.

Hơn nữa, kinh sách thánh hiền là những tri thức phổ quát. Vì vậy không thể có một ý nghĩa phương Tây/hiện đại về lòng yêu nước khi truyền thống giáo dục ấy hoàn toàn khác với truyền thống Trung Quốc.

Cải lương mông học quốc sử giáo khoa thư chứng tỏ rằng giới có học đầu thế kỷ XX đang bắt tay vào hiện thực hóa điều đó, và đang nỗ lực thay đổi quyết liệt cách quan niệm thế giới cũ trên đất nước họ.   

Một thế kỷ sau chúng ta có thể thấy rằng cuối cùng họ cũng thành công. Ngày nay vẫn còn nhiều người chưa biết rằng đã từng có bước chuyển tiếp này. Kết quả là hệ mẫu thống trị vẫn xác quyết rằng từ xưa đến nay người Việt Nam vẫn luôn luôn có ý thức về lòng yêu nước hướng về dân tộc mình.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét