Powered By Blogger

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2018

Tùy thư – Truyện Chân Lạp


Nước Chân Lạp, nằm ở phía tây nam Lâm Ấp, vốn thuộc về nước Phù Nam vậy. Rời khỏi quận Nhật Nam [1], đi thuyền mất 60 ngày, phía nam giáp nước Xa Cừ, phía tây có nước Chu Giang. Vua nước này họ Sát Lợi (क्षत्रिय* Ksatryia) [2], tên là Chất Đa Tư Na (चित्रसेन* Citrasena) [3]. Bản thân tổ tiên của ông ta đã dần dần cường thịnh, đến Chất Đa Tư Na, thỏa chí thôn tính Phù Nam mà có được. Chất Đa Tư Na chết, con là Y Xa Na Tiên (Isanasena) [5] kế vị, sống ở thành Y Xa Na (6), thành ngoài có hơn 2 vạn nhà. Thành trong có một đại điện, là nơi vua ngồi nghe quần thần bẩm tấu và luận bàn về chính sự. Tất cả có 30 thành lớn, mỗi thành có vài nghìn nhà, các thành đều có bộ soái, quan danh giống như Lâm Ấp. Nhà vua 3 ngày ngự triều một lần, ngồi trên giường ngũ hương [7] thất bảo [8], được che bằng trướng báu. Trướng dùng văn mộc [9] làm hàng lan can, trang sức bằng ngà voi, vàng, hình dáng như chiếc phòng nhỏ, tỏa rạng vầng hào quang bằng vàng, giống như ở Xích Thổ vậy. Phía trước có một lò hương vàng, có hai người hầu đứng hai bên. Nhà vua khoác y phục ráng mây bình minh rực rỡ [11] may bằng vải cát bá (cổ bối) [12], trùm cuốn bụng và thắt lưng, buông đến cẳng chân, đầu đội mũ thêu hoa báu bằng vàng, cổ đeo chuỗi ngọc chân châu, chân đi dép da, tai đeo châu ngọc. Ngày thường thì mặc bạch điệp [13], đi guốc ngà voi. Nếu để đầu trần thì nhà vua cũng không đeo chuỗi ngọc chân châu. Cách ăn mặc của thần thuộc nhìn chung tương tự nhau. Có 5 vị đại thần, vị thứ nhất gọi là Cô Lạc Chi (孤落支chưa xác định được tên tiếng Khmer hay Phạn*), vị thứ hai là Cao Tương Bằng (高相憑chưa xác định được tên tiếng Khmer hay Phạn*), vị thứ ba là Bà Hà Đa Lăng (婆何多陵chưa xác định được tên tiếng Khmer hay Phạn*), vị thứ tư là Xá Ma Lăng (舍摩陵chưa xác định được tên tiếng Khmer hay Phạn*), và vị thứ năm là Nhiêm Đa Lâu (髯多婁chưa xác định được tên tiếng Khmer hay Phạn*), và các tiểu thần. Khi yết kiến nhà vua thì phải đứng dưới thềm điện lạy ba lạy đầu sát đất. Vua cho gọi lên thì lập tức phải quỳ, lấy hai tay ôm vai, đi quanh chiếc vòng ngọc của nhà vua rồi ngồi. Sau khi thảo luận xong các vấn đề chính sự, họ lại quỳ xuống mà rời đi. Thềm cung điện và các cửa ra vào có đến hơn nghìn lính thị vệ mặc giáp cầm trượng đứng gác. Nước này với hai nước Tham Bán (參半), Chu Giang (硃江) sống hòa thuận và thân thiết, nhưng nhiều lần lâm chiến với hai nước Lâm Ấp và Đà Hoàn (陀桓). Man chúng kể cả khi làm việc hay nghỉ ngơi đều mặc giáp cầm trượng, phòng khi chinh phạt thì sử dụng. Theo phong tục, nếu không phải là con trai của người vợ chính thì không thể nối ngôi. Trong những ngày mới lên ngôi, toàn thể anh em trai của vua đều phải chịu hình phạt tàn bạo như chặt ngón tay, cắt mũi, cung cấp cho sống biệt xứ, không được tiến thân bằng con đường làm quan.

Man chúng dáng người nhỏ, sắc đen. Phụ nữ cũng có người trắng vậy. Tất cả đều búi tóc và đeo khuyên tai, nhanh nhẹn, tính khí mạnh mẽ. Nhà cửa và đồ dùng tương tự như người Xích Thổ vậy. Dùng tay phải làm những công việc sạch sẽ, tay trái làm công việc uế tạp. Sáng nào cũng tắm rửa, lấy cành dương liễu để xỉa răng, tụng đọc kinh kệ. Sau đó lại tắm rửa rồi mới ăn, ăn xong lại dùng cành dương liễu để xỉa răng, rồi lại tụng đọc kinh kệ. Ăn uống nhiều sữa đông, đường cát, gạo tẻ, bánh gạo. Khi muốn ăn, họ lấy món canh hầm nhiều loại thịt trộn với bánh gạo, rồi dùng tay bốc ăn. Để lấy vợ, người nam chỉ cần đưa cho nhà gái một bộ quần áo, chọn ngày rồi nhờ bà mối đến đón dâu.  Cả hai gia đình bên nam bên nữ trong cả 8 ngày không ra khỏi nhà, cả ngày lẫn đêm đều đốt đèn không dứt. Ngay sau khi xong đám cưới thì người chồng cùng cha mẹ phân chia tài sản để sống riêng. Cha mẹ chết thì những người con trai chưa kết hôn chia nhau số gia tài còn lại. Nếu hôn nhân chấm dứt thì tài sản sẽ bị sung công. Khi có tang, con trai, con gái đều phải nhịn ăn trong 7 ngày, bứt tóc gào khóc, tăng ni, đạo sỹ, thân bằng cố hữu đều tập họp, và cử nhạc đưa tiễn. Lấy gỗ ngũ hương để thiêu xác, thu tro cốt lấy bình vàng bình bạc mà chứa, rồi táng xuống vùng nước lớn. Nhà nghèo có thể dùng hũ sành, nhưng phải vẽ màu. Cũng có khi không thiêu thì đưa thi thể vào rừng để mặc thú dữ ăn thịt.

Đất nước này phía bắc nhiều núi đồi, phía nam lắm sông đầm, khí đất rất nóng, không sương tuyết, nhiều khí hại, trùng độc. Thổ nhưỡng phù hợp với loại lúa gié thơm ngon, ít lúa nếp, so với Nhật Nam và Cửu Chân thì ít rau. Những loại khác biệt có cây Bà Na Sa (婆那娑 पनस*, panasa - mít), không có hoa, lá giống lá hồng (Diospyros kaki*), to như quả bí đao; cây Yểm La (奄羅 आम्र* amra - xoài), hoa lá giống như táo, trái giống trái mận vậy; cây Bì Dã (毗野) [14], hoa giống hoa mộc qua, lá giống lá mơ, quả như quả dó (Rhamnoneuron balansae, thuộc họ Trầm Thymelaeaceae*); cây Bà Điền La (婆田羅) [15] hoa lá quả giống hệt táo, nhưng có chút khác biệt; cây Ca Tất Đà (歌畢佗) [16] hoa giống (林檎 lâm cầm) hoa hồng (Malus asiatica* thường gọi quả tần Malus domestica*, chi Annona squamosa*) lá như lá du (Ulmaceae*) nhưng to dày, quả giống quả mận, loại cây này to mà cao. Còn lại hầu hết giống Cửu Chân. Dưới biển có loài cá có tên là Kiến Đồng, có 4 chân, không vảy, mũi như mũi voi, hút nước phun lên, cao năm sáu mươi thước (1 thước = 0.33cm*) [17]. Có loài cá nổi trên hồ, hình dáng như cá […], mỏ như mỏ vẹt, có 8 chân. Hầu hết những con lớn, nửa thân nhô lên mặt nước, nhìn như trái núi vậy [18].   

Cứ đến tháng 5 tháng 6 hàng năm, khí độc lưu hành, tức thì người ta đem lợn trắng, trâu trắng, dê trắng đến ngoài cổng thành phía tây để hiến sinh cúng tế. Nếu không thì ngũ cốc không được mùa, vật nuôi lăn ra chết, con người bị dịch bệnh.

Gần đô thành có núi Lăng Cà Bát Bà (陵伽缽婆) [19], trên núi có đền thờ, luôn luôn có 5000 lính gác ở đó. Phía đông thành có vị thần tên là Bà Đa Lợi (婆多利) [20] khi tế phải dùng thịt người. Mỗi năm nhà vua phải giết một người để tế và cầu xin thần vào ban đêm, cũng có đến 1000 tên lính thủ vệ ở đó. Lẽ nào lại kính quỷ thần như vậy. Hầu hết đều thờ phụng Phật pháp, nhưng cũng rất tin vào đạo sĩ, Phật tử và đạo sĩ đều đặt tượng thờ tại các công quán.   

Đại Nghiệp năm thứ 12 (Tùy Dạng đế, năm 616), sai sứ giả sang cống tiến, Hoàng đế tiếp đãi thậm hậu, sau đó chấm dứt.
_____________________________

Người dịch: Hà Hữu Nga

Nguồn: 隋書/ 82,卷八十二,列傳第四十七,南蠻.Tùy thư/ Quyển bát thập nhị - Liệt truyện, Đệ tứ thập thất.

Ghi chú của người dịch
  
 [1] Quận Nhật Nam (日南), do nhà Tây Hán đặt ra, thời Nam triều kết thúc, nhập vào nước Lâm Ấp. Từ triều Tùy (581-618 SCN) trở về nhà Hán (206 TCN – 220 SCN) là quận Cửu Chân, thời nhà Tấn (265-316) đất cũ quận Cửu Đức khôi phục lại thành quận Nhật Nam. Sau khi Tùy Dượng đế diệt Lâm Ấp, thu phục đất cũ quận Nhật Nam của nhà Hán, phân ra thành 3 quận Bỉ Cảnh, Hải Âm, và Lâm Ấp. Toàn bộ vùng đất thời nhà Tần thuộc Tượng Quận, nhà Hán diệt nước Nam Việt (năm 111 TCN), lại vốn thuộc nước Nam Việt được sắp xếp thành 10 quận Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phổ, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai, Đạm Nhĩ và Tượng Quận, thuộc thứ sử bộ Giao Chỉ, còn quận Nhật Nam lại cai quản huyện Chu Ngô, huyện Bỉ Cảnh, huyện Tây Quyển, huyện Lô Dung và huyện Tượng Lâm. Thời Tây Hán có hơn 1.4000 hộ, nhân khẩu ước khoảng 6.9000 người. Tân triều, quận Nhật Nam đổi gọi là Nhật Nam đình ( đình, cơ quan hành chính cấp cơ sở thời Tần Hán, 10 dặm là 1 đình, 10 đình là 1 hương), thời Đông Hán khôi phục tên quận Nhật Nam. Vùng đất này xưa kia từng nhiều lần nổi loạn công kích đốt phá dinh thự quan quyền. Thời Đông Hán mạt, Khu Liên phản Hán, giết huyện lệnh Tượng Lâm, lập ra nước Lâm Ấp. Nhà Ngô thời Tam quốc Lâm Ấp đã từng đánh chiếm huyện Lô Dung, sau thời nhà Tùy bị Tây Tấn thu phục. Từ thời nhà Lương Nam triều trở đi, nước Lâm Ấp hướng ra bắc đánh chiếm quận trị vốn thuộc Nhật Nam là Tây Quyển, và các huyện thuộc quận này. Tùy Đại Nghiệp nguyên niên (năm 605), Tùy Dượng đế phát binh diệt Lâm Ấp, chiếm được vùng đất cũ thuộc quận Nhật Nam, lập 3 châu là Đãng Châu, Nông Châu, và Trùng Châu. Đại Nghiệp năm thứ 3 (607) cải châu thành quận, lấy Hoan Châu, quận Cửu Đức đời Tấn, làm quận Nhật Nam. [(漢書地理誌第八下“Hán thư, Địa lý chí, đệ bát hạ”; “Tống thư chí, đệ nhị thập bát châu quận tứ” 宋書誌第二十八州郡四; “Hậu Hán thư quyển bát thập lục nam man tây nam di liệt truyện đệ thất thập lục” 後漢書卷八十六,南蠻西南夷列傳,第七十六.)]

[2] Sát Lợi () gốc Phạn là Ksatriya क्षत्रिय, đẳng cấp chiến binh hoặc thuộc hoàng gia.  Trong Ekottara Agama Sutra, Tăng nhất Ahàm Kinh (增壹阿含經), Đức Phật tuyên bố 吾姓 Ngô tính Sát Lợi - Phụ danh của ta là Ksatriya (Taisho Tripitaka vol. 125, Book 46, Dialogue 6). Jenner Philip N., A Dictionary of Angkorrean Khmer, p.60; Xem Aspell, William (2013). Southeast Asia in the Suishu: A Translation of Memoir 47 with Notes and Commentary. Asia Research Institute Working Paper Series No. 208.

 [3] Chất Đa Tư Na (質多斯那) vua Chân Lạp चित्रसेन* Citrasena [Người có ngọn lao sáng*] (Pelliot, Paul 1903, Le Fou-Nan, BEFEO 3, pp. 248-303). Không có bi ký tiền Angkor nói về một vị thủ lĩnh tối cao là kuruň, còn trong thời nhà Tùy thì không có bi ký Khmer nào có tên một vị vua. Các thủ lĩnh tối cao và một số thủ lĩnh cấp thấp hơn, trong thế kỷ thứ 7 mang tước vị Khmer là vrah kamratáň, chỉ thấy trong tiếng Khmer, không thấy trong chữ Phạn; và tước vị thủ lĩnh duy nhất rõ ràng được gọi là kuruňkuruň Malen, có lẽ là một vị trí ở Battambang hoặc Pursat, trong bi ký K. 451/A.D. 680. Xem Vickery, Michael 1998, Society, Economies, and Politics in Pre-Angkor Cambodia: the 7th-8th Centuries, Tokyo, The Centre for East Asian Cultural Studies for Unesco/The Toyo Bunko. tr. 36, 44, 138, 188-189, 196-197, 249-250, 361.; Về kuruň bnam, xem Finot, Louis 1911, Sur quelques traditions indochinoises, In Mélanges d'indianisme offerts par ses élèves à M. Sylvain Levi, Paris, Ernest Leroux, pp. 193-212.; Jacques, Claude 1979, Funan, Zhenla. The Reality Concealed by These Chinese Views of Indochina, In Early South East Asia. Essays in Archaeology, History and Historical Geography, Ed. By R. B. Smith and W. Watson, New York/Kuala Lumpur, Oxford University Press, p. 375.; 馮承鈞[4] (2005):中国南洋交通史》,130, 上海古籍出版社. Phùng Thừa Quân: “Trung Quốc Nam Dương giao thông sử”, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, đệ 130 hiệt chú).

[4] Phùng Thừa Quân (馮承鈞 1887-1946), tự Tử Thành, người Hán Khẩu, Hồ Bắc, là sử gia, nhà ngôn ngữ học, lịch sử địa lý học. Thời trẻ, Phùng Thừa Quân du học tại Bỉ, sau đó vào đại học Paris, năm 1911 là cử nhân của đại học Paris. Sau đó vào Viện hàn lâm Khoa học Pháp, theo học nhà Hán học Hòa Bá Hi Hòa (Pelliot). Ông thông thạo các ngôn ngữ Pháp, Anh, Đức, Flanders, Latin, Phạn, Mông Cổ. Suốt đời theo đuổi nghiên cứu lịch sử giao thông Trung Quốc với nước ngoài, dịch rất nhiều sách, các tác phẩm ông viết có: “Tây Vực địa danh”, “Trung Quốc Nam Dương giao thông sử”, “Tây Vực sử địa thích danh”, hiệu đính, chú thích có các công trình: “Doanh nhai thắng lãm giáo chú”, “Tinh tra thắng lãm giáo chú”; dịch các tác phẩm: “Mã khả bột la hành kí”, “Đa tang mông cổ sử”, “Tây đột quyết sử liệu”, v.v.

 [5] Y Xa Na Tiên (伊奢那先) Isanasena = Isanavarman gắn liền với thành Dvaravati. Theo Peliot thì thật khác thường là Dvaravati lại không thấy trong các bi ký, so với hơn 200 bi ký được ghi lại trong thế kỷ đầu tiên [thế kỷ VII SCN] của Chân Lạp, và việc không hề có địa điểm Dvaravati đã cho thấy sự phong phú của các công trình kiến trúc ईशानपुर* Isanapura Thiên thành* 伊賞那補羅城* Y Thưởng Na Bổ La thành, nay là Sambor Prei Kuk, tỉnh Kompong Thorn. (Pelliot, Paul 1903, Le Fou-Nan, BEFEO 3, pp. 248-303). Coedès chỉ nắm bắt được vấn đề này vào những năm 1940. Bắt đầu với “di chỉ Na Phú Na vẫn còn bí ẩn”, ông đã đọc bi ký K.49, có niên đại 664, trong thời Jayavarman I [जयावर्मन्*], và được phát hiện gần Ba Phnom. Bi ký nói về một nhóm thành viên hoàng gia đã được đưa đến đó bởi vị sadhu [साधु* bậc thánh, hiền nhân] sống ở Naravaranagara [नरवरनगर* naravaranagara], vì đó là cội nguồn của một nhóm hoàng gia, nên nó phải là kinh đô của Jayavarman I, và cái tên đó rất khớp, hệt như cái tên navanagara [नवनगर* Tân Thành] không được chứng thực của Pelliot ăn khớp với các chữ phiên âm Na Phất Na [那弗那城*] vậy. Do đó kinh đô của Jayavarman I “có lẽ ở Angkor Borei, một di chỉ khảo cổ học rất quan trọng, mà ở gần đó đã phát hiện được vài bi ký [Jayavarman I]”, và là nơi mà có lẽ ông đã xây dựng kinh đô của mình sau triều đại [ईशानवर्मन्*] Īṡānavarman, và kinh đô của vị vua này thì ở Sambor Prei Kuk thuộc tỉnh Kompong Thorn ở miền trung của đất nước [Coedès, George 1943-46, Quelques précisions sur la fin du Fou-nan, BEFEO 43, pp. 1-8].

[7] Ngũ hương (五香) là một khái niệm của Phật giáo và có những nội hàm vừa giống lại vừa hơi khác nhau, đó là: i) năm loại hương được chôn xuống đất cùng 5 vật báu, 5 loại hạt khi lập đàn tu pháp Mật giáo, gồm trầm hương, bạch đàn hương, đinh hương, uất kim hương và long não hương [(成就妙法蓮華經王瑜伽觀智儀軌》資料底本:大正新脩大正藏經 Vol. 19, No. 1000 (“Thành tựu diệu pháp liên hoa kinh vương du già quan trí nghi quỹ”, Tư liệu để bản: Đại chánh tân tu đại chánh tàng kinh Vol. 19, No. 1000)]; ii) Năm thứ hương mà hành giả Mật giáo sắm sửa đầy đủ khi tu pháp, để giúp cho việc tu trì tụng các chân ngôn được thành tựu, gồm: trầm thủy hương, bạch đàn hương, tử đàn hương, sa la hương và thiên mộc hương. (蘇悉地羯羅經 Susiddhikara-mahātantra-sādhanopāyika-paṭala, Tô tất địa yết la kinh); iii) Năm loại hương thông dụng trong Phật bộ, Liên hoa bộ, và Kim cương bộ của Mật giáo, gồm: Sa đường, Thế lệ dực ca, Tát chiết la sa, Ha lệ lặc, thạch mật (蘇悉地羯羅經, 卷上《香品Tô tất địa yết la kinh, Phân biệt thiêu hương phẩm); iv) Năm loại được sử dụng khi tu pháp Khổng tước, đó là: Trầm hương, bạch giao hương, tử hương, an tức hương, và huân lục hương; v) Còn có ngũ phần hương, ngũ phần pháp hương là hương thanh tịnh của 5 phần pháp thân, đó là: Giới hương, Định hương, Tuệ hương, Giải thoát hương, và Giải thoát tri kiến hương (Đại tạng pháp, Q. 33) (Phật giáo Việt Nam (2000). Phật quang Đại từ điển, quyển 3, tr.3417-3418).

[8] Thất bảo (七寶) với văn hóa Phật giáo Ấn Độ, đó là: i) bảy thứ ngọc báu gồm: vàng, bạc, lưu li, pha lê, xà cừ, xích châu, và mã não.; ii) để chỉ 7 báu vật của Chuyển luân Thánh vương, đó là: luân báo (bánh xe), thượng bảo (voi), mã bảo (ngựa), châu bảo (ngọc), nữ bảo (con gái), cư sỹ bảo (cũng gọi là chủ tạng bảo, chủ kho), và chủ binh thần bảo (tướng quân). [( “Trường A hàm kinh” Quyển 6, T01, No. 1, p. 39, b6-9.; “Trung A hàm kinh” Quyển 11, T01, No. 26, p. 493, a12-15.; “Tăng nhất A hàm kinh”, Quyển 1, T02, No. 125, p. 552, a14-19.)]

[9] Văn mộc (文木): là tên loài cây, “Ngô đô phú” của Tả Tư viết: “Văn tương trinh cương” (欀楨橿). Lưu Quỳ chú: “Văn chính là gỗ văn vậy, sắc đen như sừng trâu, chỉ có ở phương nam.” Cây tương thì Lý Thiện chú “Ngô Đô phú” xác định: trong vỏ có vụn gỗ như cám gạo vậy, đập ra thì khô, ngâm vào nước có thể làm thành bánh, giống như bột; loài man nửa người nửa cá (盧亭 Lô Đình [10]) ở Giao Chỉ có loại bánh này. Còn cây trinh thì thuộc họ mộc tê, thân cao, lá tròn, hoa trắng, trái đen hình bầu dục dùng làm thuốc, gỗ dùng đóng thuyền. Cây cương 橿 còn có tên là Ức, một loài cây gỗ cứng, thường dùng làm cán bừa, làm cung, tục gọi là vạn niên mộc. Sách Nhĩ nhã gọi là cây Thích.

[10] Lô Đình (盧亭), còn gọi là người cá Lô Hanh, người cá Lô Đình, là truyền thuyết về một chủng sinh vật nửa người nửa cá, người Trung Quốc thời Đông Tấn biến hình ảnh thủ lĩnh Lô Tuần (năm ? - 411) mà thành, sống trên núi Đại Hề Sơn (大奚山,nay cùng các đảo nhỏ Hương Cảng gọi chung là Đại Tự Sơn 大嶼山), tương truyền là thủy tổ của người Đản Gia (蜑家). Ở đây có một làng chài nổi tiếng tên là Đại Áo (Tai Ô) cùng với dải quần đảo Vạn Sơn Châu Hải, có một nhóm tộc người huyền bí. Có quan hệ đến truyền thuyết huyền bí về họ, lưu truyền từ thời Đông Tấn (317-420) đến nay. Cái gọi là “người cá Lô Hanh”, hoặc “người cá Lô Đình” đều mang chút dáng vẻ gần gũi với một nhóm người có điều khác lạ, trong truyền thuyết Hương Cảng có nói trên thân thể họ thường có vảy, hơn nữa họ lại còn thích hút máu gà. Thỉnh thoảng họ lấy cá bắt được đem đổi lấy gà của cư dân Đại Áo, thậm chí họ còn lẻn vào nhà nông dân bắt trộm gà. Sách “Quảng Đông tân ngữ” (廣東新語) nhà Thanh viết: “Có chủng Lô Đình thấy nhiều ở Đại Ngư Sơn, Tân An, và Nam Đình, Vạn Sơn. Chúng sinh trưởng giống như người, có đực cái, râu tóc xém vàng mà ngắn, con ngươi mắt cũng có sắc vàng, nhưng xạm, đuôi dài chừng một tấc (mười phân), nhìn thấy người tất sợ hãi mà lặn xuống nước, thường thường nương theo sóng mà lướt đến, người ta coi chúng là yêu ma, tranh nhau mà đuổi đi vậy. Có người bắt được con cái, bắt phục dịch, không biết nói năng, mà chỉ biết cười mà thôi, ở lâu thì cũng biết mặc quần áo và ăn ngũ cốc, mang đến Đại Ngư Sơn rồi lặn xuống nước, đại để loài nhân ngư đó không làm hại người ta vậy”. 

[11] Tuy nhiên cụm từ 朝霞 triều hà” này vẫn gây tranh cãi, Hirth và Rockhill [(Hirth Friedrich and W. W. Rockhill (1911). Chau Ju-kua, his work on the Chinese and Arab trade in the twelfth and thirteenth centuries, entitled Chu-fan-chï. Translated from the Chinese and Annotated by Friedrich Hirth and W. W. Rockhill (St. Petersburg: Printing Office of the Imperial Academy of Sciences, 1911, p.218)] cho 朝霞 “triều hà” là phiên âm của từ tiếng Sanskrit kauseya, कौशेय có nghĩa là tơ lụa. Còn Beal và Pelliot thì lại hiểu 朝霞布 theo nghĩa đen, là buổi sáng, bình minh hoặc hoàng cung; còn nghĩa là những tia sáng màu hồng thẫm, rực rỡ hệt như bầu trời lúc bình minh vậy (Beal, Samuel (1884) Buddhist Records of the Westwen World, Vol. I. London, p.166.). Theo cách hiểu đó, Pelliot diễn giải cụm từ trên là “ánh hồng-bình minh” (Pelliot, Paul (1959). Note on Marco Polo I : Ouvrage Posthume, Paris, p.453)). 

[12] Cổ bối (古貝) có gốc tiếng Phạn là karpasa (कार्पास*) - vải bông. “Nam sử” nói cổ bối là cây (thụ), “Tân đường thư” cho là cỏ (thảo). Nếu là cỏ thì thân cây bông phải là loại thân thảo. Nếu là cây (thụ) thì khiến cho người ta phải chấp nhận sự khác biệt chứ không thể lẫn lộn được. Hoa cây gạo (thụ) so với hoa miên thảo (thảo) cũng có sợi tơ mịn màng, hệt như cổ bối và vải gai vậy. Vải gai gọi là trữ ma bố (苧麻布). Sách “Nam sử, Di mạch truyện thượng, Lâm Ấp quốc” viết: “Cổ bối là tên cây vậy, hoa của nó nở ra hệt như lông tơ thiên nga, lấy tơ đó để xe sợi dệt thành vải, vải ấy so với vải sợi gai không khác.” (布與紵布不殊 bố dữ trữ bố bất thù) “Tân Đường thư, Địa lý chí tứ”: “Dĩnh Châu Phú Thủy quận, thổ cống: trữ bố.”

[13] Bạch điệp (白疊) là loại vải sa bằng bông sợi nhỏ. “Sử kí, Hóa thực truyện” viết: “Tháp bố, da nghìn thạch.” Bùi Nhân tập giải dẫn “Hán thư âm nghĩa” nói: “Tháp bố chính là vải bạch điệp vậy.” [Bùi Nhân, tự Long Câu, người Văn Hỷ, Hà Đông, nay là Văn Hỷ, Sơn Tây, sử gia Nam Triều (420-589). Là con của Bùi Tùng Chi, kế thừa truyền thống học hành của gia đình, quảng bác, lịch duyệt, kiến văn rộng rãi, làm quan đến Nam Trung Lang tham quân, nhờ chú giải sử thư mà danh nổi như cồn. “Sử ký tập giải” của ông là tác phẩm chú giải Sử ký bất hủ.]. Còn Tư Mã Trinh (679-732) dẫn “Ngô lục” viết: “Có loại vải quận Cửu Chân gọi là bạch điệp.” Trương Thủ Tiết viết trong sách “Chính nghĩa”: “Bạch điệp, làm bằng bông hoa gạo, Trung Quốc không có vậy.” 

[14]. Về cây Bì dã (毗野), William Aspell trong chú thích 97 cho rằng: “Dựa vào mô tả về hoa, quả và lá của loại cây bì dã này thì có thể đó là cây bael, tiếng Phạn là Bila hoặc Bilwa (Aegle marmelos), cây Mộc qua (木瓜 Pseudocydonensis Sinesis) Trung Quốc có hoa 5 cánh màu hồng nhạt, giống với hoa 5 cánh của cây bael. Lưu ý Mộc qua 木瓜 cũng có nghĩa là đu đủ (papaya) gần đây mới được đưa tới khu vực này từ Châu Mỹ Nhiệt đới, cả mai (apricot) và bael đều có lá hình bầu dục. Quả chưa chính của cây dâu giấy (Broussonetia papyrifera) hình tròn giống như quả bael, mặc dù quả bael lớn hơn và có vỏ dai cứng. Giống những loại quả khác được đề cập đến ở phần này, bael là một loại cây bản địa của Ấn Độ” (Aspell, William (2013). Southeast Asia in the Suishu: A translation of Memoir 47 with Notes and Commentary, In Asia Research Institute Working Paper Series, No. 208, National University of Singapore.) Trước hết, trong ghi chú này có vài điều cần lưu ý: Cây bael còn gọi là Táo vàng (Golden Apple), Bengal Quince, Bilwa, Bilva. Ở Việt Nam gọi là Bầu nâu, cây trái nấm, cây Quách). Đây là loại cây thiêng của người Ấn Độ, được sử dụng cho các nghi lễ tôn giáo. Cây này tiếng Phạn là बिल्व Bilva (Aegle marmelos - Bot.), dịch sang tiếng Anh là wood-apple tree. Tuy nhiên trong tiếng Phạn thì riêng cái tên Bila (बिल*, Calamus Rotang - Bot.*) lại chỉ có nghĩa là cây mây, song, chứ không phải là Aegle marmelos.  

[15] William Aspell ở ghi chú 98 cho đó là loài táo tên tiếng Phạn là बदर* badara Ziziphus mauritiana.

[16] William Aspell ở ghi chú 99 cho đó là loài táo tên tiếng Phạn là कपित्थक* Khapittha Feronia elephantum.

[17] William Aspell ở ghi chú 100 cho đó là cá voi, giống các mô tả huyền thoại về loài makara trong nghệ thuật tiền Angkor.

[18] William Aspell ở ghi chú 101 viết: “Ngoại trừ 8 chân, có vẻ như lại phản ánh nghệ thuật huyền thoại, đây có lẽ mô tả một con cá heo sông Irrawaddy, giờ đây vẫn còn thấy một ít trên sông Mekong, về phía bắc nước Lào, loài động vật có vú hô hấp không khí này phải nổi trên mặt nước, cái mồm như mỏ vẹt có thể so sánh với một loài cá khác, đó là cá Hoàng Thiện (黃鱔 Monopterus albus lươn đầm lầy). Có đôi chút khả năng cho một ứng viên khác là con dugong (bò biển*). Loài này không thấy trong các thủy vực lục địa, mà chỉ thấy ở các cửa sông và các vùng nước xoáy ven biển, có mõm cong xuống như mỏ vẹt.

[19] Coedès cho đó là Núi Linga - Lingaparvata, (George Coedes, The Indianized States of Southeast Asia, 1968, Honolulu, East West Centre Press, pp.65-66)

[20] Coedès xác định Bà Đa Lợi là Bhadresvara, tức Shiva. (George Coedes, The Indianized States of Southeast Asia, 1968, Honolulu, East West Centre Press, pp.65-66)

* Những chỗ có đánh dấu (*) cũng là ghi chú của người dịch.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét